CẦN PHẢI ĐƯA NỘI DUNG GIÁO DỤC VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG
VÀO CHƯƠNG TRÌNH RÈN LUYỆN NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM
1. Đặt vấn đề
Văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Trong tất
cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội đều có những giá trị văn hóa của nó. Chẳng hạn
như: văn hóa công sở, văn hóa giao thông, văn hóa ẩm thực, văn hóa giao tiếp…,
trong đó có văn hóa học đường. Tất cả những điều này mỗi con người đều phải học
để trở thành một con người có văn hóa. Mỗi người sống có văn hóa mới tạo ra một xã
hội có văn hóa. Xã hội sống có văn hóa mới phát triển và hạnh phúc được.
Văn hóa bao giờ cũng gắn với giáo dục và giáo dục luôn đi liền với văn hóa. Đây
là những hiện tượng đặc trưng của xã hội loài người, chỉ có loài người mới có, là điều
kiện cho sự tồn tại và phát triển của cá nhân, cộng đồng và xã hội. Xã hội loài người
muốn tồn tại và phát triển thì phải duy trì, bảo tồn và phát triển giáo dục và văn hóa.
Người ta hay nói đến 3 loại hành vi của mỗi con người trong cách ứng xử với
người khác, với cộng đồng xã hội và với môi trường xung quanh. Đó là hành vi đạo
đức, hành vi pháp luật và hành vi văn hóa. Hành vi đạo đức là những hành vi tự
nguyện, làm theo lương tâm của cá nhân. Hành vi pháp luật là hành vi bắt buộc cá
nhân phải tuân thủ theo quy định của xã hội. Hành vi văn hóa không phải là một hành
vi riêng mà nó có thể là hành vi đạo đức hay hành vi pháp luật nhưng được chủ thể
thực hiện với một mức độ thẩm mĩ nhất định. Đây là cơ sở để chúng ta hiểu về hành
vi văn hóa nói chung và văn hóa học đường nói riêng.
2. Khái niệm về văn hóa học đường
Thuật ngữ "văn hóa học đường" xuất hiện chưa lâu, nhưng nội dung của văn hóa
học đường thì các nhà trường ở Việt Nam từ xa xưa đã có và trở thành các truyền
thống quý báu của dân tộc ta như: Tôn sư trọng đạo, kính thầy yêu bạn, nhất tự vi sư
bán tự vi sư, kính trên nhường dưới. Hiện nay, các nhà nghiên cứu, tùy theo góc độ,
mục đích nghiên cứu cụ thể đã đưa ra khá nhiều khái niệm về văn hóa học đường.
Văn hóa học đường đang là một vấn đề thời sự nổi cộm không chỉ trong các nhà
trường mà trong cả toàn xã hội chúng ta hiện nay. Hiện tượng sinh viên, học sinh có
những hành vi lố lăng, đánh mất vẻ đẹp văn hóa ở trường lớp, ở nơi công cộng, ở kí
túc xá… là khá phổ biến. Thực trạng này có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau,
nhưng chắc chắn có một nguyên nhân đó là do “văn hóa học đường chưa được đưa
vào phạm vi quản lí của nhà trường chúng ta, chưa có tiêu chí, chưa ai khảo sát, đánh
giá…”
Theo Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc " Văn hóa học đường là hệ thống các
chuẩn mực, giá trị giúp các cán bộ quản lý nhà trường, các thầy cô, các vị phụ huynh
và các em học sinh, sinh viên có cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp".
Mục tiêu chung nhất của văn hóa học đường là xây dựng trường học lành mạnh - cơ
sở quan trọng để đảm bảo chất lượng thật.
1
Theo ý kiến của GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng: có 3 nội dung của văn hóa học
đường cần phải tiến hành ngay.
- Thứ nhất là cơ sở vật chất, trường phải ra trường, lớp phải ra lớp mới tạo ra được
môi trường văn hóa.
- Thứ hai là xây dựng môi trường giáo dục, tạo ra “nhà trường thân thiện, học sinh
tích cực”, “xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả…”.
- Thứ ba, tạo ra môi trường “văn hóa ứng xử”, “văn hóa giao tiếp” trong nhà
trường, làm cho học sinh, sinh viên ngoan ngoãn, lễ phép, lịch thiệp, nền nếp, kính
trên, nhường dưới…
Thực ra, giáo dục hành vi văn hóa học đường là tạo ra những nét đẹp trong hành
vi của học sinh, sinh viên đối với các mối quan hệ thầy trò, bạn bè với nhau và quan
hệ với môi trường xung quanh. Chính vì vậy, nội dung văn hóa học đường được thể
hiện trong các mối quan hệ với chính mình, với người khác, với công việc, với môi
trường xung quanh. Ví dụ, thầy giáo thì phải mô phạm, đức độ, mẫu mực trong hành
vi, đối với đồng nghiệp phải khiêm tốn, đoàn kết, nhân ái…, đối với học trò phải hết
lòng thương yêu, chỉ bảo, đối với người khác phải giản dị, mẫu mực, đối với công
việc phải tận tụy, có kỉ luật, sáng tạo…, đối với môi trường phải giữ gìn sự trong sạch
của cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Học sinh thì không được kiêu căng,
tự cao, tự đại mà phải trung thực, cầu tiến, giản dị, khiêm tốn…, đối với thầy cô giáo
phải kính trọng, biết ơn…, đối với bạn cùng trường, cùng lớp phải đoàn kết, thân ái,
phải biết kính trên, nhường dưới…
Nói tóm lại, văn hóa học đường là những nét đẹp trong toàn bộ môi trường sư
phạm: từ môi trường cơ sở vật chất, môi trường quan hệ, môi trường công việc.
Những nét đẹp đó được thể hiện trong hành vi của thầy, của trò của cán bộ quản lí và
nhân viên trong nhà trường.
Khi phát động phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích
cực", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nói rõ: phong trào này nhằm "thiết lập
lại môi trường sư phạm với 6 đặc trưng là trật tự kỷ cương, trung thực, khách quan,
công bằng, tình thương và khuyến khích sáng tạo, hiệu quả". Đây là nội dung rất cơ
bản của văn hóa học đường. Tác dụng tích cực của văn hóa học đường là xây dựng
nhân cách cho học sinh, sinh viên chống lại lối sống tiêu cực. Chính vì thế, mỗi nhà
trường cần phải xây dựng văn hóa học đường của mình.
Tuy nhiên, thực tế biểu hiện của văn hóa học đường ở một số trường học đang còn
nhiều vấn đề bức xúc, cần phải suy ngẫm. Chưa nói đến việc xây dựng cơ sở vật chất
trường học khang trang, đạt chuẩn do điều kiện kinh tế hoặc diện tích xây dựng
trường học của chúng ta ở một số địa phương còn nhiều khó khăn mà ta chỉ tạm bàn
tới hai vấn đề: Xây dựng môi trường giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp
- những nội dung này không cần nhiều tiền cũng có thể làm tốt được. Bất cứ ai quan
tâm đến giáo dục cũng có thể chỉ ngay ra được những nơi chưa tốt về môi trường giáo
dục, chúng ta ai cũng thấy rất nhiều điều không phù hợp, thậm chí ảnh hưởng xấu đến
môi trường giáo dục, cụ thể như các hiện tượng: nói xấu người khác; dối trá, nói tục,
chửi thề; cãi vã với cha mẹ, người trên; vô lễ với thầy cô giáo; xả rác bừa bãi; phá
2
hoại môi trường; tiêu pha lãng phí; ham chơi lêu lổng, bỏ học, trốn học đi chơi game,
trộm cắp; đánh nhau; ăn mặc hở hang, sống thử; coi thường pháp luật diễn ra hàng
ngày và ngày càng phổ biến trong các nhà trường. Có thể nói, bộ phận học sinh, sinh
viên có những biểu hiện thiếu văn hóa dường như ngày càng tăng dần.
Văn hóa học đường là môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo
dục thế hệ trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước trở thành những con người
sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp, có nhân cách tốt, có đủ tri thức để trở thành
những công dân tốt, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh. Vì vậy
vấn đề xây dựng văn hóa học đường phải được coi là có tính sống còn, tính cấp bách
và thiết thực đối với từng nhà trường, vì nếu học đường mà thiếu văn hóa học đường
thì không thể làm tốt được chức năng chuyển tải những giá trị kiến thức và nhân văn
cho thế hệ trẻ.
3. Sự cần thiết của việc giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên các trường
sư phạm
Trường sư phạm là nơi đào tạo ra những người giáo viên. Họ là những người có
trách nhiệm chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ trở thành những người có ích cho xã hội.
Đạo đức, tư cách, phẩm chất của người giáo viên có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát
triển nhân cách của thế hệ trẻ. Làm thế nào để đào tạo ra những người giáo viên có
chất lượng cao, giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức
tốt, xứng đáng là tấm gương sáng cho các em noi theo? Chúng tôi cho rằng, giáo dục
hành vi văn hóa học đường cho họ ngay từ khi đào tạo trong nhà trường sư phạm là
hết sức cần thiết.
Giáo dục hành vi văn hóa là một trong những mục tiêu giáo dục quan trọng. Đối
với các trường sư phạm, việc giáo dục hành vi văn hóa lại càng có ý nghĩa. Nó sẽ
giúp cho nhà trường đào tạo ra được những giáo viên có chất lượng. Những giáo viên
này sẽ góp phần vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, con em của nhân dân trở thành
người tốt, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên phải được tiến hành lâu dài, tỉ mỉ,
phải phối hợp chặt chẽ với giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật. Khi thực hiện các
hành vi đạo đức và hành vi pháp luật có độ thẩm mĩ nhất định sẽ tạo ra hành vi văn
hóa.
Nét đẹp văn hóa của hành vi là một trong những thành phần cơ bản trong phẩm
chất của người giáo viên. Người giáo viên không thể có những hành vi lỗ mãng với
đồng nghiệp, với học sinh, với người khác được.
Việc giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên không phải thành môn học, thành
các hoạt động cụ thể của nhà trường. Chúng tôi cho rằng, việc giáo dục văn hóa học
đường phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, ở mọi nơi, mọi lúc. Có thể thông
qua giờ học trên lớp để uốn nắn tư thế tác phong cho sinh viên…, có thể thông qua
các hoạt động tập thể, các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ… Đặc biệt là
thông qua việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên. Các giảng viên phụ trách
cần uốn nắn cho sinh viên lời ăn tiếng nói, cử chỉ, tác phong, ăn mặc… sao cho thật
mô phạm. Việc rèn dũa này, không chỉ có lợi cho bản thân sinh viên mà còn có lợi
3
cho nhiều thế hệ học trò, đối tượng giáo dục của sinh viên với tư cách là người thầy
tương lai sau này.
Muốn có những hành vi có văn hóa thì phải giáo dục và rèn luyện. Việc rèn luyện
phải có mục tiêu, nội dung và phương pháp thực sự khoa học. Các nhà quản lí, các
giảng viên… trong trường sư phạm cần hết sức quan tâm đến vấn đề này. Cần xây
dựng nội dung và những tiêu chí cụ thể và phải đặt ra trong chương trình rèn luyện
nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên…Có như vậy, chúng ta mới hi vọng đào tạo ra được
những người giáo viên có chất lượng cao.
Tóm lại, đã đến lúc chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến giáo dục hành vi văn hóa
cho học sinh, sinh viên, nhất là trong môi trường các trường sư phạm, nơi đào tạo ra
những người giáo viên tương lai cho mọi cấp học. Cần phải xem hành vi văn hóa học
đường là một tiêu chí quan trọng trong nghiệp vụ sư phạm của sinh viên. Các nhà
quản lí, giảng viên, cán bộ trong nhà trường luôn luôn phải có ý thức giáo dục hành
vi văn hóa học đường cho sinh viên.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Minh Hạc, Hội thảo văn hóa học đường – Lí luận và thực tiễn
2. K.D. Peterson (2009), Văn hóa học đường là gì? Mạng google
3. Nguyễn Trần Bạt (2005), Văn hóa và con người, NXB Hội Nhà Văn.
4. Phạm Minh Hạc (2001), Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công
nghiệp hóa và hiện đại hóa.
5. Phan Ngọc (1994), Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, NXB VHTT
6. Phan Thanh Long, Giáo duc văn hóa hoc đường trong các trường Sư phạm,
Trường Đại học sư phạm Hà Nội
4