Tải bản đầy đủ (.doc) (24 trang)

tóm tắt luận án tiếng việt kí như một loại hình diễn ngôn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (242.79 KB, 24 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Kí là một loại hình văn học chiếm vị trí quan trọng song rất khó có thể
xác định được đặc trưng bởi tính chất đa dạng và phức tạp của nó. Các tác phẩm
kí ra đời từ sớm, sáng tác kí bao hàm một phạm vi văn bản rất rộng (trong văn
học, những gì không thuộc các thể loại tự sự trữ tình, chính luận, kịch đều được
xếp vào thể loại kí). Kí lại gồm nhiều thể loại rất khác biệt, khó có thể tìm ra
một đặc trưng chung: bút kí, phóng sự, truyện kí, kí sự thiên về tự sự; tản văn,
tùy bút thiên về trữ tình; tiểu luận thiên về nghị luận. Trong lịch sử phát triển
lâu dài, diện mạo của kí lại không ngừng thay đổi, khiến những tác phẩm kí ra
đời muộn sau này như bút kí, phóng sự khác rất xa với các tạp kí, bi kí, kí sự
được hình thành ở chặng đầu phát triển của thể loại. Tất cả những lí do này
khiến cho việc xác định đặc trưng của loại hình văn học này trở thành một thách
thức không nhỏ đối với các nhà nghiên cứu.
1.2. Trong tư duy lí thuyết Việt Nam, từ trong các tự, bạt, khảo cứu thời
trung đại, đến các công trình phê bình văn học, văn học sử, lí luận văn học hiện
đại, người ta thường cho rằng ghi chép sự thật là đặc trưng quan trọng nhất của
kí. Tuy nhiên, vì sự thật thường được xác định trong quan hệ đối lập với hư cấu,
cho nên việc xác định tiêu chí đánh giá sự thực, mức độ và phạm vi hư cấu là
những vấn đề gây rất nhiều tranh luận, đặc biệt là hai cuộc tranh luận về nghệ
thuật tả chân những năm 1936-1939 và cuộc tranh luận về kí những năm 1960.
Mặt khác, cách kiến giải đặc trưng của kí theo cách này đã không thể giải quyết
một cách triệt để một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn sáng tác. Chính vì thế, thiết
nghĩ cần có một cách tiếp cận khác đối với loại hình văn học này.
1.3. Từ những năm đầu thế kỉ XX, trên thế giới, đã xuất hiện một bước
chuyển biến quan trọng trong tư duy lí thuyết của các ngành khoa học xã hội và
nhân văn, được gọi là khúc ngoặt ngôn ngữ. Trên cơ sở sự thức tỉnh sâu sắc về
vai trò, chức năng và bản chất của ngôn ngữ, các tư tưởng gia như M.Bakhtin,
Foucault, R.Barthes, J.Derrida đã cắt nghĩa lại rất nhiều những vấn đề cốt yếu
như thực tại, chủ thể, sự thật, căn tính Xuất phát từ nền tảng này, một mô hình
nghiên cứu văn học, văn hóa mới đã dần dần thay thế cho mô hình nghiên cứu


1
dựa trên lý thuyết phản ánh. Từ đây, người ta không còn định vị các hiện tượng
văn học, văn hóa bằng cách qui chiếu nó với một thực tại có thật, mà xác định
tọa độ của nó trong mạng lưới các diễn ngôn bao xung quanh nó, có trước nó,
tiếp nối sau nó. Mặt khác, văn học không còn được nghiên cứu như là những
văn bản ngôn từ khép kín, mà các học giả luôn cố gắng chỉ ra những cấu trúc
kiến tạo nên các văn bản ngôn từ chìm sâu trong các vỉa tầng văn hóa. Trong
mô hình nghiên cứu này, khái niệm diễn ngôn trở thành một trong những thuật
ngữ mang tính chất chìa khóa, có vai trò quan trọng đến nỗi, người ta khó có
thể thâm nhập vào các lý thuyết văn học văn hóa thế kỉ XX mà không hiểu
được nội hàm của nó. Nền tảng lý thuyết này đã cung cấp cho chúng tôi một
cách tiếp cận mới về loại hình văn học kí, góp phần giải quyết những vấn đề
còn bỏ ngỏ đặt ra từ thực tiễn sáng tác, đồng thời đem lại một cách nhìn mới về
loại hình văn học vốn quen thuộc này.
1.4. Tiếp cận vấn đề lý thuyết và các loại hình lịch sử của văn học kí dưới
góc độ lý thuyết diễn ngôn, luận án một mặt giải quyết được những vấn đề còn
mâu thuẫn giữa nghiên cứu lý thuyết truyền thống và thực tiễn sáng tác kí, mặt
khác chỉ ra những đặc trưng, hệ thống phân chia thể loại cũng như qui luật phát
triển của kí trong tiến trình lịch sử. Mô hình lý thuyết mới này mang lại một cái
nhìn mới, giúp cắt nghĩa lại các hiện tượng văn học kí, và chắc chắn sẽ hứa hẹn
nhiều triển vọng trong nghiên cứu thực tiễn sáng tác của loại hình này.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Văn học kí có nguồn gốc xa xưa từ những tác phẩm kí, lục, chí trong văn
học trung đại song có thể nói, phải đến thế kỉ XX, nó mới được ý thức như một
loại hình văn học và được nghiên cứu một cách hệ thống. Tuy kí hiện đại khác
rất xa với các tác phẩm bi kí, minh kí, mộ chí, tạp kí thời khởi thủy , song
người ta vẫn có thể tìm thấy trong kí trung đại những yếu tố mang tính chất bền
vững, có thể nói là những gene thể loại. Vì lí do đó, chúng tôi xác định đối
tượng khảo sát chính trong luận án là các tác phẩm kí trong văn học Việt Nam
hiện đại. Tuy nhiên, các tác phẩm kí Việt Nam thời trung đại vẫn được đề cập

đến như một tư liệu đối sánh. Ngoài ra, để làm sáng tỏ các vấn đề lí thuyết,
2
chúng tôi cũng có những liên hệ nhất định với các tác phẩm kí trong văn học
nước ngoài.
3. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng triệt để những nguyên tắc phương pháp luận của lý thuyết
diễn ngôn và kí hiệu học văn hóa. Kí hiệu học văn hóa cho phép tác giả luận án
khẳng định văn học kí là một hiện tượng văn hóa mà thực chất là quá trình kí
hiệu học, nên chỉ có thể nghiên cứu nó dưới ánh sáng của kí hiệu học. Còn lý
thuyết diễn ngôn giúp tác giả luận án chứng minh, văn học kí là một cơ chế kiến
tạo văn bản chịu sự chi phối của nhiều mã văn hóa khác nhau.
4. Nhiệm vụ và ý nghĩa của luận án
a. Luận án lần đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu kí như một hình thức diễn
ngôn, một sự kiến tạo văn bản và kiến tạo sự thật dựa trên mã thể loại và mã tư
tưởng hệ
b. Phân tích văn học kí Việt Nam giai đoạn 1945-1975 như một lát cắt lịch
sử để làm sáng tỏ các vấn đề lý thuyết.
5. Cấu trúc nội dung của luận án
Luận án được cấu trúc làm 5 phần: phần mở đầu, phần nội dung, phần kết
luận, danh mục các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án và thư
mục tham khảo. Nội dung chính của luận án được triển khai thành bốn chương
như sau:
Chương 1: Tổng quan
Chương 2: Mã thể loại và đặc trưng của văn học kí
Chương 3: Mã tư tưởng hệ và đặc trưng của văn học kí
Chương 4: Kí Việt Nam 1945-1975 như một lát cắt lịch sử
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN
Trong phần tổng quan, chúng tôi cố gắng điểm qua những quan niệm
khác nhau về kí trong nghiên cứu văn học Việt Nam cũng như một số nước trên
thế giới như Trung Quốc, Nga, song vì những hạn chế về thời gian và điều kiện

tư liệu, chúng tôi chủ yếu tập trung phân tích sự biến đổi của quan niệm về kí
3
trong tư duy lý thuyết ở Việt Nam. Trên cơ sở những tư liệu này, chúng tôi chỉ
ra những khoảng trống, những vấn đề đặt ra trong lí thuyết truyền thống, và đề
xuất một mô hình tiếp cận mới đối với văn học kí- hướng tiếp cận từ góc độ lí
thuyết diễn ngôn.
1. Kí trong tư duy lí thuyết Việt Nam
- Trong thời trung đại, tuy chưa thể có phê bình nghiên cứu về kí, song
người ta vẫn có thể tìm thấy những quan niệm về kí trong các lời tự, bạt, hay
trong cách phân loại của các công trình mang tính chất khảo cứu về văn học văn
hóa của một thời đại (như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú,
tựa Lam Sơn thực lục, Trung Hưng thực lục của Hồ Sĩ Dương ). Thông qua
những nguồn tư liệu này, chúng ta có thể nhận thấy một quan điểm khá nhất
quán của các học giả thời trung đại về kí: kí là thể loại ghi chép sự thực mắt
thấy tai nghe. Những quan niệm về thể loại này đã trở thành nền tảng cho lí
thuyết kí về sau.
- Vào những năm đầu của thế kỉ XX, quan niệm về văn học kí được phát
biểu trong các cuộc tranh luận nghệ thuật, các công trình phê bình văn học.
Theo đó, các thể loại kí như truyện kí, phóng sự, kí sự, du kí được coi là thể loại
ghi chép sự thực, mang tính thời sự, và tả chân được coi là một nguyên tắc miêu
tả sự thực trong các tác phẩm kí.
- Trên văn đàn Việt Nam những năm 1945-1986, kí trở thành vấn đề trung
tâm trong một cuộc tranh luận sôi nổi trên tạp chí Văn nghệ những năm 1960, là
đối tượng nghiên cứu của các nhà phê bình, nghiên cứu văn học, lí luận văn
học. Trong giai đoạn này, hệ thống lí thuyết về kí được chính thức xác lập trên
cơ sở nghiên cứu thực tiễn sáng tác kí Việt Nam, mà chủ yếu là kí giai đoạn
1945-1986 và tiếp thu hệ thống lí thuyết về kí trong văn nghệ Liên Xô. Trên
nền tảng này, giới nghiên cứu Việt Nam thường xác định đặc trưng của kí như
là một thể loại ghi chép người thực việc thực và tôn trọng tối đa tính xác thực
của đối tượng miêu tả. Hệ thống lí thuyết này có ảnh hưởng rất lớn đến sáng

tác, phê bình, nghiên cứu kí đương thời. Và công trình Kí viết về chiến tranh
Cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Hà Minh Đức có thể coi là hình
mẫu tiêu biểu của mô hình lí thuyết này.
4
- Từ những năm 1986 cho đến nay, phê bình nghiên cứu về kí vẫn tiếp tục
khai triển trên điểm tựa của hệ thống lí thuyết đã được xác lập trong giai đoạn
trước. Đối tượng nghiên cứu được mở rộng, nghiên cứu kí đi sâu vào các hướng
chính. Hướng thứ nhất tiếp tục xác lập một hệ thống lí thuyết về kí (trong giáo
trình Lí luận văn học). Hướng thứ hai là hướng nghiên cứu các loại hình lịch sử
kí như kí trung đại, kí Việt Nam từ đầu thế kỉ đến năm 1945 Hướng thứ ba tập
trung khảo sát sự hình thành, phát triển của các thể loại kí trong tiến trình lịch
sử. Hướng thứ tư quan tâm nghiên cứu các tác giả, tác phẩm cụ thể nhằm chỉ ra
những đặc điểm phong cách tác giả và giá trị của các tác phẩm. Sự mở rộng đối
tượng khảo sát này đã cho thấy diện mạo phong phú, đa dạng của loại hình văn
học này.
2. Kí trong một số tư liệu nước ngoài.
Ở Trung Quốc
Qua những thu thập còn chưa thể đầy đủ của chúng tôi, có thể nhận thấy,
trong văn học Trung Quốc, cũng có tồn tại một loại hình văn học có nội dung
ghi chép sự thật thường được gọi là kí (hay bằng những cái tên khác như thư kí,
tạp kí). Song tên gọi thể loại, nội hàm cũng như biên giới thể loại không rõ
ràng, cách phân chia thể loại trong văn học cổ trung đại Trung Quốc cũng khác
biệt rất nhiều so với cách phân chia thể loại trong nghiên cứu văn học Trung
Quốc hiện đại.
Ở Liên Xô
Ở Liên Xô, thể kí được quan tâm đặc biệt. Trong các giáo trình, từ điển lí
luận văn học, hầu hết các ý kiến đều thống nhất: kí miêu tả xác thực sự thật đời
sống. Các công trình lí luận như Nguyên lí lí luận văn học của Timofeep, Dẫn
luận nghiên cứu văn học của Gulaiep đều nhấn mạnh miêu tả sự thực và điển
hình hóa là nguyên tắc quan trọng nhất của thể loại. Những quan điểm của các

nhà lí luận Nga đã có ảnh hưởng rất lớn đến lí thuyết văn học kí ở Việt Nam.
Khảo sát của chúng tôi cho thấy, trong các nền văn học lớn trên thế giới,
đều có một loại hình văn học chuyên ghi chép về những sự kiện đã xảy ra,
những nhân vật có thật. Loại hình văn học này thường nằm ở khu vực giáp ranh
giữa văn học và ngoài văn học (báo chí, lịch sử, khoa học ) và có một số đặc
5
điểm chung về hình thức, kết cấu. Tuy nhiên, tên gọi, phạm vi cũng như nội
hàm của chúng không thống nhất ở các quốc gia khác nhau, thậm chí trong
những giai đoạn lịch sử khác nhau ở cùng một nền văn học. Đặt trong bối cảnh
ấy, ta có thể thấy, khó có thể có một mô hình lý thuyết nào trên thế giới khả dĩ
có thể áp dụng trong nghiên cứu kí ở Việt Nam. Mặt khác, thực tiễn sáng
tác kí ở Việt Nam cũng rất đa dạng, phức tạp và có nhiều điểm đặc thù, đòi
hỏi phải có một lý thuyết thể loại bắt nguồn từ chính thực tiễn ấy.
3. Những vấn đề đặt ra
Qua việc khảo sát tình hình nghiên cứu kí ở Việt Nam và tham khảo các tài
liệu nghiên cứu nước ngoài, chúng tôi nhận thấy, trong lý thuyết văn học kí ở
Việt Nam, còn tồn tại những vấn đề sau:
3.1. Khi bàn đến đặc trưng của kí, các nhà nghiên cứu đều thống nhất sự
thật là hạt nhân của kí, tuy nhiên, cách kiến giải thế nào là sự thật, mối quan hệ
giữa sự thật và hư cấu là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi.
3.2. Khi đối chiếu với thực tiễn sáng tác kí, còn nhiều vấn đề đặt ra, cần
được giải quyết: trong kí trung đại, sự thật được miêu tả mang đầy màu sắc kì
ảo, hoang đường, trong phóng sự 1930-1945, chỉ có sự thật xấu xa, bẩn thỉu của
tệ nạn xã hội, trong kí 1945-1975, lại chỉ có sự thật tốt đẹp, đáng biểu dương…
3.3. Khi tiếp cận đặc trưng thể loại kí, giới nghiên cứu thường dựa trên
chức năng của thể loại, lịch sử hình thành phát triển của thể loại, phương thức
phản ánh đời sống. Chưa có công trình nào đặt vấn đề nghiên cứu kí như một
hình thức diễn ngôn.
Vì những lí do trên, chúng tôi chọn hướng nghiên cứu đặc trưng của kí như
một hình thức diễn ngôn, nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn sáng

tác và nghiên cứu kí.
4. Diễn ngôn và một mô hình mới để xác lập lí thuyết văn học kí
Khái niệm diễn ngôn ra đời từ rất sớm, song trước thế kỉ XX, phạm vi sử
dụng của nó chủ yếu bó hẹp trong lĩnh vực ngôn ngữ học và diễn ngôn thường
được hiểu theo nghĩa là tu từ học. Từ thế kỉ XX, trong bối cảnh sự chuyển
hướng mạnh mẽ của hệ hình lý thuyết (hay còn gọi là khúc ngoặt ngôn ngữ),
diễn ngôn đã được bổ sung thêm những hàm nghĩa mới, gắn liền với một mô
6
hình nghiên cứu văn học văn hóa hoàn toàn mới, đồng thời trở thành một trong
những thuật ngữ mang tính chất chìa khóa trong các ngành khoa học xã hội và
nhân văn.
Những hàm nghĩa mới của diễn ngôn, có thể nói, có cội nguồn sâu xa từ
trong các trước tác của ba nhà tư tưởng lớn của thế kỉ XX: F.de Saussure,
M.Bakhtin và M.Foucault. Thứ nhất, đối với các nhà cấu trúc chủ nghĩa, diễn
ngôn được hiểu là cấu trúc của ngôn ngữ/ lời nói, đó là những nguyên tắc tổ
chức, sắp xếp ngôn từ trong hệ thống theo một qui luật nhất định. Thứ hai, đối
với nhà nghiên cứu M.Bakhtin, diễn ngôn được định nghĩa như là một loại lời
nói thấm đẫm tư tưởng hệ. Thứ ba, đối với M.Foucault, diễn ngôn được hiểu theo
nghĩa rộng là tất cả các nhận định nói chung có một lực tác động nào đó. Theo
nghĩa hẹp, diễn ngôn là một nhóm các nhận định cụ thể, được qui ước theo một
cách nào đó, đồng tồn tại trong cùng một bối cảnh, có chung một xuất xứ và
được nhóm lại dưới áp lực của một thiết chế. Ngoài ra, diễn ngôn còn được dùng
để chỉ một thực tiễn sản sinh ra vô số các nhận định và chi phối việc vận hành
của chúng, những qui tắc và cấu trúc tạo ra các phát ngôn và văn bản cụ thể
1
.
Tóm lại, ba cách tiếp cận trên về diễn ngôn đã cung cấp ba định nghĩa khác
nhau về diễn ngôn: diễn ngôn như là cấu trúc của ngôn ngữ/ lời nói, diễn ngôn
như là lời nói- tư tưởng hệ, và diễn ngôn như là công cụ để kiến tạo tri thức và
thực hành quyền lực. Đây là những nét nghĩa quan trọng nhất đã được bổ sung

thêm vào khái niệm diễn ngôn vốn đã xuất hiện từ lâu, đồng thời, nó cũng là
những nét nghĩa được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu văn học và văn hóa.
Thông qua việc tóm lược những cách tiếp cận chính đối với diễn ngôn, có
thể thấy các cách tiếp cận khái niệm tuy có khác nhau, song vẫn có một số
những luận điểm chung như sau:
Thứ nhất, diễn ngôn là một hệ thống kí hiệu mà để lí giải, cắt nghĩa, ta phải
hiểu được mã của nó. Có điều, mỗi học giả lại có một cách hiểu khác nhau về
mã diễn ngôn. Các nhà cấu trúc chủ nghĩa cho rằng, mã ngôn ngữ là yếu tố nằm
chìm sâu trong cấu trúc của diễn ngôn. Theo M.Bakhtin, muốn tiếp cận được
một diễn ngôn, không thể không phân tích thể loại lời nói và tư tưởng hệ của
1
Sara Mills, Discourse, Routledge, Taylor &Francis Group, London and New York, 2004, p.36.
7
nó. Nhà nghiên cứu Foucault lại cho rằng, cái đích cuối cùng của việc phân tích
diễn ngôn là phải chỉ ra cơ chế quyền lực ẩn giấu trong ngôn ngữ.
Thứ hai, các học giả đều cho rằng, diễn ngôn có một cấu trúc. Đối với các
nhà cấu trúc chủ nghĩa chịu ảnh hưởng của F.Saussure, diễn ngôn có một cấu
trúc tương tự như cấu trúc ngữ pháp của câu, có thể phân tích thành những yếu
tố như ngôi, thời, thể, thức, giọng Theo M.Bakhtin, đơn vị cấu thành nên diễn
ngôn là các phát ngôn. Các phát ngôn này lại được tổ chức một cách chặt chẽ
trong cái mà ông gọi là các thể loại lời nói. Theo M.Foucault, có những cấu trúc
bên trong và cấu trúc bên ngoài chi phối việc tạo lập, vận hành và phân phối các
diễn ngôn. Cấu trúc bên trong gồm có: tri thức hệ, nhân định, diễn ngôn/các
diễn ngôn, thư khố, sự loại trừ bên trong diễn ngôn. Các cấu trúc bên ngoài của
diễn ngôn bao gồm: bình luận, những nghi thức, tác giả
2
.
Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những quan niệm trên, chúng tôi tiến tới xác
định khái niệm diễn ngôn như một công cụ cho một hệ hình nghiên cứu mới đối
với loại hình văn học kí. Diễn ngôn được hiểu như một cơ chế kiến tạo văn bản

chịu sự chi phối của những mã văn hóa. Trên cơ sở định nghĩa này, chúng tôi
xác định hai hạt nhân cấu trúc của diễn ngôn: mã thể loại và mã tư tưởng hệ.
CHƯƠNG 2: MÃ THỂ LOẠI VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA VĂN HỌC KÍ
2.1. Khái niệm mã, mã thể loại, mã thể loại của văn học kí.
- Mã: nguyên tắc xác lập mối quan hệ giữa thông tin và kí hiệu, trong giao
tiếp, mã là yếu tố xác lập nên mối quan hệ giữa người phát và người nhận, giữa
thông điệp và ý nghĩa. Mã là một ngôn ngữ, bởi nó cũng có những đơn vị và qui
tắc tổ chức các đơn vị ấy thành một hệ thống, giúp truyền đạt thông tin.
- Mã thể loại: nguyên tắc xác lập mối quan hệ giữa thông tin và thể loại, là
yếu tố trung gian trong cuộc giao tiếp giữa người viết và người đọc.
- Là một hình thức diễn ngôn, văn học kí chịu sự chi phối của hai mã: mã sự
thật và mã nghệ thuật.
2
Những luận điểm này đã được trình bày một cách chi tiết trong công trình nghiên cứu đã công bố của chúng tôi, xin
tham khảo Ba cách tiếp cận khái niệm diễn ngôn, Nguyễn Thị Ngọc Minh, sdd.
8
2. 2. Mã sự thật (ngôn ngữ sự thật) như là hạt nhân cấu trúc của văn học

2.2.1. Người kể chuyện ngôi thứ nhất với tư cách là nhân chứng
Trong kí bao giờ cũng có một người kể chuyện xưng tôi, là người tận mắt
chứng kiến và bình luận về thế giới được miêu tả. Người kể chuyện này bao giờ
cũng được cụ thể hóa bằng những thông tin giống như tiểu sử tác giả. Để tăng
thêm mức độ tin cậy của người kể chuyện nhân chứng, tác giả thường tạo nên
những tình huống tiếp xúc, trong đó, người kể chuyện trực tiếp gặp gỡ, trò
chuyện với nhân vật.
2.2.2. Nhân vật, sự kiện, không gian, thời gian cụ thể, đơn nhất
Trong các tác phẩm kí, bao giờ cũng có những nhân vật, sự kiện, địa điểm,
thời gian cụ thể, đơn nhất, tạo thành lớp từ vựng của sự thật trong các tác phẩm kí,
khiến cho kí khác hẳn với các loại hình văn học khác. Lớp từ vựng của sự thật này
làm gia tăng tính thuyết phục cho các tác phẩm kí về tính chân thực của các sự

kiện được miêu tả.
2.2.3. Kết cấu theo logic của sự thực
Lớp từ vựng của sự thật thường được tổ chức theo trật tự tuyến tính, theo
logic nhân quả hoặc theo logic của thế giới chủ quan của người trần thuật xưng
tôi. Các tác phẩm kí thời trung đại chịu ảnh hưởng của diễn ngôn lịch sử, nên
thường kết cấu theo thể biên niên, kỉ truyện hoặc khảo cứu. Các phóng sự 1930-
1945 thường tổ chức theo kết cấu của thể loại điều tra báo chí hoặc báo cáo
khoa học. Cách kết cấu này làm nổi bật logic khách quan của sự thật đời sống,
có thể coi là lớp ngữ pháp của sự thật.
2.2.4. Các thủ pháp miêu tả sự thực của các loại hình tư liệu
Các tác phẩm kí thường sử dụng các thủ pháp quay phim, chụp ảnh, ghi
âm, montage của các loại hình tư liệu khác, nhằm rút ngắn tối đa khoảng cách
giữa trần thuật và câu chuyện.
2.3. Mã nghệ thuật và đặc trưng của văn học kí
Ban đầu, kí là một thể loại chức năng nhằm ghi chép thông tin, sự kiện.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, chức năng ghi chép, lưu trữ thông tin ngày
càng trở nên thứ yếu, từ thế kỉ XVIII, nhiều tác phẩm kí đã thực sự trở thành
9
những tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị như Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ),
Thượng kinh kí sự (Lê Hữu Trác) Quá trình phát triển này khiến cho trong hạt
nhân cấu trúc của kí, còn tồn tại một mã thể loại thứ hai- mã thể loại nghệ thuật,
có thể nhận ra mã thể loại này qua các yếu tố sau:
2.3.1. Hình tượng con người và bức tranh thế giới
- Các nhân vật, sự kiện trong kí tuy không được tái hiện một cách đầy
đặn, song thường được phác họa sống động thông qua các chi tiết dày đặc trên
bề mặt, bằng những đoạn miêu tả chân dung, hành động, phong cảnh Những
đoạn miêu tả này tạo nên sự “dư thừa” của kí so với khung thể loại biên niên,
điều tra, khảo cứu, làm nên giá trị nghệ thuật, sức hấp dẫn của kí.
- Các tác phẩm kí đầy ắp những hình ảnh biểu tượng, ẩn dụ Những hình
ảnh này làm nên chiều sâu, sự đa nghĩa cho các tác phẩm kí.

2.3.2. Khung truyện kể
- Các sự kiện trong kí bao giờ cũng được sắp xếp, tổ chức thành một văn
bản trần thuật có mở đầu, kết thúc. Cách mở đầu, kết thúc này lại thường tuân
theo một số qui luật, motip nhất định: các tác phẩm du kí thường mở đầu bằng
sự khởi hành của nhân vật người trần thuật xưng tôi, các phóng sự thường kết
thúc ở thời điểm kết thúc cuộc điều tra, các truyện kí thời trung đại viết về các
bậc quân vương, danh thần, thường mở đầu bằng motip sự sinh đẻ thần kì
- Các sự kiện trong kí tuy có mối quan hệ lỏng lẻo, song lại thường được
tổ chức thành một câu chuyện, làm bộc lộ một ý nghĩa nào đó. Các tác phẩm
phóng sự 1930-1945 thường tổ chức sự kiện thành câu chuyện về cái chung
cục, trong đó, mọi sự vật, nhân vật đều được miêu tả trong hành trình hướng tới
bóng tối, cái chết, sự tha hóa. Trong khi đó, các tác phẩm kí 1945-1975 lại
thường tổ chức chuỗi sự kiện thành câu chuyện về sự khởi đầu, trong đó, mọi
sự vật, hiện tượng được miêu tả trong hành trình đổi mới, hồi sinh.
- Các sự kiện tưởng chừng rời rạc trong tùy bút, tản văn thường được tổ
chức trong một khung truyện kể xoay quanh điểm nhìn của người trần thuật
xưng tôi. Sự xuất hiện của người trần thuật này khiến cho tác phẩm có một khả
năng mở rộng, co giãn linh hoạt song lại luôn có một sợi dây kết nối, một ý
nghĩa thống nhất. Thậm chí những số liệu báo cáo tưởng chừng hoàn toàn
10
khách quan, nhưng khi được sắp đặt theo một nguyên tắc nào đó, chúng vẫn có
khả năng tạo ra một câu chuyện, nói lên một ý nghĩa. Ngoài ra, nhịp điệu trần
thuật khi nhanh khi chậm, khi nhấn khi lướt cũng góp phần bộc lộ ý nghĩa.
Như vậy, quá trình tổ chức lớp từ vựng của sự thật thành một câu chuyện
đồng thời là quá trình xếp chồng lên tác phẩm một lớp nghĩa mới, dôi ra so với
lớp nghĩa chỉ vật. Ngôn ngữ sự thật chỉ là chất liệu để biểu đạt một ý nghĩa
nghệ thuật nào đó. Cách kết cấu này khiến cho các tác phẩm kí trở nên ý vị,
giàu triết lí.
2.3.3. Lớp lời văn phong cách hóa
- Khác với lời văn trung tính, khách quan của các thể loại lịch sử, báo chí,

khoa học, lời văn của kí là lời văn nghệ thuật, có tính lạ hóa, có giọng điệu cảm
xúc và sự xuất hiện của nhiều thủ pháp từ chương: ẩn dụ, so sánh, trùng điệp,
khoa trương, mỉa mai, giễu nhại
2.4. Sự tương tác giữa các mã
2.4.1. Sự chế định, hỗ trợ lẫn nhau của mã sự thật và mã nghệ thuật
Trong các tác phẩm kí, mã thể loại ngoài nghệ thuật và mã thể loại nghệ
thuật tương tác, đan cài, ràng buộc lẫn nhau. Trong cấu trúc của kí, có sự tồn tại
của mã nghệ thuật, nhưng mã nghệ thuật này lại chịu sự chi phối của mã ngoài
nghệ thuật, nên mọi yếu tố nghệ thuật đều bị co lại theo một khung khổ nhất
định. Sự trói buộc của mã sự thật đối với mã nghệ thuật khiến cho các tác phẩm
kí khó có thể tiến tới một trạng thái bị phân rã, phi kết cấu như các thể loại văn
học nghệ thuật khác. Ngược lại, mã nghệ thuật lại khiến cho mã sự thật trở nên
uyển chuyển, linh hoạt, hấp dẫn. Nếu ngôn ngữ sự thật khiến cho kí có khả
năng can dự trực tiếp vào đời sống xã hội, trở thành thể loại tiên phong trong
văn học nói riêng và đời sống văn hóa nói chung, thì ngôn ngữ nghệ thuật lại
khiến cho kí là hình thức lời nói vòng vo, gián tiếp, đầy ẩn ý, nhờ thế mà có thể
luồn lách để thoát khỏi vòng kim cô của kiểm duyệt. Sự hòa trộn, chế định, hỗ
trợ lẫn nhau của hai mã này đã tạo nên cho kí một chiến lược phát ngôn đầy sức
mạnh so với các thể loại văn học và các diễn ngôn sự thật khác.
2.4.2. Sự tương tác giữa mã sự thật và mã nghệ thuật trong thực tiễn
sáng tác kí
11
Quan sát thực tiễn sáng tác kí Việt Nam, có thể nhận thấy, trong quá trình
phát triển của kí, mã sự thật thường chiếm vị trí ưu trội trong những giai đoạn
mở đầu của nền văn học, mã nghệ thuật thường lấn át trong những giai đoạn kết
tinh của một nền văn học. Các thể loại kí có thiên hướng sử dụng mã sự thật
thường nở rộ trong những môi trường văn hóa tương đối dân chủ và mở rộng.
Trong những môi trường văn hóa mà tính chất dân chủ bị hạn chế, thì mã nghệ
thuật lại là thứ ngôn ngữ chiếm vị trí ưu trội trong các sáng tác kí. Mặt khác, mã
thể loại của kí chịu sự chi phối của những thể loại lời nói phổ biến trong một

nền văn hóa (kí trung đại chịu sự chi phối của diễn ngôn lịch sử, kí hiện đại lại
chịu ảnh hưởng của diễn ngôn báo chí, khoa học).
CHƯƠNG 3: MÃ TƯ TƯỞNG HỆ VÀ SỰ VẬN ĐỘNG,
PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC KÍ
3.1. Khái niệm tư tưởng hệ, mã tư tưởng hệ
- Tư tưởng hệ: hệ thống những quan điểm, thái độ, niềm tin chung cho một
nhóm người, mang tính chất trấn áp, được khách quan hóa bằng một bức tranh
thế giới, một khuôn mẫu biểu hiện của chủ thể.
- Mã tư tưởng hệ: nguyên tắc xác lập mối quan hệ của một nhóm chủ thể
với thực tại đời sống, nằm trong cấu trúc văn hóa của một thời đại, một cộng
đồng.
3.2. Mã tư tưởng hệ và đặc trưng của văn học kí
3.2.1. Cái tôi chứng kiến như một vai phát ngôn mang giá trị phổ quát
Cái tôi chứng kiến trong kí không phải chỉ phát biểu dưới tư cách cá nhân
mà thường nhân danh một lớp người, một cộng đồng, một thời đại, một nền văn
hóa. Trong mỗi thời đại, mỗi nền văn hóa, lại có một vai phát ngôn được công
nhận. Chủ thể của diễn ngôn sự thực trong kí buộc phải khuôn theo những vai
phát ngôn này, nếu không, tiếng nói của anh ta sẽ không được công nhận là hợp
thức (thời trung đại, chỉ sử gia mới có quyền lên tiếng về sự thật, thời hiện đại,
đó là nhà báo, nhà khoa học ). Vai phát ngôn xã hội này sẽ qui định góc nhìn
12
thế giới, lập trường phát ngôn của chủ thể trần thuật trong kí, thể hiện tiếng nói
của một nhóm người trong xã hội.
3.2.2. Bức tranh đời sống xác thực như một mô hình thế giới khái quát
Các sáng tác kí xuất hiện trong cùng một thời đại, một không gian văn hóa,
lại có một mô hình thế giới chung. Kí trung đại thường miêu tả một thế giới cao
cả, linh thiêng. Phóng sự 1930-1945 lại thường miêu tả một bức tranh thế giới
đang đến hồi mạt vận. Kí 1945-1975 lại thường tái hiện thế giới như một thiên
đường tràn đầy sức sống. Mô hình thế giới này thể hiện lăng kính quan sát thế
giới chung cho cả cộng đồng. Khi sáng tác, các nhà viết kí không chỉ mô tả đời

sống từ góc nhìn cá nhân, mà thực chất bị qui ước bởi lăng kính cộng đồng đó.
Trong những bức tranh thế giới đối lập được kiến tạo nên trong cùng một thời
đại, ta có thể nghe thấy sự va xiết, tranh biện của những tư tưởng hệ và cuộc
đụng độ của những quyền lực ngầm ẩn trong xã hội.
3.2.3. Nghĩa mở rộng trong văn học kí
Khi đặt kí trong bối cảnh văn hóa của nó, bao giờ ta cũng thấy có một lớp
nghĩa dôi ra khỏi nghĩa đen, nghĩa chỉ vật và nghĩa nghệ thuật. Chỉ có thể tìm ra
ý nghĩa ấy dựa trên mã văn hóa của một thời đại. Chúng tôi gọi lớp nghĩa này là
nghĩa bóng, nghĩa mở rộng, nghĩa phái sinh. Ngoài nội dung ghi chép các sự
kiện có thật, kí trung đại còn ca ngợi công đức, luân lí, các phóng sự 1930-1945
còn có ý nghĩa thể hiện khát vọng lật đổ trật tự xã hội hiện tồn Tuy nhiên, vấn
đề này rất rộng lớn mà chắc chắn không thể giải quyết triệt để trong khuôn khổ
luận án này.
3.3. Sự tác động của mã tư tưởng hệ với thực tiễn sáng tác văn học kí
3.3.1. Mã tư tưởng hệ và sự biến đổi của diễn ngôn sự thực trong văn
học kí qua các thời đại.
Trong lịch sử phát triển của kí, ở mỗi giai đoạn, dưới sự chi phối của
những mã tư tưởng hệ khác nhau, ta lại thấy nổi lên một mô hình sự thật khác
nhau, một lập trường khác nhau của chủ thể trần thuật, một lớp nghĩa mở rộng
khác nhau. Trong thời trung đại, mô hình sự thật- huyền thoại là mô hình sự
thật chiếm vị thế ưu trội. Hệ tư tưởng tôn giáo là mã tư tưởng hệ chi phối việc
13
kiến tạo sự thực trong kí. Đến thời hiện đại, lại thấy nổi lên mô hình sự thật về
thế sự, dân sinh (trong các phóng sự tả chân); và mô hình sự thật đời tư, nội tâm
(trong các tản văn, tùy bút, tạp bút). Tư tưởng hệ nhân văn chủ nghĩa lấy con
người làm trung tâm để cắt nghĩa thế giới là nền tảng của diễn ngôn sự thật
trong kí.
3.3.2. Mã tư tưởng hệ và sự khác biệt của diễn ngôn về sự thực trong
văn học kí qua các không gian văn hóa.
Các sáng tác kí ở cùng một thời đại, một nền văn hóa, song trong những

không gian văn hóa khác nhau, dưới sự chi phối của những mã tư tưởng hệ khác
nhau, lại có những mô hình thế giới, ý thức chủ thể khác nhau, đại diện cho
những tiếng nói quyền lực khác nhau. Các tác phẩm kí hình thành ở khu vực
quan phương, chính thống thường chịu sự chi phối của mã tư tưởng hệ quốc
gia, dân tộc, tôn giáo, vì thế mà bức tranh thế giới mà nó tạo nên là một bức
tranh thiêng liêng, cao cả, sự thật được miêu là sự thật mang đậm tính huyền
thoại. Trong các tác phẩm kí loại này, người ta thấy vang lên một tiếng nói đầy
quyền uy “giữ trật tự từ bên trên”. Ngược lại, các tác phẩm kí hình thành ở khu
vực ngoại vi, phi quan phương lại thường chịu sự chi phối của mã tư tưởng hệ
cá nhân, vì thế, bức tranh thế giới được kiến tạo nên là một bức tranh thế giới
hỗn loạn, phi trật tự, đang tha hóa, cái huyền thoại bị giải thiêng. Đó là sự thể
hiện của một tiếng nói phản kháng từ bên dưới, nhằm thay đổi trật tự xã hội.
Hai không gian văn hóa- tư tưởng hệ, hai tiếng nói quyền lực này vừa đồng
tồn tại, vừa xung đột lẫn nhau. Sự đồng tồn tại và xung đột lẫn nhau của
những mã tư tưởng hệ khác nhau này là phương thức tồn tại của tất cả các
nền văn học, văn hóa. Chính sự đan xen, tranh biện của những tư tưởng hệ
khác nhau này đã tạo nên những diễn ngôn về sự thực khác nhau.
14
CHƯƠNG 4: KÍ VIỆT NAM 1945-1975
NHƯ MỘT LÁT CẮT LỊCH SỬ
4.1. Mã thể loại trong văn học kí 1945-1975
4.1.1. Sự vắng bóng của phóng sự và sự lên ngôi của kí sự, tùy bút, bút
kí, truyện kí
Phóng sự từng là một thể loại chiếm vị thế ưu trội trên văn đàn Việt Nam
những năm 1930-1945, song sang đến thời kì này, số lượng phóng sự khá ít ỏi,
các phóng sự thường bị kí sự hóa, bút kí hóa. Trong văn học các đô thị miền
Nam, phóng sự chiến tranh phát triển mạnh, tuy nhiên lại thường không được
nhắc đến, hoặc bị phê phán, phủ định. Ngược lại, kí sự, tùy bút, truyện kí lại
chiếm một số lượng rất lớn, hơn 90% các sáng tác kí. Sự vắng bóng của phóng
sự là do sự vênh lệch của nó so với mã thể loại và mã tư tưởng hệ của văn học

giai đoạn này
4.1.2. Sự nhạt dần của mã sự thật và sự gia tăng của yếu tố nghệ thuật
trong kí.
Vào những năm đầu kháng chiến chống Pháp, thể loại kí sự phát triển
mạnh. Đến những năm 1960, bút kí, tùy bút đạt được thành tựu rực rỡ. Những
năm 1965-1970 là giai đoạn kết tinh của thể loại truyện kí. Từ thực tiễn này, có
thể thấy qui luật vận động của mã thể loại: càng về cuối tiến trình phát triển của
kí, mã nghệ thuật càng chiếm vị trí ưu trội, kí vì thế có thể nói, là sự chuẩn bị
cho sự ra đời của truyện ngắn, tiểu thuyết.
4.2. Tư tưởng hệ quốc gia và hệ thống chủ đề
- Trên cơ sở khảo sát vai trò, địa vị của kí trong văn học Việt Nam 1945-
1975, có thể nhận thấy, trong giai đoạn này, kí trở thành một nhân vật trung tâm
của đời sống văn học, văn hóa.
- Sự dịch chuyển của kí từ khu vực ngoại vi, bàng biên đến khu vực trung
tâm của một nền văn hóa, trước hết, đã dẫn đến sự thay đổi của mã tư tưởng hệ
trong các diễn ngôn kí. Nếu như trước năm 1945, kí thể hiện tiếng nói của
những bộ phận ngoại vi, bên lề, có xu hướng phản kháng, lật đổ trật tự thế giới
cũ, thì kí 1945-1975 đại diện cho tiếng nói của cộng đồng, của quốc gia, dân
15
tộc, tiếng nói của người chiến thắng. Sự thay đổi tư tưởng hệ này đã chi phối ý
thức của chủ thể phát ngôn, cách thức miêu tả thế giới, tạo nên một hệ thống
các chủ đề phổ biến cũng như những vùng cấm kị trong các tác phẩm kí thời kì
này, hay nói cách khác, tạo nên một mô hình sự thật mới so với kí giai đoạn
trước.
Hệ tư tưởng quốc gia, dân tộc chi phối toàn bộ diễn ngôn của thời đại, tạo
nên những chủ đề phổ biến, xuyên suốt trong tất cả các diễn ngôn chính trị, lịch
sử, văn học nghệ thuật thời kì này, đồng thời vạch ra những vùng cấm kị, những
sự thật không được phép cất tiếng. Trở đi trở lại và bao trùm lên phần lớn các
tác phẩm kí nói riêng cũng như văn học nghệ thuật nói chung là ba chủ đề lớn:
con người mới, thời đại mới và kháng chiến nhất định thắng lợi.

Những chủ đề phổ biến này đã tạo nên một hệ thống những biểu tượng
thịnh hành trong thời đại, những công thức ước lệ để miêu tả thế giới cũng như
biểu hiện cảm xúc của chủ thể.
4.3. Tổ chức văn bản theo nguyên tắc huyền thoại hóa
4.3.1. Công thức hóa nhân vật thành những cổ mẫu
Thế giới nhân vật trong kí 1945-1975 tuy đa dạng nhưng khá thống nhất
Trong khi mô tả những con người cụ thể của thời đại, kí có xu hướng biến nó
thành những kiểu mẫu, bằng cách qui chiếu nó với những hình tượng sơ khởi
trong tư duy của nhân loại. Các chi tiết xác chỉ về nhân vật trở thành một lớp kí
hiệu được xếp chồng lên một lớp kí hiệu thứ hai- lớp cổ mẫu huyền thoại.
Con người mới- anh hùng
- Đứng ở vị trí trung tâm của kí giai đoạn này là kiểu nhân vật con người
mới: đó là người chiến sĩ trong cuộc đấu tranh với kẻ thù xâm lược và người lao
động trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo chúng tôi, kiểu nhân vật
này thực chất là sự tái sinh của những huyền thoại về người anh hùng, những
con người có sức mạnh phi thường trong quá trình chinh phục tự nhiên và chiến
đấu với cái ác, nhằm tạo lập một thế giới mới và bảo vệ sự sống con người trên
trái đất.
Dựa vào khả năng biểu đạt và thuyết phục của huyền thoại, kí đã hợp thức
hóa sứ mệnh và địa vị của con người mới- một hình ảnh được tạo dựng nên
16
trong các diễn ngôn chính trị. Bằng hình thức xác chỉ- người thật việc thật, kí
khiến cho hình mẫu con người mới- một ý niệm trừu tượng trong diễn ngôn
chính trị có được một hình hài sống động, cụ thể, mang tính thời sự và đầy khả
năng biểu cảm. Tuy nhiên, hình thức xác chỉ, cụ thể này lại dễ làm cho hình
mẫu con người mới mà nó mô tả trở thành ngẫu nhiên, cá biệt, trong khi diễn
ngôn chính trị lại có tham vọng biến cái cá biệt và ngẫu nhiên thành những hình
mẫu khái quát, có sức rung động mạnh mẽ. Vì thế, lựa chọn phương thức huyền
thoại hóa là con đường tất yếu của các nhà viết kí để vừa đảm bảo tính thời sự
và thuyết phục của hình tượng, vừa khiến cho hình tượng có một sức sống vượt

thời đại.
Kẻ thù- ác quỉ
Nếu như toàn bộ các nhân vật chiến sĩ trong kí 1945-1975 là sự tái sinh lớp
huyền thoại về người anh hùng thì nhân vật kẻ thù là sự phục hồi lớp huyền
thoại về ác quỉ. Tất cả các nhân vật đều được công thức hóa, ước lệ hóa một
cách cao độ. Mọi chi tiết miêu tả nhân vật đều nhằm làm nổi bật chức năng của
loại nhân vật này: vật cản trở, kẻ hủy diệt sự sống. Những công thức, ước lệ này
cũng rất phổ biến trong văn học Việt Nam, văn học Trung Quốc, Liên Xô.
Mặt khác, ý đồ huyền thoại hóa kẻ thù trong các diễn ngôn chính trị thời
kì này đã mở đường cho sự tái sinh, lưu hành của lớp huyền thoại về ác quỉ
trong các tác phẩm văn học nói chung và sáng tác kí nói riêng. Trong các diễn
ngôn chính trị, kẻ thù cũng thường xuyên bị phi nhân hóa, cường điệu hóa, bị
tước mất tiếng nói và bị công thức hóa một cách cao độ. Bằng cách huyền thoại
hóa phe đối lập thành một thế lực ma quỉ và ác thú- những kẻ thù truyền kiếp
của con người tự thuở sơ khai, các sáng tác kí đã đánh thức nỗi khiếp sợ và căm
ghét đã tích đọng hàng ngàn năm trong vô thức tập thể của con người, và vì thế
có một khả năng tác động mạnh mẽ đến công chúng.
Lãnh tụ- thần thánh
Trong thế giới nhân vật của kí 1945-1975, có thể nói, hình tượng lãnh tụ là
hình tượng được ước lệ hóa và công thức hóa một cách cao độ nhất. Các nhà
viết kí đã sử dụng một loạt những biện pháp tu từ, những cách thức diễn đạt,
kho từ vựng giống nhau để miêu tả lãnh tụ. Những công thức miêu tả này có xu
17
hướng biến Hồ Chí Minh, nhân vật có thật trong lịch sử thành bậc tiên tổ, đấng
tối cao, người phù trợ, người khai sáng, nói cách khác, thành một nhân vật thần
thánh siêu lịch sử.
* Việc công thức hóa nhân vật thành các cổ mẫu thể hiện nguyên tắc xây
dựng nhân vật rất đặc trưng của loại văn bản tuần hoàn: nguyên tắc đồng nhất,
đập nhập làm một các nhân vật. Thế giới nhân vật tưởng chừng vô cùng đa
dạng trong các tác phẩm kí, thực ra, lại là một thế giới đơn giản, mạch lạc, có

trật tự, bởi nó được đồng nhất vào một số những cổ mẫu hữu hạn. Các nhân vật
của thời hiện tại được chồng xếp, lồng ghép vào những hình tượng của quá khứ,
chính vì thế, trong khi ghi chép về những sự kiện thời sự, kí có xu hướng quay
trở lại với cái khởi nguyên, biến hiện tại thành quá khứ vĩnh viễn. Bằng cách
phục hưng lại những cổ mẫu, huyền thoại, cổ tích trong truyền thống văn hóa,
văn học kí thời kì này đã tăng thêm sức mạnh thuyết phục của lời nói, khiến cho
những diễn ngôn về con người mới, thời đại mới của thời đại mới trở thành lời
phán quyết chân lí đầy quyền uy.
4.3.2. Qui phạm hóa sự kiện lịch sử thành những nghi thức
Khi nghiên cứu các tác phẩm kí 1945-1975, có thể nhận thấy, dù trần thuật
về các sự kiện lịch sử khác nhau, song các tác phẩm lại được kết cấu theo
những cách thức tương đối giống nhau, tuân theo một trình tự khá bất biến và
có thể đoán định trước mà chúng tôi gọi là nghi thức. Việc qui phạm hóa các sự
kiện lịch sử thành nghi thức khiến cho các tác phẩm kí thời kì này mang đặc
trưng của loại văn bản tuần hoàn- văn bản huyền thoại. Nếu gạt bỏ lớp kí hiệu
bên ngoài là những thông tin thời sự và xác chỉ, ta có thể nhận ra những mô
hình cốt truyện bất biến- hạt nhân cấu trúc căn bản của hầu hết các sáng tác kí
giai đoạn này: cốt truyện về sự hồi sinh và cốt truyện về sự khải hoàn. Hai mô
hình cốt truyện nguyên mẫu này đã tái hiện các sự kiện lịch sử thành những
nghi thức bất biến.
Nghi thức tái sinh
Hầu như tất cả các sự kiện trong kí thời kì này đều được kết cấu thành cốt
truyện về sự hồi sinh. Trong mô hình cốt truyện về sự hồi sinh, các sự kiện
được sắp xếp theo chu trình biến đổi từ cái chết sang sự sống, từ bóng tối ra ánh
18
sáng, từ nô lệ đến tự do, từ hỗn độn sang trật tự. Quá khứ thường được đồng
nhất với cái chết, bóng tối, nô lệ, hỗn mang. Hiện tại được miêu tả như sự vươn
dậy của một sức sống dồi dào, mãnh liệt. Và tương lai được hình dung như sự
trưởng thành đầy viên mãn của thiên nhiên và con người. Tiến trình lịch sử
trong các tác phẩm kí, vì thế bị gạt bỏ tất cả tính chất ngẫu nhiên, bộn bề, mà

trở thành một tiến trình tất yếu. Toàn bộ tiến trình lịch sử được đồng nhất với
quá trình cách mạng, với sự khởi đầu và kết thúc đã được đoán định trước. Các
sự kiện lịch sử vốn không có qui luật, được qui về một bản chất bất biến, thành
một cái gì rất đỗi tự nhiên và không thể chối cãi.
Bằng cách làm sống lại những nghi thức về sự tái sinh và những cổ mẫu về
sự sống và cái chết trong văn hóa dân gian, các tác phẩm kí đã biến thời gian
lịch sử mà nó miêu tả thành thời quá khứ thiêng liêng, thời của những khởi
nguồn. Bằng cách viện đến quyền lực ngầm ẩn trong các nghi thức cổ sơ, nó
chứng minh tính chất không thể đảo ngược của tiến trình chuyển đổi từ cái chết
sang sự sống, và bởi vậy chứng minh sự màu nhiệm của cách mạng. Những lớp
huyền thoại nằm ẩn mình bên trong kết cấu của các tác phẩm kí đã mang lại cho
nó một khả năng biểu đạt và sức thuyết phục mạnh mẽ.
Nghi thức khải hoàn:
Nếu cốt truyện về sự hồi sinh là sự phục dựng lại mô hình cốt truyện thần
thoại, mà hạt nhân của nó là sự chuyển đổi trạng thái từ cái chết sang sự sống,
từ bóng tối ra ánh sáng, từ nô lệ đến tự do, từ hỗn mang sang trật tự, thì cốt
truyện về sự khải hoàn được khai triển dựa theo mô hình của truyện cổ tích, trên
cơ sở sự đối lập của hai tuyến thiện ác. Hạt nhân cấu trúc nên mô hình cốt
truyện này là mô tip thử thách/ vượt thử thách/ chiến thắng. Diễn biến của chuỗi
sự kiện theo tiến trình hướng tới sự chiến thắng được thể hiện rất rõ trong kết
cấu các tác phẩm kí. Các tác phẩm thường mở đầu bằng một tình thế đầy thử
thách, trong đó phe địch luôn ở tư thế áp đảo, phe ta phải đối mặt với một loạt
các khó khăn. Cách mở đầu này tạo nên một tình huống đầy kịch tính. Các chi
tiết được miêu tả nhằm làm nổi bật một không khí được nén lại tới mức căng
thẳng. Toàn bộ cốt truyện là hành trình vượt thử thách của ta. Kết thúc tác
phẩm bao giờ cũng là một kết thúc có hậu, nhân vật chính vượt qua thử thách,
19
giành được chiến thắng, nhận được sự tôn vinh của cộng đồng. Kết cấu này
được thể hiện rất rõ qua những tác phẩm được coi là “kinh điển” của kí thời kì
này.

Việc kết cấu cốt truyện theo nghi thức khải hoàn, thực chất, là sự triển khai
một trong những chủ đề phổ biến của văn học nghệ thuật thời kì này, chủ đề
kháng chiến nhất định thắng lợi đã được khơi nguồn từ các diễn ngôn chính trị.
Để hợp thức hóa một ý niệm chính trị, kí đã tìm đến hình thức biểu đạt của
huyền thoại. Cách kết cấu này tạo nên một câu chuyện khác chìm sâu bên dưới
lớp truyện về người thực việc thực, về các sự kiện thời sự của thời đại: câu
chuyện huyền thoại về người anh hùng chiến trận, huyền thoại về chiến tranh.
Bằng cách lồng ghép hai câu chuyện này vào nhau, các tác phẩm kí đã làm sống
dậy những cổ mẫu nguyên thủy, những hình tượng đầy sức mạnh của huyền
thoại, và vì thế, nó có một sức thuyết phục vô song và một ma lực hấp dẫn đối
với hàng triệu triệu người đọc đương thời.
*Việc mô tả và kết cấu sự kiện theo những nghi thức đã khiến cho những
yếu tố ngẫu nhiên của đời sống bị loại sạch khỏi tiến trình cốt truyện. Lịch sử,
vì thế được mô tả như một tiến trình tất yếu hướng tới sự sống, ánh sáng, chiến
thắng. Cách kết cấu này thực chất là phương thức để huyền thoại hóa những
chủ đề phổ biến trong các diễn ngôn chính trị, lịch sử, văn học thời kì này. Dựa
vào sức mạnh của huyền thoại, kí có được một khả năng cổ vũ, lôi cuốn rất
mạnh mẽ đối với người đọc, trở thành một vũ khí sắc bén hỗ trợ đắc lực cho
cuộc kháng chiến, và như thế, nó là tiếng nói giữ trật tự từ bên trên trong không
gian văn hóa quan phương, chính thống của thời đại.
4.2.3. Tổ chức ngôn từ theo thể thức tụng ca
Nếu như kí 1930-1945 thường được tổ chức theo thể giễu nhại, châm biếm
thì các văn bản kí 1945-1975 lại được thường kiến tạo theo thể thức tụng ca.
Các thủ pháp nhại, châm biếm, giọng điệu phê phán, điều trần gần như vắng
bóng, và thay vào đó là sự lên ngôi của các thủ pháp khoa trương, trùng điệp,
giọng ca ngợi, biểu dương. Hình thức tổ chức ngôn từ này đã kiến tạo nên một
thực tại cao cả, thiêng liêng, và đứng trước thực tại thiêng liêng ấy, chủ thể diễn
ngôn sự thực trong kí thường phải giữ một thái độ ngưỡng vọng, thành kính.
20
Thể thức tụng ca đã khiến cho thế giới sự thật được miêu tả trong kí trở thành

một quá khứ vĩnh viễn, mang đậm màu sắc huyền thoại.
Thủ pháp trùng điệp được sử dụng với một tần suất rất cao trong sáng tác
kí thời kì này, đặc biệt là trong các bút kí, tùy bút mang đậm chất trữ tình.
Trùng điệp khiến cho cảm xúc được nhân lên gấp bội, vì vậy nó được sử dụng
như một vũ khí sắc bén để biểu đạt cảm xúc. Thậm chí, ngay trong những đoạn
văn tự sự, và miêu tả, thủ pháp trùng điệp cũng thường xuyên được sử dụng,
khiến cho các hình ảnh, sự vật trở nên nhòe mờ, làm nổi bật phương diện biểu
cảm của lời văn.
Thủ pháp khoa trương cũng là một thủ pháp tu từ được sử dụng phổ biến
trong các tác phẩm kí, dù trong tuyên ngôn lý thuyết, người ta vẫn cho rằng kí
“phản ánh trung thực và khách quan” sự thật.
Hình thức câu văn cảm thán và các thán từ, tình thái từ biểu đạt cảm xúc
(ôi chao, ôi, chao ôi, hoan hô, xiết bao, biết mấy ) ngưỡng mộ, ngợi ca cũng
xuất hiện với một tần số cao, tạo nên âm hưởng nhiệt thành, thống thiết, khiến
cho các trang tùy bút, kí sự, truyện kí mang đậm màu sắc của thể loại tụng ca.
Tất cả những yếu tố này đã khiến cho lời văn nghệ thuật của kí thời kì này là lời
xưng tụng, là tiếng hô vang nơi quảng trường, là lời hiệu triệu, kêu gọi giữa
đám đông. Bởi thế, thể loại kí nói riêng và văn học thời kì này nói chung
thường được sử dụng như một vũ khí sắc bén trên mặt trận văn nghệ.
KẾT LUẬN
1. Quan niệm về kí như một loại hình văn học có chức năng ghi chép các
sự thật đời sống đã xuất hiện từ rất sớm trong văn học trung đại Việt Nam, song
phải đến những năm 1945-1975, dưới ảnh hưởng của lí luận văn học Liên Xô,
những quan niệm này mới được phát triển thành một hệ thống lý thuyết về thể
loại. Hạt nhân của hệ thống lí thuyết này là quan điểm cho rằng: xác thực và ghi
chép người thực việc thực là nguyên tắc tối cao của kí. Tuy nhiên, khi đối chiếu
với thực tiễn sáng tác rất đa dạng, phong phú của thể loại, thì hệ thống lý thuyết
này đã bộc lộ một số điểm bất cập và mâu thuẫn, dẫn đến những cuộc tranh
21
luận nghệ thuật quyết liệt, đặc biệt là hai cuộc tranh luận về phóng sự và tiểu

thuyết tả chân của Vũ Trọng Phụng những năm 1930-1945 và cuộc tranh luận
về kí những năm 1960. Thực tế ấy đòi hỏi phải có một mô hình lí thuyết mới để
tiếp cận loại hình văn học kí và tiếp cận văn học kí từ góc độ lý thuyết diễn
ngôn là một trong những hướng nghiên cứu có khả năng giải quyết được những
vấn đề đặt ra từ thực tiễn sáng tác ấy.
2. Khái niệm diễn ngôn tuy xuất hiện từ sớm, song đến thế kỉ XX, trong
bước chuyển biến quan trọng của hệ hình lý thuyết mà giới học giả thường gọi là
khúc ngoặt ngôn ngữ, nó mới trở thành một thuật ngữ mang tính chất chìa khóa
của hầu hết các trường phái lý thuyết khoa học xã hội và nhân văn, là trung tâm
điểm của một mô hình nghiên cứu văn học, văn hóa hoàn toàn mới. Lý thuyết
diễn ngôn tuy rất phức tạp, bao trùm nhiều lĩnh vực, song có thể nói, có cội
nguồn sâu xa từ các trước tác của ba học giả nổi tiếng: F.de Sausure, M.Bakhtin,
M.Foucault. Từ ba cội rễ này, lý thuyết diễn ngôn tỏa ra ba hướng chính: hướng
nghiên cứu diễn ngôn như một cấu trúc ngôn ngữ tĩnh tại, bất biến, hướng nghiên
cứu diễn ngôn như một lời nói- tư tưởng hệ, và hướng tiếp cận diễn ngôn như
một công cụ để kiến tạo tri thức và thực hành quyền lực. Trên cơ sở tiếp thu,
tổng hợp những quan điểm này, chúng tôi xác định: diễn ngôn là một cơ chế kiến
tạo văn bản chịu sự chi phối của những mã văn hóa, trên cơ sở đó, đề xuất mô
hình nghiên cứu diễn ngôn dựa trên mã thể loại và mã tư tưởng hệ.
3. Dựa trên mô hình nghiên cứu này, chúng tôi xác định đặc trưng của thể
loại kí như một kiểu diễn ngôn về sự thực. Là một kiểu diễn ngôn về sự thực, kí
có mối quan hệ mật thiết với các diễn ngôn sự thực khác, đồng thời, chịu ảnh
hưởng của tri thức hệ, khung văn hóa của một thời đại, một nền văn hóa. Trên
cơ sở hai hạt nhân cấu trúc là mã thể loại và mã tư tưởng hệ, chúng tôi khảo sát
đặc trưng của văn học kí, nhằm chỉ ra những phương diện mang tính chất ổn
định và cơ chế của sự biến đổi của kí trong lịch sử.
Chúng tôi cho rằng, kí là loại hình văn học có mã thể loại kép: vừa chịu sự
chi phối của những mã ngoài nghệ thuật, vừa chịu sự chi phối của mã thể loại
nghệ thuật. Mã thể loại ngoài nghệ thuật đã khiến cho trong bộ khung cấu trúc
của kí có tồn tại những mã thể loại biên niên, kỉ truyện, khảo cứu của lịch sử,

22
mã thể loại điều tra của báo chí, các thủ pháp biểu đạt sự thật của các loại hình
tư liệu. Mã thể loại nghệ thuật lại khiến cho các sự kiện trong kí được tổ chức
thành một khung truyện kể, có một câu chuyện, một ý nghĩa thống nhất, các
nhân vật, sự kiện được khắc họa sinh động bằng các chi tiết, các đoạn miêu tả
chân dung, phong cảnh , lời văn của kí là lời văn nghệ thuật được lạ hóa, có
một giọng điệu cảm xúc riêng, tất cả những yếu tố làm nên sức sống, sức hấp
dẫn và giá trị lâu bền của kí. Hai mã thể loại này đan cài, hòa quyện và chi phối
lẫn nhau, khiến cho kí trở thành một hình thức văn học trung gian có một kết
cấu rất độc đáo.
Mặt khác, diễn ngôn về sự thật trong kí còn không ngừng biến đổi theo sự
biến đổi của mã tư tưởng hệ, bởi mã tư tưởng hệ có vai trò chi phối đối với mọi
yếu tố thuộc về chủ thể diễn ngôn, qua đó, tác động đến nguyên tắc tổ chức văn
bản trong kí. Sự thay đổi của mã tư tưởng hệ là căn nguyên dẫn đến sự biến đổi
của các loại hình lịch sử kí.
4. Dựa trên mô hình lý thuyết mới đã được trình bày ở các chương3 trong
chương 4, chúng tôi đi vào khảo sát các đặc điểm cũng như qui luật phát triển
của kí trong giai đoạn 1945-1975, vì đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của kí
cả trên thực tiễn sáng tác cũng như trên phương diện lý thuyết thể loại. Áp dụng
mô hình nghiên cứu kí từ góc độ lý thuyết diễn ngôn, chúng tôi đã rút ra một số
những luận điểm mới về kí giai đoạn này.
Trước hết, dựa trên mã thể loại, có thể lí giải được qui luật vận động của kí
giai đoạn này: từ kí sự đến truyện kí và sự vắng bóng của phóng sự như một qui
luật tất yếu.
Thứ hai, nếu như kí 1930-1945 phần lớn được nảy sinh từ khu vực ngoại
vi, bàng biên của một nền văn hóa, thì sau năm 1945, đã có sự dịch chuyển của
kí từ vị trí ngoại biên sang không gian trung tâm, quan phương, chính thống.
Nảy sinh ở không gian này, hạt nhân của kí là hệ tư tưởng quốc gia, dân tộc. Hệ
tư tưởng quốc gia, dân tộc này đã tạo nên một số những mô típ chủ đề nhất định
phổ biến trong tất cả các diễn ngôn chính trị, lịch sử, văn học nghệ thuật thời kì

này như con người mới, thời đại mới, kháng chiến nhất định thắng lợi. Hệ thống
các chủ đề phổ biến này lại tạo nên một loạt các biểu tượng, ước lệ, tạo thành
23
những điển phạm trong các sáng tác kí thời kì này. Chúng trở thành những bộ
lọc, những rào cản có chức năng thanh lọc, loại trừ những biểu tượng, cách diễn
đạt khác, khiến cho các diễn ngôn thời kì này dường như được che phủ trong
một bộ lễ phục ngôn từ. Dưới sự chi phối của hệ tư tưởng quốc gia, dân tộc, các
văn bản kí thường được tổ chức theo nguyên tắc huyền thoại hóa, thế giới nhân
vật của kí tuy đa dạng, phong phú song đều được công thức hóa thành những cổ
mẫu: anh hùng, ác quỉ, thần thánh; các sự kiện lịch sử được lược qui thành
những nghi thức bất biến: nghi thức về sự tái sinh, nghi thức về sự khải hoàn;
ngôn từ trong kí thường được tổ chức theo thể thức tụng ca, trong đó khoa
trương và trùng điệp được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật để làm nổi bật
tính chất cao cả, thiêng liêng của thế giới được miêu tả và thái độ biểu dương,
ngưỡng mộ của chủ thể phát ngôn. Những cổ mẫu, nghi thức, hình thức tổ chức
ngôn từ này một mặt, là sự phục sinh của những yếu tố thiêng liêng, đầy sức
mạnh trong huyền thoại và nghi lễ, một mặt là sự khai triển của những chủ đề
thời sự của thời đại như: con người mới, thời đại mới, kháng chiến nhất định
thắng lợi. Bằng cách huyền thoại hóa các sự kiện, nhân vật có thật , những vấn
đề thời sự của thời đại, các sáng tác kí giai đoạn này đã biến thời hiện tại thành
quá khứ thiêng liêng, vĩnh hằng, và làm vang lên một tiếng nói đầy uy quyền-
tiếng nói “giữ trật tự từ bên trên”. Sức mạnh của huyền thoại đã khiến cho diễn
ngôn sự thực trong kí có một sức thuyết phục vô song, làm rung động hàng
triệu con tim độc giả một thời.
5. Mô hình nghiên cứu văn học từ góc độ diễn ngôn tuy không còn xa lạ với
giới nghiên cứu phương Tây, song ở Việt Nam, đây vẫn là một hướng nghiên
cứu mới mẻ và hứa hẹn nhiều triển vọng. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu kí,
cách tiếp cận này cũng gợi nên rất nhiều vấn đề đáng lưu tâm mà trong khuôn
khổ của luận án, chúng tôi chưa thể giải quyết như: đặc điểm cũng như qui luật
hình thành và phát triển của kí Việt Nam sau 1986, kí trong văn học các đô thị

miền Nam từ năm 1954-1975, các tác phẩm du kí đầu thế kỉ XX Chúng tôi hi
vọng sẽ có thể khảo sát kĩ hơn những vấn đề này trong các công trình tiếp theo.
24

×