Khảo sát các phát ngôn hỏi đáp từ góc độ giới
tính trên cứ liệu một số tác phẩm
văn học trước Cách mạng
Nguyễn Thị Hiền
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Hà Nội
Luận văn ThS. Ngôn ngữ học : 60 22 01
Người hướng dẫn : GS.TS. Nguyễn Văn Khang
Năm bảo vệ: 2014
126 tr .
Abstract. Tổng hợp và khái quát một số vấn đề về lý thuyết liên quan đến đề tài
nghiên cứu: vấn đề hội thoại, phát ngôn ngôn ngữ, vấn đề hỏi đáp, vấn đề giới trong
ngôn ngữ. Khảo sát và phân tích chủ đề giao tiếp và xưng hô trong giao tiếp của các
cặp vợ chồng qua các phát ngôn hỏi - đáp trên một số truyện ngắn trước Cách mạng.
Từ đó thấy được các chủ đề chi phối cách giao tiếp của các cặp vợ chồng, cách thức
xưng hô giữa vợ và chồng, giữa các cặp vợ chồng thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau.
Khảo sát và phân tích về đặc điểm ngôn ngữ biểu hiện cụ thể trong các phát ngôn hỏi
và phát ngôn đáp trong giao tiếp của vợ, của chồng, của các cặp vợ chồng ở các tầng
lớp khác nhau, qua một số truyện ngắn trước Cách mạng.
Keywords.Ngôn ngữ học; Phát ngôn; Giao tiếp
Content.
1. Lý do chọn đề tài
Hỏi – đáp là nhân tố không thể thiếu trong giao tiếp cho dù đó là các cuộc trò
chuyện trực tiếp hàng ngày hay là các kết quả được thể hiện trên văn bản. Trong những
năm gần đây, vấn đề này được quan tâm chú ý và được nghiên cứu trên nhiều bình
diện, trong đó có đóng góp của các nhà ngôn ngữ học xã hội. Dù vậy vẫn còn nhiều
câu hỏi và nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ xung quanh chủ điểm nghiên cứu này.
Thông thường các phát ngôn hỏi – đáp nói chung được đề cập chủ yếu trong
giao tiếp hàng ngày, dưới hình thức các cuộc thoại với những bối cảnh giao tiếp khác
nhau mà ít thấy xuất hiện trong các tác phẩm văn học.
Bên cạnh hỏi – đáp, vấn đề giới cũng là một trong những nội dung quan trọng
và không thể thiếu của Ngôn ngữ học xã hội. Tuy nhiên vấn đề giới trong ngôn ngữ ở
Việt Nam có lẽ vẫn cần sự đóng góp của nhiều công trình nghiên cứu hơn nữa. Bài Sự
bộc lộ giới tính trong giao tiếp ngôn ngữ của tác giả Nguyễn Văn Khang [1998] có thể
được coi là nghiên cứu đầu tiên trực tiếp bàn tới mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới
tính. Từ đó đến nay cũng xuất hiện thêm một số luận án, luận văn và bài viết có giá trị
liên quan tới vấn đề này nhưng nhìn chung ngôn ngữ và giới tính vẫn còn là một vấn
đề mở, cần sự đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu. Đặc biệt, cho đến nay vẫn chưa có
nghiên cứu giá trị nào về ngôn ngữ giới tính trên cứ liệu là các cặp hỏi – đáp.
Với tham vọng khảo sát các phát ngôn hỏi đáp trên nhiều cặp giao tiếp, xét từ
góc độ giới tính, trong các tác phẩm văn học trước Cách mạng để có được bức tranh
tổng quan về việc sử dụng ngôn ngữ trong các phát ngôn hỏi - đáp từ góc độ giới tính
ở giai đoạn này, chúng tôi đã lựa chọn tên đề tài là: Khảo sát các phát ngôn hỏi đáp từ
góc độ giới tính trên cứ liệu một số tác phẩm văn học trước Cách mạng. Tuy nhiên,
trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy các phát ngôn hỏi – đáp của nam và nữ
xuất hiện dàn trải và không tiêu biểu nếu xét chung ở các cặp giao tiếp khác nhau (ví
dụ: trong giao tiếp gia đình: bố mẹ với con cái – bố với con trai, bố với con gái, con cái
với nhau – con trai với con gái, vợ chồng với nhau , trong giao tiếp xã hội: bề trên với
dân thường – quan ông với dân thường là nam, quan ông với dân thường là nữ, quan
ông với đầy tớ nam, quan ông với đầy tớ nữ ). Trong khi đó việc sử dụng các phát
ngôn hỏi – đáp của cặp giao tiếp vợ - chồng khá nổi trội dưới các tầng lớp xã hội khác
nhau. Chính vì thế, chúng tôi quyết định đi sâu khảo sát các phát ngôn hỏi – đáp với
cặp giao tiếp này. Chúng tôi cũng giới hạn phạm vi khảo sát hiện tượng ngôn ngữ này
trong một số truyện ngắn giai đoạn trước Cách mạng để có cái nhìn khách quan hơn
với cùng một thể loại tác phẩm văn học.
2. Lịch sử vấn đề
Vấn đề hỏi – đáp và vấn đề giới tính là đề tài của nhiều công trình nghiên cứu từ
trước tới nay đặc biệt là các công trình nghiên cứu về hành vi hỏi và về vấn đề giới
tính.
Trong nền ngôn ngữ học Việt Nam, nghiên cứu về câu hỏi cần phải kể đến các
tác giả như: Cao Xuân Hạo, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân, Hoàng Lê, Lê Đông, Hồ
Lê, Hoàng Trọng Phê, Trần Thị Thìn, Nguyễn Thị Quy, Nguyễn Đăng Sửu Tác giả
Lê Đông trong công trình nghiên cứu “Ngữ nghĩa, ngữ dụng của câu hỏi chính danh”
[1996] đã chỉ rõ mối quan hệ giữa ngữ cảnh và câu hỏi, tiền đề và câu hỏi, tác giả đã
phân tích cụ thể một số kiểu loại câu hỏi đặt trong ngữ cảnh thực. Năm 1991, trong
công trình “Sơ thảo ngữ pháp chức năng” tác giả Cao Xuân Hạo đã phân tích hiệu lực
ngôn trung của câu nghi vấn, từ đó thấy câu nghi vấn không chỉ được dùng để thể hiện
hành vi hỏi.
Vấn đề trả lời dường như dành được sự quan tâm ít hơn của các nhà nghiên cứu.
Cần phải kể đến một số tác giả như: Lê Đông trên tạp chí ngôn ngữ số 1 năm 1985 có
bài viết: “Câu trả lời và câu đáp của câu hỏi”; tác giả Lê Anh Xuân với một số bài
đăng trên Tạp chí ngôn ngữ như “Các dạng trả lời gián tiếp cho câu hỏi chính danh”
[TCNN số 4, 2000], “Trả lời dưới dạng câu nghi vấn gián tiếp thực hiện hành vi phủ
định” [TCNN số 11, 2000], “Một cách trả lời gián tiếp cho câu hỏi chính danh: trả lời
bằng sự im lặng” [TCNN số 5, 2006] và bài viết trên Ngôn ngữ và đời sống: “Câu trả
lời gián tiếp: chối cãi và thanh minh [Ngôn ngữ và đời sống số 6, 1999]
Về vấn đề giới tính trong ngôn ngữ cũng là tâm điểm chú ý của các công trình
nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong đó phải kể đến một số tác giả như: E.d.Sapir,
O.Jersper, Allport, Shen Haibing, R.Lakoff, Coates, Jennife, Crawford, Mary, Eckert,
Penelope, Goddard, Angela, Gray, J, Herbert, Robert K, Holmes, Janet Ở Việt Nam,
nghiên cứu vấn đề này có các tác giả như: Mai Huy Bích, Vũ Thị Thanh Hương,
Nguyễn Thanh Bình, Bùi Thị Minh Yến, Vũ Tiến Dũng, Trần Xuân Điệp, Nguyễn Thị
Mai Hoa, Đỗ Thu Lan, Đỗ Kim Liên, Lê Hồng Linh, Nguyễn Lê Lương, Bùi Ngọc
Oanh, Trần Thị Quế, Lê Thị Quý, Nguyễn Thị Việt Thanh, Nguyễn Đức Thắng, Trần
Thanh Vân, Lương Văn Hy Đặc biệt tác giả Nguyễn Văn Khang trong công trình
nghiên cứu “Ngôn ngữ học xã hội những vấn đề cơ bản” [2003].
Tuy nhiên, xét riêng về vấn đề hỏi – đáp từ góc độ giới tính thì vẫn chưa xuất
hiện nhiều trong các công trình nghiên cứu.
3. Mục đích nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, chúng tôi nhằm mục đích tìm hiểu, phân tích việc sử dụng
ngôn ngữ trong các phát ngôn hỏi – đáp trong giao tiếp của các cặp vợ chồng, xuất
hiện trong các truyện ngắn trước Cách mạng. Qua đó để thấy được, các cặp vợ chồng ở
các tầng lớp xã hội khác nhau, họ sử dụng ngôn ngữ như thế nào qua các cặp hỏi – đáp
được thể hiện trên tác phẩm văn học.
Từ đó, chúng tôi muốn đóng góp một phần nhỏ vào việc nghiên cứu ngôn ngữ
giới tính nói riêng và ngôn ngữ học xã hội nói chung.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, chúng tôi nhằm giải quyết ba nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất là tổng hợp và khái quát một số vấn đề về lý thuyết liên quan đến đề
tài nghiên cứu: vấn đề hội thoại, phát ngôn ngôn ngữ, vấn đề hỏi đáp, vấn đề giới trong
ngôn ngữ.
Thứ hai là khảo sát và phân tích chủ đề giao tiếp và xưng hô trong giao tiếp của
các cặp vợ chồng qua các phát ngôn hỏi - đáp trên một số truyện ngắn trước Cách
mạng. Từ đó thấy được các chủ đề chi phối cách giao tiếp của các cặp vợ chồng, cách
thức xưng hô giữa vợ và chồng, giữa các cặp vợ chồng thuộc các tầng lớp xã hội khác
nhau.
Thứ ba là khảo sát và phân tích về đặc điểm ngôn ngữ biểu hiện cụ thể trong các
phát ngôn hỏi và phát ngôn đáp trong giao tiếp của vợ, của chồng, của các cặp vợ
chồng ở các tầng lớp khác nhau, qua một số truyện ngắn trước Cách mạng.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng chúng tôi lựa chọn để nghiên cứu là các phát ngôn hỏi – đáp với cặp
giao tiếp vợ - chồng trong tất cả các truyện ngắn của 4 tác giả: Nam cao, Nguyễn
Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam. Từ 97 truyện ngắn trước Cách mạng của 4
tác giả trên, có 28 truyện ngắn xuất hiện cặp giao tiếp vợ chồng với 184 cặp hỏi đáp.
Sở dĩ chúng tôi chỉ chọn khảo sát trong phạm vi các truyện ngắn, không bao
gồm truyện dài và tiểu thuyết để có cái nhìn khách quan hơn trong cùng một thể loại
tác phẩm văn học.
Lí do chúng tôi lựa chọn các tác giả trên bởi Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ
Trọng Phụng là những tác giả tiêu biểu cho dòng văn học hiện thực trước Cách mạng.
Đặc biệt, các tác giả này luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những người nông dân
nghèo khổ, các trí thức khốn cùng và cả những tầng lớp quan lại, bề trên của dân
chúng. Riêng với tác giả Thạch Lam, cũng là một trong những cây bút trước Cách
mạng, có khuynh hướng đi gần với cuộc sống của những người bình dân, nghèo khổ.
Tuy nhiên, ngòi bút của Thạch Lam không gay gắt như những Nam Cao, Nguyễn
Công Hoan, Vũ Trọng Phụng mà nó giản dị, nhẹ nhàng, giàu chất thơ. Chính vì thế, ta
có thể bắt gặp hình ảnh những cặp vợ chồng trong các tác phẩm của ông có thể là vợ
chồng lao động bình dân hay vợ chồng thành thị nhưng họ sống rất đỗi tình cảm và
thanh lịch.
Về phạm vi nghiên cứu, chúng tôi chỉ giới hạn khảo sát ở các cặp thoại hỏi –
đáp gồm hai lượt lời (song thoại).
6. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng chủ yếu phương pháp phân tích miêu
tả, ngoài ra chúng tôi còn sử dụng các thủ pháp: thống kê, so sánh, phân tích tổng hợp.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài các phần: mục lục, mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục. Cấu
trúc của luận văn gồm 3 chương:
- Chương 1: Cơ sở lí thuyết
- Chương 2: Chủ đề và xưng hô của các phát ngôn hỏi đáp đối với cặp giao tiếp
vợ chồng qua một số truyện ngắn trước Cách mạng.
- Chương 3: Đặc điểm ngôn ngữ của các phát ngôn hỏi đáp đối với cặp giao tiếp
vợ chồng qua một số truyện ngắn trước Cách mạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thị Vân Anh, Lê Ngọc Hùng, Phụ nữ, giới và phát triển, Nxb Phụ
nữ, 2000.
2. Đỗ Hữu Châu, Cơ sở ngữ dụng học tập I, Nxb Đại học sư phạm, 2003.
3. Đỗ Hữu Châu, Đại cương ngôn ngữ (tập 2), Nxb Giáo dục, 2007.
4. Đỗ Hữu Châu, Đại cương ngôn ngữ học tập II, Nxb Giáo dục, 2001.
5. Đỗ Hữu Châu, Tuyển tập từ vựng ngữ nghĩa (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà
Nội, 2005.
6. Lê Thị Sao Chi, Sắc thái giới tính trong lời độc thoại của nhân vật nữ
qua truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Ngữ học trẻ, 2006.
7. Lê Thị Sao Chi, Từ hô gọi trong lời đối thoại và độc thoại của nhân vật
qua khảo sát truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Ngữ học trẻ, 2005.
8. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, Cơ sở ngôn ngữ
học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 2003.
9. Nguyễn Đức Dân, Ngữ dụng học tập I, Nxb Giáo dục, 1998.
10. Trần Xuân Điệp, Sự kỳ thị giới tính trong ngôn ngữ qua cứ liệu tiếng
Anh và tiếng Việt, Luận án tiến sĩ ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH & NV
(ĐHQGHN), Hà Nội, 2002.
11. Trần Xuân Điệp, Sự kỳ thị giới tiính trong ngôn ngữ (biểu hiện qua cặp
đối lập: người đàn bà gắn với tình dục >< người đàn ông gắn với tài năng), Ngữ
học trẻ, 2002.
12. Nguyễn Thiện Giáp, Dụng học Việt ngữ, Nxb ĐHQGHN, 2000.
13. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 2002.
14. Lê Thị Việt Hoa, Sự thể hiện quan niệm giới tính trong từ vựng tiếng
Việt, Ngữ học trẻ, 1999.
15. Phạm Tố Hoa, Giới tính trong sử dụng ngôn ngữ (qua cứ liệu tiếng
Anh), Ngôn ngữ và đời sống, số 10, 2009.
16. Nguyễn chí Hòa, Thử tìm hiểu hành vi hỏi và hành vi trả lời trong sự
tương tác lẫn nhau giữa chúng trên bình diện giao tiếp, Ngôn ngữ số 1, 1993.
17. Kiều Thị Thu Hương, Cách đáp lại lời khen trong tiếng Anh và tiếng
Việt: Bình diện phân tích hội thoại, Tạp chí ngôn ngữ số 1, 2006.
18. Nguyễn Văn Khang, Ngôn ngữ học xã hội – Những vấn đề cơ bản, Nxb
Khoa học Xã hội, 2003.
19. Nguyễn Văn Khang, Ứng xử trong giao tiếp gia đình người Việt, Nxb
Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1998.
20. Nguyễn Văn Khang, Xã hội học ngôn ngữ về giới: Kỳ thị và kế hoạch
hóa ngôn ngữ chống kỳ thị đối với nữ giới trong việc sử dụng ngôn ngữ, tạp chí Xã
hội học, số 2, 2004.
21. Đỗ Thu Lan, Tác động của nhân tố giới tính đối với việc sử dụng ngôn
ngữ trong giao tiếp, Luận văn thạc sĩ, 2006.
22. Đỗ Thị Kim Liên, Giáo trình ngữ dụng học, Nxb ĐHQGHN, 2005.
23. Đỗ Thị Kim Liên, Ngữ nghĩa lời hội thoại, Nxb Giáo dục, 1999.
24. Hy. V. Lương, ngôn từ giới và nhóm xã hội: từ thực tiễn tiếng Việt, Nxb
KHXH, 2000.
25. Nguyễn Lê Lương, Đặc điểm ngôn ngữ của nữ giới qua hành vi hỏi trên
cứ liệu lời thoại nhân vật trong truyện ngắn Nam Cao trước 1945, Luận văn thạc
sĩ, 2006.
26. Nguyễn Thị Lương, Lời chào gián tiếp của người Việt với phép lịch sự,
Tạp chí ngôn ngữ số 5, 2006.
27. Trần Chi Mai, So sánh cấu trúc và phương tiện biểu hiện câu hỏi chính
danh trong tiếng Anh và tiếng Việt, Luận văn thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học.
28. Hồ Thị Kiều Oanh, Cách thức khen và tiếp nhận lời khen trong phát
ngôn Việt và Mĩ, Ngôn ngữ và đời sống số 5, 2000.
29. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1998.
30. Võ Đại Quang, Tình thái trong câu – phát ngôn: Một số vấn đề lí luận
cơ bản, Ngôn ngữ và đời sống số 3, 2008.
31. Nguyễn Đăng Sửu, Câu hỏi tiếng Anh trong sự đối chiếu với tiếng Việt,
luận án tiến sĩ ngữ văn, 2002.
32. Nguyễn Đức Thắng, Về giới và ngôi ở những từ xưng hô trong giao tiếp
tiếng Việt, Ngôn ngữ số 2, 2002.
33. Nguyễn Thị Việt Thanh, Hiện tượng phân biệt giới tính của người sử
dụng ngôn ngữ trong tiếng Nhật, Ngôn ngữ số 8, 1999.
34. Lê Quang Thiêm, Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ, Nxb ĐHQG,
1998.
35. Nguyễn Thị Thìn, Tác dụng báo hiệu hành vi từ chối giáo tiếp của một
số kiểu cấu trúc nghi vấn, Ngôn ngữ, số 2, 1993.
36. Nguyễn Thị Thúy, Về cấu trúc thông báo của câu trả lời trực tiếp cho
câu hỏi chính danh (Khái niệm – phân loại), Ngôn ngữ, số 2, 2000.
37. Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp, Thành phần câu tiếng Việt,
Nxb Giáo dục, 2004.
38. Nguyễn Việt Tiến, Hỏi và câu hỏi theo quan điểm ngữ dụng học, Luận
văn tiến sĩ, 2002.
39. Phạm Văn Tình, Giá trị mở thoại của các phát ngôn chào hỏi, Ngôn
ngữ và đời sống số 2, 2000.
40. Lê Anh Xuân, Các dạng trả lời gián tiếp cho câu hỏi chính danh, Tạp
chí ngôn ngữ số 4 – 2000.
41. Lê Anh Xuân, Câu trả lời gián tiếp: chối cãi và thanh minh, Ngôn ngữ
và đời sống số 6, 1999.
42. Lê Anh Xuân, Một cách trả lời gián tiếp cho câu hỏi chính danh: trả lời
bằng sự im lặng, Tạp chí ngôn ngữ số 5, 2006.
43. Lê Anh Xuân, Trả lời dưới dạng câu nghi vấn gián tiếp thực hiện phát
ngôn phủ định, Tạp chí ngôn ngữ số 11, 2000.
44. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học,
Nxb Giáo dục, 1996.
45. John Lyons, Ngữ nghĩa học dẫn luận, Nxb Giáo dục, 2006.