Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

HÌNH THÀNH ĐẠO ĐỨC - NỀN NẾP CHO HỌC SINH LỚP “MỘT” TRƯỜNG TIỂU HỌC ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (210.53 KB, 14 trang )



HÌNH THÀNH ĐẠO ĐỨC - NỀN NẾP CHO HỌC
SINH LỚP “MỘT” TRƯỜNG TIỂU HỌC

I./ ĐẶT VẤN ĐỀ:
Năm học 2004 - 2005, sau khi dạy khối lớp “Hai” được tuần lễ thứ nhất của
năm học, tôi được phân công trực tiếp giảng dạy khối lớp “Một”- khối lớp đầu cấp của
bậc tiểu học. Qua một tuần giảng dạy, câu nói: “Tiên học lễ, hậu học văn” thực sự
làm tôi trăn trở vì với khoảng 70% học sinh của cả khối “Một” về mặt đạo đức - nền
nếp của người học sinh tiểu học chưa được hình thành. Các nhận xét trên có được là do
tôi trực tiếp quan sát, tiếp xúc trong và ngoài giờ dạy, trong lúc dự giờ của các lớp bạn.
II./ LÝ DO ĐẶT VẤN ĐỀ :
Với tư cách là giáo viên khối lớp đầu cấp của bậc tiểu học, nhằm: “Hình thành
cho học sinh những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn, lâu dài về tình cảm,
trí tuệ, thể chất và những kĩ năng cơ bản để các em có thể học tiếp những bậc học
cao hơn hoặc bước vào cuộc sống”. Do đó, ngoài việc trang bị cho học sinh những
kiến thức cơ bản trong cuộc sống thì việc giáo dục đạo đức - nền nếp cũng không kém
phần quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của học sinh.


Thật vậy, trong bậc tiểu học việc hình thành nhân cách đạo đức - nền nếp cho
học sinh có vị trí đặc biệt quan trọng. Nhân cách của trẻ nhất là trẻ bậc tiểu học trong
mọi thời đại cần được chú trọng. Là giáo viên bậc tiểu học bắt buộc phải nắm một
cách vững vàng và có tính kiên định để từ đó có hướng đi đúng trong quá trình giáo
dục đạo đức - nền nếp cho học sinh tiểu học.

Thực trạng học sinh lớp “Một” Trường Tiểu học “A”An Phú:
Chưa biết bảo quản trường lớp: Đầu năm học, học sinh tiểu học phải viết bút
chì nên thường hay tiện tay vẽ bậy lên bàn, lên tường khi ngồi học hay đi chuốt
bút chì. Bàn ghế khi ngồi hay xô đẩy để thẳng chân cho thoải mái.


Chưa biết lễ phép: Khi gặp thầy cô hoặc người lớn một số em quá ngại ngùng ít
chào hỏi, khi phát biểu chưa biết dạ thưa, trả lời không tròn câu hoặc gặp nhiều thầy cô
trong giờ giải lao các em vừa chạy vừa thưa: Em chào thầy,chào thầy,…chào cô,
chào cô,… đủ tất cả thầy cô có mặt nơi đó.
Chưa biết tự bảo quản đồ dùng học tập: Các hộp đồ dùng tự học môn Toán -
Tiếng Việt ở lớp bị mất, hư rất nhiều và sử dụng không đúng mục đích như: các bảng
cài, que tính và thước kẻ cm bị bẻ cong và cắn nhăm nhăm; các con chữ và số trong
bảng cài cất chưa đúng vị trí nên khi cài bảng phải mất nhiều thời gian để tìm, làm
ảnh hưởng đến tiết dạy của giáo viên. Đồ dùng học tập của bạn đôi khi các em tự ý lấy


sử dụng mà không cần biết bạn có đồng ý hay chưa. Các đồ dùng học tập cá nhân hay
bị rớt và mất thường xuyên.
Chưa biết giữ trật tự lớp học: Giờ học các em hay tự ý rời khỏi chỗ ngồi chạy
sang bàn của bạn đứng chơi hoặc đứng lên ngồi xuống (do thói quen tự do ở nhà) mà
chưa được sự đồng ý của thầy cô. Khi phát biểu thường giành nhau nên hay đứng lên
và hét lớn: “Em thầy… Em cô” làm ảnh hưởng đến trật tự lớp học và lớp bạn.
Chưa có ý thức tự giác: Một số em thường đi học trễ, nghỉ học không xin phép;
vào lớp ngồi chơi, không nghe giảng bài, đọc bài và không tập ghi chữ. Ăn quà bánh
xả rác ngay xuống chân hoặc thấy rác dưới chân không nhặt lên bỏ vào sọt rác. Trống
vào học chưa chịu xếp hàng vào lớp ngay mà còn đứng dọc hành lang chơi, hàng ngũ
thì không ngay ngắn. Giờ chơi chạy giỡn đánh nhau mạnh bạo dẫn đến chửi thề, nói
tục, rượt đuổi nhau dưới sân cát làm bụi bay mù mịt còn đầu tóc, quần áo thì đẫm mồ
hôi. Giờ về, chưa đi thẳng về nhà mà còn ghé dọc đường mua quà bánh, hái hoa trong
khuôn viên các cơ quan gần trường để ngồi chơi hay dừng lại xem phim ở các quán
nước ven đường.
Chưa biết nhường nhịn, đoàn kết, giúp đỡ nhau: Một số học sinh hay chửi thề
nói tục, không gọi bạn xưng tôi, rượt đuổi đánh nhau mạnh bạo, chưa giúp đỡ nhau
trong học tập.
Chưa biết ngăn nắp: Dụng cụ làm vệ sinh lớp khi sử dụng xong không biết sắp

xếp ngay ngắn; giày dép để thành đống ở cuối lớp; nước uống để lung tung trên bàn,


các bọc nước có chất đường ngã nằm chảy tràn lan ra bàn, xuống nền gạch khi khô có
đốm quầng rít chịt nhìn rất dơ và mất thẩm mĩ.
Vệ sinh kém: Đầu tóc rối chưa chải, mặt rửa chưa kĩ, tay chân

lem luốc đất. Trực nhật vệ sinh lớp chưa sạch mà ăn quà bánh thì không bỏ rác đúng
nơi quy định.
Trên đây là một số thực trạng về đạo đức - nền nếp lớp học của học sinh lớp
“Một” Trường Tiểu học “A” An Phú.
Từ những điều cần thiết và băn khoăn qua thực trạng của học sinh Trường Tiểu
học “A” An Phú - nơi mà tôi đang trực tiếp giảng dạy cần phải bồi dưỡng rèn luyện
thêm về đạo đức - nền nếp ngày một tốt hơn để mai sau khi ra đời các em có đủ tri
thức cũng như phẩm chất đáng quý cần thiết giúp ích cho xã hội.
Với cương vị là giáo viên bậc tiểu học, tôi nhận ra một điều: Phải làm thế nào
để giúp các em trở thành con ngoan, trò giỏi với một nhân cách hoàn thiện. Qua bao
ngày trăn trở nay tôi đúc kết được một vài kinh nghiệm nhỏ viết thành đề tài: “Hình
thành đạo đức - nền nếp cho học sinh lớp “Một” Trường Tiểu học”.
Trong quá trình thực hiện bài viết chắc chắn có nhiều sơ xuất rất mong nhận
được sự đóng góp chân thành nhằm làm cho đề tài phong phú và hoàn thiện hơn để
tham khảo và vận dụng mang lại hiệu quả cao.


III./ CÁC BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH:
Qua thực trạng trên, tôi nhận thấy mình cần phải hình thành cho các em một
nền tảng nhân cách đạo đức - nền nếp để đến cuối học kì I các em có được thói quen
khá hoàn thiện. Dựa theo những nội quy của trường đề ra, theo 5 điều Bác Hồ dạy
thông qua việc hằng ngày giáo dục kịp thời khi các em vừa sai phạm và các môn học ở
trường có liên hệ thực tế để giáo dục bằng những biện pháp cụ thể sau :

Yêu trường, yêu lớp: Khi dạy Đạo đức bài “Bảo vệ hoa và cây nơi công cộng”
tôi liên hệ thực tế ở trường, giải thích cho các em biết là không nên bẻ hoa, ngắt lá
trong sân trường mà phải chăm sóc, tưới nước cho hoa tươi tốt tạo cảnh quang sân
trường “xanh - sạch - đẹp”. Ở lớp, tôi chỉ vào những hình ảnh, dòng chữ còn lưu lại
trên tường, bàn ghế và nói cho các em biết đừng vẽ bậy lên tường, bàn ghế vì như thế
là làm cho trường lớp xấu đi; những lúc bàn ghế bị xê dịch tôi gọi một vài em lên
đứng trước lớp, chỉ vào bàn ghế và hỏi: “Theo em bàn ghế như thế có đẹp không?”
sau khi hỏi thêm vài em, tôi giải thích: “Các em không nên xô đẩy, như thế sẽ làm
bàn ghế mau hư, đàn em học sau không có chỗ để ngồi học”.
Lễ phép với thầy cô và người lớn: Khi dạy đạo đức bài “Lễ phép với thầy cô và
người lớn” tôi hướng dẫn các em cách chào hỏi: đứng nghiêm vòng tay trước ngực
thưa: “Em chào thầy, chào cô ạ!”; giải thích cho các em hiểu như thế là lễ phép và tôn
trọng thầy cô, không được vừa chạy vừa thưa như thế là vô lễ và chưa tôn trọng người


lớn; khi gặp nhiều thầy, cô chỉ cần chào chung một lần là đủ không cần chào đủ những
thầy, đủ cô có mặt tại nơi đó.
Quý trọng, bảo quản đồ dùng học tập: Khi dạy Đạo đức bài “Giữ gìn sách vở,
đồ dùng học tập” tôi dạy sách vở phải bao bìa, dán nhãn ghi rõ họ tên để không nhầm
lẫn với sách vở của các bạn; chữ viết phải cẩn thận tránh bôi xoá, không vẽ bậy và xé
sách vở làm đồ chơi; giữ gìn sách vở để không bị quăn góc, khi sử dụng xong cất
đúng chỗ. Các hộp đồ dùng môn Toán - Tiếng Việt của trường tôi dạy các em biết gìn
giữ cẩn thận. Sử dụng xong phải xếp gọn gàng và cất vào hộc bàn không để lung tung
làm rơi vãi xuống nền lớp; bảng chữ và số khi cài xong phải để con chữ và số vào
đúng vị trí, không được dùng răng cắn hay dùng tay bẻ các bảng cài, que tính và thước
đo cm và nhất là không được mang về nhà chơi… để dành cho đàn em học ở những
năm tiếp theo.
Giữ trật tự lớp học: Khi dạy Đạo đức bài “Trật tự trong trường học” tôi dạy
các em không nên la hét, cười giỡn, nói chuyện lớn tiếng để giữ trật tự lắng nghe thầy
cô giảng bài. Khi muốn phát biểu đưa tay phải lên, không được la lớn: “Em thầy…Em

cô”, khi cần trả lời phải dạ thưa và nói tròn câu. Không được tự ý rời khỏi chỗ ngồi
sang bàn của bạn chơi hoặc đứng lên ngồi xuống khi chưa có sự đồng ý của thầy cô.
Khi ghi bài, muốn chuốt bút chì phải xin phép thầy cô đến cuối lớp ngồi chuốt cho vỏ
bút chì vào sọt rác để giữ lớp học sạch sẽ. Muốn đi vệ sinh, uống nước sẽ được đi vào
thời gian giải lao 5 phút sau mỗi tiết học hoặc giờ giải lao giữa buổi học.


Tính tự giác: Khi dạy Đạo đức bài “Đi học đều và đúng giờ“ tôi dạy các em
nghỉ học phải xin phép, đi học đúng giờ để không làm ảnh hưởng đến giờ giấc giảng
dạy của thầy cô và học tập của các bạn. Học và làm bài đầy đủ trước khi đến lớp. Đạo
đức bài “Trật tự trong trường học” tôi dạy các em vào lớp lắng nghe thầy cô giảng
bài, chăm chỉ đọc và làm bài để đạt kết quả cao trong học tập; rèn luyện chữ viết để
nét chữ đẹp hơn vì “chữ đẹp là tính nết của những người trò ngoan” (Trích“Quyển
vở của em” Tiếng Việt lớp 1 tập I); không được ngồi chơi chọc phá bạn sẽ làm ảnh
hưởng đến thời gian dạy - học của thầy cô và các bạn. Khi nghe tiếng trống vào lớp
phải nhanh chóng xếp hàng, hành lang lớp học là nền gạch bông ô vuông nên tôi quy
định các em đứng đúng vị trí hai hàng (một hàng nam và một hàng nữ) theo thứ tự từ
bé đến lớn. Ngày đầu tiên khi hướng dẫn vào vị trí hàng ngũ tôi yêu cầu các em nhìn
bạn trước mặt và sau lưng mình nhớ xem bạn tên gì để các ngày sau đứng đúng vị trí
ấy; khi đứng, hàng nữ cách vách lớp 3 ô gạch, hàng nam cách lang can lầu 3 ô gạch và
mỗi em cách nhau 1 ô. Thế là hằng ngày các em chạy vào vị trí rất nhanh, hàng ngũ
ngay ngắn và thẳng tắp, tôi chỉ quan sát theo dõi không cần chỉnh sửa nhiều. TNXH
bài “Giữ gìn lớp học sạch đẹp” tôi giáo dục các em ăn quà bánh biết bỏ rác đúng quy
định để cho lớp và sân trường sạch đẹp. Đạo đức bài “Nghiêm trang khi chào cờ” tôi
liên hệ các buổi chào cờ đầu tuần các em phải nhanh chóng mang ghế xuống sân sắp
xếp thành hai hàng ngay ngắn, lớp trưởng tập trung các bạn vào đúng vị trí. Trong suốt
buổi lễ không nên đùa giỡn, chọc phá bạn vì như thế là thiếu ý thức trong buổi lễ, chưa
tôn trọng thầy cô đang ngồi dự lễ và nhất là trong lúc chào cờ phải đứng nghiêm trang,
hai tay để xuôi xuống cập sát thân người (vì chưa phải Đội viên nên không giơ tay
chào). TNXH bài “Hoạt động và nghỉ ngơi” tôi giúp các em hiểu học hành, làm việc



nên có nghỉ ngơi nhưng phải điều độ, có giờ giấc. Tôi liên hệ thực tế ở trường vào giờ
chơi phải giải lao bằng những trò nhẹ nhàng, không nên đùa giỡn quá sức làm cơ thể
uể oải không còn hứng thú học tiếp những giờ học sau; không được rượt đuổi nhau
dưới sân cát làm bụi cát bay mịt mù gây ra một số bệnh về đường hô hấp, đồng thời
mồ hôi ướt đẫm sẽ làm lấm lem quần áo và tập vở. Tôi thường xuyên nhắc các em khi
về đường nhớ đi bên lề phải của đường, về thẳng nhà không ghé dọc đường mua quà
bánh, không hái hoa trong khuôn viên các cơ quan gần trường để ngồi chơi hay dừng
lại xem phim ở các quán nước vì như thế cha mẹ ở nhà rất lo lắng.
Đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau: Khi dạy Đạo đức bài “Em và các
bạn” tôi giáo dục các em biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau; không tham
của rơi, nhặt được của rơi mang lên phòng truyền thống Đội nhờ thầy Tổng phụ trách
trả lại cho người bị mất. Biết gọi bạn của mình bằng bạn và xưng mình bằng tên hoặc
tôi. Không vì giận bạn mà chửi thề, nói tục vì đó là những lời nói xấu. Khi giỡn với
bạn tránh rượt đuổi, đánh nhau mạnh bạo có thể xảy ra tai nạn cho bản thân mình và
bạn khác. Khi trường phát động phong trào “Giúp bạn nghèo vui xuân” tôi giải thích
cho các em hiểu sự đóng góp của các em tuy nhỏ bé nhưng rất cần thiết vì đó là niềm
vui lớn lao đối với các bạn nghèo có quần áo mới khi xuân về và cho các em biết rằng
thay mặt nhà trường tôi rất mong sự đóng góp của cha mẹ các em và của chính các em.
Thói quen ngăn nắp: Khi dạy Đạo đức bài “Gọn gàng sạch sẽ”, “Giữ gìn sách
vở, đồ dùng học tập” tôi dạy các em khi làm vệ sinh lớp xong để dụng cụ vào một góc
lớp gọn gàng, dựng đứng cây chổi lên sát vào góc lớp để tránh bị hư hỏng. Vào lớp


xách giày dép lên ngay từ cửa và xếp ngay ngắn thành hàng ở cuối lớp. Bình nước
uống để trên một bàn dưới cuối lớp, uống nước cẩn thận tránh để đổ ra ngoài làm dơ
nền lớp; các bọc nước uống xong mang xuống bỏ vào các thùng rác lớn dưới sân
trường, không bỏ vào sọt rác của lớp để tránh nước chảy tràn lan ra ngoài nền lớp.
Sách vở và đồ dùng học tập khi sử dụng xong sắp xếp ngăn nắp và cất vào đúng chỗ

để khi sử dụng không mất thời gian tìm kiếm.
Ý thức vệ sinh: Khi dạy TNXH bài “Vệ sinh thân thể”, “Chăm sóc và bảo vệ
răng” và “Thực hành: Đánh răng và rửa mặt” tôi dạy các em cách tắm rửa sạch sẽ,
rửa kĩ mặt mài và chân tay, đánh răng đúng các bước để giữ hàm răng sạch đẹp, đầu
chải gọn gàng, chà sạch các ngón tay chân, cắt gọn móng sạch sẽ thường xuyên.
TNXH bài “Giữ gìn lớp học sạch, đẹp” tôi liên hệ thực tế ở lớp các tổ trực nhật đến
sớm 20 phút để làm vệ sinh lớp sạch sẽ, sắp xếp bàn ghế ngay ngắn, lau chùi bảng lớp
và giặt bông bảng sạch bụi phấn. Tôi thường xuyên nhắc nhở các em ăn quà bánh bỏ
những loại rác sạch vào sọt rác của lớp còn những loại rác dơ hay bọc nước thì bỏ vào
thùng rác lớn của trường để giữ lớp học không có mùi hôi; thấy rác dưới chân biết nhặt
lên bỏ đúng nơi quy định.
Việc giáo dục đạo đức - nền nếp cho học sinh lớp “Một” là một trong những
nhân tố góp phần hình thành nhân cách của các em. Quá trình này không phải một sớm
một chiều mà có thể làm được. Vì vậy, mặt nhân cách cần được hình thành thường
xuyên trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, chứ không chỉ gói gém ở những bài học của
các tiết Đạo đức hay TNXH. Lứa tuổi học sinh, đặc biệt là học sinh lớp “Một” rất “dễ


nhớ cũng mau quên” cho nên đối với các em việc theo dõi, nêu gương, nhắc nhở là
công việc cần làm ở mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, thời gian giải lao chuyển tiết tôi tận
dụng những bài hát: “Con chim vành khuyên”, “Con mèo”,… để giáo dục các em như
lời nội dung bài hát…
Bên cạnh đó, để giáo dục đạt hiệu quả cao hơn tôi bắt đầu tìm hiểu gia đình
bằng cách tiếp xúc với các em trong giờ giải lao hằng ngày, sau đó đi đến gia đình
từng em để hiểu thêm về hoàn cảnh từng em một, về mối quan hệ của em với gia đình.
Thật buồn, có em thì không có cha (em Kim Ngân), có em cha mẹ mới vừa ly dị (em
Phước Hậu), có em cha mẹ đi làm ăn xa gởi em lại cho cô bác nuôi (em Thuý Vân,
Huyền Trân), có em cha mẹ bận buôn bán suốt ngày không còn thời gian dạy dỗ, chỉ
bảo cho con (em Nhật Tuấn, Mai Đình, Thành Phong, Chí Bảo, Mỹ). Những em này
vào giờ học tôi quan tâm hơn và vào giờ chơi tôi gần gũi, trò chuyện như người mẹ thứ

hai của các em. Tôi liên hệ BGH Trường và Thư viện mượn một số sách giáo khoa nào
các em còn thiếu, xin được 20 quyển vở và nhờ sự đóng góp phụ huynh của lớp được
40 quyển vở để các em sử dụng (Vì học sinh lớp “Một” cần rèn chữ viết nhiều).
IV./ KẾT QUẢ:
Qua quá trình thực hiện các biện pháp nêu trên tôi đã đạt được những kết quả
khả quan qua những thành tích sau: Học sinh có tiến bộ về mặt đạo đức và nền nếp
trong học tập, nhiều em được tuyên dương dưới cờ, nhận giấy khen “Gương người tốt,
việc tốt”, tập thể lớp tôi trong học kỳ I vừa qua được chọn là lớp tiêu biểu về “Đạo đức


- nền nếp và phong trào” của trường. Cụ thể đã đạt được như sau: Vở sạch chữ đẹp
vòng trường 5 em đạt giải, vẽ tranh chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam và Ngày
thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 4 em đạt giải, nặn tượng 1 em đạt giải, “Giúp
bạn nghèo vui xuân” ủng hộ được 377.500 đồng, phong trào“Kế hoạch nhỏ” đến nay
thu gom được 65kg giấy vụn, các cuộc thi tìm hiểu về chủ điểm dưới cờ đại diện lớp
trả lời chính xác câu hỏi, CMHS tặng cho các bạn học sinh nghèo của lớp 40 quyển
vở,… Hiện nay học sinh lớp tôi đa số không còn vi phạm nhiều như thực trạng đầu
năm (khoảng 97% học sinh thực hiện tốt những quy định trên). Kết quả cuối học kỳ I
nhận xét về hạnh kiểm: Tất cả học sinh đều đạt “Thực hiện đầy đủ” (Đ) và tiếp tục
duy trì đến cuối năm học.Và hằng ngày, khi tôi vừa bước chân vào cửa lớp, những đôi
môi bé nhỏ đã thốt lên: “Tuyên dương hàng giầy dép và vệ sinh hành lang, lớp học
đi cô…” những lúc ấy, lòng tôi tràn đầy niềm vui và cảm hứng nghề dạy học lại trỗi
dậy mạnh mẽ.Vui hơn nữa, một hôm em Phương Anh thỏ thẻ với tôi: “Cô ơi ! Con có
điều gì sai, cô nói đi con sẽ sửa ngay”. Chính câu nói ngây thơ thật lòng ấy là phần
quà to lớn giúp tôi không mệt mỏi trong quá trình giáo dục và giảng dạy cho các em.

V./ NGUYÊN NHÂN THÀNH CÔNG VÀ TỒN TẠI:
* Nguyên nhân thành công :
Để đạt được kết quả như vậy, hằng ngày vào giờ chơi tôi luôn quan sát các hoạt
động của học sinh, nếu thấy vi phạm cuối giờ học tôi nhắc nhở để các em ghi nhớ. Vào



đầu mỗi buổi học tôi dành 3 phút để kiểm tra việc thực hiện: nền nếp, giờ giấc, vệ
sinh, đồng phục… và nêu gương những học sinh thực hiện tốt, động viên khích lệ học
sinh có cố gắng để các em thấy được sự tiến bộ của mình.
Những yêu cầu trên, tôi đều kiểm tra hằng ngày và ở tiết sinh hoạt lớp bằng
cách tổ chức cho các tổ trưởng báo cáo tình hình của lớp ; sau ý kiến tổ trưởng là ý
kiến tổ viên về nhận xét của tổ trưởng; sau đó là ý kiến ban cán sự lớp, cuối cùng tôi
tổng kết lại và tuyên dương tổ được hạng nhất, nhắc nhở cụ thể từng học sinh còn vi
phạm, đưa ra hướng khắc phục. Bên cạnh đó, tôi động viên những học sinh có cố gắng
và nêu công việc cụ thể của tuần tới để các em thực hiện.
Những biện pháp nói trên, tôi sẽ thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt
năm học.
* Tồn tại:
Một số học sinh do ảnh hưởng môi trường xung quanh, do gia đình không quan
tâm đến việc học và dạy bảo con em nên vẫn còn một số ít học sinh vi phạm về mặt
đạo đức - nền nếp như: thỉnh thoảng các em đánh nhau nên buộc miệng chửi thề; đôi
lúc còn đi trễ, nghỉ học không phép…
VI./ BÀI HỌC KINH NGHIỆM:


Qua quá trình thực hiện các biện pháp đã nêu, tôi rút ra được một vài kinh
nghiệm :
Để học sinh hoàn thiện tốt kế hoạch đề ra, giáo viên cần tích cực chịu khó vào
thời gian đầu nhắc nhở để các em quen dần nền nếp. Sau đó giáo viên tổng kết các
hoạt động vào cuối mỗi buổi học và tiết sinh hoạt lớp để có thể nhắc nhở kịp thời khi
các em mới vừa sai phạm. Giáo viên nêu ra yêu cầu gì đối với học sinh phải cần có sự
kiểm tra, nhận xét để giúp học sinh nhận ra sai phạm và sự tiến bộ của mình, giúp học
sinh hiểu được tại sao phải thực hiện những yêu cầu của thầy cô đề ra.
Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh cũng không

kém phần quan trọng. Giáo viên cần có những buổi họp CMHS để bàn về cách thức
dạy và học của con em, nhờ sự tiếp tay của CMHS về tình hình học sinh sau khi đã
hình thành các biện pháp giáo dục đạo đức - nền nếp mà chưa tiến bộ nhiều. Từ đó
giúp CMHS hiểu cần quan tâm đến việc học tập cũng như nhắc nhở nền nếp, giáo dục
đạo đức cho con em.
VII./ NHỮNG ĐỀ XUẤT VỚI NHÀ TRƯỜNG:
Vì việc giáo dục đạo đức - nền nếp cho học sinh không phải chỉ một ngày,, một
buổi có thể làm được mà cần duy trì liên tục trong suốt quá trình dạy học để đạt được
mục đích là: Hình thành và phát triển cho học sinh một nhân cách hoàn thiện không
chỉ riêng lớp học đầu cấp mà cần liên tục lên đến các lớp trên.


Hàng tuần, trong giờ chào cờ Tổng phụ trách Đội cần biểu dương cụ thể những
gương tốt và nhắc nhở cụ thể những sai phạm của học sinh (nếu có).
Ngoài ra, cần tăng cường khâu hoạt động Sao nhi. Đây là hoạt động thiết thực
nhằm giúp các em hình thành nhân cách, tính tự quản cao góp phần giáo dục toàn diện.
Vì Đội giáo dục gần gũi nhất là 5 điều Bác Hồ dạy và hoạt động Đội còn là đòn bẩy
kích thích học sinh thông qua vui chơi để học tập.
Đây chỉ là một vài kinh nghiệm mà tôi đúc kết được trong quá trình giảng dạy
tại trường. Đây cũng không phải là những biện pháp hoàn hảo, bản thân cũng rất mong
BGH, đồng nghiệp đóng góp ý kiến, động viên và giúp đỡ để đề tài tôi ngày một hoàn
thiện và tốt hơn.
Người viết

NGÔ THỊ MỸ PHƯỢNG

×