SƠ BỘ NGHIÊN CỨU TỈ LỆ LÂY TRUYỀN HIV/AIDS TỪ MẸ
SANG CON GIAI ĐOẠN TRONG TỬ CUNG
TÓM TẮT
Mục tiêu: Sơ bộ xác định tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giai đoạn
trong tử cung và một số yếu tố liên quan đến tỉ lệ này.
Phương pháp nghiên cứu: Một nghiên cứu cắt ngang mô tả đã được thực
hiện tại Bệnh viện Từ Dũ trên 45 cặp thai phụ và con, trong thời gian từ tháng 1
năm 2005 đến tháng 6 năm 2005. Trẻ được chẩn đoán là nhiễm HIV trong tử cung
khi có hai mẫu máu cuống rốn cùng dương tính với thử nghiệm PCR HIV-DNA
(dùng hai căp mồi khác nhau). Mẫu thu thập bao gồm máu toàn phần của mẹ tại
thời điểm sanh và máu cuống rốn. Tiêu chuẩn chọn mẫu: các trường hợp thai phụ
chuyển dạ vào bệnh viện Từ Dũ, có chẩn đoán nhiễm HIV qua test nhanh hoặc
ELISA, sau khi đã được tham vấn và đồng ý tham gia vào nghiên cứu. Tiêu chuẩn
loại trừ: Thai phụ có PCR HIV-DNA âm tính từ mẫu máu thu thập được.
Kết quả:Tỉ lệ lây truyền HIV cho con giai đoạn trong tử cung là 6,67%.
Một số yếu tố liên quan đã được tìm thấy trong nghiên cứu này: thai nhẹ cân ở thời
điểm sanh, mẹ sử dụng ma túy trong thai kì, mẹ có tỉ lệ CD4 thấp < 21% có liên
quan với nguy cơ lây truyền HIV cho con ở giai đoạn trong tử cung.
Kết luận: Tỉ lệ lây truyền HIV cho con giai đoạn trong tử cung là 6,67%
phù hợp với kết quả của các tác giả trong khu vực. Đây là vấn đề cần được đầu tư
nghiên cứu thêm.
ABSTRACT
Objective: The transmission rate from mother-to-child in-utero and some
associated factors.
Methods: A cross-sectional study was performed at Tu Du hospital for 45
pairs of mother-child from January 2005 to June 2005. Newborns are diagnosed
infected in-utero with HIV if the cord blood samples are positive when a PCR test
is performed using at least 2 primers. Included criterias: pregnant women in labor
diagnosed as HIV positive by the serologic test. Excluded criterias: patients which
the whole blood is negative when HIV-DNA PCR is used to confirm HIV infected
status.
Results: The overall transmission rate was 6.67%. Some associated factors
were found, including low weight at birth newborns, drug abuse in pregnancy and
lower maternal CD4 cell percentage of 21%.
Conclusions: The estimated transmission rate 6.67% is consistent with
some previous studies and requires more analyses.
MỞ ĐẦU
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình phối hợp phòng chống
AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS), đến cuối năm 2005, trên toàn cầu có khoảng
38,6 triệu (33,4-46,0 triệu) người nhiễm HIV(12). Tình hình diễn biến của dịch
đang trở nên phức tạp tại Việt Nam, với khoảng 37.000 ca nhiễm mới trong năm
2005, trung bình hơn 100.000 người mỗi ngày. Thành phố HCM chiếm 10% dân
số cả nước nhưng chiếm đến 20% số người nhiễm HIV của cả Việt Nam, trở thành
vùng dịch tễ quan trọng nhất cả nước với tỉ lệ có 1,2% người nhiễm HIV ở độ tuổi
từ 15-49(11,2).
Trước tình hình điều trị với những phác đồ phối hợp nhiều thuốc chống
HIV quá tốn kém, hiệu quả có nhiều giới hạn, cả thế giới đang tập trung tìm cách
giảm tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con. Thời điểm lây nhiễm có liên quan đến biện
pháp can thiệp nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm(6). Nhiều nghiên cứu trên thế
giới đã được tiến hành nhằm phân tích nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở
từng giai đoạn của thai kì. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá về mức
độ LTMC ở điều kiện thực tế tại TP. HCM nói riêng và VN nói chung.
Với lí do trên, chúng tôi quyết định tiến hành một nghiên cứu với mục tiêu
bước đầu xác định tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong tử cung và một số yếu
tố liên quan đến tỉ lệ này, tạo tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thiết kế nghiên cứu
Cắt ngang. Nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ, từ tháng
1/2005 đến tháng 6/2005.
Chúng tôi xác định tỉ lệ trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ giai đoạn trong tử cung
dựa vào tỉ lệ PCR máu cuống rốn dương tính và khảo sát tỉ lệ trẻ nhiễm HIV từ
giai đoạn trong tử cung phân bố theo một số yếu tố liên quan. Trẻ được chẩn đoán
là nhiễm HIV trong tử cung khi có hai mẫu máu cuống rốn cùng dương tính với
thử nghiệm PCR HIV-DNA(4). Mẫu thu thập bao gồm máu toàn phần của mẹ tại
thời điểm sanh và máu cuống rốn. Tiêu chuẩn chọn mẫu: các trường hợp thai phụ
chuyển dạ vào bệnh viện Từ Dũ, có chẩn đoán nhiễm HIV qua test nhanh hoặc
ELISA sau khi đã được tham vấn và đồng ý tham gia vào nghiên cứu. Tiêu chuẩn
loại trừ: Thai phụ có PCR HIV-DNA âm tính từ mẫu máu thu thập được.
Số liệu được nhập và xử lí bằng phần mềm SPSS phiên bản 11.5.
KẾT QUẢ
Trong thời gian nghiên cứu, 45 trường hợp vào sanh tại bệnh viện Từ Dũ đã
được chọn vào mẫu nghiên cứu. Trong 45 trẻ sanh ra từ những thai phụ nói trên, 3
trường hợp có PCR máu cuống rốn dương tính, tỉ lệ lây truyền tính được là 6,67%
(95 % CI, 1,3-18,26%).
Bảng 1. Một số đặc điểm của thai phụ
Tần số (%)
Tuổi
< 25
31 (68,9%)
≥ 25
14 (31,1%)
Tiền thai
Con so
36 (80,0%)
Con lần II
7 (15,6%)
Con lần III
1 (2,2%)
Con lần IV
1 (2,2%)
Nghề nghiệp
Nội trợ
20 (44,4%)
Công nhân
12 (26,7%)
Buôn bán
10 (22,2%)
Khác
3 (6,7%)
Trình độ văn hóa
Mù chữ
3 (6,7%)
Cấp I
9 (20,0%)
Cấp II
22 (48,9%)
Cấp III
9 (20,0%)
Đại học
2 (4,4%)
Tình trạng hôn nhân
Có chồng
42 (93,4%)
Li thân, li dị
2 (4,4%)
Góa
1 (2,2%)
Số bạn tình
1 người
42 (93,4%)
2 người
3 (6,7%)
Nghề nghiệp của chồng
Thợ hồ
(28,89%)
Lái xe
(26,67%)
Công nhân
(22,22%)
Buôn bán
(15,56%)
Khác
(6,67%)
Nhận xét :
- Thai phụ dưới 25 tuổi chiếm 69%. Trong đó, tỉ lệ thai phụ con so chiếm
80%. Có 75,6% thai phụ trình độ học vấn trung bình. Đa số thai phụ chỉ có một
bạn tình, 93,3%.
- Nghề nghiệp của chồng/bạn tình đa số thuộc nhóm làm thợ hồ và lái xe,
chiếm 55,6%.
Bảng 2. Phân bố trẻ nhiễm HIV theo một số đặc điểm của thai phụ
PCR (+)
PCR (–)
p
Tuổi mẹ
< 25
3
28
0,54
≥ 25
0
14
PARA
Con so
3
33
1
Con rạ
0
9
Trình độ VH
Trên cấp 2
0
11
0,56
Dưới cấp 2
3
31
Hút thuốc
Có
1
3
0,24
Không
2
39
Sử dụng ma túy
Có
2
1
0,009
Không
1
41
OR = 28 (95% CI, 3,45-227,8)
ARV
Không
2
25
1
Có
1
17
CD4
≤ 21 %
3
12
0,03
> 21%
0
30
Sanh non
Có
1
5
0,35
Không
2
37
Cân nặng
< 2500g
2
3
0,02
≥ 2500g
1
39
OR = 26 (95% CI, 1,8-376,3)
Nhận xét: Xem xét các yếu tố có sử dụng ma túy, tỉ lệ CD4 thấp, sanh con
nhẹ cân ta thấy có sự khác biệt về tỉ lệ lây truyền cho con có ý nghĩa thống kê giữa
hai nhóm.
BÀN LUẬN
1. Cho đến hiện nay, sự lây truyền HIV trong tử cung đã được chứng minh.
Với định nghĩa sử dụng trong nghiên cứu này, chúng tôi tìm được tỉ lệ lây truyền
HIV từ mẹ sang con trong tử cung là 6,7% (95% CI, 1,3-18,26%). Mock Philip A
và cs thực hiện PCR trên máu cuống rốn của một cohort 218 cặp mẹ-con và tính
được tỉ lệ lây truyền trong tử cung là 5,5% (95% CI, 3-9)(5). Phuapradit W và cs
thực hiện tại Thái Lan trên thai phụ được bỏ thai bằng misoprostol vào tam cá
nguyệt thứ hai đã báo cáo tỉ lệ 4,9% (95% CI, 0,6-16,5)(7). Như vậy, có thể nguy
cơ lây truyền trong tử cung tăng dần đến cuối thai kì và tỉ lệ lây truyền của thai
phụ Việt Nam có thể cao hơn. Tuy nhiên, một kết luận chính xác đòi hỏi chúng tôi
phải mở rộng thêm cỡ mẫu.
2. Tuổi của đa số thai phụ còn rất trẻ, dưới 25 tuổi chiếm đến 69%. Trong
đó, tỉ lệ thai phụ sanh con so chiếm đến 80%. Thống kê về công việc cũng phản
ánh được phần nào tình hình dịch HIV đang trở nên phổ biến ở tất cả các thành
phần xã hội, đặc biệt giới công nhân chiếm 28,7%. Có một tỉ lệ cao thai phụ nhiễm
HIV/AIDS trình độ học vấn trung bình (từ cấp 2 trở xuống với 75,6%), tương tự
như tổng kết của Vũ Thị Nhung và cộng sự năm 1996-2003(13). Đa số phụ nữ khi
được hỏi đều trả lời chỉ có quan hệ tình dục với chồng, 93,3%. Trong khi đó, nếu
quan sát về nghề nghiệp của chồng/bạn tình của những phụ nữ này, tỉ lệ người đàn
ông có những công việc phải đi xa thường xuyên, không ổn định chiếm đa số:
nhóm làm thợ hồ và lái xe chiếm 55,6%. Như vậy, phụ nữ nhiễm HIV đa số rất trẻ,
trình độ học vấn trung bình, không phải tất cả đều có quan hệ tình dục với nhiều
người; họ có thể bị lây nhiễm HIV từ chồng hoặc bạn tình đã có sử dụng ma tuý
hoặc quan hệ tình dục không an toàn với đối tượng đã nhiễm, v.v Phụ nữ hiện
nay có thể bị nhiễm từ những nguy cơ mà họ hoàn toàn không biết.
3. Nghiên cứu của chúng tôi không tìm thấy có sự khác biệt về tuổi mẹ, về
yếu tố tiền thai, trình độ học vấn và tuổi thai khi sanh dưới 37 tuần giữa hai nhóm
có và không lây cho con, p > 0,05. Về vấn đề này, các nghiên cứu của Thái Lan
cũng không tìm thấy mối liên quan(5,7).
Điều trị ARV trong thai kì đã được chứng minh làm giảm lây nhiễm từ mẹ
sang con. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, chúng tôi không tìm thấy sự khác biệt
giữa nhóm có và không có dùng ARV trong thai kì về nguy cơ lây truyền trong tử
cung (p > 0,05). Cũng cần lưu ý là với tiêu chí sử dụng PCR máu cuống rốn để xác
định lây truyền trong tử cung, chúng tôi đã chấp nhận có thể không phát hiện được
một số trường hợp lây truyền trễ trong tử cung (ngay trước khi chuyển dạ)(5) mà
ARV sử dụng theo phác đồ ngắn ngày hiện tại chỉ có tác dụng ngăn ngừa lây
truyền trong tử cung giai đoạn trễ này. Điều này có thể giải thích cho sự không
khác biệt giữa 2 nhóm đã nêu ở trên.
Về sử dụng ma túy trong thai kỳ, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt có ý
nghĩa thống kê khi so sánh hai nhóm thai phụ có và không có lây truyền trong tử
cung cho con. Mối liên quan với OR = 28 (95% CI, 3,45-227,58) có thể sẽ trở nên
đáng tin cậy hơn với việc mở rộng cỡ mẫu.
Về tình trạng miễn dịch của nhóm thai phụ được nghiên cứu, chúng tôi xem
xét tỉ lệ phần trăm của CD4. Khi chưa có điều kiện định lượng được nồng độ siêu
vi thì CD4 được dùng như một chỉ số để đánh giá hoạt lực của siêu vi cũng như
tình trạng miễn dịch của cơ the(1,10). Trong nghiên cứu này, chúng tôi tìm thấy có
sự khác biệt, p = 0,03, giữa 2 nhóm có và không có lây truyền cho con. Tuy nhiên
với cỡ mẫu nhỏ và thiết kế nghiên cứu mô tả, yếu tố liên quan chưa thể xác lập
được.
Chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ nhiễm HIV
từ trong tử cung giữa hai nhóm trẻ nhẹ cân và trẻ đủ cân tại thời điểm sanh, với
OR = 26 (95% CI, 1,8-376,3), p < 0,05. Điều này cũng phù hợp với nhiều báo cáo
trước đây của các tác giả Thái Lan và Âu-Mỹ(3,8,9).
4. Nếu thực hiện PCR từ máu toàn phần ở trẻ vừa sanh trong vòng 1 tuần lễ
đầu, độ nhạy của xét nghiệm sẽ thấp và lượng máu lấy mẫu sẽ tương đối cao (5-
10ml). Việc áp dụng kĩ thuật PCR trên mẫu máu cuống rốn, chúng tôi nhận thấy
có nhiều ưu điểm như không xâm lấn, độ chính xác cao, tỉ lệ lây truyền tính được
tương đối phù hợp với y văn.
KẾT LUẬN
Qua một nghiên cứu cắt ngang, với 45 thai phụ vào sanh tại Bệnh viện Từ
Dũ trong thời gian 6 tháng đầu năm 2005, chúng tôi có kết luận như sau:
1. Tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong tử cung là 6,7%.
2. Thai nhẹ cân ở thời điểm sanh, mẹ sử dụng ma túy trong thai kì, mẹ có tỉ
lệ CD4 thấp < 21% có liên quan với nguy cơ lây truyền HIV cho con ở giai đoạn
trong tử cung.
3. Các yếu tố tuổi mẹ, tiền thai, học vấn thấp, sử dụng ARV trong thai kì
không liên quan đến lây truyền HIV từ mẹ sang con trong tử cung.
4. Trẻ sanh non không có nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ ở giai đoạn trong tử
cung cao hơn những trẻ sanh đủ tháng.