Tải bản đầy đủ (.doc) (31 trang)

Luận văn thạc sỹ ngành Công tác xã hội Mô hình từ các trường đại học tại Mỹ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (178.4 KB, 31 trang )

Về luận văn thạc sỹ ngành Công tác xã hội: Mô hình từ các trường đại học tại Mỹ
TS. Nguyễn Ngọc Hường và TS. Alice Hines
Trường Công tác xã hội
Đại học San Jose State University, bang California, Hoa Kỳ
Lời cảm ơn:
Chúng tôi cảm ơn TS. Kathy Lemon-Orsterling đã cung cấp nhiều tài liệu và thông tin bổ
ích cho chúng tôi trong quá trình viết bài này.
Liên hệ:
Mọi góp ý và câu hỏi về bài viết xin gửi cho TS. Nguyễn Ngọc Hường tại địa chỉ:

Nếu sử dụng toàn bộ hoặc một phần nội dung bài viết, xin ghi rõ nguồn như sau:
Nguyễn Ngọc Hường và Alice Hines (2011). Về luận văn thạc sỹ ngành công tác xã hội:
Mô hình từ các trường đại học Mỹ. Kỷ yếu hội thảo kỷ niệm 20 năm khoa Xã hội học,
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Tháng 11, 2011.
1
Giới thiệu
Mùa thu năm 2011 đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử ngành công tác xã
hội (CTXH) và trong lĩnh vực đào tạo công tác xã hội ở Việt Nam: Đại học quốc gia Hà
Nội mở chương trình thạc sỹ CTXH đầu tiên trong cả nước. Đây sẽ là chương trình đầu
tầu cho các chương trình thạc sỹ nói riêng và chương trình sau đại học nói chung; vì vậy
sự thành công của chương trình này có ý nghĩa lớn và lâu dài với ngành CTXH ở Việt
Nam. Tuy nhiên, do sự mới mẻ của ngành CTXH, hiện nay có nhiều tranh luận xung
quanh mô hình luận văn thạc sỹ CTXH. Một số câu hỏi mà các nhà khoa học và giáo dục
trong ngành đang đặt ra là: (1) Có cần luận văn thạc sỹ cho ngành CTXH không? (2) Nếu
có thì luận văn thạc sỹ CTXH khác gì với luận văn thạc sỹ các ngành gần với nó như xã
hội học, tâm lý học, sức khỏe cộng đồng? (3) Lí luận, mục đích, cấu trúc, nội dung, và
cách đánh giá một luận văn thạc sỹ CTXH như thế nào?
Trong bài viết này, chúng tôi mong muốn góp phần tháo gỡ các câu hỏi trên bằng
cách giới thiệu mô hình luận văn thạc sỹ CTXH ở các trường đại học tiêu biểu tại Mỹ,
trong đó có cả mô hình tại Đại học San Jose State, đối tác của Đại học quốc gia. Bài viết
gồm ba phần:


• Luận văn hay không luận văn?
• Mô hình luận văn và đồ án tốt nghiệp: nội dung, cấu trúc, và đánh giá.
• Ứng dụng vào chương trình thạc sỹ tại Việt Nam.
Phần 1: Luận văn hay không luận văn?
1. Tổng quan về CTXH và chương trình thạc sỹ CTXH tại Mỹ:
Trong hệ thống giáo dục tại Mỹ, ngành công tác xã hội được coi là một ngành ứng
dụng/thực hành (applied science, giống các ngành y, luật, báo chí, y tá, kinh doanh,
2
khách sạn, vv…) và phân biệt với các ngành thuộc về hàn lâm (academic fields) như xã
hội học, kinh tế học, triết học, tâm lý học (lưu ý: tâm lý cũng có mảng tâm lý ứng dụng
và cũng đào tạo theo mô hình ứng dụng). Tính ứng dụng của CTXH nằm ở chỗ chuyên
môn của người có bằng CTXH là một chuyên môn cụ thể, trực tiếp, có thể chuyển giao
và lặp lại, và có tính chuyên sâu cao mà người ngoài ngành, nếu không được đào tạo, sẽ
không thể tự có được. Cụ thể hơn, người có chuyên môn về CTXH sẽ làm việc trực tiếp
với các “thân chủ” theo nghĩa rộng (có thể là cá nhân, gia đình, cộng đồng) để lượng giá,
chẩn đoán, lên kế hoạch, và giải quyết khó khăn cho thân chủ bằng các kỹ năng nghề trực
tiếp (các ngành như xã hội học không có kỹ năng nghề tiêu biểu, mà chỉ có kiến thức)
1
.
Để có được các kỹ năng này, ngoài việc học các kiến thức hàn lâm giống như với các
ngành hàn lâm khác, người học ngành CTXH phải được thực tập chuyên môn và vai trò
của thực tập/thực hành cũng quan trọng ngang với học các kiến thức lý thuyết hàn lâm.
Như vậy, với đào tạo CTXH, đào tạo kỹ năng, tay nghề là phần hết sức quan trọng; và
mục đích của đào tạo là hướng sinh viên tới việc hành nghề trực tiếp chứ không chỉ trang
bị lí luận hoặc nhân sinh quan, thế giới quan của ngành mình.
Chính vì là một ngành ứng dụng/thực hành nên các yêu cầu để hoàn thành chương
trình và lấy bằng thạc sỹ CTXH sẽ khác với các ngành khoa học xã hội gần nó như xã hội
học hay tâm lý học. Theo tiêu chuẩn của Hội đồng giáo dục công tác xã hội Hoa Kỳ
(Council on Social Work Education - tổ chức chịu trách nhiệm quản lý chất lượng và phê
chuẩn các chương trình đào tạo CTXH trên toàn nước Mỹ), việc đào tạo CTXH tại các

trường phải đảm bảo trang bị cho sinh viên về ba mảng: kiến thức nền tảng của CTXH
(knowledge) – nhận thức giá trị và đạo đức nghề CTXH (values) – và kỹ năng thực hành
1
Xin xem thêm bài phát biểu nổi tiếng của bác sỹ Abraham Flexner vào năm 1915 “CTXH có phải là một
chuyên ngành hay không?” (Is social work a profession?). Bài phát biểu này đã châm ngòi cho một phong
trào chuyên nghiệp hóa CTXH và do đó ảnh hưởng lớn tới định hình CTXH hiện đại của Mỹ.
3
CTXH (skills). Để đảm bảo điều này, sinh viên CTXH phải tuân theo một chương trình
học gồm hai mảng lớn là học lý thuyết trên lớp (sẽ tập trung vào trang bị kiến thức, giá
trị, đạo đức, và lý thuyết thực hành) và thực hành tại cơ sở thực tập (trang bị kỹ năng thực
sự). Phần thực hành ở hầu hết các trường có đòi hỏi tối thiểu là 900 giờ trong hai năm và
các trường có thể tự điều chỉnh tùy; ví dụ như hầu hết các trường tại California chỉ yêu
cầu sinh viên thực tập 900-1000 giờ trong hai năm, nhưng Đại học San Jose State yêu cầu
sinh viên thực tập 1200 giờ (2 ngày mỗi tuần trong năm thứ nhất, 3 ngày mỗi tuần trong
năm thứ hai). Riêng với phần học kiến thức nền tảng trên lớp thì chương trình thạc sỹ
phải đảm bảo có ba cấu phần: lý thuyết CTXH (theory), nghiên cứu CTXH (research), và
các kiến thức chuyên môn sâu (concentration), ví dụ như về CTXH với trẻ em và gia
đình, CTXH với người già, CTXH trong học đường, CTXH ở mảng sức khỏe tâm thần,
vv Ngoài một số môn học thuộc về chương trình khung (ví dụ Hành vi con người trong
môi trường xã hội; Phương pháp nghiên cứu; Lý thuyết CTXH, Lý thuyết thực hành,
vv…) thì các trường khác nhau có thể có lựa chọn rất khác nhau về phần chuyên môn sâu
mà trường mình tập trung vào, số lượng đơn vị học phần/học trình mà sinh viên phải học
để lấy bằng, và các môn học cụ thể mà trường xây dựng để sinh viên đăng ký học.
Cũng cần lưu ý thêm rằng, vì là ngành thực hành nên hệ thống đào tạo CTXH ở
Mỹ cũng được xây dựng để tương đồng với hệ thống thang bậc nghề CTXH. Một cách cụ
thể hơn, chương trình cử nhân CTXH sẽ chỉ nhằm đào tạo kiến thức và thực hành chung,
có tính nhập môn CTXH; do đó người có bằng cử nhân có thể ra làm nhân viên CTXH
bậc đầu tiên. Người có bằng thạc sỹ CTXH thường mới được đảm nhiệm các vị trí quản
lý tại các cơ sở thực hành; do đó, trong hệ thống đào tạo, bậc thạc sỹ CTXH sẽ là bậc chú
trọng nhiều vào thực hành chuyên môn sâu, đồng thời đào tạo cả kỹ năng phân tích, quản

4
lý, đánh giá, tư duy phản biện mà ở bậc cử nhân chưa có. Tuy nhiên, vì tất cả công việc
thực hành và quản lý ở Mỹ cần phải tuân theo một tiêu chuẩn lớn là phải dựa trên các kết
quả nghiên cứu hoặc bằng chứng khoa học về tính hiệu quả của phương pháp thực hành
hay quản lý đó, cho nên đào tạo CTXH ở bậc thạc sỹ tại Mỹ là đào tạo thực hành dựa trên
bằng chứng khoa học. Nguyên lý này (cũng có thể gọi là mô hình này) gọi là evidence-
based practice và là mô hình xuyên suốt các chương trình CTXH của các trường. Đến bậc
tiến sỹ, việc đào tạo sẽ tách rời thực hành mà nhằm vào nghiên cứu để phục vụ thực hành
hoặc phục vụ đào tạo. Người có bằng tiến sỹ ở Mỹ hầu như không trở lại làm nhân viên
CTXH hoặc quản lý mà sẽ làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, hoặc các cơ
sở tương tự.
Với cơ cấu chương trình như trên, hầu hết các chương trình thạc sỹ tại Mỹ được
xây dựng trong 2 năm. Một số trường có thể có chương trình 3-năm cho người học tại
chức hoặc chương trình 1,5 năm cho những người muốn học nhanh. Tuy nhiên, 2 năm
thường là chương trình chuẩn của các trường.
2. Luận văn tốt nghiệp thạc sỹ CTXH?
Đối với các ngành thuộc về hàn lâm, luận văn tốt nghiệp bậc thạc sỹ là một bắt
buộc; và đây là một công trình nghiên cứu có tính mới trong đó sinh viên thể hiện được
khả năng đặt vấn đề, xây dựng phương pháp trả lời vấn đề và đưa ra câu trả lời cho vấn
đề nghiên cứu. Luận văn tốt nghiệp – thường có độ dài khoảng 80 đến 200 trang - phải
thể hiện khả năng tư duy phản biện và tư duy logic của sinh viên về mối quan hệ giữa lý
thuyết nền tảng – câu hỏi nghiên cứu – phương pháp nghiên cứu. Tuy nhiên, đối với
ngành CTXH, do đặc thù đào tạo để hướng tới thực hành dựa trên cơ sở khoa học
(evidence-based practice) như đã nói trên nên hầu hết các trường sẽ không chọn mô hình
5
luận văn như với các hành hàn lâm mà chọn một con đường khác hợp hơn với ngành.
Một cách cụ thể, ở Mỹ có bốn trường phái khác nhau đối với vấn đề luận văn tốt nghiệp
thạc sỹ CTXH:
2.1. Trường phái không cần luận văn tốt nghiệp hoặc một công trình lớn nào:
Nhiều trường đại học ở Mỹ theo trường phái này, tức là không yêu cầu sinh viên

viết luận văn hoặc làm đồ án tốt nghiệp cho chương trình thạc sỹ CTXH. Đối với họ, sinh
viên chỉ cần học đủ các môn học trên lớp, thực hành đủ số giờ tại cơ sở thực tập với số
điểm chấp nhận được là đã được trang bị đầy đủ kiến thức ở ba mảng bắt buộc (kiến thức
nền – đạo đức nghề - kỹ năng nghề) để có thể lấy bằng. Các đại học như ĐH Chicago,
Columbia và nhiều trường khác đều theo mô hình này.
2.2. Trường phái phải viết luận văn tốt nghiệp giống như các ngành KHXH (Thesis):
Một số ít trường đại học theo mô hình này, ví dụ như Đại học Ohio State (Ohio
State University), Đại học Washington (University of Washington), Đại học New Mexico
(New Mexico State University) hay Đại học California State tại Los Angeles. Một số đại
học ở Canada cũng theo mô hình này (Đại học McGill, Đại học British Columbia). Đối
với các trường này, sinh viên CTXH cũng phải viết một công trình dài (độ dài dao động
từ 80 trang đến 200 trang) với mục đích nghiên cứu và trả lời một câu hỏi có tính “mới”
về một vấn đề nào đó trong CTXH.
2.3. Trường phái không viết luận văn nhưng có đồ án nghiên cứu (Research Project hoặc
Capstone Project):
Rất nhiều trường chọn con đường trung dung giữa hai trường phái trên; đó là thay
vì yêu cầu sinh viên phải viết một luận án dài dựa trên một công trình nghiên cứu đầy đủ
và có tính mới thì họ yêu cầu sinh viên làm đồ án nghiên cứu tốt nghiệp trong năm thứ
6
hai. Đồ án này cũng có các yêu cầu và cấu trúc của một nghiên cứu mới về CTXH nhưng
sản phẩm cuối cùng nhẹ hơn nhiều: thường chỉ là một báo cáo nghiên cứu dài khoảng 25-
30 trang, có cấu trúc giống một bài báo khoa học để đăng trên các tạp chí khoa học (Một
số trường theo mô hình Capstone project cho phép sinh viên nộp sản phẩm là một tài liệu
hướng dẫn, tài liệu đào tạo, đề xuất chính sách, vv…). Đối với lựa chọn này, sinh viên
không có “hội đồng luận án” mà họ theo các lớp Đồ án nghiên cứu của một giáo sư mà
họ chọn, tùy vào lĩnh vực mà họ muốn làm đồ án. Sinh viên cũng có thể chọn làm đồ án
theo nhóm; tuy nhiên, mỗi thành viên trong nhóm phải tập trung vào một câu hỏi riêng
biệt và viết báo cáo đồ án riêng biệt.
Cần lưu ý rằng, với mô hình này, các trường thường khuyến khích sinh viên sử
dụng ngay nơi mình thực tập làm địa bàn dự án; tức là sẽ dùng nơi thực tập làm nguồn tài

liệu, nguồn dữ liệu, và là đối tượng nghiên cứu của mình; ví dụ như một sinh viên thực
tập tại Trung tâm cai nghiện ma túy hạt Santa Clara có thể nghiên cứu về mô hình cai
nghiện ngay tại đây; như vậy, các kiến thức và khám phá của sinh viên có thể ứng dụng
ngay vào nơi họ thực tập và sinh viên cũng có điều kiện xin việc làm tại nơi mình từng
thực tập. Mô hình đồ án tốt nghiệp là mô hình mà nhiều đại học công ở bang California
sử dụng, trong đó có trường ĐH San Jose State. Cũng cần lưu ý rằng có một số trường (ví
dụ ĐH Indianapolis) chọn đề án Capstone là một khóa học trong đó sinh viên tiến hành
đánh giá lại các kỹ năng CTXH của bản thân, vạch ra các mục đích nghề nghiệp trong
tương lai, và xây dựng một lộ trình cho việc này. Nói cách khác, đề án tốt nghiệp là một
bước chuẩn bị cho sinh viên ra làm nhân viên CTXH trực tiếp.
2.4. Trường phái làm bài thi tốt nghiệp tổng hợp (Comprehensive Exam):
7
Một vài trường cho phép sinh viên lựa chọn làm bài thi kiến thức tổng hợp để tốt
nghiệp, ví dụ ĐH Ohio State University. Bài thi viết này kéo dài ít nhất 4 tiếng. Sinh viên
sẽ đăng ký thi vào kỳ học cuối cùng trước khi tốt nghiệp. Bài thi này sẽ kiểm tra kiến
thức của sinh viên trên tất cả các mảng cơ bản: đạo đức nghề CTXH, lý thuyết, thực
hành, nghiên cứu, và kiến thức một chuyên ngành cụ thể mà sinh viên đăng ký. Bài thi
tổng hợp có thể được viết riêng cho từng lĩnh vực bởi một hội đồng giáo sư trong khoa;
ví dụ: ngoài các phần câu hỏi chung về đạo đức, lý thuyết, nghiên cứu, và lí luận thực
hành thì sinh viên mảng phúc lợi trẻ em sẽ trả lời các câu hỏi về mảng phúc lợi trẻ em
trong khi sinh viên mảng sức khỏe tâm thần sẽ trả lời các câu hỏi về mảng sức khỏe tâm
thần. Số lượng câu hỏi và hình thức trả lời (câu hỏi tự chọn hoặc viết đoạn văn ngắn) tùy
vào quyết định của hội đồng thi. Với ngành CTXH, các câu hỏi của bài thi này có thể dựa
theo một số câu hỏi để sinh viên thi lấy chứng chỉ hành nghề CTXH của tiểu bang sau khi
có bằng thạc sỹ.
Phần 2: Luận văn hoặc đồ án tốt nghiệp: nôi dung và cấu trúc
Từ phần trên, có thể thấy, nếu chọn việc có một công trình đánh dấu sự “tốt
nghiệp” của sinh viên thì hai hình thức luận văn tốt nghiệp và đồ án tốt nghiệp là phổ
biến nhất. Tuy nhiên, thực chất, hai hình thức này chỉ khác nhau về độ dài báo cáo (hàng
trăm trang so với vài chục trang) và hình thức tổ chức thực hiện (có “hội đồng luận văn”

so với chỉ có một giáo viên hướng dẫn); còn về cơ bản, chúng đều phải là một công trình
nghiên cứu hoàn chỉnh. Cả hai hình thức đều nhắm tới việc mang lại cho sinh viên cơ hội
thực hiện một nghiên cứu độc lập, với câu hỏi nghiên cứu độc lập, phương pháp nghiên
cứu hợp lý với câu hỏi, và việc tư duy phản biện về kết quả nghiên cứu. Quy trình thực
hiện luận văn hoặc đồ án tốt nghiệp sẽ giúp sinh viên có cái nhìn khoa học với các vấn đề
8
CTXH, đồng thời có thể dùng các kỹ năng khoa học trong đánh giá và thực hành các
chương trình CTXH. Chính vì sự tương đồng có tính nền tảng giữa luận văn và đồ án tốt
nghiệp nên trong phần này, chúng tôi sẽ trình bày tổng quan về việc thực hiện một công
trình khoa học độc lập trong ngành CTXH; mô hình này có thể áp dụng cho cả việc thực
hiện luận văn lẫn thực hiện đồ án tốt nghiệp thạc sỹ CTXH.
1. Nghiên cứu CTXH khác gì với nghiên cứu các ngành khác?
Đây có lẽ là câu hỏi mà nhiều người giảng dạy CTXH ở Việt Nam đặt ra. Phải
thừa nhận rằng, vì CTXH là một ngành có mục đích giải quyết các vấn đề xã hội của cá
nhân, nhóm, và cộng đồng cho nên nó phải dùng đến một số lý thuyết của các ngành liên
quan như xã hội học, tâm lý học, thậm chí cả kinh tế học để giải thích các hiện tượng xã
hội, các suy nghĩ, thái độ, hành vi của các đối tượng mà nó làm việc. Lấy ví dụ, để giải
quyết vấn đề đói nghèo trong một cộng đồng, người làm công tác xã hội có thể phải xem
xét đến mô hình lao động, việc phân bổ lao động, mô hình vốn xã hội (social capital),
hoặc mạng lưới xây dựng vốn xã hội của cộng đồng này – và đây đều là những lý thuyết
hoặc công cụ có liên quan trực tiếp đến kinh tế học và/hoặc xã hội học. Hay để trị liệu
các sang chấn tâm lý cho trẻ nhìn thấy bố đánh mẹ thì các nhân viên CTXH có thể phải
dùng tới các phương pháp trị liệu hành vi – vốn được phát triển bởi các nhà tâm lý học.
Thực tế là, trong các tranh cãi về đặc thù của ngành CTXH, có một luồng ý kiến khá phổ
biến cho rằng một trong những chuyên môn cơ bản của CTXH chính là huy động nguồn
lực từ các nguồn khác nhau, các lĩnh vực khác nhau, các đối tượng khác nhau để tập
trung giải quyết một vấn đề cụ thể cho một thân chủ cụ thể (đây chính là nền tảng của
quản lý ca); vì thế, việc CTXH vay mượn từ các ngành khác để hoạt động không phải là
9
một điều xấu, lại càng không phải điều nên tránh, mà chính là một kỹ năng cơ bản của

chúng ta.
Tuy nhiên, bên cạnh một số tương đồng nói trên, CTXH có các đặc điểm riêng
biệt xuất phát từ mục đích và giá trị đặc thù của ngành CTXH mà Hội đồng giáo dục
CTXH Hoa Kỳ đã tóm tắt bằng một số từ: “dịch vụ xã hội, công bằng xã hội, quyền và
nhân phẩm con người, quan hệ xã hội”. Vì thế, khi xem xét sự khác biệt giữa nghiên cứu
CTXH và nghiên cứu trong các ngành gần đó, chúng ta cần xem xét khác biệt trên hai
phương diện: khác biệt về nội dung/đề tài nghiên cứu và khác biệt về phương pháp
nghiên cứu.
Về mặt nội dung/đề tài nghiên cứu, các nghiên cứu trong CTXH khác với các
ngành khác ở chỗ nó không dừng lại ở việc tìm hiểu các quy trình xã hội hoặc hành vi
con người như một nhu cầu tìm hiểu kiến thức tự thân mà luôn luôn hướng tới mục đích
ứng dụng vào giải quyết các vấn đề liên quan đến thực hành CTXH và chính sách. Phạm
vi nội dung/đề tài nghiên cứu của CTXH cũng có tính đặc thù: nó là các vấn đề nảy sinh
trực tiếp trong môi trường làm việc của nhân viên CTXH, ví dụ trong quá trình làm việc
với thân chủ, trong cộng đồng, trong các vấn đề xã hội. Nói cách khác, nghiên cứu CTXH
nhằm mang lại các kiến thức khoa học phục vụ cho những người làm chính sách, các nhà
nghiên cứu, thực hành, nhân viên CTXH, người đào tạo CTXH, thân chủ, vv… sao cho
họ làm việc tốt hơn, hành động tốt hơn, ở tất cả các tầng bậc của CTXH như từ đường
phố, trường học, bệnh viện, cơ sở bảo trợ, nhà thờ, chùa, Hội phụ nữ, Hội thanh niên, Hội
cựu chiến binh, các cơ quan Nhà nước, các Bộ, ban, ngành, Chính phủ, vv Lấy ví dụ,
ngành xã hội học có thể quan tâm tới bạo hành gia đình từ góc độ nền tảng văn hóa, cấu
trúc làng xã, quy tắc giới trong cơ cấu xã hội và cơ cấu quyền lực dẫn tới bạo hành gia
10
đình; ngành kinh tế học có thể quan tâm tới nó từ góc độ ảnh hưởng của bạo hành tới
kinh tế gia đình và chi phí của toàn xã hội khi phải giải quyết các hậu quả của bạo hành;
ngành tâm lý học có thể quan tâm tới các sang chấn tâm lý trong trường hợp có bạo hành
gia đình với mục đích phục hồi tâm lý lành mạnh thông qua tác động vào tâm lý; trong
khi đó CTXH sẽ quan tâm tới tổng thể vấn đề bạo hành thông qua lăng kính “hành vi con
người trong môi trường xã hội”, do đó, nó sẽ quan tâm tới các quan hệ động trong gia
đình đưa tới bạo hành, mô hình quyền lực trong gia đình, cách trị liệu không chỉ thông

qua tác động vào tâm lý mà còn tác động vào toàn bộ hệ thống gia đình, cách huy động
nguồn lực để ngăn ngừa và khắc phục bạo hành gia đình, xây dựng cộng đồng, vận động
chính sách ở các cấp thông qua các hành vi cụ thể, vân vân…
Ví dụ một số nghiên cứu trên tạp chí Children and Youth Service Review (Dịch vụ trẻ em và
thanh thiếu niên) – một trong những tạp chí CTXH hàng đầu tại Mỹ
1 Tác động của thất nghiệp và thiếu việc làm tới các gia đình mẹ đơn thân.
2 Tác động của thất nghiệp và thiếu việc làm tới các gia đình mẹ đơn thân.
3 Giảm khác biệt chủng tộc trong hệ thống phúc lợi trẻ em: Các quan điểm chính sách về
cách phục vụ tốt nhất quyền lợi của thanh thiếu niên da đen.
4 Cách thức thanh thiếu niên dùng lời khuyên của bạn bè trong chuyện hẹn hò.
5 Phát hiện sớm với trẻ phổ tự kỷ: nhập môn cho thực hành CTXH.
6 Liệu các mạng xã hội có phải là một nguồn quấy rối trên mạng cho teen? Bằng chứng từ
các dữ liệu điều tra.
7 Đánh giá sơ bộ về các thay đổi trong hành vi chức năng của trẻ sử dụng dịch vụ phục hồi
chức năng tâm lý xã hội.
8 Khuyến khích các nhóm dân tộc thiểu số tham gia các chương trình tập huấn cha mẹ: Ai
tham gia và như thế nào?
9 Điều kiện làm việc và sự kiệt sức của những nhân viên CTXH trong hệ thống phúc lợi trẻ
em của nhà nước.
10 Phân tích quan hệ giữa sự sùng đạo với các hành vi xây dựng và hành vi hủy diệt trong
thanh thiếu niên
Ví dụ một số bài báo trên tạp chí Social Service Review (Dịch vụ xã hội)
11
1 Cưỡng chế việc hỗ trợ nuôi con và đóng góp của người cha đối với con ngoài giá thú.
2 Các mô hình di chuyển trẻ trong hệ thống chăm sóc thay thế: Phân tích quá trình ghép
ca tối ưu.
3 Hiện tượng tham gia đồng nhiều chương trình phúc lợi và việc ra khỏi các chương
trình tem lương thực của người già.
4 Đánh giá các tác động chính sách đối với việc nhập học trong chương trình giáo dục
và chăm sóc trẻ em sớm.

Ví dụ một số bài báo trên tạp chí Social work with mental health (CTXH với sức khỏe tâm thần)
1 Các nhân tố xã hội quyết định sức khỏe của đàn ông và các ông bố có vấn đề sức khỏe tâm
thần.
2 Đánh giá nhu cầu đào tạo về phương thức ngăn chặn tự tử của những nhân viên làm việc
với người vô gia cư.
3 Những vấn đề sức khỏe và sức khỏe tâm thần của người Mỹ gốc Việt.
4 Những nhân tố tiên đoán hành vi chống đối xã hội của thanh thiếu niên: Kết quả từ 10
nghiên cứu lịch đại.
2. Các đề tài/nội dung cho luận văn/đồ án thạc sỹ CTXH:
Như vậy, về mặt nội dung/đề tài, nghiên cứu trong CTXH nói chung và luận văn
thạc sỹ CTXH nói riêng có thể hướng vào một số vấn đề sau:
- Nghiên cứu để giải thích các vấn đề và hiện tượng xã hội có liên quan tới bất bình
đẳng và phúc lợi, bao gồm các vấn đề về nghèo đói, y tế, giáo dục, hành vi con
người, vv… ở các cấp độ cá nhân, gia đình, và cộng đồng. Ví dụ: nghiên cứu về
quan hệ giữa li hôn của cha mẹ với tình trạng bỏ học của trẻ em
- Nghiên cứu để hỗ trợ cho việc xây dựng các chính sách, chương trình can thiêp,
phương pháp thực hành, thủ tục hành chính, quy trình chính trị của việc vận động
chính sách, cách tổ chức hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, cách kết nối liên ngành,
cách phát triển nghề CTXH, vv… Ví dụ: nghiên cứu để xây dựng chính sách và
12
chương trình hỗ trợ cho trẻ em trong gia đình li hôn và những người li hôn tái lập
đời sống; nghiên cứu để phát triển CTXH trong bệnh viện. vv…
- Nghiên cứu để đánh giá hiệu quả và cải thiện các chương trình, chính sách,
phương pháp thực hành, thủ tục hành hành chính trong CTXH, phát triển nghề
CTXH, vv… Ví dụ: nghiên cứu để đánh giá hiệu quả chương trình giáo dục kỹ
năng sống sau li hôn cho phụ nữ hoặc chương trình tư vấn tại trường học cho trẻ
em có bố mẹ li hôn.
- Nghiên cứu để hỗ trợ cho đào tạo CTXH (bao gồm chương trình giảng dạy, kỹ
năng giảng dạy, thực hành CTXH, vv…). Ví dụ: nghiên cứu về nội dung và cách
thức dạy môn CTXH với trẻ nhiễm HIV; nghiên cứu về tác động của việc tăng

giờ thực hành lên chất lượng đào tạo của sinh viên CTXH.
- Nghiên cứu để phát triển vai trò và ứng dụng nghiên cứu vào thực hành CTXH
(cả mặt phương pháp, lí luận phương pháp, vv…). Ví dụ: nghiên cứu về việc áp
dụng phương pháp vào nghiên thực địa hoặc các phương pháp toán-thống kê mới
vào nghiên cứu CTXH
- Nghiên cứu để giới thiệu các kiến thức liên ngành cho CTXH, ví dụ các lý thuyết
và kỹ năng từ các ngành xã hội học, tâm lý học, quản lý công, kinh tế học, y tế
cộng đồng, khoa học giao tiếp, triết học, vv Ví dụ: nghiên cứu về việc áp dụng
lý thuyết kiến tạo xã hội vào giải thích sự thay đổi của các quan điểm về đói
nghèo; nghiên cứu để áp dụng lý thuyết về công lý của nhà triết học John Rawls
vào giải thích mục đích của ngành CTXH.
- Nghiên cứu để tìm hiểu lịch sử phát triển của các vấn đề và hiện tượng XH có liên
quan tới ngành CTXH, bao gồm cả thuật ngữ, khái niệm, tổ chức, chính sách, vấn
đề, thực hành CTXH. Ví dụ: Nghiên cứu về lịch sử và sự thay đổi của khái niệm
“sức khỏe tâm thần” hoặc “công tác xã hội” tại VN. Nghiên cứu về sự thay đổi
13
khái niệm “lạm dụng tình dục” hoặc thay đổi trong quan niệm về “đồng tính luyến
ái” trong ngành sức khỏe tâm thần tại Việt Nam.
- Các mục đích, đề tài, nội dung khác…
Đối với mô hình Đồ án tốt nghiệp (Research Project hoặc Capstone Project), vì
mô hình này thường khuyến khích sinh viên lấy nơi mình thực tập làm đối tượng nghiên
cứu nên, ngoài các lĩnh vực nghiên cứu chung nói trên, sinh viên có thể phát triển Đồ án
tốt nghiệp dựa trên đơn vị thực tập của mình bằng một số hướng sau:
- Đánh giá hiệu quả của một mô hình thực hành tại địa điểm thực tập.
- So sánh hiệu quả mô hình thực hành tại địa điểm thực tập với mô hình ở một nơi
khác hoặc với các kết quả đã được công bố trước đó.
- Nghiên cứu một ca cụ thể (case study), có thể là một ca thân chủ đặc biệt, một sự
kiện đặc biệt, một khái niệm đặc biệt, một quan hệ đặc biệt, một thủ tục đặc biệt,
vv…
- Tìm hiểu khả năng triển khai một phương pháp thực hành/can thiệp/điều trị mới

mà hiện chưa có tại nơi thực tập.
- Tìm hiểu và phân tích hiệu quả của các phương pháp điều trị/thực hành khác nhau
cho các nhóm thân chủ khác nhau.
- Tìm hiểu, phân tích, đánh giá về đặc điểm của các nhóm thân chủ tại địa điểm
thực tập (ví dụ người già so với trẻ em, bệnh nhân HIV nữ so với nam, vv…).
- Đánh giá nhu cầu của đơn vị thực tập về một vấn đề nào đó.
- Đánh giá nhu cầu của các thân chủ tại đơn vị thực tập về các vấn đề khác nhau:
chăm sóc, quan hệ với nhân viên, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ dịch vụ, chính sách,
vv…
- Đánh giá tác động của một chính sách Nhà nước hoặc địa phương lên đơn vị thực
tập hoặc lên các thân chủ tại đơn vị thực tập.
- Xây dựng một giáo trình hoặc tài liệu hướng dẫn cho đơn vị thực tập về một mảng
nào đó còn thiếu hoặc chưa hoàn chỉnh.
- Tìm hiểu và điều chỉnh các chính sách hay thủ tục hành chính của đơn vị thực tập
để tăng hiệu quả làm việc, nhất là hiệu quả các chương trình can thiệp.
14
- Xây dựng và áp dụng các mô hình/đề xuất về nâng cao ý thức hoặc giáo dục toàn
dân về một mảng nào đó có liên quan đến đơn vị thực tập hoặc đối tượng thân chủ
mà đơn vị thực tập làm cùng dựa trên các quan sát, đánh giá về nhu cầu.
- Tìm hiểu, đánh giá, phân tích về quan hệ của đơn vị thực tập với cộng đồng; cách
huy động nguồn lực, vv…
- Tìm hiểu, đánh giá những thay đổi của đơn vị thực tập theo thời gian về một
mảng nào đó; hoặc phân tích lịch sử của đơn vị thực tập và những thay đổi theo
nhu cầu…
- Vân vân…
Về mặt phương pháp, khi xét đến vấn đề lí luận phương pháp (epistemology)
nghiên cứu trong CTXH không khác nhiều so với nghiên cứu các ngành KHXH bởi vì nó
đều phải thỏa mãn các quy tắc nghiên cứu: (1) câu hỏi nghiên cứu quyết định phương
pháp nghiên cứu, và (2) phương pháp nghiên cứu phải đồng bộ trong nội tại, tức là cách
thu thập dữ liệu, đo đạc số liệu, xử lý/phân tích số liệu phải đồng bộ và có khả năng trả

lời chính xác câu hỏi nghiên cứu.
Xét về các phương pháp nghiên cứu cụ thể, CTXH không khác nhiều các ngành
khác: về cơ bản, CTXH xã hội cũng ứng dụng các phương pháp định lượng và định tính
thường dùng cho khoa học xã hội. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không thể
trình bày cụ thể các phương pháp nghiên cứu nên chúng tôi chỉ liệt kê một số phương
pháp cơ bản.
15
Câu hỏi nghiên cứu
Cơ sở lý thuyết, lý luận
Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu định lượng: Nghiên cứu định lượng là một mảng rộng
và bao gồm nhiều kỹ thuật thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu khác nhau, tùy
vào câu hỏi. Có nhiều cách phân loại các phương pháp định lượng; một trong các
cách đó là chia các phương pháp định lượng thành ba nhóm:
+/ Phương pháp định lượng không sử dụng phòng thí nghiệm (non-experimental
methods): ví dụ có thể dùng các bảng câu hỏi định lượng, phiếu điều tra, phương
pháp tham gia/quan sát; phương pháp phân tích-tổng hợp-so sánh (meta-analysis);
phương pháp phân tích số liệu bậc hai (secondary data analysis) vv…
+/ Phương pháp định lượng sử dụng phòng thí nghiệm (experimental methods):
Đây là phương pháp có sử dụng “phòng thí nghiệm” theo nghĩa rộng để lấy số
liệu về một hiện tượng nào đó bằng cách theo dõi, quan sát chủ thể trong môi
trường có kiểm soát các thông số; ví dụ như đo đạc các biến đổi nhiệt độ, cảm xúc
trên mặt hoặc các loại hóa chất trong người thanh thiếu niên khi được xem các
đoạn phim bạo lực trong phòng thí nghiệm, hoặc đo kết quả của các phương pháp
điều trị trước và sau khi điều trị một nhóm đối tượng nhất định…
+/ Các phương pháp bán-thí nghiệm (quasi-experimental methods): phương pháp
này lấy số liệu bằng cách kết hợp hai phương pháp trên.
Sau khi có số liệu định lượng (dưới dạng số), việc phân tích theo các kỹ thuật và
mô hình toán, xác suất, thống kê, vv… khác nhau phụ thuộc vào câu hỏi và tính
chất của số liệu.

- Các phương pháp nghiên cứu định tính: Có rất nhiều phương pháp khác nhau và
vẫn liên tục được phát triển; tuy nhiên có thể kể ra một số nhóm phương pháp
chính (lưu ý các phương pháp này không loại trừ nhau):
16
+/ Phương pháp nghiên cứu thực địa/hiện trường/dân tộc học (ethnographic
methods).
+/ Phương pháp khám phá dựa trên các đầu mối kinh nghiệm (heuristic methods)
+/ Phương pháp nghiên cứu grounded-theory method.
+/ Phương pháp trần thuật/kể chuyện (Narrative method)
+/ Phương pháp phân tích diễn ngôn (Discourse analysis)
+/ Phương pháp đánh giá ca (Case evaluation/Case study)
+/ Phương pháp phỏng vấn tập trung theo nhóm (Focus-group interviewing).
+/ Phương pháp đánh giá chương trình hoặc chính sách (Program and policy
evaluation)
+/ Các phương pháp sử học và truyền miệng (Histography and oral studies)
+/Phương pháp phân tích nội dung (Content analysis)
Do bậc học thạc sỹ là bậc sau đại học đầu tiên và khả năng nghiên cứu của sinh
viên mới chỉ hình thành nên đối với luận văn thạc sỹ và đồ án tốt nghiệp, sinh viên chỉ
cần nắm được các nội dung cơ bản và quy trình cơ bản để làm một nghiên cứu độc lập.
Sinh viên không cần phải nắm được các phương pháp nghiên cứu chuyên sâu – vốn là đòi
hỏi của bậc tiến sỹ.
Một số đồ án tốt nghiệp theo mô hình Research Project tại ĐH San Jose State
(có thể tìm thông tin chi tiết về các đồ án này tại website:
/>1 Nghiên cứu về sự tương đồng và khác biệt trong giá trị và quan niệm giữa hệ thống phúc
lợi trẻ em và hệ thống cai nghiện.
2 Tác động của các kỳ vọng của cha mẹ và giáo viên lên thành tích học tập của các thanh
thiếu niên nhập cư.
3 Các thành công và thử thách trong việc xây dựng một quan hệ hợp tác giữa hệ thống cơ
sở cai nghiện, hệ thống phúc lợi trẻ em, và hệ thống tòa án tại hạt Santa Clara.
4 Ra khỏi bóng tối và bước vào ánh sáng: Nghiên cứu về việc tẩy xóa các hình xăm có

liên quan đến băng đảng hoặc hận thù.
5 Nghiên cứu tác động của các dịch vụ tham vấn, hỗ trợ gia đình, dính líu tới pháp luật và
việc mang thai vị thành niên tới khả năng tốt nghiệp của học sinh.
17
6 Hợp tác liên ngành trong việc phục vụ các thanh thiếu niên có dính líu tới nhiều vấn đề
xã hội khác nhau tại hạt Santa Clara
7 Đặc điểm của các gia đình tham gia chương trình ISA tại hạt Santa Clara
8 Tác động của việc đi tham vấn tới mức độ căng thẳng và kết quả học tập của sinh viên
một trường cao đẳng cộng đồng.
9 Quan hệ gia đình và mức độ năng động ở người già
10 Tác động của các hỗ trợ xã hội, kỳ thị xã hội, và việc tuân thủ lịch điều trị lên khả năng
tự tử của các bệnh nhân tâm thần phân liệt
Một số đồ án tốt nghiệp theo mô hình Capstone Project tại ĐH Minnesota – Mankota
(có thể tìm thông tin chi tiết về các đồ án này tại website:
/>1 Xác định các công cụ lượng giá hiệu quả cho những bệnh nhân tâm thần nữ tại một bệnh
viện thần kinh.
2 Xây dựng các phương pháp can thiệp để đáp ứng nhu cầu của thanh thiếu niên gốc Mỹ-
La tinh có các vấn đề tâm thần do hậu quả của việc nhập cư lậu và lo sợ bị trục xuất.
3 Xác định các phương pháp thực hành CTXH hữu hiệu khi làm việc với các thân chủ gốc
Somali
4 Đáp ứng nhu cầu tham vấn của sinh viên mắc bệnh Tăng động-giảm trung tại ĐH
Minnesota State.
5 Đề xuất bổ sung chương trình giáo dục kỹ năng xã hội tại trường tiểu học Nicollet.
6 Xa Xây dựng chương trình điều trị ban ngày cho đàn ông vô gia cư: Một cách tiếp cận dựa
trê trên các thế mạnh của thân chủ.
7 T Cải thiện giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sỹ tại một trung tâm điều trị dài hạn.
8 Cá Đặc điểm nghiện rượu của các bệnh nhân nghiện rượu được nhận vào trung tâm điều trị
trong tình trạng có sang chấn tinh thần.
9 Đánh giá chương trình Liên hiệp Mankato từ góc độ của các cơ sở tham gia chương
trình.

10 Rố Rối loạn phân kỳ ở trẻ em: Một cẩm nang hướng dẫn điều trị toàn diện
3. Mục đích cần đạt của luận văn/đồ án tốt nghiệp:
Do các trường CTXH tại Mỹ chịu sự quản lý về mặt chất lượng và phải được
chuẩn hóa và kiểm tra chất lượng đào tạo bởi Hội đồng giáo dục CTXH Hoa Kỳ (CSWE)
nên mỗi môn học trong chương trình đều phải thỏa mãn một loạt các tiêu chí giáo dục mà
Hội đồng đề ra. Vì thế, khi hình thành đề cương (syllabus) cho lớp Luận văn hoặc lớp Đồ
án nghiên cứu, các giáo viên phải đảm bảo rằng khi hoàn thành lớp học, sinh viên đạt
được một số tiêu chỉ chuẩn của Hội đồng giáo dục CTXH. Dưới đây là ví dụ Đề cương
của lớp Đồ an nghiên cứu tại Đại học San Jose State (Lớp có mã số ScWk 198):
“Khi hoàn thành lớp học này, sinh viên cần đạt được các mục tiêu sau:
18
- Sinh viên thể hiện được khả năng phân tích, liên kết, và ứng dụng các kiến
thức khoa học và các nguyên lý thực hành.
- Sinh viên thể hiện được khả năng phân tích, thu thập, lượng giá, và đánh giá
thông tin để nâng cao kỹ năng thực hành và ứng dụng trực tiếp vào thực hành.
- Sinh viên thể hiện khả năng và kỹ năng thu thập và tổng hợp các kết quả phân
tích từ thực hành để hỗ trợ và tăng cường kho tàng kiến thức chuyên môn.
- Sinh viên có kiến thức về cách thức tham khảo và sử dụng các kết quả nghiên
cứu trong việc phân tích và đánh giá các phương pháp thực hành và chính
sách ở các cấp độ khác nhau.
- Sinh viên thể hiện khả năng thâu tóm, phân tích, và đánh giá các chương trình
can thiệp, bao gồm cả việc sử dụng các dữ liệu để quyết định hành động trong
tương lai.
- Sinh viên có nhận thức về các phương pháp ra quyết định theo đúng đạo đức
nghề nghiệp và đạo đức nghiên cứu.
- Sinh viên có khả năng tư duy phản biện về hiệu quả, hạn chế, thành công của
mỗi phương pháp nghiên cứu nhất định, đối với mỗi môi trường, hoàn cảnh,
đối tượng nghiên cứu nhất định cũng như với câu hỏi nghiên cứu nhất định.
- Sinh viên thể hiện kỹ năng giao tiếp hiệu quả và chuyên nghiệp bằng văn bản
và lời nói, sinh viên hiểu được quy trình làm nghiên cứu CTXH và vai trò của

nghiên cứu trong giải quyết các vấn đề xã hội thực sự.
4. Thời gian biểu thực hiện luận văn hoặc đồ án tốt nghiệp thạc sỹ CTXH:
Mặc dù sinh viên có thể bắt đầu suy nghĩ về luận văn hoặc đồ án tốt nghiệp của
mình từ năm thứ nhất, việc thực sự thực hiện luận văn hoặc đồ án tốt nghiệp sẽ diễn ra
19
vào năm thứ hai, trong cả hai học kỳ. Nếu làm luận văn, trong học kỳ một, sinh viên sẽ
hình thành hội đồng nghiên cứu (thường có 3 người), trong đó có một giáo sư là người
hướng dẫn chính và thường là người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực mà sinh viên quan
tâm. Nếu là mô hình đồ án nghiên cứu, ví dụ như mô hình tại trường Đại học San Jose
State, thì khi vào năm thứ hai, sinh viên sẽ bắt buộc phải đăng ký vào lớp Đồ án nghiên
cứu (Research Project) và sẽ theo học lớp này trong hai học kỳ liên tiếp; sao cho đến cuối
học kỳ hai, tức là cuối năm học thứ hai, sinh viên có báo cáo đồ án để nộp. Ở Đại học San
Jose State, có khoảng 8-9 lớp như vậy, do 8-9 giáo sư khác nhau đảm trách. Như vậy là
sinh viên vào lớp của giáo sư nào thì sẽ theo giáo sư đó cho đến lúc hoàn thành đồ án; và
ở đây không có hội đồng luận án gồm nhiều người. Thông thường, luận văn hoặc đồ án
tốt nghiệp có giá trị như hai lớp học thông thường; ví dụ như tại Đại học San Jose State,
đồ án nghiên cứu được tính là 6 đơn vị học trình (tương đương với 2 lớp học). Cần lưu ý
rằng để có thể làm được đồ án nghiên cứu vào năm thứ hai thì trong năm thứ nhất, sinh
viên đã bắt buộc phải học hai lớp cơ bản về nghiên cứu trong khuôn khổ của cấu phần
Nghiên cứu thuộc chương trình khung.
Về mặt thời gian, sinh viên sẽ thực hiện luận văn hoặc đồ án nghiên cứu theo thời
gian biểu như sau:
- Trong học kỳ 1 của năm thứ hai (tức kỳ học mùa thu, từ tháng 8 đến 12): Đối với
cả luận văn và đồ án, trong học kỳ này, sinh viên sẽ phải hoàn thành Đề án nghiên cứu
(Research Proposal), tức là phải hoàn thành các khâu: (1) quyết định chủ đề/câu hỏi
nghiên cứu mà mình muốn tìm hiểu (research questions), (2) phải viết phần tổng quan về
cơ sở lý thuyết (theory), (3) tìm hiểu và viết phần tóm tắt các công trình nghiên cứu đã
từng thực hiện liên quan đến chủ đề hay câu hỏi của mình (literature review), và (4) xây
20
dựng phương pháp nghiên cứu để trả lời câu hỏi của mình. Đối với phần phương pháp

nghiên cứu, sinh viên cần phải xác định rõ cả nguồn dữ liệu, cách tiếp cận dữ liệu, cách
thu thập dữ liệu, và phương pháp phân tích dữ liệu – và phải có tường trình, lập luận
logic để bảo vệ cho phương pháp của mình (nói cách khác là chứng minh rằng phương
pháp này là phương pháp tối ưu để trả lời câu hỏi nghiên cứu mà mình đặt ra). Lấy ví dụ,
sinh viên có thể dùng dữ liệu từ một điều tra toàn quốc về vị thành niên có sẵn tại các
trung tâm nghiên cứu lớn của Mỹ, hoặc dùng số liệu các bệnh nhân tâm thần tại nơi minh
đang thực tập, hoặc là tự bắt đầu lên kế hoạch thu thập số liệu mới cho câu hỏi của mình.
Một bước cuối cùng mà sinh viên phải làm là nộp bản đề án nghiên cứu này cho Hội
đồng thẩm định nghiên cứu của trường (Institutional Review Board) để xin phép làm
nghiên cứu. Hội đồng này sẽ quyết định xem câu hỏi nghiên cứu và phương pháp nghiên
cứu của sinh viên có tuân thủ các vấn đề về mặt đạo đức và nguyên tắc nghiên cứu hay
không; nếu không thì đề án phải được chỉnh sửa hoặc bị bãi bỏ. Lấy ví dụ, nếu sinh viên
làm nghiên cứu về tâm lý của trẻ từng bị lạm dụng tình dục thì sinh viên có giấy xin phép
cha mẹ hay không, phiếu điều tra có hỏi điều gì có khả năng làm tổn hại đến trẻ hay
không, cách làm thí nghiệm hoặc câu hỏi nghiên cứu có phi đạo đức hay không, vv…
- Trong học kỳ 2 của năm thứ hai (kỳ mùa xuân, từ tháng 1 đến cuối tháng 5):
Trong học kỳ này, sinh viên sẽ thu thập số liệu trong khoảng tháng Một – tháng
Hai, phân tích số liệu vào tháng Ba, rồi viết các kết quả phân tích và hoàn thành đồ án
vào tháng Tư – tháng Năm.
Mô hình đồ án nghiên cứu tại ĐH San Jose State
Học kỳ 1 của năm thứ 2 Học kỳ 2 của năm thứ 2
1. Đăng ký vào lớp Đồ án nghiên cứu 1. Thực sự thu thập dữ liệu
2. Tìm hiểu và quyết định lĩnh vực/đề tài nghiên
cứu.
2. Xử lý thô dữ liệu thu thập được, bắt đầu
phân tích dữ liệu.
3. Khảo sát về nguồn dữ liệu, cơ sở lí luận, các
nghiên cứu đã từng thực hiện về lĩnh vực/đề tài
3. Xem xét các kết quả phân tích ban đầu,
thảo luận với giáo viên về kết quả

21
mình định làm
4. Quyết định câu hỏi nghiên cứu cụ thể 4. Điều chỉnh các phương pháp phân tích
nếu cần thiết; hoàn thành việc phân tích dữ
liệu
5. Tiếp xúc với nguồn dữ liệu để xin phép lấy dữ
liệu
5. Phân tích ý nghĩa của các kết quả nghiên
cứu, tìm hiểu các hạn chế của nghiên cứu,
các ứng dụng của kết quả cho CTXH
6. Xây dựng kế hoạch, quy trình thu thập dữ liệu
và phân tích dữ liệu
6. Viết bản nháp đầu tiên cho báo cáo đề án
nghiên cứu theo chuẩn một bài báo khoa
học đầy đủ.
7. Làm hồ sơ xin phép nghiên cứu với Hội đồng
nghiên cứu của trường (IRB)
7. Nộp bản nháp số 1 này cho giáo viên; lấy
phản hồi và điều chỉnh.
8. Viết Đề án nghiên cứu (Research Proposal)
trong đó có trình bày đầy đủ câu hỏi nghiên cứu,
cơ sở lí luận, khảo sát các nghiên cứu đã có,
phương pháp thu thập và phân tích số liệu
8. Nộp báo cáo đề án hoàn chỉnh để chấm
điểm.
Trong suốt quá trình làm đồ án nói trên, sinh viên thường xuyên gặp mặt với giáo
sư hướng dẫn để thảo luận về tiến độ đồ án và các vướng mắc. Việc này đặc biệt quan
trọng trong giai đoạn đầu (học kỳ 1), khi sinh viên bắt đầu hình thành câu hỏi và phương
pháp nghiên cứu. Trong học kỳ 2, sinh viên sẽ cần nhiều trợ giúp trong việc phân tích kết
quả nghiên cứu và viết báo cáo cuối cùng. Tại Đại học San Jose State, các giáo sư đều có

giờ cố định hàng tuần giành cho việc gặp sinh viên; các sinh viên có câu hỏi sẽ đăng ký
gặp vào các giờ đó tại văn phòng của các giáo sư để thảo luận. Để đảm bảo chất lượng
của báo cáo cuối cùng, sinh viên cũng được yêu cầu nộp bản nháp báo cáo cuối cùng để
các giáo sư gợi ý và nhận xét; sau đó sinh viên điều chỉnh và nộp bài hoàn chỉnh. Về cơ
bản, quy trình thực hiện luận văn hoặc đồ án tốt nghiệp là một quy trình học hỏi và trao
đổi liên tục, nó là quy trình động chứ không phải quy trình tĩnh như với một lớp học.
Việc giáo viên hướng dẫn theo sát sinh viên trong quá trình làm là việc hết sức quan
trọng.
5. Cấu trúc của luận văn hoặc báo cáo đồ án tốt nghiệp:
22
Các trường khác nhau có thể có yêu cầu khác nhau về cấu trúc của luận văn hoặc
báo cáo tốt nghiệp (ví dụ có thể quy định số trang tối thiểu và tối đa khác nhau, cách trình
bày theo phong cách APA của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ hoặc phong cách Chicago
của Đại học Chicago hoặc một phong cách khác)
2
. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, vì cả luận
văn và báo cáo đồ án tốt nghiệp đều là việc trình bày lại một công trình nghiên cứu độc
lập nên nó sẽ có các phần cơ bản sau đây:
5.1. Lời giới thiệu (Introduction) :
Trong Lời giới thiệu, sinh viên cần phải trả lời được một số câu hỏi: (1) Đồ án
này giải quyết vấn đề gì/trả lời câu hỏi gì/nghiên cứu lĩnh vực nào? (2) Tại sao phải trả
lời câu hỏi này/giải quyết vấn đề này (nói cách khác, tại sao việc nghiên cứu này lại quan
trọng?), (3) Câu hỏi này/vấn đề này/đề tài này có liên quan gì, ý nghĩa gì cho ngành
CTXH. Trong Lời giới thiệu, sinh viên cũng có thể nói về cấu trúc bài trình bày của
mình. Ví dụ: Báo cáo này gồm có 4 phần. Trước hết, chúng tôi giới thiệu khái quát về…
Sau đó, chúng tôi sẽ… Cuối cùng, chúng tôi sẽ…
5.2. Tóm tắt về lĩnh vực nghiên cứu (Literature Review) :
Trong phần này, sinh viên phải tìm kiếm, phân tích, và tổng hợp các kết quả, báo
cáo, nghiên cứu đã từng được xuất bản trong lĩnh vực/đề tài/câu hỏi mà mình làm đồ án.
Điều này có mục đích đảm bảo sinh viên không tìm hiểu lại một vấn đề đã từng có người

tìm hiểu và trả lời trước đó; đồng thời giúp sinh viên định hướng về vị trí của đề tài của
mình trong lĩnh vực mình tìm hiểu (nói cách khác, trong bản đồ kiến thức về lĩnh vực này
thì đề tài của mình sẽ bổ sung cho cái gì, kết nối cái gì, bù đắp cho lỗ hổng nào, trả lời
2
Tại Đại học San Jose State và nhiều đại học, phong cách của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (còn gọi là APA
style) là phong cách được dùng phổ biến. Theo chuẩn này, sinh viên phải tuân thủ đầy đủ các quy tắc trích
dẫn nguồn tài liệu, trình bày bảng biểu, sơ đồ, trình bày các đề mục, vv… theo như Bản tài liệu hướng dẫn
của Hiệp hội (APA Style Manual).
23
cho câu hỏi nào còn chưa được trả lời). Ở phần này, sinh viên phải làm hai phần: một là
giới thiệu các nghiên cứu có tính thực tế, hai là giới thiệu các lý thuyết mà mình sẽ dùng
làm cơ sở lí luận cho đề tài của mình.
5.3. Câu hỏi nghiên cứu (Research Questions):
Ở phần này, sinh viên nêu câu hỏi nghiên cứu cụ thể của đề tài. Cần lưu ý rằng
câu hỏi nghiên cứu khác với lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề tài nghiên cứu. Câu hỏi nghiên
cứu phải hết sức cụ thể, phải có khả năng trả lời được, và mọi khái niệm trong câu hỏi
nghiên cứu phải có thể triển khai được, định nghĩa được, hoặc đo đạc được rõ ràng, với
nội hàm và ngoại diên rõ ràng trong phạm vi đề tài. Câu hỏi nghiên cứu có thể ở dạng câu
hỏi mở hoặc ở dạng giả thuyết khoa học (hypotheses).
5.4. Phương pháp nghiên cứu (Methods) :
Trong phần này, sinh viên phải trình bày và đưa ra lí lẽ để bảo vệ cho một số vấn đề sau:
- Dữ liệu sẽ dùng để trả lời cho câu hỏi nghiên cứu là gì?
- Thu thập dữ liệu ra sao? Lấy mẫu thế nào? Vì sao lấy mẫu như vậy?
- Quy trình phân tích dữ liệu ra sao? Làm sao đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy?
5.5. Kết quả nghiên cứu (Results/Findings) :
Trong phần này, sinh viên báo cáo các kết quả phân tích dữ liệu để trả lời cho câu
hỏi nghiên cứu. Sinh viên có thể trình bày theo đề mục nội dung phân tích dữ liệu hoặc
tuần tự theo câu hỏi nghiên cứu.
5.6. Bình luận/Kết luận (Discussion/Conclusion) :
Trong phần này, sinh viên làm một số việc sau:

- Từ kết quả nghiên cứu, sinh viên khẳng định lại câu hỏi nghiên cứu hoặc giả
thuyết nghiên cứu có đúng hay không?
- Liên hệ giữa các kết quả nghiên cứu này với những kết quả nghiên cứu đã biết
- Bình luận về các hạn chế của nghiên cứu
24
- Đề xuất nghiên cứu tiếp theo. Đặt ra các câu hỏi mới
- Ứng dụng của kết quả nghiên cứu vào thực tiễn CTXH.
5.7. Danh sách tài liệu tham khảo và phụ lục (References, Appendix):
Đối với Danh sách tài liệu tham khảo, sinh viên cần liệt kê đầy đủ các tài liệu đã
trích dẫn trong luận văn hoặc đồ án; và việc liệt kê phải tuân theo đúng chuẩn quy định.
Trong phần Phụ lục, sinh viên có thể đính kèm các Bảng biểu, Phiếu điều tra, Câu hỏi
phỏng vấn, và Mẫu phê chuẩn nghiên cứu từ Hội đồng thẩm định nghiên cứu (IRB
approval).
Cấu trúc cơ bản của một bài tạp chí khoa học/báo cáo đồ án nghiên cứu/luận văn thạc sỹ
STT Đề mục Nội dung
1 Trang tiêu đề
(Title page)
1. Tiêu đề của bài tạp chí/đồ án/luận văn
2. Tên tác giả
2 Tóm tắt
(Abstract)
Tóm tắt nội dung cơ bản nhất của bài tạp chí/đồ án/luận văn; thường
chỉ giới hạn trong 250 chữ. Phần này thường chỉ có 1 câu nêu câu hỏi
nghiên cứu; 2-3 câu nói về phương pháp nghiên cứu; 2-3 câu về các
kết quả chính; 1-2 câu về ứng dụng của nghiên cứu với CTXH và
chính sách XH.
3 Giới thiệu
(Introduction)
3-4 trang
1. Bài tạp chí/đồ án/luận văn này có nội dung gì, mục đích gì?

2. Tại sao công trình này lại quan trọng?
3. Công trình này có liên quan thế nào tới CTXH?
4. Cấu trúc của công trình
4. Cơ sở lí luận và
thực tiễn
(Literature
review)
4-5 trang
1. Các cơ sở lí thuyết/lí luận làm nền cho công trình
2. Tóm tắt và phân tích các kết quả nghiên cứu thực tiễn đã từng
có về đề tài/lĩnh vực này. Chỉ ra quá trình phát triển và các
kết quả chính, các hướng chính, các vấn đề và lỗ hổng còn
tồn tại trong lĩnh vực để luận giải tại sao phải đặt ra câu hỏi
nghiên cứu của công trình này
5 Câu hỏi nghiên
cứu
1-2 trang
Trình bày câu hỏi nghiên cứu cụ thể dưới dạng câu hỏi mở
và/hoặc dưới dạng các giả thuyết khoa học.
6 Phương pháp
nghiên cứu
5-6 trang
1. Nguồn dữ liệu ở đâu? Vì sao dùng nguồn này?
2. Cách thu thập dữ liệu? Lấy mẫu? Vì sao?
3. Các biến/khái niệm chính, cách mô tả các biến/khái niệm
chính?
4. Cách xử lí, phân tích dữ liệu. Vì sao?
5. Vấn đề đạo đức nghiên cứu (đã được phê chuẩn của Hội đồng
nghiên cứu chưa?)
7 Kết quả nghiên

cứu
4-10 trang
Trả lời lần lượt từng câu hỏi nghiên cứu dựa trên kết quả phân
tích dữ liệu. Lưu ý rằng phần này chỉ trình bày các kết quả thô,
chưa có phân tích ý nghĩa của kết quả.
Trình bày các bảng biểu chính của kết quả nếu là nghiên cứu định
25

×