PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO HUYỆN ĐÔ LƯƠNG
Trường THCS Lý Nhật Quang
* * * * *
ĐỀ TÀI BCNCKHSPƯD
RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
LÀM BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VĂN CHƯƠNG
CHO HỌC SINH LỚP 9 THCS
- Môn Ngữ Văn -
Người báo cáo: Nguyễn Thị Vững
Giáo viên tổ khoa học xã hội
Năm thực hiện: 2009 - 2010
SĐT cơ quan: 0383871400
SĐT cá nhân: 0975574078
GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI BÁO CÁO
Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương
cho học sinh lớp 9 THCS
I. Lí do thực hiện nghiên cứu
1. Văn bản nghị luận là một kiểu văn bản mà việc tạo lập là vô cùng khó đối với
học sinh THCS. Nó không chỉ đòi hỏi phải có kiến thức chính xác sâu rộng, phong
phú; những suy nghĩ, quan điểm đúng đắn về văn chương, về đời sống xã hội, mà đòi
hỏi cả sự tư duy lôgíc, chặt chẽ, với những cách lập luận sắc sảo, thấu tình đạt lí thì
mới có thể hấp dẫn thuyết phục được người đọc người nghe.
2. Dạng bài mà học sinh phải tạo lập thì nhiều, mỗi dạng lại có những yêu cầu
cách thức nghị luận khác nhau. Nào là nghị luận văn chương, rồi nghị luận đời sống
xã hội. Trong đó, riêng nghị luận văn chương lại có những dạng cụ thể hơn nữa, kiến
thức lại phức tạp hơn.
Nghị luận văn chương gồm có nghị luận về một vấn đề văn học, một nhân vật
văn học, một tác phẩm hay đoạn trích văn học…Đó là chưa kể nhân vật thì có nhiều
kiểu, tác phẩm văn học thì có nhiều thể loại, với những đặc điểm không giống nhau.
3.Trong nội dung chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 7- tập II, Ngữ văn 8- tập
II và Ngữ văn 9- tập II, có đưa ra những bài học về cách thức tạo lập văn bản nghị
luận, nhưng chưa đầy đủ cụ thể hệ thống để đáp ứng được việc tạo lập các văn bản mà
đề ra quá phong phú, đa dạng. Thời lượng dành cho việc học tập thực hành các dạng
bài nghị luận cũng là quá ít ỏi, không đầy đủ ở tất cả các dạng, nhất là ở lớp 9.
Lớp 7: Gồm 14 tiết, tìm hiểu chung về đặc điểm bài văn nghị luận, cách làm bài
văn lập luận chứng minh, cách làm bài văn lập luận giải thích ( không kể tiết làm bài
kiểm tra).
Lớp 8: Gồm có 6 tiết, ôn tập về luận điểm và hướng dẫn cách sử dụng yếu tố
miêu tả, tự sự và biểu cảm vào bài văn nghị luận ( không kể tiết kiểm tra).
Lớp 9: Gồm có 14 tiết, hướng dẫn về về phép lập luận phân tích và tổng hợp,
cách làm bài nghị luận về sự việc hiện tượng đời sống; về một vấn đề tư tưởng đạo lí;
về một bài thơ đoạn thơ và về một tác phậm truyện hoặc đoạn trích.
So lượng kiến thức bài học tập làm văn với lượng thời gian hướng dẫn học trên
lớp cho học sinh lớp 9 như vậy là quá ít. Mỗi dạng lớn chỉ được học chung chung
trong ba bốn tiết học.
- Sách giáo khoa không có những bài hướng dẫn cụ thể cho cách làm bài văn lập
luận như cảm nhận, phân tích, bình luận, chứng minh…hay cách làm các bài văn với
đề mở, đề có tính chất tổng hợp cho từng đối tượng nghị luận riêng. Đặc biệt, không
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
2
có bài hướng dẫn cụ thể cách làm bài lập luận phân tích hay cảm nhận về từng đối
tượng cụ thể như: về một nhân vật văn học, về toàn bộ tác phẩm (đoạn trích), về một
phương diện yếu tố nội dung, nghệ thuật…của tác phẩm (đoạn trích); không có bài
học hướng dẫn cách làm bài lập luận bình luận hay giải thích, chứng minh về một vấn
đề tư tưởng đạo lí, chỉ hướng dẫn chung theo phương pháp bình luận;….
- Có ba bài viết văn hoàn chỉnh, thì cũng chỉ có thể lựa chọn được ba dạng bài ra
cho học sinh làm. Nếu làm nghị luận về hiện tượng đời sống thì không làm nghị luận
về vấn đề tư tưởng đạo lí. Còn khi làm nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích,
bài thơ hoặc đoạn thơ thì chọn đối tượng này lại mất đối tượng kia (Đối tượng ở đây
là cả bài, cả đoạn hay chỉ một phượng diện khía cạnh nào đó).
Nhưng đề thi khảo sát chất lượng văn hoá, đề tuyển sinh lớp 10, nhất là đề thi
học sinh giỏi Ngữ văn các cấp thì lại phong phú đa dạng hơn những gì các em được
trang bị qua chương trình sách giáo khoa, đề ra lại còn ngày càng mới lạ, vì ai ra đề
cũng không muốn lặp lại đề người khác ra rồi, năm trước làm rồi… Viết một bài nghị
luận đã được học đã khó, viết một bài không được hướng dẫn cụ thể trong chương
trình lại càng khó hơn.
4. Học sinh hiện nay, đa số không ham muốn học tập môn Ngữ văn, nhất là ngại
làm những bài văn. Thời gian các em chủ yếu đầu tư cho việc các môn thuộc khoa
học tự nhiên. Có lẽ ngoài nguyên nhân khách quan từ xã hội, thì một phần cũng do
làm văn quá khó, lại mất nhiều thời gian. “Công thức” làm văn cho các em lại không
được hình thành cụ thể. Các em không phân biệt rõ các thao tác nghị luận chính mà
mình sử dụng. Càng ngày, kĩ năng tạo lập văn bản của học sinh càng kém hơn, và rất
hiếm có những bài văn nghị luận có được sức hấp dẫn, thuyết phục bởi cách lập luận
rõ ràng, chính xác, đầy đủ và chặt chẽ từng luận điểm luận cứ…Bài viết của các em
khi thì sai về yêu cầu thao tác nghị luận, khi lại không sát, không đúng với nội dung
nghị luận của đề bài. Ví dụ, đề bài yêu cầu cảm nhận các em lại làm như một bài phân
tích, thiếu cảm xúc, thái độ tình cảm; đề bài yêu cầu nghị luận về một nội dung của
tác phẩm các em lại nghị luận về toàn bộ tác phẩm đó; các em không không phân biệt
được viết như thế nào là bài bình giảng, viết như thế nào là bài phân tích một đoạn thơ
bài thơ; hoặc khi nghị luận kết hợp giải quyết một ý kiến nào đó liên quan tới tác
phẩm, các em lại quên mất việc giải quyết ý kiến đó (quên giải thích ý kiến, quên
xoáy vào tác phẩm để làm rõ ý kiến) mà cứ sa vào nghị luận toàn bộ tác phẩm…
Nguyên nhân mấu chốt là học sinh thiếu kĩ năng hoặc còn non kém về kĩ năng
làm bài văn nghị luận.
Vậy nên, việc nâng cao mở rộng, luyện tập thêm cho học sinh kĩ năng làm bài
văn nghị luận là rất cần thiết.
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
3
II. Một số công trình, bài viết khác liên quan
Gần đây có một số công trình nghiên cứu, một số bài viết của các tác giả khác có
nội dung liên quan đến việc nâng cao kĩ năng làm bài văn nghị luận cho học sinh đã
được đăng tải, nhằm phục vụ cho việc dạy và học môn Ngữ văn ở bậc THCS và
THPT.
Bài viết của một số tác giả đăng rải rác trên các số “Tạp chí Văn học & Tuổi
trẻ”, giáo viên và học sinh có thể tham khảo thêm, nhưng vẫn rất khó vận dụng, nhất
là với học sinh lớp 9, vì nhiều nguyên nhân: có thể các ví dụ đưa ra đều ở chương
trình bậc trung học phổ thông ( bài viết “ Các dạng đề làm văn trong chương Ngữ
văn 12” gồm ba kì của Ths Nguyễn Văn Bính, đăng trên số báo tháng 9,10,11- 2009);
có thể bài viết phân biệt về lập luận cảm nhận và lập luận phân tích nhưng ví dụ chưa
toàn diện cho cả các đối tượng là bài thơ đoạn thơ, hay nhân vật văn học, hay tác
phẩm truyện ( Bài viết “ Cảm nhận và phân tích trong kiểu bài nghị luận văn
chương” của cô giáo Hoàng Thu Hà đăng trên số báo tháng 5- 2009)….
III. Các vấn đề nghiên cứu
Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9- THCS,
trong đó bao gồm cả việc cung cấp kĩ năng và rèn luyện kĩ năng. Cụ thể, trong đề tài
tôi trình bày các nội dung sau:
1. Phân biệt các thao tác nghị luận ( phép lập luận): giải thích, chứng minh,
cảm nhận, phân tích, suy nghĩ, bình giảng, bình luận. Trong đó lưu ý ở phép lập luận
phân tích và tổng hợp ( được học ở lớp 9), lưu ý những bài viết dành cho các đề mở
( không yêu cầu cụ thể phép lập luận cần sử dụng)
2. Kĩ năng làm bài nghị luận văn chương:
- Nghị luận về toàn bộ một bài thơ, đoạn thơ
- Nghị luận về toàn bộ một tác phẩm truyện hoặc đoạn trích, đoạn văn…
- Nghị luận về một chi tiết nghệ thuật của văn bản.
- Kĩ năng nghị luận một tác phẩm văn học kết hợp giải quyết một ý kiến nhận
định liên quan.
- Nghị luận tổng hợp, xâu chuỗi nhiều đối tượng văn học
- Kĩ năng so sánh văn học khi làm bài nghị luận văn chương
* Trong mỗi nội dung lớn nhỏ đều đã có ví dụ minh hoạ cụ thể. Phần cuối đề tài
là một số bài viết của các em học sinh đạt được trong và sau quá trình rèn luyện kĩ
năng làm văn này qua các năm học.
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
4
NỘI DUNG BÁO CÁO
* * *
Phần 1
KĨ NĂNG LÀM CÁC DẠNG BÀI VĂN
NGHỊ LUẬN VĂN CHƯƠNG
A. Mục tiêu cần đạt
Giúp HS:
- Hiểu và phân biệt được các phép nghị luận ( thao tác nghị luận) thường dùng trong
văn nghị luận: Giải thích, chứng minh, phân tích, cảm nhận, bình giảng, bình luận
- Biết phân biệt với phương pháp lập luận sử dụng trong một bài nghị luận cụ
thể: quy nạp, diễn dịch, tương đồng, tương phản, nhân quả, tổng phân hợp, …
- Kĩ năng sử dụng các thao tác nghị luận và phương pháp lập luận thông qua các
dạng bài nghị luận cụ thể đối với từng đối tượng nghị luận văn chương.
B. Nội dung dạy học
I. Bản chất của các phép nghị luận trong văn nghị luận
1. Các phép nghị luận trong văn nghị luận
* Giải thích:
- Từ điển: Giải thích là làm cho hiểu rõ
- SGK Ngữ văn 7- tập II viết: Giải thích trong văn nghị luận là làm cho người
đọc hiểu rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ…cần được giải thích nhằm nâng
cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.
Người ta giải thích bằng cách: nêu định nghĩa, kể ra các biểu hiện, so sánh, đối
chiếu với các hiện tượng khác, chỉ ra các mặt lợi hại, nguyên nhân, hậu quả, cách đề
phòng hoặc noi theo…của hiện tượng hoặc vấn đề được giải thích.
* Chứng minh:
- Từ điển: Chứng minh là làm cho thấy rõ là có thật, là đúng bằng sự việc hoặc lí lẽ
- SGK Ngữ văn 7- tập II viết: Chứng minh trong văn nghị luận là một phép lập
luận dùng những lí lẽ, bằng chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ luận
điểm mới (cần được chứng minh) là đáng tin cậy.
* Bình luận:
- Từ điển: Bình luận là bàn và nhận định đánh giá về về một tình hình, một vấn
đề nào đó
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
5
- SGK Văn 9 (cũ): Bình luận là kiểu bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình, đánh
giá xem vấn đề đúng hay sai, và bàn luận, mở rộng vấn đề để giải quyết một cách triệt
để toàn diện.
* Phân tích và tổng hợp:
- Từ điển: Phân tích là phân chia thật sự hay bằng tưởng tượng một đối tượng
nhận thức ra thành các yếu tố. Trái với tổng hợp.
- SGK Ngữ văn 9- tập II: Phân tích trong văn nghị luận là phép lập luận trình bày
từng bộ phận, phương diện của một vấn đề nhằm chỉ ra nội dung của sự vật hiện
tượng. Để phân tích nội dung của sự vật, hiện tượng, người ta có thể sử dụng các biện
pháp nêu giả thiết, so sánh, đối chiếu, …và cả phép lập luận giải thích, chứng minh.
Tổng hợp là phép lập luận rút ra từ những điều đã phân tích. Không có phân tích thì
không có tổng hợp.
* Bình giảng:
- Từ điển: Bình giảng là vừa bình vừa giảng. Bình là tỏ ý khen chê, nhằm đánh
giá bình phẩm. Giảng là trình bày kiến thức cặn kẽ cho người khác hiểu (giảng giải,
giảng nghĩa)
- Bình giảng trong văn nghị luận: Trong bài “ Muốn trở thành cây bút bình thơ”(
tập 45 – 1999), TS Chu Văn Sơn viết : “ Nhìn sâu vào bình giảng thì có thể thấy ngay
nó gồm có giảng và bình. Hai thao tác song song và chuyển hoá lẫn nhau này làm
thành văn bình giảng đó thôi. Bình về cơ bản là phần bình, là khen chê ( chủ yếu là
khen), là biểu dương. Thực chất là bộc lộ sự rung động, say mê, sự cảm kích, cảm
phục của mình trước áng văn, bài thơ, trước tâm hồn và tài hoa tác giả. Bộc lộ sự đánh
giá đề cao chân thành và sâu sắc về giá trị của các bình diện nào đó của tác phẩm hoặc
tác giả. Mà nói chung, ngọn nguồn của lời bình bao giờ cũng phải là sự đồng cảm.
Tiếng nói của người bình là tiếng nói tri âm, dù lời bình rất cần đến sự hoa mĩ của
ngôn từ. Còn giảng là giảng giải, là cắt nghĩa, lí giải. Bởi thế lời bình thường ngắn,
còn phần giảng lại phải dài. Nếu bình thiên về cảm, thì giảng thiên về hiểu. Bình
nghiêng về những rung động tâm hồn thì giảng nghiêng về nhận thức trí tuệ. Bình là
sự thăng hoa, sự cất cánh còn giảng là sự đào sâu làm cơ sở, làm điểm tựa, làm đòn
bẩy cho việc cất cánh. Giảng càng thông tuệ bao nhiêu, bình càng dễ thăng hoa bấy
nhiêu! Bởi thế trong hai thao tác này, giảng rất gần với phân tích. Người nào hay lẫn
với phân tích là do bình ít mà giảng nhiều.”
* Cảm nhận: - Từ điển: Cảm nhận là nhận biết bằng cảm tính hoặc bằng giác quan.
- Trong văn nghị luận: Cảm nhận là phép nghị luận vừa trình bày những nhận
thức, hiểu biết, suy nghĩ về đối tượng bằng cảm tính hoặc bằng giác quan; vừa trình
bày những cản xúc, đánh giá về đối tượng ấy.
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
6
Nghĩa là hiểu một cách nôm na rằng cảm nhận là phép lập luận có kết hợp giữa
phân tích và phát biểu cảm nghĩ ( học ở lớp 7), nhưng việc phân tích ở đây không đòi
hỏi phải chi tiết cặn kẽ như khi làm bài lập luận phân tích.
“ Cảm nhận xoáy vào những ấn tượng chủ quan của người viết” về đối tượng
nghị luận,“vì vậy yêu cầu người viết phải biết lắng nghe, chắt lọc những cảm xúc,
những rung động của chính mình” để viết; “ Cảm nhận nghiêng về “cảm”, còn phân
tích nghiêng về “ hiểu”. Nếu như phân tích tác động vào nhận thức, lí trí thì cảm
nhận tác động vào cảm xúc, tâm hồn”( Như cô giáo Hoàng Thu Hà viết trong Tạp chí
“ Văn học & Tuổi trẻ”- tháng 5-2009)
* Trình bày suy nghĩ, ý kiến:
- Từ điển: Suy nghĩ là vận dụng sự hoạt động của trí óc để tìm hiểu và giải quyết
vấn đề, từ một phán đoán và ý nghĩ này đi đến những phán đoán và ý nghĩ khác có
chứa tri thức mới.
Ý kiến là cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá riêng của mỗi người về sự vật, sự
việc hay một vấn đề nào đó.
- Trình bày suy nghĩ hay ý kiến trong bài văn nghị luận chính là phép nghị luận
đưa ra những hiểu biết, cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá riêng của mình về đối
tượng cần nghị luận.
Tóm lại, yêu cầu trình bày suy nghĩ hay nêu ý kiến cũng tương tự như yêu cầu
bình luận về đối tượng vậy.
2. Lưu ý thêm về phép phân tích và tổng hợp
* Phân tích
- Phân tích là chia hiện tượng sự vật thành những yếu tố, phương diện nhỏ để đi
sâu vào xem xét nội dung và mối quan hệ bên trong của các sự vật hiện tượng.
- Có nhiều sự vật, hiện tượng cần được phân tích: một văn bản, một hành vi, một
hiện tượng trong đời sống, một nhận định, một nhân vật…
- Phân tích là để làm rõ các đặc điểm về nội dung, hình thức cấu trúc, và các mối
quan hệ bên trong của sự vật hiện tượng và từ đó mà thấy được ý nghĩa của chúng.
- Phân tích vừa là một thuật ngữ dùng để chỉ một phép lập luận trong một đoạn
văn, một văn bản; vừa để chỉ một thao tác nghị luận chung. Phân tích có thể kết hợp
với những thao tác nghị luận khác (chứng minh, giải thích, bình luận, bình giảng),
những phương pháp lập luận khác ( tương phản tương đồng, so sánh, đối chiếu, diễn
dịch, tổng phân hợp….) để làm cho văn bản có sức thuyết phục, dễ hiểu…
TS Chu Văn Sơn đã viết trong bài “Muốn trở thành cây bút bình thơ” đăng trên
báo “Văn học & Tuổi trẻ” ( Tập 45 năm 1999) như sau: “ Thao tác cơ bản nhất của
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
7
văn nghị luận là phân tích. Bởi như bạn biết đấy, phân tích nếu chiết tự ra thì “phân”
hay “tích” đều có nghĩa là “cắt xẻ, tách ra”. Song tách ra không phải là để tách ra
mà như Từ điển đã định nghĩa “ Phân tích là cơ sở để tổng hợp, tổng hợp là mục tiêu
của phân tích”…Bởi đây là thao tác thông dụng nhất nên có thể định nghĩa cực
đoan: văn nghị luận là văn phân tích. Các thể văn cơ hồ chỉ khác nhau ở tính định
hướng, ở mục đích của việc phân tích thôi. Nếu phân tích nhằm minh hoạ, làm sáng
tỏ một vấn đề nào đó, ấy là bạn đang làm văn chứng minh. Còn phân tích nhằm cắt
nghĩa, lí giải một vấn đề nào đó thì sẽ là giải thích. Và tất nhiên, việc phân tích để
hướng vào bàn bạc tranh luận, trao đổi, đánh giá một vấn đề nào, thì tức là bạn đang
làm văn bình luận rồi…”
Như vậy muốn làm tốt các dạng bài nghị luận cần nắm vững kĩ năng phân tích,
vận dụng phân tích để luận điểm bài nghị luận đưa ra được rõ ràng, cụ thể,thuyết phục.
- Một số lưu ý cho việc phân tích:
a. Đối với một đoạn thơ, bài thơ: Phân tích là thường chia ra từng câu, từng
đoạn để xem xét nghệ thuật, nội dung. Cũng có trường hợp phân tích theo từng
phương diện nội dung của bài thơ, đoạn thơ.
VD: Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” (Huy Cận)
b. Đối với một tác phẩm truyện hoặc đoạn trích: Phân tích lại thường chia ra hai
phương diện nội dung và nghệ thuật để xem xét. Khi phân tích từng phương diện ấy
lại cần thiết xem xét kĩ sâu sắc ở từng nhân vật sự việc, từng đặc sắc nghệ thuật…
Cũng có khi phân tích theo bố cục, cuối cùng tổng hợp lại đặc sắc về nội dung và
nghệ thuật.
VD: Phân tích đoạn trích “ Chiếc lược ngà” ( Nguyễn Quang Sáng)
c. Đối với một nhân vật:
+ Nếu là nhân vật trữ tình: chủ yếu phân tích theo từng biểu hiện của diễn biến
tâm trạng, cảm xúc ( diễn biến này được thể hiện rõ qua cách tổ chức bố cục)
VD:- Phân tích hình tượng con hổ trong bài thơ “ Nhớ rừng” ( Thế Lữ)
- Tấm lòng của người cha trong bài thơ “ Nói với con” ( Y Phương)
+ Nếu nhân vật trong tác phẩm tự sự, thì cần chia ra phân tích trên các phương
diện cơ bản sau: Thứ nhất là cuộc đời, số phận, hoàn cảnh công việc…; thứ hai là
những đặc điểm phẩm chất, tính cách. Khi phân tích đặc điểm phẩm chất cũng nên
xem xét ở từng phẩm chất tiêu biểu một sao cho sâu sắc, cụ thể…Lưu ý đối với những
câu chuyện có cốt truyện tâm lí, nhân vật chủ yếu được xây dựng miêu tả về diễn biến
tâm lí thì khi phân tích có thể men theo các biểu hiện của tâm lí nhân vật đặt trong
những hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Và đề bài nhiều khi cũng yêu cầu cụ thể phân
tích về diễn biến tâm trạng của nhân vật.
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
8
VD1: Phân tích nhân vật Thuý Kiều trong đoạn trích “ Chị em Thuý Kiều” ( Nguyễn Du)
VD2: Diễn biến tâm trạng ông Hai( Truyện ngắn “ Làng”-Kim Lân) kể từ khi nghe tin
làng chợ Dầu theo giặc.
+ Nếu nhân vật là đối tượng trữ tình: Có thể phân tích như phân tích một nhân
vật tự sự, có thể men theo mạch cảm xúc của bài thơ để phân tích.
VD: Phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ “ Bếp lửa” ( Bằng Việt)
d. Đối với một phương diện của tác phẩm đoạn trích:Tuỳ theo nội dung đề yêu
cầu phân tích, mà chia tành từng yếu tố, từng biểu hiện nhỏ để xem xét, chứng minh,
làm rõ
* Tổng hợp:
- Là quá trình ngược lại với phân tích, là phép rút ra những điểm chung, khái
quát từ những đặc điểm, phương diện riêng lẻ vừa phân tích
- Có phân tích thì mới có tổng hợp. Nếu phân tích mà không tổng hợp thì sự phân
tích sẽ mất đi nhiều ý nghĩa. Tổng hợp khái quát mà không dựa vào phân tích thì sẽ
thiếu cơ sở, không thuyết phục. Chỉ có thể rút ra những kết luận đúng khi dựa trên sự
phân tích sâu sắc kĩ càng, xem xét sự vật hiện tượng một cách toàn diện, cụ thể…
- Tổng hợp thường diễn đạt bằng những câu cuối đoạn, những đoạn cuối bài và
thường có thể dùng các từ ngữ chuyển tiếp từ phân tích đến tổng hợp: Tóm lại, như
vậy, rõ ràng, nói một cách tổng quát,…
- Một số cách thức tổng hợp:
+ Tổng hợp sau khi phân tích một đoạn thơ, bài thơ, tác phẩm truyện…: là khái quát
lại toàn bộ những nét giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc nhất của bài thơ đoạn thơ.
VD: Tổng hợp sau khi phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” ( Truyện Kiều-
Nguyễn Du)
“ Kiều ở lầu Ngững Bích” là một trong những đoạn thơ tả chảnh ngụ tình thành công
nhất trong “Truyện Kiều”. Đoạn thơ cho thấy cảnh ngộ đáng thương của Thuý Kiều trong
những ngày đầu sau khi bán mình cho Tú Bà, Mã Giám Sinh, đồng thời ngợi ca tấm lòng thuỷ
chung, hiếu thảo, vị tha của nàng .”
+ Tổng hợp sau khi phân tích một nhân vật là khái quát lại về cuộc đời, đặc điểm
phẩm chất của nhân vật.
+ Tổng hợp sau khi phân tích một sự việc hiện tượng thì cần khái quát lại tất cả
những điều đã phân tích một cách ngắn gọn (chú ý ở nguyên nhân, lợi hại ).
VD: Phân tích cái hại của việc hút thuốc lá.
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
9
“Thuốc lá là một sản phẩm gây độc hại cho sức khoẻ con người. Hút thuốc lá không
những ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn làm sa sút, suy giảm về mọi mặt trong đời sống con
người và xã hội.Hãy không hút thuốc lá và tuyên truyền để mọi người cùng loại bỏ thuốc lá.
Như thế là chúng ta đã tự bảo vệ mình và bảo vệ mọi người.”
- Thường sau khi tổng hợp người ta còn đưa ra những nhận xét đánh giá
mang tính nâng cao, mở rộng về đối tượng phân tích.
+ Phân tích đoạn thơ bài thơ, tác phẩm truyện đoạn trích: Thì có thể đánh giá về
vị trí, sự thành công của nó trong sự nghiệp sáng tác của tác giả hoặc trong một giai
đoạn, một thời kì văn học…
VD: Phân tích đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích”…
“ Kiều ở lầu Ngững Bích” là một trong những đoạn thơ tả cảnh ngụ tình thành công
nhất trong “Truyện Kiều”. Đoạn thơ cho thấy cảnh ngộ đáng thương của Thuý Kiều trong
những ngày đầu sau khi bán mình cho Tú Bà, Mã Giám Sinh, đồng thời ngợi ca tấm lòng thuỷ
chung, hiếu thảo, vị tha của nàng . Qua đoạn thơ, Nguyễn Du đã chứng tỏ tài năng văn
chương xuất chúng của mình. Và quan trọng nhất, giàu tính nhân văn nhất vẫn là tấm lòng
nhân đạo cao cả của nhà thơ dành cho những người bất hạnh.”
+ Phân tích về một nhân vật thì có thể đánh giá về sự điển hình tiêu biểu của
nhân vật cho một tầng lớp, giai cấp hay một thế hệ…Cũng có thể đánh giá về vai trò
của nhân vật đối với sự thành công của tác giả, tác phẩm.
VD: Phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ “ Bếp lửa” ( Bằng Việt)
“ Hiện lên qua dòng hồi tưởng, suy ngẫm của người cháu là hình ảnh người bà với cuộc
đời và những phẩm chất tốt đẹp thật đáng ngợi ca, khâm phục. Hình ảnh bà phải chăng là
hình ảnh của quê hương đất nước. Cháu nhớ bà, trân trọng, biết ơn bà cũng chính là biểu hiện
cụ thể của tình yêu gia đình, tình yêu mảnh đất nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Ai cũng có một
tuổi thơ hạnh phúc bên bà, lớn lên từ chiếc nôi của gia đình và quê hương như thế. Vì vậy, đọc
bài thơ, ta như gặp lại người bà dấu yêu của mình, và được trở về với những ngày xưa tưởng
như đã ngủ quên trong kí ức.”
3 . Phân biệt phép nghị luận và phương pháp lập luận
a. Phép nghị luận ( còn gọi là thao tác nghị luận):
- Phép nghị luận có thể hiểu là phương pháp bàn và đánh giá cho rõ về một vấn
đề nào đó. Như đã trình bày ở trên thì mỗi phép nghị luận có những yêu cầu khác
nhau về mức độ, tính chất của việc bàn luận đánh giá một vấn đề. Chính phép nghị
luận đã chi phối tới ngôn ngữ, nội dung của bài nghị luận.
- Phép nghị luận thường được thể hiện rõ ngay ở yêu cầu đề bài nghị luận. Đó
chính là những mệnh lệnh đề.
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
10
b. Phương pháp lập luận
- Từ điển Tiếng Việt viết: “Lập luận là trình bày lí lẽ một cách có hệ thống, có
logic nhằm chứng minh cho một kết luận về một vấn đề.”
- Lập luận là một trong ba yếu tố cơ bản của bài văn nghị luận. SGK Ngữ Văn 7-
tập 2, trong bài “Đặc điểm của bài văn nghị luận” có viết: “ Mỗi bài văn nghị luận
đều phải có luận điểm, luận cứ và lập luận”. “ Lập luận là cách nêu luận cứ để dẫn
đến luận điểm. Lập luận phải chặt chẽ, hợp lí thì bài văn mới có tính thuyết phục.”
- Nếu phép nghị luận là yêu cầu chung cho tất cả những bài văn nghị luận có
cùng một dạng, thì phương pháp lập luận lại yêu cầu cụ thể cho từng bài văn, cho
từng đoạn văn, và bài văn đoạn văn nào cũng có thể lựa chọn sử dụng linh hoạt những
phương pháp lập luận (mỗi bài văn, đoạn văn là trình bày một luận điểm). SGK Ngữ
Văn 7- tập 2 viết ở bài “ Bố cục và phương pháp lập luận trong bài văn nghị luận”
như sau: “Để xác lập luận điểm trong từng phần và mối quan hệ giữa các phần ta có
thể sử dụng các phương pháp lập luận khác nhau như suy luận nhân quả, suy luận
tương đồng…”. Nghĩa là, ta có rất nhiều cách trình bày luận cứ để làm thuyết phục
luận điểm. Cụ thể:
+ Lập luận theo quan hệ nhân quả
+ Lập luận theo quan hệ tương đồng hoặc tương phản
+ Lập luận theo quan hệ tổng- phân- hợp
+ Lập luận quan hệ diễn dịch hay quy nạp
…
Như vậy, học sinh cần nắm vững các phép nghị luận và các phương pháp lập
luận để làm được bài nghị luận đúng yêu cầu, chặt chẽ và thuyết phục.
II. KĨ NĂNG LÀM CÁC DẠNG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN CỤ THỂ
II.1 Kĩ năng làm bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
1. Kĩ năng chung
- Đọc kĩ bài thơ, đoạn thơ để nắm được nội dung và nghệ thuật cơ bản
- Nắm được những thông tin xuất xứ: tác giả, hoàn cảnh ra đời bài thơ. Đặc biệt
phải thấy được sự chi phối của phong cách nghệ thuật của tác giả và hoàn cảnh ra đời
đến giá trị bài thơ, đoạn thơ.
- Nghị luận về bài thơ, đoạn thơ thường phải bám vào các đặc điểm riêng của thơ
ca nhất là đặc trưng về nghệ thuật để khai thác làm rõ nội dung nghị luận. Đó là thể
thơ, là hình ảnh, ngôn từ, giọng điệu, các biện pháp tu từ…Vì vậy, có thể đặt các câu
hỏi sau để định hướng cho việc nghị luận
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
11
+ Nội dung chủ yếu của bài thơ, đoạn thơ là gì?
+ Có thể chia bố cục của bài thơ, đoạn thơ không?
+ Bài thơ, đoạn thơ sử dụng những từ ngữ nào hay, độc đáo? Giá trị biểu đạt là gì?
+ Biện pháp tu từ nào được sử dụng có hiệu quả và hiệu quả như thế nào?
+ Trong bài thơ, đoạn thơ có những hình ảnh nào cần phân tích? Phân tích ra sao?
+ Giọng điệu chủ đạo của bài thơ, đoạn thơ như thế nào?
+ Bài thơ, đoạn thơ gợi liên tưởng đến đoạn thơ, bài thơ nào?
+ …
- Tuỳ theo yêu cầu về thao tác nghị luận và đối tượng nghị luận cụ thể để có cách
khai thác, lập luận và diễn đạt phù hợp. Khi làm bài có thể vận dụng phép so sánh đối
chiếu với những câu thơ, đoạn thơ khác của tác giả hoặc của tác giả khác. Nếu là đề
mở, cần vận dụng linh hoạt các thao tác nghị luận phù hợp, có hiệu quả, nhất là thao
tác giảng bình.
2. Kĩ năng làm bài nghị luận về một đoạn thơ
- Khi nghị luận cần đặt đoạn thơ trong mạch cảm xúc chung của toàn bài để có
những lí giải phù hợp.
- Sau khi phân tích, bình giá những khía cạnh nội dung và nghệ thuật, cần đánh
giá vẻ đẹp riêng của đoạn thơ đó và vai trò vị trí của đoạn thơ đối với cả bài. Thậm
chí từ một đoạn thơ, cần bước đầu thấy được phong cách nghệ thuật của tác giả.
- Dàn bài :
a. Mở bài:
+ Giới thiệu khái quát về tác giả (chỉ nên giới thiệu vị trí văn học của tác giả,
không đi sâu vào các phương diện khác)
+ Giới thiệu về bài thơ
+ Dẫn đoạn thơ cần nghị luận và nêu khái quát những ấn tượng chung về đoạn
thơ đó ( hoặc nên khái quát nội dung đoạn thơ)
b.Thân bài: Tiến hành nghị luận về các yếu tố nghệ thuật, các phương diện nội
dung của đoạn thơ. Chú ý làm nổi bật và nhấn mạnh hơn ở những đặc sắc về nội dung
và nghệ thuật. Mức độ phân tích, đánh giá, nhận xét, và bày tỏ cảm xúc, tình cảm của
mình về đoạn thơ cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu về thao tác nghị luận
cơ bản của từng đề ra.
c. Kết bài: Đánh giá vai trò ý nghĩa của đoạn thơ trong việc thể hiện chủ đề tư
tưởng của toàn bài. Nêu những cảm nghĩ, ấn tượng sâu đậm nhất về đoạn thơ.
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
12
VD : Cho đoạn thơ:
“ Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
( Sang thu – Hữu Thỉnh)
a. Đặt câu hỏi để định hướng khai thác đoạn thơ
b. Viết đoạn văn trình bày cảm nhận về đoạn thơ trên.
c. Viết đoạn văn phân tích đoạn thơ trên.
Gợi ý:
a. Hệ thống câu hỏi có thể là:
- Đoạn văn có những từ ngữ nào đặc sắc? Tác dụng như thế nào?( Một loạt phó từ : vẫn,
đã, cũng kết hợp với những động từ diễn tả sự tồn tại:còn, vơi, bớt -> sự biến đổi rất tinh tế
của các hiện tượng tự nhiên, của thời tiết, khí hậu lúc sang thu)
- Biện pháp tu từ nghệ thuật có giá trị trong đoạn thơ là gì? ( Biện pháp nhân hoá-ẩn dụ:
Sấm- ẩn dụ cho những vang động, những bất thường, sóng gió của cuộc sống; hàng cây đứng tuổi
ẩn dụ cho những con người đã “sang thu” già dặn, chín chắn,…-> Ý nghĩa triết lí về cuộc
sống…)
- Giọng điệu đoạn thơ như thế nào? ( nhẹ nhàng, sâu lắng, đậm chất suy tư-> bài học ý
nghĩa càng trở nên thấm thía sâu sắc với người đọc, người nghe)
- Nội dung bao trùm đoạn thơ là gì? ( diễn tả tinh tế những biến chuyển rõ rệt của thời
tiết, khí hậu lúc sang thu và đưa ra bài học triết lí về con người, về cuộc đời).
- Vai trò, vị trí của đoạn thơ đối với bài thơ như thế nào? ( đoạn thơ không chỉ góp phần bổ
sung, hoàn chỉnh bức tranh sang thu của thiên nhiên đất trời và sự sang thu của đời người mà còn
thể hiện những bài học chiêm nghiệm quý giá về cuộc đời con người. Với nội dung ấy đoạn thơ đã
góp phần không nhỏ đối với thành công và giá trị, sức sống lâu bền của toàn bài thơ…)
b. Viết đoạn văn trình bày cảm nhận về đoạn thơ trên.
Tham khảo:
“ …Vẫn là nắng mưa, sấm chớp, bão giông như mùa hạ, nhưng mức độ đã khác rồi. Để
ý sẽ thấy cái gì cũng bắt đầu đi vào chừng mực, vào thế ổn định. Và cái “đứng tuổi” của cây
là một cái chốt cửa để mở sang một thế giới khác: Thế giới sang thu của hồn người. Vẻ chín
chắn điềm tĩnh của cây trước sấm sét bão giông hay đó chính là sự từng trải chín chắn của
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
13
con người sau những dâu bể của cuộc đời?Ở vào cái tuổi ấy, con người một mặt sâu sắc thêm,
mặt khác lại khẩn trương gấp gáp hơn vì quỹ thời gian không còn nhiều nữa. Thì ra trước mắt
việc đi mãi, ngoảnh đầu thu đến rồi. Bốn mùa luân chuyển vô hình, lặng lẽ: bỗng chợt thu.
Đời người vất vả, tất bật bận rộn, lo toan bỗng chốc thấy mái tóc pha sương: sững sờ nhìn
mình cũng đã sang thu. Hiểu như vậy ta càng thấy trân trọng biết bao với tâm hồn nhạy cảm
trước những đổi thay của thiên nhiên đất trời, với tình yêu thiên nhiên, niềm tha thiết yêu cuộc
sống của nhà thơ. Và cũng thực sự cảm ơn nhà thơ đã đem đến cho người đọc chúng ta
những triết lí sâu sắc về sự từng trải của đời người.
b. Phân tích đoạn thơ trên.
Tham khảo:
“ Sang thu, cảnh vật thời tiết thay đổi. Tất cả còn những dấu hiệu mùa hạ nhưng đang
giảm dần mức độ, cường độ từ gay gắt chuyển hoá thành êm dịu. Phép tiểu đối giữa “nắng”
và “mưa”, “vẫn còn” và “đã vơi” “ cũng bớt” thể hiện sự phân hoá mong manh giữa hai
mùa.Bởi vì làm sao có thể đong đếm đầy vơi những dấu hiệu của thiên nhiên lúc giao mùa.
Khi đất trời sang thu, những hàng cây lâu năm không còn bất ngờ trước những tiếng sám
chuyển mùa nữa. “ Sấm” và “ hàng cây đứng tuổi” là những hình ảnh ẩn dụ được nhà thơ sử
dụng một cách có chọn lọc. “Sấm” chỉ những vang động sóng gió của cuộc đời. Còn “hàng
cây đứng tuổi” chỉ những con người từng trải, thường điềm tĩnh hơn, chín chắn thêm trước
những vang động sóng gió cuộc đời. Rõ ràng, từ những thay đổi của mùa thu thiên nhiên, khổ
thơ gợi chúng ta liên tưởng đến sự thay đổi của mùa thu đời người, và cũng từ những thay đổi
của đời người mà khổ thơ cho ta bài học triết lí sâu sắc về cuộc đời con người: hãy biết chấp
nhận, bình tĩnh đối mặt với hiện thực cuộc sống để ta dày dạn hơn, có ý chí nghị lực hơn;
đồng thời hãy mở rộng lòng mình để yêu thiên nhiên, yêu đất nước con người, yêu cuộc đời
như nhà thơ đã sống và đã yêu.”
3. Kĩ năng làm bài nghị luận về một bài thơ
Các đối tượng của đề bài nghị luận về một bài thơ là rất phong phú đa dạng. Có
thể nghị luận về toàn bộ bài thơ, có thể nghị luận về một phương diện của bài thơ:
một nhân vật trữ tình, một khía cạnh nội dung hay nghệ thuật tiêu biểu…Mỗi đối
tượng ấy cũng có một số kĩ năng riêng . Cụ thể:
Dạng 1: Nghị luận về toàn bộ bài thơ
- Cần phát hiện mạch cảm xúc của bài thơ và mạch cảm xúc ấy chi phối bố cục
bài thơ như thế nào? Nắm vững nội dung từng phần, từng đoạn một cách cụ thể.
- Vì là nghị luận cả bài nên ở nhiều câu, nhiều đoạn không bắt buộc phải khai
thác kĩ như nghị luận về một đoạn. Người viết cần biết lướt qua, tóm lược ở những
đoạn, những câu không góp phần nhiều vào việc thể hiện giá trị của bài thơ.
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
14
- Cần thấy được vị trí của bài thơ đối với sự nghiệp của tác giả, cũng như của cả
một giai đoạn văn học, một thời kì văn học, thậm chí là cả của nền văn học dân tộc.
- Có những bài thơ, nhất là những bài thơ dài, người viết có thể trình bày cách
cảm, cách hiểu của mình theo chiều dọc ( về từng phương diện nội dung của bài). Khi
khai thác từng phương diện cũng yêu cầu khai thác cả những tín hiệu nghệ thuật đặc
sắc góp phần diễn đạt nội dung ấy.
- Dàn bài chung:
a. Mở bài
+ Giới thiệu khái quát về tác giả ( vị trí văn học, phong cách nghệ thuật của tác
giả mà không đi sâu vào những phương diện khác).
+ Giới thiệu bài thơ, nội dung bao trùm bài thơ
+ Bước đầu đánh giá về bài thơ đó (tuỳ theo đề bài và nội dung cụ thể của bài thơ
mà đưa ra những đánh giá, nêu ấn tượng cho phù hợp…)
b.Thân bài
+ Có thể nêu sơ qua hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
+ Tiến hành thuyết minh, phân tích, bình giảng, nêu cảm xúc về lần lượt từng
khổ thơ đoạn thơ (theo bố cục) các phương diện cụ thể của bài thơ. Chú ý, làm nổi bật
được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Trong khi trình bày, có thể liên hệ so
sánh với những bài thơ, đoạn thơ, câu thơ khác để ý được nổi bật, thuyết phục.
c.Kết bài:
+ Đánh giá vai trò vị trí của bài thơ đối với sự nghiệp văn học của tác giả, đối với
văn học dân tộc nói chung
+ Khẳng định lại những cảm xúc, những suy nghĩ tâm đắc nhất về bài thơ.
Ví dụ: Cảm nhận về bài thơ “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của
Nguyễn Khoa Điềm.
1. Mở bài: Giới thiệu bài thơ và nêu những ấn tượng chung về bài thơ
2. Thân bài:
- Cảm nhận chung về hình thức kết cấu bố cục của bài thơ: chia ba đoạn, với ba khúc ru,
ba khúc ru có sự đan xen lời ru của tác giả và lời ru của người mẹ dành cho em bé. Ba khúc
ru được lặp lại những câu đầu, được sắp xếp theo trình tự tăng tiến, với sự mở rộng về không
gian, về tính chất công việc người mẹ làm, đặc biệt về sự nâng cao phát triển trong tình cảm,
ước mơ của người mẹ…Nhờ thế vẻ đẹp của hình tượng người mẹ cũng như tình cảm của tác
giả dành cho mẹ cũng được nhấn mạnh, tô đậm hơn lên.
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
15
- Lần lượt cảm nhận cụ thể:
+ Vẻ đẹp của người mẹ Tà Ôi: một người phụ nữ giàu tình yêu thương, giàu ước mơ và
giàu nghị lực… Đó là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống lao động và chiến
đấu, vẻ đẹp của những người mẹ anh hùng.
+ Tình cảm thái độ của tác giả dành cho mẹ: sự thấu hiểu, cảm thương, niềm trân trọng,
khâm phục, ngợi ca tự hào…
* Lưu ý: Có thể theo một trong hai cách: Cảm nhận từng khúc ru hoặc cảm nhận về hình
tượng thơ: Người mẹ và tình cảm tác giả…Ở đây hướng dẫn theo cách thứ hai, cảm nhận về
hình tượng thơ. Khi trình bày phải biết dừng lại ở những câu thơ, từ ngữ đặc sắc để cảm nhận
sâu kĩ hơn, làm xoáy trọng tâm…)
3. Kết bài: Khẳng định giá trị của bài thơ về cả nội dung và nghệ thuật; nâng cao, mở rộng.
Dạng 2: Nghị luận về một phương diện của bài thơ
-Vì chỉ cảm nhận về một phương diện nội dung hay nghệ thuật của bài thơ, nên
khi làm bài tránh phân tích, cảm nhận cả bài. Và như vậy không thể khai thác theo bố
cục bài thơ được.
- Nếu nghị luận về một phương diện nội dung bài thơ thì người viết phải biết
chọn những biểu hiện như hình ảnh, câu từ nào trong bài thơ liên quan đến phương
diện cần nghị luận để phân tích, chứng minh.
- Nếu nghị luận về phương diện nghệ thuật thì phải phát hiện và phân tích tất cả
những yếu tố nghệ thuật tiêu biểu. Sau đó phải tìm hiểu xem vẻ đẹp nghệ thuật ấy thể
hiện tập trung nhất ở những yếu tố nào như hình ảnh thơ, nhạc điệu, từ ngữ, các biện
pháp tu từ…. Nhưng không phải chỉ đơn thuần là nghị luận về nghệ thuật mà điều cần
thiết, quan trọng ở dạng bài này là người viết phải biết phân tích đánh giá được những
nghệ thuật ấy nhắm biểu đạt nội dung, tư tưởng nào mà tác giả gửi gắm. Nếu không
nghệ thuật có hay có đặc sắc đến mấy cũng thành vô nghĩa.
- Sau khi làm xong phải biết đánh giá giá trị, vai trò của phương diện nội dung
hay nghệ thuật vừa nghị luận đối với giá trị của toàn bài thơ.
- Dàn bài :
Mở bài: Giới thiệu bài thơ và phương diện nội dung hay nghệ thuật mà đề bài
yêu cầu nghị luận. Đồng thời nêu ấn tượng chung về giá trị của phương diện đó trong
toàn bài thơ.
Thân bài: Bám vào bài thơ để tìm các hình ảnh, câu từ liên quan đến vấn đề
nghị luận để khai thác trình bày.
Kết bài: Khẳng định giá trị chung của cả bài thơ nói chung và của nội dung vừa
nghị luận nói riêng. Có thể liên hệ mở rộng.
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
16
Ví dụ 1: Vẻ đẹp của tình bà cháu trong bài thơ “Bếp lửa” ( Bằng Việt)
a. Mở bài: giới thiệu tình bà cháu trong bài thơ và ấn tượng chung về tình cảm đó.
b. Thân bài:
* Vẻ đẹp của tình bà thiêng liêng, cao cả
- Bà đã hết lòng yêu thương, dạy bảo, chăm sóc cháu, sẻ chia những buồn vui cùng
cháu. bà vừa là người bà của cháu, đồng thời cũng là người mẹ người cha, người bạn của
cháu vậy.
- Bà đã thắp sáng lên ngọn lửa của tình yêu thương, của ý chí nghị lực, của sức sống
mãnh liệt và niềm tin tưởng trong lòng cháu
-> Bà là người chuẩn bị cho cháu đầy đủ hành trang để vào đời, để cháu lớn khôn
trưởng thành; là người nhóm lửa, giữ lửa, truyền lửa cho bao thế hệ cháu con…
* Vẻ đẹp của tình cháu dành cho bà: Sâu nặng, chân thành…
- Cháu thương bà vất vả, khó nhọc, lo lắng và quan tâm bà…
- Biết nghe lời bà
- Cháu yêu quý, tự hào, ngợi ca, biết ơn bà
- Khi xa bà cháu đã nhớ bà da diết khôn nguôi, nỗi nhớ mang nặng cả tình thương yêu,
lòng biết ơn, quý trọng…
* Để diễn tả tình bà cháu cao đẹp như vậy nhà thơ đã thành công trong việc lựa chọn
thể thơ 8 chữ, trong xây dựng hình ảnh mang nhiều ý nghĩa, cách dùng điệp từ điệp ngữ…
=> Tình bà cháu đựơc thể hiện trong bài thơ rất chân thành cảm động. Càng cảm động
và thiêng liêng hơn khi tình cảm ấy được gắn liền hoà quyện với tình yêu quê hương đất nước.
Mỗi chúng ta cần biết trân trọng nâng niu, bồi đắp tình cảm gia đình cho mình…
c. Kết bài: Khẳng định vẻ đẹp của tình bà cháu trong bài thơ
- Liên hệ tình bà trong những tác phẩm khác và trong thực tế cuộc sống.
Ví dụ 2: Sức hấp dẫn của cách nói “không có” trong “Bài thơ về tiểu điệu đội xe
không kính” của Phạm Tiến Duật.
a. Mở bài:
- Giới thiệu bài thơ
- Khẳng định sức hấp dẫn của cách nói “Không có”, tạo nên vẻ đẹp độc đáo, ấn tượng
cho bài thơ.
b. Thân bài:Trình bày phân tích, lí giải sức hấp dẫn của cách nói “không có”
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
17
* Trước tiên từ cách nói “không có”, nhà thơ đã xây dựng được một hình tượng thơ lạ-
hình tượng những chiếc xe không kính.
* Nói về những chiếc xe với rất nhiều những cái “không có” là Phạm Tiến Duật nhằm
tôn nổi hơn những cái “có” trong vẻ đẹp tâm hồn những người lính lái xe: có tinh thần ung
dung, bình tĩnh; có thái độ coi thường bât schấp gian khổ hiểm nguy; có tâm hồn lạc quan, trẻ
trung, lãng mạn ; và trên hết là có trái tim yêu nước và ý chí quyết chiến quyết thắng.
* Khẳng định, đánh giá: Cách nói “không có” là nghệ thuật đòn bẩy, nghệ thuật tương
phản đối lập làm nổi bật cái “có”, tạo nên một tứ thơ mới lạ, độc đáo cho bài thơ. Cách nói
“không có” cũng tạo nên giọng điệu hào hùng, hóm hỉnh, tếu táo rất lính- nét đặc sắc trong
thơ Phạm Tiến Duật thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
c. Kết bài: Ấn tượng về bài thơ, về tác giả từ cách nói “ không có”.
( GV có thể đọc bài viết của Nguyễn Minh Trang- Lớp 9,
THCS Chu Văn An- Hải Phòng, đăng trên “Văn học & Tuổi trẻ”cho HS tham khảo)
Dạng 3: Nghị luận về nhân vật trữ tình trong bài thơ
- Nhân vật trữ tình ở đây là người bày tỏ thể hiện cảm xúc, chứ không phải là
nhân vật là đối tượng trữ tình trong bài thơ. Vậy nên, nghị luận về nhân vật này là
nghị luận về diễn biến tâm trạng, tình cảm cảm xúc của nhân vật thể hiện trong bài
thơ. Có nhân vật trữ tình trực tiếp ( thường là tác giả, tự xưng) và nhân vật trữ tình
nhập vai ( nhập vai vào một nhân vật khác, nhưng đằng sau đó vẫn là tâm tư tình cảm
của tác giả gửi gắm thể hiện).
- Tâm trạng cảm xúc của nhân vật trữ tình luôn có sự vận động, phát triển thay
đổi. Muốn nắm bắt được điều này, thường chúng ta nên phân chia bài thơ ra từng
phần đoạn tương ứng với tính chất, đặc điểm và ý nghĩa của tâm trạng được thể hiện
trong đó.
- Lần theo mạch cảm xúc đó để phân tích, trình bày những suy nghĩ, nhận xét của
mình.Khi trình bày cần cùng lúc phải chú ý hai điểm: Một là các tín hiệu nghệ thuật
tiêu biểu ( chi tiết, hình ảnh, cách ngắt nhịp, cách dùng từ, biện pháp tu từ… ). Hai là,
tâm tư tình cảm mà tác giả thể hiện qua những tín hiệu nghệ thuật đó.
- Sau khi phân tích cần tổng hợp, khái quát nâng cao theo cách định danh, gọi tên
cho tâm trạng, cảm xúc, tình cảm.
- Có thể liên hệ tới tâm trạng của những nhân vật khác tương đồng hoặc tương
phản để bài viết sâu sắc hơn.
- Nên có những lời bình, bày tỏ thái độ nhận xét của mình về nhân vật để bài viết
có dấu ấn riêng.
Tóm lại, có thể đặt ra và trả lời những câu hỏi sau:
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
18
+ Nhân vật trữ tình trong bài thơ thuộc kiểu nhân vật nào?
+ Bài thơ có thể chia những phần đoạn như thế nào? Mỗi phần đoạn ấy thể hiện tâm
trạng cảm xúc gì của nhân vật? Những tín hiệu nghệ thuật nào góp phần diễn tả tâm
trạng, cảm xúc ấy?Tình cảm cảm xúc của nhân vật đó gợi liên tưởng đến nhân vật nào?
+ Tâm trạng cảm xúc của nhân vật trữ tình có thể là tiểu biểu cho thế hệ, tầng lớp
nào không?
- Dàn bài chung
a. Mở bài
+ Dẫn dắt giới thiệu nhân vật
+ Nêu ấn tượng chúng về nhân vật đó
b.Thân bài: Lần lượt nghị luận về các biểu hiện, các sắc thái cảm xúc tâm trạng,
tình cảm của nhân vật thể hiện trong bài thơ dựa theo mạch cảm xúc của bài. Mỗi biểu
hiện nên trình bày thành một đoạn riêng, có liên kết để sau đó nâng cao, đánh giá về
tư tưởng, tình cảm của nhân vật.
c.Kết bài:
Đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ để khẳng định lại tâm trạng, cảm xúc của
nhân vật và đánh giá về vai trò ý nghĩa của việc thể hiện những tâm trạng ấy trong giá
trị chung của toàn bộ bài thơ.
+ Suy nghĩ và rút ra bài học…
Ví dụ: Những cảm xúc, suy nghĩ của nhà thơ Thanh Hải thể hiện qua bài thơ “ Mùa
xuân nho nhỏ”.
* Dàn bài:
a. Mở bài:
- Giới thiệu bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải
- Nhấn mạnh: đọc bài thơ, ta xúc động, trân trọng biết bao trước những cảm xúc, tình
cảm chân thành mà thi nhân gửi gắm thể hiện.
b. Thân bài: Lần lượt trình bày các luận điểm nhỏ sau
- Trước hết đó là niềm say mê, ngây ngất, là tình yêu thiết tha của Thanh Hải trước vẻ
đẹp của mùa xuân thiên nhiên, đất trời ( phân tích tín hiệu nghệ thuật làm rõ)
- Không chỉ vậy nhà thơ còn hết sức tự hào, hạnh phúc, sướng vui trước mùa xuân của
đất nước, trước sức trỗi dậy vươn lên, sự phát triển mạnh mẽ của dân tộc ta trong thời kì đổi
mới.( phân tích dẫn chứng)
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
19
- Càng yêu mến, tự hào về quê hương đất nước, nhà thơ càng thiết tha, khao khát được
cống hiến, đóng góp một phần nhỏ bé của mình- một mùa xuân nho nhỏ, mong muốn nhắn nhủ
mọi thế hệ chúng ta hãy chung tay vào góp sức xây dựng đất nước để cho mùa xuân đất nước
sẽ càng tươi đẹp hơn. ( phân tích dẫn chứng)
- Cả bài thơ là một khúc ca xuân, một khúc ca tự hào, ngợi ca đất nước quê hương
( phân tích kĩ hơn ở khổ cuối) của nhà thơ, của những con người yêu đất nước thiết tha.
c. Kết bài:
- Khẳng định: Tình yêu thiên nhiên, đất nước với những cảm xúc chân thành thiết tha
của Thanh Hải chính là một nội dung cơ bản làm nên giá trị, sức sống lâu bền của bài thơ.
- Cảm nghĩ, rút ra bài học cho bản thân, cho thế hệ trẻ về lí tưởng sống, cống hiến…
*** Lưu ý: Nếu nhân vật là đối tượng trữ tình thì phân tích, khai thác như nhân
vật trong tác phẩm tự sự ( theo từng đặc điểm, từng biều hiện về ngoại hình, về cuộc
đời, cuộc sống, về cử chỉ, hành động….khái quát lên phẩm chất tính cách nhân vật).
II.2. Kĩ năng làm bài nghị luận về một tác phẩm truyện(đoạn trích)
1. Kĩ năng chung
- Đối với một tác phẩm truyện hoặc đoạn trích, khi nghị luận ta cần chú ý khai
thác những yếu tố hình thức như nghệ thuật xây dựng cốt truyện, tình huống truyện,
nghệ thuật miêu tả xây dựng nhân vật ( thông qua ngoại hình, cử chỉ, hành động, lời
nói, nội tâm…), việc sáng tạo những chi tiết, những hình ảnh giàu ý nghĩa, hay việc
sử dụng các biện pháp tu từ…Từ đó làm toát lên giá trị nội dung của tác phẩm ( nội
dung hiện thực, nội dung tư tưởng).
- Cần đọc kĩ tác phẩm hoặc đoạn trích để khái quát được giá trị nội dung và nghệ
thuật cơ bản. Biết tóm tắt đầy đủ các sự việc, nội dung chính mà tác phẩm( đoạn trích) kể
lại, biết hệ thống các nhân vật và mỗi nhân vật ấy thuộc kiểu loại nhân vật nào. Đồng
thời ghi nhớ, thuộc lòng những chi tiết, hình ảnh tiêu biểu viết về nhân vật, sự việc…
- Tìm hiểu thêm những thông tin về tác giả và hoàn cảnh ra đời tác phẩm để hỗ
trợ cho việc nghị luận được sâu sát.
- Nghị luận về một tác phẩm văn xuôi thường có đối tượng yêu cầu là:
+ Nghị luận về toàn bộ tác phẩm
+ Nghị luận về một phương diện nội dung (Giá trị nội dung cụ thể, một nhân vật
cụ thể của tác phẩm)
+ Nghị luận về một nét đặc sắc trong nghệ thuật tác phẩm (nghệ thuật miêu tả
xây dựng nhân vật, xây dựng tình huống)
+ Nghị luận về đặc điểm phong cách của tác giả qua tác phẩm.
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
20
Mỗi đối tượng nghị luận như thế cần vận dụng phương pháp làm bài phù hợp,
tránh sai lạc, thiếu sót.
2. Kĩ năng làm bài cụ thể đối với từng đối tượng
Dạng 1: Nghị luận về toàn bộ tác phẩm ( hoặc đoạn trích)
- Vì là nghị luận về toàn bộ tác phẩm nên cần chú ý nghị luận đầy đủ trên cả hai
phương diện: giá trị nội dung và nghệ thuật ( như đã trình bày trên). Thường thì trước
khi nghị luận, cần tóm tắt tác phẩm hoặc đoạn trích, rồi nghị luận về giá trị nội dung,
nghệ thuật.
+ Mỗi tác phẩm phản ánh và thể hiện một nội dung riêng, nên cần nhận ra nội
dung hiện thực của tác phẩm là gì để nghị luận về bức tranh hiện thực đó thông qua
việc cảm nhận phân tích về các nhân vật, sự việc, các chi tiết liên quan. Có thể trình
bày thành những đoạn riêng biệt đối với từng biểu hiện của giá trị hiện thực ( Hiện
thực đời sống, số phận con người, hay hiện thực bức tranh xã hội đất nước…).Từ nội
dung hiện thực, chuyển qua nghị luận về giá trị nội dung tư tưởng (tư tưởng nhân đạo,
tư tưởng yêu nước, những triết lí suy ngẫm của tác giả thể hiện qua tác phẩm, sức
sống mãnh liệt của con người…)
+ Cần khái quát được những nét nghệ thuật thành công của tác phẩm, chọn và
phân tích chứng minh một số nét nghệ thuật tiêu biểu nhất như nghệ thuật xây dựng
nhân vật, tạo tình huống… (có dẫn chứng).
Trình tự trình bày giữa các các ý, các đoạn là do người viết lựa chọn sao cho
phù hợp, dễ lập luận…
- Đánh giá khái quát được giá trị, vị trí của tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của
tác giả và sự đóng góp của tác giả vào nền văn học nước nhà.
- Trong qua trình nghị luận có thể dùng phương pháp so sánh với những tác
phẩm tác giả khác để bài viết sâu sắc hơn.
- Dàn bài chung:
a. Mở bài:
+ Giới thiệu về tác phẩm, đoạn trích ( xuất xứ, giá trị)
+ Nêu ấn tương chung về tác phẩm, đoạn trích
b. Thân bài: Nên lần lượt trình bày các ý cơ bản sau
+ Tóm tắt thật ngắn gọn nội dung hoặc cốt truyện của tác phẩm đề làm nền cho
việc nghị luận về giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm.
+ Nghị luận về giá trị nội dung (thường tiến hành trước): Mỗi nội dung trình bày
một đoạn, có phân tích nhân vật, sự việc để làm rõ.
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
21
+ Nghị luận về nghệ thuật: Chỉ cần trình bày một đoạn, tập trung phân tích kĩ ở nét
nghệ thuật thành công nhất, còn những nghệ thuật khác có thể chỉ cần liệt kê ra mà thôi.
c. Kết bài: Khẳng định, nâng cao về giá trị tp, tài năng nghệ thuật, tư tưởng tình
cảm của tác giả cũng như những đóng góp của tác phẩm, tác giả vào văn học nói
chung.
Ví dụ: Cảm nhận về “ Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.
a. Mở bài: Giới thiệu tác giả tác phẩm và nhận xét chung: đây là một tác phẩm rất có giá
trị, để lại nhiều những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc người nghe.
b. Thân bài:
* Tóm tắt tp (theo nhân vật)
* Nghị luận về giá trị nội dung
- Nội dung hiện thực
- Nội dung nhân đạo
* Nghị luận về giá trị nghệ thuật
c. Kết bài:Khẳng định nâng cao giá trị tác phẩm…
Dạng 2. Nghị luận về một phương diện nội dung hay nghệ thuật của tác
phẩm, đoạn trích
1. Vì chỉ nghị luận về một phương diện, khía cạnh nào đó trong toàn bộ tác
phẩm, đoạn trích nên chỉ cần dựa vào những chi tiết, sự việc, nhân vật tiêu biểu thể
hiện cho phương diện, khía cạnh đó mà tập trung phân tích, cảm nhận. Tránh sa vào
nghị luận toàn bộ tác phẩm hoặc nghị luận lạc sang đới tượng khác.
2. Dàn bài:
a. Mở bài:
- Giới thiệu chung về tác phẩm, đoạn trích
- Nêu phương diện vần đề cần nghị luận mà đề bài yêu cầu
b. Thân bài: Tiến hành nghị luận về những biểu hiện cụ thể của vấn đề. Mội biểu
hiện có thể trình bày thành một đoạn văn. Trong quá trình nghị luận phải bám vào tác
phẩm, đoạn trích để dẫn ra những chi tiết, hình ảnh, nhân vật, sự việc tiêu biểu nhằm
phân tích làm rõ vấn đề.( Tránh lan man, đưa dẫn chứng không phù hợp, hoặc sa vào
nghị luận vấn đề khác, hay nghị luận toàn tác phẩm, đoạn trích)
c. Kết bài: Khẳng định, đánh giá ý nghĩa của vấn đề vừa nghị luận đối với thành
công, giá trị chung của toàn tác phẩm; đồng thời nêu ấn tượng cảm nghĩ của bài thân
về vấn đề, về tác phẩm…
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
22
Ví dụ 1( Nghị luận về một phương diện nghệ thuật): Hãy phân tích đoạn trích “ Kiều
ở lầu Ngưng Bích” để thấy được ngòi bút tả cảnh ngụ tình đặc sắc của Nguyễn Du.
Gợi ý: Phải biết chọn những câu, những hình ảnh tiểu biểu có sử dụng nghệ thuật tả
cảnh ngụ tình để phân tích chứng minh.
a. Mở bài: Giới thiệu: Tả cảnh ngụ tình là một biện pháp nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn
Du trong “ truyện Kiều” nói chung và đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích” nói riêng.
b. Thân bài:
- Giải thích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình: Là một biện pháp nghệ thuật mà thông qua việc
tả cảnh, người viết muốn gửi gắm thể hiện tâm tư tình cảm của con người
- Hầu hết các câu thơ tả cảnh trong “ Truyện Kiều” của Nguyễn Du đều sử dụng biện
pháp nghệ thuật này. Chính Nguyễn Du đã từng viết: “ Người buồn cảnh có vui đâu bao
giờ”.Đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn tả cảnh ngụ tình hay
nhất của tác phẩm.
- Bốn câu đầu đoạn trích, từ việc dùng nghệ thuật liệt kê, đối ngữ, dùng từ ngữ gợi hình
gợi cảm tác giả miêu tả khắc hoạ một khung cảnh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích thãm đẫm
tâm trạng nhân vật. Hình ảnh cảnh vật thì ngổn ngang “ Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm
kia…” như sự ngổn ngang trăm nỗi tơ vò của Thuý Kiều . Không gian bát ngát bốn bề, sắc
màu đậm như loang ra, hình ảnh con người hiện ra trở nên bé nhỏ…đó chính là khung cảnh
gợi sự cô đơn, lẻ loi, tâm trạng thẫm đẫm nỗi buồn của Kiều trong cảnh ngộ lưu lạc tha
hương, xa người yêu, xa gia đình…Cảnh như thế, lòng người như thế và Nguyễn Du đã khái
quát thật chính xác trong câu cuối đoạn: “ Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”.
- Tám câu cuối: Cảnh được miêu tả dưới cái nhìn rất buồn của Thuý Kiều, cho nên cảnh
mang đậm nỗi buồn nhân vật.Đặc biệt qua mỗi hình ảnh thiên nhiên khác nhau,tác giả gợi
một cảnh ngộ, một nỗi buồn riêng của nàng Kiều.
Ở đây cảnh được miêu tả xa đến gần, sắc màu nhạt đến đậm, từ tĩnh đến động…với
nhiều từ láy, nhiều tính từ rất gợi tả gợi cảm, nhiều hình ảnh giàu sức gợi liên tưởng…Mỗi
đặc điểm của cảnh là một nét cảnh ngộ, tâm trạng nhân vật.
Cảnh được vẽ thành một bộ tranh tứ bình thì đó cũng là bộ tứ bình liên hoàn về tâm
trạng Thuý Kiều. Nỗi buồn nhân vật được thể hiện mỗi bức một sâu sắc hơn. Cảnh ngộ nhân
vật mỗi bức cũng một đáng thương hơn…
c. Kết bài: Khẳng định lại sự thành công của tác giả trong nghê thuật tả cảnh ngụ tình
và tác dụng của nghệ thuật này trong giá trị của tác phẩm “Truyện Kiều”.
Ví dụ 2 (Nghị luận về một phương diện nội dung): Suy nghĩ về tình cha con trong
đoạn trích “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng.
Gợi ý :
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
23
a. Mở bài: Giới thiệu “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là truyện ngắn viết về tình
cha con của người cán bộ kháng chiến đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc.
b.Thân bài: Trình bày, phân tích được 2 luận điểm sau
+ Tình cảm của bé Thu dành cho cha thật cảm động và sâu sắc
- Bé thu là cô bé có tình cảm son sắt, thuỷ chung với ba của mình
- Khi chia tay, phút giây nó kịp nhận ra ông Sáu là người cha trong bức ảnh, nó vừa
hạnh phúc, vừa lưu luyến không muốn rời xa, vừa yêu thương tự hào về ba của mình
+ Tình cảm của ông Sáu dành cho con vô cùng lớn lao, bất tử
- Ông Sáu yêu con, nhớ con, khao khát được gặp con
- Mấy ngày về phép, ông luôn tìm cách gần gũi, thương yêu vỗ về, chăm sóc con mong
bù lại cho con những tháng xa cách nhưng con bé bướng bỉnh khiến ông chạnh lòng, khổ tâm.
- Phút giây ông được hưởng hạnh phúc thật ngắn ngủi và trong hoàn cảnh hết sức éo
le là phải lên đường đến căn cứ nhận nhiệm vụ.
- Khi ở chiến khu ông dồn hết tất cả tình yêu thương, nỗi nhớ nhung để làm cây lược
tặng con gái. Và khi bị thương trong một trận càn, trước lúc nhắm mắt ra đi, ước nguyện lớn
nhất của ông Sáu là nhờ đồng chí của mình chuyển cây lược ấy tới tận tay con, như thể gửi
trao tấm lòng, trái tim mình cho con vậy.
+ Suy nghĩ về tình cảm cha con nói riêng và những mất mát của nhân dân ta trong
hoàn cảnh chiến tranh éo le; suy nghĩ về tình cảm gia đình, tình cha con trong cuộc sống thời
hiện đại.
c. Kết bài: Khẳng định tình cảm cha con sâu sắc, thiêng liêng, bất tử; rút ra bài học về
tình cảm gia đình…
Dạng 3. Nghị luận về một nhân vật trong tác phẩm, đoạn trích
- Phải xác định được nhân vật cần nghị luận thuộc kiểu loại nhân vật nào (nhân
vật chính hay phụ, có phải là nhân vật tư tưởng không…), có vai trò như thế nào trong
tác phẩm?
- Tuỳ từng kiểu loại nhân vật để khai thác phân tích cho phù hợp; nhưng cơ bản
đều dựa vào những biểu hiện về nguồn gốc lai lịch, về hoàn cảnh cuộc sống, về ngoại
hình, ngôn ngữ, hành động, và nội tâm để phát hiện ra những đặc điểm tiêu biểu về
cuộc đời, phẩm chất…
- Khi nghị luận về nhân vật, chú ý khái quát, nâng cao nhân vật ấy xem nhân vật
có đại diện, tiêu biểu cho tầng lớp, thế hệ nào không.
- Dàn bài:
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
24
a. Mở bài:
+ Giới thiệu nhân vật
+ Nêu ấn tượng chung về nhân vật ( tránh nêu ra cả những đặc điểm của nhân vật
khi trong đề bài không giới hạn trước).
b.Thân bài:
* Lần lượt nghị luận làm rõ những đặc điểm tiêu biểu của nhân vật về
+ Hoàn cảnh cuộc sống, công việc…
+ Hình dáng diện mạo ( nếu có)
+ Phẩm chất, tính cách: Mỗi nét của phẩm chất tính cách tiêu biểu có thể viết
thành một đoạn . Chú ý bàm vào tác phẩm, đoạn trích tìm những chi tiết, hình ảnh cụ
thể miêu tả việc làm, hành động, lời nói, suy nghĩ nhân vật để phân tích làm rõ đặc
điểm phẩm chất, tính cách…
* Nâng cao, khái quát về những đặc điểm của nhân vật cho cả thế hệ, tầng lớp…
Khái quát chung về nghệ thuật miêu tả xây dựng nhân vật cũng như tình cảm
thái độ của tác giả đối với nhân vật.
c. Kết bài: Khẳng định, khái quát về nhân vật và nêu cảm nghĩ của bản thân đối
với nhân vật…
Ví dụ 1: Cảm nhận của em về nhân vật Thuý Kiều qua các văn bản đã học, đọc thêm.
Gợi ý:
a. Mở bài: Giới thiệu về nhân vật Thuý Kiều và khẳng định: Thuý Kiều là hình tượng
đẹp, gợi rất nhiều những tình cảm, niềm thương yêu đối với mỗi người.
b. Thân bài: Lần lượt nghị luận về
- Vẻ đẹp tài sắc tuyệt đỉnh, tâm hồn đa sầu đa cảm…( Chị em Thuý Kiều)
- Cuộc đời bất hạnh, sóng gió…( Mã Giám Sinh mua Kiều, Kiều ở lầu Ngưng Bích)
- Luôn giữ được phẩm hạnh, đạo đức tốt đẹp ( Kiều ở lầu Ngưng Bích, Thuý Kiều báo ân
báo oán)
+ Đức hi sinh, lòng vị tha
+ Tình yêu chung thuỷ sắt son
+ Lòng hiếu thảo với cha mẹ
+ Ân oán rạch ròi, cư xử khôn khéo đúng mực…
-> Thuý Kiều là nhân vật hội tụ đầy đủ nhất những nỗi đau đớn bất hạnh, những nét đẹp
truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, nhất là trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Là
N.T.Vững- Rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận văn chương cho học sinh lớp 9
25