TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH
VIỆN ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC
TIỂU LUẬN TRIẾT HỌC
Đề tài:
SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA
TRIẾT HỌC ĐẠO GIA VÀ TRIẾT HỌC PHÁP GIA
Ở TRUNG QUỐC THỜI CỔ ĐẠI
Học viên thực hiện: Phạm Ngọc Diệp
STT: 08
Nhóm: 01
Lớp: Ngày 4
Khóa: K22
Giảng viên phụ trách: Bùi Văn Mưa
TP. HCM, tháng 12/2012
PHẦN MỞ ĐẦU
Trong mọi giai đoạn lịch sử - thanh bình hay loạn lạc – đều tồn tại những tư tưởng
triết học chủ đạo trong từng thời kỳ. Tuy nhiên những tư tưởng triết học ra đời trong thời
loạn lạc luôn để lại nhiều dấu ấn sâu sắc lên lịch sử triết học. Cụ thể ta xét đến thời nhà
Chu – Trung Quốc gồm có Tây Chu (1122 – 770 TCN) và Đông Chu (770 – 221 TCN).
Nếu như thời Tây Chu được Khổng Tử coi là huy hoàng thịnh trị và lý tưởng nhất, đáng
làm khuôn mẫu cho muôn đời sau, thì ngược lại, thời Đông Chu (Xuân Thu - Chiến
Quốc) là sự suy tàn của chế độ chiếm hữu nộ lệ và quá độ sang chế độ phong kiến, trật tự
xã hội rối loạn. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn phát triển mạnh mẽ và rực rỡ nhất của nền
tư tưởng – văn hoá Trung Quốc cổ đại, với sự xuất hiện của hàng trăm học truyết, nhà tư
tưởng lớn trên nhiều lĩnh vực của hình thái ý thức xã hội. Bởi chưa khi nào, và sẽ không
đâu có bước lịch sử như ở Trung Quốc lúc đó: đất đai rộng, chia thành nhiều nước nhỏ,
dân đông mà loạn lạc liên miên trong mấy thế kỷ; càng loạn dân càng khổ thì giớ trí thức
ưu thời mẫn thế càng đông, mà bậc quân tử nào chẳng ôm trí bình thiên hạ. Trong thời
đại “ Bách gia chư tử” ấy, có những khuynh hướng mà tư tưởng nhiều khi đối lập nhau,
quan trọng nhất phải kể đến là: Nho gia, Mặc gia, Đạo gia, Pháp gia. Đặc biệt là hai
trường phái triết học Đạo gia và Pháp gia.
Lão Tử sáng lập Đạo gia với ước mơ đưa xã hội trở về thời đại nguyên thủy chất
phác, mơ ước cô lập cá nhân với xã hội để hòa tan con người vảo đạo (tự nhiên) và chủ
trương xóa bỏ hết mọi ràng bộc về đạo đức, pháp luật đối với con người để trả lại cho con
người cái bản tính tự nhiên vốn có của nó. Trong khi đó, Pháp gia với Hàn Phi là đại biểu
xuất sắc lại đề cao vai trò của Pháp luật và chủ trương dùng pháp luật hà khắc để trị
nước.
Bài viết này với nội dung tham khảo từ Giáo trình Triết học, Đại cương Triết học
Trung Quốc, và một vài bài báo, tham khảo khác mong muốn một phần làm rõ được sự
2
tương đồng và khác biệt giữa hai tư tưởng triết học lớn của Trung Hoa cổ đại: Đạo gia và
Pháp gia.
PHẦN NỘI DUNG
I. ĐÔI NÉT VỀ ĐẠO GIA VÀ PHÁP GIA
i. Tư Tưởng Triết Học Của Đạo Gia
1. Sơ lược sự hình thành và phát triển Triết học Đạo gia.
Đạo gia là tên gọi với tư cách một trường phái triết học lớn, lấy tên của phạm trù
“Đạo”, một phạm trù trung tâm và nền tảng của nó. Nguồn gốc tư tưởng của Đạo gia xuất
phát từ những quan điểm về vũ trụ luận, thiên địa, ngũ hành, âm dương, Kinh Dịch…
Đạo gia ra đời và phát triển rực rỡ từ cuối thời Xuân Thu đến cuối thời Chiến Quốc và
sau đó có tác động ảnh hưởng to lớn đến nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, triết học,
văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, y thuật, sinh học, hoá học, vũ thuật, địa lí… ở Trung
Quốc và một số nước châu Á khác.
Ngoài Lão Tử là người sáng lập, thì Đạo gia còn có hai yếu nhân khác được thừa nhận
và tôn vinh muôn đời, đó là Dương Chu và Trang Tử. Trong đó vị trí của Trang Tử được
sánh ngang với Lão Tử, nên còn gọi là Đạo Lão – Trang.
Những tư tưởng triết học cơ bản của trường phái Đạo gia được thể hiện chủ yếu trong
lý luận về đạo và đức. lý luận náy thể hiện quan điểm biện chứng về thế giới, và là cơ sở
để Lão Tử xây dựng thuyết vô vi nhằm giải quyết những vấn đề do thời đại đặt ra.
2. Một số tư tưởng triết học cơ bản của Đạo gia.
1.2.1. Tư tưởng triết học trong Đạo đức kinh của Lão Tử.
a. Lý luận về đạo và đức.
“Đạo” là một danh từ triết học đã được người Trung Hoa dùng từ thời thượng cổ,
nhưng chỉ đạt được tầm quan trọng đặc biệt và trở nên phổ biến nhờ bộ Đạo Đức kinh
của Lão Tử. Theo tiếng Hán cổ, Đạo có nghĩa là "con đường", "phương tiện", "nguyên
lý"…
Còn “Đạo mà ta có thể nói đến được, không phải là Đạo thường, còn Danh mà ta có
thể gọi được, không phải là Danh thật sự. Vô danh là gốc của thiên địa, hữu danh là mẹ
3
của vạn vật” (Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh, phi thường Danh. Vô danh
thiên địa chi thuỷ, hữu danh vạn vật chi mẫu – Đạo Đức kinh)”. Bởi vì: “Đạo chẳng có
thể nghe được, nghe được không còn phải là nó. Đạo cũng chẳng có thể thấy được, thấy
được không còn phải là nó nữa.Có thể nào lấy trí mà hiểu được cái hình dung của cái
không hình dung được chăng? Vậy thì không nên đặt tên cho đạo” (Nam Hoa kinh).
Khái niệm Đạo được xem là siêu việt, vượt lên trên mọi khái niệm, vì nó là cơ sở của
tồn tại và phi tồn tại, ta không thể luận đàm, định nghĩa được. Đạo sinh ra âm dương và
nhờ sự chuyển động của âm dương mà phát sinh thế giới thiên hình vạn trạng. “Vạn vật
trong trời đất sanh từ hữu, hữu sanh từ vô. Hữu vô đều từ thiên đạo” (Đạo Đức kinh).
Xét về mặt bản thể luận, “đạo” được trình bày dưới ba dạng thức: Thể, Tướng, Dụng.
Nhưng nó không đồng nhất với phạm trù “bản thể” của triết học phương Tây.
Thể của Đạo:
Chỉ nguồn gốc, nguyên lý tối sơ, tối hậu, cái tuyệt đối của vũ trụ vạn vật, cả tồn tại
lẫn không tồn tại, cả hữu hình lẫn vô hình, cả cái tĩnh lặng và cái biến đổi, cả cái đậm đặc
và cái trống rỗng. Nó là “đạo huyền”, “đại đạo”, “đạo thường”, “một”, “cốc thần”, “thái
cực” và đồng nhất với “đạo” nói chung, có sức sáng tạo vô lượng vô biên: “Đạo sinh một,
một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật”…
Thể của Đạo là vô thủy vô chung: “Ta không biết Đạo con ai mà hình hiện ra ngoài
trước cả tiên đế” (Lão Tử, Đạo Đức kinh). “Đạo tự bản tự căn, vốn tồn tại như xưa, khi
chưa có trời đất, làm thiêng liêng quỷ thần, Thượng đế, sinh ra trời đất, ở trước thái cực
mà chẳng là cao, ở dưới lục cực mà chẳng là sâu. Sinh trước trời đất mà chẳng là lâu, dài
hơn thượng cổ mà chẳng là già” (Nam Hoa kinh, Đại tông sư). Đạo sinh ra vạn vật, là
“mẹ” của muôn loài, làm chủ trời đất một cách tự nhiên, không ý chí, không mục đích,
nên cũng không tự cho vạn vật là của mình. Nhờ đó mà trời đất vạn vật phó mặc tự nhiên,
cứ sinh sinh hóa hóa không ngừng…
Tướng của Đạo:
Nhằm ngụ ý đến hình dáng, trạng thái của Đạo. Nó không có một thuộc tính quy định
nào ngoài vẻ tự nhiên chất phác, sâu thẳm, mập mờ, thấp thoáng, trống rỗng, huyền diệu,
nhìn không thấy, nghe không được, không nắm được, không nếm được, không ngửi
được, không sáng, không tối… “Thoắt lặng không hình, biến hóa không thường ”
4
(Trang Tử, Nam Hoa kinh, Thiên hạ). Nói chung, Đạo không thể cảm giác, không thể
diễn tả dưới bất cứ hình thức nào.
Dụng của Đạo:
Nhằm nói đến công dụng và năng lực của Đạo. Đó là trạng thái vận động, biến đổi,
sản sinh, nuôi dưỡng và “huyền đồng”, làm cho vạn vật hiện ra muôn hình vạn trạn, vô
cùng, vô tận… theo trật tự của Đạo. Đạo làm cái không làm, săn sóc cái không việc,
không làm mà như đã làm, đã làm mà như không làm…
Nói tóm lại, Đạo gia đã đề cập đến Đạo một cách phi thường, siêu việt, không đứng
trên lập trường duy vật hay duy tâm thuần túy, mà ta chỉ nhận biết được điều đó khi xem
xét trong quá trình đề cập đến sự vận hành, tác động của nó.
Khi dùng hai chữ “đạo đức”, tức là vừa nói tới mặt bản thể của “đạo” nói chung vừa
nhấn mạnh thêm mặt Dụng. Khi Đạo ở dạng “thể” thì không có tên, nhưng đến “dụng”
(đức) thì có tên. Vạn vật nhờ “đức” mà có tên, phân biệt, lễ nghĩa… Cho nên: “Mất đạo
rồi mới có đức, mất đức rồi sinh nhân, mất nhân sinh nghĩa, mất nghĩa sinh lễ…” (Đạo
đức kinh). Nó ẩn chứa lý lẽ sống chưa hiển lộ.
b. Quan niệm biện chứng về thế giới của Lão Tử.
Quan điểm biện chứng của Đạo gia được thể hiện ngay trong tư tưởng về Đạo, nơi cội
nguồn của mối liên hệ phổ biến và sự vận động biến đổi của vũ trụ vạn vật, mà nguồn
gốc là do các mối liên hệ, tác động, chuyển hóa giữa các mặt đối lập; cách thức là khi
phát triển đến tột đỉnh rồi sẽ trở thành cái đối lập, tương phản với chính nó; khuynh
hướng của sự vận động biến đổi là sự trở về với Đạo.
Đặc biệt, thông qua tư tưởng biện chứng đó, Đạo gia đã khái quát thành hai quy luật
căn bản chi phối toàn bộ vũ trụ vạn vật, đó là luật quân bình và luật phản phục.
Luật quân bình (luật bù trừ):
Bắt nguồn từ tư tưởng Dịch học (quẻ Thái), nói về thế cân bằng, trung dung trong trời
đất; là trạng thái trời đất giao hòa, muôn vật hanh thông, vũ trụ vạn vật vận động biến đổi
theo một trật tự điều hòa, tự nhiên, không có gì thái quá hay bất cập, “gãy thì liền, cong
thì thẳng, trống thì đầy, cũ thì mới, ít thì được, nhiều thì mất” (Lão Tử, Đạo đức kinh);
“Đạo của trời bớt chỗ dư bù chỗ thiếu”; “Một âm một dương”; “rắn thì nát, nhọn thì
nhụt” (Trang Tử, Nam Hoa kinh).
Thế quân bình của Đạo được ví như nước, mềm mại và linh hoạt, làm bằng phẳng tất
cả. Nước ở chỗ thấp, là nơi chỗ cao đổ về, là “nơi thiên hạ họp về”, như biển mênh mông
5
rộng lớn, không gì không thể chứa đựng. “Trong thiên hạ không có gì mềm yếu hơn
nước, mà công phá vật rắn mạnh thì không gì hơn được nó, không lấy gì thay thế được
nó” (Lão Tử, Đạo đức kinh).
Nếu vi phạm luật quân bình, phá vỡ trạng thái vận động cân bằng của vũ trụ, thì vạn
vật sẽ rối loạn, trì trệ và có nguy cơ bị phá hoại, chẳng khác nào “nhón gót lên thì không
đứng vững, xoạc chân ra thì không bước được…”.
Luật phản phục:
Quan niệm cái gì phát triển đến tột đỉnh thì tất sẽ trở thành cái đối lập với chính nó; sự
vật khi phát triển đến cực điểm các tính chất của nó thì những tính chất ấy sẽ đi ngược lại
để trở thành tính chất tương phản. Điều đó cần phải hiểu thao hai nghĩa.
Nghĩa thứ nhất, phản phục là sự vận động, biến hóa có tính chất tuần hoàn, đều đặn,
nhịp nhàng và tự nhiên của vạn vật, như hết ngày đến đêm, hết đêm sang ngày, trăng tròn
lại khuyết, trăng khuyết lại tròn… Vạn vật cứ mập mờ, thấp thoáng, khi đầy khi vơi, lúc
sinh lúc tử… Đó là vòng biến đổi tuần hoàn bất tận.
Nghĩa thứ hai, phản phục là sự vận động trở về với Đạo (“phản giả đạo chi động”),
“đến chỗ cùng cực hư không là giữ vững được trong cái tĩnh. Vạn vật cùng đều sinh ra, ta
lại thấy nó trở về với gốc. Ôi! Mọi vật đều trùng trùng trở về với cội rễ của nó. Trở về với
cội rễ gọi là tĩnh, thế gọi là quay về với mạng” (Đạo đức kinh). Sự trở về với Đạo của vạn
vật chính là sự trở về với trạng thái tự nhiên, nguyên sơ, tĩnh lặng, trống rỗng… Đó là tất
yếu và không thể cưỡng lại. “Đạo pháp tự nhiên” là vậy. Mọi sự can thiệp vào Đạo – luật
tự nhiên – nhất định sẽ thất bại.
c. Quan niệm nhân sinh và chính trị xã hội.
Quan niệm về thuyết vô vi.
“Vô vi”, theo Đạo gia, không có nghĩa là không làm gì, không có hoạt động gì, mà là
phải tiến hành các hoạt động một cách tự nhiên, thuần phác; không làm trái với Đạo,
không cố gắng hoạt động mang tính giả tạo, gượng ép, thái quá, bất cập… Bởi vì “Đạo
đức là cái luật tự nhiên, không cần tranh mà thắng, không cần nói mà ứng nghiệm, không
cần mời mà các vật vẫn theo về, lờ mờ mà hay mưu tính”. Dương Chu giải thích thêm:
“Các sinh vật khác không phải là của ta, nhưng đã có chúng rồi thì không được diệt trừ
chúng đi” (Liệt Tử).
Như vậy, “vô vi” nghĩa là không làm mất cái đức tự nhiên, thuần phác vốn có của sự
vật. Nếu để mất nó, tức là ham muốn, dục vọng… thì sẽ chuốc lấy tai họa. Cũng như:
6
“Ngũ sắc làm cho mắt mờ, ngũ âm làm cho tai điếc, ngũ vị làm cho miệng chán, cưỡi
ngựa săn bắn làm cho lòng phát cuồng, vật khó khiến cho lòng tà vậy” (Đạo đức kinh).
Những ai không biết thuận theo bản tính tự nhiên thuần phác, theo Dương Chu, đó là
những kẻ “ham sống lâu, ham danh vọng, ham địa vị, tiền tài. Vì ham bốn cái đó nên sợ
quỷ, sợ người, sợ kẻ có quyền uy, họ sống hay chết thì số mệnh của họ cũng tùy thuộc
vào ngoại vật” (Liệt Tử).
Về mặt chính trị - xã hội, Đạo gia chủ trương đường lối trị quốc theo đạo “vô vi”,
chống lại chủ trương “hữu vi” cùng mọi chuẩn mực đạo đức và thể chế pháp luật, vì coi
đó là sự áp đặt, cưỡng chế, can thiệp vào bản tính tự nhiên của con người. Nó là nguyên
nhân gây ra điều ác và bất ổn: “Nước nào chính sự lờ mờ thì dân thuần thục, nước nào
chính sự rành rọt thì dân lao đao”; “Thiên hạ nhiều kỵ húy thì dân càng nghèo, dân nhiều
khí giới nhà nước càng loạn, người nhiều tài khéo vật xảo càng thêm, pháp luật càng tăng
trộm cướp càng nhiều” (Đạo đức kinh).
Lão Tử lên án mạnh mẽ giai cấp thống trị đương thời và ông gọi giới quý tộc thống trị
là bọn ăn bám và đàn áp, gây ra mọi ham muốn và dục vọng nơi dân chúng. Bọn họ
chẳng “vô vi”.
Ngược lại: “Ta vô vi mà dân tự hóa. Ta vô tình mà dân tự chính. Ta vô dự mà dân tự
giàu. Ta vô dục mà dân chất phác”. Do đó, cần phải xóa bỏ mọi lễ giáo, pháp luật, văn
hóa, kỹ thuật, nghệ thuật… Nói chung, bỏ tất cả những gì do con người sáng tạo ra trái
với bản tính tự nhiên thuần phác.
Tư tưởng “vô vi” chủ trương thực hiện triệt để chính sách ngu dân, “không làm cho
dân sáng mà làm cho dân ngu” ; “Trí tuệ sinh thì có đại ngụy”. Bởi hiểu biết càng nhiều
thì trí xảo càng nhiều, trí xảo càng nhiều thì ham muốn càng nhiều, càng muốn tranh đoạt
và xâm phạm lẫn nhau, làm trái với đạo tự nhiên. Con người càng “theo học thì càng
phiền phức, mà theo đạo thì ngày càng bớt, bớt rồi thì lại bớt, bớt đến mức vô vi”. Cũng
như: “Không chuộng hiền khiến dân không tranh, không trọng vật nên dân không trộm
cướp, không thấy vật đáng ham khiến lòng dân khỏi loạn. Cho nên lối trị dân của bậc
thánh nhân là làm cho dân lòng trống, bụng no, ý chí yếu, xương cốt mạnh, thường khiến
dân không biết, không muốn”.
7
Bản thân Dương Chu, mặc dù có lúc trọng trí khôn, nhưng ông vẫn bảo: “Trời kia còn
không biết, huống chi là con người”. Hễ “cái gì không biết tại sao, thì gọi đó là mệnh
trời”, “thuận mệnh” tự nhiên (Liệt Tử).
Mẫu hình xã hội lý tưởng của Lão Tử là “nước nhỏ, dân ít. Dù khí cụ gấp trăm gấp
chục sức người cũng không dùng đến. Ai nấy đều coi sự chết là hệ trọng nên không đi
đâu xa. Có xe thuyền mà không ai ngồi. Có gươm giáo mà không bao giờ dùng. Bỏ văn
tự, bắt người ta trở lại dùng lối thắt dây ghi dấu thời thượng cổ. Ai nấy đều chăm chú vào
việc ăn no, mặc ấm, ở yên, vui với phong tục của mình. Ở nước này có thể nghe thấy gà
gáy chó sủa của nước kia, nhân dân trong những nước ấy đến già chết mà vẫn không qua
lại lẫn nhau” (Đạo đức kinh). Xã hội được cai trị bằng cách không cai trị, không cai trị
mà coi như đã được cai trị… Con người sống tự nhiên thuần phác, bỏ mọi ham muốn dục
vọng, không cần đến cả tri thức, văn hóa hay bất cứ sự tiến bộ xã hội nào…
Tư tưởng “vô vi” quan niệm về mẫu người lý tưởng như sau: “Bậc toàn thiện xưa tinh
tế, nhiệm màu, siêu huyền thông suốt, sâu chẳng khả dò… thận trọng dường qua sông
lạnh, do dự dường sợ mắt ngó bốn bên, nghiêm kính dường khách lạ, chảy ra đường băng
tan, quê mùa dường gỗ chưa đẽo gọt, trống không dường hang núi, phan lẫn dường như
nước đục” . Trang Tử bảo họ “không ham sống, không gét chết, ra không vui, vào không
sợ, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi” (Nam hoa kinh, Đại tông sư). Ấy là bậc “thánh
nhân”, “chân nhân”.
1.2.2. Trang Tử và sự phát triển của Đạo gia
Sang thời Chiến quốc, Trang Tử đã biến các yếu tố biện chứng trong triết học của Lão
Tử thành chủ nghĩa tương đối và thuyết ngụy biện. Từ đó ông xây dựng quan niệm thoát
tục – vị ngã – toàn sinh đầy tính duy tâm, tiêu cực trong trường phái Đạo gia.
Xuất phát từ quan niệm của Lão Tử coi vạn vật đều do đạo sinh ra, Trang Tử cho
rằng, trời đất và ta cùng sinh ra, vạn vật với ta đều là một, mà đã là một thì cấn chi phân
biệt cái này với cái kia làm gì. Từ đây, ông cho rằng, đúng – sai, trên – dưới, sang – hèn,
bần – tiện đều như nhau; mà nếu chúng đều như nhau thì cần loại bỏ chúng ra một bên để
tiến vào vương quốc tiêu giao, coi sống chết bằng nhau, quên vật quên ta, trời đất với ta
là một; coi đời là một cuộc giải trí, một cõi mộng mơ mà khi tỉnh dậy không biết ta hóa
bướm hay hóa ta.
8
Do thoát tục mà sống trong trần tục nên Trang Tử chủ trương, phải toàn sinh và vị
ngã, nghĩa là phải yên theo thời mà ở thuận, vỉ cái tự nhiên nào cũng hợp lý cả; không
nên ‘buộc đầu ngựa xỏ mũi trâu”, không khen chê phải – trái, tốt – xấu làm gì, phải lánh
nạn để bảo toàn sinh mạng; hay can thẳng mà họ không nghe thì ta nên lui chớ cãi…, bởi
vì, một người quân tử chết vì nghĩa và một kẻ tiểu nhân chết vì của cả, thì hai cái chết đó
như nhau.
1.2.3. Nhận xét về triết học đạo gia
Tư tưởng sâu sắc và độc đáo về đạo, về đức, về phép biện chứng, về vô vi trong hệ
thống triết học của Lão Tử đã nâng ông lên vị trí những nhà triết học hàng đầu trong nền
triết học Trung Hoa cổ đại. Chúng là mạch suối nguồn làm phát sinh nhiều tư tưởng triết
học đặc sắc của nền triết học phương Đông nói chung và triết học Trung Hoa nói riêng.
Tuy nhiên cách sống dửng dưng, thoát tục, vị ngã của trường phái Đạo gia là một phản
ứng tiêu cực trước sự bế tắc của thời cuộc bấy giờ nhưng nó lại phù hợp với quan niệm
nhân sinh cùa nhiều người lúc bấy giờ, nhất là tầng lớp quý tộc sa sút trong cuộc chiến
triền miên. Vì vậy trường phái Đạo gia được nhiều người ủng hộ và tin theo.
ii. Tư Tưởng Triết Học Của Pháp Gia
Pháp gia là trường phái triết học có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp thống nhất về tư
tưởng và chính trị trong xã hội Trung Hoa cổ đại.
Tư tưởng Pháp gia với đại biểu xuất sắc là Hàn Phi Tử có một vai trò đặc biệt trong
sự nghiệp thống nhất đất nước và phát triển xã hội cuối thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Nội
dung cơ bản của tư tưởng Pháp gia là đề cao vai trò của Pháp luật và chủ trương dùng
pháp luật hà khắc để trị nước. Tư tưởng Pháp gia mặc dù chỉ nổi lên trong một thời gian
ngắn nhưng vẫn có giá trị lịch sử lâu dài và có ý nghĩa đến tận ngày nay.
2.1. Sơ lược sự hình thành và phát triển triết học Pháp Gia
Vào thời Xuân Thu, Quản Trọng (? – 645 TCN) được coi là người đầu tiên bàn về
pháp luật như một cách trị nước, và chủ trương công bố pháp luật rộng rãi trong công
chúng. Đối với ông, người trị nước phải coi trọng luật, lệnh, hình, chính. Tùy theo thời
thế và ý của dân mà đưa ra pháp một cách rõ ràng; phải chỉ cho dân biết rõ phép rối mới
9
thi hành, và khi hành pháp phải giữ cho được lòng tin với dân. Như vậy, có thể coi Quản
Trọng là người khởi xướng Pháp gia.
Sang nửa đầu thới Chiến quốc, tư tưởng pháp trị được tiếp tục phát triển. Để cai trị đất
nước Thận Đáo (370 – 290 TCN) chủ trương dùng thế, Thân Bất Hại (401 – 337 TCN)
chủ trương dùng thuật, còn Thương Ưởng (390 – 338 TCN) chủ trương dùng pháp.
Cuối thời Chiến quốc, Hàn Phi (280 – 233 TCN) không chỉ tổng hợp ba quan điểm về
pháp, thế, thuật của ba nhà triết học trên thành một học thuyết có tính hệ thống và trình
bày trong sách Hàn Phi mà ông còn kết hợp ba học thuyết Nho, Lão, Pháp lại với nhau,
trong đó, Nho gia được coi là “vật liệu để xây dựng xã hội”, Đạo gia là “kỹ thuật thi
công”, còn Pháp gia là “bản thiết kế”.
2.2. Tư tưởng pháp trị Hàn Phi.
Trong phép trị nước, Hàn Phi Tử là người đầu tiên coi trọng cả ba yếu tố Thế, Thuật,
và Pháp. Ông cho rằng ba yếu tố đó phải thống nhất không thể tách rời trong đường lối trị
nước bằng pháp luật. Trong đó, "Pháp" là nội dung trong chính sách cai trị được thể hiện
bằng luật lệ; "Thế" là công cụ, phương tiện tạo nên sức mạnh, còn "Thuật" là phương
pháp cách thức để thực hiện nội dung chính sách cai trị. Tất cả đều là công cụ trị của bậc
đế vương.
"Pháp" được hiểu theo hai nghĩa: Nghĩa rộng "Pháp" là thể chế quốc gia là chế độ
chính trị xã hội của đất nước; Nghĩa hẹp "Pháp" là những điều luật, luật lệ, những luật lệ
mang tính nguyên tắc và khuôn mẫu. Kế thừa và phát triển tư tưởng Pháp trị của pháp gia
thời trước, Hàn Phi Tử cho rằng: "Pháp là hiến lệnh công bố ở các công sở, thưởng hay
phạt đều được dân tin chắc là thi hành, thưởng người cẩn thận giữ pháp luật, phạt kẻ
phạm pháp, như vậy bề tôi sẽ theo Pháp". Tính cách của pháp luật theo Hàn Phi, trên cơ
sở chủ trương của Pháp gia, là vua tượng trưng cho quốc gia, nên vua nắm hết uy quyền:
lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy vậy, khi lập pháp vua cũng phải dựa trên những
nguyên tắc chính như: 1- Pháp luật phải hợp thời; 2- Pháp luật phải soạn sao cho dân dễ
hiểu, dễ thi hành; 3- Pháp luật phải công bằng; 4- Pháp luật có tính cách phổ biến. Với
Hàn Phi, "Pháp" thật sự là tiêu chuẩn khách quan để phân định danh phận, phải trái, tốt,
xấu, thiện ác và sẽ làm cho nhân tâm và vạn sự đều qui về một mối, đều lấy pháp làm
chuẩn. Vì vậy, "Pháp" trở thành cái gốc của thiên hạ.
10
Thế được hiểu là địa vị, thế lực, quyền uy của người cầm đầu chính thể. Địa vị, thế
lực, quyền uy đó của người trị vì phải là độc tôn (Tôn quân quyền). Theo Hàn Phi Tử,
"Thế" có vị trí quan trọng đến mức có thể thay thế được hiền nhân: "Chỉ có bậc hiền trí
không đủ trị dân, mà địa vị quyền thế lại đủ đóng vai trò của bậc hiền vậy Kiệt làm
thiên tử chế ngự được thiên hạ không phải vì hiền mà vì có quyền thế. Nghiêu thất phu
không trị nổi ba nhà không phải vì hiền mà vì địa vị thấp". "Thế" không chỉ là địa vị,
quyền hành của vua mà còn là sức mạnh của dân, của đất nước, của vận nước (xu thế lịch
sử). Hàn Phi giải thích: "Cái ná yếu lại bắn được mũi tên lên cao là nhờ có "gió kích
động", và nếu không có sự trợ giúp của quần chúng thì làm sao kẻ kém tài lại cai trị được
thiên hạ”.
Thuật được hiểu là phương pháp, thủ thuật, cách thức, mưu lược khiển việc, khiến
người ta triệt để thực hiện mệnh lệnh mà không hiểu người sai dùng họ như thế
nào.Thuật bao gồm ba mặt là bổ nhiệm, khảo hạch và thưởng phạt. Hàn Phi Tử đòi hỏi
vua phải dùng pháp như trời, dùng thuật như quỷ. Và nếu pháp dược công bố rộng rãi
trong dân, thì thuật là cơ trí ngầm, là thủ đoạn của vua được dấu kín. Nhờ thuật mà vua
chọn đươc người tài năng trao dúng chức vụ quyền hạn, và loại được kẻ bất tài.
Ngoài các yếu tố "Pháp", "Thế", "Thuật", tư tưởng Pháp gia còn coi trọng việc xây
dựng quân đội hùng mạnh đủ sức đè bẹp và thôn tính các nước khác. Pháp gia cũng rất
chú trọng phát triển nông nghiệp, tích trữ lương thực và của cải làm cho đời sống của xã
hội no đủ. Như vậy, tư tưởng pháp trị đã hình thành khá sớm trong lịch sử tư tưởng Trung
Quốc cổ đại. Sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước của Trung Quốc lúc bấy giờ đòi
hỏi tư tưởng pháp trị phải phát triển lên một trình độ mới trong đó tư tưởng về "Thế",
"Thuật", "Pháp" vừa được phát triển hoàn thiện vừa thống nhất với nhau trong một học
thuyết duy nhất. Hàn Phi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử đó. Tư tưởng chủ đạo
của Pháp gia là muốn trị nước, yên dân phải lấy pháp luật làm trọng và nếu dùng pháp trị
thì xã hội có phức tạp bao nhiêu, nước có đông dân bao nhiêu thì vẫn "trị quốc bình thiên
hạ" được. Học thuyết chính trị của Pháp gia đã được Tần Thủy Hoàng vận dụng, kết quả
đã đưa nước Tần đến thành công trong việc thống nhất được đất nước Trung Quốc sau
những năm dài chiến tranh khốc liệt.
2.3. Nhận xét về triết học Pháp Gia.
11
Thuyết pháp trị của Hàn Phi nói riêng, cùa Pháp gia nói chung chủ trương lấy pháp
luật làm căn bản trong việc cai trị đất nước, chủ trương nhà cầm quyền không phải chú
trọng nhiều đến viêc tu thân theo nghĩa là đặt ra luật pháp cho rõ ràng và ban bố cho moi
người cùng biết để tuân theo nghiêm chỉnh. Vì vậy về nguyên tắc, chủ trương pháp trị đối
lập của chủ trương nhân trị. Nhưng xét cho cùng,pháp trị cũng chỉ là một hình thức củ thể
của nhân trị mà thôi. Bởi vì muốn thi hành dược chủ trương của phái pháp gia nêu ra, xã
hội cũng cần có một đấng minh quân, một nhà vua sáng suốt, am hiểu nguyên tắc pháp trị
và chịu khép mình theo nguyên tắc đó. Trong thời đại bây giờ, chủ trương của phái Pháp
gia dùng pháp luật để trị nước là đúng đắn. Nhờ vậy nước Tần đã trở nên hùng mạnh và
thống nhất được Trung Quốc nhưng mặt khác, phái này quá nhấn mạnh biện pháp trừng
phạt nặng nề, phủ nhận tình cảm đạo đức, thủ tiêu văn hóa giáo dục… là đi ngược lại xu
hướng phát triển của văn minh nhân loại .Vì vậy ,do thực hành triệt để pháp trị mà nhà
Tần đã thống nhất được đất nước và cũng do thực hành triệt để pháp trị mà nhà Tần mất
nước. Từ thời Hán về sau, dù pháp gia không chính thức được công nhận, nhưng những
tư tưởng có giá trị cùa phái này đã được các học phái khác hấp thụ để bổ sung, hoàn
chỉnh quan điểm của mình.
II. SO SÁNH TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC ĐẠO GIA VA PHÁP GIA.
1. Quan niệm về bản thể luận:
Theo Lão Tử, Đạo vừa là bản nguyên vô hình, phi cảm tính, phi ngôn từ, sâu kín,
huyền diệu của vạn vật, vừa là con đường, quy luật chung của mọi sự hình thành, biến
hóa xảy ra trong thế giới. Đạo là cái mắt không thấy, tai không nghe, tay không nắm bắt,
ngôn ngữ không thể diễn đạt, tư duy không nhận thức được; là cái năng động, tự sinh sôi
nảy nở, biến hóa Khái niệm Đạo được Đạo giáo xem là siêu việt, vượt lên trên mọi khái
niệm, vì nó là cơ sở của tồn tại và phi tồn tại, ta không thể luận đàm, định nghĩa được.
Đạo sinh ra âm dương và nhờ sự chuyển động của âm dương mà phát sinh thế giới thiên
hình vạn trạng. “Vạn vật trong trời đất sanh từ hữu, hữu sanh từ vô. Hữu vô đều từ thiên
đạo” (Đạo Đức kinh).
12
Hàn Phi cũng cho rằng mọi sự vận động của tự nhiên và xã hội đều bị chi phối bởi
một yếu tố duy nhất, đó là lý – tính quy luật hay những lực lượng khách quan trong xã
hội. Ông thừa nhận sự tồn tại của lý và yêu cầu con người phải nắm lấy cái lý của vạn vật
luôn biến hóa mà hành động cho phù hợp.
Từ hai quan niệm về đạo và lý có thể thấy rõ sự khác biệt trong tư tưởng của Đạo gia
và Pháp gia. Một bên với một khái niệm đạo huyền bí, phi thường, siêu việt “Có một vật
hỗn mang thành tựu trước trời đất, yên lặng, mênh mông, một mính độc lập, tản mác
khắp nơi, không ngừng ở đâu, coi như mẹ của thế gian… Cái hổn mang chưa có tên nên
tạm gọi là đạo… Đạo mà ta có thể nói đến được, không phải là Đạo thường còn. Danh
mà ta có thể gọi được, không phải là Danh thật sự. Vô danh là gốc của thiên địa, hữu
danh là mẹ của vạn vật” (Nam Hoa Kinh) nhưng khi có sự can thiệp của con người thì
đạo không còn là đạo nữa. Vì vậy, Đạo gia chủ trương sống thoát tục, toàn sinh và vị ngã,
nghĩa là phải yên theo thời mà ở thuận. Còn một bên với một cái lý (cụ thể là pháp luật)
của vạn vật và yêu cầu con người phải nắm lấy nó mà hành động cho phù hợp.
ii. Quan niệm về con người
Pháp gia thừa nhận bản tính con người là ác. Do bản tính con người là ác và do trong
xã hội người tốt cũng có nhưng ít,còn kẻ xấu thì rất nhiều nên muốn xã hội yên bình,ko
nên trông chờ vào số ít, mong họ làm việc thiện (thực hành nhân nghĩa trị) mà phải xuất
phát từ số đông, ngăn chặn không cho họ làm điều ác (thực hiện pháp trị).
Còn Đạo gia chủ trương con người theo thuyết vô vi, là sống và hành động theo lẽ tự
nhiên, thuần phác, không giả tạo, không gò ép trái với bản tính của mình mà ngược với
bản tính của tự nhiên; là từ bỏ tính tham lam, vị kỷ để không làm mất đức. Chỉ khi nào từ
bỏ được thói tư lợi thì mới nhận thấy đạo; và chỉ khi nhận thấy đạo mới có thể vô vi
được. Tư tưởng “vô vi” quan niệm về mẫu người lý tưởng như sau: “Bậc toàn thiện xưa
tinh tế, nhiệm màu, siêu huyền thông suốt, sâu chẳng khả dò… thận trọng dường qua
sông lạnh, do dự dường sợ mắt ngó bốn bên, nghiêm kính dường khách lạ, chảy ra đường
băng tan, quê mùa dường gỗ chưa đẽo gọt, trống không dường hang núi, phan lẫn dường
13
như nước đục”. Trang Tử bảo họ “không ham sống, không gét chết, ra không vui, vào
không sợ, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi” (Nam hoa kinh, Đại tông sư). Ấy là bậc
“thánh nhân”, “chân nhân”. Từ thuyết vô vi, Đạo gia rút ra nghệ thuật sống dành cho con
người là từ ái, cần kiệm, khiêm nhường, khoan dung.
Như vậy, theo Đạo gia tự bản thân con người phải từ bỏ tư lợi, tham lam, vị kỷ để
không làm mất đức (tránh làm điều ác). Còn theo Pháp gia thì phải lấy pháp trị để ngăn
không cho làm điều ác vì bản tính con người là ác.
iii. Quan niệm về đường lối trị nước an dân:
Lão Tử cho rằng hành động hay nhất là đừng can thiệp đến việc đời; nhưng nếu đời
cân ta phải làm thì ta hãy làm cái không làm mốt cách kín đáo, khéo léo. Ông coi đây là
giải pháp an bang tế thế. Đối với ông, chính phủ yên tĩnh vô vi thì dân sẽ biến thành chất
phác, chính phủ tích cực làm việc thì dân đầy tai họa; bậc Thánh nhân trị vì thiên hạ phải
bằng lẽ tự nhiên của đạo vô vi, và chủ trương xóa bỏ hết mọi ràng bộc về đạo đức, pháp
luật đối với con người để trả lại cho con người cái bản tính tự nhiên vốn có của nó.
Lão Tử mơ ước đưa xã hội trở về thời đại nghuyên thủy chất phác, mơ ước cô lập cá
nhân với xã hội để hòa tan con người vảo đạo (tự nhiên). Mẫu hình xã hội lý tưởng đối
với ông là “nước nhỏ, dân ít. Dù khí cụ gấp trăm gấp chục sức người cũng không dùng
đến. Ai nấy đều coi sự chết là hệ trọng nên không đi đâu xa. Có xe thuyền mà không ai
ngồi. Có gươm giáo mà không bao giờ dùng. Bỏ văn tự, bắt người ta trở lại dùng lối thắt
dây ghi dấu thời thượng cổ. Ai nấy đều chăm chú vào việc ăn no, mặc ấm, ở yên, vui với
phong tục của mình. Ở nước này có thể nghe thấy gà gáy chó sủa của nước kia, nhân dân
trong những nước ấy đến già chết mà vẫn không qua lại lẫn nhau” (Đạo đức kinh). Xã hội
được cai trị bằng cách không cai trị, không cai trị mà coi như đã được cai trị… Con người
sống tự nhiên thuần phác, bỏ mọi ham muốn dục vọng, không cần đến cả tri thức, văn
hóa hay bất cứ sự tiến bộ xã hội nào…
Pháp gia thì cho rằng đời sống xã hội luôn biến đổi. Do không có chế độ của xã hội
nào bất di bất dịch nên không có khuôn mẫu chung cho mọi xã hội. Theo ông, người
14
thống trị phải căn cứ vào nhu cầu khách quan của lịch sử, dựa vào đặc điểm của thời thế
mà lập ra chế độ, đặt ra chính sách, vạch ra cách trị nước sao cho thích hợp,ông cho rằng,
không có một thứ pháp luật nào luôn luôn đúng với mọi thời đại, pháp luật mà biến
chuyển dược theo thời đại thì thiên hạ trị, còn thời thế thay đổi mà phép trị dân không
thay đổi thì thiên hạ loạn.
Có thể thấy Đạo gia chủ trương xây dựng một xã hội phi thể chế, phi nhà nước, phi
giáo dục, phi khoa học – kỹ thuật, chẳng cần văn hóa với văn minh; một cộng đồng ít dân
ngu đần ấu trĩ, sống bằng săn bắn hái lượm gắn với trồng trọt và chăn nuôi tự cấp tự túc,
khép kín hoàn toàn, không trao đổi qua lại với bên ngoài. Trong xã hội đó, vạn vật chỉ
vận động tuần hoàn, lặp đi lặp lại một cách buồn tẻ mà không có sự ra đời của cái mới,
nghĩa là không có sự phát triển. Trong khi đó, đối với Pháp gia thì đời sống xã hội luôn
vận động, và do đó chế độ, chính sách, cách trị nước, cụ thể là pháp luật phải luôn biến
chuyển tùy theo nhu cầu khách quan của lịch sử, đặc điểm của thời thế. Ngoài ra, Pháp
gia còn đề cao vai trò của Pháp luật và chủ trương dùng pháp luật hà khắc để trị nước.
15
PHẦN KẾT LUẬN
Đạo gia là một trong những trường phái triết học lớn, ra đời ngay trong buổi bình
minh của lịch sử triết học Trung Quốc và nhân loại. Không dừng lại ở đó, Đạo gia với
một số quan điểm duy vật và biện chứng tiến bộ đã có tác động ảnh hưởng sâu rộng trên
nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng - tôn giáo, đạo
đức, y học, tâm lý học, sinh học, v.v… ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam,
Nhật Bản, Triều Tiên… Tuy nhiên, nếu như Đạo gia đã đạt được những bước tiến bộ
vượt bậc so với tư tưởng đương thời về một số quan điểm duy vật và biện chứng bao
nhiêu, thì lại lạc hậu và thụt lùi về quan điểm chính trị - xã hội bấy nhiêu. Hay nói cách
khác, so với các trường phái triết học đương thời thì, về mặt “triết học tự nhiên”, Đạo gia
đã đạt được nhiều thành tựu lớn, vượt lên hàng đầu trong số “bách gia”; ngược lại, về mặt
“triết học xã hội”, Đạo gia không đạt được thành tựu đáng kể bằng, tụt xuống hàng cuối
trong “bách gia”.
Với những tư tưởng đối lập, những tư tưởng về pháp trị của Pháp gia đã có những
đóng góp to lớn cho sự phát triển của tư tưởng Trung Quốc cổ đại và nhất là cho sự
nghiệp thống nhất đất nước Trung Hoa lúc bấy giờ. Cần phải khẳng định rằng trong bối
cảnh xã hội Trung Hoa cuối thời Chiến quốc, tư tưởng chính trị của pháp gia mà tiêu biểu
nhất là Hàn Phi có nhiều yếu tố tích cực đáp ứng được yêu cầu phát triển của lịch sử.
Mấy ngàn năm đã qua, chúng ta có thể chắc chắn một điều là không có gì hoàn toàn cả.
Tư tưởng Pháp gia cũng vậy, nó có những điểm tiêu cực, thậm chí là phản động nhưng nó
cũng có những điểm rất tiến bộ, mà ngay cả ngày nay cũng là lý tưởng.
Với những tư tưởng gần như là đối lập, Đạo gia và Pháp gia đã góp phần làm phong
phú cho hệ tư tưởng triết học Trung Hoa cổ đại nói riêng và nền triết học nhân loại nói
chung. Và những tinh hoa và những ảnh hưởng sâu sắc của Đạo gia và Pháp gia lên mọi
mặt của đời sống kinh tế, chính trị, và xã hội đã, đang, và sẽ tồn tại lâu dài cùng với lịch
sử triết học nhân loại.
16
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU 2
PHẦN NỘI DUNG 3
I. ĐÔI NÉT VỀ ĐẠO GIA VÀ PHÁP GIA 3
i. Tư Tưởng Triết Học Của Đạo Gia 3
ii. Tư Tưởng Triết Học Của Pháp Gia 9
II. SO SÁNH TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC ĐẠO GIA VA PHÁP GIA 12
1. Quan niệm về bản thể luận: 12
ii. Quan niệm về con người 13
iii. Quan niệm về đường lối trị nước an dân: 14
PHẦN KẾT LUẬN 16
17