Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

phác đồ điều trị điếc đột ngột bằng phương pháp kết hợp đồng thời oxy cao áp với thuốc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (597.56 KB, 12 trang )

ỦY BAN NHÂN DÂN TP.HCM
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
TT. NHIỆT ĐỚI VIỆT - NGA
CHI NHÁNH PHÍA NAM



PHÁC ĐỒ


ĐIỀU TRỊ ĐIẾC ĐỘT NGỘT BẰNG PHƯƠNG PHÁP
KẾT HỢP ĐỒNG THỜI OXY CAO ÁP VỚI THUỐC






ĐỒNG CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI: PGS.TS. NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG
ThS.BS. NGUYỄN PHƯƠNG NAM





THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
THÁNG 11/2012
MỤC LỤC

Trang
I. ĐẠI CƯƠNG 1


II. CHẨN ĐOÁN 1
1. Lâm sàng 1
2. Cận lâm sàng 2
3. Dạng thính lực đồ 3
4. Phân loại 5
III. ĐIỀU TRỊ 5
1. Điều trị triệu chứng 5
2. Điều trị nguyên nhân 6
3. Một số liệu pháp điều trị hỗ trợ 6
4. Phác đồ điều trị kết hợp đồng thời Oxy cao áp với thuốc 6
5. Chống chỉ định và tác dụng phụ của Oxy cao áp 9
IV. TIÊN LƯỢNG 10

1
PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ ĐIẾC ĐỘT NGỘT BẰNG PHƯƠNG PHÁP
KẾT HỢP ĐỒNG THỜI OXY CAO ÁP VỚI THUỐC

I. ĐẠI CƯƠNG
Điếc đột ngột (ĐĐN) là một hội chứng hay gặp ở cấp cứu Tai Mũi
Họng, là điếc tiếp nhận từ 30dB trở lên ít nhất ở 3 tần số liên tiếp nhau và
xuất hiện trong vòng 03 ngày. ĐĐN thường xảy ra một bên tai nhưng cũng có
thể cả hai bên tai và tỉ lệ gần như cân bằng giữa hai giới.
Đa số ĐĐN đều vô căn và người ta ít biết đến sinh bệnh lý của nó. Tuy
nhiên, có nhiều giả thuyết được đề xuất về nguyên nhân của ĐĐN: Do bệnh
mạch máu, nhiễm siêu vi, vỡ màng tai trong và các cửa sổ, bệnh tự
miễn,…vv.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Lâm sàng
- Nghe kém: Là triệu chứng chủ yếu, nghe kém ở một hoặc hai bên tai,
khởi phát đột ngột thường kèm theo ù tai. Bệnh thường xảy ra ban đêm hoặc

lúc buổi sáng thức dậy. Đa số nghe kém xuất hiện và tiến triển nhanh trong
vài phút đến vài giờ. Nghe kém ở nhiều mức độ khác nhau, chủ yếu là điếc
nặng đến điếc đặc.
- Ù tai: Khoảng 70% bệnh nhân ĐĐN bị ù tai ở các mức độ khác nhau
trong suốt thời gian bị bệnh. Có thể ù tai tiếng trầm, nhưng đa số ù tai tiếng
cao như tiếng ve kêu, tiếng còi tàu. Ù tai thường xuất hiện cùng với nghe kém
nhưng có khi ù tai xuất hiện trước triệu chứng nghe kém vài giờ và có thể kéo
dài suốt thời gian bị điếc hoặc lâu hơn.
2
- Chóng mặt: Khoảng 40% bệnh nhân ĐĐN bị chóng mặt thoáng qua
hoặc nhẹ và 10% bị chóng mặt nặng không thể làm việc. Chóng mặt kéo dài
trong vòng 4 - 7 ngày, có trường hợp kéo dài đến 7 tuần. Buồn nôn và nôn
thường kết hợp với chóng mặt nặng.
- Cảm giác đầy tai: Người bệnh cảm giác bị chèn ép bên tai điếc hoặc
như bị đút nút tai.
- Ngoài ra, có thể gặp đau đầu, đau tai và các triệu chứng nhiễm trùng
đường hô hấp trên do siêu vi (khoảng 25% bệnh nhân), một số bệnh nhân có
thể bị sốt nhẹ.
2. Cận lâm sàng
- Đo thính lực bằng âm thoa: Cho thấy là một điếc tiếp nhận Weber lan
về bên lành.
- Thính lực đồ đơn âm: Biểu hiện điếc tiếp nhận ở các mức độ khác
nhau. Ngưỡng nghe đường khí và đường xương đều tăng, nhưng ở mỗi tần số
ngưỡng nghe đường khí và đường xương không chênh lệch nhau quá 10 dB,
biểu đồ đường khí và đường xương luôn song hành.
- Nhĩ lượng đồ: Thường bình thường.
- Đo điện thính giác thân não (ABR): Để đánh giá chức năng thần kinh
thính giác. Quan trọng hơn, đo điện thính giác thân não giúp loại trừ tổn
thương sau ốc tai là nguyên nhân gây nghe kém.
- Test tiền đình: Không bắt buộc và chỉ làm khi có tiền sử và các dấu

hiệu thăm khám toàn thân.
- MRI sọ não: Có thể sử dụng nhằm tránh bỏ sót các khối u góc cầu tiểu
não, u dây thần kinh số VIII, u hành não cầu…vv.
- X Quang xương chũm và xương đá: Thường bình thường.
3
3. Dạng thính lực đồ
- Dạng giảm ở tần số âm trầm (tổn thương ở vùng đỉnh của loa đạo):

Hình 1. Biểu đồ nghe kém tiếp âm thể loa đạo đỉnh

- Dạng giảm ở tần số âm trung bình (tổn thương ở đoạn giữa của loa đạo):

Hình 2. Biểu đồ nghe kém tiếp âm thể giữa loa đạo
4
- Dạng giảm ở tần số âm cao (tổn thương ở vùng đáy của loa đạo):

Hình 3. Biểu đồ nghe kém tiếp âm thể loa đạo đáy

- Dạng giảm ở tất cả các tần số âm (tổn thương toàn loa đạo):

Hình 4. Biểu đồ nghe kém tiếp âm thể toàn loa đạo
5
4. Phân loại
Bảng tiêu chuẩn phân loại điếc của WHO:
dB mất Mức độ nghe kém
< 26 dB : Bình thường
26 - 40 dB : Nhẹ
41 - 55 dB : Trung bình
56 - 70 dB : Trung bình nặng
71 - 90 dB : Nặng

> 90 dB : Điếc đặc/sâu.
III. ĐIỀU TRỊ
ĐĐN là một cấp cứu trong Tai Mũi Họng, đòi hỏi phải được điều trị
càng sớm càng tốt, bao gồm:
1. Điều trị triệu chứng
- Thuốc có tác dụng giãn mạch ngoại biên, kích thích hô hấp, tăng
cường oxy máu và hoạt hóa não bộ. Các thuốc hay dùng là Divascol, Duxil,
Fonzylan, Ebamin…vv.
- Thuốc có tác dụng tăng cường oxy máu, làm giảm sự thiếu máu cục
bộ và thiếu oxy (Nootropyl). Thuốc có hai tác dụng chính là chống kết dính
tiểu cầu, làm thuận lợi cho sự lưu chuyển hồng cầu và chống co thắt tại vi
mạch.
- Thuốc có tác dụng kháng viêm, làm giảm tính thấm thành mạch, ngăn
ngừa sự ứ dịch ở tai trong: Kháng Histamin, Corticoid.
- Thuốc kháng virus: Acyclovir và Amantadine được sử dụng giới hạn
để điều trị ĐĐN vô căn trong trường hợp nghĩ do virus.
6
- Thuốc làm tiêu sợi huyết, thuốc an thần, các vitamin nhóm B.
2. Điều trị nguyên nhân
Dựa vào khai thác tiền sử, bệnh sử, thăm khám, các xét nghiệm cận lâm
sàng, có thể tìm thấy nguyên nhân như nhiễm độc thuốc, viêm nhiễm, rối loạn
chuyển hóa…vv, thì kết hợp điều trị nguyên nhân. Tuy nhiên phần lớn
nguyên nhân sinh bệnh thường không rõ ràng nên việc điều trị ĐĐN gặp
nhiều khó khăn.
3. Một số liệu pháp điều trị hỗ trợ
- Nghĩ ngơi tránh vận động.
- Phong bế hạch sao.
- Châm cứu.
- Oxy cao áp (OXCA).
4. Phác đồ điều trị kết hợp đồng thời Oxy cao áp với thuốc

Bệnh nhân ĐĐN được điều trị thuốc theo phác đồ:
- Corticoid liều cao, giảm liều dần:
+ Ngày 1, 2: Solumedrol 40mg tiêm tĩnh mạch x 3 lần/ngày.
+ Ngày 3: Solumedrol 40mg tiêm tĩnh mạch x 2 lần/ngày.
+ Ngày 4, 5: Solumedrol 40mg tiêm tĩnh mạch 1 lần/ngày.
+ Ngày 6, 7: Prednisolon 5mg x 6 viên uống, chia 2 lần/ngày.
+ Ngày 8: Prednisolon 5mg x 4 viên uống 1 lần/ngày.
+ Ngày 9, 10: Prednisolon 5mg x 2 viên uống 1 lần/ngày.
- Nootropyl: 12g truyền tĩnh mạch (pha trong 250ml Glucose 5%)/ngày
x 10 ngày.
7
Đồng thời kết hợp điều trị OXCA:
Điều trị OXCA theo liệu trình gồm 10 lần điều trị, ngày điều trị 1 lần,
thời gian điều trị 1 lần kéo dài 60 phút, áp suất điều trị 2,5 ATA, quy trình cụ
thể như sau:
Chuẩn bị bệnh nhân:
- Giải thích cho người bệnh về kỹ thuật điều trị OXCA.
- Hướng dẫn người bệnh:
+ Cần nghỉ ngơi 30 phút trước khi điều trị để ổn định mạch, huyết áp.
+ Không ăn no quá hoặc nhịn đói, không dùng chất kích thích.
+ Người bệnh không dùng các lọai mỹ phẩm, các loại thuốc bôi ngoài
có dầu mỡ.
+ Cách thay đổi tư thế và cách thức trao đổi thông tin với bác sĩ bên
ngoài qua hệ thống liên lạc.
+ Người bệnh cần đi vệ sinh trước khi vào máy.
+ Đo mạch huyết áp dưới 160/90 mmHg đưa vào điều trị, huyết áp trên
160/90 mmHg thì dùng thuốc hạ huyết áp.
Các bước tiến hành:
- Kiểm tra người bệnh:
+ Quần áo: Mặc quần áo của cơ sở điều trị OXCA (chất liệu vải bông

100%).
+ Tháo răng giả, đồng hồ trang sức và các đồ dùng khác bằng kim
lọai…vv.
8
+ Giải thích để người bệnh biết về những hiện tượng hay gặp trong thời
gian điều trị (khi tăng áp, bình áp và khi giảm áp) để người bệnh yên tâm và
biết cách phối hợp trong quá trình điều trị.
+ Nhắc lại các điều hướng dẫn khi tăng áp, bình áp, giảm áp, phương
pháp thay đổi tư thế và cách thức giao tiếp khi nằm điều trị trong buồng cao
áp với bác sĩ bên ngoài.
- Đưa người bệnh vào buồng cao áp: Ổn định tư thế người bệnh (tư thế
nằm) trong buồng cao áp.
- Thực hành kĩ thuật:
+ Kiểm tra hồ sơ, chỉ định phác đồ điều trị.
+ Vận hành máy.
+ Làm liệu trình tăng giảm áp:
Giai đoạn 1 (giai đoạn đổi khí): Sử dụng oxy tinh khiết để đuổi không
khí nhằm đảm bảo đưa nồng độ oxy trong buồng đạt mức > 55%, giai đoạn
này kéo dài 1 - 2 phút.
Giai đoạn 2 (giai đoạn tăng áp): Đưa áp suất trong buồng đạt tới áp suất
cần thiết 2,5 ATA theo phác đồ điều trị đã chỉ định, giai đoạn này kéo dài
khoảng 10 phút.
Giai đoạn 3 (giai đoạn bình áp): Khi áp suất trong buồng đã đạt tới áp
suất điều trị 2,5 ATA chuyển sang giai đoạn bình áp và đảm bảo giữ nguyên
áp suất theo phác đồ điều trị đã chỉ định, đây là giai đọan quyết định hiệu quả
điều trị của OXCA, giai đoạn bình áp kéo dài khoảng 40 phút.
Giai đoạn 4 (giai đoạn giảm áp): Nhằm đưa áp suất trong buồng trở lại
áp suất khí quyển (1 ATA) sau khi kết thúc giai đoạn bình áp, giai đoạn giảm
áp kéo dài khoảng 10 phút.
9

- Đưa người bệnh ra khỏi buồng cao áp: Khi áp suất trong buồng trở lại
áp suất khí quyển, mở cửa buồng cao áp đưa người bệnh ra ngoài.
- Kiểm tra người bệnh sau điều trị OXCA: Kiểm tra mạch, huyết áp cho
người bệnh, để người bệnh nghỉ ngơi 5 - 10 phút và hẹn lần điều trị tiếp theo
(kết thúc một lần điều trị). Các lần điều trị sau lặp lại như trên.
Sau khi kết thúc 10 ngày điều trị, bệnh nhân được khám lại lâm sàng,
đo lại thính lực và nhĩ lượng.
5. Chống chỉ định điều trị và tác dụng phụ của oxy cao áp
Chống chỉ định điều trị OXCA:
- Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi
- Bệnh nhân có các khoang chứa khí kín ở trong phổi
- Bệnh nhân đang bị viêm đường hô hấp cấp tính
- Bệnh nhân bị ung thư đang dùng hóa chất trị liệu
- Bệnh nhân động kinh
- Bệnh nhân cao huyết áp (> 160/90 mmHg)
- Bệnh nhân mắc chứng sợ buồng kín.
Tác dụng phụ của OXCA:
Với liều điều trị thông thường < 2 ATA và thời gian một lần điều trị
không quá 2 giờ thì OXCA hầu như không có tai biến và tác dụng phụ. Tuy
nhiên ở một số tình trạng bệnh lý đòi hỏi phải sử dụng áp suất cao hơn và thời
gian điều trị dài hơn thì có thể gặp một số biến chứng và tác dụng phụ: Tổn
thương phổi do áp suất, chứng sợ buồng kín, bệnh giảm áp và ngộ độc oxy.
Trên lâm sàng, ngộ độc oxy được thể hiện dưới hai hình thức: Cấp tính và
mạn tính.
10
- Ngộ độc oxy cấp tính biểu hiện các dấu hiệu tổn thương thần kinh
trung ương kiểu cơn động kinh co giật, trước đó có các biển đổi trên điện não
đồ biểu hiện bằng sóng biên độ thấp, tần số cao. Ngộ độc oxy cấp tính thường
xảy ra khi điều trị bệnh nhân với áp suất > 3 ATA hoặc cao hơn và phụ thuộc
vào thời gian điều trị. Nếu thời gian điều trị kéo dài hơn 60 phút với áp suất >

3 ATA thì khả năng xảy ra ngộ độc oxy cấp tính rất lớn. Trường hợp xảy ra
ngộ độc oxy cấp tính thì xử lí bằng cách ngừng điều trị, nhanh chóng đưa
bệnh nhân ra khỏi buồng cao áp, cho thở khí trời, cho uống các thuốc chống
co giật.
- Ngộ độc oxy mạn tính biểu hiện bằng viêm phổi, phù phổi và xẹp
phổi có thể xảy ra khi điều trị OXCA với áp suất < 2 ATA nhưng kéo dài và
lặp lại nhiều lần. Ngay cả khi điều trị bằng oxy 100% dưới áp suất khí quyển
(1 ATA) kéo dài > 12 giờ sẽ xuất hiện các dấu hiệu đau ngực, ho và đau họng.
Trường hợp xảy ra ngộ độc oxy mạn tính thì xử lí bằng cách dừng liệu trình
điều trị, cho uống thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau, long đờm.
Trong thực tế điều trị OXCA để tránh xảy ra ngộ độc oxy các chuyên
gia hàng đầu về OXCA đã thống nhất liệu trình điều trị với áp suất < 3 ATA
và thời gian không kéo dài quá 60 phút.
IV. TIÊN LƯỢNG
Một số yếu tố tiên lượng phục hồi tốt đối với các trường hợp sau đây:
- Bệnh nhân ĐĐN 1 tai
- Bệnh nhân đến điều trị trước 7 ngày sau khi bị ĐĐN
- Bệnh nhân ĐĐN < 50 tuổi
- Bệnh nhân ĐĐN có thính lực đồ dạng giảm tần số trầm và trung bình.

×