BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
––––––––––––––––––––
NGUYỄN THỊ THANH VÂN
VĂN XUÔI TRƯƠNG TỬU TRONG TIẾN TRÌNH
VĂN HỌC VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
THÁI NGUYÊN - 2014
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
––––––––––––––––––––
NGUYỄN THỊ THANH VÂN
VĂN XUÔI TRƯƠNG TỬU TRONG TIẾN TRÌNH
VĂN HỌC VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX
Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số: 62 22 01 21
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. NGUYỄN HỮU SƠN
THÁI NGUYÊN - 2014
i
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả được nêu trong luận án là trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ công
trình khoa học nào. Nếu sai, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Thái Nguyên, tháng 12 năm 2014
Tác giả luận án
Nguyễn Thị Thanh Vân
ii
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn - người
thầy đã tận tình hướng dẫn và động viên tôi trong suốt quá trình thực hiện
luận án.
Tôi xin chân thành cảm ơn ông Trương Tùng - con trai cả của nhà văn Trương
Tửu đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý báu về cuộc đời, văn nghiệp và tác
phẩm của nhà văn để hoàn thành luận án.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới cơ sở đào tạo Đại học Thái
Nguyên, đơn vị đào tạo trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã tạo điều
kiện để tôi hoàn thành khóa học và trình bày luận án.
Tôi xin cảm ơn tới Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã tạo điều kiện
để tôi được tham gia học tập, nghiên cứu.
Tôi xin cảm ơn đến các đồng nghiệp và bạn bè đã động viên, chia sẻ
những kinh nghiệm trong quá trình hoàn thành luận án.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới gia đình, người thân đã động viên và giúp
đỡ tôi trong quá trình hoàn thành luận án.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Thái Nguyên, tháng 12 năm 2014
Tác giả luận án
Nguyễn Thị Thanh Vân
iii
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN i
LỜI CẢM ƠN ii
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu 3
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 3
4. Phương pháp nghiên cứu 4
5. Đóng góp mới của luận án 5
6. Cấu trúc luận án 5
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 6
1.1. Khái quát tình hình nghiên cứu về Trương Tửu 6
1.1.1. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 6
1.1.2. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 9
1.2. Tiếp nhận văn xuôi của Trương Tửu 26
1.2.1. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 26
1.2.2. Từ năm 1945 đến nay 30
1.3. Khái lược vị trí văn xuôi Trương Tửu trong tiến trình văn học Việt Nam
đầu thế kỷ XX 34
1.3.1. Tiến trình văn xuôi Việt Nam hiện đại 34
1.3.2. Vấn đề Trương Tửu trong tiến trình văn xuôi hiện đại 35
Chương 2: CƠ SỞ VĂN HOÁ, VĂN HỌC NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX VÀ SỰ
XUẤT HIỆN TÁC GIẢ TRƯƠNG TỬU 39
2.1. Đời sống văn hóa xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX với những giao lưu và
tiếp biến văn hóa 39
2.1.1. Một xã hội mới với nhiều biến động trong những năm đầu thế kỷ XX 39
2.1.2. Khung cảnh văn học Việt Nam trong sự giao lưu của văn hóa Đông - Tây 40
2.2. Tác giả, tác phẩm Trương Tửu trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại 47
2.2.1. Cuộc đời và sự nghiệp 47
iv
2.2.2. Nhà văn - Nhà lý luận phê bình Trương Tửu với những đóng góp trong
tiến trình văn học hiện đại 49
Chương 3: HỆ THỐNG ĐỀ TÀI VÀ CẢM HỨNG SÁNG TÁC CHỦ ĐẠO
CỦA NHÀ VĂN TRƯƠNG TỬU 66
3.1. Đề tài 66
3.1.1. Đề tài tình yêu 67
3.1.2. Đề tài tệ nạn xã hội trong hiện thực xã hội đô thị Việt Nam trước1945 74
3.1.3. Đề tài lịch sử 80
3.2. Hệ thống nhân vật - yếu tố quan trọng trong việc phát triển đề tài 88
3.2.1. Nhân vật tích cực 88
3.2.2. Nhân vật tiêu cực 91
3.2.3. Một số nhân vật ảnh hưởng của phân tâm học Freud 99
3.3. Cảm hứng chủ đạo trong văn xuôi Trương Tửu 101
3.3.1. Cảm hứng phê phán 102
3.3.2. Cảm hứng bi kịch 106
Chương 4: MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT TRONG VĂN XUÔI
TRƯƠNG TỬU 112
4.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua phương thức trần thuật 112
4.1.1. Phương thức trần thuật khách quan với những nhân vật tượng trưng 112
4.1.2. Phương thức trần thuật chủ quan với những nhân vật “tôi” 118
4.2. Kết cấu văn xuôi Trương Tửu 120
4.2.1. Kết cấu tâm lý 121
4.2.2. Kết cấu có nội dung vào vấn đề trung tâm của câu chuyện 123
4.2.3. Kết cấu lồng ghép hai nội dung vấn đề 126
4.3. Ngôn ngữ 128
4.3.1. Lời văn đối thoại 131
4.3.2. Lời văn độc thoại 136
4.3.3. Tiếng Pháp được Trương Tửu sử dụng trong các tác phẩm 139
4.4. Nghệ thuật vận dụng văn học dân gian vào tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu 143
4.4.1. Vai trò của văn học dân gian trong văn Việt Nam hiện đại 143
v
4.4.2. Mô típ, nhân vật trong cổ tích, sử thi được nhà văn vận dụng vào văn
xuôi dã sử 144
KẾT LUẬN 153
TÀI LIỆU THAM KHẢO 156
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 169
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Trong những năm đầu thế kỷ XX, sau những biến động lịch sử to lớn, xã
hội Việt Nam có những thay đổi sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Chịu sự tác động của
hoàn cảnh xã hội, với một nội lực mạnh mẽ, nền văn học cũng chuyển mình nhanh
chóng trên con đường hiện đại hóa và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Đặc biệt,
trong giai đoạn này, nền văn học nước ta đã hình thành một lực lượng sáng tác đông
đảo và tài năng, góp phần không nhỏ vào sự thay đổi diện mạo văn học một cách rõ
rệt từ nội dung đến hình thức nghệ thuật. Trương Tửu là một trong những đại diện
tiêu biểu của đội ngũ này.
1.2. Trương Tửu (1913 - 1999) là nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học
Việt Nam được nhiều người biết tiếng. Trần Đình Sử đã khẳng định “Trương Tửu
có lối viết khá khúc triết, chặt chẽ và hấp dẫn. Ông có một khí văn mạnh mẽ, lời văn
đa dạng, biến hóa, giàu chất hùng biện với một niềm tin xác tín không lay chuyển
đã làm nên sức lôi cuốn để dẫn dắt người đọc vào những lập luận khác lạ” [131].
Điều đó chứng minh từ những năm 30 của thế kỷ XX, tên tuổi Trương Tửu -
Nguyễn Bách Khoa đã nhanh chóng thu hút công chúng độc giả và được ghi danh
trên văn đàn công khai. Trong khoảng hơn hai mươi năm cầm bút, ông đã để lại một
văn nghiệp đáng trân trọng với trên 30 đầu sách về lý luận, phê bình, nghiên cứu và
sáng tác. Ông là một trong những nhà phê bình tiên phong đã đưa phê bình Việt
Nam vào thời hiện đại. Với tinh thần khách quan khoa học, nhà phê bình Trương
Tửu - Nguyễn Bách Khoa đã tạo được dấu ấn đặc biệt trong những công trình
nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học của mình; trong đó có những công trình “bề
thế” như Triết lý Truyện Kiều (1931), Nguyễn Du và Truyện Kiều (1941), Văn
chương Truyện Kiều (1944), Trần Đình Sử thể hiện thái độ và tình cảm trân
trọng đối với Trương Tửu “chúng tôi không thể không biểu hiện niềm cảm phục
ông như một nhà nghiên cứu có nhân cách cao thượng” [131]. Trong lĩnh vực sáng
tác văn xuôi, Trương Tửu là một trong số những nhà văn tiên phong của dòng văn
học hiện thực phê phán. Với tâm nguyện làm “chiến sĩ tận tụy chống lại cái thực thể
2
mục nát của xã hội”, “giữ nhiệm vụ tên lính cảm tử phất cao ngọn cờ tranh đấu, dắt
xã hội chạy tìm những chân trời mới và đẹp trên con đường gay go của hạnh phúc”,
người “thư ký trung thành của thời đại” ấy đã hướng ngòi bút vào những số phận bé
nhỏ, những bi kịch cuộc đời, thâm nhập vào đời sống xã hội Việt Nam những năm
đầu thế kỷ XX để phản ánh hiện thực và sự chiêm nghiệm của nhà văn trước cuộc
đời, hướng tới những “chân trời mới” mà nhà văn tin tưởng. Sáng tác văn xuôi của
Trương Tửu thể hiện rõ chủ đích đấu tranh xã hội, có tính tư tưởng thống nhất,
mang đậm giá trị nhân văn. Lối văn luận đề, giàu chi tiết hiện thực khiến cho tác
phẩm của ông còn có giá trị nhiều mặt, có thể trở thành điểm tựa của nhiều bộ môn
liên ngành như lịch sử, báo chí, ngôn ngữ học, văn hóa học, xã hội học
1.3. Tuy nhiên, độc giả hiện nay còn ít biết đến những trang văn xuôi của
Trương Tửu ra đời vào những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ XX. Nhà nghiên
cứu Nguyễn Hữu Sơn chỉ ra nguyên nhân: “Sự lãng quên này có lý do bởi các tác
phẩm văn xuôi Trương Tửu đều chưa được tái bản, hơn nữa còn chịu búa rìu của
những quan niệm phê bình cực đoan, “bắt vít” một chiều, cơ hội chủ nghĩa, cố ý tạo
nên luồng dư luận không đúng và không tốt” [120, tr. 6]. Trong thực tế sáng tác,
văn xuôi Trương Tửu tạo được dấu ấn riêng và có những đóng góp đáng ghi nhận
đối với sự phát triển của văn học giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Mặc dù
Trương Tửu trải qua một cuộc đời 86 năm với nhiều vinh quang rạng rỡ nhưng cũng
không ít vất vả, gian truân. Nguyễn Hữu Sơn khái quát: “Cuộc đời Trương Tửu là
một chuỗi những thăng trầm, đong đầy nghịch lý với những cuộc dấn thân trên tinh
thần trung thực, đấu tranh vì học thuật lẽ phải” [123]. Sau cuộc bể dâu, những đóng
góp quan trọng của ông đối với nền văn học nước nhà đã dần được soi sáng và ghi
nhận.
Hiện nay, với độ lùi thời gian cho phép, dựa trên kết quả sưu tầm, biên khảo,
nghiên cứu đã có, chúng tôi nhận thấy cần phải triển khai nghiên cứu văn xuôi
Trương Tửu một cách hệ thống và sâu sắc để xác định rõ diện mạo và đóng góp của
nhà văn trong lĩnh vực sáng tác đối với tiến trình văn học hiện đại của dân tộc và đối
với đời sống văn hóa đương thời. Tiếp nối những công trình đã có về cuộc đời, con
người, sự nghiệp của Trương Tửu, đề tài luận án đi sâu nghiên cứu: "Văn xuôi
3
Trương Tửu trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX" sẽ có được những
khảo sát, nhận định, đánh giá mới về đối tượng nghiên cứu.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu: Lựa chọn đề tài "Văn xuôi Trương Tửu trong
tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX", luận án xác định mục đích nghiên cứu
những phương diện cơ bản trong văn xuôi Trương Tửu, đặt văn xuôi Trương Tửu
trong tiến trình phát triển của văn học hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XX để xác định
những thành công và hạn chế (nếu có) của cây bút này, thấy được những đóng góp
và vị trí của nhà văn trong nền văn học hiện đại của dân tộc.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu: Tìm hiểu tình hình văn hóa, văn học trong giai
đoạn đầu thế kỷ XX với những giao lưu và tiếp biến văn hóa đã tác động tới ngòi
bút văn xuôi của Trương Tửu; đi sâu phân tích, lý giải những điểm cơ bản về nội
dung và nghệ thuật trong các sáng tác văn xuôi của ông; từ đó, đánh giá vị trí, vai
trò, đóng góp (và giới hạn) của nhà văn trong lĩnh vực sáng tác đối với tiến trình
văn học Việt Nam hiện đại.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận án: Văn xuôi Trương Tửu trong tiến trình văn
học Việt Nam đầu thế kỷ XX.
3.2. Phạm vi nghiên cứu là toàn bộ các truyện ngắn và tiểu thuyết của
Trương Tửu được xuất bản từ năm 1937 đến năm 1942 (thuộc giai đoạn văn học
từ đầu thế kỷ XX đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945). Các công trình
nghiên cứu lý luận, phê bình văn học của nhà văn được sử dụng để tham khảo, so
sánh, đối chiếu trong những trường hợp cần thiết. Những tác phẩm văn xuôi của
Trương Tửu thuộc phạm vi khảo sát là:
1. Thanh niên S.O.S, NXB Minh Phương, Hà Nội, 1937.
2. Một chiến sĩ, NXB Minh Phương, Hà Nội, 1938.
3. Khi chiếc yếm rơi xuống, NXB Minh Phương, Hà Nội, 1939.
4. Trái tim nổi loạn, NXB Văn Thanh, Hà Nội, 1940.
5. Một cổ đôi ba tròng, NXB Tân Việt, Hà Nội, 1940.
4
6. Tôi nguyền rủa mãi người cha ấy, in trong tập Một cổ đôi ba tròng, NXB
Tân Việt, Hà Nội, 1940.
7. Khi người ta đói, in trên Phổ thông bán nguyệt san, số 59, tháng 5-1940,
8. Thằng Hóm, in trên Tin Mới Văn Chương, 1940.
9. Một kiếp đoạ đày, NXB Hàn Thuyên, Hà Nội, 1941.
10. Đục nước béo cò, NXB Minh Phương, Hà Nội, 1940.
11. Cái tôi của ai, in trong tập Một kiếp đọa đày, NXB Hàn Thuyên, Hà
Nội, 1941.
12. Tráng sĩ Bồ Đề, NXB Hàn Thuyên, Hà Nội, 1942.
13. Năm chàng hiệp sĩ, NXB Hàn Thuyên, Hà Nội, 1942.
Trong số đó, có 12 tác phẩm đã được tập hợp, in lại trong cuốn Trương Tửu -
Tuyển tập văn xuôi do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn, xuất bản năm 2009
[120]. Tác phẩm Thằng Hóm đã được Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và in lại trong
cuốn Trương Tửu Tuyển tập nghiên cứu văn hóa, xuất bản năm 2013 [124].
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sử dụng phối hợp các phương pháp
nghiên cứu sau:
Phương pháp phân tích, tổng hợp: Đây là phương pháp được sử dụng cơ
bản trong luận án. Với phương pháp này chúng tôi đi từ việc khảo sát, phân tích
các sáng tác của nhà văn trên từng phương diện từ đề tài đến cảm hứng,… để từ
đó tác giả luận án rút ra những nhận xét có tính tổng hợp, khái quát.
Phương pháp hệ thống: Với phương pháp này, khi vận dụng chúng tôi thực
hiện mục đích để phát hiện sự lặp lại nhiều lần của các phương diện khác nhau
trong sáng tác văn xuôi của Trương Tửu. Từ đó, chúng tôi mạnh dạn đi đến khẳng
định những đặc điểm mang tính ổn định trong quá trình sáng tác của nhà văn.
Phương pháp thống kê, phân loại: Chúng tôi sử dụng phương pháp này để thống
kê về các biện pháp nghệ thuật đã được nhà văn sử dụng trong khi sáng tác. Sau khi
thống kê, phân loại có kết quả sẽ được hệ thống hóa và đặt vào nội dung nghiên cứu.
5
Phương pháp so sánh: Trong quá trình phân tích, tổng hợp chúng tôi tiến
hành so sánh Trương Tửu với một số nhà văn để làm sáng tỏ vai trò của Trương
Tửu đối với văn học Việt Nam hiện đại, làm rõ vị trí của Trương Tửu trong tiến
trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.
5. Đóng góp mới của luận án
Đây là công trình khoa học đầu tiên tập trung nghiên cứu toàn bộ 13 tác
phẩm văn xuôi của Trương Tửu.
Từ việc đi sâu khảo sát, phân tích và hệ thống hóa những điểm cơ bản về văn
xuôi Trương Tửu, đặt văn xuôi Trương Tửu trong bối cảnh văn học đương thời,
luận án đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan, khoa học về vị trí và đóng
góp của nhà văn đối với văn xuôi giai đoạn 1930 - 1945 và với tiến trình văn học
hiện đại Việt Nam.
Luận án góp phần soi sáng toàn diện, sâu sắc hơn bức chân dung văn học của
Trương Tửu và diện mạo văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945.
Kết quả của luận án có thể dùng trong các trường Đại học, Cao đẳng làm tài
liệu giảng dạy, nghiên cứu về Trương Tửu và về văn học hiện đại Việt Nam.
6. Cấu trúc luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và danh mục Tài liệu tham khảo, nội dung
chính của luận án được triển khai trong bốn chương:
Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu.
Chương 2: Cơ sở văn hóa, văn học nửa đầu thế kỷ XX và sự xuất hiện tác giả
Trương Tửu.
Chương 3: Hệ thống đề tài và cảm hứng sáng tác chủ đạo của nhà văn
Trương Tửu.
Chương 4: Một số phương diện nghệ thuật trong văn xuôi Trương Tửu.
6
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Trên cơ sở thu thập được những tư liệu có liên quan đến Trương Tửu, chúng
tôi đặt nhiệm vụ khảo sát và hệ thống lại một cách sơ lược những ý kiến đã nêu về
con người, sự nghiệp của Trương Tửu. Tuy nhiên chúng tôi chú trọng đi sâu nghiên
cứu văn xuôi của ông trên hai thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn nhằm xác định cụ
thể hơn về vị trí của nhà Trương Tửu trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại.
1.1. Khái quát tình hình nghiên cứu về Trương Tửu
Trong văn học Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ XX, ở lĩnh vực lý luận phê bình
Trương Tửu là người đã tạo cho mình một dấu ấn riêng, một lối đi riêng. Bản thân
Trương Tửu và các sáng tác của ông đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau.
Có ý kiến đánh giá khá khắt khe, nhưng bên cạnh đó là nhiều ý kiến chỉ ra được sự
ảnh hưởng của Trương Tửu trong đời sống văn học.
1.1.1. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
Trương Tửu ghi danh trong “làng văn” với tư cách là nhà phê bình và nhà
tiểu thuyết. Theo khảo sát của chúng tôi, khởi nghiệp của ông từ địa hạt phê bình,
bắt đầu bằng bài Triết lý Truyện Kiều đăng trên Đông Tây tuần báo khi mới 18
tuổi; sau đó là một loạt bài phê bình văn học Việt Nam đương đại hiện diện trên
văn đàn. Phương pháp phê bình của Trương Tửu đã trở thành một “hiện tượng”
trên diễn đàn văn học công khai đương thời, nhanh chóng thu hút công chúng độc
giả, đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu - phê bình chuyên nghiệp; tiêu biểu là
những nhận xét, đánh giá của Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Đinh Gia Trinh, tập
trung vào phương pháp phê bình của Trương Tửu trong cuốn Nguyễn Du và
“Truyện Kiều” (bút danh Nguyễn Bách Khoa).
Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại nêu nhận
xét về ưu - nhược điểm của ngòi bút Trương Tửu: “Trương Tửu phê bình tỷ mỷ, kĩ
càng, nhưng phần nhiều ông xét nhận không đúng. Sự sai lầm này là do ở ông dùng
những lời to tát quá để phát biểu ý kiến về những cái hết sức nhỏ trong một quyển
sách” [107, tr. 480]. Nhà nghiên cứu tiếp tục thể hiện quan điểm một cách khá rõ
7
ràng: “Trương Tửu hay phê bình theo một thiên kiến, nên ông không công bình. Bài
“Tính sổ mười năm văn học - 1930 - 1940” của ông đăng trong Mùa gặt mới (số 2 -
1940) tỏ ra ông là một nhà phê bình rất thiên vị. Ông đã từng khen những văn sĩ
trong Tự lực văn đoàn bằng những chữ “rất lớn” trong báo Loa, rồi bây giờ theo
một khuynh hướng chính trị của ông, ông lại dìm họ xuống đất đen, bảo họ đã tạo ra
một loạt thiếu niên nam nữ trụy lạc từ thể chất đến tâm hồn” [107, tr. 481].
Nhà phê bình Hoài Thanh bày tỏ ý kiến không đồng tình với phương pháp
phê bình “nghiện khoa học” của Trương Tửu. Theo quan điểm của Hoài Thanh,
phương pháp phê bình mang tính khoa học tỉnh táo mà Trương Tửu vận dụng
không phù hợp với việc thẩm bình tác phẩm văn học, dẫn đến những cảm nhận
lệch lạc: “Với ông Nguyễn Bách Khoa, cái gì cũng rõ ràng như hai lần hai là
bốn. Ông có ngờ đâu rằng sự thực huyền diệu hơn nhiều, nhất là khi sự thực đó
là con người Nguyễn Du. Ông đang tay phân tích con người Nguyễn Du chẳng
khác gì một nhà bác sĩ phân tích thây ma trong phòng mổ xẻ. Thực là tàn nhẫn.
Và cũng thực là thô thiển! Ông thấy Kim Trọng đa tình, Thúy Kiều đa cảm, thế
là ông bảo Nguyễn Du cũng là người đa cảm, đa tình. Ông thấy Triết lý Đoạn
trường tân thanh vừa có màu đạo Khổng vừa có màu Phật giáo, ông thấy tâm lý
Đoạn trường tân thanh là một thứ tâm lý tùy thời. Ông liền gán triết lý ấy và tâm
lý ấy cho Nguyễn Du” [155]. Hoài Thanh tiếp tục phát triển quan điểm của
mình: “Chứ cái điệu bộ tướng Quảng Lạc của ông Bách Khoa thì chẳng có thể
thấy gì được. Ngay từ khi ông mới bước chân vào tôi đã nơm nớp lo sợ tưởng
chừng như thấy một anh mù múa võ trong một chỗ bày những đồ sứ, đồ pha lê,
vô giá” [155]. Chưa dừng lại ở đó, Hoài Thanh phát biểu gay gắt hơn bởi nhà
nghiên cứu cho rằng Bách Khoa mắc một chứng bệnh nghiện chữ, chứng bệnh
trong y học khó chữa được: “Bệnh nghiện chữ vốn có từ xa xưa nhưng ở thời đại
này thường nảy sinh ra nhiều biến chứng. Biến chứng thông thường nhất là biến
chứng nghiện khoa học. Phàm người mắc bệnh nghiện lạ lùng này miệng hay nói
lảm nhảm những chữ rắc rối, tâm trí thường vướng víu những điều mới lượm
được trong các sách khoa học” [155].
8
Trong thực tế, phương pháp phê bình lấy khoa học làm tôn chỉ cho hoạt động
nghiên cứu văn chương của Trương Tửu trái chiều với phương pháp phê bình mang
tính nghệ thuật ấn tượng, thiên về chủ quan, trực giác, “lấy lòng mình để hiều lòng
người” của Hoài Thanh. Những nhận xét có phần gay gắt của Hoài Thanh đối với
cách viết phê bình của Trương Tửu cũng xuất phát từ sự trái chiều trong phương
pháp tiếp cận văn học nói trên. Qua đó thấy được Hoài Thanh không đồng tình với
phương pháp phê bình của Trương Tửu. Không những thế Hoài Thanh còn tỏ rõ
thái độ khó chịu trước tư duy lý luận của nhà nghiên cứu này. Hoài Thanh bực bội
trước thao tác khoa học của Trương Tửu.
Cũng vào thời điểm sau khi Trương Tửu công bố cuốn sách khảo cứu và
phê bình “Nguyễn Du và Truyện Kiều”, Đinh Gia Trinh viết một số bài trên báo
Thanh nghị năm 1944 (đã được Mã Giang Lân tập hợp trong cuốn Những cuộc
tranh luận văn học nửa đầu thế kỷ XX, xuất bản năm 2005). Trong đó, Đinh Gia
Trinh cũng khẳng định: Trương Tửu cũng đã góp phần khai mở những điều mới
mẻ trong phê bình văn học của nước ta, bởi vì: “Lối khảo xét người dò sâu đến cội
rễ sinh lý, đến ảnh hưởng của xã hội, của hoàn cảnh là một điều mới mẻ trong
khoa học phê bình nước nhà và rất đáng khích lệ”; và “Khi xét về mối quan hệ
giữa Nguyễn Du và Truyện Kiều thì tác giả tỏ ra có minh kiến và trong những áng
văn bình luận về Truyện Kiều từ xưa đến nay ít có những ý kiến mới mẻ diễn ra
một cách bạo dạn và rõ rệt như ở trong cuốn sách của ông Nguyễn Bách Khoa”.
Đinh Gia Trinh tiếp tục khẳng định: Nguyễn Bách Khoa “đã mở cửa cho khoa phê
bình văn học Việt Nam về Truyện Kiều trông thấy những chân trời rộng rãi hơn”,
“đã có công mang vào văn chương nghiên cứu Truyện Kiều những kiến thức mới
mẻ và có giá trị” [71, tr. 112]. Cũng cần nhận thấy, bên cạnh quan điểm khoa học,
từ góc độ cá nhân, Đinh Gia Trinh không đồng tình với một số ý kiến cực đoan
của Trương Tửu về nhân vật Thúy Kiều. Ông cho rằng Trương Tửu: “nhiễm trong
óc những lý thuyết của của Freud, quen tính nói quá đáng và lý luận theo một vài
tiêu chuẩn sinh lý” [71, tr. 113].
Nhìn chung, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, việc nghiên cứu Trương
Tửu chưa được thực hiện một các hệ thống và toàn diện. Các bài viết về Trương Tửu
9
chủ yếu tập trung vào các tác phẩm phê bình văn học của ông. Nội dung các bài viết
thể hiện trực cảm của người nghiên cứu nhiều hơn việc áp dụng phương pháp luận
nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, qua ý kiến đánh giá của Vũ Ngọc Phan, Hoài
Thanh, Đinh Gia Trinh có thể thấy được vấn đề bàn luận: Tác phẩm lý luận nghiên
cứu phê bình của Trương Tửu trong giai đoạn 1930-1945 đã bộc lộ nhược điểm của
tác giả là quá thẳng thắn khi bày tỏ quan điểm đánh giá, nhận xét trước công chúng.
Tác phẩm lý luận phê bình của Trương Tửu ở giai đoạn trước Cách mạng tháng
Tám không được đánh giá là đặc sắc nhưng thực tế đặt ra câu hỏi: Tại sao càng về
sau tên tuổi, tác phẩm của Trương Tửu càng được đọc giả biết đến và trân trọng
nhiều như vậy? Các Hội thảo, lễ Kỷ niệm diễn ra trên các diễn đàn cho thấy một
Trương Tửu có những cống hiến không thể phủ nhận. Như vậy, các ý kiến nhận xét,
đánh giá nêu trên ở mức độ khen chê khác nhau, nhưng thống nhất ở chỗ nhận rõ
đặc điểm ngòi bút “tôn thờ khoa học” của Trương Tửu cùng với những đóng góp và
hạn chế của phương pháp phê bình này,
1.1.2. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, mặc dù diễn tiến qua các chặng
đường có khác nhau, song hành trình nghiên cứu về Trương Tửu vẫn được tiếp tục.
Theo trình tự thời gian, hành trình nghiên cứu về Trương Tửu giai đoạn này
trải qua hai chặng đường; có thể lấy năm 1975 làm điểm mốc phân chia hai chặng
đường đó.
Chặng đường trước năm1975, giữa hai miền Nam - Bắc, việc nghiên cứu
Trương Tửu cũng có nhiều điểm khác nhau.
Ở miền Bắc, nhìn chung, tình hình nghiên cứu Trương Tửu có nhiều diễn
biến phức tạp, ý kiến đánh giá không đồng nhất, thuận chiều đối với các tác phẩm lý
luận - phê bình văn học của ông. Khi tập sách Tương lai văn nghệ Việt Nam (1945)
của Trương Tửu vừa ấn hành, nhà nghiên cứu Thanh Bình (Đặng Thai Mai) đã nêu
ý kiến trên bán nguyệt san Tiên Phong của Hội Văn hóa Cứu quốc số 2, ra ngày
1/12/1945: “Đáng tiếc là ông Trương Tửu chưa hề lĩnh hội vấn đề về văn nghệ một
cách đầy đủ và đến nơi đến chốn để đem lại cho chúng ta một chương trình thiết
thực. Tập luận án của ông Trương Tửu thực quá mông lung về phần lý luận, và khi
10
bàn đến chương trình hành động lại có ý kiến quá tỉ mỉ, quá “máy móc” và sao nhãng
hẳn những điểm rất cần thiết cho sự xây dựng một nền văn nghệ mới” [7, tr. 7].
Tiếp theo, trên bán nguyệt tạp san Tiên phong số 3 (16/12/1945) Thanh Bình tranh
luận với Trương Tửu: “Tự do - tự do cá nhân, tự do nghệ sĩ, tự do tuyệt đối, hay
lắm, đẹp lắm. Nhưng nước nhà chưa tự do thì nghệ sĩ tự do thế nào? Nói cho cùng,
nếu nước nhà được độc lập, được “giải phóng hoàn toàn” và có một chính thể “dân
chủ chân chính” thì nhà nghệ sĩ nào không được tự do?” [8, tr. 8]. Tuy không đồng
nhất với Trương Tửu về một số khái niệm và quan niệm trong văn nghệ, song tác
giả Thanh Bình đã nhận thấy từ cuốn sách Tương lai văn nghệ Việt Nam toát lên
“những lời nói chan chứa nhiệt tình đối với văn học và nghệ thuật, những cảm tình
tha thiết đối với một giai tầng dân chúng, và sự tin tưởng đối với tương lai văn hóa
dân tộc” [9, tr. 19], tác giả của cuốn sách “đã mang nặng trong tâm hồn cái nguyện
vọng tốt đẹp của một nhà văn hóa đối với tiền đồ văn hóa”, “tích cực tham gia vào
công cuộc gây dựng nền văn hóa mới” [9, tr. 19]. Thời gian sau vụ “Nhân văn Giai
phẩm”, ý kiến đánh giá về Trương Tửu trở nên gay gắt. Năm 1958, Phan Cự Đệ có
bài viết Thái độ và phương pháp giảng dạy của Trương Tửu trên báo Độc lập số 354
[30, tr. 3]. Trong bài viết này, Phan Cự Đệ đánh giá phương pháp nghiên cứu văn học
của Trương Tửu là “phương pháp duy tâm chủ quan”, “theo ý muốn cá nhân của
mình” [30, tr. 3] và kết luận về Trương Tửu “đã tỏ ra không xứng đáng một tý nào
với cương vị giáo sư một trường Đại học của chế độ ta, một chế độ tốt đẹp đang tiến
lên xã hội chủ nghĩa” [30, tr. 3]. Trong thực tế, một số lời nhận xét gay gắt lúc đó
cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc nhìn nhận về con người và tác phẩm của Trương
Tửu; theo đó, việc nghiên cứu Trương Tửu có phần lắng lại trong một thời gian dài.
Như vậy có một thời gian con người và sự nghiệp văn chương của Trương
Tửu phải chịu những đánh giá khá cực đoan. Tuy nhiên có thể khẳng định Trương
Tửu đã có một tấm lòng yêu nước và mang trong mình một tinh thần dân tộc lớn
lao, ông đã thể hiện tình yêu văn chương nghệ thuật theo cách riêng nhằm phát huy
tư duy khoa học trong nghiên cứu, ứng dụng vào lĩnh vực văn hóa, văn học.
Trên quan điểm riêng đó, mặc dù ở miền Bắc gặp phải những cơn sóng dữ
dội là những ý kiến trái chiều, còn ở miền Nam phải kể đến lời nhận xét của Lê Văn
11
Siêu vào năm 1974 về con người và cung cách làm việc của Trương Tửu trong cuốn
Về nhóm Hàn Thuyên và Nguyễn Đức Quỳnh: “Trương Tửu đáo để, thông minh,
phản ứng nhanh, học rộng, nhiều sáng kiến và rất nguyên tắc, làm giám đốc văn
chương thì như linh hồn nhà xuất bản, đã nghĩ ngày nghĩ đêm, thảo hoạch chương
trình xuất bản, phân phối việc viết sách báo cho anh em, bàn bạc hằng ngày với anh em
để hướng dẫn lập luận của sách cho không chệch ra ngoài định hướng chung” [126,
tr. 73]. Qua đó cho thấy, Trương Tửu dù ở cương vị nào, làm công việc gì cũng
luôn nghiêm túc và tự yêu cầu bản thân tuân thủ những nguyên tắc nhất định.
Ở miền Nam, văn nghiệp của Trương Tửu với bút danh Nguyễn Bách Khoa vẫn
tiếp tục được nghiên cứu. Nguyễn Văn Trung trong tập III của bộ Lược khảo văn học
xuất bản năm 1968 đưa ra ý kiến nhận xét về văn phê bình của Trương Tửu: “Thời tiền
chiến, Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu) là người đầu tiên và độc nhất đã đưa ra một
quan niệm phê bình rõ rệt và áp dụng nó một cách có hệ thống, với một lối văn lôi cuốn.
Chưa xét quan niệm phê bình mácxít đúng hay không đúng. Chỉ xét ở phương diện
chủ thuyết và viết thành hệ thống thì phải ghi nhận Nguyễn Bách Khoa thành công
hơn tất cả những nhà phê bình trước ông và hiện nay cũng khó tìm ra một Nguyễn
Bách khoa khác” [170, tr. 192]. Nguyễn Văn Trung đồng tình với những khẳng
định, đánh giá cao của Thanh Lãng đối với phê bình của Trương Tửu “Mấy cuốn phê
bình của Nguyễn Bách Khoa, nhất là từ sau 47 trở đi, đã hầu như biến thành sách gối
đầu giường cho thế hệ trẻ. Ở nhà trường, từ giáo sư đến học sinh đều phê bình theo
Nguyễn Bách Khoa” [170, tr. 192]. Trong cuốn Phê bình văn học thế hệ 1932 (tập 2)
xuất bản năm 1974, Thanh Lãng đưa ra nhận xét: “Cùng với các nhà văn trong Nhóm
Tân văn hóa, Nguyễn Bách Khoa đã khai mở hẳn một kỷ nguyên mới trong lịch sử
văn học Việt Nam: phê bình dựa vào biện chứng phép duy vật” [70, tr. 395].
Sang thời kỳ đổi mới của đất nước, đặc biệt là từ những năm đầu thế kỷ
XXI đến nay, trong điều kiện mới của đất nước và của văn học, sự nghiệp của
Trương Tửu được quan tâm trở lại, nhiều nhà nghiên cứu đã dày công sưu tầm, tập
hợp tư liệu về nhà văn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu tác phẩm của
ông. Năm 1996, tiểu sử và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Bách Khoa (Trương
Tửu) được giới thiệu trong cuốn Nhà văn phê bình của Mộng Bình Sơn và Đào
12
Đức Chương [125, tr. 218]. Từ năm 2002 đến nay, với sự nỗ lực của các nhà
nghiên cứu, nhiều bộ sưu tầm, tuyển tập tác phẩm của Trương Tửu đã được xuất
bản và việc nghiên cứu sự nghiệp của Trương Tửu không chỉ được xem xét lại mà
còn được mở rộng và đi sâu hơn về nhiều phương diện.
Năm 2002 Nguyễn Văn Luận đã đưa ra sự nhận diện và đánh giá về phương
pháp nghiên cứu của Trương Tửu trong khóa luận tốt nghiệp với đề tài: Bàn về cuốn
“Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du” của Trương Tửu. Tác giả chỉ ra “Đề tài này
tất nhiên không phải là mới nhưng nghiên cứu phương pháp và hệ thống của một
nhà nghiên cứu Truyện Kiều như là Trương Tửu thì dường như chưa có ai đặt vấn
đề một cách đầy đủ và toàn vẹn” [81, tr. 1].
Tác giả nhấn mạnh vào số lượng trang của tác phẩm 214 trang và đưa ra
nhận định: “Có thể nói học thuyết Mac – Lênin đã được Trương Tửu ứng dụng về
căn bản là toàn diện và khá bao quát. Ông đã thiết lập được một hệ thống phương
pháp luận vững chắc cho việc phê bình Truyện Kiều của mình” [81, tr. 51].
Đứng trên lập trường riêng bản thân tôi cũng có chung suy nghĩ trên. Hơn thế
sự tương đồng còn được chỉ ra khi thấy “Trương Tửu đặc biệt quan tâm tới các
tương quan xã hội, tới học thuyết đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp là hạt nhân
quan trọng thúc đẩy phát triển trong xã hội phân chia thành giai cấp” [81, tr. 52].
Tuy nhiên với phương pháp phê bình của mình, Trương Tửu cũng không tránh khỏi
những hạn chế như “Việc hiện đại hóa tác phẩm, nhiều khi ông nhồi nhét, gán ghép
nhân vật và tác giả vào những khuôn đã được định sẵn” [81, tr. 52].
Tác giả đề tài đặt ra góc nhìn Trương Tửu và những vấn đề phản ánh hiện
thực lịch sử của Truyện Kiều. Các nhân vật Truyện Kiều dưới cái nhìn giai cấp của
Trương Tửu. Mối quan hệ giữa nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều với anh hùng
Nguyễn Huệ ngoài đời. Bên cạnh đó, với góc nhìn Trương Tửu và vấn đề chủ nghĩa
nhân đạo trong Truyện Kiều đã được tác giả đề tài đi đến kết luận “Trương Tửu đã
xa đà vào dung tục, hiện đại hóa nhân vật, tác phẩm và tác giả”; “Gò ép theo quan
điểm đấu tranh giai cấp, TrươngTửu đã tìm một số biểu hiện có tính chất chống lễ
giáo phong kiến của nhân vật và tác giả coi đó là bản chất được ý thức. Trương Tửu
đánh giá cao một chiều tính chất chống phong kiến của tác phẩm” [81, tr. 60].
13
Những kết luận khá rõ ràng mang tính đóng góp vào việc nhận diện vị trí của
nhà phê bình Trương Tửu. “Trương Tửu quan niệm khá đơn giản về mối quan hệ
hiện thực – nhà văn – tác phẩm văn học. Theo ông nhà văn sống ở thời đại nào thì
chịu ảnh hưởng của thời đại ấy về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Điều
đó không có gì sai. Vấn đề là ở chỗ ông không quan tâm đúng mức đến việc tác
phẩm văn học là một sản phẩm sáng tạo của nhà văn, trong đó hiện thực xã hội thời
đại đã được nhình nhận, tái tạo qua con mắt chủ quan của nhà văn” [81, tr. 88]
Tác giả không ngần ngại đưa ra kết luận “Hệ thống nghiên cứu phê bình Mác
xit đã được Trương Tửu sử dụng một cách áp đặt chủ quan không có sự linh hoạt
đối với từng đối tượng nghiên cứu, vi phạm tính lịch sử cụ thể” [81, tr. 89], không
chỉ đánh giá về Trương Tửu mà tác giả đề tài cũng cho rằng “nhiều người khác”
cũng gặp phải “ Những cực đoan khi nghiên cứu văn học”, trong những năm 1954 –
1960. Hạn chế tiếp theo của Trương Tửu “Ông chỉ quan tâm đến nội dung tư tưởng
Truyện Kiều trên cái trục Truyện Kiều – thời đại Nguyễn Du và không hề chú tâm
tới nghệ thuật của tác phẩm”. Ở phần kết luận Trương Tửu có đề cập tới nghệ thuật
nhưng “Chỉ là những dòng sơ lược, không hề đề cập phân tích một thủ pháp nghệ
thuật, một câu thơ cụ thể” [81, tr. 89], nhưng đây cũng không phải hạn chế của
riêng Trương Tửu trong thời gian này ở Việt Nam.
Có cùng lập trường với tác giả đề tài khi xuyên suốt tác phẩm, Trương Tửu
đưa ra lời khẳng định hoàn toàn xác đáng “Là người tiên phong thí nghiệm một hệ
thống, một phương pháp luận mới, ông đã có một số thành tựu và cũng không tránh
khỏi những cực đoan, sai lầm. Một số đóng góp của ông đặc biệt là lịch sử xã hội,
kinh tế chính trị để giải thích tác phẩm văn học là một đóng góp không thể phủ
nhận” [81, tr. 92].
Năm 2004, nhà nghiên cứu Trịnh Bá Đĩnh với bài viết Các hình thái tư duy
phê bình đầu thế kỷ XX (đăng trên tạp chí Hồn Việt, số 2) đã chỉ ra những thành tựu
cũng như hạn chế trong phương pháp phê bình của Trương Tửu qua các tác phẩm:
“Nguyễn Du và Truyện Kiều”, “Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ”, “Văn
chương Truyện Kiều”. Theo Trịnh Bá Đĩnh: “ở đây không phải chỗ để đánh giá các
kết quả nghiên cứu của Nguyễn Bách Khoa, ở đây ta đề cập đến các hình thức tư
14
duy trong các văn bản khoa học. Về phương diện ấy thì có thể nói rằng các tác phẩm
của Nguyễn Bách Khoa là các văn bản khoa học thực sự: xác định về khái niệm, suy
đoán theo quy luật nhận thức và hệ thống chặt chẽ” [33, tr. 201]. Ông đã khẳng định
thế mạnh của Trương Tửu trong tư duy phê bình khoa học.
Năm 2005, Mã Giang Lân trong cuốn “Những cuộc tranh luận văn học nửa
đầu thế kỷ XX” đã xem xét lại những ý kiến gay gắt của Đinh Gia Trinh đối với
Trương Tửu trước đây và tìm cách lý giải căn nguyên: “Đinh Gia Trinh phản bác
Nguyễn Bách Khoa ở chỗ tác giả Nguyễn Du và “Truyện Kiều” tuyên bố nguyên tắc
sử dụng phương pháp khách quan, phương pháp khoa học để nghiên cứu Truyện
Kiều nhưng lại vi phạm nguyên tắc ấy, có lúc cực đoan, cứng nhắc, đơn giản, thiếu
cân nhắc” [71, tr. 114]. Mã Giang Lân đã đứng trên quan điểm lịch sử - cụ thể để
xem xét vấn đề.
Năm 2007, trong lời giới thiệu cuốn “Trương Tửu - tuyển tập nghiên cứu phê
bình”, Nguyễn Hữu Sơn và Trịnh Bá Đĩnh đã chỉ ra các lĩnh vực khoa học phương
Tây như thuyết chủng tộc - địa lý của Taine, học thuyết của Marx, phân tâm học
Freud mà Trương Tửu đã tiếp thu, vận dụng khi phê bình các tác phẩm văn học
trung đại và văn học hiện đại Việt Nam và dự đoán: “Nếu sau này chúng ta có
ngành phê bình phân tâm học văn học thì các tác phẩm của Trương Tửu phải được
xem là những viên gạch đầu tiên”[119, tr. 10]. Hai nhà nghiên cứu nhận rõ điểm
khác biệt trong “nhãn quan” phê bình khoa học của Trương Tửu: “Chủ trương phê
bình này rõ ràng là đối lập với truyền thống bình văn và cảm thụ văn học hồn nhiên
đã được xác lập vững chắc cho đến lúc đó và ngày nay vẫn chiếm ưu thế trong văn
hóa phê bình của chúng ta. Đấy là một trong những lý do chủ yếu khiến tác giả của
nó bị chỉ trích từ nhiều phía và chịu rất nhiều điều tiếng” [119, tr. 8]. Trong bài viết
này, những hạn chế mà ngòi bút phê bình của Trương Tửu đã gặp phải cũng được
nhận diện rõ: “Tất nhiên cái khởi đầu bao giờ cũng rơi vào sự đơn giản, máy móc,
cực đoan; những thiếu sót, sai lầm, bất cập lắm khi lớn hơn sự đầy đủ, đúng đắn và
sự khả thủ gấp nhiều lần. Đôi khi ý nghĩa của nó chỉ là ở sự mở đường. Phê bình
của Trương Tửu cũng không ngoài thông lệ ấy” [119, tr. 10]. Xuất bản cuốn tuyển
tập, hai tác giả Nguyễn Hữu Sơn và Trịnh Bá Đĩnh không ngoài mục đích cung cấp
15
tư liệu cho những người quan tâm đến lịch sử phê bình văn học nước nhà để không
một “hiện tượng” nào bị bỏ qua, không một nhà phê bình nào bị che khuất. Với tinh
thần ấy, các tác giả khẳng định: “một trong những cây bút phê bình khoa học đầu
tiên có nhiều thành tựu (và cũng nhiều thô sơ) không thể bỏ qua trong lịch sử phê
bình văn học nước nhà, đó là Trương Tửu” [119, tr.17].
Năm 2008, Tạ Thị Hồng Nhung với đề tài khóa luận tốt nghiệp Đọc lại công
trình “Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam” của giáo sư Truơng Tửu, đã xây dựng 3
nội dung chính.
Thứ nhất, những công trình nghiên cứu của Trương tửu về văn học truyền
thống Việt Nam [98, tr. 7].
Thứ hai, giới thiệu và lược thuật công trình Mấy vấn đề văn học sử của
Trương Tửu trong mối quan hệ với các công trình về văn học sử khác cho đến thời
điểm 1958. [98, tr. 24].
Thứ ba, những đóng góp và hạn chế của công trình Mấy vấn đề văn học sử
Việt Nam [98, tr. 65].
Tựu trung lại ở bản nội dung được triển khai trong đề tài tác giả đi đến nhận
xét: “Phương pháp nghiên cứu văn học sử của Trương Tửu như những viên gạch đầu
tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu văn học sử theo quan điểm Mác xít” [98, tr.
76]. Tiếp theo là kết luận theo chiều hướng tích cực đối với cây bút phê bình Trương
Tửu “Đọc lại công trình “Mấy vấn đề văn học sử” chúng tôi nhận thấy nhiều điểm
mới mẻ trong phương pháp nghiên cứu văn học sử. Lần đầu tiên những quan niệm xã
hội học Mác xít được ứng dụng một cách khoa học và có hệ thống vào nghiên cứu
văn học, một lĩnh vực thuộc văn hóa tinh thần. Ngày nay, Phương pháp nghiên cứu
này được sử dụng nhiều trong các công trình nghiên cứu văn học” [98, tr. 77].
Bên cạnh đó những hạn chế của Trương Tửu cũng được tác giả chỉ ra đó là
Trương Tửu. Quá say mê với kiến thức khoa học mà quên mất đối tượng mà mình
nghiên cứu là các tác phẩm văn học thì phải bám sát các tác phẩm đó. Mặt khác, khi
lý giải các hiện tượng, biến cố văn học, phân tích những vấn đề tác giả, tác phẩm lại
không rút ra từ bản thân văn học mà lại căn cứ vào các yếu tố kinh tế, xã hội là
chính”. Rõ ràng ý định của Trương Tửu khi cầm bút sáng tác là hoàn toàn đúng đắn
16
muốn áp dụng những lỹ thuyết khoa học hiện đại vào nghiên cứu văn chương nhưng
nội tại của tác phẩm trong sự vận động của văn học không được chú trọng mà chỉ
được đề cập đến yếu tố bên ngoài trong sự biến thiên của chính trị, xã hội, kinh tế.
Nhưng qua các tác phẩm lý luận phê bình cho thấy một Trương Tửu luôn giành
nhiều tình cảm cho nền văn học nước nhà.
Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 95 năm sinh của Trương Tửu, một cuộc hội
thảo về nhà văn được được tổ chức tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong cuộc hội
thảo này có rất nhiều bài viết về con người và sự nghiệp của Trương Tửu. Nguyễn
Thị Bình có bài Con người và sự nghiệp Trương Tửu: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tác giả khẳng định: các công trình nghiên cứu phê bình của Trương Tửu là mảng
chính làm nên tư cách “học giả Trương Tửu”; đóng góp của Trương Tửu là: “có
công lý thuyết hóa việc nghiên cứu văn học sử ở nước ta”, “mạnh dạn ứng dụng một
số triết thuyết mới mẻ mà ông tiếp nhận từ phương Tây vào việc phê bình tác giả, tác
phẩm. Ông chủ động, tự tin đề xuất những quan niệm có tính tiên phong trong nghiên
cứu văn học sử” [10]. Theo tác giả, hạn chế của Trương Tửu khi viết phê bình văn
học là: “ông vận dụng học thuyết Freud vào phân tích văn học khá vụng về, thô thiển,
nhiều nhận định chủ quan, cực đoan” [10].
Tham gia Hội thảo, Phan Ngọc phát biểu Một vài điều ít được nhắc lại về nhà
phê bình Trương Tửu. Tác giả đề cao con đường tự học và phương pháp dạy học của
Trương Tửu. Phan Ngọc nói về cách trình bày văn học của Trương Tửu “khác cách
trình bày của phần lớn giáo sư. Nhìn chung các giáo sư không nêu ngay các kết luận
mà đưa ra những nhận xét và chứng minh sức thuyết phục và tính đứng đắn của
nhận xét”, đối với Trương Tửu “Còn anh khi dạy anh nêu lên một loạt tiên đề, rồi
sau đó áp dụng cho từng tác giả. Anh thiên về phương pháp làm việc. Học sinh có
quyền đưa ra những kết luận khác”. Vì sao Phan Ngọc lại tường tận như vậy, và ông
cũng khẳng định “Tôi biết rõ điều này vì tôi đã từng làm trợ lý” cho Trương Tửu ở
“Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp”. Về đường lối phê bình của Trương Tửu,
Phan Ngọc nhận thấy lập luận của Trương Tửu không tránh khỏi sự cực đoan mặc
dù mục đích là hoàn toàn trong sáng [98].
17
Kiều Mai Sơn có bài Giáo sư Trương Tửu: Người đào tạo số mệnh của chính
mình. Bài viết đã khẳng định Trương Tửu là “chiến sĩ tiên phong” luôn “giữ vững
một niềm tin”. Khẳng định Trương Tửu “đã mang lấy nghiệp vào thân” dũng cảm
“một mình một thuyền chống sào, ngược nước vượt dòng chuyển sang phê bình văn
học. Để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, ông mang theo nguyên vẹn cả khối tình đối với
chuyên ngành này xuống tuyền đài, mọi lời trong cuốn sổ bình xét công và tội của
nhân gian xin nhường cho hậu thế đời sau” [116].
Nguyễn Đình Chú có bài tham luận Đôi điều về cuốn sách Tương lai văn
nghệ Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu, đây có thể là công trình tâm huyết nhất của
Trương Tửu, những lại là tác phẩm đã phần nào gây tai nạn nghề nghiệp đối với tác
giả của nó. Trong bài viết này, Nguyễn Đình Chú đã giới thiệu khá cụ thể, tường tận
quá trình sáng tác, tiếp nhận cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam và trình bày ý kiến của
mình khi đọc lại những bài của Thanh Bình viết về cuốn sách này của Trương Tửu:
“Những lời phê bình của Thanh Bình là đáp án đương nhiên đúng trong phạm vi
công luận từ cách mạng tháng Tám 1945 đến nay ở Việt Nam ta, và cho đến nay
dường như vẫn đơn giản chỉ có một đáp án ấy. Nhưng đối với thế giới và không
chừng đối với cả tương lai thì chắc không đơn giản như thế” [18]. Với độ lùi thời
gian gần nửa thế kỷ, khi đọc lại bài viết của Đặng Thai Mai (Thanh Bình),
Nguyễn Đình Chú nhận thấy ở đó “không chỉ là phê bình” mà còn có “sự biểu
dương nồng thắm” đối với Trương Tửu khi Thanh Bình khẳng khái thổ lộ: “Tôi rất
vui lòng nhận thấy trong tập sách T.L.V.N.V.N. những lời nói chan chứa nhiệt tình
đối với văn học và nghệ thuật, những cảm tình tha thiết đối với một giai tầng dân
chúng, và sự tin tưởng đối với tương lai văn hoá dân tộc. Ông Trương Tửu đã từng
sống những giờ băn khoăn, những đêm “mắt cay, cay cả đến tâm hồn (…). Ông đã
“mang nặng trong tâm hồn cái nguyện vọng tốt đẹp của một nhà văn hoá đối với tiền
đồ văn hoá. Hơn nữa, ông cũng “muốn tích cực tham gia” vào công cuộc gây dựng
nền văn hoá mới” [9; tr. 19-20]. Nguyễn Đình Chú đánh giá, với cuốn sách Tương
lai văn nghệ Việt Nam, Trương Tửu đã “để lại cho đời một mẫu mực trong văn hoá
tranh luận” [18].
18
Tiếp tục đưa ra ý kiến đóng góp vào hội thảo, Lại Nguyên Ân có bài tham
luận Cần tiếp cận nghiên cứu một cách bài bản đối với Trương Tửu như một tác gia
và như một nhân vật văn hóa lịch sử. Bài viết chỉ ra “rõ ràng ông là một tác gia; các
sản phẩm ngôn từ của ông khá nhiều và đa dạng, cho thấy ông là nhà nghiên cứu và
phê bình văn học, là tác giả của một số tác phẩm thể truyện; ta còn có thể chứng
minh Trương Tửu là một lý thuyết gia về văn hóa học, xã hội học…; mặt khác ông
là người lập ra và chủ trì những cơ quan văn hóa như thư xã Đại Đồng, nhà xuất bản
Hàn Thuyên, tạp chí Văn mới, vào những năm 1939-1940: những năm 1955-1957
ông là một trong số những tác giả chính làm nên hiện tượng Nhân văn - Giai phẩm một
sự kiện đã in một dấu vết không thể tẩy xóa trong lịch sử tư tưởng văn hóa Việt Nam
những năm 1950-1970; ở phương diện thứ hai này, Trương Tửu là một nhân vật
hoạt động văn hóa cần được sử học nghiên cứu như một nhân vật lịch sử” [4], qua
lời khẳng định và đưa ra những minh chứng về Trương Tửu cho thấy tác giả bài viết
thể hiện mong muốn các thế hệ nghiên cứu có cái nhìn tổng quát về một nhân vật có
đóng góp nhất định đối với nền văn học Việt Nam.
Tại cuộc Hội thảo về Trương Tửu, còn có nhiều bài viết và những lời phát
biểu thể hiện tình cảm đối với ông: Kỉ niệm về cha tôi - Trương Quốc Tùng; Một
người ấy đã ra đi - Phạm Xuân Nguyên; Kỉ niệm về thầy Trương Tửu - Nguyễn Văn
Hoàn; Kỷ niệm về thầy Trương Tửu - Hà Minh Đức; Với thầy Trương Tửu - Ninh
Viết Giao,… Nội dung các bài viết thể hiện tình cảm sâu đậm về hình ảnh về một con
người yêu văn chương, yêu khoa học giàu nghị lực khiến nhiều người phải nể phục.
Tiếp theo, năm 2009, Trần Thị Hoa có đề tài luận văn thạc sỹ Đóng góp của
Trương Tửu trong lĩnh vực nghiên cứu - phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ
XX. Tác giả của đề tài nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu, đánh giá sáng tác lý luận phê
bình của Trương Tửu, khẳng định tài năng và đóng góp của ông đối với lĩnh vực
văn chương nửa đầu thế kỷ XX. Về đóng góp của Trương Tửu trong lĩnh vực
nghiên cứu phê bình văn học, tác giả có những lời khẳng định và đánh giá cao: “phê
bình khoa học của Trương Tửu là một bước tiến về tư duy của nền phê bình văn học
Việt Nam ở thời điểm đó”; “Trương Tửu là cây bút có khả năng cảm thụ văn học