NHỮNG VẤN ĐỀ TOÀN CẦU TRONG HAI THẬP NIÊN ĐẦU CỦA
THẾ KỶ XXI
GS., TS. Nguyễn Trọng Chuẩn (Chủ biên)
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, 439 tr.
Ngày nay, vấn đề toàn cầu được hiểu là những vấn đề có quan hệ trực tiếp
đến hoạt động sống của mọi người trên trái đất, không phân biệt chế độ xã
hội, tôn giáo, chính kiến, hệ tư tưởng. Vì vậy, việc giải quyết những vấn
đề toàn cầu cần phải có sự hợp tác quốc tế về mọi mặt, sự nỗ lực tối đa của
cả nhân loại. Đối với nước ta, việc nghiên cứu bản chất, đặc điểm và sự
vận động của những vấn đề toàn cầu hiện nay là hết sức cần thiết cho quá
trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhận thức được tầm quan trọng
của việc nghiên cứu những vấn đề toàn cầu, dự báo những ảnh hưởng tích
cực và tiêu cực của những vấn đề toàn cầu đối với Việt Nam, Đảng và Nhà
nước ta đã sớm đề ra những định hướng, những chiến lược trong việc giải
quyết những vấn toàn cầu. Đề tài Những vấn đề toàn cầu trong hai thập
niên đầu của thế kỷ XXI – (KX.08.05) thuộc Chương trình khoa học xã hội
cấp Nhà nước (mã số KX.08) được giao cho Viện Triết học (Viện Khoa
học xã hội Việt Nam) thực hiện, do GS,TS. Nguyễn Trọng Chuẩn làm chủ
nhiệm đề tài. Kết quả nghiên cứu của công trình này được xuất bản thành
sách cùng tên với đề tài.
Về nội dung, cuốn sách bao gồm bốn chương, phần kết luận và danh mục
tài liệu tham khảo.
Trong chương 1- Những vấn đề toàn cầu và những nhân tố tác động đến
chiều hướng phát triển của các vấn đề toàn cầu trong hai thập niên đầu
của thế kỷ XXI-, các tác giả đã phân tích hai nội dung lớn của những vấn
đề toàn cầu. Một là, lịch sử, khái niệm, phân loại những vấn đề toàn cầu.
Hai là, những nhân tố tác động đến chiều hướng phát triển của các vấn đề
toàn cầu trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI. Các tác giả cho rằng,
nhân tố kinh tế là một trong những tác nhân chủ yếu của các vấn đề toàn
cầu hiện nay. Và, cùng với nguyên nhân kinh tế, thì sự biến đổi và tác động
của khoa học và công nghệ cũng ảnh hưởng đến những vấn đề toàn cầu.
Theo đó, “những bước tiến của khoa học và công nghệ luôn làm nảy sinh
những vấn đề mang tính toàn cầu mới hay làm gay gắt hơn nữa những vấn
đề mang tính toàn cầu đã tồn tại” (tr. 67). Ngoài hai nhân tố cơ bản trên,
theo các tác giả, những tác động của nhân tố chính trị cũng ảnh hưởng mạnh
mẽ tới vấn đề toàn cầu hoá và các vấn đề toàn cầu.
Trong chương 2- Những vấn đề toàn cầu nổi lên trong hai thập niên đầu
của thế kỷ XXI-, các tác giả tập trung đi sâu phân tích ba nhóm vấn đề cơ
bản của những vấn đề toàn cầu trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI. Đó
là, thứ nhất, nhóm những vấn đề toàn cầu gắn liền với mối quan hệ giữa
các cộng đồng xã hội cơ bản của nhân loại; bao gồm nhóm các vấn đề:
chiến tranh và hoà bình, xung đột tôn giáo và dân tộc, phân hoá giàu
nghèo, vấn đề tội phạm quốc tế. Thứ hai, nhóm những vấn đề toàn cầu nảy
sinh từ sự tác động qua lại giữa xã hội loài người và giới tự nhiên. Trong
nhóm này, các tác giả tập trung nghiên cứu ba vấn đề lớn mà theo đó, nếu
không giải quyết tốt chúng thì không những ảnh hưởng tới hoà bình thế
giới mà còn ảnh hưởng tới sự sinh tồn của loài người. Một là: vấn đề ô
nhiễm môi trường sống. Theo các tác giả, ô nhiễm môi trường sống đã và
đang là trở ngại lớn của loài người; mọi nỗ lực, mọi thành tựu của con
người trong quá trình phát triển sẽ trở nên vô nghĩa nếu như vấn đề này
chưa được giải quyết một cách tích cực và hiệu quả. Hai là, vấn đề cạn
kiệt nguồn nước. Vấn đề này được đặt ra bởi nguy cơ thiếu nước ngọt và
nước sạch đang là một hiểm hoạ lớn cho sự sinh tồn của con người, xã hội
loài người và toàn bộ sự sống trên Trái đất. Ba là, vấn đề năng lượng - một
trong những vấn đề toàn cầu nóng bỏng đang đặt ra hiện nay. Năng lượng
là một trong những điều kiện tiên quyết của sự sống còn, sự phát triển của
con người và của bất kỳ nền văn minh nào. Do đó, năng lượng hiện không
còn thuần tuý là vấn đề kỹ thuật mà trở thành vấn đề mang tính chính trị,
thương mại, quân sự và ngoại giao quốc tế. Thứ ba, nhóm những vấn đề
toàn cầu liên quan trực tiếp đến con người, đến sự tồn tại của các cá nhân
con người. Đó là các vấn đề dân số, lương thực, thực phẩm, bệnh tật, vấn
đề di dân tự do trong mỗi quốc gia và trên phạm vi quốc tế. Theo các tác
giả, đây những vấn đề liên quan đến “chất lượng con người”, đến phát
triển năng lực trí tuệ và duy trì đạo đức , nhằm đảm bảo cho con người
một lối sống lành mạnh, một sự phát triển bình thường cả về tinh thần và
thể lực.
Chương 3 trình bày phương thức giải quyết những vấn đề toàn cầu và một
số kinh nghiệm quốc tế.
Về mặt nguyên tắc chung, các tác giả cho rằng, để giải quyết những vấn đề
toàn cầu, chúng ta phải coi các vấn đề toàn cầu là những vấn đề phổ biến,
gắn với lợi ích chung của toàn nhân loại. Do vậy, cần có sự thống nhất
nhận thức chung của tất cả các quốc gia, dân tộc trong tiến trình giải quyết
các vấn đề toàn cầu. Trên cơ sở đó, các tác giả đã đưa ra một số giải pháp
chủ yếu, cụ thể để giải quyết các vấn đề toàn cầu, như tăng cường vai trò
chính trị và khả năng hành động độc lập của các tổ chức, thể chế khu vực
và quốc tế (Liên hợp quốc, WB, IMF, WTO, ASEAN, EU…); nâng cao
trách nhiệm và bổn phận của các công ty xuyên quốc gia; đẩy mạnh các
hoạt động hỗ trợ tín dụng và viện trợ phát triển, tăng cường đối thoại giữa
các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển… Trong
chương này, các tác giả cũng phân tích kinh nghiệm giải quyết những vấn
đề toàn cầu từ thực tiễn một số nước trên thế giới, như Liên bang Nga,
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước trong khu vực ASEAN…
Chương 4 trình bày Việt Nam và những vấn đề toàn cầu.
Theo các tác giả, trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu, Việt Nam
cũng không thể đứng ngoài cuộc. Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức
tầm quan trọng của những vấn đề toàn cầu mà Việt Nam đang phải đối mặt
và đã đề ra những định hướng, những chiến lược lớn trong việc giải quyết
những vấn đề này và bước đầu thu được một số thành tựu đáng khích lệ.
Trong chương này, các tác giả đã đưa ra năm giải pháp chung cho việc giải
quyết những vấn đề toàn cầu của Việt Nam. Một là, phát triển kinh tế – xã
hội và xoá đói giảm nghèo. Hai là, tăng cường đấu tranh chống tội phạm
và các tệ nạn xã hội. Ba là, thành lập các trung tâm nghiên cứu vấn đề toàn
cầu, tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên
trách. Bốn là, hoàn thiện cơ chế hoạch định – triển khai hệ thống các văn
bản pháp luật và chính sách bám sát với thực tiễn cuộc sống và phù hợp
với các cam kết và thông lệ quốc tế. Năm là, nâng cao nhận thức, ý thức và
vai trò của quần chúng nhân dân trong việc tự giác tích cực hành động,
tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Trong phần kết luận của công trình, các tác giả đã đưa ra dự báo là, trong
hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, “nhân loại sẽ phải đối mặt với những
vấn đề toàn cầu chủ yếu là: vấn đề chiến tranh và hoà bình, vấn đề xung
đột tôn giáo và dân tộc, phân hoá giầu nghèo, tội phạm quốc tế, vấn đề ô
nhiễm môi trường sống, vấn đề cạn kiệt nguồn nước, năng lượng, lương
thực thực phẩm, vấn đề dân số, bệnh tật…”
Phạm vi những vấn đề toàn cầu là rất rộng. Trong cuốn sách này, các tác
giả đã tập trung phân tích những nhân tố làm cho những vấn đề toàn cầu
trở nên bức xúc và phức tạp, làm rõ thời cơ và thách thức đối với thế giới
nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc giải quyết những vấn đề toàn
cầu. Thực ra, vẫn còn có những vấn đề toàn cầu cần được tiếp tục nghiên
cứu sâu hơn nữa; song, có thể thấy, cuốn Những vấn đề toàn cầu trong
hai thập niên đầu thế kỷ XXI đã cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức
bổ ích về lịch sử, khái niệm và những vấn đề toàn cầu đang đặt ra hiện
nay. Cuốn sách không chỉ là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các nhà
nghiên cứu, mà còn hữu ích đối với những người làm công tác quản lý nhà
nước và đông đảo bạn đọc quan tâm tới những vấn đề toàn cầu.
ThS. VŨ MẠNH TOÀN