Tải bản đầy đủ (.pdf) (80 trang)

Khóa luận tốt nghiệp Lịch sử - Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với vùng đất Quảng Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.61 MB, 80 trang )

Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Mỗi vùng đất đều có lịch sử và quá trình hình thành phát triển tương ứng mà
toàn bộ quá trình lịch sử ấy luôn gắn liền với công tạo lập xây đắp của con người.
Trong lịch sử nước ta đã có biết bao bậc tiền nhân gắn bó, cống hiến sức mình giúp cho
các vùng đất khởi sắc, phồn thịnh, yên bình và ấm no. Chính vì vậy Dương Văn An khi
viết lời tựa cho “Ô châu cận lục” đã khẳng định rằng: “Có trời đất này mới có núi sông
này và nhân vật này nếu không có núi sông thì lấy gì để thấy rõ công tạo lập của trời
đất. Nếu không có nhân vật thì lấy gì để thấy rõ khí hun đúc tốt đẹp của núi sông”
[1,tr.15]. Qua đó có thể thấy được mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết gắn bó tương hỗ với
nhau giữa con người và vùng đất.
Tên gọi Quảng Nam ra đời từ năm 1471 như một khát vọng của tiền nhân
vươn xa về vùng đất phương Nam hoang sơ nhưng giàu tiềm năng để tìm kế lâu bền
cho đất nước. Năm 1570, chúa Nguyễn Hoàng được cử làm trấn thủ Quảng Nam,
nhận thấy vị trí chiến lược của Quảng Nam là “đất yết hầu của miền Thuận Quảng”,
chúa Nguyễn Hoàng đã tiến hành các chính sách khai phá, di dân đến lập nghiệp để
mở mang bờ cõi. Từ mảnh đất “Ô châu ác địa” các thế hệ cha ông đã đổ không ít mồ
hôi và xương máu, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, cho đến hôm nay đất Quảng
Nam đã có bề dày lịch sử rạng ngời và trở thành một trong các tỉnh lớn tràn đầy tiềm
năng. Sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận - Quảng mở đầu cho dòng dõi 9
chúa Nguyễn cai trị xứ Đàng Trong, đánh dấu bước ngoặt lớn quan trọng trong lịch
sử Quảng Nam. Các đời chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng (1558-1613) đến Nguyễn
Phúc Nguyên (1613-1635), Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), Nguyễn Phúc Tần (1648-
1687), Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691), Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Nguyễn
Phúc Thụ (1725-1739), Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), Nguyễn Phúc Thuần
(1765-1777) kế tiếp nhau xây dựng, củng cố địa vị thống trị, bảo vệ, phát triển vùng
đất trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động nhạy cảm.
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….


Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 2

Nghiên cứu về các chúa Nguyễn lâu nay vẫn là một đề tài khá hấp dẫn. Đã có
nhiều công trình đề cập đến thời kỳ các chúa Nguyễn được công bố trên tất cả các
phương tiện thông tin đại chúng. Các nhà nghiên cứu đã khai thác khá nhiều khía
cạnh của 9 đời Chúa. Tuy nhiên, tài liệu về vị chúa đầu tiên - chúa Nguyễn Hoàng
khá là hạn chế và còn chung chung. Đặc biệt, vấn đề vai trò của chúa Nguyễn Hoàng
đối với Quảng Nam nói riêng xứ Đàng Trong nói chung còn khá ít học giả quan tâm
nghiên cứu nếu không muốn nói là bỏ ngỏ. Trong khi chúa Nguyễn Hoàng có vai trò
to lớn với xứ Đàng Trong, nhất là vùng Thuận - Quảng, là vị chúa đầu tiên có công
khai sáng, xây dựng nên xứ Đàng Trong vững mạnh và đặt nền móng cho sự phát
triển vương triều Nguyễn sau này.
Là sinh viên khoa Lịch sử tôi muốn tìm hiểu, làm sáng tỏ hơn vấn đề này nhằm
góp một phần nhỏ vào việc tái hiện lại bức tranh lịch sử dân tộc một cách sinh động,
cung cấp thêm tài liệu, mở rộng hiểu biết của mình về vai trò, đóng góp của chúa
Nguyễn Hoàng đối với vùng đất Quảng Nam đồng thời có thái độ công tâm trước
những đánh giá còn ít nhiều phiến diện về các chúa Nguyễn.
Hiện nay Đảng và Nhà nước ta đã và đang tích cực thực hiện chính sách xây
dựng vùng kinh tế mới ở vùng sâu, vùng xa và vùng hải đảo. Tuy nhiên, thực tế vấn
đề này gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt, đòi hỏi có chiến lược và kế hoạch cụ thể
làm thế nào để được đông đảo nhân dân tham gia, ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần,
làm thế nào để nhanh chóng ổn định cuộc sống, tạo dựng niềm tin, phát triển mọi
mặt Bên cạnh đó, đất và người Quảng Nam đang từng ngày được đẩy mạnh phát
triển, đổi mới, đã và đang gặt hái nhiều thành tựu trên nhiều mặt và ngày càng thể
hiện rõ vai trò của mình. Quá trình đó cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với việc nghiên
cứu và tìm hiểu về lịch sử và giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất. Vì vậy việc
nghiên cứu các chính sách, biện pháp mà chúa Nguyễn Hoàng đã từng áp dụng đối
với vùng đất Quảng Nam trong lịch sử có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc trong
công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay.
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….

Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 3

Xuất phát từ nhận thức đó cũng như muốn tiếp tục rèn luyện kỹ năng nghiên
cứu lịch sử, tôi đã chọn đề tài “Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với vùng đất
Quảng Nam (1570-1613)” làm đề tài khóa luận của mình.
2. Lịch sử vấn đề
Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với Quảng Nam là một trong nhiều đề tài
được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu. Tuy nhiên, cho đến
nay chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào. Các tác phẩm chỉ mới ở mức độ đề cập,
liệt kê chứ chưa thực sự đi sâu. Dưới đây tôi xin đề cập một số công trình có liên quan:
Cuốn “Đại Nam thực lục tiền biên” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn,
ghi chép về sự nghiệp của 9 chúa Nguyễn, bắt đầu từ Nguyễn Hoàng (Thái tổ Gia Dụ
hoàng đế) vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến hết đời Nguyễn Phúc Thuần (Duệ tông
Hiếu định hoàng đế), tức là đến năm Nguyễn Phúc Thuần mất (1777) đã có đề cập đến
tầm nhìn chiến lược của chúa Nguyễn Hoàng đối với Quảng Nam, là nguồn tài liệu quý
giá khi nghiên cứu đề tài này.
Cuốn “Việt sử xứ Đàng Trong 1558-1777 ” của tác giả Phan Khoang, xuất bản
năm 1970, hay còn gọi là “Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam” là một công trình
khảo sát khá toàn diện về cuộc Nam tiến của tiền nhân bắt đầu từ khi các chúa Nguyễn
trong công cuộc mở nước, khai hoang lập ấp ở miền Nam. Cuốn sách đề cập nhiều mặt
từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của xứ Thuận Hóa, xứ Quảng Nam, phủ Gia Định
trong thời kỳ các chúa Nguyễn làm chủ và mở mang đất đai từ nửa sau thế kỷ XVI đến
hết thế kỷ XVIII.
Hay cuốn “Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và
XVIII” của Li Tana, xuất bản năm 1999, cho thấy một cái nhìn tổng quát về tình hình
kinh tế, xã hội vùng Thuận Quảng từ thế kỷ XVII đến XVIII, trong đó có vài nét dưới
thời Nguyễn Hoàng.
Cuốn “Kỷ yếu hội thảo Tam Kỳ về vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam”, của
nhà Văn hóa thông tin Quảng Nam, xuất bản tháng 9/2002, đề cập đến một số vấn đề
về lịch sử, địa lý, văn hóa, con người Quảng Nam. Đặc biệt, cuốn sách tập trung làm rõ

Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 4

vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm trong việc phát triển xứ Đàng Trong nói riêng và
trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của cả dân tộc nói chung của các chúa Nguyễn.
Ngoài ra cuốn “Kỷ yếu hội thảo khoa học chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” của Hội khoa học Lịch sử Việt
Nam, xuất bản năm 2008, đã bàn nhiều vấn đề về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
dưới nhiều góc nhìn khác nhau, trong đó có đề cập đến chính sách kinh tế, quân sự, vấn
đề khai mở đất đai của chúa Nguyễn Hoàng, vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với
vùng Thuận - Quảng.
Các tài liệu nói trên đã nhắc đến phần nào vai trò của các chúa Nguyễn đối với
Đàng Trong nói chung và Quảng Nam nói riêng, nhưng tất cả chỉ mới đề cập đến chứ
chưa thực sự đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống. Tuy nhiên những tài liệu này hết
sức quan trọng và cần thiết để tôi kế thừa, vận dụng tích cực trong công trình khóa luận
của mình.
3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích
Chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này để làm rõ vai trò của Nguyễn Hoàng
với công cuộc khai hoang, quản lý, phát triển kinh tế, văn hóa và ổn định xã hội ở
Quảng Nam từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII (1570 -1613).
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu về lịch sử và tình hình vùng đất Quảng Nam từ 1570
đến 1613, những nét chính về cuộc đời chúa Nguyễn Hoàng gồm thân thế, sự nghiệp
và vai trò của ông đối với Quảng Nam qua những chủ trương, chính sách, biện pháp
mà ông tiến hành trên vùng đất này trong khoảng thời gian từ 1570 đến 1613.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu về các chúa Nguyễn là một vấn đề khá rộng lớn. Trong giới hạn của
đề tài này chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu vấn đề vai trò của chúa Nguyễn Hoàng
đối với Quảng Nam trong khoảng thời gian từ năm 1570 đến năm 1613. Với không

gian Quảng Nam tại thời điểm đó bao gồm 3 phủ, 9 huyện:

Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 5

l Thăng Hoa: gồm 3 huyện là Lê Giang, Hà Đông, Hy Giang
l Tư Nghĩa: gồm 3 huyện Bình Sơn, Mộ Hoa, Nghĩa Giang
l Hoài Nhơn: gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn
(3 phủ tương đương với Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ngày
nay). Ngoài ra, đề tài còn tập trung khảo sát bối cảnh chung của đất nước, của Quảng
Nam trước và sau khoảng thời gian 1570 - 1613 để thấy rõ hơn những chính sách của
chúa Nguyễn Hoàng và hiệu quả của nó đồng thời đề tài mở rộng ra sự ảnh hưởng đó
đến các chúa đời sau.
4. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu vấn đề này chúng tôi đứng trên quan điểm của chủ nghĩa Mác -
Lênin, quan điểm của Đảng Cộng Sản Việt Nam để xem xét sự kiện, hiện tượng. Hai
phương pháp chủ yếu được chúng tôi sử dụng chủ yếu trong quá trình nghiên cứu đề tài
này là phương pháp lôgic, phương pháp lịch sử. Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng một số
phương pháp khác như: pháp thống kê, phân tích, tổng hợp… Vận dụng các phương
pháp đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài theo 3 bước:
- Bước một: Tìm hiểu sưu tầm, tập hợp những tài liệu cần thiết cho quá trình
nghiên cứu đề tài. Tôi tìm kiếm và sử dụng những tài liệu có tại trường Đại học sư
phạm (ĐHĐN), thư viện Tổng hợp Đà Nẵng, thư viện Quân khu V, thư viện trường
Đại học sư phạm Huế, trường Đại học khoa học Huế, sở Văn hóa thông tin Quảng
Nam, Thư viện Hội An… Ngoài ra tôi còn tìm kiếm tư liệu qua thầy cô, bạn bè và
người thân.
- Bước hai: Sau khi có tài liệu tôi tiến hành phân tích tài liệu, thống kê các tài
liệu đã sưu tầm, tập hợp được.
- Bước ba: Tiến hành tổng hợp và nghiên cứu
5. Nguồn tài liệu

Để hoàn thành tài liệu này chúng tôi dựa vào nguồn tài liệu sách báo, tạp chí,
các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền ấn hành, đồng thời tham khảo các tài liệu
quan trọng thời phong kiến gồm cả chính sử cũng như dã sử của một số tác giả lớn
như: Ngô Sỹ Liên, Phan Huy Chú hay các tác phẩm của Quốc sử quán, Nội các triều
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 6

Nguyễn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham khảo một số công trình của các tác giả được
công bố trong thời gian gần đây như Li Tana, Phan Khoang, Nguyễn Q. Thắng, Keith
Taylor, Thành Thế Vỹ, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Hữu Châu Phan, Huỳnh Công Bá…
6. Đóng góp của đề tài
Đây là một đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực lịch sử cơ bản. Nghiên cứu đề tài
này góp phần làm rõ về chúa Nguyễn Hoàng, công lao của Chúa đối với Quảng Nam
nói riêng cả nước nói chung. Đồng thời hình thành nên một quan điểm khách quan,
toàn diện khi đánh giá về nhân vật lịch sử này.
Qua việc tìm hiểu vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với Quảng Nam có thể rút
ra những bài học kinh nghiệm bổ ích, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, đối với Quảng Nam,
đặc biệt là đối với chính sách di dân thành lập vùng kinh tế mới trong cả nước giai
đoạn hiện nay.
7. Cấu trúc đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo thì nội dung khóa
luận gồm có 2 chương:
Chương 1. Vài nét về chúa Nguyễn Hoàng và tình hình Quảng Nam trước năm
1570
Chương 2. Vai trò, đóng góp của chúa Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Nam
(1570 - 1613)
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng)
7


NỘI DUNG
Chương 1. VÀI NÉT VỀ CHÚA NGUYỄN HOÀNG VÀ TÌNH HÌNH
QUẢNG NAM TRƯỚC NĂM 1570
1.1. Bối cảnh lịch sử Đại Việt trong các thế kỷ XVI-XVII
Trong các thế kỷ XVI - XVII, nhà nước phong kiến Đại Việt có nhiều biến
chuyển sâu sắc tác động mạnh và làm lay chuyển lịch sử suốt cả những thế kỷ sau.
Ngay từ cuối thế kỷ XV, trong khi nhiều quốc gia - dân tộc ở châu Âu đang dần chuyển
sang chủ nghĩa tư bản, thì ở Đại Việt chế độ phong kiến với tư tưởng Nho giáo vẫn tồn
tại dai dẳng, bộc lộ sự lạc hậu, bắt đầu suy yếu rồi bị chìm đắm trong nội chiến và chia
cắt. Triều Lê sơ sau một thế kỷ phát triển thịnh đạt đã bắt đầu bước vào thời kỳ suy
sụp, khủng hoảng: mô hình tổ chức nhà nước cũng như các chính sách của các vua sau
Lê Thánh Tông dần bộc lộ những hạn chế và mâu thuẫn, hệ thống quan lại vốn là công
cụ quản lý nhà nước sắc bén dần dần trở thành bộ máy quan liêu cồng kềnh, “ỷ vào
phép nước là thói tệ của bọn quan lại…trước đây, lựa chọn không công bằng, bọn lại
quá nhiều rất nhũng tạp” [44,tr.15]. Sang đầu thế kỷ XVI, tình hình chính trị xã hội
nước Đại Việt lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, nhất là vào thời vua Lê Uy
Mục và Lê Tương Dực. Vua quan ăn chơi sa đọa không quan tâm đến triều chính do đó
tình hình triều chính hết sức rối ren, phức tạp. Chỉ trong vòng hơn 20 năm cuối cùng
của triều hậu Lê (từ 1504 - 1527), đã có 4 vị vua được lập lên rồi lại bị phế bỏ: vua Lê
Uy Mục (1504-1508), Lê Tương Dực (1509-1515), Lê Chiêu Tông (1516-1521), và
Lê Cung Hoàng (1522-1526). Trong hoàn cảnh đó, địa chủ ra sức chiếm đoạt ruộng
đất nông dân, nền kinh tế bị suy sụp nhanh chóng, thiên tai, dịch bệnh, loạn lạc, giặc dã
nổi lên khắp nơi khiến cho đời sống nhân dân hết sức cực khổ. Xã hội mâu thuẫn gay
gắt, tất yếu bùng nổ phong trào đấu tranh của nhân dân rầm rộ ở nhiều nơi tiêu biểu
như khởi nghĩa Thân Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng (Bắc Ninh), Trần Tuân (Hà Tây).
Nhân cơ hội đó, các thế lực phong kiến nổi dậy tranh chấp quyền lực như
Nguyễn Nghiêm, Trần Công Ninh, Phùng Chương, Trần Cao… Trong số này mạnh
nhất là thế lực của Mạc Đăng Dung. Năm 1527, sau khi nắm trọn quyền hành trong
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 8


tay, Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê lập ra nhà Mạc. Thiết lập vương triều trong một
bối cảnh chính trị không mấy thuận lợi, nhà Mạc phải tập trung củng cố chính quyền,
kỷ cương đất nước vốn đã rệu rã bằng việc thực thi nhiều chính sách tiến bộ, góp phần
ổn định đất nước như tổ chức lại bộ máy quan lại, tổ chức xây dựng chính quyền, thi cử
đều đặn, xây dựng quân đội, giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân. Tuy nhiên, nhà
Mạc chỉ ổn định trong một thời gian ngắn, sau đó dần dần lâm vào tình thế rất khó
khăn và bị cô lập do luôn phải đối mặt với sự chống đối ở khắp nơi của cựu thần nhà
Lê còn rất mạnh và bị nhân dân phản đối bởi chính sách ngoại giao lúng túng (cắt đất
thần phục nhà Minh). Lực lượng cựu thần nhà Lê lúc này lớn mạnh nổi bật lên là lực
lượng do Nguyễn Kim tập hợp. Ông đã quy tụ đông đảo lực lượng để “phù Lê diệt
Mạc”. Năm 1533, Nguyễn Kim tôn Lê Duy Ninh lên làm vua lập lại triều Lê. Năm
1539, nhà Lê chiếm được gần như toàn bộ vùng Thanh Hóa vào Nghệ An đến năm
1543 chiếm thêm được Tây Đô. Về danh nghĩa, triều Lê được phục hồi nhưng ngay từ
những ngày đầu người nắm thực quyền là Nguyễn Kim. Năm 1545, khi Nguyễn Kim bị
sát hại, con rể là Trịnh Kiểm lên thay, từ đây họ Trịnh kế tục nhau chi phối triều Lê,
mở đầu thời kỳ “vua Lê - chúa Trịnh”. Trịnh Kiểm thiết lập chính quyền triều Lê
Trung Hưng ở Thanh Hóa như một triều đình thực sự được gọi là Nam triều, đối đầu
với nhà Mạc đóng đô ở Thăng Long là Bắc triều. Nội chiến Nam - Bắc triều diễn ra từ
1545-1592 với kết quả nhà Mạc bị lật đổ. Cục diện Nam - Bắc triều về cơ bản chấm
dứt, họ Trịnh xưng vương và xây dựng vương phủ bên cạnh triều đình nhà Lê. Từ đó
hình thành cục diện một chế độ với hai chính quyền nương tựa vào nhau, vua Lê đã
mất hết quyền lực nhưng còn có hào quang của quá khứ giờ đây chỉ tồn tại trên danh
nghĩa còn mọi quyền hành trong nước đều do chúa Trịnh toàn quyền quyết định.
Ngay khi cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều chưa chấm dứt thì trong nội bộ Nam
triều đã nảy sinh mầm mống chia rẽ. Sau khi Nguyễn Kim mất, mọi binh quyền được
trao cho con rể là Trịnh Kiểm. Trước cái chết bí ẩn và đầy nghi hoặc của người anh trai
Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng đã khôn khéo tìm cách để được vào Nam trấn thủ xứ
Thuận Hóa. Năm 1558, Nguyễn Hoàng nhận chức trấn thủ Thuận Hoá. Năm 1570
được kiêm trấn thủ Quảng Nam. Sự kiện này không chỉ là một bước ngoặt trong cuộc

đời của chúa Nguyễn Hoàng, của dòng họ Nguyễn mà còn mở ra một bước ngoặt vĩ đại
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 9

đối với lịch sử Việt Nam nói chung và với vùng đất Quảng Nam nói riêng. Có trong tay
quyền cai quản hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, chúa Nguyễn Hoàng vẫn tiếp tục giữ
vẻ bề ngoài hòa hiếu với chính quyền Lê - Trịnh, góp sức với Nam triều trong cuộc
chiến tranh chống nhà Mạc, nhưng vẫn hết sức chú trọng phát triển kinh tế, tăng cường
tiềm lực về mọi mặt. Khi cục diện Nam - Bắc triều kết thúc cũng là lúc mâu thuẫn giữa
hai tập đoàn Trịnh - Nguyễn đến giai đoạn không thể dung hòa. Đến năm 1627, chiến
tranh Trịnh - Nguyễn bùng nổ. Cuộc chiến Trịnh - Nguyễn thực sự diễn ra từ năm 1627
nhưng đó là chỉ tính về mặt quân sự nếu tính cả trên mặt trận ngoại giao, xung đột giữa
hai bên đã nổ ra từ nhiều năm trước. Kết cục sau bảy lần giao chiến không phân thắng
bại, năm 1672 hai bên giảng hòa và lấy sông Gianh làm giới tuyến chia đất nước làm
hai Đàng: Đàng Ngoài từ sông Gianh trở ra Bắc (vua Lê - chúa Trịnh) và Đàng Trong
từ sông Gianh trở vào (chúa Nguyễn).
Như vậy, từ thế kỷ XVI – XVII, nhà nước phong kiến Đại Việt có nhiều biến
đổi quan trọng và nhạy cảm, đất nước chìm đắm trong chia cắt, tình hình chính trị khá
rối ren phức tạp: hết cuộc chiến giữa tập đoàn phong kiến Lê, Trịnh - Mạc cho đến
cuộc đối đầu triền miên giữa dòng họ Trịnh - Nguyễn. Cuối thế kỷ XVII, cục diện
Đàng Trong, Đàng Ngoài chính thức hình thành và kéo dài mãi từ đó đến gần hai thế
kỷ sau. Bối cảnh lịch sử đầy phức tạp của giai đoạn này đã để lại cho lịch sử dân tộc
những hệ quả lớn lao nhưng cũng lắm hậu quả nặng nề.
1.2. Vài nét về chúa Nguyễn Hoàng
1.2.1. Thân thế
Nguyễn Hoàng sinh ngày 13 tháng 8 năm 1525, là con trai thứ hai của Nguyễn
Kim và bà Nguyễn Thị Mai. Ông là người Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung,
trấn Thanh Hoá. Tổ tiên họ Nguyễn được biết đến là một danh gia vọng tộc ở Thanh
Hoá vừa có nhiều công lao vừa có uy tín lớn. Đức Định Quốc Công huý là Nguyễn Bặc
(924 - 979) được xem là thuỷ tổ của dòng họ Nguyễn. Ông là bạn chí thân từ thuở hàn

vi và là cận thần của Đinh Bộ Lĩnh tức Đinh Tiên Hoàng (trị vì từ 968 - 979). Khi Đinh
Tiên Hoàng lên ngôi vua, Nguyễn Bặc (một số tài liệu khác ghi là Nguyễn Bậc) được
phong Định Quốc Công, đứng đầu các công thần. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn,
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 10

dưới sự lãnh đạo của anh hùng Lê Lợi có nhiều anh hùng hào kiệt nhất tề hưởng ứng,
trong đó đóng góp của dòng họ Nguyễn ở Tống Sơn không phải là nhỏ, tiêu biểu như
công thần Nguyễn Công Duẩn. Ông theo Lê Lợi đánh giặc và lập được nhiều công lớn,
khi Lê Lợi lên ngôi thì ông được làm quan đến chức Bổng thần vệ tướng quân Gia
Định hầu, từng được tặng tước Thái bảo Hoằng quốc công. Con trai ông là Nguyễn
Đức Trung, làm quan đến chức Điện tiền chỉ huy sứ dưới thời vua Lê Nhân Tông, chức
Đô Đốc Trình quốc công dưới thời vua Lê Thánh Tông. Con gái của ông là Nguyễn
Thị Hằng kết duyên cùng vua Lê Thánh Tông sinh hạ được Thái tử sau này là vua Lê
Hiển Tông.“Vì lý do này mà dòng họ Nguyễn ngày càng được hậu đãi, trở thành một
dòng họ danh giá ở Thăng Long với hơn 200 người làm quan” [37, tr.104]. Đến đời
vua Lê Uy Mục, con của Nguyễn Đức Trung là Nguyễn Văn Lãng giữ chức Thủy quân
vệ chỉ huy sứ, đời vua Lê Tương Dực được giữ đến chức Thái úy Nghĩa quốc công
bình chương quân quốc trọng sự. Con trai của ông là Nguyễn Hoằng Dụ (ông nội của
chúa Nguyễn Hoàng), dưới thời Lê Tương Dực làm quan đến chức Đô đốc An Hòa
hầu. Con trai trưởng của Nguyễn Hoằng Dụ là Nguyễn Kim - người tài giỏi phi
thường, dưới triều Lê sơ giữ chức Hữu vệ Điện tiền tướng quân tước An Thành hầu.
Khi Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê, ông đã đi khắp miền Thanh - Nghệ, sang Ai Lao
để chiêu tập hào kiệt, cố gắng khôi phục nhà Lê. Ông tìm được Lê Duy Ninh và tôn lên
làm vua, đánh đuổi nhà Mạc để đưa vua Lê về Thăng Long, mở ra thời kỳ Lê Trung
Hưng. Nguyễn Kim từng được phong Thượng phu Thái sư Hùng Quốc công chưởng
nội ngoại sự. Sự nghiệp Trung Hưng nhà Lê do tay Nguyễn Kim tạo dựng buổi đầu
đang đà lớn mạnh thì năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp
Nhất đầu độc chết. Quyền hành từ đó rơi vào tay Trịnh Kiểm, con rể của Nguyễn Kim.
Nguyễn Kim có hai con trai và một con gái. Con trai cả là Nguyễn Uông, con trai thứ

là Nguyễn Hoàng và con gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo.
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 11

BẢNG PHỔ HỆ NGUYỄN TỘC


(Nguồn dẫn theo: 24,tr.12)


Họ và tên Chức vụ
Nguyễn Đức
Trung

Dưới triều vua Tước
Điện tiền chỉ
huy s


Bổng thần vệ
t
ướ
ng quân

Nguyễn Thị
Ngọc Bảo
Nguyễn Kim
Nguyễn Hoằng
Dụ


Nguyễn Văn
Lãng
Đô đốc Lê Tương Dực
Nghĩa Huân
Vương
Lê Uy Mục
Lê Tương Dực
Lê Nhân Tông

Thá
nh Tông

Trình quốc
công

Lê Thái Tổ Gia Định hầu
Thái úy nghĩa
quốc công bình
chương quân
quốc trọng sự
An Hòa hầu
Thái tể đô
tướng tiết chế
thủy bộ chủ
dinhdinh
Lê Tương Dực
Lê Chiêu Tông

An Thành hầu
Nguyễn Hoàng

(Hạ Khê hầu)
Nguyễn Uông
(Lãng Xuyên hầu)
Nguyễn Công
Du
ẩn

Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 12

Khi Nguyễn Kim sang Ai Lao thì Nguyễn Hoàng mới lên 2 tuổi, ông được Thái
phó Nguyễn Ư Dĩ là cậu ruột nuôi dạy nên người. Lớn lên Nguyễn Hoàng làm quan
cho triều Lê tước phong đến Hạ Khê hầu từng đem quân đánh Mạc Phúc Hải, lập được
công lớn được nhà Lê phong cho chức Thái úy Đoan quận công. Theo quy định của
nhà Lê thì các Quốc công lấy tên một phủ, các quận công lấy tên một huyện nhưng chỉ
dùng một chữ đầu. Ví dụ như phủ Tuyên Quang tạo nên tước Tuyên Quốc công, huyện
Sùng An tạo nên tước Sùng quận công. Riêng tước hầu và tước bá lấy tên một làng và
dùng cả hai chữ ví dụ làng Nam Xương tạo nên tước Nam Xương hầu. Chiếu theo quy
định đó để hiểu thêm về chức tước của Nguyễn Hoàng như trên [50,tr.14]. Vào thế kỷ
XVI dòng họ Nguyễn lót thêm chữ “Phúc”, từ đó có dòng họ Nguyễn Phúc.
Như vậy, dòng họ Nguyễn từ bao đời có rất nhiều người tài giỏi, từng giữ nhiều
chức tước quan trọng, có uy tín và có nhiều công lao đối với triều đình. Nguyễn Hoàng
cũng là người con xuất chúng tiêu biểu của dòng họ Nguyễn ngay từ sớm đã bộc lộ là
người văn võ song toàn nhất là trong điều kiện đất nước có nhiều biến động càng tạo
điều kiện cho ông thể hiện bản lĩnh phi thường. Thân thế không chỉ giúp ông có động
lực, điều kiện để thể hiện bản lĩnh mà còn giúp ông có tiếng nói, uy tín vững chắc đối
với mọi người. Nguyễn Hoàng được biết đến là vị chúa đầu tiên có công mở cõi xứ
Đàng Trong trù phú, là người có công đặt nền móng vững chắc đầu tiên để các vị chúa
sau tiếp nối xây dựng cơ nghiệp ở miền “Ô châu ác địa”.
1.2.2. Sự nghiệp

Nguyễn Hoàng từ nhỏ được Thái phó Nguyễn Ư Dĩ hết lòng nuôi dưỡng, đặt
nhiều kỳ vọng vào người cháu có “tướng vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rộng, thần
thái khôi ngô, thông minh tài trí, người thức giả đều biết là bậc phi thường” [51,tr.27].
Nguyễn Hoàng cùng với Nguyễn Uông đều làm tướng lập được nhiều công lớn.
Nguyễn Uông được phong là Lang quận công còn Nguyễn Hoàng được phong là Thái
úy Đoan quận công. Năm 1545 Nguyễn Kim mất, lúc này Nguyễn Hoàng 21 tuổi. Toàn
bộ binh quyền của Nam triều rơi vào tay Trịnh Kiểm (con rể Nguyễn Kim). Để thâu
tóm mọi quyền lực, Trịnh Kiểm tìm mọi cách loại bỏ ảnh hưởng của họ Nguyễn. Mâu
thuẫn giữa hai thế lực đạt đến độ gay gắt khi Tả tướng Nguyễn Uông bị giết hại (về
điều này sử sách không ghi chép cụ thể nhưng trong một số tài liệu đều cho rằng
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 13

Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm lập mưu giết hại). Nguyễn Hoàng lo sợ Trịnh Kiểm giết
luôn cả mình, lúc đầu chưa biết làm gì nên nghe mưu của cậu là Nguyễn Ư Dĩ cáo bệnh
giữ mình, sau đó theo lời gợi ý của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Hoành sơn nhất
đái, vạn đại dung thân" (nghĩa là một dãy Hoành Sơn kia có thể yên thân được muôn
đời). Nguyễn Hoàng đã nhờ chị gái là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin cho được vào
trấn thủ đất Thuận Hóa.
Nhận thấy đất Thuận Hóa hiểm trở, xa xôi, khí hậu khắc nghiệt, tình hình chưa
ổn, lòng dân chưa quy phục hẳn, đây lại là mặt Nam, nơi mà quân Mạc đang đóng quân
nung nấu âm mưu dùng thuyền vượt đánh sau lưng chính quyền Nam triều. Cho
Nguyễn Hoàng ra đi sẽ trừ một mối hại lớn đồng thời sẽ giúp mình ăn ngon ngủ yên
hơn nên Trịnh Kiểm đồng ý và dâng biểu tâu vua Lê rằng “Thuận Hóa là nơi có hình
thế đẹp. Để làm nên sự nghiệp lớn, bản triều khi mới khai quốc, phải nhờ vào sự đóng
góp của quân lính và tiền tài của Thuận Hóa. Có điều là Thuận Hóa đã bị giặc Mạc
chiếm cứ đã lâu, lòng người hãy còn phản trắc: Phần nhiều vượt biển đi theo Mạc,
hoặc nhân dịp đưa giặc đến quấy ở phía sau lưng chúng ta. Đó là điều rất đáng lo
ngại. Vậy không được tay lương tướng vào đấy vỗ về thì không xong. Đoan Quốc Công
(tức Nguyễn Hoàng) là con nhà tướng, có tài năng và mưu lược nên nay ra lệnh cho y

vào trấn áp đất ấy, gây thế ỷ dốc với Trấn Quận Công Bùi Tá Hán ở Quảng Nam, ngõ
hầu không có cái lo phải đoái hoài đến miền Nam” [48,tr.81]. Vua Lê nghe theo và
trao quyền cho Nguyễn Hoàng làm trấn thủ Thuận Hoá, toàn quyền xử lý mọi việc,
hằng năm phải nộp cống và phú thuế.
Năm 1558, khi tròn 34 tuổi, Nguyễn Hoàng đem người nhà và quân bản hộ vào
Thuận Hóa. Cùng đi còn có nhiều đồng hương Tống Sơn và nghĩa dũng Thanh Hoá.
Thuở đầu, Nguyễn Hoàng dựng dinh trại ở xã Ái Tử, huyện Đăng Xương (Triệu
Phong, Quảng Trị). Sau hơn 10 năm làm Trấn thủ Thuận Hóa, năm 1570, Nguyễn
Hoàng được tin cậy giao cho kiêm lãnh trấn thủ cả xứ Quảng Nam. Khoảng 40 năm
đầu vào vùng đất mới, Nguyễn Hoàng chú trọng khai hoang lập ấp, phát triển kinh tế,
gây nuôi lực lượng, tính kế lâu dài, bên ngoài vẫn giữ quan hệ bình thường và hoàn
thành tốt nghĩa vụ đối với vua Lê chúa Trịnh ngoài Bắc. Công cuộc khẩn hoang và
chính sự rộng rãi của Nguyễn Hoàng đã đem lại hiệu quả rõ rệt về mọi mặt, vừa yên
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 14

dân, vừa ổn định tình hình. Miền đất Thuận Quảng dưới bàn tay của Nguyễn Hoàng
được khơi dậy mọi tiềm năng, nơi “lòng người hãy còn phản trắc”đã được vỗ về, thu
phục. Tháng 2 năm 1573, vua Lê sắc phong Nguyễn Hoàng là Thái phó, đồng thời yêu
cầu cần tích trữ thóc lúa ở biên giới, hàng năm nộp thuế 400 cân bằng bạc, 500 tấn lụa.
Thời gian này, vua Lê hằng năm phải đem quân đánh Mạc, quân dụng thiếu thốn, đất
Thuận - Quảng lại "liền mấy năm được mùa, trăm họ giàu thịnh", Nguyễn Hoàng
không ngần ngại đem tiền thóc ra giúp vua Lê. Tháng 5 năm 1593, biết Lê - Trịnh đã
đánh tan quân Mạc, lấy lại được Đông Đô, Nguyễn Hoàng liền đem quân ra yết kiến
chúc mừng vua Lê. Chúa Nguyễn Hoàng được vua Lê khen ngợi công lao trấn thủ đất
phía Nam, tấn phong ông làm Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự thái uý
Đoan Quốc công. Chúa Nguyễn Hoàng từng phải lui lại ở miền Bắc với nhà Lê đến 7
năm, nhiều lần đem quân đánh dẹp nhà Mạc ở Thái Bình và Hải Dương, lập được công
lớn. Người con trai thứ hai của Nguyễn Hoàng tên là Hán được vua phong tả đô đốc Lỵ
quận công, lúc theo Nguyễn Hoàng đánh Mạc ở Sơn Nam bị tử trận. Thời gian ở lại

Bắc, Nguyễn Hoàng đã nhiều lần theo hầu vua Lê lên hội khám với nhà Minh ở Trấn
Nam quan để nhận sắc phong cho vua Lê. Năm 1599, vua Lê mất, con thứ là Duy Tân
lên ngôi, Nguyễn Hoàng được phong Hữu tướng. Năm 1600, viện cớ đem quân dẹp các
tướng nội loạn: Phạm Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê ở Nam Định, chúa
Nguyễn Hoàng cùng bản bộ ra biển dong thẳng vào Thuận Hoá, để con trai thứ 5 là Hải
và cháu là Hắc ở lại làm con tin. Sau đó, vua Lê sai sứ giả vào phủ dụ, vẫn để Nguyễn
Hoàng trấn thủ đất Thuận Quảng, hàng năm nộp thuế má đầy đủ. Chúa Trịnh Tùng
cũng gửi thư kèm theo khuyên giữ tốt việc thuế cống. Tuy nhiên, từ khi Nguyễn Hoàng
gả con gái Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (10/1600) thì từ đó Nguyễn Hoàng không ra
Đông Đô nữa mà Trịnh Tùng cũng chẳng dám động chạm đến việc ấy nữa.
Có thể nói từ năm 1600, chúa Nguyễn Hoàng đẩy mạnh việc xây dựng một
giang sơn riêng cho họ Nguyễn ở Thuận - Quảng, ráo riết xây dựng một vùng đất mới
có đầy đủ mọi mặt về tổ chức hành chính, chính sách kinh tế - văn hóa, mở rộng đất đai
xuống phía Nam. Trong suốt 56 năm làm chúa, Nguyễn Hoàng đã rất thành công với
việc thu phục nhân tâm, thu hút nhân tài, chính sự khoan dung hòa nhã, trong ngoài
đều được yên ổn. Năm 1613, chúa Nguyễn Hoàng mất, thọ 89 tuổi, trấn thủ Thuận -
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 15

Quảng được 56 năm (1558 - 1613) riêng Quảng Nam được 43 năm (1570 -1613). Lúc
đầu chúa được an táng ở núi Thạch Hãn (Quảng Trị), sau cải táng ở núi La Khê (nay là
Thừa Thiên Huế), sau này lăng chúa được gọi là Trường Cơ, mang miếu hiệu Thái Tổ.
Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát được truy tôn là Gia Dụ Thái Vương. Sau này triều
Nguyễn truy tôn là Thái tổ Gia dụ hoàng đế. Chúa Nguyễn Hoàng có 10 người con trai
là Nguyễn Hà, Nguyễn Hán, Nguyễn Thành, Nguyễn Diễn, Nguyễn Hải, Nguyễn Phúc
Nguyên, Nguyễn Phúc Hiệp, Nguyễn Phúc Trạch, Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Phúc
Khê và 2 con gái là Nguyễn Phúc Ngọc Tiên và Nguyễn Phúc Ngọc Tú.
Tóm lại, lịch sử cho thấy rằng có những bước chân đi đến miền đất hứa không
chỉ thay đổi số mệnh bản thân, dòng họ mà còn làm lay chuyển cả vận mệnh dân tộc.
Đôi khi một thay đổi, một quyết định tưởng như chỉ là lối thoát cho riêng số mệnh đã

tạo nên bước đột phá cho lịch sử dân tộc. Việc ra đi của Nguyễn Hoàng, như lịch sử đã
cho thấy không phải hoàn toàn chỉ để bảo toàn tính mạng mà đằng sau đó còn có
những toan tính về chính trị, ra đi để thực hiện bước mở đầu cho một chiến lược lâu
dài: xây dựng lực lượng chống lại họ Trịnh và gây dựng khoảng trời riêng. Sự ra đi dứt
khoát của Nguyễn Hoàng vừa chính là cơ hội vừa chính là lối thoát gần như tối ưu nhất
để ươm mầm thế lực mới ở vùng đất lạ. Đất Thuận Hóa và Quảng Nam được coi là
chốn dung thân trở thành nơi dấy nghiệp của họ Nguyễn như một cơ duyên được định
sẵn, mảnh đất Thuận - Quảng nói chung và Quảng Nam nói riêng thế kỷ XVI - XVII có
điều kiện khởi sắc và chuyển mình thành vùng đất trù phú, yên ổn gắn với vai trò to lớn
của chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
1.3. Sơ lược về lịch sử vùng đất, con người Quảng Nam
1.3.1. Sơ lược về lịch sử vùng đất
Quảng Nam là địa bàn cư trú từ xa xưa của con người và là một trong những
trung tâm quan trọng của vương quốc Champa. Trải qua thời gian dài, cùng với quá
trình Nam tiến, tên gọi Quảng Nam ra đời thể hiện khát khao của bậc tiền nhân về
khoảng trời phía Nam màu mỡ, rộng lớn. Nếu như tên gọi của một vùng đất thể hiện
khát vọng, ước muốn của con người thì khi cho ra đời tên gọi Quảng Nam, vua Lê
Thánh Tông đã gửi gắm hi vọng vào vùng đất “đất đai mở rộng về phương Nam, vâng
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 16

mệnh vua để tuyên dương đức hóa rồi trở thành tên một vùng lãnh thổ rộng lớn”
[14,tr.12]. Tên gọi Quảng Nam ra đời như thế mang ý nghĩa là vùng đất rộng lớn về
phương Nam (Quảng nghĩa là rộng, Nam là chỉ vùng đất phương Nam).
Theo ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn,
Quảng Nam thời Bắc thuộc “đời Tần thuộc về Tượng Quận; đời Hán thuộc về quận
Nhật Nam; sang đời Đường thì thuộc Lâm Ấp; đời Tống thuộc Chiêm Thành.”
[50,tr.18]. Nhật Nam lúc này là từ Đèo Ngang trở vào đến Quảng Ngãi gồm 5 huyện là
huyện Lư Dung, Tỵ Cảnh, Châu Ngô, Tây Quyển và Tượng Lâm. Năm 192, Khu Liên
đứng lên khởi nghĩa lập ra nước Lâm Ấp, hay còn có tên gọi khác là Chiêm Bà

(Champa) và Cam (Chàm). Nước Lâm Ấp xưa lấy đất Quảng Nam sau này làm trung
tâm, dựng đô ở Trà Kiệu. Sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, giữa Đại Việt và Champa liên
tục có những cuộc đối đầu, biên giới Đại Việt càng mở rộng và tiến dần về phương
Nam, về sau đất Quảng Nam đã có tên trên bản đồ Đại Việt. Năm 982, Lê Hoàn thân
chinh đi đánh Champa, chiếm được kinh thành Vương triều Indravarman IV tại
Indrapura (thuộc Quảng Nam ngày nay). Từ đây vua Champa hằng năm phải triều cống
và xưng thần triều đình Đại Việt. Đây là cuộc “Nam tiến” đầu tiên trong lịch sử mở
nước của dân tộc ta. Năm 922, đường bộ đầu tiên nối liền đất Đại Việt và Champa
được khai thông kéo dài từ cửa biển Nam Giới (Hà Tĩnh ngày nay) đến châu Địa Lý
(Quảng Bình ngày nay). Năm 1000, vua Champa nhận thấy rằng kinh đô Indrapura ở
Đồng Dương gần đất Đại Việt rất dễ bị xâm lăng nên quyết định thiên đô vào Trà Bàn
(Vijaya – nay thuộc Bình Định). Sau khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi nước Chiêm Thành
sai sứ dâng cống phẩm nhưng sau đó thì không thông sứ nữa. Vì lẽ đó, năm 1044, vua
Lý Thái Tông lấy cớ Champa bỏ triều cống và thường cho quân quấy nhiễu biên giới
Đại Việt nên cử tướng vào đánh Chiêm Thành. Năm 1069, cuộc cầm quân của Lý
Thường Kiệt vào Champa đã thu được 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh. Như vậy,
dưới thời Lý đất đai của Đại Việt ở phía Nam đã có thêm một dải từ Hoành Sơn cho
đến Cửa Việt. Đến đời Trần, biên giới nước ta ở phía Nam tiếp tục vươn vào đất
Champa. Sau chuyến viếng thăm Champa, thượng hoàng Trần Nhân Tông đã gả công
chúa Huyền Trân cho Chế Mân (Jaya Simhavarman), lễ vật cưới là 2 châu Ô và châu
Lý (Rí). Năm 1306, cùng với lễ vu quy của công chúa Huyền Trân thì 2 châu Ô và
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng)
17

châu Lý được chính thức gia nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Có được trong tay hai vùng
đất mới này, vua Trần đổi tên thành Thuận châu (tức vùng Quảng Trị) và Hóa châu
(tức từ Thừa Thiên đến huyện Điện Bàn thuộc Quảng Nam ngày nay). Đến đời nhà Hồ,
khoảng hai phần ba đất Quảng Nam đã thuộc về lãnh thổ Đại Việt. Sau nhiều lần giao
tranh và thương thảo năm 1402, vua Chiêm Thành là Ba Đích Lại (Indravarman) đã

nhường đất Chiêm Động (tức phủ Thăng Bình thuộc Quảng Nam) và Cổ Lũy (tức
Quảng Ngãi) cho nhà Hồ. Hồ Quý Ly chia ra làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và
đặt An Phủ Sứ để điều hành công việc hành chính. Lấy đất miền thượng của lộ ấy đặt
làm trấn Tân Ninh tương đương với Chiên Đàn, Ô Da, Thu Bồn [3,tr.222]. Khi quân
Minh sang xâm lược, bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa bị Chiêm Thành lấy lại. Cho
đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông đích thân chinh phạt, chiếm vùng đất phía Nam
Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông, lấy lại vùng đất Thăng Hoa. Vua Lê Thánh Tông
lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 - đạo Thừa Tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ, 9 huyện:
l Thăng Hoa: gồm 3 huyện là Lê Giang, Hà Đông, Hy Giang
l Tư Nghĩa: gồm 3 huyện Bình Sơn, Mộ Hoa, Nghĩa Giang
l Hoài Nhơn: gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn
(3 phủ tương ứng với Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ngày nay). Qua
các triều đại Lý, Trần, Lê lãnh thổ Đại Việt được mở dần từ Hoành Sơn tới đèo Hải
Vân, đèo Cù Mông.
Cùng với việc mở mang lãnh thổ, các triều đại đưa nhân dân vào khai khẩn đất
đai, bổ nhiệm các chức quan trấn giữ vùng đất mới. Tuy nhiên, gần như đây vẫn chỉ là
vùng đất Champa dưới sự cai trị của người Việt. Vào cuối thời Lê sơ, tình hình chính
sự Đại Việt rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, nội tình hai họ Trịnh - Nguyễn
có dấu hiệu rạn nứt mà nguyên nhân sâu xa vì vấn đề tranh chấp quyền lực. Trong hoàn
cảnh đó, Nguyễn Hoàng xin được vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) và sau đó kiêm luôn
cả Quảng Nam (1570). Quảng Nam bấy giờ rộng lớn kéo dài từ nam Thuận Hóa đến
núi Thạch Bi, nằm ở giữa chính trục Bắc - Nam, trục đường bộ, đường biển Bắc -
Nam, dựa lưng vào dãy Trường Sơn vững chãi và hướng ra biển Đông với đủ các loại
địa hình như: vùng núi cao, vùng thượng du, trung du, đồng bằng, ven biển, vùng biển,
đảo, quần đảo, là ngã tư đường của các tộc người, các cư dân, các nền văn minh…
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 18

Về vùng đất Quảng Nam, Phan Huy Chú từng nhận xét: “Đây là một vùng non
nước xanh tươi, đất đai màu mỡ, ấy là một xung yếu của phương Nam vậy. Đất đai ở

đây phì nhiêu mà lại rộng rãi, thuận về mùa thu, gạo rất nhiều, có thể hỗ trợ cho các
trấn được, hàng hóa lại đẹp chẳng khác gì ngoài Bắc, thật là một nơi giàu có và là
thắng cảnh của đất nước ” [11,tr.355]. Chính mảnh đất này với tư cách là trung tâm
chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng đất rộng lớn phía Nam trong lịch sử, đã từng đóng
vai trò là cội nguồn, là động lực của quá trình phát triển Nam Trung Bộ. Sau này trở
thành “phên giậu” và hậu cứ vững chắc cho quá trình mở cõi của các chúa Nguyễn.
Theo dòng xoay chuyển của lịch sử, đất Quảng Nam đã nhiều lần thay đổi ranh
giới địa lý và danh xưng hành chính. Năm 1471 mang tên là Đạo Thừa Tuyên Quảng
Nam, năm 1490 đổi thành xứ Quảng Nam, năm 1520 được đổi thành trấn Quảng Nam.
Năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi thành dinh Quảng Nam, huyện Điện Bàn tách ra khỏi
trấn Thuận Hóa, lập làm phủ Điện Bàn và nhập về Quảng Nam. Như vậy Quảng Nam
dinh lúc bấy giờ gồm 4 phủ: Điện Bàn, Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn. Thời Tây
Sơn được gọi là Đạo Thừa Tuyên, thời vua Gia Long lập lại dinh Quảng Nam gồm 2
phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện: Duy Xuyên, Lễ Dương và
Hà Đông, phủ Điện Bàn gồm 2 huyện Diên Khánh và Hoà Vang. Đến thời điểm này thì
địa giới của Quảng Nam như ngày nay mới hình thành rõ rệt. Năm 1827, vua Minh
Mạng đổi dinh Quảng Nam thành trấn Quảng Nam. Đến năm 1832, trấn Quảng Nam
đổi thành tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Nam được chia thành 8 phủ, huyện gồm Hòa
Vang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, và Tiên Phước.
Qua vài lần thay đổi sau đó nữa, cho đến hôm nay địa danh Quảng Nam có 18 đơn vị
hành chính cấp huyện bao gồm 2 thành phố và 16 huyện: Thành phố Tam Kỳ và Hội
An; huyện Điện Bàn, Thăng Bình, Bắc Trà My, Nam Trà My, Núi Thành, Phước Sơn,
Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Đại Lộc, Phú Ninh, Tây
Giang, Duy Xuyên và Quế Sơn.
1.3.2. Con người Quảng Nam
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 19

Từ rất sớm, một bộ phận tộc người thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa Đảo (Malayo -
Polynesien) đã đến cư trú dọc theo dải đất hẹp phía Đông Trường Sơn ven biển Trung

Nam Bộ ngày nay. Họ là chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh gồm bộ lạc Cau (cư trú ở
phía Nam tương đương với vùng đất từ Phú Yên đến Bình Thuận đến ngày nay) và
Dừa (ở phía Bắc, chiếm giữ địa bàn chủ yếu ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng
Ngãi và Bình Định ngày nay). Từ sớm người Việt và người Chăm đã chịu sự bành
trướng thế lực, đặt ách đô hộ của phong kiến Trung Hoa thời Tần Hán. Năm 111 TCN,
phong kiến Trung Hoa thống trị Champa, lập nên Giao Chỉ bộ chia làm 9 quận, trong
đó hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân nay thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, quận Nhật
Nam từ Hoành Sơn trở vào thuộc địa bàn bộ lạc Dừa cư trú. Quận Nhật Nam lúc này
“có khoảng 15.460 hộ và 69.485 nhân khẩu” [44,tr.64]. Người Việt và người Chăm đã
nhiều lần bắt tay đoàn kết chống lại các các triều đại phong kiến phương Bắc. Tiêu
biểu là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào các năm 40 - 43, cuộc nổi dậy của người
Nhật Nam vào các năm 137 - 144, khởi nghĩa ở Cửu Chân năm 157. Năm 192 (đời vua
Hiến đế nhà Hán) Khu Liên cầm đầu nhân dân Tượng Lâm (một quận của Nhật Nam)
tương ứng với vùng đất Quảng Nam ngày nay, nổi dậy giết chết quan lại nhà Hán,
xưng làm vua lập ra nước Lâm Ấp - mở đầu cho sự ra đời của vương quốc Champa tồn
tại cho đến cuối thế kỷ XVII. Người Chăm và người Việt cùng bắt tay nhau chống lại
các triều đại phong kiến phương Bắc, nhưng thực chất quan hệ giữa họ không được
thuận hòa. Người Chăm một mặt có quan hệ thần phục phong kiến Trung Hoa, mặt
khác thường đem quân đánh phá người Việt. Trong điều kiện lịch sử đó để tồn tại và
phát triển, các nhà nước quân chủ của nước Đại Cồ Việt, Đại Việt dù muốn hay không
cũng phải tính đến chuyện đối phó với nạn xâm lược và uy hiếp từ hai đầu phía Nam -
Bắc.
Việc di cư của người Việt về phía Nam nói chung và vào vùng Quảng Nam nói
riêng ở thời kỳ này diễn ra trong bối cảnh đó. Để rồi từ chính hoàn cảnh lịch sử đó
cùng với những điều kiện vùng đất đã cơ bản xây bồi nên những đặc điểm và tính cách
của người xứ Quảng rất riêng. Sau khi đánh vào đất Chiêm Thành chiếm lấy đất Chiêm
Động và Cổ Lũy, năm 1403 Hồ Hán Thương “đem người không có ruộng nhưng có
của dời đến Thăng Hoa, biên chế thành quân ngũ. Quan lại ở các bộ, phủ, châu, huyện
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 20


xem đất cho họ ở. Người châu nào thì thích hai chữ tên châu ấy vào tay để làm dấu
hiệu. Đến năm sau đưa vợ con vào và mộ dân nộp trâu để cấp cho dân mới dời đến ở
Thăng Hoa, người nộp được ban tước”[40,tr.205]. Đây là lớp cư dân người Việt đầu
tiên đến khai thác và sinh sống ở vùng đất Quảng Nam. Lớp cư dân người Việt di cư
vào đất Quảng Nam lần thứ hai khá đông đảo diễn ra vào cuối thế kỷ XV. Năm 1471,
ngay sau khi vua Lê Thánh Tông lập đạo Quảng Nam, trên cơ sở các phủ Thăng Hoa,
Tư Nghĩa kéo dài đến bắc Đèo Cả thì đồng thời diễn ra cuộc chuyển cư lớn vào xứ
Quảng. Vua Lê Thánh Tông không rút về hết mà chọn tướng, binh sĩ ở lại để giữ gìn an
ninh, quản lý xã hội trên vùng đất mở, tiếp nhận thêm những lượt di dân vào khai phá
xây dựng, ban đầu đa số đóng ở vùng đồng bằng ven biển bởi đất đai ở đây dễ khai phá
hơn, những người đến sau phải đi dần lên vùng miền núi. Đây là lớp người xông pha,
trí dũng, dám nghĩ, dám làm, phác họa nên diện mạo con người xứ Quảng đầu tiên.
Như vậy, Lớp cư dân Sa Huỳnh - Chăm - Việt có sự cộng cư với nhau, qua các
đợt di dân người Chăm và người Việt xích lại gần nhau hơn, họ càng gắn bó với nhau
hơn khi xuất hiện phổ biến mối hòa huyết Chăm - Việt, dần dà người Việt đã thân
thiện, “Việt hóa” người Chăm. Người Việt trên đất Quảng đã nhanh chóng tạo lập nên
các đơn vị cộng cư làng xóm có sức mạnh giúp ổn định cuộc sống. Thời điểm thế kỷ
XV, mật độ dân cư người Việt còn thưa thớt so với vùng đất Quảng rộng lớn này. Phải
đến thế kỷ XVI - XVII khi chúa Nguyễn Hoàng đặt chân vào vùng đất Quảng Nam thì
dòng người Việt chuyển cư vào Nam nói chung và vào Quảng Nam nói riêng mới thực
sự đông đảo, khoác lên vùng đất Quảng Nam bộ mặt mới toàn diện về kinh tế, chính
trị, văn hóa, xã hội, tạo động lực mạnh mẽ phát triển dân tộc. Ở vùng đất mới, họ thực
sự trở thành một cộng đồng bền chặt nhằm chinh phục thiên nhiên, đấu tranh chống áp
bức dân tộc, áp bức xã hội, xây dựng và phát triển cuộc sống. Phần lớn dân cư Quảng
Nam là người Việt có nguồn gốc từ miền Bắc và Bắc Trung Việt như Thanh Hóa,
Nghệ Tĩnh. Những con người Việt tiên phong đó được tiếp xúc và hội nhập với nền
văn hóa Chăm - một nền văn hóa đa dạng và rực rỡ trong dòng giao lưu văn hóa Ấn Ðộ
với Mã Lai và Hải đảo Thái Bình Dương tại cựu đô Trà Kiệu và Thánh Ðịa Mỹ Sơn,
nơi đây còn có một số người Chăm còn sót lại, ở rải rác chung quanh vùng Tháp cũ,

Thành xưa (Phong Lệ, Trà Kiệu, Mỹ Sơn). Họ là những con người có ý chí và bản lĩnh
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 21

chấp nhận những khó khăn của cuộc sống phiêu lưu và khai phá, bộc trực, có tinh thần
phóng khoáng, chân tình, tràn đầy khát vọng, giàu tinh thần đấu tranh, được tôi luyện
trong gian khổ và trưởng thành trong chiến đấu, biết khắc phục những khó khăn từ
thiên nhiên và do lịch sử đem lại. Dù bị xô đẩy hay tự nguyện thì các yếu tố trên là
những tố chất tiêu biểu. Những phẩm chất ấy được hun đúc trong quá trình vật lộn với
thiên nhiên khắc nghiệt nơi vùng “ô châu ác địa” và được hình thành từ cái nhìn
khoáng đạt về biển và được kết tinh qua quá trình mở mang đất đai, tạo lập cuộc sống
mới, văn hóa mới trên vùng đất mới này. Borri đã từng tinh tế nhận xét ấn
tượng“người dân ở đây siêng năng, ưa làm lụng, tránh sự ăn không ngồi rồi. Họ đối
với người nước ngoài rất hòa hợp, ân cần” [8,tr.11]. Chính yếu tố lịch sử, địa lý đã có
vai trò quan trọng hun đúc nên con người Quảng Nam có ý chí, bản lĩnh kiên cường,
tính tình phóng khoáng, bộc trực, ham chuộng tự do, kiên nhẫn, cần cù, chịu khó, ham
học hỏi, cởi mở, khoan hòa, cầu tiến, khả năng tiếp nhận và phát huy cái mới nhạy bén.
1.4. Tình hình Quảng Nam trước năm 1570
1.4.1. Về chính trị
Quảng Nam xưa vốn thuộc Chiêm Thành (Champa) (từ thế kỷ II đến thế kỷ
XIV). Vương quốc Champa không phải là một quốc gia có thể chế chính trị "Trung
ương tập quyền" mà là một dạng nhà nước “liên bang” được kết hợp từ bốn tiểu quốc
là Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Mỗi Tiểu quốc đều có thể chế chính trị
theo hình thức tự trị và có quyền ly khai khỏi “liên bang” để xây dựng quốc gia riêng
độc lập. Quảng Nam thuộc tiểu quốc Amaravati (Amaravati nay là thành phố Đà
Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi) nằm uy nghi trên dòng sông Thu Bồn có địa thế
thuận lợi về kinh tế nên sớm trở thành tiểu quốc hùng mạnh nhất. Địa khu này có hai
trung tâm là thành phố Indrapura nằm ở khu vực Đồng Dương, thuộc địa phận
huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam và thành phố Simhapura nằm ở Trà
Kiệu huyện Duy Xuyên, Quảng Nam ngày nay. Thánh Địa Mỹ Sơn nằm ở cách Trà

Kiệu khoảng 25km về hướng tây nam, nơi vẫn còn nhiều di tích đền tháp của người
Chăm.
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 22

Trong suốt nhiều thế kỷ liên tục nơi đây đóng vai trò kinh tế - chính trị - văn hóa
- xã hội quan trọng, từng được mệnh danh là “trái tim vương quốc Champa”. Từ thế
kỷ XV, vua Lê Thánh Tông chiếm được đất Chiêm Thành lập nên đạo thừa tuyên
Quảng Nam gồm 3 phủ 9 huyện. Kể từ đây đất Quảng Nam chính thức gia nhập vào
lãnh thổ của Đại Việt. Vua Lê sau khi lập đạo thừa tuyên xong còn đặt 3 ty gồm đô chỉ
huy sứ ty, hiến sát sứ ty, thừa chính sứ ty để coi việc binh, việc hộ tịch và kiểm soát an
ninh. Việc tổ chức thành 3 ty, mỗi ty có nhiệm vụ riêng đã góp phần ngăn chặn khuynh
hướng cát cứ địa phương và tăng cường quyền lực cho chính quyền trung ương. Làm
chủ được vùng đất mới cùng với sự ổn định dân cư và hoàn thiện bộ máy chính quyền
cơ sở với sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền trung ương đã chính thức tạo thế và
lực cho vùng đất Quảng Nam có điều kiện mở mang, phát triển vững mạnh hơn trong
những thế kỷ sau. Phạm Nhữ Tăng - người có công lớn trong cuộc bình Chiêm năm
1471 được vua Lê tin giao làm trấn thủ đạo thừa tuyên Quảng Nam kiêm quản phủ
Hoài Nhơn. Đây chính là vị trấn thủ đầu tiên của đất Quảng Nam (1471-1477), ông tỏ
ra là một người lãnh đạo xuất sắc trong việc giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh
tế, khai hoang ruộng đất, thiết lập nhiều làng xã mới. Bộ máy cai trị mới được thiết lập
không chỉ dùng người Việt mà còn có cả người Chăm để quản lý và ổn định xã hội. Cụ
thể là“lấy người Chiên Đàn là Ba Thái làm Đồng tri châu Thái Chiêm, Đa Thủy làm
Thiêm tri châu lấy Đổ Tử Quy làm Đồng tri châu Thái Chiêm quân dân sự, Lê Ỷ Đà
làm Cổ Lũy châu tri quân dân hai châu Thái Chân và Cổ Lũy là đất của ta, nay lấy
lại được đặc cách sai bọn các quan trấn giữ. Có kẻ nào không chịu theo, chém trước
rồi tâu sau” [42,tr.14]. Thời gian từ 1471-1477, dinh trấn được đóng tại thành Đồ Bàn
(kinh đô cũ của Chiêm Thành) thuộc phủ Hoài Nhơn nay là Bình Định, từ sau 1477 -
1527 dinh trấn Quảng Nam được dời từ Trà Bàn sang Châu Sa (thành cũ của Chiêm
Thành) nay là Quảng Ngãi. Sau khi Mạc Đăng Dung lên ngôi (1527) liền cử Mạc

Quyết vào trấn thủ Thuận - Quảng, dinh trấn đặt tại xã Chánh Lộ bên bờ sông Trà
Khúc thuộc Quảng Ngãi ngày nay. Dưới thời Lê Trung Hưng (1533-1788), năm 1544
vua Lê Trang Tông cử Bùi Tá Hán làm tổng trấn Quảng Nam, lị sở đóng nơi thành cũ
của quân Mạc. Năm 1568, Bùi Tá Hán mất vua Lê cử quận công Nguyễn Bá Quýnh lên
thay. Cho đến năm 1570, Nguyễn Hoàng được vua Lê giao cho trấn thủ Quảng Nam,
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 23

chính thức kiêm quản cả 2 xứ Thuận - Quảng. Đây có thể coi là một thắng lợi có ý
nghĩa chiến lược đối với cả chúa Nguyễn Hoàng lẫn vùng đất Quảng Nam.
Như vậy, trước khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ thì Quảng Nam từ một
vùng “đệm” luôn chịu sự tranh chấp giữa hai bên Đại Việt và Chiêm Thành trong suốt
nhiều thế kỷ đã trở thành thành viên chính thức của gia đình Đại Việt. Thừa tuyên
Quảng Nam chính thức được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt với tư cách là một đơn vị
hành chính ổn định, tổ chức chính quyền được xây dựng khá hoàn chỉnh chịu sự quản
lý chặt chẽ của chính quyền trung ương.
1.4.2. Kinh tế
Quảng Nam từ sớm có nhiều ưu thế để phát triển, là khu vực địa lý đa sinh thái
bao gồm đồng bằng chân núi nói liền rừng phía sau lưng, biển mênh mông có nhiều
vịnh hẹp như Cửa Đại, Tam Thanh, Kỳ Hà đổ ra cửa các dòng sông Thu Bồn, Vu Gia,
Tam Kỳ chứa đựng nhiều sản vật biển, có điều kiện để phát triển kinh tế ven biển kết
hợp với chân núi tạo nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, thuận lợi cho sự phát triển
thương mại đường biển. Quảng Nam thời tiền sơ sử có một cơ tầng kinh tế ổn định ở
thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, sau này các cư dân Chăm đã kế thừa di sản, kinh nghiệm
sản xuất, khai thác tạo nên những thành tựu văn minh rực rỡ. Khi có thêm người Việt
sinh sống thì hoạt động kinh tế vốn đã đa dạng nay nhộn nhịp hơn từ nông nghiệp, thủ
công nghiệp đến thương nghiệp, có sự giao lưu học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật, giống,
kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.
Đồng bằng ở Quảng Nam có đặc điểm là phì nhiêu nên rất thích hợp cho phát
triển kinh tế trồng trọt, vì điều kiện nên người dân trồng lúa ruộng nước và lúa ruộng

khô, bên cạnh lúa còn trồng thêm các loại nông sản ở ven sông, đặc biệt nơi đây nổi
tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm có “lúa hai mùa, tằm tám lứa”. Người
Chăm sử dụng khá thành thạo kỹ thuật thủy lợi đắp đập, ngăn đê. Xuất phát từ nhu cầu
trao đổi buôn bán cùng với điều kiện thuận lợi cho phép trao đổi giữa miền xuôi với
miền ngược. Đường giao thông chủ yếu dựa vào những dòng sông lớn hàng hóa được
trao đổi buôn bán với các nơi khác từ Cửa Đại đến Hội An. Quảng Nam có vị trí các
cảng biển là những điểm trung chuyển giao lưu hàng hóa quốc tế cũng như để xuất
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 24

khẩu các sản phẩm chủ yếu từ khai thác rừng ở miền thượng, ở các đồng bằng ven biển
và Tây Nguyên. Từ thế kỷ thứ 10, các cảng của Champa đã được biết đến như là những
thương cảng quan trọng trên Biển Đông, nằm trên hành trình thương mại đường biển
giữa phương Đông và phương Tây vẫn được gọi là "Con đường tơ lụa trên biển",
Quảng Nam có vai trò trung chuyển quan trọng trên “con đường hồ tiêu” từ vịnh Pec-
xich tới miền Nam Trung Quốc và sau này là con đường thương mại trên biển
của người Ả Rập, xuất phát từ bán đảo Đông Dương - nơi xuất khẩu trầm hương.

Các
sản phẩm xuất cảng của Champa là sản phẩm thủ công như đồ gốm sứ, đất nung và các
lâm hải sản như sừng tê, ngà voi, đặc biệt là trầm hương và tổ yến.
Đời sống kinh tế của nhân dân Quảng Nam cho đến giữa thế kỷ XVI được mô tả
“Dân lấy thóc làm giàu, nhà nông dùng trâu đạp lúa. Xe tiện chuyên chở đường bộ,
ghe thuyền thuận lợi đường sông. Vườn Mạc Xuyên trồng lắm hoa hồng, người Lang
Châu dệt nhiều lụa trắng. Làng Hóa Khuê, Cẩm Lệ trồng cọc gỗ để ngăn cá sấu; làng
Lỗi Sơn, Chiêm Sơn dựng rào gỗ để phòng cọp dữ” [1,tr.72]. Sau này người Việt tiếp
thu hàng loạt những kỹ thuật nông nghiệp (giao cấy ruộng khô), và hàng hải, chế tác
ghe thuyền của cư dân bản địa. Với điều kiện địa lý thuận lợi cộng với biện pháp thích
hợp, Quảng Nam trở thành vùng đất phồn thịnh dưới thời các chúa Nguyễn.
1.4.3. Văn hóa – xã hội

Ngay từ thời tiền sơ sử, địa bàn Quảng Nam là vùng đất mở, cuốn hút nhiều
luồng văn hóa và dân cư. Lịch sử vùng đất bắt đầu khá sớm và có hiện tượng giao lưu
giữa các luồng văn hóa. Điều này cho thấy sự phong phú đa dạng của văn hóa nhưng
đồng thời cũng bộc lộ rõ sự phức tạp của xã hội. Văn hóa Sa Huỳnh có niên đại 2000 -
2500 cách ngày nay giao lưu với nền văn hóa Hòa Bình, Bàu Tró và Đông Sơn ở phía
Bắc. Trước khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Quảng Nam, nơi đây đã trải qua bao
thăng trầm gắn với sự thịnh suy của vương quốc Champa. Là vùng đất thuộc Champa
trước khi chính thức sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt, Quảng Nam từng bị tranh chấp
giành giật qua lại, nơi đây thành phần dân cư phức tạp, “lòng người hãy còn phản
trắc”, khi có sự hiện diện của người Việt, quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm diễn
Khóa luận Tốt nghiệp: Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng….
Võ Thị Hiền _ Lớp 07SLS (ĐHSP Đà Nẵng) 25

ra sôi động, xã hội có sự pha trộn của nhiều lớp người hơn. Văn hóa - xã hội trong điều
kiện đó khá phức tạp.
Như chúng ta được biết từ thế kỷ thứ 4 văn minh Ấn Độ được truyền bá vào xã
hội Chăm. Trước khi bị vua Lê Thánh Tông chinh phục năm 1471, văn minh Ấn Độ
ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều mặt đời sống người Chăm. Tôn giáo chính của người
Chăm là Ấn độ giáo nhưng từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 10 bị gián đoạn khi triều đại
Indrapura (Đồng Dương ở tỉnh Quảng Nam ngày nay) theo Phật giáo Đại thừa. Trong
thế kỷ thứ 10 và các thế kỷ sau, Ấn Độ giáo lại trở thành tôn giáo chính của Champa.
Một số nơi vẫn còn lưu giữ những công trình tôn giáo và cũng là các công trình kiến
trúc và nghệ thuật của thời kỳ này như Mỹ Sơn, Khương Mỹ, Trà Kiệu, Chánh Lộ và
Tháp Mẫm. Từ sau thế kỷ thứ 10 Hồi giáo bắt đầu xâm nhập vào Champa nhưng chỉ
sau năm 1471 thì ảnh hưởng của Hồi giáo mới rõ nét. Về cơ bản thì Ấn Độ
giáo và Phật giáo là hai tôn giáo chính của người Chăm, sau này Nguyễn Hoàng đã lựa
chọn Phật giáo để làm chỗ dựa về mặt tâm linh không phải là không có cơ sở hòa hợp
dân tộc hợp lý.
Thế kỷ XV, người Việt từ các vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh vào sinh sống, cộng
cư với các tộc người khác nhau của vương quốc Champa, tạo nên sắc diện văn hóa mới

ở Quảng Nam. Đóng vai trò chủ nhân vùng đất mới, người Việt đi vào với niềm tự hào
dân tộc, tự hào của kẻ chiến thắng, hành trang mang theo là văn hóa tinh thần giàu sức
sống thời thịnh trị quốc gia Đại Việt, truyền thống văn hóa Việt lan tỏa vào văn hóa
Chăm và ngược lại. Sức sống của mỗi dân tộc Chăm - Việt không xung đột mà trái lại
hấp dẫn nhau, cùng tiếp thu giao hòa văn hóa để ổn định xã hội. Cuối thế kỷ XV con
đường giao thông Nghệ An - Thanh Hóa - Quảng Nam - Cù Mông thủy bộ được khai
thông, mở ra nhiều thuận lợi, giao lưu kinh tế, văn hóa, ổn định, tiền đề, động lực cho
cuộc chuyển cư, phát triển nhân lực, không lo âu bị truy đuổi hay trả thù như thời nhà
Hồ.
Như vậy, trong một bối cảnh chính trị nhạy cảm có diễn biến khá phức tạp đã
dẫn đến cơ duyên chúa Nguyễn Hoàng đến với đất Quảng Nam. Trước khi chúa
Nguyễn Hoàng vào trấn thủ thì Quảng Nam đã được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt với
tư cách là một đơn vị hành chính ổn định, tổ chức chính quyền được xây dựng khá

×