Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Tài liệu TIẾP TỤC MỘT CÁCH KIÊN ĐỊNH VÀ SÁNG TẠO CON ĐƯỜNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (Tiếp theo kỳ trước) pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (291.38 KB, 11 trang )

TIẾP TỤC MỘT CÁCH KIÊN ĐỊNH VÀ SÁNG TẠO CON ĐƯỜNG
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (Tiếp theo kỳ trước)
Nguồn: fpe.hnue.edu.vn
Hội nhập toàn cầu, vào WTO tự nó không là mục đích mà chỉ là phương
tiện, điều kiện, con đường kết hợp sức mạnh dân tộc, với sức mạnh thời đại;
nhất là cốt để tranh thủ lực lượng sản xuất và công nghệ hiện đại, những thành
tựu mới của kinh tế tri thức nhằm xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ
nghĩa xã hội - nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
III - TIẾP TỤC ĐI CON ĐƯỜNG THỜI ĐẠI. KIÊN ĐỊNH, ĐỔI MỚI,
SÁNG TẠO.
Ý kiến phủ định thời đại chúng ta vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản
lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới là một bước lùi về lập trường chính
trị cơ bản, xuất phát. Thực tế nếu vậy thì đất nước ta, Đảng ta từ nay đi con đường
nào đây?
1 - "Chuyển đổi" sang con đường tư bản chủ nghĩa chăng? Đã có những ý
kiến như thế, nhưng tuyệt đối không thể chấp nhận. Đúng là sau thảm họa "sụp
đổ" ở Liên Xô, Đông Âu, chủ nghĩa tư bản căn bản chiếm lĩnh phần lớn trận địa
thế giới. Nhưng vận mệnh và tiền đồ chủ nghĩa tư bản sẽ như thế nào?
Chủ nghĩa tư bản đã có lịch sử hơn 500 năm. Nó đã có những cống hiến cực
kỳ to lớn cho loài người. Nó đã tạo ra những lực lượng sản xuất không những đồ
sộ mà còn tinh xảo, tinh vi, những máy móc "thông minh", những vật liệu, năng
lượng kỳ diệu v.v Với đại công nghiệp, nó đã tạo ra thị trường thế giới thay cho
tình trạng biệt lập trước đó của các địa phương và dân tộc vốn tự cung tự cấp. Do
xâm chiếm thuộc địa, bóp nặn thị trường thế giới, chủ nghĩa tư bản đã làm cho sản
xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới. Chính chủ nghĩa tư
bản đã có công làm cho lịch sử biến thành lịch sử thế giới. Nhưng đó là thế giới
gì?
Trước Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, đó toàn thị là thế giới tư bản
bao gồm các "chính quốc" và cả hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Từ sau
Tháng Mười năm 1917 đến 1991, thế giới phân chia thành hai hệ thống đối lập.
Sau khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, chủ nghĩa tư bản chiếm lĩnh đa phần thế giới,


bản đồ chính trị thế giới thay đổi căn bản. Lịch sử phải chăng "kết thúc" ở chủ
nghĩa tư bản, tột đỉnh của văn minh loài người? Thực tiễn thế giới "hậu Xô-viết"
đã sớm bác bỏ kết luận sai lầm ấy. Có điều cần ghi nhận: ngày nay ít ai còn mang
ảo tưởng chủ nghĩa tư bản sắp chết đến nơi, nhưng phải chăng số người tin tuyệt
đối vào sức sống vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản cũng ngày càng vơi dần? xem ra
đa số đánh giá chủ nghĩa tư bản còn lâu mới tiêu vong nhưng cuối cùng nhất định
nó không tránh khỏi tiêu vong.
Thật ra sức sống còn lại của chủ nghĩa tư bản mà đôi khi có người choáng
ngợp, một phần do nó vốn chưa thật cạn kiệt, còn một phần rất quan trọng là do
những yếu kém, sai lầm dẫn đến sụp đổ cay đắng một mảng lớn chủ nghĩa xã hội
hiện thực. Một sự thật nữa cũng đáng lưu ý là tâm trạng hoan hỉ của phương Tây
trước sự sụp đổ của Liên Xô chỉ được nhất thời; sau đó, khi không còn địch thủ
đáng gờm phải đối mặt, thì những đầu óc ít nhiều tỉnh táo, sáng suốt trong các học
giả và chính khách phương Tây bình tĩnh quay về nhìn lại bản thân chủ nghĩa tư
bản, đã kịp thời cảnh báo: coi chừng nguy cơ đe dọa vận mệnh chủ nghĩa tư bản
vốn ra không phải từ phía chủ nghĩa xã hội, từ Liên Xô, mà chính từ ngay trong
lòng chủ nghĩa tư bản. Rõ ràng chủ nghĩa tư bản cũng đang "tự phản tỉnh", "tự phê
phán", đang thấy khó mà tự duy trì nếu không có phép gì mầu nhiệm hơn những
phép đã dùng gần như cạn kiệt để tự điều chỉnh, thích nghi. Những khái niệm "xã
hội hậu tư bản", hay "chủ nghĩa tư bản mới", "chủ nghĩa tư bản nhân dân", hay
"chủ nghĩa tư bản của những người lao động" v.v. mà một số học giả phương Tây
ưa dùng nói lên hai mặt. Nó vừa là một sự ngụy biện rằng chủ nghĩa tư bản đã
không còn là chủ nghĩa tư bản nữa vì nó không còn bóc lột; vừa là - về khách quan
- mặc nhiên thừa nhận chế độ tư bản đích thực, truyền thống như bản thân nó, đã
hết lý do tồn tại, đã hết khả năng tự biện minh; có nghĩa ngay các nhà tư tưởng tư
sản cũng đã mất niềm tin ở chính chủ nghĩa tư bản, đã mặc nhiên và gián tiếp phải
nói đến một chế độ mới đang gõ cửa chủ nghĩa tư bản. Trong khi đó, một số người
trước đây, sau khi Liên Xô sụp đổ, niềm tin đối với chủ nghĩa xã hội ở họ bị lung
lay dữ, thì từ thực tiễn thế giới hơn 10 năm qua Mỹ hành động ngang ngược với vị
thế siêu cường duy nhất, họ có phần suy nghĩ lại rằng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô

trước đây dù có khuyết tật nặng nề thế nào đi nữa, nhưng thảm họa nhãn tiền ngày
nay là không còn Liên Xô, Mỹ đang làm mưa làm gió trên thế giới.
2 - Vậy là thế giới đổi thay nhưng thời đại không thay đổi, Đảng ta, nhân dân
ta, đất nước ta, nhất quyết tiếp tục đi con đường thời đại - con đường xã hội chủ
nghĩa.
Cần nhận rõ thời đại mặc dù không thay đổi nhưng thời đại lịch sử lớn được
chia ra những thời kỳ hay gọi là thời đại nhỏ. Chẳng hạn, về thời đại tư sản, V.I.
Lê-nin lấy ví dụ Pháp và nói đến mấy thời kỳ: thời kỳ từ cách mạng 1789 đến
chiến tranh Pháp - Phổ 1870 - 1871; thời kỳ thứ hai từ 1871 đến chiến tranh thế
giới thứ nhất 1914 - 1918; thời kỳ thứ ba từ thế chiến thứ nhất trở về sau
Về thời đại lớn quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội thì sao? Cho
đến nay có thể chia thành ba thời kỳ kể từ cột mốc Cách mạng Tháng Mười năm
1917.
Thời kỳ thứ nhất (từ 1917 đến 1945) là thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa
thắng lợi đầu tiên ở một nước; chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng và từng
bước củng cố; phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ; chiến thắng của
loài người tiến bộ đối với chủ nghĩa phát xít.
Thời kỳ thứ hai (1945 - 1991) là thời kỳ chủ nghĩa xã hội trở thành hệ thống
thế giới; phong trào giải phóng dân tộc phát triển thành cao trào; ba dòng thác
cách mạng cùng dâng cao; đồng thời cũng dần dần xuất hiện và tích tụ những khó
khăn và sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng khiến chủ nghĩa xã hội lâm vào
khủng hoảng kéo dài, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Âu rồi Liên Xô.
Thời kỳ thứ ba (từ 1991 về sau) là thời kỳ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại
và phong trào cộng sản quốc tế khắc phục khủng hoảng, thoái trào để từng bước
phục hồi, cải cách, đổi mới và phát triển.
Nắm vững thời đại, do vậy, không thể dừng lại ở bản chất thời đại nói chung
mà trong mỗi thời điểm lịch sử cần nhận ra thật rõ cách mạng đang đứng ở đâu, ở
thời kỳ nào, với những đặc điểm gì? Mặt khác, không thể chỉ thấy hiện thực mà
không thấy triển vọng, không thể chỉ thấy trước mắt mà không thấy xu thế cơ bản,
lâu dài, không thể chỉ thấy cái riêng mà không thấy cái chung. Cương lĩnh xây

dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ của Đảng ta năm 1991 đã sáng suốt
chỉ ra (và được Đại hội VIII, Đại hội IX khẳng định lại), một cách nhìn, một tư
tưởng cơ bản rất đúng đắn, sâu sắc và toàn diện như sau: "Chủ nghĩa xã hội hiện
nay đang đứng trước những khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua
những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã
hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử".
Mâu thuẫn cơ bản nhất của thời đại ngày nay là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư
bản với chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại, nhưng hình thái biểu hiện đã khác trước
nhiều. Đó không còn là mâu thuẫn giữa hai hệ thống thế giới đối lập, nhưng cũng
không phải sau khi chủ nghĩa xã hội bị sụp đổ một mảng lớn thì mâu thuẫn đó
không còn. Ngoài một số nước xã hội chủ nghĩa còn lại, khá có trọng lượng, phải
kể đến phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cả đến phong trào đấu tranh
chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình,vì độc lập và chủ quyền dân tộc, vì dân chủ
và tiến bộ xã hội, những lực lượng này là đồng minh tự nhiên của chủ nghĩa xã
hội.
Hơn nữa, cần phải tính đến những yếu tố mầm mống đang tồn tại trong lòng
chủ nghĩa tư bản mà xu hướng khách quan của chúng là ngày càng lớn lên theo
chiều phủ định những quan hệ tư bản chủ nghĩa. Ta biết rằng sự phát triển của xã
hội loài người, sự chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh
tế - xã hội khác, suy đến cùng, luôn được thực hiện trên cơ sở phát triển nền sản
xuất vật chất và lực lượng sản xuất của xã hội đó. Ở giai đoạn hiện nay, sự phát
triển rất cao của lực lượng sản xuất dưới tác động của cách mạng khoa học và
công nghệ hiện đại đang sinh ra những xu hướng phát triển về khách quan mang
tính đối kháng với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đồng thời tự phát tạo ra
những cơ sở và tiền đề dẫn tới chế độ mới - chủ nghĩa xã hội; tất nhiên chế độ mới
không thể ra đời mà không thông qua những chuyển biến cách mạng trong chế độ
chính trị dưới hình thức này, hay hình thức khác.
Sự phát triển của lực lượng sản xuất ở giai đoạn xã hội hóa ngày càng cao
hiện nay đang thúc đẩy những quá trình tập trung, sáp nhập, liên kết ngày càng cao
không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên quy mô thế giới, không chỉ về lực

lượng sản xuất mà cả sở hữu "chủ nghĩa tư bản tập đoàn" của các nhà tư bản kếch
sù.
Rõ ràng cái vỏ tư nhân tư bản chủ nghĩa đã quá chật so với nội dung sức sản
xuất cực kỳ đồ sộ mà nó chứa đựng; thậm chí quá chật cả với hình thức sở hữu tư
bản độc quyền cá nhân.
Từ tính chất xã hội hóa cao của sản xuất và lực lượng sản xuất, cũng xuất
hiện trong các nước tư bản phát triển ngày càng nhiều nhân tố mầm mống những
quan hệ xã hội tương lai, chẳng hạn các công ty cổ phần trong đó có sự tham gia
của những người lao động vào sở hữu và quản lý. Hình thức công ty cổ phần có
loại thuộc những "nhà tư bản tập thể" (Ăng-ghen) hoặc "trực tiếp mang hình thái
tư bản xã hội đối lập với tư bản tư nhân"
(1)
; có loại "nửa nọ nửa kia", một nửa
thuộc các chủ tư sản vừa và nhỏ, một nửa cổ đông là những người lao động.
"Những xí nghiệp cổ phần tư bản chủ nghĩa cũng như những nhà máy hợp tác đều
phải được coi là những hình thái quá độ từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa
sang phương thức sản xuất tập thể"
(2)
. Lại có những doanh nghiệp tự quản thuộc sở
hữu của những người lao động. Ví dụ: ở Mỹ có hơn 11 triệu người lao động đang
là đồng sở hữu những doanh nghiệp này; ở Thái Lan và nhiều nước tư bản, hợp tác
xã của những người lao động rất phổ biến trong nông nghiệp, thương nghiệp, vận
tải, v.v Bộ Nông nghiệp Thái Lan có tên là Bộ Nông nghiệp, Phát triển nông thôn
và hợp tác xã. Vậy là, tình hình đúng như hình ảnh mà V.I. Lê-nin từng hình dung:
ngày nay thì chủ nghĩa xã hội nhìn sang chúng ta từ tất cả các khung cửa của chủ
nghĩa tư bản hiện đại; chủ nghĩa xã hội đang hiện ra trực tiếp, trên
thực tiễn, trong
mỗi biện pháp quan trọng tạo thành một bước tiến trên cơ sở chủ nghĩa tư bản hiện
đại ấy.
Cần đánh giá thế nào về chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa? Có người cho rằng

chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn hiện nay có sức sống hơn bao giờ hết. Nhận định ấy
nhiều lắm chỉ đúng một nửa, còn một nửa không đúng, lại là cái nửa thuộc bản
chất sự vật và quá trình. Toàn cầu hóa khi vai trò chủ đạo thuộc về chủ nghĩa tư
bản thì về bản chất là một quá trình đầy mâu thuẫn, một quá trình vừa hợp tác, liên
kết, vừa đấu tranh, trong sâu xa là cả một cuộc đấu tranh giữa
một bên là quyền
lực và lợi ích chi phối, thao túng của những thế lực tư bản quốc tế, các nước lớn tư
bản chủ nghĩa, với
một bên là chủ quyền và lợi ích các quốc gia, dân tộc. Đó là
mâu thuẫn ngay giữa các nước tư bản chủ nghĩa, giữa các tập đoàn tư bản với
nhau. Đó là mâu thuẫn giữa tăng trưởng của cải với phân phối không công bằng
dẫn tới phân cực giàu nghèo ngày càng tăng giữa các quốc gia và trong mỗi nước,
giữa trung tâm với ngoại vi, giữa Bắc với Nam, phân cực giàu nghèo ngày càng
tăng ngay trong lòng các nước tư bản phát triển. Đó là mâu thuẫn giữa kinh tế tăng
trưởng với văn hóa, đạo đức, xã hội thì suy đồi. Đó là mâu thuẫn ngay giữa hợp
tác với đấu tranh. Đã hội nhập thì có hai mặt, vừa cạnh tranh quyết liệt mà vẫn
phải hợp tác, bản thân hợp tác cũng lại là đấu tranh và kết quả của đấu tranh. Một
mâu thuẫn nữa đặc trưng cho các nước như Việt Nam, Trung Quốc v.v. ngoài độc
lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, còn có con đường xã hội chủ nghĩa mâu thuẫn với
nhiều vấn đề của toàn cầu hóa do chủ nghĩa tư bản khống chế, với sức ép đi con
đường tư bản chủ nghĩa bằng tự do hóa, tư nhân hóa kinh tế, truyền bá tư tưởng
văn hóa đồi bại, từ đó chuyển hóa dần về chế độ chính trị. Cùng với những mâu
thuẫn xã hội nói trên, ngày càng nổi lên một mâu thuẫn lớn giữa xã hội với tự
nhiên biểu hiện ở hiểm họa ngày càng tăng đối với đời sống con người do ô nhiễm
và tàn phá môi trường sống, kết quả cuộc chạy đua vì lợi nhuận mà thủ phạm
chính là các lực lượng thị trường tư bản chủ nghĩa.
Toàn cầu hóa kinh tế xét trên tầm nhìn rộng và lâu dài, xét về xu thế tương
lai mà nó mở ra, là một nhân tố quan trọng của tiến bộ lịch sử, bởi lịch sử xã hội
loài người, xét cho cùng, là từ kỹ thuật này tiến lên kỹ thuật khác, từ sức sản xuất
thấp đến sức sản xuất cao, đưa đến những nấc thang cao hơn của tiến bộ xã hội và

khiến "lịch sử càng biến thành lịch sử thế giới" (C. Mác) mà đỉnh cao sẽ là xã hội
cộng sản văn minh. Thế nhưng, toàn cầu hóa hiện nay đang do chủ nghĩa tư bản
chủ đạo là một quá trình đầy rẫy những mâu thuẫn như đã nói. Trong những mâu
thuẫn đó thì nổi lên trước hết là mâu thuẫn giữa lợi ích cơ bản thuộc chủ nghĩa tư
bản độc quyền với chủ quyền và lợi ích các quốc gia dân tộc. Không thấy mâu
thuẫn này khi hội nhập, dễ đi đến hòa tan, đưa nền kinh tế quốc gia, thậm chí cả số
phận dân tộc trôi nổi trên thị trường toàn cầu đầy rủi ro, bất trắc. Biện chứng
khách quan ở đây là toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa chẳng những không xóa đi và
không thể xóa đi, trái lại làm nổi hơn lên chủ quyền và lợi ích quốc gia, bản sắc
văn hóa dân tộc.
Toàn cầu hóa hiện nay còn mang sâu sắc mâu thuẫn giai cấp giữa giai cấp tư
bản độc quyền xuyên quốc gia với giai cấp công nhân và toàn thể những người lao
động bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới, ngay tại các nước tư bản phát triển. Nếu
không thấy mâu thuẫn này mà chỉ nói, chỉ nhấn mạnh lợi ích dân tộc (dẫu rằng
hiện nay nổi bật hàng đầu là lợi ích quốc gia, dân tộc) thì dễ sa vào lập trường dân
tộc chủ nghĩa tư sản, đế quốc chủ nghĩa, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sô-vanh, mức
thấp là ích kỷ, thực dụng, vụ lợi trên những toan tính chính trị và chiến lược đối
ngoại và thực ra những lập trường như vậy cũng không hiểu thấu được lợi ích
chân chính của dân tộc mình. Cứ chủ nghĩa dân tộc đi vào cạnh tranh sinh tồn
khốc liệt mạnh được, yếu thua thì sẽ đẩy thế giới đi vào tranh chấp nhau triền
miên, không dứt; nếu cạnh tranh kinh tế không thể dàn xếp ổn thỏa trong điều kiện
nào đó, nhất là khi dính đến cả lợi ích chính trị, thì có thể dẫn đến những va chạm,
bùng nổ, xung đột hoặc chiến tranh cục bộ, thậm chí không loại trừ chiến tranh thế
giới có giới hạn, mặc dù hiểm họa này hiện nay ít có khả năng xẩy ra.
Tóm lại, về lý thuyết mà nói, chủ nghĩa tư bản giai đoạn toàn cầu hóa tuy
chừng mực nào đó có thêm sức sống, nhưng dứt khoát không thể kéo dài mãi vận
mệnh của nó như có người nghĩ; trái lại, càng tích lũy thêm nhiều mâu thuẫn trên
phạm vi toàn cầu cho tới khi mâu thuẫn tới đỉnh điểm, phép biện chứng "vật cực
tắc phản" tất sẽ đưa chủ nghĩa tư bản đến chỗ tan rã. Có thể đến ngày nào đó, giả
thuyết của Mác về khả năng thắng lợi đồng thời của chủ nghĩa xã hội trong hàng

loạt nước sẽ có cơ hội dễ hình dung hơn. Đồng thời, với hệ thống thế giới toàn cầu
hóa phát triển rất không đều và đầy rẫy những bất bình đẳng, bất công và bất trắc,
lý thuyết về khả năng bùng nổ trước hết ở những "khâu yếu trong sợi dây chuyền
của chủ nghĩa đế quốc" càng rất có cơ sở, ví như tình hình phái "tả" đang nổi lên ở
một số nước Mỹ la-tinh, và chắc chắn sẽ còn diễn ra nay chỗ này, mai chỗ khác.
Tác giả Giăng Pun nổi tiếng viết trong tạp chí Đức Die Woche ngày 28-1-
2000: "Trong vòng 20 năm qua, sự bần hàn và sự thừa thãi luôn đồng hành. Sự
chênh lệch ngày càng tăng có thể trở thành ngòi nổ đối với nền dân chủ (= chế độ
tư bản) trên phạm vi toàn cầu". Ông ta viết "Quá trình toàn cầu hóa đã hợp nhất
những người vô sản trên toàn thế giới vào cuộc đấu tranh mang tính toàn cầu"
(3)
.
Còn Chủ tịch Câu lạc bộ Rô-ma, ngài Ricardo Diez Hochleitner thì viết:
"Nghèo đói không chỉ là một vấn đề nghiêm trọng đối với những người bị đụng
chạm trực tiếp. Khi tình trạng bần cùng hóa vẫn tiếp diễn như hiện nay thì có nguy
cơ sẽ nổ ra một cuộc cách mạng có thể đụng chạm đến các nước giàu có. Khi
khoảng cách giàu nghèo tiếp tục mở rộng thì một ngày nào đó có thể sẽ xuất hiện
một ông Mác và một ông V.I. Lê-nin mới với khẩu hiệu "Những người nghèo trên
toàn thế giới hãy liên kết lại"
(4)
.
3 - Tin tưởng không gì lay chuyển nổi vào "quy luật tiến hóa của lịch sử" mà
Cương lĩnh Đảng năm 1991 đã khẳng định, chúng ta càng vững tin vào con đường
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta lựa chọn.
Kết hợp nhuần nhuyễn, khôn khéo và thông minh tính kiên định về nguyên tắc và
mục tiêu không thay đổi với đầu óc uyển chuyển, tinh thần và khả năng thường
xuyên đổi mới, sáng tạo -
đó là bí quyết thành công trong công cuộc tiếp tục phấn
đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta cho đến đích cuối cùng.
Có thể hình dung thế nào mô hình về sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước

ta? Cương lĩnh năm 1991 của Đảng đã vạch rõ những điểm căn cốt nhất trong bức
tranh tổng thể, rồi đây sẽ được nghiên cứu, bổ sung, phát triển, làm phong phú
thêm. Trong bài: "Xây dựng Đảng ta thật sự vững mạnh" (báo Nhân Dân ngày 23-
2-2006), tôi có thử đề xuất mấy ý kiến về mô hình kinh tế nói riêng như sau:
"Đó là nền kinh tế nhiều thành phần cùng phát triển trong đó kinh tế Nhà
nước là chủ đạo; một nền kinh tế thị trường có kế hoạch; có sử dụng chủ nghĩa
tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức thích hợp; đồng thời thông qua chủ
động hội nhập kinh tế quốc tế, ra sức tranh thủ những thành quả của cách
mạng khoa học, công nghệ hiện đại và kinh tế tri thức, nhằm đẩy nhanh quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ
nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần
của nhân dân".
Một nền kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo,
không nghi ngờ gì nữa, đó là đặc trưng chủ yếu có tính quy luật của kết cấu kinh tế
thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản hay từ một nước kém phát triển tiến lên chủ
nghĩa xã hội. Thế nhưng có đồng chí không muốn nói "Kinh tế nhiều thành phần"
mà chỉ nói "đa sở hữu, nhiều hình thức sản xuất, kinh doanh". Thật ra không có gì
mâu thuần giữa mấy khái niệm đó, vấn đề chỉ là tùy trường hợp đề cập; có điều
nếu vì dị ứng với khái niệm "thành phần" mà tránh nói thì e quên mất ở đây là
thực tiễn, là khoa học. Bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội không thể
không phân tích rõ điểm xuất phát của nền kinh tế trên quan điểm kinh tế - chính
trị, giai cấp - xã hội. Nếu không rõ đi từ đâu thì làm sao vạch được chính xác con
đường đi tới đích! Nếu chỉ trên quan điểm một nền kinh tế hỗn hợp đơn thuần,
không phân biệt tính chất xã hội, giai cấp, thì đường lối kinh tế nhiều lắm chỉ còn
là tăng trưởng và tăng trưởng thuần túy về sản xuất, về GDP? Vậy định hướng xã
hội chủ nghĩa chỗ nào?
Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cũng có ý kiến không đồng tình. ở
đây lại càng phải hỏi định hướng xã hội chủ nghĩa thế nào nếu không có vai trò
chủ đạo của kinh tế Nhà nước? Phải chăng cái lý thuyết tự do mới triệt để nhất coi
"thị trường là tất cả, nhà nước là con số không" đã phải rút xuống thành "nhà nước

tối thiểu, thị trường tối đa"?. Ngay thực tiễn kinh tế tư bản chủ nghĩa dù tự do mấy
cũng không thoát được vai trò can thiệp nhất định của nhà nước. Có một thời kinh
tế nhà nước tư bản chủ nghĩa rất thịnh hành, ngày nay nhiều nước tư bản phát triển
vẫn giữ một bộ phận nào đó kinh tế nhà nước, còn giai cấp những người lao động
làm thuê thì kiên quyết đấu tranh chống tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Trong tự do hóa thương mại hiện nay ta càng thấy chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa
đâu chỉ biết có thị trường và thị trường mà không có vai trò nhà nước trong việc sử
dụng công cụ WTO và trong việc bảo hộ mậu dịch, dựng lên các rào cản đối với
hàng hóa nước ngoài.
Không một giai cấp cầm quyền nào lại không chăm lo xây dựng và bảo hộ cơ
sở kinh tế của nó. Với nhà nước xã hội chủ nghĩa lại càng phải như vậy vì kinh tế
xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội nói chung, không thể hình thành một cách tự
phát mà phải được xây dựng lên một cách có ý thức. Đương nhiên, phải tránh nhận
thức phiến diện và chủ quan duy ý chí về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, mà
ở đây không bàn đến.
Khuyết tật nghiêm trọng trong mô hình kinh tế cũ là cự tuyệt
sản xuất hàng
hóa, kinh tế thị trường.
Xta-lin sinh thời có phân chia hai khu vực sản xuất: Khu
vực A (sản xuất tư liệu sản xuất) thì phi hàng hóa, phi thị trường, còn khu vực B
(sản xuất tư liệu tiêu dùng) thì có sản xuất hàng hóa và trao đổi hàng hóa. Lý luận
vậy, nhưng trong thực tế, tất cả gần như phi hàng hóa, phi thị trường như nhau.
Cự tuyệt sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường đã làm triệt tiêu động lực
kích thích sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Đổi mới của Việt Nam bắt đầu chính từ
cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường với sự khẳng định mạnh mẽ:
có thể bỏ qua chế độ tư bản nhưng dứt khoát không thể bỏ qua sản xuất hàng hóa.
Khái niệm "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" lại là một bước
tiến mới trong quá trình tìm tòi lý luận đổi mới kinh tế của Đảng ta. Có điều cho
đến nay xem ra cách nói đó là "mô hình kinh tế tổng quát" (Đại hội IX) của nước
ta đi lên chủ nghĩa xã hội thì e không đầy đủ, thậm chí vì quá ngắn gọn nên có thể

dẫn đến những ngộ nhận, chẳng hạn hiểu là "chủ nghĩa xã hội thị trường" v.v Đó
là chưa nói từ khái niệm về mô hình kinh tế tổng quát giải thích thế nào về định
hướng xã hội chủ nghĩa, về nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa ở đâu (trong
bản thân công thức ấy) còn là vấn đề. Vì lẽ đó tác giả bài này mạnh dạn đề xuất
một công thức mới (đã dẫn ra như trên) mong làm rõ hơn nội dung công thức quá
rút gọn "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Trong mô hình kinh tế mới, sau đặc trưng đầu tiên là "kinh tế nhiều thành
phần cùng phát triển, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo", chúng tôi nhấn mạnh
đó là
"nền kinh tế thị trường có kế hoạch". Kinh tế thị trường không phải tự do
(theo kiểu tư sản) mà có kế hoạch. Nghĩa là, có sự quản lý của nhà nước chứ
không phải thả nổi cho "bàn tay vô hình" điều khiển tất cả nền kinh tế theo nguyên
tắc thị trường kể từ phân phối tài nguyên, các nguồn lực, cho đến xuất, nhập khẩu
v.v Hiện nay người nông dân Nam Bộ và Tây Nguyên thường kêu than một tình
cảnh thật oái oăm trong sản xuất là khi "được mùa thì mất giá", khi "được giá lại
mất mùa", và để chạy theo với thị trường thì năm nay trồng cây này, năm sau chặt,
trồng cây khác, đến khổ.
Cơ chế cũ kế hoạch hóa tập trung, bài xích thị trường là sai. Đã có lúc điều
chỉnh theo hướng kết hợp kế hoạch với thị trường, lấy kế hoạch làm chính. Nay thì
nên đổi mới thế nào trong quan hệ giữa kế hoạch với thị trường, điều này xem ra
rất cần phải nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và lý luận để làm sáng rõ. Có điều,
không nên vì sai lầm trước đây mà thành kiến với kế hoạch hóa; ngay nhà nước tư
bản cũng không phải không có kế hoạch kinh tế. Đương nhiên, họ làm kế hoạch vì
lợi ích các tập đoàn tư bản. Còn kế hoạch nhà nước dưới chế độ ta nhằm dân giàu,
nước mạnh, lợi ích nhân dân. Sẽ không đúng nếu cho rằng hễ nói kế hoạch là
phạm chủ quan duy ý chí. Vấn đề là phải kế hoạch hóa trên cơ sở phản ánh đúng
quy luật kinh tế khách quan trong đó có quy luật của thị trường.
Mô hình kinh tế nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội tất yếu bao hàm trong
nó một yếu tố có tính chiến lược bao trùm là
sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Kinh tế tư bản nhà nước có thời bị gạt khỏi kết cấu các thành phần kinh tế. Nhưng
thực tế đang tồn tại một khu vực kinh tế tư bản nhà nước. Và, dù nói ra hay không
nói ra, thừa nhận hay không thừa nhận chính thức, thực tế kinh tế Việt Nam (cả
Trung Quốc) đã, đang thực hành và tiếp tục thực hành rộng rãi tư tưởng của V.I.
Lê-nin về chủ nghĩa tư bản nhà nước. Đấy là một tất yếu kinh tế phổ biến đối với
các nước kém phát triển tiến lên chủ nghĩa xã hội. Các nước này chưa qua chủ
nghĩa tư bản như một hình thái kinh tế thống trị. Về lịch sử mà nói, không có chủ
nghĩa tư bản tạo tiền đề, thì không thể đi lên chủ nghĩa xã hội. Những nước như
nước ta đau khổ vì chủ nghĩa tư bản thì ít mà vì thiếu chủ nghĩa tư bản thì nhiều,
đau khổ không những vì ách phong kiến còn đè nặng, mà còn vì thiếu những tiền
đề vật chất - kỹ thuật cần thiết làm cơ sở tiến lên chủ nghĩa xã hội, để lại gánh
nặng lớn cho thời kỳ quá độ.
V.I. Lê-nin chỉ ra cho nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười: "Vì chúng ta
chưa có điều kiện để chuyển trực tiếp từ nền tiểu sản xuất lên chủ nghĩa xã hội;
bởi vậy, trong mức độ nào đó, chủ nghĩa tư bản là không thể tránh khỏi, nó là sản
vật tự nhiên của nền tiểu sản xuất và trao đổi; bởi vậy, chúng ta phải lợi dụng chủ
nghĩa tư bản (nhất là bằng cách hướng nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà
nước) làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm
phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng lực lượng sản xuất
lên"
(5)
. Với các nước kém phát triển, V.I. Lê-nin chỉ rõ: "Trong một nước tiểu
nông, trước hết các đồng chí phải bắc những chiếc cầu nhỏ vững chắc, đi xuyên
qua chủ nghĩa tư bản nhà nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội"
(6)
.
Trong thực tế nền kinh tế nước ta, về khách quan đang tồn tại chủ nghĩa tư
bản nhà nước dưới hàng loạt hình thức đa dạng: các loại hình công ty cổ phần có
vốn nhà nước chi phối hay không chi phối; các hình thức hợp tác, liên doanh, liên
kết với các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước; các loại hình hợp tác xã trong tiểu

thủ công nghiệp, giao thông vận tải, trong thương nghiệp, tín dụng, nông nghiệp,
dịch vụ v.v. mà V.I. Lê-nin gọi đó là chủ nghĩa tư bản nhà nước hợp tác xã. Sử
dụng tư bản nước ngoài dưới các hình thức FDI, liên doanh, liên kết, đặc biệt tập
trung trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thông qua các hình thức này giúp
thu hút vốn, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý -
những nhu cầu hết sức cần thiết đối với ta. Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội
nhập kinh tế thế giới, tham gia WTO - hoàn cảnh này khắc hẳn thời V.I. Lê-nin,
không gian mở ra hết sức rộng cho việc vận dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước, cho
phép nước ta "dùng" cả tư bản thế giới vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật
cho chủ nghĩa xã hội. Song, cũng cần nhớ rằng không nên nhận thức vấn đề này
quá đơn giản, quá lạc quan, một chiều vì bên cạnh thời cơ thuận lợi, thách thức
cũng hết sức lớn bởi trong sâu xa đây là cả một cuộc đấu tranh gay go: chúng ta
tranh thủ, sử dụng được chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội hay ngược
lại chính chủ nghĩa tư bản nó chuyển hóa được chúng ta? Điều cần thiết hiện nay
là chính thức thừa nhận chủ nghĩa tư bản nhà nước như một thành phần quan trọng
trong kết cấu kinh tế để sử dụng, phát triển, quản lý, kiểm soát và điều tiết nó một
cách có ý thức vì mục đích chủ nghĩa xã hội, không để nó tự phát đi con đường tư
bản chủ nghĩa.
Để tránh những khía cạnh tế nhị nào đó có thể có về tâm lý, nước ta không
nhất thiết phải tuyên bố và tuyên truyền rộng rãi về chủ nghĩa tư bản nhà nước.
Nhưng trong nhận thức lý luận chính trị và tư tưởng đường lối, chính sách, đặc
biệt trong Đảng, trong cán bộ lãnh đạo và quản lý, phải được trang bị vững chắc tư
tưởng V.I. Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm Đảng ta về chủ nghĩa tư
bản nhà nước dưới chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo thuộc về
giai cấp công nhân. Mặt khác, cũng có thể nghĩ đến khả năng: một khi đường lối
chính sách rõ ràng, minh bạch và được giải thích kỹ càng thì ngay các nhà tư sản
yêu nước cũng có thể yên tâm, phấn khởi đóng góp vào sự nghiệp chung của dân
tộc, đi vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước. Nhà nước ta giúp họ làm giàu
theo con đường đó.
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cái thiếu lớn nhất của nước ta là lực lượng sản

xuất công nghiệp. Trước đây có Liên Xô và khối SEV giúp đỡ. Nay tình hình đã
khác, ta có thể
khai thác mặt có lợi trong toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế,
trong gia nhập WTO để tranh thủ lực lượng sản xuất mới, hiện đại. Tất nhiên,
vươn ra làm ăn với thế giới không dễ, chớ quá lạc quan, ảo tưởng. Chúng ta còn
phải học tập nhiều, phải biết cách làm khôn khéo, linh hoạt, mềm dẻo, đồng thời
khi cần, phải nhớ lời V.I. Lê-nin "đi với sói phải biết gào thét như sói nhưng
không bao giờ tự biến mình thành sói". Đặc biệt phải có nội lực, phải tạo ra cho
được nội lực cạnh tranh đủ mạnh - nội lực vật chất, kinh tế, nội lực quản lý, nội
lực trí tuệ, chính trị và tinh thần - rốt cuộc nội lực là chính kèm theo bản lĩnh chính
trị vững vàng để có kinh tế độc lập tự chủ, đó là điều kiện cơ bản để biến ngoại lực
thành sức mạnh bên trong.
Hội nhập toàn cầu, vào WTO tự nó không là mục đích mà chỉ là phương tiện,
điều kiện, con đường kết hợp sức mạnh dân tộc, với sức mạnh thời đại; nhất là cốt
để tranh thủ lực lượng sản xuất và công nghệ hiện đại, những thành tựu mới của
kinh tế tri thức nhằm xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội -
nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

×