Chuyên đề:
RÈN KỸ NĂNG CẢM THỤ VĂN HỌC TRONG THẾ ĐỐI
SÁNH CHO HỌC SINH GIỎI MÔN NGỮ VĂN
Người thực hiện: Lương Thị Tuyết Mai
Trường THPT Chuyên Thái Bình.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cuộc sống quanh ta trăm hình nghìn vẻ, mỗi sự vật hiện tượng luôn có
mối tương quan mật thiết với sự vật hiện tượng khác, đồng thời lại mang
những nét đặc sắc riêng chỉ mình nó mới có. Muốn nhận biết được đặc điểm
và giá trị của một sự vật, người ta thường phải so sánh. Như vậy, so sánh
được xem như là một thao tác lập luận của tư duy nhằm đối chiếu hai hay
nhiều sự vật, hoặc các mặt trong cùng một sự vật để thấy sự giống và khác,
từ đó mà nhận rõ đặc điểm và giá trị của mỗi sự vật hiện tượng.
Trong văn học, tuy cùng viết bằng một thể loại, cùng chung một đề tài,
vào cùng một thời điểm…nhưng mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực đều
phải là một sáng tạo độc đáo. So sánh sẽ làm nổi bật lên vẻ đẹp riêng biệt,
độc đáo ấy của mỗi tác phẩm. Trên cơ sở đó mới nhận xét, đánh giá được
những đóng góp và phong cách riêng của mỗi nhà văn, mỗi hiện tượng văn
học.
Việc rèn kỹ năng cảm thụ văn học trong thế đối sánh cho học sinh giỏi
môn Ngữ văn, do vậy, là vô cùng cần thiết và quan trọng. Thông qua kỹ
năng này, học sinh không chỉ rèn luyện được tư duy sắc sảo, nhạy bén mà
còn trau dồi thêm được sự tinh tế trong khiếu thẩm mỹ, sự linh hoạt uyển
chuyển trong cách diễn đạt vốn là những yếu tố làm nên tư chất thực sự của
một học sinh chuyên văn. Tuy vậy, cũng cần phải thấy rằng, đây là một thử
thách to lớn đối với giáo viên, bởi hình thành được thao tác cảm thụ thông
qua đối sánh cho học sinh như là một kỹ năng thuần thục là điều vô cùng
khó khăn. Với tư cách là người trong cuộc, tôi xin trao đổi một số ý kiến liên
quan đến vấn đề này, rất mong các bạn đồng nghiệp góp ý bàn bạc thêm.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1.Một số cấp độ đối sánh và những điểm cần lưu ý khi đối sánh.
a. Một số cấp độ đối sánh.
Đặc trưng của văn học là sự sáng tạo, nhưng sáng tạo văn học không
bao giờ là đột xuất, ngẫu nhiên, đứt đoạn mà luôn có mối liên quan chặt chẽ
và kế thừa những thành tựu trước đó.Vì vậy, so sánh văn học có thể triển
khai ở rất nhiều cấp độ, tiêu biểu như sau:
Cấp độ 1: Chi tiết, từ ngữ, hình ảnh.
1
Ví dụ:+ Chi tiết ngọc trai – nước giếng trong Truyện An Dương Vương và
Mị Châu Trọng Thủy và chi tiết chén ngọc – nước mắt trong Trương Chi.
+ Từ ngữ ‘‘xanh ngắt’’ trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến.
+ Hình ảnh con cò trong một số bài ca dao.
Cấp độ 2: Nhân vật, sự kiện, tác phẩm, tác giả, phong cách.
Ví dụ:+ So sánh vẻ đẹp của nhân vật người anh hùng qua ba thiên sử thi
Đăm Săn, Ramayana, Ôđixê.
+ So sánh hai bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão và Cảm hoài của
Đặng Dung để thấy hào khí Đông A.
+ Chất trào phúng của Nguyễn Khuyến và Tú Xương qua hai bài thơ
Tiến sĩ giấy và Vịnh khoa thi hương.
Cấp độ 3: Giai đoạn, dân tộc, thời đại.
Ví dụ: + Chủ nghĩa yêu nước trong văn học Lý Trần và văn học cuối thế kỉ
XIX.
+ Cảm hứng hiện thực của Banzac và Vũ Trọng Phụng qua hai đoạn
trích: Đám tang lão Gorio và Hạnh phúc của một tang gia.
b.Một số lưu ý khi đối sánh.
Dù ở cấp độ nào, so sánh trong văn nghị luận cũng phải đảm bảo một
số yêu cầu cụ thể như sau:
- So sánh hai sự vật hiện tượng bao giờ cũng nhằm mục đích chỉ ra sự
tương đồng và khác biệt. Nhưng nếu trong cuộc sống, tương đồng và khác
biệt là khách quan, tương đương thì trong văn học chỉ ra nét tương đồng bao
giờ cũng là điểm thứ yếu và tương đối dễ dàng. So sánh để làm nổi bật nét
riêng biệt mới là mục đích chủ yếu, cũng là mục tiêu khó khăn của so sánh
văn học. Nét riêng dù nhỏ bé nhưng luôn là mục tiêu chính yếu làm nên đặc
trưng của một sáng tạo văn học.
- Phân biệt chủ - khách: So sánh để cảm thụ cái hay của một tác phẩm
văn học bao giờ cũng đòi hỏi người viết ý thức và phân biệt rõ chủ khách,
chính phụ. Tất cả các đối tượng được nêu ra nhằm mục đích đối sánh phải
giống như là đòn bẩy, làm tôn lên cái hay, nét riêng biệt của đối tượng cần
cảm thụ. Nếu không ý thức được điều đó mà sa đà vào phân tích cảm thụ
quá sâu đối tượng nêu ra để đối sánh thì bài viết sẽ bị lạc ý. Ví dụ: Phân tích
bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể so sánh với những câu thơ viết về
thú nhàn của Nguyễn Trãi, nhưng tránh cảm thụ quá sâu quá kỹ, lấn át đối
tượng chính.
- So sánh phải trên cùng một tiêu chí, bình diện (đảm bảo tính logic,
khách quan), tránh khập khiễng, thiếu sức thuyết phục.
- So sánh phải đi đôi với phân tích và nhận xét đánh giá. Phân tích để
cụ thể hóa, nhìn ra sức thuyết phục của đối tượng. Nhận xét đánh giá để so
sánh có giá trị nhận thức sâu sắc: giống và khác, hơn và kém, cũ và mới,
2
bình thường và độc đáo, truyên thống và cách tân, cổ điển và hiện đại, kế
thừa và phát triển…
2.Các bước rèn kỹ năng cảm thụ văn học trong thế đối sánh.
a.Tìm ý để đối sánh.
Trong quá trình hướng dẫn học sinh đi sâu cảm thụ một văn bản văn
học, giáo viên cần luôn có ý thức đặt các câu hỏi có tính chất gợi mở để học
sinh liên tưởng đối sánh nhằm làm nổi bật, cái hay, giá trị của một từ ngữ,
một hình ảnh, một chi tiết từ đó có cơ sở để khái quát được cái hay, nét độc
đáo của một tác phẩm, tác giả, rộng hơn là cả một thời kỳ văn học.
Đặt câu hỏi để học sinh tìm ý đối sánh thường có nhiều kiểu dạng linh
hoạt, chẳng hạn một số kiểu như sau:
- Đối sánh từ ngữ, hình ảnh, chi tiết trong cùng một tác giả. Ví dụ:
Giảng từ văng vẳng trong câu Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, hoặc
từ ngán nỗi trong Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại của bài Tự tình 2 (Hồ Xuân
Hương) nên cho học sinh liên hệ đối sánh với những câu thơ tương tự trong
bài thơ Tự tình 1 và Tự tình 3: Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom – Oán hận
trông ra khắp mọi chòm và Ấy ai thăm ván cam lòng vậy – Ngán nỗi ôm đàn
những tấp tênh. Giảng từ xanh ngắt trong Thu điếu của Nguyễn Khuyến
không thể không liên hệ với hai bài thơ còn lại: Trời thu xanh ngắt mấy tầng
cao(Thu vịnh) và Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt (Thu ẩm). Khi giảng Đây
thôn Vĩ Dạ, cần liên hệ đối sánh để thấy cảm nhận riêng trong thế giới nghệ
thuật thơ Hàn Mặc Tử, dù là những chữ rất bình thường. Chẳng hạn: chữ
quá trong câu Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, Áo em trắng quá nhìn
không ra xuất hiện nhiều lần khác trong thơ Hàn: Xác cô thơm quá thơm
hơn ngọc - Cả một mùa xuân đã hiện hình; Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá -
Dám ôm hồn Cúc ở trong sương…
- Đối sánh giữa các tác giả trong cùng một thể loại, một trào lưu, một
khuynh hướng, một giai đoạn, một thời đại.
Ví dụ 1: Bài Tây Tiến của Quang Dũng có câu thơ rất hay nói về tình quân
dân: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói – Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Có
thể liên hệ đối sánh với một loạt các câu thơ khác tương tự trong văn học
kháng chiến 1945 – 1975:
+Quê hương ta lúa nếp thơm nồng (Bên kia sông Đuống – Hoàng
Cầm)
+Gió thổi mùa thu hương cốm mới (Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
+Anh nắm tay em giữa mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương. (Tiếng hát con tàu – Chế Lan
Viên)
3
Ví dụ 2: Tấm Cám và Chử Đồng Tử cùng là hai truyện cổ tích thần kỳ tiêu
biểu cho hệ thống truyện cổ tích Việt Nam nhưng vai trò của yếu tố thần kỳ
ở mỗi truyện là khác biệt. Có thể yêu cẩu học sinh đối sánh về vai trò của
yếu tố thần kỳ trong hai truyện đó.
Ví dụ 3: Cuộc gặp gỡ giữa Rama và Xita trong thế đối sánh với cuộc gặp gỡ
giữa Uylitxơ và Pênêlôp
-Đối sánh khác giai đoạn, khác thời đại.
Ví dụ 1: Nhân vật Hộ trong Đời thừa (Nam Cao) và nhân vật Phùng trong
Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)
Ví dụ 2: Các chi tiết miếng ăn trong Chí Phèo và Vợ nhặt (Bát cháo hành và
bát cháo cám)
Ví dụ 3: So sánh ca dao và thơ Hồ Xuân Hương.
b. Kỹ năng phân tích cảm thụ trong thế đối sánh.
Nếu như phân tích cảm thụ riêng biệt từng đối tượng cho phép ta đi
sâu giảng nghĩa của một từ, một chi tiết trong ngữ cảnh riêng biệt thì đối
sánh là việc đặt sự vật này bên cạnh, trong tương quan đối chiếu với một hay
nhiều sự vật hiện tượng khác. Nhờ vậy ta có thể cảm nhận sự vật một cách
kỹ lưỡng hơn, toàn diện hơn, sắc nét hơn. Tuy nhiên, để cảm thụ tốt không
đơn thuần là chỉ ra được, tìm được đối tượng phù hợp để đối sánh. Một trong
những kỹ năng cơ bản là hướng dẫn học sinh phân tích đối sánh, chỉ ra
những điểm tương đồng và khác biệt. Nếu là đối sánh ở cấp độ nhỏ, thao tác
phân tích yêu cầu sự tinh tế sắc sảo trong cách cảm thụ để bật lên được nét
riêng của mỗi đối tượng. Nếu đối sánh ở cấp độ lớn hơn, cần hướng dẫn học
sinh tách bình diện để đối sánh cho rõ ràng sắc nét. Sau khi chỉ ra điểm
tương đồng khác biệt, cần tổng hợp đánh giá và lí giải được tại sao có sự
khác biệt đó.
Sau đây là một số bài luyện tập.
Ví dụ 1: Cảm thụ câu thơ Những phố dài xao xác hơi may trong bài thơ Đất
nước của Nguyễn Đình Thi trong sự liên hệ đối sánh với câu thơ Là thu kêu
xào xạc(Tiếng thu)
Hướng dẫn học sinh chỉ ra nét tương đồng:
- Đều miêu tả về mùa thu
-Đều sử dụng từ láy mang nét nghĩa biểu cảm.
-Đều là từ tượng thanh mô phỏng cuộc sống và tâm trạng nỗi lòng con
người, qua đó thâu tóm được cái hồn của mùa thu.
Khác biệt:
-Xao xác là một âm thanh đanh, cao, gợi ra không gian sáng, thoáng,
là hồn thu của phố phường. Nó gợi ra thoáng se lạnh của gió mùa thu, khi
tiếng là khô lăn mình trên mặt đường nhựa. Gợi tình cảm xao xuyến mơ hồ
4
trong lòng những người con Hà Nội, sự xốn xang lưu luyến khi phải rời xa
Hà Nội ra đi.
Xào xạc lại là một âm trầm đục, thấp hơn một quãng nếu ví hai từ như
là một nốt nhạc ngân lên ở những quãng khác nhau. Nó gợi ra hồn thu giữa
rừng già, với hai không khí đặc trưng: âm u và huyền bí.
-Xao xác đồng thời mang chứa trong nó cả ba ý nghĩa: Âm thanh mô
phỏng tiếng lá, gợi ra không khí vắng vẻ của phố phương thời điểm giao
mùa, gợi ra nỗi xốn xang của lòng người khi phải xa Hà Nội.
Xào xạc không mang sắc thái tâm trạng mà chỉ miêu tả, mô phỏng âm
thanh lá rơi và không khí của thu ở rừng.
Ví dụ 2: Cảm nhận chi tiết bát cháo cám trong bữa cơm đón nàng dâu mới
trong thế đối sánh với chi tiết bốn bát bánh đúc mà người đàn bà ăn khi được
Tràng mời trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.
Hướng dẫn học sinh phân tích chỉ ra nét tương đồng:
-Đều là chi tiết miêu tả về miếng ăn trong ngày đói kém, những miếng
ăn để làm no nhiều hơn là một món ăn thực sự để cho con người thưởng
thức.
-Đều là hai chi tiết liên quan đến người vợ nhặt nhưng trong hai hoàn
cảnh khác nhau. Lần thứ nhất là trong cuộc gặp gỡ để trở thành vợ của
Tràng, lần thứ hai là trong bữa cơm ra mắt khi đã trở thành nàng dâu trong
gia đình vào sáng hôm sau.
Khác biệt: Chi tiết bát bánh đúc được miêu tả như là một cử chỉ hào phóng
của Tràng, sẵn sàng chia sẻ cưu mang đồng loại trong cảnh ngộ khó khăn
đói kém. Chi tiết bát cháo cám lại là tấm lòng người mẹ nghèo mà giàu lòng
vị tha, cố gắng hết sức để bữa cơm gia đình vui vẻ đầm ấm.
Ở chi tiết thứ nhất, người đàn bà hiện lên như là nạn nhân khốn khổ
của đói khát, vì miếng ăn mà bất chấp cả danh dự và lòng tự trọng, bất chất
cả sĩ diện của một người con gái để gợi ý chuyện ăn uống với một người đàn
ông xa lạ. Thị ăn một cách thô tục, với tất cả bản năng của một con người
đói khát quên hết cả ý tứ thẹn thùng. Ngược lại trong chi tiết bát cháo cám,
vẫn là thị hai con mắt hơi tối lại, nhưng vẫn điềm nhiên và vào miệng. Đó là
cách ứng xử đầy văn hóa, vừa tế nhị, vừa thể hiện sự chấp nhận đương đầu
với khó khăn đói kém trong một hoàn ảnh mà người ta không thể đòi hỏi
điều gì cao xa hơn. Mặt khác nó cũng thể hiện sự thấu hiểu của người vợ
nhặt với tấm lòng bà mẹ nghèo, không nỡ làm cho bà thất vọng, mất hứng.
Đánh giá: Hai chi tiết đều làm sáng lên giá trị nhân đạo của tác phẩm ở hai
khía cạnh khác nhau. Nếu chi tiết đầu là lòng thương xót của tác giả thì chi
tiết sau lại là cái nhìn phát hiện về những phẩm chất đẹp đẽ của con người,
của tình người trước sự bám đuổi ráo riết của đói khát và chết chóc.
5
Ví dụ 3: So sánh cảnh gặp mặt của Uy-lit-xơ/Pê-nê-lôp và Ra-ma/Xita qua 2
đoạn trích Uy-lit-xơ trở về và Rama buộc tội.
Hướng dẫn học sinh chỉ ra nét tương đồng
- Hai đoạn trích đều miêu tả cảnh tái hợp vợ chồng
- Các nhân vật đều được đặt vào những thử thách đòi hỏi tự mình phải chứng
minh, tìm cách tháo gỡ. Tình huống các nhân vật bị đặt vào đều có kịch tính
cao, đều diễn ra trong phạm vi thời gian nhất định và không gian cụ thể.
Các nhân vật khi bị đặt vào thử thách đều có sự theo dõi, quan sát của các
nhân vật khác như là những trọng tài chứng giám. Các nhân vật đều phải
công khai hành động.
- Đều gắn với thời kì hình thành và củng cố quan hệ gia đình.
- Các cảnh gặp gỡ đều được kể lại một cách chi tiết, chậm rãi thông qua lời
thoại, hành vi, thông qua cách lập luận vừa khôn khéo vừa kiên quyết của
các nhân vật rất tiêu biểu cho lối kể trì hoãn trong sử thi. Kết cấu của các
đoạn trích đều được tổ chức theo hình thức kịch tính. Đều sử dụng rộng rãi
hình thức so sánh mang lại vẻ đẹp tráng lệ bóng bảy cho ngôn ngữ sử thi.
Khác biệt:- Trong Uylitxơ trở về, người bị thử thách là người chồng, còn
trong Ra-ma buộc tội, người bị thử thách là người vợ. Mức độ thử thách
khác nhau: một bên là giải đoán bí mật riêng tư chỉ có hai vợ chồng biết với
nhau, một bên là đánh đổi tính mạng để chứng minh sự trong trắng của
mình. Uylit xơ bị thử thách về trí tuệ, Xi ta bị thử thách về trí tuệ và lòng
dũng cảm.
- Trong sử thi Hy Lạp, câu chuyện mang tính chất gia đình thuần tuý, còn
trong sử thi Ấn Độ, phạm vi rộng hơn, ngoài tình cảm gia đình còn có tình
cảm cộng đồng. Cho nên ở Uylit xơ trở về, kịch tính chỉ xoay quanh bí mật
chiếc giường còn ở Rama buộc tội, kịch tính được nâng cao bởi không gian
hội ngộ của hai vợ chồng như một phiên toà xét xử, không còn nằm trong
phạm vi gia đình nữa.
- Uy-lít-xơ và Pê-nê-lôp cách xa nhau 20 năm nay mới gặp lại trong hoàn
cảnh éo le: Uy-lit-xơ giết chết 108 kẻ cầu hôn nhưng Pê-nê-lôp vẫn không
xác nhận kẻ hành khất là Uy-lit-xơ thực nên không chịu nhận, Pê-nê-lôp tỏ
thái độ nghi ngờ, phân vân và thận trọng trong cách ứng xử với Uy-lit-xơ.
Uy-lit-xơ luôn tin hai vợ chồng sẽ nhận ra nhau.
Xita và Rama mới cách xa nhau một thời gian ngắn. Xita bị qủy vương Ra-
va-na bắt đi, Rama tìm mọi cách cứu được Xita về. Tâm trạng của Rama và
Xita đối lập nhau hoàn toàn: Xita nôn nóng gặp lại Rama, Rama lại trì hoãn
không muốn gặp.
-Pê-nê-lôp là người đưa ra thử thách Uy-lit-xơ nhưng không thử thách một
cách trực tiếp mà thông qua các nhân vật khác vì Pê-nê-lôp chưa tin người
hành khất chính là chồng mình. Người bị thử thách là Uy-lit-xơ, Uy-lit-xơ
6
mỉm cười chấp nhận thử thách và khẳng định rằng “thế nào rồi cha mẹ cũng
nhận ra nhau thôi, chắc chắn như vậy”
Xita bị Rama buộc tội không chung thuỷ nên phải ra sức đấu tranh để bảo vệ
phẩm giá, tình yêu chân chính của mình, phải đương đầu với thái độ ghen
tuông giận dữ của Rama. Nhưng khi Xita bước vào giàn hoả thiêu thì Xita
lại là người thử thách tình yêu của Rama dành cho mình đến mức độ nào?
- Trong sử thi Ô-đi-xê, thử thách là bí mật chiếc giường. Một thử thách tế
nhị, khéo léo để hai vợ chồng nhận ra nhau. Bởi chỉ hai người biết với nhau
còn người ngoài không ai biết. Là phép thử cho thấy phẩm chất kiên trinh
của Pê-nê-lôp. Là điều kiện tạo nên sự bền vững của gia đình, để củng cố
tình cảm gia đình, tình vợ chồng giữa Uy-lit-xơ và Pê-nê-lôp. Bí mật chiếc
giường xuất hiện để giải toả nhiều mối nghi ngờ: để Pê-nê-lôp biết người
hành khất đích thi là Uy-lit-xơ; để Uy-lit-xơ biết sự thuỷ chung của Pê-nê-
lôp bởi nếu chiếc giường bị khiêng đi nơi khác hay ai khác biết bí mật chiếc
giường nghĩa là Pê-nê-lôp không còn chung thuỷ; để giải toả nỗi ấm ức của
Uy-lit-xơ khi Pê-nê-lôp mãi không nhận mình. Phép thử bí mật chiếc giường
như thước đo về lòng thuỷ chung của cả Uy-lit-xơ và Pê-nê-lôp.
Trong sử thi Ramayana, Xita dùng cái chết, bước vào giàn hoả thiêu
để chứng minh cho tấm lòng chung thuỷ của mình đối với Rama. Tấm lòng
của Xita là tấm lòng vàng được thử lửa. Vì nàng trung trinh, son sắt nên thần
lửa A-nhi đem nàng trả lại cho Rama. Qua diễn biến tâm lý của các nhân vật
bộc lộ Rama là một bậc quân vương mẫu mực trọng danh dự, hy sinh quyền
lợi cá nhân vì cộng đồng. Xita là người vợ yêu chồng, nhất mực chung thuỷ.
Đánh giá: Cuộc đấu trí của Uy-lit-xơ-Pê-nê-lôp là cuộc đấu trí của hai trí
tuệ, hai tâm hồn và cả hai đều chiến thắng. Gia đình đoàn tụ là sự chiến
thắng của trí tuệ con người, tình yêu chung thuỷ. Chính trí tuệ và tình yêu
chung thuỷ đã giúp Uy-lit-xơ có được hạnh phúc trong vòng tay yêu thương
của vợ.
Sau chiến thắng quỷ vương, đây là thử thách cuối cùng mà cả Rama và
Xita phải vượt qua để đạt đến chiến thắng tuyệt đối, trọn vẹn. Nếu Xita
không chứng minh được phẩm hạnh của mình như một phụ nữ lý tưởng thì
chiến thắng trên chiến trường của Rama là vô nghĩa. Nếu Rama không
chứng tỏ được ý thức danh dự thì người anh hùng cũng không xứng đáng là
bậc quân vương mẫu mực
Hai đoạn trích đã thể hiện thiên tài của Hô-me-rơ và Van-mi-ki trong
việc bao quát những vấn đề mang tầm thời đại mình, đồng thời thể hiện khá
rõ nét bản sắc văn hóa của người Hy Lạp và Ấn Độ cổ đại.
c. Rèn kỹ năng diễn đạt.
Mặc dù đã hình thành được hệ thống ý, đã có những sự phân tích và lý
giải tương đối phù hợp nhưng một trong những trở ngại của học sinh là kỹ
7
năng diễn đạt làm sao để nổi bật hệ thống ý cần so sánh. Đối với bài nghị
luận cảm thụ, diễn đạt như thế nào để phân rõ chính phụ là điều quan trọng
nhất. Đối với kiểu bài so sánh văn học, cách diễn đạt vừa phải đảm bảo sự
mạch lạc chặt chẽ về tư duy vừa cần linh hoạt uyển chuyển, có chất văn.
Một trong những cách thức tối ưu để rèn kỹ năng diễn đạt cho học
sinh là yêu cầu các em đọc và học hỏi theo các mẫu diễn đạt của các nhà
văn, các nhà phê bình nghiên cứu, của các bạn cùng lớp, từ đó rút ra các
cách thức cơ bản và thực hành viết luyện. Sau đó giáo viên tiến hành chấm,
chỉnh sửa và uốn nắn rút kinh nghiệm.
Sau đây là một số ví dụ tham khảo rút từ bài làm của học sinh.
Ví dụ 1 : Là truyện ngắn sau 1975 của Nguyễn Minh châu, “Chiếc thuyền
ngoài xa” là một thông điệp về con người và nghệ thuật mà nhà văn muốn
gửi gắm. Làng chài nghèo khó trong tác phẩm phải chăng là hình ảnh làng
Khơi - quê hương lam lũ của Nguyễn Minh Châu; hình ảnh những người đàn
bà, đàn ông, những đứa con… trong tác phẩm có lẽ cũng chính là hình ảnh
người dân làng Khơi đang ngày đêm mưu sinh kiếm sống. Khác với “Bức
tranh”, “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”…, truyện ngắn “Chiếc
thuyền ngoài xa” không tìm về những nhân vật người lính quen thuộc,
không phải là những cuộc chiến tang thương, trong tác phẩm này Nguyễn
Minh Châu viết về những con người bình thường, nhỏ bé mà số phận của họ
bị văn học 1945 - 1975 “bỏ quên”.
(Trích Bài làm của học sinh: Về cảm hứng thế sự trong
truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh
Châu)
Ví dụ 2: Nếu Nam Cao thu hút ta bằng lối trần thuật đầy biến ảo: “hắn vừa đi
vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cử rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi
trời…” chỉ có thế là Chí Phèo bước ra, ngật ngưỡng, xiêu vẹo, xô đẩy cả
những con chữ đứt nối ý thức trần thuật, ngả nghiêng…
Thì đến nay, Nguyễn Huy Thiệp mang thơ phủ đầy văn xuôi, làm lòng
ta cứ vấn vương, xao xuyến mãi… “thương nhớ đồng quê” hay thương cho
những kiếp người quằn quại trên mặt đất, “sự vô nghĩa trắng trợn đầy mặt
đất”, “thương nhớ đồng quê” hay thương cho bài ca đi bắt ếch trong những
đêm lao xao, thương đám ma trinh nữ trắng xoá thênh thang…? Những vần
thơ ấy xen lẫn những câu văn xuôi cộc, khô sao nghe đắng đót, xa xót đến
vậy.
Vậy là mỗi người viết truyện ngắn đã tìm cho mình một lối rẽ riêng để
đi đến tâm hồn bạn đọc. Họ dụng công tìm tòi những cốt truyện li kỳ hấp
dẫn. Họ sắp đặt các sự kiện sau trước gây ra nhiều tò mò. Họ chọn lựa được
một khoảnh khắc, tình huống làm bừng dậy cả một “đời người, đời nhân
8
loại”. Họ để cho những dòng văn xuôi cứ man mác, thấm đẫm chất thơ. Và
họ đến, bằng một lối kể riêng, lúc lạnh lùng tàn nhẫn, khi hoài nghi giễu
nhại, có lúc lại thống thiết khổ đau.
Còn với “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã đi đến trái tim tôi và biết bao
bạn đọc khác bằng ngả đường nào?. Chắc hẳn, đó là một truyện ngắn hay và
sức hấp dẫn cũng toả hương từ nhiều hoa, nhiều nhánh. Nhưng tôi bị ám ảnh
hơn cả, cứ bởi tiếng sáo vi vút trong câu chuyện ấy. Một ‘‘chi tiết nhỏ’’ thôi,
nhưng nó đã làm nên một “nhà văn lớn”- Tô Hoài. Nếu như trong các truyện
ngắn khác, chi tiết có thể là một nét ngoại hình như gương mặt rỗ chằng chịt
của người đàn bà hàng chài (Nguyễn Minh Châu), là một hình ảnh so sánh
những nấm mộ như những chiếc bánh bao trắng của nhà giàu (Lỗ Tấn), một
cử chỉ như việc Thị Nở mang bát cháo hành đến cho Chí Phèo (Nam Cao),
thì trong “Vợ chồng A Phủ”, chi tiết có giá trị nhất lại là một thanh âm.
(Trích Bài làm của học sinh – Về sức hấp
dẫn của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ - Tô
Hoài )
Ví dụ 3: Hơn ba trăm động từ thống kê được trong tuỳ bút, hẳn cũng đã
thống kê cả sức mạnh của ngôn ngữ Việt Nam, ngôn ngữ Nguyễn Tuân. Thế
nhưng không phải ngòi bút của ông chỉ hứng thú với cái đẹp dữ dội, hoành
tráng. Dừng lại bên bến bờ bí ẩn, hiền hoà, nét bút Nguyễn Tuân cũng thật
đằm, thật ấm và mê say. Ông dùng hai màu xanh và đỏ để phối với màu
nước sông “xanh ngọc bích” và “lừ lừ chín đỏ”. Tôi còn nhớ ông đã tả nước
biển Cô Tô: Xanh như lá chuối non, như mùa thu ngả cốm làng Vòng, xanh
như màu áo Kim Trọng trong tiết Thanh minh, như vạt áo nước mắt của ông
Quan Tư Mã… Vậy mà với dòng sông thân yêu, ông lại đặt biệt chỉ dùng
riêng hai từ “ngọc bích” không chỉ đẹp mà còn sáng, còn vô cùng quí báu.
Khi dịu hiền, lúc dữ dội, ấy là vẻ đẹp bí ẩn của tâm hồn Sông Đà thấp
thoáng sau màu nước độc đáo. Hoà cùng nước sông, một tình yêu thiên
nhiên cũng chảy tràn, mênh mang…
Không chỉ “thanh kiếm động từ” là vũ khí sắc nhọn trong cuộc chiến
sóng ngữ của nhà văn, mà các “vũ khí” khác: Từ láy tượng thanh, tượng
hình cũng được huy động vào trận triệt để, đắc lực. Các từ láy tập hợp thành
cả binh chủng đông đặc, những “bùng bùng”, “xèo xèo”, “cuồn cuộn”, “ặc
ặc”, “bờ bờ”… làm cho cả cảnh và người sống động rộn rã hơn. Thiên nhiên
không tĩnh tại mà luôn chông chênh, động cựa, lúc mềm mại, dịu nhẹ, lúc
hung bạo, dữ dằn.
Nguyễn Tuân luôn “khoái” kết hợp những thứ đối lập với nhau lại như
vậy, không chỉ trong cảnh, mà ngay cả trong ngôn ngữ. Bằng cách gọi tên sự
việc bằng từ Hán - Việt đã ấp ủ sẵn âm hưởng thiêng liêng, trầm hùng của
9
câu chuyện truyền kỳ cổ xưa. Thế nhưng đôi chỗ lại chễm chệ các từ phương
Tây như “contre-plongde” “tuyêc bin”, “boong ke”… để thổi cái mới mẻ,
tươi mát của làn gió hiện đại ùa vào. Chẳng hiểu có khôi hài quá không,
nhưng bỗng dưng tôi hình dung ra khung cảnh một đại hội võ lâm thuở nào,
nơi tụ họp của những thiếu hiệp, lãng tử giang hồ kiểu Lệnh Hồ Sung,
Dương Quá Vậy mà trang trí tiệc lại là khăn trải bàn trắng tinh, hoa hồng,
rượu vang, và những món ăn kiểu Pháp…??
(Trích Bài làm của học sinh – Về vẻ đẹp của ngôn
ngữ văn học trong tùy bút Người lái đò sông Đà của
Nguyễn Tuân)
Sau khi hướng dẫn học sinh phân tích ngữ liệu, chỉ ra ưu điểm và
nhược điểm của các cách diễn đạt trên, giáo viên giúp học sinh khái quát lại
rút ra một số cách thức diễn đạt phổ biến dành cho đối sánh văn học:
-Sử dụng các cấu trúc câu ghép có hai mệnh đề chính phụ. Ví dụ: Nếu…
thì…, Không chỉ…mà còn…
-Sử dụng các đoạn văn được cấu tạo theo lối đối sánh. Mỗi đoạn văn tương
ứng với một bình diện để đối sánh và cảm thụ phân tích.
-Sử dụng một đoạn văn nhiều tầng bậc để mở rộng liên tục và linh hoạt các
cấp độ đối sánh, gây hứng thú cho người đọc.
-Cần chú ý đến việc sử dụng các từ ngữ gần nghĩa nhưng mang các sắc thái
riêng để phân biệt đối tượng một cách chuẩn xác và tinh tế.
III. KẾT LUẬN.
Rèn kỹ năng cảm thụ văn học trong thế đối sánh cho học sinh giỏi
môn ngữ văn là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn của giáo viên và
sự nỗ lực kiên trì của học sinh. Nếu có thể nắm vững kỹ năng này, học sinh
sẽ có điều kiện tối ưu để phát huy khả năng sáng tạo của mình, bằng chính
vốn kiến thức tự tích lũy và những trải nghiệm của bản thân. Tuy nhiên,
cũng cần phải lưu ý rằng, không nên quá lạm dụng việc đối sánh trong văn
nghị luận. Đối với một bài văn nghị luận cảm thụ phân tích tác phẩm, đối
sánh nên xem là những điểm nhấn, những chùm hoa điểm xuyết để làm sáng
bài văn và phô bày được phần nào phông kiến thức của người viết. Sa đà vào
việc đối sánh sẽ làm cho bài văn loãng về ý, thiếu sự chặt chẽ mạch lạc về
bố cục. Ngay cả đối với kiểu bài so sánh thì một cấu trúc đối sánh phù hợp
là điều rất cần thiết, nhưng không nên băm nhỏ, chẻ vụn đối tượng mà phải
chừa nhiều khoảng trống cho việc phân tích cảm thụ và bình luận, nêu cảm
10
nghĩ của học sinh. Có như vậy bài viết mới giữ được chất văn mà không
phải là một bài nghiên cứu so sánh.
Một nhà thơ lớn của thế giới từng nói, đại ý, chúng ta không chỉ cần
thông thạo năm giác quan mà con phải biết phát huy mối tương giao giữa
chúng, lấy cái này bổ sung cho cái kia. Cũng có thể nói như vậy về việc cảm
thụ tác phẩm văn học. Bên cạnh việc thông tỏ cấu trúc nội tại của một tác
phẩm, việc soi rọi một tác phẩm dưới ánh sáng của nhiều đối tượng thông
qua mối liên hệ ngầm ẩn hoặc rõ ràng sẽ đem lại diện mạo mới mẻ, bất ngờ
cho những tác phẩm văn học tưởng chừng đã quá quen thuộc, cũ kỹ. Đây có
thể là một hướng đi sáng sủa cho việc dạy cảm thụ văn bản, cũng như cho
việc kiểm tra đánh giá ở nhà trường phổ thông hiện nay.
Hết
11