Các loại tài sản trong luật dân sự Việt Nam
CÁC LOẠI TÀI SẢN TRONG LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM
ThS. NGUYỄN MINH OANH (*)
Tài sản là vấn đề trung tâm, cốt lõi của mọi quan hệ xã hội
nói chung và quan hệ pháp luật nói riêng. Khái niệm tài sản
đã được đề cập từ rất lâu trong thực tiễn cũng như trong
khoa học pháp lí. Tài sản trên thực tế tồn tại ở rất nhiều
dạng khác nhau, vô cùng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên,
mỗi loại tài sản lại có những đặc tính khác biệt cần thiết phải
có quy chế pháp lí điều chỉnh riêng. Chính vì vậy, việc phân
loại tài sản là cần thiết không chỉ có ý nghĩa trong hoạt
động lập pháp mà còn có ý nghĩa trong thực tiễn áp dụng
pháp luật. Việc phân loại tài sản theo quy định của Bộ luật
dân sự năm 2005 tại Phần thứ hai, Chương IX từ Điều 174
đến Điều 181 còn hạn hẹp, chưa đưa ra được đầy đủ những
loại tài sản cơ bản nhất nên đã gây khó khăn cho việc tìm
hiểu và áp dụng. Rõ ràng, ở mỗi góc độ khác nhau, một sự
vật, hiện tượng sẽ được nhìn nhận, đánh giá một cách khác
nhau. Do đó, ở mỗi tiêu chí khác nhau, tài sản cũng sẽ được
phân thành các loại cụ thể khác nhau. Mỗi tài sản ở tiêu chí
này sẽ tồn tại ở dạng này nhưng khi được phân loại theo tiêu
chí khác nó sẽ được tồn tại ở dạng khác. Bài viết này phân
tích về những loại tài sản được đề cập trong BLDS và một số
loại tài sản cơ bản thường được sử dụng trong khoa học pháp
lí, có ý nghĩa đối với luật dân sự để từ đó làm rõ hơn đặc tính
pháp lí của từng loại nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa cách
hiểu về các loại tài sản trong luật dân sự Việt Nam.
1. Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản
Căn cứ vào Điều 163 BLDS năm 2005 thì tài sản bao gồm vật,
tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Đây là cách phân loại
cũng đồng thời là cách định nghĩa tài sản của Bộ luật. Theo
quy định này thì tài sản được liệt kê khép kín chỉ tồn tại ở
một trong bốn loại: Vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc quyền tài
sản.
Vật là bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại khách quan mà
con người có thể cảm giác được bằng các giác quan của mình.
Vật chỉ có ý nghĩa khi nó trở thành đối tượng trong quan hệ
pháp luật nên nếu bộ phận của thế giới vật chất mà con
người không thể kiểm soát, chiếm hữu được nó thì cũng đồng
nghĩa với việc con người không thể tác động được vào nó. Do
đó, không khí, gió, mưa thuộc về vật chất nhưng không thể
được coi là tài sản về mặt pháp lí. Hơn nữa, là đối tượng
trong quan hệ pháp luật nên vật phải đáp ứng được lợi ích
của các bên chủ thể trong quan hệ. Như vậy, muốn trở thành
vật trong dân sự phải thoả mãn những điều kiện sau:
- Là bộ phận của thế giới vật chất;
- Con người chiếm hữu được;
- Mang lại lợi ích cho chủ thể;
- Có thể đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai.
Tiền, theo kinh tế chính trị học là vật ngang giá chung
được sử dụng làm thước đo giá trị của các loại tài sản khác.
Một tài sản được coi là tiền hiện nay khi nó đang có giá trị
lưu hành trên thực tế. Với việc BLDS năm 2005 đã bỏ
quy định tiền thanh toán phải là tiền Việt Nam như quy
định tại BLDS năm 1995 thì về mặt pháp lí tiền có thể được
hiểu là nội tệ hoặc ngoại tệ.(1) Tuy nhiên, ngoại tệ là loại
tài sản hạn chế lưu thông chứ không được lưu hành rộng rãi
như tiền Việt Nam.
Giấy tờ có giá là loại tài sản rất phổ biến trong giao lưu dân
sự hiện nay đặc biệt là giao dịch trong các hệ thống ngân
hàng và các tổ chức tín dụng khác. Giấy tờ có giá được hiểu
là giấy tờ trị giá được bằng tiền và chuyển giao được trong
giao lưu dân sự.(2)
Giấy tờ có giá hiện nay tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau
như séc, cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kì phiếu,
công trái Khác với tiền chỉ do cơ quan duy nhất là Ngân
hàng nhà nước ban hành thì giấy tờ có giá có thể do rất nhiều
cơ quan ban hành như Chính phủ, ngân hàng, kho bạc, các
công ti cổ phần ; nếu tiền luôn có mệnh giá nhất định thể
hiện thước đo giá trị của những loại tài sản khác, luôn lưu
hành không có thời hạn, không ghi danh thì giấy tờ có giá có
thể có mệnh giá hoặc không có mệnh giá, có thể có thời hạn
sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng, có thể ghi danh
hoặc không ghi danh và việc thực hiện quyền định đoạt về
số phận thực tế đối với giấy tờ có giá cũng không bị hạn
chế như việc định đoạt tiền.
Cần lưu ý là các loại giấy tờ xác nhận quyền sở hữu, quyền sử
dụng đối với tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy đăng kí ô
tô, sổ tiết kiệm không phải là giấy tờ có giá. Nếu cần phải
xem xét thì đó chỉ đơn thuần được coi là một vật và thuộc sở
hữu của người đứng tên trên giấy tờ đó.
Quyền tài sản theo định nghĩa tại Điều 181 BLDS năm 2005
thống nhất viết tắt là quyền trị giá được bằng tiền và có
thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu
trí tuệ. Theo đó thì quyền tài sản trước tiên phải được hiểu là
xử sự được phép của chủ thể mang quyền. Quyền ở đây chính
là một quyền năng dân sự chủ quan của chủ thể được pháp
luật ghi nhận và bảo vệ. Quyền này phải trị giá được thành
tiền hay nói cách khác là phải tương đương với một đại lượng
vật chất nhất định. Quyền tài sản thì có rất nhiều nhưng chỉ
những quyền tài sản nào có thể trở thành đối tượng trong các
giao dịch dân sự thì mới được coi là tài sản tại Điều 163
BLDS. Hiện nay, pháp luật dân sự Việt Nam công nhận một số
quyền tài sản là tài sản như quyền sử dụng đất, quyền khai
thác tài nguyên thiên nhiên, quyền yêu cầu bồi thường thiệt
hại đối với tài sản bị xâm phạm, quyền tài sản phát sinh từ
quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với
giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo
hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn
góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp
đồng.(3)
Đây là cách phân loại mang nhiều ý nghĩa trong luật dân
sự cũng như trong các ngành luật khác. Trong luật dân sự, có
nhiều trường hợp đối tượng của quan hệ không thể là tiền
hoặc giấy tờ có giá ví dụ như hợp đồng thuê, hợp đồng
mượn. Hơn nữa, khi đối tượng của giao dịch là các loại tài
sản khác nhau thì phương thức thực hiện cũng sẽ được áp
dụng khác nhau (ví dụ phương thức thực hiện nghĩa vụ giao
vật khác với thực hiện nghĩa vụ có đối tượng là tiền, giấy tờ
có giá và quyền tài sản. Đối với tiền khi thực hiện chậm sẽ bị
tính lãi tương ứng với thời gian chậm trả còn đối với vật chỉ
có thể là buộc phải giao vật và/hoặc bồi thường thiệt hại. Đối
với quyền tài sản thì vấn đề cung cấp thông tin và chuyển
giao giấy tờ là yêu cầu bắt buộc). Trong luật hình sự, việc xác
định được đúng loại tài sản theo Điều 163 BLDS sẽ có ý
nghĩa trong việc xác định đúng một số tội danh như tội vận
chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (Điều 154
BLHS năm 1999); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành
tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); tội làm,
tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả
khác (Điều 181); tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội
mà có (Điều 251).
2. Bất động sản và động sản
Khái niệm bất động sản và động sản đã được quy định tại
Điều 174 Bộ luật dân sự năm 2005 như sau:
“Bất động sản là các tài sản bao gồm:
- Đất đai;
- Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài
sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó;
- Các tài sản khác gắn liền với đất đai;
- Các tài sản khác do pháp luật quy định.
Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.
Cũng giống như cách định nghĩa tài sản, BLDS đã sử dụng
phương pháp liệt kê để định nghĩa bất động sản. Căn cứ
vào quy định đó thì hiện nay đất đai và những tài sản gắn
liền với đất đai như nhà, công trình xây dựng, cây cối, tài
nguyên sẽ được coi là bất động sản. Tuy nhiên, ở đây pháp
luật đã liệt kê mở chứ không liệt kê khép kín như Điều 163
BLDS. Do đó, cả những tài sản khác do pháp luật quy định
cũng sẽ được coi là bất động sản. Ví dụ như theo quy định
của Luật kinh doanh bất động sản thì quyền sử dụng đất là
bất động sản.(4) Cách phân loại tài sản thành động sản và
bất động sản là cách phân loại chủ yếu dựa vào đặc tính vật lí
của tài sản là có thể di dời được hay không thể di dời
được (một số nước còn dựa vào cả công dụng của tài sản
như luật của Pháp coi cả hạt giống, máy móc nông cụ là bất
động sản). Cách phân loại này là tiêu chí mà hầu hết pháp
luật của các nước trên thế giới đều sử dụng bởi việc xác lập,
thực hiện giao dịch liên quan đến hai loại tài sản này rất
khác nhau cần phải có quy phạm điều chỉnh riêng đối với
từng loại. Theo pháp luật dân sự Việt Nam, việc phân loại tài
sản thành bất động sản và động sản có rất nhiều ý nghĩa. Có
thể liệt kê một số ý nghĩa cơ bản sau đây:
- Xác lập thủ tục đăng kí đối với tài sản: Theo quy định tại
Điều 167 BLDS thì quyền sở hữu đối với bất động sản được
đăng kí theo quy định của BLDS và pháp luật về đăng kí
bất động sản còn quyền sở hữu đối với động sản không phải
đăng kí trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với tài
sản: Khoản 1 Điều 168 BLDS quy định việc chuyển giao
quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm
đăng kí quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định
khác. Còn khoản 2 quy định việc chuyển quyền sở hữu đối với
động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển
giao trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Xác định được các quyền năng của chủ thể quyền đối với
từng loại tài sản nhất định: Đối với bất động sản do đặc tính
vật lí của nó là khó có thể di dời nên việc thực hiện các quyền
năng của quyền sở hữu đối với loại tài sản này sẽ gặp những
hạn chế nhất định. Chính bởi vậy, pháp luật đã ghi nhận cho
các chủ thể có những quyền năng nhất định đối với tài sản
của người khác để bất động sản có thể khai thác được công
dụng một cách tốt nhất như quyền sử dụng hạn chế bất
động sản liền kề (từ Điều 273 đến Điều 278 BLDS).
- Xác định địa điểm thực hiện nghĩa vụ đối với các giao dịch
có đối tượng là bất động sản trong trường hợp các bên
không có thoả thuận. Theo quy định tại Điều 284 BLDS
thì trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác thì
địa điểm thực hiện nghĩa vụ là nơi có bất động sản nếu
đối tượng của nghĩa vụ là bất động sản. Nếu đối tượng không
phải là bất động sản thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ là
nơi cư trú của người có quyền.
- Xác định căn cứ xác lập quyền sở hữu: Ví dụ nếu vật vô chủ,
vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản sẽ
thuộc sở hữu của người phát hiện còn nếu vật là bất động sản
sẽ thuộc sở hữu nhà nước (Điều 239 BLDS). Hoặc theo Điều
247 BLDS thì một người chiếm hữu, được lợi về tài sản
không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục công
khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, ba mươi năm
đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể
từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu.
- Xác định hình thức của hợp đồng: Theo quy định tại Điều
467 thì hợp đồng tặng cho bất động sản phải được lập thành
văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng kí nếu
theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng kí quyền
sở hữu. Hoặc theo quy định tại Điều 459 thì việc mua bán đấu
giá bất động sản phải được lập thành văn bản có công
chứng, chứng thực hoặc phải được đăng kí nếu pháp luật
có quy định
- Là căn cứ để xác định thời hạn, thời hiệu và các thủ tục
khác: Ví dụ thời hạn thông báo công khai tài sản bán
đấu giá chậm nhất là bảy ngày đối với động sản, ba mươi
ngày đối với bất động sản (Điều 457); thời hạn chuộc lại
đối với tài sản đã bán trong hợp đồng mua bán có chuộc
lại đối với động sản là một năm và đối với bất động sản là
năm năm (Điều 462); việc bán đấu giá bất động sản được
thực hiện tại nơi có bất động sản, sau khi có thông báo về
việc bán đấu giá bất động sản, những người muốn mua phải
đăng kí mua và phải nộp một khoản tiền đặt trước (Điều
459)
- Xác định phương thức kiện dân sự: Theo Điều 257, 258
BLDS thì điều kiện để chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp
pháp có quyền yêu cầu kiện đòi lại tài sản đối với động sản
và bất động sản là khác nhau. Do đó, nếu không áp dụng
được phương thức kiện đòi lại tài sản thì chủ thể sẽ phải áp
dụng phương thức kiện khác như kiện yêu cầu bồi thường
thiệt hại.
- Xác định toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
dân sự: Theo Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì
toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự là toà án
nơi có bất động sản đó.
3. Tài sản gốc và hoa lợi, lợi tức
Dựa vào nguồn gốc và cách thức hình thành tài sản mà tài
sản có thể được phân thành tài sản gốc và hoa lợi, lợi tức.
Tài sản gốc được hiểu là tài sản khi sử dụng, khai thác công
dụng thì sinh ra lợi ích vật chất nhất định.
Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại như con bê
con do con bò đẻ ra, hoa quả thu hoạch từ cây cối Lợi tức là
các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản mà không
phải là do tài sản tự sinh ra ví dụ như tiền lãi, tiền thuê nhà
Như vậy, cả hoa lợi và lợi tức đều là những tài sản sinh ra từ
việc khai thác, sử dụng tài sản gốc.
Khi xem xét tài sản là hoa lợi, lợi tức hay tài sản gốc chúng ta
cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Cần phải sử dụng phương pháp so sánh vì tài sản sẽ là tài
sản gốc so với với tài sản này nhưng nó lại trở thành hoa lợi
hoặc lợi tức của tài sản khác. Ví dụ con ngựa có thể là hoa lợi
được sinh ra từ con ngựa mẹ nhưng lại là tài sản gốc khi nó
sinh ra ngựa con.
- Cần phân biệt hoa lợi, lợi tức với một bộ phận của tài sản:
Chỉ khi tài sản được tách khỏi tài sản gốc nó mới được coi là
hoa lợi, lợi tức của tài sản đó còn nếu nó vẫn gắn liền với tài
sản gốc thì nó được coi là một bộ phận không thể tách rời của
tài sản đó. Ví dụ hoa quả vẫn ở trên cây, con bê con vẫn
trong bụng con bò mẹ
- Cần phân biệt hoa lợi, lợi tức với sản phẩm: Chỉ được gọi là
hoa lợi, lợi tức những tài sản sinh ra từ tài sản gốc mà không
làm giảm sút, ảnh hưởng đến trạng thái ban đầu của tài sản
gốc. Trong trường hợp để thu được một lợi ích vật chất của
tài sản mà tài sản gốc bị giảm sút không thể tái tạo bằng
cách khai thác khả năng sinh sản của tài sản gốc hoặc chỉ có
thể tái tạo bằng cách lặp lại chu kì đầu tư nhằm khôi phục
trạng thái ban đầu của tài sản gốc thì lợi ích vật chất thu
được gọi là sản phẩm chứ không phải hoa lợi. Ví dụ: Cây
trồng trên đất thì cây được thu hoạch là sản phẩm chứ không
phải hoa lợi. Quả của cây được thu hoạch lại được coi là hoa
lợi.
Việc phân loại tài sản thành tài sản gốc và hoa lợi, lợi tức có ý
nghĩa pháp lí trong một số trường hợp nhất định:
- Có ý nghĩa trong việc xác định chủ sở hữu của tài sản: Về
nguyên tắc thì hoa lợi sẽ thuộc chủ sở hữu của tài sản, lợi tức
sẽ thuộc về người có quyền sử dụng hợp pháp tài sản đó. Do
đó, khi thuê, mượn tài sản thì hoa lợi thuộc chủ sở hữu của
tài sản, lợi tức thuộc về người sử dụng tài sản đó.
- Xác định trong một số trường hợp người chiếm hữu tài
sản gốc chỉ được hưởng hoa lợi sinh ra từ tài sản mà không
được khai thác công dụng của tài sản để thu lợi tức, ví dụ như
trường hợp chiếm hữu hợp pháp gia súc, gia cầm thất lạc thì
người chiếm hữu được hưởng một nửa số gia súc hoặc toàn
bộ số gia cầm được sinh ra (Điều 242, 243 BLDS);
trường hợp cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ thì bên
cầm giữ tài sản có quyền thu hoa lợi từ tài sản cầm giữ và
được dùng để bù trừ nghĩa vụ (Điều 416 BLDS).
4. Tài sản có đăng kí quyền sở hữu, tài sản không đăng kí
quyền sở hữu
Căn cứ vào giá trị của tài sản, vai trò và ý nghĩa của tài sản
đối với chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, quản lí nhà
nước mà pháp luật có quy định về việc đăng kí quyền sở hữu
đối với một số tài sản nhất định. Tài sản có đăng kí quyền sở
hữu là tài sản mà pháp luật quy định bắt buộc phải đăng kí,
nếu không đăng kí sẽ không được công nhận quyền sở
hữu đối với tài sản đó. Tài sản có đăng kí quyền sở hữu hiện
nay như nhà, máy bay, tàu biển, ô tô, súng săn, súng thể
thao Tài sản không đăng kí quyền sở hữu là tài sản mà theo
quy định của pháp luật không buộc phải đăng kí tại cơ quan
nhà nước có thẩm quyền.
Việc phân loại tài sản thành tài sản có đăng kí quyền sở hữu
và tài sản không đăng kí quyền sở hữu có những ý nghĩa cơ
bản sau đây:
- Xác định thời điểm phát sinh, chuyển giao quyền sở hữu:
Đối với tài sản có đăng kí quyền sở hữu thì theo quy định của
pháp luật quyền sở hữu chỉ phát sinh khi hoàn thành thủ
tục đăng kí, không phụ thuộc vào tài sản đó là động sản
hay bất động sản (Điều 439 BLDS).
- Xác định phương thức kiện dân sự: Đối với động sản
là tài sản phải đăng kí quyền sở hữu thì chủ thể có quyền
kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình trừ trường
hợp người đó có được tài sản đó thông qua bán đấu giá
hoặc với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu của tài sản nhưng sau
đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án,
quyết định bị huỷ, sửa (Điều 258 BLDS). Còn đối với tài sản là
động sản không phải đăng kí quyền sở hữu thì chủ thể có
quyền đòi lại từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp
người chiếm hữu ngay tình có được tài sản này thông
qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền
định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp
đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu
động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm
đoạt ngoài ý chí của chủ sở hữu (Điều 257 BLDS).
- Xác định hình thức của hợp đồng: Theo quy định của
Điều 467 BLDS thì tặng cho bất động sản phải được lập thành
văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng kí, nếu
theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng kí quyền
sở hữu.
5. Tài sản cấm lưu thông, hạn chế lưu thông, tự do lưu thông
Căn cứ vào chế độ pháp lí đối với tài sản, người ta phân chia
tài sản thành ba loại: Tài sản cấm lưu thông, tài sản hạn chế
lưu thông và tài sản tự do lưu thông.
- Tài sản cấm lưu thông là tài sản mà vì lợi ích của nó đối với
nền kinh tế quốc dân, an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia
mà Nhà nước cấm giao dịch như vũ khí quân dụng, ma tuý,
chất phóng xạ, động vật quý hiếm…
- Tài sản hạn chế lưu thông là tài sản khi dịch chuyển trong
giao dịch dân sự nhất thiết phải tuân theo những quy định
riêng của pháp luật. Trong một số trường hợp phải được
sự đồng ý, cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví
dụ vũ khí thể thao, thanh toán bằng ngoại tệ với số lượng
lớn…
- Tài sản tự do lưu thông là những tài sản mà không có quy
định nào của pháp luật hạn chế việc dịch chuyển đối với tài
sản đó. Nếu có sự dịch chuyển thì các chủ thể không cần phải
xin phép. Hầu hết các tài sản tồn tại trên thực tế hiện nay
đều là tài sản tự do lưu thông như xe máy, ti vi, tủ lạnh,
lương thực, thực phẩm…
Việc xác định đúng loại tài sản này cũng có ý nghĩa rất lớn
trong việc xác định hiệu lực pháp lí của giao dịch dân sự, cụ
thể: Tài sản cấm lưu thông không thể trở thành đối tượng
trong giao dịch dân sự. Chính vì vậy, nếu các bên vẫn xác lập
những giao dịch này thì giao dịch đó sẽ là giao dịch vô hiệu
tuyệt đối do có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật; và
khi đó tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được sẽ bị tịch thu
sung quỹ nhà nước. Còn đối với tài sản hạn chế lưu thông thì
khi xác lập giao dịch các bên phải tuân thủ chặt chẽ về điều
kiện giao dịch, nếu pháp luật có quy định phải đăng kí hoặc
xin phép thì các bên phải tuân theo thủ tục đó.
6. Tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai
Có thể nói khái niệm tài sản hiện có và tài sản hình thành
trong tương lai chỉ được pháp luật dân sự đề cập trong phần
liên quan đến giao dịch bảo đảm mặc dù cả lí luận và thực
tiễn đều thừa nhận rằng loại tài sản này có thể trở thành
đối tượng của nhiều loại giao dịch như hợp đồng mua bán,
trao đổi, tặng cho, cho thuê…
Căn cứ vào thời điểm hình thành tài sản và thời điểm xác lập
quyền sở hữu cho chủ sở hữu, tài sản được phân loại thành
tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Tài sản hiện có là tài sản đã tồn tại vào thời điểm hiện tại và
đã được xác lập quyền sở hữu cho chủ sở hữu của tài sản đó.
Ví dụ nhà đã được xây, dây chuyền sản xuất đã được lắp
ráp hoàn thiện.
Tài sản hình thành trong tương lai được hiểu là tài sản chưa
tồn tại hoặc chưa hình thành đồng bộ vào thời điểm
xem xét (thường là thời điểm xác lập nghĩa vụ hoặc giao
dịch được giao kết) nhưng chắc chắn sẽ có hoặc được hình
thành trong tương lai ví dụ tiền lương sẽ được hưởng, vụ
mùa sẽ được thu hoạch, tàu đang được đóng, nhà, công
trình xây dựng đang hình thành theo hồ sơ, dự án, thiết kế
bản vẽ thi công và tiến độ cụ thể Ngoài ra, tài sản hình
thành trong tương lai còn bao gồm cả tài sản đã được hình
thành tại thời điểm giao kết giao dịch nhưng sau thời điểm
giao kết giao dịch tài sản đó mới thuộc sở hữu của các bên,
(5) ví dụ như tài sản có được do mua bán, trao đổi, tặng cho,
cho vay, thừa kế nhưng chưa hoàn thành thủ tục chuyển giao
quyền sở hữu.
Việc xác định được đúng tài sản hiện có và tài sản hình thành
trong tương lai có một số ý nghĩa nhất định:
Xác định đối tượng được phép giao dịch: Chỉ những tài sản
hiện có hoặc những tài sản hình thành trong tương lai được
xác định ở trên mới có thể trở thành đối tượng của giao dịch
còn những tài sản các chủ thể nghĩ rằng nó có thể sẽ có trong
tương lai mà không có căn cứ để xác định nó chắc chắn sẽ có
thì không được coi là đối tượng của bất kì giao dịch cũng như
quan hệ nghĩa vụ nào. Điều 282 BLDS có quy định đối tượng
của nghĩa vụ dân sự phải được xác định cụ thể và theo quy
định tại điều 411 BLDS thì trong trường hợp ngay từ khi kí
kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì
lí do khách quan thì hợp đồng này bị vô hiệu.
Xác định hình thức, thủ tục xác lập: Vào thời điểm xem xét
thì tài sản hình thành trong tương lai chưa tồn tại, chưa
hoàn thiện hoặc chủ sở hữu chưa được xác lập quyền sở hữu.
Chính vì vậy, về tính chất, vào thời điểm hiện tại thì
quyền sở hữu của người sở hữu đối với tài sản sẽ hình thành
trong tương lai thực chất là quyền tài sản. Do đó, việc xác lập
giao dịch liên quan đến đối tượng là tài sản sẽ có trong tương
lai buộc các bên phải bàn giao những giấy tờ chứng minh
mình là người có quyền sở hữu đối với tài sản sẽ hình thành
trong tương lai đó.
7. Tài sản chung, tài sản riêng
Căn cứ vào số lượng chủ sở hữu đối với tài sản mà tài sản
có thể được phân chia thành tài sản chung và tài sản riêng.
Tài sản riêng là tài sản của một chủ sở hữu đối với tài sản
thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Chủ sở hữu ở đây có thể là
cá nhân hoặc các chủ thể khác như Nhà nước, hợp tác xã, tổ
chức chính trị, chính trị xã hội
Tài sản chung là tài sản của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản.
Sở hữu của các chủ sở hữu đối với tài sản chung có thể tồn tại
dưới hình thức sở hữu chung hợp nhất hoặc sở hữu chung
theo phần.
Việc xác định được tài sản riêng hay tài sản chung có ý
nghĩa trong việc xác định được các quyền năng của chủ sở
hữu, quyền ưu tiên của chủ thể cũng như xác định hiệu lực
của các giao dịch dân sự:
- Trong việc thực hiện các quyền năng của quyền sở hữu: Đối
với tài sản riêng thì chủ sở hữu có toàn quyền chiếm hữu,
sử dụng định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp
luật. Còn đối với tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều chủ
sở hữu thì việc thực hiện các quyền năng của quyền sở hữu
đối với mỗi loại sở hữu chung là khác nhau. Đối với sở
hữu chung theo phần thì mỗi chủ sở hữu chung có quyền,
nghĩa vụ đối với tài sản chung tương ứng với phần quyền sở
hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Đối với tài
sản chung hợp nhất thì các bên đều có quyền ngang nhau đối
với tài sản chung nên khi thực hiện các quyền năng của
quyền sở hữu các bên phải thoả thuận hoặc theo quy định
của pháp luật hoặc theo tập quán.
- Trong việc xác định hiệu lực của giao dịch: Vì tài sản chung
khi đưa vào giao dịch cần phải có sự thống nhất ý chí của các
chủ sở hữu chung nên nếu không thoả mãn điều kiện này thì
giao dịch sẽ không phát sinh hiệu lực. Ví dụ thế chấp, mua
bán tài sản chung của vợ chồng mà không có sự đồng ý của
một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch sẽ vô hiệu.
- Xác định quyền ưu tiên cho các chủ thể: Điều 223 BLDS
quy định: “Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán
phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác có
quyền ưu tiên mua Trong trường hợp bán phần quyền sở
hữu mà có vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn
ba tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu
tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở
hữu chung có quyền yêu cầu toà án chuyển sang cho mình
quyền và nghĩa vụ của người mua, bên có lỗi gây thiệt hại
phải bồi thường thiệt hại.”
8. Tài sản xác định được chủ sở hữu, tài sản vô chủ, tài
sản không xác định được ai là chủ sở hữu
Căn cứ vào mối liên hệ giữa đối tượng với chủ thể quyền, tài
sản được phân thành tài sản xác định được chủ sở hữu, tài
sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu.
Tài sản xác định chủ sở hữu là tài sản vào thời điểm xem xét
có chủ sở hữu đối với tài sản đó.
Tài sản vô chủ là tài sản mà vào thời điểm xem xét thì chủ
sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản đó
và chưa có ai được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó.
Tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu là tài sản mà
vào thời điểm xem xét không xác định được chủ sở hữu và
cũng không có căn cứ chứng minh rằng chủ sở hữu đã từ bỏ
quyền sở hữu đối với tài sản đó.
Hiện nay, trong BLDS Việt Nam không đề cập các loại tài sản
kể trên mà cách phân loại này chỉ được hiểu gián tiếp thông
qua các quy định về vật vô chủ, vật không xác định được ai là
chủ sở hữu. Chính vì vậy mà hiện nay, BLDS chỉ quy định xác
lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định
được ai là chủ sở hữu, vật đánh rơi, bỏ quên chôn giấu, chìm
đắm mà không xác định đối với tài sản nói chung (Điều
239, 240, 241 BLDS). Quy định đó đã dẫn đến những cách
hiểu khác nhau như sau: Trong trường hợp tiền, giấy tờ có
giá hoặc quyền tài sản mà chủ sở hữu từ bỏ quyền sỏ hữu của
mình hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì người
phát hiện có thể được xác lập quyền sở hữu theo các điều
luật trên hay không? Hay đối với những loại tài sản đó sẽ
thuộc sở hữu nhà nước? Có thể nói, vật vô chủ, vật không xác
định được ai là chủ sở hữu là một loại tài sản và trong
trường hợp này các tài sản khác vô chủ, không xác định
được chủ sở hữu cũng mang bản chất giống như vậy. Do đó,
đối với loại tài sản khác cũng nên áp dụng quy định này làm
căn cứ xác lập quyền sở hữu cho người phát hiện được.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, nếu BLDS được sửa đổi bổ
sung thì những quy định đó cũng cần phải được xem xét, sửa
đổi cho phù hợp.
9. Tài sản chia được, tài sản không chia được
BLDS Việt Nam hiện nay chỉ phân loại vật thành vật chia được
và vật không chia được mà không xem xét việc chia được hay
không chia được đối với các loại tài sản khác như giấy tờ có
giá và quyền tài sản. Chính vì vậy khi cần phải phân chia
những tài sản đó sẽ dẫn đến câu hỏi là có cần phải bán đi và
tính thành tiền để chia hay không? Trên thực tế thì trong
trường hợp này nếu chia được bằng tài sản đó thì toà án sẽ
phân chia luôn chứ không nhất thiết phải bán để chia (ví dụ,
chia quyền sử dụng đất có diện tích lớn).
Hơn nữa, trong BLDS tại Điều 300 có quy định về thực hiện
nghĩa vụ dân sự phân chia được theo phần như sau: “Nghĩa
vụ dân sự phân chia được theo phần là nghĩa vụ mà đối
tượng của nghĩa vụ là vật chia được hoặc công việc có
thể chia thành nhiều phần để thực hiện. Bên có nghĩa vụ có
thể thực hiện từng phần nghĩa vụ trừ trường hợp có thoả
thuận khác”. Điều 301 quy định: “Nghĩa vụ dân sự
không phân chia được theo phần là nghĩa vụ mà đối
tượng của nghĩa vụ là vật không chia được hoặc là công
việc phải thực hiện cùng một lúc. Trong trường hợp
nhiều người cùng phải thực hiện nghĩa vụ không phân chia
được thì họ phải thực hiện nghĩa vụ cùng một lúc”. Vậy nếu
đối tượng của nghĩa vụ không phải là vật mà là các tài sản
khác thì trong trường hợp này có được xem xét là nghĩa vụ
dân sự phân chia được theo phần hay không? Nếu câu trả lời
là không thì nghĩa vụ đó có luôn được hiểu là nghĩa vụ dân
sự không phân chia được theo phần và nếu có nhiều chủ thể
nghĩa vụ thì các chủ thể đó phải thực hiện nghĩa vụ cùng
một lúc hay không? Việc BLDS định nghĩa cả hai loại nghĩa
vụ này và không dùng phương pháp loại trừ dẫn đến có loại
nghĩa vụ không thể xếp vào loại này hoặc loại kia. Điều
này dẫn đến sự không thuận lợi cho các chủ thể trong khi
thực hiện nghĩa vụ nếu nghĩa vụ ở đây là nghĩa vụ trả tiền
hay giao giấy tờ có giá.
Như vậy, BLDS Việt Nam trong thời gian tới cũng cần
xem xét đến cách phân loại tài sản này. Theo tác giả thì
trong trường hợp này, tài sản chia được có thể được hiểu
là những vật khi chia thành nhiều phần nhỏ vẫn giữ nguyên
được hình dáng, tính năng sử dụng ban đầu hoặc là những tài
sản khác mà khi cần chia thì có thể chia được bằng
chính tài sản đó mà không cần trị giá thành tiền để chia.
10. Tài sản hữu hình, tài sản vô hình
Tài sản hữu hình và tài sản vô hình là hai khái niệm được
nhắc đến rất nhiều trong khoa học pháp lí cũng như trong
thực tiễn. Tuy nhiên, những khái niệm này cũng chưa được
đề cập chính thức trong BLDS Việt Nam. Căn cứ để phân
chia hai loại tài sản này là dựa vào trạng thái tồn tại của tài
sản trên thực tế có hiện hữu hay không.
Tài sản hữu hình được hiểu là những tài sản tồn tại dưới dạng
vật chất cụ thể mà con người có thể dùng các giác quan nhận
biết được hoặc dùng đơn vị cân đong đo đếm được. Do
đó ngay cả những tài sản con người không nhìn thấy
được như năng lượng, sóng phát thanh truyền hình cũng
vẫn được coi là tài sản hữu hình bởi con người vẫn cảm giác
được nó bằng các giác quan khác của con người và vẫn xác
định được nó bằng các đơn vị đo lường.
Tài sản vô hình được hiểu là tài sản mà con người không thể
dùng giác quan để thấy được và không thể dùng đại lượng để
tính. Xét theo nghĩa rộng thì tài sản vô hình hiện nay chính là
các quyền tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế, nhắc đến tài sản
vô hình người ta thường hay nghĩ đến tài sản trí tuệ. Như
vậy, theo nghĩa hẹp thì tài sản vô hình được hiểu là các
quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ như quyền
tài sản đối với quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp,
quyền đối với giống cây trồng.
Có ý kiến cho rằng quyền tài sản có thể phân thành quyền tài
sản vô hình và quyền tài sản hữu hình. Theo đó thì “quyền vô
hình được hiểu là những quyền không có đối tượng được
nhận biết như là một vật cụ thể mà cũng không tương ứng
với nghĩa vụ tài sản của bất kì một người nào ví dụ như
quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, các yếu tố vô
hình của sản nghiệp thương mại và không coi quyền vô
hình là một quyền đối vật hay quyền đối nhân”.(6) Tuy
nhiên, theo tác giả, đã là quyền tài sản thì đều là tài sản vô
hình dù quyền đó có được tác động nên vật hay không vì
bản thân quyền đã được hiểu là những xử sự không thuộc
thế giới vật chất và con người không thể cảm giác được.
Quyền tài sản có thể được xếp vào đối vật hoặc đối nhân là
tuỳ thuộc vào cách thức thực hiện quyền năng để thoả mãn
nhu cầu của chủ thể mang quyền. Quyền đối vật hiện nay
không nên chỉ hiểu theo nghĩa hạn hẹp là phải tác động nên
một vật cụ thể mà quyền đối vật hiện nay có thể được hiểu
còn gắn liền với những tài sản vô hình khác. Ví dụ, quyền sử
dụng đất, quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở
hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền khai
thác tài nguyên thiên nhiên, quyền đối với phần vốn góp
trong doanh nghiệp là quyền đối vật còn quyền đòi nợ, quyền
yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản, quyền nhận
tiền bảo hiểm là quyền đối nhân.
Việc phân loại tài sản thành hữu hình và vô hình sẽ giúp ích
cho việc xác định quyền năng cũng như cách thức thực hiện
quyền năng của chủ thể đối với tài sản. Bởi lẽ việc chiếm hữu,
sử dụng cũng như định đoạt đối với tài sản vô hình không thể
giống như đối với tài sản hữu hình. Nếu như đối với tài sản
hữu hình chủ sở hữu hoặc người khác có thể chiếm hữu thực
tế, có thể sử dụng để khai thác công dụng của tài sản thì đối
với tài sản vô hình, chủ thể quyền chỉ có thể chiếm hữu, sử
dụng và định đoạt tài sản về mặt pháp lí mà thôi. Hơn nữa,
đối với tài sản vô hình, việc định giá là rất khó khăn và có
nhiều khác biệt hơn so với tài sản hữu hình. Chính vì vậy việc
ban hành các văn bản pháp luật quy định về vấn đề này sẽ
giải quyết được nhiều vấn đề trong Luật dân sự như xác định
thiệt hại khi có hành vi xâm phạm đến loại tài sản vô hình
này; tính giá trị của tài sản để chia; xác định giá trị để thực
hiện việc trao đổi, mua bán, bù trừ nghĩa vụ…
Trên đây là một số loại tài sản cơ bản được quy định hoặc cần
thiết được quy định bởi luật dân sự. Ngoài ra, tài sản còn
được phân thành nhiều loại khác nhau như tài sản là tư liệu
sản xuất, tư liệu tiêu dùng; tài sản có thật, tài sản ảo; tài sản
cố định, tài sản lưu động; tài sản công, tài sản tư; tài
sản tài chính, tài sản phi tài chính Tuy nhiên, những
cách phân loại này không có nhiều ý nghĩa trong luật dân sự
nên không được đề cập trong phạm vi bài viết này./.
(*) Giảng viên khoa luật Dân sự - Trường đại học luật Hà Nội
(1). Có quan điểm cho rằng ngoại tệ không phải là tiền.
Tìm đọc TS. Bùi Đăng Hiếu, “Tiền - một loại tài sản trong
quan hệ pháp luật dân sự”, Tạp chí luật học số 1/2005.
(2).Xem: Khoản 9, Điều 3 Nghị định của Chính phủ số
163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo
đảm.
(3).Xem: Điều 322 BLDS năm 2005.
(4).Xem: Điều 6 Luật kinh doanh bất động sản.
(5).Xem: Khoản 2 Điều 6 Nghị định của Chính phủ số
163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm.
(6).Xem: Nguyễn Ngọc Điện, “Nghiên cứu về tài sản trong
luật dân sự Việt Nam”, Nxb. Trẻ thành phố Hồ Chí Minh,
2000, tr. 30-36.
MỞ RỘNG THÀNH VIÊN VÀ DÂN CHỦ HOÁ NHẰM (tiếp theo
trang 9)
(bao gồm năm nước là Thụy Sỹ, Costa Rica, Jordan,
Liechtenstein và Singapore) đã đưa ra 19 đề xuất cải tiến
thủ tục hoạt động của hoạt động của HĐBA. Theo đó, Hội
đồng cần tổ chức nhiều hơn các cuộc họp báo và các cuộc họp
công khai; xem xét những cách thức để thu hút sự trợ giúp từ
Ban thư kí, nhóm làm việc, các chuyên gia, các nhà hoạt động
chính sách và các tổ chức phi chính phủ (NGOs); Hội đồng tư
vấn thường xuyên và kịp thời các quốc gia thành viên và cả
các quốc gia không là thành viên HĐBA, coi đó như là thủ tục
hoạt động chính thức của HĐBA. Những quyết định cần sự
thực hiện của tất cả các thành viên thì HĐBA phải xem xét ý
kiến của tất cả các thành viên và đảm bảo rằng đó là ý kiến
và nguyện vọng của họ, có tính đến khả năng thực hiện quyết
định được tính đến trong quá trình ra quyết định. Chương
trình và kết quả của các cuộc họp cần công bố kịp thời và
công khai hơn nữa, các báo cáo của HĐBA cũng cần có nhiều
phân tích và luận giải cho cơ sở của các quyết định,
nhất là trong trường hợp sử dụng quyền phủ quyết.
Khác với việc mở rộng thành viên, cải tiến thủ tục làm việc
của HĐBA dễ đạt được hơn bởi nó không yêu cầu sự sửa đổi
Hiến chương LHQ và có thể được thực hiện bởi quyết định của
HĐBA. Do đó, trong khi chờ đợi quyết định về cải tổ thành
phần, HĐBA cần cải tiến quy trình làm việc để công việc trở
nên dễ tiếp cận và công khai hơn đối với tất cả các nước
thành viên./.
- See more at: />trong-luat-dan-su-viet-
nam_n58100_g749.aspx#sthash.h7ufus2J.dpuf