Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

phòng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm với việc hình thành năng lực nghề cho sinh viên sư phạm

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (84.22 KB, 4 trang )

PHÒNG RÈN LUYỆN NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM VỚI
VIỆC HÌNH THÀNH NĂNG LỰC NGHỀ CHO
SINH VIÊN SƯ PHẠM
1. Năng lực nghề giáo viên và hình thành năng lực nghề
Xét cho cùng, một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác giáo dục, trong đó có đào
tạo, là hình thành năng lực cá nhân người học để có thể đáp ứng yêu cầu mới của xã hội.
Năng lực được xem xét từ góc độ thuộc tính của nhân cách. Ngay từ thuở xa xưa, người
ta đã luôn cố gắng để tìm hiểu khám phá bản thân hay khám phá năng lực của chính
mình.
Khoa học càng tiến bộ, người ta càng muốn tìm hiểu mình và rồi vẫn không ngừng tiếp
tục tìm kiếm khám phá năng lực mới, vượt trội trong điều kiện sống mới. Khi nói đến
năng lực, người ta hàm chỉ đến khả năng của cá nhân phù hợp với từng ngành nghề trong
lĩnh vực hoạt động cụ thể. Những khả năng này giúp cho con người hoạt động có hiệu
quả, đạt được kết quả cao như mong muốn, ví như vận động viên nhảy xa có khả năng
vận động để đạt được thành tích cao trong thi đấu, vượt trội những người khác.
Theo Cosmovici thì: “Năng lực là tổ hợp đặc điểm của cá nhân, giải thích sự khác biệt
giữa người này với người khác ở khả năng đạt được những kiến thức và hành vi nhất
định”. Còn A.N.Leônchiev cho rằng: “Năng lực là đặc điểm cá nhân quy định việc thực
hiện thành công một hoạt động nhất định”. GS.TS Nguyễn Quang Uẩn viết: “Năng lực là
tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân, phù hợp với những yêu cầu của một hoạt động
nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó có kết quả tốt”.
Một người giáo viên có năng lực là người hiểu rõ đối tượng giáo dục của mình (hiểu các
đặc điểm phát triển tâm sinh lý theo lứa tuổi; hiểu rõ phương thức học của học sinh/ hay
các em học như thế nào? Nội dung giáo dục nào là phù hợp với khả năng tiếp nhận? Tổ
chức cho các em học như thế nào là hiệu quả nhất? ); Biết cách tổ chức cho các em học
tập đạt hiệu quả (lập kế hoạch dạy học, thực hiện các họat động dạy học và giáo dục, tổ
chức môi trường học tập thân thiện, quản lý và điều khiển lớp học có hiệu quả…); Đánh
giá và hiểu rõ sự tiến bộ/ sự thành đạt của các em so với mục tiêu đặt ra (sự thành công
trong nhận thức và năng lực hoạt động tư duy của học sinh, khả năng giải quyết vấn đề,
sự tiến bộ trong phát triển ngôn ngữ hay các mặt khác mà mục tiêu giáo dục đặt ra); đào
sâu một số nội dung dạy học và giáo dục để có thể nâng cao trình độ của học sinh (xác


địng phạm vi dạy học hay giáo dục phù hợp với trình độ, kinh nghiệm người học và nâng
cao đến mức nào? ); giao tiếp với học sinh và đồng nghiệp đảm bảo sự phát triển của
học sinh và bản thân; năng lực học tập nâng cao trình độ cá nhân và phát triển chuyên
môn của đồng nghiệp…
Từ những điều trên, có thể khẳng định rằng năng lực là khả năng làm việc của người giáo
viên có ảnh hưởng hay tác động hiệu quả đến sự phát triển của học sinh và những người
xung quanh.
Vậy có thể thấy:
- Năng lực là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân, thuộc tính tâm lí cá nhân và là
điều kiện thực hiện có kết quả một họat động xác định. Nói tới năng lực là đề cập đến khả
năng có thể đạt được kết quả tốt trong hoạt động cụ thể mà cá nhân thực hiện (năng lực
học tập; năng lực làm việc trong một nghề riêng biệt; năng lực tổ chức quản lý;…)
- Năng lực của mỗi cá nhân được tôi luyện và phát triển trong họat động cụ thể trên cơ sở
của tiềm năng sẵn có nào đó của từng cá nhân. Năng lực nghề nghiệp được hình thành và
phát triển trong môi trường nghề cụ thể nào đó (nghề bác sĩ, nghề thiết kế/ thi công xây
dựng, nghề dạy học, nghề trồng trọt/ chăn nuôi…). Muốn hình thành năng lực nhất thiết
phải gắn trong họat động cụ thể và phù hợp.
- Năng lực còn mang đậm màu sắc cá nhân bởi nó phụ thuộc vào tiền tố của từng người
(cấu trúc sinh lí thần kinh, kinh nghiệm và vốn hiểu biết, tình cảm, phẩm chất tâm lí…),
mặc dù được trải nghiệm trong hoạt động giống nhau. Tố chất cá nhân chi phối và tạo
nên sự khác biệt giữa các cá nhân và năng lực riêng của từng người. Năng lực thể hiện ở
các mức độ khác nhau.
- Năng lực của giáo viên là những thuộc tính riêng, độc đáo của người làm nghề dạy học
và giáo dục. Giáo viên thực hiện hoạt động dạy học (mà trong hoạt động này có sự tương
tác giữa thầy – trò; trò – trò) để tạo ra sản phẩm là nhân cách của học sinh.
- Giáo viên không chỉ đóng vai trò là người truyền thụ kiến thức, dạy học sinh cách học
để chiếm lĩnh kiến thức và kĩ năng cho bản thân, mà phẩm chất và năng lực của giáo viên
cũng là tấm gương, hình tượng có ý nghĩa tác động đến hình thành và phát triển nhân
cách của học sinh.
2. Chức năng của phòng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm đối với việc hình thành năng

lực nghề giáo viên
Như trên đã trình bày, năng lực được hình thành và phát triển trong một môi trường hoạt
động nhất định. Song ngoài chương trình đào tạo rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, người
hướng dẫn… thì môi trường (môi trường phòng/ lớp, trang thiết bị cơ sở vật chất, môi
trường tâm lí của sinh viên và giảng viên sư phạm…) tạo nên điều kiện cần thiết để sinh
viên có cơ hội thực hành, trải nghiệm, rèn luyện tay nghề dạy học và giáo dục theo nhiều
cách khác nhau.
Nghề sư phạm là một nghề mang tính chuyên nghiệp với những kĩ năng sư phạm riêng
(kĩ năng giảng dạy và giáo dục học sinh). Những kĩ năng này được hình thành và phát
triển trong suốt quá trình đào tạo ở trường sư phạm và tiếp tục hoàn thiện dần trong quá
trình hoạt động nghề nghiệp. Việc hình thành và phát triển kĩ năng nghề không chỉ qua
những bài giảng về tâm lý hay giáo dục học, mà còn được rèn luyện trong môi trường
thực hành nghề mang tính hệ thống, chuyên môn sâu theo chương trình đào tạo, quy trình
và môi trường chuẩn mực nhất định – phòng nghiệp vụ sư phạm ở trường sư phạm.
Phòng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm là một phòng chuyên môn, mà ở đó giảng viên và
sinh viên thực hiện những nhiệm vụ nhất định. Do đó phòng rèn luyện nghiệp vụ sư
phạm có những chức năng giúp sinh viên:
+ Có thể quan sát các hoạt động dạy và học của học sinh và giáo viên, mối quan hệ tương
tác giữa thầy – trò; trò – trò với nhau: những biểu hiện tâm lý của học sinh trong quá trình
họat động, những thao tác của học sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những hành
động dạy học của giáo viên, quan hệ giao tiếp… Trong quá trình quan sát đối tượng giáo
dục dần hình thành cho sinh viên kĩ năng quan sát và hiểu đối tượng dạy học và giáo dục.
+ Có những điều kiện để nghiên cứu bài học, nghiên cứu những tài liệu tham khảo
chuyên môn. Từ đó sinh viên có thể tập lập kế hoạch dạy học và giáo dục dưới sự hỗ trợ
giúp đỡ của giảng viên, chuẩn bị giáo án hay kế hoạch hoạt động giáo dục, tùy theo mục
đích đặt ra. Vào đây, sinh viên có những tài liệu tham khảo, trao đổi với bạn bè và chuẩn
bị giáo án cho chính mình.
+ Chuẩn bị những điều kiện để dạy học hay tổ chức họat động GD như: chuẩn bị và làm
đồ dùng dạy học, tập sử dụng đồ dùng dạy học, các tài liệu ấn phẩm, tranh/ ảnh, các vật
liệu, sa bàn, luyện cách sử dụng dụng cụ thí nghiệm và phối kết hợp với việc trình bày

diễn giải hay ra câu hỏi thảo luận, luyện cách viết bảng, tập sử dụng các thiết bị nghe
nhìn hiện đại
+ Tập giảng và rèn luyện các kĩ năng cụ thể như: kĩ năng trình bày bảng và lời nói; kĩ
năng trìnhh bày bằng lời nói; kĩ năng biểu đạt; kĩ năng ra câu hỏi; kĩ năng kết hợp giảng
dạy với sử dụng đồ dùng thiết bị dạy học, kĩ năng tổ chức thảo luận nhóm…
+ Thực hành giảng dạy, đóng vai trước khi đi xuống thực tập tốt nghiệp tại trường mầm
non, phổ thông. Việc thực hành giảng dạy kết hợp ghi hình để sinh viên có thể nghiên
cứu, xem lại băng hình, trao đổi rút kinh nghiệm sau thực hành. Việc ghi hình giúp cho
sinh viên và giảng viên có cơ hội xem lại, phân tích sâu sắc những thành công và bài học
rút kinh nghiệm – là điều kiện để sinh viên tập luyện trước khi thực tập tốt nghiệp tại
trường mầm non, phổ thông.
Xét từ khía cạnh môn học, ngành học hay bậc học cho thấy: mỗi khoa học và phương
pháp giảng dạy môn học có những đặc điểm riêng: có những môn đòi hỏi việc giảng giải
kết hợp với làm thí nghiệm, thực nghiệm (môn hóa học, vật lí học, sinh học…) nhưng có
những môn học có liên quan nhiều đến việc sử dụng sa bàn, tranh ảnh, thậm chí cả trang
thiết bị nghe nhìn như: xem phim, xem video, nghe băng nhạc… (môn lịch sử, địa lí, văn
học, âm nhạc…). Vì vậy mà phòng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên của từng
khoa (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non) có
những yêu cầu và tiêu chuẩn khác biệt, phù hợp với công tác đào tạo nhằm hình thành tay
nghề của giáo viên một cách phù hợp.
3. Một số yêu cầu và tiêu chuẩn (dự kiến) của phòng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm đối
với việc hình thành năng lực nghề giáo viên
Chính vì những chức năng riêng biệt, khác với các phòng học bình thường, nên phòng
rèn luyện NVSP cần có cấu trúc không gian với những tiêu chuẩn riêng về trang thiết bị
và đồ dùng chuyên biệt. Có thể nói phòng rèn luyện NVSP cần đảm bảo theo những tiêu
chuẩn kĩ thuật nhất định nhằm thực hiện được chức năng rèn luyện kĩ năng tay nghề cho
sinh viên sư phạm để sau khi tốt nghiệp, họ có được những kĩ năng cơ bản của người GV,
nhanh chóng tham gia vào hoạt động nghề giáo dục.
a/ Về không gian.
- Về phòng/ lớp có không gian đủ rộng để sinh viên và giảng viên có thể tổ chức họat

động thoải mái và thuận tiện, phù hợp với mục đích rèn luyện;
- Không gian đủ rộng phù hợp với số lượng học sinh và giáo viên, tạo một không gian
như một lớp học bình thường.
- Nếu có thể có 2 – 3 phòng riêng biệt để người ngồi quan sát (bên ngoài) hoặc thực hiện
những công việc khác mà không ảnh hưởng đến họat động dạy học của học sinh và giáo
viên khi tiến hành tiết học.
b/ Về trang thiết bị, đồ dùng dạy học.
- Trang thiết bị đồ dùng dạy học của giáo viên và học sinh của lớp học bình thường: bảng
phấn, bàn ghế, tủ.
- Máy móc (máy tính, máy chiếu, trang thiết bị nghe nhìn…)
- Đồ dùng thí nghiệm, đồ dùng rèn luyện kĩ năng (đàn, đồ dùng vẽ, thiết bị thí nghiệm lí,
hóa, sinh…)
- Máy ảnh, máy quay, ghi băng hình, camera…
c/ Trường sư phạm và trường mầm non, phổ thông theo mô hình liên kết đào tạo. Các
phòng học có kết cấu chuyên biệt sao cho sinh viên có thể quan sát được họat động giữa
giáo viên và học sinh, học sinh với học sinh trong quá trình tương tác.
Kết luận
Xây dựng phòng rèn luyện nghiệp vụ cho sinh viên sư phạm đóng vai trò quan trọng
trong việc hình thành năng lực dạy học và giáo dục. Song cấu trúc, thiết kế và trang bị
cho các phòng này đảm bảo việc rèn luyện tay nghề dạy học và giáo dục, nhưng đồng
thời cũng cần chú ý đến những đặc thù riêng của bộ môn khoa học mà giáo viên sẽ đảm
nhận công việc giảng dạy. Đồng thời mô hình liên kết đào tạo giữa trường sư phạm với
trường mầm non, phổ thông cũng cần được trang bị theo những tiêu chuẩn đặc thù.

×