Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học " THÂN MẪU LÝ CÔNG UẨN LÀ NGƯỜI BẮC NINH " potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (180.98 KB, 7 trang )

THÂN MẪU LÝ CÔNG UẨN LÀ NGƯỜI BẮC NINH

Nguyễn Hùng Vĩ

Dựa trên tổng thể tư liệu hiện nay, với suy luận kĩ càng, có thể đưa ra
giả thuyết mẹ đẻ Lý Công Uẩn là người Dương Lôi, hương Cổ Pháp trong
châu Cổ Pháp đời Lý nằm trên đất Bắc Ninh hiện nay.
Trong điều kiện hiện bây giờ, khi giới khảo cổ học chưa khai quật
trực tiếp và minh định được các ngôi mộ liên quan thì sử liệu thành văn sẽ là
căn cứ tốt nhất cho việc lập ra giả thiết này với điều kiện có cách đọc văn
bản hợp lí.
Khó mà phản bác rằng, Lý Công Uẩn có cả một gia tộc bề thế, cường
thịnh. Đại Việt sử kí toàn thư (bản Chính Hòa 1697) ghi lời Vạn Hạnh: “Nay
xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều nhưng không ai bằng Thân vệ là
người khoan thứ nhân từ được lòng dân, mà đang lại nắm binh quyền trong
tay ”. Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn truy phong cho cha, mẹ, phong cho
anh, chú, lại phong cho cả con anh Gia tộc là như vậy phủ định làm sao
được. Tấm bia Hoa Lâm Tam Bảo thị 1656 còn lưu thác bản nói rõ quê
hương Hoa Lâm của ông nội bà nội, cùng lăng miếu cha mẹ Lý Công Uẩn
làm sao mà phủ định được. Vậy quê mẹ Lý Công Uẩn là đâu?
Giả thiết của chúng tôi từng bước đưa ra như sau:
- Bố Lý Công Uẩn đa thê và Phạm mẫu là người vợ muộn của ông
Điều này chưa thấy bộ sử nào cũng như nhà khoa học nào nói tới
nhưng có thể suy luận được. Năm 1009, Lý Công Uẩn phong cho anh làm
Vũ Uy vương và con Vũ Uy vương là Trung Hiển làm Thái úy. Lúc đó, Lý
Công Uẩn 35 tuổi. Một người phụ trách quân đội như Thái úy thì tuổi đời
cũng phải xấp xỉ Lý Công Uẩn vì còn trong triều, những người ủng hộ Lý
Công Uẩn rất nhiều, ngay trong nội tộc cũng nhiều người lớn tuổi, từng trải.
Chắc chắn những người anh đó phải là con bà cả, bà hai, nếu có ai là em thì
cũng là em con chú, có thể lớn tuổi hơn cả Lý Công Uẩn. Việc một hào
trưởng, lý gia thời xưa năm thê bảy thiếp là chuyện hết sức bình thường.


Người vợ muộn đó mang thai rất không bình thường, điều này là
thống nhất từ sử kí, tài liệu Phật giáo đến truyền thuyết dân gian. Tai sao
một vị vua khai quốc đầy uy vọng thế kia mà các nhà sử học lại để một
khoảng “bất minh” trong gốc tích như vậy? Ở đây có sự “hoang thai”. Hoặc
bố Lý Công Uẩn gặp già bệnh mất khả năng sinh sản, hoặc là cụ đã mất khi
Phạm mẫu có thai Lý Công Uẩn. Sử kí ghi là đi chùa, giao hợp với thần
nhân. Chuyện này không lạ với nhiều vĩ nhân trong lịch sử. Chửa xong,
Phạm mẫu “đau ở chùa Dận” (Đình Bảng), “đẻ ở Đàng Sau” (Dương Lôi),
nuôi ở Dương Lôi lên 3, gửi cho Lý Khánh Văn ở Đại Đình, lên 7 theo học
Lý Vạn Hạnh ở chùa Tiêu. Chỉ có ngụ ở chùa mới đau đẻ ở đó. Mấy ai cận
ngày sinh nở mà còn đi lạy Phật. Tất cả những nơi đó nằm cạnh nhau trong
hương Cổ Pháp thuộc châu Cổ Pháp xưa, cách Hoa Lâm một độ đường
(không gian giao thông ngày ấy khác sau này nhiều). Phạm mẫu đã về bên
ngoại để đẻ con và chưa đến nhà mẹ thì đã sinh ở ngoài đội đồng Đàng Sau.
Ông được nuôi dưỡng, lớn lên, học hành ở vùng này và sẽ rất sâu nặng với
quê ngoại.
- Bà ngoại Lý Công Uẩn có lăng trên đất Dương Lôi
Đó là lăng Ngoại tổ Thánh Mẫu mà ngày nay, do quen gọi là lăng
Thánh mẫu nên gây nhầm tưởng cho nhiều người là mộ mẹ Lý Công Uẩn ở
đây chứ không phải ở Hoa Lâm như tấm bia Hoa Lâm Tam Bảo thị (1656)
đã nói. Cuốn Bắc Ninh toàn tỉnh dư địa chí biên tập năm Thành Thái thứ 3
(1891), phụng sao lại tháng giêng năm Bảo Đại thứ 8 (1933), viết: “Lăng
Ngoại tổ Thánh mẫu nhà Lý. Ở xã Dương Lôi. Thánh mẫu nhà Lý vốn là
người Dương Lôi. Lăng này là lăng bà thân sinh ra Thánh mẫu nhà Lý.
Người trong xã quanh năm thờ cúng. Cũng gọi là lăng Thánh mẫu”.
Sự ghi chép này dẫu muộn nhưng ta xét thấy, tác giả không bị áp lực
nào để ghi sai đi những gì mình biết, mình thấy. Đồng thời, tác giả cũng
nhắc chúng ta rằng, ngay trước đây, cách nay 120 năm đã có sự gọi gọn đi
thành lăng Thánh mẫu. Ngày nay, chúng ta cũng theo đó mà gọi, gây ra sự
hiểu sai (tựa hồ như Đường chiến thắng B52 thì dân cứ gọi là Đường B52,

trăm năm sau giải thích thành số hiệu của đường chẳng hạn). Bà ngoại là
người đã nuôi Lý Công Uẩn tuổi ấu thơ, ông vốn là người khoan thứ nên
lòng biết ơn chắc chắn là sâu nặng. Cho đến khi trưởng thành hoặc thành
danh, Lý Công Uẩn trở về hòa đồng với gia tộc cường thịnh của mình. Vậy,
cô gái họ Phạm Dương Lôi đã làm dâu rẽ họ Lý Hoa Lâm và nhập hộ tịch ở
đó. Nhưng số phận đưa đẩy, cô phải về quê sinh nở đứa con mình.
- Dương Lôi – Đại Đình – Đình Bảng là “thang mộc ấp” nhà Lý
Đây là ý kiến đúng đắn của nhà sử học Phan Huy Chú khi làm sách
Lịch triều hiến chương loại chí (hoàn thành năm 1820 thời Nguyễn). Ở
quyển 3, ông chép: “Tiên Du. Cổ Pháp [ tức Đình Bảng ] vi Lý thời thang
mộc ấp”. Nhưng thang mộc ấp thì không nhất thiết phải là quê sở Lý Công
Uẩn. Từ điển giải nghĩa thang mộc ấp chủ yếu nói đó là chỗ ở của chư hầu
khi đến tiến cống hoặc đất được phong cho vương hầu, công chúa cũng như
người có huân công mà từ đó người ta được ăn lộc, thu thuế và dựng nghiệp.
Không có giải nghĩa là nơi quê hương bản quán. Cứ cho thời Nguyễn, Phan
Huy Chú coi Đình Bảng là Cổ Pháp xưa đi nữa thì ông cũng không khẳng
định đó là quê quán Lý Công Uẩn khi viết như vậy. Câu trên của Phan Huy
Chú chắc chắn phải được dịch là: “Tiên Du. Cổ Pháp [ tức Đình Bảng ] là
thang mộc ấp của thời Lý”. Đồng thời phải chú thích thang mộc ấp là gì thì
mới rõ nghĩa. Còn cứ hiểu và dịch theo thiên kiến sẽ dễ làm người đọc hiểu
nhầm theo.
Theo nghĩa như trên, ta hoàn toàn có thể hiểu đây là đất phong ấp
của Lý Công Uẩn. Sử không chép lần nào ông được nhà Tiền Lê phong đất
và phong ở đâu nhưng theo lệ thường, làm quan đến Thân vệ điện tiền thì có
thể được phân đất. Chuyện thác đao điền sau này ghi trong sử về nhà Lý cho
ta chắc được như vậy. Nếu được phong, ông và những người thầy nuôi dạy
ông sẽ chọn vùng này là hợp tình hợp lí. Đó là một lần thang mộc ấp. Khi
được tư vấn chọn Thọ lăng (đã là Hoàng đế), có thể các nhà sư thông tuệ đã
khuyên ông lựa chọn vùng này, gần như khoảng giữa của hai quê nội ngoại.
Đây là lần thang mộc ấp thứ hai. Thọ lăng thì khác với Lý gia lăng vì gia tộc

thì khác triều đại. Lý gia lăng là dành cho thế hệ ông cha Lý Công Uẩn, khi
đó mới là lý gia, đại gia, chưa là đế vương. Còn Thọ lăng là dành cho triều
đại lâu dài. Vì không phân biệt điều này nên có nhiều người bối rối, lẫn lộn
giữa hai khu. Như vậy, Phan Huy Chú viết rất cẩn trọng, chín chắn. Chỉ sau
này, thế hệ chúng ta mới có người hiểu sai. Có người nói “đất phát tích” thì
cũng vậy thôi. Cuộc đời Lý Công Uẩn và những người gây dựng sự nghiệp
cho ông nằm trên đất thang mộc đó thì hậu sinh sau ngót ngàn năm cũng đủ
gọi chốn này như vậy. Tóm lại, Thọ lăng nằm ở Đình Bảng, Lý gia lăng nằm
ở Hoa Lâm, quê nội của ông.
- Bia Lý gia linh thạch khẳng định Phạm mẫu quê Hoa Lâm cũng đúng
Tấm bia này là tấm bia hưng công tu sửa chùa Tiêu, niên đại chắc
chắn là Cảnh Thịnh nguyên niên (1793). Trong đó những làng tham gia
trùng tu , được ghi tên làng và họ đã đồng thuận với lời ghi “Đông Ngàn
Hoa Lâm nhân Phạm mẫu”. Rất rõ ràng là Phạm mẫu, người Hoa Lâm
huyện Đông Ngàn. (Hiểu khác đi là gượng gạo đến ngớ ngẩn. Có người còn
chú tên bia là “hòn đá thiêng nhà Lý” rất chi buồn cười). Tại sao họ vẫn
đúng? Vì khi Phạm mẫu đi chùa thì bà đã lấy chồng về Hoa Lâm và mang hộ
tịch ở đó. Lăng bà ở Hoa Lâm lúc bia Lý gia linh thạch được dựng vẫn còn.
Gọi Phạm mẫu là người Hoa Lâm theo hộ tịch thì chả có gì là sai cả.
-Tiêu án Ngô Thì Sĩ: Từ sai lầm đến lúng túng
Đã nhiều người nghiên cứu hiện đại trích dẫn Đại Việt sử kí tiền biên
(Cảnh Thịnh thứ 8 – 1800) của Ngô Thì Sĩ để làm chứng cứ cho việc khẳng
định quê Lý Công Uẩn hoặc Phạm mẫu là ở vùng Dương Lôi – Đình Bảng.
Sử liệu này cần được xem lại cẩn thận. Chúng tôi trích cả đoạn dài liên quan
đến vấn đề chúng ta đang quan tâm. Ở đoạn chép về sự kiện năm Kỉ Dậu
(1009), Lý Công Uẩn lên ngôi và truy tôn cha là Hiển Khánh vương, mẹ
Phạm thị là Minh Đức thái hậu, Ngô Sĩ Liên có lời bàn dài, sau khi kể sử
chép Phạm thị đi chơi chùa Tiêu Sơn giao hợp với thần nhân, Tiêu Sơn tự ký
chép Thái Hậu thụ thai với tinh con khỉ, Ngoại truyên chép sa môn vô tình
chạm phải mà có thai, ông tiếp tục:

Đoạn 1:“Thế là cha vua thực chưa rõ là ai. Xem ở năm Thuận Thiên thứ 9
(1018), vua truy phong tiên tổ tỉ làm hậu và đặt tên thụy mà không nói đến
tiên tổ khảo. Như vậy thì tiên tổ tỉ là mẹ của Thái hậu mới thực là bà tổ sinh
ra họ Lý. Nhưng mẫu hậu là người không thể đứng chủ tôn miếu được.
Châm chước, cân nhắc thì Lý Thái Tổ phải là ông tổ vĩnh viễn cho tôn miếu
họ Lý, mà tôn thờ thái hậu riêng một miếu khác là hợp lệ hơn, còn như cha
nuôi là Lý Khánh Văn và bà ngoại họ Phạm thì nên ưu đãi bằng cách phong
tước vị, cho lập miếu thờ. Tiếc rằng các bề tôi lúc bấy giờ không ai biết tâu
bày với vua những điều ấy, đến khi truy tôn cha làm vương, mẹ làm hậu mà
không nói rõ cha đẻ hay cha nuôi. Nếu coi Hiển Khánh là hư vị thì là thất lễ
và tự dối mình, nếu Hiển Khánh là Khánh Văn thì là thất lễ và nhảm nhí.
Hai việc làm trái lễ đó ắt phạm phải một điều, có đáng bàn luận gì về sự tự
ti mà còn đem so sánh với nhà Chu nhà Tống”.
Xem tiếp đoạn sau, ghi các việc vào năm Canh Tuất, Ngô Thì Sĩ ghi:
Đoạn 2:“Mùa Xuân, tháng 2, vua về châu Cổ Pháp bái yết lăng Thái
hậu, cho các bô lão trong làng tiền và lụa theo thứ bậc khác nhau (vua bái
yết lăng, nhìn quanh cây cối xum xuê các bầy chim liệng quanh rồi đậu
xuống, trong lòng cảm thấy thương xót, nghẹn ngào không tả xiết. Lòng
thương xót cảm động đến cả người xung quanh. Vua liền sai hữu tư đến đó
đo lấy vài chục dặm cạnh lăng để làm nơi đất cấm của Sơn Lăng, các triều
vua sau đưa về táng ở xứ ấy, đều gọi là Thọ lăng)”.
Rõ ràng, với tư cách là nhà làm sử, Ngô Thì Sĩ đã vấp sai lầm có hệ
thống. Xét đoạn 2 trước: Sự kiện này, ĐVSKTT, bản năm 1715 chỉ ghi:
“Mùa Xuân, tháng 2, xa giá về châu Cổ Pháp, ban tiền lụa cho các bô lão
trong làng theo thứ bậc khác nhau”. Cả đoạn dài về sau (phần chữ trong
ngoặc đơn) là do Ngô Thì Sĩ tự viết thêm. Như đã nói, CHÂU thì khác với
HƯƠNG, THÔN. Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về châu mình thì hoàn toàn có
thể về một hương nào đó chứ không chỉ là hương Diên Uẩn hay hương Cổ
Pháp. Theo chúng tôi, ông về hương Hoa Lâm vì lăng Thái hậu là ở đó. Phần
viết trong ngoặc đơn, Ngô Thì Sĩ dựa vào đâu? Tác giả không dẫn tài liệu

nhưng cách viết trữ tình là kiểu của truyền thuyết dân gian. Ông đã bỏ cái sở
tín để chạy theo cái sở nghi. Việc này liên quan đến đoạn 1.
Ở đoạn 1, với lời bàn của mình, ông dẫn sử kí (đúng); dẫn Tiêu Sơn
tự kí, tác phẩm này chúng tôi chưa tìm thấy nhưng so với tấm bia Lý gia linh
thạch đã khảo thì thống nhất về chi tiết. Tấm bia này có trước tác phẩm của
ông 7 năm; dẫn Ngoại sử cũng chắc là ghi chép không chính thức, nằm
ngoài sử kí. Từ việc tin vào những truyền thuyết không xác thực đó mà ông
bàn về LỄ của Lý triều, ông bỏ qua gia tộc cường thịnh họ Lý mà chính ông
cũng đã từng ghi. Ngô Thì Sĩ đã sai. Trích dẫn ông cần suy xét cẩn thận.
Giá như Ngô Thì Sĩ đã đọc tấm bia Hoa Lâm Tam Bảo thị của người
hơn ông 217 tuổi, viết khắc vào đá trước tác phẩm của ông 235 năm, đỗ đạt
tương đương và chức vị thăng đến Thượng thư, thì ông sẽ không phải bàn
luận lúng túng như trên nữa. Rõ là lăng miếu bố mẹ Lý Công Uẩn ở Hoa
Lâm, châu Cổ Pháp, lăng bà ngoại Lý Công Uẩn (Ngoại tổ Thánh mẫu) ở
Dương Lôi. Mọi việc trở nên sáng rõ, khỏi phải mất công bàn. Ứng xử của
Lý Công Uẩn là hợp LỄ.
Câu chuyện hẵng còn dài, đặc biệt là với những ghi chép của đời
Tống, đời Nguyên, với cách giải mã những sấm kí mà Thiền uyển tập anh
ghi lại. Chúng ta sẽ có lí giải sau nhưng câu chuyện quê hương của mẹ Lý
Công Uẩn là ở Bắc Ninh có cơ hội đang ngày càng sáng rõ. Làng Dương Lôi
và làng Hoa Lâm rất tự hào đã tạo nên một mối thông gia tầm cỡ DÂN TỘC,
tầm cỡ LỊCH SỬ trong trang đầu quốc gia Đại Việt vĩnh tồn.
Hà Nội 27 - 6 - 2011

×