Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

Sáng kiến kinh nghiệm Tạo hứng thú cho học sinh môn Ngữ văn 6

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (129.37 KB, 6 trang )

Chuyên đề :
Một số biện pháp nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh
học tập bộ môn Ngữ văn 6
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Trên lĩnh vực giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học là một vấn đề đã và đang được
đề cập và bình luận sôi nổi. Điều đổi mới quan trọng nhất là trong giờ học, học sinh đóng vai
trò chủ động, giáo viên đóng vai trò chủ đạo, có nghĩa là học sinh phải chủ động, tích cực
sáng tạo để tự tìm kiếm và nắm bắt kiến thức; giáo viên là người giúp đơ, hướng dẫn, gợi mở
cho học sinh. Để đạt được mục đích hoạt động đổi mới của phương pháp dạy học môn Ngữ
văn, bản thân người giáo viên phải tự tìm tòi phương pháp thích hợp nhằm gây hứng thú cho
học sinh.
Vậy làm thế nào để học sinh say mê, hứng thú trong giờ học Ngữ văn ?
Làm thế nào để phát huy được sự chủ động, sáng tạo của học sinh trong giờ học Ngữ
văn ?
Thực hiện được vấn đề này quả không đơn giản, nó đòi hỏi mỗi giáo viên dạy văn
phải mất nhiều thời gian và công sức tìm tòi sáng tạo cho mỗi giờ lên lớp. Xuất phát từ thực
tế trên nên tôi chọn đề tài “ Một số biện pháp nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh học tập
bộ môn Ngữ văn 6”
II. CƠ SỞ LÍ LUẬN
1. Cơ sở pháp lí:
Môn Ngữ văn trong trường THCS có vai trò rất quan trọng bỡi môn học này hướng
đến các nhiệm vụ chủ yếu sau :
- Giúp người học biết đọc, biết viết.
- Giúp người đọc thấy được cái hay, cái đẹp và biết thưởng thức cái hay cái đẹp của
văn chương nghệ thuật. Từ đó mở mang tri thức, hình thành nhân cách của học sinh. Hơn thế
nữa môn học này còn giúp cho các em sự hiểu biết phong phú về mọi mặt của cuộc sống con
người, xã hội và đất nước. Bồi dưỡng cho các em một cuộc sống tâm hồn tươi đẹp, phong
phú, rộng mở. Từ đó khơi dậy niềm tự hào về đất nước, dân tộc mình và tình yêu cuộc sống.
2. Cơ sở lí luận :
Theo các nhà nghiên cứu giáo dục thì hiệu quả trong việc gây hứng thú cho học sinh
trong giờ dạy ngữ văn nói lên trình độ giáo dục văn học của nhà trường nói chung và của từng


giáo viên. Văn học dễ làm say mê người học nếu người dạy tạo được sự hứng thú tự thân nơi
người học. Người học văn cảm thụ được cái hay , cái đẹp trong từ ngữ, bố cục, vần điệu khi
có được sự hứng thú tìm hiểu và đưa đến cảm xúc. Cái khó của người dạy là làm thế nào
truyền được cảm xúc của tác giả đến với người học. Trong nhà trường phổ thông đối tượng
học sinh do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi thích tìm hiểu và sáng tạo nhưng chưa có phương
pháp đúng để cảm thụ văn học, chưa hiểu rõ cái hay, cái đẹp ẩn chứa trong từng câu thơ, câu
văn, chưa có cảm xúc thực sự đồng điệu với cảm xúc của tác giả Chính những thiếu sót trên
học sinh thường không thích học và đọc văn. Nhiệm vụ của giáo viên dạy văn là phải tạo sự
hứng thú, phải khiến cho những từ ngữ khô khan biết nhảy múa biết vẽ ra những khung cảnh
lúc yên bình , lúc dữ dội, phải đi vào tâm hồn các em những tình cảm yêu, ghét, nhớ nhung,
mơ mộng phải mở ra những cánh cửa từ lâu được khóa chặt bằng sinh hoạt đời thường.
Trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học nói chung và môn ngữ văn nói
riêng việc lấy học sinh làm trung tâm thúc đẩy tư duy học sinh, mở cho các em hướng nghiên
cứu và tự mình giải quyết những thắc mắc, những khó khăn trong việc tìm hiểu phân tích.
Người giáo viên không còn giảng giải một cách say sưa khi không có phản hồi từ học sinh,
các em được làm quen với những câu hỏi gợi mở, những gợi ý cho một đề tài thảo luận, các
em có quyền nêu những nhận xét, những cảm nhận cá nhân về đề tài , về nhân vật, về tác
giả Từ những cảm nhận đôi khi chưa chính xác, gây tranh cãi góp phần rất lớn trong việc
điều chỉnh nhận thức, gây hứng thú cho các em và văn học không xa lạ không đóng khung
trong tháp ngà mà thật sự gần gũi biết bao
3. Cơ sở thực tiễn:
Trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục – Đào tạo đang nỗ lực đổi mới phương pháp dạy
học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của học sinh trong hoạt động học tập. Hiện
nay người giáo viên không còn là người truyền đạt kiến thức một chiều mà là người tổ chức,
hướng dẫn, cố vấn cho học sinh tự giác chủ động tìm tòi phát hiện chiếm lĩnh tri thức và có
ý thức vận dụng linh hoạt sáng tạo các kiến thức, kĩ năng đã thu nhận được. Tuy nhiên vẫn
còn rất nhiều học sinh chưa đạt được yêu cầu đó, các em lười phát biểu, thụ động trong giờ
học ( chiếm tỉ lệ từ 60% đến 70% ) trên mỗi tiết học. Từ đó dẫn đến giờ học trôi qua nặng
nề, lớp học trầm lặng, tinh thần học tập của học sinh mệt mỏi. Chính vì vậy, việc thực hiện
những biện pháp nhằm tạo sự hứng thú của học sinh trong giờ Ngữ văn được giáo viên giảng

dạy bộ môn quan tâm.
III. THỰC TRẠNG CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
1. Thực trạng của đề tài nghiên cứu :
Môn Ngữ văn có vị trí rất quan trọng. môn học này không chỉ là phương tiện nhận
thức mà còn là đối tượng thẩm mỹ, đồng thời là một cơ sở để hiểu biết về lịch sử, văn hóa.
xã hội, lại vừa là một công cụ giáo dục đặc biệt giúp học sinh phát triển toàn diện và cân đối.
Văn chương là phương tiện cơ bản để con người đi đến thành công trong cuộc sống,
thành công trong các lĩnh vực khoa học. Vì đó là môn học để am hiểu, trình bày những kiến
thức khoa học, giúp người học nâng cao cảm xúc thẩm mỹ, hướng đến lẽ sống cao đẹp.
Thông qua những hình tượng văn học sẽ giúp ta yêu cái thiện, ghét cái ác,trân trọng
cái cao cả, khinh bỉ cái thấp hèn.
Môn học có vị trí quan trọng như vậy nhưng những năm gần đây số lượng học sinh
giỏi ít dần, thậm chí những em có năng khiếu được giáo viên giảng dạy bộ môn chọn vào đội
tuyển học sinh giỏi thì từ chối với lí do” đã đăng kí vào đội tuyển các môn khoa học tự
nhiên rồi”
Mặc dù giáo viên đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới phương pháp dạy học ( theo
tinh thần chỉ đạo chung ) theo hướng làm tăng tính tích cực của người học. Nhưng thực tế từ
ngày thay sách giáo khoa đến nay, việc thực hiện theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy
học vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Trong từng tiết học, học sinh còn thụ động nhiều, chỉ ngồi
nghe, chép là chính, không khí giờ học văn trôi qua nặng nề , nhàm chán.
2. Nguyên nhân của thực trạng:
- Một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài giờ học các em còn phải tham gia
cùng gia đình vào việc kiếm sống nên thời gian học tập, nghiên cứu, đầu tư còn hạn chế. Ý
thức vượt khó trong học tập của các em chưa cao .
- Một số gia đình lại có ý hướng con em vào các môn học “thời thượng” như Toán,
Lí, Hóa… để sau này các em có thể đi vào các ngành nghề có thể kiếm được nhiều tiền. Vì
vậy một số em có ý thức xem nhẹ bộ môn, không đi sâu vào học tập, nghiên cứu hoặc học
lấy lệ.
- Nhiều giáo viên còn gặp khó khăn khi chương trình sách giáo khoa mới ra đời với
yêu cầu truyền đạt khối lượng khổng lồ của tri thức nhưng số lượng thời gian thực học của

học sinh ngày càng ít đi do sự chi phối bỡi nhiều nhu cầu của cuộc sống hiện đại.
- Với đặc thù bộ môn, các đồ dùng trực quan hầu như không có, tranh ảnh minh họa
trong sách giáo khoa không nhiều lại tối màu, khó quan sát….
IV.MỘT SỐ BIỆN PHÁP, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI
1.Cơ sở đề xuất các giải pháp:
Khổng Tử đã từng nói” Biết mà học, không bằng thích mà học, thích mà học không
bằng vui mà học”. Từ nội dung của câu nói và thực tế giảng dạy, ta thấy niềm vui và sự ham
thích sẽ là một động lực lớn giúp học sinh vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập.
xuất phát từ những cơ sở đó, là một giáo viên dạy văn phải có những nổ lực nhất định để
phát huy khả năng của mình. Với tư cách là một giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn
trong thời gian qua, tôi luôn trăn trở để tìm ra những biện pháp tích cực nhằm gây hứng thú
cho học sinh để các em yêu thích, say mê môn học.
2.Các giải pháp chủ yếu:
- Ngoài sách giáo khoa, giáo viên tự tìm đọc những loại sách tham khảo, tài liệu có
liên quan, xây dựng mô hình tiết dạy, thiết kế bài giảng, nghiên cứu băng hình mẫu.
- Dự giờ đồng nghiệp trong trường để tích lũy kinh nghiệm giảng dạy.
- Đưa ra một số biện pháp cụ thể đã áp dụng có hiệu quả trong quá trình giảng dạy.
3. Tổ chức và triển khai thực hiện:
a. Hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài ở nhà :
Qua thực tế giảng dạy, chúng ta thấy khâu chuẩn bị bài ở nhà là việc làm vô cùng
quan trọng. Bỡi chuẩn bị bài ở nhà là bước tập dượt cho sự cảm thụ trên lớp được sâu sắc
hơn. Giáo viên cần chuẩn bị và định hướng cụ thể nội dung công việc cho học sinh chuẩn bị
tốt ở nhà. Tùy theo từng phân môn mà giáo viên có cách hướng dẫn cụ thể. Có thể là hướng
dẫn tập đọc văn bản, tìm hiểu các từ khó, suy nghĩ về một chi tiết nghệ thuật, một kiến thức
cụ thể cần thiết có liên quan đến việc tiếp nhận tác phẩm … Nhưng nội dung chủ yếu vẫn là
nhằm khơi dậy hứng thú của học sinh đối với bài học mà giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh đi
sâu phát hiện ở trên lớp. Câu hỏi chuẩn bị cho học sinh tuyệt đối không được tùy tiện. Câu
hỏi cần rõ ràng vừa có tác dụng khơi gợi sự hứng thú vừa hướng dẫn học sinh đi vào những
nội dung cơ bản của bài học, vừa có tác dụng chuẩn bị cho hoạt động khám phá của giáo
viên và học sinh ở trên lớp. Giáo viên cần dành ít nhất từ 3 đến 5 phút cuối giờ để hướng dẫn

cho các em. Bỡi đây là khâu quan trọng giúp học sinh chủ động tìm kiến thức, phát huy
được khả năng tư duy và tự học cao của học sinh.
Trước mỗi giờ học giáo viên cần tranh thủ kiểm tra vở soạn bài của học sinh, có nhận
xét, đánh giá cụ thể. Giáo viên cần hạn chế kiểm tra qua lớp phó học tập, qua tổ trưởng.
b. Tiến hành bài giảng mới trên lớp:
* Lời dẫn vào bài mới:
Lời vào bài mới đến nay vẫn chưa có được những qui định thống nhất, vì có sự nhận
thức khác nhau về ý nghĩa, vị trí, tác dụng, nội dung của công việc này. Song cách vào bài
của giáo viên trong thực tiễn giảng dạy cũng rất đa dạng và linh hoạt. Có người dùng cách
chuyển tiếp bài cũ sang bài mới, có người mở đầu bằng lời giới thiệu của tác giả, tác phẩm,
giới thiệu từ việc kiểm tra bài cũ … Để cho bước vào bài thật sự có kết quả vững chắc, giáo
viên cần phải chuẩn bị cho lời vào bài thật công phu, nhằm để lại những ấn tượng sâu sắc
trong học sinh ngay từ đầu bài học. Lời vào bài hấp dẫn là khâu khơi gợi tâm lí, tạo ngay
một tâm thế hứng thú tìm hiểu bài mới của học sinh.
Ví dụ : khi dạy bài “Động Phong Nha” ( Ngữ văn 6 )
Giáo viên có thể đặt câu hỏi để dẫn vào bài : đến nay Việt Nam có rất nhiều Di sản
văn hóa, danh lam thắng cảnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Em nào
có thể giới thiệu cho cả lớp biết các di sản đó ?
Sau khi học sinh trả lời giáo viên chốt dẫn vào bài mới : các di sản văn hóa thế giới
của Việt Nam gồm: Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, nhã nhạc
cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên và cả quần thể rừng quốc gia Phong Nha Kẽ Bàng.
Nói đến di sản Phong Nha Kẽ Bàng không thể không nói đến động Phong Nha. Để biết tại
sao động Phong Nha lại được là di sản văn hóa thế giới, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong tiết
học này qua văn bản “ Động Phong Nha” của tác giả Trần Hoàn.
* Hệ thống câu hỏi :
Giáo viên phải xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với yêu cầu bài học, hấp dẫn, sát
với đối tượng, xác định được vai trò chức năng của từng câu hỏi, mục đích hỏi, các yếu tố
kết nối các câu hỏi, thứ tự hỏi. Giáo viên cũng cần dự kiến các phương án trả lời của học
sinh để có thể chủ động thay đổi hình thức, cách thức, mức độ hỏi, có thể dẫn dắt qua các
câu hỏi phụ tránh đơn diệu nhàm chán, nặng nề, bế tắc; tạo hứng thú học tập của học sinh và

tăng hấp dẫn của giờ học.
Ví dụ: Khi dạy bài “ Sự tích Hồ Gươm” ( Ngữ văn 6 )
Giáo viên có thể đưa ra các dạng câu hỏi:
- Câu hỏi tìm tòi, phát hiện:
? Em hãy cho biết thể loại và phương thức biểu đạt của truyện?
- Câu hỏi yêu cầu quan sát:
? Bức tranh ở sách giáo khoa minh họa cho đoạn truyện nào? Em hãy kể lại đoạn truyện đó?
- Câu hỏi gợi mở:
Trong tay Lê Lợi thanh gươm báu có sức mạnh tung hoành khắp các trận địa và cuối cùng
không còn một tên giặc nào trên đất nước ta. Theo em đó là sức mạnh của gươm hay của con
người?
- Câu hỏi đánh giá:
? Thần đòi gươm và vua trả gươm giữa cảnh đất nước thanh bình. Điều đó có ý nghĩa gì?
- Câu hỏi giải quyết vấn đề:
? Vì sao tác giả dân gian không để Lê Lợi trực tiếp nhận cả chuôi gươm và lưỡi gươm cùng
một lúc?
- Câu hỏi suy đoán:
? Lê Lợi nhận gươm ở Thanh Hóa nhưng lại trả gươm ở Thăng Long. Nếu Lê Lợi trả gươm
ở Thanh Hóa thì ý nghĩa của truyện khác đi như thế nào?
- Câu hỏi gợi nhớ kiến thức:
? Hãy nhắc lại định nghĩa truyền thuyết và nhắc tên những truyền thuyết đã học?
* Sử dụng đồ dùng trong dạy học:
Sử dụng tốt một số đồ dùng trong quá trình giảng dạy sẽ tạo sự tập trung chú ý cao độ
của học sinh, phát huy được khả năng tư duy sáng tạo của các em học sinh.
Ví dụ : khi dạy bài “ Sông nước Cà Mau” ( Đoàn Giỏi )
Giáo viên có thể lấy ngay tranh ở sách giáo khoa phóng lớn và tô màu.Trong quá
trình tìm hiểu văn bản giáo viên cho học sinh quan sát tranh, tìm đọc đoạn văn có nội dung
phù hợp.
Giáo viên đặt câu hỏi: Bức tranh miêu tả cảnh gì? Dựa vào tranh em hãy tả lại cảnh
ấy?

Từ việc làm này giáo viên giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo, rất riêng của
chợ Năm Căn hợp nổi trên mặt nước.
Dạy bài “ Từ và cấu tạo từ Tiếng việt ” Ngữ văn 6
Giáo viên dùng giấy cắt thành các cánh hoa, trên các cánh hoa giáo viên ghi các từ :
Lấp lánh, máu mủ, rơi rớt, bồng bềnh, đo đỏ, nhè nhẹ, lanh canh, chùa chiền, xinh xinh …
- Khi thực hiện bài tập, giáo viên đặt một nhụy hoa lên khoảng trống của bảng ( nhụy
có ghi sẵn “ Từ láy” ) học sinh sẽ thi ráp thành các bông hoa có mỗi cánh là một từ láy ( giáo
viên quy định thời gian )
- Trong khi hai đội thi, cả lớp cổ vũ bằng những tràng pháo tay.
- Hết giờ qui định đội nào nhiều hoa hơn, đúng thì sẽ thắng.
Qua bài tập, giáo viên giúp học sinh rút ra những chú ý phân biệt giữa từ láy và từ
ghép.
nhè bồng lấp
nhẹ bềnh lánh
từ
xinh láy đo
xinh đỏ
lanh
canh
* Hướng dẫn, tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm:
Đặc trưng của phương pháp thảo luận nhóm là cho học sinh được hội thoại tự do theo
nhóm của mình, học sinh có cơ hội trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình và được nghe ý kiến
của bạn. Mọi ý kiến đều được trân trọng bao gồm cả những kinh nghiệm mà các em có
được. Ở phương pháp này học sinh cũng có cơ hội sử dụng các kĩ năng nhận biết bậc cao
như đánh giá và tổng hợp. Khi tổ chức cho các em thảo luận, hoạt động theo nhóm sẽ tạo
không khí thi đua, sôi nổi, toải mái cho giờ học. Ngoài ra nó còn khơi dậy sự gắn bó của tập
thể, tạo sự hứng thú, tạo cơ hội cho các em học hỏi. Những học sinh nhút nhát thường ít phát
biểu trong lớp, sẽ có môi trường tốt để động viên tham gia xây dựng bài. Ở hoạt động này
các lỗi sai đều được giải đáp, học sinh tự sửa lỗi và dạy lẫn nhau trong bầu không khí rất
thoải mái và sôi nổi. Học sinh có thể cùng nhau đạt được những điều mà các em không thể

làm được một mình.
Có những cuộc thảo luận cần số đông nhưng cũng có những cuộc thảo luận chỉ nên ít người.
Ví dụ: Khi dạy bài “ Con hổ có nghĩa” ( Ngữ văn 6 )
Giáo viên có thể áp dụng những dạng câu hỏi thảo luận sau:
- Câu hỏi cho nhóm nhỏ ( theo bàn )
? Bài văn thuộc thể văn gì? Có mấy đoạn ? Mỗi đoạn có ý nghĩa như thế nào?
- Câu hỏi thảo luận cho nhóm lớn:
? Tác giả muốn nói với em điều gì cao quí ở hai con hổ? Vì sao ở đây tác giả lại dụng lên
hình tượng con để nói chuyện “ nghĩa”?
Vai trò của người giáo viên rất quan trọng. Giáo viên là người tổ chức, tạo điều kiện lắng
nghe và hỗ trợ khi cần. Giáo viên không nên can thiệp sâu vào cuộc thảo luận của học sinh,
nên tôn trọng để học sinh chủ động làm việc. Tuy nhiên giáo viên nên theo sát diễn biến
cuộc thảo luận và có thể tham gia như một thành viên để dẫn dắt, ghi nhận những tích cực
của học sinh bằng ngôn ngữ, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười hoặc gật đầu đồng tình.
V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ:
1.Kết luận:
Trước tình hình học sinh không ham thích học văn và các môn xã hội nói chung việc
gây hứng thú trong giờ dạy ngữ văn là rất quan trọng. Để đạt được kết quả như mong đợi
cần có thời gian, trước mắt khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới đòi hỏi người giáo
viên ngoài việc nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo còn phải suy
nghĩ tìm biện pháp thích hợp cho từng tiết dạy thực hiện phương châm: “Lấy học sinh làm
trung tâm”.
Việc gây hứng thú trong giờ dạy bước đầu cả giáo viên và học sinh đều phải làm việc
tích cực, thời gian chuẩn bị bài nhiều hơn, học sinh phải hoạt động hơn trong giờ học, sẽ có
những thiếu sót, vấp váp, e ngại lúc mới áp dụng khi học sinh phải đi từ cách học thụ động :
nghe giảng, ghi chép sang cách học tích cực: phát biểu ý kiến, tham gia thảo luận, dự các trò
chơi Tuy nhiên với bản tính ham học hỏi, thích thú với việc được tôn trọng, hấp dẫn bởi
vừa chơi vừa học Bên cạnh sự nhiệt tình tổ chức hướng dẫn của giáo viên. Người viết tin
tưởng rằng những biện pháp đã nêu sẽ thành công tốt đẹp trong giờ dạy ngữ văn THCS.
2. Kiến nghị:

- Đề nghị Phòng giáo dục thành phố hoặc nhà trường đầu tư thêm băng hình, tư liệu, tranh
ảnh để phục vụ trong quá trình giảng dạy.

×