Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Đề tài: " TRIẾT HỌC VỚI TƯ CÁCH LỊCH SỬ TRIẾT HỌC (HỘI NGHỊ BÀN TRÒN VỀ CUỐN SÁCH CỦA V.V.XÔCÔLỐP “NHẬP MÔN LỊCH SỬ TRIẾT HỌC”) (Tiếp theo kỳ trước) " ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (239.24 KB, 14 trang )



………… o0o…………
















Nghiên cứu triết học
Đề tài: " TRIẾT HỌC VỚI TƯ CÁCH LỊCH SỬ
TRIẾT HỌC (HỘI NGHỊ BÀN TRÒN VỀ CUỐN
SÁCH CỦA V.V.XÔCÔLỐP “NHẬP MÔN
LỊCH SỬ TRIẾT HỌC”) (Tiếp theo kỳ trước) "
TRIẾT HỌC VỚI TƯ CÁCH LỊCH SỬ TRIẾT HỌC (HỘI NGHỊ BÀN
TRÒN VỀ CUỐN SÁCH CỦA V.V.XÔCÔLỐP “NHẬP MÔN LỊCH SỬ
TRIẾT HỌC”)
(Tiếp theo kỳ trước)

V.V.Vaxiliép: Tôi rất vui khi được phát biểu vài lời về cuốn sách mới xuất bản
của V.V.Xôcôlốp và về những tư tưởng mà cuốn sách này đã gây sự chú ý đối


với tôi. Đọc xong cuốn sách, trước hết, tôi thấy mừng về sự sáng tạo của tác
giả. Chúng tôi thường gọi V.V.Xôcôlốp là cha cố của Khoa Triết MGU, nhưng
về nhiệt huyết khoa học, nếu có thể nói như vậy, thì ở ông, còn cao hơn nhiều
các nhà khoa học trẻ. Cuốn sách này thực sự là một sáng tạo mới, trong đó tác
giả đã đưa ra một hệ thống độc đáo về sự kiến giải quá trình lịch sử triết học.
Dĩ nhiên, các yếu tố của hệ thống đó đã rõ, nhưng tổ hợp của chúng là mới. Ý
tôi muốn nói rằng, yếu tố cấu trúc của triết học và tương ứng với nó là lịch sử
triết học phải là các quan hệ chủ – khách thể. Triết học, theo V.V.Xôcôlốp, đó
là thế giới quan được duy lý hoá một cách tối đa. Hơn nữa, thế giới quan này
còn được ông hiểu là quan điểm về thế giới với tư cách lĩnh vực tồn tại của
nhân sinh. Sự vận động của tư duy triết học – đó là sự hiểu biết ngày càng sâu
sắc hơn về vị thế của con người trong thế giới. Thiết nghĩ, đó là luận điểm đã
được minh chứng và mang tính gợi mở về phương pháp luận. Vì thế mà bố cục
của cuốn sách đã được trình bày rất đạt. Nó được bắt đầu từ việc xem xét ý
định suy tư thần thoại về vị thế của con người trong thế giới, tiếp đến là toàn
cảnh rộng mở của triết học Cổ đại, Trung cổ và triết học châu Âu Cận đại, và
cuối cùng, được kết thúc ở việc trình bày hệ thống của Cantơ – người đã đưa ra
tuyên bố vấn đề “con người là gì?” như một vấn đề cốt lõi của triết học. Điều
đó có nghĩa là, triết học trong tiến trình lịch sử của mình, không chỉ làm rõ các
mối quan hệ chủ – khách thể, mà còn chính xác hoá bản chất riêng có của nó.
Nhiệm vụ của người nghiên cứu lịch sử triết học là phải làm cho tình hình đó
trở nên rõ ràng. Chính vì vậy mà V.V.Xôcôlốp đã nhấn mạnh ý nghĩa của triết
học trong việc nghiên cứu lịch sử triết học. Người nghiên cứu lịch sử triết học
không tái tạo lịch sử đã có một cách thụ động, mà giải thích và kết cấu nó một
cách sáng tạo. Để hiểu tính đặc thù của cách tiếp cận lịch sử triết học một cách
rõ nét hơn – cách tiếp cận mà V.V.Xôcôlốp đã đưa ra trong cuốn sách này, –
chúng ta hãy thử so sánh nó với những cách tiếp cận khác về lịch sử triết học –
những cách tiếp cận được xem là phổ biến nhất. Cách tiếp cận thứ nhất có thể
gọi là cách tiếp cận “mục đích luận” hoặc cách tiếp cận “chuẩn mực”. Các nhà
nghiên cứu lịch sử triết học, công khai hay không công khai, đều đưa ra quan

điểm khách quan được xem là thế mạnh của mình trong việc nhận thức bản
chất của triết học hoặc thậm chí, cả bản thân chân lý (ở đây, tôi không muốn
nói về những đòi hỏi khách quan, bởi những đòi hỏi chủ quan là đương nhiên)
và xem xét hệ thống triết học quá khứ theo cách tiếp cận dần tới nó (hoặc xa
dần nó). Đương nhiên, biểu hiện thái quá của cách tiếp cận như vậy là quan
điểm lịch sử triết học của Hêghen – người mà nói một cách chính xác, đã chép
lại chứ không phải tái cấu trúc lại lịch sử triết học. Những người nghiên cứu
lịch sử triết học sau này đã tiếp nhận con đường “kiến giải” ấy và trên thực tế,
họ đã sử dụng các nguồn tư liệu có được như là điểm tựa ngẫu nhiên cho sự tư
biện của mình. Tuy nhiên, tính ngẫu nhiên trong sự tồn tại của lịch sử triết học,
theo tôi, không kém phần hợp lý so với các thuộc tính khác của nó. Nếu quả là
như vậy thì tại sao Hêghen lại không bị một nhà triết học vĩ đại nào đó đẩy ra
khỏi những suy tư của mình? Cũng đã có nhiều người làm như vậy. Một thí dụ
điển hình cho cách làm này là nhà nghiên cứu lịch sử triết học nước ta –
M.Mamarơđasvili. Thật ra, trong cách tiếp cận mang tính kiến giải từ các hệ
thống nguyên bản vẫn còn lại không ít cái gì đó đã được tác giả biến thành
những cái hoàn toàn khác. Sự biến thái này còn diễn ra cả trong các cuộc hội
thảo về “sự chuẩn hoá”, nhưng nhà nghiên cứu lịch sử triết học được coi là
“chuẩn mực” này lại hướng tới việc làm thế nào để đưa ra được một bức tranh
khách quan về các học thuyết triết học. Không chỉ thế, khi “kiến giải” lịch sử
triết học, nhà nghiên cứu này dường như còn không quan tâm đến “tính chuẩn
mực” của việc trình bày các tác phẩm triết học, chẳng hạn, của Cantơ hoặc
Đêcáctơ. Ông chỉ quan tâm đến những tư tưởng riêng và dường như, ông cũng
không dám nhân danh cá nhân để nói về những tư tưởng đó. Và, khi “kiến
giải” những tư tưởng này, ông thường viện danh các thiên tài triết học. Nghiên
cứu lịch sử triết học theo lối “kiến giải” hoàn toàn đối lập với lối “liệt kê” các
tư tưởng triết học. Theo lối “liệt kê”, nhà nghiên cứu chỉ muốn chuyển tải một
cách cụ thể tư tưởng của nhà triết học được nói đến. Trong lịch sử đã từng có
hai cách nghiên cứu lịch sử triết học theo lối “liệt kê”. Cách thứ nhất, người
nghiên cứu xem như nhiệm vụ của mình đã hoàn thành sau khi đã “liệt kê” các

luận thuyết của nhà triết học này hay nhà triết học khác. Cách thứ hai, người
nghiên cứu bổ sung thêm những luận cứ lý luận mà các nhà triết học đã sử
dụng để minh chứng cho các luận lý mà họ đã đưa ra. Cách thứ hai này ưu việt
hơn, bởi nó không chỉ cho phép chúng ta nhận biết được những luận điểm của
các nhà triết học, mà còn giúp chúng ta nhận thức được một cách sâu sắc hơn
những luận điểm ấy (vấn đề là ở chỗ, nhiều luận điểm triết học tự bản thân nó
đã rất trừu tượng và thường tạo ra những sự giải thích khác nhau; do vậy, cần
phải loại bỏ những luận cứ chỉ được rút ra từ những sự vật cụ thể nào đó, đồng
thời kết nối những luận điểm này với trực giác phổ biến và vạch ra ý nghĩa
đích thực của chúng). Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể đạt đến sự hoàn mỹ trong
trường hợp xây dựng được một văn cảnh lịch sử và hệ khái niệm của các hệ
thống triết học đã có. Những người nghiên cứu lịch sử triết học theo lối “thông
diễn học” đã cố gắng đạt tới mục đích đó. Họ là những nhà chuyên môn giỏi
trong lĩnh vực này và khá đông ở Đức hiện nay. Tuy nhiên, các nhà thông diễn
học đôi khi cũng “đánh bùn sang ao”, khi nhập hệ thống này vào hệ thống khác
theo tâm thế xã hội và tư tưởng của trường phái mình, hoặc theo những quan
điểm còn đang có sự tranh luận về tính độc lập của triết học nói chung, của
mỗi nhà triết học nói riêng. Ngoài ra, cách tiếp cận này còn có thể dẫn đến
nguy cơ tương đối hoá triết học, khi bỏ qua một thực tế là, hạt nhân (điểm then
chốt) của những tranh luận triết học là những luận cứ có lôgíc và mang ý nghĩa
phổ quát. Điều này đã được nhiều đại biểu của trường phái triết học “phân
tích” khẳng định, mà công trình tiêu biểu, mẫu mực của trường phái này có thể
nêu ra ở đây làm ví dụ là công trình của Ph.Ch.Cốplơstôn. Các nhà nghiên cứu
lịch sử triết học theo lối “phân tích” khác với các nhà nghiên cứu lịch sử triết
học theo lối “liệt kê” ở chỗ, họ không chỉ đơn giản trình bày luận điểm và luận
cứ của các nhà triết học, mà còn phản bác sự phân tích nội tại của các nhà triết
học này. Họ thường vạch ra những mạch lôgíc bị đứt của các luận điểm ấy để
sau đó, đứng trên lập trường của chính nhà triết học đã được lựa chọn làm đối
tượng nghiên cứu mà “tháo gỡ” những vấn đề được phát hiện ra nhờ những tác
phẩm triết học của nhà triết học đó. Các nhà nghiên cứu lịch sử triết học theo

lối “phân tích” có thể đưa ra những hiểu biết sâu sắc về một hệ thống triết học
nào đó, thậm chí họ còn có thể hiểu hệ thống triết học đó một cách sâu sắc hơn
tác giả của nó. Song, sự nguy hại của phương pháp phân tích trong lịch sử triết
học là ở chỗ, nó có thể dẫn đến sự hiện đại hoá quan điểm của nhà triết học
đang được nghiên cứu và sự lệch hướng trong việc tái cấu trúc lịch sử triết học
đã có. Do vậy, cách tốt nhất để nghiên cứu lịch sử triết học kết hợp cách tiếp
cận thông diễn học với cách tiếp cận phân tích. Bây giờ đã đến lúc quay trở lại
với cuốn sách của V.V.Xôcôlốp để nói rằng, cuốn sách này chính là một thí dụ
điển hình về sự kết hợp một cách có hiệu quả các phương pháp nghiên cứu lịch
sử triết học khác nhau. Kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng của V.V.Xôcôlốp
đã cho phép ông đạt tới sự kết hợp hài hoà các phương pháp nghiên cứu lịch sử
triết học. Hệ thống quan điểm của ông được trình bày một cách rõ ràng trong
phần mở đầu của cuốn sách và hơn nữa, nó không lấn át nguồn tư liệu thực tế.
Đó không phải là sự liệt kê lịch sử, mà chính là sự tái cấu trúc lịch sử. Những
tư tưởng của các nhà triết học được trình bày không phải trong một không gian
lôgíc, mà được “lèn chặt” trong bối cảnh văn hoá - xã hội của thời đại. Chúng
ta hầu như không tìm thấy bóng dáng của các nhà triết học, nhưng họ cũng
không bị đẩy ra ngoài lề của sự luận giải. Nói tóm lại, cuốn sách này, ngoài
những gì đã được nói tới, còn có thể được xem như một cuốn giáo trình chuẩn
để rèn luyện năng khiếu về lịch sử triết học. Duy có một điều mà tôi cảm thấy
còn thiếu trong cuốn sách này - đó là sự phân tích một cách kỹ lưỡng hơn luận
cứ của các nhà triết học đã được đề cập tới. Có lẽ, điều này liên quan đến quan
niệm của V.V.Xôcôlốp về triết học. Đối với ông, triết học trước hết là thế giới
quan, chứ không phải là một khoa học chính xác tới mức có thể có về các bản
nguyên khởi thuỷ. Và, mặc dù tác giả có nói đến thế giới quan đã được “duy lý
hóa một cách tối đa”, song sự trình bày đó vẫn thiên về thế giới quan “mang
tính quan điểm hoá” (theo tinh thần của Côngtơ (*)) chứ không phải là quan
điểm nhất quán, có luận cứ về thế giới và con người trong thế giới đó. Yếu tố
này, theo tôi, hoàn toàn có thực. Vậy, trên thực tế, các luận cứ và bằng chứng
trong triết học có đóng vai trò gì không? Liệu có phải những cơ sở hiện thực

của hệ thống, hoặc nói đúng hơn, cái vẻ bề ngoài, cái đích thực đã bị che lấp
mới là cơ sở tiềm ẩn về mặt xã hội, tâm lý, sinh học, v.v. của bức tranh thế giới
được chúng ta phát hiện ra trong những tác phẩm của các nhà triết học vĩ đại?
Tôi tin chắc rằng, dẫu có những luận cứ triết học nổi tiếng và có thể hiểu được
một cách trực tiếp đã được coi như “bức bình phong” cho một động cơ tinh
thần nào đó, thì trong triết học vẫn luôn có một lĩnh vực có liên quan đến việc
nghiên cứu ý thức mà ở đó, người ta có thể đưa ra các minh chứng đúng đắn,
đồng thời cũng có thể làm rõ được những vấn đề căn bản. Tôi có cảm giác
rằng, V.V.Xôcôlốp đang giữ một quan điểm khác. Vả lại, vấn đề này vẫn chưa
được giải quyết và đáng được bàn riêng. Cuốn sách của V.V.Xôcôlốp còn có
ưu điểm ở chỗ, nó thu hút sự quan tâm của chúng ta, đồng thời cũng buộc
chúng ta phải luôn suy nghĩ không chỉ về quan điểm của các nhà tư tưởng
trong lịch sử, mà còn về chính bản chất của triết học.
A.L.Đôbrôkhôtốp: Habent sua fata libelli. Tôi cho rằng, cuốn sách mới của
V.V.Xôcôlốp được viết bởi một vận mệnh vinh quang như những cuốn sách
trước đây của ông. Nhiều cuốn trong số đó đã trở thành sự kiện quan trọng
trong khoa học lịch sử triết học nước ta, bởi các cuốn sách đó đã đưa ra những
đề tài mới hoặc tạo ra bước ngoặt trong nhận thức về khoa học này. Đó là
những tác phẩm, như cuốn lược khảo về triết học thời Phục hưng, cuốn chuyên
khảo đồ sộ về Spinôda và cuốn giáo khoa đầu tiên về lịch sử triết học Trung
cổ. Cuốn sách hiện đang được thảo luận cũng có thể coi là sự mở đầu (nếu còn
có người đưa ra được sáng kiến) cho loại hình mới về sách giáo khoa – nghiên
cứu.
Điều đáng chú ý trước tiên là thể loại của cuốn sách. Sự trình bày lịch sử triết
học theo cách này hiện đang được coi là thể loại nằm giữa hai thái cực: lược đồ
cứng nhắc các tư tưởng mà ở đó, luôn đầy ắp các sự kiện (theo phương án
Hêghen) và sự trình bày theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa về các học thuyết triết
học riêng biệt với sự kiến giải ở mức tối thiểu (số những người theo phương án
này nhiều vô kể). Theo tôi, nằm giữa hai thái cực phải là lịch sử tư tưởng với
sự tham gia ở mức tối thiểu của các triết gia nổi tiếng. Thế nhưng, không hiểu

vì sao ở chính điểm mấu chốt này, người ta lại viết được rất ít và có thể nói
thẳng ra là, thể loại này chưa được hình thành. Hơn nữa, chính cách tiếp cập đó
còn cho phép chúng ta hiểu được lôgíc phát triển lịch sử của triết học và học
được phong cách tư duy triết học. Có thể tạm đưa ra nhận định rằng, dường
như chính vì thế mà lịch sử triết học với tư cách lịch sử các vấn đề là phương
án rất ít khi gặp. Cách tiếp cận “vấn đề” không cho phép luận giải hời hợt theo
kiểu thuật lại và mô tả; nó đòi hỏi người luận giải phải có chuyên môn sâu và
giỏi về thông diễn học để làm rõ tư tưởng của các nhà triết học vĩ đại, mà điều
này thì không phải ai cũng làm được.
Cuốn sách giáo khoa của V.V.Xôcôlốp được viết theo đúng thể loại hiếm hoi
này, mặc dù tác giả đưa cả những yếu tố truyền thống vào đó; chẳng hạn, việc
tái cấu trúc môi trường văn hoá và trình bày nhân cách của các nhà triết học.
Cốt lõi của sự trần thuật mà V.V.Xôcôlốp tiến hành đã tạo ra lược đồ chủ –
khách thể và cần phải nói rằng, đó là sự lựa chọn có hiệu quả, bởi sự qui định
lẫn nhau giữa chủ thể và khách thể chính là “hệ thần kinh” của triết học thế
giới. Mối liên hệ xác định giữa tư duy và tồn tại, giữa hoạt động và môi trường
chính là “số phận” của một học thuyết triết học và số phận này chính là điều
kiện tạo nên tính đặc thù, “độc đáo” và vị thế của học thuyết đó trong đời sống
tinh thần của thời đại. Đã từng có một cuộc tranh luận khá dài về vấn đề cần
phải kết cấu bài giảng cho các giảng viên triết học như thế nào. Trực giác cho
chúng ta thấy một điều khá rõ ràng là, việc đưa lịch sử các sự kiện đã được ghi
nhận về phương diện triết học vào giảng dạy là việc không nên làm. Nhưng ý
đồ xây dựng một cái gì đó giống như bộ môn “triết học hệ thống” lại không
gây ra một sự hào hứng nào cả, bởi ý đồ đó sẽ dẫn tới việc giới thiệu các
truyền thống “tự tạo” và chưa được thời gian kiểm nghiệm. Có lẽ, lịch sử các
vấn đề, nếu như đó không phải là lối thoát ra khỏi nan đề, thì cũng là sự thoả
hiệp có lý của cái lịch sử và cái lôgíc. Song, một cách đương nhiên, việc này
có thể làm được với điều kiện là các nhà nghiên cứu lịch sử triết học phải rất
thông thạo trong việc sắp đặt các vấn đề đó. Về mặt này mà nói thì giá trị mà
cuốn giáo khoa của V.V.Xôcôlốp đã đem lại có thể coi là một kiểu mẫu tuyệt

vời về phân tích vấn đề – phân tích những vấn đề đã trở nên phổ biến không
chỉ trong lĩnh vực phản tư lịch sử.
Định hướng mang tính quan điểm của cuốn giáo khoa được trình bày theo
dạng nhập môn này là không lớn, nhưng về mặt lý luận thì quả là phong phú.
Theo quan điểm của V.V.Xôcôlốp, đối tượng của triết học là “tổng hoà rộng
lớn các quan hệ chủ – khách thể”; hơn nữa, cái căn bản của cuốn giáo khoa này
là ở việc lý giải triết học với tư cách mối liên hệ giữa tri thức và niềm tin theo
những mức độ khác nhau. Về nguyên tắc, đó là “chất liệu mới” được tạo thành
từ chính các yếu tố nói trên. Có thể hình dung được rằng, nếu một trong những
yếu tố cấu thành công thức về mối quan hệ nói trên được tách ra hoặc các yếu
tố đó tham gia vào việc làm cho khoa học mang tính nghệ thuật, thì thành phần
và sắc điệu của cuốn sách giáo khoa này sẽ thay đổi biết nhường nào. Hơn nữa,
cũng giống như Giắcsperơ, V.V.Xôcôlốp cho rằng, niềm tin với tư cách một
phương diện của triết học chính là “niềm tin triết học đặc thù”, tức niềm tin đòi
hỏi phải có tính trách nhiệm và tính duy lý. Triết học, theo cách hiểu của
V.V.Xôcôlốp, là “một hệ thống tri tín phức tạp” và ở chính tư cách này, nó
mới là véctơ tư duy duy nhất không hề mang tính ngẫu nhiên của sự phát triển.
Do vậy, cuốn giáo trình này có thể được xem như một văn bản liên quan không
phải tới sự nỗ lực của tác giả, mà tới chính lịch sử tinh thần. V.V.Xôcôlốp còn
chỉ ra một phương diện mang tính nguyên tắc của triết học: triết học - “đó
chính là thế giới quan đã được hệ thống hoá, được duy lý hoá một cách tối đa
trong thời đại của mình”. Sự luận giải của tác giả đã cho thấy rằng, điểm mấu
chốt trong định nghĩa này là hai phương tiện mang tính công cụ để thế giới
quan trở thành triết học là “sự hệ thống hoá” và “sự duy lý hoá”. Về thực chất,
thế giới quan chỉ là “niềm tin vững chắc” của một nhân cách hay của một nền
văn hoá. Chính “cái duy lý” cộng với tính hệ thống của thế giới quan đã biến
những hình ảnh mờ ảo thành cơ sở cho sự xuất hiện một dạng tri thức đặc biệt
– tri thức triết học.
Tôi xin nói về tiêu đề của cuốn sách, bởi nó cho phép chúng ta hiểu đúng hơn
nét đặc thù về mục đích của tác giả cũng như những nguyên tắc xuyên suốt nội

dung của triết học. “Nhập môn lịch sử triết học” - đó là tên gọi khá chính xác,
bởi mục đích mà tác giả đặt ra không phải là để công bố những luận điểm này
hay luận điểm khác (900 trang sách đủ nói lên điều đó), mà là ở sự khái quát
mang tầm trí tuệ. Xin nói thêm là, ở đây còn bộc lộ một thiếu sót được xem là
“đứt quãng” khi trình bày về Cantơ. Song, trong phạm vi những nhiệm vụ mà
“Nhập môn lịch sử” đặt ra thì đó không phải là điều quan trọng, mà điều quan
trọng là ở chỗ làm thế nào để việc đó cho phép tiếp tục vận động một cách độc
lập, mà về điều này, tác giả đã thực hiện được. Vả lại, đối với loại hình giáo
khoa truyền thống thì học thuyết của Cantơ đã được giới hạn ở mức cần thiết,
bởi sau Cantơ, sự phát triển tiếp theo của triết học châu Âu đã diễn ra theo
chiều hướng đi xuống. Theo tôi biết thì luận điểm này đã gây nên sự tranh
luận, nhưng chính chỗ này lại có thể tránh được những định kiến, khi người ta
quan tâm tới tính “làn sóng” của tiến trình lịch sử triết học và sự định vị chính
xác của Cantơ tại đỉnh điểm của biên độ thời Cận đại. Chắc gì đã là ngẫu
nhiên, khi chương cuối của cuốn sách có tên gọi là “Con người với tư cách chủ
thể của lịch sử và nhà nước”. Chính chủ đề này đã trở thành tinh hoa của lịch
sử cận đại và đã được Cantơ luận giải về phương diện lý luận.
Tôi cho rằng, cuốn giáo khoa này đã thành công, bởi định nghĩa của tác giả về
triết học cho phép chúng ta có thể khảo cứu đến ngọn ngành của triết học và
như vậy cũng có nghĩa là đã phản ánh được lịch sử triết học hiện thực, chứ
không phải là lịch sử triết học bị hệ tư tưởng xuyên tạc, đồng thời vạch ra được
những tuyến chính của các vấn đề lịch sử mà không bị rơi vào tình trạng tuỳ
tiện theo ý muốn chủ quan của tác giả. Tính lý luận xuyên suốt một cách có hệ
thống đã phần nào phân biệt nội dung của cuốn giáo khoa này với định hướng
làm rõ những “đối thoại” triết học vốn được xem là “mốt” hiện nay. Trong
cuốn sách của V.V.Xôcôlốp, chúng ta có thể cảm nhận được một phức hợp các
âm thanh rõ hơn là cuộc đối thoại của các nhân vật, song tôi có cảm giác là bức
tranh này thích hợp hơn nhiều, bởi các thiên tài của chúng ta không thiên về
cuộc đối thoại hiện có. Điều đáng lưu ý là, V.V.Xôcôlốp đã tái hiện lại cán cân
lịch sử một cách thích hợp với mỗi nền triết học. Chẳng hạn, ông chú trọng

nhiều đến vấn đề tính chủ thể với tư cách định hướng triết học; đến mối quan
hệ của khởi nguyên tinh thần, của đạo đức và của công dân; đến vấn đề
“Thượng đế của các nhà triết học” và không lệ thuộc vào những định kiến về
“cuộc đấu tranh của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm”. (Vào những
năm 60, nếu như tôi không nhầm, thì điều đó đã được V.V.Xôcôlốp nhắc đến,
và nó đã gây ra một cuộc thảo luận trên truyền hình khiến cho các nhà lãnh đạo
phải lo lắng, đồng thời chắc gì giới sinh viên hiện nay đã hiểu được mức độ
hành vi của Đônkihôtê).
Điều đáng lưu ý mà ở đây, tôi cũng đồng ý với nhận xét của N.S.Kirabaép, là
cuốn sách này đề cập không phải đến khu vực tiểu châu Âu, mà đến tất cả
vùng Địa Trung Hải; nói tóm lại, đến “lịch sử vấn đề”, bởi nếu thiếu các học
thuyết Gnoxit và Manihei(**), thiếu Arập và châu Âu Trung cổ thì không thể
xây dựng được lôgíc phát triển của các đề tài triết học có tầm quan trọng hàng
đầu.
Chúng ta hãy lưu ý tới những vấn đề mà V.V.Xôcôlốp đã chuyên đề hoá sau
đây: kịch bản chủ – khách thể; yếu tố thần học trong triết học; sự đối thoại giữa
cái duy lý và cái thần bí; sự xung động giữa cơ thể và cơ chế; mối quan hệ qua
lại giữa triết học và hệ tư tưởng; chủ thể có nhân cách và môi trường xã hội
của nó; ranh giới của quyết định luận văn hoá đối với triết học. Sự liệt kê có
lựa chọn các tư tưởng chủ đạo này cho thấy rằng, sinh viên nào mà cùng với
tác giả đi qua những con đường của triết học châu Âu, họ sẽ nhận được khả
năng trải nghiệm những sự kiện quan trọng. Tôi cho rằng, đó là hình thái tốt
nhất của một nền triết học trẻ. Việc giảng dạy được đặt ra một cách đúng đắn
đối với môn lịch sử triết học là sự chuẩn bị cho sự nghiệp nâng cao trí tuệ,
giống như việc rút ngắn các giai đoạn phát triển của tổ tiên về phương diện
sinh học (rút ngắn sự lặp lại của loài trong sự phát triển của các bộ phận cơ thể
bằng phôi thai học) để chuẩn bị cho một cơ thể tương lai bước vào cuộc sống.
Tôi cho rằng, điều này đã làm cho V.V.Xôcôlốp xứng đáng trở thành vị linh
mục của triết học đương đại nước ta; và điều này là hoàn toàn đúng không chỉ
bởi ông đóng vai chính trong chuyên ngành lịch sử triết học thời hậu chiến

phức tạp, mà còn bởi việc ông đã đào tạo ra một số thế hệ các nhà chuyên
môn, những người từng theo học trường phái tư duy về lịch sử triết học của
ông. Phương pháp này của V.V.Xôcôlốp đã được kiểm nghiệm và được khẳng
định một cách chắc chắn.
A.A.Xemuskin: Công trình của V.V.Xôcôlốp - “Nhập môn lịch sử triết học”,
theo tôi, là một sự kiện đáng quan tâm và tuyệt vời trong kho tàng tài liệu khoa
học nhân văn ở nước ta, đặc biệt là trong triết học. Định hướng có mục đích và
có suy tính của tác giả về sự luận chứng phương pháp luận cho sự thống nhất
các phương diện lý luận và lịch sử của tri thức triết học là điểm khác biệt của
cuốn sách này. Sự xuất hiện của cuốn sách đã minh chứng cho tính thời sự ở
trình độ cao của nó, bởi khi đọc nó, chúng ta thấy khó có thể dứt ra khỏi ấn
tượng là, việc xuất bản cuốn sách này là giải pháp cho sự cần thiết phải trình
bày theo lối thư tịch học trong các công trình thuộc dạng này mà vốn đã được
đặt ra từ lâu. Ý nghĩa cuốn sách của V.V.Xôcôlốp không bị hạn chế bởi sự
giáo điều hoá của thể loại sách giáo khoa – giáo dục. Tính khai sáng của nó
không gây ra bất kỳ một sự nghi vấn nào, còn nét độc đáo về chất lượng thì
không thể nói hết được. Cái mới và những phát kiến mang tính sáng tạo của
tác giả là ở việc xem xét lại và biến cách tiếp cận lịch sử – triết học thành việc
suy ngẫm và tái cấu trúc mang tính hệ thống lịch sử triết học như một quá trình
chỉnh thể, hữu cơ - một quá trình mà ở đó, không có gì khác ngoài thực chất
lịch sử vốn có trong tính chỉnh thể về phương diện lý luận của triết học. Tác
giả đã đề cập đến chính sự thống nhất về bản chất đó của triết học và lịch sử
của nó, khi luận giải lịch sử triết học như là sự “nhập môn triết học”. Từ quan
điểm đó mà triết học hiện đại được tiếp thu và kiến giải không phải như một
cái gì đó đã được định hình và hoàn thiện so với định hướng vốn có của quá
trình lịch sử triết học với những khuyết tật vốn có của nó, với những hạn chế
và thậm chí, cả cảm giác tuyệt vọng về giá trị lý luận của nó. (Ở đây, xin được
nói thêm là, triết học hiện đại đã chứng kiến sự “khốn cùng của triết học” trong
bối cảnh nguỵ biện lịch sử (historiosophism) về sự “tận cùng của lịch sử”). Cái
nhìn thống nhất của triết học và lịch sử của nó là hoàn toàn trùng hợp với mục

đích nghiên cứu đối tượng – phương pháp luận (nếu đó không phải là một định
đề lịch sử triết học) của V.V.Xôcôlốp. Có thể định hướng này đã làm mờ đi và
xoá nhoà ranh giới, tầm cỡ và tiêu chuẩn của một cuốn giáo trình được hiểu
theo nghĩa truyền thống. Song, nếu nói về tính tất yếu của sự hoàn thiện và đổi
mới những quy phạm đã trở nên lỗi thời của một giáo trình triết học, thì có thể
nói rằng, “cuốn giáo khoa tầm cỡ đại học tổng hợp” (ý tôi muốn đặt tên nó
bằng việc nghiên cứu) là cuốn sách mà ngoài nó ra, hiện không thể có cuốn
nào khác có thể thúc đẩy sự hiện đại hoá về chuyên môn đối với thể loại giáo
trình lịch sử triết học như vậy. Hơn nữa, cuốn giáo trình này được coi là hợp
thời và vì thế mà nó dễ dàng được chấp nhận. Nguyên do là ở chỗ, khi thể hiện
cách tiếp cận của mình về phương diện phân tích và đánh giá quá trình lịch sử
triết học, V.V.Xôcôlốp đã xuất phát không phải từ những giả thuyết, dự đoán
hoặc theo cách giáo điều, mà xuất phát điểm của ông là chọn lọc trên cơ sở
nghiên cứu. Đây là quan điểm đối lập một cách căn bản với các phạm trù
truyền thống về chủ thể và khách thể; xét về mặt ý nghĩa mà nói, thì đó là
những phạm trù xuyên suốt và quy định một cách căn bản tư duy triết học cả
trong lịch sử cũng như trong lĩnh vực lý luận. Hơn nữa, quan điểm chủ - khách
thể theo phương án truyền thống của nó đã được tác giả xem xét lại nhằm khắc
phục tính hai mặt bề ngoài của chủ thể và khách thể, đồng thời chỉ rõ tính đồng
loại về bản chất và chức năng của chúng mà ngoài tính đồng loại đó, cuộc “đối
thoại” đang ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu hoạt động giữa chủ
thể nhận thức và cái được nhận thức sẽ không đi đến một kết quả nào cả.
Tương tự như vậy, chủ thể và khách thể đã được V.V.Xôcôlốp xem xét không
phải như những thực thể hoặc những cấp độ loại trừ nhau, mà như những thế
giới hình thái được bộc lộ về mặt cấu trúc (“thế giới vĩ mô và thế giới vi mô”);
còn sự giống nhau và tính đồng loại của chúng – những cái luôn có sự thay đổi
trong lịch sử tư tưởng từ sự đồng nhất của chúng trong thế giới quan nhân học
hình thái đến sự loại suy và song trùng của chúng trong tư biện triết học, thì
nói chung, không có gì xa lạ với tiêu chí nhân học. Chính sự thống nhất và tác
động qua lại giữa chủ thể và khách thể vốn được hiểu theo triển vọng lịch sử văn

hoá và văn minh của chúng đã tạo cơ sở cho V.V.Xôcôlốp xem xét lịch sử tư
tưởng triết học như một quá trình chỉnh thể, hữu cơ. Ngoài ra, chính tâm thế nhìn
nhận quan điểm và phương pháp luận đó, theo tôi, đã tạo ra triển vọng và khích lệ
đối với việc đổi mới tiềm năng triết học của chúng ta cả về lịch sử cũng như
khuynh hướng lý luận của nó.
(Còn nữa)
Người dịch: PGS.TS. TRẦN NGUYÊN VIỆT
Người hiệu đính: PGS.TS. ĐẶNG HỮU TOÀN
(Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam)


(*)
Ôguýt Côngtơ (1798 – 1857) – nhà triết học Pháp, người sáng lập chủ nghĩa
thực chứng (chú thích của ND).
(**)
Gnoxit và Manihei – hai tôn giáo xuất hiện ở vùng Cận Đông vào thế kỷ III
(Chú thích của ND).


×