MỘT NỀN GIÁO DỤC CÔNG NGHIỆP HÓA
TRONG BỐI CẢNH VĂN MINH TOÀN CẦU
Phạm Toàn
Cuộc thảo luận về Cải cách Giáo dục đã kéo dài bao nhiêu năm
rồi! Liệu có được một công cụ tư duy hành dụng - một hướng đi và cách
làm - nhằm dồn các cuộc cãi cọ vào hành động cải cách giáo dục hữu
hiệu? Sách này cố gắng đưa ra một lý thuyết đang cần cho sự nghiệp
giáo dục của dân tộc mình, một dân tộc nhất thiết phải tiến lên hiện đại
hóa - hiện đại hóa hay là chết - giống như một thời nào đó, độc lập hay là
chết. Sách này cung cấp một vũ khí tư duy cải cách giáo dục vì nó chỉ ra
một chốn hợp lưu tất yếu của các dòng tâm lý học giáo dục - Công nghệ
Giáo dục.
Cuộc thảo luận về Cải cách Giáo dục đã kéo dài bao nhiêu năm rồi! Liệu
có được một công cụ tư duy hành dụng - một hướng đi và cách làm - nhằm dồn
các cuộc cãi cọ vào hành động cải cách giáo dục hữu hiệu?
Sách này cố gắng đưa ra một lý thuyết đang cần cho sự nghiệp giáo dục
của dân tộc mình, một dân tộc nhất thiết phải tiến lên hiện đại hóa - hiện đại hóa
hay là chết - giống như một thời nào đó, độc lập hay là chết. Sách này cung cấp
một vũ khí tư duy cải cách giáo dục vì nó chỉ ra một chốn hợp lưu tất yếu của các
dòng tâm lý học giáo dục - Công nghệ Giáo dục.
Cách làm cơ bản của sách này là xác định cho rõ các khái niệm giúp
người đương thời bám víu khi họ thực bụng định đổi mới công cuộc giáo dục theo
mục tiêu hiện đại hóa đất nước. Các khái niệm cũng được đưa ra sao cho người
dùng sách có thể bắt tay vào hành động cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở những
điều tư biện được thêm thắt bằng những lời khuyên vô thưởng vô phạt.
- 1 -
Trước hết, do giáo dục là một mảnh của văn hóa nên chúng ta cần một định
nghĩa cho khái niệm văn hoá, một định nghĩa chặt chẽ, đầy đủ và như đã tự đặt
thành quy tắc ở bên trên, định nghĩa đó không dừng lại ở tư biện, mà phải là định
nghĩa hành dụng tức là một định nghĩa đủ sức dẫn con người thực hiện những
hành động (ở đây là hành động văn hoá).
Một cách thật tinh chất, ta sẽ nói văn hóa là cái đối lập với tự nhiên hoặc
một vài cách diễn đạt khác cho cùng một định nghĩa gốc đó: cái văn hóa đối lập
với cái tự nhiên, con người làm thay đổi cái tự nhiên thành cái văn hóa.
Văn hóa là mọi thứ con người làm ra, để cả con người lẫn môi trường sống
đều không còn là cái trạng thái tự nhiên hoang dã nữa.
Cũng theo định nghĩa “ văn hóa” trên, thế nào là con người có văn hóa?
Chúng ta hãy tạm gạt sang một bên hình ảnh người có văn hóa tương đương
với người có học hoặc người có bằng cấp. Ta hãy thử tưởng tượng vào cái thời con
người chưa có nhà trường, chưa có cảnh võng anh đi trước võng nàng đi sau, khi
con người vẫn còn khá trần trụi trước một thiên nhiên hoang dã vào lúc đó, cộng
đồng sẽ tôn vinh con người như thế nào như là kẻ có văn hóa?
Trở ngược về những thời quá xa sẽ làm khó cho ta, nay ta thử phân tích một
trường hợp về người có văn hoá trong nền văn hoá lúa nước vùng đồng bằng sông
Hồng chẳng hạn.
Những con người có văn hóa thời đó chắc chắn không thể đi học rồi đi thi,
mà họ phải hoạt động, họ phải thực hiện những việc làm để tự mình sinh sống và
cùng phát triển với cộng đồng trong môi trường lúa nước ấy. Chắc chắn rằng
người có văn hóa nhất vào thời đó sẽ là người khởi xướng và dẫn đầu hoàn thiện
dần dần các công trình biến cánh đồng tự nhiên hoang dã bên sông Hồng đó thành
xứ sở của lúa nước.
Trong nền văn hoá ấy, con người hành động tạo ra các giá trị văn hoá, thay
vì chỉ hưởng thụ thành tựu văn hoá cha ông để lại và cũng không hướng vào chỉ
một chuyện học hành và bằng cấp. Thế nhưng lâu dần lại có những hiểu nhầm coi
"văn hoá" chỉ là học hành, đỗ đạt, bằng cấp, danh vị. Tại sao vậy?
Nguyên nhân như sau thôi. Một nền văn hoá bao giờ cũng bắt đầu bằng
những việc làm tạo ra được những thành tựu vật chất, thậm chí khởi đầu một cách
thô kệch từ cái đút vào miệng cho no bụng. Không sống nổi trên đời thì làm gì có
gia đình, chùa chiền, thời trang, luật pháp, thơ ca, múa rối, bóng đá này nọ?
Nhưng một nền văn hóa không thể chỉ toen hoẻn là cái vật chất hai tay đút miệng.
Nền văn hóa đó bắt buộc phải phát triển lên và truyền lại đời đời. Việc truyền lại
ban đầu tiến hành dài dòng chắp vá được chăng hay chớ theo lối truyền kinh
nghiệm sẽ phải tiến hành càng ngày càng nhanh gọn và tiết kiệm hơn thông qua
các biểu trưng. Mạnh mẽ và dễ thực hiện ra là sử dụng biểu trưng ngôn ngữ, lời
nói chẳng mất tiền mua song lại chuyên chở toàn bộ kho tàng làm ăn sinh sống
của con người. Chữ viết ra đời lại có khả năng ghi lại kinh nghiệm và tư tưởng
bằng lời nói thành những pho sách có sức chứa nặng hơn mà lại giữ gìn được lâu
hơn cái lời nói gió bay. Rồi sách được đem dùng trong nhà trường. Lâu dần người
ta hiểu nhầm rằng chỉ có sách và trường học là văn hóa. Người ta hiểu nhầm vì đã
lấy cái biểu trưng thay thế cho cái có thật ở đời. Thế là, lẽ ra học những điều cô
đúc ở sách xong rồi thì đem vận dụng vào đời, nhưng sự hiểu nhầm biến thành thể
chế xã hội đã khiến con người chỉ dùng thi cử là cũng đủ tiến thân, lâu dần xã hội
sẽ coi hễ ai bụng chứa nhiều sách là người có văn hóa cao.
- 2 -
Vào thời chúng ta đang sống đây và đối với dân tộc ta đây, xu thế văn hóa
đang là những hành động biến cải cái thế giới hoang dã lối tiểu nông thành cái thế
giới công nghiệp hóa được rũ sạch mọi bụi bặm tiểu nông.
Cuộc biến cải mang tính "văn hóa" lần này khác hẳn những lần biến cải thế
giới từng diễn ra trong quá khứ. Trước thời công nghiệp hóa, những biến cải cái tự
nhiên hoang dã diễn ra theo lối chia cắt - giữa các vùng không có thông tin cho
nhau, không có giao tiếp với nhau, do đó không có tác động trực tiếp tới nhau.
Đến thời công nghiệp hóa, một biến cải nhỏ bằng bao diêm cho chí to bằng lò
phản ứng hạt nhân nằm chềnh ềnh ở một nơi xa xôi, cũng đều âm thầm lan tỏa
hoặc tác động nổ bùng khắp nơi.
Mô tả cuộc đổi thay văn hóa toàn cầu đó trong cung cách lan tỏa từ phương
Tây công nghiệp sang một đất nước tiểu nông như nước Việt Nam ta hồi đầu thế
kỷ trước, không lời lẽ nào sinh động hơn và cảm động bằng những dòng tâm bút
này của Hoài Thanh.
“Một xã hội suốt mấy ngàn năm kéo dài một cuộc sống gần như không
thay đổi, về hình thức cũng như về tinh thần. Triều đại tuy bao lần hưng vong,
giang sơn tuy bao lần đổi chủ, song mọi cuộc biến cố về chính trị ít khi ba động
đến sự sống nhân dân. Từ đời này sang đời khác, đại khái chỉ có bấy nhiêu tập tục,
bấy nhiêu ý nghĩ , bấy nhiêu tin tưởng, cho đến những nỗi yêu, ghét, buồn, vui, cơ
hồ cũng nằm yên trong những khuôn khổ nhất định. Thời gian ở đây đã ngừng lại
và người ta chỉ sống trong không gian.
“Nhưng nhất đán, một cơn gió mạnh bỗng từ xa thổi đến. Cả nền tảng xưa
bị một phen điên đảo, lung lay. Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất
trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ.
“Phải trở lại cái thời tổ tiên ta mới tiếp xúc với người Trung Hoa, hơn nữa,
phải trở lại cái thời giống người Anh–đô–nê–diêng lần thứ nhất để chân vào lưu
vực sông Hồng Hà mới hòng tìm được một cuộc biến thiên quan trọng như vậy.
“Trước mắt chúng ta bỗng bầy ra những cảnh lạ lùng chưa bao giờ từng
thấy. Lúc đầu,, ai nấy đều ngơ ngác: không hiểu ra làm sao. Nhưng rồi chúng ta
cũng quen dần.
“Chúng ta ở nhà tây, đội mũ tây, đi giầy ta mặc áo tây. Chúng ta dùng đèn
điện: đồng hồ: ô tô: xe lửa, xe đạp còn gì nữa. Nói làm sao cho xiết những điều
thay đổi về vật chất phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta. Cho đến những nơi
hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình ngày trước. Nào
dầu tây, diêm tây, nào vải tây, chỉ tây, kim tây, đinh tây. Đừng tưởng tôi ngụy biện.
Một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân
sinh về vũ trụ và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm của phương Đông.
“Những đồ dùng kiểu mới ấy chính đã dẫn đường cho tư tưởng mới. Trong
công cuộc duy tân, ảnh hưởng của nó ít ra cũng ngang với ảnh hưởng những sách
nghị luận của hiền triết Âu Mỹ, cùng những sách cổ động của Khang [Hữu Vi],
Lương [ Khải Siêu]. Sĩ phu nước ta từ xưa vốn chỉ biết có Khổng Tử, bắt đầu dẫn
Mạnh-đức-tư-cưu [Montesquieu] với Lư-thoa [Rousseau]. Họ bắt đầu viết Quốc
ngữ, một thứ chữ mượn của người phương Tây. Câu văn của họ cũng bắt đầu có
cái rõ ràng, cái sáng sủa của văn tây, những tư tưởng của phương Tây đầy rẫy
trên Đông Dương tạp chí: trên Nam Phong tạp chí và từ hai cơ quan ấy thấm dần
vào các hạng người có học. Người ta đua nhau cho con em đến trường Pháp Việt:
người ta gửi con em sang tận bên Pháp. Thế rồi có những người Việt Nam đậu kỹ
sư, đậu bác sĩ, đậu thạc sĩ, có những người Việt Nam nghiên cứu khoa học triết
học và có những người Việt Nam nghĩ chuyện xây dựng một nền văn học riêng cho
nước Việt Nam.
“Bấy nhiêu sự thay đổi trong khoảng sáu mươi năm! Năm sáu mươi năm
mà như năm sáu mươi thế kỷ. Nhưng cuộc Âu hóa không phải chỉ có thế. Nó đã đi
qua hai giai đoạn: hình thức và tư tưởng; nó còn phải đi qua một giai đoạn nữa.
Nó đã thay đổi những tập quán sinh hoạt hàng ngày, nó đã thay đổi cách ta vận
động tư tưởng, tất nó sẽ thay đổi cả cái nhịp rung cảm của ta nữa. Những hình
thức mới của cuộc đời. Những tư tưởng mới và nhất là ảnh hưởng văn học Pháp
ngày một thấm thía, ấy là những lợi khí âu hóa trong giai đoạn thứ ba này.
“Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta. Ta không còn có
thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu ghét, giận hờn nhất nhất
như ngày trước. Đã đành ta chỉ có chừng ấy mối tình như con người muôn nơi và
muôn thuở. Nhưng sống trên đất Việt Nam ở đầu thế kỷ hai mươi, những mối tình
của ta không khỏi có mầu sắc riêng, cái dáng dấp riêng của thời đại “ Các cụ ta
ưa những màu đỏ choét; ta lại ưa những màu xanh nhạt Các cụ bâng khuâng vì
tiếng trùng đêm khuya; ta nao nao vì tiếng gà lúc đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh
xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi: ta thì ta cho là mát mẻ như
đang trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân,
nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoáng qua,
cái tình gần gụi, cái tình xa xôi, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu…”.
Mấy câu nói xô bồ, liều lĩnh mà tha thiết của ông Lưu Trọng Lư ở nhà Học hội
Quy Nhơn hồi tháng 6 – 1934 đã vạch rõ tâm lý cả lớp thanh niên chúng ta”.
Hoài Thanh, Hoài Chân
Thi Nhân Việt Nam , tái bản.
NXB Văn học, H.,1988, tr 9 - 11
Ta sẽ tổng quát hóa để gọi trạng thái “đổi thay trong ngơ ngác” như Hoài
Thanh vừa mô tả là sự va chạm của một nền văn hóa trong mối quan hệ với nền
văn hóa khác dưới hình thù một nền văn minh toàn cầu. Cái nền văn hóa thuộc
bên bị va chạm đang ngơ ngác chẳng hiểu mô tê gì nói trên đây là nền văn hóa tiểu
nông Việt Nam thanh bình êm ả, đói no gì thì cũng "ta về ta tắm ao ta" Còn cái
nền văn hóa khác từ xa tới va chạm với nền văn hóa Việt Nam nói trên đây chính
là nền văn hóa Pháp. Tự bản thân nó, nền văn hóa Pháp chẳng có cớ gì để va chạm
với nền văn hóa Việt Nam hết. Nhưng nền văn hóa Pháp này đã va chạm với nền
văn hóa Việt Nam trong tư thế đại diện cho một nền văn minh công nghiệp tư bản
chủ nghĩa đang đổ quân đi săn lùng thị trường. Các thứ quân của nó - trong đó
không chỉ có binh lính súng đạn, còn có cả các loại hàng hóa: Chúng ta ở nhà tây,
đội mũ tây, đi giầy tây, mặc áo tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa,
xe đạp. Nào dầu tây, diêm tây, nào vải tây, chỉ tây, kim tây, đinh tây. Và khi đó
không chỉ có hàng hóa, vì "Một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm
của phương Tây về nhân sinh: về vũ trụ” và “có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan
niệm của phương Đông”. Nói đến "phương Đông" và "phương Tây" như vậy, tức
là đã nói tới sự va chạm giữa hai nền văn minh.
Tới đây, để hiểu được những điều rắc rối như thế, buộc lòng ta sẽ phải xử
lý mối quan hệ giữa khái niệm văn hóa và khái niệm văn minh. Nhờ văn hóa hoặc
từ những thành tựu văn hóa mà con người ta có được cuộc sống văn minh và có
những nền văn minh.
Cuộc sống văn minh là hệ quả hẹp của những thành tựu văn hóa, còn còn
hệ quả dài và rộng cả trong thời gian và không gian của những thành tựu văn hóa
sẽ tạo thành những nền văn minh.
Văn minh cùng nghĩa với tiến bộ và văn hóa. Bởi vì khi con người hành
động để thoát ra khỏi trạng thái hoang dã (thậm chí dã man) thì những thành quả
văn hóa đó cũng khiến cho con người sống văn minh hơn lên - đó chính là nét
nghĩa thứ nhất của từ "văn minh". Theo nét nghĩa đó, những thành tựu văn hóa
làm cho đời sống xã hội của con người được văn minh lên. Cũng theo nét nghĩa đó,
có thể nói đến những xã hội đã hoặc chưa đạt tới trạng thái văn minh nhờ những
số đo cụ thể chẳng hạn như việc tìm ra sắt và có công cụ bằng sắt, chẳng hạn như
việc phát minh ra máy hơi nước và có công cụ lao động sử dụng nguyên lý máy
hơi nước, chẳng hạn như có kỹ thuật vượt khỏi sức hút trái đất và có công cụ giao
thông trong không gian vũ trụ
Văn minh cũng có thể là sự tồn tại và vận hành tại một không gian nhất
định của một trạng thái tiến hóa cả về kỹ thuật, tinh thần, đạo đức, chính trị, xã
hội Xét theo nét nghĩa này, ta có thể có nền văn minh có tính khu vực của người
Sumer ở vùng Lưỡng Hà hoặc của người Maja ở vùng Nam châu Mỹ và còn có cả
nền văn minh toàn cầu thời đại công nghiệp của con người đương thời thể hiện ở
sự giống nhau chằn chặn giữa các khu công nghiệp, các đại đô thị, các phương tiện
hưởng thụ và giao lưu Nền văn minh toàn cầu này có mặt ở cả các trung tâm lẫn
ở những hang cùng ngõ hẻm.
Chỗ giống nhau giữa văn hóa và văn minh là ở chỗ chúng đều là những
tổng kết của các thành tựu con người làm ra để thoát khỏi trạng thái tự nhiên
hoang dã. Theo ý nghĩa này, những thành tựu "văn hóa" nào đó dẫn tới việc tìm ra
sắt và dẫn tới các công cụ dùng sắt chẳng hạn thì từ đó có thể có một nền văn minh
thời đại đồ sắt. Lấy thêm một thí dụ khác nữa, những thành tựu “văn hóa” nào đó
dẫn tới việc tìm ra cách phá vỡ hạt nhân vật chất và dẫn tới những công cụ dùng
năng lượng hạt nhân chẳng hạn; từ đó có thể có một nền văn minh thời đại hạt
nhân.
Có thể dễ dàng nhận thấy chỗ khác nhau giữa văn hóa và văn minh ở trong
những phương thức giao lưu và lan tỏa của chúng.
Giữa hai nền văn hóa thì có sự lan tỏa qua giao lưu, trao đổi và tiếp nhận
lẫn nhau; công trình đó diễn ra không chóng vánh, đòi hỏi sự làm - quen và sau đó
may mắn lắm sẽ có sự đổi trao, tiếp nhận; chứ công trình lan tỏa văn hóa đó không
chấp nhận sự áp đặt. Không nói gì tới những lan tỏa qua nhiều quốc gia khác nhau,
qua những dân tộc khác nhau, hoặc qua những vùng địa lý khác nhau, ngay giữa
người Việt Nam với nhau thôi. cũng đã không thể nào áp đặt cách trồng lúa nước
kiểu đồng bằng sông Hồng cho đồng bằng sông Cửu Long hoặc ngược lại, vì cả
hai nền văn hóa lúa nước đó đều có lịch sử rất lâu dài, cả hai đều bình đẳng nhau
về giá trị, không thể một sớm một chiều áp đặt lên nhau và bắt nhau thay đổi.
Thế nhưng các sản phẩm của một nền văn minh cao hơn - qua sự xâm nhập
của hàng hóa nhiều hơn đẹp hơn bền hơn và rẻ hơn - đúng như là những tên lính
tiên phong của văn minh - lại có thể ngay lập tức và dễ đàng ùa vào “xâm chiếm”
một miền văn hóa thấp hơn. Ta từng chứng kiến hiện tượng đó; xưa kia đó là
hương liệu và tơ lụa châu Á ùa sang châu Âu; nay thì đó là xe Honda hoặc xe
Lexus ùa sang châu Phi và châu Á. Và không chỉ có hàng hóa vật chất như vậy,
còn có cả những hàng hóa, làm từ ánh sáng của mấy đô thành như Hollywood
hoặc Paris. Những “hàng hóa” này đã biến những người nào đó với đồng tiền giắt
lưng và cửa hàng nhan sắc mau chóng trở thành "tiên phong", “sành điệu”, "điệu
nghệ" - những nhân vật mới có khả năng tạo thành nguy cơ đánh bạt các liền anh
liền chị - chưa kể là chính các liền anh liền chị cũng hớ hênh lắm kia! Sao liền anh
liền chị lại "biểu diễn" quan họ bằng micro và máy tăng âm phát ra loa công suất
lớn nhỉ. Và sao cồng chiêng của các liền anh liền chị "lũ làng" miệt rừng núi Tây
Nguyên, những con người đôn hậu từng đi tới nhận thức cao tót vời nhờ cụ Núp
bắn thử thấy giặc Pháp cũng chảy máu, sao cồng chiêng hồn nhiên như thế lại rước
lên trên sân khấu mà biểu diễn nhỉ? Khó có khả năng cho một nền văn hóa đơn
nhất trở nên toàn cầu; vì giữa các nền văn hóa chỉ có sự khác biệt với nhau thôi;
phải có tấm lòng và cách thức đúng để đến với nhau thì may ra mới có nền văn
hóa toàn cầu. Trái lại, một nền văn minh cao hơn rất có điều kiện để dễ dàng trở
thành hiện tượng toàn cầu.
Nhìn thấy điều đó thì nhận ra được sứ mệnh của công cuộc giáo dục quốc
dân trong sự tiến hóa của cả một dân tộc: ấy là làm cách gì duy trì và phát triển
nền văn hóa của dân tộc mình và tạo điều kiện cho dân tộc mình sống hài hòa
được với nền văn minh toàn cầu.
Vì sao lại như thế? Và làm cách gì để được như thế?
- 3 -
Trên kia đã nói: văn hóa là thành tựu của con người, đối nghịch lại với cái
tự nhiên hoang dã. Có câu hỏi tiếp: vậy trong bản thân con người có phần tự nhiên
hoang dã không? Theo định nghĩa đã cho, câu trả lời chỉ có thể là Có. Cái tự nhiên
hoang dã không chỉ nằm ở những vật thể trong thiên nhiên. Con người nằm trong
giới động vật thuộc về cái thiên nhiên đó. Bên trong từng con người cũng có phần
tự nhiên hoang dã và phần văn hóa không ngừng hình thành. Con người cải biến
thiên nhiên và nhờ vậy mà cũng cải biến được chính nó. Và điều đó liên quan đến
công cuộc Giáo dục.
Lịch sử công cuộc giáo dục của con người vừa dài vừa ngắn. Dieter Enzen,
Chủ tịch Đại học Tự do Berlin (Freie Universitat Berlin) vào năm 1994 có lần nói
bóng bẩy như sau: "Giáo dục bắt đầu từ hàng triệu năm trước đây, hoặc là mới bắt
đầu từ cuối những năm 1770 thôi”
(1)
. Nói vậy là phân chia nền giáo dục của loài
người thành hai kiểu, một kiểu “không bài bản” và một kiểu “có bài bản” - kiểu
sau này chỉ mới bắt đầu với Comenius. Nói như vậy cũng lại có hàm nghĩa khác
nữa: nền giáo dục dù đã thành thiết chế, dù đã bước vào thời kỳ khoa học, bài bản
thì nó vẫn gắn với truyền thống đã có từ nhiều triệu năm trước đó.
Cái gọi bằng truyền thống ở đây là cung cách người lớn dạy dỗ thiếu niên
bằng lời nói truyền khẩu (có cải tiến đến đâu thì cũng chỉ có công cụ giảng dạy là
lời nói) và dạy dỗ chúng qua các kỹ năng thực hành bắt chước từ người lớn (có cải
tiến đến đâu thì cũng chỉ có thể làm cho học trò lặp lại được người lớn là cùng).
Ngay cả khi nhờ xuất hiện chữ viết và truyền thống giáo dục thoát khỏi cảnh dùng
lời nói truyền khẩu thì gánh nặng quá khứ vẫn đè lên nhà trường bằng công cụ duy
nhất là thuyết trình là khi Thầy thuyết trình thì Trò phải nghe và nhại lại.
Vậy là ta thấy rằng trong số nhiều góc độ để nhìn vào và tổng kết. Lịch sử
công cuộc Giáo dục viết với chữ G hoa, trong sách này, Lịch sử Giáo dục cần
được nhìn kỹ hơn dưới góc độ tâm lý học giáo dục thôi.
Và như được diễn tả trong bức tranh Đông Hồ có tên Thầy đồ cóc, ta thấy
được những gì về tâm lý học giáo dục? Ta nhận ra ngay một thông điệp khẩn trên
một “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Hoàng Cầm), thông điệp ấy như
sau: hãy thành thực đi, đòi hỏi hiện đại hóa nhưng liệu những nhà trường đào tạo
ra những con người tác giả của sự kiện hiện đại hóa như thế này có đi đôi được với
khẩu hiệu đó không? Toàn bộ sự lạc hậu của một nền giáo dục đã được tóm tắt
trong tranh Thầy đồ Cóc liệu có đang còn tung hoành ngang dọc trong tư duy và
thực hành vào thời đổi mới hơn là chết - hiện đại hóa hay là chết này không?
Dĩ nhiên, phát triển Giáo dục phải nằm trong bối cảnh tạo ra công cuộc hiện
đại hóa đó.
Muốn đất nước hiện đại hoá, chỉ hô khẩu hiệu thôi không đủ, mà xuất phát
từ khởi điểm số không của một đất nưóc nghèo nàn và lạc hậu thì cần đến hai điều
kiện tiên quyết.
Điều kiện thứ nhất, dĩ nhiên là phải có bậc đại nhân đại trí lãnh đạo mỏ cửa
đất nước. Mở cửa ra phía nào? Mở ra phía nào có được cái tinh thần và cách lao
động hiện đại hoá.
Năm 1868 vua Meiji nước Nhật là một bậc đại anh minh đó. Rõ ràng là một
tư tưởng mở cửa Nhật Bản khi đó hơn hẳn cái con người cũng đứng đầu một đất
nước nhưng lại không tin là trên đời này có nổi một thứ “ngọn đèn treo ngược”.
Và mở cửa thì cũng phải biết hướng cửa mở: nước Nhật của vua Meiji không mở
sang phía Trung Hoa, cũng chẳng mở sang nước Nga Sa-hoàng, mà nó mở vào
chỗ đáng mở: phương Tây, mặc dù trong nước vẫn có tư tưởng bài phương Tây
(hệt như ở ta: chống lại lũ “Tây dương ngoại quỷ”). Nhưng mở cửa sang phía Tây
là mở vào một nền sản xuất mới, khác hẳn về bản chất với nền sản xuất của
phương Đông cổ lỗ, tiểu nông.
Nhưng lại giả sử cái ông vua không tin vào công nghiệp hoá của nước ta
cũng tin vào cái đèn treo ngược và cũng chủ trương mở cửa thì như thế đã đủ
chưa? Chưa đủ! Vì một ông vua anh minh có thể được tiếp nối bởi ông vua khác
kém cỏi hơn, hèn hơn, dốt nát hơn. Vậy, cái gì sẽ bảo đảm cho sự công nghiệp hoá
được bền vững? Câu giải đáp chỉ có thể là: chính sự công nghiệp hoá sẽ nuôi nền
công nghiệp khiến cho tình thế công nghiệp hoá không thể đảo ngược .
Nhà báo Pháp Robert Guillain- trong cuốn sách xuất bản năm 1968 kỷ niệm
100 năm nước Nhật hiện đại hóa
(2)
- đã kể là vào năm 1864, vua Meiji nước Nhật
bắt đầu công cuộc "học phương Tây" dẫn nước Phù Tang này đi vào hiện đại hóa
và công nghiệp hóa, khi đó nước Nhật mới chỉ có vài chục ki-lô-mét đường sắt.
Khi khánh thành đường sắt, khi bước vào toa xe, các bậc chức sắc còn ngỡ là phải
trụt dép để cả bên ngoài sân ga, để khi vào cố cung thì ai cũng đi chân trần. Còn
các mệnh phụ phu nhân thì mặc áo trong, áo ngoài bù xù, sau đó bên ngoài cũng
còn đeo toòng teng một thứ "áo" quý báu mới được tặng, gọi bằng cái "xú-chiêng".
Điều kiện thứ hai vô cùng quan trọng ấy là cuộc cách mạng trong công
nghiệp đã đem lại cho loài người cái gì quý hơn cả những sản vật tiêu dùng. Người
làm giáo dục cần thấy đó là nền công nghiệp đã tạo ra một tư duy mới, tư duy công
nghiệp, cái tư duy cho phép con người đã đi là ngày một đi xa hơn, đã tiến là ngày
một tiến nhanh tiến mạnh hơn. Không chỉ tư duy trong công nghiệp, mà thời đại
công nghiệp hóa đề ra yêu cầu sít sao phổ biến về tư duy mới trên mọi mặt hoạt
động. Ngay trò chơi cho trẻ em cũng phải mang dấu ấn huấn luyện tư duy mới?
Cái tư duy công nghiệp khiến con người thành con người hiện đại, với những yếu
tố tư duy thay đổi hoàn toàn. Về sản xuất, tư duy công nghiệp thay thế lối sản xuất
cầu may bằng lối sản xuất có thiết kế sẵn và tạo ra một thứ kỷ luật sản xuất không
dựa trên roi vọt, mà là kỷ luật tự giác dựa trên sự hợp tác với nhau về kỹ thuật mà
nếu thiếu đi một khâu trong chuỗi công nghệ thì sẽ không biến được các bán thành
phẩm thành ra sản phẩm cuối cùng.
Như vậy là một ông Meiji anh minh có thể chết đi, cuộc sống cũng chẳng
cần lắm đến ông sau cũng anh minh ngang thế hoặc hơn thế, nhưng chính nền sản
xuất công nghiệp sẽ thành kẻ lãnh tụ vô hình dắt dẫn coi người liên tục đi theo con
đường hiện đại hóa.
Đến lượt mình, công cuộc giáo dục cũng phải hướng theo mục tiết hiện đại
hóa bằng cách đi theo con đường công nghiệp hóa.
Giáo dục mà cũng "công nghiệp hóa"? Có tác giả nào nói nhịu không đây?
Không! Không nói nhịu. Giáo dục phải hiện đại hóa như đất nước đang
hiện đại hóa thì những sản phẩm của giáo dục mới sống hài hòa được trong thời
đại nền văn minh công nghiệp toàn cầu này.
Toàn bộ cái văn hóa công nghiệp hóa của loài người nhiều thế kỷ qua từ
nhiều dòng chảy - những cung cách công nghiệp hóa của các khu vực không hoàn
toàn giống nhau chằn chặn - đã hợp lưu thành nền văn minh công nghiệp toàn cầu
ngày nay.
Toàn bộ cái văn hóa nằm trong hoạt động làm cho con người hoàn toàn từ
bỏ được trạng thái tự nhiên hoang dã - mà dạng hoang dã cuối cùng gần nhất, là
trạng thái tiểu nông - đã hợp lưu thành một dòng tâm lý học giáo dục mà nếu thiếu
nó thì các nhà trường chưa thể thành nhà trường thực thụ, chỉ mới là những chốn
tập trung con em trao vào tay các Thầy đồ Cóc của nền kinh tế thị trường mặc
quần đùi thắt ca vát cưỡi Honda miệng phì phèo thuốc lá đảo qua cửa hàng chứng
khoán trước khi uể oải đến trường.
Công nghệ Giáo dục là cứu cơ cuối cùng cho cái nền Giáo dục ở dạng tiểu
nông tùy tiện lạc hậu tiến lên hiện đại hóa bằng con đường công nghiệp hóa.
Công nghệ Giáo dục là gì và tại sao lại có tên Công nghệ Giáo dục, đó sẽ là
chủ đề của bài tiếp theo.
Chú thích:
Đây là một số nội dung trong cuốn sách Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo
dục 2008 - NXB Tri thức, 616 trang của tác giả Phạm Toàn. Cuốn sách đã được
trích giới thiệu trên chungta.com với tiêu đề bài viết như trên. (Người post bài chú
thích)
(1)
(2)
Robert Guillain, Japon, troisième Grand (Nhật Bản, cường quốc thứ ba), Seuil
xuất bản, Paris, 1969.