Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

BÁN PHÁ GIÁ VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI VIỆT NAM.doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (168.96 KB, 4 trang )

BÁN PHÁ GIÁ VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP
ĐỐI VỚI VIỆT NAM
ANTIDUMPINGS AND SOLUTIONS FOR VIETNAMESE BUSINESSES
LÂM MINH CHÂU
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng

TÓM TẮT
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng đã tạo ra các thách thức to lớn cho các
quốc gia cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường thế giới. Các quốc gia này
phải đối mặt với những khó khăn trong đẩy mạnh xuất khẩu do các nước nhập khẩu đã tận
dụng những qui định mở để tạo ra những rào cản mới như chống bán phá giá, chống trợ
cấp...để bảo hộ sản xuất trong nước. Bài viết này đề cập đến một số qui định của WTO về bán
phá giá hàng hóa và tình hình về các vụ kiện chống bán phá giá của nước ngoài đối với Việt
Nam. Từ đó đề xuất những giải pháp để chủ động phòng ngừa và tích cực đối phó với các vụ
kiện chống bán phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam.
ABSTRACT
Globalization and deep economic integration have created big challenges and threats to
countries in addition to the fiercer competition in the world market. These countries face many
difficulties in increasing exports because the importing countries take advantage of the WTO
open rules to establish new barriers such as: antidumping, anti-subsidies, etc. to protect their
domestic production. This paper firstly mentions several WTO regulations concerning product
dumping and antidumping and reviews legal cases against Vietnamese companies. It also
suggests some solutions to actively protect Vietnamese businesses from antidumping legal
cases and to help them to take appropriate counter-measures.

1. Các quy định của WTO về bán phá giá
Theo Hiệp định về chống bán phá giá của WTO (ADP) bán phá giá là việc bán một
hàng hoá nào đó với giá thấp hơn giá của nó trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu. Nói
một cách đơn giản, để xác định hành động bán phá giá ta phải so sánh giá cả ở hai thị trường.
Tuy nhiên trên thực tế, việc xác định giá hàng hoá ở thị trường nước xuất khẩu (giá trị bình
thường) và giá ở thị trường nước nhập khẩu (giá xuất khẩu) để tạo ra cơ sở chính xác cho sự so


sánh giá trên hai thị trường là khá phức tạp.
Theo WTO, giá trị bình thường của hàng hoá là giá của hàng hoá đã được ấn định phụ
thuộc vào sức tiêu thụ trên thị trường nước xuất khẩu. Khi không có giá nội địa để so sánh thì
gía trị bình thường được coi là tổng các chi phí sản xuất, tiêu thụ hàng hoá cộng với một phần
lợi nhuận nào đó. Hoặc theo cách khác, giá trị bình thường có thể là giá xuất khẩu sang một
nước thứ ba.Trong trường hợp khi nước xuất khẩu chưa được công nhận là có nền kinh tế thị
trường thì giá trị bình thường được xác định trên cơ sở giá hàng hoá tương tự của một nước thứ
ba có nền kinh tế thị trường.
Giá xuất khẩu hàng hoá thường được xác định trên cơ sở giá giao dịch giữa người xuất
khẩu và nhập khẩu tại nước nhập khẩu.Tuy nhiên, giá giao dịch có thể không được chấp nhận là
giá xuất khẩu trong trường hợp buôn bán đối lưu, hoặc trao đổi nội bộ.
Khi giá xuất khẩu thấp hơn so với giá trị bình thường của hàng hoá thì nước nhập khẩu
được quyền áp dụng thuế chống bán phá giá để bảo hộ cho sản xuất trong nước vì bán phá giá
bị cho là hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Để xem xét có hiện tượng bán phá giá hay
không, không những chỉ cần so sánh các mức giá trên hai thị trường mà còn phải xác định được
mức độ thiệt hại vật chất mà bán phá giá gây ra cho ngành sản xuất của nước nhập khẩu. Theo
WTO, thiệt hại do bán phá giá gây ra có thể là: thiệt hại vật chất đối với sản xuất công nghiệp
trong nước; nguy cơ gây ra tổn thất vật chất hoặc gây cản trở đến hoạt động của ngành công
nghiệp tương tự trong nước. Đây là một tiêu thức khó định lượng một cách rõ ràng, chính xác.
Vì vậy các nước nhập khẩu có nhiều cơ hội để áp dụng công cụ bảo hộ sản xuất trong nước
bằng áp thuế chống bán phá giá khi họ cho rằng hàng nhập khẩu có thể gây thiệt hại cho sản
xuất trong nước.

2. Tình hình về các vụ kiện bán phá giá đối với Việt Nam
Ngày nay, đứng trước thách thức về cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường nội
địa, các quốc gia đã tăng cường sử dụng các công cụ bảo hộ ngày càng tinh vi thông qua các
biện pháp bảo đảm thương mại công bằng của WTO, trong đó có thuế chống bán phá giá.Vì
vậy, các vụ kiện bán giá xảy ra trên thế giới ngày càng tăng về số lượng chủ thể tham gia và
ngày càng mở rộng phạm vi hàng hoá áp dụng.
Theo số liệu của Ban Thư ký WTO, từ năm 1995 đến hết năm 2004 trên thế giới đả tiến

hành 2647 cuộc điều tra về chống bán phá giá, đứng đầu danh sách là Ấn độ (399 vụ) Hoa Kỳ
(354 vụ) và EU (303 vụ). Trong số 97 nước bị kiện, các nước đứng đầu là Trung Quốc (386 vụ)
Hàn Quốc (94 vụ) Hoa Kỳ (146 vụ)... Đối với Việt Nam tính đến tháng 3/2006 đã phải đối phó
với 21 vụ kiện chống bán phá giá, trong đó có 13 vụ Việt Nam phải chịu thuế chống bán phá
giá. EU là nước khởi kiện Việt Nam nhiều nhất (8 vụ) với mức thuế cao nhất lên đến 93% đối
với mặt hàng Oxyde kẽm. Điều đáng chú ý là số lượng các cuộc điều tra chống bán phá giá
tăng mạnh trong thời gian gần đây. Nếu trong giai đoạn 1994-2001, Việt Nam chỉ chịu 1-2 vụ
kiện/năm thì đến năm 2004 phải đối phó với 7 vụ kiện liên tiếp liên quan đến nhiều mặt hàng
công nghiệp xuất khẩu. Ở thời kỳ trước, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng thuế
chống bán phá giá chưa phải là những mặt hàng chiến lược, vì vậy ảnh hưởng chưa lớn đến kim
ngạch xuất khẩu của nước ta. Nhưng từ vụ kiện cá tra, cá ba sa năm 2002 đến nay có thể thấy
không chỉ một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam: thuỷ sản, giày dép... mà cả những
mặt hàng xuất khẩu có số lượng chưa lớn nhưng mới thâm nhập thị trường đều có thể trở thành
đối tượng của kiện bán phá giá do phương thức tính gộp tổng lượng hàng hoá liên quan từ
nhiều nguồn nhập khẩu (không được quá 7%) của nước khởi kiện như: khoá Inôx (EU) săm lốp
xe đap, xe máy (Thổ Nhĩ Kỳ), đèn huỳnh quang (Ai Cập)...
Dự báo, các vụ kiện bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẻ còn tiếp tục xảy
ra không chỉ từ các nước phát triển mà còn từ các nước đang phát triển. Đối với các mặt hàng
có mức tăng trưởng xuất khẩu cao vào một số thị trường cũng sẽ có nguy cơ đối đầu với các vụ
kiện bán phá giá trong thời gian tới.

3. Các giải pháp đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của Việt Nam
Để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện thúc
đẩy xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, cần phải thực hiện các giải pháp sau:
3.1. Chủ động phòng chống các vụ kiện bán phá giá của nước ngoài
- Chính phủ tích cực triển khai đàm phán song phương,đa phương để tranh thủ nhiều
nước thừa nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, do đó không áp dụng biện pháp
chống bán phá giá đối với Việt Nam.
- Dự báo danh mục các ngành hàng và các mặt hàng Việt Nam có khả năng bị kiện phá
giá trên cơ sở rà soát theo tình hình sản xuất,xuất khẩu từng ngành hàng của Việt Nam và cơ

chế chống bán phá giá của từng quốc gia để từ đó có sự phòng tránh cần thiết.
- Xây dựng chiến lược đa dạng hoá sản phẩm và đa phương hoá thị trường xuất khẩu của
các doanh nghiệp để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một nước
vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện bán phá giá. Theo hướng đó các doanh
nghiệp cần chú trọng đến các thị trường lớn (Trung Quốc, Nhật Bản..) các thị trường mới nổi
(Hàn Quốc, Úc..) các thị trường mới (SNG, Trung Đông, Nam Phi...). Bên cạnh đó cần tăng
cường khai thác thị trường nội địa - một thị trường có tiềm năng phát triển. Đây là những kinh
nghiệm ta đã rút ra được từ các vụ kiện bán phá giá cá tra, cá basa của Mỹ trước đây.
- Tăng cường áp dụng các biện pháp cạnh tranh phi giá để nâng cao khả năng cạnh tranh
của hàng xuất khẩu thay cho cạnh tranh bằng giá thấp. Đó là phải đầu tư nâng cao chất lượng
sản phẩm, đẩy mạnh các dịch vụ hậu mãi, tiếp thị quảng cáo, áp dụng các điều kiện mua bán có
lợi cho khách hàng...
- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường xuất khẩu,về luật thương mại quốc
tế,luật chống bán phá giá của các nước... và phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp các
thông tin cần thiết nhằm tránh những sơ hở dẫn đến các vụ kiện.
3.2. Các giải pháp đối phó với vụ kiện chống bán phá giá đã xảy ra
* Về phía chính phủ: cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong kháng kiện
- Thành lập quỹ trợ giúp theo đuổi các vụ kiện để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp
kháng kiện.
- Cung cấp cho các doanh nghiệp các thông tin cần thiết về các thủ tục kháng kiện, giới
thiệu các luật sư giỏi ở nước sở tại có khả năng giúp cho doanh nghiệp thắng kiện...
* Về phía các hiệp hội ngành hàng: cần phát huy vai trò là tổ chức tập hợp và tăng
cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành nhằm nâng cao năng lực kháng kiện của
các doanh nghiệp.
- Thông qua hiệp hội quy định hành vi bảo vệ lẫn nhau, phối hợp giá cả trên thị trường,
tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh có thể tạo ra cớ gây ra các vụ kiện của nước ngoài.
- Thiết lập cơ chế phối hợp trong tham gia kháng kiện và hưởng lợi khi kháng kiện
thành công để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kháng kiện.
+ Tổ chức cho các doanh nghiệp nghiên cứu thông tin về giá cả,định hướng phát triển
thị trường, những quy định pháp lý của nước sở tại về chống bán phá giá... để các doanh nghiệp

kháng kiện có hiệu quả giảm bớt tổn thất do thiếu thông tin.
* Về phía các doanh nghiệp: cần chủ động theo đuổi các vụ kiện khi bị nước ngoài kiện
bán phá giá.
- Hoàn thiện hệ thống sổ sách chứng từ kế toán phù hợp với các quy định của luật pháp
và chuẩn mực quốc tế, lưu trữ đầy đủ hồ sơ về tình hình kinh doanh nhằm chuẩn bị sẵn sàng
các chứng cứ, các lập luận chứng minh không bán phá giá của doanh nghiệp, tổ chức nhân sự,
dự trù kinh phí, xây dựng các phương án bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp...
- Tạo ra những mối liên kết với các tổ chức lobby để vận động hành lang nhằm lôi kéo
những đối tượng có cùng quyền lợi ở nước khởi kiện ủng hộ mình. Như trong vụ kiện tôm đã
có “Liên minh hành động ngành thương mại công nghiệp tiêu dùng Mỹ” (CITAC) “Hiệp hội
các nhà nhập khẩu và phân phối tôm Mỹ” (ASDA) đứng về phía các doanh nghiệp Việt Nam
chống lại vụ kiện bán phá giá của Mỹ.
- Chủ động thương lượng với chính phủ của nước khởi kiện thực hiện cam kết giá nếu
doanh nghiệp thực sự có hành vi phá giá, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp cùng ngành hàng
của nước nhập khẩu. Cam kết giá là việc nhà sản xuất, xuất khẩu cam kết sửa đổi mức giá bán
(tăng giá lên) hoặc cam kết ngừng xuất khẩu với giá bị coi là bán phá giá hàng hoá. Đây là một
thoả thuận tự nguyện giữa các nhà sản xuất, xuất khẩu và nước nhập khẩu. Khi một cam kết giá
được chấp thuận. quá trình điều tra sẽ chấm dứt. Hiện nay, cam kết giá được coi là một biện
pháp đối phó chủ động của các nước xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá, đặc biệt
đối với các sản phẩm công nghiệp. Trong giai đoạn 1995-2001 trên thế giới đã có 34 nước thực
hiện cam kết giá, trong đó có 10 nước chưa phải là thành viên WTO. Cam kết giá có ưu điểm là
nhanh chóng hơn và ít tốn kém hơn so với việc phải hoàn tất cuộc điều tra của cơ quan điều tra
về bán phá giá. Hơn nữa các nhà sản xuất, xuất khẩu ở nước bị kiện sẽ được hưởng phần lớn
chênh lệch trước và sau cam kết tăng giá bán thay cho việc nộp thuế chống bán phá giá cho
nước nhập khẩu. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu lúc này cũng phải đối mặt với việc giảm khả năng
cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu,chấp nhận thực hiện các thủ tục hành chính nghiêm ngặt
và phức tạp hơn trong giao dịch xuất khẩu... Vì vậy cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố về
kinh tế, xã hội, luật pháp, khả năng cạnh tranh... trước khi thực hiện biện pháp này.
Có thể thấy, với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm gần 20% trong thời gian gần đây
và việc một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đã bước đầu có được chỗ đứng vững chắc tại các

thị trường lớn đã dẫn đến khả năng các vụ kiện chống bán phá giá ngày càng gia tăng. Điều này
về lâu dài sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, để giảm thiểu tối đa
những tác động tiêu cực do các vụ kiện bán phá giá gây ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần có
các biện pháp không chỉ ứng phó có hiệu quả mà phải chủ động ngăn ngừa những nguy cơ xảy
ra các vụ kiện chống bán phá giá. Đó là phải thực hiện chiến lược đa dạng hoá sản phẩm và thị
trường xuất khẩu, tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành hàng, chuẩn bị đầy đủ các điều
kiện về thông tin, tiến hành cam kết giá khi cần thiết...

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] WTO Training Manual (Second Edition, October 2001), Antidumping, chapter 10.
[2] Bộ Thương mại, Chống bán phá giá - mặt trái của tự do hoá thương mại, 2003.
[3] Vũ Kim Dũng, Bán phá giá và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, Tạp chí Kinh tế
và Phát triển, số 94, 2005.
[4] Đinh Thị Mỹ Loan, Cam kết giá theo pháp luật chống bán phá giá của EU, Tạp chí
Thương mại, số 1+2, 2006.
[5] Đoàn Tất Thắng, Những giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam đối phó với các vụ
kiện chống bán phá giá, Tạp chí Thương mại, số 10, 2005.

×