Tải bản đầy đủ (.doc) (24 trang)

tóm tắt luận án bản sắc dân tộc trong ca khúc mới việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (212.27 KB, 24 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ca khúc mới Việt Nam hình thành từ những năm 30 thế kỷ trước, trên cơ
sở tiếp thu các kỹ thuật sáng tác và phương thức ghi nhạc của phương Tây. Vì
vậy, có những bài ảnh hưởng âm nhạc nước ngoài, nhưng cũng có những bài vẫn
mang bản sắc dân tộc ở những mức độ đậm nhạt khác nhau.
Từ khi đất nước đổi mới, lĩnh vực ca khúc đã và đang có các hoạt động
sôi nổi, đặc biệt bối cảnh giao lưu văn hóa gia tăng hiện nay đã khiến việc du
nhập yếu tố âm nhạc nước ngoài ngày càng trở nên phức tạp.
Trong các chương trình ca nhạc, người ta thấy bản sắc dân tộc ở nhiều ca
khúc bị mờ nhạt, thậm chí nhiều bài không có bản sắc dân tộc. Điều này đã làm
nảy sinh những tranh luận cả trong và ngoài giới âm nhạc. Các bài viết: Ca khúc
Việt đi về đâu? của Đỗ Tuấn hay Ca khúc trẻ đi về đâu? của Nguyễn Đình San
đã phản ánh phần nào thực trạng trên và những lo lắng của các tác giả là có cơ
sở, bắt nguồn từ thực trạng đời sống ca nhạc nước nhà.
Trước bối cảnh đó, việc tìm hiểu những khía cạnh liên quan đến bản sắc
dân tộc để làm sáng tỏ những vấn đề trên là cấp thiết. Vì vậy, tôi chọn đề tài Bản
sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu cho luận án.
2. Mục tiêu nghiên cứu
- Tìm hiểu thực chất vấn đề bản sắc dân tộc với những biểu hiện cụ thể
của nó trong ca khúc mới Việt Nam.
- Làm rõ sự biến đổi của phương thức biểu hiện và những tác động của nó
tới bản sắc dân tộc trong ca khúc thời đổi mới, từ đó đưa ra gợi mở góp phần đưa
ca khúc Việt Nam phát triển theo hướng dân tộc - hiện đại.
- Chỉ ra những yếu tố nền tảng đối với việc biểu hiện bản sắc dân tộc
trong ca khúc mới Việt Nam.
- Với kết quả tìm hiểu bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam, rút ra
một số nhận thức về bản sắc dân tộc nói chung.
1
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu:


Đối tượng nghiên cứu của luận án chính là bản sắc dân tộc trong ca khúc
mới Việt Nam với những khía cạnh liên quan, thông qua một số ca khúc được
lựa chọn đại diện cho các giai đoạn lịch sử của đất nước, các dòng nhạc trong
nước và các thế hệ tác giả ca khúc.
Phạm vi nghiên cứu:
Trong khuôn khổ luận án, không thể phân tích tất cả ca khúc mới Việt
Nam, vì vậy chỉ có thể lựa chọn một số bài theo các tiêu chí sau:
- Được sáng tác từ những năm 30 thế kỷ trước đến nay, với phần đông
trong đó đang được phổ biến trên các phương tiện thông tin, đại chúng.
- Tác giả của các ca khúc được lựa chọn cũng chủ yếu là các nhạc sĩ đang
được công chúng biết đến. Ngoài ra, một số tác giả trẻ mà giới truyền thông mới
quan tâm cũng sẽ được quan tâm.
- Để tránh việc dàn trải không cần thiết mà vẫn đạt được tính đại diện, số
lượng ca khúc được lựa chọn dự kiến là 60 bài. Tuy nhiên, trong quá trình
nghiên cứu có thể xem xét thêm một số khác – kể cả những bài tự chúng tôi lựa
chọn hay bài đã được dùng trong công trình, bài viết của tác giả khác.
- Ngoài ra, một số băng, đĩa tiếng và đĩa hình về các chương trình ca nhạc
hoặc giọng hát ca sĩ đã phát hành sẽ được sử dụng để tìm hiểu phần hoà âm phối
khí và phần biểu diễn.
Các ca khúc dành cho các lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng và những tác phẩm
thanh xướng kịch không nằm trong phạm vi nghiên cứu của đề tài.
4. Ý nghĩa khoa học thực tiễn của luận án
Luận án là công trình nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện về bản sắc dân
tộc trong ca khúc mới Việt Nam. Trong đó, hệ thống hoá những khía cạnh biểu
hiện của bản sắc dân tộc trong ca khúc mới dưới góc nhìn âm nhạc học và văn
hoá học; làm rõ mối liên hệ giữa các yếu tố cổ truyền dân tộc với bản sắc dân tộc
trong ca khúc mới; chỉ ra những biến đổi cụ thể của bản sắc dân tộc trong ca
2
khúc thời đổi mới và gợi mở phương hướng gìn giữ bản sắc dân tộc trong ca
khúc Việt Nam ở thời hội nhập quốc tế hiện nay; góp bàn thêm về một số vấn đề

vẫn còn tồn tại những quan điểm chưa thống nhất hoặc trái chiều liên quan tới
bản sắc dân tộc nói chung; ngoài ra, luận án có thể được sử dụng làm tài liệu
tham khảo cho việc nghiên cứu những vấn đề liên quan tới bản sắc dân tộc trong
âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung.
5. Bố cục luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án sẽ
gồm 3 chương:
- Chương 1: Cơ sở lý luận và tổng quan về tình hình nghiên cứu
- Chương 2: Bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam và những biến
đổi của nó
- Chương 3: Từ bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam, góp bàn
thêm về bản sắc dân tộc nói chung.
3
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN
VÀ TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. GIỚI THUYẾT MỘT SỐ KHÁI NIỆM
Để thuận tiện trong quá trình giải quyết các mục tiêu nghiên cứu, chúng
tôi giới thuyết hai khái niệm có liên quan trực tiếp tới đề tài là “bản sắc dân tộc”
và “ca khúc mới”.
1.1.1. Khái niệm “bản sắc dân tộc”
Qua cách giải nghĩa trong các từ điển cũng như cách hiểu của tác giả các
công trình bài viết liên quan đến bản sắc dân tộc, chúng tôi nhận thức: Bản sắc
dân tộc là những cái thuộc về đặc điểm riêng của một dân tộc cụ thể. Trong đó,
có những khía cạnh “độc đáo” cảm nhận được ngay, có những khía cạnh cần có
kiến thức nhất định về nó để có thể cảm nhận, cũng có những khía cạnh lại có
nét tương đồng với văn hóa dân tộc khác, cần tìm hiểu mới nhận thức được.
1.1.2. Khái niệm “ca khúc mới”
Đây là một khái niệm phổ thông được dùng để chỉ những ca khúc được
hình thành dựa trên sự tiếp thu các thủ pháp sáng tác và cách ghi nhạc của

phương Tây (đã nêu ở mục Lý do chọn đề tài). Nhà nghiên cứu âm nhạc
Nguyễn Thụy Loan cho rằng: “ca khúc mới thực ra là cách gọi tắt của ca khúc
nhạc mới”
1
, như một cách để phân biệt với các bài dân ca cổ truyền.
Trong nhiều trường hợp, cụm từ “ca khúc mới” thường được nhiều người
gọi tắt là “ca khúc” với cách hiểu cùng nghĩa. Vì vậy, trong luận án có thể sử
dụng theo cả hai cách gọi tùy theo từng tình huống cho phù hợp.
1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG VĂN
HÓA NÓI CHUNG VÀ TRONG CA KHÚC MỚI Ở NƯỚC TA
Do mục tiêu nghiên cứu của luận án liên quan tới quan điểm về bản sắc
dân tộc, vì vậy mục này cần tìm hiểu về các giai đoạn nghiên cứu, cũng như các
1
Theo bài giảng của nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan, Hà Nội ngày 8-2013.
4
vấn đề mà các tác giả đi trước đã đề cập liên quan tới bản sắc dân tộc trong cả
các lĩnh vực văn hóa nói chung và ca khúc mới nói riêng.
1.2.1. Khái quát về các giai đoạn nghiên cứu
Trước khi bàn về bản sắc dân tộc trong ca khúc mới, chúng tôi sẽ xem xét
vấn đề này trong các lĩnh vực văn hóa nói chung ở nước ta:
1.2.1.1. Trong các lĩnh vực văn hóa nói chung
Căn cứ vào lịch sử cụ thể của đất nước và kết quả phản ánh từ những tư
liệu thu thập được, có thể chia tình tình nghiên cứu ở nước ta về bản sắc dân tộc
trong văn hóa nói chung thành những giai đoạn sau:
- Trước 1954: vấn đề bản sắc dân tộc đã được quan tâm, tuy nhiên số
lượng công trình nghiên cứu cũng như độ dài của chúng vẫn còn “khiêm tốn”.
- 1954 – 1975: các công trình, bài viết liên quan đến bản sắc dân tộc ở giai
đoạn này đã tăng lên đáng kể về cả số lượng và độ dài.
- 1975 – 1986: tần suất các bài viết tiếp tục tăng; nội dung, đề tài cũng
ngày càng phong phú; nhiều bài viết có xu hướng tìm cách lý giải và mô tả về

bản sắc dân tộc trong các khía cạnh văn hóa một cách khoa học.
- 1986 – nay (2012): các công trình bài viết về bản sắc dân tộc có số
lượng đông đảo, nội dung cũng như hình thức viết cũng phong phú và đa dạng.
1.2.1.2. Trong lĩnh vực ca khúc mới
Căn cứ vào những tài liệu đã thu thập được, có thể chia tình hình nghiên
cứu về bản sắc dân tộc trong ca khúc mới thành các giai đoạn không trùng với
tình hình nghiên cứu về văn hóa nói chung:
- Trước 1972: chưa thấy có tài liệu nào đề cập trực tiếp đến vấn đề bản sắc
dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam.
- 1972 – 1975: những bài viết trên phần lớn được thể hiện dưới dạng ghi
lại những suy nghĩ, cảm tưởng, hoặc chỉ là bước đầu tìm hiểu, mà chưa được
nghiên cứu một cách có hệ thống về vấn đề bản sắc dân tộc.
- 1975 – 2000: đây là một sự gián đoạn về thời gian trong lịch sử nghiên
cứu về bản sắc dân tộc trong lĩnh vực ca khúc mới ở nước ta.
5
- 2000 – nay (2012): các nghiên cứu về bản sắc dân tộc trong ca khúc mới
đã có sự gia tăng đáng kể về cả số lượng công trình bài viết lẫn sự đa dạng và
phong phú về góc độ tiếp cận vấn đề.
Như vậy, việc nghiên cứu về bản sắc dân tộc trong văn hóa nói chung và
ca khúc mới Việt Nam nói riêng đã được một số tác giả quan tâm tới. Tuy nhiên,
cho tới nay vẫn chưa thấy có chuyên khảo nào dành riêng cho việc nghiên cứu
một cách tổng hợp, bao quát và toàn diện những khía cạnh liên quan tới bản sắc
dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam.
1.2.2 Những vấn đề đã được đề cập
Có thể tổng hợp các vấn đề liên quan tới bản sắc dân tộc trong văn hóa nói
chung, trong âm nhạc và trong ca khúc mới Việt Nam như sau:
- Về khái niệm bản sắc dân tộc: đã được một số tác giả đi trước đề cập
như đã nêu ở tiểu mục 1.1.1.2. vấn đề sẽ được tiếp tục xem xét ở tiểu mục 1.2.3.
- Về những yếu tố liên quan đến việc hình thành bản sắc dân tộc, có 4
nhóm ý kiến: nhóm thứ nhất nhấn mạnh vai trò của phong tục tập quán

2
hay thói
quen trong suy nghĩ và hành động của cồng đồng; nhóm thứ hai quan tâm vai trò
của không gian văn hóa cộng đồng; nhóm thứ ba đề cao vai trò lịch sử; nhóm
thứ tư chỉ ra vai trò giao lưu văn hóa đối với sự hình thành bản sắc dân tộc.
- Về đặc tính của bản sắc dân tộc, được quan tâm theo 2 nhóm khía cạnh:
nhóm thứ nhất thừa nhận tính vận động và biến đổi của bản sắc dân tộc; nhóm
thứ hai quan tâm đặc tính khách quan, chủ quan của bản sắc dân tộc.
- Về sự biểu hiện của bản sắc dân tộc, có thể phân chia thành 5 nhóm ý
kiến: nhóm thứ nhất nhấn mạnh bản chất, cốt cách, đặc điểm dân tộc; nhóm thứ
hai nói về biểu hiện của bản sắc dân tộc trong từng lĩnh vực văn hóa cụ thể;
nhóm thứ ba thừa nhận có sự tương đồng trong một số biểu hiện của bản sắc dân
tộc; nhóm thứ tư đề cập những loại yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc; còn nhóm
thứ năm bàn về vai trò của chất liệu dân gian với bản sắc dân tộc.
2
Chữ in nghiêng là do chúng tôi muốn nhấn mạnh.
6
- Về mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và bản sắc dân tộc, bao gồm 3
nhóm ý kiến: nhóm thứ nhất đề cao vai trò của việc am hiểu văn hóa dân tộc với
chủ thể sáng tạo; nhóm thứ hai quan tâm vai trò của cảm xúc ở người sáng tác
với văn hóa dân tộc; còn nhóm thứ ba chỉ ra tầm quan trọng của khả năng ứng
dụng tri thức văn hóa dân tộc trong tác phẩm của người sáng tác.
1.2.3. Nhận xét
Các vấn đề nhận được sự quan tâm của các tác giả đi trước đã cho thấy, có
những khía cạnh đã thống nhất, cũng có những khía cạnh chưa được thống nhất
hoặc cần phải bàn thêm. Cụ thể là:
1.2.3.1. Những khía cạnh đã thống nhất
Thứ nhất, về khái niệm bản sắc dân tộc, đó là cách suy nghĩ, cách làm của
một dân tộc được thể hiện ở những sản phẩm văn hóa của dân tộc đó phân biệt
được với sản phẩm văn hóa của các dân tộc khác.

Thứ hai, cơ sở tạo thành bản sắc dân tộc là không gian văn hóa cộng
đồng, lịch sử dân tộc, phong tục tập quán hay những thói quen trong suy nghĩ và
thực hành văn hóa của một dân tộc. Ngoài ra, còn có cả sự tham gia của quá
trình giao lưu tiếp biến văn hóa.
Thứ ba, bản chất, cốt cách, đặc điểm dân tộc bao giờ cũng thể hiện qua
nội dung và hình thức của tác phẩm văn hóa nghệ thuật.
Thứ tư, bản sắc dân tộc không “nhất thành bất biến” mà luôn luôn vận
động và biến đổi.
Thứ năm, trong từng lĩnh vực văn hóa cụ thể, bản sắc dân tộc có những
biểu hiện khác nhau; bên cạnh những khía cạnh văn hóa riêng của dân tộc, cũng
có những khía cạnh biểu hiện tương đồng với văn hóa một số dân tộc khác.
Thứ sáu, một số vấn đề người sáng tạo nghệ thuật dựa trên chất liệu dân
gian dân tộc cần quan tâm: sự am hiểu văn hóa dân tộc, khả năng ứng dụng tri
thức văn hóa dân tộc trong tác phẩm và cảm xúc về văn hóa dân tộc.
Ngoài những khía cạnh đã được thống nhất ở trên, vẫn còn một số khía
cạnh khác có những ý kiến chưa thống nhất, thậm chí là trái chiều.
7
1.2.3.2. Những khía cạnh chưa thống nhất
a, Mối liên quan giữa các yếu tố dân gian đối với bản sắc dân tộc
Khía cạnh này có sự khác biệt giữa một số quan điểm: Nguyễn Thành
Đức (thừa nhận vai trò quan trọng của chất liệu dân gian với ý nghĩa bản sắc);
Hoàng Đạm (tuy không phủ định hoàn toàn chất liệu dân gian, nhưng đề cao
tuyệt đối vai trò của thời đại trong việc tạo nên bản sắc dân tộc); Thiên Lang
(hầu như phủ định chất liệu dân gian với ý nghĩa bản sắc dân tộc mà đề cao vai
trò của tâm thức dân tộc của người sáng tác).
b, Về biểu hiện của bản sắc dân tộc trong quốc gia đa dân tộc
Khía cạnh này có 2 quan điểm khác biệt: Quang Đạm (bản sắc dân tộc chỉ
bao gồm những yếu tố chung bao quát các tộc người trong nước); Trần Độ
(ngoài yếu tố chung, bản sắc dân tộc còn là bản sắc riêng của mỗi tộc người); Hà
Xuân Trường (ngoài yếu tố chung của các tộc và yếu tố riêng của mỗi tộc người,

còn có cả yếu tố riêng của mỗi vùng miền trong nước).
c, Về đặc tính khách quan, chủ quan của bản sắc dân tộc
Đây là khía cạnh có 2 loại ý kiến trái chiều: Hồ Sĩ Vịnh (bản sắc dân tộc
được “hình thành một cách khách quan”); Nguyễn Văn Chính (bản sắc dân tộc
“không phải là một thực thể tồn tại khách quan mà nó được tạo nên thông qua tư
duy chủ quan của mỗi cá nhân hay cộng đồng).
1.2.3.3. Những vấn đề đặt ra
Căn cứ vào kết quả phân tích và tổng kết ở trên, có một số vấn đề chính
được đặt ra như sau:
Một là, những yếu tố nào tạo nên bản sắc dân tộc trong ca khúc mới?
Hai là, các yếu tố dân gian có vai trò gì đặc biệt đối với việc biểu hiện bản
sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam? Vấn đề được làm rõ sẽ là kết quả giải
đáp cho khía cạnh còn những ý kiến mâu thuẫn về vấn đề chất liệu dân gian với
ý nghĩa bản sắc.
Ba là, những biến đổi của bản sắc dân tộc của ca khúc mới diễn ra như thế
nào? Ở khía cạnh này, các tác giả đi trước đã đồng thuận rằng bản sắc dân tộc
8
không “nhất thành bất biến” mà luôn luôn biến đổi, tuy nhiên chưa có những
nghiên cứu cụ thể về sự biến đổi của bản sắc dân tộc trong ca khúc mới.
Bốn là, bản sắc dân tộc có nhất thiết phải là những yếu tố chung của các
thành phần dân tộc hay không? Vấn đề được làm rõ sẽ là lời giải đáp cho khía
cạnh còn tồn tại những quan điểm còn mâu thuẫn về loại yếu tố biểu hiện bản
sắc dân tộc trong một quốc gia có nhiều thành phần dân tộc như đất nước ta.
Năm là, bản sắc dân tộc mang tính chủ quan hay khách quan? Kết quả
nghiên cứu về vấn đề này sẽ góp bàn với những ý kiến còn mâu thuẫn về sự tồn
tại của bản sắc dân tộc.
1.3. CÁC LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐƯỢC SỬ
DỤNG TRONG LUẬN ÁN
1.3.1. Các lý thuyết
Bản sắc dân tộc là vấn đề lớn, có nhiều ý kiến bàn luận khác nhau về việc

định nghĩa, cũng như xác định nội hàm ngữ nghĩa khái niệm này. Vì vậy, ngoài
việc dựa trên cơ sở những lý luận phù hợp mục tiêu nghiên cứu của đề tài, luận
án còn sử dụng một số quan điểm khác nhau đã được công bố về bản sắc dân tộc
nói chung cũng như bản sắc dân tộc trong âm nhạc và trong ca khúc mới Việt
Nam nói riêng để tìm hiểu và bàn luận.
Đối với những lý thuyết liên quan đến bản sắc dân tộc, chúng tôi dựa trên
quan điểm của một số nhà nghiên cứu đi trước. Cụ thể là:
- Về việc biểu hiện bản sắc dân tộc trong ca khúc mới, luận án dựa trên cơ
sở lý luận về vai trò các yếu tố cổ truyền dân tộc đối với việc biểu hiện bản sắc
dân tộc của Nguyễn Thụy Loan (qua các cuốn Lược sử âm nhạc Việt Nam viết
năm 1993, Âm nhạc cổ truyền Việt Nam viết năm 2006) và của Nguyễn Thành
Đức (bài viết Vấn đề ngôn ngữ nghệ thuật múa trong thời kỳ hiện đại – hội nhập
và đổi mới viết năm 2009).
- Trả lời câu hỏi: bản sắc dân tộc trong ca khúc mới có biến đổi hay
không, nếu có thì những biến đổi đó cụ thể thế nào? chúng tôi dựa vào quan
điểm một số nhà nghiên cứu đi trước về đặc tính biến đổi của bản sắc dân tộc:
9
Phạm Đình Sáu (Một số ý kiến về tính dân tộc trong âm nhạc viết năm 1972), Tú
Ngọc (Góp bàn về tính dân tộc trong âm nhạc viết năm 1972), Nguyễn Thụy
Loan (Bàn về biến số - hằng số và bản sắc dân tộc trong âm nhạc Việt Nam viết
năm 1994), Tô Ngọc Thanh (Về tính dân tộc viết năm 2009).
- Để góp bàn về một số vấn đề liên quan đến bản sắc dân tộc nói chung
đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau, chúng tôi tham khảo một số ý kiến
của các tác giả: Quang Đạm, Trần Độ và Hà Xuân Trường (về vấn đề bản sắc
dân tộc trong quốc gia có nhiều thành phần dân tộc); Hồ Sĩ Vịnh, Nguyễn Văn
Chính (bản sắc dân tộc mang tính khách quan hay chủ quan). Các ý kiến cụ thể
sẽ được nêu rõ trong quá trình nghiên cứu.
Đối với các lý thuyết về âm nhạc liên quan đến luận án, chúng tôi dựa vào
cách phân loại các yếu tố biểu hiện âm nhạc trong cuốn Lý thuyết âm nhạc cơ
bản của V.A.Vakhrameep do tác giả Vũ Tự Lân dịch và xuất bản năm 1993.

- Các thuật ngữ, khái niệm, cách ghi mô hình điệu thức và cách xác định
các điệu thức ngũ cung trong dân ca Việt Nam được dùng trong luận án này là
dựa theo hệ thống lý luận của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan.
Những lý thuyết hay quan điểm trên sẽ được sử dụng làm cơ sở, kết hợp
với quan điểm của chính bản thân người viết trong quá trình giải quyết các mục
tiêu nghiên cứu của luận án.
1.3.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng một số phương pháp sau: phương pháp nghiên cứu liên
ngành, chủ yếu là giữa âm nhạc học và văn hóa học nhằm giải quyết những khía
cạnh âm nhạc cũng như văn hóa có liên quan tới bản sắc dân tộc trong ca khúc
mới; phương pháp điều tra xã hội học giúp cho việc nhận định về bản sắc dân
tộc trong ca khúc mới mang tính khách quan chứ không bị rơi vào nhận định chủ
quan của người viết. Ngoài ra, luận án còn sử dụng một số phương pháp khác
như: xử lý tài liệu trên văn bản, thống kê, tổng hợp, so sánh, đối chiếu và xử lý
tài liệu trên các phương tiện nghe nhìn.
10
TIỂU KẾT
Ngoài việc giới thuyết một số khái niệm để phục vụ cho các mục tiêu
nghiên cứu của luận án (khái niệm “bản sắc dân tộc” và “ca khúc mới”), những
tài liệu được thu thập liên quan đến luận án đã phản ánh tình hình nghiên cứu
bản sắc dân tộc trong các lĩnh vực ca khúc mới nói riêng và văn hóa nói chung.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy công trình nghiên cứu nào chuyên sâu và
đầy đủ về bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam.
Mặc dầu vậy, nội dung các tài liệu thu thập cũng phản ánh một số vấn đề
thuộc bản sắc dân tộc đã và đang được quan tâm, đó là: khái niệm, cơ sở hình
thành, đặc tính, biểu hiện hay mối liên hệ với chủ thể sáng tạo. Ngoài một số
khía cạnh đã có sự thống nhất về quan điểm giữa các tác giả đi trước, cũng có
những khía cạnh còn mâu thuẫn, đó là: chất liệu dân gian với ý nghĩa bản sắc,
cách hiểu về bản sắc dân tộc trong quốc gia đa dân tộc và vấn đề nhận thức về
sự tồn tại chủ quan hay khách quan của bản sắc dân tộc. Ngoài ra, những biến

đổi của bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam cũng sẽ là khía cạnh được
tìm hiểu trong luận án.
Những nhiệm vụ cụ thể liên quan tới việc giải quyết các vấn đề đặt ra của
luận án sẽ được trình bày cụ thể trong các chương sau.
CHƯƠNG 2
BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG CA KHÚC MỚI VIỆT NAM
VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA NÓ
11
Để làm rõ 2 nội dung đưa ra trong tiêu đề của chương này, chúng tôi sẽ
phải làm sáng tỏ hàng loạt vấn đề khác nhau. Trước hết, xin đi vào một số vấn đề
chính liên quan tới bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam.
2.1. BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG CA KHÚC MỚI VIỆT NAM VÀ
NHỮNG YẾU TỐ TẠO NÊN BẢN SẮC ĐÓ
Khi tìm hiểu về bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam, một câu hỏi
được đặt ra là, có phải tất cả các ca khúc mới Việt Nam đều mang bản sắc dân
tộc hay không? Lời giải đáp sẽ được trình bày trong tiểu mục sau đây:
2.1.1. Đánh giá về bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam qua
những ca khúc được trưng cầu ý kiến
Trước tiên, xin trình bày về phương pháp đã sử dụng làm cơ sở đánh giá
bản sắc dân tộc trong các ca khúc được đưa ra để trưng cầu ý kiến công chúng.
2.1.1.1. Phương pháp đánh giá
Việc đánh giá bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam sẽ được thực
hiện kết hợp cả hai cách: cách đánh giá mang tính chủ quan của người viết luận
án và đánh giá mang tính khách quan của công chúng được trưng cầu ý kiến.
Vì có những tình huống khác biệt trong đánh giá của công chúng đối với
từng ca khúc, chúng tôi sẽ chọn cách đánh có sự đồng thuận cao (70% trở lên).
Ngoài ra, những kết quả đánh giá đạt sự đồng thuận cao nói trên cũng phải có sự
tương đồng với nhận định của bản thân người viết luận án.
2.1.1.2. Kết quả đánh giá
Dựa trên kết quả điều tra xã hội học – ngoại trừ những ca khúc không có

sự thống nhất cao trong cảm nhận công chúng, chúng tôi đã xác định ra 53 ca
khúc được công chúng đánh giá theo các nhóm thể hiện mức độ từ đậm, đậm
vừa, nhạt và không có bản sắc dân tộc.
Sự thống nhất khá cao trong kết quả tổng hợp ý kiến của công chúng và
của bản thân người viết luận án đối với bản sắc dân tộc trong 53 ca khúc đạt tỷ lệ
đồng thuận từ 70% trở lên cho phép khẳng định: không phải tất cả các ca khúc
12
mới Việt Nam đều mang bản sắc dân tộc, mà có những ca khúc mang bản sắc
dân tộc – ở những mức độ đậm, nhạt khác nhau, và có cả những ca khúc không
mang bản sắc dân tộc. Vậy những ca khúc có mang bản sắc dân tộc là nhờ vào
những yếu tố nào? Tiểu mục tiếp theo sẽ tìm hiểu vấn đề này.
2.1.2. Những yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam
Để tìm những yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt
Nam, chúng tôi tập trung phân tích những bài được đánh giá là mang bản sắc dân
tộc ở mức đậm và đậm vừa. Sau khi phân tích, chúng tôi rút ra được một số yếu
tố có liên quan tới văn hóa và âm nhạc cổ truyền chứa đựng trong những bài đó
như sẽ trình bày ở tiểu dưới đây.
2.1.2.1. Những yếu tố văn hóa và âm nhạc cổ truyền chứa đựng trong
các ca khúc mang bản sắc dân tộc
Những yếu tố đó là: âm điệu dân ca nhạc cổ; yếu tố ngũ cung, âm hình tiết
tấu cổ truyền, Lối cấu trúc chuyển đổi hoặc đan xen giữa kiểu nhạc không và có
tiết nhịp, thủ pháp ca từ trong dân ca, hình tượng trong ca từ được rút từ đời sống
người bình dân hoặc quang cảnh nông thôn Việt Nam và văn học cổ truyền.
Tất cả những yếu tố trên đều là những yếu tố văn hóa hoặc âm nhạc cổ
truyền của dân tộc (gọi tắt là các yếu tố cổ truyền). Tuy nhiên, để tìm hiểu xem
liệu có thực là những yếu tố cổ truyền biểu hiện bản sắc dân tộc trong ca khúc
mới Việt Nam hay không? chúng tôi sẽ tiếp tục vấn đề ở tiểu mục tiếp theo.
2.1.2.2 Mối liên hệ giữa việc sử dụng các yếu tố cổ truyền với bản sắc
dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam
Để làm rõ hơn mối liên hệ giữa việc sử dụng các yếu tố cổ truyền với bản

sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam, ngoài việc so sánh số lượng yếu tố cổ
truyền sử dụng trong các ca khúc thuộc 2 nhóm mang bản sắc dân tộc ở mức
đậm và đậm vừa, chúng tôi còn đối chiếu thêm với các ca khúc thuộc nhóm bị
đánh giá là không mang bản sắc dân tộc. Sau đây là kết quả so sánh:
13
Các ca khúc mang bản sắc dân tộc ở mức đậm chủ yếu chứa 4 đến 5 yếu
tố cổ truyền trong từng bài (có 12/14 bài, tỷ lệ 85,71%). Các ca khúc mang bản
sắc dân tộc ở mức đậm vừa chủ yếu chứa 2 đến 3 yếu tố cổ truyền trong từng bài
(14/15 bài, tỷ lệ 93,33%). Còn các ca khúc không mang bản sắc dân tộc thì phần
lớn không chứa yếu tố cổ truyền (10/15 bài, tỷ lệ 66,67%).
Kết quả so sánh trên đã phản ánh một quy luật: ca khúc chứa nhiều yếu tố
cổ truyền thì sẽ mang bản sắc dân tộc ở mức độ đậm, ca khúc chứa số lượng yếu
tố cổ truyền vừa phải thì sẽ mang bản sắc dân tộc ở mức độ đậm vừa, còn ca
khúc không chứa yếu tố cổ truyền nào thì sẽ không mang bản sắc dân tộc.
Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy văn hóa cổ truyền dân tộc, trong
đó bao gồm cả văn học và âm nhạc cổ truyền, chính là những yếu tố góp phần
biểu hiện bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam. Tuy nhiên, những yếu tố
cổ truyền đó lại gồm 2 bộ phận: thuộc dòng bác học và thuộc dòng dân gian.
Vậy, trong 2 dòng đó, các yếu tố dân gian có vai trò gì đặc biệt so với các yếu tố
bác học cổ truyền? Xin chuyển sang tìm hiểu về vấn đề này.
2.1.3. Các yếu tố dân gian – nền tảng của việc biểu hiện bản sắc dân
tộc trong ca khúc mới Việt Nam
Để xác định những yếu tố dân gian có vai trò gì đặc biệt hơn so với những
yếu tố dòng bác học cổ truyền, chúng tôi chỉ cần tập trung so sánh số lượng yếu
tố thuộc 2 dòng này được sử dụng trong các ca khúc mang bản sắc dân tộc ở
mức độ đậm và đậm vừa. Tuy nhiên, trước khi tiến hành việc so sánh, cần xác
định đâu là yếu tố thuộc dòng dân gian và đâu là yếu tố thuộc dòng bác học.
2.1.3.1. Phân định yếu tố dân gian với yếu tố bác học cổ truyền
Để phân định rạch ròi về ranh giới giữa các yếu tố cổ truyền chỉ có trong
dân gian và các yếu tố cổ truyền chỉ có trong bác học sẽ là điều không dễ ràng.

Tuy nhiên, nếu xem xét các yếu tố cổ truyền được tìm thấy trong các ca khúc
mang bản sắc dân tộc đã phân tích, chí ít cũng phân biệt được những yếu tố nào
thuộc dòng dân gian và những yếu tố nào không chỉ thuộc dòng dân gian mà còn
có cả trong dòng bác học cổ truyền. Cụ thể là:
14
- Các yếu tố cổ truyền chỉ có trong dòng dân gian: gồm có âm điệu dân
ca; các hệ thống điệu thức 5 bậc Tây Nguyên; một số âm hình tiết tấu như Phụ
sai, Phụ đồng, Nhạc xóc; và các hình tượng trong ca từ được rút từ đời sống của
những người bình dân, quang cảnh nông thôn hoặc văn học dân gian Việt Nam.
- Các yếu tố vừa có trong dòng bác học, vừa có trong dòng dân gian: âm
điệu Ca trù; một số dạng điệu thức 5 bậc như Cung, Bắc, Nam, Xuân, Oán; lối
tiến hành giai điệu kiểu ngũ cung; một số dạng âm hình tiết tấu như Ngũ liên,
Múa Lân, Đồng độ; lối cấu trúc chuyển đổi hoặc đan xen giữa kiểu nhạc không
hoặc có tiết nhịp và các thủ pháp ca từ.
Ngoài ra, truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ là yếu tố cổ truyền vẫn
còn nhiều ý kiến trái chiều khi nhận định đó là truyền thuyết dân gian hay bác
học? vì vậy, yếu tố này sẽ không được tính đến trong việc so sánh về số lượng
các yếu tố cổ truyền thuộc dòng dân gian hay thuộc dòng bác học.
2.1.3.2. So sánh việc sử dụng loại yếu tố thuộc dòng dân gian và loại
yếu tố thuộc dòng bác học cổ truyền
Kết quả so sánh thu được như sau:
- 100% yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc được sử dụng trong các ca khúc
mang bản sắc dân tộc ở mức đậm và đậm vừa đều có trong dòng dân gian.
- Liên quan tới các yếu tố chỉ có trong dòng dân gian, có 2 kết quả quan
trọng sau: gần như tuyệt đại đa số các ca khúc mang bản sắc dân tộc ở mức độ
đậm và đậm vừa đều sử dụng những yếu tố chỉ có trong dòng dân gian; số lượng
các yếu tố chỉ có trong dòng dân gian càng nhiều thì bản sắc dân tộc càng đậm.
Những kết quả so sánh trên cho phép khẳng định rằng: nếu các yếu tố cổ
truyền nói chung có vai trò quan trọng trong việc tạo nên bản sắc dân tộc trong
ca khúc mới Việt Nam thì những yếu tố dân gian chính là nền tảng cơ bản cho

việc cho việc biểu hiện bản sắc đó.
15
Đến đây, xin chuyển sang tìm hiểu một vấn đề tiếp theo là: bản sắc dân
tộc trong ca khúc mới Việt Nam có biến đổi hay không, nếu có thì những biến
đổi diễn ra cụ thể như thế nào?
2.2. NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG CA KHÚC
MỚI VIỆT NAM
Trong khuôn khổ luận án này, chúng tôi tập trung làm rõ những biến đổi
của bản sắc dân tộc trong ca khúc ở 2 giai đoạn – thường gọi là “thời trước đổi
mới” và “thời đổi mới” (mốc là 1986).
Để có cơ sở đánh giá về những biến đổi của bản sắc dân tộc trong ca khúc
mới Việt Nam, trước tiên cần làm rõ những biến đổi của phương thức biểu hiện
bản sắc dân tộc trong chúng.
2.2.1. Những biến đổi của phương thức biểu hiện bản sắc dân tộc
trong ca khúc mới
Khi xem xét những biến đổi của phương thức biểu hiện bản sắc dân tộc
trong ca khúc mới Việt Nam ở 2 thời trước và trong đổi mới, chúng tôi phân biệt
sự biến đổi của những yếu tố cổ truyền dân tộc và cả những yếu tố du nhập từ
nước ngoài
3
được sử dụng trong các ca khúc mới theo 2 nhóm – nhóm yếu tố cốt
lõi tạo nên chính ca khúc và nhóm yếu tố phụ trợ cho ca khúc.
2.2.1.1. Biến đổi trong nhóm yếu tố cốt lõi tạo nên chính ca khúc
Việc sử dụng những yếu tố cổ truyền dân tộc biến đổi theo cả 2 xu hướng
– suy giảm, mất đi và gia tăng, xuất hiện mới. Với các yếu tố âm nhạc thuộc
nhóm cốt lõi, sự biến đổi chủ yếu theo hướng suy giảm và mất đi (suy giảm việc
sử dụng âm điệu dân ca – nhạc cổ, điệu thức 5 bậc, tiết tấu cổ truyền, lối cấu trúc
thay đổi hoặc đan xen giữa kiểu nhạc không và có tiết nhịp; mất đi việc sử dụng
bám sát đường nét giai điệu một bài dân ca, điệu thức ngũ cung dưới dạng độc
lập và một số dạng âm hình tiết tấu cổ truyền). Tuy nhiên trong chính những yếu

tố cổ truyền vừa nêu vẫn có sự gia tăng hoặc xuất hiện mới ở một số khía cạnh
3
Những yếu tố du nhập cũng góp phần ảnh hưởng tới mức độ đậm nhạt của bản sắc dân tộc trong ca khúc
mới Việt Nam.
16
(gia tăng việc ngũ cung hóa điệu thức 7 bậc của phương Tây, xuất hiện mới một
số âm hình tiết tấu cổ truyền). Với các yếu tố cốt lõi ngoài âm nhạc, những biến
đổi theo hướng gia tăng và xuất hiện mới ở mọi khía cạnh.
Việc sử dụng những yếu tố du nhập từ nước ngoài được biến đổi theo
hướng gia tăng và xuất hiện mới các yếu tố biểu hiện một số phong cách âm
nhạc thịnh hành trên thế giới nhưng còn mới với công chúng Việt Nam.
2.2.1.2. Biến đổi trong nhóm yếu tố phụ trợ cho ca khúc
Những biến đổi của phương thức biểu hiện bản sắc dân tộc trong nhóm
phụ trợ cho ca khúc mới chủ yếu diễn ra theo hướng gia tăng và xuất hiện mới.
Chúng diễn ra ở mọi yếu tố thuộc các khía cạnh phụ trợ cho sự hoàn thiện ca
khúc.
Vậy những biến đổi đó có tác động gì tới bản sắc dân tộc trong ca khúc
thời kỳ đổi mới? vấn đề sẽ được trình bày ở tiểu mục tiếp theo.
2.2.2. Những biến đổi của bản sắc dân tộc trong ca khúc thời đổi mới
Ở tiểu mục này, chúng tôi sẽ đánh giá sự tác động của những biến đổi
trong phương thức biểu hiện tới bản sắc dân tộc của ca khúc thời đổi mới và đi
tới nhận định chung về bản sắc dân tộc trong ca khúc thời đổi mới.
2.3.1.1. Biến đổi trong nhóm yếu tố cốt lõi tạo nên ca khúc
Có thể nhận định một cách tổng quát về những biến đổi của phương thức
biểu hiện bản sắc dân tộc trong nhóm yếu tố cốt lõi như sau:
- Những yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc, biến đổi theo cả hai hướng suy
giảm, mất đi và gia tăng, xuất hiện mới. Với các yếu tố cốt lõi bằng âm nhạc,
(suy giảm việc sử dụng điệu thức ngũ cung, âm điệu dân ca, lối cấu trúc đan xen
giữa kiểu nhạc không và có tiết nhịp; mất đi việc sử dụng âm hình một số tiết tấu
dân gian). Với các yếu tố cốt lõi ngoài âm nhạc (gia tăng sử dụng thủ pháp ca từ

trong dân ca, hình tượng văn học dân gian; xuất hiện mới việc sử dụng hình
tượng văn học trong ca dao tục ngữ, truyền thuyết, dân ca và tranh vẽ dân gian).
17
- Những biến đổi trong việc sử dụng các yếu tố nước ngoài, chủ yếu theo
hướng gia tăng và xuất hiện mới một số yếu tố biểu hiện các phong cách âm
nhạc thịnh hành trên thế giới (gồm cả các khía cạnh nhạc đệm và biểu diễn).
2.3.1.2. Biến đổi trong trong nhóm yếu tố phụ trợ cho ca khúc
Những biến đổi của phương thức biểu hiện bản sắc dân tộc trong nhóm phụ trợ
chủ yếu diễn ra theo hướng gia tăng và xuất hiện mới.
- Với các yếu tố phụ trợ bằng âm nhạc, đó là việc khai thác màu sắc hòa
âm và tiết tấu đệm theo các phong cách âm nhạc phương Tây, chủ yếu là phong
cách Latin, sử dụng một số tiết tấu dân gian mới và âm sắc nhạc khí truyền
thống, ít ra là âm sắc của chúng được cài đặt sẵn trong các nhạc khí điện tử.
- Với các yếu tố phụ trợ ngoài âm nhạc, đó là kỹ thuật hát của ca sĩ (nhiều
luyến láy như lối hát dân gian, ngẫu hứng theo cách ca sĩ phương Tây), trang
phục dân gian, phong thái biểu diễn có chất liệu múa dân gian và đạo cụ dân
gian cho ca sĩ, diễn viên phụ họa sử dụng chất liệu múa, trang phục và đạo cụ
theo dân gian.
2.2.2. Những biến đổi của bản sắc dân tộc trong ca khúc thời đổi mới
Ở tiểu mục này, chúng tôi sẽ đánh giá cụ thể sự tác động của những biến đổi
trong phương thức biểu hiện tới bản sắc dân tộc của ca khúc thời đổi mới và đi
tới nhận định chung về bản sắc dân tộc trong ca khúc thời đổi mới.
2.2.2.1. Tác động của sự gia tăng và xuất hiện mới các yếu tố cổ truyền
dân tộc
Sự gia tăng và xuất hiện mới của các yếu tố cổ truyền dân tộc là những
biểu hiện tốt, góp phần thể hiện bản sắc dân tộc cho các ca khúc thời đổi mới.
Tuy nhiên, sự gia tăng và xuất hiện mới ở đây chủ yếu rơi vào những yếu tố phụ
trợ, mà theo đó, các yếu tố tác động vào thị giác lại có sự gia tăng và xuất hiện
mới nhiều hơn so với những yếu tố tác động vào thính giác. Vậy, xu hướng biến
đổi đó có thực sự làm bản sắc dân tộc trong ca khúc mới tăng lên hay không thì

còn phụ thuộc ở nhiều yếu tố khác nữa. Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn về vấn đề này
ở tiểu mục 2.2.2.4.
18
2.2.2.2. Tác động của sự suy giảm và mất đi các yếu tố cổ truyền dân tộc
Sự suy giảm hay mất đi của các yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc vừa nói
trên là những biểu hiện góp phần làm cho bản sắc dân tộc trong các ca khúc ở
thời kỳ đổi mới bị mờ nhạt đi.
2.2.2.3. Tác động của sự gia tăng và xuất hiện mới các yếu tố du nhập
Việc gia tăng và xuất hiện mới các yếu tố nước ngoài sẽ góp cho bản sắc
dân tộc trong ca khúc những màu sắc và hơi thở mới. Tuy nhiên, nếu sử dụng
không nhuần nhuyễn có thể tạo sự lai căng, thiên cưỡng đối với người nghe.
2.2.2.4. Nhận định chung
a. Bản sắc dân tộc trong ca khúc thời đổi mới vẫn được tiếp nối
Nếu căn cứ vào việc sử dụng các yếu tố cổ truyền có thể thấy, mặc dù một
số yếu tố âm nhạc thuộc nhóm cốt lõi tạo nên chính ca khúc đã có xu hướng suy
giảm, nhưng ngay trong những yếu tố đó vẫn có những khía cạnh tiếp tục được
sử dụng. Đó là chưa kể xu hướng gia tăng hoặc xuất hiện mới trong những yếu
tố thuộc phần lời ca và các yếu tố thuộc nhóm phụ trợ cho ca khúc.
Hơn nữa, khi xét riêng 28 bài ở thời đổi mới rút từ tổng số 53 bài đạt sự
đồng thuận cao trong đánh giá của công chúng, có thể thấy sự tiếp nối của bản
sắc dân tộc trong ca khúc thời đổi mới được thể hiện rõ bằng những số liệu: tỷ lệ
ca khúc mang bản sắc dân tộc chiếm tới 64,28%. Thêm nữa, tỷ lệ ca khúc mang
bản sắc dân tộc ở mức đậm và đậm vừa cũng đạt tới 42,85% trong tổng số đó.
b. Mặc dù vẫn được tiếp nối ở mức độ đáng kể, bản sắc dân tộc trong ca
khúc thời đổi mới đã có một số thay đổi
Thứ nhất, xét trên số lượng bài có mang bản sắc dân tộc, bản sắc dân tộc
trong ca khúc thời đổi mới nói chung có dấu hiệu suy giảm nhẹ: tỷ lệ ca khúc
mang bản sắc dân tộc đang từ 80% giảm chỉ còn 64,28%. Ngược lại, tỷ lệ ca
khúc không mang bản sắc dân tộc từ 20% lại tăng lên 35,71%.
Thứ hai, sắc thái của bản sắc dân tộc trong ca khúc thời đổi mới có xu

hướng mờ nhạt hơn: tỷ lệ ca khúc mang bản sắc dân tộc ở mức đậm giảm từ
36% xuống 17,85%, còn tỷ lệ ca khúc mang bản sắc dân tộc ở mức đậm vừa
19
giảm từ 32% xuống 25%. Trong khi đó, tỷ lệ ca khúc mang bản sắc dân tộc ở
mức nhạt lại tăng từ 12% lên 21,42%. Đây cũng chính là biểu hiện của xu hướng
“nhạt hóa” bản sắc dân tộc trong ca khúc thời đổi mới.
Thứ ba, bản sắc dân tộc trong ca khúc thời đổi mới được pha trộn thêm
màu sắc của những yếu tố âm nhạc nước ngoài đang thịnh hành. Những biểu
hiện này diễn ra phổ biến (ví dụ đã dẫn trong luận án). Chúng cho thấy, sự hội
nhập thêm những yếu tố mới của âm nhạc nước ngoài vào cùng những yếu tố cổ
truyền được kế thừa trong các ca khúc thuộc thời đổi mới đã làm cho bản sắc dân
tộc trong ca khúc Việt Nam mang một sắc thái mới. Tuy nhiên, để việc tiếp thu
những yếu tố nước ngoài làm phong phú thêm cho ca khúc mới mà vẫn không
ảnh hưởng đến bản sắc dân tộc, nên có sự hài hòa và nhuần nhuyễn trong việc
gia giảm liều lượng các yếu tố cổ truyền dân tộc và các yếu tố âm nhạc nước
ngoài để ca khúc mới Việt Nam nói riêng và âm nhạc mới Việt Nam nói chung
có thể hòa nhập với thế giới mà không bị “hòa tan”.
TIỂU KẾT
1) Không phải tất cả ca khúc mới Việt Nam đều có bản sắc dân tộc. Ngay
trong những ca khúc có bản sắc dân tộc cũng có những mức độ đậm nhạt khác
nhau. Bản sắc đó đều phụ thuộc vào việc sử dụng các yếu tố cổ truyền dân tộc,
đặc biệt là các yếu tố dân gian.
2) Bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam cũng có sự biến đổi –
tương tự như trong các lĩnh vực khác. Sự biến đổi này đi theo xu hướng hòa trộn
các yếu tố cổ truyền dân tộc với các yếu tố âm nhạc nước ngoài. Điều đó làm cho
sắc thái của bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam nhạt đi ít nhiều.
Ngoài một số kết luận thu được đã trình bày trên đây, từ việc tìm hiểu
bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam, chúng tôi muốn góp bàn thêm
một số vấn đề khác liên quan đến bản sắc dân tộc nói chung mà các tác giả đi
trước đã đề cập tới. Xin được tiếp tục trình bày ở chương sau.

20
CHƯƠNG 3
TỪ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG CA KHÚC MỚI VIỆT NAM
GÓP BÀN THÊM VỀ BẢN SẮC DÂN TỘC NÓI CHUNG
Như đã trình bày ở tiểu mục 1.2.3.2, khi bàn tới bản sắc dân tộc nói
chung, có 3 khía cạnh còn tồn tại những quan điểm chưa thống nhất, thậm chí là
trái chiều. Ở chương này, chúng tôi muốn góp bàn thêm về 3 khía cạnh đó.
Trước tiên, về khía cạnh còn chưa thống nhất xung quanh vấn đề chất
liệu dân gian có mang ý nghĩa “bản sắc” hoặc “tính dân tộc” hay không – với
những số liệu đã chứng minh ở tiểu mục 2.1.3 khẳng định các yếu tố dân gian
luôn là nền tảng cơ bản cho việc tạo nên bản sắc dân tộc trong ca khúc mới nói
riêng và trong âm nhạc nói chung, coi như đã có câu trả lời cho những quan
điểm còn nghi ngờ hay phản đối về vai trò quan trọng của các yếu tố dân gian
đối với việc tạo nên bản sắc dân tộc trong tác phẩm âm nhạc
4
. Vì vậy, ở chương
này, chúng tôi chỉ cần tập trung trình bày 2 khía cạnh khác còn tồn đọng thông
qua các mục sau đây.
3.1. VỀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG QUỐC GIA CÓ NHIỀU THÀNH
PHẦN DÂN TỘC
Về vấn đề này, xin bắt đầu từ những quan điểm trái chiều của một số tác
giả đi trước: quan điểm thứ nhất (bản sắc dân tộc chỉ bao gồm những yếu tố
chung bao quát các tộc người trong nước), quan điểm thứ hai (ngoài yếu tố
chung, bản sắc dân tộc còn là bản sắc riêng của mỗi tộc người trong nước), quan
điểm thứ ba (ngoài yếu tố chung của các tộc và yếu tố riêng của mỗi tộc người,
còn có cả yếu tố riêng của mỗi vùng miền trong nước).
Vậy, trong một quốc gia có nhiều thành phần dân tộc như đất nước ta, bản
sắc dân tộc có thực sự chỉ được thể hiện qua những loại yếu tố phản ánh sắc thái
bao quát những đặc điểm chung của các tộc người trong nước như quan điểm
4

Chi tiết các ý kiến về vấn đề này đã nêu cụ thể ở tiểu mục 1.2.3.2.
21
thứ nhất khẳng định hay không? Những loại yếu tố phản ánh bản sắc, đặc điểm
riêng của từng tộc hoặc của từng vùng miền có được coi là những yếu tố phản
ánh bản sắc dân tộc nói chung hay không?
Những kết quả nghiên cứu từ lĩnh vực ca khúc mới cũng như mở rộng ra
văn hóa nói chung đã cho thấy: những yếu tố phản ánh sắc thái bao quát đặc
điểm chung của đại gia đình dân tộc Việt Nam là rất quan trọng, tuy nhiên
không nhất thiết bao giờ chúng cũng là yếu tố phản ánh bản sắc dân tộc. Trái
lại, có những yếu tố chỉ là sắc thái hoặc đặc điểm riêng của một tộc hoặc một
vùng nào đó, thậm chí có khi chỉ là yếu tố của một tộc người ở một vùng
miền, nhưng đó là cái đặc sắc riêng của Việt Nam, phân biệt với nét văn hóa
của các dân tộc khác trên thế giới thì đó chính là những yếu tố đại diện cho
việc thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam trong ca khúc mới nói riêng cũng như
trong âm nhạc và văn hóa nói chung.
Như vậy, đối chiếu với 3 quan điểm đã dẫn ra ở đầu mục này, chúng tôi
cho rằng: quan điểm thứ nhất đánh giá về bản sắc dân tộc là chưa đầy đủ khi
cho rằng bản sắc dân tộc chỉ là “sắc thái chung bao quát” các thành phần dân
tộc
5
. Các quan điểm thứ hai và thứ ba đã có lý khi nhận thức bản sắc dân tộc,
ngoài “bản sắc chung” của dân tộc còn có “bản sắc riêng” của các tộc trong
nước. Riêng quan điểm thứ ba có góc nhìn đầy đủ hơn khi vừa quan tâm đến
“đặc điểm chung” của dân tộc và những “đặc điểm riêng” của các tộc, vừa quan
tâm cả đặc điểm các vùng miền trong nước.
3.2. BẢN SẮC DÂN TỘC MANG TÍNH KHÁCH QUAN HAY CHỦ
QUAN?
Bàn về khía cạnh này, cũng xin bắt đầu từ các quan điểm khác nhau của
một số tác giả đi trước: quan điểm thứ nhất nhận định bản sắc dân tộc là “sản
phẩm của xã hội loài người (…), nó hình thành một cách khách quan”; còn quan

5
Ngoài các đoạn trích dẫn nguyên văn, các từ trong ngoặc kép là cách dùng của tác giả các ý kiến đã dẫn ra
trong bài.
22
điểm thứ hai lại có ý kiến trái trái chiều: “bản sắc văn hóa không phải là một
thực thể tồn tại khách quan mà nó được tạo nên thông qua tư duy chủ quan của
mỗi cá nhân hay cộng đồng (…) Bản sắc văn hóa như một cấu trúc tưởng
tượng (…)”.
Qua kết quả tìm hiểu bản sắc dân tộc trong ca khúc mới cùng với việc
nhìn ra những hiện tượng tương đồng trong văn hóa nói chung, có thể đi đến kết
luận vấn đề như sau: Chỉ có nhận thức hay ý thức của con người về bản sắc
dân tộc là mang tính chủ quan. Còn bản sắc dân tộc là thực thể tồn tại khách
quan chứ không phải là cấu trúc tưởng tượng chỉ nằm trong tư duy chủ quan
của mỗi cá nhân hay nhà nghiên cứu. Vì vậy, chúng tôi đồng tình với quan
cho rằng bản sắc dân tộc “là sản phẩm của xã hội loài người (…) được hình
thành một cách khách quan”. Dù con người nhận thức thế nào thì bản sắc dân
tộc vẫn tồn tại độc lập ngoài ý muốn của cá nhân hoặc cộng đồng.
TIỂU KẾT
1) Về khía cạnh còn chưa thống nhất xung quanh vấn đề chất liệu dân
gian có mang ý nghĩa “bản sắc” hoặc “tính dân tộc” hay không, chúng tôi cho
rằng: các yếu tố dân gian luôn là nền tảng cơ bản cho việc tạo nên bản sắc dân
tộc trong ca khúc mới nói riêng và trong âm nhạc nói chung.
2) Về khía cạnh còn chưa thống nhất, thậm chí trái chiều xung quanh vấn đề
biểu hiện của bản sắc dân tộc trong quốc gia có nhiều thành phần dân tộc, có thể
khẳng định việc biểu hiện bản sắc dân tộc không chỉ là những yếu tố chung bao
quát mà còn cả những yếu tố riêng đặc trưng của tộc người hoặc vùng miền.
3) Về khía cạnh còn có những quan điểm trái chiều xung quanh vấn đề
bản sắc dân tộc mang tính khách quan hay chủ quan, câu trả lời là: Bản sắc dân
tộc luôn là thực thể tồn tại khách quan, chỉ có nhận thức hay ý thức của con
người về bản sắc dân tộc là mang tính chủ quan.

KẾT LUẬN
23
1) Không phải tất cả ca khúc mới Việt Nam đều mang bản sắc dân tộc mà
có những ca khúc mang bản sắc dân tộc, cũng có những ca khúc không mang
bản sắc dân tộc. Ngay cả những ca khúc có mang bản sắc dân tộc cũng có những
mức độ đậm nhạt khác nhau.
2) Những yếu tố cổ truyền chính là những yếu tố biểu hiện bản sắc dân
tộc. Trong đó, những yếu tố dân gian – không những là nền tảng bản sắc dân tộc
ca khúc mới Việt Nam, mà còn là quy luật phổ biến đối với mọi tác phẩm nghệ
thuật mang bản sắc dân tộc. Kết luận này cũng là lời giải đáp cho những ý kiến
còn nghi ngờ về việc chất liệu dân gian có mang ý nghĩa bản sắc hay không.
3) Như trong các lĩnh vực văn hóa khác, bản sắc dân tộc trong ca khúc
mới cũng có những biến đổi theo thời đại. Trong quá trình biến đổi, bản sắc dân
tộc trong ca khúc thời đổi mới vẫn được tiếp nối. Mặc dù vậy, bản sắc đó đã có
dấu hiệu suy giảm nhẹ, sắc thái của nó cũng có xu hướng mờ nhạt hơn và pha
trộn thêm màu sắc của những yếu tố âm nhạc nước ngoài đang thịnh hành.
4) Trong quốc gia có nhiều thành phần dân tộc như đất nước ta, bản sắc
dân tộc không nhất thiết phải là những yếu tố chung bao quát các thành phần dân
tộc, mà còn có thể được biểu hiện ở những yếu tố không mang tính phổ biến của
các tộc người trong nước. Miễn sao, những yếu tố đó phải là của Việt Nam, phân
biệt với những yếu tố mang biểu hiện bản sắc của các dân tộc khác trên thế giới,
thì đó chính là những loại yếu tố thể hiện bản sắc dân tộc trong ca khúc mới nói
riêng cũng như trong âm nhạc và văn hóa nói chung.
5, Chỉ có nhận thức hay ý thức của con người về bản sắc dân tộc là
mang tính chủ quan. Còn bản sắc dân tộc là thực thể tồn tại khách quan chứ
không phải là cấu trúc tưởng tượng chỉ nằm trong tư duy chủ quan của mỗi cá
nhân hay nhà nghiên cứu.
24

×