Tải bản đầy đủ (.pdf) (2 trang)

SỐ 6 - QUYỀN KHÔNG BỊ BẮT, GIAM GIỮ TÙY TIỆN ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (160.24 KB, 2 trang )

SỐ 6 - QUYỀN KHÔNG BỊ BẮT, GIAM GIỮ TÙY TIỆN
Quyền được bảo vệ để khỏi bị bắt, giam giữ tùy tiện
trước hết được quy định trong Điều 9 Tuyên ngôn
Nhân quyền Quốc tế (UDHR), trong đó nêu rằng,
không ai bị bắt, giam giữ hay lưu đày một cách tuỳ
tiện.
Điều 9 Công ước quốc tế về các quyền dân
sự và chính trị (ICCPR) cụ thể hóa Điều 9 UDHR bằng những quy định khá chi
tiết, theo đó:
1. Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị
bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước
quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp đã quy định.
2. Bất cứ người nào bị bắt giữ đều phải được thông báo vào lúc bị bắt về
những lý do họ bị bắt và phải được thông báo không chậm trễ về sự buộc tội đối
với họ.
3. Bất cứ người nào bị bắt hoặc bị giam giữ vì một tội hình sự phải được
sớm đưa ra toà án hoặc một cơ quan tài phán có thẩm quyền thực hiện chức năng
tư pháp và phải được xét xử trong thời hạn hợp lý hoặc được trả tự do. Việc tạm
giam một người trong thời gian chờ xét xử không được đưa thành nguyên tắc
chung, nhưng việc trả tự do cho họ có thể kèm theo những điều kiện để bảo đảm
họ sẽ có mặt tại toà án để xét xử vào bất cứ khi nào và để thi hành án nếu bị kết
tội.
4. Bất cứ người nào do bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền
yêu cầu được xét xử trước toà án, nhằm mục đích để toà án đó có thể quyết định
không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả lại tự do cho họ,
nếu việc giam giữ là bất hợp pháp.
5. Bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam giữ
bất hợp pháp đều có quyền được yêu cầu bồi thường.
Ngoài những nội dung đã được nêu cụ thể như trên, trong Bình luận chung
số 8 thông qua tại phiên họp lần thứ 16 năm 1982, Ủy ban Nhân quyền (HRC) đã
giải thích thêm một số khía cạnh có liên quan đến Điều 9 ICCPR, có thể tóm tắt


những điểm quan trọng như sau:
Thứ nhất, về phạm vi áp dụng, Khoản 1 Điều 9 (và cũng có nghĩa là quyền
tự do và an toàn cá nhân) được áp dụng cho tất cả những người bị tước tự do, kể
cả các trường hợp do phạm tội hay do bị tâm thần, lang thang, nghiện ma tuý, hay
để nhằm các mục đích giáo dục, kiểm soát nhập cư (đoạn 1).
Thứ hai, thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 phụ
thuộc vào pháp luật của các quốc gia thành viên, tuy nhiên, theo Ủy ban, thời hạn
tạm giữ không nên vượt quá vài ngày, còn thời hạn tạm giam cần phù hợp với hai
quy tắc: (i) bị can, bị cáo phải được xét xử trong thời gian hợp lý hoặc được trả tự
do (như đã nêu ở Khoản 3 Điều 9), và (ii) việc tạm giam chỉ được coi là ngoại lệ
và với thời gian càng ngắn càng tốt (đoạn 2).
Thứ ba, trong trường hợp sử dụng tạm giữ, tạm giam như là một biện pháp
ngăn chặn, việc này không được tiến hành một cách tùy tiện mà phải dựa trên các
trình tự, thủ tục được luật pháp qui định (như nêu trong Khoản 1), đồng thời phải
bảo đảm quyền được thông tin của bị can (như nêu trong Khoản 2), quyền được
toà án quyết định tính hợp pháp của việc giam giữ (như nêu trong Khoản 4), quyền
được yêu cầu bồi thường của bị can, bị cáo trong trường hợp oan sai (như nêu
trong Khoản 5). Ngoài ra, trong trường hợp sau đó có lời buộc tội được đưa ra,
còn phải tuân thủ những bảo đảm tố tụng nêu trong Điều 14 ICCPR (đoạn 3).

(Trích Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật -
ĐHQGHN, NXB CTQG, 2009, trang 205 - 207)

×