VỀ QUY ĐỊNH BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO
DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN BỊ XÂM
PHẠM TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM
VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN
PHẠM KIM ANH
ThS. Phó trưởng Khoa Luật Dân sự, ĐH luật
TP.HCM
I. Khái niệm danh dự nhân phẩm
Trong đời sống hàng ngày, thiệt hại về tài sản, tính
mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân;
tài sản, danh dự, uy tín của các tổ chức, có thể xảy ra
do nhiều tác động khác nhau. Đó có thể là những tác
động khách quan song cũng có thể do các hành vi trái
pháp luật của cá nhân mang lại. Do đó, Nhà nước ta
đã phải sử dụng nhiều biện pháp pháp luật khác nhau
để ngăn chặn và khắc phục những hậu quả đó. Điều
609 Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam quy định: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi
vô ý mà xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh
dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp
pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài
sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác mà gây thiệt
hại thì phải bồi thường”. Điều 615 Bộ luật Dân sự có
đề cập đến thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín
nhưng không nêu rõ khái niệm thế nào là danh dự,
nhân phẩm, uy tín. Điều này có thể dẫn đến nhiều
cách hiểu khác nhau trong thực tế. Do đó, cần xác
định rõ thế nào là danh dự, nhân phẩm, uy tín và hành
vi nào được coi là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy
tín.
Theo chúng tôi, danh dự là sự đánh giá của xã hội đối
với một cá nhân về các mặt đạo đức, phẩm chất chính
trị và năng lực của người đó.
Sự đánh giá của xã hội có thể về mặt lao động như
nói người cần cù, siêng năng hay lười nhác, có thể về
mặt tinh thần thái độ đối với công việc được giao,
trong sinh hoạt cá nhân hay cư xử với mọi người
xung quanh như người đó sống nghiêm túc hay
buông thả, trong quan hệ với mọi người thì thân ái
đoàn kết hay ích kỷ.
Như vậy, danh dự của một con người được hình
thành từ những hành động và cách cư xử của người
đó, từ công lao và thành tích mà người đó có được
qua những năm tháng của cuộc đời và được xã hội
đánh giá theo những tiêu chuẩn và nguyên tắc đạo
đức xã hội chủ nghĩa.
Danh dự là một khái niệm rộng gắn liền với một cá
nhân hoặc một tổ chức nhất định. Danh dự của một
cá nhân bao gồm các yếu tố sau:
- Lòng tự trọng: tức là sự tự đánh giá mình, tự ý thức
về giá trị, vị trí của mình trong xã hội (chà đạp lên
lòng tự trọng của người khác chính là xúc phạm đến
danh dự của người đó).
- Uy tín: chính là giá trị về mặt đạo đức và tài năng
được công nhận ở một cá nhân thông qua hoạt động
thực tiễn của mình tới mức mà mọi người trong một
tổ chức, một dân tộc cảm phục tôn kính và tự nguyện
nghe theo. Trong danh dự có uy tín, phá hoại uy tín
cũng chính là phá hoại danh dự.
Ngoài ra có thể hiểu danh dự bao gồm cả nhân phẩm.
Nhân phẩm là phẩm giá con người, là giá trị tinh thần
của một cá nhân với tính cách là một con người. Chà
đạp lên nhân phẩm của người khác cũng là xúc phạm
đến danh dự người đó.
Danh dự của một tổ chức là sự đánh giá của xã hội và
sự tín nhiệm của mọi người đối với hoạt động của tổ
chức đó.
Nhưng cần phân biệt mặc dù nhân phẩm cũng là một
yếu tố của danh dự, song giữa danh dự và nhân phẩm
cũng có những điểm khác nhau nhất định:
Nếu danh dự được hình thành qua nhiều năm tháng
của cuộc đời và được xã hội đánh giá theo những tiêu
chuẩn và nguyên tắc đạo đức xã hội chủ nghĩa thì
nhân phẩm lại có từ khi con người mới sinh ra. Danh
dự có thể của một cá nhân hay tổ chức, nhưng nhân
phẩm chỉ là một khái niệm được áp dụng đối với cá
nhân. Mặc dù danh dự của một con người được hình
thành từ những hành vi và cách cư xử, từ công lao và
thành tích của người đó có được qua nhiều năm tháng
của cuộc đời và được thừa nhận, nhưng mọi người
dân đều có quyền được bảo vệ danh dự và nhân phẩm
như nhau không phân biệt vào công lao, công tác và
những đặc điểm riêng của người có quyền; những
người không có năng lực hành vi dân sự, những
người mất năng lực hành vi dân sự cũng có quyền
bảo vệ danh dự và nhân phẩm như mọi cá nhân khác.
Cũng giống như những quyền dân sự khác, quyền
được bảo vệ danh dự và nhân phẩm của cá nhân
chấm dứt khi cá nhân đó chết. Tuy nhiên, cũng có
trường hợp vì lợi ích của xã hội đòi hỏi phải phục hồi
danh dự và nhân phẩm cho một cá nhân mặc dù cá
nhân đó đã chết.
Xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm thường thể
hiện bằng cách: Dùng những lời lẽ hoặc hành động
có tính chất thóa mạ khinh bỉ để làm nhục người khác
hoặc gán một sự kiện xấu xa cho người khác làm cho
xã hội đánh giá sai hoặc hình dung sai về người đó.
Sự đánh giá sai sự thật không phụ thuộc vào việc
người đưa ra những tin tức đó vô tình hay cố ý.
Tiêu chuẩn để đánh giá những sự việc nêu ra là xấu
xa hay không xấu xa là những nguyên tắc đạo đức xã
hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, tính chất nghiêm trọng của
những tin tức đưa ra có thể khác nhau tùy theo nhân
thân của người bị hại. Ví dụ: Nếu nói một em học
sinh quay cóp khi thi mà không đúng sự thật thì cũng
là điều đáng chê trách và có thể cũng bị dư luận lên
án, nhưng không nghiêm trọng bằng việc nói một nhà
văn đã ăn cắp văn của người khác.
II. Quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại về
danh dự, nhân phẩm, uy tín và hướng hoàn thiện
Với những điều kiện nhất định, những hành vi nói
trên có thể cấu thành hai tội hình sự : Tội vu khống
và tội làm nhục người khác được qui định tại Điều
116, 117 Bộ luật Hình sự và do đó việc bảo vệ danh
dự, nhân phẩm sẽ được thực hiện bằng những biện
pháp hình sự . Tuy nhiên biện pháp hình sự chỉ áp
dụng được trong trường hợp người thực hiện hai hành
vi nói trên có lỗi cố ý tức người đó phải tự mình bịa
hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm
hạ thấp danh dự người khác. Người có hành vi lăng
nhục thì cố ý dùng những lời lẽ khinh bỉ, thiếu văn
hóa hay những hành động có tính chất thóa mạ để
làm nhục người khác.
Song vì danh dự và nhân phẩm của cá nhân còn bị
tổn thương ngay cả trong trường hợp người loan
truyền những sự kiện sai sự thật, xúc phạm đến người
khác do sơ suất mà tin rằng nó đúng sự thật. Hậu quả
là sự xúc phạm ở đây là làm cho người ta đánh giá sai
về một người nào đó, hoặc là hình dung sai về tư
cách, đạo đức, năng lực của người đó. Sự hình dung
sai hay đánh giá sai này bắt nguồn từ một tin tức sai
sự thật không phụ thuộc vào việc người đưa ra những
tin tức đó vô tình hay cố ý. Trong những trường hợp
đó, danh dự và nhân phẩm của cá nhân, uy tín của
một tổ chức vẫn được khôi phục bằng những biện
pháp dân sự.
Tuy nhiên cần hiểu rõ việc loan truyền những tin tức
sai sự thật này phải thuộc về việc làm, xử sự hay
trong một chừng mực nào đó phải có động cơ cá nhân
làm cho hành vi ấy trở nên xấu xa thì mới phải cải
chính. Còn những đánh giá thông thường thì tuy có
thể không đúng về thực chất và là một việc không
nên làm xét theo nguyên tắc đạo đức xã hội chủ nghĩa
nhưng không phải là những nhận xét tổng hợp gây
cho người ta một ấn tượng quá xấu về một người nào
đó thì không thể yêu cầu cải chính được. Chẳng hạn
người ta có thể nói “Thơ Bút Tre chẳng ra gì”, nhưng
không thể nhận xét về một người là thằng đầu trộm
đuôi cướp, một thằng tham ô… thì người đó có
quyền yêu cầu cải chính và nếu bị thiệt hại thì còn có
thể đòi bồi thường.
Quyền được bảo vệ danh dự và nhân phẩm là một
quyền có tính cách tổng quát được quy định trong
Hiến pháp chứ không chỉ thuần túy là một quyền dân
sự, nhưng luật dân sự có nhiệm vụ cùng các ngành
luật khác bằng những phương tiện riêng của mình
góp phần bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân,
danh dự, uy tín của một tổ chức một khi danh dự,
nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Vì quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
cũng là quyền nhân thân nên biện pháp dân sự được
dùng để bảo vệ cũng được áp dụng theo Điều 27 Bộ
luật Dân sự là:
- Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu tòa án buộc
người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải
chính công khai.
- Tự mình cải chính trên các phương tiện thông tin
đại chúng.
- Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu tòa án buộc
người vi phạm phải bồi thường thiệt hại về vật chất
và tinh thần.
Điều 615 Bộ luật Dân sự quy định thiệt hại do danh
dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế khắc phục thiệt hại.
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp ngoài việc buộc chấm
dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, Tòa
án quyết định người gây thiệt hại do hành vi xúc
phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín phải bồi thường
một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người
bị xâm phạm.
Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ bao
gồm bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường
thiệt hại về tinh thần. Khái niệm thiệt hại vật chất đã
được quy định rõ trong khoản 2 Điều 310 Bộ luật
Dân sự, nhưng thiệt hại về tinh thần thì chưa được Bộ
luật Dân sự quy định cụ thể. Khoản 3 Điều 310 chỉ
quy định: “Người gây thiệt hại về tinh thần cho người
khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh
dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì ngoài việc
chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công
khai còn phải bồi thường một khoản tiền cho người bị
hại”.
Vấn đề đặt ra, thế nào là thiệt hại về tinh thần và căn
cứ để ấn định mức bồi thường thiệt hại?
Theo chúng tôi, tinh thần là tổng thể nói chung những
ý nghĩ, tình cảm… những hoạt động thuộc về đời
sống nội tâm của con người và thiệt hại về tinh thần
là thiệt hại gây ra đối với tâm trạng của con người,
thể hiện bằng việc con người phải chịu những lo lắng,
đau đớn về tinh thần. Ví dụ như: đau đớn do người
thân bị mất, băn khoăn lo lắng do uy tín, nhân phẩm,
danh dự bị xâm phạm, mặc cảm do bị tàn phế, do bị
bôi nhọ, làm nhục, bắt giam khi không có tội… Thậm
chí chỉ một xâm phạm nhỏ như gán cho một tên gọi
rất xấu hoặc cưỡng ép kết hôn hay “quấy nhiễu” sau
khi ly hôn cũng làm cho người ta rất khổ tâm. Đây
chính là những đau đớn, dằn vặt của nội tâm mà
người ta phải chịu. Sự đau khổ này biểu hiện cũng
không giống nhau. Những thiệt hại về tinh thần do bị
xâm phạm sức khỏe, tính mạng cũng khác với thiệt
hại về tinh thần do bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm,
uy tín.
Vì vậy, để tránh tùy tiện khi xét xử thì ngoài những
thiệt hại thực tế tính ra được thành tiền, đối với
những thiệt hại về tinh thần do xâm phạm danh dự,
nhân phẩm, uy tín chỉ nên bồi thường có tính chất
tượng trưng. Người bị thiệt hại do xâm phạm danh
dự, nhân phẩm, uy tín sau khi đã được người gây
thiệt hại xin lỗi, cải chính công khai thì sự thiệt hại về
tinh thần trong các trường hợp thông thường có thể
coi là đã được khôi phục. Làm việc đó chính là đề
cao giá trị của con người, khôi phục con người trở lại
vị trí cao cả của nó.
Ngoài ra, do trong Bộ luật Dân sự chỉ xác định thiệt
hại danh dự, nhân phẩm, uy tín mà không coi đây là
một trường hợp riêng biệt của trách nhiệm bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì vậy chúng tôi đề nghị
cần đưa trường hợp này vào mục 3 của Chương V
phần thứ ba của Bộ luật Dân sự, trong đó phải có
điều luật quy định rõ thế nào là danh dự, nhân phẩm,
uy tín và những hành vi nào bị coi là xâm phạm danh
dự, nhân phẩm, uy tín và phải bồi thường.