Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Quan điểm của Ph.Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học và vấn đề phát triển kinh tế tri thức trong thời đại ngày nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (486.65 KB, 27 trang )

1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Phranxi Bêcơn (Francis Bacon, 1561 – 1626) là nhà triết học duy vật Anh,
người sáng lập chủ nghĩa duy vật kinh nghiệm Anh và đồng thời là người tiên
phong mở đường cho khoa học thực nghiệm tự nhiên hiện đại. Các Mác gọi ông là
bố đẻ chính thống của chủ nghĩa duy vật Anh và của toàn bộ khoa học thực
nghiệm hiện đại. Ph.Bêcơn thực sự để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử triết học
nói riêng và lịch sử tư tưởng nói chung với phong cách tư duy mới, thể hiện bước
phát triển tất yếu của tư duy con người trước những biến đổi lớn lao của thực tiễn.
Nước Anh, cũng như toàn thể châu Âu ở thế kỷ XVI – XVII, diễn ra những sự
thay đổi bước ngoặt trong phương thức sản xuất, dẫn đến những sự biến chuyển
trong đời sống tinh thần xã hội.
Tinh thần phê phán và khám phá của triết học Ph.Bêcơn đã ảnh hưởng sâu
rộng đến nền triết học Anh và Tây Âu thế kỷ XVII – XVIII. Đặc biệt, tuyên bố
của ông “Tri thức là sức mạnh” đã trở thành tuyên ngôn của thời đại. Đoạn tuyệt
với triết học kinh viện và các hình thức tri thức trung cổ, các nhà khoa học và
triết học hướng sự nghiên cứu của mình vào việc phục vụ nhu cầu thực tiễn.
Những phát minh khoa học ra đời được ứng dụng rộng rãi, nhằm nâng cao sức
sản xuất xã hội. Các tổ chức, thiết chế khoa học (Science Institutions) được thiết
lập. Tri thức khoa học từng bước giúp con người nhận thức giới tự nhiên, chinh
phục tự nhiên, khẳng định quyền lực con người trước tự nhiên. Với vai trò mở
đường cho tinh thần triết học mới, Ph.Bêcơn đã tạo ra một thời đại sôi động và
cách mạng trong triết học, trở thành ngọn cờ tư tưởng của giai cấp tư sản trong
cuộc đấu tranh chống lại trật tự phong kiến và giáo hội và những uy quyền tư
tưởng trung cổ.
Khẳng định của Ph.Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã
hội suốt mấy thế kỷ qua vẫn tiếp tục được triển khai bởi các trào lưu triết học ở
phương Tây. Thuyết kỹ trị, thuyết hội tụ như hệ quả tất yếu của sự phát triển tư
tưởng của nhân loại trong việc đề cao tri thức khoa học, trí tuệ con người. Sự
phát triển xã hội gắn liền với những thành tựu to lớn của khoa học kỹ thuật và


công nghệ thể hiện năng lực tư duy và sức sáng tạo vô tận của con người. Sau
gần 400 năm, tinh thần triết học Ph.Bêcơn được chứng minh một cách trọn vẹn ở
thời đại của chúng ta – thời đại kinh tế tri thức. Tri thức khoa học đang dường
như trở thành một thứ quyền lực tối thượng trong xã hội ngày nay. Vì thế, việc
tìm hiểu quan điểm của Ph.Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học trong đời sống
xã hội hết sức có ý nghĩa đối với chúng ta trong bối cảnh xây dựng và phát triển
kinh tế tri thức. Trên cơ sở đó, nghiên cứu sinh chọn đề tài “Quan điểm của
Ph.Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học và vấn đề phát triển kinh tế tri thức
trong thời đại ngày nay” làm đề tài luận án tiến sĩ triết học của mình.
2
Nghiên cứu sinh cũng nhận thấy rằng trong cương lĩnh cải tổ tri thức khoa
học, để khoa học thực hiện sứ mệnh của mình là khẳng định quyền lực của con
người trước tự nhiên, thúc đẩy sự phát triển xã hội, Ph.Bêcơn chưa thể tiếp cận
đầy đủ quan điểm lịch sử - cụ thể, quan điểm thực tiễn, do đó những ý tưởng của
ông được triển khai theo từng tác phẩm và chỉ mang tính thông điệp. Tính chất
cụ thể và sâu rộng về vai trò của tri thức khoa học được tiếp tục làm rõ ở các thời
đại sau, đặc biệt là ở chủ nghĩa duy vật lịch sử do C.Mác và Ph. Ăngghen thực
hiện.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Ph.Bêcơn là đại biểu tiêu biểu của chủ nghĩa duy vật Anh thế kỷ XVII –
XVIII. Do đó, các công trình nghiên cứu về lịch sử triết học phương Tây phần
lớn đều đề cập đến thân thế, sự nghiệp, các tác phẩm và tư tưởng triết học của
ông. Các tác giả đều ghi nhận công lao to lớn của Ph.Bêcơn trong việc bảo vệ và
phát triển khoa học đúng với chức năng và nhiệm vụ của nó. Triết học của
Ph.Bêcơn nói chung, quan điểm của Ph.Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học
nói riêng, được tìm hiểu theo hai hướng. Hướng thứ nhất, công bố rộng rãi các
tác phẩm nguyên bản kèm theo giới thiệu một cách tổng thể, khái quát và súc
tích nội dung, giá trị và hạn chế lịch sử của triết học Ph.Bêcơn; Hướng thứ hai,
thực hiện các chuyên khảo về Bêcơn, phân tích từng vấn đề trong học thuyết của
Ph.Bêcơn. Hai hướng nghiên cứu này về Bêcơn diễn ra song song với nhau từ

trước tới nay trên thế giới.
Trước hết, có thể kể đến một số công trình về Ph.Bêcơn của tác giả ngoài
nước như Fulton H. Anderson (1962) với tác phẩm Francis Bacon – His career
and his thought, tác giả Loren Eiseley (1973) với The Man Who Saw Through
Time, tác giả B.Farrington (1999) với Francis Bacon – Philosopher of Industrial
Science, tác giả J.Fourastié với A.Laleuf. Revolution ql’Quest, Pari, tác giả
Stephen Gaukroger với Francis Bacon and the Transformation of Early-morden
Philosophy, tác giả Paolo Rossi với Francis Bacon: from Magic to Science, tác
giả Brian Vikers với Francis Bacon, Brian Vikers, Ed (1996) với Francis Bacon,
Charles Whitney (1986), Francis Bacon and Mordenity
Trong cuốn Francis Bacon – Philosopher of Industrial Science, (New
York), tác giả B.Farrington đã giải thích mục đích chính của Phranxi Bêcơn chủ
yếu là vấn đề thực tiễn và khoa học công nghiệp, thể hiện giá trị to lớn của tư
tưởng triết học của Phranxi Bêcơn trong vấn đề phát triển xã hội. Fulton H.
Anderson trong tác phẩm Francis Bacon – His career and his thought trình bày
khá công phu về cuộc đời hoạt động và nghiên cứu của Phranxi Bêcơn, danh
tiếng và những năm tháng ngồi ở vị trí quan trọng của một nhà chính trị, một số
những công trình của Phranxi Bêcơn, đặc biệt là The New Organon tức Công cụ
mới.
3
Tác giả Paolo Rossi vào năm 1968 phát hành cuốn Francis Bacon: from
Magic to Science. Trong tác phẩm này, tác giả đã bàn về tư tưởng và hoạt động
của Phranxi Bêcơn trong bối cảnh tác động của môi trường văn hoá Tây Âu cũng
như sự ảnh hưởng trở lại của tư tưởng Phranxi Bêcơn với xã hội.
Loren Eiseley (1973) viết The Man Who Saw Through Time được xem như
là sự tri ân của một người Mỹ đối với Phranxi Bêcơn. Ông ca ngợi Phranxi
Bêcơn với tư cách là người mang lại một cách nhìn nhận mới về thế giới với tinh
thần đầy khám phá, phát hoang để tìm đến những vùng đất mới, mà trước hết là
sự thay đổi về cách tư duy.
Charles Whitney (1986) với Francis Bacon and Mordenity đã có sự nghiên

cứu nhiều mặt về Ph.Bêcơn một cách công phu mặc dầu vẫn dừng lại ở mức độ
khái quát những vấn đề mà Ph.Bêcơn khởi xướng. Tác giả nhận định Ph.Bêcơn
đã làm cuộc cách mạng trí tuệ, kết nối quá khứ và hiện tại bằng bản lĩnh và tinh
thần của một phong cách mới. Đây là một tác phẩm có giá trị trong việc tiếp cận
với tư tưởng của Ph.Bêcơn.
Tác giả Will Durant viết về Ph.Bêcơn như một huyền thoại về lòng say mê
khoa học, trong Câu chuyện triết học. Đặc biệt, Các Mác trong “Gia đình thần
thánh” đã nhận định về Ph.Bêcơn với vai trò là người mở đường cho khoa học tự
nhiên hiện đại, cho thấy Ph.Bêcơn là một triết gia có ảnh hưởng to lớn đến sự
phát triển của khoa học và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Sau C.Mác, nhà tương lai học
Anvil Toffler là người ủng hộ, cổ súy cho những quan điểm tích cực, tiên phong
mang tính thực tiễn của Ph.Bêcơn. Ông nhiều lần nhắc đi nhắc lại tinh thần triết
học của Ph.Bêcơn “Tri thức là sức mạnh”. Trong tác phẩm “Thăng trầm quyền
lực” tác giả Anvin Tốphlơ cũng đã nhiều lần nhắc đến mối liên hệ lịch sử giữa
Ph.Bêcơn và thời đại ngày nay - thời đại kinh tế tri thức. Tương tự, trong tác
phẩm “Cú sốc tương lai”, Anvin Tốphlơ đã trích dẫn câu nói được xem như
tuyên ngôn của Ph.Bêcơn “Tri thức là sức mạnh” và nhấn mạnh đặc tính thời đại
của tri thức “Tri thức là biến đổi”.
Tác giả cũng đã tiếp cận những tác phẩm gốc tiếng Anh quan trọng chứa
đựng nguyên tác của Ph.Bêcơn đóng vai trò nền tảng cho luận án gồm “The
English Philosophers from Bacon to Mill”(The Modern Library, 1939), “The
Works of Lord Bacon” (London, 1995), “From Descartes to Kant của T.V.Smith
và Marjorie (1994)”.
Một số tài liệu bằng tiếng Nga viết về Ph.Bêcơn như tác phẩm Bí mật của
“Átlantích mới”của Ph. Bêcơn của Putilov S. trong t/c “Người cùng thời”
(Путилов С. Тайны «Новой Атлантиды» Ф. Бэкона // Наш
современник.1993.№ 2. С.171-176 1993). Đặc biệt quan trọng là quyển
“F.Bacon, Tác phẩm, gồm 2 tập (Фрэнсис Бэкон Сочинения в двух томах.
4
Москва, Мысль, 1971 - 1972) in nhiều tác phẩm quan trọng của Ph.Bêcơn như

Đại phục hồi khoa học, Công cụ mới, Về phẩm giá và sự phát triển của khoa
học… Trong đó, tác giả J.P.Mikhalencô (1975) với Ph.Bêcơn và học thuyết của
ông (Ю. П. Михаленко: Ф.Бэкон и его учение; Издательство “Наука”,
Москва, 1975) đã có nhiều phân tích sắc sảo về Ph.Bêcơn và đánh giá cao vai trò
tư tưởng triết học của ông.
Tại Việt Nam tư tưởng triết học của Ph.Bêcơn được xem xét trong dòng
chảy của lịch sử triết học phương Tây thế kỷ XVII – XVIII, mà Ph.Bêcơn và
R.Đềcáctơ là những người mở đường.
GS.TS Nguyễn Hữu Vui trong Lịch sử triết học (Nhà xuất bản chính trị quốc
gia, Hà Nội, 1998), trình bày khái quát tư tưởng triết học của Ph.Bêcơn về thế
giới quan, nhận thức luận, phương pháp luận. Tác giả đề cập đến học thuyết ảo
tượng của Ph.Bêcơn và việc xây dựng phương pháp mới của ông – phương pháp
qui nạp khoa học. Tác giả Lê Tôn Nghiêm trong “Lịch sử triết học Tây phương”
do nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2000 cũng nhấn mạnh dấu
ấn của Ph.Bêcơn trong lịch sử tư tưởng phương Tây nói riêng và nhân loại nói
chung. Trong cuốn “Lịch sử thế giới cổ trung đại” do Bộ giáo dục và Đào tạo ấn
hành năm 2004, tư tưởng triết học Ph.Bêcơn được xem như điểm xuất phát cho
công cuộc cải tổ môi trường tri thức ở Anh đêm trước của cách mạng tư sản 1640
– 1642. Trong cuốn “Đại cương lịch sử triết học phương Tây” (Nxb Tổng hợp
Tp. Hồ Chí Minh), PGS.TS Đỗ Minh Hợp và PGS.TS Nguyễn Thanh cùng TS.
Nguyễn Anh Tuấn bằng cách tiếp cận lôgic – lịch sử đã phân tích tư tưởng triết
học Ph.Bêcơn trong mối liên hệ với thời đại tư bản chủ nghĩa, đồng thời nhấn
mạnh dấu ấn Bêcơn trong tư tưởng hiện đại. Trước đó, vào những năm sáu mươi
của thế kỷ trước, vai trò của Ph.Bêcơn, R.Đềcáctơ và nhiều nhà tư tưởng cận đại
được nhắc đến, chẳng hạn trong cuốn “Lịch sử triết học thời kỳ tiền tư bản chủ
nghĩa” (Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960).
Những nghiên cứu của PGS.TS Đinh Ngọc Thạch về lịch sử triết học
phương Tây trong cuốn “Đại cương lịch sử triết học phương Tây” (Đại học Tổng
hợp Tp. Hồ Chí Minh, 1993) và các chuyên đề triết học sau đại học chuyên triết
góp phần nhìn nhận Ph.Bêcơn không chỉ từ góc độ người sáng lập triết học cận

đại, mà còn từ góc độ sâu xa của thuyết kỹ trị hiện đại.
Bên cạnh những tác phẩm bàn về tư tưởng triết học Ph.Bêcơn là những tài
liệu nghiên cứu về kinh tế tri thức của rất nhiều tác giả trong nước và trên thế
giới. Có thể kể đến những báo cáo tranh luận tại các Hội thảo về kinh tế tri thức,
những bài viết đăng trên các tạp chí khoa học, diễn đàn, Internet…và các công
trình nghiên cứu của các nhà khoa học… Trong đó, ở Việt Nam đã có rất nhiều
tác giả có uy tín nghiên cứu về kinh tế tri thức, như GS Đặng Hữu với cuốn
“Kinh tế tri thức – Thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam”,
5
Đặng Hữu (2002), “Phát triển kinh tế tri thức rút ngắn quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa”, Tạp chí Cộng sản; Hoàng Thu Hòa (2001), Kinh tế tri thức – Vấn
đề và giải pháp; Lưu Ngọc Trịnh (2002), Bước chuyển sang nền kinh tế tri thức
trên thế giới (Nxb Giáo dục, Hà Nội)…
Mặc dầu các công trình nghiên cứu về Ph.Bêcơn khá phong phú, nhưng hiện
nay chủ yếu là tài liệu ngoài nước, đặc biệt việc xem xét quan điểm của ông về vai
trò của tri thức khoa học cùng ảnh hưởng của quan điểm đó đối với thế giới hiện
đại chưa được đề cập, phân tích có hệ thống. Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc và
phát triển những nghiên cứu của các tác giả về Ph.Bêcơn, luận án đi sâu vào
nghiên cứu quan điểm của Ph.Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học và vấn đề
phát triển kinh tế tri thức trong thời đại ngày nay, với tư cách là một công trình
nghiên cứu độc lập.
3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài
Mục đích của luận án:
Thông qua việc trình bày, phân tích và làm sáng tỏ quan điểm của Ph.Bêcơn
về vai trò của tri thức khoa học, luận án chỉ ra ảnh hưởng và ý nghĩa lịch sử của
nó đối với sự hình thành và phát triển kinh tế tri thức trên thế giới cũng như ở
Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Để đạt được mục đích trên, luận án giải quyết các nhiệm vụ sau:
- Phân tích điều kiện lịch sử và những tiền đề dẫn đến sự hình thành tư
tưởng triết học Ph.Bêcơn nói chung và quan điểm của Ph.Bêcơn về tri thức khoa

học nói riêng.
- Phân tích, làm rõ nội dung và ý nghĩa của Dự án “Đại phục hồi khoa học”
của Ph.Bêcơn, phê phán tri thức kinh viện và các ngẫu tượng của nhận thức, làm
rõ phương pháp luận khoa học của Ph.Bêcơn, khái quát và vạch ra ý nghĩa của
tác phẩm “Átlantích mới”, qua đó thể hiện tư tưởng của Ph.Bêcơn ở ba nội dung:
phê phán và phủ định, xây dựng và thiết kế, vận dụng và hiện thực hoá tri thức
khoa học trong thực tiễn.
- Rút ra ý nghĩa của quan điểm “tri thức là quyền lực” do Ph.Bêcơn xây
dựng, từ đó nêu lên mối liên hệ lịch sử giữa quan điểm về tri thức của Ph.Bêcơn
trong dòng chảy tư tưởng của nhân loại và sự phát triển kinh tế tri thức trong thời
đại ngày nay. Làm rõ tính tất yếu và những vấn đề cơ bản về kinh tế tri thức,
phân tích sự cần thiết cũng như những điều kiện, tiền đề, thực trạng và giải pháp
phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
6
Luận án dựa trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa
duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đồng thời, tác giả sử dụng hệ
thống các phương pháp nghiên cứu khoa học, bao gồm phương pháp phân tích và
tổng hợp, diễn dịch và qui nạp, lôgíc và lịch sử, hệ thống và cấu trúc, so sánh, đối
chiếu, lý luận thống nhất với thực tiễn…
5. Đóng góp mới của luận án
Thứ nhất, với sự nghiên cứu các tác phẩm gốc của Ph.Bêcơn bằng tiếng Anh
và tiếng Nga, luận án đã góp phần giới thiệu tư tưởng của Ph.Bêcơn nói chung và
hệ thống hoá toàn bộ tư tưởng của ông về vai trò của tri thức khoa học và làm rõ
quan điểm nổi tiếng “Tri thức là sức mạnh” của Ph.Bêcơn.
Thứ hai, thông qua trình bày, phân tích toàn bộ tư tưởng của Ph.Bêcơn về
vai trò của tri thức khoa học, luận án đã chỉ ra được giá trị, ảnh hưởng và ý
nghĩa của tư tưởng Ph.Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học đối với sự phát
triển xã hội, đặc biệt là đối với sự phát triển kinh tế tri thức trong thời đại ngày
nay.

Thứ ba, từ luận giải về tính tất yếu của phát triển kinh tế tri thức trên thế giới
và ở Việt Nam, luận án đã góp phần làm rõ những điều kiện, tiền đề, thực trạng
và các giải pháp cho vấn đề phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.
Thứ tư, qua phương pháp nghiên cứu lôgic – lịch sử, luận án đã chỉ rõ dòng
chảy tư tưởng xuyên suốt về vai trò của của tri thức khoa học đối với sự phát
triển xã hội trong lịch sử tư tưởng nhân loại theo tinh thần kế thừa và phát triển.
6. Ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn
Về ý nghĩa lý luận, trên cơ sở trình bày và phân tích quan điểm của
Ph.Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học, luận án góp phần làm rõ hệ thống triết
học của ông. Đặc biệt, luận án chỉ ra mối liên hệ giữa tư tưởng Ph.Bêcơn với quá
trình hiện thực hóa vai trò của tri thức khoa học, mà đỉnh cao là sự ra đời nền
kinh tế tri thức, làm sáng tỏ thêm qui luật kế thừa và phát triển trong lịch sử tư
tưởng nhân loại. Trên cơ sở đó, luận án đề cập đến những luận cứ cho vấn đề
phát triển kinh tế tri thức nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Về ý nghĩa thực tiễn, kết quả nghiên cứu của luận án có giá trị to lớn đối với
việc tìm hiểu lịch sử triết học phương Tây thế kỷ XVII – XVIII, triết học Anh
nói chung và tư tưởng của Ph.Bêcơn nói riêng, góp phần vào thực tiễn xây dựng
và phát triển kinh tế tri thức trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
7. Kết cấu của luận án
7
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, kết cấu luận án bao gồm
3 chương, 8 tiết.
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ, CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ
HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA PHRANXI BÊCƠN
1.1. Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hình thành tư tưởng triết học
của Phranxi Bêcơn
Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, nước Anh, cũng như toàn Tây Âu, diễn
ra những thay đổi mang tính bước ngoặt trong lịch sử. Trước hết là sự biến đổi
trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, dẫn đến những biến đổi trong lĩnh

vực chính trị, xã hội, văn hóa.
Về kinh tế, từ nửa sau thế kỷ XVI, nước Anh trở thành quốc gia điển hình về
tích luỹ tư bản nguyên thuỷ và hình thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông
thôn tại nước Anh. Về chính trị - xã hội, cùng với sự hình thành chế độ chuyên
chế tập quyền, tầng lớp quí tộc mới có khuynh hướng tư sản hoá chiếm vị trí đặc
biệt trong cơ cấu chính trị - xã hội của nước Anh ở đêm trước cách mạng tư sản.
Xã hội nước Anh cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII đã báo trước sự sụp đổ của
chế độ chuyên chế phong kiến, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng tư sản Anh năm
1640. Chính những biến đổi trong đời sống kinh tế, xã hội đã tác động đến đời
sống sinh hoạt tinh thần tại Anh. Các tín đồ Thanh giáo tuyên truyền rộng rãi đạo
đức, tôn giáo mới và những tổ chức chính trị của giai cấp tư sản và quí tộc mới
bậc trung và một số nông dân, bình dân thành thị ra đời.
Như vậy, xét toàn cảnh nước Anh, từ nửa sau thế kỷ XVI, xu hướng cải cách
chính trị, xã hội và đời sống tinh thần đã trở nên phổ biến. Mặc dù Ph.Bêcơn
thuộc về tầng lớp quý tộc, không ủng hộ đổi mới chính trị, song xu thế đổi mới
đời sống xã hội lại tác động đến cách nhìn của ông trong sinh hoạt tư tưởng, nhất
là vấn đề lành mạnh hóa môi trường giáo dục, hình thành quan điểm nhận thức
mới.
1.2. Tiền đề lý luận và tiền đề khoa học hình thành tư tưởng triết học
của Ph. Bêcơn
1

Tiền đề lý luận sâu xa của triết học Ph.Bêcơn là văn hoá Phục hưng, và cùng
với nó là những phát minh khoa học của thời đại, góp phần làm thay đổi tư duy
con người. Tư tưởng triết học Ph.Bêcơn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những thành
quả của khoa học tự nhiên và truyền thống lý luận Tây Âu, từ những gợi mở của

1
Bắt đầu từ đây NCS viết gọn Phranxi Bêcơn thành Ph.Bêcơn
8

Platôn (Hy Lạp) thời cổ đại và trực tiếp là truyền thống Anh với những nhà tư
tưởng xuất sắc như R.Bêcơn, G.Ốccam. T.Môrơ… Đó chính là chiếc nôi nuôi
dưỡng những khát vọng vượt thời đại của Ph.Bêcơn.
Ph.Bêcơn đã tiếp thu và phát triển một số yếu tố trong nhận thức luận của
Platôn trên lập trường của chủ nghĩa duy vật. Trong đó, học thuyết về các khái
niệm, ý niệm (idea, eidos, idols) như là cơ sở để Ph.Bêcơn đưa ra phương án phê
phán các ngẫu tượng trong nhận thức. Cách lý giải về thế giới qua hình ảnh
“Hang động” của Platôn đã được Ph.Bêcơn triển khai như là một loại ngẫu tượng
dẫn đến tri thức sai lầm của con người. Huyền thoại về “Átlantích” (“Atlantis”)
mà Platôn nhắc đến trong “Timaớt” (“Timaues”) và “Critiát” (“Critias”) với
“Nền cộng hoà” (hay còn gọi “Nhà nước”, “Chính thể”) là chất liệu để Ph.Bêcơn
viết Átlantích mới “New Atlantis”.
Rôgiê Bêcơn (Roger Bacon, khoảng 1214 – 1294), nhà tư tưởng cách tân
nước Anh thời trung đại, được coi là người đặt viên gạch đầu tiên cho khoa học
thực nghiệm hiện đại và là người đề xướng vĩ đại cho tinh thần khoa học mới
chống tri thức kinh viện. Tiếp bước người đồng hương của mình, Ph.Bêcơn đã
thực hiện một sự cải cách rộng rãi, hệ thống, sâu sắc đối với triết học và khoa
học. Guyliam Ốccam (William of Occam, khoảng 1300 – 1349) tác động đến
Ph.Bêcơn không chỉ trong chủ nghĩa duy danh, mà cả trong thái độ phê phán đối
với “nền quân chủ trong khoa học”. Tômát Morơ (Thomas More, 1478 – 1535)
là nhà không tưởng cộng sản chủ nghĩa. Nhà nước lí tưởng của T.Môrơ không
phải là hình mẫu của Ph.Bêcơn, nhưng lại thể hiện một khuynh hướng rất cần
thiết để Ph.Bêcơn xây dựng nhà nước lí tưởng theo quan điểm của mình trong
điều kiện nước Anh đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới.
Những thành quả của khoa học tự nhiên thực nghiệm, G.Képlơ,
N.Côpécníc,… trong đó có khám phá khoa học của G. Galilê, đã tác động đến sự
hình thành phương pháp luận kinh nghiệm – quy nạp của Ph.Bêcơn.
Phong trào cải cách tôn giáo ở Tây Âu đã ảnh hưởng đến sinh hoạt tôn giáo
ở Anh. Từ đó, hình thành ở Ph.Bêcơn quan điểm về sự dung hòa tri thức và niềm
tin, khoa học và tôn giáo, nhưng nhấn mạnh vai trò của tri thức trong thực tiễn,

còn niềm tin, theo Ph.Bêcơn, có tác dụng trong quá trình đạo đức. Xét ở phương
diện tích cực, Ph.Bêcơn đã tiếp tục tinh thần phê phán và đấu tranh cương quyết
chống lại những xiềng xích của Giáo hội và Thần học đối với nhận thức của con
người. Phong trào cải cách tôn giáo như giá đỡ cho ông trong sự nghiệp cải cách
triết học và khoa học, là động lực cho ông trong cuộc hành trình chống lại tri
thức kinh viện, tìm kiếm hướng đi mới cho triết học và khoa học, nhấn mạnh tính
ứng dụng của tri thức trong thực tiễn.
9
Cuối cùng, xét một cách tổng thể, tư tưởng đổi mới của triết học Ph.Bêcơn
nói chung, quan điểm Ph.Bêcơn về tri thức khoa học nói riêng, được cổ suý bởi
tinh thần Phục hưng văn hoá, mà Ph.Bêcơn là sự kết thúc của tinh thần đó, đồng
thời cũng là sự bắt đầu của thời đại mới.
Tiếp thu tinh thần của chủ nghĩa nhân văn, triết học Ph.Bêcơn thể hiện tư
tưởng tôn vinh, đề cao con người, xem con người là điểm xuất phát và mục đích
cuối cùng của mình. Ở Ph.Bêcơn, chủ nghĩa nhân văn gắn với vấn đề khẳng định
quyền lực của con người trước tự nhiên và việc giải phóng con người khỏi những
uy quyền tư tưởng của thời đại.
Có thể nói, khát vọng khám phá, cuộc đấu tranh chống ý thức hệ phong kiến
trung cổ, những phát minh trong khoa học tự nhiên, những phát biến của văn hoá
nhân văn và phong trào cải cách tôn giáo là những yếu tố tác động đến sự hình
thành tư tưởng Ph.Bêcơn nói chung, quan niệm về vai trò của tri thức khoa học
nói riêng.
1.3. Khái quát cuộc đời và sự nghiệp của Ph.Bêcơn
Phranxi Bêcơn sinh ngày 22/1/1561 tại Luân Đôn trong gia đình thuộc dòng
dõi quí tộc Anh. Bố của ông, Nicôlai Bêcơn, là Quan giữ ấn (Lord Keeper of The
Seal) của Nữ hoàng Elidabet I.
Năm 1573, Ph.Bêcơn học ở Cambridge; năm 1577 sang Pháp; tháng 2/1579
trở lại nước Anh. Năm 1584, Ph.Bêcơn viết tác phẩm triết học đầu. Năm 1586,
Ph.Bêcơn trở thành luật sư tập sự. Năm 1593, ông được bầu vào dân biểu. Năm
1597, Bêcơn xuất bản tác phẩm “Khảo luận, hay những chỉ dẫn về đạo đức và

chính trị”. Năm 1603, Ph.Bêcơn viết “Dẫn luận giải thích về tự nhiên”. Năm
1605, Ph.Bêcơn công bố tác phẩm "Về ý nghĩa và thành công của tri thức, tri
thức thánh thần và tri thức của con người"…
Năm 1609, Ph.Bêcơn xuất bản tập sách "Về sự thông thái của người xưa".
Năm 1618 Ph.Bêcơn trở thành Đại pháp quan (Lord Chancellor) và được phong
tước là Nam tước Verulam. Năm 1621, Ph.Bêcơn bị xử trong một vụ án, sau đó
được tha. Năm 1620, Ph.Bêcơn công bố tác phẩm triết học chủ yếu "Công cụ
mới" (Novum Organum). Năm 1623, Ph.Bêcơn công bố "Về phẩm giá và sự phát
triển của khoa học". Những năm còn lại, Ph.Bêcơn tiếp tục với tác phẩm "New
Atlantis" (tác phẩm này đã được Ph.Bêcơn bắt tay vào viết từ 1614, xuất bản
1627, nghĩa là sau khi ông mất). Nội dung của tác phẩm tương thích với phần ba
của dự án Đại phục hồi khoa học. Ngày 09/04/1626, Ph.Bêcơn qua đời.
Các công trình nghiên cứu của Ph.Bcơn có thể phân thành hai nhóm. Nhóm
thứ nhất bàn về sự phát triển của khoa học và nhận thức khoa học, gồm các tác
phẩm gắn liền với dự án "Đại phục hồi khoa học" và tác phẩm "Công cụ mới".
10
Nhóm thứ hai gồm các tác phẩm về các vấn đề xã hội, hoặc mang tính tổng thể,
như “Átlantích mới” ("New Atlantis"), "Tiểu luận đạo đức, kinh tế và chính trị",
"Lịch sử Henrich VII", "Các nguyên lý và cơ sở" v v…
Ph.Bêcơn không chỉ là người sáng lập triết học cận đại, mà còn là nhà cải tổ
tri thức, người dự báo những biến đổi có tính cách mạng trong khoa học. Thứ
nhất, tạo nên một trường phái triết học đặc thù của Anh – chủ nghĩa kinh nghiệm
duy vật Anh thế kỷ XVII, với ba đại biểu lớn là Giôn Lốccơ (John Lockes),
Tômát Hốpxơ (Thomas Hobbes. Thứ hai, sáng lập phương pháp luận kinh
nghiệm – qui nạp; Thứ ba, vạch ra sự cần thiết vận dụng tri thức khoa học vào
việc xây dựng xã hội lý tưởng dựa trên chỉ ra quyền lực của tri thức, qua đó đã
dự báo khả năng của kinh tế tri thức trong thời đại ngày nay.
Nhìn tổng thể toàn bộ hệ thống tư tưởng triết học Ph.Bêcơn gồm ba phần có
liên hệ hữu cơ với nhau: phê phán (hay phủ định), “thiết kế” (hay xây dựng), và
ứng dụng thực tiễn (thực ra cũng chỉ là dự định mang tính xã hội, thể hiện trong

tác phẩm cuối đời – “Átlantic mới”). Lôgíc của sự triển khai tư tưởng như sau:
trước hết cần thực hiện “thanh tẩy” lý trí, loại bỏ những chướng ngại trên con
đường nhận thức chân lý; tiếp đó xây dựng phương pháp khoa học, nhờ đó con
người đạt được tri thức đúng, thực sự hiệu quả, không chỉ giải thích tự nhiên, mà
còn khẳng định quyền lực của mình trước tự nhiên (“tri thức là sức mạnh”); sau
cùng là vận dụng thành công tri thức khoa học vào thực tiễn xã hội, xây dựng
một xã hội tốt đẹp dựa trên “quyền lực” của tri thức.
Di sản mà Ph.Bêcơn để lại cho thời đại sau không đồ sộ như một số nhà tư
tưởng khác, nhưng những ý tưởng mà ông gợi mở về sự cần thiết cải tổ tri thức,
vượt qua nền quân chủ trong khoa học, vượt qua uy quyền để khẳng định tinh
thần khám phá của con người – những ý tưởng ấy thực sự mở đường cho sự vận
động của lịch sử nhân loại trong cuộc vận động tiến về phía trước, khẳng định
quyền lực của con người không chỉ trước tự nhiên, mà cả trước các lực lượng tự
phát của xã hội.

Chương 2. NHỮNG TƯ TƯỞNG CƠ BẢN CỦA PH. BÊCƠN VỀ VAI
TRÒ CỦA TRI THỨC KHOA HỌC TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
2.1. Dự án “Đại phục hồi khoa học” – cương lĩnh của Ph.Bêcơn về vai
trò của tri thức khoa học
2.1.1. Kết cấu, nội dung và ý nghĩa của Dự án "Đại phục hồi khoa học"
“Đại phục hồi khoa học” (Tiếng Latinh: Instauratio Magna Scentiarum,
tiếng Anh: The Great Instauration of Science) gồm sáu nội dung với các tác
11
phẩm tương ứng: 1) Phân loại khoa học, tác phẩm “Phẩm giá của khoa học” (De
Dignitate et Augmentis Scientiarum); 2) Công cụ mới, hay những chỉ dẫn cho
việc giải thích tự nhiên, tác phẩm “Công cụ mới” (Novum Organum
Scientiarum); 3) Các hiện tượng của thế giới, hay lịch sử tự nhiên và lịch sử thực
nghiệm dành cho cơ sở của triết học, với những tác phẩm ngắn và những trích
đoạn; 4) Cây thang lý trí, với những trích đoạn; 5) Trước ngưỡng cửa triết học
thứ hai (triết học mới), với những trích đoạn; 6) Triết học thứ hai (đệ nhị triết

học), hay khoa học hữu dụng, với những trích đoạn.
Với hoài bão xây dựng một cách nhìn mới về thế giới thật sự khách quan,
Ph.Bêcơn đồng thời chỉ ra những hạn chế trong các khả năng nhận thức của con
người, những hạn chế đó không chỉ dẫn đến những sai lầm vụn vặt và nhất thời,
mà những sai lầm nghiêm trọng không thể tránh khỏi của con người trong nhận
thức. Ông gọi chúng là các ảo tượng hay ngẫu tượng (Idola / Idols, theo tiếng cổ
Hi Lạp, nghĩa là hình ảnh bị xuyên tạc). Theo Ph.Bêcơn, tri thức là sức mạnh
(tiếng La tinh: Scientia potentia est; tiếng Anh: Knowledge is Power). Cần phải có
những phương án thiết thực để con người có thể đạt đến những tri thức hữu dụng,
thực sự là nguồn sức mạnh to lớn của con người trong tiến trình chinh phục và cải
tạo thế giới, phục vụ cho cuộc sống tốt đẹp của mình. Do vậy, ông nhấn mạnh sự
cần thiết cải tổ môi trường hoạt động khoa học theo hướng ứng dụng thực tiễn.
Qua đó, “Đại phục hồi khoa học” đã đáp ứng nhu cầu nhận thức của xã hội đang
đi vào giai đoạn phát triển mới, đó là nhu cầu về mối quan hệ giữa hoạt động khoa
học và tiến bộ xã hội, giữa khoa học và đời sống, giữa các lĩnh vực khoa học khác
nhau. Điều quan trọng mà Ph.Bêcơn muốn gửi gắm trong Đại phục hồi khoa học
là cần phải đặt khoa học vào đúng vị trí của nó, để nó không bị “ô nhiễm”, không
bị xơ cứng, để nó phát huy sức mạnh và tác dụng của mình trong đời sống xã hội.
Đặc biệt, cần khắc phục những uy quyền, chuyên chế, hay nền quân chủ trong
khoa học, để các nhà khoa học có điều kiện thể hiện khả năng của mình phục vụ
cho lợi ích chung của xã hội.
2.1.2. Phân loại khoa học theo tinh thần đề cao vai trò của khoa học tự
nhiên thực nghiệm
Nhiệm vụ đầu tiên trong dự án chính là phân loại khoa học. Ph.Bêcơn hiểu
từ “khoa học” theo nghĩa truyền thống, rất rộng (scientia, Science), bao quát toàn
bộ khả năng của con người. Ông đưa các khả năng ấy vào ba nhóm: ký ức, tưởng
tượng, lý trí, và tương ứng với chúng là ba lĩnh vực: lịch sử, thơ ca, và triết học.
Thứ nhất, ở nhóm khoa học lịch sử được chia thành lịch sử tự nhiên (historia
naturalis) và lịch sử công dân (historia civilis). Lịch sử tự nhiên mô tả các hiện
tượng đa dạng của tự nhiên. Theo ông, những lĩnh vực cấu thành lĩnh vực tự

nhiên là trần thuật và qui nạp, gồm Lịch sử các hiện tượng thường nhật, Lịch sử
các hiện tượng đặc biệt và Lịch sử nghệ thuật. Lịch sử công dân đặc thù được
12
Ph.Bêcơn triển khai hết sức chi tiết, gồm nhiều hệ bộ phận cấu thành, như ở phần
Kỷ niệm, gồm Chú giải và Liệt kê; ở phần Lịch sử đối chiếu gồm Thông tin thời
gian, Tiểu sử và Tường thuật, trong Thông tin thời gian lại gồm Lịch sử chung,
Lịch sử đặc thù, Biên niên sử và Nhật ký; phần Cổ đại, Lịch sử thuần khiết và
Lịch sử hỗn tạp. Ngoài ra, Ph.Bêcơn còn đưa vào nhóm khoa học Lịch sử phần
Bổ trợ lịch sử, gồm Ngôn ngữ, Chữ viết và Cách ngôn.
Thứ hai, Ph.Bêcơn cũng xếp thơ ca vào lĩnh vực khoa học, vì nó thể hiện
khả năng của con người – khả năng tưởng tượng (phantasia), gồm Sử thi, Kịch
và Parabol (parabolitos).
Thứ ba, phần quan trọng nhất được Ph.Bêcơn triển khai kỹ nhất, chi tiết nhất
là triết học. Chịu ảnh hưởng của quan niệm triết học là khoa học của mọi khoa
học – quan niệm thống trị suốt thời cổ đại, Ph.Bêcơn hiểu triết học theo nghĩa
rộng. Theo ông, triết học là tổng thể các tri thức lý luận của con người về
Thượng đế, về giới tự nhiên và về bản thân con người. Từ đó, Ph.Bêcơn phân
loại triết học ra những lĩnh vực khác nhau gồm Thần học tự nhiên (học thuyết về
thần), Triết học tự nhiên (học thuyết về tự nhiên), Triết học thứ nhất, hay Đệ nhất
triết học, mà trọng tâm là triết học con người (học thuyết về con người). Như vậy
đối tượng của triết học, theo Ph.Bêcơn, là: Thượng đế, tự nhiên, và con người.
Học thuyết về tự nhiên trong triết học được Ph.Bêcơn gần như đồng nhất với các
khoa học tự nhiên. Bản thân Ph.Bêcơn hiểu triết học theo hai cách. Triết học theo
nghĩa rộng đồng nhất với các khoa học, bao trùm các khoa học khác. Triết học
theo nghĩa hẹp là bộ phận cơ bản nhất trong tổng thể các khoa học, được
Ph.Bêcơn gọi là triết học thứ nhất, là nền tảng và cơ sở của các khoa học khác.
Nhưng ngay khi bản thân triết học hiểu theo nghĩa hẹp, nó cũng đã bao quát toàn
bộ các lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Trên cơ sở phân loại khoa học, Ph.Bêcơn nhấn mạnh rằng, tri thức phải là
tri thức khoa học, và để đạt đến tri thức khoa học, theo ông, đầu tiên là phê phán

tri thức kinh viện và ảo tưởng trong nhận thức để từ đó xác lập phương pháp
nhận thức khoa học.
2.2. Phê phán tri thức kinh viện và các “Ngẫu tượng” của nhận thức,
xây dựng phương pháp khoa học
2.2.1. Phê phán tri thức kinh viện và những “ngẫu tượng” của nhận thức
Phê phán các ngẫu tượng (Idola / Idols, theo tiếng cổ Hi Lạp, nghĩa là hình
ảnh bị xuyên tạc) của nhận thức và hình thức tri thức kinh viện tạo nên phần thứ
nhất của hệ thống triết học Ph.Bêcơn, gọi là “thanh tẩy lí trí”.
Thế nào là idola? Thực chất là những chướng ngại cản trở sự tiến bộ trí tuệ,
làm lệch lạc quá trình nhận thức của con người. Hình ảnh bóng ma, ảo tượng,
13
hay ngẫu tượng cho thấy một thực tế là trong quá trình nhận thức nhiều người bị
ám ảnh bởi những sai lầm, nhưng khó xác định là những sai lầm gì, vì thế không
tìm ra được phương thức khắc phục.
Ph.Bêcơn nêu ra 4 ngẫu tượng của nhận thức, bao gồm: ngẫu tượng tộc loài
(idola tribus / Idols of Tribe), là loại ngẫu tượng cố hữu tự thân trong bản tính
con người, ở lý trí lẫn tình cảm. Đó là căn bệnh chủ quan, duy ý chí trong nhận
thức và hành động. Để hạn chế loại ngẫu tượng này, con người cần phải hoàn
thiện các phương tiện nhận thức; ngẫu tượng cái hang (idola specus / Idols of
Cave), là loại ngẫu tượng gắn với mỗi cá nhân, do điều kiện sinh hoạt và hoàn
cảnh, môi trường giáo dục sinh ra, có thể được khắc phục bằng cách tiếp cận sự
vật, kinh nghiệm tập thể, đường lối giáo dục thích hợp, kích thích sáng tạo cá
nhân; ngẫu tượng công cộng, hay quảng trường (idola fori / Idols of Market-
place), sinh ra trong quá trình giao tiếp ngôn ngữ, tại nơi công cộng (quảng
trường, chợ), do thói quen ý thức, dư luận chi phối, có thể khắc phục bằng cách
thường xuyên trau dồi tri thức, tăng cường tính độc lập trong suy nghĩ, tinh thần
hoài nghi, phê phán khoa học; ngẫu tượng sân khấu (idola theatri / Idols of
Theatre), sinh ra do lòng tin mù quáng vào uy quyền, nhất là vào các học thuyết
và hệ thống triết học truyền thống, được dàn dựng theo kiểu “sân khấu triết học”,
có thể khắc phục bằng sự tự tin trong nghiên cứu, chủ động tiếp thu cái mới, bởi

lẽ “chân lý là đứa con của thời gian, chứ không phải của uy quyền”.
Thực chất học thuyết về ngẫu tượng của Ph.Bêcơn nhằm đấu tranh chống lại
những uy quyền tư tưởng thời Trung cổ, thanh tẩy lý trí, hướng nhận thức con
người theo ánh sáng trí tuệ để đạt tới tri thức khoa học, là mục đích của cuộc đời
ông.
2.2.2. Xây dựng phương pháp qui nạp khoa học
Phương pháp khoa học là công cụ hiệu quả nhất để khắc phục ngẫu tượng,
phương pháp đó có được bằng kinh nghiệm khoa học và phương pháp nhận thức
tối ưu là phương pháp qui nạp khoa học (Inductive scientific method)
Ph.Bêcơn khẳng định: “Khoa học là khoa học kinh nghiệm, và thực chất đó là áp
dụng phương pháp hợp lý vào trong các tư liệu cảm tính”
2
.
Để xác lập công cụ khoa học mới, điều trước tiên là loại trừ ảnh hưởng của
tam đoạn luận và phương pháp kinh nghiệm của Arixtốt (Aristotes), thay diễn
dịch tam đoạn luận bằng thực nghiệm - quy nạp.
Sau khi vạch ra, đánh giá có phê phán hai loại quy nạp đã từng được ứng
dụng là “quy nạp hoàn toàn” và “quy nạp không hoàn toàn”, Ph.Bêcơn nhấn
mạnh sự cần thiết sử dụng quy nạp khoa học, hay quy nạp chân lý, đưa ra nhiều

2
F.Bacon (1958) The Works, Vol. II, London, England, tr.142
14
kết luận xác thực và mới mẻ. Điểm xuất phát của phương pháp quy nạp khoa học
là “thắp lên một ngọn đuốc trí tuệ” soi đường, tiếp đó thực hiện các bước theo
một trình tự hợp lý, từ việc thu thập dữ liệu, phân tích, phân loại, tìm ra những
liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng, đến xác lập, kiểm chứng. Kết luận chung
cuộc là kết quả của quá trình nghiên cứu nghiêm túc và thận trọng. Như vậy, có
thể nói Ph.Bêcơn đã đoán trước phương pháp nghiên cứu thực nghiệm mà vào
giữa thế kỷ XIX phát triển khá rầm rộ.

Học thuyết về phương pháp của Ph.Bêcơn là sự thể hiện cơ sở triết học của
lý trí thực tiễn, được vận dụng trong việc khẳng định quyền lực con người trước
tự nhiên. Lý trí đó qui định tính chất của nghiên cứu khoa học, sự nghiên cứu
mong muốn xác định những qui tắc cho việc thu nhận tri thức có hiệu quả.
Ph.Bêcơn, về thực chất chính là người đặt “viên gạch đầu tiên” cho phương
pháp mới, đúng hơn là quan niệm mới về ý nghĩa và chức năng của phương
pháp. Công lao của ông là ở chỗ, ông là người khởi xướng tư tưởng về sự cần
thiết phải xây dựng một hệ thống phương pháp luận mới, phù hợp với sự phát
triển của khoa học thời cận đại. Hơn nữa, ông phê phán tư tưởng “chỉ nghiên cứu
các nguyên lý của giới tự nhiên như chúng đã hoàn toàn hoàn thiện, chứ không
phải là chúng đang hoạt động”
3
. Điều đó đóng vai trò quan trọng đối với sự phát
triển khoa học sau này.
Như vậy, tại Anh đã hình thành một phương pháp luận khoa học nhấn mạnh
vai trò của khoa học thực nghiệm, cảm giác như nguồn gốc đáng tin cậy của tri
thức khoa học. Ph.Bêcơn đã mở ra thời kỳ thống trị của chủ nghĩa kinh nghiệm
duy vật (Experience Materialism) tại Anh thế kỷ XVII, một trường phái vốn có
mối liên hệ hữu cơ với sự phát triển của khoa học tự nhiên, nhất là khoa học thực
nghiệm, tạo nên cả một khuynh hướng lớn trong lý luận nhận thức Tây Âu cận
đại – khuynh hướng thực nghiệm khoa học (Scientific Empiricism).
2.3. Những nội dung cơ bản của quan điểm Ph.Bêcơn về vai trò của tri
thức khoa học đối với đời sống xã hội
2.3.1. Vai trò của tri thức khoa học trong việc “thắp lên một ngọn đuốc”,
hay vai trò khai mở trí tuệ, “thanh tẩy” lý trí
Ph.Bêcơn nhấn mạnh vai trò thắp lên một ngọn đuốc của tri thức khoa học
phải được đề cập trước tiên, cách mạng lý trí báo trước cách mạng thực tiễn.
Thắp lên một ngọn đuốc, nghĩa là vạch hướng cho con người vượt qua những cản
ngại trên con đường khám phá cõi bí hiểm của tự nhiên, làm chủ tự nhiên, làm
chủ xã hội. Theo lôgíc của sự trình bày, thắp lên một ngọn đuốc gắn với việc xua

tan những bóng đen vây bọc trí tuệ con người. Ph.Bêcơn đã thành công khi xác

3
The Works of Lord Bacon, (1955), Vol II, London, England, tr.40
15
lập cương lĩnh, hay dự án “Đại phục hồi khoa học”, cụ thể hoá nó qua việc phê
phán tri thức kinh viện, các ngẫu tượng của nhận thức, đi đến xây dựng phương
pháp luận kinh nghiệm – quy nạp, như đã phân tích ở trên. Ph.Bêcơn đòi hỏi phải
tiến hành những cải cách cương quyết, không khoan nhượng trong toàn bộ lĩnh
vực rộng lớn của tư duy và nhận thức của con người, phải theo cách mới hướng
tới sự vật với những phương tiện tối ưu nhất và thực hiện việc khôi phục các
khoa học và nghệ thuật, cũng như toàn bộ tri thức loài người nói chung, được
khẳng định trên những cơ sở cần con người. Nhiệm vụ này không dễ dàng, con
đường của nhận thức cũng không dễ dàng. Sự nghiệp “Đại phục hồi khoa học”
chỉ có thể thực hiện được khi nào con người nghiên cứu một cách nghiêm túc các
nguyên lý của nhận thức. Con người với tư cách là chủ thể sáng tạo, thực thể có
lý trí cần phải từ bỏ các lý luận và kinh nghiệm không đúng đắn.
Tóm lại, cùng với những biến chuyển của xã hội, Ph.Bêcơn đã có những
thay đổi bước ngoặt trong nhận thức, tạo ra một thời đại mới với một đời sống
tinh thần đầy lý trí, mà trong đó nổi bật lên với dự án Đại phục hồi khoa học và
khát vọng phát triển khoa học theo hướng phục vụ thực tiễn. Tư tưởng triết học
của Ph.Bêcơn về Đại phục hồi khoa học, về phê phán những ngẫu tượng trong
nhận thức, về việc xác lập phương pháp nhận thức mới qui nạp khoa học, về
phẩm giá và vai trò của khoa học… vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn trong thời
đại ngày nay.
2.3.2. Vai trò hàng đầu của tri thức khoa học trong việc góp phần phát
triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy nhanh nhịp độ của tiến bộ xã hội
Ph.Bêcơn tưởng tượng về một xã hội với những thành quả khoa học – kỹ
thuật mà vào thời đại hiện nay đã không còn xa lạ, nói khác đi, Ph.Bêcơn đã
đoán trước xu thế của lịch sử ở bình diện tri thức. Đảo Benxalem được Ph.Bêcơn

hình dung như một xã hội lý tưởng, có khả năng tổ chức hoạt động khoa học ở
trình độ cao, biết vận dụng tối đa các phát minh khoa học vào việc quản lý xã hội
và làm giàu cho các cư dân. Con người trở nên minh mẫn về trí tuệ, hoàn thiện
về nhân cách, tự mình xây dựng nên một vương quốc của hạnh phúc và thịnh
vượng. Thông qua việc mô tả về Ngôi nhà Xôlômôn, Ph.Bêcơn vạch ra tác động
của khoa học đến mọi mặt của đời sống xã hội. Sự giàu có của Ngôi nhà Xôlômôn
thể hiện trước hết ở khả năng con người tác động và biến đổi giới tự nhiên, làm ra
những sản phẩm vượt qua điều kiện của thời đại Ph.Bêcơn. Sự tưởng tượng của
Ph.Bêcơn về những thành quả khoa học trong tương lai từ hình ảnh Ngôi nhà
Xôlômôn và những tành quả khoa học trong thời đại ngày nay cho thấy tầm nhìn
của ông về tiến bộ của nhân loại nhờ tri thức khoa học, chứ không đơn thuần là
một loại không tưởng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà vào nửa sau thế kỷ XVII, khi
xây dựng Viện khoa học Hoàng gia Luân Đôn, người ta khắc ghi tên ông trên bia
đá như sự tri ân người đã gợi mở ý tưởng về sự cần thiết tổ chức hoạt động khoa
16
học ở quy mô quốc gia để tập trung sức mạnh của tri thức khoa học vì tiến bộ xã
hội.
2.3.3. Vai trò to lớn của tri thức khoa học trong quản lý xã hội
Ngoài tác phẩm “Átlantích mới”, nơi mà thành quả của khoa học đã được
vận dụng vào việc quản lý xã hội một cách ưu việt, với cư dân có ý thức cao,
đồng thuận, phụng sự lợi ích chung, các “công chức” (có thể nói như vậy theo
cách hiểu hiện đại) làm đúng chức phận của mình với một sự vô tư đáng kinh
ngạc, không có nhà tù, không có hiến binh v.v trong nhiều bài viết khác,
Ph.Bêcơn đều đánh giá cao sự quản lý xã hội dựa trên sự hiểu biết công việc, con
người. Điển hình nhất là sự khảo cứu, đánh giá của Ph.Bêcơn về triều đại vua
Henrry VII với chân dung một nhà cai trị thông minh, sắc sảo. Để đưa ra tư
tưởng cải cách về tri thức, Ph.Bêcơn đã thực hiện việc khảo cứu lịch sử nước
Anh, chỉ ra sự tác động của môi trường xã hội đến cải tổ môi trường tri thức. Đến
1600, nước Anh đã có những đổi thay cơ bản nhất định về đời sống xã hội, nhất
là quá trình tích luỹ nguyên thuỷ tư bản chủ nghĩa hay còn gọi tích luỹ tư bản ban

đầu. Ph.Bêcơn bước đầu đã chỉ ra sự cần thiết quản lý xã hội một cách sáng suốt
và “có tri thức”, nhưng ông không hề có ý cải tạo xã hội, thay thế chế độ chính
trị hiện tại của nước Anh. Ph.Bêcơn là người mở đường cho thời đại mới, nhưng
không phải là người tạo tiền đề cho cách mạng tư sản Anh về lý luận. Dẫu sao,
thái độ của ông đối với cải cách xã hội trong khuôn khổ chế độ hiện tại cũng góp
phần phá vỡ chế độ ấy từ bên trong, vì nó báo trước tính không tương thích của
những định chế truyền thống đối với tiến bộ xã hội.
2.3.4. Vai trò của khoa học trở thành một thiết chế xã hội (The Social
Institution)
Trước hết, có thể thấy rằng, vào thời Ph.Bêcơn, cũng như trước và sau đó, tư
duy không tưởng về một xã hội tốt đẹp, hoàn thiện, luôn chiếm vị trí xứng đáng.
Học thuyết không tưởng của Ph.Bêcơn bám sát vào thành quả của khoa học
thế kỷ XVII, vào trình độ nhận thức chung. Vào thế kỷ XVII, khoa học từ chỗ là
hoạt động nghiên cứu tự do dần dần trở thành thiết chế xã hội, một thành tố
không thể thiếu trong đời sống của một quốc gia. Khi trở thành một thiết chế
trong hệ thống vận hành của xã hội, thì khoa học cũng thâm nhập vào các lĩnh
vực khác nhau, ngoài kinh tế, chính trị, còn có văn hoá, tư tưởng. Chẳng hạn, khi
mô tả nhà nước Benxalem trên đảo Átlantích, Ph.Bêcơn đã cho chúng ta thấy
việc tổ chức đời sống xã hội thông qua việc cùng chung hưởng thụ thành quả
khoa học như thế nào, con người trở nên đồng thuận ra sao. Có thể thấy
Ph.Bêcơn đã lấy khoa học làm toạ độ của toàn bộ hệ thống xã hội. Người đứng
đầu nhà nước là người biết điều phối, sử dụng các thành quả khoa học vì lợi ích
chung. “Ngôi nhà Xôlômôn” là gì, nếu không phải là một thiết chế xã hội, nơi
17
quy tụ những gì ưu tú nhất từ các phát minh khoa học, rồi đưa nó vào hệ thống
xã hội với sự sắp xếp hợp lý? Các nhà khoa học bước đầu liên kết với nhau trong
nỗ lực khẳng định vị thế và sức mạnh của con người. Cũng chính ở đây thể hiện
tầm nhìn xa của ông về cái cần có trong xã hội tương lai dưới ánh sáng của tiến
bộ khoa học, kỹ thuật. Sau khi Ph.Bêcơn mất, Tây Âu đã bước sang kỷ nguyên
mới, gắn liền với những tiến bộ khoa học – kỹ thuật và những đổi thay tích cực

trong đời sống xã hội. Các tổ chức khoa học tầm quốc gia và quốc tế đã lần lượt
ra đời. Năm 1662, tại Luân Đôn, Viện khoa học Hoàng gia chính thức đi vào
hoạt động. Năm 1666, đến lượt Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên Pari công bố
chương trình tổng thể của mình. Tiếp đó, các Viện hàn lâm khoa học xuất hiện
tại Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Nga và nhiều nước khác. Mong ước của Ph.Bêcơn
đưa tri thức khoa học vào thực tiễn qua tuyên bố “tri thức là sức mạnh” đã trở
thành hiện thực. Quan điểm của Ph. Bêcơn về sự ứng dụng tri thức khoa học và
vai trò của nó trong thực tiễn xã hội đã báo trước kỷ nguyên mới – kỷ nguyên
phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, khẳng định quyền lực thực sự
của tri thức trong cuộc sống của chúng ta.

Chương 3. VAI TRÒ CỦA TRI THỨC KHOA HỌC – TỪ THỜI ĐẠI
PH.BÊCƠN ĐẾN KINH TẾ TRI THỨC TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY
3.1. Thuyết kỹ trị và thuyết hội tụ - những cách tiếp cận khác nhau về
vai trò của khoa học, kỹ thuật trong thời đại ngày nay
3.1.1. Thuyết kỹ trị
Cùng với việc tạo ra trường phái Anh trong chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII –
XVIII, triết học Ph.Bêcơn, cụ thể là lý luận nhận thức, trong đó có vấn đề tri thức
khoa học, thể hiện xu thế vận động của tư tưởng thời đại mới. Chúng ta có thể
nhận thấy mối liên hệ lịch sử giữa gợi mở của Ph.Bêcơn về xã hội lý tưởng được
xác lập dựa trên “quyền lực của tri thức” với sự hình thành các học thuyết kỹ trị
(Technocracy) trong thế kỷ XX, khi khoa học phát triển như vũ bão, làm thay đổi
tư duy con người, cách thức tiếp cận về tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội.
Các quan điểm sùng bái sức mạnh vạn năng của khoa học, kỹ thuật được tập
hợp trong thuyết kỹ trị (Technocracy, xuất phát từ tiếng Hy Lạp Technè là nghề
nghiệp, công việc và Kratos là quyền lực). Người đầu tiên đưa ra quan điểm kỹ
trị như quyền lực của các kỹ sư là T.Veblen (Thorstein Veblen, 1867 – 1929)
trong tác phẩm không tưởng xã hội “Các kỹ sư và các hệ thống giá trị” (The
Engineers và The price Systems, 1921).
18

Có năm luận điểm cơ bản của thuyết kỹ trị được đúc kết lại, trong đó chứa
đựng những mặt tích cực lẫn những điều cần tranh luận, đặc biệt là tiêu chuẩn
của tiến bộ xã hội.
Thứ nhất, nhờ có bước ngoặt diễn ra trong lĩnh vực chọn lọc và xử lý thông
tin, trong tổ chức quản lý, mà tiến bộ khoa học – công nghệ trở nên có tính chất
vạn năng, tạo thành toạ độ của sự phát triển xã hội. Thứ hai, cách mạng khoa học
kỹ thuật đã làm cho việc biến khả năng thành hiện thực tiến triển nhanh hơn.
Chính cách mạng khoa học – kỹ thuật đã đưa đến sự thay đổi sâu sắc trong cơ
cấu sản xuất và góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, chuyển trọng tâm từ
sản xuất hàng hoá sang sản xuất phương tiện dịch vụ. Thứ ba, do chỗ chức năng
quản lý sản xuất có ý nghĩa ngày càng lớn hơn so với chiếm hữu tư bản (thời kỳ
chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh), và nhờ sự “khuếch tán” của cái cuối cùng
(phân ra những xí nghiệp vừa và nhỏ gắn với sự phổ biến tư bản cổ phần), vấn đề
sở hữu mất đi tính chất gay gắt trước đây và tác động ngày càng ít hơn đến quá
trình phát triển xã hội. Thứ tư, kết quả của những biến đổi do cách mạng khoa
học – kỹ thuật mang lại là, trong cơ cấu xã hội, những người lao động trí óc bắt
đầu chiếm ưu thế. Thứ năm, những thay đổi trong cơ cấu xã hội dẫn đến những
thay đổi trong nội dung quyền lực nhà nước: các nhà chuyên môn, giới “thượng
lưu xã hội” trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị.
Trong năm luận điểm đó, có những luận điểm mang tính gợi mở tích cực,
chẳng hạn luận điểm về vai trò của khoa học – công nghệ trong đánh giá trình độ
phát triển của các nước, hay luận điểm về tỷ trọng cao của dịch vụ, về vai trò của
các chuyên gia kỹ thuật, về sự thay đổi cơ cấu xã hội. Song cách tiếp cận kỹ trị
vẫn còn nét phiến diện, thiếu quan điểm lịch sử cụ thể và mang tính áp đặt khiên
cưỡng. Nó không khác gì cách tiếp cận của Ph.Bêcơn về một xã hội lý tưởng dựa
trên việc sử dụng thành quả khoa học, nhưng lại không xác định chủ thể thực sự
của nó và những hệ lụy xã hội từ tiến bộ khoa học.
3.1.2. Thuyết hội tụ
Thuyết hội tụ (Theory of Convergence), theo tiếng Latinh, Convergo có
nghĩa là tương đồng, làm cho gần nhau, hợp lại với nhau) là một quan niệm triết

học xã hội và chính trị học, theo nó việc quốc tế hoá hoạt động kinh tế, chính trị,
văn hoá và sự hiện diện một loạt khía cạnh, cấu trúc và chức năng chung ở xã hội
công nghiệp phát triển, áp dụng khoa học vào sản xuất, kỹ thuật hoá, hợp lý hoá
và quan liêu hoá đời sống xã hội và kinh tế, tạo ra nền sản xuất đại chúng và xã
hội tiêu thụ, san bằng học vấn, thu nhập và mức sống sẽ đưa tới việc làm cho các
hệ thống khác nhau về chính trị và xã hội – chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội
– xích lại gần nhau với khả năng hợp nhất của chúng trong tương lai thành một
xã hội hoà hợp, xã hội tổng hợp trong mình những mặt tốt của mỗi xã hội.
Thuyết Hội tụ phổ biến trong xã hội phương Tây vào những năm 1950 – 1960,
19
sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, với mong muốn giảm bớt những mâu
thuẫn giữa hai hệ thống trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”.
Các nhà kỹ trị lý giải về cơ sở của sự kết hợp, hội tụ qua ba luận điểm cơ
bản dựa trên những tính chất tương đồng. Thứ nhất, xuất phát từ tính chất lịch sử
của sự tồn tại người. Các tác giả nhấn mạnh các hiện tượng và hình thức của đời
sống xã hội, gắn liền với những điều kiện chung của sự hình thành loài người,
nền văn minh và gọi đó là những đặc trưng đồng nhất được lưu giữ. Thứ hai, căn
cứ vào sự phát triển văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của loài người, sự tiến
bộ của sản xuất và khoa học, kỹ thuật và công nghệ, văn chương và nghệ thuật.
Sự tiến bộ này xét đến cùng là kết quả của hoạt động sáng tạo của tất cả các dân
tộc đã đóng góp vào kho báu tri thức, kinh nghiệm và cùng sử dụng chúng… là
những đặc trưng đồng nhất phát triển. Thứ ba, biểu hiện của sự vay mượn lẫn
nhau từ ngôn ngữ đến các thành quả khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Thế giới mà
chúng ta đang sống là thế giới mở, vì vậy thật khó hình dung một thành quả tiến
bộ nào đó lại chỉ được sử dụng trong phạm vi quá hẹp và mang tính khép kín.
Tuy nhiên, cũng như các nhà kỹ trị, những đại diện của thuyết hội tụ khi đề
cập đến khả năng hội tụ, hoà hợp các hệ thống chính trị – xã hội đã thực hiện sự
xoá bỏ vô nguyên tắc tính đặc thù trong sự lựa chọn con đường phát triển của các
dân tộc.
Xét về thực chất, thuyết kỹ trị và thuyết hội tụ đều là những học thuyết đề

cao quyền lực của tri thức, khoa học, kỹ thuật và công nghệ, coi đó là chìa khoá
vạn năng để giải quyết những vấn đề chung của xã hội. Rõ ràng trong lý luận về
vai trò của tri thức khoa học, hiệu quả xã hội do tri thức khoa học đem đến cách
tiếp cận kỹ trị, xuất phát từ Ph.Bêcơn, kế thừa, phát triển phổ biến trong thuyết
kỹ trị hiện đại không tránh khỏi những phiến diện, lệch lạc. Tuy nhiên, xét một
cách tổng thể, sự gợi mở của Ph.Bêcơn cũng như cách đặt vấn đề của các nhà kỹ
trị cận đại cũng như của Ph.Bêcơn về vai trò của tri thức có ý nghĩa thiết thực
trong thời đại ngày nay – thời đại kinh tế tri thức.
3.2. Kinh tế tri thức – từ dự báo của Ph.Bêcơn đến hiện thực trong
thời đại ngày nay
3.2.1. Kinh tế tri thức – xu thế phát triển tất yếu trong thời đại ngày nay
Một trong những nét đặc trưng cơ bản của cuộc cách mạng khoa học – công
nghệ hiện đại là cuộc cách mạng tri thức, là cuộc cách mạng trong công nghệ, kỹ
thuật, kinh tế và cũng là cuộc cách mạng trong các khái niệm. Với cách mạng tri
thức, con người dễ dàng truy cập, khai thác, sử dụng tri thức mới vào mục đích
phát triển. Việc tạo ra, truy cập, sử dụng tri thức trở thành một yếu tố cơ bản nhất
20
của cạnh tranh toàn cầu. Vì thế, trên thực tế, nền kinh tế tri thức đang được xác
lập. Điều đó khẳng định vai trò của tri thức trong thực tiễn.
Để gọi tên nền kinh tế mới đang hình thành và phát triển, trên thế giới đã sử
dụng nhiều thuật ngữ khác nhau, như:
Nền kinh tế số (Digital Economy) hoặc nền kinh tế mạng (Network
Economy) nhằm nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin, của việc tạo ra và
truyền tải thông tin so với sản xuất và phân phối hàng hóa vật chất và dịch vụ
thông thường; Nền kinh tế thông tin (Information Economy) nhấn mạnh yếu tố
quan trọng hàng đầu hiện nay trong phát triển kinh tế - xã hội không phải là tài
nguyên vật thể mà là thông tin – tri thức; Nền kinh tế học hỏi (Learning
Economy) nhấn mạnh đến yêu cầu học tập, vai trò của giáo dục với việc nâng
cao trình độ và làm giàu tri thức của mỗi thành viên xã hội nhằm góp phần tích
cực vào phát triển kinh tế - xã hội; Nền kinh tế mới (New Economy) nhấn mạnh

sự phân biệt với các nền kinh tế đã đang tồn tại trong lịch sử…
Theo định nghĩa của tổ chức hợp tác và phát triển OECD và APEC thì một
nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, truyền bá và sử dụng tri thức là động lực chủ
yếu của sự tăng trưởng, tạo ra của cải, tạo ra việc làm trong tất cả các ngành kinh
tế được gọi là kinh tế tri thức (Knowledge Economy). Đây là quan niệm được sử
dụng phổ biến hiện nay trên thế giới.
Kinh tế tri thức có một số đặc trưng cơ bản, được các nhà nghiên cứu đúc
kết lại như sau:
Đặc trưng thứ nhất: Nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức. Đây là đặc trưng
cơ bản nhất; Đặc trưng thứ hai: Kinh tế tri thức có tốc độ hoạt động nhanh và đổi
mới nhanh, trong đó, sáng tạo là động lực trực tiếp của sự phát triển; Đặc trưng
thứ ba: Mạng thông tin trở thành cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của xã hội và
trong nền kinh tế.; Đặc trưng thứ tư: Tổ chức sản xuất trở nên linh hoạt hơn; Đặc
trưng thứ 5: Nhân tố trung tâm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng trưởng kinh tế
là doanh nghiệp; Đặc trưng thứ sáu: Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế toàn cầu
hóa; Đặc trưng thứ bảy: Sản phẩm ngày càng có xu hướng phi trọng lượng; Đặc
trưng thứ tám: Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế học hỏi. Xã hội học tập là nền
tảng của nền kinh tế tri thức; Đặc trưng thứ chín: Sự biến đổi xã hội. Lực lượng
lao động tri thức – công nhân tri thức tăng nhanh và trở thành lực lượng chủ yếu.
Các trụ cột của kinh tế tri thức, gồm bốn trụ cột chính: giáo dục, phát minh
sáng chế, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, và hệ thống thể chế
các chính sách kinh tế. Điều đó có nghĩa là, một quốc gia muốn chuyển sang nền
kinh tế tri thức cần hình thành bốn trụ cột chính này.
21
Mặc dầu có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu khác nhau để đánh giá kinh tế tri thức,
nhưng có thể khái quát lại ở ba vấn đề trọng tâm, chủ yếu. Thứ nhất, xét về
nguồn nhân lực, phải có 60% - 70% trình độ đại học trong tổng nhân lực; thứ hai,
xét về giá trị tri thức trong sản phẩm, phải đạt từ 70% - 80% trong toàn bộ giá trị
sản phẩm; thứ ba, xét về khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại, phải thực hiện
từ 60% trở lên trong toàn bộ nền kinh tế.

3.2.2. Vấn đề phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh thế giới chuyển mình mạnh mẽ đi vào kinh tế tri thức, nước
ta muốn phát triển tất yếu phải xây dựng kinh tế tri thức. Để phát triển kinh tế tri
thức, Việt Nam phải hội đủ các điều kiện cần thiết, bao gồm:
+ Ba lực lượng tham gia phát triển kinh tế tri thức đủ mạnh và có tinh thần
trách nhiệm cao, gồm Nhà nước và đội ngũ doanh nghiệp mạnh, đội ngũ trí thức
có trình độ cao và có lòng yêu nước nồng nàn, và lực lượng lao động sáng tạo.
+ Cơ cấu kinh tế điều chỉnh theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Chú
trọng lĩnh vực tư vấn, thiết kế, tham gia phân phối sản phẩm là những lĩnh vực
mang lại giá trị lớn.
+ Nhanh chóng tham gia hệ thống sáng tạo toàn cầu, hình thành những trung
tâm nghiên cứu khoa học công nghệ cao và xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh,
hợp tác hữu hiệu với các trung tâm sáng tạo quốc tế.
+ Đảm bảo đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu của kinh tế tri thức, bao gồm
nguồn lực trong nước và nước ngoài. Trong đó, việc sử dụng nguồn lực cho
nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại và xây dựng đội
ngũ trí thức vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế tri thức.
Nước ta muốn phát triển nền kinh tế tri thức cần hình thành bốn trụ cốt
chính:
Thứ nhất, có nền giáo dục tiên tiến đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng quốc
tế để đáp ứng nhu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động sáng
tạo, không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng. Hình thành chế độ học tập suốt
đời, xã hội học tập.
Thứ hai, năng lực khoa học, công nghệ đủ mạnh để cho ra đời những sản
phẩm khoa học công nghệ, có khả năng phát minh sáng chế, có đội ngũ cán bộ
khoa học năng động sáng tạo, đủ sức làm chủ các thành tựu khoa học công nghệ
mới, ứng dụng nhanh vào thực tiễn; có khả năng sáng tạo những công nghệ mới
cần thiết cho đất nước. Thiết lập hệ thống đổi mới sáng tạo trên phạm vi quốc
gia.
22

Thứ ba, phát triển mạnh hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ truyền
thông (ICT). Ứng dụng và phát triển ICT trong tất cả các lĩnh vực. Coi ICT là
động lực cho đổi mới và phát triển, nhân lên sức mạnh tinh thần, vật chất, trí tuệ,
là mũi nhọn của kinh tế tri thức. Xã hội thông tin là tiền đề cho nền kinh tế tri
thức.
Thứ tư, thể chế, chính sách, tổ chức quản lý thực sự dân chủ, phát huy quyền
làm chủ của nhân dân, phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi khả năng sáng tạo,
mở đường cho kinh tế tri thức phát triển. Đây là yếu tố quyết định nhất, trong khi
ba yếu tố còn lại đóng vai trò là tiềm năng của kinh tế tri thức.
Dựa trên cơ sở những trụ cột chính cần thiết của nền kinh tế tri thức, đòi hỏi
chúng ta phải tạo lập được những tiền đề cho xây dựng và phát triển kinh tế tri
thức ở nước ta:
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đủ sức đáp ứng yêu cầu của công
cuộc phát triển, bao gồm kết cấu kinh tế hạ tầng cứng và kết cấu hạ tầng mềm.
Kết cấu hạ tầng cứng hay kết cấu hạ tầng kinh tế bao gồm giao thông vận tải,
mạng lưới điện, nước… trong đó chú trọng phát triển giao thông vận tải với tầm
nhìn chiến lược lâu dài. Kết cấu hạ tầng mềm hay kết cấu hạ tầng xã hội gồm y
tế, giáo dục, bảo hiểm, thông tin liên lạc, luật pháp… trong đó đầu tư phát triển
giáo dục và thông tin là điều kiện tất yếu để phát triển kinh tế tri thức.
Về nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, chúng ta cần
hình thành được nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm những chuyên gia lý
luận tài giỏi là tinh hoa của đất nước, những chuyên gia hoạch định chiến lược,
chính sách tài ba, những chuyên gia đầu ngành, đứng đầu các lĩnh vực và đội ngũ
công nhân lành nghề có trình độ kỹ năng đáp ứng đòi hỏi phát triển của công
nghệ cao.
Đối với hệ thống nhà nước và chính sách, pháp luật, trước hết cần nâng cao
hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước vì chỉ với một Nhà nước mạnh mới có thể
có một nền kinh tế mạnh. Nhà nước phải hiện đại và tài giỏi, đủ năng lực quản trị
quốc gia.
Thực trạng phát triển kinh tế tri thức ở nước ta là chưa chú trọng đúng mức

chiến lược đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo định hướng phát triển
kinh tế tri thức, nhất là chưa phát triển thị trường vốn hoàn chỉnh để tạo kênh dẫn
vốn cho doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ.
Chiến lược phát triển kinh tế của nước ta hiện nay là dựa vào tri thức. Nội
dung công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta là vận dụng các yếu tố của kinh
tế tri thức. Trên cơ sở đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của
Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ chủ yếu
23
của đất nước là “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng
nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức”
4
.
Một số giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam:
Thứ nhất, nhà nước cần đổi mới cơ chế quản lý và chính sách, tạo lập khuôn
khổ pháp lý mới, cải cách hành chính. Trước tiên, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế
quản lý kinh tế, tạo môi trường hoạt động kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành
mạnh, công khai, minh bạch, có trật tự, kỷ cương; nhà nước đảm bảo môi trường
pháp lý hữu hiệu, hiệu quả mà trong đó các ngành kinh tế phát triển dựa trên
khoa học và công nghệ; nhà nước bảo đảm hình thành và phát triển hệ thống đổi
mới quốc gia nhằm hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Cần
phải thiết lập khuôn khổ pháp lý phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, cần nhanh chóng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nền
tảng cơ bản nhất của kinh tế tri thức. Trước hết, xây dựng và phát huy đội ngũ trí
thức và công nhân tri thức, lực lượng tiên phong và chủ lực để phát triển kinh tế
tri thức. Do đó, cần phải cải cách triệt để nền giáo dục để nhanh chóng đào tạo
nguồn nhân lực cho kinh tế tri thức. Nhà nước đầu tư để phát triển giáo dục, coi
việc đầu tư cho giáo dục, đào tạo là một trong những hướng chính của đầu tư
phát triển, đổi mới cơ bản chính sách tài chính cho giáo dục. Giáo dục, đào tạo
phải có môi trường xã hội thuận lợi, sử dụng và đãi ngộ đúng năng lực và thoả

đáng.
Thứ ba, tăng cường năng lực khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước,
thể hiện ở việc thực hiện các chính sách, chủ trương của nhà nước về khoa học,
công nghệ. Để thực hiện giải pháp này, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và
trình độ lãnh đạo đối với khoa học và công nghệ; tiếp tục hoàn thiện môi trường
pháp lý, đổi mới tổ chức và quản lý khoa học và công nghệ; đẩy mạnh phát triển
và hoàn thiện thị trường khoa học và công nghệ; triển khai thực hiện các chính
sách về thu hút, đãi ngộ, sử dụng trí thức, xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu
cầu phát triển kinh tế tri thức.
Thứ tư, đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền
thông. Công nghệ thông tin là chìa khoá để đi vào kinh tế tri thức. Cần sớm phát
triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, xây dựng đội ngũ cán bộ
chuyên môn đủ sức đáp ứng nhu cầu sâu rộng của xã hội trên lĩnh vực này. Việt

4
Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.231.


24
Nam phải có chiến lược phát triển hệ thống ICT, xem đó là động lực của đổi mới
và phát triển, là mũi nhọn xung kích của kinh tế tri thức.
Thứ năm, mở rộng quan hệ đối ngoại, mà trước hết là quan hệ kinh tế quốc
tế. Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế toàn cầu hoá. Tri thức trở thành yếu tố chi
phối sự phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam phải có đường
lối đối ngoại đúng đắn, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa giữ vững được độc lập,
chủ quyền của dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, theo tinh thần
“hoà nhập nhưng không hoà tan”.
PHẦN KẾT LUẬN
Thế kỷ XVI, XVII ở Tây Âu diễn ra nhiều biến đổi bước ngoặt trong lịch sử.

Cùng với sự thay đổi mạnh mẽ trong phương thức sản xuất là những đột phá về
mặt đời sống tinh thần, thể hiện sự đoạn tuyệt với chế độ phong kiến nặng nề và
những uy quyền trung cổ đã từng phong toả, kìm hãm lý trí con người. Nhiều
nhà tư tưởng đã mở đường cho tinh thần mới của thời đại, mà Ph.Bêcơn là một
trong những người tiên phong và có ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử nhân loại.
Sau gần 400 năm, tinh thần triết học mới của Ph.Bêcơn đã trở thành hiện
thực. Những tư tưởng mà ông đề xướng đã ảnh hưởng sâu sắc và chi phối sự phát
triển của nhận thức và thúc đẩy xã hội phát triển, kể từ cuộc cách mạng biến đổi
nước Anh thế kỷ XVII, cho đến sự bùng nổ của các cuộc cách mạng công
nghiệp, kỹ thuật, công nghệ, dẫn đến sự ra đời kinh tế tri thức. Như đã đề cập,
Ph.Bêcơn không phải là người trực tiếp khởi xướng kinh tế tri thức, nhưng những
gợi mở đầy khát vọng, quyết liệt, mạnh mẽ của ông về tri thức khoa học, phục
hồi khoa học, phương pháp nhận thức khoa học, về ứng dụng tri thức khoa học
trong đời sống, về tiến bộ xã hội…đã được triển khai không ngừng trong dòng
chảy lịch sử của nhân loại, mở ra thời đại hiện đại của văn minh trí tuệ, của kinh
tế tri thức. Khát vọng về một xã hội tốt đẹp dựa trên sự tổ chức và ứng dụng khoa
học của Ph.Bêcơn đang hiện thực hoá ngày càng rõ nét. Kinh tế tri thức là tất yếu
trên con đường phát triển của nhân loại. Tiến hành xây dựng và phát triển kinh tế
tri thức, chúng ta trân trọng tư tưởng của Ph.Bêcơn trên tinh thần kế thừa, học
hỏi và vận dụng theo quan điểm lịch sử – cụ thể, gắn lý luận với thực tiễn và
phương pháp luận biện chứng mácxít. Đứng trước nhu cầu phát triển của đất
nước, Đảng và Nhà nước luôn có những chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng
tạo, cùng với sự đồng thuận của xã hội, nước ta sẽ sớm đi vào kinh tế tri thức.
25

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN





LÊ THỊ HUYỀN



QUAN ĐIỂM CỦA PHRANXI BÊCƠN
VỀ VAI TRÒ CỦA TRI THỨC KHOA HỌC
VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC
TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY




TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC





TP. HỒ CHÍ MINH - 2012

×