Chuyên đề :
Rèn kĩ năng làm bài cảm thụ văn học trong
thế đối sánh cho học sinh giỏi môn ngữ văn
Ngô Phương Nga, Phạm Ngọc An- THPT Chuyên Bắc Ninh
I. Khái luận về cảm thụ, so sánh- đối sánh văn hoc:
1. Cảm thụ văn học:
Cảm thụ văn học là một hoạt động mang tính đặc thù trong tiếp nhận văn
học. Mục đích của cảm thụ là cảm nhận, phát hiện, khám phá, chiếm lĩnh bản
chất thẩm mỹ của văn chương nhằm khơi dậy, bồi dưỡng mỹ cảm phong phú,
tinh tế cho độc giả. Người đọc tri giác, liên tưởng, tưởng tượng thâm nhập vào
thế giới nghệ thuật của văn bản, thể nghiệm giá trị tinh thần và hứng thú với sắc
điệu thẩm mĩ của nó. Đến với văn bản văn học bằng cả trí tuệ và tình cảm, cả
nhận thức và kinh nghiệm sẽ giúp người đọc mở được cánh cửa thực sự đi vào
thế giới của nghệ thuật. Rèn kĩ năng cảm thụ văn học cho học sinh nhất là học
sinh giỏi văn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của
việc dạy văn trong nhà trường: vừa nâng cao tri thức vừa bồi dưỡng tâm hồn,
giúp các em có khả năng cảm thụ sâu sắc tác phẩm văn chương, góp phần đảm
bảo tính nghệ thuật đặc thù của môn ngữ văn trong trường PT.
2. So sánh- đối sánh văn học:
Khi xem xét một sự vật A, nếu ta nhìn trực diện vào A thì nhận thức của ta
về A chưa đầy đủ. Nhưng khi ta đặt A bên cạnh B (A-B tương đồng) thì ta nhận
thức về A toàn diện hơn, thấu đáo hơn. Vậy so sánh là một thao tác của nhận thức
trong đó ta đặt sự vật này bên cạnh hay nhiều sự vật khác để dối chiếu, xem xét
nhằm hiểu sự vật đó một cách toàn diện, kĩ lưỡng, rõ nét và sâu sắc hơn. Trong
thực tế đời sống so sánh trở thành một thao tác phổ biến thông dụng nhằm đáp
ứng nhu cầu nhận thức, đánh giá của con người trong nhiều lĩnh vực và hoàn
cảnh.
So sánh văn học là thao tác so sánh được sử dụng trong lĩnh vực làm văn,
được hiểu theo hai cấp độ:
- Là một thao tác lập luận: nó là một trong những thao tác chính của văn
nghị luận (bên cạnh các thao tác; phân tích, bình luận, bác bỏ…)
- Là một kiểu bài trong nghị luận văn học: là bài văn nghị luận sử dụng thao
tác lập luận so sánh là chính. So sánh văn học là đối chiếu hai hay nhiều hiện
tượng văn học, hoặc là các mặt trong cùng một hiện tượng văn học để thấy sự
giống và khác nhau, từ đó mà thấy rõ đặc điểm và giá trị của những hiện tượng
văn học đó.
So sánh văn học được hiểu như một cách tiếp cận văn học từ đó giúp cho
học sinh phát triển được các năng lực văn vốn có của bản thân. Đó là năng lực
tiếp nhận cái hay, cái đẹp trong văn bản văn học về nội dung và nghệ thuật. Đó là
năng lực viết, năng lực diễn đạt lại hiểu biết của mình về văn bản văn học để
người khác hiểu và rung cảm như mình; Đó là năng lực sử dụng ngôn ngữ chính
xác tinh tế.
So sánh văn học cũng giúp tư duy văn học nói riêng và tư duy nói chung
trở nên sắc bến hơn, tinh tế hơn. Khi muốn hiểu bản chất của một sự vật hiện
tượng hay con người mà ta xem xét bản thân sự vật, hiện tượng, con người ấy thì
rất khó khăn, Chỉ khi đặt trong thế đối sánh, chúng ta mới có thể hiêu rõ hơn bản
chất, tìm hiểu một cách thấu đáo các sự vật, hiện tượng.Mục đích của so sánh:
nhằm chỉ ra sự hơn - kém hoặc sự giống- khác.
Ở đây ta không dùng khái niệm so sánh mà dùng đối sánh , không nhằm
chỉ ra sự hơn- kém mà nhấn mạnh sự giống- khác. Theo Bách khoa toàn thư Việt
Nam điện tử( ua A==&page=1 )
ĐỐI SÁNH: (A. match), việc thực hiện so sánh hai đối tượng để rút ra
những điểm giống hoặc khác nhau.
Khái niệm đối sánh cũng được nhìn nhận, xem xét ở hai góc độ: một là
thao tác nghị luận, hai là một phương pháp, cách thức trình bày ( tức là một kiểu
bài NL văn học )
2. Cảm thụ văn học trong thế đối sánh:
Cảm thụ văn học trong thế đối sánh là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao
năng lực cảm thụ văn chương cho học sinh môn ngữ văn. Trong văn học tuy cùng
viết bằng một thể loại, cùng chung một đề tài, vào cùng một thời điểm… nhưng
mỗi tác phẩm nghệ thuật đich thực đều là một sáng tạo độc đáo, So sánh sẽ làm
nổi bật lên vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo ấy của mỗi tác phẩm. Trên cơ sở đó mới có
thể nhận xét, đánh giá được những đóng góp riêng của mỗi nhà văn, mỗi hiện
tượng văn học.
Khám phá cái hay, cái đẹp cái độc đáo riêng biệt của các tác phẩm văn học,
của phong cách tác giả, thời đại…trong sự đối sánh đòi hỏi một năng lực cảm thụ
tinh tế và một khả năng khái quát tổng hợp, lí giải sâu sắc. Học sinh có cơ hội để
phát huy năng khiếu, sở trường, được thể hiện những cảm nhận riêng, những phát
hiện độc đáo, lí giải, đánh giá theo sự hiểu biết và cách nghĩ của mình một cách
phong phú, đa dạng. Cảm thụ văn học trong thế đối sánh là một kĩ năng cần
thiết, một chiếc chìa khoá giúp các em mở cánh cửa đi vào thế giới của nghệ
thuật.
Cảm thụ văn học trong thế đối sánh không phải là kiểu bài so sánh đơn
thuần. Nó bao gồm cả hai yêu cầu cảm thụ trong thế đối sánh và đối sánh là để
cảm thụ. Đối sánh không nhằm chỉ ra sự hơn - kém mà nhằm thấy được sự
giống- khác, nét riêng biệt, cái hay cái đẹp, sự mới lạ của từng đối tượng cảm
nhận.
- Có hai cách rèn kĩ năng cảm thụ văn học trong thế đối sánh cho học sinh:
+ Thứ nhất: Cảm thụ văn học trong thế đối sánh được coi như một thao tác, cách
thức bình văn. Thao tác nghị luận so sánh đã được học một bài riêng trong
chương trình Làm văn lớp 11. Tuy nhiên đối sánh để cảm thụ văn chương có đặc
trưng riêng. Vì vậy trọng tâm của việc rèn kĩ năng cảm thụ văn học trong thế đối
sánh cần được giáo viên tiến hành thường xuyên liên tục trong các giờ đọc văn và
tích hợp trong các bài tập tiếng Việt.
+ Thứ hai: Cảm thụ trong thế đối sánh được coi như một dạng đề nghị luận văn
học cần được rèn kĩ năng qua các giờ làm văn, qua các dạng bài thường gặp
trong các kì thi học sinh giỏi, thi đại học. Dạng bài này chưa được học với tư
cách một dạng văn nghị luận văn học trong chương trình THPT.
Trong khuôn khổ chuyên đề này, chúng tôi chỉ xin đi sâu vào cách thứ hai:
Rèn kĩ năng làm bài cảm thụ văn học trong thế đối sánh cho học sinh giỏi văn
II. Dạng bài cảm thụ văn học trong thế đối sánh:
1. Vai trò của dạng bài cảm thụ văn học trong thế đối sánh:
Xu hướng ra đề thi đại học và học sinh giỏi những năm gần đây, dạng bài
cảm thụ trong thế đối sánh được đề cao và xuất hiện với tần suất lớn. Đây là một
trong những dạng đề hay và khó, rất phù hợp để tuyển chọn và phân loại học sinh
nhất là học sinh giỏi. Dạng đề này tránh được sự nhàm chán của lối văn theo
mẫu ( bởi không hề có sẵn), kiểm tra được một cách khá toàn diện những kĩ năng
và kiến thức cần có của học sinh: kiến thức tác phẩm, kiến thức về tác giả, giai
đoạn, kiến thức lí luận văn học…kĩ năng phân tích bình giá, so sánh, lí giải…. Nó
đòi hỏi học sinh vừa phải có năng lực cảm thụ vừa có năng lực khái quát tổng
hợp. Học sinh có điều kiện bộc lộ sự tinh tế trong cảm nhận (có thể nhận ra được
những nét khác biệt dù rất nhỏ, rất mơ hồ) sự sắc sảo ( khả năng tách đối tượng
thành những bình diện nhỏ để so sánh) sự chắc chắn( trong việc huy động kiến
thức văn học sử, lí luận văn học… để đánh giá, lí giải). Nghĩa là đòi hỏi ở người
học sinh giỏi văn không chỉ cần phẩm chất nghệ sĩ ( sự tinh tế trong cảm nhận và
thẩm định) mà còn chú trọng phẩm chất khoa học( thể hiện ở sự chính xác, chặt
chẽ, khúc triết và tính hệ thống trong tư duy và trình bày bài viết).
Giới thiệu một số đề thi học sinh giỏi quốc gia, thi đại học yêu cầu cảm thụ
trong thế đối sánh gần đây:
Thi học sinh giỏi quốc gia:
+ Năm 1997: Cùng viết về đất nước và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp, nhưng ba tác phẩm: Bên kia song Đuống của Hoàng Cầm, Đất
nước của Nguyễn Đình Thi, Việt Bắc của Tố Hữu là ba thế giới hình tượng
riêng, ba giọng điệu trữ tình riêng, chứa đựng những kí thác riêng của mỗi hồn
thơ. Anh( chị) hãy phân tích ba bài thơ trong quan hệ đối sánh để chỉ ra nét riêng
của mỗi tác phẩm.
+ Năm 2001. Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia
đình của Nguyễn Thi và Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu đều là
những truyện ngắn hay đã khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam
trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Anh( chị) hãy so sánh để làm rõ những khám
phá, sang tạo riêng của mỗi tác phẩm trong sự thể hiện chủ đề chung đó.
+ Năm 2002. Theo Xuân Diệu “ trong thơ nôm của Nguyễn Khuyến, nức danh
nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh”. Hãy phân tích những
sáng tác trên trong mối quan hệ đối sánh để làm bật vẻ đẹp độc đáo của từng thi
phẩm, từ đó nêu vắn tắt yêu cầu đối với một tác phẩm văn học.
+)Bảng A - 2006:Chủ nghĩa nhân đạo là một trong những truyền thống lớn nhất
của văn học Việt Nam. Qua việc phân tích, so sánh các tác phẩm Tự tình (Hồ
Xuân Hương), Hai đứa trẻ (Thạch Lam) và Đời thừa (Nam Cao), anh (chị) hãy
làm rõ những đóng góp riêng, độc đáo của từng tác phẩm cho truyền thống này.
+) Bảng B năm 2006: Trong văn học Việt Nam, có nhiều sáng tác nổi tiếng về
mùa thu. Qua việc phân tích, so sánh các bài thơ Thu vịnh (Nguyễn Khuyến),
Đây mùa thu tới (Xuân Diệu), anh (chị) hãy làm rõ những nét chung và nhất là
những nét riêng của từng tác phẩm
+) Năm 2008: Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trong Nhớ con sông quê
hương (Tế Hanh ) và Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm )
+) Năm 2009 :Thơ nữ viết về tình yêu thường thể hiện sâu sắc bản lĩnh và ý thức
về hạnh phúc của chính người phụ nữ. Hãy phân tích và so sánh bài thơ Tự
tình( bài II) của Hồ Xuân Hương và Sóng của Xuân Quỳnh để làm rõ nét chung
và nét riêng trong tâm sự về tình yêu của hai nữ tác giả ở hai thời đại khác nhau.
Thi đại học:
+) Cảm nhận của anh/chị về những vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt
(Vợ nhặt - Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa
- Nguyễn Minh Châu). (Đề thi đại học khối C- 2009)
+) Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn viết về vẻ đẹp hai dòng sông trong
Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng
Phủ Ngọc Tường.( Đề thi Đại học khối C- 2010)
+) Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật thị Nở mang
cho Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn
ấm” mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (Đời thừa – Nam Cao). (Đề thi Đại học
khối D- 2010)
2. Đối tượng của sự cảm thụ trong thế đối sánh:
- Kiểu bài này thường phải có ít nhất hai đối tượng cảm thụ( thuộc hai tác phẩm)
được đặt trong thế đối sánh.
- Có thể yêu cầu cảm thụ trong thế đối sánh toàn bộ tác phẩm hay trên những
bình diện khác nhau của tác phẩm (tuỳ theo thể loại). Thi đại học thường yêu cầu
cảm thụ trong thế đối sánh một phương diện của tác phẩm : nhân vật (đề thi đại
học khối C- 2009) chi tiết nghệ thuật( Khối D- 2010), đoạn văn ( khối C- 2010),
đoạn thơ(thi đại học khối C- D) hoặc đề tài, tư tưởng, chủ đề, tình huống, cốt
truyện, nghệ thuật trần thuật, bút pháp nghệ thuật, cái tôi trữ tình, phong cách
nghệ thuật…
Đề thi học sinh giỏi, thi quốc gia thường yêu cầu đối sánh toàn bộ tác phẩm.
- Các tác phẩm yêu cầu cảm thụ trong thế đối sánh thường là: cùng đề tài , cảm
hứng trong một giai đoạn văn học, của một tác giả hoặc khác giai đoạn, khác tác
giả, thuộc những trào lưu trường phái khác nhau của nền văn học.
+ Có thể so sánh cùng một tác giả: “Phong cách Nguyễn Tuân qua hai kiệt tác
của hai chặng đường sáng tạo Chữ người tử tù và Người lái đò sông Đà”
+ Có thể so sánh các tác giả thuộc những trào lưu khác nhau: “Phong cách văn
xuôi của Thạch Lam và Vũ Trọng Phụng qua Hai đứa trẻ và trích đoạn Hạnh
phúc của một tang gia- trích tiểu thuyết Số đỏ”
+Có thể so sánh các tác phẩm cùng giai đoạn, đề tài: “Vẻ đẹp hình tượng người
lính qua hai bài thơ “Đồng chí“ của Chính Hữu và “Tây tiến” của Quang Dũng”
3. Mục đích, yêu cầu của kiểu bài cảm thụ văn học trong thế đối sánh:
Trước hết cần xác định dạng đề này đặt ra hai yêu cầu song hành : cảm thụ trong
thế đối sánh, đối sánh để nổi bật sự cảm thụ. Vì vậy học sinh cần:
+ Thể hiện được những cảm nhận của mình về cái hay cái đẹp, cái mới lạ độc đáo
của các yếu tố văn học cần cảm thụ.
+ Chỉ ra được chỗ giống và khác nhau giữa các tác phẩm, các tác giả, từ đó thấy
được những mặt kế thừa, những điểm cách tân của từng tác giả, tác phẩm; thấy
được vẻ đẹp riêng của từng tác phẩm; sự đa dạng muôn màu của phong cách nhà
văn cũng như tiến trình phát triển của giai đoạn, nền văn học.
+ Lí giải nguyên nhân của sự khác nhau giữa các hiện tượng văn học.
Tuy nhiên yêu cầu về kiến thức và kĩ năng của kiểu bài này đối với thi đại học
và thi học sinh giỏi có sự khác biệt:
Đối với đề thi đại học: yêu cầu cảm thụ được đề cao( 4/5) yêu cầu so sánh và lí
giải được đặt ra ở mức độ vừa phải. Mức điểm dành cho phần so sánh chỉ là 0,5 /
5 điểm toàn phần của câu. Tiêu chí so sánh giống- khác, nội dung- nghệ thuật chỉ
cần nêu những phương diện căn bản, thậm chí không cần lí giải nguyên nhân sự
giống và khác nhau giữa các hiện tượng văn học được cảm thụ. Điều này thể hiện
rõ ngay ở yêu cầu của đề thi ( chỉ nêu yêu cầu cảm thụ không đặt ra yêu cầu so
sánh) Yêu cầu so sánh chỉ được thể hiện ngầm khi đặt hai yếu tố văn học cần
cảm thụ trong một đề văn.
Đối với đề thi học sinh giỏi: yêu cầu cảm thụ và yêu cầu so sánh, lí giải được
coi trọng tương đương. Điều này được thể hiện ngay trên đề bài ( phân tích và so
sánh, chỉ ra nét chung, riêng, độc đáo) và trong đáp án của Bộ giáo dục đào tạo.
Đặc biệt yêu cầu về phạm vi, mức độ kiến thức, cách thức so sánh, khả năng
đánh giá lí giải đều là những bước tiến về chất so với yêu cầu thi đại học.
4. Kiến thức, kĩ năng cần huy động khi làm bài cảm thụ trong thế đối sánh:
+) Kiến thức về các tác giả, tác phẩm cần cảm thụ.
+) Kiến thức cơ bản về lịch sử văn hoá- xã hội, thời kì giai đoạn văn học, các tác
phẩm, tác giả tiêu biểu trong từng thời kì đó… trên cơ sở hiểu biết đó phân tích
để làm sáng tỏ những nét chung và nét riêng biệt độc đáo.
+) Kiến thức lí luận văn học nhất là phong cách tác giả, phong cách thời đại, trào
lưu, đặc trưng thể loại, thi pháp…Trên cơ sở đó lí giải những nét chung, nét riêng
độc đáo. Đặc biệt qua hiện tượng văn học được cảm thụ có thể nâng lên thành
những vấn đề lí luận VH cần thiết.
+) Phối hợp sử dụng nhiều thao tác nghị luận. Đặc biệt học sinh cần vận dụng
phương pháp so sánh ngay khi phân tích cảm thụ từng tác phẩm. Thí sinh có thể
trình bày cảm nhận theo nhiều cách khác nhau ( chung- riêng hoặc lần lượt từng
tác phẩm…) nhưng cần làm rõ sự tương đồng và sự khác biệt về cả nội dung,
nghệ thuật đồng thời có khả năng mở rộng liên hệ, so sánh với các tác phẩm, tác
giả khác ngoài yêu cầu của đề một cách hợp lý.
III. Rèn kĩ năng làm bài cảm thụ văn học trong thế đối sánh cho học sinh
giỏi văn:
1. Rèn kĩ năng phân tích đề:
1.1 Nhận diện đề:
Trước hết, học sinh cần nhận biết đâu là đề văn cảm thụ trong thế đối sánh.
+ Những đề nêu rõ yêu cầu: phân tích và so sánh, thấy được nét chung- riêng…
như đề thi HSG Quốc gia năm 1996, 2001, 2002, 2006; năm 2009.
+ Những đề yêu cầu cảm nhận từ hai đối tượng trở lên trong cùng một đề văn(đề
thi HSG Quốc gia năm 2008, các đề thi đại học khối C- D)
Cần phân biệt dạng đề tổng hợp và dạng đề so sánh khi cùng có hai tác phẩm
cần nghị luận trở lên trong một đề văn.
Khảo sát 2 đề văn sau
Đề1: Cảm hứng về đất nước là một trong những cảm hứng sâu đậm của văn học
Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Qua bài thơ Đất nước của
Nguyễn Đình Thi và trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm hãy làm sáng
tỏ nhận định trên.
Đề 2: Cảm hứng về đất nước là một cảm hứng chủ đạo trong thơ Việt Nam giai
đoạn 1945-1975. Hãy làm rõ những nét riêng trong nội dung và cách biểu hiện
cảm hứng ấy trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và đoạn trích Đất
nước của Nguyễn Khoa Điềm
Tuy cùng ngữ liệu: 2 tác giả, 2 bài thơ, cùng lời dẫn nhưng mục đích của hai đề
rất khác nhau. Đề 1 là đề tổng hợp- nhằm làm nổi bật cảm hứng cơ bản của giai
đoạn văn học( yếu tố so sánh chủ yếu để thấy cái chung), đề 2 là đề đối sánh
nhằm nổi bật sự khám phá sáng tạo riêng của từng nhà thơ .
Cần phân biệt: thao tác so sánh và kiểu bài đối sánh.
Ví dụ ở đề bài: “ Nét mới lạ về hình tượng người lính trong bài Tây Tiến của
Quang Dũng”. Đây không phải là dạng bài cảm thụ trong thế đối sánh vì chỉ có
một đối tượng cảm thụ nêu trong đề bài. Học sinh phải bám sát vào bài thơ Tây
tiến, khám phá những đặc điểm- cảm nhận những nét đẹp của hình tượng người
lính trong tác phẩm. Học sinh cũng cần huy động hiểu biết về những bài thơ viết
về người lính trong thơ ca Việt Nam trước đó và cùng thời, dùng thao tác so sánh
làm bật lên những nét độc đáo, nét “mới” trong cách cảm nhận và lối thể hiện
hình tượng người lính của Quang Dũng. So sánh chỉ là thao tác bổ trợ.
I.2 Xác định yêu cầu của đề:
- Trước hết cần xác định đối tượng cảm thụ- đối sánh, phạm vi kiến thức cần
huy động sao cho đúng và trúng.
Muốn vậy cần rèn cho các em thói quen đọc kĩ đề, gạch chân những từ quan
trọng. Có thể đưa ra một loạt đề cảm thụ trong thế đối sánh cùng về hai tác giả,
tác phẩm, chỉ thay đổi cách hỏi, câu lệnh để rèn cho học sinh kĩ năng xác định
trọng tâm vấn đề.
Bài tập: Chỉ ra sự giống và khác nhau trong nội dung, cách làm của 3 đề văn sau.
Đề 1: Thơ Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính rất khác nhau nhưng họ đều là những
nhà thơ mới giai đoạn 1932-1945. Bằng việc cảm nhận hai bài thơ Mùa xuân
chín của Hàn Mặc Tử và Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính trong thế đối sánh hãy
làm sáng tỏ nhận xét trên.
Đề 2: Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đều là những nhà thơ lãng mạn Việt Nam
giai đoạn 1932-1945 nhưng thơ họ lại rất khác nhau. Bằng việc cảm nhận hai bài
thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử và Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính trong
thế đối sánh hãy làm sáng tỏ nhận xét trên.
Đề 3: Dấu ấn phong cách thơ Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử qua hai thi phẩm
cùng viết về mùa xuân: Mùa xuân chín(Hàn Mặc Tử) và Mùa xuân xanh (NBính)
Kiến thức cần huy động đề làm 3 đề trên không chỉ 2 tác phẩm( Mùa xuân chín,
Mùa xuân xanh), 2 tác giả ( Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử ) mà còn kiến thức về
phong trào thơ mới - nhà thơ mới giai đoạn 1932-1945.
- Trước một đề văn cần đặt các câu hỏi:: Tại sao đề lại yêu cầu cảm thụ các đối
tượng đó trong thế đối sánh? giữa chúng có điểm gì chung lớn nhất (cùng đề tài,
cảm hứng, thể loại, giai đoạn… ) sự khác biệt nổi bật giữa chúng? Từ sự giống
và khác ấy, đề văn muốn chúng ta khẳng định vấn đề gì ( về đặc điểm giai đoạn,
trào lưu, bản chất nghệ thuật, sự sáng tạo của người nghệ sĩ, tiến trình phát triển
của lịch sử văn học? )Những câu hỏi ấy sẽ giúp học sinh xác định mục đích,
yêu cầu của đề văn và thâm ý của người ra đề.
Nên yêu cầu học sinh tự thành lập các đề văn cảm thụ trong thế đối
sánh( thiết lập ngân hàng đề) ; tập hợp thành những chủ đề lớn, nhỏ: Đất nước,
Tình yêu, Người lính, Số phận con người, Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ…. Giáo
viên hướng dẫn học sinh cách thiết lập các đề theo dạng : Cùng viết về…nhưng
mỗi tác phẩm, tác giả… lại có những cách khám phá, thể hiện mới mẻ đặc sắc…
chứ không đơn thuần : nêu cảm nhận của anh chị về 2 nhân vật, 2 đoạn văn,
đoạn thơ, 2 chi tiết… Các em sẽ thấy rằng không thể tuỳ tiện ngẫu nhiên đặt các
tác phẩm trong thế đối sánh. Hai đối tượng nên cùng loại( gần nhau) để nhận thức
được những điều khác biệt. Theo quan niệm mới hiện nay tất cả đều có thể so
sánh: một đám ma( trong Hạnh phúc một tang gia- trích “Số đỏ” của Vũ Trọng
Phụng)với một đám cưới ( trong Một đám cưới của Nam Cao hoặc trong Vợ
nhặt của Kim Lân). Tuy nhiên cần xác định được điểm chung, tiêu chí và mục
đích của sự đối sánh trước khi ra đề, sẽ tránh sự khập khiễng, gượng ép khi đặt
các đối tượng cảm thụ quá khác xa nhau trong một đề văn.
I.3 Xác định thao tác nghị luận cơ bản:
Một bài văn cần phối hợp rất nhiều thao tác nghị luận song cần lưu ý học sinh
xác định đâu là thao tác nghị luận chính, đâu là thao tác nghị luận bổ trợ. Trong
bài cảm thụ trong thế đối sánh thao tác cơ bản là cảm thụ ( phân tích) và đối sánh
( so sánh) . Có nhiều học sinh chỉ nặng về đối sánh mà quên mất cảm thụ, có học
sinh thì ngược lại. Xác định được thao tác chính học sinh sẽ có cơ sở để xây dựng
hệ thống luận điểm hợp lí và khoa học cho bài viết.
2. Rèn kĩ năng lập ý- lập dàn ý:
2.1 Các bước lập ý:
- Bước 1: Trước hết, cần phân tách đối tượng thành nhiều bình diện để cảm thụ
và đối sánh. Trên đại thể, hai bình diện bao trùm là nội dung tư tưởng và hình
thức nghệ thuật. Tùy từng đối tượng được yêu cầu so sánh mà có cách chia tách
ra các khía cạnh nhỏ khác nhau. Cách chia tách phải căn cứ vào đặc trưng loại
thể hoặc các khía cạnh của nội dung tư tưởng: ngôn từ, hình ảnh, chi tiết, kết cấu,
âm hưởng, giọng điệu, đề tài, chủ đề, tư tưởng và cảm hứng nghệ thuật
- Bước 2: Nhận xét, đối chiếu để chỉ ra điểm giống và khác nhau. Học sinh cần
có sự quan sát tinh tường, phát hiện chính xác, có tiêu chí so sánh rõ ràng, diễn
đạt thật nổi bật, rõ nét, tránh chung chung, mơ hồ.
- Bước 3: Đánh giá, nhận xét, lí giải nguyên nhân của sự giống và khác nhau.
Bước này đòi hỏi những tiêu chuẩn rõ ràng, nền lí luận vững chắc, kiến thức văn
học sử sâu rộng, tránh những suy diễn tùy tiện, chủ quan, thiếu sức thuyết phục.
2.2 Cách thức trình bày ý:
Vì là một bài văn nghị luận nên bố cục của bài văn cảm thụ trong thế đối sánh
cũng có 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.
* Mở bài: dẫn dắt, giới thiệu 2 yếu tố văn học cần cảm thụ.
Có nhiều cách mở bài nhưng học sinh giỏi nên lựa chọn cách mở bài gián
tiếp. Có thể dẫn dắt từ vấn đề lí luận văn học như đặc trưng văn học, phong cách
nghệ thuật( Lêônit Lêônôp “Mỗi tác phẩm văn học phải là một phát minh về hình
thức và một khám phá về nôi dung”, “Văn học và cuộc sống là hai đường tròn
đồng tâm mà tâm điểm là con người” Nguyễn Minh Châu…) Có thể mở bài từ
đề tài ( người lính, người mẹ, tình yêu, người phụ nữ, đất nước…). Có thể mở bài
từ giai đoạn văn học, trào lưu…Điều quan trọng là dẫn dắt từ vấn đề chung của
hai yếu tố cần cảm thụ, tránh giới thiệu lần lượt từng yếu tố ngay từ phần mở đầu
đã không tạo nên sự liên kết chặt chẽ.
*Thân bài: Phân tích cảm thụ hai đối tượng trong thế đối sánh
Cách trình bày, triển khai ý bài cảm thụ trong thế đối sánh thông thường có hai
cách là nối tiếp và song song.
- Cách nối tiếp: lần lượt phân tích, cảm thụ từng đối tượng sau đó chỉ ra cái
giống và khác nhau. Cụ thể mô hình của phần thân bài như sau:
+ Phân tích- cảm thụ đối tượng thứ nhất
+ Phân tích- cảm thụ đối tượng thứ 2
+ So sánh: nét tương đồng và khác biệt giữa hai đối tượng trên cả hai bình diện
nội dung và hình thức nghệ thuật
+ Lý giải sự khác biệt: cần dựa vào bối cảnh xã hội- văn hóa; hoàn cảnh cảm
hứng phong cách nhà văn; đặc trưng thi pháp của thời kì văn học… để lí giải
Cách này dễ làm nhưng khó hay, dài, nhiều khi trùng lặp ý và sắc thái so sánh dễ
bị chìm. Sự liên kết giữa các đối tượng cảm thụ thường rất lỏng lẻo, rời rạc, làm
mất đi tính chỉnh thể của bài viết. Do yêu cầu mang tính phổ thông nên đáp án thi
đại học thường trình bày theo cách này.
- Cách song song tức là song hành đối sánh trên mọi bình diện của hai đối tượng
theo hai mảng lớn giống- khác đồng thời lí giải nguyên nhân của sự giống, khác
đó. Với học sinh giỏi nên chọn cách trình bày này. Trước hết phải sử dụng thao
tác đồng nhất- tìm cái chung( tư duy tổng hợp) sau đó mới đi tìm cái riêng- thao
tác phân tách( tư duy phân tích). Cách này hay nhưng khó, nó khắc phục được tất
cả các nhược điểm của cách thứ nhất.
Nhưng điểm mạnh sẽ thành điểm yếu nếu học sinh không có tư duy chặt
chẽ lô gíc để tách vấn đề, không có sự tinh tế trong việc lựa chọn các yếu tố để
cảm nhận, lời bình không biết nhấn, biết lướt. Nếu vậy bài viết hoặc sẽ rất rối
hoặc thiên về liệt kê so sánh đối chiếu khô cứng.
* Kết bài: Khái quát lại những nét tương đồng và khác biệt cơ bản, nêu cảm
nghĩ của bản thân. Có nhiều cách kết bài nhưng có thể lựa chọn cách Mở- Kết
tương ứng. Mở bài dẫn dắt từ đâu nên kết lại ở đó ( lí luận văn học, đề tài, chủ đề,
giai đoạn…) nhất là mở ra những vấn đề LLVH mới.
3. Rèn kĩ năng diễn đạt, hành văn khi làm bài cảm thụ trong thế đối sánh.
- Cái khó của dạng bài cảm thụ trong thế đối sánh không chỉ nằm ở phần phân
tách luận điểm mà còn nằm ở sự chọn lựa yếu tố tương ứng để phân tích bình giá
nổi bật nét riêng của hai yếu tố văn học cần cảm thụ.
Điều quan trọng học sinh cần biết lựa chọn, phân tích, cảm nhận các chi tiết, hình
ảnh, câu văn đoạn văn tiêu biểu để làm sáng tỏ những khám phá riêng, nổi bật vẻ
đẹp riêng độc đáo. Nhiều em sa vào phân tích ôm đồm hoặc ngược lại liệt kê đơn
thuần thiếu sự cảm thụ, chỉ nặng về đối sánh, không xuất phát từ tác phẩm mà từ
những ý niệm định sẵn. Cũng không nên tham lam phân tích cảm thụ quá nhiều
chi tiết sẽ làm cho bài viết ôm đồm nặng nề. Cần biết nhấn biết lướt, lựa chọn
thật đắt, bình thật tinh, nổi bật lên vẻ đẹp nét đặc sắc của mỗi yếu tố văn hoc, tác
phẩm và phong cách tác giả.
- Sự chọn lựa những yếu tố tương ứng nằm trong hai tác phẩm để phân tích bình
giá trong thế đối sánh sẽ tạo nên sự liên kết ngầm. Song về diễn đạt cần có sự liên
kết chặt chẽ mới làm cho sự so sánh được nổi bật, sắc nét . Nếu chỉ mô tả một
chiều ý so sánh sẽ bị chìm đi. Vì vậy trong bài văn cảm thụ trong thế đối sánh ta
thường dùng các kiểu câu ghép với các cặp liên từ: Tuy- nhưng, Nếu – thì;
Trong khi A… thì B; A thì… B thì… hoặc sử dụng các cụm từ: khác với, giống
như, không giống như…
- Điều đáng lưu ý, đối sánh để thấy sự giống- khác, chứ không nhằm chỉ ra sự
hơn- kém vì vậy cần tránh cực đoan trong diễn đạt như: quá đề cao đối tượng này
mà hạ thấp đối tượng khác; cảm thụ đến chi tiết nào cũng cho là hay nhất, mới
nhất, xuất sắc nhất biến lời diễn đạt thành sáo ngữ, ngoa từ. Cần cho các em tập
viết những đoạn văn nhỏ, chấm, chữa cụ thể. Có thể cho các em chấm chéo nhau
để học hỏi và rút kinh nghiệm về kĩ năng diễn đạt.
II. Đề luyện tập :
Đề 1: Thiết lập hệ thống ý cho đề văn sau:
“ Cảm nhận vẻ đẹp và sự độc đáo của hai hình tượng Sông Đà và Sông
Hương để thấy được nét phong cách riêng của từng tác giả trong hai bài tuỳ bút “
Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân và bút kí “ Ai đã đặt tên cho dòng
sông ?” ( trích- của Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Với đề này học sinh cần biết đặt hai hình tượng trong thế đối sánh để làm
nổi bật vẻ đẹp và sự độc đáo không chỉ của hai hình tượng mà còn cả hai phong
cách nghệ thuật.
Bước 1: xác định những điểm chung (nét tương đồng )của sự khám phá vẻ đẹp
hai hình tượng Sông Đà, sông Hương trong hai tác phẩm của hai tác giả.
+ Điểm chung thứ nhất về đề tài: Sông Đà và Sông Hương là những dòng sông
nổi tiếng đã gắn bó sâu sắc với con người Việt Nam. Cả hai con sông đều được
khám phá ở vẻ đẹp trữ tình và mạnh mẽ hoang sơ.
+ Điểm chung thứ hai về thể loại : cả hai tác giả cùng viết tuỳ bút về những dòng
sông . Bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của HPNT thực sự là một thiên tuỳ
bút- một áng văn xuôi tự sự trữ tình.
+ Điểm chung thứ ba là nét phong cách căn bản của hai tác giả: Cả hai đều là
những cây bút tài hoa, uyên bác. Hai tác giả đều huy động kiến thức địa lí, lịch sử,
văn hoá sâu rộng, đều thể hiện cái tôi trữ tình khi khám phá vẻ đẹp của những con
sông quê hương đất nước, kết đọng trong đó tình yêu xứ sở. Đó là sự gặp gỡ của
những tâm hồn Việt, những tài năng tuỳ bút bậc thầy.
Bước 2: phân tách đối tượng thành nhiều bình diện để so sánh, tìm ra nét riêng-
sự khác biệt .
Từ 2 bình diện lớn: nội dung- nghệ thuật, căn cứ vào đối tượng cụ thể ta có thể
phân tách thành những phương diện nhỏ hơn. Muốn làm được điều này học sinh
phải huy động kiến thức về lí luận văn học về tác phẩm - thể loại. Về hình tượng
các con sông nên tách thành 4 bình diện sau: Cảm hứng- điểm nhìn khám phá; vẻ
đẹp hình tượng; nghệ thuật thể hiện hình tượng( chất liệu, giọng điệu, ngôn ngữ,
biện pháp nghệ thuật…) vai trò ý nghĩa của hình tượng.
Khi rèn kĩ năng có thể tạm thời kẻ bảng để học sinh dễ dàng đối sánh:
Sự khác biệt Sông Đà Sông Hương
Cảm hứng- điểm nhìn khám phá
Vẻ đẹp hình tượng
Nghệ thuật xây dựng hình tượng
Vai trò, ý nghĩa của hình tượng
Học sinh có thể triển khai theo các ý- các tiêu chí đối sánh ( ngang) hoặc lần
lượt theo từng hình tượng( dọc)
Ví dụ triển khai ý 2 khám phá vẻ đẹp riêng của hai dòng sông trong hai thiên tuỳ
bút theo lối đối sánh, ta có thể đi vào những ý chính sau :
* Trong Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân khai thác hai mặt nổi bật tạo nên
hai vẻ đẹp hung bạo và trữ tình của dòng sông, khám phá con sông đầy tiềm năng
cho sự phát triển của đất nước Sông Đà hiện lên đầy cá tính, lúc như một bầy
thuỷ quái ( hung bạo), lúc như một cố nhân( trữ tình).
+ Sông Đà hung bạo từ bờ sông, ghềnh đá, hút nước đến thác đá…
+ Sông Đà mang vẻ đẹp trữ tình thơ mộng : từ dáng sông, màu nước cho tới
khung cảnh ven bờ…
* Nếu như Sông Đà là một con sông- một sinh thể, thì sông Hương lại được
HPNT ví như một người gái đẹp – lúc là cô gái Digan phóng khoáng và man dại,
khi là người con gái kín đáo dịu dàng trong tình yêu, lúc là người mẹ phù sa của
một vùng văn hoá xứ sở. Dòng Hương đã hiện lên với nhiều vẻ đẹp khác nhau
trong trang bút kí- tuỳ bút của HPNT.
+ Vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên
+ Vẻ đẹp lịch sử
+ Vẻ đẹp văn hoá, thi ca
Bước 3: Lí giải sư tương đồng và nét khác biệt đồng thời khái quát phong cách
của từng tác giả thể hiện qua hai bài kí.
Đây là một yêu cầu của đề bài. Học sinh cần phải huy động kiến thức lí luận ,
kiến thức về tác gia văn học để trình bày khái niệm về phong cách, các phương
diện biểu hiện cụ thể trong phong cách nghệ thuật của hai tác giả.
Đồng thời đây cũng là phần lí giải tại sao lại có sự tương đồng và nét khác biệt
trong cách khám phá thể hiện hình tượng hai dòng sông. Nguyên nhân do thời
đại, bối cảnh văn hoá xã hội hầu như không có. Yếu tố chính làm nên sự độc đáo
của hai hình tượng Sông Đà, Sông Hương trong hai bài kí là phong cách nghệ
thuật của 2 tác giả.
Cả hai đều là những nhà văn viết tuỳ bút thành công. Tuỳ bút Nguyễn
Tuân giàu chất kí, chất truyện. Bút kí của HPNT giàu chất trữ tình- chất tuỳ bút.
Cùng có phong cách tài hoa uyên bác, nhưng Nguyễn Tuân tài hoa kiêu bạc,
HPNT tài hoa sâu lắng. Nguyễn Tuân đến với sông Đà như đến với một sự thử
thách để bộc lộ cái Tôi độc đáo tài hoa, thể hiện cảm hứng mãnh liệt trước cái
đẹp, cái khác thường phi thường thì HP đến với sông Hương như một sự tương
giao linh diệu của một tâm hồn Huế, gắn bó tha thiết với dòng sông với xứ Huế,
với chiều sâu văn hoá của đất quê hương. Nguyễn Tuân là phù thuỷ ngôn từ, câu
chữ co duỗi nhịp nhàng, giàu giá trị tạo hình, dựng cảnh tả người đặc sắc. HPNT
giàu liên tưởng, tưởng tượng, lối văn đậm chất thơ, thiên về thể hiện cảm xúc suy
ngẫm mang chiều sâu văn hoá.
Đ ề 2: Lập dàn ý chi tiết cho đề văn sau ( chọn viết một luận điểm thành đoạn
văn cảm thụ trong thế đối sánh)
"Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi
những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng
trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì
đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa". (Đời thừa -
Nam Cao)
"Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu
Trùng Đài!". (Vũ Như Tô – N HT)
Nỗi day dứt của Hộ và tiếng kêu đau đớn tuyệt vọng của Vũ Như Tô gợi cho
anh (chị) suy nghĩ gì về tấn bi kịch của người nghệ sỹ trong xã hội cũ? Những vấn
đề nào đã được đặt ra qua tấn bi kịch của họ?
Đáp án:
I. Giới thiệu khái quát vấn đề : Kịch Vũ Như Tô được viết năm 1941. Truyện
ngắn Đời thừa được Nam Cao sáng tác năm 1943. Mặc dù khai thác hai đề tài khác
nhau, viết bằng hai thể loại khác nhau, nhưng tư tưởng của họ đã gặp nhau ở nhiều
điểm: mối quan tâm đến số phận của người nghệ sỹ tài năng; những suy tư về mối
quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời; vấn đề phẩm chất của người nghệ sỹ Tất cả
đều được thể hiện qua tấn bi kịch của hai nhân vật: Vũ Như Tô và Hộ.
II. Triển khai vấn đề:
1. Phân tích tấn bi kịch của hai nhân vật:
1.1. Giống nhau:
a. Nhân vật là người trí thức- nghệ sĩ chân chính:
* Mặc dù sống ở hai thời đại cách xa nhau, song cả hai đều là nghệ sỹ: VNT là một
kiến trúc sư, còn Hộ là một nhà văn.
* Phẩm chất:
- Trong tư cách người nghệ sỹ: ở họ đều cháy bỏng một niềm đam mê nghệ thuật,
khát khao sáng tạo và cống hiến cho đời bằng tài năng của mình.
+ Vũ Như Tô: khao khát điểm tô đất nước, đem hết tài ra xây cho đất nước một tòa
đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công, dân
ta nghìn thu còn hãnh diện. Trong lớp kịch thứ 8, VNT bộc lộ khát vọng nghệ
thuật của mình: Không, ta chỉ có bồng lai xuất hiện.
+ Hộ: ấp ủ một hoài bão: viết được một tác phẩm làm mờ hết những tác phẩm
cùng ra một thời, sẽ ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu.
- Trong tư cách một con người: họ đều là những nhân cách đáng trọng:
+ Vũ Như Tô: có phẩm chất của một đấng trượng phu, nhân cách cứng cỏi, thái độ
coi thường danh lợi.
+ Hộ: một người giàu lòng nhân ái, vị tha, coi tình thương là lẽ sống ở đời, tôn thờ
lẽ sống tình thương.
b. Số phận bi kịch:
Qua tiếng kêu đau đớn của Vũ Như Tô Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? và nỗi
day dứt của Hộ Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô
ích, một người thừa. Người đọc có thể nhận ra: Họ đều lâm vào bi kịch đổ vỡ lý
tưởng, vỡ mộng đau đớn, bi kịch phải sống một cuộc đời thừa.
Nguyên nhân dẫn đến tấn bi kịch của hai nhân vật: đều dựa trên mâu thuẫn giữa:
+ Niềm khát khao sáng tạo, khát khao khẳng định tài năng, khẳng định ý nghĩa sự
tồn tại của cá nhân
+ Hoàn cảnh, điều kiện sống không cho phép họ thực hiện khát vọng của mình.
Tức là giữa Mộng lớn – Thực tế. Thực đè nát mộng.
Diễn biến và kết cục: cả hai đều bế tắc, tuyệt vọng. Hộ đau đớn, khóc nức lên trong
giây phút tỉnh ngộ, hối hận. VNT thốt lên tiếng kêu đau đớn, chấp nhận ra pháp
trương, chết theo công trình NT của mình.
c. Thái độ của nhà văn:
- Cảm thông với số phận của người nghệ sĩ trong cuộc đời cũ.
- Đồng cảm với ước mơ, khát vọng sáng tạo của họ.
- Lên tiếng đòi quyền được sống, được sáng tạo cho người nghệ sĩ, tố cáo XH ngột
ngạt, bóp nghẹt sự sống con người,
1.2. Khác nhau:
a. Tính chất bi kịch khác nhau.
* Bi kịch của Hộ (xem lại KTCB)
- Trước khi gặp Từ, Hộ chưa có bi kịch vì lúc ấy Hộ chỉ có một mình “Đói rét
không có nghĩa lí gì đối với gã trẻ tuổi say mê lí tưởng”.
- Mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh từ khi Hộ ghép cuộc đời mình vào cuộc đời Từ, bởi
từ đó Họ có cả một gia đình để chăm lo. Để làm tròn bổn phận một người chồng,
một người cha, Hộ phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những
bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc Cuộc sống cơm áo không cho
phép Hộ đầu tư công sức vào nghệ thuật. Hộ phải “viết để sống”, lấy văn chương
làm kế mưu sinh. Cách viết đó không đáp ứng, thậm chí đi ngược lại yêu cầu của
nghệ thuật chân chính “Văn chương không cần… chưa có”. Ý thức được điều đó,
Hộ vô cùng đau khổ “Chao ôi! Hắn đã viết những gì? một người thừa”. Hắn xỉ
vả mình, dằn vặt mình, phỉ nhổ mình đau đớn. Hộ tha hóa. Hộ trượt dài trên dốc
suy thoái nhân cách.
- Bi kịch của Hộ là bi kịch tiếp nối và nhân đôi, bi kịch hai trong một. Bởi nó kéo
theo bi kịch thứ hai: bi bịch tình thương của một con người: chà đạp lên chính đạo
lí mà mình đã tôn thờ. Hộ đau đớn.
Tóm lại bi kịch của Hộ là bi kịch của nhà văn vì gánh nặng cơm áo. Bi kịch sống
thừa, sống mòn, chết mòn vì miếng cơm manh áo. Đây là điều NC day đứt đau
đớn, qua nhiều sáng tác.
* Bi kịch của VNT (xem lại KTCB)
- Mâu thuẫn dẫn đến bi kịch: đó là mâu thuẫn giữa niềm khát khao sáng tạo, quan
niệm nghệ thuật cao siêu thuần tuý với lợi ích trực tiếp, thiết thực của đời sống
nhân dân (mâu thuẫn thứ hai của vở kịch).
- Sự hình thành mâu thuẫn: Mâu thuẫn nảy sinh từ khi Vũ Như Tô nghe theo lời
khuyên của Đan Thiềm, quyết định xây Cửu Trùng Đài.(Lí do: sưu thuế tăng, thợ
giỏi bị bắt bớ, người bị tai nạn, bị chết nhiều vô kể…).
- Diễn biến của mâu thuẫn: Mâu thuẫn được phát triển qua các hồi các lớp kịch
Ở những hồi trước: VNT say mê với công trình NT, không nhận ra Đài cửu trùng
xây trên xương máu của ND. Nảy sinh thêm những mâu thuẫn nhỏ: giữa VNT –
thợ cả; VNT – người thợ xây đài. VNT bị đá đè, thợ bị chết hàng loạt, bỏ trốn,
VNT sai bắt, đánh đập. Họ nguyền rủa, oán thán VNT, VNT vẫn không tỉnh ngộ.
Hồi cuối: 9 lớp kịch:
+ Năm lớp kịch đầu: mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô, thợ thuyền và nhân dân chưa bị
đặt vào thế đối đầu trực tiếp. Nó chỉ mới thể hiện gián tiếp qua lời của các nhân vật
trung gian: Đan Thiềm, bọn nội giám…
+ Đan Thiềm nhắc lại những lời oán thán của nhân dân “Vua xa xỉ là vì ông, công
khố hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán giận là vì ông, thần
dân trách móc là vì ông…”. VNT không tin.
+ Lời kết tội của bọn nội giám: việc sinh ra quân phản loạn trong triều cũng là vì
Vũ Như Tô. VNT không tin. Vẫn cho là mình đúng.
+ Kịch tính được đẩy lên từ lớp kịch thứ 6 (khi quân khởi loạn kéo vào nơi Vũ Như
Tô làm việc, gươm giáo sáng loà). Và càng căng thẳng hơn ở lớp kịch 7,8 khi quân
khơỉ loạn xúc phạm Vũ Như Tô, Đan Thiềm, truy bắt lũ cung nữ, cuối cùng bắt
trói cả Đan Thiềm và Vũ Như Tô.
+ Mâu thuẫn được đẩy cao trào, đỉnh điểm ở lớp kịch thứ 9 với hai sự việc: Nhân
dân đốt phá Cửu Trùng Đài; Vũ Như Tô bị bắt và giải ra pháp trường.
Tóm lại bi kịch của VNT là bi kịch của người nghệ sĩ đam mê sáng tạo NT xa rời
lợi ích ND.
b. Kết cục của mỗi số phận, cách giải quyết bi kịch nhân vật
- Tấn bi kịch của Hộ tuy đau đớn, dai dẳng và thầm lặng, nhưng Hộ còn được sống
(sống thừa). Kết thúc TP Hộ bế tắc, hai vợ chồng khóc oán trách cuộc đời.
- Tấn bi kịch của Vũ Như Tô: đau đớn kiểu khác:
+ Không thực hiện yêu cầu của Lê Tương Dực -> bị giết, bị tru di cửu tộc (chết vào
tay Lê Tương Dực).
+Thực hiện yêu cầu của Lê Tương Dực->chết bởi tay quân khởi loạn và nhân dân
=> Đằng nào cũng bế tắc! Người nghệ sỹ thiên tài này rơi vào cảnh cùng đường
tuyệt lộ (chỉ có một con đường chết).
c. Thái độ của nhà văn trước tấn bi kịch của hai nhân vật:
- Nam Cao: thấy rõ nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Hộ là do xã hội thực dân
phong kiến. Qua tấn bi kịch của Hộ, Nam Cao cảm thông với người trí thức, lên án
xã hội thực dân phong kiến đã bóp chết ước mơ, tước đi ý nghĩa sự sống chân
chính của con người.
- Nguyễn Huy Tưởng: không giải thích được “Than ôi! Vũ Như Tô phải hay những
kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan
Thiềm!”. Nhưng trong lời đề tựa đã hàm thái độ: cảm thông với bi kịch người nghệ
sĩ có tài, xa rời lợi ích ND, không xác định được vị trí của mình, bị tiêu diệt. VNT
chết mà không nhận ra sai lầm của mình.
Cả ND và VNT đều có cái phải và không phải. Những kẻ giết Vũ Như Tô: Phải: ở
chỗ đã không đồng tình với việc xây Cửu Trùng Đài. Không phải; ở hành động phá
một công trình nghệ thuật to lớn; giết một nhân tài kiệt xuất. Còn Vũ Như Tô: Phải
ở hoài bão, ước mơ, khát vọng. Không phải: ở con đường thực hiện lý tưởng
(mượn uy quyền, tiền bạc của bạo chúa); ở lòng đam mê nghệ thuật một cách mù
quáng (thứ nghệ thuật Vũ Như Tô đam mê là thứ nghệ thuật cao siêu thuần tuý, nó
xa rời thậm chí đối lập với cuộc sống của nhân dân lúc bấy giờ). Đáng tiếc thay
cho số phận người nghệ sĩ dưới chế độ tàn bạo.
2. Những vấn đề đặt ra qua tấn bi kịch của hai nhân vật:
- Số phận của những nghệ sỹ tài năng trong xã hội cũ: xã hội ấy không có đất
dụng võ, đất sống cho những người tài. Đây có lẽ cũng là tâm sự sâu kín của hai
người nghệ sỹ Nguyễn Huy Tưởng và Nam Cao.
- Cần giải quyết đúng đắn mối quan hệ nghệ thuật – cuộc đời:
+ Đặt cuộc đời lên trên nghệ thuật->Người nghệ sỹ phải sống một cuộc sống thừa
+ Đặt nghệ thuật lên trên cuộc đời -> Người nghệ sỹ có thể sẽ đánh mất nhiều thứ
quý giá khác (nhân phẩm - Hộ, thậm chí phải chết như Vũ Như Tô).
- Vấn đề phẩm chất nghệ sỹ:
+ Chữ tài phải đi liền với chữ tâm (không thể nói Vũ Như Tô có một cái tâm và
một cái trí sáng suốt khi mượn uy quyền tiền bạc của bạo chúa để thoả mãn khát
vọng nghệ thuật của mình).
+ Cái đẹp phải đi liền với cái thiện thì mới là cái đẹp đáng được tôn thờ.
III. Kết luận: Cả hai tác phẩm đều rất xuất sắc
- Không chỉ đặt ra những vấn đề của đời sống mà còn rút ra những bài học có ý
nghĩa sâu sắc cho những người làm nghệ thuật; đều được viết bởi những ngòi bút
tài hoa, điêu luyện.
- Thể hiện sự thức tỉnh sâu sắc ý thức cá nhân của tầng lớp trí thức đương thời.
Đề v ề nhà :
Đề 1: Có ý kiến cho rằng, "Mời trầu" và "Tự tình", hai bài thơ, hai giọng điệu
khác nhau nhưng cùng một "chất" Xuân Hương. Hãy phân tích và làm sáng tỏ ý
kiến trên.
Đề 2: Phân tích đặc sắc riêng về cảm hứng đất nước ở bài thơ "Đất nước" của
Nguyễn Đình Thi và "Đất nước" (Chương VI -Trích Mặt đường khát vọng) của
Nguyễn Khoa Điềm.
Đề 3: Số phận con người là vấn đề muôn thuở của văn chương. Nhưng khám phá
số phận con người là điều mới mẻ riêng biệt- bộc lộ tài năng, tấm lòng và tư
tưởng của nhà văn. Qua sự cảm nhận sô phận con người trong hai tác phẩm : Vợ
nhặt của Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, hãy làm
sáng tỏ nhận định trên.
Trên đây là một số biện pháp rèn kĩ năng làm bài cảm thụ trong thế đối
sánh chúng tôi luyện tập cho học sinh lớp văn. Còn rất nhiều hạn chế, thiếu sót
mong được học tập và trao đổi cùng các bạn đồng nghiệp./.
Bắc Ninh, tháng 8 năm 2012.