Tải bản đầy đủ (.docx) (14 trang)

bạo hành trẻ em trong gia đình

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (247.45 KB, 14 trang )

Tiểu luận cuối kỳ:
“BẠO HÀNH TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH”
Môn học: Xã hội học Gia đình
GV: Ths. Lê Thái Thị Băng Tâm
SV: Nguyễn Thị Chi
MSSV: 11031576
Nhóm: Xã hội học k56
I TÍNH BỨC XÚC CỦA VẤN ĐỀ
Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, song đây lại là đối tượng yếu thế, thiếu chủ
động cần được chăm sóc, bảo vệ, yêu thương . Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến việc chăm
sóc và bảo vệ trẻ em. Điều đó thể hiện ở việc nước ta là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ 2
trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em, vào ngày 20/02/1990. Bên cạnh đó ta còn có
Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật lao động, Luật hình sự tố tụng hình sự… đều
quan tâm thích đáng đến quyền lợi trẻ em. Ngoài ra, nước ta đã xây dựng và thực hiện Chương
trình hành động quốc gia vì trẻ em ở các cấp. Mục tiêu quốc gia về chăm sóc và bảo vệ trẻ em
luôn được bảo vệ đặc biệt còn được lồng ghép vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của VN
giai đoạn 2006 – 2010 làm cơ sở để vận động nguồn ngân sách cho việc giải quyết các vấn đề
bạo hành trẻ em ở cấp quốc gia và địa phương… Có thể nói, Việt Nam thừa nhận trẻ em được
hưởng mọi quyền cơ bản của con người thông qua hiến pháp, luật pháp, chính sách và Việt Nam
cũng không thiếu công cụ để bảo vệ trẻ em được phát triển toàn diện. Tuy nhiên hiện trạng bạo
hành trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra. Hàng năm vẫn còn những con số thống kê đau lòng về vấn đề
bạo hành trẻ em. Theo TS Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,
TB&XH), mỗi năm cả nước có khoảng 7.000 – 8.000 vụ bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em.
Vậy vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng mầm mống nằm chính ngay trong môi trường thân thuộc
nhất của các em_gia đình?!
Gia đình là nơi gắn bó, nâng đỡ và có ảnh hưởng quan trọng nhất với trẻ em trong những
năm tháng đầu đời. Gia đình cũng là nơi chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt nhất, an toàn nhất. Thế
nhưng trong những năm gần đây nổi lên rất nhiều tin, phóng sự, bài viết về nạn bạo hành trẻ em
xét trong phạm vi gia đình khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc. Những trận đòn gây thương tích
>50% cơ thể trẻ, những hình thức ngược đãi dã man, không ít vụ khiến trẻ bị ảnh hưởng nặng cả
về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí đẫn đến tử vong. Không thể tưởng tượng được tình mẫu tử,


tình phụ tử lại có thể trở nên như vậy.
Theo đường dây nóng của Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, mức độ xâm hại và bạo lực trẻ
em trong gia đình đã tăng gấp 3 lần, so với chục năm trước đây. Đây chỉ là số liệu thống kê
được, trong thực tế, số vụ việc bạo lực, ngược đãi trẻ em còn cao hơn, song nhiều khi gia đình
nạn nhân không khai báo, tố cáo đối tượng vì mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Bạo
hành trẻ em trong gia đình là một vấn đề không hề xa lạ, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hiện
tượng này trong cuộc sống thường nhật. Thế nhưng đã đến lúc phải nhìn lại vấn đề một cách
nghiêm túc, nó không còn là chuyện con tôi tôi muốn “dạy” thế nào tùy tôi. Gia đình là nơi chăm
sóc, bao bọc trẻ em lý tưởng nhất nhưng trớ trêu thay với một bộ phận trẻ em đây còn là nơi ẩn
chứa những hiểm họa về bạo hành. Các em sẽ trông cậy vào đâu khi tổ ấm của mình không còn
mang lại sự bình yên?!
II PHÂN TÍCH VẤN ĐỀ
1 Một số khái niệm cơ bản:
• Trẻ em:
Khái niệm “Trẻ em“ là một khái niệm bao quát dành cho một bộ phận công dân còn có sự
hạn chế nhất định trong năng lực ứng xử và năng lực pháp lý của bản thân.
Khái niệm “Trẻ em” hiện nay và tồn tại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong đó có sự khác
biệt nhất định đối với việc quy định ngưỡng tuổi chính xác của trẻ em ở từng quốc gia, tuy nhiên
mọi quan điểm đều thống nhất quan điểm cho rằng trẻ em là đối tượng yếu thế, cần được chăm
sóc, bảo vệ và hưởng các quyền lợi tốt nhất để phát triển.
Theo Công ước quốc tế về quyền Trẻ em, ngay tại điều 1 đã nêu rõ rằng “Trẻ em là
những người dưới 18 tuổi, trừ những trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em có quy định tuổi vị
thành niên thấp hơn”. Tại Việt Nam, theo luật BVCS&GDTE sửa đổi năm 2001, điều 1 cũng quy
định rằng: “Trẻ em quy định trong luật này là những người công dân dưới 16 tuổi”.
Nhìn dưới góc độ XHH: “Trẻ em là giai đoạn xã hội hóa mạnh nhất và là giai đoạn đóng
vai trò quyết định của việc hình thành nhân cách của mỗi con người”.
Tuy văn bản luật của mỗi quốc gia trong văn kiện quốc tế có sự khác biệt nhất định trong
việc quy định tuổi của trẻ em. Nhưng tất cả đều thống nhất cho rằng trẻ em là những người công
dân còn nhỏ tuổi, cần được bảo vệ. Cách hiểu này căn cứ từ sự phân tích thực tế, về cả mặt thể
chất, tâm sinh lý và sự phát triển về mặt xã hội, ý thức tự lập, tự chủ của con người từ khi sinh ra

cho đến khi trưởng thành. Trong bài tiểu luận này, để phù hợp hơn với điều kiện kinh tế-xã hội
và luật pháp nước ta nên xin được quy ước phạm vi tuổi của trẻ em là dưới 18 tuổi.
• Bạo hành:
Khái niệm bạo hành chỉ hành vi bạo lực thô bạo, biểu hiện trạng thái tâm lý tức giận của
người độc ác. Mục đích của bạo hành là trừng phạt, khuất phục để thỏa mãn và khẳng định vị trí
của một người nào đó.
Khái niệm bạo hành không chỉ là dùng bạo lực làm tổn thương thân thể, gây thương tích,
tàn tật mà còn là sự lăng nhục về tinh thần, là sự xúc phạm danh dự và nhân phẩm người khác
đến mức có thể gây ra những “sang chấn tâm lý” - tức là bạo hành bằng tinh thần cũng có thể cấu
thành tội phạm hình sự.
2 Bạo hành trẻ em trong gia đình:
Từ khái niệm “trẻ em” và “bạo hành” có thể hiểu bạo hành trẻ em là hành vi bạo lực thô
bạo, biểu hiện trạng thái tâm lý tức giận của người độc ác với trẻ em hoặc sự lăng nhục trẻ em về
tinh thần, sự xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Có thể chia bạo hành trẻ em trong gia đình thành một số hình thức bạo hành như sau:
• Bạo hành thể xác: Những hành vi như đá, đấm, tát, dùng vật cứng sát thương, tác động
trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em. Kiểu hành vi này hay xảy ra khi hai bên chênh lệch về
sức mạnh thể chất, cụ thể ở đây là giữa bố mẹ và con cái, giữa ông bà và cháu Đây là
kiểu bạo hành thường gặp, một số bậc cha mẹ cho rằng để dạy con hiệu quả thì hễ con sai
hoặc làm khác ý mình điều gì là đánh con. Họ tin rằng làm như vậy lần sau trẻ sẽ không
dám lặp lại hành động đó nữa. Mục đích là để giáo dục con song có những lúc họ không
kiềm chế được, đánh quá tay và gây thương tích cho trẻ. Đôi khi nhiều bậc phụ huynh
nóng giận quên mất mình đang dạy con mà xả đòn roi vào con mình như là một cách giải
tỏa cho chính mình. Lúc này mục đích giáo dục tốt đẹp đã không còn nữa thay vào đó là
sự đối xử tàn bạo với chính con cái mình.
• Bạo hành tinh thần : ông bà, cha mẹ chửi bới, mắng nhiếc, im lặng không nói chuyện với
trẻ trong thời gian dài. Đây là kiểu bạo hành khá phổ biến trong các gia đình Việt Nam
nhất là những gia đình ở nông thôn hoặc những gia đình phụ huynh có trình độ học vấn
thấp (ở những đối tượng này xác xuất xảy ra là nhiều hơn). Trẻ bị người lớn đe nẹt, dọa
nạt, mắng mỏ, lăng mạ, xỉ nhục… gây tổn thương tâm lý, bất ổn tinh thần, ảnh hưởng xấu

đến quá trình hình thành và phát triển tâm sinh lý của trẻ.
• Bạo hành xã hội: Ngăn không cho tiếp xúc với họ hàng, bạn bè nhằm hạn chế các hoạt
động mang tính cộng đồng. Đây là hình thức bạo hành mà nhiều khi chính người lớn
trong gia đình không ý thức được mình đang thực hiện hành vi bạo hành. Nhiều trẻ em
hầu như không được tự do kết giao với thế giới bên ngoài, cả ngày trẻ chỉ ở nhà đến
trường và trở về nhà với sự giám sát chặt chẽ của người nhà. Dù rất muốn nhưng trẻ bị
cấm cản việc gặp gỡ, hòa nhập với các bạn đồng trang lứa hay tha gia các hoạt động tập
thể như gia nhập các câu lạc bộ, các phong trào của nhà văn hóa thiếu nhi…Nhiều trẻ bị
cấm đoán, bị “giam lỏng” đến mức bị trầm cảm, bị tự kỷ, thậm chí là bị thần kinh.
• Bạo hành tình dục: Hành vi loạn luân giữa cha và con gái, hoặc mẹ và con trai, giữa anh
chị em cũng được xếp vào loại này. Đây là trường hợp bạo hành cực kỳ nghiêm trọng,
không phổ biến nhưng nếu đã xảy ra thì hết sức thương tâm. Trẻ bị xâm hại tình dục bị
tổn thương nặng cả về thể chất lẫn tinh thần. Trẻ bị sốc nặng, dễ ám ảnh suốt cuộc đời.
Kiểu bạo hành này thể hiện sự thú tính, suy đồi đạo đức của người xâm hại. Tuy không
phổ biến nhưng trường hợp bạo hành rất khó phát hiện vì bản thân trẻ em khi bị hại thì
quá hoảng sợ, quá xấu hổ không dám nói với ai. Thậm chí nếu thành viên nào trong gia
đình phát hiện ra cũng có xu hướng muốn che dấu vì họ gia lo ngại việc ảnh hưởng đến
danh dự của người bị hại, người xâm hại cũng như thể diện của gia đình. Các vụ việc này
thường xảy ra ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, hoặc khó khăn, hoặc ở 1 nơi hẻo
lánh, hoặc gia đình bất hòa, hay gia đình có bố mẹ tái hôn…
3 Một số ví dụ điển hình về bạo hành trẻ em trong gia đình:
 Mẹ đẻ và cha dượng bức hại con trai 6 tuổi:
Theo thông tin của Thông tấn xã Việt Nam, chiều 8/1, Công an quận Lê Chân (Hải Phòng) ra
quyết định khởi tố bị can đối với vợ chồng Vũ Văn Phủ và Phạm Thị Ánh Dương (cùng trú ở
39B, lô 2 Quán Nam, phường Kênh Dương, quận Lê Chân) về tội cố ý gây thương tích, gây tổn
hại cho sức khoẻ của cháu Nguyễn Phương Ninh dẫn đến hậu quả chết người.
Ngày 29/12/2009, Ninh đói bụng nên lấy một quả táo trong tủ lạnh và trốn vào nhà tắm ăn thì
bị mẹ phát hiện. Dương tát cháu Ninh, rồi dùng vòi hoa sen xịt nước lạnh làm ướt hết quần áo
con mà không cho ai thay quần áo cho cháu.
Chưa hết, Ninh còn trói tay con ra phía sau, nhốt trong nhà tắm. Vừa lạnh vừa đói, Ninh gào

khóc và đập đầu xuống nền nhà tắm. Người mẹ nhẫn tâm không chút động lòng mà còn cùng
chồng lấy dây thun quấn quanh cổ Ninh, buộc vào thành cửa để Ninh hết đường trốn. Sau đó, hai
vợ chồng thị điềm nhiên ra ngoài.
Suốt đêm 29/12, Ninh không được ăn gì. Đến ngày 30/12, sau khi đi làm về, Phủ lên tầng
hai, mở cửa nhà tắm thì phát hiện Ninh gục xuống. Phủ hốt hoảng gọi xe ôm đưa Ninh đi cấp
cứu nhưng đã muộn.
Cháu Ninh mặc dù được sống cùng người thân trong ngôi nhà rộng hàng trăm mét vuông,
đầy đủ tiện nghi nhưng do hiếu động nên luôn bị mẹ đẻ và cha dượng phân biệt đối xử, thường bị
đánh và bị nhốt trong nhà tắm hoặc bỏ đói cả ngày.
 Bé Hồng Anh bị hành hạ dã man ngay giữa Hà Nội:
Bé Nguyễn Hồng Anh là con nuôi của Nguyễn Thị Thu Hà – sinh năm 1982, trú tại số 69,
ngõ 180/82 Tây Sơn, Tổ 6 Phường Quang Trung - Đống Đa – Hà Nội. Thị Hà có mối quan hệ
tình cảm và sống không hôn thú với đối tượng Bùi Văn Đạt – sinh năm 1985. Tại căn nhà trọ
trong ngõ 337 Hoàng Mai – Định Công – Hà Nội, theo lời nhân chứng đã được Công an phường
Định Công xác nhận, bé Hồng Anh thường xuyên bị bố mẹ nuôi đánh đập tàn bạo. Họ nhận nuôi
bé nhưng không chăm sóc cháu cẩn thận, để cháu bé 4 tuổi đói, nhốt cháu ở một mình qua đêm
mặc cho cháu kêu khóc và thường đánh đập cháu. Trên mặt, cổ và người của cháu Hồng Anh có
nhiều vết thâm tím, môi trên xưng to, tứa máu. Đặc biệt, trên cổ cháu bé có nhiều vết trầy xước,
đỏ tía. Khi được hỏi, bé Hồng Anh thừa nhận: “Do bố Đạt bóp cổ”.
Quá bức xúc và thương cháu, dân cư quanh đó đã trình báo lên phường và bé Hồng Anh đã
được giải cứu khỏi “địa ngục trần gian” giữa lòng thủ đô.

Bé Hồng Anh vẫn hoảng sợ khi được giải cứu

Theo vnexpress ngày 14/3/2010.
 Cha cưỡng bức con gái:
Liên tiếp những vụ bố đẻ cưỡng hiếp con ruột khiến xã hội đau đớn và hoang mang về nền
tảng đạo đức đang có nguy cơ băng hoại. Riêng người viết, trong những vụ án trên, nỗi đau đáu
luôn hướng về một khía cạnh: khi những đứa trẻ bị hại, thì người mẹ ở đâu?.
Ngày 17/8/2011, TAND thành phố Hà Nội xử Hoàng Văn Duyến (SN 1974, ở thôn Đồi Vua,

xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, HN) về tội hiếp dâm trẻ em mà nạn nhân là Hoàng Thị M (SN
1996), con gái đẻ của Duyến.
Việc Duyến cưỡng hiếp bé M. đã diễn ra rất nhiều lần trong hơn một năm, ngay tại nhà cháu.
Điều đáng nói là bé M. đã khai với cơ quan công an rằng, nhiều lần em có kể với dì ruột, nhưng
dì đều gạt đi, bảo em nói bậy bạ. Còn với mẹ, em cũng đã bày tỏ sự sợ hãi đối với cha đẻ, xin mẹ
cho đi làm xa, nhưng mẹ em chỉ bảo em "bình tĩnh rồi mẹ xin việc cho".Lời nói mơ hồ của bà mẹ
không thể hiện bà có biết chuyện con gái mình bị chồng hãm hại hay không, nhưng cũng đủ nói
lên sự bàng quan, thờ ơ của người mẹ và người dì trước nỗi bất hạnh của con mình.
Cách đây hai năm, tại Huế, một người cha tên L.V.D đã bị phạt 20 năm tù vì cưỡng hiếp con
gái đẻ của mình. Y thực hiện hành vi đồi bại với con gái suốt hai năm, mỗi lần vợ phát hiện và
ngăn cản thì đuổi đánh vợ con hết sức tàn nhẫn. Có nghĩa là, suốt hai năm trời, người mẹ chứng
kiến và biết hành vi của chồng với con gái, nhưng không dám tố cáo, chỉ đến lúc "không chịu nổi
nữa" và biết mình mang bệnh nặng, thì người mẹ mới đưa sự việc ra ánh sáng.
Những bà mẹ trên, đáng trách nhưng vẫn chưa làm dư luận phẫn nộ bằng người mẹ tên Thoa ở
Vĩnh Phúc trong một vụ án nổi tiếng gần đây. Bà biết chồng mình hiếp dâm con gái suốt chục
năm trời mà "nhắm mắt làm ngơ", để đến mức lần lượt ba cô con gái đều bị cưỡng hiếp suốt từ
tuổi thơ cho đến lúc lấy chồng (Theo Dantri.com ngày 16/10/2012).
4 Giải thích bạo hành trẻ em trong gia đình theo lý thuyết tương tác biểu trưng:
• Thuyết tương tác biểu trưng:
- Các cá nhân trong quá trình tương tác với nhau không phản ứng đối với các hành động trực tiếp
của người khác, mà cố gắng “đọc” và lý giải chúng. Người ta thường hay tìm những ý nghĩa gắn
cho các hành động và cử chỉ đó, tức là các biểu trưng (biểu tượng).
- Để hình thành những biểu tượng của tương tác, trước hết cá nhân phải ý thức một cách rõ ràng
về một hành động, cử chỉ, phát ngôn, chữ viết hay hình ảnh nào đó. Sau đó cá nhân sẽ quy gán
cho chúng những ý nghĩa xác định, dần dần những ý nghĩa quy gán này sẽ được nhiều người
thừa nhận và chúng ta có một biểu tượng tương tác. Trước khi trở thành biểu tượng chung cho
một nền văn hoá hay của nhân loại, chúng chỉ là biểu tượng tương tác của một nền tiểu văn hoá.
- Các biểu tượng có một đặc điểm chung là chúng mang những ý nhĩa nhất định và tạo ra sự
phản ứng giống nhau ở các cá nhân. Ý nghĩa của biểu tượng không trùng hợp với ý nghĩa trực
tiếp của những cái thể hiện chúng.

- Trong tương tác biểu trưng và phân tích một mô hình tương tác biểu trưng cần hết sức chú ý
đến biểu tượng, ký hiệu, cử chỉ khi “đọc” và “giải thích” về hành động của người khác. Hệ thống
biểu tượng trong tương tác có thể gồm: cử chỉ và hành động của cá nhân (cử chỉ có hàm ý và cử
chỉ không hàm ý), ngôn ngữ nói và viết. Theo lý thuyết này con người như một thực thể sống
trong thế giới của các biểu tượng và môi trường ký hiệu, xã hội thực hiện sự điều khiển đối với
các cá nhân thông qua các biểu tượng.
- Để có thể hiểu được ý nghĩa những hành động, cử chỉ của người khác chúng ta cần nhập vai
của người đó, hay đặt mình vào vị trí của họ.Chỉ khi ở vị trí của họ chúng ta mới hiểu hết ý nghĩa
những phát ngôn, những cử chỉ, những hành động của họ.
- Khả năng của con người đặt mình vào vị trí, vai trò của đối tác và nhìn nhận mình như một đối
tác hành động là cơ sở quan trọng bậc nhất trong sự tương tác của họ với môi trường xung
quanh. Chính cơ chế này giúp con người tạo ý nghĩa cho các sự vật, hiện tượng và hành động
xung quanh (biểu tượng).
Trong khuôn khổ bài tiểu luận này, xin được dùng luận điểm thứ 2 “để hình thành những
biểu tượng của tương tác, trước hết cá nhân phải ý thức một cách rõ ràng về một hành động, cử
chỉ, phát ngôn, chữ viết hay hình ảnh nào đó. Sau đó cá nhân sẽ quy gán cho chúng những ý
nghĩa xác định, dần dần những ý nghĩa quy gán này sẽ được nhiều người thừa nhận và chúng ta
có một biểu tượng tương tác. Trước khi trở thành biểu tượng chung cho một nền văn hoá hay của
nhân loại, chúng chỉ là biểu tượng tương tác của một nền tiểu văn hoá” để giải thích cho nguyên
nhân phát sinh hành động bạo lực của các bậc cha mẹ.
Quan niệm” thương cho roi cho vọt”:
Trong gia đình thời phong kiến hình ảnh cha mẹ dạy con bằng đòn roi là bình thường,
chuẩn mực xã hội đương thời chấp nhận điều đó. Hình ảnh cha mẹ đánh đòn con cái cũng không
có gì là đáng lên án mà nó hết sức bình thường trong xã hội cũ. Trẻ em thời đó hầu như cũng
không oán hận cha mẹ đã đánh đòn mình, những trận đòn thời trẻ thơ đó cũng không tạo ra
những “sang chấn tâm lý” lâu dài, trẻ chỉ giận dỗi, hờn khóc rồi thôi. Thậm chí còn trở thành
những ký ức đẹp khi trưởng thành nên chiếc roi đã đi vào thi ca “… nhớ những ngày trốn học
đuổi bướm cạnh bờ ao, mẹ bắt được, chưa đánh roi nào đã khóc… có cô bè nhà bên nhìn tôi cười
khúc khích…”. Như vậy, cây roi trong tay cha mẹ không phải là nỗi ám ảnh, hay sự kinh hoàng
đối với trẻ thơ thời đó.

Tóm lại, chúng ta nên hiểu ý nghĩa thâm thúy trong câu nói “yêu cho roi, cho vọt” của
người xưa là: khi nào thực sự biết yêu thương và hiểu biết sâu sắc về tâm, sinh lý con trẻ thì
người ta mới biết lúc nào cần “cho roi” và cho như thế nào là vừa đủ để giúp chúng thắng được
những ham muốn của bản năng, để tách chúng ra khỏi những cám dỗ không lành mạnh, đưa
chúng về với những nhận thức đúng đắn và những hành vi tốt đẹp - đó là sự “cho roi cho vọt”
đầy trí tuệ, đầy tình thương yêu mà phải đến khi trưởng thành người ta mới cảm nhận được đó là
món quà vô giá. Tuy nhiên, ranh giới giữa sự thương yêu và trừng phạt của việc dùng roi là rất
mong manh và rất khó phân biệt thế nào là thương, thế nào là ghét - chỉ có “người cầm roi” mới
cảm nhận được.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay việc dùng đòn roi để dạy con không còn hợp lý nữa.
Việc dùng roi đòn dạy con được xã hội nhìn nhận như là hành vi có tính bạo lực và không được
khuyến khích. Song nhiều gia đình vẫn áp dụng hình thức dạy dỗ này. Sở dĩ họ tiếp tục thực hiện
việc này vì họ được thế hệ trước gán cho hành động dạy con bằng roi đòn là không sai trái và
hiệu quả. Có nhận thức này vì các bậc cha mẹ ở nhiều thế hệ trước thực hiện hành động dạy con
bằng đòn roi và họ đạt được hiệu quả như ý. Hiệu quả của hành động ấy được nhiều người thừa
nhận và khi đó xã hội hình thành một biểu tượng tương tác, hành động dạy con bằng roi đòn
được gán cho một ý nghĩa xác định. Từ ý nghĩa biểu trưng đó, các thế hệ cha mẹ sau này vẫn tiếp
thu và hành động theo. Họ hiểu đánh con chỉ là hành động để giúp con cái họ không tiếp tục thực
hiện những điều mà họ cho là không đúng và có xu hướng kiểm điểm lại hành động.
Song mọi việc không đơn giản là như thế, xã hội biến đổi và chẩn mực xã hội cũng thay
đổi, nhiều nhận định trong xã hội cũ không còn phù hợp với đời sống hiện tại nữa. Việc lạm
dụng roi đòn để dạy con vô hình chung đã khiến cách thức dạy dỗ bị biến tướng và trở thành một
vấn nạn. Nhiều bậc phụ huynh đánh con không phải để chỉ ra cái sai của con trẻ mà là để giải tỏa
cảm xúc. Khi tức giận nhiều người đã có những hành vi bạo lực rất thú tính và đó không phải là
kiểu “cho roi cho vọt” mà các cụ vẫn dạy. Khi đó việc dạy dỗ con trẻ không những không đạt
được hiệu quả mà còn để lại hậu quả đáng tiếc. Khi bị đánh đập trẻ hoảng sợ, hoặc tức giận hay
bất mãn nên không nhìn ra cái sai của mình. Trẻ nảy sinh tâm lý oán hận, thù ghét hoặc sợ hãi
không dám gần gũi cha mẹ.
Ở đây khi tính chất của hành động đánh mắng con thay đổi nhưng nhiều người vẫn mặc
định gán cho nó cái ý nghĩa đã được gắn với hành động này từ trước đó. Điều này khiến nhiều

bậc phụ huynh nhầm lẫn, bảo thủ và không ý thức được hành vi bạo lực của mình là sai trái.
4 Giải thích bạo hành trẻ em trong gia đình theo thuyết lựa chọn hợp lý:
• Thuyết lựa chọn hợp lý:
Thuyết lựa chọn hợp lý (hay còn gọi là thuyết lựa chọn duy lý) trong xã hội học có nguồn
gốc từ triết học, kinh tế học và nhân học vào thế kỷ VIII, XIX. Một số nhà triết học đã cho rằng
bản chất con người là vị kỷ, luôn tìm đến sự hài long, sự thoả mãn và lảng tránh nỗi khổ đau.
Một số nhà kinh tế học cổ điển thì từng nhấn mạnh vai trò động lực cơ bản của động cơ kinh tế,
lợi nhuận khi con người phải đưa ra quyết định lựa chọn hành động. Đặc trưng thứ nhất có tính
chất xuất phát điểm của sự lựa chọn duy lý chính là các cá nhân lựa chọn hành động.
Thuyết này gắn với tên tuổi của rất nhiều nhà xã hội học tiêu biểu như: George Homans, Peter
Blau, James Coleman
Thuyết lựa chọn hợp lý dựa vào tiên đề cho rằng con người luôn hành động một cách có
chủ đích, có suy nghĩ để lựa chọn và sử dụng các nguồn lực một cách duy lý nhằm đạt được kết
quả tối đa với chi phí tối thiểu.
Thuật ngữ “lựa chọn” được dùng để nhấn mạnh việc phải cân nhắc, tính toán để quyết định sử
dụng loại phương tiện hay cách thức tối ưu trong số những điều kiện hay cách thức hiện có để
đạt được mục tiêu trong điều kiện khan hiếm các nguồn lực. Phạm vi của mục đích đây không
chỉ có yếu tố vật chất (lãi, lợi nhuận, thu nhập) mà còn có cả yếu tố lợi ích xã hội và tinh thần.
Định đề này được George Homans diễn đạt theo kiểu định lý toán học như sau: khi lựa
chọn trong số các cách hành động có thể có, cá nhân sẽ chọn cách nào mà họ cho là tích của xác
suất thành công của hành động đó với giá trị mà phần thưởng của hành động đó là lớn nhất. Tức
là Homans đã nhấn mạnh đến đặc trưng thứ hai của sự lựa chọn hợp lý là quá trình tối ưu hóa.
Quan điểm của phụ huynh khi áp dụng hành động bạo lực để dạy dỗ con cái:
Trong môi trường gia đình, các bậc phụ huynh có rất nhiều công việc, việc sắp xếp thời
gian giải quyết sự việc luôn có sự áp dụng một cách có chủ đích hoặc vô thức thuyết lựa chọn
hợp lí. Họ luôn kỳ vọng đạt được lợi ích tối đa với chi phí tối thiểu. Cũng như vậy, trong việc
dạy bảo con cái, khi con cái làm điều gì mà bố mẹ cho là sai thì họ sẽ có hành động phản ứng để
ngăn chặn, kiểm điểm hành động được xem là sai trái đó.
Có nhiều kiểu phản ứng khác nhau. Một số phụ huynh đầu tiên sẽ tác động vào nhận thức
của con, phân tích cho con trong trường hợp này đúng ra con nên làm gì, việc con vừa làm là

đúng hay sai, tại sao làm như thế này thì đúng, làm như thế kia lại sai. Nếu làm đúng thì kết quả
sẽ như thế nào, làm sai kết quả sẽ ra sao. Từ đó trẻ sẽ thay đổi nhận thức và định hướng hành
động khác đi. Tuy nhiên không phải trẻ nào cũng dễ bảo, cũng thấy sai là tránh, thấy đúng là
làm. Vì vậy quá trình thay đổi nhận thức của trẻ mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi cha mẹ phải hết
sức kiên nhẫn. Và không phải cha mẹ nào cũng thuyết phục con được như thế. Vì thế, với một số
người khi trẻ làm sai họ lập tức quát mắng, đánh đập, vì họ cho rằng đó là cách tốn ít thời gian và
công sức nhất mà lại có thể ngăn chặn được hành động sai trái tức thời của con. Song kiểu xử lý
tình huống bằng hành động bạo lực chỉ có hiệu quả tức thời chứ không có giá trị giáo dục lâu dài.
Nếu cha mẹ nào chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt thì vẫn lựa chọn hành động bạo lực để dạy con và
vô hình chung họ trở thành người bạo hành chính con cái họ.
5 Dự đoán xu hướng của tình trạng bạo hành trẻ em trong gia đình:
Trong tình hình giáo dục đất nước đang ngày một nâng cao, kết hợp với những phương
pháp dạy và học được đúc kết giữa văn hóa phương Đông và Phương Tây, con người nói chung
và các bậc phụ huynh nói riêng đang dần ý thức được mặt trái của việc sử dụng vũ lực để dạy dỗ
con cái. Thực tế đã chứng minh các hành vi bạo hành để tác động đến hành vi cũng như suy nghĩ
của trẻ nhỏ sẽ định hình trong trẻ những thói quen xấu, tư duy sai lệnh trong nhận thức vấn đề,
sự vật, sự việc, hiện tượng. Qua những phân tích nêu trên, nếu trẻ sống trong môi trường bạo lực
trực tiếp hoặc gián tiếp, trẻ sẽ có tư tưởng bạo lực hình thành qua thời gian, từ đó gây nên những
hậu quả khó lường. Đơn cử như các trẻ sống trong gia đình tồn tại tình trạng bạo hành dễ dẫn
đến hành động bạo lực với bạn bè, cha mẹ và xã hội .
Việc giải thích cho trẻ nhỏ hành vi sai trái một cách logic, có lập luận xác đáng cả về tình
và lý sẽ giúp hình thành trong đầu trẻ một hệ thống giáo dục cục bộ, từ đó trẻ có thể áp dụng, tư
duy vào mỗi tình huống trong xã hội một cách chính xác, không lạc ra khỏi tư duy giáo dục
chung của xã hội, của gia đình, của cha mẹ. Xây dựng một tư tưởng chủ đạo trong hành vi, suy
nghĩ của trẻ sẽ mất một khoảng thời gian dài từ khi trẻ còn non nớt về tuổi đời cũng như kinh
nghiệm đến khi đã trưởng thành nhưng lại mang tính vĩ mô cho các tình huống trẻ sẽ gặp phải
trong cuộc đời. Khi đã có một hệ thống tư tưởng vững chắc, đúng đắn, trẻ sẽ có thể xử lí tình
huống một cách nhanh nhạy để không làm trái với quy tắc xã hội và đạo đức con người.
Chính vì dần nhận thức được vấn đề, các bậc phụ huynh, đặc biệt là các gia đình có tri
thức đang hướng đến việc giáo dục con cái thông qua những lời lẽ thích đáng, các tấm gương

sáng đáng noi theo, có thể là ngoài xã hội hay chính trong gia đình. Tác động vào tư duy, suy
nghĩ của một người trưởng thành là rất khó khăn, xong để tác động đến bản chất tư tưởng của trẻ
nhỏ là có thể thực hiện được. Người xưa đã từng nói, trẻ em như tờ giấy trắng, thay vì phải xóa
đi ghi lại nhiều lần, chúng ta hãy để những dòng đầu tiên là hợp lí. Khi đã có những cơ sở vững
chắc, ở đây là những cơ sở về luân lý, trẻ có thể tin tưởng vào gia đình, vào xã hội và hệ quả tất
yếu là các bậc phụ huynh sẽ không phải sử dụng bạo lực để dạy dỗ con cái.
Bạo hành gia đình nói chung và bạo hành trẻ em nói riêng đang bị lên án gay gắt, các bậc
phụ huynh thuộc mọi lứa tuổi đang dần từ bỏ thói quen quát mắng hay đánh đập trẻ nhỏ mà thay
vào đó là bảo ban, dạy dỗ, hướng trẻ đến chân thiện mỹ. Sử dụng vũ lực, hay ở đây là bạo hành
trẻ em tuy không phải là không mang đến những hiệu quả nhất định, nhưng chắc chắn sẽ mang
đến những hậu quả không mong muốn. Khi nhận thức trước hết của các bậc phụ huynh được
nâng cao, nhận thức của trẻ nhỏ được nâng cao, vũ lực chỉ mang đến những thói quen xấu cho
chính cha mẹ và trẻ nhỏ. Ta có thể nhận thấy một logic đơn giản ở đây, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ
đánh mắng để trẻ không tái phạm lỗi đó, và các lỗi tiếp theo, từ đó, trẻ sẽ hình thành một quan
niệm: mắc lỗi sẽ bị đánh, trẻ trở nên sợ sệt mỗi khi vượt ra ngoài cái khuôn khổ mà vô hình
chung cha mẹ đã đặt cho, cha mẹ cũng nóng nảy, tệ hơn là sử dụng vũ lực khi trẻ tái phạm. Theo
thời gian , trẻ sẽ trở nên chây lì với đòn roi , tệ hơn là có suy nghĩ không tốt về cha mẹ, gia đình,
xã hội, vũ lực trở nên vô dụng và lời dạy bảo trở nên vô nghĩa. Phụ huynh qua những lần sử dụng
vũ lực cũng hình thành tư tưởng bạo lực một cách vô thức. Vì vậy, việc bỏ đi những hành vi bạo
hành là tốt cho cả cha mẹ và trẻ nhỏ, từ đó có tác động sâu sắc đến chất lượng xã hội nói chung.
Với sự đi lên về điều kiện cuộc sống, cả về chất và lượng, tình hình bạo hành trẻ em sẽ
thưa dần, không là một vấn đề nhức nhối của xã hội như hiện tại. Trẻ em sẽ được sống trong môi
trường giáo dục hiệu quả hơn rất nhiều, khi mà nhận thức của cha mẹ nói riêng và người lớn nói
chung được nâng cao. Việc tồn tại những trường hợp bạo hành trẻ em, thậm chí là rất dã man là
số ít trong xã hội của những con người không được giáo dục đầy đủ, tất cả dù sớm hay muộn
đều bị xã hội lên án và pháp luật xử lí. Khi mà luật trẻ em đã được đưa ra được cả thế giới công
nhận, mỗi hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em đều bị trừng trị thích đáng, đúng với pháp luật và
đạo đức. Đưa ra những biện pháp cứng rắn như thế, xã hội sẽ dần ngăn chặn, loại bỏ được những
câu chuyện đau thương, làm trong sạch môi trường sống, nâng cao quyền lợi của con người, bảo
vệ trẻ em, những người không đủ khả năng tự vệ cơ bản , trước những kẻ thiếu giáo dục , thiếu

đạo đức , có tư tưởng bạo lực hay có ý đồ xâm hại đến thể xác cũng như tinh thần của các em.
Trong tương lai không xa, sự tiến bộ của truyền thông đại chúng, nhận thức của người dân được
cải thiện, mỗi hành vi xấu đều bị lên án với bằng chứng rõ ràng, cụ thể, bạo hành trẻ em sẽ
không trốn tránh được dư luận và pháp luật. Những kẻ cuồng loạn sẽ bị bài trừ khỏi xã hội theo
nhiều cách thức, theo nhiều góc độ, thay vào đó là những con người có ý thức hơn về hành động
trước đồng loại, về trẻ em, tương lai của thế giới .

Để cải thiện tình hình xã hội trước nạn bạo hành trẻ em, cụ thể hơn là bạo hành trẻ em
trong gia đình, trước tiên là những người có tác động trực tiếp đến trẻ nhỏ, ở đây là các bậc phụ
huynh, ông bà, họ hàng, các thầy cô, bạn bè, những người trưởng thành trong xã hội phải có ý
thức về việc giáo dục hành vi, suy nghĩ của trẻ nhỏ. Việc giáo dục con trẻ bằng bạo lực không
mang đến hiệu quả lâu dài mà ngược lại còn mang đến những tác dụng trái ngược không sớm thì
muộn. Nên giáo dục trẻ em bằng nếp sống lành mạnh, văn hóa của chính gia đình mình, bằng
những quy tắc gia đình phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, từ đó đưa ra các xử phạt hợp lí,
không quá bạo lực, không quá khắt khe mà vẫn tạo ấn tượng sâu đậm trong trẻ nhỏ là đáng học
hỏi. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên tham gia các lớp học về tâm lí con trẻ em, cũng như nên tìm
hiểu những phương pháp giáo dục tiên tiến để đưa ra những cách thức hiệu quả nhất cho con em
của mình. Ví dụ như việc áp dụng những bản nhạc giao hưởng tác động đến não bộ của trẻ nhỏ
từ khi còn sơ sinh, cho bé học, tiếp xúc với những sản phẩm dành riêng cho lứa tuổi các bé,
những trò chơi của con trẻ, giúp bé kích thích trí não, cả về tư duy lần tư tưởng đang được đại đa
số những bậc phụ huynh hướng đến. Những sự vật, sự việc có tác động tích cực đến tư duy của
trẻ sẽ dần hình thành trong trẻ những suy nghĩ tích cực, đúng đắn, qua đó tạo những cơ sở ban
đầu cho việc giáo dục trẻ, tạo tiền đề cho việc dạy dỗ của cha mẹ sau này. Tư duy về logic, tư
duy về hình ảnh, tư duy về nghệ thuật , tư duy về ngôn ngữ, tư duy về vận động, … nếu được
xây dựng một cách hợp lí và có quy trình, trẻ sẽ có một động lực để phát triển, từ đó cha mẹ
cũng dễ có những ví dụ sinh động cho các hành động của trẻ, trẻ có thể rút kinh nghiệm, học hỏi
và phấn đấu qua những bài học đã trải qua, trong gia đình và trên lớp học. Cha mẹ nên có lí luận
hợp lí, hợp tình để có thể giải thích hành động, sự vật, sự việc cho con trẻ, phân tích được cái
đúng cái sai trong hành động của con em mình, trẻ sẽ tin tưởng hơn, hay nói một cách đơn giản
là biết nghe lời hơn khi cha mẹ dạy bảo. Vấn đề đặt ra ở đây là trước khi có thể giáo dục được trẻ

em thì chính cha mẹ, các bậc phụ huynh, những người lớn tuổi phải có ý thức về bản thân hành
động của họ, sau đó là nắm được tâm lí của trẻ nhỏ để tránh phải sử dụng những đòn roi, những
hành vi bạo lực trước con trẻ. Bậc cha mẹ cũng phải nhận thức được rằng, việc nuông chiều con
cái thái quá cũng đem lại những hậu quả tồi tệ không kém việc đòn roi, mắng chửi, cho nên khi
đã có nhận thức, được trang bị kiến thức cũng như kinh nghiệm của tuổi đời, hình thành một
chuẩn mực giáo dục cho con em mình là điều nên làm. Mỗi người trong gia đình hãy biết cách lí
tưởng hóa bản thân trước khi lí tưởng hóa một cá thể khác, cụ thể ở đây là lí tưởng hóa con em
mình theo khuôn khổ của gia đình, xã hội .
Trong tương lai không xa, khi chất lượng đời sống con người đã đi lên cùng với chất
lượng xã hội, nạn bạo hành trẻ em nói chung và tình hình bạo hành trẻ em trong gia đình nói
riêng sẽ giảm đi đáng kế. Các nhà xã hôi học, các tổ chức phi chính phủ, liên hiệp phụ nữ , các
cơ quan chức năng , … đang chung tay góp sức để trẻ em trên toàn thế giới có được cuộc sống
no đủ , nhận được sự giáo dục tốt nhất. Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông đại chúng,
báo đài, tivi, các trang mạng đang liên tục đưa tin những tổ chức, những con người làm từ thiện
đang vươn tay đến những trẻ em đang chết dần tại Châu Phi, những trẻ em lao động tại các nước
Đông Nam Á, những trẻ em đang phải tham gia chiến trận ở Trung Đông , … Những tổ chức
như UNICEF đang làm việc hết sức để có thể quan tâm hơn đến trẻ em trên toàn thế giới, họ tổ
chức những buổi giao lưu, gặp mặt với những người nổi tiếng để từ đó cổ vũ, động viên tinh thần
các em, gây quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo để cải thiện đời sống vật chất, thành lập các nhóm
y tế, nhóm khảo sát để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của trẻ nhỏ, sẵn sàng đứng ra bảo vệ
quyền lợi của trẻ em trước những hành vi ngược đãi … Những nhà hảo tâm mà ta không thể kể
tên hết đang xây dựng những quỹ từ thiện, kêu gọi các nhà hảo tâm để giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ,
cũng như từ xưa đến nay, cửa chùa cửa phật, nhà thờ luôn sẵn sàng chăm lo đến những đứa trẻ bị
bỏ rơi. Trong khi những con người xa lạ bên ngoài xã hội đang quan tâm đến những hoàn cảnh
éo le, lao khổ, các bậc cha mẹ cũng hết sức chăm chút đến đời sống vật chất, tinh thần của con
cái. Họ không chỉ chọn mua những hộp sữa bổ nhất, những bộ quần áo đẹp nhất, những trò chơi
có ích cho con em mình mà còn tìm đọc các quyển sách cung cấp thông tin về tâm sinh lý trẻ thơ,
để hiểu các em hơn. Các bậc phụ huynh đang ngày càng ít hơn sử dụng bạo lực để dạy dỗ trẻ
nhỏ, thay vào đó là những lời góp ý chân thành , những triết lí sâu sắc để giúp trẻ em thay đổi từ
trong nhận thức.

Đó phải chăng đã là những hứa hẹn nhất định cho một tương lai mà trẻ em sẽ không còn
bị những đòn roi của người lớn?! Chúng ta có thể gạt bỏ những tư tưởng cổ hủ về việc dạy dỗ trẻ
nhỏ bằng đòn roi hay không vẫn là một dấu hỏi mà chỉ có thời gian mới trả lời được, vì để có thể
thay đổi được tư tưởng của bao thế hệ cần tới một nguồn lực vô cùng lớn, nhưng khi chung tay
góp sức, con người có thể tạo ra những điều kì diệu. Chúng ta có quyền hy vọng một tương lai
không xa, trẻ em sẽ luôn vang tiếng cười, tiếng cười trong trẻo của tuổi thơ, để tận hưởng những
gì tốt đẹp nhất đến gia đình và xã hội có thể mang lại cho các em.
6 Tài liệu tham khảo:
1 Giáo trình “Xã hội học gia đình”_Ths. Lê Thái Thị Băng Tâm.
2 Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em 2011-2015 _ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
3 Tin bài của Thông tấn xã Việt Nam, dantri.com, vnexpress.

×