Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

Hệ thống cảnh báo sớm khủng hoảng tài chính pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (173.14 KB, 6 trang )

Hệ thống cảnh báo sớm các khủng hoảng tài chính
Đứng trước sự sa sút của nền kinh tế và các khủng hoảng tài chính, các nhà lãnh đạo cũng
như các nhà hoạch định chính sách luôn phải đối diện với câu hỏi: làm thế nào để dự đoán được
các hiện tượng này để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tác động của nó trong tương lai. Dominic
Barton, Roberto Neweill, và Gregory Wilson thuộc Tập đoàn McKinsey đã đưa ra 10 chỉ số quan
trọng để nhận dạng các dấu hiệu khủng khoảng mà các nhà quản lý cần kiểm soát; quan trọng cả
về mức độ và xu hướng.
Rạng sáng ngày 02 tháng 07 năm 1997, các chủ nhà băng hàng đầu Băng Cốc bị đánh thức và
được triệu tập họp lúc 6h30 sáng tại toà nhà đối diện Cung điện Ban- khum-pron, tên gọi thường được
biết đến của trụ sở Ngân hàng Thái Lan lộng lẫy. Khi các chủ nhà băng tập trung đông đủ với vẻ lo lắng,
họ được thông báo rằng sau nhiều tháng kháng cự, Chính phủ buộc phải dỡ bỏ mức neo giá đồng bạt
Thái với đồng đô la Mỹ. Khi các thị trường mở cửa vài giờ sau đó, tất cả đều hoảng loạn. Đồng bạt giảm
15% so với đồng đô la Mỹ, báo trước một cuộc khủng hoảng kinh tế càn quét Thái Lan và những nước
còn lại ở Châu Á ngay sau đó, tác động tới cả thế giới.
Trái với những kịch tính sau sự đổ vỡ của nền kinh tế Thái Lan, các yếu tố của cơn bão đã dần hình
thành một cách lặng lẽ trong nhiều năm. Một dấu hiệu sớm của khủng hoảng là việc Ngân hàng Thương
mại Băng-cốc sụp đổ giữa năm 1996. Thất bại của ngân hàng này đã phơi bày các hoạt động ngân
hàng kém hiệu quả tồn tại trong nhiều năm. Tiếp đó, Somprasong Land, một công ty từng chuyển
đổi hàng ngàn héc-ta đầm lầy thành nhà ở ven đô, đã trở thành công ty bất động sản đầu tiên vỡ nợ
trái phiếu quốc tế, kéo theo các xì-căng-đan và thất bại khác. Không lâu sau, các giám đốc ngân hàng
nước ngoài bắt đầu thu hồi nợ. Các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác, cảm nhận được sự
suy thoái của nền kinh tế, bắt đầu bán ra đồng bạt. Các công ty của Thái Lan, e sợ rằng đồng tiền sắp bị
phá giá, đồng loạt đổi bạt lấy đô la Mỹ. Đồng bạt Thái rớt giá ngay sau đó.
Trong khi đó, cả Standard & Poor và Moody đều không tiên đoán trước được mức độ trầm trọng
của cơn bão tài chính Thái Lan. Ngay cả IMF, vào đêm trước khi xảy ra khủng hoảng mùa hè 1997, vẫn
đánh giá cao sự “tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận” và “quá trình tăng trưởng kinh tế vĩ mô liên tục”
của Thái Lan. Đến mùa thu 1997, tất nhiên, các dự đoán lạc quan này của họ đều bay theo gió.
Các nhà quan sát dày dặn kinh nghiệm - với nhiệm vụ là xác định vấn đề trước khi chúng biến thành
khủng hoảng - đều không nhận biết được các dấu hiệu khủng hoảng ở Thái Lan. Họ cũng bỏ qua các
dấu hiệu này ở các trường hợp khác như chúng ta đã thấy, ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính năm
1994-1995 tại Mexico.


Làm thế nào mà các chuyên gia lại tính sai như vậy? Tại sao họ lại không thể nhìn thấy một cơn bão
tài chính đang tiến đến gần? Chúng tôi tin rằng nguyên nhân là do đa số các chuyên gia chỉ dựa trên sự
suy đoán thông thường, đó là theo dõi sự lựa chọn của Chính phủ về tỷ giá hối đoái, quản lý tài chính và
tổng lượng tiền để nhận biết một cuộc khủng hoảng đang tới gần.
Chắn chắn rằng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đóng vai trò quan trọng, vì cuộc khủng hoảng diễn ra ở
Arghentina năm 2002 là minh chứng rõ ràng: Cuộc khủng hoảng năm 2001-2002 ở Arghentina phát sinh
do tình hình tài chính bất ổn, dẫn tới việc Chính phủ không thể trả 141 tỷ đô la đang nợ, việc phá giá
mạnh đồng pê-sô khi không còn liên kết với đồng đô la Mỹ, và đóng băng tiền gửi ngân hàng, tất cả
những yếu tố này đã làm bùng phát cuộc khủng hoảng ngân hàng. Tuy nhiên, dựa trên nghiên cứu của
mình, chúng tôi tin rằng phần lớn các dấu hiệu cảnh báo các cơn bão tài chính nằm ở điều kiện kinh tế vi
mô mà chúng tôi chắc rằng báo hiệu khủng hoảng tài chính trước khi chúng tích luỹ thành các biến động
lớn.
Vì lý do này, chúng tôi khẳng định rằng điều tiết kinh tế vi mô - với các số đo tương đối đơn giản -
song song với việc theo dõi các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ không những giúp tìm ra nguyên nhân của khủng
hoảng mà còn chỉ ra nơi khủng hoảng sẽ tấn công và thậm chí khoảng thời gian nó có thể tấn công.
Khuôn mẫu hình thành khủng hoảng
Không ai có thể tranh luận rằng khủng hoảng tài chính dễ dự đoán. Như một cựu quan chức của
IMF thừa nhận, “IMF đã dự đoán 15 so với sáu khủng hoảng vừa rồi.” Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng không
thể không dự đoán được chúng, đặc biệt là khi phần lớn các cuộc khủng hoảng tài chính có chung một
khuôn mẫu.
Mười dấu hiệu của khủng hoảng
Cần có sự kết hợp của cả nghệ thuật và khoa học để thấy được các dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng
tài chính. Sau đây là 10 chỉ số quan trọng mà các nhà quản lý cần kiểm soát; quan trọng cả về mức độ
và xu hướng. Khi một vài trong số các chỉ số này bắt đầu đi sai hướng cùng một lúc, có thể một cuộc
khủng hoảng đang nhen nhóm.
1. Giá trị bị đổ vỡ ở khối tư nhân. Khi các công ty không kiếm ra đủ tiền để trang trải cho chi phí của
số tiền họ đi vay, thì một cuộc khủng hoảng có thể đang tiềm tàng. Đèn đỏ bật sáng khi lợi nhuận của
phần lớn các công ty trong nước đều ít hơn chi phí trung bình về vốn. Điều này đúng với mọi khủng
hoảng chúng tôi đã nghiên cứu.
2. Tỷ lệ trang trải lãi suất. Nếu tỷ lệ giữa dòng tiền mặt và các khoản thanh toán lãi của một công ty

giảm xuống dưới 2, công ty đó có thể đang phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản; nếu điều này xảy
ra ở các công ty hàng đầu trong nước, một cuộc khủng hoảng rộng lớn có thể sắp xảy ra.
3. Mức lợi nhuận của các ngân hàng. Doanh thu tài sản trên toàn hệ thống hàng năm nhỏ hơn 1%
đối với các ngân hàng thương mại và/hoặc biên độ lãi suất ròng hàng năm nhỏ hơn 2% thường là các
dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng.
4. Danh mục cho vay tăng nhanh. Khi danh mục cho vay của ngân hàng phát triển nhanh hơn 20%
trong vòng hơn 2 năm, chúng tôi thấy rằng nhiều khoản nợ trở thành nợ xấu và dẫn đến khủng hoảng tài
chính.
5. Tiền gửi giảm hoặc tỷ lệ tiền gửi tăng nhanh. Khi những người gửi tiền bắt đầu rút tiền khỏi các
ngân hàng địa phương, đặc biệt là trong vòng 2 quý liên tiếp, hãy cảnh giác. Hành động này thường là
dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng.
6. Các khoản cho vay không có khả năng hoàn trả. Việc cho vay không có sự tư vấn tốt thường kết
thúc bằng việc gia tăng các khoản cho vay không có khả năng hoàn trả. Khi các khoản vay này vượt quá
5% của tổng số tài sản ngân hàng, đèn cảnh báo nên chuyển sang màu đỏ. Vấn đề nằm ở chỗ các ngân
hàng thường không công bố các khoản cho vay không có khả năng hoàn trả cho tới khi xảy ra
khủng hoảng. Thêm vào đó, mỗi nước có các định nghĩa khác nhau về các khoản cho vay không có khả
năng hoàn trả.
7. Tỷ lệ vay trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Khi một ngân hàng thương mại thiếu vốn, việc đi
vay từ thị trường liên ngân hàng, hoặc đưa ra lãi suất cao hơn ở ngoài thị trường nhằm thu hút vốn thì thị
trường về bản chất đang bỏ một lá phiếu không tín nhiệm đối với ngân hàng. Điểm yếu của một ngân
hàng có thể dẫn tới lây lan hàng loạt.
8. Cơ cấu thời hạn cho vay của ngân hàng nước ngoài. Nhiều công ty ở các thị trường mới xuất
hiện vay từ các ngân hàng nước ngoài tiền đô Mỹ, Euro hoặc Yên để làm giảm lãi suất. Khi hơn 25% của
khoản nước ngoài cho một nước nhất định vay có thời hạn ít hơn một năm, cần bật đèn cảnh báo vì các
khoản cho vay đó rất dễ bị rút lại nếu xảy ra khủng hoảng.
9. Tăng trưởng nhanh và sự sụp đổ đồng tiền quốc tế và các dòng đầu tư. Khi các nhà đầu tư nước
ngoài, thông qua vốn chủ sở hữu, trái phiếu, và các khoản cho vay ngân hàng, đổ tiền vào một nước mà
không có hiệu quả hoặc quản lý kém, kết quả là dư nợ lớn có thể dẫn đến khủng hoảng. Các nguồn đầu
tư như vậy có thể tạo điều kiện để khủng hoảng xảy ra.
10. Bong bóng giá tài sản. Bong bóng và nổ bong bóng giá tài sản diễn ra trên toàn thế giới nhưng

đặc biệt hay xảy ra ở các thị trường mới nổi do các thị trường tài sản tại đây hoạt động kém hiệu quả và
tâm lý các nhà đầu tư dễ thay đổi.
Dominic Barton, Roberto Neweill, và Gregory Wilson
Trích từ cuốn sách "Các thị trường nguy hiểm, cung cấp các chỉ số nhằm phát hiện các cơn bão sắp xảy
ra"
Thu Hà (biên dịch)

Về các tác giả
- Dominic Barton là Chủ tịch của Tập đoàn McKinsey tại Châu Á. - Roberto Neweill nguyên là giám
đốc ở văn phòng Miami; - Greg Wilson là một trong những người đứng đầu văn phòng ở Washington,
DC.
Ngày 19/9/2008, Dominic Barton đã có bài thuyết trình về các đề tài nóng mà các doanh nghiệp Việt
Nam quan tâm tại buổi hội thảo "Lãnh đạo doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng”, tổ chức tại Khoa
Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hệ thống cảnh báo sớm các khủng hoảng tài chính - Phần 2
Tiếp tục bài viết về việc cảnh báo sớm các khủng hoảng tài chính, Dominic Barton, Roberto
Neweill, và Gregory Wilson thuộc Tập đoàn McKinsey nhận định: "Quá trình hội nhập các thị
trường mới nổi vào nền kinh tế toàn cầu mang lại lợi ích lớn cho tất cả nhưng cũng kèm theo nỗi
đau và cái giá của nó nếu những thị trường này không sẵn sàng hoặc không có “hệ thống miễn
dịch” đầy đủ.

Phần lớn các cuộc khủng hoảng bắt đầu bằng sự yếu kém trong ngành sản xuất vật chất, đặc biệt là
sự bất lực của các công ty không duy trì được hiệu quả hoạt động và lợi nhuận. Ở những thị trường
mới mở, điều này thường do tính chất đóng của nền kinh tế, trong đó sự tồn tại của hiện tượng cho vay
chỉ định, thiếu tính cạnh tranh thực sự, và yếu kém trong quản lý doanh nghiệp thường trong một thời
gian dài. Khủng hoảng cũng có thể xảy ra ở các nền kinh tế phát triển (ví dụ, khủng hoảng ở Thụy Điển
năm 1985) và ở từng ngành (ví dụ, khủng hoảng tiết kiệm và vay vốn ở Hoa Kỳ những năm giữa thập kỷ
80). Các yếu kém cơ cấu này thường bộc lộ khi Chính phủ bắt đầu hội nhập mạnh mẽ nền kinh tế trong
nước với kinh tế toàn cầu. Việc hội nhập này thường quá sâu và quá nhanh.
Khi các thị trường phát triển và mở rộng đến những khu vực của thế giới mà trước kia chúng không

nắm vai trò quan trọng, nhiều khả năng khủng hoảng sẽ gia tăng về tần suất cũng như về độ lớn và
cường độ.
Tiếp đó, việc cho vay sai lầm thổi bùng ngọn lửa. Trong tất cả các khủng hoảng chúng ta đã thấy,
các tổ chức tài chính không chỉ tiếp tục cho các doanh nghiệp không ổn định vay mà còn tăng việc cho
vay vốn, đôi khi ở mức rất cao. Chúng ta cũng thấy họ rời xa lĩnh vực chuyên môn của mình để sang lĩnh
vực cung cấp các khoản vay cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp có hoạt động rủi ro cao. Nghiệp
vụ ngân hàng kém là nguyên nhân chính của những bước đi sai lầm này và thêm vào đó, trầm trọng hơn,
là mối quan hệ thân thiết đáng ngờ giữa các ngân hàng và con nợ của mình, áp lực của Chính phủ phải
cho vay để tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, và sự bất cẩn xảy ra cùng với quá trình phi điều tiết
và làn sóng vốn đầu tư nước ngoài tràn vào nền kinh tế. Tất cả những hành động trên dẫn tới việc tích
nợ xấu nhanh và không bền vững.
Trong giai đoạn này của khủng hoảng, hệ thống pháp luật - đáng lẽ nên ngăn ngừa vấn đề này xảy
ra - lại hoàn toàn vô hiệu hoặc không đủ để giải quyết vấn đề. Những người hành pháp là cán bộ nhà
nước thường thiếu các kỹ năng quản lý một nền kinh tế bùng nổ - chưa kể đến khả năng đối mặt với các
thể chế tài chính trốn tránh các quy định và giấu giếm bản chất thật của vấn đề.
Giai đoạn cuối cùng xảy ra khi các chính sách kinh tế vĩ mô và các cú sốc ngoại sinh làm bùng nổ
khủng hoảng. Các chính sách vĩ mô - phần lớn là các chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoái và các
chính sách tài khoá - thường quyết định thời gian và độ lớn của khủng hoảng. Yếu tố làm bùng phát
khủng hoảng có thể là các cú sốc bên ngoài, ví dụ như tác động của hiện tượng El Niño lên nền kinh tế
của Ê-cua-a-đo, hoặc từ bên trong, ví dụ như việc suy giảm nhanh chóng lòng tin của người gửi tiền
ở Arghentina sau nhiều năm quản lý kinh tế kém.
Khủng hoảng này nối tiếp khủng hoảng khác, chúng tôi đã tìm ra một mô hình gồm sự tích tụ dần
dần trong khối doanh nghiệp và ngân hàng, tiếp đó là yếu tố châm ngòi trong kinh tế vĩ mô.
Ví dụ như cuộc khủng hoảng của Mexico, hệ thống ngân hàng bị kích thích bởi thanh khoản thừa
khiến cho ngân hàng cho khối tư nhân vay vốn một cách hào phóng. Nhưng cùng lúc với việc bùng nổ
cho vay vốn, các doanh nghiệp lại đồng thời phải hứng chịu khi hàng nhập khẩu ồ ạt tràn vào, dẫn tới
các vấn đề trong hoạt động trước khi xảy ra khủng hoảng. Nghịch lý ở chỗ điều này do các chính sách
của Chính phủ gây ra bắt đầu vào năm 1989 khi phần lớn nền kinh tế được cổ phần hoá và tự do hoá vài
năm sau khi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ giữa Canada và Hoa Kỳ được ký kết. Tất cả các thay
đổi này đều cần thiết và khiến cho lòng tin vào nền kinh tế Mexico tăng cao. Chúng cũng khuyến khích

bùng nổ việc vay vốn nước ngoài dẫn đến việc tăng giá quá mức của đồng pê-sô. Giống như ở Thái Lan,
Chính phủ Mexico không thấy được sự mất cân đối đang dần hình thành trong nền kinh tế và không hề
thấy cuộc khủng hoảng năm 1994.
Trường hợp của Thuỵ Điển có khuôn mẫu tương tự. Từ lịch sử quy định chặt chẽ trong ngân hàng,
khối tài chính Thuỵ Điển được bãi bỏ nhiều luật lệ năm 1985. Việc tháo dỡ hạn chế cho vay làm bùng
phát việc cho vay vốn mạnh bởi các ngân hàng nội địa và nước ngoài, phần lớn các khoản vay liên quan
trực tiếp đến bất động sản. Không lâu sau, giá trị tài sản tăng cao. Năm 1989, Thụy Điển bãi bỏ hạn chế
về vốn và các công dân được phép đầu tư vào tài sản ở nước ngoài.
Nhiều người mua bất động sản ở ngoài nước, vay ngoại tệ với lãi suất thấp. Bên cạnh hiện tượng
ngày càng tăng này, nền kinh tế Thụy Điển bị sói mòn bởi thâm hụt thương mại tăng cao, một phần bởi
sự tăng tỷ giá hối đoái thực. Ngoài ra, chính sách neo tỷ giá hối đoái của Chính phủ khuyến khích các
chủ nợ nhận các khoản vay không được bảo hiểm từ nguồn tài trợ nước ngoài. Vì đồng tiền bị neo giá
che lấp nguy cơ thật sự về tỷ giá hối đoái, người đi vay có được cái có vẻ như món vay ngoại tệ “rẻ” mà
không nghĩ rằng đồng curon sẽ có ngày phá giá.
Chính phủ Thụy Điển đã có một số biện pháp nhanh để làm các đám mây bão ngưng tụ; năm 1992,
trong một nỗ lực nhằm bảo vệ tỷ giá hối đoái trước sự hỗn độn trên thế giới, Chính phủ áp đặt một hệ
thống thuế mới và áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt. Hệ thống thuế mới khuyến khích tiết kiệm thay vì
vay vốn, do đó đã làm giảm khấu trừ thanh toán lãi suất. Các biện pháp này làm giảm nhanh lạm phát và
tăng cao mức lãi suất thực sau thuế. Kết quả là thị trường bất động sản giảm mạnh và kéo theo một loạt
các khoản vay không có khả năng hoàn trả. Những tuần đầu năm 1993, đồng curon giảm 25% giá trị và
vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi Thụy Điển để tới những nơi an toàn hơn. Trong những ví dụ này và các ví
dụ khác, chúng ta thấy hai lợi ích quan trọng từ việc hiểu rõ động lực của khủng hoảng và nguyên nhân
của các cơn bão tài chính. Thứ nhất, hiểu được nguyên nhân cơ bản của các cơn bão tài chính, chúng ta
hy vọng sẽ giảm thiểu được tác động tức thời, chi phí và thời gian ảnh hưởng. Thứ hai, thừa nhận rằng
nguyên nhân của một cơn bão tài chính bắt nguồn đầu tiên từ khu vực ngân hàng và bất động sản,
chúng ta hy vọng rằng các nhà quản lý có thể thấy được các dấu hiệu sớm của cơn bão để kịp thời ra
các quyết định giúp công ty họ tránh được sự thịnh nộ của cơn bão.
Kết luận và quan điểm về khủng hoảng trong tương lai
Quá trình hội nhập các thị trường mới nổi vào nền kinh tế toàn cầu mang lại lợi ích lớn cho tất cả
nhưng cũng kèm theo nỗi đau và cái giá của nó nếu những thị trường này không sẵn sàng hoặc không

có “hệ thống miễn dịch” đầy đủ. Chúng tôi tin rằng trong tương lai có thể xảy ra vài cuộc khủng hoảng.
Đây gần như là điều được xác định trước. Khi các thị trường phát triển và mở rộng đến những khu vực
của thế giới mà trước kia họ không nắm vai trò quan trọng thì rất có nhiều khả năng khủng hoảng sẽ gia
tăng về tần suất cũng như về độ lớn và cường độ. Nhiều nhà quan sát tin rằng có ít nhất ba cơn bão
tài chính chủ yếu đang ấp ủ trong nền kinh tế thế giới. Đây có khả năng là một trong những khủng hoảng
lớn nhất từ trước đến nay:
1. Nhật Bản, được tạp chí "Nhà kinh tế" đầu năm 2002 gọi là “nền kinh tế không tăng trưởng” đã trì
hoãn những cải cách cần thiết trong một thời gian rất dài và gây ra áp lực khổng lồ không giải quyết
được trong hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô của Nhật. Cái giá mà người Nhật và thế giới phải trả cho
sự thờ ơ này có thể sẽ lớn hơn bất cứ thứ gì từng trải nghiệm trước đây.
2. Một cơn bão tương tự nhưng nhỏ hơn có thể đang hình thành ở Trung Quốc nơi
mà danh mục tín dụng ở các doanh nghiệp nhà nước tích đọng trong nhiều năm đã tạo ra một danh mục
các khoản tín dụng không hiệu quả ước tính tới hơn 600 tỷ đô la. Chất xúc tác của cơn bão tiềm tàng ở
Trung Quốc có thể là việc cho phép những người gửi tiền Trung Quốc tự do chuyển tiền gửi trong nước
hoặc đầu tư ngoài nước.
3. Một sự kiện có các đặc điểm tương tự khác, rất may mắn là ở quy mô nhỏ hơn, có thể đang hình
thành tại Ấn Độ, nơi mà việc bảo hộ các doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả trong hàng thập kỷ có
thể dẫn tới các hệ quả về kinh tế. Ở đây, sự kiện đang dần hình thành có thể là việc tự do hóa thương
mại hơn nữa khiến các công ty lớn phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Áp lực tích tụ trong ba nền kinh tế này và nhiều nền kinh tế khác rất đáng sợ. Tự do hóa đang dần
tiến đến toàn bộ Đông Âu, Đông Nam Á và Châu Phi. Việc tiếp tục bãi bỏ quy định có thể xảy ra ở các thị
trường phát triển của Châu Âu và Bắc Mỹ khi việc cải cách lương hưu, nới lỏng luật ngân hàng và quy tụ
các dịch vụ tài chính đang tiếp diễn. Hơn nữa, sự kết nối giữa các nền kinh tế thế giới đang gia tăng,
khi doanh nghiệp toàn cầu hóa, nhiều tổ chức và cá nhân đầu tư ở nước ngoài và các thể chế tài chính
trở liên kết với nhau chặt chẽ hơn thông qua hệ thống thanh toán, cho vay theo nhóm, hợp đồng mua lại,
cho vay liên ngân hàng, và đầu tư thị trường vốn.
Tất cả các sự kiện này sẽ khiến các nhà quản lý bận rộn với việc theo dõi các dấu hiệu cảnh báo
khủng hoảng đang xuất hiện ở nhiều thị trường nguy hiểm. Các nhà quản lý cũng nên bắt đầu áp dụng
các biện pháp phòng ngừa cần thiết để vượt qua 100 ngày đầu tiên của cơn bão tài chính.
Dominic Barton, Roberto Neweill, và Gregory Wilson

Trích từ cuốn sách "Các thị trường nguy hiểm, cung cấp các chỉ số nhằm phát hiện các cơn bão sắp xảy
ra"
Thu Hà (biên dịch)

×