Tải bản đầy đủ (.pdf) (26 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: "Về cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua con đường trọng tài trong Hiệp định thương mại Việt Mỹ" potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (177.04 KB, 26 trang )

Về cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua con
đường trọng tài trong Hiệp định thương mại Việt-
Mỹ
LÊ THỊ THÚY HƯƠNG
Thạc sĩ, Giảng viên khoa Luật Dân sự, Trường Đại
học Luật TP. HCM
Sự kiện Hiệp định thương mại Việt- Mỹ được ký kết
và phát sinh hiệu lực đã ghi một dấu mốc đặc biệt
trong tiến trình bình thường hóa quan hệ thương mại
giữa hai nước, đồng thời tạo ra những cơ sở thuận lợi
để nước ta tiến vững chắc hơn trên lộ trình hội nhập
vào nền kinh tế thế giới. Sau thành công này, một
công việc tiếp theo không kém phần quan trọng được
đặt ra cho các nhà kinh doanh Việt Nam: đó là phải
nắm chắc các điều khoản của hiệp định song song với
việc phải tìm hiểu kỹ pháp luật của Hoa Kỳ nếu
muốn tiến hành thành công hoạt động kinh doanh với
bên đối tác Mỹ. Có rất nhiều quy định mà các nhà
kinh doanh của ta cảm thấy xa lạ hoặc chưa có thói
quen sử dụng trước đây thì nay lại được khuyến
khích áp dụng trong hiệp định, trong số đó có thể kể
đến các điều khoản liên quan đến thủ tục giải quyết
tranh chấp thông qua con đường trọng tài.
1. Những loại tranh chấp trong phạm vi áp dụng
trọng tài
Hiệp định thương mại Việt Mỹ đưa ra hai loại tranh
chấp có thể áp dụng thủ tục giải quyết bằng trọng tài,
đó là tranh chấp thương mại và tranh chấp đầu tư.
Tranh chấp thương mại theo quy định tại hiệp định
được hiểu là “các tranh chấp phát sinh từ các giao
dịch thương mại được ký kết giữa các công dân và


công ty của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và
các công dân và công ty của Hợp chủng quốc Hoa
Kỳ” (Chương I, Điều 7 khoản 2).
Tranh chấp đầu tư là tranh chấp giữa một bên và
công dân hoặc công ty của bên kia phát sinh từ hoặc
có liên quan đến một chấp thuận đầu tư, một thỏa
thuận đầu tư hoặc sự vi phạm bất kỳ quyền nào được
quy định, thiết lập hoặc thừa nhận tại Chương IV
Hiệp định, các phụ lục và các thư trao đổi có liên
quan đến vấn đề đầu tư (Chương 4 Điều 1 khoản 10).
Hai loại tranh chấp trên có thể sẽ xảy ra khá phổ biến
khi hai bên của hiệp định xúc tiến các hoạt động
thương mại và đầu tư. Nếu như ở những tranh chấp
thương mại, các bên tranh chấp chỉ là những công
dân và công ty của hai nước, thì ở những tranh chấp
đầu tư, một trong các bên tranh chấp có thể là một
bên của hiệp định, nghĩa là một quốc gia, do đó tính
chất của loại tranh chấp thứ hai trong một vài trường
hợp sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với loại tranh chấp
thứ nhất. Tuy nhiên, cho dù mức độ và tính chất của
các loại tranh chấp này có thể khác nhau, Hiệp định
vẫn khuyến cáo các bên tham gia vào quan hệ giao
dịch thương mại cũng như quan hệ đầu tư nên thỏa
thuận trước về hình thức giải quyết trong trường hợp
có tranh chấp phát sinh, đặc biệt khuyến khích các
bên thỏa thuận về việc sử dụng trọng tài giải quyết
tranh chấp. Quan điểm này được thể hiện rất rõ ràng
ngay từ những phần mở đầu của hiệp định, điều đó
phần nào chứng tỏ hình thức giải quyết tranh chấp
bằng trọng tài được các bên của hiệp định rất chú

trọng. Vậy hình thức này có những ưu thế vượt trội ra
sao so với các hình thức giải quyết tranh chấp khác?
2. Giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài –
một thủ tục có nhiều ưu điểm
Trong thực tế, để giải quyết những tranh chấp thương
mại và tranh chấp đầu tư, các bên tranh chấp có thể
áp dụng rất nhiều cách thức. Có thể liệt kê ra đây
những hình thức giải quyết tranh chấp như: tự thương
lượng, tiến hành hòa giải, yêu cầu cơ quan tài phán
giải quyết hoặc giải quyết tranh chấp thông qua con
đường trọng tài. Mỗi một cách thức đều có những ưu
điểm và nhược điểm. Các bên thường sẽ dựa trên
những ưu và nhược điểm này để cân nhắc và lựa
chọn cho mình một cơ chế giải quyết tranh chấp phù
hợp và hiệu quả nhất.
Nếu như đối với các nhà kinh doanh nước ta, việc lựa
chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp chưa được
xem là sự lựa chọn phổ biến, đơn giản là vì các nhà
kinh doanh của ta chưa đặt trọn niềm tin tưởng vào
các Trọng tài viên, cũng như chưa hoàn toàn coi
trọng hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp bằng
trọng tài và hiệu lực thi hành của những quyết định
trọng tài, nhất là trọng tài trong nước, thì ngược lại,
trong thực tiễn hoạt động giải quyết tranh chấp
thương mại và đầu tư trên thế giới, cơ chế trọng tài
lại được áp dụng rất thường xuyên và càng ngày càng
có xu hướng phát triển mạnh. Thông thường, khi sử
dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp, các nhà kinh
doanh và nhà đầu tư hay chú ý đến những ưu điểm
của cơ chế này so với thủ tục giải quyết tranh chấp tại

tòa án. Những ưu điểm lớn nhất của trọng tài đã được
công nhận rộng rãi trên phạm vi quốc tế và khiến
ngày càng có nhiều nhà kinh doanh và nhà đầu tư đi
đến quyết định lựa chọn hình thức này chính là:
Thứ nhất, thông qua con đường giải quyết tranh chấp
bằng trọng tài, các bên tranh chấp có thể tự lựa chọn
cho mình những chuyên gia thực sự am hiểu về lĩnh
vực mà tranh chấp phát sinh. Chính điều này làm cho
các bên tranh chấp rất yên tâm vì họ có cơ sở để tin
tưởng rằng các chuyên gia này sẽ đảm bảo cho hiệu
quả của việc giải quyết tranh chấp đó.
Thứ hai, quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng
tài được tiến hành với thủ tục đơn giản, nhanh chóng
và thuận tiện. Khi xem xét thực tiễn hoạt động của
trọng tài thương mại ở mỗi quốc gia cũng như trên
bình diện quốc tế, các nhà nghiên cứu đều nhận xét
rằng quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với thủ tục tiến hành
giải quyết tranh chấp tại tòa án1. Mặc dù trong một
vài trường hợp, tính nhanh chóng của thủ tục trọng
tài có thể bị hạn chế và thời gian giải quyết tranh
chấp phải kéo dài thêm, nhất là khi tòa án ra quyết
định hủy bỏ quyết định của trọng tài; tuy nhiên các
bên tranh chấp vẫn đánh giá cao ưu điểm này của
trọng tài. Đối với các nhà kinh doanh và đầu tư Việt
Nam khi tiếp cận các nhà kinh doanh Mỹ, trong khi
chưa nắm vững hệ thống pháp luật vốn phức tạp và
đa dạng của họ, việc lựa chọn trọng tài để giải quyết
tranh chấp vẫn là một phương án dễ dàng và đảm bảo
an toàn hơn cả.

Thứ ba, các nhà đầu tư hoặc kinh doanh còn có một
lý do nữa để lựa chọn trọng tài vì chi phí để trọng tài
giải quyết tranh chấp cho họ trong đa số các trường
hợp thường thấp hơn so với chi phí họ phải bỏ ra tại
tòa án.
Thứ tư là ưu điểm về tính bảo mật của trọng tài.
Trong nhiều quy tắc trọng tài, tính bảo mật được thể
hiện ở chỗ: quá trình giải quyết tranh chấp sẽ được tổ
chức dưới hình thức họp kín và quyết định giải quyết
tranh chấp chỉ được thông báo công khai khi được sự
đồng ý của các bên. Quy định này làm cho các bên,
nhất là bên thua, không cảm thấy lo ngại vì kết quả
giải quyết tranh chấp có thể có tác động không tốt
đến hoạt động kinh doanh của họ. Song cũng có vài
ngoại lệ: nếu quá trình giải quyết tranh chấp có liên
quan đến lợi ích của bên thứ ba hoặc lợi ích công
cộng thì quyết định giải quyết tranh chấp của trọng
tài tùy trường hợp sẽ được thông báo đến bên thứ ba
hoặc thông báo công khai.
Đặc biệt, ngoài những ưu điểm trên, khi sử dụng
trọng tài thương mại quốc tế để giải quyết tranh chấp,
các bên còn có thể đạt được nhiều sự thuận lợi khác.
Đối với những tranh chấp quốc tế nói chung và các
tranh chấp phát sinh trong khuôn khổ Hiệp định
thương mại Việt Mỹ nói riêng, khi quyết định đưa vụ
việc ra giải quyết tại tòa án, một trong các bên tranh
chấp chắc chắn sẽ không tránh khỏi cảm giác bị bất
lợi. Cảm giác này xuất phát từ việc họ không nắm
được các quy định về thủ tục tố tụng tại một tòa án
nước ngoài, bên cạnh đó rào cản về ngôn ngữ cũng

làm cho họ cảm thấy không mấy thoải mái khi tham
gia vào quá trình tố tụng. Thỏa thuận để trọng tài giải
quyết tranh chấp sẽ giúp các bên phần nào thoát ra
được khỏi cảm giác này. Ở thủ tục trọng tài, các bên
có cơ hội để lựa chọn cho mình một quy tắc trọng tài
phù hợp và như vậy không bên nào cảm thấy bất lợi
hơn bên nào. Ngoài ra, vấn đề ngôn ngữ cũng có thể
được khắc phục trong một chừng mực nào đó theo
quy định tại quy tắc trọng tài hoặc ngay trong quá
trình giải quyết tranh chấp. Cuối cùng, sự hiện diện
và vai trò của Công ước Liên hợp quốc ngày
10/6/1958 về công nhận và cho thi hành các quyết
định của trọng tài nước ngoài (gọi tắt là Công ước
New York 1958), một công ước được rất đông các
nước trên thế giới phê chuẩn, trong đó có Việt Nam
và Mỹ, càng giúp cho việc giải quyết tranh chấp
thông qua con đường trọng tài trở nên có hiệu quả và
đảm bảo được lợi ích của các nhà kinh doanh và đầu
tư hơn.
Như vậy, có thể nói, khi thỏa thuận lựa chọn trọng tài
để giải quyết tranh chấp, các bên tham gia vào các
quan hệ thương mại và đầu tư hoàn toàn có lý do để
tin tưởng vào hiệu quả của quá trình giải quyết đó
xuất phát từ các ưu điểm đã được đề cập ở trên. Đó
cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trọng tài, kể cả
trọng tài trong nước lẫn trọng tài quốc tế, đang trở
thành một ngành công nghiệp dịch vụ thực sự phát
triển trong xu thế hiện nay, theo như đánh giá của các
chuyên gia nghiên cứu pháp luật về trọng tài thương
mại trên thế giới2.

3. Các loại trọng tài có thể sử dụng để giải quyết
tranh chấp
Với những ưu điểm trên của hình thức trọng tài, việc
Hiệp định thương mại Việt-Mỹ thể hiện quan điểm
khuyến khích sử dụng trọng tài để giải quyết tranh
chấp không phải là điều khó lý giải. Theo tinh thần
của Hiệp định, các bên tranh chấp được quyền tự do
lựa chọn bất cứ hình thức trọng tài nào cũng như luật
được áp dụng trong giải quyết trọng tài và các bên
của hiệp định không được ngăn cấm các bên tranh
chấp thực hiện quyền này của họ (Chương I, Điều 7
khoản 5). Do đó, các nhà kinh doanh và đầu tư của
Việt Nam được quyền thỏa thuận với bên đối tác Mỹ
để lựa chọn bất cứ hình thức trọng tài trong nước hay
quốc tế nào phù hợp. Hiện tại, phía Việt Nam có thể
xem xét lựa chọn một trong những loại trọng tài sau
đây:
3.1. Trọng tài trong nước:
Đối với hình thức trọng tài trong nước, bên Việt Nam
có thể sử dụng trọng tài của Trung tâm trọng tài quốc
tế Việt Nam hoặc Trọng tài kinh tế để giải quyết cả
hai loại tranh chấp thương mại và tranh chấp đầu tư
nếu được sự đồng ý của bên đối tác.
Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) là một
tổ chức trọng tài phi chính phủ được thành lập bên
cạnh phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam theo
Quyết định 204/TTg ngày 28/04/1993. Trung tâm có
thẩm quyền giải quyết “các tranh chấp phát sinh từ
các quan hệ kinh tế quốc tế như các hợp đồng mua
bán ngoại thương, các hợp đồng đầu tư, du lịch, vận

tải và bảo hiểm quốc tế, chuyển giao công nghệ và tín
dụng, thanh toán quốc tế v.v…” (Điều 2 Quyết định
204/TTg).
Trọng tài kinh tế cũng là tổ chức trọng tài phi chính
phủ, được thành lập theo Nghị định 116/CP ngày
05/09/1994 và được tổ chức dưới hình thức các trung
tâm trọng tài kinh tế, chuyên giải quyết những “tranh
chấp về hợp đồng kinh tế; các tranh chấp giữa công
ty với các thành viên công ty, giữa các thành viên
công ty với nhau, liên quan đến việc thành lập, hoạt
động và giải thể công ty; các tranh chấp liên quan đến
việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu” (Điều 1 Nghị định
116/CP).
Như vậy, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam
VIAC sẽ tiến hành giải quyết các tranh chấp theo quy
chế trọng tài do trung tâm xây dựng (được ban hành
vào ngày 20/8/1993) trên cơ sở phù hợp với các quy
tắc trọng tài quốc tế và quy định tại Quyết định
204/TTg. Còn Trung tâm trọng tài kinh tế lại tổ chức
hoạt động giải quyết tranh chấp theo quy định tại
Nghị định 116/CP. Có một số điểm khác biệt trong
thủ tục giải quyết tranh chấp của VIAC và Trọng tài
kinh tế, song một thực tại chung đáng đề cập ở đây là
hiệu quả giải quyết các tranh chấp liên quan đến yếu
tố nước ngoài của hai loại trọng tài trên vẫn chưa
được khẳng định trong thực tế. Trong Quy chế trọng
tài cũng như trong hoạt động của mình, các trung tâm
trọng tài trong nước còn bộc lộ nhiều nhược điểm,
nhiều hạn chế liên quan đến trình độ, năng lực của
đội ngũ trọng tài viên, thủ tục giải quyết tranh chấp,

nhất là đến hiệu lực và vấn đề thi hành các quyết định
của trọng tài, từ đó dẫn đến uy tín của các trung tâm
trọng tài trong nước chưa được củng cố một cách
vững chắc3. Đặc biệt, một nhược điểm lớn nhất còn
tồn tại hiện nay là, tuy Việt Nam đã tham gia phê
chuẩn Công ước New York 1958 và đã ban hành
Pháp lệnh công nhận và cho thi hành các quyết định
của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam (theo Lệnh số
42-L/CTN ngày7/9/1995), thế nhưng lại chưa có một
cơ chế công nhận và cho thi hành đối với các quyết
định của trung tâm trọng tài trong nước, điều này trên
thực tế đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả
của việc giải quyết tranh chấp tại các trung tâm trọng
tài4.
Trong khi chờ đợi các quy định về trọng tài trong
nước được xây dựng một cách hoàn thiện hơn, các
nhà kinh doanh và đầu tư Việt Nam có thể thỏa thuận
với bên đối tác Mỹ lựa chọn những cơ chế trọng tài
nước ngoài và quốc tế để tiến hành giải quyết có hiệu
quả các tranh chấp phát sinh trong khuôn khổ của
hiệp định.
3.2. Trọng tài nước ngoài và trọng tài quốc tế:
Hiệp định cho phép các bên tranh chấp được tự do
lựa chọn bất cứ quy tắc trọng tài nào đã được quốc tế
công nhận, kể cả các quy tắc trọng tài UNCITRAL
ngày 15/12/1976 và những sửa đổi của quy tắc này để
giải quyết các tranh chấp thương mại (Chương I,
Điều 7 khoản 3), với điều kiện là phải xác định một
cơ quan chỉ định theo những quy tắc nói trên tại một
nước thứ ba, không phải là Việt Nam hay Mỹ. Tuy

nhiên nước thứ ba này cũng phải là một thành viên
của Công ước New York 1958 về công nhận và cho
thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài. Quy
định này vừa mở ra một cơ hội thuận tiện để các bên
thực hiện quyền sử dụng trọng tài, vừa đảm bảo khả
năng “thi hành án” hiệu quả đối với các quyết định
của trọng tài nước ngoài và trọng tài quốc tế, tạo ra
sự yên tâm trong việc thiết lập và mở rộng quan hệ
hợp tác kinh doanh giữa các thương nhân của hai
nước.
Hiện nay có hai trung tâm trọng tài nước ngoài vốn dĩ
đã ít nhiều quen thuộc với các thương nhân Việt Nam
là Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore và Trung
tâm trọng tài quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia). Hai
quốc gia này đều là thành viên của Công ước New
York 1958, đồng thời các trung tâm trọng tài của họ
cũng đã áp dụng quy tắc UNCITRAL để xây dựng
quy chế trọng tài cho trung tâm mình. Bên cạnh đó,
các trọng tài viên của trung tâm còn có kinh nghiệm
trong việc giải quyết những tranh chấp có liên quan
đến bên Việt Nam, điều này tương đối thuận lợi hơn
cho các thương nhân Việt Nam nếu như họ thỏa
thuận được về việc chọn các trung tâm này giải quyết
tranh chấp.
Ngoài ra, các bên trong những giao dịch thương mại
cũng có thể thỏa thuận áp dụng các quy tắc trọng tài
của các tổ chức trọng tài thương mại quốc tế có uy tín
khác như quy tắc của Tòa án trọng tài quốc tế ICC
thuộc phòng Thương mại quốc tế (The International
Chamber of Commerce) hay của Tòa án trọng tài

quốc tế Luân đôn LCIA…, song nhìn chung các nhà
kinh doanh và đầu tư Việt Nam nên thuyết phục bên
đối tác Mỹ chọn sử dụng quy tắc của các trung tâm
trọng tài nào vừa đảm bảo có uy tín, có hiệu quả, lại
vừa thuận lợi hơn cho mình về việc di chuyển và chi
phí thấp.
3.3. Các thủ tục trọng tài ràng buộc áp dụng cho
những tranh chấp về đầu tư:
Như ở phần đầu đã đề cập, khi có một tranh chấp đầu
tư phát sinh mà một bên tranh chấp là quốc gia thì
quy mô và mức độ sẽ phức tạp hơn nhiều so với
những tranh chấp thương mại. Chính vì thế, bên cạnh
việc trao cho các bên của quan hệ đầu tư quyền tự
nguyện thỏa thuận trước trong các hợp đồng đầu tư
về cơ chế giải quyết tranh chấp như đối với tranh
chấp thương mại, Hiệp định còn đặt ra những thủ tục
trọng tài ràng buộc, áp dụng trong trường hợp nếu
sau 90 ngày kể từ ngày tranh chấp phát sinh, công
dân và công ty của một bên hiệp định (là một bên
tranh chấp) chưa đưa vụ việc ra giải quyết dưới bất
kỳ hình thức nào (Chương IV, Điều 4 khoản 3A). Có
bốn thủ tục trọng tài ràng buộc mà bên tranh chấp là
công dân và công ty của một bên hiệp định có thể lựa
chọn:
Một là, giải quyết tranh chấp theo Quy chế Trọng tài
ICSID. ICSID là tên viết tắt bằng tiếng Anh của
“Trung tâm quốc tế về giải quyết các tranh chấp đầu
tư”. Trung tâm này được thành lập bởi Công ước
Washington 1965, hiện nay là một trong những tổ
chức trực thuộc Ngân hàng thế giới. Được thành lập

dưới dạng một tổ chức quốc tế, trung tâm ICSID đã
ban hành một quy chế trọng tài khá hoàn chỉnh không
những về thủ tục tố tụng mà còn về cơ chế đảm bảo
thi hành quyết định trọng tài, nhằm để giải quyết
“những tranh chấp phát sinh trực tiếp từ một hoạt
động đầu tư giữa một quốc gia thành viên công ước
với công dân của một quốc gia thành viên khác nếu
các bên tranh chấp có thỏa thuận bằng văn bản đưa
vụ việc ra giải quyết tại trung tâm” (Điều 25 khoản 1
Công ước Washington 1965).
Như vậy, có ba điều kiện để trung tâm ICSID thụ lý
vụ tranh chấp và áp dụng quy chế trọng tài giải quyết:
thứ nhất, tranh chấp đó phải phát sinh trực tiếp từ một
hoạt động đầu tư; thứ hai, một bên tranh chấp phải là
một quốc gia thành viên công ước và bên kia là công
dân của một quốc gia thành viên khác; thứ ba, các
bên tranh chấp phải thể hiện sự chấp thuận bằng văn
bản về việc đưa vụ việc ra giải quyết tại trung tâm.
Hiện nay, Mỹ đã là thành viên của của Công ước
Washington 1965, nhưng Việt Nam lại chưa phải là
thành viên công ước này, do vậy nếu như có tranh
chấp đầu tư phát sinh trong khuôn khổ hiệp định
thương mại Việt- Mỹ, các bên tranh chấp vẫn chưa
hội đủ các điều kiện để đưa vụ việc ra giải quyết theo
quy chế trọng tài của trung tâm ICSID. Song như
nhiều chuyên gia đã thừa nhận, riêng trong lĩnh vực
giải quyết các tranh chấp đầu tư có liên quan đến một
quốc gia, ICSID được đánh giá là một trung tâm hoạt
động chuyên biệt rất có uy tín và hiệu quả5. Vì thế sẽ
rất đáng tiếc nếu như bên Việt Nam không có cơ hội

sử dụng quy tắc trọng tài của trung tâm để giải quyết
các tranh chấp đầu tư. Việt Nam nên có kế hoạch xúc
tiến việc phê chuẩn Công ước Washington 1965 để
trở thành một thành viên của công ước, từ đó tạo điều
kiện mở rộng thêm khả năng sử dụng trọng tài cho
các nhà đầu tư Việt Nam theo đúng tinh thần của
Hiệp định thương mại Việt-Mỹ.
Hai là, giải quyết tranh chấp theo quy tắc trọng tài
của cơ chế phụ trợ ICSID. Cơ chế phụ trợ ICSID ra
đời vào năm 1978, không nằm trong phạm vi điều
chỉnh của Công ước Washington 1965 và việc giải
quyết tranh chấp cũng không áp dụng theo các quy
chế trọng tài và các quy chế khác của trung tâm
ICSID. Cơ chế phụ trợ xây dựng một quy chế trọng
tài riêng nhằm giải quyết những tranh chấp không
thỏa mãn các điều kiện về nội dung tranh chấp và về
chủ thể để được giải quyết bằng cơ chế trọng tài
ICSID. Do đó, bên Việt Nam có thể thỏa thuận với
bên đối tác Mỹ sử dụng cơ chế trọng tài này. Tuy
nhiên, không giống với cơ chế trọng tài ICSID lập ra
chỉ để nhằm giải quyết tranh chấp đầu tư, quy tắc
trọng tài của cơ chế phụ trợ ICSID được áp dụng
không những vào việc giải quyết các tranh chấp đầu
tư mà còn cả đối với các tranh chấp thương mại, vì
thế tính chuyên môn trong hoạt động giải quyết một
loại tranh chấp cụ thể, trong trường hợp này là tranh
chấp đầu tư, không thể cao bằng cơ chế trọng tài
ICSID6.
Ba là, giải quyết theo quy tắc trọng tài UNCITRAL.
Quy tắc trọng tài này thường được các bên tranh chấp

lựa chọn trong trường hợp họ đã quyết định áp dụng
hình thức trọng tài vụ việc (trọng tài ad hoc) để giải
quyết các tranh chấp. Đặc điểm của hình thức trọng
tài ad hoc là các bên tranh chấp tự mình lựa chọn các
chuyên gia tham gia vào hội đồng trọng tài và tự xây
dựng quy tắc trọng tài nhằm phục vụ cho quá trình
giải quyết tranh chấp. Công việc này không phải là
đơn giản, nhất là không phải lúc nào các bên tranh
chấp cũng đều có khả năng xây dựng một quy chế
trọng tài phù hợp và hiệu quả. Do vậy, để khỏi tốn
nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho việc tiến
hành công việc trên, các bên có thể sử dụng ngay
những quy tắc trọng tài UNCITRAL vì chúng được
làm ra với mục đích chủ yếu là để áp dụng cho hình
thức trọng tài ad hoc này.
Bốn là, đưa ra bất kỳ tổ chức trọng tài nào khác hoặc
giải quyết theo các quy tắc trọng tài khác nếu có sự
đồng ý của các bên tranh chấp (thỏa thuận này được
thực hiện sau thời điểm tranh chấp đầu tư đã phát
sinh).
Lưu ý là ngoại trừ việc giải quyết tranh chấp bằng cơ
chế trọng tài ICSID sẽ được tiến hành ngay tại trụ sở
chính của trung tâm (đặt tại Washington, Hoa Kỳ), vì
trọng tài ICSID đã có hẳn một cơ chế đảm bảo việc
thi hành quyết định trọng tài riêng cho mình, những
thủ tục trọng tài khác đều phải được tiến hành tại một
quốc gia là thành viên Công ước New York 1958 về
công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước
ngoài. Quy định này nhằm đảm bảo hiệu lực và khả
năng thực thi các quyết định trọng tài, bảo vệ được

quyền lợi của các bên tham gia vào quan hệ đầu tư.
Trên đây là một số phân tích về cơ chế giải quyết
tranh chấp thông qua con đường trọng tài trong hiệp
định thương mại Việt-Mỹ. Thông qua việc phân tích
này, chúng tôi mong muốn đem lại cho các nhà kinh
doanh và nhà đầu tư Việt Nam những hiểu biết rõ
ràng hơn về thể chế trọng tài được ghi nhận trong
hiệp định, từ đó có thể sử dụng chúng một cách có
hiệu quả vào việc bảo vệ quyền lợi của mình trong
những hoạt động kinh doanh mang tầm vóc quốc tế. ·

1 Alan Redfern và Martin Hunter, Luật và thực tiễn
áp dụng trọng tài thương mại quốc tế, Sweet and
Maxwell, Luân Đôn, 1999, tr. 45-48.
2 Pieter Sanders, Sáu mươi năm hoạt động trọng tài,
Kluwer Law International, 1999, tr. 9-10.
3 Hoàng Thế Liên, Giới thiệu chung về các cơ chế
giải quyết tranh chấp ngọai thương và đầu tư nước
ngoài chủ yếu ở Việt Nam, trích từ cuốn Giải quyết
tranh chấp kinh tế có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam,
NXB Chính trị quốc gia 2000, tr. 405-417.
4 Dương Văn Hậu, Trọng tài thương mại Việt Nam
trong tiến trình đổi mới, NXB Chính trị quốc gia,
1999, tr. 184-187.
5 Moshe Hirsch, Cơ chế trọng tài của Trung tâm
quốc tế về giải quyết các tranh chấp đầu tư, Martinus
Nijholf 1993.
6 Carolyn B.Lamm và Abby C. Smutney, Trung tâm
quốc tế về giải quyết các tranh chấp đầu tư: câu trả
lời cho những tồn tại và các yêu cầu thay đổi, Tạp chí

×