Tải bản đầy đủ (.doc) (24 trang)

tóm tắt luận án truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (228.68 KB, 24 trang )

1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Miền núi phía Bắc là khu vực định cư lâu đời và đông đúc của nhiều
dân tộc thiểu số. Văn học dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
có những đóng góp quan trọng đối với văn học dân gian các dân tộc thiểu
số Việt Nam nói chung trong đó đặc biệt phải nói đến truyện kể dân gian -
bộ phận đã sớm được sưu tầm và hiện còn lưu giữ một nguồn tác phẩm dày
dặn. Tuy vậy, thành tựu nghiên cứu về bộ phận này còn khá khiêm tốn, ít
ỏi. Đây là khoảng đất trống gợi mở cho những người nghiên cứu muốn tiếp
tục góp sức khám phá vẻ đẹp và giá trị những câu chuyện lung linh nhiều
sắc màu.
Bản thân những người nghiên cứu chúng tôi hiện đang sinh sống và
làm việc tại khu vực miền núi phía Bắc, vì thế, chúng tôi cũng nhận thấy ý
nghĩa sâu sắc của công việc mà chúng tôi đã và đang tiến hành. Chúng tôi
có điều kiện hiểu sâu hơn về một bộ phận văn học dân gian các dân tộc
thiểu số, có cơ sở chỉ ra và lý giải một số nét đặc sắc trong truyện kể dân
gian các dân tộc nơi đây, từ đó, góp phần giữ gìn và phát huy vốn văn hóa,
văn học quý báu vốn còn ẩn sâu chưa được biết đến.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
- Khảo sát, thống kê, phân tích các thể loại, nhóm truyện, type truyện
thuộc bộ phận truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc
nhằm dựng lại diện mạo của bộ phận đặc sắc này.
- Chỉ ra mối liên hệ giữa các thể loại truyện kể và một số nét đặc trưng
trong truyện kể của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.
- Tìm hiểu sâu và hệ thống hóa về mối quan hệ giữa đời sống tín
ngưỡng dân gian, thế giới quan, nhân sinh quan và bản sắc văn hóa với quá
trình sáng tạo, phản ánh và lưu truyền truyện kể dân gian các dân tộc thiểu
số miền núi phía Bắc.
2


2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Khảo sát, phân tích ba thể loại truyện kể dân gian các dân tộc thiểu
số miền núi phía Bắc tiêu biểu: thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích qua
các nhóm truyện, type truyện và hệ thống motif.
- So sánh chỉ ra những tương đồng, khác biệt giữa truyện kể khu vực
này với dân tộc Việt và một số dân tộc thiểu số ở khu vực khác.
- Phân tích mối quan hệ giữa các thể loại truyện kể với đời sống tín
ngưỡng, nghi lễ, mối quan hệ giữa các thể loại với nhau và chỉ ra một số
nét đặc trưng của truyện kể dân gian của các dân tộc thiểu số miền núi phía
Bắc.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Tập hợp truyện kể được khảo sát chủ yếu trong những tổng tập, tuyển
tập, hợp tuyển truyện kể, truyện cổ của các dân tộc thiểu số miền núi phía
Bắc, cập nhật những tập truyện được sưu tầm và xuất bản gần đây. Ngoài
ra, chúng tôi sẽ sử dụng thêm nguồn tư liệu điền dã chưa được xuất bản của
một số tác giả và nhóm tác giả công bố trong một số luận văn, luận án.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận án khảo sát, nghiên cứu ba thể loại truyện kể dân gian các dân
tộc thiểu số miền núi phía Bắc tiêu biểu là thần thoại, truyền thuyết, truyện
cổ tích. Chúng tôi xác định giới hạn miền núi phía Bắc bao gồm hai tiểu
vùng miền núi Đông Bắc và miền núi Tây Bắc (không tính một số tỉnh
trung du và đồng bằng Bắc Bộ), đồng thời phân định miền Bắc với khu vực
miền Trung và Nam Bộ.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng kết hợp các phương pháp sau:
+ Phương pháp thống kê, phân loại
+ Phương pháp phân tích, tổng hợp
+ Phương pháp so sánh - loại hình
+ Phương pháp nghiên cứu liên ngành

3
5. Đóng góp mới của luận án
- Là công trình khảo sát một cách hệ thống diện mạo truyện kể dân
gian các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc Việt Nam theo thể loại, kiểu
truyện và hệ thống motif.
- Chỉ ra một số đặc điểm cơ bản của truyện kể dân gian khu vực miền
núi phía Bắc trong cái nhìn đối sánh với truyện kể của các dân tộc khác ở
các vùng miền khác.
- Chỉ ra mối quan hệ giữa truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền
núi phía Bắc với đời sống văn hóa, tín ngững của các dân tộc.
6. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Thư mục tham khảo, Phụ lục, Nội dung
chính của luận án được chia làm bốn chương:
Chương 1: Tổng quan về khu vực miền núi phía Bắc và việc nghiên
cứu truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số
Chương 2: Thần thoại và truyền thuyết các dân tộc thiểu số miền núi
phía Bắc
Chương 3: Truyện cổ tích các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Chương 4: Mối quan hệ và nét đặc trưng của truyện kể dân gian
các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ KHU VỰC MIỀN NÚI
PHÍA BẮC
VÀ VIỆC NGHIÊN CỨU TRUYỆN KỂ DÂN GIAN
CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
1.1. Điều kiện tự nhiên, đặc điểm xã hội khu vực miền núi phía Bắc
1.1.1. Điều kiện tự nhiên
Miền núi phía Bắc là khu vực có địa hình chủ yếu là đồi núi cao, hiểm
trở, được phân chia một cách tự nhiên thành hai vùng Đông Bắc và Tây
Bắc. Đông Bắc là vùng có nhiều núi cao, cao nguyên xen với những thung
lũng- cánh đồng lòng chảo, những dòng sông dài và nhiều danh lam thắng

cảnh. Tây Bắc là vùng nổi tiếng với các cánh đồng rộng lớn màu mỡ, với
4
những ngọn núi cao vào loại nhất nhì Việt Nam như đỉnh Phanxipăng, dãy
Hoàng Liên Sơn… Điều kiện tự nhiên vừa có phần hùng vĩ, thơ mộng vừa
có phần khắc nghiệt, hiểm trở ấy đã chi phối đến đời sống xã hội, văn hóa
và văn học dân gian các dân tộc thiểu số trên nhiều phương diện.
1.1.2. Đặc điểm xã hội
Miền núi phía Bắc là nơi trú cư lâu đời của rất nhiều dân tộc thiểu số
như Tày, Nùng, Thái, Mường, Hmông, Dao, Giáy, Pu Péo, Hà Nhì, Lô Lô,
Khơ Mú, Mảng… thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau như: Việt-
Mường, Tày- Thái, Hmông- Dao, Tạng- Miến, Môn- Khơme. Tuy nhiên, sự
phân bố cư dân các dân tộc thiểu số ở các tỉnh này có sự chênh lệch rõ rệt.
Những địa phương có dân tộc thiểu số cư trú đông tập trung ở Cao Bằng,
Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn
La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên. Vì vậy, trong luận án,
chúng tôi tập trung khảo sát nghiên cứu truyện kể các dân tộc thiểu số cư
trú ở các tỉnh đã kể trên. Đối với các dân tộc, bản làng, mường là đơn vị cư
trú quan trọng. Các dân tộc đều thống nhất tiêu chuẩn dựng bản làng đó là
gần nguồn nước để tiện cho lao động sản xuất và sinh hoạt. Về tổ chức
quản lý xã hội, các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc chủ yếu thực hiện
theo thiết chế tự quản, mỗi bản, mường đều có một người đứng đầu được
gọi là trưởng bản. Hầu hết gia đình các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
đều thuộc loại gia đình nhỏ phụ hệ bao gồm hai hình thức gia đình hạt nhân
và gia đình hạt nhân mở rộng, trong đó, người chồng, người cha làm chủ
gia đình. Đặc điểm xã hội này đã để lại những dấu ấn nhất định trong nhiều
truyện kể.
1.2. Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Cộng cư trong khung cảnh thiên nhiên vừa bí ẩn, khắc nghiệt vừa hùng
vĩ, nên thơ, đồng bào thiểu số miền núi phía Bắc đã tạo dựng và lưu giữ
được những nét văn hóa đặc trưng thời cổ đại- văn hóa Nam Á. Đó là bức

tranh văn hóa phản ánh một nền sản xuất nông nghiệp miền núi vùng nhiệt
đới gió mùa. Cư dân thiểu số vùng thấp miền núi phía Bắc thường làm nhà
sàn. Những dân tộc sinh sống ở vùng cao hơn như Hmông, Dao có thể kết
5
hợp nhà sàn với nhà đất, nhà gỗ. Trang phục của các dân tộc miền núi cầu
kỳ và tinh tế bao gồm mũ (khăn đội đầu), áo, quần (váy), thắt lưng, tạp dề,
xà cạp, guốc hoặc dép, vừa đậm đà tính truyền thống vừa có yếu tố hiện đại
tạo ra những ấn tượng riêng góp phần hoàn thiện bức tranh văn hóa đặc sắc.
Tín ngưỡng các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc trước hết là tín ngưỡng thờ
cúng tổ tiên, sau là tín ngưỡng đa thần giáo, tín ngưỡng vật tổ dựa trên
niềm tin “vạn vật hữu linh” và một số phương diện chịu ảnh hưởng của
Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Các dân tộc cũng quan niệm vạn vật đều
có hồn, có ma, có thần. Đây là quan niệm điển hình trong nhận thức nhân
dân các dân tộc chi phối mạnh mẽ đến đời sống văn hóa và các sáng tác văn
học dân gian. Lễ hội cũng là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng
bào các dân tộc được tổ chức khá thường xuyên và gắn liền với đời sống
của nhân dân đặc biệt là đời sống sản xuất, phản ánh niềm tin và mơ ước về
một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thành phần các dân tộc thiểu số đa dạng, phong phú đã góp phần tạo
nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc là chứng tích cho sự hiện hữu và gắn
bó với vùng đất này của đồng bào.
1.3. Khái quát về văn học dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía
Bắc
Văn học dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc rất phong
phú và gắn bó chặt chẽ với nhau cùng tồn tại, phát triển tạo nên sự đa dạng
mà thống nhất. Văn học dân gian các dân tộc thiểu số nơi đây chứa đựng
trong nó không khí miền núi, tâm hồn con người miền núi dung dị, chất
phác, cổ sơ. Văn học dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc gắn
liền với đời sống. Văn học dân gian các dân tộc ở đây được hình thành từ
trong chính cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, phong tục

của nhân dân, tồn tại trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa ấy và phục vụ
cho chính cuộc sống ấy. Văn học các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc có
đầy đủ các loại, thể loại như: Bộ phận trữ tình, các thể loại văn học dân
gian mang tính chất luận lý như tục ngữ, câu đố, những thể loại “đặc sản”
như truyện thơ và sử thi. Bộ phận truyện kể dân gian cũng có một diện mạo
6
và vai trò rất quan trọng tạo nên giá trị cho văn học dân gian các dân tộc
thiểu số miền núi phía Bắc.
1.4. Lịch sử sưu tầm và nghiên cứu truyện kể dân gian các dân tộc
thiểu số miền núi phía Bắc
1.4.1. Lịch sử sưu tầm, biên soạn
1.4.1.1. Thời kỳ 1945-1975
Cuốn sách được coi là bộ sưu tập đầu tiên về truyện kể dân gian các
dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc là Truyện cổ tích miền núi [64]. Sau
những năm 60, công tác sưu tầm truyện kể các dân tộc thiểu số miền núi
phía Bắc được quan tâm hơn với sự xuất hiện các công trình tiêu biểu như:
Truyện cổ Việt Bắc [88], Truyện cổ dân tộc Mèo [93], Truyện cổ Tày Nùng
[89], Truyện cổ dân gian các dân tộc Việt Nam (4 tập) [116]. Những công
trình sưu tầm, biên soạn trên có ý nghĩa quan trọng vì nó đặt nền móng, tiền
đề cần thiết cho một công việc không dễ dàng.
1.4.1.2. Thời kỳ từ 1975 đến nay
Đây là thời kỳ này đánh dấu bước phát triển đáng kể trong công tác
sưu tầm truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam. Thành tựu sưu
tầm giai đoạn này được khẳng định cả về mặt số lượng và chất lượng. Các
bộ sách đáng chú ý như: Tuyển tập truyện cổ các dân tộc ít người Việt Nam
[80], Truyện cổ các dân tộc ít người Việt Nam [125], Tổng tập văn học các
dân tộc thiểu số Việt Nam [130], Tổng tập văn học dân gian các dân tộc
thiểu số Việt Nam [114-116].
1.4.2. Lịch sử nghiên cứu
1.4.2.1. Những nghiên cứu khái quát về truyện kể dân gian các dân tộc

thiểu số Việt Nam trong đó truyện kể miền núi phía Bắc là một bộ phận.
Từ những năm 80 trở đi, trong nhiều giáo trình, chuyên luận, các nhà
nghiên cứu đã bắt đầu quan tâm nghiên cứu và giới thiệu về truyện kể dân
gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có truyện kể các dân tộc miền
núi phía Bắc. Trong các công trình này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành
giới thiệu, phân loại và phân tích các loại, tiểu loại truyện kể dân gian của
7
tất cả các dân tộc thiểu số dọc suốt từ Bắc chí Nam, tiêu biểu có thể kể đến
các công trình như: Lịch sử văn học Việt Nam [56], Văn học các dân tộc
thiểu số (trước Cách mạng tháng Tám) [68], Văn học dân gian Việt Nam
(tập 1) [117], Văn học dân gian Việt Nam [45].
Những năm gần đây, trong bộ Tổng tập văn học dân gian các dân tộc
thiểu số Việt Nam, một số nhà nghiên cứu đã viết phần Dẫn nhập vừa để
tổng kết tình hình sưu tầm, nghiên cứu vừa bổ sung những nhận xét, phân
tích khái quát về các thể loại trong đó có các thể loại truyện kể dân gian của
các dân tộc.
1.4.2.2. Những nghiên cứu trực tiếp, cụ thể về truyện kể các dân tộc thiểu
số miền núi phía Bắc.
Trước hết, chúng tôi quan tâm đến những lời giới thiệu khái quát về
truyện kể của các dân tộc riêng biệt hoặc các nhóm dân tộc trong các công
trình sưu tầm, biên soạn và biên dịch như Lời giới thiệu trong các cuốn
Truyện cổ Tày Nùng [95], Truyện dân gian Thái [9], Truyện cổ Bắc Kạn
[64]…
Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc còn được
các tác giả nghiên cứu trong nhiều bài viết, tiêu biểu như Hình tượng anh
hùng trong truyện dân gian các dân tộc thiểu số miền Bắc [67], Tính cách
của các nhân vật người khỏe trong truyện cổ dân tộc Mèo [133], Hình
tượng người mồ côi trong văn học dân gian Mèo [136], Bước đầu phác họa
hình tượng người khỏe tài ba và hình tượng người lao động thông minh,
mưu trí trong truyện kể dân gian Tày, Nùng [104], Suy nghĩ về một số biểu

tượng đặc thù trong truyện cổ tích miền núi [121]; Một vài quan niệm về vũ
trụ quan, nhân sinh quan người Tày cổ qua một số truyện cổ của họ [30];
Tìm hiểu một cặp mẫu kể dân gian miền núi dưới góc độ loại hình [122]…
Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc cũng đã trở
thành đối tượng nghiên cứu chính trong một số luận văn, luận án từ cuối
những năm 80 như luận văn tốt nghiệp sau đại học Hình tượng “người
khổng lồ” trong loại hình tự sự dân gian các dân tộc thiểu số miền Đông
Bắc, Tây Bắc – Việt Nam [89] của Nguyễn Hằng Phương, luận án Phó tiến
8
sĩ của tác giả Vũ Anh Tuấn Khảo sát cấu trúc và ý nghĩa một số típ truyện
kể dân gian Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam [123], Luận án tiến sĩ Mối
quan hệ văn hóa Tày- Việt dưới góc độ thẩm mỹ qua một số kiểu truyện kể
dân gian cơ bản [42] của Hà Thị Thu Hương. Và gần đây là một số luận
văn thạc sĩ như Đặc điểm nghệ thuật truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc
Mông ở Hà Giang (2006) của Hạng Thị Vân Thanh [102], Truyện kể địa
danh của người Tày ở huyện Nà Hang- Tuyên Quang (2010) của tác giả
Nông Thị Hồng Nhung [81], Truyện kể địa danh của dân tộc Thái ở Việt
Nam (2010) của Nguyễn Thị Mai Quyên [93], Khảo sát truyền thuyết các
dân tộc lưu hành ở Yên Bái (2011) của Phùng Thị Phương Hạnh [26], Mối
quan hệ giữa truyền thuyết dân gian và lễ hội về người anh hùng lịch sử
của dân tộc Tày ở vùng Đông Bắc (2011) của Hà Xuân Hương [43]
Điểm lại lịch sử nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói
chung, văn học và truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía
Bắc nói riêng, có thể thấy chưa có một công trình nào nghiên cứu về truyện
kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam một cách khái
quát và hệ thống. Đó chính là khoảng trống mà đề tài này mong muốn được
tiếp tục khám phá, tìm hiểu và nghiên cứu nhằm dựng nên diện mạo, chỉ ra
những giá trị, vị trí và đóng góp quan trọng của kho tàng văn học các dân
tộc khu vực này đối với văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói riêng và
văn học dân gian Việt Nam nói chung.

1.5. Khái niệm truyện kể dân gian và các thể loại truyện kể dân gian
Truyện kể dân gian là một bộ phận tiêu biểu của văn học dân gian bao
gồm những sáng tác văn học dân gian được tạo thành bởi hai thành phần
chủ yếu là cốt truyện và nhân vật, phản ánh hiện thực cuộc sống một cách
khách quan chủ yếu thông qua phương thức kể và ngôn ngữ văn xuôi.
Truyện kể dân gian là bộ phận có nhiều thể loại nhất so với các loại hình
văn học dân gian khác, trong đó có ba thể loại tiêu biểu là thần thoại, truyền
thuyết và truyện cổ tích. Mỗi thể loại này có những đặc trưng riêng biệt
nhất định về thời điểm xuất hiện, nội dung phản ánh, hình thức phản ánh…
9
Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu và phân tích khái quát về đặc
trưng các thể loại truyện kể dân gian tiêu biểu trên đây, chúng tôi sẽ tiến
hành công việc phân loại, khảo cứu và khám phá những giá trị ẩn sâu bên
trong của kho truyện kể các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.
1.6. Khái quát về tư liệu và diện mạo chung truyện kể dân gian các dân
tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Chúng tôi đã tiến hành thống kê từ nhiều tuyển tập văn học dân gian,
văn hóa dân gian, truyện kể của các dân tộc, sau đó phân loại tập hợp
truyện kể vào các thể loại, chú ý khảo sát tối đa những bản kể để phân tích,
chỉ ra những nhận xét mang tính khái quát, hệ thống cũng như bước đầu chỉ
ra được một số đặc trưng của truyện kể các dân tộc thiểu số khu vực miền
núi phía Bắc. Kết quả khảo sát, thống kê về ba thể loại của các dân tộc
được thể hiện trong Bảng 1.1.
STT Dân tộc Thần
thoại
Truyền
thuyết
Truyện
cổ tích
Tổng số

1 Tày 13 21 90 124
2 Thái 7 13 41 61
3 Hmông 7 2 45 54
4 Mường 6 18 24
5 Dao 6 26 32
6 Nùng 1 19 20
7 Hà Nhì 3 11 14
8 Giáy 1 10 11
9 Pu Péo 2 9 11
10 Lô Lô 3 9 12
11 Khơ Mú 2 2 2 6
12 Mảng 1 2 3 6
13 Tổng số 51 41 283 375
Bảng 1.1. Thống kê số lượng truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số
miền núi phía Bắc
10
1.6. Khái niệm type (kiểu truyện), motif (mô típ) và phương pháp
nghiên cứu truyện kể dân gian theo type và motif
Tiếp thu tri thức của các nhà nghiên cứu đi trước, có thể hiểu một cách
đơn giản rằng tập hợp những mẫu truyện kể dân gian có chung một cốt kể
tức là chung một hệ thống motif sẽ tạo thành một type. Trong luận án, chúng
tôi cũng thống nhất sử dụng thuật ngữ kiểu truyện tương đương với thuật ngữ
type. Còn motif là yếu tố hạt nhân hoặc yếu tố hợp thành của cốt truyện, lặp
đi lặp lại và phải có ít nhiều khác lạ, bất thường, đặc biệt. Có những motif
xuất hiện sớm từ thời công xã nguyên thủy và cũng có nhiều motif xuất hiện
đồng dạng ở những khu vực địa lý và các dân tộc khác nhau.
Nghiên cứu truyện kể dân gian theo type và motif có những ưu thế
nhất định. Type giúp chúng ta xem xét, sắp xếp truyện kể dân gian theo các
cốt kể, tìm hiểu đặc điểm các cốt kể và so sánh các kho truyện kể giữa các
dân tộc, vùng miền một cách có hệ thống ở cấp độ kiểu truyện. Motif giúp

người nghiên cứu truyện kể dân gian khai thác sâu những yếu tố quan trọng
có tính ổn định, bền vững cấu thành các cốt truyện, các yếu tố thể hiện
chiều sâu tâm lý, quan niệm và sắc thái văn hóa của các dân tộc. Tuy nhiên,
trong quá trình nghiên cứu, việc sử dụng phương pháp này có khác nhau
tùy theo từng thể loại.
Tiểu kết
Khu vực miền núi phía Bắc có đặc trưng địa hình đa dạng bao gồm rất
nhiều đồi núi trập trùng, hiểm trở, nhiều con sông dài, nhiều thung lũng
rộng lớn. Đây cũng là khu vực định cư lâu đời của nhiều dân tộc thiểu số
thuộc nhiều ngữ hệ. Đặc điểm không gian cư địa đó đã tạo ra ở đồng bào
thiểu số khu vực này một đời sống văn hóa phong phú, đa dạng. Truyện kể
dân gian là bộ phận gồm nhiều thể loại trong đó thần thoại, truyền thuyết,
truyện cổ tích là ba thể loại tiêu biểu. Mỗi thể loại có những đặc điểm nhận
diện riêng đồng thời giữa chúng cũng có những liên hệ, chuyển hóa lẫn
nhau. Chúng tôi cũng khái quát một số tri thức về type và motif cùng với
phương pháp nghiên cứu truyện kể theo type và motif bởi đó là một thao
tác chính mà chúng tôi sử dụng trong luận án.
11
CHƯƠNG 2: THẦN THOẠI VÀ TRUYỀN THUYẾT CÁC DÂN TỘC
THIỂU SỐ MIỀN NÚI PHÍA BẮC
2.1. Thần thoại các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
2.1.1. Khái quát chung
Thần thoại các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc hiện còn được lưu
giữ với nguồn truyện kể dồi dào, phong phú. Hiện chúng tôi thống kê được
51 bản kể thần thoại của 11 dân tộc Tày, Thái, Hmông, Dao, Mường,
Mảng, Hà Nhì, Giáy, Lô Lô, Pu Péo, Khơ Mú, Mảng, trong đó dân tộc Tày
có số lượng nhiều nhất (13/51). Các dân tộc Thái, Mường, Hmông, Dao có
số truyện tương đương nhau và đứng thứ hai. Cốt truyện thần thoại các dân
tộc thiểu số miền núi phía Bắc có khá nhiều những cốt kể dài, chứa đựng
nhiều tình tiết, sự kiện, phản ánh nhiều nội dung, đề tài có logic, xâu chuỗi

nhất định với nhau. Có lẽ chính đời sống nghi lễ đã tạo ra môi trường lưu
giữ bền vững cho thần thoại các dân tộc này tốt hơn so với dân tộc Việt.
2.1.2. Các nhóm thần thoại tiêu biểu
2.1.2.1. Thần thoại về vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên
Chúng tôi hiện thống kê được 13 truyện của 7 dân tộc Tày, Thái,
Hmông, Dao, Mảng, Pu Péo, Hà Nhì phản ánh nội dung này. Trong truyện
kể của nhiều đồng bào thiểu số miền núi phía Bắc, trời đất ban đầu đã chia
thành hai khối với khoảng cách rất gần. Hình dung này là sự gặp gỡ với
quan niệm của nhiều dân tộc trên thế giới theo như nhận định của Riftin.
Còn nguyên nhân làm cho trời đất xa nhau chính là chỗ khu biệt trong thần
thoại các dân tộc. Với các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, chiếc chày
được coi là vật trực tiếp tạo nên khoảng cách ấy. Đó là dụng cụ đặc trưng
trong đời sống những dân tộc gắn với nền văn minh lúa nước. Thần thoại
các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc thường tưởng tượng đó là các cặp
thần nam nữ khổng lồ sáng tạo vũ trụ bên cạnh những truyện kể về một vị
thần duy nhất sáng tạo vũ trụ. Có thể nói, con người thời cổ đã lấy cuộc
sống của mình, sự sản sinh con người làm khuôn mẫu cho sự sáng tạo trời
đất. Những sông suối, sườn đồi, núi non đều là chứng tích từ sự tác động
12
của những vị thần khổng lồ đó. Như vậy, nhóm thần thoại kể về nguồn gốc
vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên đã phản ánh nhận thức ban đầu hồn nhiên,
chứa đựng cả quan niệm duy tâm và dấu ấn của triết học duy vật sơ khai.
2.1.2.2. Thần thoại về nguồn gốc con người và muôn loài
Chúng tôi hiện thống kê được 25 bản kể của 10 dân tộc Tày, Thái,
Hmông, Dao, Mường, Hà Nhì, Giáy, Khơ Mú, Mảng, Lô Lô phản ánh nội
dung này. Dân tộc Hmông và Tày có số bản kể nhiều nhất, các dân tộc
Giáy, Khơ Mú, Lô Lô, Mảng mỗi dân tộc có 1 truyện. Các dân tộc miền núi
phía Bắc đã hình dung nguồn gốc con người qua type Kiến tạo một giống
vật đặc biệt và type Người được làm chủ muôn loài. Các type truyện này
cho thấy đồng bào thiểu số nhận thức được rằng loài Người hơn loài vật ở

suy nghĩ, tình cảm và tư duy. Nạn lụt và sự tái sinh loài người là type
truyện có tính phổ biến ở các dân tộc khu vực này. Nó phản ánh quan niệm
huyền thoại của nhân loại về hai giai đoạn trước lụt và sau lụt, trong đó lịch
sử các dân tộc chỉ thực sự phát triển sau lụt mà thôi. Thuộc về type truyện
này có ba motif quan trọng không thể thiếu là Nạn lụt, đôi trai gái may mắn
sống sót và sự tái tạo loài người.
2.1.2.3. Thần thoại về công cuộc chinh phục tự nhiên và sáng tạo văn hóa
Trong quá trình lý giải tự nhiên và khám phá nguồn gốc loài người,
đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc cũng đã phản ánh khát vọng và
niềm tin chinh phục tự nhiên của mình. Hiện chúng tôi thống kê được 16
truyện của 7 dân tộc Tày, Thái, Mường, Dao, Lô Lô, Khơ Mú, Pu Péo phản
ánh nội dung này với tỉ lệ thể hiện trong biểu đồ ở trên. Công cuộc chinh
phục, cải tạo tự nhiên của con người còn thể hiện gián tiếp qua những
truyện kể về Mặt Trăng, Mặt trời, kể về nguồn gốc các dân tộc Ngoài ra
đồng bào cũng phản ánh quá trình sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa
quan trọng đầu tiên đánh dấu cuộc sống “văn minh” của họ như lúa, lửa,
nhà ở…
13
2.2. Truyền thuyết các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
2.2.1. Khái quát chung
Hiện chúng tôi tập hợp được 41 truyện của sáu dân tộc: Tày, Thái,
Khơ Mú, Nùng, Hmông, Mảng trong đó hai dân tộc Tày, Thái còn lưu giữ
được nhiều truyện kể (Tày: 21/41, Thái: 13/41), các dân tộc khác chỉ còn
một đến hai truyền thuyết. Đặc điểm nổi bật trong truyền thuyết các dân tộc
khu vực này là sự gắn bó giữa đề tài phản ánh lịch sử và giải thích địa
danh. Điều đó vừa tương đồng vừa khác biệt so với truyền thuyết một số
dân tộc khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
2.2.2. Các nhóm truyền thuyết tiêu biểu
2.2.2.1. Truyền thuyết về nhân vật anh hùng lịch sử
Đây là mảng truyền thuyết thể hiện rõ nét nhất đặc trưng của thể loại

này. Hiện chúng tôi thống kê có 24 truyện của 4 dân tộc Tày, Thái, Khơ
Mú, Mảng. Nhóm truyền thuyết này lưu truyền phổ biến ở hai dân tộc Tày,
Thái và tập trung phản ánh về một số nhân vật anh hùng lịch sử tên tuổi của
các dân tộc. Sự tham gia của nghệ thuật hư cấu, yếu tố kỳ diệu với motif
đặc trưng như: ra đời kỳ lạ, chiến công thần kỳ, kết thúc kỳ lạ… là một nét
nghệ thuật chủ đạo trong nhóm truyền thuyết này. Bên cạnh đó còn có sự
kết hợp những motif của các thể loại khác, nhất là thể loại cổ tích như motif
sự xuất thân nghèo khổ, motif vật thần trợ giúp…Truyền thuyết về nhân
vật anh hùng lịch sử một số dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc cũng có kết
cấu chuỗi với rất nhiều dị bản như chuỗi truyện về Nùng Trí Cao, Dương
Tự Minh của dân tộc Tày, chuỗi truyện về nàng Han của dân tộc Thái…
2.2.2.2. Truyền thuyết địa danh
Trên cơ sở nguồn tư liệu đã khảo sát, chúng tôi thống kê hiện có 17
truyện của 4 dân tộc Tày, Thái, Hmông, Nùng, trong đó, số lượng truyện
chủ yếu thuộc về hai dân tộc Tày, Thái. Truyền thuyết địa danh Tày thường
gắn với một chiến công hay những việc làm bình dị mà cao cả của những
con người bình thường nơi đây. Truyền thuyết địa danh của người Thái
thường gắn việc lý giải nguồn gốc các địa danh với việc phản ánh các cuộc
chiến tranh giành đất và giữ đất. Trong nhóm truyền thuyết này, chúng tôi
14
thấy xuất hiện một số lượng không nhỏ các bản kể giải thích nguồn gốc địa
danh qua cốt truyện liên quan đến thần Thuồng luồng.
Tiểu kết
Các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc hiện còn lưu giữ được một
số lượng bản kể thần thoại phong phú. Thần thoại các dân tộc thiểu số miền
núi phía Bắc có nhiều điểm tương đồng, đồng thời cũng chứa đựng một số
quan niệm và hình thức biểu hiện độc đáo so với thần thoại Việt và thần
thoại một số dân tộc thiểu số khu vực khác. Về truyền thuyết, mặc dù số
truyện kể và số dân tộc còn lưu giữ được truyền thuyết không nhiều nhưng
thể loại này cũng có một diện mạo nhất định với hai nhóm tiêu biểu: truyền

thuyết về nhân vật lịch sử và truyền thuyết địa danh. Sự khuyết đi ở một vài
nhóm truyện truyền thuyết cho thấy sự chi phối, ảnh hưởng của đặc điểm
xã hội, văn hóa và những tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc nơi đây đối
với nguồn truyện kể dân gian.
CHƯƠNG 3: TRUYỆN CỔ TÍCH CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
MIỀN NÚI PHÍA BẮC
3.1. Khái quát chung
Khảo sát qua các tổng tập, tuyển tập và tập truyện cổ, chúng tôi đã tập
hợp được 283 truyện cổ tích trong đó, truyện cổ tích thần kỳ chiếm tỷ lệ lớn
nhất với 158 truyện, bao gồm các type: Truyện về người mồ côi, truyện về
người em út, truyện về người con riêng, truyện về người khỏe, truyện về
người đội lốt vật. Tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt có 76 truyện, có thể
chia thành các type: Truyện về người thông minh, truyện về người hiếu
nghĩa, truyện về người tiêu cực, truyện về những mối tình bất hạnh. Truyện
cổ tích loài vật có 49 truyện cũng là bộ phận khá phổ biến ở đồng bào các
dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc có thể chia thành hai nhóm: Nhóm
truyện có nhân vật là loài vật, Nhóm truyện có nhân vật là loài vật và con
người. Tỷ lệ này có những tương đồng và khác biệt nhất định với truyện cổ
tích các dân tộc thiểu số vùng miền khác như truyện cổ tích Khơ me Nam
Bộ và truyện cổ tích các dân tộc Nam Đảo thể hiện ở Bảng 3.1.
15
STT Tiểu loại TCT miền núi
phía Bắc
TCT Khơ me
Nam Bộ
TCT Nam Đảo
1 Truyện cổ tích
thần kỳ
158/283
(56 %)

64/127
(50,5 %)
264/383
(69 %)
2 Truyện cổ tích
sinh hoạt
76/283
(27 %)
28/127
(22 %)
52/383
(13,5 %)
3 Truyện cổ tích
loài vật
49/283
(17 %)
35/127
(27,5 %)
67/383
(17,5 %)
Bảng 3.1. So sánh tỉ lệ các tiểu loại truyện cổ tích giữa các khu vực
3.2. Các type truyện cổ tích thần kỳ
3.2.1. Truyện về người mồ côi
Hiện chúng tôi thống kê được 60 truyện của 10 dân tộc Tày,
Thái, Hmông, Mường, Dao, Mảng, Hà Nhì, Giáy, Lô Lô, Nùng kể về số
phận mồ côi bất hạnh, nhiều nhất là truyện kể của ba dân tộc: Thái, Tày,
Hmông. Đây là những dân tộc có số dân đông, có nền văn hóa đóng vai trò
làm trung tâm cho các ngữ hệ và các tiểu vùng văn hóa. Kết cấu chung cho
type truyện về người mồ côi bất hạnh đã được định hình dựa trên hai kiểu
gồm ba phần hoặc năm phầnvới kết thúc có hậu. Nhân vật mồ côi luôn

mang khát vọng về tình yêu và hạnh phúc gia đình với những người con gái
đẹp, vì thế motif kết hôn xuất hiện với tần số rất phổ biến (55/60 truyện).
Đối tượng trong cuộc hôn nhân của mồ côi chủ yếu là nàng tiên, con gái
vua Thủy tề và con gái Vua, Chúa (46/55 truyện). Trong type truyện này,
mối liên hệ mật thiết giữa mồ côi (người trần) và thế giới Nước (Long
cung, Long vương, Thủy tề) được thể hiện thường xuyên. Đặc biệt chúng
tôi thấy xuất hiện nhóm truyện về nhân vật mồ côi tiêu cực. Kết thúc của
nhóm truyện này là một kết thúc không có hậu. Đây có thể là những truyện
xuất hiện muộn khi các tác giả dân gian đã có cái nhìn chân thực hơn về
cuộc sống.
16
3.2.2. Truyện về người em út
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy đây cũng là kiểu truyện
có số lượng bản kể phong phú với 32 bản kể thuộc 11 dân tộc Hmông, Tày,
Thái, Dao, Nùng, Mường, Giáy, Lô Lô, Pu Péo, Khơ Mú, Hà Nhì, trong đó
truyện của dân tộc Hmông chiếm tỉ lệ cao nhất với 11/32 truyện. Có thể lý
giải điều này một phần từ đặc điểm hình thái tổ chức gia đình dân tộc
Hmông. Type truyện này có nhiềun motif tiêu biểu tương đồng với truyện
của dân tộc Việt như phân chia tài sản bất công bằng, vật trợ giúp, bắt
chước không thành công… và một motif độc đáo là sự biến hóa của yếu tố
trợ giúp thần kỳ. Đặc biệt, chúng tôi thấy xuất hiện nhóm truyện kể về nhân
vật em gái út trong xung đột với các chị gái. Về mặt cốt truyện, nhóm
truyện này sử dụng kết hợp và linh hoạt các motif của kiểu truyện người
đội lốt vật và kiểu truyện người con riêng.
3.2.3. Truyện về người con riêng
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi thống kê có 22 truyện của 8 dân
tộc Tày, Thái, Hmông, Mường, Dao, Pu Péo, Lô Lô, Khơ Mú thuộc về kiểu
truyện này. Kiểu truyện này của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
cũng có nhiều nét tương đồng với truyện của người Việt thể hiện ở những
motif như: đứa trẻ mồ côi bị đối xử bất công, cuộc hôn nhân lý tưởng, bị

giết hại và liên tục biến hình, đoàn tụ và trừng trị…Đây là những motif
quan trọng tạo nên khung kết cấu cho kiểu truyện này. Nét riêng thể hiện ở
các motif như nhân vật trợ giúp thần kỳ , bắt chước không thành công, thử
tài lấy vợ, đứa con – cầu nối của sự đoàn tụ…
3.2.4. Truyện về người khỏe
Hiện chúng tôi khảo sát được 22 truyện của 5 dân tộc Tày, Thái,
Hmông, Dao, Hà Nhì, trong đó dân tộc Hmông có số lượng bản kể nhiều
nhất (11/22 truyện). Có thể chia kiểu truyện này thành hai nhóm nhỏ:
truyện về các chàng trai khỏe có biệt tài và truyện về các chàng trai khỏe
giết yêu tinh cứu người đẹp. Nhân vật chính trong nhóm truyện kể về các
chàng trai có biệt tài thường là nhóm các chàng trai hoặc là anh em ruột
17
được sinh nở thần kỳ hoặc tự nguyện tìm đến nhau do mỗi người đều có
một biệt tài nào đó. Trong nhóm truyện kể về nhân vật người khỏe giết yêu
tinh cứu người đẹp, nhân vật có thể có nguồn gốc sinh nở thần kỳ nhưng
phần lớn các nhân vật có số phận của mồ côi bất hạnh, một số còn có hình
dáng bất thường, xấu xí.
3.2.5. Truyện về người đội lốt vật
Chúng tôi thống kê được 22 truyện của 8 dân tộc Tày, Thái, Hmông,
Mường, Pu Péo, Lô Lô, Giáy, Hà Nhì trong đó, dân tộc Tày có số lượng
truyện kể nhiều nhất (9/22 truyện). So với truyện cổ tích của dân tộc Kinh,
nhóm truyện kể về nhân vật đội lốt xấu xí của các dân tộc khu vực này có
số lượng rất phong phú. Nhân vật chính của kiểu truyện này thường phải
mang vẻ ngoài kì dị, xấu xí như đội lốt một con rùa, quả trứng, con cóc,
con dê, con khỉ, con rắn, con ếch…nhưng thực chất lại là những con người
kì diệu có vẻ đẹp, tài năng hơn người. Những motif điển hình trong kiểu
truyện này của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc là sinh nở thần kỳ,
bắt chước không thành công, cởi lốt biến thành người đẹp, kết hôn, thử
thách và vượt qua thử thách, hủy lốt và sự biến hóa thần kỳ của cái lốt…
3.3. Các type truyện cổ tích sinh hoạt

3.3.1. Truyện về người thông minh
Nổi bật trong bộ phận truyện cổ tích sinh hoạt của các dân tộc thiểu số
miền núi phía Bắc là những truyện kể về người thông minh. Có thể tìm thấy
32 truyện của 8 dân tộc Tày, Thái, Mường, Dao, Hmông, Pu Péo, Giáy,
Nùng kể về loại nhân vật này, trong đó dân tộc Tày vẫn là dân tộc có số
bản kể nhiều nhất (14/32 truyện). Nhân vật thông minh trong truyện cổ tích
khu vực này gồm bốn loại: chàng mồ côi (nghèo khổ) thông minh, em bé
thông minh, người chồng thông minh và chàng rể thông minh. Motif tiêu
biểu trong nhóm truyện là: thử tài, kén rể và mẹo lừa. Các truyện thuộc
nhóm này đã xuất hiện yếu tố hài hước, có thể coi là bước quá độ, là cơ sở
nảy sinh một thể loại mới là truyện cười.
18
3.3.2. Truyện về người hiếu nghĩa
Trong thế giới nhân vật của truyện cổ tích sinh hoạt các dân tộc miền
núi phía Bắc, chúng tôi còn nhận thấy sự xuất hiện của những con người
hiếu nghĩa, tốt bụng đáng trân trọng. Hiện chúng tôi thống kê được 14
truyện của 5 dân tộc Tày, Thái, Hmông, Nùng, Mường trong đó, dân tộc
Tày có số truyện nhiều nhất (7/14 truyện). Nói chung, nhóm truyện này bao
gồm những truyện cùng phản ánh chung một chủ đề nào đó nhưng cách kể
thường linh hoạt, không theo một công thức kể và hệ thống các motif cố
định. Nhóm truyện này góp phần phản ánh những truyền thống ứng xử quý
báu của đồng bào thiểu số miền núi phía Bắc nói riêng và cũng là truyền
thống của dân tộc Việt Nam nói chung.
3.3.3. Truyện về người tiêu cực
Đây có thể coi là một hình thức phái sinh của hai nhóm truyện về nhân
vật thông minh và nhân vật hiếu nghĩa. Với 18 truyện của 6 dân tộc Tày,
Thái, Dao, Nùng, Hà Nhì, Giáy, nhóm truyện đã góp phần phản ánh đời
sống hiện thực đầy đủ hơn với cái nhìn và thái độ khách quan của các tác
giả dân gian. Nhân vật chính của nhóm truyện là những anh chàng ngốc
nghếch hoặc những người có tính cách và phẩm chất không tốt, bao gồm:

chàng rể láu cá, người vợ trăng hoa, người chồng hoang phí, bạc tình bạc
nghĩa, đứa con bất hiếu…Nhân vật và chủ đề của nhóm truyện này thường
xoay quanh phạm vi gia đình với những mối quan hệ gần gũi như vợ
chồng, bố mẹ - con cái.
3.3.4. Truyện về những mối tình bất hạnh
Trong kho tàng truyện kể các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc,
đặc biệt là truyện kể của hai dân tộc Tày, Thái, chúng tôi thấy xuất hiện
những cốt truyện kể về mối tình gặp nhiều trắc trở của những đôi trai gái
đang tuổi thanh xuân. Theo kết quả thống kê của chúng tôi có 12 truyện
phản ánh nội dung này, trong đó, dân tộc Thái có 6 truyện, dân tộc Tày có 5
truyện còn một truyện của dân tộc Giáy. Các nhân vật chàng trai, cô gái ở
nghịch cảnh trớ trêu là yêu nhau mà không đến được với nhau, thường là vì
không môn đăng hộ…Kết thúc thường là bi kịch, là những cái chết thương
19
tâm của cả đôi trai gái. Đó là cái chết được bất tử hóa vào các sự vật, hiện
tượng tự nhiên vĩnh hằng, qua đó giải thích tên gọi và sự xuất hiện của một
số loài hoa, loài chim, sự vật đặc trưng của các dân tộc như hoa ban, hoa
đào, chim khẳm khang khẳm khắc, đàn tính hay những địa danh nơi đồng
bào sinh sống.
3.4. Các type truyện cổ tích loài vật
3.4.1. Truyện có nhân vật là loài vật
Type truyện này chiếm tỉ lệ lớn trong truyện cổ tích loài vật các dân
tộc thiểu số miền núi phía Bắc với 38 truyện của 8 dân tộc Tày, Thái,
Hmông, Dao, Lô Lô, Giáy, Nùng, Mường. Nhân vật loài vật xuất hiện khá
phong phú, bao gồm những con vật nuôi quen thuộc như mèo, trâu, bò, gà
,những loài vật đặc trưng của núi rừng như hươu, hoẵng, khỉ, hổ, gấu, voi,
sóc…,một số loài dưới nước như ba ba, rùa, cá… Kết cấu truyện cổ tích
loài vật với các nhân vật là loài vật thường ngắn gọn, đơn giản, không
nhiều nhân vật Nhóm truyện cổ tích này đã phản ánh khái quát thế giới các
loài vật đa dạng, phong phú bằng một cảm quan hồn nhiên, mộc mạc.

3.4.2. Truyện có nhân vật là loài vật và con người
Thuộc type truyện này hiện chúng tôi thống kê được 11 truyện của 5
dân tộc Tày, Dao, Nùng, Pu Péo, Lô Lô. Phần lớn truyện kể thuộc nhóm
này phản ánh mối quan hệ giữa con vật và con người trong đó, con người
đóng vai trò là nhân vật có trí thông minh và luôn giành phần thắng trong
những lần đấu trí với các loài vật, đặc biệt là mối quan hệ giữa người và hổ.
Sự ảnh hưởng và tiếp thu các yếu tố của thể loại thần thoại vẫn tiếp tục xuất
hiện trong cổ tích loài vật. Ngoài ra, yếu tố ngụ ngôn xuất hiện khá phổ
biến. Bên cạnh chức năng chính là phản ánh và lý giải về xã hội các loài
vật, nhiều câu chuyện còn chứa đựng một bài học đạo đức sâu xa.
Tiểu kết
Nói chung, truyện cổ tích khu vực nơi đây có nhiều type và motif quen
thuộc trong kho tàng cổ tích thế giới cũng như cổ tích các dân tộc Việt
Nam. Trong mỗi kiểu truyện cụ thể, chúng ta có thể khám phá thấy những
nhóm truyện và những motif thể hiện bản sắc đặc thù của đời sống miền
20
núi. Đó là mật độ xuất hiện lớn của type truyện về nhân vật người khỏe,
truyện về nhân vật mồ côi phụ bạc, truyện về chàng rể …và rất nhiều motif
khác biệt như motif nhân vật trợ giúp, bắt chước không thành công, đoàn tụ
của kiểu truyện người con riêng, motif biến hóa của nhân vật trợ giúp thần
kỳ trong kiểu truyện em út… Chúng ta cũng có thể thấy sự phân bố không
đồng đều các type truyện ở các dân tộc. Điều này có thể phản ánh sức sáng
tạo khác nhau giữa các tộc người, nhưng chủ yếu là thể hiện khả năng lưu
giữ và lưu truyền không đồng đều giữa các dân tộc.
CHƯƠNG 4. MỐI QUAN HỆ VÀ NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA TRUYỆN
KỂ DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ MIỀN NÚI PHÍA
BẮC
4.1. Mối quan hệ giữa truyện kể dân gian và đời sống tín ngưỡng, nghi
lễ
Các thể loại có thể được hình thành ở những thời kỳ lịch sử khác nhau

nhưng hiện chúng vẫn cùng nhau lưu tồn trong đời sống thực tế qua các
hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ của đồng bào các dân tộc. Các sinh
hoạt tín ngưỡng, nghi lễ góp phần quan trọng vào việc lưu truyền và lưu
giữ thần thoại, truyền thuyết. Các hình thức sinh hoạt này thể hiện qua
nhiều nghi lễ trong đó nổi lên là nghi lễ tang ma, nghi lễ xên bản, xên
mường, nghi lễ thờ các nhân vật anh hùng lịch sử…Đời sống nghi lễ phong
phú, tồn tại lâu dài đến ngày nay chính là môi trường làm cho các bản kể
“sống” theo đúng nghĩa là những sáng tác nguyên hợp, truyền miệng và
mang tính tập thể.
4.2. Mối quan hệ giữa các thể loại truyện kể
Ở truyện kể các dân tộc khu vực này, hiện tượng kế thừa và chuyển
hóa, xâm nhập lẫn nhau giữa các thể loại diễn ra khá phổ biến và mạnh mẽ.
Đó là sự chuyển hóa giữa các thần thoại và truyền thuyết, truyền thuyết và
cổ tích. Bộ phận truyện cổ tích sinh hoạt cũng có những type truyện gần gũi
và có dấu hiệu chuyển hóa sang thể loại truyện cười. Đó là type truyện về
nhân vật thông minh với các cốt kể về nhân vật mồ côi và chàng rể. Đó là
21
cơ sở cho sự xuất hiện một loạt các hình tượng Trạng trong truyện cười
miền núi phía Bắc. Sự biến đổi, chuyển hóa thể loại là một quy luật của văn
học dân gian nói chung, có điều, trong truyện kể các dân tộc miền núi phía
Bắc, đặc điểm này diễn ra phổ biến ở nhiều thể loại, nhiều dạng thức biểu
hiện.
4.3. Đặc trưng truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía
Bắc
4.3.1. Phản ánh đặc điểm tự nhiên, lịch sử của các dân tộc
Truyện kể các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc thực sự đã phản ánh
một không gian tự nhiên miền núi và những trang sử đặc trưng của các tộc
người khu vực này. Đó là một bức tranh tự nhiên miền núi vừa hùng vĩ, nên
thơ vừa huyền bí, khắc nghiệt, đáng sợ. Đó còn là các trang sử hùng tráng
của các dân tộc miền núi phía Bắc như đấu tranh chống tự nhiên, thiên di

và đấu tranh tìm đất, giành đất, đấu tranh chống giặc phong kiến phương
Bắc ngoại xâm của các dân tộc. Điều đó giúp chúng ta hình dung bức tranh
thiên nhiên và không khí lịch sử được phản ánh trong các thể loại truyện kể
miền núi phía Bắc, tạo ra nét đặc trưng đầu tiên của truyện kể các dân tộc
khu vực này.
4.3.2. Phản ánh xã hội đan xen chế độ phụ hệ và mẫu hệ
Các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc như Hmông, Dao, Tày, Nùng,
Thái, Mường đều thực hiện tổ chức gia đình và xã hội theo chế độ phụ hệ
trong đó vai trò của người đàn ông là rất quan trọng. Thực tế này được
phản ánh trong truyện kể các dân tộc thiểu số nhất là ở thể loại cổ tích với
những biểu hiện cụ thể. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận thấy truyện kể các
dân tộc miền núi phía Bắc cũng có những type truyện, những motif, những
chi tiết phản ánh một số khía cạnh có liên quan đến chế độ mẫu hệ. Tiêu
biểu là sự xuất hiện của nhóm truyện về nhân vật em gái út trong xung đột
với các chị gái và nhóm truyện về nhân vật con rể trong quan hệ với bố mẹ
vợ. Như vậy, có thể thấy, chế độ phụ hệ trong tổ chức gia đình ở đồng bào
thiểu số miền núi phía Bắc vẫn còn sót lại một số biểu hiện của chế độ mẫu
hệ.
22
4.3.3. Sử dụng hệ thống hình ảnh đặc trưng gắn với văn hóa, tín ngưỡng
Trong truyện kể các dân tộc miền núi phía Bắc, đặc biệt là dân tộc
Tày, hình ảnh trúc (tre) xuất hiện rất phổ biến. Đặc trưng này có liên quan
đến một phần là sự phổ biến của loại cây này trong không gian tự nhiên,
một phần là vai trò và giá trị sử dụng của cây trúc, tre trong đời sống và
phần lớn là liên quan đến tín ngưỡng, quan niệm của đồng bào các dân tộc.
Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh con Hổ, con Rắn như
một ám ảnh trở đi trở lại trong rất nhiều nhóm truyện kể. Hình ảnh về các
loại nhạc đặc trưng của các dân tộc miền núi phía Bắc cũng là một nét riêng
không lẫn với truyện kể các dân tộc khác Đồng bào Tày, Nùng, Thái luôn
được biết đến với cây tính tẩu (đàn tính), đồng bào Hmông lại nổi tiếng với

cây khèn. Hệ thống hình ảnh đặc trưng đã góp phần phản ánh được những
dấu ấn đặc thù của đời sống tự nhiên, đời sống vật chất cũng như đời sống
tinh thần của đồng bào miền núi phía Bắc.
Tiểu kết
Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc gắn bó chặt
chẽ với đời sống tín ngưỡng, nghi lễ. Giữa các thể loại truyện kể này cũng
tồn tại một mối quan hệ tác động qua lại rõ rệt biểu hiện thành các phương
thức khác nhau tạo nên sự phong phú, đa dạng trong hình thức phản ánh
của các sáng tác. Truyện kể các dân tộc khu vực này đã phản ánh sinh
động, chân xác về không gian cư địa và lịch sử tộc người đặc trưng của
đồng bào miền núi, đồng thời, cũng khúc xạ về một xã hội có sự đan xen
giữa chế độ phụ hệ và mẫu hệ. Trong các sáng tác truyện kể, chúng ta cũng
bắt gặp một số hình ảnh đặc trưng gắn với đời sống sản xuất, đời sống tín
ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của các dân tộc. Tất cả chúng hòa quyện với
nhau tạo nên những ấn tượng riêng trong truyện kể các dân tộc khu vực
này.
23
KẾT LUẬN
1. Khu vực miền núi phía Bắc với hai tiểu vùng chính Đông Bắc và
Tây Bắc là khu vực có điều kiện tự nhiên, xã hội điển hình và đặc trưng của
cả nước. Đây cũng là khu vực cộng cư của nhiều dân tộc thiểu số thuộc
nhiều ngữ hệ. Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc
có số lượng phong phú, bao gồm các thể loại như thần thoại, truyền thuyết,
cổ tích, truyện cười và truyện ngụ ngôn, trong đó, thần thoại và truyện cổ
tích chiếm số lượng nhiều hơn những thể loại còn lại. Các dân tộc thiểu số
tuy thuộc nhiều ngữ hệ khác nhau nhưng do điều kiện sinh sống xen kẽ là
chủ yếu nên nguồn truyện kể các dân tộc có nhiều điểm tương đồng tạo nên
những mẫu số chung trong nội dung và hình thức phản ánh của các thể loại
và type truyện.
2. Thần thoại các dân tộc miền núi phía Bắc còn được lưu giữ khá

phong phú với 51 bản kể của 11 dân tộc. Nội dung phản ánh của thần thoại
các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc cũng là những chủ đề có tính phổ
biến của thần thoại các dân tộc nói chung như lý giải về nguồn gốc trời đất,
các hiện tượng tự nhiên, về nguồn gốc con người và các tộc người, về công
cuộc chinh phục tự nhiên và sáng tạo văn hóa thời nguyên thủy. Trong sự
thống nhất ấy, chúng ta cũng nhận ra một số type truyện riêng, một số cách
hình dung khác lạ như type Người được làm chủ muôn loài với motif Rùa
mách bảo loài người, hình ảnh cái chày tạo nên sự phân cách về trời đất.
3. Truyền thuyết các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc có số lượng
bản kể ít hơn so với thể loại thần thoại, cổ tích với 41 bản kể và chỉ thuộc
về 6 dân tộc. Có thể thấy diện mạo của thể loại này qua hai nhóm nội dung
chính là truyền thuyết kể về các nhân vật anh hùng lịch sử và truyền thuyết
giải thích địa danh. Nhóm truyền thuyết về nhân vật anh hùng lịch sử thể
hiện thái độ trân trọng, ca ngợi các nhân vật anh hùng lịch sử người thiểu
số gắn với các địa phương và thời đại nhất định. Truyền thuyết địa đanh
của các dân tộc miền núi phía Bắc phong phú thường gắn liền với các địa
danh tự nhiên có thực. Hai nội dung phản ánh về nhân vật lịch sử và giải
24
thích địa danh thường gắn bó với nhau tạo nên nét đặc sắc của truyền
thuyết các dân tộc nơi đây.
4. Truyện cổ tích là thể loại có số lượng phong phú nhất với 283 bản
kể của 12 dân tộc với sự có mặt của các type truyện tiêu biểu và cũng là thể
loại ẩn chứa những nét độc đáo rõ nét nhất. Tỉ lệ truyện trong các type ở
các dân tộc rất khác nhau, trong đó, số lượng truyện phân bố và lưu truyền
tập trung ở các dân tộc Tày, Thái, Hmông. Các type truyện cổ tích có nội
dung và hình thức phản ánh mang nhiều điểm tương đồng với truyện của
dân tộc Việt và các dân tộc thiểu số khu vực khác. Bên cạnh đó, cũng có
thể nhận thấy những nhóm truyện và motif riêng biệt như nhóm truyện về
nhân vật mồ côi tiêu cực, nhóm truyện về người em út là nữ, nhóm truyện
về chàng rể, motif nhân vật trợ giúp và đoàn tụ trong kiểu truyện người

con riêng, motif sự biến hóa của vật trợ giúp trong kiểu truyện người em…
5. Các thể loại truyện kể dân gian tồn tại và gắn chặt với đời sống tín
ngưỡng, nghi lễ các dân tộc. Các thể loại này cũng vận động, biến đổi và
ảnh hưởng qua lại với nhau rất rõ rệt. Truyện kể dân gian các dân tộc khu
vực này đã phản chiếu sinh động không gian tự nhiên, lịch sử xuất hiện,
sinh tồn và đặc điểm tổ chức xã hội, tổ chức gia đình của các dân tộc thiểu
số miền núi phía Bắc. Khám phá truyện kể các dân tộc thiểu số miền núi
phía Bắc, chúng ta có thể bắt gặp một hệ thống hình ảnh đặc thù gắn chặt
với không gian cư địa, tín ngưỡng và đời sống văn hóa của cộng đồng các
dân tộc thiểu số như cây tre, con hổ, con rắn, các loại nhạc cụ…
6. Nghiên cứu truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía
Bắc là tiền đề mở ra thêm những hướng nghiên cứu mới có liên quan như
nghiên cứu các thể loại truyện kể một cách đầy đủ hơn, nghiên cứu các loại
hình khác, so sánh một cách hệ thống truyện kể các dân tộc thiểu số khu
vực này với truyện với truyện kể một số quốc gia Đông Nam Á và Châu
Á…Tất cả những công việc này nhằm tới một mục tiêu lâu dài và cần thiết
là khám phá và gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần quý báu của đồng
bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nói riêng và các dân tộc thiểu số
Việt Nam nói chung.

×