Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Đề tài triết học " JOHN DEWEY – NHÀ GIÁO DỤC HỌC, NHÀ TRIẾT HỌC THỰC DỤNG MỸ " doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (262.16 KB, 13 trang )











Đề tài triết học



JOHN DEWEY – NHÀ
GIÁO DỤC HỌC, NHÀ
TRIẾT HỌC THỰC
DỤNG MỸ








JOHN DEWEY – NHÀ GIÁO DỤC HỌC, NHÀ TRIẾT HỌC THỰC DỤNG
MỸ

THÂN THỊ HẠNH (*)


Anh hưởng của các nhà triết học lúc sinh thời có thể không lớn, nhưng điều đó
không hề làm giảm tính đại diện của họ đối với một truyền thống triết lý. Bởi lẽ,
những tác phẩm của họ viết ra và bản thân họ luôn gắn liền với bối cảnh lịch sử
đó, là sản phẩm của thời đại đó. Do vậy, ngay cả trong trường hợp tác phẩm của
họ chưa được phổ biến lúc sinh thời thì ít ra nó vẫn thể hiện mầm mống của một
xu hướng hay một trong những xu hướng trí tuệ của thời đại. Điều này rất đúng
với nhà triết học người Mỹ - John Dewey (1859 - 1952), với Thực dụng luận
(Chủ nghĩa thực dụng - Pragmatism)(**), trong đó có Công cụ luận
(Instrumentalism) do ông phát triển và với Triết lý giáo dục của ông.
Nếu Chales Peirce (1839 - 1914) là người đặt nền móng cho Thực dụng luận;
William James (1842 - 1910) là nhà thực dụng lỗi lạc nhất, thì John Dewey
(1859 - 1952) lại là nhà thực dụng có ảnh hưởng lớn nhất. Ông không chỉ là nhà
triết học xuất sắc, nổi bật nhất của nước Mỹ đầu thế kỷ XX, người đưa tư tưởng
thực dụng một cách có phương pháp vào những sinh hoạt hàng ngày của các tổ
chức ở Mỹ, mà còn là nhà tâm lý học, nhà xã hội học, một chính khách và là
một nhà giáo dục vĩ đại. Đương thời, ông không chỉ là người khai triển một cách
có hệ thống và bàn đến mọi vấn đề trọng yếu của nhận thức luận, đạo đức, thẩm
mỹ học mà trên thực tế, với sự nhất quán trong các quan điểm của mình, ông
còn say sưa đi sâu vào những vấn đề xã hội, nhất là việc canh tân các trường
học ở Hoa Kỳ, cùng với những vấn đề chính trị trên bình diện quốc gia và quốc
tế. Do vậy, tư tưởng triết học và sự nghiệp giáo dục đồ sộ của ông đã bao trùm
đời sống trí tụê Mỹ suốt thế kỷ XX và người ta luôn nghe thấy tiếng nói của ông
xen giữa những cuộc tranh luận về văn hóa trong và ngoài nước Mỹ, kể từ năm
1890 cho đến khi ông qua đời ngày 01 tháng 06 năm 1952, ở tuổi 93, khi đã
thực hiện xong nhiệm vụ “xây dựng lại triết học”. Ông đã trở thành thần tượng
của những trí thức Hoa Kỳ lỗi lạc nhất. Richard Rorty đã từng tuyên bố: “Triết
gia tôi ngưỡng mộ nhất, tôi được vinh hạnh coi mình như học trò, là John
Dewey”(1). Noam Chomsky cũng luôn khẳng định J.Dewey là người có ảnh
hưởng lớn đến cuộc đời mình(2). Sở dĩ như vậy là vì, trong suốt sự nghiệp lâu dài
của mình, J.Dewey đã phát triển một lý thuyết triết học kêu gọi sự gắn kết giữa lý

thuyết và thực hành và bản thân ông cũng đã thể nghiệm lý thuyết này trong hoạt
động của mình, nhất là trong sự nghiệp của “nhà cải cách giáo dục”.
J.Dewey sinh ngày 20 tháng 10 năm 1859 trong một gia đình bán tạp hóa tại
thành phố Burlington, bang Vermont. Ông được giáo dục tại Đại học Tổng hợp
Vermont, lấy bằng cử nhân năm 1879. Sau một thời gian làm giáo viên ở cả
thành phố và nông thôn thuộc các bang Pennsylvania và Vermont, năm 1882,
J.Dewey vào học bậc sau đại học ở Đại học John Hopkins - trường đi tiên phong
trong giáo dục sau đại học theo mô hình Đức ở Mỹ; tại đây, ông đã lấy bằng tiến
sĩ năm 1884 với luận văn Tâm lý học của Kant.
Thời kỳ 1879 - 1884 có thể coi là thời kỳ bắt đầu sự nghiệp triết học của
J.Dewey. Thời kỳ này, dưới sự dẫn dắt của Geogre S.Morris, nhà triết học đã lý
tưởng hóa thuyết Hêghen mới, sau khi đã đọc rất nhiều trước tác triết học, chịu
nhiều ảnh hưởng của Tạp chí Triết học tư biện theo trường phái Saint Louis Mỹ,
lại được cổ vũ bởi luận văn triết học Giả định siêu hình học của chủ nghĩa duy
vật đăng trên tạp chí này, J.Dewey đã quyết định theo đuổi sự nghiệp triết học.
Khi làm nghiên cứu sinh, J.Dewey cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng triết
học của C.Peirce từ các bài giảng và lôgíc học của ông. Sau khi nhận học vị tiến
sĩ, năm 1889, J.Dewey theo G.S.Morris đến Đại học Michigan để nhận chức
Chủ nhiệm khoa Triết học.
Trong những năm làm công việc giảng dạy ở Đại học Michigan, quan điểm triết
học của J.Dewey, về cơ bản, gần với chủ nghĩa Hêghen mới, song cũng đã bắt
đầu hình thành những tư tưởng thực dụng. Trong thời gian này, J.Dewey không
chỉ say mê nghiên cứu triết học mà còn say mê nghiên cứu tâm lý học dưới ảnh
hưởng Nguyên lý tâm lý học của W.James. Tác phẩm này của W.James đã buộc
ông phải suy nghĩ lại về lôgíc học và đạo đức học bằng cách hướng ông tới chức
năng thực hành của các ý tưởng và khái niệm. Nghiên cứu tâm lý học đã thúc
đẩy J.Dewey nghiên cứu giáo dục học, khi nhận thấy hầu hết các trường học ở
Hoa Kỳ khi đó đều đi theo đường hướng giáo dục đã được thiết định bởi những
truyền thống cũ kỹ và không có sự điều chỉnh theo những khám phá mới nhất
của tâm lý học trẻ em và những nhu cầu của một trật tự xã hội đang biến đổi.

Việc tìm kiếm một triết lý giáo dục có thể sửa chữa những khiếm khuyết ấy đã
trở thành mối bận tâm chính đối với J.Dewey và là một chiều kích mới thêm vào
tư duy của ông. Suy tư về vấn đề này, J.Dewey cho rằng, biện pháp sửa chữa tốt
nhất là lấy thực nghiệm giáo dục làm nội dung của việc vận dụng triết học vào
đời sống thực tế.
Cũng chính trong thời gian làm công việc giảng dạy ở Michigan, J.Dewey đã
gặp người vợ tương lai của mình là Alice Chipman, một sinh viên cũ của ông.
Trước khi vào đại học, Alice cũng đã dạy vài năm trong một số trường ở bang
Michigan. Alice là nguyên nhân chính khiến J.Dewey chuyển sang quan tâm
hơn đến mặt thực hành của triết học vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XIX. Ông
đã nói rằng, vợ ông là người đã đưa cả “phần hồn và phần xác” vào công việc
của ông và trên thực tế, bà là người có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành tư
tưởng sư phạm của ông(3).
Sau 1890, J.Dewey dần chuyển từ chủ nghĩa lý tưởng tuyệt đối của phái Hêghen
mới sang chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa tự nhiên kinh nghiệm. Chịu ảnh
hưởng học thuyết tiến hóa sinh học của Đarwin và tư tưởng thực dụng của
W.James, J.Dewey bắt đầu xây dựng và phát triển lý thuyết về nhận thức luận
bỏ qua sự đối lập giữa vật chất và ý thức, tư duy và hành động và vấn đề cơ bản
của triết học trong triết học truyền thống của phương Tây. Dựa vào tâm lý học
chức năng, J.Dewey cho rằng, tư duy không phải là một loạt những ấn tượng
của tri giác hay một “đồ tạo tác” từ cái gọi là “ý thức”, cũng không phải là biểu
hiện của tinh thần tuyệt đối, mà là một phương tiện trung gian được phát triển
nhằm duy trì những lợi ích sống còn của xã hội và lợi ích của con người.
Khẳng định lý thuyết mới về tri thức luôn nhấn mạnh “sự cần thiết phải dùng
hành động để thử nghiệm ý nghĩ, để biến ý tưởng thành tri thức”(4), J.Dewey tin
chắc rằng, lý thuyết về tri thức của ông cũng không nằm ngoài phạm vi của lý
thuyết đó. Hoạt động của J.Dewey trong lĩnh vực giáo dục, một phần nhằm
khảo sát những hệ quả sâu xa của thuyết giáo dục học chức năng mà ông đề xuất
và một phần để kiểm nghiệm những tư tưởng triết học của ông bằng thực
nghiệm.

Sau khi lập gia đình, J.Dewey bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực giáo dục công lập.
Ông là một thành viên sáng lập, đồng thời là một viên chức trong Hội Quản lý
giáo dục của bang Michigan. Tổ chức này đã thúc đẩy việc hợp tác giữa giáo
viên trung học và đại học công lập. Khi William Rainey Harper - Hiệu trưởng
Trường Đại học Chicago mới thành lập, bày tỏ ý định đưa J.Dewey từ Michigan
về trường Đại học này, ông đã nhất mực ra điều kiện phải được lãnh đạo Khoa
Giáo dục mới ở đây.
Từ 1894 đến 1904, J.Dewey giảng dạy triết học tại Đại học Chicago. Trong 10
năm làm Trưởng khoa và sống ở Chicago, J.Dewey đã đề xuất những tư tưởng
cơ bản của Thuyết công cụ như những nguyên lý, khái niệm thực dụng làm nền
tảng cho học thuyết về giáo dục và đã bắt đầu hình dung ra mô hình trường học
phù hợp với những nguyên lý đó.
Thời kỳ này, J.Dewey đã tập hợp quanh mình một số người cùng chí hướng
(bao gồm cả những người ở Trường Đại học Michigan) đã hình thành nên
trường phái Chicago của Chủ nghĩa thực dụng Mỹ. Ông gọi đó là “Tuyên ngôn
số 1” của Chủ nghĩa công cụ. Đây là tiêu chí chứng tỏ J.Dewey đã dứt khoát từ
bỏ chủ nghĩa Hêghen trẻ, chuyển sang chủ nghĩa thực dụng(5). Năm 1903,
W.James đã nồng nhiệt chào mừng sự kiện này, khi ông đọc tập khảo luận của
J.Dewey và các trợ giảng của J.Dewey - Các khảo cứu trong lý thuyết lôgic,
bằng lời tuyên bố: “Một trường phái triết học mới - Trường phái Chicago - đã
chính thức ra đời”(6).
Từ lý thuyết công cụ, J.Dewey và các đồng nghiệp đã tiến hành các chương
trình nghiên cứu và họ đã đi xa hơn W.James ở chỗ coi các ý tưởng, khái niệm
như là những dụng cụ, công cụ để biến sự băn khoăn vì những vấn đề thành sự
thỏa mãn vì tìm ra các biện pháp hay làm sáng tỏ vấn đề.
Cũng trong thời kỳ này, tháng Giêng năm 1896, J.Dewey và các đồng nghiệp đã
thành lập Trường Thực nghiệm giáo dục thuộc Đại học Chicago (Chicago
Laboratory School of Education) do chính ông làm Hiệu trưởng. Tại đây, ông đã
thử nghiệm một bầu không khí học tập khoáng đạt và sáng tạo, loại bỏ phương
pháp học tập theo lối truyền thống và khuyến khích sự tham gia sáng tạo của

học sinh theo những kế hoạch xác định. Đây là trường học đầu tiên của Mỹ xác
định “Trẻ em là trung tâm” và lấy đó làm chủ trương cho hoạt động giáo dục
của nhà trường. Điểm khác biệt của trường này là trong chương trình giáo dục
không quá coi trọng lý thuyết, mà coi trọng việc tiếp cận với đời sống thực tế,
không chú trọng kiến thức lý luận, mà chú trọng rèn luyện kỹ năng với tinh
thần: trong quá trình hoạt động, những kinh nghiệm, kỹ năng, tri thức sẽ hình
thành. Hai khẩu hiệu: “Giáo dục là đời sống, chứ không phải chuẩn bị cho đời
sống” và “Vừa làm vừa học” mà J.Dewey đưa ra cho trường này đã được khái
quát thành phương pháp dạy học của ông(7).
(7) Xem: Lưu Phóng Đồng. Sđd., tr.349.
(8) Xem: Mai Sơn. Sđd., tr.551-552.

Hoạt động của Trường Thực nghiệm giáo dục đã giúp cho J.Dewey có được
những tư liệu cần thiết để viết nên những tác phẩm quan trọng về giáo dục, đầu
tiên là “Trường học và xã hội” (The School and Society, 1899) và sau đó là Trẻ
em và chương trình học (1902). Đây là hai tác phẩm đã trình bày và chứng minh
cho những nguyên lý chủ yếu của triết lý giáo dục do ông khởi xướng. Theo
những nguyên lý này, chương trình giáo dục phải bắt đầu bằng và được xây
dựng theo những lợi ích của trẻ; phải tạo ra và củng cố sự tương tác giữa tư duy
và hoạt động thực tiễn trong lớp học của trẻ; thầy giáo phải là người hướng dẫn,
là người cộng tác với học sinh thay vì làm người đốc công thường xuyên đưa
đến cho học sinh một đống bài học và bài học thuộc lòng có sẵn; và mục tiêu
của trường học là sự trưởng thành của trẻ em trên mọi phương diện(8). Về sau,
những ý tưởng này đã được J.Dewey triển khai sâu hơn, khái quát hơn trong
Dân chủ và giáo dục (Democracy and Education, 1916) - tác phẩm được chính
ông khẳng định là cuốn sách tổng kết đầy đủ nhất “toàn bộ quan điểm triết học”
của mình.
Năm 1904, do một số mâu thuẫn trong nội bộ ban quản lý nhà trường, một số
người đã đấu tranh đòi quyền quản lý Trường Thực nghiệm giáo dục do
J.Dewey làm Hiệu trưởng. Xét cho cùng, ngôi trường này cũng không phải của

J.Dewey và đồng nghiệp của ông, mà thuộc Đại học Chicago. Trước sự kiện
này, J.Dewey đã từ chức và ngay lập tức về làm việc tại Đại học Columbia để
tiếp tục sự nghiệp giáo dục của mình cho đến cuối đời. Năm 1929, ông về hưu.
Năm 1931, ông được phong chức danh Giáo sư danh dự của Đại học Columbia.
Hoạt động sau đó của J.Dewey vẫn lấy Đại học Columbia làm trung tâm. Đây là
thời kỳ chủ nghĩa thực dụng hưng thịnh nhất.
Từ năm 1919, J.Dewey bắt đầu ra nước ngoài giảng dạy. Ông đã từng sang Nhật
Bản và trước phong trào Ngũ Tứ ít lâu, ông đã đến giảng dạy ở Bắc Kinh,
Thượng Hải, Nam Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc).
Trong suốt một quá trình lâu dài hình thành, phát triển và truyền bá tư tưởng của
mình, ngoài hoạt động thực tiễn hăng say, J.Dewey đã viết ra một lượng tác
phẩm đồ sộ, kể cả sau khi nghỉ hưu (năm 1929) ông vẫn viết. Sự quan tâm của
ông bao trùm một phạm vi rộng lớn, cả lôgíc học, siêu hình học, lý luận nhận
thức… Những phát biểu của ông về Chủ nghĩa thực dụng chủ yếu thuộc lĩnh
vực xã hội, chứ không phải lĩnh vực cá nhân. Các tác phẩm gây ảnh hưởng nhất
của ông là những tác phẩm bàn về giáo dục, dân chủ, đạo đức học, tôn giáo và
nghệ thuật, Tác phẩm biểu hiện tập trung tư tưởng của J.Dewey là Lôgíc học:
Lý thuyết thẩm tra (Logic: The Theory of Inquiry, 1938); tác phẩm được nhiều
người ưa chuộng nhất là Tái cấu trúc triết học (Reconstruction in Philosophy,
1920) và tác phẩm gây được ảnh hưởng nhất là Trường học và xã hội (The
School anh Society, 1899). Ngoài ra, ông còn viết nhiều tác phẩm quan trọng
khác, như Chúng ta tư duy như thế nào (How We Think, 1910), Dân chủ và
giáo dục (Democracy and Education, 1916), Nhân tính và (cách) ứng xử
(Human Nature and Conduct, 1922), Kinh nghiệm và giáo dục (Experience and
Education, 1938)… Trong những tác phẩm này, J.Dewey đều chủ trương xây
dựng một nền giáo dục dân chủ gắn lý luận với thực tiễn.
Về những đóng góp của J.Dewey về triết học, chúng ta có thể coi ông là người đã
hoàn thiện và đưa Chủ nghĩa thực dụng vào đời sống thực tiễn của nước Mỹ một
cách phổ biến. Báo The New York Times ngày 3 tháng 3 năm 1925, trong mục
điểm sách, khi giới thiệu tác phẩm Kinh nghiệm và tự nhiên (Experience and

Nature) của J.Dewey đã khẳng định: “Không phải ai cũng có thể hiểu được triết
học của ông, nhưng hầu như ai cũng ắt phải thực hành triết học của ông trong một
chừng mực nào đó”(9).


Tư tưởng thực dụng của J.Dewey còn được gọi là “Thuyết công cụ”. Nội dung
tư tưởng của học thuyết này đã được ông phát triển từ kinh nghiệm thông
thường và có thể kiểm chứng được bằng kinh nghiệm. “Kinh nghiệm” cũng là
khái niệm trung tâm trong triết học của J.Dewey, khi ông đưa vào nó tất cả mọi
hình thức và biểu hiện của đời sống con người. “Kinh nghiệm” được J.Dewey
xem xét “một mặt, trong một tương lai tự nhiên chủ nghĩa hơn, tương lai bao
gồm những mối quan hệ đa dạng của con người với tự nhiên; mặt khác, với tư
cách kinh nghiệm xã hội mà chủ yếu là về phương diện chính trị - đạo đức của
nó. Bởi lẽ, triết học theo J.Dewey, xuất hiện không phải từ sự ngạc nhiên trước
thế giới như các nhà triết học cổ đại đã nghĩ, mà từ những stress và trạng thái
căng thăng trong đời sống xã hội, do đó, đối với ông, chính việc phân tích, tái
tạo và hoàn thiện kinh nghiệm xã hội mới là cái tạo ra mục đích cơ bản của triết
học”(10).
Khi đặt ra và trả lời câu hỏi, con người, rốt cuộc, làm thế nào có thể sử dụng trí
tuệ sáng tạo để hình thành kinh nghiệm, để thích nghi với môi trường và cải tạo
môi trường; J.Dewey đã khẳng định phương pháp để triết học thực hiện nhiệm
vụ đó là phương pháp của chủ nghĩa thực dụng (phương pháp thực dụng) mà
bản chất của nó là xác định trở ngại hay vấn đề con người đang gặp phải, đang
nảy sinh trong quá trình kinh nghiệm và đó chính là phương pháp tìm kiếm
những phương tiện để giải quyết những trở ngại hay vấn đề này một cách hợp
lý. Trong đó, các khái niệm, tư tưởng, học thuyết giữ vai trò là các “công cụ tinh
thần” cần thiết để giải quyết vấn đề. Tên gọi “Thuyết công cụ” cũng từ đó mà
nảy sinh ra. Trong bài báo Sự phát triển của chủ nghĩa thực dụng, J.Dewey đã
tự giới thiệu Thuyết công cụ của mình như sau:
““Thuyết công cụ” là một cố gắng xây dựng một lý thuyết hợp lý về những khái

niệm, những quyết định về những kết luận theo nhiều hình thức khác nhau của
chúng, nên trước hết phải xem xét xem tư tưởng hành động như thế nào trong
thực tế, về những hậu quả tương lai”(11). Và, trong Tái cấu trúc triết học, ông
đã chỉ rõ: “Những khái niệm, những lý luận và những hệ thống tư tưởng… đều
là những công cụ. Giống như các công cụ khác, giá trị của những công cụ này
không phải ở trong bản thân chúng, mà ở trong năng lực làm việc của chúng.
Năng lực ấy biểu hiện trong những kết quả đạt được khi sử dụng chúng”(12).
Với chủ trương triết học phải gắn với thực tiễn, J.Dewey quan niệm nhà trường
chính là môi trường sống của ngày hôm nay, chứ không phải là nơi chuẩn bị cho
cuộc sống. Do vậy, để thực tiễn hóa học thuyết của mình, ông đã lựa chọn giáo
dục. Chính vì vậy, có thể nói, ngay từ khi mới hình thành, triết học thực dụng
của J.Dewey đã gắn với thực tiễn giáo dục, và bản thân ông thì được coi là nhà
triết học - giáo dục học, người khởi xướng trào lưu Tân giáo dục ở Mỹ và châu
Âu cuối thế kỷ XIX. Khi bắt đầu công việc ở Đại học Chicago, vào mùa thu
năm 1894, trong thư viết cho vợ, J.Dewey đã nói: “Nhiều lúc, anh nghĩ mình sẽ
thôi việc trực tiếp giảng dạy tiếp môn triết học và sẽ dạy nó thông qua khoa sư
phạm”(13). Trên thực tế, Thực dụng luận của J.Dewey đã được hoàn thiện một
cách xuất sắc qua triết lý giáo dục của ông. Ông viết: “Nếu được đề nghị nêu
đâu là sự cải cách cấp thiết nhất về ý nghĩa đích thực của giáo dục, tôi sẽ đáp:
“Hãy chấm dứt quan niệm coi giáo dục như là sự chuẩn bị đơn thuần cho cuộc
sống tương lai, hãy coi giáo dục như là ý nghĩa đầy đủ của đời sống đang diễn ra
trong hiện tại”(14). Với quan niệm này, ông chủ trương xây dựng một nền giáo
dục học đi đôi với hành, học trong hành, lý luận gắn bó chặt chẽ với thực tiễn.
Thực ra, học đi đôi với hành không phải là một chủ trương hoàn toàn mới,
nhưng ở J.Dewey, nó được xây dựng dựa trên một quan niệm độc đáo. Nếu như
trước đây, người ta quan niệm giáo dục như là quá trình truyền đạt kiến thức và
kinh nghiệm, hoặc là quá trình “rửa tội” và “thanh lọc” tâm hồn, hoặc nữa, một
quá trình khai sáng nhằm giúp con người tự do sử dụng lý trí, thì với J.Dewey,
“giáo dục chính là bản thân cuộc sống” (Education is life itself).
Theo J.Dewey, do giáo dục chính là bản thân cuộc sống nên nhà trường không

thể tách khỏi hoạt động thực tiễn và kiến thức không thể được áp đặt từ bên
ngoài. Cũng do vậy, không thể có một thứ giáo dục chung cho tất cả mọi người.
Người thầy phải ý thức rõ và tôn trọng sự khác biệt giữa các học sinh. Giáo dục
phải là quá trình của người học, chứ không phải của người dạy. Giáo dục là quá
trình mà người học là trung tâm. Nói cách khác, giáo dục phải là một quá trình
dân chủ sâu sắc(15).
Sau khi J.Dewey mất, trong những năm 50 của thế kỷ XX, tư tưởng triết học và
giáo dục của ông đã bị những người đối lập chỉ trích nặng nề; họ cho rằng, hầu
hết những nhược điểm của hệ thống giáo dục công lập ở Mỹ đều là do lỗi của
ông. Trong những năm chiến tranh lạnh, khi Liên Xô phóng thành công tàu vũ
trụ, những lời chỉ trích này còn trở nên nặng nề hơn. Trên thực tế, cả những
người theo trường phái “truyền thống”, những người luôn đòi hỏi một nền giáo
dục “trở về căn bản”, lẫn những người theo trường phái lãng mạn, những người
chủ trương thả nổi sự phát triển của trẻ, đều đã hiểu sai tư tưởng triết học và
giáo dục của J.Dewey. Song, có thể nói, sự chỉ trích đó không thể làm giảm uy
tín của J.Dewey với tư cách nhà giáo dục học, nhà triết học nổi tiếng của Chủ
nghĩa thực dụng Mỹ.r

(*) Học viên cao học, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(**) Ở Việt Nam, từ lâu, từ “Chủ nghĩa thực dụng” thường bị hiểu theo nghĩa
tiêu cực; vì vậy, chúng tôi chủ trương dùng chữ “Thực dụng luận” để dịch từ
“Pragmatism” (T.T.H).
(1) J.Dewey. Dân chủ và giáo dục. Nxb.Tri thức, Hà Nội, 2008, tr.8.
(2) J.Dewey. Sđd., tr.8.
(3) Văn phòng Giáo dục Quốc tế, UNESCO. Chân dung những nhà cải cách
giáo dục tiêu biểu trên thế giới. Nxb Thế giới, 2004, tr.111.
(4) Văn phòng Giáo dục Quốc tế, UNESCO. Sđd., tr.112
(5) Xem: Lưu Phóng Đồng. Triết học phương Tây hiện đại. Nxb Lý luận chính
trị, Hà Nội, 2004, tr.349.
(6) Mai Sơn (biên soạn). 101 triết gia. Nxb Tri thức, Hà Nội, 2007, tr.550.

(9) J.Dewey.Sđd., tr.13.
(10) Triết học phương Tây hiện đại. Từ điển (Viện Triết học dịch). Nxb. Khoa
học xã hội, Hà Nội, 1996. tr.156.
(11) Phạm Minh Lăng. Mấy trào lưu triết học phương Tây. Nxb Đại học và
Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1984, tr.292.
(12) Phạm Minh Lăng. Sđd., tr.292.
(13) Văn phòng Giáo dục Quốc tế, UNESCO. Sđd., tr.109-110.
(14) J.Dewey. Sđd., tr.12.
(15) J.Dewey. Sđd., tr.9.


×