Tải bản đầy đủ (.doc) (9 trang)

Hệ hình phê bình văn học trung quốc từ chính trị sang thẩm mĩ học thuật

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (140.84 KB, 9 trang )

Hệ hình phê bình văn học Trung Quốc-
từ chính trị sang thẩm mĩ, học thuật

Lời người nghiên cứu: Bài nghiên cứu này tổng kết các đặc điểm
và tính chất của phê bình cách mạng Trung Quốc từ năm 1949 qua
17 năm xây dựng “văn nghệ xã hội chủ nghĩa” và Cách mạng văn
hóa cho đến nay. Bạn đọc nhạy cảm sẽ thấy ngay đó cũng là đạc
điểm và tính chất của nền phê bình văn học Việt Nam từ sau 1945
cho đến nay.Phê bình văn học “cách mạng” Trung Quốc là tấm
gương cho ta soi thấy phần nào tình trạng của ta trong một thời
gian dài.

Mọi người đều biết, phê bình văn học hiện đại Trung Quốc trước
năm 1949 đã tác động để dưa nền văn học nước này từ trung đại (tiền
hiện đại) sang hiện đại. Nền phê bình văn học theo tư tưởng Mao đã
đóng vai trò thúc đấy để dưa văn học hiện đại (đầu thế kỉ XX – 1949)
sang nền văn học chính trị hóa cực tả (từ 1949 về sau). Kinh nghiện
lịch sử cho thấy vai trò thổi phồng, bóp méo, hạ bệ của phê bình văn
học trong thời này là nhân tố khiến cho văn học phát triển không
bình thường.
Phê bình văn học với tư cách là một hoạt động thực tiễn xã hội, từ
những năm 40 tại khu giải phóng Diên An đã dự báo con đường phát
triển của văn học chính trị tả khuynh. Dự báo này đã thấy trước từ
hoạt động của các nhà lí luận mác xít như Chu Dương, Phùng Tuyết
Phong những năm 30. Mặc dù khái niệm “văn học xã hội chủ nghĩa”
nay đã thay đổi khác trước về nội dung, song trong một thời gian dài,
phê bình thực hiện chức năng diễn giải giá trị hạt nhân của chế độ
văn học đương đại. Từ năm 1949, tại đại hội văn nghệ lần thứ nhất
trong báo cáo Văn nghệ nhân dân mới, Chu Dương đã khẳng định,
phê bình là phương pháp quan trọng để lãnh đạo tư tưởng đối với văn
nghệ: “Xây dựng một nền phê bình văn nghệ khoa học nhằm thực


hiện việc lãnh đạo cụ thể đối với công tác văn nghệ.” Tư tưởng nền
tảng của Chu Dương là bài nói chuyện của Mao Trạch Đông tại Diên
An: “Phê bình văn nghệ là một trong những phương pháp đấu tranh
chủ yếu của giới văn nghệ.” Phê bình văn học được đặt vào vị công tác
quan trọng của Đảng, là phương thức, công cụ lãnh đạo của Đảng làm
cho mọi người thấy chúng ta tán thành cái gì, phản đối cái gì, chỉ cho
người đọc cách chọn lựa tác phẩm tốt, tác phẩm xấu theo quan điểm
của đảng, chi cho nhà văn thấy con đường phải đi theo quan điểm của
Đảng, tránh phải đi đường vòng không cần thiết, tức là phương pháp
quan trọng thể hiện sự lãnh đạo của Đảng. Phê bình như thế tức là
làm công tác tuyên huấn cho đảng, thực hiện cuộc đấu tranh của đảng
trên mặt trận văn nghệ. Hơn nửa thế kỉ thực hiện chức năng đấu
tranh tư tưởng, phê bình văn học đã hoàn toàn biến chất. Tính chất
thiên lệch của nó đã gây tác dụng tiêu cực. Thời đầu những năm 50
cũng có ý kiến nhắc nhở phê bình cần tránh thô bạo, vơ đũa cả nắm,
phê bình phải gắn với xây dựng nền mĩ học mới, phải có tính sáng
tạo, phải xuất phát từ tác phẩm, không xuất phát từ khái niệm…Chu
Dương cũng nhiều lần nêu tiêu chí phân biệt phê bình đúng đắn và
phê bình sai lầm, phê bình xây dựng và không xây dựng, phê bình
phục vụ nhân dân, phê bình xây dựng nền văn nghệ xã hội chủ
nghĩa… Nhưng với tính chất vũ khí đấu tranh giai cấp trên mặt trận
văn nghệ, đối tượng phê bình là các tư tưởng tư sản thù địch (thực
chất là các quan điểm không đồng tình với Mao, khác Mao), nhà phê
bình là chiến sĩ, phải có tính chiến đấu không khoan nhượng đối với
kẻ thù, nắm vững tính mục đích chính trị, thế là tính chất thô bạo,
làm tổn thương nhà văn chẳng những không giảm bớt, mà ngày càng
gia tăng. Đến cách mạng văn hoá thì phê bình văn học được coi là vũ
khí chuyên chính vô sản, đối với kẻ thù giai cấp, tư sản, xét lại, phong
kiến, nhiệm vụ của phê bình văn học là “phê cho chúng đổ xuống,
phê cho chúng nát ra, phê cho chúng hôi thối đi” như khẩu hiệu chỉ

đạo, thì cần gì tính khoa học, tính biện chứng, tính nghệ thuật nữa!
Theo nghiên cứu của Vương Nhiêu và Lâm Kiến Phát đội ngũ nhà
phê bình trong mấy chục năm trước đổi mới có mấy điểm rất đáng
chú ý. Nhìn chung nhà phê bình chuyên nghịêp hầu như rất hiếm. 1.
Các nhà lí luận như Chu Dương, Phùng Tuyết Phong, Thiệu Thuyên
Lân, Hầu Kim Kính, Hà Kì Phương, Trương Quang Niên…tuy trình
độ lí luận cao, nổi tiếng từ những năm 30, họ là nhà lí luận, nhà cách
mạng, nhà lãnh đạo, cho nên chỉ viết các bài chỉ đạo, ít viết phê bình.
2. Các nhà biên tập cũng ít viết phê bình, nhưng thường viết những
lời “sa pô” có tính chất chỉ đạo phê bình, kêu gọi phê bình lên đầu các
bài báo. 3. “Thư bạn đọc” do những “người đọc dặc biệt” viết, có khi
là hoá thân của lãnh tụ như Mao, nhân danh nhân dân để chỉ đạo cần
phê phán vấn đề này, quan tâm vấn đề kia. Các báo thời đó rất nể
trọng “ý kiến bạn đọc”. Tất nhiên đây không phải là bạn đọc theo ý
nghĩa của mĩ học tiếp nhận mà là người quyền uy núp bóng quần
chúng để chỉ đạo. 4. Còn những ngưòi viết phê bình phần lớn đều là
cán bộ chính trị, quản lí, phi chuyên nghiệp, chỉ biết đường lối, ít biết
văn nghệ, chỉ chụp mũ, suy diễn giáo điều là tài. 5. Trong thời kì cách
mạng văn hoá lại có loại “tiểu tổ phê bình”, do một nhóm “quần
chúng” tổ chức ý kiến phê phán, viết báo chữ to dán khắp các tường
nhà, đường phố. Một nền phê bình văn học do các nhà phê bình như
thế viết ra thì có bao nhiêu giá trị khoa học và nghệ thuật? Phê bình
đồng nghĩa với hãm hại. Trong thời kì thống trị của phê bình ý thức
hệ chủ lưu tức chính trị như thế vai trò phê bình của cá nhân bị tước
bỏ và bị tập thể thay thế. Tình hình này còn tiếp tục cho đến cuối
những năm 70 đầu những năm 80. Từ thảo luận “văn học vết thương”
đến chất vấn khẩu hiệu “văn học tòng thuộc chính trị” đều là bài viết
của các nhà lãnh đạo hay các nhà văn, nhà lí luận văn nghệ. Trong
những năm đó vai trò của các ông như Chu Dương, Hạ Diễn, Mao
Thuẫn, Trương Quang Niên, Hạ Kính Chi, Trần Hoang Môi, Lâm

Mặc Hàn, Tần Mục…là rất nổi bật.
Đến cuối những năm 80 tình hình trật tự trong phê bình thay đổi.
Chức năng diễn giải đường lối chính sách văn nghệ dần dần suy giảm
hẳn, chức năng trình bày tư tưởng, trình bày tri thức, yêu cầu mới về
phẩm chất phê bình cũng thay đổi. Các nhà phê bình từng có nhiều
chức vụ, các cây bút đa năng đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của họ.
Quyền uy và uy tín của họ cũng trở thành quá khứ. Trong tư tưởng,
nhận thức, phương pháp của họ xuất hiện sự khủng hoảng. Một số
không ít người trong họ với tàn dư tư tưởng cũ vẫn còn gây trở ngại
cho sự tiến bộ của văn học.
Sau những năm 80 người đọc và phê bình chuyên nghiệp đóng vai
trò ngày càng lớn. Nhà phê bình đóng vai trò độc lập. Một lực lượng
đông đảo nhà phê bình mới xuất hiện, đánh dấu sự trở về với đời sống
văn học bình thường. Lúc này sự tác động ăn ý giữa nhà sáng tác và
nhà phê bình sẽ là những trang kí ức đẹp đẽ của lịch sử văn học. Khác
hẳn các nhà phê bình những năm 60, các nhà phê bình bây giờ rất tự
trọng cái tôi và chính kiến. “Cái mà tôi phê bình tức là tôi” câu nói
cửa miệng rất phổ biến thể hiện sự trỗi dậy của tính chủ thể của nhà
phê bình. Tư tưởng giải phóng, kinh nghiệm sinh động, tài năm cá
nhân được dịp phô diễn đó là đặc trưng cơ bản của phê bình văn học
những năm 80. Những năm ấy phê bình của Hội nhà văn và phê bình
của các trường, viện chia thành hai phái, không ai kém ai. Với sự
cộng tác của nhà văn, phê bình của hội nhà văn càng nổi bật hơn.
Nhưng cùng với sự thay đổi trong chế độ văn nghệ và chế độ học
thuật, sau những năm 90 phái phê bình của các trường, viện vượt trội
hẳn lên về ưu thế tri thức. Có người nói, chế độ học vị và chức danh
cũng làm cho vị thế của họ thay đổi. Tình hình đó làm cho nghiên
cứu văn học học thuật hoá, phê bình văn học học giả hoá. Trong một
số trường đại học có khi người ta không xem bài nghiên cứu tác gia
tác phẩm có nhận định sắc sảo là công trình học thuật. Nhìn bề ngoài

học giả trẻ các trường, viện chiếm đa số. Không ít nhà phê bình ngoài
trường cũng thay hình đổi dạng để trở thành giáo sư kiêm nhiệm,
đằng sau không tránh được có nguyên nhân kinh tế. Lương cao của
các giáo sư ở các đại học là một sự hấp dẫn. Nhưng điều quan trọng là
thực tế phê bình bây giờ hơn lúc nào hết đòi hỏi có sự nâng đỡ của tri
thức khoa học. Phê bình cảm tính, bản năng không có sức thuyết
phục nữa. Phê bình của các trường đại học và học viện là trụ cột làm
cho phê bình văn học lành mạnh[1]. Tác giả Hầu Văn Nghi nhân xét
loại phê bình này trầm tĩnh, nêu các vấn đề học thuật, không nôn
nóng, không ồn ào, không tự đánh bóng, là một phong khí chưa từng
có. Tác giả nêu một số tên tuổi như Trịnh Mẫn, Hồng Tử Thành, Nam
Phàm, Trần Tư Hoà, Hoàng Tử Bình, Hạ Trung Nghĩa, Vương Nhất
Xuyên, Vương Nhạc Xuyên…tiêu biểu cho phê bình học thuật[2]. Từ
những năm 90 trở lại đây ảnh hưởng của phê bình văn học ở các
trường đại học ngày càng lớn. Tuy vậy, ảnh hưởng của văn học cộng
hưởng với ảnh hưởng của học thuật làm cho phê bình văn học hầu
như chỉ có một màu, đó là “màu đại học”. Sự phân hoá của phê bình
những năm 80 đã căn bản không còn nữa. Phê bình của nhà văn hầu
như không còn gây được tiếng vang.
Từ những năm 60 -70 phê bình lấy việc diễn giải đường lối văn
nghệ của Đảng làm nhiệm vụ chủ yếu, thì đến nay phê bình đã đi vào
học thuật, là một thay đổi to lớn, song khó trảnh khỏi ảnh hưởng của
chế độ. Nhìn tổng quát thân phận nhà phê bình thay đổi, đối tượng
phê bình thay đổi, phương pháp phê bình thay đổi, một trật tự mới
của phê bình đang được thiết lập. Đó có thể là một thời cơ lớn, song
viễn cảnh phê bình vẫn chưa sáng[3].
Phê bình văn học thời nào cũng lấy việc nghiên cứu tác gia, tác
phẩm làm cơ sở. Nhưng những năm 60 – 80 phê bình chủ yếu nghiến
cứu sự thể hiện các phương pháp sáng tác, nào chủ nghĩa hiện thực
phê phán, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa…Tác phẩm bị mờ

nhạt, nhưng bù lại phê bình có quan tâm chỉnh thể văn học. Từ
những năm 80 do thoát khỏi sự ràng buộc của ý thức hệ, phê bình đã
thoát khỏi vấn đề chủ nghĩa hiện thực, bàn luận nhiều vấn đề khác
như văn học cải cách, văn học phản tư, văn học tiên phong, văn học tả
thực mới…
Phê bình văn học những năm 80 còn phải gánh trách nhiệm đánh
giá lại các hiện tượng văn học, vừa giải cấu trúc vừa kiến tạo cái mới.
Bây giờ nhìn lại công việc vẫn chưa hoàn thành. Quan niệm “văn học
thuần tuý” được xác lập, đánh giá lại giá trị văn học 17 năm, nhưng có
khuynh hướng giản đơn hoá. Phê bình sau đó chạy theo các diễn biến
của văn học: “văn học vết thương”, “văn học phản tư”, “văn học cái
cách”, “văn học tầm căn”, “văn học tiên phong”, “tân tả thực”…không
thấy rõ được cái gì là “chủ lưu”, mà thực ra lúc này làm gì có chủ lưu,
mặc dù giới lãnh đạo hô hào “viết giai điệu chính”, tức là văn nghệ xã
hội chủ nghĩa. Từ những năm 90 quan niệm văn học phân hoá lại
thêm các quan hệ phức tạp giữa xã hội và thị trường, phê bình văn
học cũng không thể làm được việc chỉ ra “diện mạo chủ lưu”. Như thế
phê bình nằm giữa sự phát hiện và che đậy, coi như trạng thái thường
xuyên của nó. Ở đây có vấn đề quan điểm, phương pháp và bối cảnh
chính trị. Từ khi vứt bỏ quan niệm tiêu chuẩn chính trị là thứ nhất,
tiêu chuẩn tính văn học được đưa lên hàng đầu, nhưng đây là nguyên
nhân của phát hiện và che giấu, bởi ai cũng biết đằng sau văn học là
có chính trị. Trong lịch sử người ta gạt bỏ một nhà phê bình nào đó là
do ý thức hệ thời ấy chi phối, đến thời sau nhà phê bình đó được nhìn
lại lại cũng do ý thức hệ thời ấy đòi hỏi. Cho nên sự đánh giá khác
nhau, nâng lên đặt xuống là chuyện thường.
Xét về mặt hệ hình nếu từ năm 1949 đến nay, lấy năm 1979 làm
mốc chia làm hai giai đoạn, thì 30 năm trước phê bình theo hệ hình
chính trị, còn 30 năm sau phê bình đi theo hệ hình thẩm mĩ. Từ
trong Trung Quốc tân văn học đại hệ (1976 – 1982) tác giả Chu Tái,

người viết dẫn luận đã bước đầu nhận xét khuynh hướng ấy. Lí luận
phê bình văn học Trung Quốc lúc ấy xây dựng trên nền tảng lí luận
mác xít, chú trong nội dung thế giới quan của văn học, đồng thời
cũng quan tâm tính nghệ thuật, lấy chủ nghĩa hiện thực làm chủ đạo.
Đến những năm 80 sự thâm nhập của chủ nghĩa hiện đại, sự lựa chọn
phương pháp không bị coi là vấn đề lập trường, thế là văn học bị chia
làm hai sơn hà. Phê bình theo nguyên tắc chủ nghĩa hiện thực vẫn
còn, nhưng không đồng nghĩa với phê bình mác xít. Khảo sát phê
bình theo quan điểm mác xít ở Trung Quốc hiện thời không thể
không thấy một bức tranh mâu thuẫn và bất đồng. Các cuộc tranh
luận về chủ nghĩa hiện thực nêu trên đây đã cho thấy nhận thức khác
trước, mà mâu thuẫn và bất đồng cũng tạo nên một sức căng nội tại
của lí luận. Phê bình mác xít không coi nhẹ nghiên cứu nội tại, nhưng
coi nghiên cứu ngoại tại là nhiệm vụ ưu tiên, nhưng những năm 80
thì văn học hướng nội, phê bình cũng hướng nội. Phê bình mác xít ở
Trung Quốc trở thành dung tục hoá là do đồng nhất văn học với vũ
khí đấu tranh giai cấp.
Phê bình chuyển sang hệ hình thẩm mĩ đánh dâu sự trỗi dậy của
phong trào nghiên cứu mĩ học, nghiên cứu hình thức, nghiên cứu
tưởng tượng, du nhập tư tưởng phương Tây, tạo thành một phong
trào “văn học thuần tuý”. Phê bình vẫn quan tâm hiện thực nhưng
chú trọng đánh giá giá trị thẩm mĩ. Và cùng vơi khuynh hướng đó cá
tính, tài năng của nhà phê bình được đề cao, phát huy chưa từng có.
Triết học và phong trào văn hoá có ảnh hưởng lớn đến phê bình
văn học. Với sự giới thiệu các tư tưởng khai sáng, chủ nghĩa mác
phương Tây, chủ nghĩa Freud, chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa hiện
sinh, triết học hậu hiện đại, triết học hiện tượng học, thông diễn học,
trào lưu văn hoá học…Các tư tưởng ấy trên nét lớn đã làm thay đổi
nền tảng triết học của phê bình văn học Trung Quốc. Từ chủ nghĩa
hiện thực đến chủ nghĩa hiện đại rồi hậu hiện đai, sự thay thế và cùng

tồn tại của chúng đã làm quan niệm văn học đã thay đổi lớn, đặc biệt
là quan niệm về tiểu thuyết, đã ảnh hưởng lớn đến sáng tác và phê
bình. Chúng ta có thể thấy từ khoá và phổ hệ tri thức của phê bình đã
được kiến tạo mới. Từ khoá quen tai của giai đoạn phê bình văn học
cách mạng là giai cấp, đấu tranh, lập trường, thế giới quan, chính trị,
cách mạng, đời sống hiện thực, đề tài, điển hình, tính đảng, hiện thực
xã hội chủ nghĩa… sau đó thay thế bằng diễn ngôn khai sáng như tính
người, chủ nghĩa nhân đạo, tính chủ thể, cái tôi, hình thức, bản thể,
tồn tại, ngôn ngữ, kí hiệu Rồi tiếp theo là diễn ngôn hiện đại và hậu
hiện đại: tính hiện đại, hậu hiện đại, giải cấu trúc, hậu thực dân, dòng
ý thức, sự cáo chung, tác giả đã chết, đa nguyên, nữ quyền luận, viết
thân thể, tính dục, phi trung tâm, phản bản chất, tính phân mảnh…
Phê bình đã hoàn toàn thay đổi.
Ngày nay phê bình văn học trên thế giới đã là bộ môn khoa học
độc lập. Phê bình văn học Trung Quốc sau những năm 90 chịu ảnh
hưởng của phê bình văn học phương Tây rất lớn, song các vấn đề
quan hệ văn học với hiện thực vẫn còn được quan tâm, các trào lưu
nghiên cứu văn hoá, hậu thực dân, nữ quyền luận, tân lịch sử chủ
nghĩa càng làm cho phê bình văn học mác xít vẫn còn là một khuynh
hướng có ý nghĩa nhưng không còn là chủ đạo. Tái chính trị hoá
trong phê bình không phải là trở lại với đấu tranh giai cấp như trước.
Dù coi trọng lịch sử hay coi trong ngôn ngữ đều đem lại cho phê bình
những tìm tòi mới. Vấn đề hệ hình mới được xác lập, nhưng sự vận
dụng chín muồi, mối quan hệ giữa phê bình với bạn đọc, với sáng tác,
với thực tế vẫn chưa đạt đến một trạng thái thực sự tốt đẹp. Phê bình
văn học Trung Quốc vẫn chưa thành một bộ môn khoa học độc lập,
bởi vì nó chưa được Trung Quốc hoá, chưa có phương thức quan tâm
hiện thực của riêng nó.
Trong ba mươi năm thời kì mới phê bình văn học Trung Quốc
luôn phát triển trong sự khủng hoảng về ý thức. Tiếng kêu “khủng

hoảng” cứ vang lên đều đều. Đầu những năm 80 người ta kêu phê
bình khủng hoảng vì phương pháp cũ, thiếu phương pháp mới. Trước
hiện tượng như “thơ mông lung”, người ta không biết phê bình đánh
giá thế nào. Giữa những năm 80 rộ lên cơn sốt phương pháp luận, các
phương pháp được giới thiệu rất nhiều. Những người hăng hái vận
dụng phương pháp mới được chào đón nhiệt liệt như Lâm Hưng
Trạch, Trình Văn Siêu, Lỗ Khu Nguyên, Lưu Tái Phục, Quý Hồng
Chân, Trần Liêu… Phần lớn họ là những người di thực phương pháp
nước ngoài vào văn học Trung Quốc, như phân tâm học, hệ thống
luận, tin học, kí hiệu học , có góc nhìn mới, thao tác mới, mở ra cánh
cửa mới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vết tích nước ngoài. Lâm Hưng
Trạch cho biết sự vay mượn chỉ là thủ đoạn, cái chính là dùng phương
pháp khoa học tự nhiên để phá vỡ tính khép kín của phê bình văn
học Trung Quốc lâu nay. Nhưng sau phương pháp luận người ta vẫn
lại kêu khủng hoảng. Lần này lí do là do vận dụng giản đơn, chưa
nhuần nhuyễn, giữa quan niệm, phương pháp, thao tác chưa ăn
khớp. Mã Khổng Đa phê bình tệ sùng bái chủ nghĩa khoa học, sự
không ăn nhập giữa phương pháp khoa học tự nhiên với khoa học
nhân văn[4].Tác giả vận dụng phương pháp mới rất nhiều. Có thể kể
Đồng Khánh Bính, Đào Đông Phong, Lí Xuân Thanh, Phương Khắc
Cường, Quách Tử Đông, Lí Cát, Vương Hựu Bình, Từ Đại, Nam
Phàm, Trình Văn Siêu … Tuy có đem lại cái mới, mở ra của sổ mới,
song nhược điểm chính mà giới phê bình nhận xét là, chưa thoát khỏi
sự tầm thường (bình dung), tức là thiếu hoặc không có sáng kiến,
thường là nói theo, phụ hoạ, thiếu ý thức sáng tạo độc lập, chưa có
tính nguyên sáng. Sang thế kỉ mới lại có tiếng kêu khủng hoảng mới.
Đó là phong khí phê bình sách vở nhiều, sinh động ít, màu Tây
nhiều, sắc Trung Hoa ít…Phê bình trường, Viện chưa đi vào đông đảo
người đọc, còn cách xa văn học đại chúng. Căn bệnh chủ yếu của phê
bình văn học Trung Quốc đương đại là sự ngheo nàn về tính độc

sáng[5].
Bước sang thế kỉ mới, phê bình văn học Trung Quốc muốn chuyển
thêm một bước mới. Theo Đàm Vận Trường, loại phê bình thứ ba này
có mấy đặc điểm sau. Một là tích luỹ tri thức là rất đáng quý và cần
thiết, song khi đã có rồi nên đem toàn bộ tri thức để vào trong ngoặc,
treo lên, bởi tri thức trở ngại cho độc sáng. Dùng trí tuệ đối diện văn
học Trung Quốc cho đến khi nào phát hiện ra vấn đề và giải pháp
mới. Nói thế tức là trở lại với lối phê bình thông thường, để khái niệm
tri thức, sang một bên, chỉ nghe theo cảm quan và thường thức của
mình, lúc đó tri thức có được sẽ là độc sáng, chỉ thuộc về chính
mình[6]. Đó là ý hướng đầy dũng cảm và tham vọng, nhưng nói thật,
không có gì mới. Tuy nhiên, theo chúng tôi, phê bình văn học hiện
nay không thể quay lưng với hệ hình khoa học đương đại. Thứ hai là
phê bình coi trọng độc sáng, coi trọng phương pháp xử lí tư liệu và
khảo chứng, khắc phục lối phê bình chỉ dựa vào quan điểm, cảm tính.
Thứ ba là chuyển hướng nghiên cứu văn hoá, đối diện với sinh thái
hiện tồn của con người.
Sự chuyển hướng thẩm mĩ và học thuật và đòi hỏi độc sáng đang
là bước chuyển có nhiều hứa hẹn. Tất nhiên phê bình văn học là lĩnh
vực không mấy khi làm thoả mãn mọi người, trong xã hội vẫn luôn
luôn nêu ra những yêu cầu mới. Tuy vậy cuộc chuyển hướng trên sẽ
tạo ra một nền phê bình văn học mới, có tính sáng tạo và tính tự chủ
độc lập của chuyên ngành.

×