Nghiên cứu triết học
Đề tài:" TRIẾT HỌC VỚI TƯ CÁCH LỊCH SỬ
TRIẾT HỌC (HỘI NGHỊ BÀN TRÒN VỀ CUỐN
SÁCH CỦA V.V.XÔCÔLỐP “NHẬP MÔN LỊCH
SỬ TRIẾT HỌC”) "
TRIẾT HỌC VỚI TƯ CÁCH LỊCH SỬ TRIẾT HỌC (HỘI NGHỊ BÀN
TRÒN VỀ CUỐN SÁCH CỦA V.V.XÔCÔLỐP “NHẬP MÔN LỊCH SỬ
TRIẾT HỌC”) 2
A.A.Giutrơcốp: Trong nguồn tài liệu dành cho các vấn đề về khoa học lịch sử
triết học, cách đây không lâu, một trong những đề tài có tính quyết định là vấn
đề về mối quan hệ giữa hai cách tiếp cận trong quá trình nghiên cứu lịch sử
triết học: cách tiếp cận theo lối mô tả - kinh nghiệm và cách tiếp cận theo hệ
vấn đề - phạm trù. Hiện nay, các cuộc hội thảo về vấn đề này đã lắng xuống.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hiệu quả mà các cuộc hội thảo ấy
đem lại không cao, chứ hoàn toàn không phải là do đối tượng nghiên cứu
không được xác định rõ ràng. Chưa ai dám bốc đồng mà nói rằng, trong bất kỳ
nghiên cứu nào về quá trình lịch sử triết học đều phải tính đến cả nhân tố cụ
thể lẫn nội dung hệ vấn đề - lý luận và ý nghĩa của nó để từ đó, đi đến khẳng
định phải sử dụng các nguyên tắc của cả hai cách tiếp cận nói trên. Điều dễ
nhận thấy nhất là chất lượng của các nghiên cứu như vậy phần lớn phụ thuộc
vào khả năng sử dụng các nguyên tắc đã nói ở trên và theo tôi, điều này đã
được V.V.Xôcôlốp khẳng định trong cuốn sách của ông.
Theo tôi, một trong những giá trị chủ yếu của cuốn sách này chính là sự kết
hợp một cách hài hoà và có hiệu quả hai cách tiếp cận đó (“theo thời đại và
theo các vấn đề” như tác giả cuốn sách đã khẳng định trong một tiết của nó).
Sự kết hợp này đã cho phép tác giả tránh được tính phiến diện và phân lớp
những điểm mạnh của mỗi nhà tư tưởng. Để đánh giá chung về cuốn sách này,
tôi xin nói một cách vắn tắt như sau: “tác giả đã nắm chắc tư liệu”, hiểu các tư
liệu đó và không chỉ hiểu, mà còn có sự hiểu biết thấu đáo về các nguồn tư liệu
gốc và sử liệu học, và đó chính là sự uyên bác về mọi phương diện của tác giả,
v.v Từ đó, có thể xem công trình nghiên cứu của tác giả là mẫu mực, nếu
không muốn nói đến điều là, từ lâu, tác giả đã xứng đáng được công nhận là
nhà kinh điển, thậm chí còn là nhà “lập pháp” của khoa học lịch sử triết học
nước ta. Tôi xin mạo muội đưa ra một nhận xét liên quan đến điều đó như sau:
Sự hiểu biết sâu sắc về nguồn tư liệu lịch sử triết học, nói một cách nghiêm
túc, là conditio sine qua non (điều kiện quan trọng) của mọi nghiên cứu chuyên
sâu về đề tài này. Tuy nhiên, nếu không chỉ nói một cách “nghiêm túc”, mà
còn phải nói thật, thì hiện nay, điều kiện đó không phải lúc nào cũng được đáp
ứng.
Trong cuốn sách của mình, V.V.Xôcôlốp đã thực sự nắm được một khối lượng
tư liệu vô cùng lớn, nhưng ông không bị “hoà tan” trong đó và chính ông cũng
không cho phép độc giả “chết ngập” trong “đống tư liệu” đó. Thêm nữa,
V.V.Xôcôlốp còn hoàn toàn đúng, khi nhấn mạnh rằng, chính phong cách mô
tả thuần tuý mà hiện đang phổ biến trong các sách giáo khoa ở nước ta đã làm
hỏng lý thuyết và phương pháp giảng dạy. Nói một cách cụ thể, “chủ nghĩa
giáo điều qua cách trình bày thường làm cho người ta phải học thuộc lòng một
cách máy móc những thuật ngữ phức tạp và đa nghĩa. Điều này trái với bản
chất của triết học”. Vì vậy, sách giáo khoa về lịch sử triết học cần phải là dạng
sách “nhập môn lịch sử triết học”, nghĩa là dạng sách giúp cho độc giả tiếp cận
được thực chất vấn đề - lý luận, nắm được nội dung và bản chất của lịch sử tư
tưởng triết học, đem lại cho họ thói quen đọc và suy nghĩ độc lập về nguồn tư
liệu cần nghiên cứu và chỉ như vậy, độc giả mới có tư duy độc lập.
Để giải quyết nhiệm vụ này, V.V.Xôcôlốp đã cố gắng giới thiệu quá trình lịch
sử triết học như một chỉnh thể. Thực hiện nhiệm vụ này, trước hết, ông đã vạch
rõ trong quá trình đó hệ những vấn đề cơ bản mà theo ông, là những vấn đề
hoặc các mô hình mẫu “các quan hệ chủ - khách thể”. Trong chính vấn đề này,
ông đã xem xét “cơ sở lý luận sâu xa của nó đến mức tối đa”, bởi đó là cái quy
định toàn bộ tiến trình phát triển của quá trình lịch sử triết học “cho đến tận
thời đại ngày nay”. Từ việc xem xét vấn đề này, ông đã cố gắng phân tích, tìm
hiểu và giải thích cho độc giả thấy rõ toàn bộ nguồn tư liệu hiện có và đã được
giới thiệu trong cuốn sách của mình.
Vấn đề này đã được V.V.Xôcôlốp giải quyết một cách cụ thể trong cuốn sách
của ông với tư cách là nghiên cứu cơ bản. Sau đây, tôi sẽ đề cập đến vấn đề
này, còn bây giờ, tôi không thể không nói đến sự dũng cảm và thậm chí là mạo
hiểm của tác giả. Đó là điều mà ông lựa chọn và nói chung, đã thể hiện cách
tiếp cận nó trong cuốn sách. Chẳng cần phải là một nhà tiên tri hay phải tiến
hành một cuộc thăm dò dư luận, chúng ta cũng có thể khẳng định một cách tự
tin rằng, cách tiếp cận như vậy đã gây ra sự nghi vấn không nhỏ, thậm chí là sự
phản đối ở nhiều nhà nghiên cứu và những người làm công tác giảng dạy môn
lịch sử triết học. Song, đó cũng là số phận của bất kỳ ý định nào muốn đưa ra
một định nghĩa chặt chẽ về đối tượng chủ yếu hoặc về vấn đề cơ bản của triết
học và hơn nữa, còn đặt nền móng cho nghiên cứu quá trình lịch sử triết học
nói chung (ở đây, tôi chưa nói đến điều là, hiện nay, việc phủ định một cách
sạch trơn sự tồn tại đối tượng của triết học cũng như cách tiếp cận đối tượng
đó đang trở thành “mốt”).
Tôi cho rằng, đóng góp thực sự của V.V.Xôcôlốp là ở vấn đề mà ông chọn làm
xuất phát điểm, bởi nó hoàn toàn không làm giảm tính chất hay ý nghĩa của
một giả thuyết mang tính gợi mở, cũng không biến giả thuyết đó thành chân lý
hoàn toàn đầy đủ hoặc tối cao. Ông cũng không có ý định đưa độc giả đến một
ảo tưởng về sự nắm bắt ý nghĩa của triết học và mục đích cuối cùng của quá
trình lịch sử triết học và hơn nữa, cũng không làm cho độc giả vướng vào ảo
tưởng đó. Những nỗ lực của ông, trước hết đều hướng vào sự kiểm nghiệm
trên thực tế giả thuyết của mình, hướng nó vào việc thử nghiệm nguồn tư liệu
hiện có của lịch sử triết học, vào việc khẳng định tính hiệu quả về phương diện
phương pháp luận của nó đối với việc nghiên cứu và suy ngẫm về tư liệu đó.
Nguồn tư liệu này không chỉ được ông tái tạo lại một cách thận trọng và tỉ mỉ,
mà còn tránh được sự giản đơn hoá có thể xẩy ra, tránh được sự bóp méo hoặc
cố ý bỏ qua nó và hơn nữa, còn tránh được những kiến giải dẫn đến việc xuyên
tạc, hiện đại hoá nó một cách gượng ép, v.v
Tuy nhiên, những giá trị nêu trên trong cuốn sách V.V.Xôcôlốp lại trở thành
khiếm khuyết của chính nó mà tôi nhận thấy ở tính mô tả không phải chung
chung, mà ở cách phát hiện và kiến giải chính vấn đề quan hệ chủ - khách thể
trong một học thuyết triết học này hay học thuyết triết học khác, ở thời đại này
hay thời đại khác. Tác giả luôn đưa ra sự hiện diện của vấn đề ở nhà tư tưởng
này hay nhà tư tưởng khác của quá khứ, vạch rõ sự hiện diện của nó trong việc
cấu thành học thuyết của nhà tư tưởng và luôn diễn đạt nó bằng những thuật
ngữ không mấy thích hợp, hoặc che giấu nó bên trong hệ thống khái niệm mà
đôi khi, mang tính đặc thù, nhân tạo và về phương diện lịch sử thì đó là những
hệ thống luôn chịu sự quy định và hạn chế nào đó. Hơn nữa, chính vai trò phổ
biến và xác định của vấn đề nêu trên, hoặc như tác giả thường nói, cái mà mỗi
nhà tư tưởng, mỗi trường phái hay khuynh hướng triết học, kể cả quá trình lịch
sử triết học nói chung phải có, vẫn chỉ là cái bóng hoặc dường như đã được
nguỵ tạo. Nói cách khác, cách tiếp cận chủ - khách thể đôi khi được tác giả thể
hiện không chỉ là cách tiếp cận vấn đề, mà còn là cách tiếp cận đề tài và thậm
chí là cách tiếp cận mô tả, mặc dù nó được thực hiện trong khung cảnh thu nhỏ
của một nội dung cụ thể.
Một trong những nguyên nhân của việc này, theo tôi, là cách tiếp cận mà ở một
mức độ nào đó, còn mang tính mô tả đối với chính vấn đề quan hệ chủ – khách
thể. Để tránh tính phiến diện và bất cập trong việc nhận thức nó, tác giả đã đưa
ra một định nghĩa cực rộng và do vậy mà mờ nhạt, đồng thời tước mất ý nghĩa
lý luận và tính chặt chẽ của nó. Mặt khác, định nghĩa về triết học lại tỏ ra quá
trừu tượng và không xác định: triết học được giải thích như là “tổng hoà rộng
lớn các quan hệ chủ - khách thể ”, trong đó “các quan hệ nhận thức - thực tế
của con người được thừa nhận cùng với hiện thực tự nhiên và xã hội đối lập
với nó, đồng thời thể hiện nhu cầu hoạt động của cả trí óc, con tim lẫn thân xác
của con người”. Từ đó, chính khái niệm triết học đã trở thành một khái niệm
mà người ta có thể nhập nó vào những khái niệm còn trừu tượng hơn như “hệ
thống tri tín”, hoặc “thế giới quan được hệ thống hoá một cách chặt chẽ nhất,
đã được hợp lý hoá một cách tối đa nhất của thời đại mình”. Thật khó có thể
tranh luận với các định nghĩa thuộc dạng như vậy, nhưng theo tôi, chúng đã
biến cách tiếp cận vấn đề thành cái gì đó hoàn toàn mù mờ và về căn bản, đã
làm mờ hoặc làm giảm ý nghĩa phương pháp luận và gợi mở của chính khái
niệm quan hệ chủ – khách thể; hơn nữa, còn tước mất chức năng tái cấu trúc lý
luận và nhận biết quá trình lịch sử triết học của nó.
Vả lại, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, điều đáng trân trọng chính là ý
định của V.V.Xôcôlốp - tiếp cận tới việc phân tích quá trình lịch sử triết học từ
sự xem xét các vấn đề căn bản hoặc chủ yếu của quá trình đó, sau nữa là đến
với chính việc suy tư lý luận dưới dạng thuần tuý triết học. Đó là chỗ mà tôi
không thể không nhận thấy sự uyên bác, chín chắn của tác giả cuốn sách và là
cái làm cho cuốn sách này có thể sử dụng như một giáo trình không chỉ cho
sinh viên, mà cho cả những học trò theo đúng nghĩa rộng của từ dùng để gọi
chung cho tất cả chúng ta, không phụ thuộc vào trình độ đào tạo, giáo dục, tuổi
tác và danh vị.
Ở đây, tôi không có điều kiện để đưa ra nhận xét về toàn bộ cuốn sách. Tuy
vậy, tôi cũng muốn có vài ý kiến về chương dành cho Cantơ. Mặc dù phần này
ngắn, song nó vẫn cho chúng ta thấy sự trình bày và đánh giá hoàn toàn rõ
ràng, chính xác về di sản triết học của Cantơ, dẫu là ở đây, vẫn còn có những
“thiếu sót nho nhỏ”. Quả là qua loa và dường như là sơ sài, khi tác giả đề cập
đến khái niệm vật tự nó của Cantơ. Cái được xem là có tầm quan trọng đặc biệt
là khi nói đến chức năng của “vật tự nó” với tư cách nguồn gốc của cảm giác,
tức là ý nghĩa khách quan của nó, thì tác giả đặt sang một bên ý nghĩa của nó
với tư cách nguồn gốc của kinh nghiệm nội tại mà nói một cách chính xác hơn,
của khái niệm linh hồn hoặc chủ thể tự thân. Nói cách khác, khái niệm “vật tự
nó” ở Cantơ không chỉ mang hai ý nghĩa cơ bản là cái chủ quan và cái khách
quan, mà còn bao hàm cả vấn đề mối quan hệ chủ – khách thể. Mối quan hệ
này, theo tôi, thực sự là vấn đề mang tính xuất phát, đồng thời quy định toàn
bộ triết học Cantơ. Đáng tiếc là, để vấn đề này trở thành vấn đề xuất phát và
mang tính quy định của cuốn sách, thì tác giả lại gạt nó sang một bên.
V.V.Xôcôlốp đã hoàn toàn đúng khi chống lại việc kiến giải triết học Cantơ
như là triết học bất khả tri, đồng thời nhấn mạnh chứng cứ cho rằng, Cantơ đã
luận chứng một cách trực tiếp cho luận điểm đối lập về tính vô hạn của nhận
thức con người. Thiết nghĩ, tác giả đã không hoàn toàn chính xác khi sử dụng
luận cứ về tính đa nghĩa của thuật ngữ “aufheben” mà Cantơ đã sử dụng trong
mệnh đề của ông về tri thức. Thuật ngữ đó được hiểu, khi thì là “hạn chế” hoặc
“loại bỏ”, khi thì là “đề cao” hoặc “nâng lên” để dành chỗ cho niềm tin. Chưa
cần phải nói đến tính vô nghĩa quá rõ biểu hiện trong việc sử dụng phương án
dịch thứ hai của từ này là “đề cao”, tôi vẫn có thể cho rằng, việc dịch như vậy là
không đúng đối tượng, bởi trong câu văn đó, Cantơ nói về tri thức siêu hình học,
tức tri thức ảo và kỳ vọng đạt được tri thức ảo mang tính giáo điều về Chúa, về
sự bất tử của linh hồn, v.v Nói tóm lại, Cantơ đã phê phán và chống lại toàn bộ
tri thức ảo đó.
V.V.Xôcôlốp: Tôi muốn nhấn mạnh rằng, cuốn sách đang được thảo luận là
cuốn sách mà tôi đã ấp ủ từ lâu, xuất phát từ sự không hài lòng với phần lớn
các sách giáo khoa và giáo trình về lịch sử triết học mà những tác giả của
chúng đã nhìn nhận ý nghĩa của việc trình bày chỉ cốt để truyền đạt một cách
chính xác (một số sách còn tô vẽ thêm) các tư tưởng triết học, xem xét các tư
tưởng ấy về phương diện biên niên sử và ít nhiều có và chú trọng đến chứng cứ
tác gia, tác phẩm. Đương nhiên, cách xử lý tư liệu như vậy được xem là hợp lý
và thậm chí là cần thiết đối với sinh viên, đối với tất cả những ai mới bắt đầu
làm quen với triết học. Điều đó, có thể nói, là bước đi đầu tiên để thâm nhập
vào triết học. Song, làm như vậy cũng không thể khá lên được, bởi việc liệt kê
các tư tưởng triết học, các phạm trù, thậm chí còn khái quát hoá ở một mức độ
nào đó về phương diện phương pháp luận (lúc nào cũng bám sát “cuộc đấu
tranh giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật”, phép biện chứng và phép
siêu hình) cũng chẳng đi vào chiều sâu của triết học, cũng như tới “sự thăng
hoa” của những tư tưởng được hình thành trong triết học. Những công trình
thuộc loại như vậy đã không chỉ khái quát tư liệu, mà còn cải biên tư liệu đó,
như các công trình của những tác giả nổi tiếng, chẳng hạn Vinđenbanđơ và
Rátxen, các tác giả này quả thực không có ý định viết sách giáo khoa. Vì thế,
tôi muốn nhấn mạnh rằng, cần phải loại bỏ cụm từ “sách giáo khoa” ra khỏi từ
ngữ của triết học. T.I.Ôiderơman đã đúng khi khẳng định rằng, không nên gọi
cuốn sách của tôi là sách giáo khoa, càng không nên gọi là “kinh điển”. Có lẽ
cần phải thanh minh thêm rằng, tôi đã sử dụng những cơ hội để thể hiện. Đó là
nhân dịp kỷ niệm 250 năm thành lập Trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva và
quyết định của Hội đồng khoa học về việc xuất bản các sách giáo khoa tốt nhất
từng được xuất bản trước đây và những cuốn giáo khoa mới để kỷ niệm sự
kiện đó. Thực ra, trong toán học và trong hàng loạt các bộ môn khoa học tự
nhiên khác, người ta đã tái bản và chỉnh sửa nhiều cuốn giáo khoa (theo tôi biết,
đã có hơn 150 cuốn). Số các sách giáo khoa về khoa học nhân văn cũng không ít,
nhưng ngoài cuốn của tôi, còn có bốn cuốn nữa về triết học. Dĩ nhiên, trong
trường hợp này, thật khó lý giải về con số quá ít ỏi đó. Điều đáng tiếc là, hiện nay,
không thể tránh được áp lực của cơ chế thị trường, nó làm cho khách hàng thích
mua “sách giáo khoa” hơn.
Xin trở lại cuốn sách của tôi. Theo tôi, nó đã “minh chứng” một cách đầy đủ
cho ý kiến của N.S.Kirabaép rằng, đây là một cuốn sách thuộc “thể loại mới”,
phản ánh nội dung không khớp với tên ngoài bìa của nó. “Thể loại” này là do
tôi nghĩ ra và nó được hoàn thành bằng trí lực và phong cách viết theo mạch
vấn đề dựa trên mô hình mẫu là chủ - khách thể. Tôi đã cố gắng làm rõ tính gợi
mở tích cực của nó để tiếp cận tối đa tới những suy tư của con người hoạt
động, con người nhận thức (tức con người mà theo tôi hiểu, trong tính nhất
quán phù hợp với mô hình mẫu chủ – khách thể), xem con người đó thể hiện
mình như thế nào cả trong văn cảnh thế giới quan triết học lẫn nền văn minh.
Việc trình bày như vậy rõ ràng là mang tính định hướng mà trước hết, cho
những người chỉ muốn khám phá lịch sử triết học, đặc biệt là những người đã
từng biết đến lịch sử triết học “ở những bước tiếp cận đầu tiên”. Dĩ nhiên, giữa
những hạng bậc độc giả không hề có cái gọi là bức tường ngăn cách nào cả.
Diễn giải theo lối triết học mối quan hệ chủ - khách thể không chỉ đem lại khả
năng làm rõ toàn bộ hệ vấn đề về quá trình lịch sử triết học một cách đáng kể
trong tính chính thể của nó, tức là hệ vấn đề được cụ thể hóa qua việc điểm lại
phương diện tư tưởng - lý luận hàng nghìn năm, mà còn chỉ ra mối liên hệ hạn
chế của nó với các thời đại văn minh - thế giới quan. Thế giới quan đó còn lâu
mới trùng hợp với sự phân loại hình thái - biên niên sử và kinh tế – xã hội, đặc
biệt là với sự phân loại mang tính đặc trưng của truyền thống mácxít - lêninít.
Đó là những vấn đề thật sự khó khăn, gây cản trở không ít cho sự nhập môn lý
thuyết đại cương mà ở đó, người ta đề cập đến vấn đề hoạt động nhận thức có
hiệu quả của con người, vấn đề thời gian. Tiến trình của thời gian bị quy định
bởi “sự dồn nén” về phương diện tinh thần - trí tuệ và sức lực của con người,
bởi tính đa dạng của chủ thể tập thể - cá nhân trong những khát vọng duy lý và
phi duy lý của nó, bởi mối quan hệ của các hình thái hệ tư tưởng và bởi chính
triết học với sự phân chia và tích hợp của chúng, v.v
Sự phân tích theo vấn đề của quá trình lịch sử triết học không thể tiến hành ở
mức độ mô tả “tác gia”, dù đó là những nhân vật đặc biệt nổi tiếng (về cơ bản,
chỉ được giới thiệu trong chương trình thảo luận). Song, những nhà triết học
đỉnh cao, đặc biệt là Platôn, Arixtốt, Plôtin, Cantơ hoàn toàn “không lẫn được”
trong hệ vấn đề nghiên cứu và họ cũng đã được giới thiệu trong một khối
thống nhất (họ luôn được xác nhận qua tiểu sử tóm tắt và các công trình cụ
thể), cả trong những vấn đề gay cấn nhất, họ cũng được giới thiệu như vậy.
Cũng cần phải hình dung rằng, những nhà triết học ít nổi tiếng hơn, như Bôêxi,
Êriugen, Nicôlai Cudanxki, đã không được đưa vào nhóm những nhà triết học
có niên đại gần nhau.
Trong bối cảnh như vậy thì nhận xét của viện sĩ T.I.Ôiderơman lại trở nên khó
hiểu, khi cuốn sách này dành cho Platôn 35 trang, Arixtốt 49 trang, còn các
nhà triết học nổi tiếng trong thời Cận đại, như Đêcáctơ, Xpinôda, Hốpxơ,
Lépnít, Lốccơ và những nhà triết học khác ít nổi tiếng hơn của thời đại đó lại
chỉ được giới thiệu có 20 trang. Kỳ thực, tất cả các nhà tư tưởng ngang tầm
thời đại được đề cập tới (cả số ít nổi tiếng hơn) của thế kỷ XX và chủ yếu là ở
thế kỷ XVII đã được giới thiệu đến 90 trang. Song, những tác động căng thẳng,
có liên quan đến nhau của họ về tư tưởng nhận thức luận, bản thể luận, thần
luận, luân lý và xã hội lại chỉ cho phép trình bày về họ trong sự thống nhất
mang tính xác thực nào đó, mặc dù sự thống nhất này mang tính đa nghĩa.
Khi làm rõ những hiểu biết của mình đối với một cuốn sách giáo khoa về lịch
sử triết học, T.I.Ôiderơman đã đề xuất viết nó theo cá nhân các nhà triết học,
cốt để sinh viên nắm được các học thuyết của những nhà triết học đó, v.v
Chính tôi cũng đã xuất bản những cuốn giáo khoa như vậy và nói cho đúng
hơn, là những cuốn giáo trình, nhưng bây giờ, khi thấy mình đã có khả năng
nghiên cứu sâu hơn, nên tôi đã cố gắng trình bày theo vấn đề một cách thuần
tuý. Những cuốn giáo trình viết về cá nhân nhà tư tưởng theo lối kinh nghiệm
chủ nghĩa, “thực chứng” đối với tôi đã quá xa rồi. Bên cạnh những nhà triết
học “thuần tuý”, tôi còn đề cập đến cả những nhà tư tưởng từng có những ý
niệm tổng quát, mặc dù họ không thuộc về một hệ thống triết học chặt chẽ (đó
là Hipôcrát, Phukiđít và một loạt các nhà triết học thời Phục hưng, như Bein,
Bôscôvích, v.v.).
Một ý kiến không tán thành khác của T.I.Ôiderơman (và không chỉ của ông) có
liên quan đến sự hoài nghi, nếu đó không phải là sự bác bỏ, là định nghĩa triết
học như “một hệ thống tương đối phức tạp của tri tín” mà ông cho là “một định
nghĩa triết học hoàn toàn mang tính thần học”. Ở đây, tôi xin nhắc lại rằng, vào
thời mácxít -xôviết có hai từ đặc biệt kiêng kỵ về mặt hệ tư tưởng là “Chúa” và
“niềm tin”. Do việc tuyên bố một cách dứt khoát rằng, chủ nghĩa xã hội đã
được xây dựng xong ở nước ta (còn chủ nghĩa cộng sản thì đang được xây
dựng) và đó đều là các học thuyết mang tính khoa học tuyệt đối, nên “niềm
tin” bị đẩy vào lĩnh vực tôn giáo. Tôi cho rằng, viện sĩ T.I.Ôiderơman là người
mang tàn dư của tư tưởng mácxít, nên những phán đoán mà ông đưa ra hiện
đang dẫn khái niệm “tri tín” tới lĩnh vực thần học. Thêm nữa, toàn bộ lịch sử
triết học khi mới được bắt đầu, ít nhất cũng là từ Platôn, đều nhấn mạnh ý
nghĩa nền tảng của khái niệm “niềm tin” (pistis – khác với “khoa học” -
episteme) trong lĩnh vực nhận thức. Và, chính việc tôi đưa ra trong cuốn sách
của mình cách hiểu về bản chất con người với tư cách, một là, con người hoạt
động và hai là, con người nhận thức, đã khiến cho niềm tin cùng với bản năng
giống loài của con người được đặt ở vị trí cao hơn so với tri thức với tư cách hệ
quả kinh nghiệm - trí tuệ của chính con người. Không chỉ có những nhà kinh
nghiệm học, mà cả những nhà duy lý, dù ở mức thấp hơn, đều thừa nhận tính triệt
để đó của hoạt động con người.
Đương nhiên, chúng ta không nên quên ranh giới phân chia giữa niềm tin
mang tính nhận thức luận với niềm tin mang tính tín ngưỡng luận. Như đã
biết, một người có tư duy sâu sắc như Hium đã từng đặt đối lập một cách rõ
ràng tính đa dạng của niềm tin mang tính nhận thức luận (belief) với tính đa
dạng của niềm tin mang tính tín ngưỡng luận (faith). Thật vậy, trong tiếng Nga
(“Bepa”) và trong tiếng Đức (“Glaube”), cả hai nghĩa đó của khái niệm “niềm
tin” đã hoà vào nhau. Phân biệt về mặt tâm lý không khó, nhưng sự phân biệt
“tôi đang tin” và “tôi đã tin” quả thực là khó hơn, bởi đây là sự phân biệt mang
tính nhận thức luận và chỉ được xác định bởi những đặc trưng ở các khách thể
của chúng. Các đại biểu của thuyết đức tin trong Giáo hội Thiên chúa giáo đôi
khi còn phủ nhận hoàn toàn yếu tố nhận thức luận của niềm tin. Chẳng hạn
Téctuliêng đã đưa ra câu nổi tiếng: “tôi tin, bởi điều đó là vô lý”. Phần lớn
trong số họ, đặc biệt là Ôguýtxtanh và sau đó là Tomát Đacanh, cũng như phần
lớn các nhà truyền giáo Thiên chúa giáo đã luận chứng cho tính ưu việt của
niềm tin hoạt động mà về nguyên tắc, mỗi con người ít nhiều có hiểu biết, dù
là lơ mơ, đều tham gia vào đó. Về sau, Ansenmơ Kentơberixki, người tự nhận
mình là ông tổ của nền kinh viện Tây Âu, đồng thời cũng là người đưa ra
nguyên tắc “tin (credo) để hiểu biết”, đã luận giải con đường từ niềm tin mang
tính nhận thức luận đến tín ngưỡng thần luận (còn được coi là “sự chứng minh
về phương diện bản thể luận” cho sự tồn tại của Chúa hay giáo lý về Tam vị
nhất thể).
Khi phủ nhận khái niệm “tri tín”, T.I.Ôiderơman cho rằng, “tín niệm” có thể là
“khoa học”, “phi khoa học” và “phản khoa học”. Tín niệm “khoa học” và “phi
khoa học”, về thực chất, là đồng nghĩa với “tri tín”. Còn tín niệm “phản khoa
học” chỉ là tín niệm phàm tục (giá trị của nó, theo Cantơ, chỉ đáng một đồng
chinh (ducat) - đơn vị tiền tệ của Italia trước đây, tương đương với 1 chỉ vàng -
ND). Tác giả của “Phê phán lý tính thuần tuý” đã giải thích “niềm tin mang tính
luận thuyết” như một trong ba tín niệm – bên cạnh niềm tin giáo điều mà người
ta còn gọi là niềm tin phàm tục là niềm tin đạo đức mà về thực chất, là một dạng
cơ bản của niềm tin nhận thức. Có thể gọi nó là “tín niệm”. Niềm tin thần luận,
cụ thể là niềm tin tôn giáo, đã bị Cantơ đưa hẳn sang lĩnh vực lý tính thực tiễn.
Khi luận chứng cho thuật ngữ “tri tín”, chúng ta cần xem xét cả sự phản đối
của T.I.Ôiderơman. Nội dung cơ bản của thuật ngữ này đã được Cantơ trình
bày trong dẫn luận cho lần xuất bản thứ hai tác phẩm “Phê phán lý tính thuần
tuý”. Sự phản đối của T.I.Ôiderơman xoay quanh động từ “aufheben”. Trong
bản dịch sang tiếng Nga của N.Xôcôlốp (năm 1902), từ đó được dịch như sau:
“Cantơ buộc phải gạt bỏ tri thức để dành chỗ cho niềm tin”. Bản dịch tốt nhất
của V.A.Giutrơcốp sang tiếng Nga tác phẩm vĩ đại này (Mátxcơva, 1998) cũng
đã dẫn ra nghĩa của từ này theo các thứ tiếng Anh – Pháp – Italia – Latinh. Nói
chung, theo các ngôn ngữ này, “aufhaben” đều có thể dịch là “gạt bỏ” hoặc
thậm chí, “tiêu diệt” tri thức (to deny, abolish knowledge, abolir la science,
v.v.). Ở đây, có nhiều cách hiểu khác nhau về niềm tin. Tuy nhiên, theo tôi,
không có sự xuyên tạc nào trong việc truyền tải tư tưởng của Lốccơ, người đề
xuất quan điểm “hạn chế tri thức”, và ngay cả Gulưnga, khi biên soạn và cho
xuất bản thành tám tập toàn bộ các tác phẩm của Cantơ, cũng đã đưa ra
phương án “đề cao” tri thức (bởi thuyết bất khả tri không có nghĩa là sự phủ
định nào đó về toàn bộ tri thức, nhưng đó lại chính là sự hạn chế tri thức), đồng
thời cũng “loại bỏ” cả tri thức nữa. Chính điều này đã cho thấy tác giả của
“Phê phán lý tính thuần tuý”, khi đề cao một cách có giới hạn tri thức đối
tượng, tức tri thức khoa học được phát sinh từ lĩnh vực lý trí – cảm tính, theo
tôi, đã đồng thời nhấn mạnh sự tất yếu phải dành một vị trí cho niềm tin mang
tính nhận thức luận (một trong những bản dịch sang tiếng Anh của
V.Giutrơcốp đã sử dụng nghĩa của từ “belief”, ở chỗ khác là “faith”, trong
tiếng Pháp, những từ này tương ứng với các từ “croyance” và “foi”; tôi cho
rằng, thuật ngữ thứ hai trong tiếng Anh và tiếng Pháp là không đúng). Không
hiểu tại sao T.I.Ôiderơman lại khẳng định rằng, ý định đích thực của Cantơ là
cốt để “gạt bỏ không phải tri thức, mà là tri thức ảo, gạt bỏ siêu hình học”.
Theo tôi, T.I.Ôiderơman đã mắc phải sai lầm mà một thời, người theo phái
Cantơ trẻ ở Nga là V.I.Veđenxki đã mắc phải. Về nguyên tắc, V.I.Veđenxki đã
gán cho Cantơ tham vọng xoá bỏ siêu hình học. Trên thực tế, tham vọng của
tác giả “Phê phán lý tính thuần tuý” là ở chỗ, xích dần siêu hình học tới khoa
học bằng khả năng có thể có và điều đó đã đạt được trên thực tế.
Tôi cho rằng, thuật ngữ tri tín, về nguyên tắc, có thể sử dụng cho toàn bộ triết
học (chẳng lẽ chủ nghĩa thực chứng lại là một ngoại lệ, đặc biệt là chủ nghĩa
thực chứng lôgíc). Vì vậy, sau phần nhập môn lý luận chung, bao gồm cả vấn
đề chủ – khách thể trong tương quan với cục diện của nó ở thời đại tiền văn
minh cuả loài người, là những nghiên cứu đặc thù về vấn đề này trong bối cảnh
thế giới thần thoại của nền văn minh Địa Trung Hải (gồm cả nền văn minh Hi
Lạp cổ đại).
Tiếp theo>>>>