Tải bản đầy đủ (.pdf) (24 trang)

một số kinh nghiệm trong việc sáng tác chuyện kể cho trẻ mầm non

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.44 MB, 24 trang )

1

PHÒNG GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO QUẬN CẦU GIẤY
TRƯỜNG MẦM NON HOA HỒNG




S¸ng kiÕn Kinh nghiÖm
“Một số kinh nghiệm trong việc sáng tác chuyện kể cho trẻ mầm non”



Lĩnh vực/ Môn: Giáo dục mẫu giáo
Tên tác giả: Lê Thị Hồng Nhung
Giáo viên Mẫu giáo
Tài liệu kèm theo:











NĂM HỌC 2011 - 2012

2


MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG VIỆC SÁNG TÁC
CHUYỆN KỂ CHO TRẺ MẦM NON

I. PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ
Trẻ em là mối quan tâm rất lớn không chỉ của các bậc làm cha mẹ, của gia
đình mà toàn xã hội. Chẳng vậy, mà xã hội đã dành cho trẻ em nhiều quyền lợi
và những ưu ái xứng đáng. Bởi vì các bé là tương lai của đất nước mà. Cùng với
sự phát triển của xã hội, trẻ em ngày nay được hưởng những quyền lợi và điều
kiện thuận lợi nhất để có thể phát triển toàn diện mọi mặt, mọi khả năng tiềm ẩn
của bản thân. Bên cạnh những điều kiện về vật chất, xã hội cũng rất chú trọng
đến sự phát triển nhân cách và tâm hồn của trẻ. Bởi lẽ, sự phát triển tâm hồn và
nhân cách mới chính là hoa tiêu vững vàng cho sự phát triển đúng hướng của
mối con người Một trong những hình thức nuôi dưỡng nhân cách và tâm hồn
trẻ thơ chính là thông qua các câu chuyện kể.

Trẻ em rất thích nghe kể chuyện! Đó là một thực tế. Và những nhà giáo
dục cũng nhanh chóng nhìn ra được điều đó để vận dụng các câu chuyện vào
việc giáo dục trẻ. Với sự phát triển của xã hội và ngành giáo dục hiện nay, cùng
với tâm huyết của những nhà văn chuyên và không chuyên, chúng ta đã có được
một kho tàng khá là phong phú các câu chuyện có thể vận dụng được trong việc
giáo dục trẻ.
Trong giáo dục mầm non theo định hướng đổi mới, những giáo viên mầm
non ngày càng có điều kiện hơn trong việc lựa chọn những câu chuyện phù hợp
với nội dung mình định giáo dục trẻ. Thay vì việc bó hẹp trong những câu
chuyện “ngày xưa”, được in sẵn trong những tuyển tập, giáo viên mầm non ngày
nay có thể lựa chọn cả những câu chuyện mới, thậm chí cả những câu chuyện tự
sáng tác phù hợp với độ tuổi và đề tài mà trẻ quan tâm hoặc thông điệp mà cô
giáo muốn truyền tải. Đó thực sự là một điều kiện thuận lợi cho những người
làm công tác giảng dạy nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn. Lựa chọn
chuyện kể như thế nào để trẻ thích, phù hợp với độ tuổi về nội dung, đề tài, độ

dài của truyện và có ý nghĩa giáo dục không phải là chuyện đơn giản.
Là một giáo viên mầm non với gần 10 năm trực tiếp làm công tác giảng
dạy, hàng ngày phải chịu trách nhiệm chăm sóc – giáo dục trẻ, đồng thời cũng
chứng kiến sự phát triển của trẻ trong những hoàn cảnh khác nhau, tôi càng thấu
hiểu hơn tầm quan trọng của việc giáo dục nhận thức, tâm hồn cho trẻ. Tôi luôn
kì vọng, những bài học đạo đức mà trẻ nhận được phải do chính trẻ đón nhận lấy
từ chính nhận thức của trẻ. Tôi cũng muốn rằng, trẻ em được nuôi dưỡng tâm
hồn trong một không khí thần tiên một chút để chúng có ước mơ, có hi vọng, có
khát vọng để phấn đấu ngoan hơn, học giỏi hơn.Tôi cũng nhận thấy rằng trẻ em
ngày nay cũng ham học hỏi hơn, thông minh hơn, thích khám phá hơn. Các con
hay hỏi “tại sao?”, “như thế nào?”. Những câu hỏi ấy cứ xoáy mãi vào lòng tôi.
3
Các con thắc mắc, chúng ta biết câu trả lời nhưng trả lời thế nào để vẫn đúng mà
lại vẫn hấp dẫn trẻ nghe? Quả là khó!
Nếu ai đã từng đọc “Chuyện hoa chuyện quả ” của nhà văn Phạm Hổ thì
quả là khâm phục ông. Ông đã biết đặt mình vào dáng vẻ “ngơ ngác” của trẻ để
mà lý giải sự tích các loài theo một cách rất trẻ thơ. Tôi cũng thích những câu
chuyện của nhà văn Phạm Hổ. Tôi cũng đọc cho các con của lớp tôi nghe một vài
câu chuyện trong số đó. Tuy nhiên, vì là viết cho đại đa số trẻ em, mà trẻ em thì
có thể từ 1 – 2 tuổi cho đến 15 – 16 tuổi cho nên không phải truyện nào cũng phù
hợp với trẻ mầm non. Hơn nữa, trẻ mầm non hiện nay lại học theo các chủ đề, bao
gồm cả những chủ đề về xã hội như “Nghề nghiệp”, “Giao thông”…Mà những
chủ đề này cũng thu hút sự chú ý, tò mò không kém của trẻ. Vậy phải làm sao?
Trẻ lớp tôi hiếu động. Qua kinh nghiệm thực tế tôi nhận thấy, chỉ có
những câu chuyện mới thu hút sự chú ý tập trung của trẻ. Thế là sau giờ ăn trưa,
lúc buổi chiều, đôi khi ngồi ngoài trời, tôi bắt đầu sáng tạo những câu chuyện kể
cho trẻ xuất phát từ chính những câu hỏi thắc mắc và những mối quan tâm của
trẻ. Dần dần, tôi nhận thấy, không chỉ khiến trẻ chú ý, những câu chuyện phù
hợp với nhu cầu của trẻ còn có tác dụng giảm bớt sự hiếu động, giảm nguy cơ tai
nạn thương tích và phát triển một số kỹ năng ở trẻ như kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ

năng trả lời đủ câu, kỹ năng tạo hình và thậm chí kỹ năng tự sáng tạo chuyện
của trẻ. Kết quả đưa đến khiến tôi thấy bất ngờ và vui sướng. Bởi vậy, tôi quyết
định trình bày Một số kinh nghiệm sáng tác truyện kể cho trẻ mầm non với
mong muốn góp phần nhỏ bé vào hệ thống những biện pháp thu hút, giáo dục trẻ
mầm non.

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Cơ sở lý luận
Trước hết cần giải thích rõ thế nào là “chuyện” và “truyện”.
Theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt của trung tâm từ điển học - nhà xuất
bản Giáo Dục xuất bản năm 1994 thì “chuyện” có nhiều nghĩa nhưng cứ theo
tên đề tài này thì ta chỉ cần quan tâm đến hai nghĩa của “chuyện”. Nghĩa thứ
nhất, “chuyện là những sự việc được kể lại” và nghĩa thứ hai, “chuyện (khẩu
ngữ) : nói chuyện, trò chuyện…”. Cũng như thế, “truyện” cũng có hai nghĩa,
trong đó, nghĩa mà ta cần quan tâm là “Truyện là tác phẩm văn học miêu tả tính
cách nhân vật và diễn biến của sự kiện thông qua lời kể của nhà văn”. Cứ theo
định nghĩa ấy thì những câu chuyện mà tôi sáng tạo và kể ngay cho trẻ nghe
bằng ngôn ngữ của tôi được gọi là “chuyện”. Còn cũng những câu chuyện ấy,
đã qua chỉnh sửa và được ghi chép lại thành văn bản mà mọi người có thể tham
khảo kèm theo đây được gọi là “truyện”. Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu
trẻ thích “chuyện” hay “truyện” hơn.
Trẻ thích “truyện” vì chúng được xem hình minh hoạ. Lúc này, sự quan
tâm của trẻ không phải là nội dung của “truyện” mà là những hình ảnh trong
những trang giấy ấy. Mà với sự phát triển của công nghệ in ấn ngày nay,
4
“truyện” thật hấp dẫn. Thế nhưng không có sự định hướng của người lớn, trẻ
không biết phải làm gì với “truyện”. Tôi đang nhắc đến đối tượng là trẻ mầm
non đấy! Muốn trẻ sử dụng truyện có hiệu quả, bạn phải hướng dẫn trẻ cách cầm
sách, cách lật trang, khoảng cách đọc sách an toàn, tư thế ngồi, thậm chí là cả

cách “đọc sách”, nghĩa là suy luận hoặc sáng tạo nội dung chuyện phù hợp với
nội dung tranh truyện. Nhìn chung là trẻ rất thích truyện.
Vậy trẻ có thích “chuyện” không? Có chứ! Là người trực tiếp nuôi dạy trẻ,
tôi thấy trẻ cũng rất thích “chuyện”. Chuyện trò với nhau để trao đổi thông tin,
“chuyện” để giải toả nhu cầu tâm lý và tất nhiên là cả những chuyện để tiếp nhận
thông tin, tiếp nhận những “sự kiện được kể lại”. “Chuyện” chỉ có thể được tiếp
nhận trực tiếp từ người kể chuyện. Bởi vậy, muốn hiểu được “chuyện”, người
nghe – mà ở hoàn cảnh này là trẻ phải tập trung chú ý lắng nghe. Lúc này, sự
quan tâm của trẻ hoàn toàn tập trung vào nội dung câu chuyện. Nghe thì có vẻ dễ
đấy. Tưởng như ta đã thu hút được sự chú ý của trẻ nhưng không đơn giản thế
đâu. Để trẻ có thể tập trung từ đầu đến cuối, câu chuyện phải hấp dẫn về đề tài,
nội dung, đối tượng và giọng điệu. Điều này đúng cả trong 2 trường hợp : trường
hợp trẻ trò chuyện với nhau và trường hợp trẻ được nghe kể chuyện. Ở đây, tôi
muốn quan tâm nhiều hơn tới trường hợp thứ hai.
Nhà văn Nguyên Ngọc, trong tham luận của mình về tác phẩm “Chuyện
hoa, chuyện quả”của nhà văn Phạm Hổ đã bắt đầu bằng câu “Tôi thường nghĩ :
“Viết cho các cháu thật khó, chắc khó hơn viết cho người lớn nhiều. Và viết
được hay cho các cháu thì đúng là những nhà văn rất có tài”. Tôi thì lại nghĩ
rằng, viết cho trẻ thơ đã khó, nhưng kể chuyện cho trẻ còn khó hơn. Mà phải kể
hay, thoả mãn được “yêu cầu” của trẻ lại càng khó. Bạn đã bao giờ gặp đề bài
kiểu như : Cô hãy kể một câu chuyện mới thật hay mà trong đó có con cá sấu,
con thỏ, con hươu, có cả rau bắp cải, su hào. Nghĩa là khi kể chuyện cho trẻ
nghe, bạn đồng thời phải giải quyết 3 nhiệm vụ : Một là kể một câu chuyện (mà
phải là) mới. Hai là phải hay (nghĩa là nội dung câu chuyện). Ba là phải có các
nhân vật như nêu trên. Đó là chưa kể đến giọng điệu kể, cử chỉ minh hoạ phải lôi
cuốn trẻ nữa. Liệu bạn có sẵn ngay một câu chuyện như thế chưa? Hay là khi trẻ
yêu cầu giải thích hoặc kể sự tích về “quả cà chua” chẳng hạn. Đó chính là lúc
chúng ta phải sáng tác “chuyện” đấy. “Chuyện” lúc này nhằm giải quyết yêu cầu
của trẻ, “chuyện” nhằm giải đáp những thắc mắc, những “câu hỏi bất tận ”của
trẻ. Những câu hỏi “có lẽ chứa đựng một cái gì đó xem ra vậy mà rất nghiêm

túc: câu hỏi về nguồn gốc của thế giới muôn vẻ này. Từ xưa con người vẫn hỏi
như vậy. Chúng ta ngày nay, những người lớn, chúng ta ít hỏi hoặc không hỏi
nữa, có lẽ vì chúng ta có một sự chủ quan lớn quá, chúng ta yên trí tin rằng mọi
sự đều đã rõ ràng rồi, đã được cắt nghĩa xong xuôi cả rồi. Chúng ta đã đánh mất
đi sự ngạc nhiên ban đầu. Các em, trái lại, các em chưa mắc cái bệnh chủ quan
lớn của người lớn, các em vẫn còn giữ được sự ngạc nhiên tươi tắn ban đầu
đó”(Nguyên Ngọc–Phạm Hổ với những “Chuyện hoa, chuyện quả”của anh).
Tuy nhiên, như trên đã nói, sáng tác chuyện cho trẻ không phải dễ, nhất là
sáng tác bằng miệng ngay tại chỗ. Nhà văn Phạm Hổ - một trong ba nhà văn
chuyên viết cho thiếu nhi (Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Phạm Hổ), đã từng
5
được nêu danh để tổ chức hội thảo về năm 1986 tại Hà Nội đã nêu cách sáng tác
cho trẻ : “Nhờ hiểu được những con người xưa (qua sách vở…), nay (qua cuộc
sống), trong họ hàng, ngoài làng nước”. Rồi như nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét
về cách viết của Phạm Hổ : “anh đã học được sự ngạc nhiên chưa bị bào mòn và
đánh mất của các em. Hoặc có thể nói cách khác, anh giữ được cho mình”…”cái
ngạc nhiên, ngơ ngác trẻ dại của tuổi thơ. Đối với thế giới bộn bề xung quanh
hàng ngày, anh còn giữ được câu hỏi “Tại sao? Tại sao? ” không cùng như một
đứa trẻ ngơ ngác.”
Tóm lại, tôi nhận thấy rằng việc sáng tác chuyện kể cho trẻ, nhất là trẻ
mầm non thật là cần thiết. Trau dồi kỹ năng sáng tác chuyện sẽ giúp ích rất
nhiều cho giáo viên mầm non trong việc lấy được niềm tin của trẻ, hoàn thành
tốt quy chế nuôi dạy trẻ và còn tạo cho trẻ em những niềm vui, những bài học
đạo đức nhẹ nhàng và niềm tin vào cuộc sống quanh trẻ.
2. Cơ sở thực tiễn
Chắc rằng trong số những người đọc sáng kiến kinh nghiệm này đều đã ít
nhất một lần kể chuyện cho trẻ em nghe. Nếu không phải là giáo viên mầm non,
trung bình một lần một tuần kể chuyện cho trẻ nghe thì cũng là kể cho con mình,
cháu mình nghe. Cảm giác lúc ấy thế nào nhỉ? Chắc hẳn là rất thích. Hãy thử
tưởng tượng ta ngồi giữa một bầy trẻ thơ, vừa kể vừa ngắm nhìn những khuôn

mặt ngây thơ, những ánh mắt chăm chú, thậm chí cả những khuôn miệng đang
hé mở như nuốt từng lời của ta. Chính lúc ấy, ta cảm giác ta là sự quan tâm số
một của trẻ, ta là người ban phát niềm vui, thoả mãn nhu cầu của trẻ. Ta chính là
người điều khiển những cảm xúc của trẻ. Tôi rất thích những phút giây ấy!
Tôi rất thích những lúc trẻ lớp tôi quây quần bên tôi và mong muốn tôi kể
chuyện. Có lẽ lúc ấy trẻ cần tôi nhất (hơn cả lúc cho trẻ ăn, ru chúng ngủ) và tôi
cũng thấy vị trí của mình được nâng lên đáng kể. Trẻ đòi hỏi có nghĩa là trẻ có
nhu cầu và chúng thoả mãn với sự đáp ứng mà mình mang lại. Chính vì thế, tôi
lại càng thấy cần cố gắng, trau chuốt những câu chuyện của mình hơn để có thể
hấp dẫn được sự chú ý của trẻ.
Năm học này, nhà trường phân công tôi phụ trách một lớp mẫu giáo nhỡ.
Lớp có 18 trẻ gái và 33 trẻ trai. Tỉ lệ chênh lệch giữa trẻ trai và trẻ gái là gần gấp
đôi. Ngoài ra, đa số gia đình các cháu đều thuộc diện khá giả, lại ít con nên khá
là nuông chiều con. Việc ổn định nề nếp lớp, nhất là giai đoạn đầu năm học khá
là vất vả. Đồng thời lại phải khiến cho phụ huynh có cùng quan điểm với nhà
trường trong việc chăm sóc – giáo dục trẻ. Các cháu rất hiếu động, khả năng tập
trung chưa cao. Nhiều cháu còn tự do làm theo ý thích cá nhân. Những lời căn
dặn của cô chưa có tác động nhiều đến trẻ. Sau một thời gian áp dụng nhiều biện
pháp khác nhau, tôi nhận thấy, mặc dù rất hiếu động nhưng trẻ lớp tôi cũng thể
hiện khả năng thích khám phá, tìm hiểu và các cháu có thể tập trung tốt nếu tìm
được hoạt động phù hợp với nhu cầu của trẻ. Thế là ngoài việc tạo các hoạt động
ngoại khoá, các hoạt động thí nghiệm, thực hành, dã ngoại nhằm thoả mãn nhu
cầu hoạt động của trẻ, tôi cũng tìm và thử nghiệm nhiều biện pháp nhằm giúp trẻ
có những khoảng thời gian “tĩnh” và tiếp thu có hiệu quả hơn những bài học đạo
6
đức. Các hoạt động tạo hình như vẽ, nặn, xé dán, làm sản phẩm sáng tạo; các trò
chơi trí tuệ như cá ngựa, cờ vua, ghép hình được phát huy. Nhưng đặc biệt trẻ
lớp tôi thích được nghe kể chuyện. Những câu chuyện cổ tích, những câu
chuyện trong sách vở đã được tôi kể cho trẻ nghe. Tuy nhiên, tôi nhận thấy,
không phải lúc nào mình cũng thuộc mọi câu chuyện và việc mình cứ phải cố

nhớ một chi tiết nào đó của chuyện hoặc việc cứ kè kè trên tay quyển truyện
khiến bản thân giảm đi độ diễn cảm khi kể chuyện cho trẻ nghe. Đồng thời, sự
bao quát của mình tới trẻ cũng như sự tập trung, chú ý của trẻ đối với câu
chuyện cũng giảm đi nhiều. Hơn nữa, các câu chuyện cổ tích thường không đi
theo một chủ đề, các câu chuyện hiện đại theo chủ đề thì không phải câu chuyện
nào cũng hấp dẫn trẻ, đôi khi còn khiên cưỡng, cứng nhắc. Những gút mắc ấy cứ
làm tôi suy nghĩ mãi.
Ý tưởng sáng tạo chuyện cho trẻ đến với tôi thật bất ngờ. Có một lần, sau
giờ ăn trưa, khi nửa lớp đã ăn xong và chán những hoạt động mà các cô cho
phép chơi sau giờ ăn, các con bắt đầu nghịch ngợm. Như thường lệ, tôi gọi trẻ
ngồi quây quần bên mình và hỏi trẻ những chủ đề mà trẻ quan tâm. Bỗng bé Hà
Trang nói “Con muốn nghe cô kể chuyện!”. Tôi liền hỏi cả lớp thích nghe
chuyện gì? Các con đưa ra rất nhiều đề tài. Tôi liền yêu cầu cả lớp thảo luận và
thống nhất một chủ đề. Các con đã tranh luận rất sôi nổi và thống nhất rằng các
con muốn nghe câu chuyện về đề tài máy bay (thời điểm này các con đang học
chủ đề Giao thông). Lúc này tôi hơi lúng túng vì quả thật tôi chưa nghĩ được
ngay một câu chuyện nào thật hay và hấp dẫn về chiếc máy bay.Nhưng chính
những lời bàn tán của trẻ đã khiến tôi mường tượng dần về câu chuyện mà mình
sắp kể. Trong tưởng tượng của của các con, những đồ vật, con vật đều có tiếng
nói riêng, có cuộc sống và suy nghĩ riêng. Vì thế, tôi nghĩ rằng mình nên sáng
tạo ra một thế giới của các phương tiện giao thông. Ở đó, các phương tiện giao
thông có cuộc sống như con người, giống như trong các bộ phim hoạt hình cho
trẻ em về “Vương quốc xe hơi”(The Cars) hay “Người máy”(Robots). Lấy đề tài
từ mong muốn của các con, lấy ý tưởng từ những gì mình đã biết, lấy tư liệu từ
vốn hiểu biết của trẻ, tôi đã sáng tạo và kể cho trẻ nghe câu chuyện “Máy bay
con đã lớn!”. Các con đã vô cùng thích. Và tôi cũng thấy vô cùng sung sướng
khi ngắm nhìn sự háo hức, sự thay đổi trạng thái tình cảm của các con khi dõi
theo câu chuyện của tôi. Thực ra, khi đó tôi kể chưa được hay và còn phải suy
nghĩ, lúng túng nhưng tôi đã khéo biết kết hợp với những đoạn cao trào khiến trẻ
hồi hộp, chờ đợi diễn biến câu chuyện. Sau này, khi đã quen hơn, sự tưởng

tượng và mạch kể của tôi trở nên lưu loát hơn, tôi có khả năng tập trung và
“trình diễn ”nhiều hơn về cảm xúc và các sự kiện. Trẻ lớp tôi càng hứng thú
hơn. Tôi đã có cảm nhận rõ hơn về sự mong đợi được nghe kể chuyện của trẻ.
Và tôi cũng đã từng xúc động khi nghe phản hồi của phụ huynh hay chứng kiến
những thay đổi theo hướng tích cực của trẻ sau mỗi câu chuyện tôi kể. Vậy là tôi
nảy ra ý định ghi chép lại những câu chuyện đó, đồng thời nêu ra một vài kinh
nghiệm sáng tạo chuyện kể để cùng trao đổi về một biện pháp giáo dục trẻ đã
được kiểm nghiệm qua thực tế.

7
3. Một số kinh nghiệm sáng tác truyện kể cho trẻ mầm non
3.1. Lựa chọn đề tài
Đây có thể coi như bước đầu tiên của việc bắt đầu sáng tạo chuyện kể.
Nói vậy có nghĩa là trước đó bạn đã phải chuẩn bị một vốn kiến thức, những
hiểu biết về những mối quan tâm hoặc sở thích của trẻ. Bước này rất quan trọng,
nó định hướng cho câu chuyện mà bạn sắp sáng tạo. Không như khi viết truyện,
ta được phép ngồi suy nghĩ hoặc lựa chọn đề tài mà mình tâm huyết. Khi kể cho
trẻ nghe, bạn phải kể theo đề tài mà trẻ chọn. Ban đầu, tôi cũng khá lúng túng vì
mỗi trẻ có sở thích, mong muốn khác nhau mà cháu nào cũng muốn được cô đáp
ứng. Tuy nhiên, sau nhiều lần, tôi đã rút ra được kinh nghiệm. Khi trẻ bắt đầu
quây quần quanh mình, lắng nghe câu hỏi mà chúng chờ đợi “Các con có thích
nghe cô kể chuyện không?”, “Các con thích nghe cô kể về đề tài gì?”, trẻ bắt
đầu tranh luận sôi nổi. Hãy cứ để trẻ thảo luận thoải mái đi, đó chính là khoảng
thời gian bạn lựa chọn đề tài đấy. Sau đó, bạn có thể can thiệp bằng việc định
hướng, tổng kết lại những đề tài mà trẻ đã chọn. Nếu bạn lựa chọn được đề tài
phù hợp với mình, hãy thỏa thuận với trẻ. Nếu bạn có khả năng sáng tạo tốt với
nhiều chủ đề, hãy cho đại diện các đề tài thỏa thuận với nhau bằng một hình
thức nào đó thu hút trẻ như trò chơi “oẳn tù tì” hoặc bắt thăm, tập tầm vông, xúc
xắc…Vậy là bạn đạt được đồng thời nhiều mục đích : vừa lựa chọn được đề tài
mà không trẻ nào cảm thấy ấm ức, vừa tạo ra trò chơi thu hút trẻ, tạo hứng thú

cho trẻ và chắc chắn trẻ sẽ tập trung vào câu chuyện mà bạn sắp kể. Ngoài ra,
nếu bạn đang có ý tưởng về một câu chuyện, bạn có thể chia sẻ ngay với trẻ và
hỏi trẻ có muốn nghe câu chuyện về đề tài đó không. Tôi nhận thấy, trẻ rất thích
và rất tin vào những “quảng cáo” kiểu đó. Tất nhiên, bạn cũng cần cố gắng để
trẻ không bị thất vọng vì đã đặt lòng tin như thế. Để thu hút trẻ, bạn hãy lựa
chọn những đề tài gần gũi với trẻ. Tốt nhất hãy chọn những đề tài hoặc giải thích
những sự kiện mới xảy ra với trẻ hoặc trẻ vừa được chứng kiến. Như trường hợp
thực tế của tôi : Trong giờ ăn, một số trẻ bỏ cà chua không ăn, tôi đã hỏi trẻ vì
sao không ăn cà chua, rằng cà chua là một loại quả kỳ diệu. Sau đó tôi đã sáng
tạo và kể cho trẻ nghe câu chuyện “Sự tích quả cà chua”. Cũng có thể đặt cho
câu chuyện mà bạn sắp sáng tạo một cái tên thật thu hút, hấp dẫn kiểu như
“Nước tắm thần kỳ”. Tôi thấy rằng, những cái tên chứa đựng yếu tố “thần kỳ”
thường khiến trẻ chú ý hơn.
Tóm lại, bước này không khó nhưng rất quan trọng. Nó định hướng nội
dung câu chuyện mà mình sắp sáng tạo và tạo hứng thú cho chính bản thân
người kể chuyện. Đối với trẻ, tên câu chuyện sẽ thu hút sự chú ý của trẻ tùy theo
sự khéo léo tạo tình huống lựa chọn đề tài của người kể chuyện. Làm tốt bước
này, bạn đã đạt được thành công một nửa rồi đấy!
3.2. Sáng tạo nội dung chuyện kể
Nói một cách khác, mọi sự chuẩn bị đều nhắm tới mục đích này : sáng tạo
ra nội dung, diễn biến của câu chuyện theo đề tài đã được xác định. Tôi nhận
thấy, một câu chuyện hấp dẫn trẻ phải đảm bảo được 3 yếu tố sau :
Thứ nhất, ngay từ câu ở đầu phải hấp dẫn được trẻ.
8
Thứ hai, nội dung câu chuyện phải có kịch tính, có cao trào, có các đoạn
đối thoại. Các nhân vật trong truyện phải là những nhân vật gần gũi với trẻ và
khơi gợi được trí tưởng tượng của trẻ.
Thứ ba, kết thúc câu chuyện phải có hậu.
Bây giờ, chúng ta sẽ cùng xem xét kỹ hơn từng yếu tố.
Yếu tố thứ nhất nhằm đảm bảo rằng trẻ sẽ tập trung tối đa mọi giác quan

vào câu chuyện. Hãy bắt đầu bằng những câu, những từ thường khiến trẻ chú ý
và thích thú như “Ngày xửa ngày xưa…”, “Các con biết không…”, “Ở một thế
giới nọ…”, “Cách đây khoảng 1000 năm…”…Như thực tế tôi thấy ở trẻ lớp tôi,
các con rất thích câu chuyện bắt đầu bằng những từ ngẫu hứng như “Ngày nảy
ngày nay…”, “Xưa thật là xưa…”…
Yếu tố thứ hai là phần sẽ lôi cuốn trẻ nhất. Thường thì trẻ thích đề tài về
động vật và vì thế, các nhân vật là các con vật sẽ dễ thu hút trẻ hơn. Thực tế mà
tôi thấy ở lớp mình là : mỗi khi tôi hỏi trẻ thích nghe kể chuyện về nhân vật nào
thì các con thường chọn nhân vật là các con vật. Tuy nhiên, các con vật theo như
tưởng tượng và mong muốn của trẻ phải có những thói quen và sinh hoạt như
con người. Ngoài ra, các nhân vật có khuynh hướng cổ tích như công chúa,
hoàng tử, tiên, bụt cũng được trẻ yêu thích. Và đặc biệt, khi đề nghị về những
nhân vật của câu chuyện, trẻ thường đề nghị các nhân vật thuộc phe thiện. Nói
như sách của Khổng Tử thì đó chính là biểu biện của “Nhân chi sơ, tính bản
thiện”. Con người sinh ra ai cũng có tính thiện. Huống chi là trẻ em, tâm hồn
như tờ giấy trắng. Và vì vậy, thông qua chuyện kể để lồng ghép kỹ năng sống, ý
nghĩa giáo dục để dạy trẻ là rất phù hợp. Tuy nhiên, theo tôi, không cần phải quá
căng thẳng trong việc giáo dục trẻ như vậy. Trẻ em của chúng ta ngày càng
thông minh, đôi khi, các con còn nhận ra nhanh và nhiều hơn những gì chúng ta
định nói với trẻ.Các nhân vật càng tạo được sự hấp dẫn hơn khi tham gia vào
những tình huống của câu chuyện và ở đó, các nhân vật thể hiện được những
đức tính theo như mong muốn của trẻ. Các câu chuyện mà có những tình huống
đòi hỏi trẻ cùng suy nghĩ sẽ khiến trẻ tập trung hơn. Tôi thường kinh nghiệm
rằng tới những đoạn bí ý tưởng, tôi sẽ đặt câu hỏi và chính những giải pháp mà
trẻ đưa ra sẽ thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện. Đồng thời lại khiến trẻ thích
thú vì câu chuyện dường như xảy ra theo sự sắp đặt của trẻ. Ví dụ như chuyện
kể “Dỗ bạn”, chính là những ý tưởng của trẻ khi trả lời câu hỏi “Nếu con là bạn
Bi con sẽ dỗ bạn bằng cách nào?” cùng với những kinh nghiệm khi tôi quan sát
trẻ chơi với nhau đã giúp tôi hoàn thiện câu chuyện.Ngoài ra, trẻ rất thích các
đoạn cao trào của câu chuyện . Có lẽ không chỉ trẻ mà đó là tâm lý chung của

mọi người khi nghe hoặc xem một câu chuyện. Bởi vậy, ngay từ khi chọn được
đề tài, bạn đã phải nghĩ ngay đến một cao trào phù hợp và hấp dẫn. Tuy nhiên,
không nhất định các cao trào phải là những cuộc chiến đấu căng thẳng, cao trào
có khi chỉ là tâm lý hồi hộp trước giờ tập bay của một chiếc máy bay con (“Máy
bay con đã lớn”) hay là sự bướng bỉnh của bé Bảo Anh khi nhìn thấy chậu nước
tắm không giống như bình thường (“Nước tắm thần kỳ”). Một câu chuyện hay
đối với trẻ còn có nghĩa là giải đáp, giải tỏa một khúc mắc, một mối quan tâm
9
của trẻ về một vấn đề ngày thường như việc đánh răng (Bài học đánh răng). Tuy
nhiên, đối với trẻ, các nhân vật trong truyện nhất thiết phải có sự giao tiếp với
nhau. Qua giao tiếp, trẻ sẽ hiểu hơn về các nhân vật, nảy sinh những tình cảm và
ấn tượng về các nhân nhận trong truyện.
Một điều nữa cần chú ý là nội dung câu chuyện đừng nên quá dài hoặc
quá ngắn. Hãy sáng tạo một câu chuyện có nội dung phù hợp với đối tượng mà
bạn định kể. Đối với trẻ mẫu giáo nhỡ 4 – 5 tuổi, bạn có thể sáng tạo câu chuyện
có từ 2 – 3 tình huống và tùy theo khả năng kể chuyện của bạn cũng như sự chú
ý của trẻ, bạn có thể kéo dài câu chuyện từ 5 – 7 phút. Còn nếu chuyển sang
ngôn ngữ viết (là ngôn ngữ súc tích hơn), câu chuyện có chiều dài khoảng hơn
một trang là vừa. Tuy nhiên, nếu nhận thấy trẻ giảm dần sự tập trung thì nên
chuyển sang phần kết của câu chuyện.
Phần kết của câu chuyện luôn là phần trẻ mong đợi. Có những trẻ thông
minh, chúng đoán trước phần kết, tuy nhiên, đa số trẻ đều không nói ra, chúng
chờ đợi cô kể như một sự khẳng định về điều chúng mong đợi. Tôi đã thử
nghiệm với một câu chuyện cổ tích về công chúa và hoàng tử . Khi tôi nghe thấy
nhiều trẻ nói về kết thúc rằng cuối cùng công chúa sẽ lấy hoàng tử, tôi liền thay
đổi nội dung kết chuyện rằng công chúa không lấy hoàng tử vì công chúa thích ở
nhà với bố mẹ. Thế là tất cả trẻ lớp tôi đều có vẻ bị “sốc”. Sau đó, chúng phản
đối và cuối cùng, tôi đành kể rằng, theo một bản kể khác, công chúa vẫn lấy
hoàng tử và họ sống hạnh phúc trọn đời bên nhau.Các con đã vỗ tay nhiệt tình,
khuôn mặt hoan hỉ thể hiện một sự thỏa mãn với một kết thúc đúng theo mong

đợi. Điều đó cũng cho thấy rằng, bản tính hướng tới sự hoàn thiện , tốt đẹp là
tiềm năng trong mỗi con người, mỗi đứa trẻ.
3.3. Giọng điệu kể chuyện
Đây tuy không phải là yếu tố chính trong các giai đoạn sáng tác chuyện kể
nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chuyển tải nội dung câu
chuyện tới trẻ. Có thể nói giọng điệu của người kể chuyện đã tạo ra linh hồn và
sức sống cho câu chuyện. Câu chuyện muốn hấp dẫn trẻ phụ thuộc nhiều vào
giọng điệu của người kể chuyện. Tôi nhận thấy rằng để kể một câu chuyện hay
cần phải thay đổi nhiều giọng điệu phù hợp với từng diễn biến khác nhau của
câu chuyện. Đối với trẻ lớp tôi, tôi thấy rằng các con rất thích nghe kể chuyện
theo xu hướng hài hước hóa câu chuyện. Đây chính là thế mạnh của hình thức
kể chuyện so với việc viết truyện. Người kể chuyện có thể sáng tạo, thêm bớt từ
ngữ kết hợp điệu bộ, cử chỉ để tăng thêm hiệu quả cho điều mình muốn thể hiện.
Lúc này, khả năng vận dụng ngôn ngữ kết hợp với nghệ thuật kể chuyện phải
được phát huy tối đa. Không những kể hay, người kể còn phải biết diễn đạt bằng
thứ ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi với trẻ. Đặc biệt, trẻ rất thích những liên hệ thực
tế với những điều xung quanh chúng. Có lần, tôi tả về một nàng công chúa, nhận
thấy trẻ chưa thực sự chú ý, tôi liền tả “nàng công chúa có làn da trắng như bạn
Hà Thanh (là một bạn gái đang chưa tập trung), có đôi mắt đen và rất đẹp như
mắt của bạn Hồng Minh, mái tóc dài như mái tóc của bạn Linh Đan …”Thế là
các con tỏ ra rất thích thú và tập trung ngay vào câu chuyện. Hoặc những đoạn
10
miêu tả tiếng nói của các con vật, những giao tiếp của các nhân vật, bạn hãy
cường điệu lên một chút, trẻ sẽ thích thú vô cùng.
















Trẻ sung sướng nghe cô diễn tả giọng điệu của nhân vật một cách hài hước

Những khuôn mặt căng thẳng khi nghe kể tình huống máy bay con tập bay
11


Các con thích thú tập “Bài học đánh răng”

4. Kết quả đạt được
Kể chuyện là một hoạt động quen thuộc đối với giáo viên mầm non. Tuy
nhiên, sáng tạo chuyện kể và thể hiện chuyện kể một cách hấp dẫn thì không
phải giáo viên nào cũng làm tốt. Ngay bản thân tôi cũng có cảm nhận rằng
không phải câu chuyện nào của tôi cũng hấp dẫn được trẻ. Tuy nhiên, tôi luôn
suy nghĩ rằng mình cần cố gắng hơn, nắm bắt nhanh hơn tâm lý và mong muốn
của trẻ, đồng thời thường xuyên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm sống và nâng
cao khả năng kể chuyện diễn cảm. Dưới đây là một số chuyện kể tôi tự sáng tác
cho trẻ mầm non theo các chủ đề trong năm học:
Chủ đề Trường mầm non
Truyện : Dỗ bạn
Năm học này, cả lớp bé Bi lên lớp mẫu giáo nhỡ. Ngày đầu tiên đi học
sau hai tháng nghỉ hè, bé Bi không muốn vào lớp. Mặc dù đã phải trò chuyện,

động viên từ mấy hôm trước nhưng cũng phải khá vất vả, mẹ mới đưa được Bi
vào tay cô giáo và đi vội ra xe trong tiếng gọi với theo của Bi.
Bi vào lớp với cô, không khóc to nhưng cứ dấm dứt. Cô giáo trò chuyện mãi rồi
cũng phải ra đón bạn khác. Xung quanh, các bạn vẫn chơi đùa, chẳng bạn nào
12
khóc cả. Đang ỉ ôi, bỗng Bi giật bắn người khi có một tiếng khóc to rồi cô giáo
bế một bạn gái đi vào. Cô dỗ mãi bạn rồi đặt bạn ngồi cạnh Bi. Cô giới thiệu :
- Đây là bạn Bi, bạn ấy là một bạn trai rất ngoan của của mình đấy. Còn
đây là bạn Bông, bạn ấy mới đi học lần đầu. Bi ơi con giúp bạn làm quen với lớp
mình nhé!
Bi vừa ngạc nhien, vừa tự hào về lời giới thiệu của cô đến nỗi quên cả khóc. Bi
nhìn bạn mới thấy bạn rất xinh, trên váy của bạn lại có đính một chú gấu bông
nhỏ. Bi thích quá:
- Ồ, bạn có con gấu đẹp thế!
Bông nghe vậy liền quên cả khóc xoè ngay gấu ra khoe :
- Ừ, đẹp không, mẹ tớ mua cho đấy.
Nhưng chợt nhớ ra, Bông lại oà khóc :
- Nhưng mẹ đi làm rồi, không yêu tớ nữa.
Bi thấy vậy tức quá bảo :
- Cậu chẳng hiểu gì cả. Bố mẹ phải yêu con chứ nhưng bố mẹ còn phải đi
làm. Cậu mà khóc thế thì bố mẹ không yên tâm đâu.
Bông ngạc nhiên hỏi :
- Sao cậu biết?
- Cô giáo bảo thế.
- Cô còn bảo gì nữa?
- Cô còn dạy nhiều thứ hay nữa, cô dạy hát này, dạy vẽ này, kể chuyện
nữa nhé…
- Ôi thích nhỉ!
Cứ thế hai bạn trò chuyện đến quên cả khóc. Khi Bi ngẩng lên dã thấy ánh mắt
cô trìu mến nhìn 2 bạn.

Đến chiều, mẹ của bạn Bông đến đón. Thấy Bông không khóc, mẹ ngạc nhiên
và cảm ơn cô giáo. Cô bảo:
- Đó là nhờ bạn Bi dỗ đấy!
Mẹ Bông cảm ơn bé Bi và nhờ Bi giúp đỡ bạn Bông. Bi sung sướng quá và cảm
thấy mình như lớn thêm.
Sáng hôm sau, cả nhà ngạc nhiên thấy Bi dậy sớm, tự giác đi học. Mẹ tròn mắt
nhìn Bi như muốn hỏi :”Đây có phải là bé Bi hay nhõng nhẽo không nhỉ? ”
Bi hơi xấu hổ, bé bẽn lẽn nói :
- Mẹ ơi, mau đến trường thôi., con còn phải dỗ bạn Bông nữa mà!


13
Chủ đề Bản thân

Truyện : Bài học đánh răng
Bé Châu năm nay mới 2 tuổi nhưng rất thích tự làm mọi việc, đặc biệt là
bắt chước chị Lê. Chị Lê biết tự đánh răng này! Chị Lê còn tự biết mặc quần áo
nữa. Chủ nhật, cả nhà đi siêu thị, mẹ cho hai chị em tự chọn lấy bàn chải đánh
răng mà mình thích. Mẹ chỉ dặn :
- Miệng Châu bé, Châu chọn bàn chải nhỏ thôi. Chị Lê lớn hơn, chị Lê có
thể chọn bàn chải to hơn.
Chị Lê chọn một chiếc bàn chải màu hồng có hình mèo Kytty rất xinh, còn Châu
thì chọn chiếc bàn chải màu xanh nước biển, lại có hình chuột Mickey ngộ
nghĩnh. Bàn chải của Châu còn có thể đứng được, mỗi khi đánh răng xong chỉ
cần ấn xuống bề mặt là nó đứng vững. Châu thích lắm, cứ cầm bản chải suốt dọc
đường về. Châu còn bảo :
- Mẹ dạy con đánh răng giống chị nhé!
Buổi tối, vừa ăn cơm xong, Châu đã đòi đi đánh răng. Cả nhà cười nhưng mẹ bảo :
- Ăn cơm xong đánh răng cũng tốt.
Mẹ cùng Châu vào phòng tắm. Mẹ rót nước muối ra cốc (vì Châu còn bé, mẹ

cho Châu đánh răng bằng nước muối), cho Châu cầm bàn chải của Châu, rồi mẹ
cầm bàn chải của mẹ để hướng dẫn. Mẹ giảng giải :
- Muốn đánh mặt trước của răng, con hãy nói chữ “i” nhiều vào. Muốn
đánh mặt nhai của răng hàm dưới, con đưa bàn chải vào hàm dưới và nói thật
nhiều chữ “a”. Còn muốn đánh mặt nhai của hàm trên thì nói chữ “ô”.
Thế là hai mẹ con vừa đánh răng vừa “học chữ”. Châu thích lắm, mãi mới rời
phòng tắm.
Sáng hôm sau, Châu tự động dậy, không phải để bố mẹ gọi như mọi khi.
Châu đứng cạnh chị Lê và đánh răng với sự hướng dẫn của mẹ
Còn bố thì cứ tủm tỉm cười và bảo :
- Bài học đánh răng của mẹ hiệu quả ghê. Chắc là những chữ cái đầu tiên
mà Châu biết sẽ là “i”, “a”, “ô”.
Còn Châu thì cười tươi khoe hàm răng trắng bóng như muốn thể hiện hiệu quả
của việc đánh răng.


Chủ đề Gia đình
Truyện : Gà con tìm mẹ
Có một cô gà mái, cô làm ổ ở dưới hiên bếp. Hôm nay, cô cảm thấy trong
người bứt rứt, khó chịu lắm, cô đi ra đi vào, mồm kêu quang quác, xù cả lông
14
lên. Mấy bác gà già bảo, ấy là vì cô sắp đẻ đấy! Quả thật, đến trưa thì cô đẻ. Một
quả rồi hai quả, ba quả…Cô đẻ liền một lèo 9 quả trứng. Quả nào quả nấy cứ
hồng lên như những viên ngọc quý giá. Cô sung sướng quá! Chợt cô thấy khát
nước. Cô liền bươn bả ra vườn tìm vũng nước uống. Trong lúc uống, cô bất ngờ
…đẻ quả trứng thứ 10. Cô cuống quýt quay lại nhìn nhưng quả trứng nhanh quá,
đã kịp lăn đâu mất. Cô kêu “cục …cục…” một hồi rồi đành vội vã quay lại ổ
trứng của mình. Cô nằm lên đống trứng để ấp mà vẫn nghĩ về đứa con bị thất lạc
của mình.


Còn quả trứng thứ mười bị rơi xuống ao. Một chú cá nhìn thấy liền quẫy
đuôi tung quả trứng lên bờ ao bên kia. Quả trứng lăn vào dưới đống rơm và nằm
im trong đấy. Rơm phủ lên trứng thật là ấm!
Cô gà mái ấp ủ, nâng niu đàn trứng của mình mỗi ngày. Tới một buổi
sáng, bỗng nhiên cô thấy dưới bụng mình động đậy rồi có tiếng nứt vỡ nhè nhẹ.
Cô hồi hộp nhìn xuống thì thấy một quả trứng đang nứt vỏ rồi một cái mỏ xinh
xinh thò ra. Chú gà con nhanh chóng tự mình tách vỡ nốt lớp vỏ trứng rồi chui
ra, luôn miệng kêu “Chiếp…chiếp…”. Rồi lần lượt những quả trứng khác cũng
tách vỏ, những chú gà con khác cũng lần lượt chui ra. Tới khi đủ chín chú thì
đàn gà con giống như những nắm bông vàng biết chạy, tiếng “chiếp…chiếp”
râm ran một góc vườn. Gà mái mẹ sung sướng quá, luôn mắt nhìn con, luôn
miệng đếm “Một này…cục, cục …hai này… cục,cục…”. Đếm đủ chín đứa, gà
mẹ dẫn gà con ra vườn. Khi đi qua chỗ mà hôm nào gà mẹ làm thất lạc quả
trứng thứ mười, gà mẹ có vẻ bần thần nhớ. Không biết quả trứng ấy giờ ở đâu?
Gà mẹ không biết rằng, quả trứng thứ mười nhờ sự ấp ủ của rơm, nhờ
những tia nắng mặt trời sưởi ấm, cũng đang nứt vỏ. Chú gà con thứ mười đang
rũ bỏ nốt mảnh vỏ cuối cùng bám vào người. Chú run rẩy chui ra khỏi đống
rơm, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh và cất tiếng gọi
- Chiếp…chiếp…Mẹ ơi!
Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng anh chim họa mi đang líu lo trên cành cây.
Gà con tưởng là mẹ liền gọi :
- Chiếp…chiếp…Mẹ ơi!
Anh chim họa mi nhìn gà con và bảo :
- Chích…chích…Anh không phải là mẹ em đâu.
Gà con buồn bã. Chú đi về phía hàng rào. Chú nhìn thấy một cô bò đang gặm
cỏ. Chú liền gọi :
- Chiếp…chiếp…Mẹ ơi!
Cô bò vẫy đuôi bảo :
- Ò…Ò…Cô không phải là mẹ cháu đâu.
Gà con tiếp tục đi, chú lại thấy một nàng mèo đang nằm sưởi nằng trong sân.

Chú đang ngẩn ngơ nhìn thì mèo đứng dậy, kêu “Meo” một tiếng rồi nhẹ nhàng
đi vào nhà. Gà con tự nhủ :
15
- Chắc không phải là mẹ mình rồi!
Gà con đang buồn thì bỗng chú thấy một đàn vịt con, dẫn đầu là vịt mẹ. Đàn vịt
con thoạt trông giống chú quá, cũng như nắm lông vàng. Gà con mừng quá, chú
chạy vội theo, vừa chạy vừa gọi :
- Chiếp…chiếp… Mẹ ơi chờ con với!
Bỗng chú thấy cả đàn vịt nhảy xuống ao, chú cũng vội vàng nhảy theo mà không
biết là mình không biết bơi.
Thế là chú bị ngộp nước, chú vùng vẫy kêu :
- Chiếp…chiếp…mẹ ơi cứu con!
Lúc này vịt mẹ mới chú ý đến gà con. Vịt mẹ vội bơi đến, dùng mỏ túm lấy gà
con và đưa lên bờ.
Gà con ôm lấy cổ vịt mẹ và thổn thức :
- Chiếp…chiếp…Mẹ ơi!
Vịt mẹ ôm gà con vỗ về:
- Khổ thân cháu, chắc cháu bị lạc mẹ phải không? Nhưng ta không phải là
mẹ của cháu.
Gà con ngạc nhiên ;
- Nhưng con giống mẹ mà. Con cũng có 2 cánh, có mỏ giống mẹ, con
cũng có 2 chân này. Con cũng giống các anh chị, có lông vàng này.
Vịt mẹ dịu dàng :
- Ừ, nhưng chúng ta là vịt, chúng ta còn biết bơi. Còn con thuộc giống gà,
con không thể bơi như chúng ta. Nếu ta không nhầm thì con là con của chị gà
mái mơ, nhà ở dưới hiên bếp kia. Sáng nay ta thấy chị ấy dẫn đàn con mới nở ra
vườn đấy. Con thử lại đó xem.
Thế là một lần nữa, gà con lại tạm biệt vịt mẹ và đi về phía hiên bếp. Tới nơi, gà
con nhìn thấy ổ rơm, xung quanh vương vãi những túm lông của gà mẹ, vài
mảnh vỏ trứng. Gà con mừng rơi nước mắt.

- Hẳn đây là nhà mình rồi! Nhưng mẹ và các anh chị em đâu rồi?
Bỗng có nhiều tiếng chiêm chiếp, rồi tiếng cục cục. Rồi gà mẹ và những anh em
gà lần lượt xuất hiện. Mọi người ùa vào nhìn gà con, sững sờ trong giây lát. Gà
mẹ kêu lên :
- Cục, cục, con tôi!
Gà con ùa vào lòng mẹ nức nở. Và chú biết rằng, từ bây giờ chú sẽ luôn được
sống trong vòng tay yêu thương của gia đình chú.


16
Chủ đề Giao thông
Truyện : Máy bay con đã lớn!
Ở một thế giới khác, thế giới của các loại phương tiện giao thông. Nơi ấy, các
phương tiện giao thông cũng sinh hoạt như con người, có suy nghĩ và cũng có gia đình
như con người chúng ta. Có một gia đình máy bay. Máy bay bố thì to, dài giống như
những những chiéc máy bay chở khách của hãng Viêtnam Airline mà các con hay
nhìn thấy, Máy bay mẹ thì nhỏ nhẹ, duyên dáng, thuộc họ nhà trực thăng. Máy bay
con thì đáng yêu lắm nhé! Màu đỏ này, có cánh quạt đằng trước nhưng thân hình lại
dài giống như máy bay bố ấy, còn các bộ phận thì cái nào cũng nhỏ bé, xinh xinh. Gia
đình máy bay sống trong một căn nhà rất to và rộng mà ở thế giới chúng mình hay gọi
là “ga ra”. Phía trước nhà lại có một khoảng sân rộng mênh mông, dài tít tắp giống
như là “đường băng”để máy bay con có thể chạy chơi, còn bố mẹ thì lấy chỗ cất cánh.
Máy bay con chưa biết bay, hàng ngày, nhìn bố mẹ đi làm, máy bay con ao ước cũng
bay được như bố mẹ.
Một hôm, máy bay bố ngắm nhìn con đang bắt chước động tác cất cánh
của mình, chợt máy bay bố nhận ra là máy bay con đã lớn thật rồi. Máy bay bố
liền gọi con và bảo:
- Con có thích được bay giống bố mẹ không?
Máy bay con sung sướng reo lên :
- Có chứ ạ! Bố dạy con nhé!

- Được, ngày mai chúng ta sẽ tập bay cho con.
Thế là cả đêm hôm ấy, máy bay con cứ trằn trọc, thao thức mãi, cảm giác
sung sướng xen lẫn hồi hộp và cả sợ hãi nữa. Khi chú chìm vào giấc ngủ, chú
mơ thấy mình bây bổng trên bầu trời, bay xuyên qua những đám mây nhiều
màu. Bỗng nhiên có tiếng gọi của mẹ, chú nhìn xung quanh nhưng không thấy
mẹ đâu, chú hốt hoảng rồi rơi xuống, rơi mãi…chú sợ quá nhắm tịt mắt vào.
Tiếng mẹ gọi mỗi lúc một rõ hơn, mẹ lay cả người chú. Máy bay con choàng mở
mắt. Thì ra chú đang ở trên giường, vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ. Mẹ mỉm cười
- Đừng căng thẳng quá, rồi con sẽ thích cảm giác được bay.
Máy bay con vệ sinh xong và đi vào phòng ăn. Chú thấy bố mẹ đang chờ mình
với những món ăn trên bàn. Gia đình máy bay chỉ ăn một bữa cho cả ngày. Máy
bay con thì uống dầu nhớt (mẹ bảo là để bôi trơn các bộ phận trong cơ thể của
máy bay con), bố mẹ thì còn uống thêm rất nhiều xăng, đó là nhiên liệu để bố
mẹ hoạt động cả ngàyđấy. Hôm nay, máy bay con cũng được mẹ chuẩn bị cho
cả xăng nữa. Máy bay con thích lắm vì có lần bố nói : “Khi nào con lớn, con
cũng sẽ được uống xăng giống bố mẹ”.
- Mình đã lớn rồi đấy! Máy bay con tự nhủ.
Cảm giác uống xăng thật là lạ, hơi hăng hăng nhưng khiến cho cơ thể có cảm
giác khoẻ khoắn, hăng hái lạ kỳ.
17
Cả nhà máy bay kéo nhau ra khoảng sân trước nhà. Máy bay bố mỉm cười
và nói với con :
- Điều quan trọng là con phải tự tin rằng con sẽ bay được vì con sinh ra là
một chiếc máy bay.
Sau khi giảng giải cách thức để bay lên được, máy bay bố khởi động và chạy
trên đường băng rồi cất cánh bay vút lên. Máy bay con với sự hướng dẫn của mẹ
bắt đầu chạy hết sức trên đường băng bằng những chiếc bánh nhỏ xíu của mình.
Và kìa, cuối đường băng kia rồi. Cố lên nào! Máy bay con tự nhủ và chú hét lên
- Hai…ba…bay lên nào!
Chú thu hết những chiếc bánh xe vào và gồng người vươn lên không. Chú bay

vút lên nhưng rồi chao đảo như sắp rớt xuống. Chú hoảng hốt nhưng chợt tiếng
mẹ ấm áp bên cạnh :
- Bình tĩnh nào, con hãy hít thở sâu, giang cánh cho cân bằng, nhìn thẳng
về phía trước.
Máy bay con làm theo lời mẹ, quả nhiên, chú lấy lại cân bằng và bay tiếp một
cách nhẹ nhàng. Chú sung sướng mỉm cười với mẹ.
- Hoan hô! Con trai bố giỏi quá!
Thì ra bố đã ở bên trên chú từ khi nào.
Cả gia đình máy bay đã cùng nhau du ngoạn trên bầu trời suốt một buổi sáng.
Họ cùng bay xuyên qua những đám mây nhiều màu sắc, cùng ngắm nhìn những
cảnh vật dưới mặt đất. Máy bay con sung sướng gọi những bạn ô tô khiến các
bạn kinh ngạc, chú chào bác tàu hoả để đáp lại tiếng còi dài của bác. Mọi việc
còn tuyệt vời hơn cả trong giấc mơ của chú.
Mãi đến chiều, gia đình máy bay mới trở về nhà và đến tận lúc đi ngủ,
máy bay con vẫn luôn miệng kể về cảm xúc của mình khi được bay trên bầu
trời. Trong giấc mơ, máy bay con thấy mình lại được bay, tất cả mọi người đều
trầm trồ kêu lên : “Máy bay con đã lớn thật rồi!”.

Chủ đề Thế giới động vật
Truyện : Cuộc thi vẽ tranh
Một hôm, các loài vật trong rừng quyết định tổ chức một cuộc thi vẽ
tranh. Rất nhiều con vật hưởng ứng cuộc thi này và mỗi con vật đều có những
tác phẩm rất sáng tạo và độc đáo. Voi thì dùng vòi hút bùn rồi phun mạnh vào
phiến đá trắng làm bắn toé ra những tia bùn. Chú gọi tác phẩm của mình là
“pháo hoa”. Những chú chim thì góp những chiếc lông đủ màu sắc và kiểu dáng
thành một “đoá hoa xuân”. Hươu dùng sừng nhúng vào màu rồi in thành những
“rặng san hô” đủ màu sắc đẹp tuyệt. Con vật nào cũng trổ hết tài nghệ để tạo nên
những tác phẩm khiến mọi loài đều trầm trồ. Thậm chí cả những vết chân của
những chú mèo rừng cũng tạo nên những hình những loài hoa lạ mắt. Ban giám
18

khảo gồm bác gấu, bác hà mã và vua sư tử vô cùng bối rối không biết trao giải
cho tác phẩm nào vì tác phẩm nào cũng đẹp và sáng tạo. Mọi loài xôn xao bàn
tán, tranh luận vang cả một góc rừng. Bỗng nhiên, có tiếng khóc nho nhỏ rồi to
dần . Các con vật quay người tìm kiếm. Kìa! Một chú gà con lông vàng đang
khóc cạnh một bụi cây. Trông chú ta không giống bất kỳ loài vật nào sống trong
rừng. Các con vật liền xúm vào hỏi han. Chú gà con nức nở :
- Sáng nay, cháu đi theo mẹ và các anh chị đi kiếm mồi, thấy bạn bướm
đẹp quá, cháu chạy theo, tới đây thì không thấy mẹ đâu nữa. Hu…hu…
- Thế nhà cháu ở đâu? – bác gấu hỏi
- Nhà cháu có mảnh sân rộng, có mái ngói đỏ, trước nhà có cây rơm to.
Cháu nhớ là đi qua một cây to có lá màu đỏ, lại qua một bụi hoa màu tím.
Bác hà mã liền bảo :
- Gà con ơi, cháu hãy vẽ lại đường đi nào!
Thế là gà con liền vẽ lại những gì mà nó nhớ được. Gà con còn vẽ cả khung
cảnh ngôi nhà của mình. Khi gà con vẽ xong, ai cũng trầm trồ :
- Ồ, gà con vẽ đẹp quá!
Gà con sung sướng nói :
- Vì ngày nào cháu cũng tập vẽ mà!
Bỗng nhiên, các bạn chim xôn xao nói :
- Ồ, chúng tôi nhận ra ngôi nhà này, nó ở ngay bìa rừng thôi mà.
Thế là các bạn lũ lượt theo sự dẫn đường của chim, cùng với bức vẽ của gà con
đã đưa được gà con về nhà.
Khi các bạn đưa gà con về tới sân nhà đã thấy gà mẹ đang hớt hải cục tác
tìm con. Nhìn cảnh hai mẹ con ôm nhau khóc, ai cũng xúc động.
Gà mẹ cảm ơn các bạn đã đưa gà con về nhưng vua sư tử bước lên nói :
- Không phải nhờ chúng tôi đâu mà chính nhờ tài vẽ của con chị đấy.
Nhân đây, tôi cũng muốn tuyên bố, gà con chính là người đoạt giải nhất của
cuộc thi vẽ tranh này.
Muôn loài đều hò reo mừng người đạt giải xứng đáng của cuộc thi. Còn gà con
thì được một bài học nhớ đời : phải nghe lời người lớn, không la cà, mải chơi.


Chủ đề Tết – mùa xuân
Truyện : Nước tắm thần kỳ
Bé Bảo Anh năm nay 4 tuổi. Bé nghịch ngợm và đôi lúc còn chưa nghe
lời bố mẹ.
Sắp đến đến, bố mẹ chuẩn bị bao nhiêu thứ để đón Tết. Cái gì bé cũng
thấy lạ và hỏi nhiều. Ngày 30 Tết, mẹ đun một nồi nước to, lại còn cho cả nắm
19
cành lá gì đó vào nồi. Đến khi pha nước tắm xong, mẹ gọi Bảo Anh vào tắm, bé
nhìn thấy nước tắm có màu xanh thẫm, lại có những chiếc lá nhỏ tung tăng trong
chậu, bé rụt lại :
- Con không tắm đâu, nước bẩn lắm!
Mẹ mỉm cười kéo tay Bảo Anh:
- Không phải nước bẩn đâu con. Đây là nước được nấu từ một loại lá thần
kỳ mà thường vào dịp Tết mọi người mới được tắm đấy. Mọi người, nhất là các
bạn nhỏ, khi tắm nước này sẽ trở nên ngoan ngoãn hơn, trong người sẽ cảm thấy
vui vẻ, hạnh phúc hơn. Tắm nước này là để cởi bỏ hết những điều không vui của
năm cũ và mang đến may mắn cho năm mới. Đấy con thấy không, nước này có
mùi thơm nhẹ rất dễ chịu đấy.
Thế là Bảo Anh vui sướng để mẹ tắm cho. Trong lúc tắm, mẹ giải thích thêm
rằng, ngưòi ta còn gọi lá này là lá “mùi già”. Ngày xưa, khi mẹ còn bé, bà ngoại
cũng tắm cho mẹ bằng thứ lá này, bà mong khi mẹ lớn lên sẽ ngoan ngoãn, được
mọi người yêu quý. Mẹ cũng mong Bảo Anh được mọi người yêu quý.
Đang tắm bỗng Bảo Anh chỉ những chiếc lá nhỏ trong chậu :
- Mẹ ơi con nhìn thấy những chiếc lá này có hình chữ X, chũ Y. Sao nó cứ
bám vào con thế?
- À, những chiếc lá đang ban phép thần kỳ để con học giỏi hơn đấy!
Bảo Anh có vẻ rất thích thú với câu chuyện về nước tắm thần kỳ.
Sáng mùng 1 Tết, Bảo Anh tự giác dậy, chúc Tết ông bà, bố mẹ, lại nhường em
Châu Anh chiếc bao lì xì đẹp hơn. Cả nhà đều ngạc nhiên hỏi :

- Sao bé Bảo Anh hôm nay ngoan thế nhỉ?
Bảo Anh lễ phép nói:
- Vì cháu được tắm nước lá thần kỳ mà. Từ nay cháu sẽ là em bé ngoan,
biết nghe lời người lớn.
Cả nhà vỗ tay và tặng cho Bảo Anh rất nhiều quà năm mới. Em Châu Anh
cũng bảo :
- Chị Bảo Anh là chị gái ngoan.
Còn mẹ thì tự nhủ :
- Hình như bó lá ấy có phép thần kỳ thật. Bảo Anh đã ngoan lên nhiều rồi!
Đúng là một mùa xuân thần kỳ!

Chủ đề Thực vật
Truyện : Sự tích quả cà chua
Ngày xửa ngày xưa, có những vị thần chuyên có nhiệm vụ tạo ra muôn
loài. Thần thì tạo ra các loài động vật, thần lại tạo ra các loài thực vật. Thần
20
chuyên đắp núi non, đào biển. Cai quản các vị thần lại có một vị chúa thần. Một
hôm, vị thần sáng tạo ra các loài thực vật lỡ tay làm rơi một chiếc cốc bằng
vàng, vị chúa thần lền gọi vị thần đó tới và trách mắng. Đồng thời yêu cầu vị
thần này phải sáng tạo ra một loại thực vật vừa là quả nhưng cũng phải là rau,
vừa đẹp nhưng phải có nhiều chất bổ dưỡng.Hạn trong 3 ngày phải tạo ra được.
Vị thần này rất lo lắng, ông suy nghĩ ngày đêm, ông đi thăm thú rất nhiều
nơi nhưng vẫn chưa biết phải tạo ra loại thực vật này như thế nào cho đúng yêu
cầu. Hai ngày trôi qua. Sáng sớm ngày thứ ba, sau một đêm không ngủ được,
ông đứng ngắm mặt trời lên và bỗng bật ra ý tưởng. Một loại quả hình tròn, màu
đỏ chắc hẳn sẽ khiến nhiều người thích đây. Ông vội vàng tới chỗ làm phép của
mình. Trên đường đi, ông nhìn thấy một đứa trẻ bị vấp ngã, ông vội lại gần nâng
em bé dậy. Tay ông chạm vào má em bé. Ông thấy da em bé thật min. Thế là
ông lại bật ra ý tưởng rằng cái quả ấy sẽ có vỏ ngoài mềm, mịn và căng mọng
như da em bé.

Tới nơi, ông lập tức làm phép.Ông dùng đất sét nặn thành hình một loại
quả có hình tròn, vỏ mịn. Sau đấy, ông lại hoá phép để quả đó có màu đỏ, có
cuống xanh. Ông lại ban phép cho quả đó :
- Ngươi có thể để cho con người ăn sống hoặc nấu lên. Ngươi có thể là
quả mà cũng có thể là rau. Ta ban cho ngươi có nhiều vitaminA, giúp cho những
em bé có được đôi má hồng hào, mịn màng. Ta lại ban cho ngươi có vị chua dịu
để hấp dẫn mọi người. Úm ba la
Một làn khói đỏ bốc lên rồi quả kỳ diệu ấy xuất hiện.
Vị thần vui mừng quá, vội mang quả đó tới ra mắt vị chúa thần. Vị chúa
thần nhìn loại quả mới có vẻ rất thích thú. Ông cắn thử một miếng:
- Khà…chua…nhưng mà ngon!
Ông hỏi vị thần : Ngươi định đặt tên loại quả này là gì?
Vị thần ấp úng vì quả là ông chưa nghĩ ra tên của nó. Ông chợt nhớ lúc vị chúa
thần nếm quả, ông liền nói :
- Đặt tên là quả “khà chua” có được không ạ?
Vị chúa thần lấy làm thú vị quá liền đồng ý. Thế là từ đó, loại quả có màu đỏ,
tròn, da mịn, vừa là rau, vừa là quả ấy có tên là quả “khà chua”. Nhưng theo thời
gian, mọi người thấy nó rất giống quả cà tím, chỉ khác màu sắc và vị chua nên
mọi người gọi chệch đi là quả “cà chua”. Sự tích quả cà chua là như thế đấy!
Lời kết :
Trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, tôi đã sáng tạo được
nhiều câu chuyện. Có những câu chuyện dài, có những câu chuyện nếu chép ra
chỉ độ mấy dòng. Tất cả chủ yếu tự sáng tác theo hứng thú và mong muốn của
trẻ. Trên đây là một số câu chuyện tự sáng tác đã được lựa chọn và sắp xếp theo
các chủ đề mà trẻ mẫu giáo nhỡ đang học cho tới thời điểm hiện tại.

21
Tôi bắt đầu nhận thấy những ưu điểm của hình thức sáng tạo chuyện kể vào
khoảng cuối tháng 9. Khi đó, các con đang tìm hiểu chủ đề “Gia đình”. Nhưng
câu chuyện đầu tiên tôi sáng tạo cho trẻ nghe là câu chuyện “Sự tích quả cà

chua”. Và bởi vì những câu chuyện tôi sáng tạo và kể cho trẻ nghe thường là
ngẫu hứng và theo ý thích của trẻ nên đôi khi không đi theo chủ đề nhất định
nên tôi quyết định ghi lại những câu chuyện đó dưới dạng văn bản, có thống kê
theo chủ đề để sử dụng như một tài liệu tham khảo. Cho tới thời điểm hiện tại,
khi viết sáng kiến kinh nghiệm này, tôi có thể thống kê được một số ưu điểm của
biện pháp này:
- Thứ nhất là giảm bớt sự hiếu động của trẻ; rèn luyện, kéo dài sự tập trung
chú ý của trẻ.
Nội dung đánh giá Đầu năm Cuối năm
Mức độ tập trung chú ý 60% 92%
Thời gian tập trung chú ý 65% 95%
- Thứ hai là hình thành và phát huy khả năng học tập theo những tấm
gương trong chuyện của trẻ và khả năng tự rút ra những bài học từ những câu
chuyện được nghe.
Nội dung đánh giá

Đầu năm Cuối năm
Trẻ ngoan ngoãn, có nề nếp
khi tham gia các hoạt động
tập thể
46% 98%
- Thứ ba, một điều thú vị là khả năng tạo hình và trí tưởng tượng của trẻ
lớp tôi được phát triển đáng kể.

Hào hứng vẽ minh họa cho câu chuyện “Bài học đánh răng”
22


Cảm hứng sau khi nghe kể chuyện “Máy bay con đã lớn”


- Thứ tư là chính bản thân tôi cũng nhận thấy khả năng kể chuyện, biểu
cảm của bản thân tốt hơn; khả năng suy nghĩ, liên hệ cũng được phát huy lên
nhiều. Đồng thời tôi cũng thấy rằng mình “chịu khó” lắng nghe trẻ hơn.
Nhìn chung, trẻ lớp tôi biết kiểm soát tốt hơn cảm xúc của mình, biết nghe
lời người lớn, thậm chí biết nhắc nhở nhau để cùng thực hiện tốt mọi việc.
III. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
1. KẾT LUẬN

Từ trước, tôi vẫn có suy nghĩ rằng công việc sáng tác, nhất là sáng tác
chuyện là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp cao. Tôi cũng rất khâm phục
những cô giáo mầm non đã có những sáng tác hay dành cho trẻ. Tôi thường nghĩ
rằng phải có một tình yêu sâu sắc với nghề nghiệp và với trẻ thơ mới có thể
dành nhiều thời gian và tạo ra được những tác phẩm không những hay mà còn
có ý nghĩa giáo dục với trẻ đến vậy. Bản thân tôi cũng đã có những trăn trở với
nghề, với mong muốn mang đến cho trẻ nhiều niềm vui hơn nữa, để không chỉ
“mỗi ngày đến trường là một ngày vui ” mà mỗi ngày đến trường trẻ lại học
được thêm nhiều điều hay.
Trong quá trình thực hiện đề tài này, tôi đã nhận được sự chia sẻ, động viên, ủng
hộ của ban giám hiệu nhà trường, của chính những đồng nghiệp trong lớp và của
nhiều phụ huynh học sinh. Đặc biệt động lực chính giúp tôi thêm phấn khởi thực hiện
23
đề tài chính là sự háo hức của trẻ mỗi khi nghe tôi kể những câu chuyện mà tôi tự sáng
tác và sự tiến bộ của các con sau một thời gian áp dụng biện pháp này.
Tôi cũng tự rút ra được một số bài học kinh nghiệm như sau :
1.1. Giáo viên cần có tình yêu nghề, yêu trẻ. Hãy lắng nghe trẻ không chỉ
bằng đôi tai mà bằng tâm hồn và trái tim.
1.2. Thường xuyên trau dồi kiến thức, vốn sống, tập hợp những câu chuyện phù
hợp với độ tuổi mầm non cũng như học cách diễn đạt ngôn ngữ thích hợp với trẻ.
1.3. Biến những giờ kể chuyện của bạn thành một hình thức phần thưởng
đối với trẻ.


1.4. Thông qua việc kể chuyện, lồng ghép những nội dung bạn cần giáo
dục trẻ nhưng đừng quá nặng nề. Hãy tạo ra những mối liên hệ giữa những sự
việc xung quanh trẻ với những câu chuyện mà bạn đã kể cho trẻ nghe.
1.5. Kinh nghiệm sáng tác chuyện này có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi.
Với một số kinh nghiệm như đã trình bày, tôi hi vọng đã tạo thêm một hướng mới
cho việc hoàn thiện các kỹ năng giáo dục trẻ. Đồng thời cũng là một cách thức để ta
nhìn nhận và tạo cơ hội cho trẻ phát triển những tiềm năng của mình.

2
.
KHUYẾN NGHỊ



XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
Cầu Giấy, ngày 04 tháng 04 năm 2012
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết, không
sao chép nội dung của người khác.
(Ký và ghi rõ họ tên)



Lê Thị Hồng Nhung








24
PHỤ LỤC

I. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hans Christian Andersen, Truyện cổ Anđécxen, Nhà xuất bản Văn Học, 2005.
2. Phạm Hổ, Chuyện hoa chuyện quả, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2005.
3. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học – Nhà xuất
bản Giáo Dục, 1994


×