MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XVIII, Đoàn Thị Điểm được
đánh giá cao: “là một người có kỳ tài trong văn nữ giới”
(27)
, là “người nổi
tiếng hay chữ”
(39)
. Riêng bản dịch Chinh phụ ngâm hiện hành được khẳng
định “…là áng văn hay nổi tiếng không nhường Truyện Kiều, được phổ
biến sâu rộng hơn cả giai tác Nguyễn Du” (Nguyễn Thạch Giang – Chinh
phụ ngâm diễn ca).
Nhà phê bình văn học Đặng Thai Mai trong Giảng văn Chinh phụ
ngâm đã viết “…Sự thực thì hai trăm năm sau khi tập CHINH PHỤ NGÂM
đã được viết bằng chữ Hán và phu diễn vào trong hình thức Việt văn của
nó, người ta chỉ biết có một bài Chinh phụ, người ta chỉ nhớ đến một khúc
ngâm chinh phụ ; ấy là tập CHINH PHỤ NGÂM của Đoàn Thị Điểm.”
Kể cả tác phẩm Truyền kỳ tân phả bằng Hán văn của bà cũng rất nổi
tiếng, được Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí khen là:
“Lời văn hoa mỹ dồi dào”.
Không những thế, lại có rất nhiều giai thoại văn học xung quanh
cuộc đời nữ sỹ tài hoa này, như Đoàn Thị Điểm ngoài việc xướng họa với
cha và anh “kể có hàng chục, hàng trăm bài”, bà còn xướng họa với nhiều
danh sỹ đương thời, đã từng làm cho “sứ giả Trung Quốc” lúng túng bằng
những câu đối sắc sảo, và đã đánh bại Trạng Quỳnh (Nguyễn Quỳnh, đỗ
Hương cống thời Lê mạt) trong nhiều lần đối đáp, khiến hình ảnh bà càng
trở nên hấp dẫn trên văn đàn Việt Nam.
Thế nhưng đến nay vẫn còn một số nghi vấn đặt ra xung quanh cuộc
đời và sự nghiệp sáng tác của nữ sỹ tài hoa này. Chẳng hạn:
- Đoàn Thị Điểm có phải là tác giả bản dịch Chinh phụ ngâm hiện
hành hay không?
- 6 truyện trong Truyền kỳ tân phả phải chăng đều là tác phẩm của
bà?
1
- Ngoài bản dịch Chinh phụ ngâm và tác phẩm Truyền kỳ tân phả,
liệu bà còn những sáng tác nào nữa không…
Vì các lẽ trên mà chúng tôi đã chọn đề tài luận văn là “Nghiên cứu
Đoàn Thị Điểm qua Đoàn Thị thực lục”, một tác phẩm do một người cháu
rể của Đoàn Thị Điểm biên soạn nhằm góp phần giải quyết các tồn nghi,
đẩy việc nghiên cứu về Đoàn Thị Điểm đi lên phía trước.
2. Lịch sử vấn đề
Liên quan tới đề tài “Nghiên cứu Đoàn Thị Điểm qua Đoàn Thị
thực lục” mà chúng tôi đã chọn, có các bài viết và các công trình nghiên
cứu sau đây :
Năm 1937, có công trình Chinh phụ ngâm dẫn giải của Nguyễn Đỗ
Mục, trong đó tác giả cho rằng Đoàn Thị Điểm tên chính là Nguyễn Thị
Điểm, em gái tiến sỹ Nguyễn Trác Luân, là người đã diễn ra quốc văn tác
phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn bằng Hán văn.
Tháng 1 – 1978 trên Tạp chí Văn học có đăng bài Về một cuốn Hồng
Hà phu nhân di văn mới phát hiện được của tác giả Nguyễn Kim Hưng.
Bài viết giới thiệu văn bản Hồng Hà phu nhân di văn mới tìm thấy.
Tác giả Nguyễn Kim Hưng cho rằng “…Nhờ tham gia biên soạn bộ
Thư mục Hán – Nôm, chúng tôi đã có điều kiện để làm việc ấy. Sau nhiều
phen kiên trì tìm kiếm, những tưởng đã không thể tìm thấy gì nữa, thì may
mắn làm sao, năm 1973 chúng tôi phát hiện ra một cuốn sách nhan đề
Hồng Hà phu nhân di văn nằm lẫn giữa các cuốn sách khác. Mở đọc thì
quả nhiên đây là một tuyển tập sáng tác của nữ sĩ họ Đoàn”. Và tác giả
cũng cho biết nguồn tư liệu được lấy từ bộ Thư mục Hán Nôm do “Thư
viện Khoa học xã hội xuất bản. Bản in rô - nê - ô ; 11 tập ; Hà Nội 1970 –
1972”. Chúng tôi lần theo sự chỉ dẫn trên để đi tìm, nhưng không hề thấy
một cuốn Hồng Hà phu nhân di văn nào “nằm lẫn giữa các cuốn sách
khác” như tác giả Nguyễn Kim Hưng đã nói. Vậy thực hư thế nào ? Vấn đề
này sẽ được chúng tôi trình bày trong chương 2, nói về vấn đề văn bản.
2
3. Mục tiêu nghiên cứu
Từ trước đến nay, việc nghiên cứu thân thế và sự nghiệp sáng tác của
Đoàn Thị Điểm thường dừng lại trên một vài tác phẩm đơn lẻ và cũng chưa
đi đến sự thống nhất về danh mục tác phẩm của bà.
Bởi vậy, mục tiêu nghiên cứu của luận văn chúng tôi là cố gắng xác lập
một danh mục đầy đủ và tương đối có hệ thống về tác phẩm của Đoàn Thị
Điểm, trên cơ sở kế thừa những gì mà người đi trước đã đạt được, cộng với
các thông tin liên quan do Đoàn Thị thực lục cung cấp. Đồng thời, qua kết
quả khảo sát văn bản, nêu lên một số suy nghĩ riêng của mình chung quanh
các vấn đề đang tồn nghi về Đoàn Thị Điểm cũng như những sáng tác của bà.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1 Đối tượng nghiên cứu
Để thực hiện đề tài “Nghiên cứu Đoàn Thị Điểm qua Đoàn Thị thực
lục”, đối tượng nghiên cứu của luận văn là tất cả các tư liệu trực tiếp hoặc
gián tiếp liên quan đến cuộc đời và sáng tác của Đoàn Thị Điểm.
4.2 Phạm vi nghiên cứu
Việc nghiên cứu văn bản chủ yếu tiến hành trong phạm vi những tác
phẩm được xác định là của Đoàn Thị Điểm.
Chúng tôi sẽ không sa đà vào những vấn đề chưa có điều kiện giải
quyết triệt để, như Truyền kỳ tân phả có bao nhiêu truyện, bản dịch Chinh
phụ ngâm hiện hành là của ai. Trọng điểm của luận văn này là giới thiệu
các tác phẩm mới phát hiện của Đoàn Thị Điểm, đặc biệt là mảng thơ, câu
đối, văn tế được ghi chép trong Hồng Hà phu nhân di văn mà lâu nay ít
người chú ý tới, hoặc tuy đề cập nhưng chưa có điều kiện đi sâu. Mặt khác,
chúng tôi cũng bổ sung những hiểu biết mới về gia thế và cuộc đời Đoàn
Thị Điểm qua nguồn tư liệu Đoàn Thị thực lục.
5. Phương pháp nghiên cứu
Những phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng trong luận văn
này là: Phương pháp thống kê, phương pháp văn bản học Hán Nôm và
phương pháp phân tích văn học.
3
Phương pháp thống kê là đem những sự vật cùng trong một phạm vi
tập hợp lại, sau đó phân tích chúng xem loại nào cùng một tính chất, hình
thức, thể loại, cùng thể hiện một nội dung cần miêu tả.
Phương pháp văn bản học Hán Nôm là xác định tình trạng văn bản,
xác định thiện bản, các bản sao, bản in, giấy in, mầu mực, thể chữ, kỹ
thuật, bảo tàng, sách cổ, xác định tác giả và niên đại ra đời của tác phẩm.
Phương pháp phân tích văn học là phương pháp xem xét hoàn cảnh
ra đời của tác phẩm, cùng nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật mà tác
phẩm hàm chứa.
Tuy trình bày tách bạch các phương pháp nghiên cứu như trên,
nhưng trong thực tế, chúng thường có mối quan hệ khăng khít với nhau và
hỗ trợ cho nhau. Vì vậy luận văn sẽ vận dụng chúng một cách tổng hợp.
6. Kết cấu luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XVIII và thân thế Đoàn Thị Điểm
Chương 2: Văn bản Đoàn Thị thực lục và phần chép về Hồng Hà
phu nhân di văn
Chương 3: Giá trị tư tuởng và nghệ thuật của Hồng Hà phu nhân di văn
4
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
XÃ HỘI VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XVIII
VÀ THÂN THẾ ĐOÀN THỊ ĐIỂM
1.1. Bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XVIII
Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XVIII là một xã hội mà chế độ phong
kiến bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng và không có lối thoát.
Những mâu thuẫn chứa chất trong lòng xã hội phong kiến đến giai đoạn
này bộc lộ gay gắt và bùng nổ thành những cuộc đấu tranh xã hội quyết
liệt.
Cuộc nội chiến kéo dài giữa họ Trịnh và họ Nguyễn đã làm cho nhân
dân Việt Nam, nhất là nhân dân ở Đàng ngoài vô cùng khốn khổ. Bức xúc
trước hết là chuyện tô thuế. Tất cả mọi người, từ dân đinh cho đến người
già, người tàn tật, người hát rong, người làm trò múa rối v,v… đều phải
nộp thuế. Các nghề thủ công cũng không đứng ngoài. Mọi phí tổn cho cuộc
sống trụy lạc, xa xỉ của vua chúa, quý tộc, quan lại đè nặng lên đầu nhân
dân lao động. Họ Trịnh nhiều lần tăng mức thuế. Ngoài những ngạch thuế
cũ, năm 1731, Trịnh Giang còn bắt khách hộ (người nơi khác đến ngụ cư)
và các hạng tạp lưu cũng phải nộp thuế, tăng thêm thuế ruộng công, tư mỗi
mẫu thêm 2 tiền. Bên cạnh thuế thi hành từ năm 1720, họ Trịnh thu thêm
“tiền hộ phân”, tính theo từng hộ. Nhằm khai thác triệt để nguồn tô, thuế,
họ Trịnh đánh thuế vào cả những loại ruộng đất không sản xuất được như
đất nơi đồng chua, nước mặn, đất đồi rừng khô cằn, bãi cát trắng. Phan Huy
Chú có nhận xét về chế độ tô thuế của họ Trịnh : “…một tấc đất cũng
không sót, không chỗ nào là không đánh thuế. Cái chính sách vét hết lợi,
hình như quá cay nghiệt”. Tình trạng thiếu thuế năm này dồn sang năm
khác trở thành một gánh nặng khủng khiếp đối với người dân.
5
Tiếp đến là nạn dao dịch. Các chúa Trịnh tuỳ tiện bắt dân phu đi xây
dựng đền đài, dinh thự. Trong những ngày dao dịch, nhân dân phải tự túc
chứ không được trả công. Các chúa Trịnh lo việc ăn chơi và xây dựng
chùa chiền hơn lo việc trị nước. Trịnh Cương xây chùa Phúc Long, dựng
hành cung Cổ Bi, bắt dân ba huyện ở Kinh Bắc phục vụ suốt sáu năm ròng
rã, cuối cùng sợ dân nổi loạn, phải ra lệnh dừng lại. Trịnh Giang nối ngôi
cha, là người “hôn ám, nhu nhược”, “hoang dâm vô độ”, sau khi đình việc
xây dựng chùa chiền, cung điện được một năm, quay sang xây dựng nhiều
hơn. Ông ra lệnh sửa chữa chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều), chùa Sài
Nghiêm (Chí Linh), dựng chùa Hồ Thiên (Kinh Bắc), chùa Hương Hải và
nhiều nhà thờ, đền miếu khác…Mỗi cuộc trùng tu hay tôn tạo chùa chiền
như vậy, gánh nặng dao dịch lại đè nên vai nhân dân.
Không những thế, các cuộc chiến tranh phong kiến liên miên của thế
kỷ XVIII đã mang đến cho nhân dân thêm một nỗi khổ nữa : nạn binh dịch,
dầu rằng chúa Trịnh cố gắng ưu đãi binh sĩ. Trong nhân dân, những câu ca
than vãn thương tâm vang lên khắp nơi:
Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Nàng về nuôi cái cùng con,
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
hoặc:
Lính vua lính chúa lính làng,
Nhà vua bắt lính cho chàng phải ra.
Giá vua bắt lính đàn bà,
Để em đi đỡ anh và bốn năm…
Trong khi đó, ruộng đất lại tập trung nhiều vào tay một số người,
nông dân phải cày ruộng thuê, nộp tô nặng và bao nhiêu loại lễ vật cho chủ
đất. Làng xã có một ít ruộng đất công còn lại cũng rơi hết vào tay bọn cha
chú, quyền hào. Nông dân còn phải lo đắp đê, đắp đường và bao nhiêu
6
công việc phục dịch khác. Đó là vào những dịp thu thuế, nhân dân phải
cung đốn cho bọn quan lại mỗi bữa ăn một tiền. Khi thuế thu xong, nhân
dân lại phải nộp tiền tiễn đưa: cứ một trăm quan tiền thuế thì nộp bẩy quan
hai tiền tiễn đưa. Đấy là chưa kể cách hạch sách khác của bọn quan thu
thuế này. Ở các huyện, xã, bọn cường hào giảo quyệt tha hồ làm bậy, quấy
phá cuộc sống yên ổn của người dân. Chúng vu oan giá họa, bày đặt
chuyện kiện tụng để cướp đoạt tài sản của dân lành.
Nạn trộm cướp lớn nhỏ xảy ra khắp nơi, ở Yên Quảng, bọn cướp
biển thường đổ bộ quấy nhiễu, cướp phá nhân dân. Ở Đa Giá Thượng
(Nam Định), một ổ cướp lớn hàng trăm người đã nhân đường sá hiểm trở,
lập làng chờ sẵn những người qua lại hay ngủ trọ nơi đây để sách nhiễu.
Chúng hoạt động suốt hơn hai mươi năm trời, triều đình mới chịu cho quân
đi đánh, san bằng làng cướp.
Hơn thế nữa, sự quan tâm không đủ của nhà nước đến sản xuất đã
tạo nên nhiều mối đe dọa tự nhiên. Thế kỷ XVIII, nạn đê vỡ, hạn lụt xảy ra
liên miên, uy hiếp thường xuyên nền sản xuất nông nghiệp. Thực ra tình
trạng thiên tai mất mùa, đói kém đã xảy ra khá phổ biến từ cuối thế kỷ
XVII ; sang đầu thế kỷ XVIII, thiên tai, mất mùa càng xảy ra triền miên và
trầm trọng hơn. Các chức quan hà đê, quan khuyến nông vẫn tồn tại nhưng
bọn này lợi dụng việc đắp đê, sửa đường để tham ô, vơ vét hơn là bảo vệ và
tu bổ đê điều, nên hạn hán, lụt lội vẫn xảy ra thường xuyên. Năm 1702, đê
sông Mã, sông Chu ở Thanh Hoá bị vỡ, mùa màng bị mất sạch, nhân dân bị
đói lớn. Sang năm 1703, nạn đói lan ra cả bốn nội trấn ở đồng bằng và khu
vực kinh thành, làm cho giá lúa cao vọt, một tiền chỉ đong được bốn bát
thóc. Đến những năm 1712, 1713, một trận đói lớn lan tràn khắp Đường
ngoài, người dân phải ăn vỏ cây, rau quả, lá cây, thây chết đói đầy đường,
thôn xóm trở nên tiêu điều. Đặc biệt nghiêm trọng là nạn đói năm 1741.
Nạn đói bắt đầu ở trấn Hải Dương rồi lan dần ra khắp cả Đàng ngoài. Sử cũ
chép : “Dân bỏ cả cày cấy, thóc lúa dành dụm trong xóm làng đều hết sạch
7
…Dân lưu vong bồng bế, dắt nhau đi kiếm ăn đầy đường. Giá gạo cao vọt,
100 đồng tiền không đổi đuợc một bữa ăn. Dân phần nhiều sống nhờ rau
cỏ, đến nỗi ăn cả chuột, rắn. Người chết đói ngổn ngang, người sống sót
không còn được một phần mười” (Việt sử thông giám cương mục). Thóc
gạo khan hiếm đến nỗi có nơi một mẫu ruộng chỉ bán đủ mua một cái bánh
nướng, có người tiền của đầy nhà mà vẫn phải chết đói. Phạm Đình Hổ
trong Vũ trung tuỳ bút chép “ruộng đất đã hầu thành ra rừng rậm, những
giống gấu chó, lợn lòi sinh tụ ngoài đồng. Những nguời dân sống sót phải
đi bóc vỏ cây, bắt chuột đồng mà ăn”. Hàng vạn nông dân đã chết đói qua
những nạn đói kéo dài và khủng khiếp ấy. Những người sống sót qua các
nạn đói, nạn dịch cũng không còn điều kiện sinh sống phải bỏ làng xóm,
đồng ruộng đi kiếm ăn ở nơi khác, tạo thành một tầng lớp người dân lưu
vong đông đảo.
Đó chính là cuộc sống bấp bênh, cực khổ của người dân dưới thời
các chúa Trịnh, một cuộc sống ngột ngạt kéo dài đã tạo nên những lời ta
oán “quan tha, ma bắt”:
Ăn mày là ai, ăn mày là ta,
Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày.
Tình hình càng về sau càng khó khăn, nhân dân càng sống cơ cực,
bấp bênh và tất nhiên “tức nước vỡ bờ”, những cuộc đấu tranh giai cấp ác
liệt không tránh khỏi bùng nổ. Việt sử thông giám cương mục viết: “chính
sự trái ngược, thuế khoá nặng nề, lòng người mong mỏi cho chóng loạn
lạc”. Năm 1737, một nhà sư là Nguyễn Dương Hưng đã lãnh đạo dân
nghèo và dân đói ở các miền thuộc tĩnh Sơn Tây và tĩnh Thái Nguyên đứng
len chống lại chính quyền họ Trịnh. Tiếp theo cuộc khởi nghĩa của Nguyễn
Dương Hưng là cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật ở Thanh Hoá, rồi đến các
cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Đình Dung, Hoàng
Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương,v.v…
8
Các chúa Trịnh trước sức mạnh của nhân dân đã lao đao khốn đốn
rất nhiều. Họ Trịnh sai các lộ lập đồn hoả tiêu trên núi, đêm ngày canh gác.
Mặt khác, họ Trịnh cũng tăng cường phòng thủ, thường xuyên cho quân
tuần hành ở những nơi hiểm yếu và tuyển thêm binh lính các trấn để bổ
sung cho bộ máy đàn áp. Đã hai lần Trịnh Doanh thân cầm quân đi đánh
nghĩa quân, nhưng nghĩa quân chỗ này bị phá thì chỗ khác lại nổi lên. Mỗi
lần nghĩa quân hoạt động thì chúa Trịnh lại hao binh tổn tướng rất nhiều.
Tướng của Trịnh Doanh là Nguyễn Trọng Uông giữ chức thống lĩnh Bắc
đạo đã bị Nguyễn Tuyển gia binh, đốc lĩnh Hoàng Kim Trảo bị Vũ Đình
Dung chém chết. Năm 1741, Đặng Minh Luân giữ chức Thượng đạo đốc
lĩnh Hải Dương cùng với nhiều tỳ tướng bị Nguyễn Tuyển bắt sống ở Đông
Triều. Năm 1745, Hoàng Công Kỳ bị nghĩa quân của Hoàng Công Chất
giết chết. Năm 1743 Đốc lĩnh thuỷ đạo của chúa Trịnh là Trịnh Bàng bị
Nguyễn Hữu Cầu giết, ngoài ra còn nhiều tướng lĩnh của chúa Trịnh cũng
bị Nguyễn Hữu Cầu giết chết.
Triều đình phong kiến tỏ ra bất lực trước sự lớn mạnh của phong trào
khởi nghĩa nông dân. Việc chống lại nghĩa quân không còn dễ dàng như
trước, mà là một việc vô cùng gian lao và nguy hiểm. Đối với việc “tiễu
phạt” nghĩa quân, các tầng lớp phong kiến có các thái độ khác nhau. Nhiều
kẻ thấy rằng “tiễu phạt” không còn là một dịp để thăng quan tiến chức nữa.
Họ đã mỏi mệt trước lực lượng đấu tranh bền bỉ của nhân dân. Đó có lẽ
cũng là một trong những lý do khiến cho cuộc chiến đấu giữa nghĩa quân
và quân đội họ Trịnh nhiều lần đi đến chỗ tạm hoà…Nhưng mâu thuẫn
giữa nhân dân và chế độ phong kiến họ Trịnh là mâu thuẫn không thể hoà
giải được. Vì vậy hoà là để rồi lại chiến, và mỗi lần chiến lại làm cho hàng
ngũ tướng sỹ cứ thưa dần. Ngay trong giai cấp phong kiến đã nảy ra tâm lý
chán ghét chiến tranh, một thứ chiến tranh tàn phá đất nước, gieo tang tóc
cho nhân dân, làm mòn mỏi giai cấp phong kiến. Chế độ phong kiến sẽ đi
đến đâu nếu giai cấp phong kiến thống trị mà đại biểu là chúa Trịnh cứ
9
nhắm mắt làm ngơ trước yêu cầu của nhân dân, và cứ lao mình vào cuộc
nội chiến không có kết quả thì chỉ làm cho nhân dân thêm mệt mỏi, cuộc
sống thêm khổ cực.
1.2. Thân thế và sự nghiệp sáng tác của Đoàn Thị Điểm
Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748), người làng Giai Phạm (sau đổi thành
làng Hiến Phạm), huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Hưng
Yên). Cha là Đoàn Doãn Nghi, mẹ là Vũ thị phu nhân ; anh trai là Đoàn
Doãn Luân.
Theo Đoàn Thị thực lục (gia phả dòng họ Đoàn) thì họ Đoàn khởi
thuỷ là họ Lê. Tổ phụ của Đoàn Thị Điểm là Lê Công Nẫm, làm quan võ
đời Lê, có quân công, được phong tước Thiêm Hào Tử, chức Đặc tiến kim
tử vinh lộc đại phu, Thái thường tự thiếu khanh. Đoàn Thị thực lục ghi: “Lê
Công Nẫm là người chăm chỉ, chịu khó, nhanh nhẹn, tính tình thẳng thắn,
điềm đạm, hết sức tận tâm với công việc, nên rất được quan trên tin dùng.
Và vì vậy mà ông đã tiến nhanh trên con đường làm quan”.
Con Lê Công Nẫm là Công Vị ; con Công Vị là Doãn Nghi.
Doãn Nghi mồ côi cha từ nhỏ, được mẹ chăm lo cho sự học hành.
Hồi còn bé, ông rất thông minh, chăm chỉ, cần cù, siêng năng học tập vì thế
rất được nhiều người yêu mến, cho là “tuổi nhỏ mà rất sáng dạ”. Gia phả
dòng họ ghi: “Doãn Nghi sinh ra mặt mày sáng sủa, phong tư ôn nhã, tuổi
còn nhỏ mà rất ham học (…) sớm hôm kinh sử rèn tập, sau trở nên người
văn hay học rộng”. Ông thi Hương đỗ Hương cống, “đó là vị thuỷ tổ về văn
học của dòng họ”. Sau thi Hội không đỗ, Lê Doãn Nghi bèn đi dạy học.
Nhân trong một giấc mộng, thấy “thần nhân” bảo ông nên đổi sang họ
Đoàn, ông liền làm theo. Họ Lê ở Giai Phạm đổi ra họ Đoàn, bắt đầu từ
đây. Doãn Nghi trước đã có vợ là Nguyễn Thị sinh được Thị Quỳnh và
Doãn Sỹ (Doãn Sỹ sau đỗ Hương cống, làm Tri huyện). Nguyễn Thị vốn
tính vụng về, công việc nội trợ không được chu đáo, vì thế mà vợ chồng
sau đó bỏ nhau. Đoàn Thị thực lục chép : hồi này Doãn Nghi còn trọ học ở
10
Thăng Long, ngày ngày qua lại phường Hà Khẩu (nay là phố Hàng Buồm),
thường gặp một người con gái họ Vũ – con một viên quan võ cao cấp được
phong tước Thái Lĩnh Bá, nguyên người làng Vũ Điện, huyện Nam Xương.
Người con gái này được gia đình dạy dỗ từ nhỏ nên “phong tư tốt đẹp, dáng
điệu khoan nhàn, nhất là việc kim chỉ thêu thùa lại càng khéo léo”. Vì gặp
mặt lâu ngày thành quen, Doãn Nghi đem lòng yêu mến người con gái ấy.
Nhân khi về thăm nhà, ông liền nhờ mẹ tới cầu hôn để làm vợ thứ.
Sau khi lấy Doãn Nghi, Vũ Thị sinh được hai người con là Doãn
Luân và Thị Điểm. Vũ Thị vốn là người tài hoa, khéo léo ; khi về nhà
chồng, trên thì lấy hiếu thờ mẹ chồng, ngoài thì lấy nghĩa ăn ở với người
thân tộc. Bà nổi tiếng đảm đang, giỏi việc nhà, hai vợ chồng “kính nhau
như khách”. Vũ Thị còn là một người phụ nữ thông minh sắc sảo. Gia phả
họ Đoàn chép: “Có lần bà chỉ nghe hai con đọc sách, ngâm thơ, tuy rằng
chưa thấy tác phẩm lần nào, bà cũng có thể thuộc lòng, đọc lại cả chương
mà không sai một chữ. Phàm những sách như Bách gia chư tử, Tam quốc,
Thuỷ hử, không sách nào là bà không đọc”. Vũ Thị thường giảng giải kinh
luân, hiếu hạnh cho các con nghe. Và những điều ấy đã có ảnh hưởng rất
lớn đối với Đoàn Thị Điểm về sau.
Ngoài người mẹ, cha và anh Đoàn Thị Điểm cũng là những tấm
gương sáng, nhất là về tinh thần hiếu học. Cha đỗ thi Hương, làm quan đến
chức Điển Bạ, được nhận hàm Bát phẩm. Anh trai là Đoàn Doãn Luân đỗ
Giải nguyên trường thi Kinh Bắc. Chí tiến thủ của cha anh luôn luôn khích
lệ Đoàn Thị Điểm vươn lên.
Ngay từ nhỏ, Đoàn Thị Điểm đã được cha và anh dạy cho học. Gia
phả cho biết bà học rất thông minh, “miệng nói ra là thành văn chương và
làm việc gì cũng có phép tắc”. Nhất là về hiếu hạnh và nữ công của bà thì
cả vùng đều biết tiếng.
Năm Đoàn Thị Điểm 16 tuổi, Thượng thư Lê Anh Tuấn - thầy học
của bà - thấy bà là người có tài sắc, đã đưa về Thăng Long nơi quê mẹ của
11
bà để nuôi dạy, có ý định về sau sẽ giới thiệu Đoàn Thị Điểm vào phủ chúa
Trịnh. Theo Đoàn Thị thực lục thì “khi bà mới đến nhà Lê Anh Tuấn, quan
Thượng thư bắt làm một bài thơ Nôm để thử tài, đầu đề là : “Nhất nhật bất
kiến như tam thu” (Một ngày không gặp nhau, thấy dài bằng ba thu). Bà
liền ngâm ngay hai câu sau đây để đối lại:
Những mang mấy khắc giăng cầm hạc,
Ngỡ đã vài phen đổi lá ngô.
Lê Anh Tuấn đặc biệt khen ngợi, rồi yêu quý như con đẻ.
Trong thời gian ở nhà Lê Anh Tuấn tại Thăng Long để học tập, Đoàn
Thị Điểm quen biết được nhiều những người bạn của cha nuôi, và bà đã tận
mắt chứng kiến cảnh loạn lạc ở Kinh thành. Điều này sẽ giúp bà rất nhiều
trong sự nghiệp sáng tác về sau. Tuy sống giữa chốn đô thị phồn hoa, song
bà chỉ thích văn chương, không ham phú quý, nên cuối cùng đã cố xin trở
lại quê nhà.
Về đến Giai Phạm, bà lại cùng anh Đoàn Doãn Luân luận đàm sách
vở văn chương và nghiên cứu cả về những môn âm dương, lý số. Được lúc
nhàn rỗi, hai anh em lại cùng nhau xướng hoạ thơ từ, thách thức ganh tỵ
nhau từng câu, từng chữ, “có cái thế như hai nước địch” (Nguyễn Đỗ Mục).
Gia phả họ Đoàn chép: “Có lần ông Luân thấy em gái đương ngồi soi
gương, đùa ra một vế rằng:
“Chiếu kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm”
(Nghĩa là: Soi gương vẽ mày, một nét hoá thành hai nét).
Lúc ấy ông Luân đương ngồi bên cầu ao rửa tay, bà liền đối ngay:
“Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân”
(Nghĩa là: Kề ao ngắm nguyệt, một vầng hoá ra đôi vầng).
Sự tài tình ở đây là cảnh rất thật mà lại khéo dùng tên người là
“Điểm” và “Luân” đúng với chuyện vẽ mày và ngắm trăng.
Những câu đối đáp giữa hai anh em như thế là rất nhiều, không thể
kể ra hết, đáng tiếc là về sau phần lớn thất lạc.
12
Năm 1729 cha mất, bà theo gia đình đưa linh cữu thân phụ về quê
nhà, rồi theo anh sang ở làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (Yên Mỹ - Hưng
Yên ngày nay). Trong thời gian này, bà đang vào khoảng 24-30 tuổi, có
nhiều người mộ danh tiếng bà tới thử tài và cầu hôn. Đoàn Thị Điểm là
người kén chồng rất mực, cho là nếu không lấy được tấm chồng ưng ý thì
thà chẳng lấy còn hơn, mặc dù theo quan điểm hôn nhân thời phong kiến,
đến 25 tuổi chưa lấy chồng, người ta cho là đã quá muộn.
Sau khi đã hết tang cha, có cậu công tử làng Hoạch Trạch là Nhữ
Đình Toản (ông này sau đỗ Tiến Sỹ, làm quan đến Thượng thư) và quan
Thượng thư làng Kim Lũ (gia phả không ghi tên cụ thể) nhờ mối đến dạm
hỏi, nhưng bà đều không ưng thuận đám nào. Bà chỉ ở nhà chăm chỉ làm
ăn, phụng dưỡng mẹ già và những lúc nhàn rỗi, lại cùng anh vui với văn
chương, giảng bàn lý số.
Năm 1735, Đoàn Doãn Luân chết, để lại hai con nhỏ, trai là Đoàn
Doãn Sỹ, gái là Đoàn Lệnh Khương. Trên đường đưa linh cữu anh về quê,
Đoàn Thị Điểm đã viết bài văn tế anh rất bi thiết, trong đó có những đoạn
xúc động khiến người nghe, người đọc không cầm được nước mắt.
Từ đấy bà cùng người chị dâu cố sức chèo chống để gia đình khỏi
suy sụp, trên thì phụng dưỡng người mẹ già yếu, dưới thì nuôi hai cháu nhỏ
ăn học. Theo Đoàn Thị thực lục, trước bà có nghiên cứu sách thuốc, nay ra
hành nghề, kiếm tiền độ nhật. Bà lại làm hộ văn chương cho người khác để
có chút tiêu pha.
Về sau, muốn tránh những phiền phức về hôn nhân, Đoàn Thị Điểm
đã nhận lời một bà phi của chúa Trịnh quê ở Đường Hào, vào cung dạy
học.
Năm Kỷ Mùi niên hiệu Vịnh Hựu thứ 5 (1739), cuối đời chúa Trịnh
Giang, vì chính sự ở phủ chúa ngày một đổ nát, bà xin thôi dạy học ở trong
cung để về quê. Tương truyền Đoàn Thị Điểm do nghiên cứu nhiều về lý
học, đã có thể suy đoán mà có gieo một quẻ, biết vùng Vô Ngại nơi hiện
13
đương ở sắp trở thành một bãi chiến trường, nên bà đem gia đình chuyển
đến xã Chương Dương, bên bờ sông Hồng (nay thuộc Thường Tín, Hà
Đông) và mở trường dạy học. Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có
người phụ nữ dám mở trường riêng để đào tạo nhân tài. Đoàn Thị thực lục
chép: “Xem qua các chuyện con gái thời xưa thì thấy không hiếm kẻ có tài
học, nhưng chưa từng thấy có kẻ dạy học trò đỗ đạt”. Quả vậy, trong số học
trò của bà, có Đào Duy Doãn, người Chương Dương về sau đã thi đỗ Tiến
sỹ (năm 1763).
Chương Dương vốn gần Thăng Long, nhiều người ở Kinh đô mộ
tiếng bà tới cầu hôn. Năm 1742, lúc này Đoàn Thị Điểm đã 37 tuổi, bà nhận
lời làm kế thất ông Nguyễn Kiều. Đoàn Thị thực lục chép: “Một hôm bà
đương ngồi giảng sách, sĩ tử đứng vây quanh nghe giảng đến hơn năm mươi
người…Chợt có một kẻ từ ngoài đi vào, theo sau có vài người bõ già bưng
đệ lên một cái hộp, trong hộp có bức thư phong dán rất kỹ. Bà mở thư ra
xem, thấy là bức thư cầu hôn của ông Tiến sỹ Tả thị lang Nguyễn Kiều. Xem
xong bà than rằng: “Ta hồi trẻ kén chồng hơn hai mươi năm, đến nay đã
không để tâm đến việc ấy nữa. Thường bảo giai nhân tài tử xưa nay, gặp gỡ
là một sự khó khăn, chi bằng rửa sạch lòng trần, nuôi lấy cái khí tượng trong
lặng. Nay người này từ đâu đến, bỗng lại khuấy động lòng ta !” Rồi bà
khước từ việc cầu hôn ấy. Sau hơn một tuần, lại thấy quan Tả thị lang sai
cháu gọi bằng cậu ruột đem thư đến khẩn khoản nài xin, nói hiện sắp phải
sang sứ Trung Quốc mà việc nhà bộn bề, thiếu người nội trợ, không ai coi
sóc…lời thư khẩn thiết, khiến bà không cầm được lòng. Song ngồi bình tĩnh
nghĩ lại, bà vẫn thấy là không thể đồng ý được. Đám học trò biết chuyện, cố
sức tác thành, cả mẹ bà cũng khuyên lơn, bất đắc dĩ bà mới ưng thuận vậy.
Đoàn Thị Điểm vốn là người quán xuyến. Khi về nhà chồng, bà
“quản lý công việc nhà chồng rất chu đáo, khiến các em chồng cùng đám tỳ
thiếp bên chồng đều mến phục” (Đoàn Thị thực lục).
14
Cưới nhau được hơn một tháng, Nguyễn Kiều phải lên đường đi sứ
triều Thanh, mãi đến năm 1745 mới về. Trong ba năm vắng chồng, Đoàn
Thị Điểm sống chẳng khác nào người “chinh phụ”, và có lẽ chính trong
thời gian này (1743 – 1745), bà đã dịch tác phẩm Chinh phụ ngâm bằng
Hán văn của Đặng Trần Côn ra Quốc âm.
Đoàn Thị Điểm sống trong thời điểm này, thời điểm đất nước loạn
lạc, chiến tranh liên miên, cuộc sống đói nghèo. Bản thân Đoàn Thị Điểm
và cũng chịu nỗi cơ cực ấy, nên bà đã thấu hiểu những gì mà tác giả Đặng
Trần Côn gửi gắm vào trong tác phẩm. Chinh phụ ngâm là một tác phẩm
viết về chiến tranh, là khúc ngâm của người chinh phụ, là lời than thở của
một người phụ nữ có chồng ra chiến trường. Những tình tiết cấu tạo nên
toàn bộ khúc ngâm là nỗi niềm lo âu, sợ hãi, trông đợi của người vợ trẻ,
đầm đìa nước mắt hàng ngày, hàng đêm trông ngóng chồng trở về. Chính
điều này đã được Đoàn Thị Điểm bày tỏ trong tác phẩm, khiến cho tác
phẩm còn có sức lưu truyền sâu rộng hơn cả tác phẩm bằng Hán văn ban
đầu của Đặng Trần Côn. Cũng trong lúc làm công việc dịch nghĩa văn bản
Đoàn Thị thực lục chúng tôi có tìm thấy trong mục Hồng Hà phu nhân
truyện có đoạn “hữu tác trước Chinh phụ ngâm từ truyện vu thế tương
truyền giá chinh phụ từ diễn âm thị Hồng Hà phu nhân…”. Điều này có thể
thấy rõ Đoàn Thị Điểm chính là tác giả bản Chinh phụ ngâm bằng chữ
Nôm mà lâu nay vẫn còn nghi vấn.
Sau ngày Nguyễn Kiều trở về, vợ chồng “lại cùng nhau ngâm thơ
vịnh phú, phẩm liễu bình hoa, cùng yêu nhau về tài, kính nhau về nết”
(Đoàn Thị thực lục).
Năm 1748, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9, Nguyễn Kiều được lệnh điều
vào Nghệ An. Đoàn Thị Điểm cùng chồng theo đường thuỷ xuôi dòng sông
Nhị vào Nghệ An. Trên đường đi bà nhuốm bệnh. Đoàn Thị thực lục chép:
“Phu nhân một hôm thấy trong người bần thần khó chịu, tuy vẫn gượng
cơm cháo, nhưng bệnh tình mỗi ngày cảm thấy một nặng hơn. Khi đến trấn
15
Nghệ An thì bệnh trở nên trầm trọng”. Ngày 4 tháng 8 (âm lịch), bệnh bà
đã rất nguy kịch. Đến ngày 11 tháng 9 năm ấy, bà mất, thọ 44 tuổi.
Nguyễn Kiều thương xót vô cùng, làm lễ “thành phục” rồi quàn quan
tài tới một tháng. Hàng ngày, buổi sáng và buổi chiều sau giờ làm việc, ông
đều đến đây cúng lễ. Được ít lâu, ông chọn ngày, sai người đưa thi hài bà
về an táng ở quê. Vì bận việc quan, ông không theo về được, chỉ lập trên
bến để tế lễ trước lúc đưa linh cữu xuống thuyền. Ông đọc một bài văn tế,
rồi dặn các hầu thiếp dọc đường tế một tuần, các con cũng vậy…Các bài
văn tế này đều bằng chữ Hán, hiện nay vẫn giữ được, lời lẽ bi thiết. Bài văn
tế của Nguyễn Kiều thể hiện nỗi lòng của người chồng thương vợ tha thiết,
nỗi mất mát không gì bù đắp nổi. Ta thử đọc một đoạn:
“Sao Bảo vụ sáng ngời, hạt Văn Giang kết đọng khí linh tú. Cái tài
của nương tử thật xưa nay hiếm có, cớ sao ông trời ban cho cái tài lại thu
bớt phúc phận, cho cái danh lại dè xẻn tuổi thọ thế ru?(…). Người dẫu trăm
thân khôn chuộc, hận đến nghìn đời cũng chẳng cùng. Kìa những người
đàn bà vô tư, người ta sống lâu tuổi hạc da mồi, cớ sao người tài hoa tột
bậc dường này mà phúc lộc lại mỏng manh đến thế ? Tội nghiệp thay
nương tử, ở yên không có chỗ, nối dõi không có con, ngoài 30 tuổi mới lấy
chồng, hơn 40 tuổi đã tạ thế; vùi âm dương ở một chỗ, ném tài nghệ vào
khoảng không, trốn bà từ mẫu đã già, bỏ mấy cháu côi còn dại. Há chẳng
phải là mệnh trời không thương mà tạo vật không công hay sao? ”.
Đọc những lời thương khóc ấy, có thể thấy quan Tả thị lang Nguyễn
Kiều quý trọng tài năng, đức độ của Hồng Hà phu nhân như thế nào và cái
chết của phu nhân đã khiến ông đau thương biết là bao nhiêu! Một người
thông minh lỗi lạc, đức hạnh tài hoa như Đoàn Thị Điểm mà cuối đời toàn
gặp những gian nan vất vả. Quan niệm “tài mệnh tương đố” “hồng nhan
bạc mệnh” của người xưa không phải hoàn toàn không có cơ sở !
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
16
Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XVIII là xã hội với cuộc nội chiến kéo
dài giữa họ Trịnh và họ Nguyễn đã làm nhân dân Việt Nam, nhất là nhân
dân ở Đàng ngoài vô cùng khốn khổ. Chiến tranh liên miên kéo theo nó là
tô thuế, nạn dao dịch, binh dịch. Không những thế các chúa Trịnh còn lo
việc ăn chơi và xây dựng chùa chiền hơn lo việc trị nước, mỗi cuộc trùng tu
hay tôn tạo chùa chiền là gánh nặng dao dịch, thuế má theo đó tăng lên
khiến cuộc sống của người dân vô cùng khốn cùng. Nhà nước lại không
quan tâm đến sản xuất đã tạo nên nhiều mối đe dọa tự nhiên. Thế kỷ XVIII,
nạn đê vỡ, hạn lụt xảy ra liên miên, uy hiếp thường xuyên nền sản xuất
nông nghiệp, tình trạng thiên tai mất mùa, đói kém xảy ra khá phổ biến ở
thế kỷ này.
Triều đình tỏ ra bất lực trước sức lớn mạnh của các cuộc khởi nghĩa
nông dân. Việc chống lại nghĩa quân không còn dễ dàng như trước mà là
một việc vô cùng gian lao và nguy hiểm. Nhiều kẻ thấy việc “tiễu phạt”
nghĩa quân không còn là một dịp để thăng quan tiến chức nữa. Họ đã mỏi
mệt trước lực lượng đấu tranh bền bỉ của nhân dân. Ngay trong giai cấp
phong kiến đã nảy ra tâm lý chán ghét chiến tranh, một thứ chiến tranh tàn
phá đất nước, gieo tang tóc cho nhân dân, làm mòn mỏi giai cấp phong
kiến, cuộc sống càng thêm khổ cực.
Qua Đoàn Thị thực lục chúng ta có thể biết rõ hơn về thân thế và sự
nghiệp của Đoàn Thị Điểm : quê nội của bà là làng Giai Phạm nổi tiếng
“nhân kiệt địa linh”, quê ngoại của bà là đất Thăng Long lừng danh “ngàn
năm văn hiến”. Đoàn Thị thực lục cũng cho biết bà học rất thông minh, giỏi
văn chương “miệng nói ra là thành văn chương và làm việc gì cũng phải
phép”. Nhất là về hiếu hạnh và nữ công của bà thì cả vùng đều biết tiếng.
Do sống ở Thăng Long, quê mẹ thời gian dài nên bà đã trau dồi được nhiều
kiến thức, quen biết nhiều người nơi đây, và bà cũng chứng kiến cảnh loạn
lạc ở Kinh thành. Điều đó đã tạo cho bà có được hồn thơ cùng với thực tế
17
cuộc sống giúp bà sau này dịch thành công ra chữ Nôm tác phẩm Chinh
phụ ngâm của Đặng Trần Côn bằng Hán văn.
18
CHƯƠNG 2
VĂN BẢN ĐOÀN THỊ THỰC LỤC
VÀ PHẦN CHÉP VỀ HỒNG HÀ PHU NHÂN DI VĂN
2.1. Văn bản Đoàn Thị thực lục
2.1.1. Xuất xứ văn bản
Đoàn Thị thực lục nguyên được chép trong một tập sách có nhan đề
“Hưng Yên tỉnh, Yên Mỹ huyện, Yên Phú tổng, Giai Phạm xã, Trung Phú
thôn cổ tự chỉ”. Tập sách này có được là do phái viên của Học viện Viễn
đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội về tận xã Giai Phạm tiến hành sao chép các
giấy tờ có chữ Hán và chữ Nôm, tức cái gọi là “cổ chỉ” (giấy cổ) hoặc “cổ
tự chỉ” (giấy tờ có chữ cổ) để mang về lưu tại Thư viện của Học viện.
Tập sách “Hưng Yên tỉnh, Yên Mỹ huyện, Yên Phú tổng, Giai Phạm
xã, Trung Phú thôn cổ tự chỉ” được sao chép vào năm Khải Định 4 (tức
1919), dựa vào một bản gốc do xã đệ trình. Ở cuối bản sao, có chữ ký của
Quản bạ Lê Văn Thiệu là trưởng thôn, và nhận thực của Lý trưởng Đoàn
Xuân Mai là cháu xa đời của họ Đoàn.
Tập bản sao này hiện được tàng trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu
Hán Nôm, mang ký hiệu AHa1/2, và trong cuốn Di sản Hán Nôm Việt Nam
– Thư mục đề yếu - Bổ di I, do Trần Nghĩa chủ biên, Nxb. KHXH, Hà Nội
– 2003, có giới thiệu sơ bộ (xem Quyển Hạ, mục sách 2155). Trong sách
Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu do Trần Nghĩa và Francois
Gpos đồng chủ biên, cũng có giới thiệu một cuốn Đoàn Thị thực lục, nhưng
đây là sách riêng của H. Maspero, hiện tàng trữ ở Thư viện Hiệp hội Châu
Á, Paris, mang ký hiệu Paris. SA. HM. 2112. Ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm
không có sách này.
2.1.2. Tình trạng văn bản
Văn bản chép tay, khổ giấy 27cm x 16cm, 100 tờ, mỗi tờ 2 trang,
mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng xấp xỉ 20 chữ Hán viết chân phương.
19
Tờ 1a chính giữa trang sách có dòng chữ “Hưng Yên tỉnh, Giai Phạm
xã, Trung Phú thôn cổ tự chỉ” được viết bằng nét chữ to, ở giữa có chua
dòng chữ nhỏ “Yên Mỹ huyện, Yên Phú tổng”, có nghĩa đây là tập giấy tờ
cũ ở thôn Trung Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tổng Yên Phú, tỉnh
Hưng Yên”. Bên trái của trang sách ghi dòng chữ nhỏ “Cổ Hiến Phạm xã,
thuộc Kinh Bắc xứ, Thuận An phủ, Văn Giang huyện = xưa thuộc xã Hiến
Phạm, thuộc xứ Kinh Bắc, phủ Thuận An, huyện Văn Giang”. Đây là
những gì được ghi ở tờ đầu tiên, mặt trước của tập sách.
Tờ 1b ghi : “Giai Phạm xã, Trung Phú thôn, cổ tự chỉ” đây là dòng
chữ tiếp nối, cho biết xuất xứ của tập văn bản. Tiếp đó, ngay phía bên trái
là mục lục của tập sách gồm các tiêu đề :
- “Hoàng Lê Ngọc phả = Ngọc phả triều nhà Lê”, phía dưới chua
dòng chữ nhỏ, viết thành hai hàng (lưỡng cước chú): “Cảnh Hưng ngự chế
tự tính phả hệ = Bài tựa của vua Lê Cảnh Hưng và phả hệ”.
- “Lê Hoàng ấn kiếm thực lục = Thực lục ấn kiếm của nhà Lê”.
- “Đoàn Thị thực lục = Thực lục về họ Đoàn”, phía dưới ghi dòng
chữ nhỏ, viết thành hai hàng “do Hồng Hà Đoàn phu nhân Thị Điểm lược
phả tính di văn = gồm gia phả tóm lược của Hồng Hà phu nhân Đoàn thị
Điểm và phần văn chương còn để lại của bà”.
Tờ 2a ghi tiếp mục lục của tập văn bản :
- “Lam Sơn cổ tích lưu thanh sách = Chuyện cổ Lam Sơn lưu sử
xanh”.
- “Hoàng Lê Ngọc phả ký tập = Tập ngọc phả của vua Lê”.
- “Kiếm thủy kim truyền ký phả văn = Bài văn phả ký còn truyền đến
nay về hồ Hoàn Kiếm”.
Phía dưới trang 2a có dòng chữ nhỏ viết thành 5 hàng, mỗi hàng có 3
chữ: “Yên Phú tổng, Giai Phạm xã, Trung Phú thôn, viễn tôn đẳng, bái thủ
thư = Con cháu xa đời ở thôn Trung Phú, xã Giai Phạm, tổng Yên Phú kính
chép”.
20
Tờ 2b là phần chính văn, bắt đầu bằng Hoàng Lê Ngọc phả ký tập từ
tờ 2b đến tờ 24b. Dưới tiêu đề có ghi dòng chữ “Ngự chế Ngọc phả ký tự =
Bài tựa của Ngọc phả ký, do nhà vua soạn”.
Phần chính văn Hoàng Lê Ngọc phả ký tập được viết bằng chữ to,
phần “lưỡng cước chú” viết bằng chữ nhỏ. Và để tỏ ý tôn kính, các chữ
“trẫm”, “tổ”, “thánh”, “thần”, “hoàng” đều viết nhô cao lên (đài đầu) so với
các dòng chữ còn lại.
Các tờ 5b, 6a, 6b phía đầu trang sách là 3 dấu bảo ấn, hình vuông,
với 4 chữ “sắc mệnh chi bảo”, viết theo kiểu “triện thể”.
Tờ 7a ghi 4 chữ lớn “Thần kiếm hình trạng = Hình dạng của kiếm
thần”.
Tờ 7b vẽ hình lưỡi gươm thần với 4 chữ “Lê Lợi thuận thiên = Lê
Lợi thuận theo ý trời” “Thuận thiên” còn là nien hiệu của Lê Thái Tổ (Lê
Lợi) được viết ở phần mũi và chuôi kiếm. Xung quanh chiếc kiếm thần là 4
chữ “Thần kiếm hình trạng = Hình dạng lưỡi gươm thần” cũng được ghi
bằng triện thể.
Từ tờ 8a, dòng 2, đến trang 14b là Hoàng Lê Ngọc phả ký tập, phần
này ghi tên tự, tên huý của các vua triều Lê.
Từ tờ 14b đến tờ 17b là “Mỹ tặng vương thụy phi thụy tập ký =
Những mỹ tự tặng cho cha, mẹ của các vua”.
Từ tờ 17b đến tờ 24b là “Hoàng Lê Ngọc phả tương truyền thế hệ
chi đồ = Sơ đồ về thế thứ các đời của dòng họ vua nhà Lê”.
Phần thứ hai của tập sách là Đoàn Thị thực lục bắt đầu từ tờ 24 đến
tờ 100. Phần này bao gồm:
- Hồng Hà phu nhân gia phả.
- Hồng Hà phu nhân di văn.
- Hồng Hà phu nhân truyện.
- Hồng Hà phu nhân nghiêm phụ thần đạo bi ký.
21
1.Hồng Hà phu nhân gia phả (từ tờ 24 đến tờ 53) : Được viết bằng
chữ to, kèm theo một số lưỡng cước chú.
2.Hồng Hà phu nhân di văn (từ tờ 53 đến tờ 95) : Tiêu đề Hồng Hà
phu nhân di văn được viết bằng chữ to, phía trên của mấy chữ “Hồng Hà
phu nhân di văn” là hai chữ “Phụ biên” (biên chép thêm vào). Phần này
gồm thơ, văn, câu đối chép lẫn lộn, không tách hẳn theo từng thể loại.
3.Hồng Hà phu nhân truyện (từ tờ 95a đến tờ 96a) : Phía dưới dòng
chữ lớn “Hồng Hà phu nhân truyện” là dòng cước chú chữ nhỏ “Nguyễn
Công Kiều á phu nhân = Bà vợ thứ (Đoàn Thị Điểm) của Nguyễn Kiều”.
4.Hồng Hà phu nhân nghiêm phụ thần đạo bi ký (từ tờ 96a đến tờ
98a). Ở đây, dưới tiêu đề tấm bia “Lê triều Thái học sinh Dương Kính tiên
sinh bi chí” là bài văn và bài minh do các môn nhân của Đoàn Doãn Nghi
soạn. Cuối bài văn bia là tên những người học trò đã khởi công (Đào Duy
Dung, Nguyễn Đình Dung), góp kinh phí (Vũ Đình Huyên…tất cả 9 người)
và soạn bài văn bia.
Tờ 100a cuối tập sách có 4 hàng chữ:
- Hàng thứ nhất: “Yên Phú tổng, Giai Phạm xã, Trung Phú thôn, cổ
tự chỉ = Cổ tự chỉ ở thôn Trung Phú, xã Giai Phạm, tổng Yên Phú”.
- Hàng thứ hai: “Khải Định tứ niên bát nguyệt sơ lục nhật thừa phái
hồi sao cứ kiến xã nội đệ tường phụng sao tập thành nhất bản = Vào ngày 6
tháng 8 năm Khải Định thứ tư (tức năm 1919) phái viên (của Học viện
Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội) về tận địa phương sao chép, theo văn
bản do xã cung cấp, thành một tập).
- Hàng thứ ba: “Lê tộc trưởng tôn quản bạ Lê Văn Thiệu ký = Người
giữ tài liệu là Lê Văn Thiệu, cháu đích tôn của dòng họ Lê, ký tên”.
- Hàng thứ tư: “Thừa nhận thực Đoàn tộc viễn tôn Lý trưởng Đoàn
Xuân Mai = Người nhận thực là Đoàn Xuân Mai, cháu xa đời của họ
Đoàn”.
22
2.1.3. Nội dung văn bản
Sau khi hiểu rõ tình trạng văn bản, chúng ta hãy đi vào nội dung từng
phần trong tập sách.
Để tiện theo dõi, ta có thể chia văn bản ra làm hai phần chính:
- Hoàng Lê Ngọc phả ký tập
- Đoàn Thị thực lục
Sau đây là nội dung cụ thể của từng phần:
1.Hoàng Lê ngọc phả ký tập: Đây là bản phả ký của các vua nhà Lê,
bắt đầu từ Lê Thái Tổ dấy quân dựng nghiệp, thu nạp tướng sỹ, đến sự tích
lưỡi gươm thần và câu chuyện trả lại thanh kiếm (hoàn kiếm) của Bình
Định Vương Lê Lợi. Sự tích kể rất hấp dẫn, như việc Lê Thận người Sơn
Nam, huyện Cổ Lôi (nay là huyện Lôi Dương tỉnh) khi theo Lê Lợi dựng
nghiệp ở đất Lam Sơn, một đêm đánh cá vớt được một lưỡi gươm bằng sắt
dài ba phân, rộng hai tấc, dầy ba phân và việc “đầu quân” của ông.
Ngoài ra, cũng từ Hoàng Lê Ngọc phả ký tập, ta có thể lần đầu nhìn
thấy hình vẽ về chiếc bảo ấn “Sắc mệnh chi bảo” của vua Lê; một hình vẽ
về “thanh gươm thần” của Bình Định Vương Lê Lợi; cùng bản sơ đồ
(nhưng cũng khá tường tận) về thế thứ các dòng, các chi thuộc tộc họ của
nhà Lê, trong đó có ghi chép cả ngày sinh, ngày giỗ của từng người cũng
như vương hiệu, thụy hiệu…của họ, kể cả người hôn phối cùng họ.
Những ghi chép này khả dĩ bổ sung cho chính sử.
Phần Ngọc phả nhà Lê sở dĩ được đưa vào làm “mào đầu” cho Đoàn
Thị thực lục, là bởi lẽ như bên dưới ta sẽ thấy, họ Đoàn vốn dĩ từ họ Lê
tách ra, nên kể về gốc gác thì họ Đoàn là hậu duệ của họ Lê, của Lê Trừ, Lê
Lợi…nghĩa là Ngọc phả nhà Lê xuất hiện trong cùng sách với Đoàn Thị
thực lục là có lý do sâu xa của nó, chứ không phải ngẫu nhiên.
2.Đoàn Thị thực lục: Trong Đoàn Thị thực lục có bốn mục khác
nhau chia làm a, b, c, d. Riêng nội dung phần b là Hồng Hà phu nhân di
23
văn được trình bày rõ ở phần sau. Còn 3 phần a, c, d sẽ được trình bày cụ
thể như sau:
a.Hồng Hà phu nhân gia phả (Tập gia phả của dòng họ Hồng Hà phu
nhân, tức Đoàn Thị Điểm) : Tập gia phả này do người con rể của Đoàn
Doãn Y là cháu rể Đoàn Doãn Luân (anh rể Đoàn Thị Điểm) biên soạn.
Trước hết, tác giả kể chuyện thuỷ tổ họ Đoàn từ họ Lê đổi thành. Điều này
như trên kia từng nói, giải thích tại sao đầu tập sách lại là Hoàng Lê Ngọc
phả ký tập. Tiếp đó, gia phả chép từ cụ 9 đời của Đoàn Thị Điểm là Lê
Phúc Lâm đến các thế hệ sau. Gia phả nêu chi tiết nguồn gốc của dòng họ
từ cụ 5 đời là Lê Công Nẫm, được chân lao dịch, do cần cù chịu khó, được
quan trên tin dùng, trải làm đến chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thái
thường tự thiếu khanh, tước Thiên Hào Tử. Lê Công Nẫm sinh Lê Công
Vị ; Lê Công Vị sinh Lê Doãn Nghi - thủy tổ về văn học của dòng họ
Đoàn.
Gia phả đi sâu vào cả cuộc đời và sự nghiệp của Đoàn Doãn Nghi cùng
con cháu của ông. Từ việc mô tả dáng vẻ khoáng đạt, phong cách tự tại, nết
chăm chỉ học hành của Doãn Nghi hồi còn nhỏ, đến công lao của người mẹ
Doãn Nghi trong việc nuôi dưỡng, chăm chút và kỳ vọng ở con như thế
nào, đây là bước chuẩn bị khá tốt để Doãn Nghi vào đời. Ở đây cũng giải
thích rõ tại sao tới Doãn Nghi, họ Lê lại đổi thành họ Đoàn : Doãn Nghi thi
mãi không đỗ, một hôm nằm mơ thấy thần bảo nên đổi họ thành “Đoàn” thì
có thể làm nên sự nghiệp lớn. Ông làm theo lời thần và đã thi đỗ trong kỳ
thi sau đó.
Sách còn kể lại cuộc hôn nhân giữa Doãn Nghi với người vợ sau (bà
họ Vũ), từ đó sinh ra Đoàn Doãn Luân và nhất là Đoàn Thị Điểm - người
đã làm vẻ vang cho dòng họ Đoàn và cho cả lịch sử văn học Việt Nam nói
chung, dòng văn học thế kỷ XVIII nói riêng.
Gia phả đã dành một dung lượng khá lớn để chép về Đoàn Thị Điểm,
nhân vật chính của tập sách. Với tư chất thông minh từ bé cộng với nền
24
giáo dục, giáo dưỡng của gia đình, cụ thể là mẹ và bà ngoại, Đoàn Thị
Điểm sớm hình thành một nhân cách, một văn phong riêng để làm nên
những tác phẩm văn học có giá trị sau này. Gia phả đã chép lại những câu
đối sắc sảo giữa hai anh em bà cùng sự thông minh ứng xử của bà trong
cuộc sống hàng ngày, tài tháo vát nội trợ để chèo chống gia đình khi cha và
anh đều qua đời, để lại gánh nặng cho bà với muôn vàn khốn khó bởi cuộc
sống hàn sỹ không màng danh lợi mang lại.
Tập sách cũng kể về cuộc hôn nhân muộn màng của Đoàn Thị Điểm
với Tiến sỹ Tả thị lang Nguyễn Kiều quê làng Phú Xá, huyện Từ Liêm (nay
thuộc ngoại thành Hà Nội), người mà Đoàn Thị Điểm rất khâm phục cả về
tài năng lẫn đức độ.
Đọc Hồng Hà phu nhân gia phả, có thể thấy được bức tranh sinh
động về cuộc sống của Đoàn Thị Điểm và gia đình bà những năm đầu của
thế kỷ XVIII. Nó không chỉ đơn thuần là một tập gia phả với ngày sinh,
ngày mất cùng các tên thụy, tên hiệu như những tập gia phả khác, mà ở đây
còn phản ánh được phần nào tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thời Lê mạt
đầy rối ren, bất ổn mà Đoàn Thị Điểm và những văn sỹ có tài thời này đang
nếm trải.
Trong gia phả, ngoài việc nói đến sự xuất thân cũng như gia thế của
dòng họ Đoàn, tính cách, tư chất của Đoàn Doãn Luân, sự thông minh sắc sảo
của Vũ Thị - mẹ của Hồng Hà phu nhân, ta còn thấy có các bài văn tế sau:
Văn tế Doãn Luân Công văn (bài văn tế anh Đoàn Doãn Luân). Đây
là tác phẩm do Đoàn Thị Điểm soạn. Lời văn rất thống thiết, bi ai, phản ánh
sự tiếc thương và đau đớn vô hạn của người em gái đối với người anh trai
có tài nhưng chết trẻ, cùng những tình cảm sâu sắc không có gì thay thế
giữa hai anh em. Bài văn diễn tả nỗi vất vả, gánh nặng gia đình mà bà phải
gánh vác sau khi người anh qua đời. Tình cảnh người chị dâu có hai con
nhỏ bơ vơ giữa cảnh đời cay cực, người em gái không thể không chia sẻ…
25