VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN MINH TUẤN
PHÁP LUẬT VỀ THU HỒI ĐẤT
VÌ MỤC ĐÍCH KINH TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
HÀ NỘI - 2013
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN MINH TUẤN
PHÁP LUẬT VỀ THU HỒI ĐẤT
VÌ MỤC ĐÍCH KINH TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Chuyên ngành: Luật Kinh tế
Mã số: 60 38 50
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS PHẠM HỮU NGHỊ
HÀ NỘI - 2013
MỤC LỤC
VIỆN HÀN LÂM 1
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 1
VIỆN HÀN LÂM 1
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 1
MỞ ĐẦU 3
1
LỜI CẢM ƠN
Lời cảm ơn đầu tiên tôi xin trân trọng gửi tới thầy giáo hướng dẫn của
tôi – PGS.TS Phạm Hữu Nghị, người đã hết lòng hướng dẫn cho tôi trong
quá trình thực hiện và hoàn thành luận văn này.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các thầy, cô đã cung cấp cho tôi
kiến thức bổ ích trong quá trình học tập, nghiên cứu tại Học viện Khoa học
xã hội để giúp tôi hoàn thiện luận văn này.
Xin cảm ơn những người bạn, đồng nghiệp và gia đình nhỏ bé của tôi đã
đã luôn động viên khích lệ, giúp đỡ tôi trong quá trình nghiên cứu, thu thập
tài liệu và tạo điều kiện để tôi hoàn thành luận văn của mình.
Hà Nội, tháng 9 năm 2013
Tác giả luận văn
NGUYỄN MINH TUẤN
2
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Thời gian qua công tác thu hồi đất đã đạt được nhiều kết quả to lớn,
nhưng cũng luôn là vấn đề nóng bỏng, đặc biệt đối với các dự án thu hồi đất
để phát triển kinh tế. Qua một số vụ việc nổi cộm gần đây, như vụ thu hồi đất
của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng), dự án khu đô thị
Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên), mới đây nhất là vụ một người dân nổ súng
tại Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình [9] cho thấy mức độ
căng thẳng, phức tạp của công tác này.
Trên thực tế, thu hồi đất có lúc, có nơi không chỉ thiếu công bằng mà còn
thiếu hiệu quả. Nhiều địa phương xảy ra tình trạng lãng phí hàng trăm ha đất
được giải phóng mặt bằng cho các dự án rồi bị bỏ hoang, nhưng rất ít cán bộ
bị xử lý trách nhiệm. Hàng năm, số vụ khiếu kiện về đất đai ngày càng gia
tăng, chiếm trên 70% tổng số các vụ khiếu kiện, nhiều vụ khiếu kiện đông
người, phức tạp, kéo dài. Đáng chú ý, các cơ quan chức năng kết luận khoảng
50% số khiếu kiện đất đai là đúng, như vậy có nghĩa là số vụ làm oan sai từ
các cơ quan nhà nước đã ở mức đáng báo động.
Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, ngoài trách nhiệm của các cơ
quan chức năng, cán bộ có thẩm quyền còn có nguyên nhân từ sự bất cập
trong các quy định pháp luật đất đai hiện hành. Trong thu hồi đất, người dân
luôn ở vào vị trí yếu thế, trong nhiều trường hợp không tự bảo vệ được quyền
lợi của mình. Cơ chế thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế hiện nay đang
chứa đựng mâu thuẫn cơ bản ngày càng sâu sắc về quyền, lợi ích của người bị
thu hồi đất với các tổ chức, đơn vị thực hiện các dự án phát triển kinh tế.
Khi thảo luận Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội
Khóa XIII (tháng 5/2013), không ít ý kiến kiến nghị bãi bỏ quy định thu hồi
3
đất vì mục đích phát triển kinh tế, thay vào đó là trưng mua quyền sử dụng
đất. Cùng với đó, cần làm rõ hơn mục đích của việc thu hồi đất: “Thu hồi loại
đất nào, dùng để làm gì, ai sẽ là người được hưởng lợi (?)” – luôn là câu hỏi
nóng bỏng tại nghị trường. Vấn đề này cũng được nhân dân góp ý vào Dự
thảo sửa Luật Đất đai 2003 (sửa đổi) theo hướng không quy định thu hồi đất
vì mục đích phát triển kinh tế. Có 132.836 ý kiến đề nghị áp dụng cơ chế Nhà
nước trưng mua quyền sử dụng đất thay cho cơ chế thu hồi đất để thực hiện
các dự án; có 132.016 lượt ý kiến đề nghị không thực hiện thu hồi đất để thực
hiện các dự án phát triển kinh tế [3].
Có ý kiến cho rằng, thu hồi đất vì mục đích kinh tế cần thực hiện theo cơ chế
thỏa thuận giữa người dân và chủ đầu tư; đồng thời quyền sử dụng đất cần được
đối xử như các quyền về tài sản theo quy định tại Điều 181, Bộ Luật Dân sự 2005.
Tại phiên họp Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Đất đai
sửa đổi (Hà Nội, 25-26/9/2013), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội,
bà Lê Thị Nga kiến nghị không thu hồi đất vì mục đích kinh tế bằng mệnh lệnh
hành chính, nếu có chỉ nên áp dụng với các dự án đầu tư công mà thôi.
Đảng và Nhà nước ta xác định về nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn
dân do Nhà nước thống nhất quản lý như Hiến pháp năm 1992 quy định (điều
này cũng được tiếp tục thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII, tháng 10/2013).
Vậy để bảo vệ quyền lợi của người dân trong các dự án thu hồi đất vì mục đích
kinh tế cần thực hiện theo cơ chế nào? Vấn đề nóng bỏng này đang đặt ra, đòi hòi
phải được giải quyết cả khía cạnh lý luận, thực tiễn một cách triệt để, thuyết phục
nhất. Đây cũng chính là lý do tác giả chọn đề tài này cho luận văn của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Thu hồi đất là có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi quốc gia, nhất là với nước
ta – một nước đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hàng năm diện
4
tích đất đai cần thu hồi lên đến hàng ngàn ha. Bài toán cần giải quyết chính là
mối quan hệ lợi ích giữa ba bên: Nhà nước - Chủ đầu tư - Người dân. Vấn đề
này được nhiều cơ quan bộ, ngành nghiên cứu nhằm từng bước hoàn thiện hệ
thống chính sách, pháp luật về đất đai.
Mặc dù thời gian qua hàng vạn ha đất được giải phóng mặt bằng để phục
vụ các dự án phát triển kinh tế, bất cập của cơ chế, chính sách pháp luật bộc
lộ khá rõ, nhưng đến thời điểm này hầu như chưa có luận văn nào nào nghiên
cứu chuyên sâu vấn đề này. Một số công trình khác nghiên cứu về công tác giải
quyết khiếu nại về đền bù, hỗ trợ tái định cư ở Hà Nội và một số địa phương. Có
tác giả nghiên cứu vụ việc thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (Tiên
Lãng, Hải phòng). Ngoài ra, có một số chuyên đề, tác phẩm báo chí đề cập về
công tác thu hồi đất nói chung: Nguyễn Vinh Diện: Pháp luật về bồi thường thiệt
hại khi Nhà nước thu hồi đất, Luận văn Thạc sĩ luật học, 2006; Nguyễn Duy
Thạch: Pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
(qua thực tiễn thi hành tại thành phố Hà Nội), Luận văn Thạc sĩ luật học, 2007;
Đặng Anh Quân: Bàn về giá đất khi bồi thường - Nên cao hay thấp? (Tạp chí Tài
nguyên và Môi trường, số 8, 2005); Dự án khu đô thị Nam Thăng Long
(CIPUTRA): Từ những bất thường trong đền bù, giải phóng mặt bằng (Nhóm
phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, số 285, ngày 29/11/2005). Những công
trình này nghiên cứu về vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Gần với đề tài này có Luận văn thạc sĩ “Pháp luật về thu hồi đất, bồi
thường, giải phóng mặt bằng ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp”
(Hoàng Thị Nga, năm 2011). Phạm vi nghiên cứu khá rộng, tác giả đề xuất các
giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi
Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, tác giả chưa tập trung vào những bức xúc xã
hội, bất cập của pháp luật đất đai trong thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế.
Trong thời gian Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa 13 diễn ra (tháng 5, 2013),
nhiều bài báo đề cập đến vấn đề nóng bỏng của Luật Đất đai (sửa đổi) được
5
thảo luận tại Quốc hội: “Chỉ thu hồi, không trưng mua đất là bất công với
người dân” (Phương Thảo, Dân trí điện tử, 17/6/2013), “Đề nghị trưng mua
quyền sử dụng đất của dân” (Tuổi trẻ online, 18/06/2013). Các tác giả cho
rằng, Hiến pháp và Luật Đất đai hiện hành quy định đất đai thuộc sở hữu toàn
dân, nhưng quyền sử dụng đất cần phải được thừa nhận là quyền tài sản, được
bảo hộ như một tài sản, theo quy định tại Điều 181 Bộ Luật dân sự 2005.
Chúng tôi cho rằng, thu hồi đất vì mục đích kinh tế ở Việt Nam hiện nay
đang là vấn đề nóng bỏng, có tính thời sự bức thiết. Tuy nhiên, vấn đề này
dường như chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo, trực diện, bởi đây là vấn
đề rất phức tạp, còn tranh cãi. Cơ quan soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng
còn lúng túng, phải đưa ra các phương án khác nhau để đại biểu Quốc hội
thảo luận, trước khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua vào tháng 10/2013
[22]. Vì vậy có thể khẳng định đề tài do học viên lựa chọn là một vấn đề rất
mới, có tính thời sự, tính khoa học và tính thực tiễn cao.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
Về mục đích: Qua việc hệ thống hóa, phân tích các quy định của Nhà
nước về thu hồi đất theo Điều 40 Luật Đất đai 2003, phân tích đánh giá thực
trạng về công tác thu hồi đất, những bất cập và nguyên nhân, làm sáng tỏ
những vấn đề thực tiễn và lý luận đang đặt ra, luận văn đề xuất giải pháp để
hoàn thiện pháp luật thu hồi đất theo Điều 40 Luật Đất đai 2003 trong thời
gian tới một cách hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng đất,
Nhà nước và chủ đầu tư.
Về nhiệm vụ: Để đạt mục đích nêu trên, luận văn có các nhiệm vụ sau
- Hệ thống hóa làm rõ cơ sở pháp lý của thu hồi đất theo Điều 40 Luật Đất
đai 2003; yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay đối với công tác này.
- Phân tích, đánh giá và luận giải thực trạng pháp luật về thu hồi đất từ
năm 2003 đến nay; chỉ ra những yếu kém, khó khăn, bất cập, yêu cầu và đòi
hỏi từ thực tiễn.
6
-Đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về thu hồi đất vì mục đích kinh
tế trong thời gian tới.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Về đối tượng nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu nội dung pháp luật và
thực tiễn thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế (Điều 40 Luật Đất đai
2003); tập trung phân tích, đánh giá thực trạng về pháp luật thu hồi đất vì mục
đích phát triển kinh tế; nêu những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn thu hồi
đất vì mục đích phát triển kinh tế ở nước ta thời gian qua.
Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu của luận văn là Điều 40 Luật
Đất đai 2003. Thời gian đánh giá từ khi có Luật Đất đai 2003 đến nay, trên
phạm vi cả nước, trong đó có thành phố Hà Nội và một số địa phương.
5. Ý nghĩa của việc nghiên cứu
Làm rõ mối quan hệ, lợi ích trong việc thu hồi đất vì mục đích phát triển
kinh tế theo Điều 40 Luật Đất đai 2003. Nhận diện, phân tích những bất cập của
quy định trong Luật Đất đai hiện hành và luật liên quan. Từ đó đề xuất giải pháp
hoàn thiện quy định của pháp luật đất đai về cơ chế thu hồi đất, đảm bảo quyền
lợi cho người bị thu hồi đất với bên kia là nhà đầu tư. Nội dung luận văn có tác
dụng làm tư liệu tham khảo đối với các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu
nhằm hoàn thiện pháp luật; làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu, giảng
dạy và đào tạo tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật học.
6. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp lý luận của Chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước
và pháp luật trong thời kỳ đổi mới; về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao
hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu phát triển bền vững đất nước
và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
7
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu của triết học duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử Mác – Lênin.
Ngoài ra, luận văn còn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cụ thể sau:
- Phương pháp phân tích, bình luận, so sánh… được sử dụng trong
Chương 1 tìm hiểu về một số vấn đề lý luận về Pháp luật thu hồi đất vì mục
đích phát triển kinh tế;
- Phương pháp đánh giá, đối chiếu, diễn giải, tổng hợp, quy nạp được
sử dụng tại Chương 2 để tìm hiểu về Pháp luật thu hồi đất vì mục đích phát
triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay, đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật
thu hồi đất vì mục đích kinh tế.
Đồng thời, tác giải kết hợp lý luận và thực tiễn, đối chiếu để làm nổi bật
những vấn đề hiện tại với nội dung các quy định pháp luật được nghiên cứu.
Việc kết hợp các phương pháp nghiên cứu, xem xét các vấn đề lý luận gắn với
thực tiễn cho phép nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách toàn diện, khách
quan, biện chứng trong các mối quan hệ qua lại, gắn bó, tác động với nhau
trong những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể nhất định đối với vấn đề nghiên cứu.
7. Cơ cấu của Luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn
gồm 2 chương sau đây:
Chương 1: Những vấn đề chung về pháp luật thu hồi đất vì mục đích
kinh tế ở Việt Nam hiện nay
Chương 2: Thực trạng pháp luật, thực tiễn thực hiện pháp luật thu
hồi đất vì mục đích kinh tế thời gian qua và một số kiến nghị
8
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHÁP LUẬT THU HỒI ĐẤT VÌ
MỤC ĐÍCH KINH TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
1.1. Khái niệm thu hồi đất và thu hồi đất vì mục đích kinh tế
1.1.1. Khái niệm thu hồi đất
Ở nước ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở
hữu [14]. Nhà nước nắm giữ và là chủ thể duy nhất có quyền định đoạt, quyết
định về pháp lý đối với đất đai, thông qua các hành vi giao đất, cho thuê đất,
thu hồi đất. Nhà nước thường không trực tiếp quản lý mà giao đất cho các tổ
chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng. Nhà nước là chủ sở hữu, nên xét
cho cùng mọi tài nguyên đất đai đều thuộc sở hữu Nhà nước, khi cần thiết
Nhà nước có quyền thu hồi đất từ các chủ thể đó. Nếu giao đất, cho thuê đất
làm phát sinh quan hệ pháp luật đất đai giữa Nhà nước và người được giao,
thuê đất, thì hậu quả pháp lý của thu hồi đất làm chấm dứt quan hệ pháp luật
đất đai.
Từ điển Tiếng Việt phổ thông định nghĩa:“Thu hồi là việc thu về lại, lấy
lại cái trước đó đã đưa ra, đã cấp phát hoặc bị mất vào tay kẻ khác” [19, tr.
881]. Dựa vào khái niệm trên, có thể hiểu thu hồi đất là việc Nhà nước lấy lại
đất đã giao, đã cho thuê hoặc lấy lại đất đai của một tổ chức, cá nhân nào đó
đang nắm giữ, quản lý, sử dụng, vì một mục đích nào đó của Nhà nước. Thu
hồi đất thể hiện tính chất quyền lực của nhà nước với tư cách là người đại
diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; đồng thời nó cũng thể hiện tính mệnh
lệnh, hành chính, bắt buộc đối với người đang chiếm giữ, sử dụng đất.
Để khái quát khái niệm thu hồi đất, chúng ta phân tích những trường hợp
Nhà nước đứng ra thu hồi đất.
9
1.1.1.1. Các trường hợp thu hồi đất
Nhà nước thu hồi đất gồm các trường hợp sau đây:
Một là, thu hồi đất do nhu cầu của Nhà nước. Đây là biện pháp quản lý
nhà nước về dất đai. Khi có nhu cầu đất đai phục vụ quốc phòng, an ninh,
phát triển kinh tế, xã hội…Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất. Vì lợi ích của
quốc gia, của xã hội, những người đang sử dụng đất phải chấp hành quyết
định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hai là, thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai. Việc thu hồi đất giống
như chế tài tước đi quyền sử dụng đất của những người có hành vi vi phạm
pháp luật đất đai (như sử dụng không sử dụng đúng mục đích, cố ý huỷ hoại
đất, để hoang hóa đất đai sẽ bị thu hồi đất). Theo khoản 3, 4, 6, 9, 11, 12 Điều
38 Luật Đất đai 2003, đất trồng cây hàng năm không sử dụng trong thời hạn
mười hai tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn
mười tám tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai
bốn tháng liền; đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư
mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử
dụng đất chậm hơn hai bốn tháng liền so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể
từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa sẽ bị thu hồi.
Ba là, thu hồi đất vì lý do đương nhiên: Nhà nước thu hồi đất không xuất
phát từ nhu cầu của Nhà nước, cũng không phải do lỗi của người sử dụng đất
mà vì lý do đương nhiên như: Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền
sử dụng đất bị giải thể, phá sản; cá nhân sử dụng đất chết mà không có người
thừa kế, người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; đất được Nhà nước giao, cho
thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết hạn (khoản 2, 7, 8, 10 Điều
38 Luật Đất đai 2003)[15].
Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể ra quyết định thu hồi trong trường hợp
giao đất không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền.
10
Từ phân tích trên, khái niệm thu hồi đất có thể được hiểu như sau:
Thu hồi đất là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hành
chính để thu lại đất; hoặc/ và quyền sử dụng đất đã trao cho tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân. Việc thu hồi đất xuất phát từ nhu cầu phát triển của Nhà nước
và xã hội; hoặc là việc áp dụng các chế tài nhằm xử lý các hành vi vi phạm
pháp luật đất đai của người sử dụng, quản lý đất đai.
1.1.1.2. Đặc điểm thu hồi đất
Phân tích khái niệm thu hồi đất, ta thấy thu hồi đất có ba đặc điểm cơ
bản sau đây:
-Thu hồi đất phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành:
Thu hồi đất được thực hiện bởi quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền. Trong đó xác định rõ chủ thể bị thu hồi, lý do thu hồi, diện
tích thu hồi, mục đích thu hồi. Đây là căn cứ làm chấm dứt quan hệ pháp luật
đất đai giữa Nhà nước và người sử dụng đất.
- Thu hồi đất được thực hiện theo trình tự thủ tục nhất định: Thu hồi
đất là một trong những nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về đất đai cùng
với việc giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất. Việc thu hồi đất do
cơ quan quản lý hành chính nhà nước tiến hành theo một thủ tục, trình tự nhất
định. Thẩm quyền thu hồi đất được xác định theo thẩm quyền giao đất, cơ
quan có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đối với loại
đất đó. Cơ quan quản lý đất đai chuyên ngành có chức năng giúp việc cho cơ
quan có thẩm quyền chung.
-Tính hành chính mệnh lệnh, bắt buộc thực hiện giữa một bên là
Nhà nước và bên kia là người chiếm giữ, quản lý sử dụng đất: Phương
pháp mệnh lệnh là phương pháp được dùng chính trong mọi trường hợp thu
hồi đất. Đây là quan hệ giữa hai chủ thể không có sự bình đẳng về mặt pháp
lý: Một bên là người sử dụng đất và một bên là Nhà nước. Tuy nhiên, bên
11
cạnh phương pháp mệnh lệnh hành chính là phương pháp giáo dục, thuyết
phục cũng được sử dụng khi thu hồi đất để phục vụ mục đích an ninh, quốc
phòng, lợi ích quốc gia.
Trong một số trường hợp Nhà nước còn ra quyết định trưng dụng đất. Về
hậu quả pháp lý, thu hồi đất và trưng dụng đất đều chấm dứt quyền của người
sử dụng đất. Tuy nhiên, thu hồi đất và trưng dụng đất lại xuất phát từ những
lý do khác nhau. Điều 45 Luật Đất đai 2003 quy định: “1. Nhà nước trưng
dụng đất có thời hạn trong trường hợp có nhu cầu khẩn cấp của chiến tranh,
thiên tai hoặc trong tình trạng khẩn cấp khác. Hết thời hạn trưng dụng đất
hoặc đã thực hiện xong mục đích trưng dụng đất, Nhà nước trả lại đất và bồi
thường thiệt hại cho người bị trưng dụng đất do việc trưng dụng đất gây ra…”
[15, tr. 55].
1.1.1.3. Cơ sở của việc thu hồi đất
-Xuất phát từ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai:
Trải qua hàng triệu năm đất đai mới hình thành, trở thành tài sản thiên
nhiên vô giá của con người. Vì thế không ai có quyền biến tài sản chung của
nhân loại thành tài sản riêng của mình. C.Mác khẳng định: “Quyền tư hữu
ruộng đất là hoàn toàn vô lý, nói đến quyền tư hữu ruộng đất chẳng khác gì
nói đến quyền sở hữu cá nhân đối với người đồng loại của mình. Trong chế
độ tư hữu về tư liệu sản xuất thì chế độ tư hữu ruộng đất là vô lý nhất”[25, tr.
244].
Kế thừa luận điểm khoa học của C.Mác và Ph. Ănghen về quốc hữu
hoá đất đai, Lê-nin khẳng định, mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản là xóa bỏ chế
độ tư hữu về tư liệu sản xuất, trong đó có chế độ tư hữu về đất đai. Người cho
rằng một trong những nhiệm vụ chủ yếu của chính quyền công nông là phải
sáng lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong phạm vi toàn quốc nhằm
đem lại ruộng đất cho người nông dân “ruộng đất phải là sở hữu của toàn dân
và một chính quyền có tính chất toàn quốc qui định điều đó”[26, tr. 220].
12
Nước ta xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng học thuyết của chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, vì vậy việc xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và
sở hữu toàn dân về đất đai là phù hợp. Cách mạng Tháng Tám thành công,
chính quyền cách mạng đã đánh đổ đế quốc, dành ruộng đất cho dân cày, xác
lập quyền sở hữu đất đai cho người nông dân. Sau đó Đảng phát động phong
trào “hợp tác hoá”, ruộng đất được chuyển từ hình thức sở hữu tư nhân thành
hình thức sở hữu tập thể của hợp tác xã. Trong các văn kiện của Đảng, mới
nhất là Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Kết luận
Hội nghị lần thứ 5 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung
ương khóa XI, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đa số ý kiến nhân dân
đều khẳng định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai [22].
Báo cáo số 1078/BC-UBKT13 Tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật đất
đai (sửa đổi) Quốc hội khoá XIII, ngày 16 tháng 4 năm 2013 khẳng định: “Đất
đai là thành quả do công sức khai phá, bồi bổ của các thế hệ người Việt Nam,
thành quả cách mạng của nhân dân ta. Việc tiếp tục quy định sở hữu toàn dân
đối với đất đai nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định
xã hội”. Chế độ sở hữu toàn dân cũng được ghi nhận từ Hiến pháp 1980 (Điều
19 quy định: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên trong lòng đất, ở
vùng biển và thềm lục địa…đều thuộc sở hữu toàn dân”). Tiếp đó, Hiến pháp
1992 (Điều 17), Luật Đất đai 1987, Luật Đất đai 1993 và Luật Đất đai 2003
cũng xác lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Toàn dân là chủ sở hữu đất
đai, nhưng cần phải tập trung quyền năng vào một người đại diện, thống nhất
quản lý đó là Nhà nước. Tại khoản 1 Điều 5 Luật Đất đai 2003 qui định: “Đất
đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”[15, tr. 20].
Với quy định trên, Nhà nước thay mặt toàn dân quản lý, định đoạt số
phận pháp lý của đất đai. Thu hồi đất là một trong các hành vi pháp lý thể
hiện quyền định đoạt đó. Chính chế độ sở hữu về đất đai là cơ sở cho việc
quản lý, sử dụng đất, trong đó thu hồi đất cũng là một trong những nội dung
13
về quản lý đất đai của Nhà nước. Vấn đề thu hồi đất chỉ đặt ra khi có quyền sở
hữu hợp pháp về đất đai, và quyền này thuộc về Nhà nước.
- Xuất phát từ chức năng quản lý Nhà nước về đất đai
Nội dung quản lý về đất đai được qui định tại Điều 6 Luật Đất đai 2003,
như: Ban hành các văn bản qui phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và
tổ chức thực hiện các văn bản đó; Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng
đất…Việc qui hoạch đất đai là cơ sở pháp lý cho việc phân phối lại đất đai,
nói cách khác là tạo cơ sở pháp lý cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục
đích sử dụng đất và thu hồi đất.
Tài nguyên đất có hạn nhưng nhu cầu sử dụng đất cho các dự án phát
triển kinh tế, xã hội ngày càng cấp thiết. Vì vậy Nhà nước phải điều tiết, phân
phối lại để sử dụng đất đai hợp lý và có hiệu quả. Việc quản lý đất đai của
Nhà nước giúp phát hiện kịp thời những vi phạm liên quan đến đất đai để từ
đó có những biện pháp giải quyết nhanh chóng, triệt để và kịp thời. Theo số
liệu kiểm kê đất đai theo Luật Đất đai 2003, cả nước có 5528/10750 xã,
663/663 huyện và 64 tỉnh đã có bản đồ hiện trạng sử dụng đất dạng số. Chức
năng quản lý Nhà nước về đất đai là một trong các cơ sở cho việc thu hồi đất.
- Thu hồi đất để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong
thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Để phát triển kinh tế, việc thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp,
khu đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu công
cộng và lợi ích quốc gia là một tất yếu. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới,
chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp, sang nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nhu cầu về đất đai cho các dự án phát
triển kinh tế, xã hội ngày càng lớn. Chính nhu cầu về đất đai là cơ sở để Nhà
nước tiến hành thu hồi đất.
14
1.1.1.4. Nguyên tắc thu hồi đất
Thu hồi đất phải thể hiện bằng quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền. Đây là căn cứ làm chấm dứt quyền sử dụng đất của
người bị thu hồi đất. Thu hồi đất phải có lý do rõ ràng, chính đáng. Đặc biệt,
thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, vì mục tiêu phát triển kinh
tế, xã hội phải đúng qui hoạch do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê
duyệt. Trình tự, thủ tục thu hồi đất đất phải tuân thủ đúng theo qui định của
pháp luật. Trước khi thu hồi đất, cơ quan thu hồi đất phải thông báo cho
người có đất bị thu hồi biết lý do thu hồi, thời gian thu hồi. Cơ quan thu hồi
đất phải đúng thẩm quyền và không được phép uỷ quyền.
1.1.1.5. Mục đích thu hồi đất
Thu hồi đất là một trong những biện pháp quan trọng nhằm tăng cường
quản lý của Nhà nước đối với đất đai, đảm bảo đất đai được sử dụng một cách
hợp lý, tiết kiệm. Thu hồi đất giúp cho việc ngăn chặn và xử lý kịp thời những
vi phạm pháp luật đất đai như lấn, chiếm đất, đất được giao không đúng thẩm
quyền, đất sử dụng không đúng mục đích, người sử dụng đất không thực hiện
đúng nghĩa vụ đối với Nhà nước. Thu hồi đất góp phần vào việc giải phóng
mặt bằng, phân phối lại quỹ đất để sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng,
lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục tiêu phát triển kinh tế.
Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với đất đai, vì vậy Nhà nước có
quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt số phận pháp lý của đất đai. Do đó, thu
hồi đất là một biện pháp để thực hiện quyền sở hữu về đất đai mà Nhà nước là
đại diện chủ sở hữu.
1.1.2. Khái niệm thu hồi đất vì mục đích kinh tế
1.1.2.1. Khái niệm
Mục đích việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế là
nhằm mục đích phát sinh lợi nhuận cho nhà đầu tư. Trong trường hợp này, thu
15
hồi đất không phải vì các lợi ích khác như an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc
gia, lợi ích công công, lợi ích xã hội. Từ phân tích ở những phần trên, có thể
khai quát như sau:
Thu hồi đất vì mục đích kinh tế là hành vi Nhà nước dùng quyền lực của
mình thông qua các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thu hồi đất nhằm sử
dụng vào mục đích phát triển kinh tế. Việc thu hồi đất được thực hiện bằng
biện pháp mệnh lệnh hành chính.
Theo Luật Đất đai 2003, các trường hợp thu hồi đất để đầu tư xây dựng
khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo
qui định của Chính phủ đều thuộc trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục
đích kinh tế (Khoản 1 Điều 40 Luật Đất đai 2003).
Tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về
thi hành Luật Đất đai qui định [6]: Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục
đích phát triển kinh tế bao gồm các trường hợp sau: Sử dụng đất để đầu tư xây
dựng khu công nghiệp qui định tại Điều 90 Luật Đất đai, khu công nghệ cao
qui định tại Điều 91 Luật Đất đai, khu kinh tế qui định tại Điều 92 Luật Đất
đai; Sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư có nguồn vốn hỗ trợ phát triển
chính thức (ODA); Sử dụng đất để thực hiện các dự án có 100% vốn đầu tư
nước ngoài đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt hoặc cho
phép đầu tư mà dự án đó không thể đầu tư trong khu công nghiệp, khu công
nghệ cao, khu kinh tế. Tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP đã
bổ sung điểm đ và điểm e vào khoản 2 Điều 36 Nghị định số 181/2004/NĐ-
CP đó là: Sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, thăm dò, khai thác
khoáng sản theo qui định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về khoáng sản;
sử dụng đất để làm mặt bằng di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ
theo yêu cầu bảo vệ môi trường hoặc theo qui hoạch mà không thể bố trí vào
khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; Sử dụng đất để thực hiện
các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công cộng bao gồm: các công trình
16
giao thông, điện lực, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường,
thông tin liên lạc, đường ống dẫn xăng dầu, đường ống dẫn khí, giáo dục, văn
hoá, y tế, thể dục thể thao, chợ.
Ngoài ra, Nhà nước cũng thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển
kinh tế trong khu dân cư (bao gồm dự án hạ tầng khu dân cư và dự án nhà ở),
trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp trong các trường hợp theo Điều 34
Nghị định số 84/2007/NĐ-CP [4] (qui định bổ sung về việc cấp Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự,
thủ tục bồi thường, và giải quyết khiếu nại về đất đai, và được hướng dẫn cụ
thể tại mục X Thông tư số 06/2007/TT-BTNMT ngày 15/6/2007 hướng dẫn
một số điều Nghị định số 84/2007/NĐ-CP), bao gồm: Các dự án trong khu đô
thị hiện có (gồm dự án xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê theo quy định
của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản, dự án xây
dựng nhà ở xã hội, dự án xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư, dự án xây dựng
nhà ở công vụ, dự án xây dựng trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển
lãm; dự án xây dựng khách sạn cao cấp đạt tiêu chuẩn từ hạng 3 sao trở lên)
được thể hiện trong qui hoạch sử dụng đất hoặc qui hoạch chi tiết xây dựng
khu đô thị đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư đối với từng dự án…
Quy trình của thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế tương tự như
việc thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng trong trường hợp vì lợi ích
quốc gia, lợi ích công cộng, vì mục đích an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, đối
với dự án kinh doanh, sản xuất phù hợp với qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất
được phê duyệt thì nhà đầu tư không nhất thiết phải thực hiện theo qui trình
thu hồi đất mà được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất,
thuê lại đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với tổ chức và cá
nhân khác. Đây là một điểm mới đối với các dự án thu hồi đất vì mục đích
phát triển kinh tế (khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai 2003).
17
1.1.2.2. Đặc điểm thu hồi đất vì mục đích kinh tế
Thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế cũng có các đặc điểm như thu
hồi đất nói chung (thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc
gia, công cộng). Việc thu hồi đất phải thực hiện theo trình tự thủ tục nhất
định; phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành; mang tính hành
chính mệnh lệnh, bắt buộc.
Ngoài ra, thu hồi đất vì mục đích kinh tế có đặc điểm sau:
- Lợi nhuận là yếu tố quyết định, là mục đích của việc thu hồi đất. Nhà
nước là chủ thể đứng ra thu hồi đất để giao cho các chủ đầu tư. Chính chủ đầu
tư là người đề xuất thu hồi đất của người sử dụng đất với mục đích lợi nhuận
kinh tế. Nhà nước chỉ là người đứng ra giúp chủ đầu tư thu hồi quyền sử dụng
đất và đất của người sử dụng đất, thực hiện cơ chế bồ thường, hỗ trợ cho
người sử dụng đất.
- Quan hệ thu hồi đất vì mục đích kinh tế vẫn là quan hệ hành chính
mệnh lệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp luật cho phép chủ đầu tư tự
đứng ra thoả thuận với người dân (khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai 2003), quan
hệ này mang tính chất kinh tế - dân sự. Giá đất cũng như phương thức bồi
thường, tái định cư do chủ đầu tư và người dân thỏa thuận theo thị trường (tất
nhiên có căn cứ vào giá đất Nhà nước quy định).
1.1.2.3. Sự cần thiết phải thu hồi đất vì mục đích kinh tế
Tài nguyên đất đai của nước ta [1] hiện có khoảng 33.096 nghìn ha,
đứng thứ 59 trong hơn 200 nước trên thế giới, là một trong những nước có
diện tích đất đai bình quân đầu người thấp trên thế giới (khoảng 0,37 ha đất tự
nhiên/người và 0,28 ha đất nông nghiệp/người). Trong tổng diện tích tự nhiên
của cả nước có 90,44% diện tích đã được khai thác đưa vào sử dụng cho các
mục đích, cụ thể về tình hình sử dụng đất theo số liệu thống kê đến thời điểm
ngày 31 tháng 12 năm 2010 như sau: Đất nông nghiệp: 26.226 nghìn ha
18
(chiếm 79,24% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước), trong đó diện tích đất
trồng lúa là 4.120 nghìn ha; diện tích đất nông nghiệp năm 2010 tăng 1.643
nghìn ha so với năm 2005; Đất phi nông nghiệp: 3.705 nghìn ha (chiếm 11,20%
tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước), trong đó diện tích đất ở là 684 nghìn ha
(đất ở tại nông thôn là 550 nghìn ha; đất ở tại đô thị là 134 nghìn ha); đất sản
xuất kinh doanh phi nông nghiệp là 259 nghìn ha, đất có mục đích công cộng là
1.207 nghìn ha); diện tích đất phi nông nghiệp năm 2010 tăng 448 nghìn ha so
với năm 2005; Đất chưa sử dụng: 3.164 nghìn ha (chiếm 9,56% tổng diện tích
đất tự nhiên của cả nước), trong đó chủ yếu là đất núi đá chưa sử dụng (2.632
nghìn ha); diện tích đất chưa sử dụng giảm 2.116 nghìn ha so với năm 2005.
Thu hồi đất là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triểnkinh tế - xã hội, đảm
bảo, an ninh, quốc phòng, an ninh lương thực, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên thu hồi đất luôn gặp khó khăn, chậm trễ. Từ
năm 2001 đến nay, Hà Nội có khoảng trên 500 dự án cần giải phóng mặt bằng,
với tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng 1500 – 2000 ha/năm. Giai đoạn 2001 -
2006, mỗi năm thành phố chỉ đáp ứng được 57% nhu cầu về số dự án và 39% nhu
cầu về diện tích đất. Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong giai đoạn 2001 - 2010,
đất đô thị tăng thêm 531 nghìn ha, bình quân tăng 53 nghìn ha/năm; trong gần 100
nghìn ha đất công nghiệp có 72 nghìn ha đất Khu công nghiệp do Thủ tướng
Chính phủ quyết định thành lập (tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt gần 46%); 28 nghìn
ha đất cụm công nghiệp do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương thành lập.
Mặc dù thu hồi đất rất quan trọng, nhưng việc lấy đất nông nghiệp đã
giao cho nông dân sử dụng ổn định lâu dài, chuyển thành đất phi nông nghiệp,
đất đô thị là một vấn đề hết sức nhạy cảm, ảnh hưởng đến đời sống của hàng
triệu nông dân, đòi hỏi có sự giải quyết thấu tình, đạt lý, đảm bảo hài hòa lợi
ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất.
19
1.1.2.4. Sự khác nhau giữa thu hồi đất và thu hồi đất vì mục đích kinh tế
Như đã nêu ở trên, thu hồi đất là khái niệm có nội hàm rộng, bao gồm tất
cả các trường hợp thu hồi đất theo ý chí của Nhà nước được cụ thể hóa bằng
pháp luật. Theo pháp luật đất đai hiện hành, mọi trường hợp thu hồi đất đều
do/ và chỉ có Nhà nước được phép thực hiện. Các trường hợp thu hồi đất được
quy định tại điều 38 Luật Đất đai 2003, bao gồm: Thu hồi đất để sử dụng vào
mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia lợi ích công cộng, lợi ích kinh
tế và các trường hợp khác như chủ sử dụng vi phạm quy định về sử dụng đất,
hoặc chết không có người thừa kế…
Thu hồi đất vì mục đích kinh tế là khái niệm có nội hàm hẹp hơn, chỉ là
một trường hợp về thu hồi đất nói chung. Đúng như khái niệm này, đặc điểm
thu hồi đất vì mục đích kinh tế nhằm phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế,
có mục tiêu hàng đầu là đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
1.2. Vấn đề lợi ích trong quan hệ thu hồi đất vì mục đích kinh tế
Các quan hệ dân sự trong xã hội nói chung cũng như quan hệ pháp luật,
suy cho cùng đều hướng vào một mục đích cụ thể nào đó. Những lợi ích này
nhằm làm thỏa mãn các chủ thể tham gia quan hệ đó, như lợi ích tinh thần, lợi
ích vật chất, lợi ích kinh tế. Trong quan hệ thu hồi đất vì mục đích kinh tế, lợi
ích mà nó hướng đến chính là lợi nhuận.
Bản thân hoạt động thu hồi đất vì mục đích kinh tế đã có tính mục đích.
Việc thu hồi đất là mang lại giá trị lợi nhuận, giá trị kinh tế mới cho các chủ
thể tham gia quan hệ này. Trong những lợi ích đó có lợi ích chung của cộng
đồng, xã hội, ví dụ khi thu hồi đất thực hiện các dự án là nhà ở sẽ tạo ra lợi
ích chung là quỹ nhà cho xã hội, nhưng xét ở góc độ kinh tế, người được
hưởng lợi đầu tiên là chủ đầu tư.
20
1.2.1. Lợi ích của Nhà nước
Nhà nước có vai trò rất lớn trong quản lý xã hội. Lợi ích của Nhà nước
trong quan hệ thu hồi đất thể hiện trực tiếp thông qua tiền đóng thuế của chủ
đầu tư khi thực hiện các dự án này và tiền đóng thuế của dân khi chuyển
nhượng bất động sản. Ngoài ra, Nhà nước còn có các lợi ích kinh tế - xã hội
khác do dự án thu hồi đất mang lại như có thêm hạ tầng kỹ thuật, các khu
công nghiệp, khu đô thị. Tuy nhiên trong không ít trường hợp, chủ đầu tư
thường tìm cách để càng nộp ít thuế cho Nhà nước càng tốt. Thậm chí họ còn
đưa ra các lý do, dây dưa nợ đọng thuế nhiều năm liền. Điển hình là dự án tại
khu đô thị Ciputra Hà Nội, sau nhiều năm tìm cách chây ì, số tiền chậm nộp
thuế lên đến cả ngàn tỷ đồng.
1.2.2. Lợi ích của chủ đầu tư
Chủ đầu tư khi đầu tư vào các dự án luôn có mong muốn tạo ra lợi
nhuận, bằng cách làm tăng giá trị của đất, tạo ra điều kiện cơ sở hạ tầng mới
để đầu tư kinh doanh (làm nhà xưởng sản xuất, sân golf, các dự án bất động
sản, sân bay, bến cảng…). Lợi ích của chủ đầu tư chính là mục đích tiên quyết
của việc thu hồi đất. Nếu không có lợi nhuận thì sẽ không có việc thu hồi đất
vì mục đích kinh tế.
1.2.3. Lợi ích của người sử dụng đất
Người sử dụng đất cũng được hưởng lợi từ việc trao trả lại đất cho nhà
nước: Được nhận đền bù, hỗ trợ tái định cư và một số cơ chế khác do các địa
phương quy định trên cơ sở pháp luật (được hỗ trợ đất dịch vụ như từng áp
dụng tại Hà Tây trước đây, Vĩnh Phúc và một số địa phương khác…). Ngoài
ra, người sử dụng đất cũng được hưởng lợi từ các dự án như được nhỗ trợ tạo
điều kiện về chuyển đổi nghề nghiệp, được tạo công ăn việc làm.
Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo lợi ích cho người dân còn nhiều bất cập. Tại
kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII (tháng 5/2013), nhiều đại biểu kiến nghị cần
21
có chính sách quan tâm đặc biệt đối với những người dân bị thu hồi đất nông
nghiệp. Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) cho rằng, việc thu hồi đất
đã đẩy một số người lao nông nghiệp trở thành những người nông dân không
có đất. Ở những nơi đất đai bị thu hồi, chỉ một số con em nông dân có thể
chuyển đổi nghề, trở thành công nhân có thu nhập. Những người có tuổi,
người ít được học hành, cơ hội tìm kiếm việc làm khác gần như không có.
Không ít con em nông dân đã được nhận vào làm ở các nhà máy trên mảnh
đất quê mình, nhưng khi nhà máy khóa khăn, giải thể, không thích ứng với
công việc, họ lại bị mất việc làm lần thứ hai. Những người nông dân này vì
lợi ích chung của đất nước mà lâm vào hoàn cảnh không có việc làm, Nhà
nước và các đơn vị có liên quan phải có trách nhiệm, chính sách cụ thể hơn để
tạo lại việc làm, ổn định đời sống cho họ.
1.2.4. Cơ chế đảm bảo lợi ích các bên
Để đảm bảo lợi ích của các bên trong quan hệ thu hồi đất vì mục đích
kinh tế, cần xác định rõ quyền, lợi ích của các bên. Hiện nay lợi ích đó được
xác định thông qua Cơ chế xác định giá đất (thông qua bảng giá đất Nhà
nước quy định). Bảng giá đất là bảng giá quy định hằng năm do UBND các
tỉnh thành phố xác định sau khi đã được HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương phê duyệt. Tuy nhiên, trong các dự án cụ thể, pháp luật đất đai
quy định giá đền bù phải sát giá thị trường. Vì vậy, trên cơ sở khung giá do
Nhà nước quy định, Hội đồng định giá (liên ngành) sẽ xác định giá đất đối
với thửa đất bị thu hồi. Nhưng hiện nay chúng ta chưa có Hội đồng định giá
độc lập, nên hội đồng này vẫn chủ yếu gồm thành phần là các sở Tài chính,
Tài nguyên Môi trường, Xây dựng. Chính những cơ quan này cũng tham gia
vào việc thu hồi đất cùng với chính quyền địa phương. Vì thế, cơ chế định
giá thông qua bảng giá đất và hội đồng này khó đảm bảo khách quan, nói
cách khác là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
22
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, Chủ đầu tư được đứng ra
thỏa thuận với người dân về giá đất, mức hỗ trợ, bồi thường. Đối với những
dự án như vậy Nhà nước sẽ không tiến hành thu hồi đất nữa. Tuy nhiên, với
cơ chế này dường như Nhà nước đã buông hoàn toàn, khiến nhiều chủ đầu tư
gặp khó khăn khi thỏa thuận với dân về giá đền bù. Cuối cùng, Nhà nước lại
phải đứng ra thu hồi đất. Để các chủ đầu tư không bị làm khó, nên quy định
khi chủ đầu tư thỏa thuận với đa số hộ dân và khi chỉ còn một số ít hộ không
đồng tình thì Nhà nước phải ra quyết định hành chính.
Tóm lại, trong quan hệ thu hồi đất vì mục đích kinh tế, các chủ thể đều
hướng đến những lợi ích cụ thể. Tuy nhiên, cơ chế thu hồi đất hiện nay còn
bất cập, người dân luôn bị thiệt thòi. Ngay cả trong cơ chế thỏa thuận, khi các
bên không tự thỏa thuận được về giá đền bù, Nhà nước sẽ đứng ra cưỡng chế
thu hồi đất. Nhưng cả trường hợp đó, chưa chắc Nhà nước đã được hưởng lợi
nhuận. Chính cơ chế thu hồi đất thiếu các yếu tố cân bằng lợi ích hiện nay
đang làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Nạn chạy dự án, khiếu kiện vì bất
công bằng trong giải quyết lợi ích khi thu hồi đất luôn là vấn đề căng thẳng.
1.3. Điều chỉnh pháp luật về thu hồi đất vì mục đích kinh tế
1.3.1. Quan hệ pháp luật thu hồi đất vì mục đích kinh tế
Khái niệm
Cho đến nay, hệ thống pháp luật đất đai ở nước ta khá đầy đủ, bao gồm các
chế định, quy định pháp luật do Nhà nước ban hành và được quy định trong
Hiến pháp, Luật Đất đai, các nghị định, thông tư hướng dẫn, nhằm điều chỉnh
quan hệ thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế.
Chúng ta biết rằng, quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội được qui phạm
pháp luật điều chỉnh. Nhờ đó, các chủ thể tham gia vào quan hệ đó được
hưởng những quyền và phải gánh vác những nghĩa vụ nhất định. Những
quyền và nghĩa vụ của các chủ thể đó được Nhà nước đảm bảo thực hiện.
23