MỤC LỤC
1
A-LỜI MỞ ĐẦU.
Tài sản là vấn đề trung tâm, cốt lõi của mọi quan hệ xã hội nói chung và quan
hệ pháp luật nói riêng. Khái niệm tài sản đã được đề cập rất lâu trong trong thực
tiễn cũng như trong khoa học pháp lý. Điều 163_BLDS năm 2005 quy định : “Tài
sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Đây là cách phân loại
cũng đồng thời là cách định nghĩa về tài sản của Bộ luật. Theo quy định này thì tài
sản được liệt kê khép kín chỉ tồn tại ở một trong bốn loại: Vật, tiền, giấy tờ có giá
hoặc quyền tài sản. Tuy nhiên tài sản trên thực tế tồn tại ở rất nhiều dạng khác
nhau, vô cùng phong phú và đa dạng. Mỗi loại tài sản lại có những đặc tính khác
biệt cần thiết phải có quy chế pháp lí điều chỉnh riêng. Do đó, trong bài viết của
mình em xin chọn đề tài: “Tài sản theo quy định tại Điều 163 Bộ luật dân sự - Một
số vấn đề lý luận và thực tiễn” để hiểu rõ hơn các quy định về tài sản cũng như
những điểm bất cập trong quy định về tài sản. Do thời gian và sự hiểu biết còn hạn
chế, nên bài làm của em sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong nhận
được sự đóng góp của quý thầy cô để bài làm của em được hoàn chỉnh hơn.
B-NỘI DUNG.
I - Những vấn đề lí luận và thực tiễn về khái niệm tài sản theo Điều 163 BLDS
năm 2005.
Tài sản- với tính cách là khách thể quyền sở hữu- đã được Điều 163 BLDS
năm 2005 xác định như sau: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các
quyền tài sản”.Trong đó, quyền tài sản được định nghĩa tại Điều 181:”Quyền tài
sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự,
kể cả quyền sở hữu trí tuệ”.Các điều từ Điều 164 đến Điều 176 quy định các vấn
đề liên quan đến sở hữu đối với tài sản. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã
2
hội, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo
định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, phạm vi tài sản với tính cách là khách thể
của quyền sở hữu là không hạn chế. Chúng bao gồm toàn bộ các tư liệu sản xuất và
tư liệu tiêu dùng trong xã hội. Nghĩa là quyền sở hữu có thể được xác lập với bất
kỳ một loại tài sản nào, miễn là pháp luật không cấm lưu thông dân sự. Tài sản trên
thực tế tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, vô cùng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên,
theo quy định này thì tài sản được liệt kê khép kín chỉ tồn tại ở một trong bốn loại :
vật, tiền giấy tờ có giá và quyền tài sản.Qua đó, ta có thể nhận thấy khái niệm về
tài sản trong BLDS chỉ mang tính chất liệt kê. Bởi vì pháp luật thường đi sau sự
phát triển của thực tiễn nên việc liệt kê sẽ rất có thể là không đầy đủ hoặc không
theo kịp sự phát triển của khoa học và đời sống. Vì vậy, để hiểu rõ hơn những vấn
đề lý luận và thực tiễn liên quan đến định nghĩa về tài sản được đưa ra tại Điều 163
BLDS, ta đi sâu vào phân tích, nghiên cứu từng loại tài sản theo định nghĩa này:
1 - Vật:
Vật chính là đối tượng của thế giới vật chất theo nghĩa rộng bao gồm cả động
vật, thực vật, vật với ý nghĩa vật lí ở mọi trạng thái (rắn, lỏng, khí).
Với ý nghĩa là một phạm trù pháp lý, vật là bộ phận của thế giới vật chất có thể
đáp ứng được một nhu cầu nào đó (vật chất) của con người. Tuy nhiên, không phải
bất kỳ bộ phận nào của thế giới vật chất cũng được coi là vật. Vật chỉ có ý nghĩa
khi nó trở thành đối tượng trong quan hệ pháp luật nên nếu bộ phận của thế giới
vật chất mà con người không thể kiểm soát được, chiếm hữu được nó thì đồng
nghĩa với việc con người không thể tác động được vào nó. Do đó, không khí, mưa,
gió… thuộc về vật chất nhưng không thể được coi là tài sản về mặt pháp lý. Như
vậy, ngoài yếu tố đáp ứng được nhu cầu của con người, vật có thực với tính cách là
tài sản phải nằm trong sự chiếm hữu của con người, có đặc trưng giá trị và trở
thành đối tượng của giao lưu dân sự. Là đối tượng trong quan hệ pháp luật nên vật
3
phải đáp ứng được lợi ích của các bên chủ thể trong quan hệ. Do đó, để được coi là
vật thì phải thỏa mãn những điều kiện sau:
Thứ nhất, điều kiện không thể thiếu để trở thành vật trong giao lưu dân sự là
phải là bộ phận của thế giới vật chất . Đây chính là sự khác nhau giữa “vật” và
“quyền tài sản”. Ta có thể hiểu quyền tài sản là một cái gì đó rất trừu tượng , nó
không phải là bộ phận của thế giới vật chất mà nó tồn tại phụ thuộc vào ý chí chủ
quan của con người. Ví dụ như đất đai được coi là vật trong giao lưu dân sự vì nó
là một bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại không phụ thuộc vào ý thức chủ quan
của con người. Nhưng, quyền sử dụng mảnh đất ấy tại không tồn tại khách quan,
không phải là bộ phận của thế giới vật chất nên đương nhiên nó không phải là vật
trong giao lưu dân sự mà nó thuộc loại tài sản khác mang tên “quyền tài sản”. Vì
thế mà đất đai là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước, do Chính phủ thống nhất
quản lý nhưng quyền sử dụng đất lại thuộc về cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ
thể khác được xác lập do Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử
dụng đất hoặc do được người khác chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy
định của pháp luật(
1
). Ở đây, cả “đất đai” và “quyền sử dụng đất” đều được coi là
tài sản nhưng đất đai là vật, còn quyền sử dụng đất là quyền tài sản.
Thứ hai,con người phải chiếm hữu được. Có những bộ phận của thế giới vật
chất ở dạng này thì được coi là vật nhưng ở dạng khác lại không được coi là vật.
Chỉ khi con người chiếm hữu được nó thì nó mới được coi là vật. Ví dụ như không
khí trong tự nhiên, nước suối, nước sông, nước biển không được coi là vật vì chưa
thể đưa vào giao dịch dân sự nhưng nếu được đóng (hoặc nén) vào bình, được làm
nóng, làm lạnh thì lại được coi là vật bởi lúc này mới có thể được đưa vào giao
lưu dân sự do con người có thể nắm giữ, quản lý được.
Thứ ba, những vật được coi là tài sản không chỉ là những vật tồn tại hiện hữu
mà còn bao gồm những vật (hay tài sản) chắc chắn sẽ có. Đây là một nội dung rất
mới mẻ của BLDS năm 2005 so với BLDS năm 1995. BLDS năm 1995 quy định:
1
()
Xem Điều 668. Căn cứ xác lập quyền sử dụng đất, BLDS, 2005
4
“Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài
sản”. Trong đó, vật có thực được xác định bởi các điều kiện như: vật phải có hình
dáng, kích thước cụ thể, có giá cả tương ứng với giá trị của vật… Tuy nhiên, đến
BLDS năm 2005 lại xác định lại khái niệm tài sản tại Điều 163 như sau: “Tài sản
bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Theo Điều 163 BLDS năm
2005 thì phạm vi của “vật” rộng hơn so với khái niệm cũ được quy định tại Điều
172 BLDS năm 1995, bao gồm cả những vật có thực và những vật sẽ có trong
tương lai. Vật có thực là vật đã, đang tồn tại vào thời điểm hiện tại và đã được xác
lập quyền sở hữu cho chủ sở hữu của vật đó. Ví dụ như: nhà đã được xây, tủ đã
được đóng…Còn vật được hình thành trong tương lai được hiểu là vật chưa tồn tại
hoặc chưa hình thành đồng bộ vào thời điểm hiên tại nhưng chắc chắn sẽ có hoặc
chắc chắn sẽ được hình thành trong tương lai. Ví dụ như: một dự án nhà cao tầng
đang chuẩn bị khởi công xây, một cái cầu đang bắc…Cả hai cái đó đều được đưa
vào giao dịch dân sự như một vật sẽ hình thành trong tương lai.
Sự mở rộng khái niệm “vật” của BLDS năm 2005 so với khái niệm : “vật có
thực” của BLDS năm 1995 làm cho giá trị pháp lý của tài sản được xác định ở
phạm vi rộng hơn, quan niệm về giao dịch dân sự hợp pháp cũng được mở rộng
theo hướng đa dạng hơn, phù hợp với nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường
nhiều thành phần ở nước ta, làm cho thị trường mua bán hàng hóa sôi động hơn,
nhất là thị trường bất động sản. Trong thực tế áp dụng pháp luật, mặc dù có nhiều
ưu điểm tiến bộ, song, quy định mở rộng nội hàm khái niệm “vật” ở BLDS năm
2005 cũng mang lại nhiều khó khăn trong việc giải quyết những tranh chấp liên
quan đến “vật” hình thành trong tương lai bởi những vật có thực thông thường bao
giờ cũng dễ xác định hơn so với những vật chưa có thực. Ví dụ như một công ty
muốn thế chấp khu chung cư sẽ xây dựng của họ nhưng lần thứ nhất, họ đến ngân
hàng A thế chấp khu đất làm khu chung cư đó; lần thứ hai, họ thế chấp cả khu
chung cư đó; lần thứ ba, họ thế chấp từng căn hộ trong khu chung cư đó…Như vậy
5
chỉ là một dự án nhưng với quy định của pháp luật về vật sẽ hình thành trong tương
lai, người vay vốn có thể thế chấp nhiều lần trên khu chung cư đó. Điều đó cho
thấy lỗ hổng trong pháp luật hiện hành. Nếu như công ty kia gặp trục trặc không
thể hoàn thành khu chung cư đó hoặc không có khả năng trả nợ thì các ngân hàng
sẽ bị thiệt hại rất lớn. Bởi vì đặc trưng của vật hình thành trong tương lai đã là
mang tính rủi ro cao, theo dự kiến là nó sẽ hoàn thành nhưng vì một bất lợi nào đó
mà nó không hoàn thành thì ai sẽ phải chịu rủi ro đó? Pháp luật cần quy định rõ
hơn nữa về loại tài sản này để tránh tình trạng “ lách luật “ gia tăng, gây thiệt hại
cho các chủ thể tham gia giao dịch.
Ở một khía cạnh khác của khái niệm “vật”, hiện nay có một loại vật đang gây
ra nhiều ý kiến tranh luận có nên xác định nó là tài sản hay không, đó là các vật ảo
được mua bán trên mạng giữa những người chơi tham gia một trò chơi trực tuyến
cụ thể nào đó. Thực tế cho thấy, tại Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới,
việc mua bán các vật ảo này diễn ra rất sôi động. Nhưng cho đến nay, có rất ít nước
chính thức thừa nhận các vật ảo này là tài sản và ban hành luật bảo vệ quyền sở
hữu nó. Những vật này có giá hẳn hoi và người sở hữu có quyền bán nó cho người
khác để nhận tiền. Những món đồ trên các trò chơi trực tuyến có giá trị hàng trăm,
thậm chí hàng triệu đến hàng chục triệu đồng, người chơi vô tư trao đổi mua bán
với nhau bằng tiền thật. Chính vì nó có tính chất như một loại tài sản nên người ta
đưa nó vào giao dịch dân sự như bình thường thậm chí là ăn cắp, trộm đồ… rồi
đưa nhau ra tòa đòi giải quyết, nhưng họ tại không biết rằng nó không được coi là
tài sản theo pháp luật hiện hành. Theo quan điểm của cá nhân em, những vật ảo
trong trò chơi trực tuyến là thứ có thể chiếm hữu, là kết quả của sự đầu tư công sức
và tiền bạc của người chơi, có thể định giá bằng tiền và có thể chuyển giao theo
thỏa thuận nên hoàn toàn có thể coi nó là tài sản (ở dạng quyền tài sản) cần được
công nhận quyền sở hữu mà chủ sở hữu ở đây là người chơi.
6
Thực tế, ngoài vấn đề tài sản ảo ra thì còn một vấn đề nhức nhối nữa đó là: các
vụ buôn bán nội tạng người càng ngày càng gia tăng. Vậy các bộ phận cơ thể con
người có được coi là tài sản không? Nếu như coi nó là tài sản thì sẽ có rất nhiều
vấn đề mâu thuẫn này sinh, chẳng hạn như khi một người cầm dao đâm bạn, không
thể nói đó là hành vi xâm phạm đến tài sản của bạn được… Thế nhưng, nếu nó
không phải là tài sản thì tại sao nó vẫn được buôn bán, trao đổi, vẫn có giá cả trên
thị trường (thậm chí là giá rất cao) trong khi tại thời điểm này, chưa có một văn
bản quy pham pháp luật nào quy định về vấn đề buôn bán, trao đổi các bộ phận của
cơ thể mà chỉ có các quy định về việc hiến, lấy, ghép mô và các bộ phận cơ thể
người. Vì vậy, việc “mua bán”, “trao đổi” các bộ phận cơ thể người vẫn diễn ra
dưới danh nghĩa là “hiến”. Chính vì thế, đây cũng là một vấn đề cần có sự quan
tâm của luật dân sự.
2-Tiền.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tiền tệ là hàng hoá đặc biệt được
tách ra làm vật ngang giá chung thống nhất cho các hàng hoá khác, nó thể hiện lao
động xã hội và biểu hiện quan hệ giữa những người sản xuất hàng hoá.Tiền theo
kinh tế chính trị học là vật ngang giá chung được sử dụng làm thước đo giá trị của
các loại tàn sản khác. Một tài sản được coi là tiền hiện nay khi nó đang có giá trị
lưu hành trên thực tế. Tiền được coi là một dạng đặc biệt của tài sản và cũng là
thước đo để xác định toàn bộ khối tài sản của một chủ thể nào đó trong quan hệ
pháp luật dân sự. Loại tài sản này có những đặc điểm pháp lý khác với vật được thể
hiện ở những mặt sau:
Đối với vật thì ta có thể khai thác công dụng hữu ích từ chính vật đó còn tiền
không. Tiền thực hiện ba chức năng chính, đó là : công cụ thanh toán đa năng,
công cụ tích luỹ tài sản và công cụ định giá các loại tài sản khác. Các vật thông
thường có thể do rất nhiều chủ thể khác tạo ra, còn tiền thì do Nhà nước độc quyền
7
phát hành. Việc phát hành tiền được coi là một trong những biểu hiện chủ quyền
của mỗi quốc gia.Vật được xác định bằng những đơn vị đo lường thông dụng còn
tiền lại được xác định số lượng thông qua mệnh giá của nó.Chủ sở hữu vật được
toàn quyền tiêu huỷ vật thuộc sở hữu của mình , còn chủ sở hữu tiền thì lại không
được phép tiêu huỷ tiền (không được xé, đốt, sửa chữa, làm giả ).Dưới nhiều góc
độ khác nhau thì tiền lại có những công dụng khác nhau. Nếu dưới góc độ kinh tế
thì việc sử dụng tiền được hiểu thông qua hành vi đầu tư tiền vào các hoạt động
kinh doanh (mua bán, cho vay, góp vốn ) nhưng dưới góc độ luật dân sự thì các
hành vi đầu tư hay tiêu dùng đó lại được hiểu là hành vi thực hiện quyền định đoạt
tiền (chuyển giao quyền sở hữu tiền cho người khác) chứ không phải là thực hiện
quyền sử dụng. Dưới góc độ kinh tế thì việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng (gửi
tiền vào tài khoản của mình trong ngân hàng) thường được coi là hành vi cất giữ
tiền còn dưới góc độ luật dân sự thì việc gửi tiền đó phải luôn được hiểu là hợp
đồng cho vay tài sản bởi lẽ sau khi gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ
là chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu rủi ro đối với nó, người gửi khi đó chấm
dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi, trở thành bên cho vay, có quyền yêu cầu
ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thoả thuận. Tuỳ
theo từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng vay đó có thể có thời hạn hoặc không
thời hạn, có thể có lãi hoặc không có lãi. Nói tóm lại dưới góc độ kinh tế thì không
có sự khác biệt cơ bản giữa tiền mặt và tiền trong tài khoản nhưng dưới góc độ luật
dân sự thì "tiền trong tài khoản" lại được hiểu là quyền tài sản (quyền yêu cầu) -
một loại tài sản khác chứ không phải là tiền. Trong pháp luật dân sự, tiền có tính
năng đặc biệt là khi chuyển giao tiền thì bao giờ cũng kèm theo chuyển giao quyền
sở hữu, trừ trường hợp khi chuyển giao ta đặc định hoá gói tiền thông qua việc
niêm phong gói tiền lại.
8
Theo BLDS năm 1995 thì tiền đem thanh toán phải là tiền nội tệ nhưng ở
BLDS năm 2005 đã bỏ quy định này. Sở dĩ BLDS năm 1995 không coi ngoại tệ là
tiền vì nó không được coi là công cụ thanh toán đa năng - một tính năng quan trọng
nhất của tiền. Ngoại tệ phải được coi là một loại tài sản đặc biệt, thuộc nhóm hàng
hoá hạn chế lưu thông. Chỉ những chủ thể nhất định (ngân hàng hay tổ chức tín
dụng, các tổ chức có chức năng hoạt động ngoại thương ) mới được phép xác lập
giao dịch đối với nó. Nhưng nếu ngoại tệ không phải là tiền thì liệu ta sẽ xếp ngoại
tệ vào loại tài sản nào trong số các loại tài sản qui định tại Điều 172 BLDS năm
1995. Không thể là vật vì ta không thể khai thác công dụng hữu ích từ chính tờ
ngoại tệ được, cũng không thể coi là giấy tờ trị giá được bằng tiền hay quyền tài
sản vì ta không xác định được ai là chủ thể nghĩa vụ trong đó. Đó đó, sự mở rộng
khái niệm tiền trong BLDS năm 2005 là nhằm khắc phục những thiếu sót của
BLDS năm 1995 . Như vậy, theo luật mới, về mặt pháp lý, tiền có thể được hiểu là
nội tệ hoặc ngoại tệ. Cách phân tiền thành nội tệ và ngoại tệ hoàn toàn phụ thuộc
vào góc độ nhìn nhận của từng quốc gia : một loại tiền có thể được coi là nội tệ với
quốc gia này nhưng lại là ngoại tệ với quốc gia khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngoại
tệ là loại tài sản hạn chế lưu thông chứ không được lưu hành rộng rãi như tiền Việt
Nam. Nhìn chung về thực tiễn, cách hiểu là vân dụng tiền tương đối thống nhất.
Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng các kim loại quý, đá quý như vàng, bạc,
kim cương có giá trị tương ứng với tiền tại một thời điểm xác định và có thể đưa
vào giao lưu thay thế cho tiền nên cũng có thể coi đó là tiền. Nhưng trên thực tế thì
các kim loại quý, đá quý chỉ được coi là vật đặc biệt thì nó thường xuyên biến
động theo thị trường và nó tồn tại dưới dạng là vật. Vì vậy, chỉ khi nào người ta
dùng kim loại quý để đúc thành tiền thì mới được coi là tiền. Việc xác định tiền chỉ
có thể là tiền giấy (hiện tại ở Việt Nam) còn kim loại quý là vật có ý nghĩa quan
trọng đối với ngành luật khác. Ví dụ như luật hình sự, khi vận dụng để xác định
hành vi chiếm đoạt vẫn phải tách riêng tiền và các loại tài sản khác vì thời điểm
9
chiếm đoạt đôi khi lại rất có ý nghĩa trong việc xác định tội phạm có xảy ra hay
không. Ví dụ như đối với hành vi trộm cắp mà đối tượng tác động là một chỉ vàng
9999 thì vào thời điểm này nó đủ yếu tố để xác định tội danh nhưng tại thời điểm
khác lại không đủ điều kiện về định lượng.
3 – Giấy tờ có giá.
Trong Quy chế phát hành giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng để huy động vốn
trong nước (Ban hành kèm theo quyết định số 02/2005/QĐ-NHNN ngày
04/01/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), giấy tờ có giá được hiểu là
chứng nhận của tổ chức tín dụng phát hành để huy động vốn trong đó xác nhận
nghĩa vụ trả nợ một khoản tiền trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và
các điều khoản cam kết khác giữa tổ chức tín dụng và người mua. Giấy tờ có giá
ngắn hạn được hiểu là giấy tờ có giá có thời hạn dưới một năm bao gồm kỳ phiếu,
chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn, tín phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác. Giấy tờ
có giá dài hạn là giấy tờ có thời hạn từ một năm trở lên kể từ khi phát hành đến khi
hết hạn, bao gồm trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi dài hạn và các giấy tờ có giá dài
hạn khác. Giấy tờ có giá ghi danh là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng
chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu. Giấy tờ có giá vô danh là giấy tờ có giá
phát hành theo hình thức chứng chỉ không ghi tên người sở hữu. Giấy tờ có giá vô
danh thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ giấy tờ có giá.
Theo nghĩa rộng, giấy tờ có giá nói chung, được hiểu là chứng chỉ hoặc bút
toán ghi sổ, trong đó xác nhận quyền tài sản của một chủ thể nhất định (tổ chức, cá
nhân) xét trong mối quan hệ pháp lý với các chủ thể khác . Tuy nhiên, trong số
giấy tờ chứng minh cho quyền tài sản đó, có một số giấy tờ đặc biệt có thể chuyển
giao được, ai đánh mất nó là mất quyền, ai có nó thì có quyền, thì những giấy tờ
này mới được coi là giấy tờ có giá với tư cách là một loại tài sản trong quan hệ
pháp luật dân sự.
10
Dưới góc độ pháp lý, giấy tờ có giá với tư cách là một hình thức pháp lý của tài
sản trong quan hệ pháp luật dân sự có các đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, xét về mặt hình thức, giấy tờ có giá là một chứng chỉ được lập theo
hình thức, trình tự luật định.
Thứ hai, nội dung thể hiện trên giấy tờ có giá là thể hiện quyền tài sản, giá của
giấy tờ có giá là giá trị quyền tài sản và quyền này được pháp luật bảo vệ.
Thứ ba, giấy tờ có giá có tính thanh khoản và là công cụ có thể chuyển nhượng
với điều kiện chuyển nhượng toàn bộ một lần, việc chuyển nhượng một phần giấy
tờ có giá là vô hiệu.
Ngoài ra còn có thể kể thêm các đặc điểm khác của giấy tờ có giá như tính có
thời hạn, tính có thể đưa ra yêu cầu, tính rủi ro…
Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành thì giáy tờ có giá bao gồm:
Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác quy định
tại Điều 1 Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005; Trái phiếu Chính phủ, trái
phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 4 của
pháp lệnh ngoại hối năm 2005; tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và các
nghĩa vụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại Điểm 16, Điều 3
Luật quản lý nợ công 2009; các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ
quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp
đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; hợp đồng góp vốn
đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ tài chính quy định) được quy định tại
Khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán; trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại
Điều 2 của Nghị Định số 52/2006/NĐ-CP của chính phủ về phát hành trái phiếu
doanh nghiệp.
11
Trong BLDS năm 1995, ta thấy các nhà làm luật sử dụng thuật ngữ “giấy tờ trị
giá được bằng tiền” chứ không phải là thuật ngữ “giấy tờ có giá” như BLDS năm
2005. Thực ra cách hiểu về hai thuật ngữ này cũng không có gì khác biệt, xong các
loại giấy tờ được coi là tài sản đã được chuẩn hóa về tên gọi cũng như về tính chất.
Ở đây, ta cần phân biệt giấy tờ có giá với các loại tài sản khác:
Thứ nhất, giấy tờ có giá và vật đều được xác định là tài sản trong quan hệ pháp
luật dân sự, đều là động sản trong cách phân loại tài sản thành động sản và bất
động sản và đều là tài sản hữu hình. Tuy nhiên, đối với vật, ta có thể khai thác
công dụng hữu hình từ chính vật đó (nhà dùng để ở, làm việc…; vô tuyến để xem,
các nguyên liệu dùng vào sản xuất, chế biến…). Còn đối với giấy tờ có giá thì
không thể khai thác công dụng hữu ích từ chính loại giấy tờ có giá đó. Quyền sử
dụng chỉ được áp dụng một cách trọn vẹn cho vật chứ không áp dụng được cho
giấy tờ có giá. Vật thông thường có thể do rất nhiều chủ thể khác nhau tạo ra còn
giấy tờ giấy tờ có giá thì chỉ một số chủ thể được quyền phát hành do luật định.
Vật được xác định số lượng bằng những đơn vị đo lường thông dụng còn giấy tờ
có giá lại không thể xác định như vậy được. Các loại giấy tờ có giá được xác định
giá trị thông qua giá trị ghi trên loại giấy tờ có giá đó (hối phiếu nhận nợ, hối
phiếu đòi nợ, séc), nhưng có loại giá trị của nó có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị
bề mặt của nó (cổ phiếu)…Chủ sở hữu vật được toàn quyền quyết định đối với vật
thuộc sở hữu của mình còn chủ sở hữu giấy tờ có giá không được quyền sửa chữa,
tẩy xóa, thay đổi hình dạng, kích thước, làm giả…
Thứ hai, Pháp luật Việt Nam coi tiền là một loại tài sản riêng biệt, loại tài sản
này có những đặc điểm pháp lý khác với những tài sản khác, khác với giấy tờ có
giá. Nếu như việc phát hành giấy tờ có giá được tiến hành bởi một số chủ thể có
thể là Nhà nước, có thể là chủ thể khác do pháp luật quy định, thì tiền lại do Nhà
nước độc quyền phát hành. Việc phát hành tiền được coi là một trong những biểu
12
hiện của chủ quyền quốc gia, còn việc phát hành giấy tờ có giá lại là biểu hiện của
quan hệ tín dụng thương mại hoặc là biểu hiện của thị trường vốn…
Thứ ba, giữa quyền tài sản và giấy tờ có giá có giống nhau ở chỗ đều trị giá
được bằng tiền (giá của giấy tờ có giá là giá trị của quyền tài sản) và đều chuyển
giao được, sự khác nhau giữa hai loại tài sản này là ở chỗ: giấy tờ có giá là tài sản
hữu hình còn quyền tài sản là tài sản vô hình. Đối với giấy tờ có giá thì ta có thể
thực hiện được quyền chiếm hữu và quyền định đoạt, còn đối với quyền tài sản ta
không thực hiện được chức năng này. Giấy tờ có giá với tư cách là một loại tài sản
trong giao lưu dân sự chính là giấy tờ minh chứng cho quyền tài sản vô danh, giá
trị của giấy tờ có giá bằng với giá trị của quyền tài sản đó.
Hiện nay, giấy tờ có giá trong BDLS năm 2005 được ghi nhận với tư cách là
một loại tài sản, tuy nhiên có phải tất cả các loại giấy tờ có giá đều được coi là tài
sản không? Nếu không phải là tất cả thì trong số giấy tờ có giá đã được quy định
trong pháp luật chuyên ngành, loại giấy tờ có giá nào được coi là tài sản và chịu sự
điều chỉnh của các quy phạm pháp luật dân sự khi xảy ra tranh chấp? Chính vì sự
thiếu rõ ràng của pháp luật dân sự về giấy tờ có giá đã làm cho việc áp dụng luật để
giải quyết tranh chấp trên thực tế là rất khó. Hơn nữa, như trên đã đề cập, trong
BLDS năm 2005, Điều 163 liệt kê: “tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và
các quyền tài sản”, trong đó quyền tài sản được giải thích tiếp trong Điều 181,
nhưng giấy tờ có giá không được giải thích. Điều này có thể hiểu là giấy tờ có giá
là một khái niệm quá quen thuộc, được hiểu thống nhất trong cộng đồng nên không
cần thiết phải giải thích thêm hoặc đây chính là một lỗ hổng mà các nhà làm luật
cần bổ sung hoặc có giải thích tiếp trong các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Trong Quyết định số 02/2005/QĐ-NHNN ngày 04/01/2005 về ban hành quy
chế phát hành giấy tờ có giá để huy động vốn trong nước, Điều 4 giải thích từ ngữ
có định nghĩa: “giấy tờ có giá là chứng nhận của tổ chức tín dụng phát hành để
13
huy động vốn trong đó xác định nghĩa vụ trả nợ một khoản tiền trong một thời hạn
nhất định, điều kiện trả lãi và các điều khoản cam kết khác giữa tổ chức tín dụng
và người mua”. Như vậy, giấy tờ có giá được hiểu theo nghĩa hẹp chỉ là những
phiếu nợ do ngân hàng phát hành dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, trong
đó xác định quyền chủ nợ của người sở hữu phiếu nợ và nghĩa vụ trả nợ một số
tiền nhất định của ngân hàng.
Trong Điều 4, Luật các công cụ chuyển nhượng, không có định nghĩa giấy tờ
có giá nhưng công cụ chuyển nhượng trong Luật này được hiểu là: “giấy tờ có giá
ghi nhận lệnh thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác
định vào một thời điểm xác định”. Cụ thể: “Hối phiếu đòi nợ là giấy tờ có giá do
người lý phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền
xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho
người thụ hưởng. Hối phiếu nhận nợ là giấy tờ có giá do người phát hành lập, cam
kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một
thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng. Séc là giấy tờ có giá do
người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát là ngân hàng hoặc tổ chức cung
ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trích một số
tiền nhất định từ tài khoản của mình để thanh toán cho người thụ hưởng”.
Như vậy, việc thiếu một cách hiểu thống nhất, cụ thể, thiếu tính đồng bộ giữa
luật chung và luật chuyên ngành hoặc các văn bản pháp luật khác nên giấy tờ có
giá trong BLDS năm 2005 không mặc nhiên loại trừ giấy tờ có giá ghi danh hoặc
cấm chuyển nhượng.
Để khắc phục thực trạng này, Thứ nhất, cần xây dựng khái niệm giấy tờ có giá
với tư cách là một loại tài sản trong quan hệ pháp luật dân sự cũng như các thuộc
tính của nó để giúp cho việc áp dụng pháp luật được dễ dàng, người dân cũng dễ
tiếp cận, làm tăng tính khả thi của các quy định pháp luật về vấn đề này. Khái niệm
14
này có thể xây dựng theo hướng: “Giấy tờ có giá với tư cách là một loại tài sản
trong quan hệ pháp luật dân sự được hiểu là chứng chỉ xác nhận quyền tài sản của
một chủ thể xét trong mối quan hệ pháp lý với chủ thể khác, trị giá được bằng tiền
và có thể chuyển giao được trong giao lưu dân sự”. Thứ hai, pháp luật cần phải tạo
cho thị trường nhiều loại giấy tờ có giá có thể trao đổi, mua bán song bên cạnh đó
cần có những chế tài phù hợp để giải quyết những tranh chấp, đồng bộ hóa các thể
chế và chế định liên quan. Và bởi vì, tính hiệu quả của hệ thống pháp luật chủ yếu
phụ thuộc vào sự phù hợp, tương thích của hệ thống pháp luật đó với tình trạng xã
hội hiện tại cũng như khả năng ứng dụng cao các quy phạm, chế định của hệ thống
pháp luật đó trong đời sống thực tiễn. Do vậy, pháp luật dân sự cần có giải thích cụ
thể về giấy tờ có giá với tư cách là một loại tài sản theo hướng:chỉ những giấy tờ
có giá vô danh, được tự do chuyển nhượng trên thị trường mới được coi là tài sản
trong giao lưu dân sự (kể cả các loại vận đơn đường biển xuất trình cũng được coi
là giấy tờ có giá).
4- Quyền tài sản.
Quyền tài sản theo định nghĩa tại Điều 181 BLDS năm 2005 là quyền trị giá
được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu
trí tuệ. Theo đó thì quyền tài sản trước tiên phải được hiểu là xử sự được phép của
chủ thể mang quyền. Quyền ở đây chính là một quyền năng dân sự chủ quan của
chủ thể được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Quyền này phải trị giá được bằng tiền
hay nói cách khác là phải tương đương với một đại lượng vật chất nhất định.
Quyền tài sản thì có rất nhiều nhưng chỉ có những quyền tài sản nào có thể trở
thành đối tượng trong các giao dịch dân sự thì mới được coi là tài sản theo Điều
163 BLDS năm 2005. Hiện nay pháp luật Việt Nam công nhận một số quyền tài
sản là tài sản như: quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên thiện nhiên,
quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi
nợ, quyền nhận được số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với
15
phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, quyền yêu
cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản bị xâm phạm (Điều 332 BLDS năm 2005).
II - Những đánh giá và đề xuất phương hướng hoàn thiện.
1- Đánh giá.
Nhìn chung, thông qua định nghĩa về tài sản được đưa ra ở Điều 163 BLDS
năm 2005, ta có thể rút ra mấy nhận xét cơ bản như sau:
a)Các quy định tài sản tại Điều 163 BLDS chưa đầy đủ.
Theo quy định tại Điều 163 BLDS thì tài sản được quy định như sau: “Tài sản
bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Có thể thấy đây là cách đưa ra
định nghĩa theo kiểu liệt kê về các loại tài sản mà chưa đưa ra được phạm vi của
nó. Điều này sẽ gây bất cập khi phát sinh tài sản mới trong khi đời sống kinh tế xã
hội đang phát triển từng ngày như hiện nay.
Bản thân khái niệm tài sản là một khái niệm động ngày càng có nhiều yếu tố
đang được xem xét là tài sản.Vì vậy nếu quy định theo cách liệt kê thì sẽ tạo ra sự
hạn chế trong giao lưu dân sự khi phát sinh ra một tài sản mới trong luật dân sự.
Các quy định về bên thế chấp có thể nhượng bán tài sản thế chấp và trách
nhiệm của người mua tài sản thế chấp đối với bên nhận thế chấp và việc bên nhận
thế chấp có thể chuyển nhượng thế chấp là những sự thể hiện điển hình của các
chức năng này, nhưng có thể nói pháp luật Việt Nam đã chưa thể hiện được đặc
điểm này trong các quy định về tài sản.
b)Sự chưa phù hợp trong quy định về quyền tài sản.
Đầu tiên phải kể đến sự thiếu sót trong quy định tại Điều 181 BLDS năm 2005
về quyền tài sản khi nhà làm luật không quy định về các quyền tài sản không
chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Đó là những quyền trị giá được bằng tiền
16
nhưng do gắn với nhân thân nên không thể chuyển giao được, ví dụ như quyền yêu
cầu cấp dưỡng, quyền hưởng trợ cấp hưu trí …vv
Tiếp đó khái niệm quyền tài sản của Việt Nam được xây dựng là một loại tài
sản đối lập với vật. Tức là một loại tài sản vô hình. Như vậy khi ta kết hợp cách
phân loại giữa vật và quyền cách phân loại giữa bất động sản sẽ không tạo ra khái
niệm quyền tài sản mang tính chất bất động sản. Do vậy trong trường hợp này thì
quyền tài sản sẽ là động sản. Điều này sẽ không phù hợp với quyền sử dụng đất
(một loại quyền tài sản). Trong luật Việt Nam hiện hành quyền sử dụng đất về
phương diện thực quyền tức là một phần đất và tính chất bất động sản của nó là rất
rõ ràng nhưng luật hiện hành lại không ghi nhận quyền sử dụng đất là bất động sản.
Ngoài ra trong quan niệm về quyền tài sản của BLDS Việt Nam đã không có
khái niệm về quyền thực hiện trực tiếp trên vật (quyền đối vật). Quyền trong luật
Việt Nam là một mối quan hệ giữa một chủ thể và một hoặc nhiều chủ thể khác
nhau mà trong đó một chủ thể được hưởng một lợi ích. Có thể lấy ví dụ: trong
trường hợp thế chấp tài sản. Đối với luật Việt Nam thừa nhận rằng chủ sở hữu tài
sản có quyền thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật để đảm bảo việc thực
hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, luật Việt Nam lại không thực sự coi các quyền
của chủ nợ nhận thế chấp là quyền đối vật. Khi đã xây dựng được quan niệm về
quyền đối vật ta sẽ dễ dàng xác định được rằng người cầm cố hoặc thế chấp tài sản
vẫn là chủ sở hữu đối với tài sản liên quan cả trong thời gian có hiệu lực của biện
pháp bảo đảm.
c) Sự quy định về giấy tờ có giá trong BLDS còn nhiều lỗ hổng
Trong cơ chế thị trường với quan hệ hàng hóa – tiền tệ ngày càng phong phú và
sôi động, nhà nước lần lượt ban hành ra các đạo luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm
pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế, dân sự phát sinh trong cơ chế thị trường.
Tuy hiên giấy tờ có giá mới quy định một cách tản mạn dưới góc độ kinh tế ở một
17
số văn bản. Các quy định về chứng khoán đều là những văn bản có giá trị pháp lí
dưới luật và mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa
đầy đủ, giá trị pháp lí chưa cao. Tuy nhiên, mặc dù cho tới thời điểm này, pháp luật
về giấy tờ có giá đã được hoàn thiện thêm một bước nữa song một vấn đề hết sức
quan trọng là Điều khoản quy định về giấy tờ có giá trong Bộ luật Dân sự của
chúng ta quá đơn giản.
Tại điều 163_BLDS 2005, Giấy tờ có giá được ghi nhận với tư cách là một loại
tài sản, tuy nhiên có phải tất cả các loại giấy tờ có giá đều được coi là tài sản hay
không ? Nếu không phải là tất cả thì trong số giấy tờ có giá đã được pháp luật
chuyên ngành quy định, loại giấy tờ có giá nào được coi là tài sản và chịu sự điều
chỉnh của các quy phạm pháp luật dân sự khi xảy ra tranh chấp? Chính vì sự thiếu
rõ ràng của pháp luật dân sự về giấy tờ có giá đã làm cho việc áp dụng pháp luật để
giải quyết tranh chấp trên thực tế là rất khó. Hơn nữa, như trên đã đề cập, trong
BLDS năm 2005, Điều 163 liệt kê: “ tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và
các quyền tài sản ”, trong đó quyền tài sản đươc giải thích tiếp trong Điều 181
nhưng giấy tờ có giá không được giải thích. Điều này có thể hiểu là giấy tờ có giá
một khái niệm đã quá quen thuộc, được hiểu thống nhất trong cộng đồng nên không
cần thiết phải giải thích thêm hay đây chính là một lỗ hổng mà các nhà làm luật cần
bổ cung và có giải thích tiếp trong các văn bản hướng dẫn thực hiện. Cũng chính vì
việc không quy định chi tiết cụ thể này dẫn tới việc nhiều người lầm tưởng rằng
giấy tờ có giá vơi tư cách tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay giấy
đăng kí ô tô, xe máy hay giấy chứng nhận sở hữu nhà ở vì nó gắn liền với các tài
sản khác của chủ sở hữu…Như vậy, quy định về giấy tờ trong bộ luật dân sự Việt
Nam năm 2005 chưa rõ ràng, cụ thể, khó áp dụng trong thực tế cũng như chưa có
quy định hướng dẫn, định nghĩa về giấy tờ có giá trong Bộ luật này.
18
Sự mâu thuẫn không đồng bộ trong các quy định về giấy tờ có giá trong pháp
luật dân sự, ngân hàng, chứng khoán và các lĩnh vực có liên quan. Cụ thể là trong
Quyết định số 02/2005/QĐ-NHNN ngày 04/1/2005 về ban hành quy chế giấy tờ có
giá để huy động vốn trong nước, Điều 4 giải thích từ ngữ có định nghĩa : “ giấy tờ
có giá là giấy chứng nhận của tổ chức tín dụng phát hành để huy động vốn trong
đó xác định nghĩa vụ trả nợ một khoản tiền trong một thời hạn nhất định, điều kiện
trả lãi và các điều khoản cam kết khác giữa các tổ chức tín dụng và người mua ”.
Như vậy giấy tờ có giá được hiểu theo nghĩa hẹp là những phiếu nợ do ngân hàng
phát hành dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, trong đó xác định quyền chủ
nợ của người sở hữu phiếu nợ và nghĩa vụ trả nợ một số tiền nhất định của ngân
hàng. Trong Điều 4 Luật các công cụ chuyển nhượng, không có định nghĩa giấy tờ
có giá nhưng công cụ chuyển nhượng trong luật này được hiểu là “ giấy tờ có giá
ghi nhận lệnh thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác
định vào một thời điểm xác định ”. Như vậy, việc thiếu một cách hiểu thống nhất,
cụ thể, thiếu tính đồng bộ giữa luật chung và luật chuyên ngành hoặc các văn bản
pháp luật khác nên giấy tờ có giá trong BLDS 2005 không mặc nhiên loại trừ giấy
tờ có giá ghi danh hoặc cấm chuyển nhượng.
d) Thiếu các quy định về tiền trong Bộ luật dân sự.
Tiền được quy định là một loại tài sản thậm chí nó là tài sản có đặc điểm pháp
lý khá đặc trưng nhưng thực tế cho thấy rằng Bộ luật dân sự lại không có một quy
định nào giải thích cụ thể về tiền. Từ đó dẫn tới những cách hiểu không thống nhất
về bản chất pháp lý của tiền.
Hiện nay cũng có nhiều tranh cãi xung quanh việc ngoại tệ có phải là tiền theo
quy định tại Điều 163 hay không. Về bản chất nội tệ và ngoại tệ đều là tiền nhưng
trong pháp luật dân sự ngoại tệ chỉ được lưu thông hạn chế không đáp ứng được
19
chức năng là công cụ thanh toán đa năng, chỉ có những chủ thể nhất định mới được
phép giao dịch đối với nó. Như vậy nên để ngoại tệ vào loại tài sản nào trong các
loại tài sản tại Điều 163 Đây chính là sự khó khăn xuất phát từ việc quy định khái
niệm tài sản một cách khép kín của điều luật.
2-Phương hướng hoàn thiện.
Có thể nói đối với Điều 163 BDS năm 2005 khi quy định về tài sản cần quy
định theo lối mở rộng hơn. Bởi do phạm vi tài sản ngày càng được mở rộng hơn,
số lượng những yếu tố được coi là tài sản mới ngày càng nhiều, do vậy cần thiết
lập điều luật theo hướng nới rộng phạm vi của tài sản để phù hợp với xu thế của
đời sống xã hội.
Bên cạnh đó đối với mỗi loại tài sản được quy định trong Điều 163 BLDS là
vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản thì cần có sự giải thích cụ thể hơn trong bộ
luật về các loại tài sản này để tạo tính đồng nhất giữa BLDS với các văn bản pháp
luật chuyên ngành.
Đối với vật trong BLDS năm 2005 nhà làm luật nên bổ sung thêm các quy định
về khái niệm vật cũng như đưa ra các giải thích cụ thể để là rõ hơn bản chất pháp
lý của nó.
Bên cạnh đó cần xây dựng khái niệm về giấy tờ có giá theo hướng: giấy tờ có
giá với tư cách là một loại tài sản trong quan hệ pháp luật dân sự được hiểu là
chứng chỉ xác nhận quyền tài sản của một chủ thể xét trong mối quan hệ pháp lý
với các chủ thể khác trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu
dân sự.
20
Pháp luật cần tạo cho thị trường nhiều loại giấy tờ có giá có thể trao đổi mua
bán song bên cạnh đó cần có những chế tài phù hợp để giải quyết tranh chấp, đồng
bộ hóa các thể chế và chế định liên quan. Do đó ngoài việc đưa ra khái niệm về
giấy tờ có giá thì pháp luật nên giải thích cụ thể về giấy tờ có giá theo hướng chỉ
những giấy tờ có giá vô danh được tự do chuyển nhựng trên thị trường mới được
coi là tài sản trong giao lưu dân sự.
Đối với quyền tài sản cần xây dựng như một đối tượng của quyền nhân thân.
Nói chung quyền có thể chuyển giao được cho người khác không phải là quyền
nhân thân. Trong luật của các nước Latinh thì quyền này gọi là “quyền tài sản”
nhưng đối với Việt Nam quyền tài sản được hiểu theo một nghĩa rất hẹp, nó không
bao hàm được tất cả các quyền không phải là quyền nhân thân. Vì vậy cần có một
chế định về quyền tài sản và mở rộng phạm vi khái niệm quyền tài sản để phù hợp
với thực tiễn.
C – KẾT LUẬN.
Như vậy, qua các phân tích trên, về cơ bản có thể hiểu rõ hơn về tài sản theo
quy định tại Điều 163_BLDS 2005, qua đó cho thấy tầm quan trọng của tài sản nói
chung cũng như các loại tài sản nói riêng trong đời sống thực tiễn và trong các quy
định của pháp luật. Vấn đề làm rõ quy định của pháp luật về tài sản về lí luận và
thực tiễn có vai trò hết sức to lớn và quan trọng. Bởi vậy, pháp luật của chúng ta
cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa để đáp ứng với các đòi hỏi của xã hội.
21