Tải bản đầy đủ (.pdf) (378 trang)

đặc điểm cấu trúc, ngữ nghĩa và ngữ dụng của lời khen, lời chê trong tiếng việt (so sánh với tiếng anh)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.86 MB, 378 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
  




ĐỖ THỊ BÌNH




ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC, NGỮ NGHĨA VÀ NGỮ DỤNG
CỦA LỜI KHEN, LỜI CHÊ TRONG TIẾNG VIỆT
(SO SÁNH VỚI TIẾNG ANH)






LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN











Thành phố Hồ Chí Minh - năm 2012
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
  



ĐỖ THỊ BÌNH


ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC, NGỮ NGHĨA VÀ NGỮ DỤNG
CỦA LỜI KHEN, LỜI CHÊ TRONG TIẾNG VIỆT
(SO SÁNH VỚI TIẾNG ANH)


Chuyên ngành: NGÔN NGỮ HỌC SO SÁNH – ĐỐI CHIẾU
Mã số: 62.22.01.10

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN


Phản biện độc lập 1: GS.TSKH. LÝ TOÀN THẮNG
Phản biện độc lập 2: GS.TS. NGUYỄN VĂN HIỆP
Phản biện 1: PGS.TS. TRẦN THỊ NGỌC LANG
Phản biện 2: PGS.TS. LÊ KHẮC CƯỜNG
Phản biện 3: PGS.TS. NGUYỄN VĂN HUỆ

TẬP THỂ HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
1. TS. NGUYỄN HỮU CHƯƠNG

2. TS. HUỲNH THỊ HỒNG HẠNH

Thành phố Hồ Chí Minh - Năm 2012
LỜI CAM ĐOAN


Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công
trình nào khác.



Tác giả luận án



ĐỖ THỊ BÌNH
LỜI CẢM ƠN


Tôi xin trân trọng cảm ơn các Thầy Cô - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chương và Tiến
sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh – đã rất tận tâm hướng dẫn giúp tôi hoàn tất luận án này.
Tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy cô khoa Văn học – Ngôn ngữ và anh chị em
học viên khóa 2007 -2010 đã động viên, giúp đỡ tôi trong quá trình thực hiện đề tài
này.
Xin trân trọng cảm ơn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG
TP.HCM, Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 đã tạo điều kiện, giúp đỡ tôi trong quá
trình học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện luận án.
Xin tỏ lòng biết ơn gia đình và những người thân đã chia sẻ những khó khăn với
tôi trong quá trình học tập, công tác và thực hiện công trình này.




ĐỖ THỊ BÌNH
BẢNG KÝ HIỆU VÀ CHỮ VIẾT TẮT
1. KÝ HIỆU:
[ , ]: Tên tác phẩm, tài liệu trích dẫn để trong [ ]; trong đó: số đầu là số thứ tự
của tên tác phẩm, tài liệu tham khảo ở cuối luận án; sau dấu phẩy là số trang.
+ : Cực dương, nghĩa tích cực
- : Cực âm, nghĩa tiêu cực
2. VIẾT TẮT:
(1) S: Người nói (speaker)
(2) H: Người nghe (hearer)
(3) LK: Lời khen
(4) LC: Lời chê
(5) CLK: Chiến lược khen
(6) CLC: Chiến lược chê
(7) CT: Cấu trúc
(8) CTLK: Cấu trúc lời khen
(9) CTLC: Cấu trúc lời chê
(10) ĐTGT: Đối tượng giao tiếp
(11) SVHS: Sinh viên học sinh
(12) TH: Tình huống
(13) ĐTNVK: Động từ ngữ vi biểu thị hành vi khen
(14) ĐTNVC: Động từ ngữ vi biểu thị hành vi chê
(15) NDMĐK: Nội dung mệnh đề khen
(16) NDMĐC: Nội dung mệnh đề chê
(17) X: Đối tượng được khen / Đối tượng bị chê
(18) K: Nội dung lời khen
(19) C: Nội dung lời chê

(20) TX: Thường xuyên
(21) KTX: Không thường xuyên
(22) RTX: Rất thường xuyên
(23) KBG: Không bao giờ
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU Trang
1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu 1
2. Lịch sử vấn đề 4
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 9
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu 10
5. Đóng góp của luận án 12
6. Bố cục luận án 13
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ THUYẾT 15
1.1 Một số vấn đề về dụng học giao văn hóa 15
1.1.1 Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa 15
1.1.2 Trực tiếp, gián tiếp và vấn đề lịch sự trong dụng học giao văn hóa 22
1.1.3 Giao tiếp ngôn từ và giao tiếp phi ngôn từ 28
1.2 Đặc điểm hành vi khen và hành vi chê 31
1.2.1 Đặc điểm hành vi khen (complimenting) 31
1.2.2 Đặc điểm hành vi chê (criticizing) 35
1.3 Lập luận trong ngôn ngữ 37
1.4 Tiểu kết 40
CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC CỦA LỜI KHEN VÀ LỜI CHÊ
TRONG TIẾNG VIỆT (SO SÁNH VỚI TIẾNG ANH) 43
2.1 Đặc điểm cấu trúc của lời khen trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh) 43
2.1.1 Đặc điểm cấu trúc của lời khen trong tiếng Việt 43
2.1.1.1 Lớp từ ngữ thường được sử dụng khi khen trong văn hóa Việt 43
2.1.1.2 Mô hình cấu trúc lời khen trong tiếng Việt 49

2.1.2 Đặc điểm cấu trúc của lời khen trong tiếng Anh Mỹ 58
2.1.2.1 Lớp từ ngữ thường được sử dụng khi khen trong văn hóa Mỹ 58
2.1.2.2 Mô hình cấu trúc lời khen trong tiếng Anh Mỹ 63
2.1.3 So sánh đặc điểm cấu trúc của lời khen trong hai ngôn ngữ 72
2.1.3.1 Những điểm tương đồng và dị biệt xét ở góc độ sử dụng từ ngữ 72
2.1.3.2 Những điểm tương đồng và dị biệt xét ở góc độ cấu trúc 75
2.2 Đặc điểm cấu trúc của lời chê trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh) 78
2.2.1 Đặc điểm cấu trúc của lời chê trong tiếng Việt 78
2.2.1.1 Lớp từ ngữ thường được sử dụng khi chê trong văn hóa Việt 78
2.2.1.2 Mô hình cấu trúc lời chê trong tiếng Việt 87
2.2.2 Đặc điểm cấu trúc của lời chê trong tiếng Anh Mỹ 95
2.2.2.1 Lớp từ ngữ thường được sử dụng khi chê trong văn hóa Mỹ 95
2.2.2.2 Mô hình cấu trúc lời chê trong tiếng Anh Mỹ 100
2.2.3 So sánh đặc điểm cấu trúc của lời chê trong hai ngôn ngữ 109
2.2.3.1 Những điểm tương đồng và dị biệt xét ở góc độ sử dụng từ ngữ 109
2.2.3.2 Những điểm tương đồng và dị biệt xét ở góc độ cấu trúc 112
2.3 Tiểu kết 115
CHƯƠNG 3. ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA VÀ NGỮ DỤNG CỦA LỜI KHEN VÀ
LỜI CHÊ TRONG TIẾNG VIỆT (SO SÁNH VỚI TIẾNG ANH) 118
3.1 Đặc điểm ngữ nghĩa và ngữ dụng của lời khen trong tiếng Việt (so sánh với
tiếng Anh) 118
3.1.1 Đặc điểm ngữ nghĩa và ngữ dụng của lời khen trong tiếng Việt 118
3.1.1.1 Các chiến lược khen trong văn hóa Việt 118
3.1.1.2 Chức năng của lời khen trong văn hóa Việt 125
3.1.2 Đặc điểm ngữ nghĩa và ngữ dụng của lời khen trong tiếng Anh Mỹ 129
3.1.2.1 Các chiến lược khen trong văn hóa Mỹ 129
3.1.2.2 Chức năng của lời khen trong văn hóa Mỹ 133
3.1.3 So sánh về mặt ngữ nghĩa và ngữ dụng của lời khen trong hai ngôn ngữ 138
3.1.3.1 Những điểm tương đồng và dị biệt về chiến lược sử dụng lời khen trong
hai ngôn ngữ 138

3.1.3.2 Những điểm tương đồng và dị biệt về chức năng của lời khen
trong hai ngôn ngữ 145
3.2 Đặc điểm ngữ nghĩa và ngữ dụng của lời chê trong tiếng Việt (so sánh với tiếng
Anh) 150
3.2.1 Đặc điểm ngữ nghĩa và ngữ dụng của lời chê trong tiếng Việt 150
3.2.1.1 Các chiến lược chê trong văn hóa Việt 150
3.2.1.2 Chức năng của lời chê trong văn hóa Việt 158
3.2.2 Đặc điểm ngữ nghĩa và ngữ dụng của lời chê trong tiếng Anh Mỹ 162
3.2.2.1 Các chiến lược chê trong văn hóa Mỹ 162
3.2.2.2 Chức năng của lời chê trong văn hóa Mỹ 167
3.2.3 So sánh về mặt ngữ nghĩa và ngữ dụng của lời chê trong hai ngôn ngữ 170
3.2.3.1 Những điểm tương đồng và dị biệt về chiến lược sử dụng lời chê trong
hai ngôn ngữ 170
3.2.3.2 Những điểm tương đồng và dị biệt về chức năng của lời chê trong hai
ngôn ngữ 177
3.3 Thang độ trong khen và chê 180
3.4 Tiểu kết 189
KẾT LUẬN 191
TÀI LIỆU THAM KHẢO 196
NGỮ LIỆU TRÍCH DẪN 206
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI CỦA LUẬN ÁN
210


1
MỞ ĐẦU

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
1.1 Lý do chọn đề tài
Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hòa mình vào thế giới, quan hệ

hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, các đối tác, du khách, lưu học sinh quốc tế xuất
hiện ngày càng đông ở Việt Nam và ngược lại người Việt cũng đang sống và làm
việc ở khắp nơi trên thế giới, nhu cầu giao tiếp đặc biệt là giao tiếp ngôn ngữ ngày
càng gia tăng giữa các cộng đồng ngôn ngữ. Việc tìm hiểu những điểm giống và
khác nhau trong văn hóa, đặc biệt là văn hóa nói năng giữa các cộng đồng đóng một
vai trò vô cùng quan trọng.
Giao tiếp, ngôn ngữ và văn hóa là những yếu tố không thể tách rời nhau. Để
giao tiếp tốt, đối tượng giao tiếp (ĐTGT) không chỉ cần thành thạo về ngôn ngữ mà
còn cần phải hiểu biết về văn hóa của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó. Sự khác biệt
trong văn hóa sẽ gây khó khăn trong giao tiếp. Brown & Levinson [76,16] cho rằng
mỗi ngôn ngữ có quy tắc giao tiếp riêng và mỗi nền văn hóa có quy định riêng về
việc ĐTGT phải giao tiếp với nhau như thế nào. Những quy định này đóng vai trò
như luật bất thành văn mà mọi người sống trong cùng nền văn hóa đó đều biết và
làm theo. Vì vậy việc học và sử dụng một ngoại ngữ đòi hỏi người học không chỉ
nắm bắt những kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, mà còn cần có những kỹ
năng giao tiếp, kiến thức văn hóa tức là cách sử dụng các chiến lược giao tiếp trong
ngữ cảnh cụ thể để đạt được những mục tiêu cụ thể.
Khen, chê là một trong những mục đích của hoạt động giao tiếp ngôn ngữ
(hoặc giao tiếp bằng một số phương thức khác) trong bất kỳ xã hội, dân tộc nào
cũng có. Ở giai đoạn sơ khai sơ khởi, sự khen, chê có lẽ theo thói quen, theo tập
quán, tập tục của từng dân tộc. Cùng với sự phát triển của lý thuyết ngôn ngữ học
và những nghiên cứu về phép lịch sự trong giao tiếp, dần dần khen, chê được xét
đến như là một trong những hoạt động ngôn từ gắn với phép lịch sự trong nghi thức
giao tiếp. Trong phạm vi rất rộng lớn ấy của ngữ dụng học, chúng tôi chọn hai hoạt
động ngôn từ đối ứng nhau này (theo cách hiểu nghĩa trực tiếp, thông thường) làm
đề tài nghiên cứu. Lời khen (LK) đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp lời

2
nói, gắn liền với việc hình thành năng lực sáng tạo, giáo dục thẩm mỹ và thậm chí
hình thành nhân cách con người. Việc tạo một LK không chỉ đơn thuần là theo

những cấu trúc (CT) với các tiêu điểm: khen ai, khen cái gì, khen như thế nào mà
còn phải tìm hiểu việc áp dụng hành vi ấy trong những ngữ cảnh khác nhau, ở các
môi trường khác nhau. Tương tự, trong giao tiếp hằng ngày, lời chê (LC) được thực
hiện với nhiều mục đích: không tán đồng, khắc phục những điều chưa chuẩn, chưa
đạt yêu cầu, khuyên bảo…. Tuy nhiên đây là một hành vi rất cần sự cẩn trọng trong
giao tiếp vì nó là một hành vi âm tính, hành vi đe dọa thể diện của cả người nói (S)
và người nghe (H). Vì thế việc lựa chọn các chiến lược chê (CLC) phù hợp: thêm vị
đắng để làm cho đối tượng bị chê thấm thía với những khuyết điểm của mình hay
ngọt hóa để giảm mức độ đe dọa thể diện người nghe là một nghệ thuật trong giao
tiếp.
Ngôn ngữ gắn liền với văn hóa và tư duy của người giao tiếp. Để hiểu một
LK hoặc một LC trong giao tiếp, ĐTGT cũng cần phải hiểu các yếu tố xung quanh
LK hoặc LC ấy – môi trường giao tiếp (khoảng cách giao tiếp, nơi giao tiếp, thời
điểm giao tiếp …), phương tiện giao tiếp phi lời kèm theo: cử chỉ, điệu bộ, vẻ
mặt…), trạng thái giao tiếp của đối tượng (buồn, vui, không hợp với đối tác giao
tiếp …). Khen và chê rõ ràng là hai hành động trái ngược nhau. Tuy nhiên, trong
thực tế giao tiếp khi yếu tố văn hóa và ngữ cảnh được xét đến thì hai hành động này
đôi khi rất khó để phân biệt. Người giao tiếp dùng một từ hoặc một cấu trúc LK
nhưng mục đích để chê và ngược lại. Ngoài tiêu chí hình thức và ngữ nghĩa, có cần
phải xét đến mối liên hệ giữa từ ngữ được sử dụng và tư duy của một cộng đồng nói
năng? Câu hỏi được đặt ra là liệu khi khen người giao tiếp luôn dùng các từ tích cực
(dương tính) và khi chê thì dùng các từ tiêu cực (âm tính), còn các từ mang ý nghĩa
trung hòa trong thang độ ấy sẽ diễn đạt ý khen hay chê?
Mặt khác, trong sự hoạt động ngôn từ phong phú và đa dạng, khen và chê lại
cung cấp cho người nghiên cứu những điều rất bổ ích để hiểu sâu hơn về cách ứng
xử trong cộng đồng khi khen và khi chê.
Từ những điều lý thú khi tìm hiểu về văn hóa của các cộng đồng cùng với sự
lôi cuốn của việc vận dụng ngữ dụng trong phân tích những hành động ngôn ngữ
thúc đẩy chúng tôi quyết định chọn đề tài này. Chúng tôi chọn tiếng Anh của người


3
Mỹ để đối chiếu với tiếng Việt vì trong quá trình công tác, chúng tôi được sống và
làm việc tại đất nước Mỹ, trong cộng đồng người Mỹ.
1.2 Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài này, chúng tôi muốn tìm hiểu những đặc điểm ngôn ngữ
và văn hóa thể hiện qua LK, LC trong tiếng Việt và tiếng Anh Mỹ với mục đích
giúp cho việc giao tiếp ứng xử hằng ngày đạt hiệu quả tối ưu.
Nghiên cứu LK và LC ở cả ba bình diện: cấu trúc, ngữ nghĩa và ngữ dụng,
chúng tôi xác định các nhiệm vụ và mục đích cụ thể của LA như sau:
(1) Tập hợp các biểu thức ngữ vi khen và chê ở cả hai ngôn ngữ, xây dựng
thành những mô hình CT của hai hành động lời nói này để góp phần phân định đâu
là các hành vi tại lời phổ quát, đâu là các hành vi tại lời đặc ngữ, từ đó nêu lên được
các đặc trưng ngôn ngữ-văn hóa trong LK, LC của người Việt và người Mỹ.
(2) Mô tả và xác định vai trò ngữ nghĩa của các thành tố tạo nên biểu thức ngữ
vi khen và biểu thức ngữ vi chê.
(3) Tổng hợp các chiến lược người Việt và người Mỹ thường sử dụng khi thực
hiện hành vi khen, chê và chức năng của chúng trong giao tiếp để chỉ ra những biểu
hiện văn hóa của hai dân tộc nói chung và văn hóa ứng xử của người Việt và người
Mỹ thông qua hai hành động ngôn từ đối ứng nhau này nói riêng.
(4) Khẳng định tầm quan trọng của việc nắm rõ những chiến lược giao tiếp và
những từ định hướng nghĩa để đạt hiệu quả trong giao tiếp. Bên cạnh đó, ĐTGT cần
hiểu biết đặc điểm văn hóa của một dân tộc, những lý lẽ chung được công nhận
trong nền văn hóa đó và hoàn cảnh giao tiếp để hiểu và phân biệt LK và LC trong
giao tiếp hằng ngày vì phương tiện hình thức dùng để khen và chê là hoàn toàn trái
ngược nhau, tuy nhiên khi đặt vào hoàn cảnh giao tiếp cụ thể trong một nền văn hóa
cụ thể, đặc biệt là khi có sự tham gia của ngôn ngữ phi lời mà cụ thể là những thái
độ, cử chỉ, v.v… thì khen và chê đôi khi lại rất khó phân biệt.
(5) Đối sánh LK và LC trong tiếng Việt và tiếng Anh Mỹ để chỉ ra những
điểm tương đồng và khác biệt về nội dung, hình thức, chiến lược sử dụng và chức
năng của chúng trong hai ngôn ngữ và từ đó khẳng định mỗi dân tộc có cách sử

dụng ngôn ngữ riêng và ngôn ngữ gắn liền với tư duy và văn hóa của dân tộc đó.
Kết quả nghiên cứu sẽ giúp ích cho công tác dịch thuật, biên soạn giáo trình
dạy tiếng, và góp phần nâng cao việc dạy và học tiếng Anh Mỹ cho người Việt và

4
tiếng Việt cho người nước ngoài, đồng thời giúp cho việc giao tiếp ứng xử trong xã
hội hằng ngày đạt hiệu quả cao nhất.
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Khen và hồi đáp khen đã được nghiên cứu khá nhiều ở những nước nói tiếng
Anh trên thế giới từ ba thập niên trước. A. Pomerantz(1978) [114] là người tiên
phong nghiên cứu LK và cách đáp trả LK của người Mỹ phát hiện rằng người Mỹ
không phải luôn luôn chấp nhận LK mà lời hồi đáp có thể thuộc vào ba loại: 1. chấp
nhận LK (acceptance), 2. từ chối LK (rejections), 3. cách nói tránh tự khen ngợi bản
thân (self-praise avoidance mechanisms). Trong nghiên cứu đầu tiên của mình, N.
Wolfson và J. Manes (1980) [131] nêu lên chức năng của hành động khen là xây
dựng và thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa người khen và người được khen. Tiếp
đến, N. Wolfson (1983), R. Herbert (1986) và J. Holmes (1987) tập trung vào giả
thuyết này và cung cấp thêm những kết quả rõ ràng để khẳng định giả thuyết ấy
chính là chức năng chính của LK. J. Manes (1983) [106] khẳng định khen và hồi
đáp khen phản ánh giá trị văn hóa của một cộng đồng.
R. Herbert (1989) [92] nêu lên một câu hỏi rằng liệu những người bản xứ ở
các nước nói tiếng Anh khác, cụ thể là người Nam Phi có dùng theo những cấu trúc
lời khen (CTLK) và hồi đáp khen như người Mỹ không. Tác giả cho thấy sự phân
tầng trong xã hội là bản chất trong ý thức hệ của người Nam Phi, do đó người Nam
Phi ít dùng những LK trong giao tiếp, trái ngược hẳn với sự thường xuyên dùng LK
của người Mỹ. Người Mỹ thường xuyên sử dụng LK vì họ cố gắng thiết lập sự gắn
bó với đối tác giao tiếp trong một tình huống mà vị trí xã hội, tầng bậc của họ chưa
được xác định. Ngược lại người Nam Phi không cần phải tận dụng LK để thiết lập
cái mà họ đã sẵn có.
Tiếp theo phải kể đến nghiên cứu của J. Holmes (1988) [94] về khen và hồi

đáp khen của người New Zealand. Xã hội New Zealand có nhiều điểm tương đồng
với xã hội Mỹ tức là không có sự phân tầng bậc, do đó tần suất sử dụng LK cũng có
nhiều tương đồng.
Gần đây khi hướng tiếp cận giao thoa văn hóa ngày càng phổ biến thì việc
nghiên cứu LK và hồi đáp khen càng thu hút những nhà nghiên cứu, những tác giả
viết sách, giáo viên và học viên học tiếng Anh từ những nước sử dụng tiếng Anh
như một ngôn ngữ thứ hai. Các nhà nghiên cứu đã phân tích và tiến hành so sánh

5
những điểm tương đồng và khác biệt trong các phát ngôn khen và hồi đáp khen ở
từng nền văn hóa khác nhau:
- D.C. Barnlund và S. Araki (1985) [71] đã tiến hành so sánh mật độ sử dụng
LK giữa người Mỹ và người Nhật và đưa ra những kết luận: Người Mỹ thường sử
dụng LK hơn người Nhật. Những đề tài mà người Mỹ thường khen là: ngoại hình,
những nét quyến rũ riêng tư trong khi người Nhật thường xuyên khen công việc,
học tập, ngoại hình. M. Daikuhara (1986) [82] nghiên cứu sự khác nhau giữa hai
nền văn hóa Mỹ - Nhật trong việc khen các thành viên trong gia đình nơi công cộng
và kết luận người Mỹ thường xuyên khen các thành viên trong gia đình nơi công
cộng trong khi người Nhật hiếm khi làm chuyện này.
- Chung-hye Han (1992) [79] nghiên cứu sự khác nhau trong việc đáp trả LK
giữa phụ nữ Mỹ và phụ nữ Hàn Quốc và kết luận phụ nữ Hàn thường từ chối LK,
chỉ có 20% chấp nhận LK trong khi đó 75% phụ nữ Mỹ chấp nhận LK.
- Yi Yuan (1998) [135] nghiên cứu cách khen và đáp trả LK của người Trung
Quốc theo độ tuổi, giới tính và trình độ văn hóa. R. Chen (1993) [78]; W.C.T. Loh
(1993) [104] và Yi Yuan (1998) phân tích sự ảnh hưởng của văn hóa đối với học
viên người Trung Quốc khi đáp trả LK bằng tiếng Anh. Đại đa số người Trung
Quốc thường từ chối LK hoặc đưa ra những lời giải thích khi nhận được LK từ
người giao tiếp, rất hiếm có người nào đáp trả LK bằng cách cảm ơn như người
Anh.
- So sánh LK giữa văn hóa Thái và văn hóa Mỹ có các tác giả: C. Gajaseni

(1994) [87], R. Cooper và N. Cooper (2005) [80] và Payung Cedar (2006) [113].
Payyung Cedar nghiên cứu nét tương đồng và khác biệt trong cách đáp trả LK giữa
người Thái và người Mỹ. Điểm khác biệt rõ nét nhất nằm ở chỗ trong khi người Mỹ
thường chấp nhận và đáp trả LK một cách tích cực thì người Thái tiếp nhận LK một
cách e dè hơn. Rất nhiều người Thái đáp trả LK chỉ bằng một nụ cười và không
dùng kèm bất cứ một phát ngôn nào và điều này là không bao giờ xảy ra trong văn
hóa Mỹ.
- G.L. Nelson, W.E. Bakary và M.A. Batal (1996) [109] tìm hiểu sự giống và
khác nhau giữa cách khen của người Ai Cập và người Mỹ và kết luận cấu trúc lời
khen (CTLK) của hai cộng đồng này giống nhau (vật được khen + tính từ) nhưng
tần suất sử dụng LK của người Mỹ nhiều hơn người Ai Cập.

6
Ở Việt Nam, đã có một số công trình nghiên cứu liên quan đến khen và hồi
đáp khen, như luận văn thạc sĩ của Lê Thị Thu Hoa (1996) [30] “Cấu trúc nghĩa
của động từ nói năng “khen”, “tặng”, “chê”. Luận văn tập trung vào việc miêu tả
các động từ nói năng, trong đó có hành động khen. Luận văn chưa nghiên cứu sâu
về đặc điểm của hành vi này trong các vấn đề liên quan đến văn hóa và giao thoa
văn hóa; “Một vài khảo sát về đặc điểm văn hóa của người châu Âu và người Việt
thể hiện qua lời khen” của Bùi Thị Phương Chi và Phạm Thị Thu Hà (2005) [8]: đề
tài nghiên cứu này tìm hiểu đặc điểm tâm lý, văn hóa của người Châu Âu và người
Việt thể hiện qua hành động khen, tuy nhiên chỉ giới hạn trong một nhóm nghiệm
thể nhỏ (30 người Việt và 30 người châu Âu), hầu hết là sinh viên đại học, nên kết
quả khảo sát chỉ thể hiện được một phần nào đặc điểm tâm lý của hai dân tộc. Nổi
bật có LA tiến sĩ của Nguyễn Quang (1999) [42] - “Một số khác biệt giao tiếp Việt –
Mỹ trong cách thức khen và tiếp nhận lời khen”. Tác giả đã so sánh sự khác biệt
trong các hình thức xưng hô, các dấu hiệu từ vựng tình thái, cái nên khen và cái
không nên khen, các chiến lược tiếp nhận LK khác nhau giữa người Việt và người
Mỹ. Tuy nhiên trong đề tài này, nhóm nghiệm thể Mỹ là những người sinh sống và
làm việc ở Châu Á, nên theo chúng tôi nhóm nghiệm thể này ít nhiều cũng có

những ảnh hưởng theo văn hóa của người châu Á. Đặc biệt là các yếu tố cận ngôn
(paralinguistic factors) như ngữ điệu, trọng âm, các yếu tố thuộc ngôn ngữ phi lời
như cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, biểu hiện trên mặt, các yếu tố thuộc môi trường giao
tiếp như nơi giao tiếp, thời điểm giao tiếp và trạng thái giao tiếp chưa được đề cập
đến. Tác giả đã quan tâm đến yếu tố văn hóa và giao thoa văn hóa nhưng chưa lý
giải rõ ràng vì sao lại có hiện tượng này. Gần đây nhất là LA tiến sĩ của Trần Kim
Hằng (2011) – “Văn hóa ứng xử của người Việt nam bộ và người Mỹ qua lời khen
và lời hồi đáp khen”. LA này tìm hiểu những đặc điểm về ngôn ngữ và văn hóa ứng
xử thể hiện qua LK và lời đáp trong tiếng Việt ở riêng vùng Nam bộ và tiếng Anh ở
Mỹ. Tác giả LA đã chỉ ra những biểu hiện văn hóa của hai dân tộc Việt, Mỹ qua các
CT khen và hồi đáp khen và xác định được lớp từ ngữ rặt Nam Bộ và cách dùng
chúng trong khen và hồi đáp khen. Tuy nhiên, các mẫu câu khen tiếng Việt được
khảo sát trong LA là của người Việt vùng Nam Bộ vì thế đây chỉ là các mô hình đặc
ngữ chứ chưa phải là các mô hình phổ quát. LA cũng chưa quan tâm đến các CT sử
dụng hư từ như một tác tử định hướng lập luận. Và vì thế tuy tác giả đã minh họa

7
một lượng lớn CT khen và hồi đáp khen nhưng số mô hình này vừa thiếu lại vừa
thừa.
Những công trình nghiên cứu về hành động chê còn ít cả trong tiếng Anh và
tiếng Việt. Các công trình tiếng Anh chủ yếu tập trung nghiên cứu những lời khen
ngợi mỉa mai (backhanded compliments) - S dùng những CT có chứa những từ
mang nghĩa tích cực để khen ĐTGT nhưng lồng vào đó còn ám chỉ một LC. Xét
một số lời khen ngợi mỉa mai trong tiếng Anh như: (1) “That dress is lovely; It does
wonders for your figure.” (Cái áo đầm ấy rất đẹp. Nó che được hết khuyết điểm của
bạn); (2) “You’re smarter than you look.” (Anh thông minh hơn vẻ bề ngoài của
mình); (3) “You drive very well, for a woman.” (Chị lái xe rất giỏi, đối với một
người phụ nữ); (4) “Your son is more handsome than I would have expected.” (Con
trai của em đẹp trai hơn tôi tưởng); (5) “You are attractive, for your age” (Trông chị
rất quyến rũ, ở lứa tuổi của chị). Trong mỗi phát ngôn trên, vế đầu là một CTLK:

(1) khen cái áo đẹp; (2) sự thông minh của một người; (3) khả năng lái xe của một
người phụ nữ; (4) ngoại hình của một người; (5) nét quyến rũ của một người. Tuy
nhiên vế nói tiếp theo sau đó ngụ ý một LC: (1) H có thân hình mập và cái áo đầm
ấy rất hợp để che khuyết điểm của mình; (2) H nhìn bề ngoài không thông minh; (3)
phụ nữ thì không lái xe giỏi; (4) H (ba mẹ của đứa bé không đẹp); (5) H lớn tuổi rồi
và sự quyến rũ ở đây chỉ là đối với lứa tuổi ấy.
LC và đáp trả LC cũng được nghiên cứu nhưng chưa nhiều. Có thể điểm qua
một vài công trình như: J. House và G. Kasper (1981) [96]; K. Tracy, D. Van Dusen
và S. Robinson (1987) [126]; K. Tracy và E. Eisenberg (1990) [125]; R. Wajnryb
(1993) [127]; M. Toplak và A. Katz (2000) [124].
Theo J. House và G. Kasper [96], LC (criticisms), lời kết tội (accusations) và
lời trách mắng (reproaches) là các dạng khác nhau của lời phàn nàn (complaints).
Họ giải thích rằng cả ba hành động này đều có chung hai đặc điểm, đó là “sự kiện
xảy ra sau” (post-event)- có nghĩa là việc đáng bị phàn nàn đã có trước khi lời nhận
xét được bộc lộ và “chống lại người nói” (anti-speaker) – tức là S sẽ phải chịu trách
nhiệm, trả giá cho những gì mình nói. Tuy nhiên A. Wierzbicka [130] lại khẳng
định rằng LC không nhất thiết phải luôn luôn xoáy vào một sự việc xảy ra trước
theo quan điểm của House and Kasper, LC có thể được sử dụng cho một sự việc
tĩnh tại, vĩnh cửu hoặc không theo trật tự thời gian như ngoại hình hoặc tính cách

8
của một người. Tracy, Dusen and Robinsons [126] cũng nhấn mạnh đặc điểm
“chống lại người nói” thích hợp cho lời phàn nàn hơn là LC vì khi thực hiện một
LC, S có thể muốn H cải thiện bản thân mình hoặc có thể S chỉ muốn bộc lộ ý kiến
của mình. Họ phân tích các đặc điểm của LC tốt (good criticisms) và LC xấu (bad
criticisms) bằng cách thu thập các LC từ rất nhiều người với nền tảng văn hóa khác
nhau qua các bảng câu hỏi mở và kết luận có năm đặc điểm để phân biệt LC tốt và
LC xấu, trong đó LC tốt trước tiên cần phải dùng ngôn ngữ và thái độ tích cực, thứ
hai sự thay đổi được đề nghị trong phát ngôn chê phải cụ thể và người chê có dụng
ý giúp những thay đổi ấy có khả năng xảy ra, thứ ba là lý do đưa ra LC phải có lý,

rõ ràng, tiếp đến LC được bù đắp lại bằng cách đặt trong một thông điệp tích cực
hơn và một LC tốt sẽ không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của ĐTGT.
R. Wajnryb (1993) [127] tiếp tục nghiên cứu LC trong ngữ cảnh là những
nhận xét của giáo viên trên lớp và kết luận LC hiệu quả cần phải đơn giản, rõ ràng,
nối kết với các chiến lược cải thiện và lời góp ý được bộc lộ với mong muốn chia sẻ
kinh nghiệm.
Nguyễn, M Thùy (2003) [110] tiến hành một khảo sát về cách bộc lộ LC và
đáp trả LC bằng tiếng Anh trong lớp học giữa các học viên (sinh viên Việt đang học
đại học tại Úc và sinh viên người bản xứ) với nhau. S đưa ra lời nhận xét về các lỗi
sai trong bài viết H đã làm và H đáp trả lại lời nhận xét đó. Tác giả tập trung vào
bốn cách bộc lộ LC: chê trực tiếp (direct criticism), đề nghị thay đổi (request for
change), nói bóng gió (hints), và nói châm chích (sarcasm) và kết luận những người
bản ngữ dùng cả bốn chiến lược bộc lộ LC trong giao tiếp trong khi những học viên
Việt học tiếng Anh chỉ dùng hai chiến lược: nói trực tiếp và yêu cầu thay đổi; trong
một vài tình huống (TH) khi người bản ngữ cho rằng không thích hợp để bộc lộ LC
thì nhóm các học viên người Việt vẫn bộc lộ LC.
Theo Từ điển tiếng Việt [141], chê là tỏ ra không thích, không vừa ý vì cho là
kém, là xấu. Cùng trường nghĩa với chê có các hành động như phê bình, cảnh cáo,
chửi, dè bỉu, gièm pha, mạt sát, mắng, mỉa, mỉa mai, moi móc, nhiếc, phàn nàn, phê
bình… Tuy các vị từ trên cùng nằm trong nghi thức giao tiếp âm tính, nhưng mức
độ đụng chạm thể diện là rất khác nhau. Trên cứ liệu tiếng Việt, LA tiến sĩ “Sự kiện
lời nói chê trong tiếng Việt (cấu trúc và ngữ nghĩa)” của Nguyễn Thị Hoàng Yến
(2006) [67] là chuyên luận đi sâu nghiên cứu khá kỹ về LC. Tác giả tập trung khảo

9
sát LC trên hai bình diện là cấu trúc và ngữ nghĩa. Tuy nhiên, LA không tập trung
khảo sát trên bình diện lịch sự. Tạ Thị Thanh Tâm (2006) [48] tiếp tục nghiên cứu
nghi thức giao tiếp âm tính tiếng Việt, cụ thể là nghi thức chê xét trên bình diện lịch
sự và kết luận cách thức biểu hiện của lịch sự rất khác nhau khi thực hiện hành vi
chê. Trong các mối quan hệ S=H, S<H, S>H thì tần suất nghi thức chê đối với

trường hợp S>H là cao nhất và đặc điểm lịch sự trong trường hợp này không bị chi
phối bởi yếu tố tôn ti trong môi trường hành chính cũng như phi hành chính. Theo
tác giả, trong môi trường hành chính, nghi thức chê bị chi phối bởi quyền lực,
nhưng do bị chi phối bởi tính khách quan, phi biểu cảm nên hễ giữ đúng các thể
thức hành chính thì chúng đạt được lịch sự nhất định. Có một số phương tiện ngôn
ngữ thuộc nhiều cấp độ dùng để bù đắp cho bản chất tiêu cực của nghi thức chê nên
một nội dung chê cụ thể đều có thể lượng hóa các mức độ lịch sự khác nhau trên
thang độ.
Qua khảo sát thực tế và tham khảo nhiều nguồn tài liệu, chúng tôi nhận thấy
còn rất nhiều điều lý thú khi nghiên cứu LK và LC. Trên cơ sở kế thừa và phát triển
kết quả của các công trình đi trước, LA trình bày một cách có hệ thống về đặc điểm
cấu trúc, ngữ nghĩa và ngữ dụng của LK và LC trong tiếng Việt và tiếng Anh Mỹ.
Qua các chiến lược thể hiện LK và LC của người Việt và người Mỹ, LA phân tích
các đặc trưng văn hóa ảnh hưởng đến việc chọn lựa CLK và CLC. Ngoài ra, LA còn
quan tâm đến thang độ trong khen và chê. LK và LC là hai hành động trái ngược
nhau nên phương tiện dùng để khen và chê về hình thức là hoàn toàn khác nhau.
Tuy nhiên đôi khi lại rất khó nhận dạng phương tiện người sử dụng đang dùng là
nhằm diễn đạt một LK hay là một LC nếu không đặt chúng vào một ngữ cảnh cụ thể
trong một nền văn hóa cụ thể. LA cho thấy rằng để hiểu và phân biệt hai hành động
này, người giao tiếp cần phải nắm rõ đặc điểm văn hóa, những lý lẽ chung được
công nhận trong nền văn hóa đó, hoàn cảnh giao tiếp, yếu tố tâm lý của S và H.
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
- Đối tượng nghiên cứu chính của LA là các phương thức thể hiện LK và LC
của người Việt và người Mỹ, đó chính là các CT và chiến lược được sử dụng để đạt
mục đích khen và chê. Các chiến lược này có thể được diễn đạt trực tiếp hoặc gián
tiếp, tường minh hoặc hàm ẩn, đôi khi có cả sự đóng góp của một số phương tiện
phi lời được biểu hiện qua ngôn ngữ cơ thể. Tuy nhiên, các phương tiện ngôn ngữ

10


phi lời này không được nghiên cứu sâu. LA chỉ nhận dạng một số phương tiện
thường được kết hợp với ngôn ngữ lời nói để bộc lộ LK và LC.
- Những đặc trưng văn hóa ảnh hưởng đến cách chọn lựa các CLK và CLC
của hai dân tộc.
- Một câu hỏi được đặt ra là liệu khi khen người giao tiếp luôn dùng các từ
tích cực (dương tính) và khi chê thì dùng các từ tiêu cực (âm tính), và các từ mang ý
nghĩa trung hòa trong thang độ ấy sẽ diễn đạt ý khen hay chê, hay phải xét đến mối
liên hệ giữa các từ và tư duy của người giao tiếp? Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên
chúng tôi tiến hành phân loại lớp từ ngữ thường được sử dụng khi khen (cực dương)
và khi chê (cực âm). Lớp từ ngữ này được thống kê trong Từ điển tiếng Việt [141] ,
Oxford Advanced Learner’s Dictionary, 7
th
Edition [147], Longman online [146] và
trong các tác phẩm văn học Việt Nam, văn học Mỹ hiện đại. Tiếp đến chúng tôi
phân loại ngữ liệu theo trường rồi đặt chúng vào từng thang độ để xét đến ý nghĩa
của từ trên thang độ. Từ thang độ này chúng tôi tiếp tục làm rõ mối liên hệ giữa từ
và tư duy của người giao tiếp qua các ngữ cảnh bộc lộ rõ sự biến đổi ý nghĩa của
cùng một từ, tức là cũng những từ ấy nhưng chúng dịch chuyển trên thang độ âm -
dương trong các TH khác nhau hay nói cách khác từ mang nghĩa tích cực có nội
dung khen nhưng dùng để chê và ngược lại.
- Trong khuôn khổ của LA, mặc dù ngữ liệu được thu thập là các cặp thoại,
LA không phân tích cách hồi đáp LK và hồi đáp LC.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN TƯ LIỆU
4.1 Phương pháp nghiên cứu
Để đạt được kết quả khả quan, chúng tôi vận dụng các thành tựu lý luận và
nghiên cứu của các ngành như từ vựng-ngữ nghĩa học, ngữ pháp học và đặc biệt là
ngữ dụng học trong đó đối tượng ngôn ngữ luôn được đặt trong hoạt động giao tiếp,
trong TH giao tiếp cụ thể. Đây cũng là một hướng nghiên cứu đang được áp dụng
rộng rãi.
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi phối hợp sử dụng các phương pháp nghiên

cứu cơ bản đang được sử dụng phổ biến và có hiệu quả như phương pháp thống kê
định lượng, phương pháp so sánh – đối chiếu, phương pháp miêu tả, phương pháp
xã hội – ngôn ngữ học.

11

Các thủ pháp điều tra bằng phiếu, phỏng vấn trực tiếp, ghi âm, lập bảng biểu
cũng được áp dụng trong quá trình nghiên cứu.
Phương pháp thống kê định lượng là phương pháp nghiên cứu khá quen
thuộc. Tuy nhiên trong công trình này, chúng tôi không sử dụng những phép toán
phức tạp khi thống kê mà chỉ sử dụng những phép tính đơn giản để tính tỉ lệ phần
trăm của các số liệu thống kê thu được, và tiến hành phân loại dữ liệu theo các cấp
độ.
Phương pháp so sánh - đối chiếu là phương pháp nghiên cứu chủ yếu của LA
vì tính chất của đề tài là so sánh ngôn ngữ. Từ những phương thức người Việt và
người Mỹ thường sử dụng khi thực hiện hành vi khen và chê, chúng tôi đối chiếu
những điểm tương đồng và khác biệt của hai nền văn hóa khi bộc lộ hai hành động
ngôn ngữ này.
Chúng tôi thực hiện điều tra xã hội – ngôn ngữ học qua hai cách:
1. Điều tra bằng phiếu khảo sát: Phiếu khảo sát được xây dựng bằng tiếng
Việt và tiếng Anh. Đối tượng điền phiếu là người Việt đang sinh sống tại Việt Nam
và người Mỹ đang sinh sống tại Mỹ. Chúng tôi thiết kế hai loại phiếu. Để thu thập
các mẫu LK, LC, chúng tôi dùng bảng câu hỏi mở (phụ lục 4) và để đối sánh những
điểm tương đồng và khác biệt trong việc sử dụng các CLK và CLC của người Việt
và người Mỹ, chúng tôi dùng bảng câu hỏi chọn lựa các chiến lược (phụ lục 3) cho
ba nhóm đề tài, đó là ngoại hình, những hành động và khả năng cụ thể và vật sở
hữu. 700 phiếu khảo sát bằng tiếng Anh được phát cho những người bản xứ Mỹ
đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, thu lại 600 phiếu và chọn lọc 344 phiếu đạt yêu
cầu theo các thông số đã được vạch ra. Số phiếu điều tra phát ra cho người Việt
cũng là 700 phiếu, thu lại đạt yêu cầu nhiều hơn và được chọn ngẫu nhiên cho

tương thích với số phiếu được chọn của người Mỹ là 344 phiếu. Tất cả được phân
loại, mã hóa, nhập dữ liệu, xử lý và kiểm định bằng phần mềm Excel trên máy tính.
Thông tin về các đối tượng khảo sát (xem phụ lục 17).
2. Phỏng vấn ghi chép lại: Để thu thập những mẫu LK và LC, chúng tôi
cũng tiến hành phỏng vấn ghi chép lại.
Người viết LA đã trực tiếp thực hiện việc phỏng vấn, phát phiếu điều tra các
tham nghiệm viên tại Mỹ trong khoảng thời gian 2 tháng (từ tháng 7/2009 đến tháng

12

9/2009). Trong từng bước tiến hành, các cứ liệu được xem xét và mô tả tỉ mỉ bằng
phương pháp miêu tả.
4.2 Nguồn tư liệu
Tài liệu tham khảo của LA là các công trình nghiên cứu khoa học của các
nhà ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các LA, luận văn có
liên quan đến đề tài.
Tư liệu phục vụ cho việc khảo sát thực tế, phân tích và bình luận trong LA
được thu thập từ ba nguồn:
(1). Quan sát, ghi nhận trong thực tế giao tiếp.
(2). Các ấn phẩm hiện đại tiếng Việt và tiếng Anh bao gồm các tác phẩm văn
học, truyện, sách, giáo trình dạy tiếng, từ điển hiện đại. (Xin xem ở phần ngữ liệu
trích dẫn trang 207-210 )
(3). Điều tra khảo sát. Việc điều tra khảo sát được tiến hành bằng hai cách:
điều tra bằng phiếu khảo sát và phỏng vấn trực tiếp.
5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
- LA giúp chúng ta hiểu sâu hơn, toàn diện hơn và có hệ thống hơn về các
phương tiện biểu đạt và nội dung ngữ nghĩa của LK và LC khi chúng được miêu tả
một cách có hệ thống ở cả ba đặc điểm: cấu trúc, ngữ nghĩa và ngữ dụng.
- Tập hợp được lớp từ ngữ người Việt và người Mỹ thường sử dụng khi thực
hiện một LK hoặc một LC.

- Mô tả cặn kẽ những đặc trưng, tính chất của hai hành động ngôn từ đối ứng
nhau trong cả tiếng Việt và tiếng Anh.
- Nêu lên đặc điểm rất riêng của hành vi khen và chê trong tiếng Việt đó là
kiểu cấu trúc sử dụng hư từ như một tác tử định hướng lập luận.
- Gợi ý các chiến lược thể hiện LK, LC để việc giao tiếp giữa những người
trong cùng một nền văn hóa hoặc khác biệt về văn hóa thuận lợi hơn và đạt hiệu quả
cao hơn, mà cụ thể là việc giao tiếp giữa người Việt và người Việt, người Việt và
người Mỹ, người Mỹ và người Việt, người Mỹ và người Mỹ.
- Cung cấp nhiều ví dụ sinh động về ngôn ngữ học xã hội trong việc dạy và
học tiếng Việt và tiếng Anh.
- Góp phần tích cực trong việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là trong văn hóa
ứng xử, giao tiếp hằng ngày, cụ thể là việc dạy và học tiếng Việt và tiếng Anh Mỹ.

13

Khi học một hành vi ngôn ngữ và vận dụng trong giao tiếp, người học cần nắm rõ
các vấn đề liên quan đến hành vi ấy từ cấu trúc ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng
tức là ý nghĩa của hành vi ấy trong những hoàn cảnh giao tiếp khác nhau, trong
những nền văn hóa khác nhau và phải chú trọng đến cả những ngôn ngữ phi lời kèm
theo trong giao tiếp.
- Có thể vận dụng những hiểu biết về cách nói khen, chê của hai thứ tiếng
Việt, Anh vào việc biên soạn các sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, tiếng
Anh cho người Việt.
6. BỐ CỤC LUẬN ÁN
Toàn văn luận án dày 210 trang (kể cả tài liệu tham khảo và nguồn ngữ liệu
trích dẫn). Phần phụ lục là một quyển riêng dày 197 trang. Phần chính văn là 195
trang bao gồm: phần mở đầu, phần kết luận và ba chương như sau:
Chương 1. Cơ sở lý thuyết. Chương này đề cập đến ba vấn đề: vấn đề về
dụng học giao văn hóa, vấn đề đặc điểm hành vi khen, hành vi chê và vấn đề lập
luận trong ngôn ngữ. Vấn đề thứ nhất giới thiệu nhiều quan điểm minh chứng cho

sự hợp lý khi xem xét các hiện tượng giao tiếp ngôn ngữ dưới góc độ giao văn hóa;
mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa; hai hình thức diễn đạt cơ bản là diễn đạt
trực tiếp và diễn đạt gián tiếp; vấn đề lịch sự; giao tiếp ngôn từ và giao tiếp phi
ngôn từ. Vấn đề đặc điểm hành vi khen, hành vi chê và vấn đề lập luận trong ngôn
ngữ khái quát các quan điểm, ý kiến của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã
tiến hành trước đây về hành vi khen và hành vi chê, các khái niệm trong vấn đề lập
luận trong ngôn ngữ. Các khái niệm có tính lý thuyết này được gắn kết với LK và
LC. (28 trang)
Chương 2. Đặc điểm cấu trúc của lời khen và lời chê trong tiếng việt (so
sánh với tiếng Anh). Chương này khảo sát về CTLK và CTLC trong tiếng Việt và
trong tiếng Anh của người Mỹ. Kết cấu trình bày hai vấn đề LK và LC là giống
nhau. Đầu tiên là giới thiệu lớp từ ngữ thường được sử dụng khi khen và khi chê
trong hai ngôn ngữ, tiếp đến là miêu tả CTLK và CTLC, rồi sau đó là so sánh từng
vấn đề. (75 trang)
Chương 3. Đặc điểm ngữ nghĩa và ngữ dụng của lời khen và lời chê trong
tiếng việt (so sánh với tiếng Anh). Chương này khảo sát về đặc điểm ngữ nghĩa và

14

ngữ dụng của LK và LC trong tiếng Việt và trong tiếng Anh của người Mỹ. Tương
tự như bố cục của chương 2, chương này vừa miêu tả vừa so sánh. Các chiến lược
giao tiếp trong hoạt động ngôn từ khen và chê được khảo sát, miêu tả gắn liền với
bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ nhân ngôn ngữ. Trong mỗi hoạt động ngôn từ
khen hoặc chê, CLK và CLC đều được gới thiệu ở dạng hiển ngôn và hàm ngôn.
Tiếp đến là việc phân tích chức năng của LK và LC trong hai nền văn hóa. Phần
cuối cùng là thành lập các thang độ khen và chê trong văn hóa Việt và trong văn
hóa Mỹ. (73 trang)
Trong LA có 44 biểu đồ. Các biểu đồ được đánh số thứ tự nhất quán từ đầu
đến cuối theo thứ tự từ biểu đồ 1 đến biểu đồ 44. Các ví dụ trong LA lấy từ nguồn
ngữ liệu trong mục tài liệu tham khảo được đánh số theo từng chương với số bắt

đầu là số chương và số tiếp theo là số thứ tự của ví dụ trong chương ấy. Ví dụ trong
chương hai được đánh số bắt đầu từ (2.01) đến (2.263). Ví dụ trong chương ba từ
(3.01) đến (3.175).



















15

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT

1.1 Một số vấn đề về dụng học giao văn hóa
1.1.1 Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa
Từ lâu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa đã trở thành mối quan tâm đặc
biệt của các nhà ngôn ngữ học trên thế giới. Ở châu Âu phải kể đến W.Humboldt

(1767-1835) với những quan niệm nổi tiếng về ngôn ngữ và linh hồn của dân tộc,
về hình thái bên trong của từ. Ở châu Mỹ phải nhắc đến F.Boas (1858-1942),
E.Sapir (1884-1939) và B.Whorf (1897-1941) với nguyên lý về tính tương đối của
ngôn ngữ. Cao Xuân Hạo [28,287] khẳng định rằng giữa tiếng nói của một dân tộc
và nền văn hóa của dân tộc ấy phải có một mối quan hệ nhất định vì ngôn ngữ trực
tiếp phản ánh cách tri giác và tư duy thế giới của cộng đồng dân tộc, mà văn hóa
dân tộc không thể không liên quan đến cách tri giác và tư duy ấy.
Nhiều nhà khoa học thừa nhận rằng giữa ngôn ngữ và văn hóa có mối quan
hệ gắn bó chặt chẽ, chúng phát triển trong sự tác động qua lại lẫn nhau. Dường như
ở đâu đâu trong ngôn ngữ người ta cũng thấy có những nhân tố văn hóa”… “nhân
tố văn hóa bao trùm lên ngôn ngữ và các sự kiện ngôn ngữ ở tất cả các bình diện
và cấp độ đơn vị ngôn ngữ. [10,53]
Ngôn ngữ được xem như một thành tố quan trọng nhất của văn hóa vì “ngôn
ngữ là phương tiện tất yếu, là điều kiện cho sự nảy sinh, phát triển và hoạt động
của những thành tố khác trong văn hóa. Ngôn ngữ là một trong những thành tố đặc
trưng nhất của bất kỳ nền văn hóa dân tộc nào. Chính trong ngôn ngữ, đặc điểm
của nền văn hóa dân tộc được lưu giữ lại rõ ràng nhất”. (Nguyễn Đức Tồn
[58,21]). Mối quan hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ có thể được xem như mối quan hệ
giữa một chỉnh thể và bộ phận của chỉnh thể đó [11]. Ngôn ngữ được xem như một
thành tố của văn hóa, một công cụ, phương tiện truyền tải văn hóa. Tuy nhiên, ngôn
ngữ vẫn “độc lập” với văn hóa hoặc so sánh trong mối quan hệ với văn hóa như một
hiện tượng có giá trị bình đẳng, tương đương.
Khi đề cập đến khái niệm văn hóa, tác giả Lý Toàn Thắng [52,15] nhấn
mạnh rằng, dù hiểu theo nghĩa rộng hay hẹp, thì định nghĩa về văn hóa bao giờ
cũng chú trọng đến “nét riêng biệt” về mặt tinh thần giữa các dân tộc, hay nói rõ
hơn là “lối nghĩ riêng”, “cách tư duy riêng” của dân tộc đó về các sự vật hiện tượng

16

của thế giới xung quanh, của xã hội và con người ở khu vực đó. Chính vì văn hóa

có tính dân tộc và ảnh hưởng đến cách tư duy của con người nên cùng một ý nghĩa
có thể được biểu đạt bằng nhiều cách khác nhau ở các nền văn hóa khác nhau.
Khi đề cập đến mối quan hệ “ngôn ngữ - nhận thức – văn hóa”, chúng ta
không thể không nhắc đến “giả thuyết Sapir-Whorf” về tính tương đối của ngôn
ngữ (linguistic relativity). Có hai điểm nổi bật trong giả thuyết này, một là ngôn
ngữ quyết định cách một dân tộc suy nghĩ, cảm thụ và chia cắt thế giới khách quan
thành những phạm trù. Ngôn ngữ khác nhau thì tư duy khác nhau. Theo họ, “con
người không phải chỉ sống trong thế giới khách quan của các sự vật và không phải
chỉ trong thế giới của hoạt động xã hội, như ta thường tưởng thế; mà con người
còn bị bó buộc rất nhiều vào ngôn ngữ cụ thể làm phương tiện giao tiếp cho xã hội
đó”. Hai là ngôn ngữ phản ánh những giới hạn và những ràng buộc về văn hóa đối
với lối tư duy của dân tộc, thể hiện trong cách ngôn ngữ đó chia cắt hiện thực và
phạm trù hóa kinh nghiệm vì “chúng ta nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận một cách
này hay cách khác (những hiện tượng nào đó) chủ yếu là nhờ chỗ các tập quán
ngôn ngữ của xã hội chúng ta đã định hướng cho chúng ta lựa chọn cách diễn đạt
ấy”.
Nguyễn Văn Chiến [10,51] đã khái quát ba định đề cơ bản nghiên cứu về
mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa như sau:
- Thứ nhất: Ta nói ngôn ngữ bình đẳng với văn hóa hay độc lập với văn hóa
là bởi vì cả hai đều là sản phẩm của con người lao động có tư duy. Ngôn ngữ là một
hiện tượng văn hóa, nằm trong văn hóa. Văn hóa có ngoại diên lớn, ngôn ngữ có
ngoại diên hẹp hơn nhưng có những đặc tính nội hàm rộng lớn hơn. Mối quan hệ
giữa văn hóa và ngôn ngữ là mối quan hệ bao nhau. Mối quan hệ ấy được minh họa
bằng hai vòng tròn như sau:





Vòng tròn A, bên ngoài, biểu thị khái niệm văn hóa và các sự kiện văn hóa.


A
Văn hóa
(Culture)
B
Ngôn ngữ
(Language)

17

Vòng tròn B, nhỏ hơn, bên trong, biểu thị khái niệm ngôn ngữ và các sự kiện
ngôn ngữ.
- Thứ hai: Tất cả những gì là đặc tính, thuộc tính của văn hóa cũng đều tương
tự như đặc tính, thuộc tính của ngôn ngữ và được ẩn chứa trong ngôn ngữ. Mọi cấu
trúc phân tích các đơn vị, phạm trù của văn hóa cũng đều giống như cấu trúc phân
tích các đơn vị, phạm trù của ngôn ngữ. Nói một cách khác, các sự kiện ngôn ngữ
luôn luôn đẳng cấu (isomorphe) với các sự kiện văn hóa.
- Thứ ba: Khác với mọi hiện tượng văn hóa khác, ngôn ngữ là một hiện tượng
văn hóa đặc thù, do: (1) ngôn ngữ là một sản phẩm của văn hóa nhưng đồng thời lại
là phương tiện ghi nhận các hiện tượng văn hóa khác; là chỗ bảo lưu lâu dài các sự
kiện văn hóa; là công cụ thể hiện các đặc trưng văn hóa cộng đồng; (2) với chức
năng là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của con người, ngôn ngữ luôn phải chịu
sự chi phối của hàng loạt các quy tắc giao tiếp văn hóa cộng đồng trong hoạt đồng
hành chức của mình.
Khi nghiên cứu, so sánh ngôn ngữ và các hành vi ngôn ngữ giữa hai nền văn
hóa, chúng ta cũng nên đề cập đến vấn đề giao thoa văn hóa (cultural
interferences) hay còn được gọi là hiện tượng chuyển di văn hóa. Giao thoa văn hóa
là sự áp đặt, ảnh hưởng của hệ thống thói quen, cách hành xử của một mô hình văn
hóa này đối với một hệ thống thói quen, cách hành xử của một mô hình văn hóa
khác. Giao thoa văn hóa luôn xảy ra ở những người giao tiếp phải tiếp cận với một

nền văn hóa mới do cùng sống và làm việc trong nền văn hóa ấy hoặc do việc học
ngoại ngữ.
Kiến thức về văn hóa đích luôn là một bộ phận quan trọng của quá trình học
ngoại ngữ, đặc biệt là ở bậc cao. Điều này có thể do cả hai yếu tố chủ quan
và khách quan đưa lại: một mặt là sự thích thú đơn thuần nội tại trong việc
khám phá nhiều hơn nữa một nền văn hóa khác với nền văn hóa của chính
người học – và điều này cũng bao gồm cả yếu tố thoát ly. Mặt khác đó là cái
mà Gillian Brown gọi là “sự diễn giải diễn ngôn” (discourse interpretation),
một ngữ năng mang tính bản năng, dựa trên kiến thức văn hóa, mà người bản
ngữ sở hữu nhưng người học phải được đào tạo. [43]
Thế giới khách quan luôn bị bóp méo, khúc xạ qua lăng kính chủ quan của
người bản ngữ. Tùy vào mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa khác nhau mà có cách nghĩ,

×