MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Việc rèn luyện kỹ năng được coi là một yêu cầu tất yếu trong quá trình
đào tạo bất cứ ngành nghề nào trong xã hội. Mức độ thành thạo kỹ năng nghề
được coi như một chỉ số quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo. Kỹ năng
giải quyết tình huống sư phạm là một trong những kỹ năng quan trọng của người
sĩ quan chỉ huy, trực tiếp tổ chức huấn luyện, giáo dục chiến sĩ.
Thực tiễn huấn luyện, giáo dục ở các đơn vị cơ sở có rất nhiều các tình
huống bất ngờ, phức tạp, đòi hỏi người chỉ huy phải khéo léo, linh hoạt giải
quyết để mang lại hiệu quả. Không có kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm
hoặc kỹ năng đó yếu, người chỉ huy sẽ không tránh khỏi lúng túng, nhiều trường
hợp còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và như vậy không đảm nhiệm được tốt
chức năng huấn luyện, giáo dục của mình.
Học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 tương lai trở thành những sĩ quan chỉ
huy trực tiếp tổ chức huấn luyện, giáo dục bộ đội. Vì vậy cần rèn luyện cho họ kỹ
năng giải quyết các tình huống sư phạm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm chính là năng lực vận dụng
các nguyên tắc và các phương pháp giáo dục trong những tình huống phong phú,
đa dạng của thực tiễn huấn luyện, giáo dục. Nhà trường có trách nhiệm trang bị
cho học viên những kiến thức, đồng thời cung cấp cho họ cách thức vận dụng
những kiến thức đó vào thực tiễn huấn luyện, giáo dục.
Thực tiễn hiện nay, học viên năm thứ tư đào tạo cơ bản ở Trường Sĩ quan
Lục quân 1 nhận thức về tình huống sư phạm còn rất hạn chế, chưa có thái độ
rèn luyện đúng đắn để phát triển kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm.
Vấn đề kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm được các nhà nghiên
cứu đặc biệt quan tâm. Để chỉ đạo thực tập sư phạm cho sinh viên Đại học sư
phạm, trong cuốn “Hỏi đáp về thực tập sư phạm”, tác giả Bùi Ngọc Hồ đã nêu
nhiệm vụ bắt buộc cho mỗi giáo sinh khi đi thực tập sư phạm phải nắm được các
tình huống sư phạm có vấn đề và giải quyết chúng nhằm giúp giáo sinh rèn
luyện nghiệp vụ sư phạm.
Một số tác giả khác như Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Đình Chỉnh, Trần
Hữu Luyến đã đưa ra các cách giải quyết một tình huống sư phạm cụ thể gồm
nhiều giai đoạn khác nhau.
Như vậy, nghiên cứu về kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm không
còn là vấn đề mới mẻ. Tuy nhiên, việc nghiên cứu kỹ năng giải quyết các tình
huống sư phạm của học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy trong nhà trường quân sự
thì chưa được đề cập đến.
Xuất phát từ lý do trên, chúng tôi nghiên cứu đề tài: “Phát triển kỹ năng
giải quyết các tình huống sư phạm cho học viên năm thứ tư đào tạo cơ bản,
trường Sĩ quan Lục quân 1”.
2. Mục đích nghiên cứu
Đưa ra các giải pháp nhằm phát triển kĩ năng giải quyết tình huống sư
phạm cho học viên năm thứ tư đào tạo cơ bản trường Sĩ quan Lục quân 1.
3. Đối tượng và khách thể nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Phát triển kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm cho học viên
3.2. Khách thể nghiên cứu
Chúng tôi tiến hành nghiên cứu học viên năm thứ tư đào tạo sĩ quan chỉ
huy tham mưu bậc đại học trường Sĩ quan Lục quân 1.
6. Phạm vi và giới hạn nghiên cứu
- Đề tài đi sâu nghiên cứu tìm ra các giải pháp phát triển kỹ năng giải quyết
tình huống sư phạm cho học viên giúp họ sau này có thể giải quyết tốt các tình
huống sư phạm trong công tác huấn luyện giáo dục.
- Chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu trên:
+ 70 học viên tiểu đoàn 4 - Trường Sĩ quan Lục quân 1
+ 70 học viên tiểu đoàn 5- Trường Sĩ quan Lục quân 1
+ 70 học viên tiểu đoàn 6 - Trường Sĩ quan Lục quân 1
4. Giả thuyết khoa học
- Nhận thức cũng như thái độ của học viên năm thứ tư đào tạo sĩ quan chỉ
huy tham mưu bậc đại học trường Sĩ quan Lục quân 1 trong việc rèn luyện kỹ
năng giải quyết tình huống sư phạm còn nhiều hạn chế. Chính vì thế, trình độ kỹ
năng giải quyết tình huống sư phạm ở họ còn thấp.
- Nếu có giải pháp rèn luyện hợp lý thì sẽ hình thành, phát triển kỹ năng
giải quyết tình huống sư phạm của học viên viên năm thứ tư đào tạo sĩ quan chỉ
huy tham mưu bậc đại học trường Sĩ quan Lục quân 1 và kết quả việc giải quyết
các tình huống sư phạm được nâng lên.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Hệ thống hoá một số vấn đề lý luận về tình huống, tình huống sư phạm;
kỹ năng và kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm.
- Nghiên cứu phát hiện thực trạng kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm
của học viên năm thứ tư đào tạo cơ bản, trường Sĩ quan Lục quân 1.
- Đề xuất những giải pháp phát triển kỹ năng giải quyết tình huống sư
phạm cho học viên.
- Tiến hành thử nghiệm để kiểm chứng tính khả thi của giải pháp hình
thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm cho học viên.
7. Đóng góp mới của đề tài
- Hệ thống hoá được lý luận về kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm.
- Dự kiến nghiên cứu tìm ra được thực trạng và đề xuất những giải pháp
phát triển kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm của học viên năm thứ tư đào tạo
cơ bản, trường Sĩ quan Lục quân 1.
8. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
8.1. Cơ sở phương pháp luận
Đề tài được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận và phương pháp luận của chủ
nghĩa duy vật biện chứng; tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục; đường lối quan điểm
của Đảng cộng sản Việt Nam; Nghị quyết của Đảng uỷ Quân sự Trung ương về giáo
dục – đào tạo sĩ quan quân đội; các nguyên tắc, phương pháp luận của Tâm lý học
Mác xít và Giáo dục học Mác Xít. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu theo quan điểm hệ
thống cấu trúc, quan điểm tiếp cận thực tiễn,…để tìm ra cơ sở lý luận và thực trạng
của vấn đề, từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý.
8.2. Phương pháp nghiên cứu
8.2.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu
Thông qua các tài liệu có liên quan, chúng tôi hệ thống hoá các vấn đề lý
luận cơ bản của đề tài.
8.2.2. Phương pháp điều tra
Chúng tôi tiến hành xây dựng một hệ thống câu hỏi và một hệ thống các
tình huống, in thành phiếu nhằm tìm hiểu các vấn đề về kỹ năng giải quyết các
tình huống sư phạm của học viên năm thứ tư đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu
bậc đại học trường Sĩ quan Lục quân 1.
- Nhận thức về tình huống sư phạm, ý nghĩa và thái độ đối với việc rèn
luyện kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm của học viên.
- Xu hướng giải quyết các tình huống sư phạm của học viên.
- Thực trạng kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm của học viên.
- Một số nhân tố tham gia vào quá trình giải quyết tình huống sư phạm và
một số yếu tố gây trở ngại trong quá trình giải quyết tình huống sư phạm của học
viên.
8.2.3. Phương pháp quan sát
Chúng tôi tiến hành quan sát một số buổi học thực hành về phương
pháp huấn luyện bắn súng; phương pháp huấn luyện chiến thuật và một
số giờ giảng Công tác đảng, công tác chính trị; Tâm lý học quân sự và
giáo dục học quân sự để có thêm cứ liệu đánh giá khách quan, chính xác
hơn đối tượng nghiên cứu.
8.2.4. Phương pháp trò chuyện
Tiến hành trao đổi trò chuyện với một số giáo viên giảng dạy bộ môn
Phương pháp huấn luyện bắn súng; Phương pháp huấn luyện chiến thuật; Công tác
đảng, công tác chính trị; Tâm lý học quân sự; Giáo dục học quân sự và một số học
viên về việc giải quyết các tình huống sư phạm để có thêm cứ liệu đánh giá.
8.2.5. phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học
Thu thập, xử lý và thống kê số liệu để tìm ra kết quả nghiên cứu, trên cơ
sở đó đánh giá một cách khách quan, chính xác.
9. Cấu trúc của đề tài
Đề tài gồm: phần mở đầu, 2 chương, 7 tiết, kết luận, kiến nghị và danh
mục tài liệu tham khảo.
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT TÌNH
HUỐNG SƯ PHẠM CỦA HỌC VIÊN ĐÀO TẠO CƠ BẢN
TRƯỜNG SĨ QUAN LỤC QUÂN 1
1.1. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
1.1.1. Các nghiên cứu ở nước ngoài
Kỹ năng và kỹ năng hoạt động nói chung là vấn đề được nhiều tác giả quan
tâm nghiên cứu từ rất sớm. Trong các công trình nghiên cứu của nhà giáo dục nổi
tiếng thế kỷ XIX như I.A.Komenxki (Tiệp Khắc), G.Rutxo (Pháp),…đã bàn về kỹ
năng trí tuệ và hình thành các kỹ năng này.
Đến thế kỷ XX việc nghiên cứu kỹ năng được các nhà tâm lý học và giáo dục
học Xô Viết chú ý. Vào những năm 50, N.V.Cudơminna có tác phẩm: “Hình thành
các kỹ năng sư phạm”. Đầu những năm 60, Giáo sư O.A.Apdullia có công trình:
“Bàn về kỹ năng sư phạm”. Những năm 70, X.I.Kixegop có công trình nghiên cứu:
“Hình thành các kỹ năng, kỹ xảo sư phạm trong điều kiện giáo dục hiện đại”.
1.1.2. Các nghiên cứu ở trong nước
Vấn đề kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm cũng được các nhà
nghiên cứu trong nước đặc biệt quan tâm. Để chỉ đạo thực tập sư phạm cho sinh
viên Đại học sư phạm, trong cuốn “Hỏi đáp về thực tập sư phạm”, tác giả Bùi
Ngọc Hồ đã nêu nhiệm vụ bắt buộc cho mỗi giáo sinh khi đi thực tập sư phạm
phải nắm được các tình huống sư phạm có vấn đề và giải quyết chúng nhằm
giúp giáo sinh rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.
Một số tác giả khác như Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Đình Chỉnh, Trần
Hữu Luyến đã đưa ra các cách giải quyết một tình huống sư phạm cụ thể gồm
nhiều giai đoạn khác nhau.
Như vậy, nghiên cứu về kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm không
còn là vấn đề mới mẻ. Tuy nhiên, việc nghiên cứu kỹ năng giải quyết các tình
huống sư phạm của học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy trong nhà trường quân sự
thì chưa được đề cập đến.
1.2. Những khái niệm cơ bản
1.2.1. Khái niệm về kỹ năng
Kỹ năng là sự thực hiện có kết quả một hành động bằng cách vận dụng
những tri thức, kinh nghiệm về hành động này để tiến hành phù hợp với những
điều kiện cho phép.
* Phân biệt kỹ năng, kỹ xảo
- Sự giống nhau
- Sự khác nhau
* Mối quan hệ giữa kỹ năng và kỹ xảo
- Quan niệm thứ nhất cho rằng, kỹ xảo được hình thành trên cơ sở kỹ năng.
- Quan niệm thứ hai cho rằng, kỹ năng được hình thành và phát triển là dựa
trên cơ sở của các tri thức và kỹ xảo.
1.2.2. Tình huống có vấn đề
Tình huống có vấn đề là mâu thuẫn xuất hiện trong quá trình hoạt động của
con người giữa vài nhu cầu với những phương tiện có được để thoả mãn nhu cầu
đó. Một tình huống có vấn đề phải thoả mãn các điều kiện sau:
- Tồn tại một vấn đề mà trong đó chủ thể chưa giải quyết được.
- Chủ thể có nhu cầu, hứng thú giải quyết và việc giải quyết tình huống này
nhằm thoả mãn nhu cầu, hứng thú của chính bản thân chủ thể.
- Phải đảm bảo tính vừa sức, chủ thể tin rằng mình sẽ giải quyết được
bằng cách vận dụng tất cả những tri thức, kỹ năng liên quan cùng với tính
tích cực suy nghĩ, tìm tòi.
1.2.3. Tình huống sư phạm
Tình huống sư phạm là tình huống chứa đựng mâu thuẫn nảy sinh trong
hoạt động sư phạm của người giáo viên.
Cấu trúc tâm lý của Tình huống sư phạm:
- Cái chưa biết mà người giáo viên phải khám phá.
- Cái đã biết, được giáo viên sử dụng để giải quyết tình huống sư phạm
nhằm đạt mục đích hiệu quả giáo dục.
- Nhu cầu kích thích việc giải quyết các tình huống sư phạm nảy sinh.
1.2.4. Kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm
Kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm là sự thực hiện có kết quả hành
động giải quyết tình huống sư phạm xảy ra bằng cách vận dụng những tri thức,
kinh nghiệm về hành động này để thực hiện phù hợp với điều kiện cho phù hợp
với điều kiện cho phép.
1.2.5. Kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm của học viên
1.2.5.1. Các giai đoạn hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm
của học viên
* Giai đoạn hình thành
- Giai đoạn nhận thức
- Giai đoạn hình thành kỹ năng.
* Giai đoạn nâng cao
- Củng cố các kỹ năng bộ phận đã được hình thành ở giai đoạn 1
- Phát triển các kỹ năng đã được hình thành.
1.2.5.2. Những yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng giải quyết tình huống sư
phạm của học viên
* Vốn tri thức về tâm lý học quân sự; giáo dục học quân sự; công tác đảng,
công tác chính trị; phương pháp huấn luyện, giáo dục; kiến thức quân sự.
* Điều kiện, hoàn cảnh nảy sinh tình huống sư phạm; việc vận dụng các tri
thức đã có vào từng tình huống cụ thể.
* Vốn kinh nghiệm hoạt động thực tiễn….
1.2.6. Phát triển Kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm cho học viên
Phát triển kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm cho học viên là hệ thống
các tác động sư phạm tác động tới học viên giúp cho học viên giải quyết các tình
huống sư phạm một cách tốt nhất.
1.3. Đặc điểm của học viên năm thứ tư đào tạo cơ bản trường Sĩ
quan Lục quân 1
- Hoạt động học tập của học viên là hoạt động hướng vào thay đổi bản thân
nhằm đáp ứng yêu cầu có trình độ bậc đại học và phẩm chất, năng lực của người
sĩ quan quân đội theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường.
- Hoạt động học tập của học viên diễn ra dưới nhiều hình thức; trong mọi
không gian, thời gian với cường độ cao, căng thẳng và phức tạp.
- Hoạt động học tập của học viên có tổ chức chặt chẽ, diễn ra trong môi
trường kỷ luật nghiêm ngặt.
- Học viên trường Sĩ quan Lục quân 1 tương lai trở thành sĩ quan chỉ
huy trực tiếp tổ chức huấn luyện, giáo dục bộ đội do đó họ phải có năng
lực về thể chất và tinh thần; có sự nỗ lực ý chí cao; có năng lực chú ý; khả
năng xử lý các tình huống….
1.4. Thực trạng kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm của học viên năm
thứ tư đào tạo cơ bản Trường Sĩ quan Lục quân 1
1.4.1. Kết quả đánh giá về nhận thức
Học viên chưa hiểu biết một cách đầy đủ về khái niệm tình huống sư
phạm nhưng họ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng
giải quyết tình huống này.
1.4.2. Kết quả đánh giá về thái độ
Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng giải
quyết tình huống sư phạm nhưng thái độ tham gia rèn luyện kỹ năng này ở học
viên là chưa tích cực. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng kỹ năng giải
quyết tình huống sư phạm của họ còn rất hạn chế.
1.4.3. kết quả thực trạng kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm
của học viên năm thứ tư đào tạo cơ bản Trường Sĩ quan Lục quân 1
1.4.1.1. Kỹ năng phát hiện mâu thuẫn
Đây là kỹ năng cơ bản, định hướng cho các kỹ năng tiếp theo. Ở kỹ năng
này phần lớn học viên đạt mức độ khá trở lên.
1.4.1.2. Kỹ năng huy động tri thức, kinh nghiệm có liên quan
Kỹ năng này có vai trò rất quan trọng, nói lên trình độ được đào tạo
của học viên. Ở kỹ năng này hầu hết học viên đạt ở mức dưới trung bình.
Do không huy động được các tri thức, kinh nghiệm có liên quan đến tình
huống cần giải quyết dẫn đến kỹ năng hình thành nên các phương án giải
quyết, chọn lựa phương án tối ưu và kỹ năng kiểm tra, đánh giá kết quả
cũng còn nhiều hạn chế.
1.4.1.3. Kỹ năng hình thành các phương án giải quyết
Đa số học viên đạt ở mức trung bình, không có mức kém.
1.4.1.4. Kỹ năng lựa chọn phương án giải quyết
Đa số học viên đạt ở mức trung bình, không có mức kém.
1.4.1.5. Kỹ năng kiểm tra, đánh giá kết quả
Phần lớn học viên đạt ở mức dưới trung bình; mức khá, giỏi là rất ít. Điều
đó khẳng định các phương án giải quyết tình huống sư phạm của học viên năm
thứ tư đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu bậc đại học, trường Sĩ quan Lục quân 1
không được xây dựng trên một cơ sở khoa học, lý luận vững chắc.
Qua phân tích thực trạng trên, chúng tôi đưa ra kết luận như sau:
Thứ nhất, xét quá trình giải quyết tình huống sư phạm trên góc độ kỹ năng
là tổ hợp nhiều kỹ năng bộ phận thì kỹ năng huy động tri thức, kinh nghiệm có
liên quan đến tình huống của học viên thấp nhất. Chính nó đã kéo theo các kỹ
năng khác xuống mức dưới trung bình, thậm chí là kém và dẫn đến kết quả: kỹ
năng giải quyết tình huống sư phạm của học viên là hạn chế.
Thứ hai, xét quá trình giải quyết tình huống sư phạm như một quá trình tư
duy trước tình huống có vấn đề thì khâu yếu nhất của học viên là huy động tri
thức kinh nghiệm có liên quan, trên cơ sở đó sàng lọc, chọn lựa, hình thành nên
các phương án giải quyết. Chính vì thế trình độ kỹ năng giải quyết tình huống sư
phạm của học viên đạt ở mức thấp.
1.4.4. Những yếu tố gây trở ngại làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc
giải quyết tình huống sư phạm của học viên năm thứ tư đào tạo cơ bản
Trường Sĩ quan Lục quân 1
* Tri thức tâm lý – giáo dục và vốn kinh nghiệm là yếu tố gây trở ngại lớn
nhất; đây là yếu tố vô cùng quan trọng, là cơ sở lý luận vững chắc để xây dựng
nên phương án giải quyết đúng đắn, có hiệu quả giáo dục.
* Vốn ngôn ngữ và khả năng diễn đạt của học viên cũng còn nhiều hạn chế.
Đây cũng là một nguyên nhân góp phần kéo theo trình độ kỹ năng giải quyết tình
huống sư phạm của học viên xuống thấp.
* Thiếu tự tin, e ngại trước tập thể cũng là trạng thái tâm lý gây trở
ngại lớn đối với học viên trong quá trình giải quyết tình huống sư phạm.
Nhiều học viên khi đứng trước tập thể thường tỏ ra lúng túng, bối rối,
không biết giải quyết vấn đề ra sao.
* Chưa làm chủ được trạng thái tâm lý của bản thân cũng là yếu tố gây ảnh
hưởng lớn đối với hiệu quả quá trình giải quyết tình huống sư phạm của học viên.
* Khả năng huy động vốn kiến thức và kinh nghiệm của học viên. Khi
đứng trước một tình huống sư phạm cụ thể, học viên không biết bắt đầu từ đâu.
Kết luận chương 1
Căn cứ vào cơ sở lý luận và thực tiễn kỹ năng giải quyết tình huống sư
phạm của học viên đào tạo cơ bản Trường Sĩ quan Lục quân 1, đề tài xây dựng hệ
thống các khái niệm về kỹ năng, tình huống, tình huống có vấn đề, tình huống sư
phạm, kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm, phát triển kỹ năng giải quyết tình
huống sư phạm,…Đồng thời, đề tài đã tìm hiểu được thực trạng về nhận thức, thái
độ và kết quả kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm của học viên, trên cơ sở đó
cũng đã tìm ra được những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kỹ năng giải quyết tình
huống sư phạm.
Chương 2
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM
CỦA HỌC VIÊN ĐÀO TẠO CƠ BẢN TRƯỜNG SĨ QUAN LỤC QUÂN 1
2.1. Nâng cao nhận thức cho học viên về kỹ năng giải quyết
tình huống sư phạm
* Cơ sở của giải pháp
Theo tâm lý học Mác xít, nhận thức đúng là cơ sở dẫn đến thái độ đúng và
hành vi đúng.
* Vị trí, vai trò
Nâng cao nhận thức về kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm có vị trí
vai trò quan trọng giúp cho học viên có cơ sở để xây dựng thái độ đúng đắn và
quyết tâm rèn luyện kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm.
* Nội dung của giải pháp
Thông qua giảng dạy kiến thức tâm lý học quân sự, giáo dục học quân sự,
giáo viên trang bị hệ thống kiến thức về kỹ năng, tình huống có vấn đề, kỹ năng
giải quyết tình huống sư phạm,…cho học viên.
* Yêu cầu của giải pháp
- Chuẩn bị tốt nội dung và phương pháp giảng dạy
- Phát huy tính tích cực của học viên
- Tạo ra những tình huống sư phạm và hướng dẫn học viên giải quyết.
2.2. Tổ chức các buổi toạ đàm và thi nghiệp vụ huấn luyện
* Cơ sở của giải pháp
Thông qua hoạt động và bằng hoạt động, nhân cách quân nhân được hình
thành và phát triển.
* Vị trí, vai trò
Toạ đàm và thi nghệp vụ huấn luyện là biện pháp ảnh hưởng trực tiếp
trong sự hình thành và phát triển kỹ năng sư phạm. Thông qua các hoạt động này,
học viên biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết nhanh chóng các tình huống
sư phạm nảy sinh.
* Nội dung giải pháp
- Các buổi toạ đàm bao gồm các chủ đề về giáo dục. Học viên trên cương
vị là người chỉ huy tiến hành giải quyết các tình huống trong thực tiễn quản lý chỉ
huy ở đơn vị.
- Thi nghiệp vụ huấn luyện: Học viên trên cương vị là người chỉ huy, tổ
chức huấn luyện cho chiến sỹ.
* Yêu cầu của giải pháp
- Các đơn vị học viên kết hợp với giáo viên tổ chức và đánh giá, phân loại
khách quan, chính xác.
- Phát huy tính linh hoạt, sáng tạo của mỗi học viên trong việc giải quyết
các tình huống sư phạm.
- Xác định thời gian hợp lý, nhất là thời điểm trước khi đi thực tập.
2.3. Tăng cường dạy học nêu vấn đề
* Cơ sở của giải pháp
Tư duy bao giờ cũng mang tính sáng tạo, tư duy sáng tạo được hình thành
trên cơ sở tính tích cực nhận thức của nhu cầu và sự khát khao nhận thức, được
bắt đầu từ trong tình huống có vấn đề.
* Vị trí, vai trò
Dạy học nêu vấn đề có vị trí, vai trò quan trọng đến việc phát triển kỹ năng
giải quyết tình huống sư phạm cho học viên.
* Nội dung giải pháp
Thông qua các câu hỏi nêu vấn đề, tình huống có vấn đề, học viên huy
động những tri thức và kinh nghiệm để giải quyết, trên cơ sở đó phát triển tư duy
sáng tạo và kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm.
* Yêu cầu của giải pháp
Vấn đề mà giảng viên nêu ra phải đảm bảo tính vừa sức; học viên có nhu
cầu muốn được giải quyết; có liên hệ với những cái đã biết.
2.4. Tăng cường các buổi thực hành sư phạm quân sự
* Cơ sở của giải pháp
Xuất phát từ lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên lý
giáo dục của Đảng cộng sản Việt Nam: Học đi đôi với hành…
* Vị trí, vai trò: Thực hành là khâu có ý nghĩa quyết định nâng cao chất
lượng huấn luyện. Thực hành sư phạm quân sự giúp cho các học viên có những
hiểu biết và kỹ năng sư phạm, phục vụ tốt cho quá trình chỉ huy, lãnh đạo.
* Nội dung giải pháp
- Học viên trên cương vị là trung đội trưởng giải quyết các tình huống sư
phạm trên thao trường, bãi tập.
- Học viên trên cương vị là trung đội trưởng - tổ trưởng đảng xử lý các
tình huống công tác đảng, công tác chính trị trong thực hành, diễn tập…
* Yêu cầu của giải pháp
- Xây dựng kế hoạch thực hành một cách khoa học, cụ thể.
- Trang bị đầy đủ kiến thức lý thuyết cho học viên trước khi thực hành.
- Duy trì tốt việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hành.
2.5. Cán bộ quản lý chỉ huy các cấp trong quản lý giáo dục học viên
năm thứ tư phải có kỹ năng tốt trong việc giải quyết các tình huống sư phạm
* Cơ sở của giải pháp
Các chủ thể tác động giáo dục đến học viên bao gồm một hệ thống chủ thể như
đội ngũ giáo viên, các phòng ban, đội ngũ cán bộ quản lý chỉ huy các cấp,…trong đó
đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý chỉ huy các cấp như trung đội, đại đội, tiểu đoàn,…
* Vị trí, vai trò
Kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm của đội ngũ cán bộ quản lý chỉ
huy các cấp có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kỹ năng giải quyết tình
huống sư phạm của học viên.
* Nội dung của giải pháp
Các tình huống sư phạm nảy sinh trong hoạt động quản lý chỉ huy, trong
hội họp, các hoạt động sinh hoạt tập thể,…Cán bộ chỉ huy các cấp cần có kỹ
năng giải quyết các tình huống sư phạm, cụ thể:
- Kỹ năng phát hiện mâu thuẫn
- Kỹ năng huy động tri thức, kinh nghiệm có liên quan đến tình huống cần
giải quyết
- Kỹ năng hình thành các phương án giải quyết
- Kỹ năng lựa chọn phương án giải quyết tối ưu
- Kỹ năng kiểm tra, đánh giá
* Yêu cầu của giải pháp
- Cán bộ quản lý chỉ huy các cấp phải thường xuyên trau dồi kiến thức,
đặc biệt nắm chắc kiến thức tâm lý học quân sự, giáo dục học quân sự; công tác
đảng, công tác chính trị làm cơ sở cho việc giải quyết các tình huống sư phạm.
- Cán bộ quản lý chỉ huy cần đưa học viên vào trong các tình huống sư
phạm cụ thể để họ giải quyết, qua đó phát triển kỹ năng.
Kết luận chương 2
-Trên đây là năm giải pháp cơ bản giúp cho việc phát triển kỹ năng giải
quyết tình huống sư phạm của học viên năm thứ tư đào tạo cơ bản trường Sĩ
quan Lục quân 1.
- Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
- Việc giải quyết thành công các tình huống sư phạm nảy sinh trong hoạt
động huấn luyện, giáo dục của sĩ quan chỉ huy tham mưu có ý nghĩa to lớn trong
việc xây dựng và củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa người chỉ huy và chiến sĩ;
góp phần quan trọng xây dựng đơn vị vững mạnh, toàn diện. Do vậy học viên
trường Sĩ quan lục quân 1 nói chung, học viên năm thứ tư đào tạo sĩ quan chỉ
huy tham mưu bậc đại học nói riêng phải nắm vững các tri thức tâm lý học quân
sự; giáo dục học quân sự; công tác đảng, công tác chính trị và các môn quân sự
làm cơ sở cho việc giải quyết các tình huống sư phạm nảy sinh.
- Quá trình giải quyết một tình huống sư phạm trong hoạt động huấn luyện,
giáo dục của người chỉ huy thực chất là quá trình tư duy nhằm giải quyết một tình
huống có vấn đề nảy sinh. Quá trình này bao gồm 5 khâu, tương ứng với 5 kỹ
năng bộ phận tạo nên kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm. Như vậy, kỹ năng
giải quyết tình huống sư phạm là một tổ hợp nhiều kỹ năng bộ phận, là sự thực
hiện có kết quả hành động giải quyết tình huống sư phạm bằng cách vận dụng
những tri thức, kinh nghiệm về hành động này để thực hiện phù hợp với điều kiện
cho phép.
- Nhiều học viên chưa nhận thức đúng khái niệm tình huống sư phạm, thái
độ rèn luyện kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm chưa tích cực.
- Trong các khâu kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm của học viên
năm thứ tư đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu bậc đại học, trường Sĩ quan
Lục quân 1 thì khâu huy động tri thức, kinh nghiệm có liên quan và khâu
kiểm tra đánh giá là yếu kém nhất.
- Sau thực nghiệm tác động sư phạm, kỹ năng giải quyết tình huống sư
phạm của học viên năm thứ tư đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu bậc đại học,
trường Sĩ quan Lục quân 1 đã được nâng lên. Kỹ năng huy động tri thức, kinh
nghiệm và kỹ năng kiểm tra, đánh giá đã được cải thiện đáng kể.
- Trong quá trình giải quyết tình huống sư phạm, học viên năm thứ tư đào
tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu bậc đại học, trường Sĩ quan Lục quân 1 thường gặp
một số trở ngại tâm lý nhất định làm ảnh hưởng đến hiệu quả đạt được như vốn tri
thức về tâm lý học quân sự; giáo dục học quân sự; công tác đảng, công tác chính
trị,…và vốn kinh nghiệm còn hạn chế. Vốn ngôn ngữ và khả năng diễn đạt; thiếu
tự tin, e ngại trước tập thể; chưa làm chủ được trạng thái tâm lý của bản thân; khả
năng huy động vốn kiến thức, kinh nghiệm đã có…
- Học viên năm thứ tư đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu bậc đại học,
trường Sĩ quan Lục quân 1 mà chúng tôi chọn làm khách thể nghiên cứu có tính
đặc thù riêng. Chúng tôi tin rằng nếu họ được rèn luyện thường xuyên và hợp lý
sẽ trở thành những cán bộ chỉ huy có trình độ, kỹ năng giải quyết tốt các tình
huống sư phạm trong công tác huấn luyện, giáo dục chiến sĩ.
2. Kiến nghị
* Đối với Cục nhà trường
Trong khi xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện cần quan
tâm hơn nữa đến việc rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ nói chung, kỹ năng
giải quyết tình huống sư phạm nói riêng cho học viên đào tạo sĩ quan chỉ
huy tham mưu bậc đại học.
* Đối với Trường Sĩ quan Lục quân 1
Phải luôn coi trọng việc rèn luyện kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm
cho học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu bậc đại học, đặc biệt là học viên
năm thứ tư. Cử giáo viên có khả năng chuyên trách công tác này; tổ chức sưu tầm
và biên soạn các tài liệu cho học viên nghiên cứu, tham khảo. Đồng thời, nhà
trường cần kết hợp các biện pháp khác như: tổ chức các buổi toạ đàm; tăng cường
các giờ học thực hành; tổ chức thi nghiệp vụ huấn luyện; không ngừng đổi mới
phương pháp huấn luện phát huy tính tích cực của học viên.
* Đối với đội ngũ giáo viên
Phải giúp học viên không chỉ nhận thức được tầm quan trọng mà phải
có thái độ đúng đắn và hành động tích cực trong việc rèn luyện kỹ năng
giải quyết tình huống sư phạm. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần
gây được hứng thú cho học viên, hướng dẫn họ vận dụng những kiến thức
đã học vào giải quyết tình huống sư phạm cụ thể, đồng thời giúp học viên
vượt qua những trở ngại tâm lý của bản thân…
* Đối với học viên
Để đạt được hiệu quả như mong muốn trong việc giải quyết các tình huống
sư phạm, bản thân mỗi học viên cần có ý thức học hỏi, rèn luyện kỹ năng này.
Đồng thời, học viên phải không ngừng trau dồi kiến thức, trình độ nhận thức, kinh
nghiệm thực tiễn,…bởi đó là những yếu tố giúp cho học viên có khả năng tư duy
nhanh, xử lý linh hoạt, chính xác các tình huống sư phạm nảy sinh.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Cao Đàm (2003), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb
Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
2. Trung Nguyên (2005), Phương pháp luận nghiên cứu, Nxb Lao động –
xã hội, Hà Nội.
3. Trần Đình Tuấn (chủ biên), (2008), Phương pháp luận nghiên cứu khoa
học, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
4. Phạm Viết Vượng (2000), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb
Đại học Quốc Gia, Hà Nội.