SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH QUẢNG NINH
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN TIÊN YÊN
TRƯỜNG THCS ĐÔNG NGŨ
BÀI DỰ THI VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN
ĐỂ GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN
MÔN: Ngữ Văn 8
Nhóm tác giả: 1. Tô Linh Chi
2. Hà Trà My
Địa chỉ: Lớp 8A, trường THCS Đông Ngũ, Tiên Yên, Quảng Ninh.
I. NÊU VẤN ĐỀ
1. Tên tình huống:
Một chuyến xe du lịch có các hành khách từ thủ đô Hà Nội đang có lịch trình đến
Móng Cái, nhưng vì một sự cố ô tô hỏng họ đành phải nghỉ lại Tiên Yên một tối. Các vị
khách đó rất hiếu kì về miền đất và con người nơi này. Là người con của Tiên Yên em
hãy nhập vai là một hướng dẫn viên thuyết minh về cảnh sắc và con người ở quê hương
mình.
2. Mục tiêu giải quyết tình huống:
- Vị trí địa lí và các điều kiện tự nhiên của huyện Tiên Yên.
- Các đơn vị hành chính.
- Khái quát về lịch sử.
- Khái quát về dân số.
- Khái quát về kinh tế.
- Các tiềm năng du lịch.
3. Tổng quan về các nghiên cứu liên quan đến việc giải quyết tình huống:
Cần kết hợp các tri thức khách quan ở địa phương:
- Vị trí địa lí và các điều kiện tự nhiên.
- Lịch sử hình thành và phát triển Tiên Yên.
- Đặc điểm dân cư, kinh tế của huyện.
- Các tiềm năng du lịch: di tích lịch sử, các đặc sản, cảnh quan thiên nhiên…
4. Giải pháp giải quyết tình huống:
Vận dụng kiến thức liên môn:
- Địa lí: Vị trí địa lí và các điều kiện tự nhiên, giao thông, dân số, kinh tế.
- Lịch sử: Lịch sử hình thành và phát triển Tiên Yên, các di tích lịch sử.
- Giáo dục công dân: Tinh thần yêu quê hương đất nước, đoàn kết giữa các dân tộc,
- Ngữ văn: Sử dụng từ ngữ, phương thức biểủ đạt: thuyết minh, tự sự, miêu tả làm nổi bật
vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên.
5. Thuyết minh tiến trình giải quyết tình huống:
Lên ý tưởng => lựa chọn chủ đề => tìm hiểu, thu thập dẫn chứng và số liệu => trao đổi
với các thành viên trong nhóm => viết thành bài thu hoạch.
* Tư liệu sử dụng: Các nguồn tài liệu địa phương.
* Ứng dụng công nghệ thông tin: tìm kiếm google, phần word đánh văn bản.
6. Ý nghĩa của việc giải quyết tình huống:
Việc kết hợp các kiến thức liên môn như lịch sử, địa lí, văn học, giáo dục công dân
trong bài thu hoạch địa lí là rất quan trọng làm cho bài viết đầy đủ và có sức lôi cuốn
thuyết phục người nghe, người đọc. Từ đó thấy rõ được tiềm năng du lịch to lớn của
huyện nhà, nhưng lại chưa được khai thác nhiều.
Như vậy, kiến thức liên môn tạo điều kiện cho học sinh tích cực, chủ động, sáng
tạo trong việc tiếp thu kiến thức và trải nghiệm thực tế để các em biết học đi đôi với
hành; giúp các em có thêm những hiểu biết về quê hương mình; rèn luyện kĩ năng giải
quyết các tình huống trong cuộc sống.
II. Phần giải quyết vấn đề:
Các bạn biết đấy trên dải đất hình chữ S thân thương của chúng ta được tạo hóa
ban tặng vô vàn những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Khi đến với Quảng Ninh du khách
khó có thể bỏ ngoài lịch trình của mình những bãi biển nổi tiếng như: Hạ Long, Cô Tô,
Quan Lạn, Trà cổ hay danh thắng Yên Tử. Mặc dù Tiên Yên không nổi tiếng như
những địa danh đã kể trên, nhưng với những ai đã đặt chân đến mảnh đất này sẽ có những
cảm xúc khó có thể nào quên được.
Là một người con của mảnh đất Tiên Yên yêu dấu,chúng tôi rất tự hào khi được
sinh ra và lớn lên ở đây - mảnh đất hiền hòa đầy yêu thương. Nơi đây là vùng đất vốn
được thiên nhiên ưu đãi với phong cảnh hữu tình, núi đồi xen kẽ sông ngòi, biển cả tạo
nên bức tranh hài hòa, cân xứng. Không những thế, nơi đây còn ghi dấu bao trang sử hào
hùng của dân tộc và nhiều di tích lịch sử văn hóa còn tồn tại đến ngày nay.
Huyện Tiên Yên nằm ở phía Đông của tỉnh Quảng Ninh- vùng ngã ba biên giới của
tổ quốc, với diện tích: 617,1km2, Các đơn vị hành chính bao gồm: 1 thị trấn Tiên Yên và
11 xã: Đại Dực, Đại Thành, Hà Lâu, Phong Dụ, Điền Xá, Yên Than, Hải Lạng, Tiên
Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải, Đồng Rui. Đây là điều kiện thuận lợi để Tiên Yên giao lưu
và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
( Lược đồ hành chính huyện Tiên Yên)
Địa hình huyện có nhiều đồi núi, thung lũng và sông suối. Phía Tây Bắc có dãy núi
Cái Kỳ với đỉnh cao nhất là Ngà, chạy dài ra cửa sông Ba Chẽ, theo hướng Đông Bắc-
Tây Nam, ranh giới thiên nhiên giữa Tiên Yên và Ba Chẽ. Dưới chân núi là một dải đồng
bằng ven biển và vùng biển Hà Dong thuộc xã Hải Lạng, một trong những xã trù phú
nhất Tiên Yên. Phía Bắc là vùng đồi núi trùng điệp của các xã Điền Xá, Hà Lâu, Phong
Dụ nối tiếp với huyện Đình Lập và Bình Liêu. Phía Đông có dãy núi Pạc Sủi và Thang
Châu chạy theo hướng Bắc Nam, thấp dần xuống phía biển tạo thành vùng đồng bằng
duyên hải. Qua dãy Pạc Sủi là thung lũng Đại Dực, còn nằm giữa hai dãy núi phía Đông
và Tây là thung lũng Tiên Yên.
Tiên Yên có nhiều tiềm năng về du lịch:
Người dân sống lâu năm ở Tiên Yên kể lại, rằng phố Tiên Yên xưa thưa người, nhà
cứ tiếp nhà. Phố không hề có vỉa hè, cứ một bước từ hiên nhà là ra đến đường. Đêm ngủ
không cần khoá cửa. Ai đã từng đến Tiên Yên đều có cảm nhận chung về con người Tiên
Yên rất mến khách, trung thực thẳng thắn nhưng cũng không kém phần duyên dáng.
Cư dân sinh sống trên đất Tiên Yên khoảng 5 vạn người, thuộc 13 dân tộc, đông
nhất là người Kinh chiếm 59% cùng với đó là người Dao, tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, Nùng,
Hoa, Thái . . . bản sắc dân tộc luôn được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Hàng năm, mảnh đất này có rất nhiều lễ hội đặc sắc được tổ chức
Trên địa bàn huyện Tiên Yên có 13 dân tộc anh em sinh cùng sống đoàn kết, hoà
thuận và phát triển kinh tế ngày một giàu mạnh, văn minh hơn. Một một dân tộc có thế
mạnh riêng, nét văn hoá riêng biệt đã tạo nên một bức tranh văn hoá nhiều màu sắc và
đậm đà bản sắc dân tộc. Như người Sán Dìu có hát đối đáp giao duyên Soọng cô, các bài
cúng tế của các thầy cúng, nhạc khí có tù và, sáo, thanh la, trống da Người Tày Có
nhiều làn điệu dân ca như: Lượn, phong slư, phuối pác, phuối rọi, vén eng Nét đặc sắc
truyền thống đã được huyện Tiên Yên chú ý giữ gìn, bảo tồn và phát huy, đây là một lợi
thế để Tiên Yên đưa du lịch văn hóa vào khai thác.
Trích đoạn Lễ cấp sắc, đồng bào dân tộc Dao, Tiên Yên
Tiên Yên là vùng đất vốn được thiên nhiên ưu đãi với phong cảnh hữu tình, núi đồi
xen kẽ sông ngòi, biển cả tạo nên bức tranh hài hòa, cân xứng.
Với 35km bờ biển thoai thoải, sạch đẹp, trên nền xanh thẫm của những cánh rừng
ngập mặn trải dài nhô ra vài bãi cát vàng, mịn, lấp lánh như một bức tranh hoang sơ của
núi và biển đã làm say lòng bao du khách. Nổi bật trong đó có bãi biển Mũi Lòng Vàng
với bãi cát vàng độc đáo, yên tĩnh, tinh sạch nhìn đến tận cùng đáy. Với những ai ưa thích
mạo hiểm thì những khu rừng ngập mặn quanh Mũi Lòng Vàng là địa điểm đầy sức cuốn
hút.
Thác Pặc Sủi, tiềm năng du lịch Tiên Yên
Nằm giữa núi rừng Tiên Yên, Pặc Sủi nổi tiếng là một ngọn thác hùng vĩ, mang vẻ
đẹp lãng mạn của núi rừng, vừa ẩn chứa bao huyền tích đẹp. Đây là một điểm đến hấp
dẫn, ấn tượng, khó bỏ qua đối với những du khách ưa khám phá, thích chụp ảnh Với 16
tầng, thác nước bắt nguồn từ đỉnh núi cao giữa rừng già, đổ xuống qua nhiều bậc, tung
bọt trắng xoá. Vì thế người dân địa phương gọi là Pặc Sủi, nghĩa là thác nước trắng. Sự
tích kể rằng, xa xưa, cứ vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch, có bảy nàng tiên nữ giáng trần,
xuống tầng thác thứ 12 của Pặc Sủi đùa vui trên phiến đá rộng phẳng lì, bên cạnh một hồ
nước trong vắt, mát lạnh. Từ đó ngày này được coi là ngày sinh ra nguồn nước… Hạ lưu
thác rộng rãi, có độ dốc thấp, lên xuống dễ dàng, lòng thác nhỏ, nước chảy êm đềm. Từ
đây có thể ngắm nhìn những tầng thác trên, nước đổ xuống những ghềnh đá lớn gối lên
nhau, tung bọt trắng xoá, tạo nên cảnh quan ngoạn mục. Khám phá thác là hành trình
ngược dòng, leo lên đỉnh cao. Để lên tới đỉnh cao, nhiều đoạn du khách chẳng khác gì các
vận động viên, phải leo ngược vách đá, men theo đường mòn dốc đứng, thậm chí phải
bám rễ cây, gốc tre v.v để nhích từng bậc… Mệt nhưng phần thưởng lớn nhất cho du
khách là cảm giác chinh phục đỉnh cao, tận hưởng không gian khoáng đạt, trong lành
Cảnh quan thiên nhiên Tiên Yên hữu tình, say lòng du khách gần xa
Trên đường về, từ đỉnh cao Ngầu Vó Lẻng (đỉnh Trâu Đằm) du khách có dịp đứng
trong mây, bao quát toàn cảnh núi rừng Tiên Yên và đừng quên bấm một vài “pô ảnh”
làm kỷ niệm. Chuyến hành trình sẽ kết thúc mĩ mãn hơn với một bữa ăn có món gà đồi
Tiên Yên, chấm muối ớt tiêu, cá suối nấu măng chua ngon khó quên của bà con người
Dao dưới chân đồi
Bạn nên nhớ, khám phá Pặc Sủi cần phải có trang phục gọn gàng, đeo dép hoặc
giầy có đế nhiều ma sát; bởi hành trình lên thác nhiều đoạn trơn trượt. Mùa mưa bạn cần
mặc trang phục kín tránh vắt, muỗi rừng. Để chuyến đi thuận lợi hơn, tốt nhất là các bạn
nên có một hướng dẫn viên địa phương am hiểu đường đi. Hy vọng Pặc Sủi sẽ cho bạn
một chuyến “phượt” khó quên.
Không phải là nơi có nhiều chùa chiền nổi tiếng như Đông Triều, Quảng Yên,
Uông Bí v.v nhưng Tiên Yên lại chứa đựng nhiều nét đẹp văn hoá rất đặc trưng của một
thị trấn miền núi
Một góc Phố cổ Tiên Yên
Đến Tiên Yên, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của một thị trấn nhỏ
nằm khép mình bên ngã ba sông, với những ngôi nhà hai tầng cổ kính, kín đáo, được xây
dựng từ những năm đầu thế kỷ 20. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, nhiều ngôi nhà nay
đã xuống cấp, được các chủ nhân tu sửa lại phần nào làm mất đi vẻ cổ kính, nhưng vẫn
còn mang dáng dấp của kiến trúc xưa.
Cuộc sống yên bình bên phố cổ trầm mặc Tiên Yên
Người dân Tiên Yên “gốc” luôn tự hào về phố huyện của mình với những ngôi nhà
mái ngói âm dương thâm nâu màu xưa cũ và những cây cổ thụ, những công trình kiến
trúc hàng trăm năm… Chúng dẫu nay còn rất ít nhưng chắc chắn sẽ mãi là nhân chứng
sống động cho một phố Tiên Yên yên bình, cổ kính và trầm mặc…
Đến với Tiên Yên , các bạn sẽ còn được tham quan nhiều di tích lịch sử. Nơi ghi
dấu bao chiến tích đau thương của một thời lịch sử vẻ vang của huyện Tiên Yên nhử:
Khe tù, đồn cao Tiên yên, đỉnh núi Khe Giao
Khe Tù trước đây là bệnh viện của Pháp và kho gạo dọc bờ sông, đến năm 1943,
Pháp bắt đầu cho xây dựng nhà tù. Nhà tù được xây dựng trong khoảng thời gian là 6, 7
năm mới hoàn chỉnh. Nhà tù có hầm ngầm để nhốt cộng sản và có cả máy chém.
Bệnh viện Pháp
Công trình còn sót lại tại khu di tích Khe Tù, Phố Long Tiên, Tiên Yên
Có nhiều câu chuyện ở đây mà cho đến ngày nay, mỗi khi kể lại người dân Tiên
Yên vẫn không khỏi bùi ngùi, xúc động. Để xây dựng nhà tù, lính Pháp đã bắt những
người dân đi làm phu hồ. Xây máy chém sát bờ sông, phu hồ làm không tốt thì bọn Pháp
bắt ăn cơm trộn muối, khát nước thì cho uống nước xà phòng để nôn ra rồi tiếp tục làm
việc. Những người tù cộng sản bị nhốt ở đây đều bị đem ra chém đầu. Khi chém xong,
lính Pháp bắt những người cộng sản tự đem xác đồng đội mình cho vào bao quẳng xuống
sông. Xác tù nhân không ai dám vớt đem chôn, để nước sông lên xuống cuốn trôi đi vì
nếu Pháp bắt được sẽ đem ra chém đầu. Những năm 1944 - 1945, Quân ta đã tổ chức
nhiều cuộc giải vây cho những người cộng sản bị nhốt ở Khe Tù nhưng đều bị thất bại và
những người tổ chức đều bị đưa lên máy chém. Hàng năm vào những ngày thanh minh và
cuối năm có nhiều gia đình đến đây, dù không có phần mộ nhưng vẫn thắp nén hương
cho những người lính đã nằm xuống vì tổ quốc. Và cũng có nhiều người tìm đến đây với
hi vọng tìm thấy di hài của người thân, của đồng đội vẫn còn nằm lại trên mảnh đất này.
Sau khi Tiên Yên được giải phóng, Khe Tù trở thành chứng tích chiến tranh, nơi ghi dấu
tội ác tột cùng của thực dân Pháp đối với các chiến sĩ cách mạng.
Tuy nhiên, một thời gian khá dài do không được sự quan tâm, đầu tư tôn tạo cho
nên di tích đã bị phá huỷ, hư hỏng đi nhiều lịch sử của Khe Tù bị phá huỷ và đang có dấu
hiệu mất dần. Năm 2000, người dân địa phương đã xây dựng một miếu nhỏ để tưởng nhớ
các chiến sĩ cộng sản hy sinh ở Khe Tù.
Nhằm bảo tồn, gìn giữ di tích Khe Tù để làm nơi giáo dục truyền thống yêu nước,
tinh thần đấu tranh bất khuất hào hùng của các chiến sĩ cách mạng thời kỳ chống thực
dân Pháp xâm lược, được biết Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã có cuộc phối hợp
với UBND huyện Tiên Yên tổ chức hội thảo nhằm đánh giá những giá trị lịch sử của di
tích, làm căn cứ lập hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xếp
hạng di tích Khe Tù là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đồn Cao Tiên Yên: Đây là nơi diễn ra trận đánh oanh liệt kéo dài 7 ngày 7 đêm
của quân dân địa phương phối hợp với quân đệ tứ chiến khu Đông Triều đánh bại bọn thổ
phỉ những ngày đầu cách mạng tháng 8.
Núi Hậu Sơn (xã Tiên Lãng): nơi cắm là cờ đỏ sao vàng đầu tiên của quân đệ tứ
chiến khu Đông Triều.
Đỉnh núi Khe Giao (xã Điền Xá): nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Tiên Yên
đầu tiên.
Một hoạt động ngoại khóa tái hiện thành lập chi bộ đầu tiên –Khe Giao-Tiên Yên
Gốc đa thôn Tềnh Pò (xã Phong Dụ): nơi diễn ra trận tập kích giết bọn Pháp và
thổ phỉ Voòng A Sáng.
Miếu Đại Vương: Thuộc thôn Hà Dong Bắc xã Hải Lạng, cách trung tâm thị trấn
khoảng 8km, đến ngã ba xã Hải Lạng, từ ngã ba rẽ phải đi huyện Ba Chẽ khoảng 2km thì
đến nơi. Miếu Đại Vương được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18, diện tích xây dựng
miếu là 241 m2, Miếu gồm ba gian, gian giữa xây bằng bệ xi măng, trên đặt bát hương sứ
và ba pho tượng. Miếu thờ Hoàng Cần là một vị tướng tài của triều Trần, đã có công giúp
dân dẹp loạn, lập làng. Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân đã lập miếu thờ ngay
trên mảnh đất này.Trong các dịp lễ tết, bà con góp tiền làm cỗ, thắp hương để tưởng nhớ
công lao của vị thần. Đặc biệt có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân
gian diễn ra tại đây.
Tín Tâm miếu nằm trên phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên. Đây là ngôi miếu thờ
thần hoàng làng do người Hoa để lại. Một số người dân địa phương đã đứng ra trông coi
và chăm lo việc thờ tự. Vào những ngày rằm, mùng một hàng tháng, mọi người dân trong
vùng đến đây để thắp hương cầu khấn các vị thần phù hộ. Tiền công đức của người dân
một phần để hương khói và tu sửa miếu, phần còn lại để giúp đỡ những người nghèo.
Linh Quán tự, ngôi chùa có từ hơn 150 năm thuộc phố Đông Tiến, thị trấn Tiên
Yên. Ngôi chùa đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ được nguyên cây nóc
của ngôi chùa cổ.
Bên trong chùa có ba ban: ban chính thờ Phật, bên phải từ ngoài vào thờ Thánh
Mẫu, bên trái thờ Hưng Đạo Vương. Đặc biệt trong chùa có thờ ảnh Bác Hồ. Chùa do sư
thầy đại đức Thích Vân Phong chủ trì và tổ chức cúng lễ vào ngày 30 và 14 hàng tháng.
Di tích Bờ Ngò (Xã Đông Hải): Cách trung tâm huyện Tiên Yên khoảng 19km, di
tích lịch sử khảo cổ Hòn Ngò (còn gọi là Bờ Ngò) nằm tại thôn Hà Tràng Đông, xã Đông
Hải; rộng khoảng 7ha. Đây là một di tích quan trọng, có giá trị lịch sử - văn hoá ghi dấu
quá trình mở đất dựng nghiệp của người Việt cổ trên vùng đất Đông Bắc Tổ quốc.
Di tích lịch sử khảo cổ Hòn Ngò nằm bên cạnh núi Kinh Lợi, cách đất liền khoảng
4 cây số, được phát hiện lần đầu vào năm 1998. Quá trình sinh sống của họ đã để lại các
dấu tích khảo cổ như công cụ, đá nguyên liệu, gốm sứ v.v còn khá dày đặc trên bề mặt
của di tích Hòn Ngò. Sau đó, do nước biển dâng cao nên cư dân Hòn Ngò phải dịch
chuyển đến vị trí khác để sinh sống. Nước biển đã làm ngập toàn bộ khu cư trú của người
Việt cổ, làm cho các di vật bị chìm dưới lớp bùn biển, tạo ra hiện trạng di tích như ngày
nay.
Một số hiện vật phát hiện tại di tích, di chỉ Hòn Ngò đang
được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.
Tiên Yên không chỉ nổi tiếng với những ngôi nhà cổ kính, với cảnh quan thiên
nhiên đẹp mà còn được biết đến với rất nhiều đặc sản như: gà Tiên Yên, bánh gật gù,
khau nhộc Đó có thể không phải là cao lương mĩ vị với các du khách nhưng với những
ai đã từng được thưởng thức hương vị của nó thì thật khó quên.
Không mấy ai ở Quảng Ninh là không biết câu ngạn ngữ: “Lợn Móng Cái, gái
Đầm Hà, gà Tiên Yên”. Gọi là “gà đồi” bởi gà Tiên Yên không phải giống gà nuôi nhốt
mà chúng được thả rông, suốt ngày chạy nhảy, đêm đến thì ngủ trên cây… Đây là giống
gà thuần chủng ở địa phương, có thịt thơm, ngọt đặc biệt, săn chắc mà vẫn giòn, không
dai; ngậy mà không ngấy…
Thịt gà Tiên Yên có thể chế biến đủ các món, nhưng món ngon nhất vẫn là chế
biến theo cách đơn giản nhất “luộc”. Thịt gà Tiên Yên khi luộc có màu da vàng ươm như
có thoa nghệ và bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ. Da gà Tiên Yên vừa vàng mọng lại còn
dày. Khi mới nhìn có thể ngậy vì chất béo, nhưng khi cắn thấy giòn và ngọt
Đặc sản Gà đồi Tiên Yên
Gọi là gà đồi là bởi giống gà địa phương ở đây truyền đời được nuôi thả rong, hàng
ngày chúng “cuốc bộ” lang thang trên các triền đồi để tự túc kiếm ăn từ các loại trùng, dế,
kiến, mối. Chiều xuống, về vườn, lũ gà này lại có thói quen bay lên ngủ trên các cành
cây. Người ta nói vì những cuộc “bộ hành” và “phi hành” triền miên ấy mà thịt gà Tiên
Yên ngọt thơm một cách đặc biệt, săn chắc mà vẫn giòn, không dai; béo mà không ngậy.
“Độc đáo bánh gật gù”:Nghe cái tên của bánh thôi đã thấy độc đáo. Không ai biết
cái tên này có từ bao giờ, nhưng khi bạn cầm trên tay cái bánh, bạn sẽ mỉm cười mà
rằng: - Cái tên gọi thật quả là… gợi!
Bánh gật gù trắng muốt
Bánh gật gù được làm bằng gạo nương. Gạo đem ngâm rồi xay thành bột. Khi xay,
người ta pha lẫn một ít cơm nguội và “ngón” bí truyền mà các gia đình làm bánh luôn giữ
là pha trộn theo tỷ lệ nào thì bánh ngon nhất. Bột xay rồi đem tráng, không mỏng như
bánh cuốn, không dày như bánh đa. Bánh tráng xong cuộn lại, dài bằng gang tay, to như
ngón tay cái xếp trên đĩa sứ, trắng muốt. Bánh trong, mềm, dẻo mà không dính. Khi cầm
lên tay, bánh cứ “gật gù” “gật gù” trông rất ngộ…
Bánh “gật gù” chấm nước mắm cốt lẫn hành khô, tỏi, ớt và đặc biệt không thể
thiếu là đĩa hến với mỡ gà. Thịt một chú gà trống thiến, bóc hai lá mỡ đem rán lên, đổ mỡ
đun sôi cùng nước mắm và các thứ gia vị. Người ăn ngồi quanh bàn, cầm bánh gật gù
chấm nước mắm nóng, ăn vào thấy người râm ran nóng, má hồng, mắt sáng, miệng xuýt
xoa… Rồi tự nhiên cũng vừa ăn, vừa… “gật gù”, tấm tắc!
Người dân địa phương bảo, ăn bánh gật gù chẳng những ngon, bổ, mà còn là thứ
thuốc giải cảm rất hữu hiệu.
Có lẽ chúng tôi sẽ không thể kể hết được tất cả về Tiên Yên, nhưng với những gì
chúng tôi đã giới thiệu có thể đã tạo nên dấu ấn về Tiên Yên trong lòng tất cả mọi người.
Với những nét đặc trưng nói trên, Tiên Yên sẽ níu chân bất cứ ai khi đến đây. Hẳn
du khách sẽ khó quên khi kết thúc chuyến hành trình của mình. Với những ai yêu thích
du lịch, khám phá về con người và cảnh đẹp thì Tiên Yên là một địa điểm không thể bỏ
qua.
Tự hào biết bao khi chúng tôi là một phần của mảnh đất Tiên Yên – vùng ngã ba
biên giới của tổ quốc. Chúng tôi những người con của huyện Tiên Yên kế tiếp truyền
thống của cha anh đi trước sẽ không ngừng nỗ lực học tập và rèn luyện để có thể góp
một phần công sức nhỏ bé vào phát triển kinh tế- xã hội của huyện nhà.
Đông Ngũ, tháng 11 năm 2014
Nhóm tác giả
Hết