BÙI THANH TRUYỀN
(SƯU TẦM, TUYỂN CHỌN)
TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN VÀ THƠ CHO THIẾU NHI SAU 1986
(TÀI LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ)
HUẾ, THÁNG 5 - 2010
PHẦN I: TRUYỆN
ÁO EM CÀI HOA TRẮNG
VÕ HỒNG
Tôi được đi học chậm hơn mọi đứa trẻ khác. Sáu tuổi mà vẫn chưa ôm sách tới trường. Nguyên do
vì má tôi đau bệnh dai dẳng, mà không muốn tôi sống xa cách, dù mỗi ngày chỉ bốn năm giờ đồng hồ.
Khi má tôi phát bệnh thì bác sỹ đã cho ba tôi biết má tôi không sống thêm được quá hai năm. Má
không được nghe điều đó nhưng tự xét sức khoẻ của mình, má biết con đường đi của má không còn dài
lắm. Mặc kệ những lời trấn an liên tiếp của ba tôi, má giữ một thái độ cam chịu và chờ đợi.
Thấy tôi cứ lêu bêu quấn quýt cạnh mẹ, ba tôi có lần gắt:
- Em phải để cho con nó đi học chớ. Bằng tuổi nó người ta đã vào lớp Tư (tương đương lớp Hai)
rồi. Trẻ con lên bốn tuổi, người ta đã cho vào ấu trĩ viên (Vườn trẻ, nhà trẻ) để chúng vừa chơi vừa
học.
- Học sớm hay muộn gì rồi cũng sẽ đến đích một lượt. Đứa bốn tuổi học một năm bằng đứa năm
tuổi học sáu tháng. Đứa năm tuổi học sáu tháng bằng đứa sáu tuổi học ba tháng.
- Anh biết rõ điều đó. Nhưng nó đã sáu tuổi rồi mà chưa học được tháng nào.
- Thôi, để em dạy con.
Má tôi gom những miếng bìa cứng, cắt thành những mảnh vuông to bằng bàn tay. Má vẽ lên đó
những cái vòng tròn, những cái hình mà má gọi là lưỡi câu, cái gáo, con cá. Má chỉ cái vòng tròn và
bắt tôi gọi bằng o, cái lưỡi câu bằng i, cái gáo bằng q, con cá bằng e. Lưỡi câu là cái tôi không hề biết
nên tôi hỏi lại:
- Lưỡi câu là cái gì vậy má?
Má tôi ngạc nhiên bởi câu hỏi. Má nhìn tôi giây lâu rồi đưa bàn tay mềm mại vò lên đầu tôi.
Má nói:
- Ờ! Con chưa biết cái lưỡi câu. Đó là một cái kim nhọn bẻ cong lại, nơi đầu người ta móc một con
mồi vào.
- Con mồi là con gì, má?
- Là con trùn, con dế hoặc nhiều khi là miếng bánh, miếng cơm, những miếng mà con cá nó thích
ăn.
- Móc con mồi vô cái kim chi vậy?
- Để đem thả xuống nước, con cá thấy mồi, mừng quá, lật đật bơi lại táp. Miệng cá dính vào cái
kim, người ta giật lên, cá không chạy trốn được, người ta bắt nó.
Tôi chỉ xuống hình vẽ con cá trên một mảnh bìa cứng (chữ e của má tôi đó) hỏi lại má tôi:
- Người ta bắt con cá này phải không má?
Má tôi mỉm cười, gật đầu. Tôi lại hỏi:
- Má có đi bắt những con cá bằng cái kim uốn cong như vậy không?
- Có. Hồi nhỏ má có đi bắt như vậy. Người ta gọi là đi câu.
- Sao má không cho con đi bắt?
- Khi nào rảnh, vào ngày chủ nhật hay ngày lễ, ba con sẽ dẫn con đi câu một lần.
Tôi lắc đầu:
- Không, con muốn má dẫn con đi. Con không muốn ba dẫn.
- Má bệnh, má đâu có đi được?
- Thì hôm nào má mạnh má dẫn con đi.
Má tôi “ừ” và lặng lẽ nhìn tôi. Một lát, thấy từ nơi khoé mắt của má có hai giọt nước mắt chầm
chậm ứa ra, lăn dài chạy xuống cằm. Tôi không hiểu tại sao điều tôi yêu cầu có thể làm má tôi buồn
như vậy. Sau này lớn lên, ngồi nhớ lại tôi mới hiểu. Một ngày đã đoán biết được ngày chết gần kề của
mình mà phải hứa với con một điều mình biết chắc không thể nào thực hiện được! Không những
không thực hiện được việc dẫn con đi câu cá, cả đến việc được ngồi cạnh con trước những tấm bìa
cứng này cũng không còn kéo dài được bao lâu nữa.
Tôi học không được bao nhiêu chữ. Bởi ngồi với tôi chừng một lát thì má phải nằm nghỉ. Tôi sung
sướng nằm theo, cạnh má, tay cầm xấp “bài học” xếp xếp như người ta đánh bài. Tôi nói với má:
- Nằm học khoẻ hơn, má hả?
- Ừ.
- Sao ở trường học họ không cho học trò nằm ngửa ra mà học?
- Nằm ngửa ra, tụi nó ngủ quên hết.
Tôi gật đầu, ờ ờ.
Dù khi tôi ngồi cạnh hay nằm cạnh, má cũng hay lấy bàn tay rờ lên đầu tôi, vuốt ve lên má, lên
cằm, lên tai tôi. Dường như để xác định rằng có tôi hiện diện đó thực, tôi, vật quý báu nhất do má tạo
ra và má sắp bỏ lại tôi trên cõi trần này.
Ba tôi bắt gặp mấy lần lối học “nằm ngửa” này của tôi. Ông kiểm soát lại xem có chữ nào còn sót
lại trong cái khối óc ưa nằm ngửa đó không và rõ ràng là một tư thế như vậy làm cho mọi chữ nghĩa
đều trôi tuột đâu hết. Ông nghiêm sắc mặt bảo tôi:
- Ngồi dậy mà học.
Tôi líu ríu ngồi dậy.
- Lại ngồi nơi bàn mà học.
Tôi líu ríu đi lại bàn.
- Sắp lên bảy tuổi rồi mà học chưa hết hăm bốn chữ cái. Bằng tuổi này, người ta đều học lớp Tư.
Má không phân biệt cho tôi chữ nào đực, chữ nào cái.
Tôi đoán chữ i, chữ t gầy gò là đực, chữ o chữ a mập mạp là cái.
Thường thì tôi nghe lời ba tôi lại bàn ngồi ngay ngắn, nhìn xuống mặt chữ và lẩm nhẩm gọi tên
nó. Má tôi im lặng để nhường tiếng nói cho ba tôi. Một hôm, tôi ngoan ngoãn nghe lời ba líu ríu lại
bàn thì má tôi cất tiếng:
- Thôi, cho con đi chơi.
Tôi không biết nên nghe lời ai. Nghe lời má thì tôi sướng quá rồi, nhưng ba tôi còn đứng đó. Mà ba
tôi thì tuy không nghiêm khắc nhưng ông biết bắt người ta vâng lời. Tôi biểu lộ sự lưỡng lự bằng cách
vẫn đi bước tới nhưng bước chậm lại.
Má tôi giục:
- Con chạy ra ngoài chơi đi con.
Tiếng ba tôi:
- Thôi, cho con đi chơi.
Tôi nghe lời ba, đi rẽ ra phía hành lang. Vừa bước ra khỏi phòng thì nghe tiếng nói của má tôi:
- Anh đừng làm cho con sợ.
- Anh không muốn vậy, nhưng phàm uốn tre thì phải uốn khi nó còn là măng. Anh tập cho con biết
nghe lời phải.
- Phải uốn dịu dàng! Em biết là em quấy khi giam giữ con ở cạnh mình mà không chịu rời nó ra
cho nó đi học. Nhưng anh ơi, em đâu có còn sống được nhiều ngày tháng? Bác sĩ nói với anh là bệnh
em sẽ chữa khỏi. Anh đừng tin. Em biết sức khoẻ của em mà. Vì vậy mà em muốn sống quây quần bên
cạnh con những ngày chót của đời em.
Tiếng má tôi khóc nấc lên làm tôi bàng hoàng. Tôi đi trở ngược lại và qua khung cửa mở, tôi thấy
ba tôi cầm tay má tôi. Má tôi lấy khăn lau nước mắt.
- Con nó nhút nhát vì từ nhỏ tới giờ nó chỉ sống cạnh em. Gần như không có tiếp xúc với những
trẻ con khác. Vậy anh đừng làm cho con sợ. Anh phải thương con bằng tình thương của anh và thay
em mà thương con bằng tình thương của người mẹ. Bổn phận thứ hai nặng hơn bổn phận thứ nhất.
Má tôi ngậm một chéo khăn mùi soa như để ngăn chặn tiếng nấc.
Những tấm bìa cứng tỏ ra bất tiện mỗi khi tôi muốn nhìn lại gương mặt của một chữ. Cứ lật lên,
bỏ xuống, loay hoay kiếm hoài. Đôi khi miếng bìa mang cái chữ tôi muốn kiếm lại không nằm trong
“bộ bài” đó mà nằm lạc ở một nơi nào khác. Ngày nào cũng có dịp để lục tứ tung mền gối với mục
đích tìm chữ. Rất tốn thì giờ. Bởi vì kiếm chữ thì không ra mà gặp toàn những thứ mình không định
kiếm. Chẳng hạn hòn bi. Rõ ràng là hôm kia tôi ngồi bắn bi một mình ở ngoài mái hiên, thế mà buổi
chiều ra mái hiên để tìm bắn tiếp thì một hòn biến đâu mất. Chạy kiếm sáng con mắt, chẳng chỗ nào
có. Má tôi đưa hai đồng sai chị bếp ra hiệu sách mua cho tôi hòn bi khác. Bây giờ khi tìm chữ mà học
thì lại thấy hòn bi đó nằm dưới tấm “ra”. Chẳg hạn tìm thấy cái móc tai. Hôm qua ba tôi ngứa tai, tìm
cái móc tai những không thấy, ông la vang cả nhà. Bây giờ không tìm thì nó lại nằm tô hô ra đó.
Nhưng tôi không chịu nhặt đem cất đi để trưa về đem cho ba đâu. Tôi phải dùng nó để móc tai tôi cái
đã. Công việc đó làm tôi say mê và khi tôi chịu rời nó ra thì bên phòng ăn đã nghe tiếng muỗng nĩa rổn
rảng.
Má tôi nhận thấy sự bất tiện của phương pháp học bài trên bìa cứng nên một hôm đưa tiền cho chị
bếp sai ra hiệu sách mua cho tôi một cuốn vần.
A! Có cuốn sách mới chính hiệu là học trò đây! Tôi giành lấy quyển sách. Nhìn xem cái bìa thấy
có vẽ hình hai đứa con nít đang lật mở cuốn sách. Tôi nói:
- Học cuốn sách cần phải có hai đứa thấy không má? Con học có một mình thì học sao được?
- Má sẽ cùng học với con.
- Nhưng má đâu phải là con nít? Đứa con gái này lớn hơn thằng kia một chút. Chắc là chị của
thằng kia. Đáng lẽ má đẻ cho con một đứa chị gái như vậy.
Má gật gật đầu:
- Ừ. Đáng lẽ má đẻ cho con một đứa chị như vậy. Nhưng mà thôi, đưa sách đây má lật dạy cho
con. Đây, cái lưỡi câu đây. Lưỡi câu là chữ gì?
Tôi lật đật nói liền như sợ có ai tranh nói trước:
- Chữ i.
- Giỏi lắm. Chữ i dùng để viết đi học, đánh bi. Con coi hình vẽ thằng nhỏ đi học. Vài hôm nữa con
cũng ôm cặp và xách ve mực đi học như nó vậy. Còn thằng này thì ngồi đánh bi. Hai đứa nhỏ này
đang chạy thi.
Tôi vội lật ra trang sau để xem có món gì lạ trong đó. Tôi la to lên:
- A! Con cá! Con cá đang bơi.
- Tên là cá gì con biết không?
Tôi lắc đầu:
- Không.
- Cá thu. Con cá thu có chữ u.
Chữ o thì dễ nhận ra. Má tôi chỉ hình vẽ một chùm trái cây rồi hỏi:
- O chùm chùm gì?
Tôi nói liền:
- Chùm ruột.
Má bật cười:
- Chùm nho chớ sao lại chùm ruột?
Tôi cười theo. Tôi quen kêu chùm ruột chớ ít nói chùm nho. Trên lối đi ngoài vườn có đến ba, bốn
cây chùm ruột. Mùa hè, trái lòng thòng từng chùm. Má chỉ hình con ve sầu (dạy chữ e) rồi hỏi tôi con
gì.
Tôi nhìn xuống hình, nhíu môi suy nghĩ một lát rồi nói:
- Con dán.
Má lại cười. Rõ ràng là sự học vẫn làm cho mẹ con tôi vui vẻ.
Có một trang vẽ làm cho má ủ dột nét mặt. Đó là trang dạy chữ ê vẽ hình một con dê mẹ cho dê
con bú và con bò mẹ cho bò con bú. Con dê mẹ có một bầu sữa thật lớn và đứng lom khom. Nó có một
chòm râu nơi cằm nên không ra dáng một bà mẹ. Con bò cái trông dễ thương hơn. Nó quay mặt lại
nhìn con nó bú. Đôi con mắt trìu mến hiền từ, như mắt má vẫn nhìn tôi khi tôi ngồi trong lòng má.
Học đến chữ q “con nhỏ quét nhà” thì bịnh của má tôi phát nặng trở lại. Bác sĩ cấm không cho
tôi được vào phòng. Ba tôi âu lo, mỗi ngày gương mặt mỗi héo dần đi. Trong phòng má bước ra, ba đi
thẫn thờ hoặc bước vội vã, và dường như ba không còn nhận thấy sự hiện diện của tôi nữa, của chị
bếp, của chị Năm giúp việc, của căn nhà, của mọi vật xung quanh. Có lẽ chỉ còn nhận thấy sự hiện
diện của cái cửa để bước ra, của cái bàn để đi tránh. Tôi buồn bã cô đơn, đem cuốn sách vần ra nhìn
mặt chữ, nhìn hình vẽ. Lật xuôi lật ngược, đọc ngược đọc xuôi, nhưng cứ đến trang “con bé quét nhà”
là dừng lại. Trang bên cạnh có vẽ con khỉ trèo cây. Chẳng biết chữ gì đó, đọc như thế nào và sự tích
làm sao. Chắc phải hay lắm, thú vị lắm, bởi một con khỉ thì không thể chán như hai trái đu đủ hay như
cái lư đồng. Nhưng ai đọc cho tôi? Ai giải thích cho tôi? Thật ra thì ba tôi có thể chỉ cách đọc, chị bếp
có thể bày tôi đọc, nhưng tôi không muốn ai chen vào sự học của tôi để thay thế má tôi hết. Tôi chỉ tin
ở má tôi thôi. Tôi chỉ an tâm thoải mái bên cạnh má tôi thôi. Đôi lúc ba tôi đi ngang cạnh tôi, đứng
dừng lại, nhìn tôi ngồi trước trang sách. Tôi phải đọc vội những chữ u chữ e và đưa tay lật liền về
những trang đầu sách. Khi vội quá không kịp lật ra trang trước thì tôi đưa hai bàn tay lên che cái hình
con khỉ. Đáng ra ba hỏi, nhưng dáng ba mệt nhọc bơ phờ nên ba đứng dừng một chút rồi bỏ đi luôn.
Tôi không muốn ba tôi nhìn đúng vào trang con khỉ trèo cây. Tôi sợ ba tôi sẽ hỏi chữ gì rồi bày cho tôi
học luôn. Không! Tôi để dành chữ đó cho má tôi. Tôi muốn nhìn đôi môi xinh xắn của má tôi đọc,
ngón tay trắng thon của má tôi chỉ và tai tôi nghe giọng nói dịu dáng của má tôi phát âm tiếng đó. Tôi
muốn má tôi kể cho tôi nghe về câu chuyện con khỉ đó như má đã kể chuyện con ve ve đi vay gạo của
con kiến trong bài học chữ e, con tò vò nuôi con nhện trong bài học chữ t, đời sống của chúa sơn lâm,
con sư tử giữa rừng châu Phi trong bài học chữ s. Nhưng than ôi! Điều ước ao đòi hỏi của tôi không
thể thực hiện được. Má tôi từ trần trong kì bệnh tái phát đó, vĩnh viễn lìa bỏ tôi. Cuốn vần quốc ngữ
chứng kiến sự ra đi đành đoạn của má. Nhìn trang bên này thì má tôi còn, nhìn trang bên kia thì má tôi
mất. Con đường chỉ đóng ngăn cách hai trang sách như là con đường phân ranh giữa sự còn và sự mất,
sự Sống và cái Chết của má tôi.
Má mất được hai tháng thì ba tôi dẫn tôi xuống trường Tiểu học Lai Đức xin cho tôi học lớp Năm
(tương đương lớp Một hiện nay). Cô giáo bắt dùng một cuốn sách vần khác không có vẽ hình con khỉ.
Càng hay. Hình con khỉ nên chỉ để dành riêng cho tôi và má tôi thôi. Tôi không muốn ai dính dự vào
đó hết. Hãy để cho nó giữ vẹn sự bí mật đối với tôi cũng như sự bí mật bao quanh má tôi từ khi má
mất. Tôi không biết bây giờ má tôi ở đâu. Hài cốt thì chắc chắn là nằm ở nghĩa trang thành phố, dưới
ngôi mộ đắp vun lên, xây đá, quét vôi trắng và phía trước có tấm bia ghi rõ tên má. Hàng chót của tấm
bia ghi tên tôi, đứa con trai độc nhất của má mà người khắc bia ghi là: Trưởng nam phụng tự. Cái thân
xác của má còn đó, nhưng linh hồn thì phiêu lãng ở cõi nào? Tôi không tin là cái linh hồn đó bị tiêu
diệt đi được.
Từ ngày má mất, ba tôi dịu dàng với tôi nhiều hơn trước, mặc dù sự học của tôi không theo kịp nổi
những đứa cùng tuổi. Ba tháng học của một thằng sáu tuổi kết quả bằng một năm học của đứa lên bốn
tuổi, điều má tôi nói có thể đúng, nhưng những đứa sau tuổi lại không chịu ngừng học để đợi tôi, để
cho tôi theo kịp. Chúng nó cứ học như điên và tôi phải vừa học theo vừa trả nợ liên miên. Trả nợ hồi
lên bốn, trả nợ hồi lên năm, trả nợ hơn nả năm lên sáu. Ba tôi khuyên:
- Con cứ yên tâm mà học. Chẳng cần phải vội chi. Lớp Năm, lớp Tư còn thua chúng bạn nhưng lên
lớp Ba, lớp Nhì con sẽ bằng, lên lớp Nhất con sẽ hơn. Con đường học vấn còn dài lắm.
Tôi nói thầm:
- Con cảm ơn ba, nhưng con sẽ cố gắng để học mau cho bằng chúng bạn. Con sẽ chỉ thua chúng
bạn ở lớp Năm, bằng chúng bạn ở lớp Tư và lên lớp Ba con sẽ hơn. Con phải làm vui lòng má con,
làm sao cho má khỏi phải hối hận là bởi má mà con đi học chậm trễ thua sút con người ta.
Tôi đã giữ lời hứa, dù đó là lời hứa âm thầm. Tôi đã can đảm ngồi lại bàn học lâu hơn những đứa
bạn tôi, bị thúc đẩy bởi lòng yêu thương má tôi tha thiết khôn nguôi. Lâu lâu, tôi lén mở cuốn sách vần
cũ, cuốn vần đầu tiên của chúng tôi. Hai đứa nhỏ vẫn cứ chạy thi hoài, chạy suốt đêm ngày không biết
mệt. Thằng nhỏ vẫn ngồi bắn bi, bắn bi mà y như cầm hòn bi dứ và miệng con cá phi đang lừ mắt nhìn.
Trang sau có thằng nằm ngủ miệng há ra để rớt những chữ o trên tay, và dưới tấm hình người ta biên là
ngáy o o. A! Cái chùm nho ngày xưa tôi kêu là chùm ruột! Từ ngày má mất, chị Năm và chị bếp tị
nạnh nhau lười biếng tưới cây. Cây chùm ruột cạnh giếng thì còn tươi tốt trái bâu đầy cành, còn mấy
cây chùm ruột đứng ở góc rào thì thiếu nước nên bị đói trông thấy. Lá mỏng đi và hay xếp quặp lại.
Rầy bám đen thân cây như có ai rảy bột than lên đó.
Tôi lệt thêm vài trang. Con dê mẹ còn đứng lom khom, con bò mẹ vẫn quay mặt âu yếm nhìn con
con bê đang say sưa bú. Tôi nhớ đến nét mặt buồn của má tôi lần đầu tiên khi má lật nhìn trang này.
Má ơi, hôm nay thì con biết tại sao má buồn như vậy. Má muốn đem má so với con bò mẹ đó. Con bò
mẹ còn nhiều nhiều ngày tháng để âu yếm nhìn con nó, còn má thì sắp sửa phải vĩnh viễn xa con. Con
nhớ buổi sáng đó má nhìn lâu bức hình rồi má thở dài. Má quay mặt đi chỗ khác. Con hỏi má:
- Con bò con nó bú hết sữa thì lấy đâu để người ta làm bò sữa, hở má?
Con đợi lâu không thấy má trả lời. Khi má quay lại thì con thấy mắt má đỏ và ươn ướt. Con còn dại
không hiểu là má đang khóc. Con hỏi:
- Sao mắt má đỏ vậy má?
Má nói:
- Có hột bụi nó rớt vô mắt má.
Má ơi, hôm nay coi lại hình con bò mà con nhớ má quá chừng. Con muốn được ngồi cạnh má và
được má nhìn bằng đôi mắt âu yếm như đôi mắt của con bò cái nhìn con nó vậy.
Nghĩ tới đây, nước mắt tôi lặng lẽ trào ra. Tôi không muốn khóc mà! Tôi chỉ muốn nhớ tới má tôi
thôi, nhớ đôi môi xinh xắn, ngón tay trắng thon và giọng nói dịu dàng. Tôi lật thêm vài trang. Đến
trang con bé quét nhà và con khỉ trèo cây thì cơ hồ mắt tôi không còn nhìn rõ hình vẽ nữa. Màng nước
mắt đã dày và những hình vẽ chập chờn rung rinh.
Mỗi lần mở cuốn vần ra coi, tôi sợ ba tôi bắt gặp. Tôi thường phải đợi lúc nào ba vắng. Tôi không
muốn bị ba phê bình là đa cảm uỷ mị. Hồi má còn và thấy tôi lớn đầu còn quấn quýt bên mẹ, ba tôi tỏ
ý lo rằng sau này lớn lên tôi thiếu mạnh dạn can đảm. Chính vì lẽ đó mà mặc dù rất chiều chuộng má
tôi, có nhiều lần ba phải la lối gay gắt.
Quyển sách vần, tôi cất kĩ trong tủ sách của tôi. Hễ lật coi xong là len lén đem cất dưới đáy tủ. Thế
nhưng có hôm vì bạn tới chơi bất ngờ hay có việc gì đó hốt nhiên xảy ra, tôi lật đật quên dẹp nó. Và rồi
tôi cũng quên bẵng nó nữa. Tuổi nhỏ có trí nhớ rất dai nhưng dễ lơ đễnh lộn xộn. Khi mở cặp học bài,
bỗng thấy cuốn vần nằm trong đó. Lần đầu, tôi kêu chị bếp:
- Chỉ bỏ cuốn vần cũ trong cặp của em phải không?
Chị lắc đầu:
- Không.
Tôi nói:
- Vậy thì chắc chị Năm.
Tôi kêu chị Năm và lặp lại câu hỏi. Chị Năm dài dòng hơn:
- Từ sáng đến giờ chị đâu có vô phòng em mà bỏ? Ai bỏ đó chớ, chị bỏ thì chị nhận liền.
Chắc chị Năm nghi chị bếp bỏ. Và chắc chắn là chị chưa nghe rõ câu hỏi, chưa biết bỏ cái gì,
bỏ vô đâu và bỏ như vậy thì có hại gì. Chắc là chị đang nghi “kẻ đó” đã làm một điều lỗi, và chị
muốn đổ riệt cho chị bếp. Tôi không muốn hỏi dài dòng thêm. Một cái chạng cây ổi nơi đó tôi ngồi
núp dưới bóng lá để nghe con chim kêu lích chích đối với tôi thích thú hơn những chuyện đôi co.
Một lần sau cũng lại bỏ quên quyển vần và cũng lại tìm thấy trong cặp. Lần này tôi bận làm bài
toán đố, không kịp điều tra.
Một buổi sáng nọ tôi đang mê ngủ thì chợt giật mình thức dậy. Nhìn ra cửa sổ thấy ánh sáng ban
mai còn mờ mờ. Ba có thói quen dậy sớm. Mộ lát có tiếng cửa mở nhẹ, rồi tiếng dép của ba đi về nhà
sau. Chợt tôi nghe tiếng ba tôi hỏi:
- Đứa nào đem bỏ quyển vần Quốc ngữ của em vô đây?
Tôi lo quá khi nghe ba tôi nhắc đến quyển vần Quốc ngữ. Đúng rồi, chiều qua tôi lật ra coi rồi bỏ
quên không dẹp. Chắc chị Năm, tánh hay làm ẩu, lấy đặt vào một nơi mà ba tôi không bằng lòng. Đặt
lên đầu tủ lạnh, trên mặt tủ búp phê chẳng hạn. Tính ba tôi sạch sẽ mà quyển vần thì lem luốc rách
rưới.
Tiếng chị bếp:
- Dạ thưa ông, cháu đó.
- Quyển sách của em mà, sao đem quăng vô đây?
- Dạ cháu thấy cuốn sách rách bìa, bỏ rớt dưới sàn gạch phòng ăn. Cháu tưởng em bỏ nó. Cháu
lượm quăng vô giỏ để hồi nào nhen lửa. Cuốn sách vần cũ mà, thưa ông.
- Ừ, cuốn vần cũ chớ sao?
- Em học lên tới lớp Nhất rồi, còn dùng cuốn vần đó chi nữa?
Một khoảng im lặng hơi dài. Tôi nghĩ rằng ba tôi đã bỏ đi chỗ khác không trả lời chị bếp. Nhưng
không. Vẫn nghe tiếng ông nói ở chỗ cũ:
- Em nó giữ để lâu lâu nó mở ra coi. Kỉ niệm của má nó đó mà. Lần sau hễ thấy em nó bỏ lạc
chỗ nào thì nhớ lượm lên đem bỏ vô cặp cho em.
- Dạ.
Tiếng dép ba tôi đi lên nhà trên. Tay nắm cửa phòng tôi quay nhè nhẹ và cửa phòng mở nhè nhẹ.
Tôi vội vàng nhắm mắt giả vờ ngủ. Ba tôi lại gần giường đứng nhìn tôi giây lâu rồi nhẹ mở cái cặp của
tôi đặt quyền vần vào trong. Ông đóng cặp lại rồi rón rén bước ra khỏi phòng. Cánh cửa nhẹ nhàng
đóng lại sau lưng.
Tôi cảm động muốn kêu lên: “Má ơi! Ba không nghiêm khắc với con như má hằng lo sợ hồi má
còn sống. Ba uốn nắn con nhẹ lắm, nhẹ hơn uốn nắn cây măng non. Ba quý trọng những giờ phút quấn
quýt cạnh nhau của mẹ con ta, hồi xưa và cả bây giờ và mãi mãi sau này nữa, má có biết không?”. Tôi
rất yên tâm bởi không bị cản trở trong việc thỉnh thoảng ngồi nhớ má tôi, nhớ những ngày cũ êm đềm
cạnh má, sự hồi tưởng bâng khuâng mà khi lớn lên tôi coi như những cuộc hành hương lặng lẽ về Quá
khứ có má hiện diện, và Đất Thánh của tâm hồn tôi.
***********
CÁI NGẦN
HẠ HUYỀN
Bố tôi vẫn thường nói với tôi: Nó khổ hơn con rất nhiều, con đừng tị bì với nó.
“Nó” là cái Ngần, con bé lang thang không có cha mẹ được bà tôi đem về nuôi trong một lần bà đi
tàu từ Hà Nội về. Bà tôi kể: lúc thấy nó ngơ ngơ ngác ngác một mình trên sân ga, quần áo rách rưới
bẩn thỉu, bà tôi động lòng hỏi han nó thì không hiểu sao nó oà khóc đòi đi theo bà tôi. Nó chẳng nhớ
tại sao nó đến được đây. Nó cũng chẳng nhớ nó tên gì. Bắt đầu từ ngày đó, cuộc sống đang êm ả của
tôi bị đảo lộn lung tung cả lên.
Đầu tiên là mấy con búp bê xinh đẹp. Mẹ tôi bảo: “Con cho nó chơi với”. Rồi hộp đồ xếp hình tôi
vẫn cất cẩn thận trong thùng giấy các tông. Bố tôi bảo: “Con hãy chơi chung với nó”. Bực nhất là nó
chẳng thèm xin chơi với tôi. Nó đứng trân trân, tròn đôi mắt nhìn tôi. Nó muốn tất cả đồ chơi của tôi
ư? Đừng hòng
Tới năm đầu đi học nó mới được bố đặt cho cái tên là Ngần. Cả nhà gọi nó là cái Ngần. Nó quen
dần với cái tên mới. Khi được gọi “Ngần ơi”, nó toét miệng cười. Nó gọi bà tôi bằng bà, gọi bố tôi
bằng bố. Nghe ngọt không? Tôi nhiều lần quát nó: Bà mày à? Bà của tao chứ Bố tao chứ. Bố mày
đấy à, đang ở Tôi chỉ tay về rặng núi xa tít chân trời. Nó nhìn theo, bần thần gạ tôi: “Cho em chung
bà với chung bố với ”. Có thế chứ. Cuối cùng nó cũng hiểu thân phận nó và đã ngoan ngoãn xin tôi.
Ở làng tôi, rất nhiều cây xoan. Tháng hai, hoa xoan thả hương thơm ngát, rụng tím cả các phiến đá
lát đường. Những hàng rào cúc tần xanh mơn mởn trong mưa bụi mùa xuân. Dây tơ hồng vàng quấn
quýt đan vào nhau những cánh hoa xoan li ti như những vỏ trấu màu tím rơi nhẹ. Tôi với cái Ngần
chơi trò công chúa về làng. Nó luôn bắt tôi làm công chúa. Làm công chúa được đeo vòng vàng (vòng
vàng làm bằng dây tơ hồng). Nó cẩn thận trang điểm cho tôi xong rồi nghiêng ngó cười ngặt nghẽo:
“Chị Huyền giống hệt công chúa nhé”. Công chúa như thế nào tôi cũng không biết. Có gì khác lũ con
gái bình thường chúng tôi? Tôi làm bộ trang trọng đi vào sân nhà. Cái Ngần vun hoa xoan rụng đầy vạt
áo, đi sau vung hoa lên đầu tôi, miệng ơi ới: “Tránh ra nhá, cho công chúa đi cái nhá”. Chú cún cũng
rối rít lăng xăng chạy lui chạy tới. Chán vai công chúa, tôi bảo đổi cho nó. Cái Ngần lắc nguây nguẩy:
“Em ứ làm được công chúa đâu. Em xấu lắm. Công chúa phải đẹp chứ. Em làm người hầu công chúa
thôi”.
Những mùa hoa xoan tím thấm thoắt qua nhanh. Vèo một cái chúng tôi đã học lớp 9. Bà tôi dạo
này yếu hẳn đi. Bà ho nhiều về đêm. Mâm cơm hàng ngày của gia đình tôi không còn nhiều bát đĩa to
đựng thức ăn như trước. Bố tôi hay ngồi tư lự sau những buổi đi làm về. Mẹ tôi lại chuẩn bị sinh em
bé. Tất cả việc đồng áng đều một mình bố tôi gánh vác. Tôi và cái Ngần sau buổi học lăn ra làm giúp
bố. Tối tối đến giờ học bài, bố bắt chúng tôi vào học:
- Năm nay vượt cấp, các con phải chú ý bài vở hơn đấy.
Tôi với cái Ngần hai đứa không giao ước nhưng đều cố đạt điểm tốt để bố vui lòng. Tuy khác lớp
nhau nhưng chúng tôi đều biết được kết quả học tập của nhau. Tôi là học sinh giỏi lớp A thì nó cũng
là học sinh giỏi lớp C. Kì thi tốt nghiệp, đám học trò lo xanh mặt. Tôi với cái Ngần thì “yên chí làm
bài xong bọn tớ sẽ viện trợ” – chúng tôi đùa với bạn như thế. Năm đó chúng tôi thi xong tốt nghiệp
phải thi tiếp lên lớp 10. Buổi báo tin danh sách trúng tuyển vào trường phổ thông trung học tôi không
tin vào mắt mình nữa: cái Ngần không đỗ lớp 10.
Khi tôi báo tin này với bố, bố tôi bỏ buổi cày phóng xe đạp hốc tốc xuống trường huyện. Mẹ tôi
hỏi lại tôi: “Sao cái Ngần lại không đỗ?”. Bà tôi thì rên rẩm: “Đúng là học tài thi phận. Rõ khổ”. Rồi
bà lại ho khan từng hồi dài
Cái Ngần về, mặt buồn buồn. Tôi hỏi. Nó trả lời qua quýt: “Em bị điểm liệt”. Bố tôi đạp xe
từ trường về thở dài: “Cái Ngần không đỗ rồi, bị một môn điểm liệt”. Không, tôi không tin được. Tất
cả các môn cái Ngần đều học khá. Có môn còn giỏi nữa. “Vấn đề” gì vậy. Tôi quyết định cất công đi
tìm hiểu. Có đứa mách: Không hiểu sao cái Ngần chép đề xong cứ ngồi im khóc thầm. “Thầy giám thị
hỏi thì nó trả lời ấp úng là không hiểu bài, không làm được”. Tôi nóng ruột: Hôm đó thi môn gì?
Đứa bạn trả lời: Môn địa lí.
Người tôi run lên. Môn địa lí nó học giỏi hơn cả tôi. Đề năm nay không khó Đúng rồi Tôi chạy
về nhà, lôi nó ra sau bếp:
- Sao mày cố tình không làm bài thi môn địa lí?
Lúc đầu nó chống chế:
- Em không nhớ bài
- Nói láo, tôi quát lên – Mày cố tình không làm. Bài đó tao với mày đã từng kiểm tra lẫn nhau.
Cái Ngần cúi đầu. Tôi nhìn qua làn tóc mai của nó. Những giọt nước mắt đang từ từ lăn trên gò
má nó. Tôi khóc ào lên:
- Mày muốn ở nhà làm giúp bố phải không? Mày thấy bà ốm nên mày muốn ở nhà phải không?
Mày muốn dành cho tao đi học phải không? Sao lại thế
Bố tôi từ đồng về đứng sau chúng tôi lúc nào không biết. Người lẳng lặng dựng chiếc cuốc vào
góc hè, mắt cũng đỏ hoe.
BÂY GIỜ BẠN Ở ĐÂU?
TRẦN THIÊN HƯƠNG
Đó là một buổi học bình thường gần cuối năm học lớp Tám (Theo hệ mười năm).
Vừa bước chân vào lớp, tôi cảm thấy ngay một không khí khác thường bao trùm đến cả hơi thở.
Bọn con gái không tụm năm tụm ba nói chuyện vớ vẩn như mọi ngày. Bọn con trai không chơi các trò
tinh nghịch của chúng.
- Nhân vật chính đã đến! - Tiếng thằng Đinh, một trong những miệng lưỡi ác nhất đám con trai.
Tôi nhét cặp vào hộp bàn, ngẩng lên chợt bắt gặp nhiều đôi mắt đổ dồn về phía mình. Tôi lập tức
hiểu rằng “nhân vật chính” chẳng phải ai khác, cũng lập tức nghĩ xem mình có làm điều gì khiến mấy
chục cặp mắt phải có cái nhìn khác thường kia. Vừa lúc đó, cô giáo dạy văn vào lớp. Cả lớp cuống
cuồng đối phó với mười lăm phút kiểm tra bài cũ và đáng sợ hơn nữa là tiết mục kiểm tra vở soạn văn.
Bọn con trai lớp tôi “dị ứng” kinh niên với tiết mục này.
*
* *
Hai tiết văn trôi qua nặng nề, khi người ta được tôn là “nhân vật chính” mà không rõ lí do.
Ở cái lớp 8A này, tôi chỉ là một học sinh bình thường. Trong các cuộc họp sơ kết học kì hay tổng
kết cuối năm, tên tôi không có ở một vài cái tên nổi trội về học tập, văn nghệ, cũng không có ở danh
sách học sinh phải nhắc nhở. Không nghịch ngợm lắm (bởi tôi là con gái một gia đình đông con, ngoài
giờ đi học còn phải đi bán rau giúp mẹ) nhưng tôi cũng tham gia đủ các trò chơi của bọn con gái. Điển
hình nhất phải kể đến cái trò tẩy chay bọn con trai.
Không biết bắt đầu từ đâu nhưng ngay từ những ngày đầu vào lớp 8, con trai con gái lớp tôi đã chia
thành hai phe rõ rệt. Từ các nhóm học tập cho đến các nhóm lao động đắp lán, đào hầm hào, bao giờ
cũng “nam nữ thụ thụ bất thân” (Ấy là nói theo lời tuyên bố của thằng Đinh, học lỏm của ông nội nó).
Mấy lần thi văn nghệ, chỉ vì không chịu đựng chung nhau trong một dàn đồng ca của lớp, chúng tôi
đành cam chịu xếp thứ hai – dù nổi tiếng có nhiều giọng ca hay nhất trường - bởi nhận xét của ban tổ
chức: “Chưa có tinh thần đồng đội”. Trong chiều hướng chung đó, không thù ghét một đứa con trai
nào trong lớp, tôi vẫn “thụ thụ bất thân” với cả lũ chúng nó.
Nhưng thực ra thì tôi có làm gì bọn nó đâu.
Cả lớp trọ lại nơi trường sơ tán, một mình tôi vẫn đi về để ghánh rau giúp mẹ. Hẳn là có chuyện
gì đó xảy ra vào buổi chiều hôm qua ở đây. Và tôi nóng lòng đợi giờ ra chơi.
Cô giáo vừa ra khỏi lớp, cái Đinh lại oang oang:
- E hèm, bọn mày chú ý này, xem có hay như tiểu thuyết không nhé: nàng có hai bím tóc xinh xinh
như hai quả đào, vầng trán sao mà tinh khiết, thông minh, riêng có đôi mứt thì lại buồn buồn thế nào
ấy
Mấy đứa con trai to mồm cười lên hô hố. Có vài đứa con gái cũng khúc khích cười theo.
Bấy giờ cái Thuỷ ngồi cạnh tôi mới thì thào vào tai tôi:
- Bọn nó đang đọc nhật kí của thằng Bình viết về mày đấy. Chả biết thằng Bình để quên sổ thế nào
mà thằng Lượng trọ cùng nhà lại vớ được.
Tôi thoắt nóng ran cả mặt và ngớ ngẩn hỏi lại Thuỷ:
- Thằng Bình à? Sao nó lại viết về tao?
Cái Thuỷ bật cười:
- Mày đi mà hỏi nó ấy. Mà hình như nó cũng xấu hổ nên hôm nay nó có đi học đâu.
Bấy giờ tôi cũng để ý thấy chỗ trống ở cuối lớp - chỗ ngồi của Bình.
Những ngày sau đó thật khủng khiếp đối với tôi. Tin về cuốn nhật kí của thằng Bình lan nhanh
như gió thổi từ lớp tôi ra khắp trường. Cũng may là thầy giáo chủ nhiệm của lớp tôi kịp thời ra tay
ngăn chặn bọn thằng Đinh - bắt chúng phải trả quyển sổ cho thằng Bình ngay chiều hôm đó. Nếu
không, không biết mọi việc còn đi đến đâu nữa.
Chỉ khổ cho tôi. Là nạn nhân nhưng nào tôi biết vì sao tai hoạ lại rơi vào tôi chứ không phải là
đứa con gái nào khác trong lớp. Cái Thuỷ, cái Hồng, cái Nhung đều xinh xẻo hơn tôi, đứa thì hát
hay, đứa thì học giỏi, sao cái thằng Bình kia lại không chịu ghi nhật kí về bọn nó kia chứ? Cay cú với ý
nghĩ ấy, thực sự tôi chưa biết thằng Bình ghi những gì trong cuốn sổ của nó. Đôi lần thằng Đinh đem
ra đọc giữa đám con trai để cười cợt với nhau thì tai tôi ù đặc trong nỗi xấu hổ (và cả nhục nhã nữa -
nỗi nhục nhã trẻ thơ), tôi có nghe thấy gì đâu.
Bạn gái nhiều đứa an ủi tôi: “Kệ chúng nó Tâm à. Thằng Bình viết là việc của nó. Mày có viết đâu
mà sợ!”. Tôi biết ơn bọn cái Thuỷ lắm, nhưng vẫn để lọt tai một vài tiếng eo xèo: “Này, biết đâu cái
Tâm với thằng Bình lại chẳng có gì. Không có lửa làm sao có khỏi kia chứ!”. Vài chị học lớp trên quen
tôi còn trêu chọc: “Con bé này tẩm ngẩm tầm ngầm mà ghê thật!” Tôi chỉ còn biết cúi gằm mặt mà đi,
ở mọi chỗ có mặt học sinh trường tôi.
Chuyện không hiểu sao rồi cũng đến tai mẹ tôi, dẫu nhà tôi ở cách trường đến dăm cây số. Một
buổi tối, lúc tôi thu dọn sách vở chuẩn bị đi ngủ, mẹ bỗng chăm chú nhìn tôi và bảo:
- Tâm này, thân thiết quá với các bạn trai, ở tuổi con bây giờ không có lợi đâu con ạ.
Tôi hiểu mẹ muốn nói gì. Lấy chồng nghèo, mẹ phải tần tảo buôn thúng bán mẹt nuôi chúng tôi,
còn xưa kia mẹ là cô gái đẹp nhất một vùng, sống cấm cung theo luật lệ nho giáo khắc nghiệt của ông
ngoại tôi. Những trang nhật kí của thằng Bình hẳn là “chuyện ghê ghớm” lắm trong cách nhìn của mẹ.
Tôi bắt đầu thấy căm ghét thằng Bình. Nó chính là kẻ đã gây ra tai hoạ cho tôi – còn ai vào đây
nữa.
Đó là một thằng con trai mảnh khảnh, trắng trẻo, như con gái, mới chuyển về trường tôi từ đầu học
kì hai. Cũng như tôi, nó thuộc diện những học sinh ít ai để ý trong lớp. Học khá, ít mồm ít miệng, thỉnh
thoảng nó còn là mục tiêu chế giễu của bọn con trai trong lớp tôi bởi hai từ “xin lỗi” và “cám ơn” vô
cùng lạ lẫm đối với lối nói xô bồ của bọn chúng. Nghe nói bố thằng Bình là bác sĩ, mẹ nó là nhà sử
học, nhà nó giàu mà nghiêm lắm. Thằng Bình là con trai duy nhất, kém chị gái nó tới mười tuổi, vậy
nên vừa xuất hiện ở lớp 8A hôm trước, ngày hôm sau nó đã có biệt danh “quý tử”.
Giống như hầu hết bọn con gái, tôi không ghét thằng Bình, không tham gia những trò giễu cợt,
nhưng cũng chẳng ưa gì nó. Tôi, một đứa con gái nghèo, hôm nào cũng cuốc bộ đến trường với một
bát cơm nguội trong bụng thật xa lạ với thằng Bình “quý tử” ấy.
Kể ra, từ sau hôm xảy ra vụ nhật kí, thằng Bình chắc cũng chẳng sung sướng gì hơn tôi. Nó phải
bỏ một buổi học, những buổi sau đó thì nó đến lớp và ra về như một cái bóng. Chỉ có điều, dù bọn
thằng Đinh, thằng Lượng có trêu chọc ác đến mấy Bình vẫn không hề nổi khùng. Nó chỉ có vẻ thực sự
khổ sở mỗi khi bị gọi lên bảng. Những lúc đó, tuy phải lảng đi bằng cách soạn sách vở, hay xem lại bài
cũ, tôi vẫn cảm nhận được không khí căng thẳng đầy ngụ ý của cả lớp. Ước gì tất cả nổ tung lên bằng
một quả bom, không có thằng Bình, không có tôi, không có đứa nào trong lớp nữa! Biết bao lần tôi
câm lặng gào lên, trong những giây phút như thế
*
* *
Chuyện cuốn nhật kí của Bình rồi cũng lùi vào quên lãng, nếu không có một hôm, vào năm thứ tư
của tôi ở trường đại học, Đinh đột ngột xuất hiện. Chỉ tiếc là hôm Đinh đến tôi lại đi vắng. Lúc về,
người ta chuyển cho tôi một gói quà nhỏ. Kẹp bên ngoài gói quà là lá thư ngắn Đinh gửi lại: “Tâm!
Tìm mãi mới thấy Tâm. Mình vừa ra Bắc được ít tháng nay. Mình đã gặp Bình ở trong ấy và đã hứa
chuyển tận tay Tâm “món quà” của Bình. Hãy coi đây là việc làm chuộc lại cái lỗi ngày xưa của mình
với hai bạn. Bình nhắn “Một lần nữa xin lỗi Tâm!” đấy. Hẹn gặp lại”.
Tôi đã quên chuyện cũ từ lâu, giờ cầm cuốn sổ bìa nâu sậm, nỗi ám ảnh kinh hoàng xưa chợt
trở về. Lại nhớ lần chuyện trò duy nhất giữa tôi và Bình hồi đó. Thật chẳng hay ho gì. Ấy là vào một
buổi chiều muộn, sau buổi học cuối cùng, ở đoạn đường rẽ về nhà tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa
quên vẻ mặt của Bình lúc đó, chợt ửng đó đến tận vành tai, lại chợt tái nhợt - vẻ mặt của một người
biết rằng chỉ có cái chết mới chứng tỏ được lòng thành của mình. Cậu ta một mực chỉ nói mỗi một câu:
- Mình xin lỗi Tâm. Nhưng mình thề là trong cuốn sổ ấy không có một điều gì xúc phạm Tâm. Nếu
Tâm muốn, mình sẽ đưa Tâm xem
Tôi, với nỗi uất ức dồn nén bao nhiêu ngày, bởi bao nhiêu người (mà mãi sau này tôi mới hiểu
không hề có Bình trong số họ) bỗng hét lên:
- Đi đi, tớ không muốn nghe nữa! Không bao giờ tớ thèm đọc cuốn sổ của cậu đâu mà đưa!
Hè năm đó, gia đình Bình chuyển đi nơi khác. Tôi thật nhẹ cả người khi được bọn bạn báo thông
tin ấy, hôm khai giảng năm học mới.
Thời buổi chiến tranh. Mỗi đứa một nơi, ngay cả bạn bè cùng học với tôi đến hết cấp ba giờ nhiều
đứa không liên lạc được gì với nhau. Huống chi Bình. Không hề có tin tức gì về cậu suốt sáu, bảy năm
qua. Tôi lơ đãng giở cuốn sổ của Bình - giấy đã ố vàng ở nhiều trang viết nhưng rõ ràng là người có sổ
đã giữ gìn rất cẩn thận.
Chữ Bình cứng cáp và phóng khoáng, rất dễ đọc. Đầy cuốn sổ là những trang nhật kí của một cậu
học trò đang lớn, được giáo dục cẩn thận, quan tâm đến nhiều vấn đề ở xung quanh, giàu tình thương
và trách nhiệm. Dành cho cô bé Tâm lớp 8A dạo đó là một số trang rải rác, bắt đầu như thế này: “Hôm
nay mình nhận nhiệm vụ hộ tống mẹ đi chợ tết. Chợ tỉnh có khác, đông quá, khác hẳn với chợ huyện
ngoài quê mình. Qua dãy hàng rau, mình chợt nhận thấy một gương mặt quen (tuy rằng chưa quen
lắm, vì mình mới đi học ở trường mấy buổi). Thì ra đó là một bạn gái cùng lớp mình, ngồi cạnh cửa
sổ, ngay trước bàn mình. Đúng rồi, hai bím tóc như hai quả đào, khuôn mặt bầu bầu hiền hậu và đôi
mắt buồn buồn mà mình chú ý ngay buổi đầu đến lớp.Tên bạn ấy là Tâm thì phải. Bữa nay Tâm mặc
cái áo cánh gụ vá một miếng ở vai, nhìn lạ hẳn so với khi đi học. Không hiểu sao, nhìn bạn ấy ngồi
bán rau giữa những người bán rau tiều tuỵ khác, mình thấy thương Tâm quá. Chắc là nhà Tâm nghèo
lắm. Mình thì lại quá sướng. Chỉ có việc nấu bữa cơm chiều mà cũng không xong”.
Trở đi trở lại các tranh nhật kí của Bình là nỗi day dứt về hoàn cảnh sống của gia đình tôi (không
hiểu Bình biết được bằng cách nào?). Tôi càng đọc càng bồi hồi vì tấm lòng bạn. Lũ bạn lớp tôi hồi ấy
quá vô tư, hầu như không đứa nào để ý đến gánh rau tôi đi bán hàng ngày. Duy chỉ có Bình – Bình ơi!
Thế mà Bình đã hi sinh dạo mùa xuân năm 1975, không cho tôi có được một lần gặp lại và xin lỗi.
Cuốn sổ của Bình sẽ theo tôi đến hết đời
APSARA HOANG DẠI
QUẾ HƯƠNG
1.
Trở lại Mỹ Sơn nhân ngày lễ hội của đất Quảng, tôi được xe của khu du lịch đổ xuống tận chân
tháp. Hoang phế, lãng quên, vùi dập đã lùi vào dĩ vãng. Thánh địa ngày nay là viên ngọc quý lấp lánh
huyền hoặc. Quần thể kiến trúc độc đáo bằng đất nung và đá trải dài liên tục gần thiên niên kỉ của
vương quốc cổ Champa đã được công nhận là Di sản văn hoá thế giới dẫu chỉ còn một mảnh hình hài
thương tật. Vẫn thấy mê hoặc. Đẹp đến thương tâm.
Xưa chỉ có những con người chay tịnh hằng tháng trời mới được đặt chân lên đất thánh. Giờ thì
mọi du khách đều được khu du lịch “chắp cánh” để vào thung lũng thần linh. Thế mà tâm hồn tôi vẫn
không chịu “bay”, cứ đau đáu nhọc nhằn men theo kỷ niệm
- Người Chăm dùng voi kéo gỗ và gạch đá trên con đường nào đây! - Một vị đưa tay chỉ.
Những người trên xe ngơ ngác nhìn theo con đường đã hiện đại hoá đang bị chiếc xe du lịch nuốt
chửng.
- Người ta bảo những vết lõm núi do đục lấy sa thạch, những thửa ruộng lấy đất làm gạch xây tháp
vẫn còn.
- Giá mà viếng thánh địa bằng xe trâu nhỉ?
- Rõ dại! Thế này sướng hơn chứ. về quá khứ bằng phương tiện hiện đại.
Người hoạ sĩ râu tóc man dại chào tôi với nụ cười trắng loá trong nắng. Những trang Nhật kí bằng
tranh xé ra từ cõi lòng sâu nặng với văn hoá Chămpa dựng rải rác quanh đó. Sơn dầu, bút sắt hay
Acrylic chúng đều có tên Mỹ Sơn. Mỹ Sơn 1. Mỹ Sơn 2. Mỹ Sơn 3 và chẳng biết khi nào chấm dứt
bởi trong mắt anh ngọn lửa Chàm vẫn rừng rực cháy. Thế giới vô ngôn huyền bí của gạch đá rêu
phong được anh tái tạo với “nền màu không thật, kiểu sắp đặt xô lệch lạ lùng” (Nguyễn Yên Hà viết về
tranh Phan Ngọc Minh). Tôi thích mảng tranh bút sắt của anh. Linga đường bệ trơ trọi, mảnh tháp
thương tích lơ phơ ngọn cỏ gió đùa, đôi mắt vời vợi, tít tắp, lung linh ánh lửa u uẩn huyền bí của hậu
bối nghệ sĩ Chăm xưa
- Bán được mấy bức rồi?
- Chỉ mấy lần ba chân bốn cẳng khuân tranh chạy. Dạo này thung lũng cứ mưa chiều.
Anh trả lời, nụ cười trong râu an lạc hiền hoà. Dường như ra ai mê Mỹ Sơn cũng phảng phất
nụ cười an nhiên của đá.
Tôi rời mắt khỏi những bức tranh bởi tiếng trống bập bùng mời gọi.
- Đến xem đi! Không phải khi nào cũng được coi múa Chăm trên nền tháp cổ. Họ sắp đi rồi -
Người hoạ sĩ tài hoa giới thiệu.
Trên nền tháp, một vũ nữ đang múa. Chậm rãi và uyển chuyển, dường như cô không dùng sức mà
dồn hết tâm ý vào động tác. Động tác cô nhẹ nhàng tĩnh tại mà khiến tâm hồn người xem bập bùng
nhảy múa. Du khách đứng quanh như bị hớp hồn theo pho tượng Chăm biết cử động.
Điệu múa đã chấm dứt những khát vọng hoá thân thành tượng vũ nữ thiên tiên Apsara đã tạc người
nghệ sĩ vào nền ngôi tháp cổ đổ nát. Váy áo dát nắng vàng, nét mặt đắm chìm trong hoan lạc tự tại, cô
không còn thuộc về thế giới phù hoa hư ảo của trần thế, không còn nghe tiếng vỗ tay rào rào của khách
tham quan thánh địa.
Tôi ngắm cô. Sững sờ thấy dưới bờ mi phải giọt nước mắt đen quen thuộc.
Phải em đấy không, Apsara hoang dại ngày ấy?
Nữ nghệ sĩ múa Chăm trước mắt tôi không còn trẻ lắm nhưng nõn nà, đầy đặn, gương mặt đẹp
phảng phất nỗi buồn lưu lạc. Còn em, trồi lên từ kí ức tôi là con bé chăn bò gầy đen như que củi, tóc
cháy nắng, đói khát quanh năm. Một giọt lệ đen dưới bờ mi phải.
“Vũ nữ thiên tiên” sắp bay về trời. Dàn nhạc đêm cho cô đang thu xếp kèn trống. Không dằn lòng
được, tôi buột miệng gọi: “Apsara hoang dại!”.
Cô quay phắt lại như bị điện giật.
Là em.
2.
“Đồ con rắn, hở chút là lủi vô cỏ!”
Lão già nhìn quanh rủa rồi đưa tay lên miệng: “U u u u ”. Tiếng hú vừa dứt, một chiếc bóng
nhỏ nhoi với đuôi tóc đong đưa theo bước chạy xuất hiện. Khi bóng rõ thành một con bé gầy đen như
que củi, lão vung tay. Cái roi vụt lên một tiếng lạnh người rồi bổ xuống. Con bé chỉ kịp đưa tay che
mặt. Lằn roi bỏng rát vắt chéo qua sườn để lại một vệt cào rướm máu. Nén đau, nó lủi thủi cầm hai cái
can nhựa ra giếng. Múc đầy nước nó dắt con bò già đến ra hiệu nằm xuống buộc lên lưng bò.
“Lấy tiền. Cho bò ăn. Kiếm củi và thứ chi đó đem về”.
Xong mệnh lệnh lão vung roi. Con bò ì ạch bước. Con bé lật đật chạy theo. Lão già vói theo:
“Kiếm được thì về ăn cơm, không thì ăn cỏ”.
Con đường mìn ngoằn nghoèo như con rắn khổng lồ men vách núi bò xuống thung lũng Mỹ Sơn
dài khoảng 6, 7 cây số. Lội qua khe Thẻ, vạch lau lách cao quá đầu Nhưng con bé quen rồi. Bao lần
kiếm củi, chăn bò, bao lần trốn lão cụt vào thung lũng tràn ngập tiếng chim, cỏ hoa và gạch đá im lặng.
Dọc đường con bé cho vào miệng những thứ có thể ăn được. Từ khi vào thung lũng với nhiệm vụ mới,
nó gần như thường xuyên bị đói. Lão cụt thấy nó về tay không với con bò bụng no cỏ chở đầy củi là nó
bị nhịn ăn ngày đó. Nhưng không dễ dàng gì đánh cắp cổ vật đào xới vì họ canh phòng kỹ lưỡng. Nó
cũng không lấy của thần linh. Bọn trẻ chăn bò thường kể cho nó nghe chuyện ma Hời trừng phạt
những kẻ lấy cắp đồ thánh. Sớm muộn gì cũng chết thảm. Để được ăn thỉnh thoảng nó cũng đem về
một mảnh tượng vỡ nhặt trong đống gạch đá. Lão cụt không hài lòng nhưng cũng để đấy đợi dịp bán
cắt cổ thì người ta cần. Vừa nhấm nháp sim chín, đọt mâm xôi, nó vừa hái hoa. Nó thích có một bó hoa
dại còn lóng lánh sương và đẫm tiếng chim. Khi thung lũng thần linh hiện ra lộng lẫy trong nắng sớm,
huyền bí trong sương bạc, con bé dừng chân. Nó không hiểu được vẻ đẹp của những ngôi tháp lở lói
rêu phong kia nhưng nó vẫn bị mê hoặc. Cái đống hoang tàn đổ nát bằng gạch đá đó chưa chắc phải
giá trị lắm ông Tây to đùng râu ria xồm xoàm như người rừng và bao nhiêu người nữa mới bỏ nhà cửa
vào lũng dựng lán nghiên cứu tu sửa. Lão cụt cũng bảo trong đó có nhiều thứ quý giá lắm vì đó là
thánh địa ngàn năm của người Hời. Dưới nền tháp cổ có vàng. Những pho tượng đã cũng có thể đổi
thành vàng. Gặp dịp là chôm, nhặt. Mày nhỏ không ai để ý.
Lão đã đào nhặt nhiều thứ cho đến khi một mảnh mìn cắt một tay như lời cảnh báo mà vẫn không
chừa nỗi khát khao đổi đời từ kho báu của ma Hời. Khi thánh địa trở thành công trường trùng tu, cấm
dân đào xới, lão nghĩ đến nó
- Con câm đem nước tới!
- Khát quá tui uống nước suối rồi. Chết biết liền.
- Ông kiến trúc sư bảo chỉ tắm táp rửa ráy, khoan uống. Chất độc hoá học từ những cánh rừng đầu
nguồn nước trong chiến tranh có thể làm con suối nhiễm độc.
- Coi nó thồ nước từ làng vào khổ nhọc chưa tề! Ra đỡ cho nó.
Cái lán nhỏ bằng tranh tre và tiếng người ồn ã khiến thung lũng ấm sự sống và hơi người. Từ khi
có họ, con bé rất thích vào thánh địa. Đám người kia ngại uống nước suối nên nó mới có công việc thồ
nước mấy hôm nay. Nó ngồi đợi lấy tiền và trong thâm tâm nó đợi ông Tây tốt bụng, có nụ cười dễ
mến trong râu.
“Ông Tây” sau khi lội quanh các tháp đang sải những bước dài mạnh mẽ về phái lán. Trước khi
chở nước cho đội trùng tu, con bé cũng đã gặp ông một lần trong thung lũng. Ông Tây to lớn rậm râu,
da đỏ au như tôm luộc ấy rất hiền. Ông ta bập bẹ tiếng Việt với lũ trẻ chăn bò, còn về lán lấy suất cơm
trưa của mình cho chúng khi chúng ăn thòm thèm gói cơm ghế sắn chấm muối đem theo. Thấy nó
đứng một mình lại chẳng có gì ăn, ông Tây đã tới cho nó một gói mì ăn liền. Đó là của ngon vật lạ đầu
tiên nó nếm trong đời ngoài cơm độn khoai sắn và quả dại. Nó đã nhấm nháp từng vụn mì vì sợ hết.
Hương vị gói mì và ánh mắt ấm áp của người cho đọng mãi trong lòng nó nỗi dịu êm chưa từng thấy.
“Chao” (chào).
Ông Tây chào nó với nụ cười nhân hậu trong râu. Nó rụt rè đưa cho ông bó hoa dại giấu sau lưng.
“O! Đep lam! Cam on! (Đẹp lắm! Cảm ơn).
“Con câm biết tặng hoa cho thủ trưởng trời ạ!”
“Múc cho nó chén cháo đậu xanh! Nó phải đói lắm, chỉ thấy da với xương”.
3.
Năm 1978, thánh địa Mỹ Sơn được khai quang và tháo gỡ mìn. Bị rừng rậm nuốt chửng 5 thế
kỉ rồi bom đạn vùi dập mấy mươi năm, thánh địa ngàn năm rực rỡ huy hoàng của vương quốc Champa
ngày ấy giờ hoang vu, đầy mìn và rắn độc. Cả rừng tháp cổ đứng kề nhau trong thung lũng tuyệt đẹp
bọc tứ bề núi nay chỉ còn khoảng hai mươi tháp. Không cái nào nguyên vẹn. Hoặc sụm xuống cả cụm
dưới trận mưa bom thành đống gạch cao như núi hoặc tật nguyền, lỗ chỗ thương tích. Nhưng dẫu đổ
nát điêu tàn, quần thể kiến trúc ấy vẫn tạo cho người xem cảm giác rợn ngợp trước vẻ lộng lẫy đường
bệ. Đỏ rực trong chiều tà những ngôi tháp lở lói vẫn như những ngọn lửa khát vọng đang cháy – Cháy
trong thăng trầm dâu bể. Trong núi thẳm rừng sâu. Trong mịt mù quên lãng. Trong bạo tàn bom đạn.
Trong ngưỡng vọng muộn màng
Hai năm sau, Ba Lan và Việt Nam hợp tác trùng tu. Nhân công lấy lại địa phương. Tôi là một kiến
trúc sư làm việc trong công trình ấy.
Thung lũng hoang vu bắt đầu ấm hơi người. Phát quang, dọn dẹp, sắp xếp hàng ngàn mét khối
gạch đá được khai quật Bề bộn, cực nhọc và nguy cơ chạm mặt với tử thần bởi bom mìn còn sót lại
nhưng thật vinh dự. Chúng tôi bê lên từ đống đổ nát những mẩu thịt da tươi nguyên của một nền văn
hoá, xót xa trước những mẩu thịt da tươi nguyên của một nền văn hoá, xót xa trước những mẩu vỡ, reo
mừng trước một tác phẩm điêu khắc đẹp không tả xiết bởi đôi tay nghệ nhân đã thành cát bụi. Công
việc quyến rũ đến nỗi không ai nhớ đến hiểm hoạ chiến tranh còn luẩn quẩn bên mình. Ông kiến trúc
sư người Ba Lan, trưởng dự án trùng tu Mỹ Sơn suốt ngày quần sọt, ở trần bất chấp muỗi rừng, rắn rết,
nắng thiêu đốt đo chụp, ghi chép, phác họa từng chi tiết vào sổ tay và luôn miệng thán phục: “Trè
intéressant!”. Để đỡ thì giờ đi lại, ông ở lại Mỹ Sơn ngủ dưới vòm tháp. Ông bảo đời người dễ gì được
ngủ “khách sạn ngàn sao”, được ru bằng nhạc dế, được mơ thấy vũ nữ Chăm ngực trần từ trong đó
bước ra dưới trăng mờ.
Chúng tôi thảy đều bị thế giới gạch đá điêu tàn ấy mê hoặc. Tôi hay lang thang khi xong việc.
Trong thinh lặng, tôi có cảm giác hoa lá kì ảo nảy nở, bắt gặp ánh mắt phù phép của đạo sĩ trên đài thờ
hoặc nụ cười hoan lạc của vũ nữ thiên tiên trên đá. Ông kiến trúc sư thích ghi chép bằng hình vẽ, phác
hoạ mọi thứ vào sổ tay. Duy gạch Chăm thì săm soi từng mạch gạch, nhặt nhạnh từng mảnh vỡ còn
nguyên vẹn niềm kiêu hãnh và bí mật mong tìm lời giải đáp: Làm sao người xưa không cần sử dụng
vật liệu kết dính mà vẫn dựng nên đền tháp ngất ngưởng với thời gian thế kia?
Hội Những kẻ chàm ám mới gia nhập thêm hội viên. Một ông già người Chăm từ Phan Rang ra
thánh địa hành hương, thiết tha xin ở lại giữ tháp và một con bé chăn bò. Con bé rất khó đoán tuổi –
hình hài còi cọc, phẳng phiu như đứa trẻ lên 10 nhưng đôi mắt hoang dại mênh mông buồn. Hỏi gì nó
cũng không nói, cứ nhìn chăm chắm như sợ người ta cắn. Chúng tôi gọi nó là con câm.
Một khi khi lang thang với ông kiến trúc sư, chúng tôi bắt gặp con câm bỏ mặc bò ăn cỏ, mê mải
bắt chước dáng điệu của một vũ nữ chạm khắc trên đó. Hai cánh tay gầy đen đủi của nó dang rộng, mặt
ngẩng say sưa. Bộ ngực lép kẹp ưỡn cong phô những giẻ sườn. Nó đắm chìm rất sâu trong tư thế ấy.
Ông kiến trúc sư giỏi kí hoạ ngẩn người xúc động trước giấc mơ vịt con xấu xí biến thành thiên nga,
lấy sổ tay hí hoáy vẽ. Khi phát hiện ra chúng tôi, “dải lụa” trên tay con bé lập tức trở nên hình cọng cỏ
tranh sắc nhọn rơi xuống đất. Nó xấu hổ lùi lũi dắt bò đi. Sau đó ông kiến trúc sư biến bức phác hoạ
thành tranh màu nước treo trên vách lán. Apsara hoang dại trong tranh không có nét tươi tắn duyên
dáng và thân thể căng trào sự sống như trên đá. Mảnh như cọng cỏ, áo quần tóc tai tơi tả nhưng vẫn có
gì lôi cuốn ở khát vọng hoá thân cháy bỏng.
Sáng hôm sau vào đổ nước, con câm ngẩn người ngắm nó trong tranh. Phải lâu lắm nói mới dời
mắt dắt bà đi rồi đột ngột quay lại, đến trước chúng tôi huơ đôi tay như bắt ấn, hết chỉ vào tranh lại chỉ
vào nó.
- Hắn muốn đổi bò lấy tờ giấy vẽ hắn! - Một anh chàng đùa rồi đến dắt con bò.
Con câm giằng lấy sợi dây cột bò rồi tức tối bặm môi, ngửa cổ. Từ cái miệng câm lặng của nó đột
ngột vọt ra một tiếng N ư ớ c !
Rời rạc, choi chói, ngọng nghịu, những âm tiết đẩy nhau ra khỏi cổ họng đang căng như dây đàn
rồi nắm tay nhau đứng dậy liêu xiêu ngân rung trong nắng. Con câm như vừa thoát khỏi cơn đau đẻ.
Mặt đỏ bừng, mồ hôi rịn đầy trán, lưỡi môi còn rung cong bởi sức nặng của cái tiếng khó nhọc vừa
ném ra nhưng mắt nó thì ngời ngợi như nữ thần chiến thắng.
- A, hắn biết nói!
- Rứa mà tưởng câm!
- Hắn rặn ra được một tiếng rồi thôi thủ trưởng ơi! – Anh chàng tếu táo chỉ về phía con bé khốn
khổ và gập người nhại lại tiếng N ư ớ c của nó. Con người to lớn có đôi mắt màu biển xanh
và bộ râu của ông già Noel tuy chỉ biết lỏm bỏm tiếng Việt vẫn hiểu anh kia nói gì. Ông ta đến trước
con câm và chỉ vài động tác tay đã khiến bộ mặt nhăn nhó của con bé gầy nhom dãn dần. Nó gật đầu
lìa lịa, còn cười bằng mắt. Thì ra nó muốn đổi bức Apsara hoang dại lấy nước. Bao nhiêu nước cũng
được.
Aprasa hoang dại không còn treo trên vách lán nhưng con bé vẫn được trả tiền chở nước. Nó còn
có bạn để chuyện trò bằng ngôn ngữ cử chỉ. Thỉnh thoảng tôi gặp hai người bên thềm tháp. Như tạ gạo
bên que củi. Tạ gạo đang ra sức dạy cho que củi phát âm. Ông bảo con bé không câm bẩm sinh, có lẽ
chỉ câm không một biến cố nào đó quá lớn mà thôi. Phải giúp nó nói trở lại.
“Bon” – Ông chúm môi bật ra tiếng Pháp còn tôi dịch “Tốt tốt”. Con học trò ú ớ múa tay. Cả bọn
cười. Con câm cùng cười. Nó có nụ cười tuyệt xinh nhưng hiếm hoi nở trên môi. Chúng tôi cho nó ăn,
dạy nó nói. Còn nó cho chúng tôi những trận cười, giò phong lan tuyệt đẹp, nhánh dành dành tim tím,
cành lau trắng ngả nghiêng. Con bé giống viên gạch Chăm. Nói nhiều điều trong câm lặng.
4.
Con câm nói trở lại vào ngày nó bị rắn cắn. Hồi ấy Mỹ Sơn nhiều rắn lắm. Thường chúng không
cắn người. Nhưng con bé say sưa học múa với tượng đá đã dẫm vào nó. Con bé nhào ra đám người
đang làm việc thét lanh lảnh: “Rắn! Rắn” rồi nằm vật xuống. Mọi người chẳng ai để ý nó nói trơn tru
bởi họ bận nhào vào cứu chữa. Ông kiến trúc sư xé ngay áo cột ga rô, rửa vết cắn. Định bế nó chạy ra
bệnh viện huyện thì ông già Chăm xuất hiện. Ông nói thời gian ra đến bệnh viện đủ nọc độc vô tim.
Thấu tim là vô phương cứa chữa. Thà để nó cho ông. Con câm nghe nói trườn ra khỏi tay bế nằm trên
thềm tháp mở to đôi mắt khát sống nhìn ông già. Rồi từ cửa miệng nó bật ra cả câu, rõ ràng từng âm
tiết: “Đừng để cháu chết!”
Nó nói lại thế đấy. Trơn tru, mạch lạc như chưa hề câm lặng
Con bé được uống thuốc gia truyền tẩy nọc của ông gì Chăm và đắp chữa vết thương. Nó chịu
đựng thật dũng cảm những cơn đau khủng khiếp do nọc rắn gây ra. Đam lắm! Gió thổi bay sợi tóc
đang đau. Quằn quại.
- Lủi vô cỏ thì ráng đỡ. - Lão già cụt tay vào bảo.
- Hắn đau dữ rứa mà không thương. Bộ con câm không phải cháu ông hả?
- Cháu nhặt. Tui nhặt hắn trong thánh địa, bên cạnh mẹ hắn đã chết nổi giòi rồi. Lúc ấy hắn
khoảng 4, 5 tuổi, cứ rúc vào mẹ nó mặc giòi bò trên mặt. Tui đem hắn xuống suối tắm. Cũng không
nghe hắn khóc. Đem về nuôi. Cũng chưa hề nghe hắn nói dù cái chi hắn cũng hiểu. Con ni lì lắm! Trời
đánh không chết mô!
Con câm quay mặt khi ông già nói. Không hiểu sao, tôi cũng không thích lão. Có lẽ vì những lằn
roi lão dành cho con bé thỉnh thoảng lộ qua manh áo rách
Ông già Chăm trở nên nổi danh vì rắn. Ngoài tài chữa rắn cắn, ông còn có biệt tài chinh phục rắn
độc như một nhà ảo thuật Ấn Độ. Chúng tôi đã được xem ông điều khiển một con hổ mang uốn éo
theo tiếng sáo của ông. Ông bảo sẽ dạy rắn canh chừng cổ vật. Niềm lo ngại của ông là mất mát cổ vật
quý hiếm của tiền nhân. Con câm được đổi tên vì nó không còn câm nữa. Ông già Chăm, người cho nó
sống lần hai đặt tên nó là Tagiglao, một loài hoa nở rộ ở quê ông vào mùa hội Katê. Nhưng đám thợ cứ
quen gọi tên cũ. Có đứa còn gọi trêu: “Tào lao! Tào lao!”. Ông già Chăm bực mình chữa lại “Ta gi
gờ lao. Nghe rõ chưa?”.
5.
Bức tượng sư tử đầu voi rất đẹp tìm thấy trong đống gạch đổ nát đột nhiên biến mất. Ông kiến trúc
sư tiếc đến đau đầu. Ban chỉ huy dự án họp bàn những biện pháp ngăn chận - cấm chăn trâu bò trong
thung lũng thần linh, không cho kẻ lạ vào công trường, gom cổ vật cử người canh giữ khi chưa kịp chở
về Đà Nẵng
Apsara hoang dại buồn hẳn. Đến chiều nó vào từ giã bọn tôi. Mắt đỏ hoe, nó vung đôi tay lia lịa
như có vẻ bức xúc lắm.
- Con này tụt lưỡi lại rồi, không nói được nữa! Chẳng hiểu nó muốn nói gì? Thông dịch viên đi
vắng.
Ông già Chăm đến trước con bé, vỗ vỗ vào vai nó:
- Tagiglao, con muốn nói là con không lấy cắp tượng phải không?
Con bé gật đầu oà khóc.
Tối hôm sau, chúng tôi quây quần bên đống lửa và chai rượu gạo tán gẫu bằng đủ thứ tiếng. Xin
xỉn, nằm dài trên nền tháp ngắm trăng sao, nghe dế Mỹ Sơn hoà tấu miên man bản nhạc đêm hoang
dã. Gió lùa qua cổ tháp âm u mang theo hơi thở của ngàn xưa. Đêm thơm mùi thiêng liêng của lễ
thánh tẩy. Tiếng ngựa xe của đoàn quân chiến thứng trở về dâng chiến lợi phẩm cho thần. Giữa lúc mơ
màng tỉnh say ấy tôi bỗng nghe tiếng rên. “Này, hình như có ai rên” – “những tượng Chàm lở lói rỉ
rên than” – Duy trả lời bằng câu thơ Chế Lan Viên. Anh chàng khác phụ hoạ: “Ma Hời cười đó mà!”
Nửa khuya như có tiếng cười thâu đêm (Thơ Lê Sinh). Họ đã ngừng đùa vì thủ trưởng đã ngồi bật dậy
nghe ngóng rồi chụp cây đèn pin sải những bước dài. Khi chúng tôi theo kịp đã thấy ông quỳ bên một
hình hài. Đèn "Đất rừng phương Nam" soi rõ con bé chăn bò quen thuộc! Nó nằm trên cỏ, ôm khư khư
một vật gì đó túm trong chiếc áo. Thấy ông kiến trúc sư, con bé lẳng lặng đưa cho ông. Dưới ánh trăng
ngàn chúng tôi nhận ra bức tượng quý bị mất. Ông kiến trúc sư bế con bé về lán. Nếu soi rõ hàng chục
vết xước, vết roi, cả vết máu trên người con bé chăn bò. Nó nằm lả vì kiệt sức nhưng mắt lấp lánh
cười. Dường như nó mãn nguyện da đem pho tượng về trả chúng tôi. O nuôi cho nó uống nước đường
và làm một tô mì gói. Nhìn con bé ăn mới hiểu nó khốn khổ đến thế nào. Ăn hối hả như sợ người ta
giằng lại. Ăn không sót chút nước, chút vụn mì. Ăn đến đâu hồi sinh đến đó. Mắt sáng lên. Môi đỏ ra.
Bờ mi phải đọng một nốt ruồi đen như giọt lệ. Dưới ánh đèn cầy leo lét, tôi nhận ra Apsara hoang dại
xinh đẹp và đói khổ đến dường nào. Ăn xong, nó nằm vật xuống ngủ ngay không một lời giải thích.
Tấm hình hài bé bỏng tả tơi nói thay nó nỗi hãi hùng trải qua trên đoạn đường rừng xuyên bóng đêm.
6.
Con bé chăn bò sợ lão cụt tay không dám về. Nếu chúng tôi không thương tình cho nó ăn có lẽ
nó đã chết đói. Mỗi khi lão cụt hùng hổ vào thung lũng tìm giết đứa nuôi ong tay áo, nó lại chui rúc
trốn. Nó trốn chui trốn nhủi cho đến một sớm mai người ta phát hiện lão già tham lam nằm chết gần
ngôi tháp làm nhà kho trưng bày, người sưng vù, tím ngắt. Ông già Chăm bảo thần linh trị tội lão.
Dù lão cụt đã chết, chúng tôi đã dùng nước suối, con bé vẫn gần như có mặt thường xuyên trong
thung lũng suốt mấy mùa trùng tu. Nó lớn lên như cây hoang dại, trơ trọi, khốn khổ mà vẫn như đoá
hoa dại của núi rừng. Nó mê gạch đá không thua gì chúng tôi, chăm chút nhặt nhạnh từng mảnh vỡ
trong đống đổ nát đêm cho ông Tây vì nó từng chứng kiến ông Tây khóc trước bức tượng vỡ.
Tôi biết con bé vẫn âm thầm học múa với các tượng vũ công, vũ nữ. Nó kiên trì tập đứng cho
giống tượng. Đứng được lại tập toè chân, nghiêng người, chỉ tay Nhiều khi tôi không nhận ra con bé
chăn bò khốn khổ. Tay chân nó gầy khô đen đủi, ánh mắt u hoài man dại. Thế nhưng khi nó đứng
trước tượng và đắm chìm trong khát vọng hoá thân, bỗng khác hẳn. Nó như được tượng nhập. Ánh
nhìn bình thản. Gương mặt lai láng niềm hoan lạc thuần khiết. Những ngón tay cáu bẩn đầy uy lực bởi
độ mềm dẻo đến kinh ngạc. Tấm thân lau sậy vẽ những đường cong sóng lượn. Ông kiến trúc sư tiên
đoán nó sẽ trở thành người múa Chăm giỏi vì nó lĩnh hội nghệ thuật từ thinh lặng trong đá.
Ông già Chăm quý nó như cháu, dạy nó hát dân ca Chăm. Tiếng hát nó trong như suối rừng già,
không lẫn tạp âm. Có lẽ vì được ấp ủ, chưng cất trong lòng bao nhiêu năm tháng.
7.
Người múa Chăm tài sắc vẹn toàn trước mắt tôi bây giờ là Apsara hoang dại ngày ấy.
Chúng tôi ngồi bên thềm nhắc lại chuyện cũ. Đột nhiên cô gái bảo:
- Bây giờ em biết vì sao những viên gạch Chăm không cần chất kết dính vẫn gắn chặt nhau rồi!
- Hình như người xưa mài chập để kết dính chúng lại.
- Chúng hôn nhau mà! Những nụ hôn nghìn năm vẫn bỏng cháy khát vọng của một dân tộc!
Tôi ngạc nhiên nghe em nói. Con câm hoang dã luôn sợ người ta cắn ngày xưa bây giờ nói năng
suy nghĩ như thế đó!
- Anh còn nhớ “Ông Tây” không?
- Ông ấy người Ba Lan, người ta thường nói là Kazik.
- Nhưng em thích gọi là ông Tây. Ấn tượng thời thơ dại khó mờ. Thỉnh thoảng em vẫn ăn ngấu
nghiến một tô mì gói. Bức tranh ông Tây vẽ em, em vẫn giữ. Khi ngã lòng, ngọn lửa khát vọng của
Apsara hoang dại lại kéo em đứng dậy. Cứ thế em tự nuôi sống mình, học hành và trở thành người
múa Chăm trong đoàn ca múa nhạc dân tộc.
Dấu ấn ông Tây vẫn còn quanh đây - những mảng xi măng hiện đại trên nền gạch rêu phong bí ẩn.
Những con tiện bổ sung trên cửa sổ cố ý làm khang khác con tiện gốc đứng cạnh như muốn thưa tôi
thuộc về hậu thế Kazil quyết định trùng tu tháp Chăm theo quan điểm hiện đại. Giữ nguyên vẹn di
tích gốc, không làm giả, chỉ gia cố kĩ thuật để duy trì hiện trạng. Phần gạch thuộc về dĩ vãng còn xi
măng thuộc về công trình tu sửa. Sự rạch ròi mới cũ phân minh ấy đã đem lại cho ông nhiều ngộ nhận
đáng buồn.
- Em có gặp Duy gạch Chăm không?
- Ông ấy bây giờ là Duy gạch Chăm! Có thể làm hẳn một cái tháp Chăm, chỉ thiếu rêu phong!
Tôi ngắm những cộng sinh thiên nhiên phất phơ trên đỉnh tháp, thân tháp, nơi người nghệ sĩ Chăm
đem hết tinh lực, tài hoa trút vào gạch đã vô tri để chúng thay họ trường tồn với thời gian, lặng nghe
cái duyên thẳm sâu thầm kín của nghệ thuật tạo hình mộc mạc đơn sơ lan toả và niềm thành kính thần
bí thấm sâu. Khát vọng tái tạo những ngôi tháp đổ nát còn vang bóng một thời trên trang sách vẫn
không nguội lạnh trong lòng những người thương tiếc Mỹ Sơn. Nhưng hẳn tháp Chàm phải trơ trọi
lắm khi đứng ngoài dâu bể thời gian.
- Anh nhìn thất vệt nắng đi qua đỉnh tháp không?
- Có.
- Ngày nhỏ em thường ngồi thu lu một mình trong lòng tháp tối nhìn lên đỉnh. Ở đó có vuông cửa
nhỏ mở thẳng vào trời xanh. Em tin vệt nắng đi qua đỉnh tháp là do thần linh dạo gót trên trời và em
cầu nguyện thần cho em nói trở lại
- Bây giờ em cầu nguyện gì đi! Tôi cũng cầu đây – Tôi chỉ vệt nắng chói loà trên đỉnh tháp bảo
em.
- Anh cầu gì?
- Trăm năm sau Thung lũng thần linh vẫn còn tháp Chàm.
- Trăm năm thôi à? Em cầu đến nghìn năm lận!
- Thế em không thấy đền tháp tuy đã trở thành di sản thế giới vẫn còn trong tình trạng phế tích, có
nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào à? Chấc nhất là cầu thần từng mùa mưa khi chưa có biện pháp trùng
tu, bảo vệ!
Tôi cười. Em cũng cười. Bỗng nhận ra không phải ai mê Mỹ Sơn lúc nào cũng phảng phất nụ cười
an nhiên của đá!
11 – 2003
Ả ÌA ÂU?
QUẾ HƯƠNG
Bữa ấy bố về và quẳng vào lòng nó một con cún mũm mĩm đen thui.
- Tao chộp nó lúc đang chơi lúc thúc trước cửa. Gọi nó là Chả Chìa. Chà chưa gì đã nghe
thơm điếc mũi! Còn con nữa, nếu túm được, tao đặt Rựa Mận. Cho chúng mày chơi với nó, vỗ béo nó.
Chả Chìa khát sữa, nhớ mẹ khóc ăng ảng cả đêm. Ngủ không được bố cáu:
- Bịt mõm con quỷ nhỏ lại kẻo ông ngồi dậy hầm đậu xanh bây giờ. Con mực con ăn bổ khỏi chê.
Con Mơ lật đật ngồi dậy bế con cún xa mẹ vào lòng. Cún rúc đầu vào ngực nó. Chiếc mõm đen
ươn ướt khắc khoải kiếm tìm.
- Ôi! nhột quá! Tao đâu phải mẹ mày. Tao không có vú. À cũng có đấy nhưng bé như hạt đỗ,
không có sữa – Con bé hất cún ra.
- Oẳng oẳng oẳng
- Im đi! Con Ngổ dậy đấy! Bố dậy hầm đậu xanh đấy! Thôi cho nằm tạm một bữa, mai xuống ổ
nghe chưa!
Con cún rúc đầu vào lòng con Mơ. Nó túm được chéo áo con bé và khát khao mút chùn chụt. Nó
nhớ da diết bầu vú căng sữa và bộ lông ấm mềm của mẹ. Nó vừa bú áo vừa ư ử khoác. tiếng mút vải
của con cún làm con Mơ chạnh lòng. Ngày mẹ đi mãi không về, đêm ấy con Ngổ cũng khóc ằng ặc vì
khát sữa như con cún bây giờ. Nó phải đút ngón tay mình vào miệng em để cầm cơn khóc.
Mãi đến giờ, nó vẫn không tin mẹ chết. Chết là phải bỏ vô quan tài, đưa ra nghĩa địa. Thế nhưng
những điều ấy nó không chứng kiến. Sáng ấy, như thường lệ, mẹ đặt gánh lên vao sau khi con Ngổ bú
no. Mẹ cho nó tiền mua xôi và dặn nó ở nhà đút cháo đường cho em. Đến chiều, một bà buôn chai bao
hớt hải đến báo tin mẹ nó bị xe đụng chết, xác để nhà thương. Bố nó tất tả ra đi. Từ nhà xác ra luôn
nghĩa địa. Đám ma nhà nghèo đơn giản chóng vánh lắm. Người lớn bảo vậy nhưng với nó, mẹ chỉ trốn
hai chị em nó ở đâu đó thôi. Thỉnh thoảng bố nó trở về nhà, mặt đỏ gay, không một đồng xu dính túi.
Mẹ chậm nước mắt nói dối: “Uống đi! Ăn đi! Làm mấy ăn mấy cho sướng miệng để vợ con đói khát.
Có ngày tui bỏ hai đứa nhỏ cho ông nuôi”. Đúng là mẹ giận bố nhưng sao lâu thế, mẹ không về?
Những đêm đầu buồn thảm ấy bố gào lên bên chai rượu đế. Con Ngổ khát sữa khóc đến tắt tiếng. Còn
nó khóc lặng lẽ đến khi mắt không mở được nữa. Ba con người khóc ba cách trong căn nhà nát lỏng
chỏng chai lọ, sắt rỉ, giấy vụn mẹ chưa kịp thanh toán. Nó lau nước mắt, bắt tay làm mẹ con Ngổ lúc
chưa đầy 7 tuổi. Đêm em khóc, nó tha con bé như ếch tha nhái, đi quanh xóm gọi mẹ về. Ông trăng ở
trên cao, sáng vằng vặc thế kia có thể biết mẹ trốn ở đâu. Thế nhưng ông không biết nói, chỉ lẽo đẽo
theo chúng. Đi đâu cũng theo.
Bây giờ nó làm “mẹ” Chả Chìa như đã từng làm “mẹ” con Ngổ cách đây ba năm. Ngày cún lúc
thúc chơi với con Ngổ. Đêm rúc vào lòng con Mơ bú áo. Nó bú ướt nhè vạt áo và thỉnh thoảng vẫn ư ử
khóc vì chẳng có lấy một giọt sữa ngọt ngào.
Được vài tháng, Chả Chìa lại thành vú em con Ngổ. Con bé ra đường, nó sủa gọi vào kéo áo vào.
Con bé té khóc, nó liếm chỗ đau vỗ về. Con bé ị, nó dọn sạch Có lần con Ngổ rớt xuống cái ao nhỏ
trước nhà, nó sủa inh ỏi kêu cứu rồi nhảy xuống cắn áo con nhỏ không cho chìm. Con Mơ nghe tiếng
sủa chạy ra vớt em lên. Con bé dính đầy bèo tấm, hãi quá đến không thể khóc.
Chả Chìa ngày càng dài ra, gầy gò nhưng không lớn. Toàn thân đen thui đen thủi ngoại trừ một
chấm trắng làm duyên ở mũi. Cả ba đứa bữa đói bữa no vì nhà có một người lớn thì người lớn ấy
hoạ hoằn mới tỉnh táo. Chúng quấn quýt bên nhau, chơi đùa, chia xẻ cực khổ. Con Ngổ đói không
khóc nhưng vắng Chả Chìa là mồm méo xệch. Những chiều hạnh phúc là bố trở về không có mùi
rượu. Con Ngổ được vài tấm bánh. Con Mơ được cha dốc túi mua gạo và thức ăn. Có lẽ bố nó cũng là
người cha tốt nếu ông không mê thịt cầy đến nỗi có tên Tư Cầy. Nhà nó ai cũng có cái tên liên quan
đến niềm say mê. Mẹ nó tên là Húng. Cha nó nhân đó đặt tên con là Mơ và Ngổ. Ổng xoa tay: “Có Tư
Cầy phải có húng quế, lá mơ tam thể, rau ngổ ba lá”. Nó ghét những cái tên ấy nhưng đối với mọi
người, nó vẫn là con Mơ, em nó vẫn là con Ngổ và bây giờ giá gọi Chả Chìa là Mực, nó chả thèm chạy
đến. Mấy ai đặt tên hai lần!
Từ ngày mẹ chết, chẳng còn ai ngăn nổi tình yêu “cầy tơ” trong bố phát triển. Ông thường trở về
chân thấp chân cao, lè nhè: “Có Tư Cầy, có Mơ, có Ngổ mà không có Húng cũng bỏ Húng ơi là
Húng!” Những lúc ấy con Mơ thấy thương cha. Nhưng tình thương ấy biến thành nỗi sợ hãi ngay khi
nó bắt gặp ánh mắt bố nhìn Chả Chìa. Ánh nhìn ước lượng sức nặng và ứ đầy thèm khát.
Một chiều bố nó trở về với một ông bạn. Cả hai đều sực nức mùi rượu. Ba đưa vội đi tránh nhưng
cái giọng lè nhè quen thuộc đã cất lên:
- Con Mơ tam thể đâu?
- Dạ.
- Con Ngổ ba lá đâu?
- Ngoài sân.
- Chả Chìa đâu?
Nó chỉ tay mơ hồ ra ngoài nhưng Chả Chìa nghe nhắc tên đã nhanh nhẩu xuất hiện. Bố túm lấy,
nắn nắn cái lườn mịn màng, cái eo thon thả của con chó đang độ tơ.
- Hơi gầy nhưng chắc. Mềm lắm đây. Ngon phải biết! Thơm say mê!
Ông khách hít hà rồi sờ tay lên người con chó. Chả Chìa đớp hụt bàn tay ấy.
- Chả Chìa! Hỗn! – Ông chủ quát.
- Chà, nghe tên đã ngửi thấy mùi thơm. Đứng là Tư Cầy đặt!
- Để dành Noel đấy! Người ta ăn thì mình nhậu. Ba tuần nữa. Mầy kiếm rượu đế Gò Đen nghe
chưa?
Noel đến gần. Mỗi tờ lịch rụng xuống, trái tim nhỏ bé của con bé cũng lung lay. Con mười ngày
tám ngày năm ngày Nó thường ngồi sững nhìn em nó và Chả Chìa chơi đùa. Nó không tưởng
tượng nổi cuộc sống của hai chị em nó khi không còn Chả Chìa. Trên phố đã xuất hiện những cây
thông lấp lánh bạc, nó quyết định thả con chó. Nó cho Chả Chìa ăn no rồi bế em gửi hàng xóm, dắt cho
đi. Thiếu con Ngổ, Chả Chìa cứ bần thần ngoái lại, nửa muốn theo con chị, nửa muốn về với con em.
Con Mơ phải bế nó lên. Chả Chìa đã nặng lắm rồi nhưng con bé vẫn cố bế vì đây là lần cuối cùng nó
được bế Chả Chìa. Con chó ngạc nhiên liếm những giọt nước mắt nóng hổi rơi trên mình nó. Giọt này
chưa kịp thấm, giọt khác đã trào ra, tròn trịa long lanh như hạt ngọc. Một bà chần chúng lại:
- Bán không mày? Tao trả cho hai xấp.
- Không.
- Bốn đấy!
- Không.
- Chó mực tơ. Thôi sáu xấp vậy, bán mà mua gạo.
Con bé lắc đầu rảo bước. Chả Chìa nhoài người xuống không chịu bế. Cái mũi xinh xinh hít lấy hít
để cái múi phố thị rõ dần, những mùi thơm ứa nước bọt phả ra từ các hàng quán ven đường. Ngôi chợ
nhỏ chỉ đông buổi sáng đã tàn nhưng con Mơ biết hàng bún còn cả một đống xương móng giò. Thỉnh
thoảng đi chợ, nó vẫn ghe vào nhặt để làm quà cho Chả Chìa. Con chó mừng quýnh sục mõm vào
đống xương. Thế nhưng đang nhai xương rau ráu thấy con Mơ đứng dậy, nó ngoạm vội một cục xương
rồi đứng lên sẵn sàng ra về.
- Sao mày khôn thế? Mày không tham ăn bỏ tao phải không? Thế mà tao phải bỏ mày. Không
bỏ mày sẽ chết Hu Hu
Chả Chìa cuống quýt thả xương xuống, dỗ con Mơ bằng cái cách nó dỗ con Ngổ. Nó đứng trên
hai chân sau, đặt hai chân trước lên vai con bé và bắt đầu liếm dỗ. Khi không ngăn nổi những giọt
nước mắt nóng hổi trào ra như suối, con chó kêu lên ư ử buồn rầu. Nó cũng khóc.
- Mày cứ quanh quẩn ở chợ là sẽ có ăn. Còn no hơn ở nhà với tao. Đành xa nhau để cho mày sống.
Không biết tao về tao phải làm sao với con Ngổ đây?
Cuối cùng con bé cũng lừa được con chó, len lén rời khỏi chợ và cắm đầu chạy. Dọc đường,
nó mua một quả bong bóng bay. Đó là quà đền cho con Ngổ. Ngang ngõ, nó nghe tiếng cha nó:
- Tưởng mất tiêu rồi. Thế mà lại lò dò về tắm nước sôi. Đúng là đồ ngu như chó!
Con bé cảm thấy rờn rợn. Mặt nó tái mét. Chân như khuỵu xuống.
Nó lê bước vào. Bên bể nước là một con cầy tơ trắng hếu đang nằm nhe răng, những mảng lông
đen bết dính lả tả bên cạnh.
Hai đứa ngồi ở bờ ao. Mặt con Mơ đờ đẫn, mặt con Ngổ nhoè nhoẹt nước mắt, nước mũi. Nó
khóc rỉ rả như trời mưa dai, lập đi lập lại một câu hỏi ngọng nghịu:
- Ả ìa âu? (Chả Chìa đâu?)
- Đó! – Con Mơ chỉ tay về phía lò than hồng.
- Hổng phải – Con Ngổ lắc đầu quầy quậy - Ả ìa âu?
Bố nó đang trải chiếu bày cuộc nhậu. Ba người đàn ông hả hê mời nhau. Cha nó nốc một ngụm
rượu dạo đầu: “Nam vô tửu như kỳ vô phương. Tửu vô cầy tơ, tửu như nước lã ”
- Ả ìa âu? – Con Ngổ lại kéo áo chị.
- Đó kìa! – Con mơ chỉ tay vào mâm thịt chó.
- Hổng phải.
- Chả Chìa đấy!
- Thế mắt nó âu?
- Ông có râu đang gắp đấy!
- Thế ai nó đâu? (Thế tai nó đâu?)
- Bố đang nhai đấy!
- Uôi nó âu? Ân nó âu? Nông nó âu? (Đuôi nó đâu? Chân nó đâu? Lông nó đâu?)
Giọng con Ngổ càng lúc càng bồn chồn, vút lên nhọn hoắt rồi vỡ oà thành tiếng khóc. Con
Mơ cũng oà khóc. Nỗi đau dồn nén từ chiều đến giờ bật thành cơn mưa nước mắt. Chúng khóc
thê thảm như ngày mẹ chúng đi mãi không về. Tiếng khóc làm cha chúng dừng đũa hỏi vọng:
- Gì đấy? Đừng làm tao mất ngon. Cho tiền mua kẹo nè. Chó thì giết thịt chứ nuôi làm gì? Vẽ
chuyện. Mai tao kiếm con Rựa Mận đền.
Con Mơ bế em ra xóm. Bóng Chả Chìa đổ dài bên cạnh. Nó còn quá bé để lường hết tình yêu
và sự trung thành của một con chó. Với tình yêu ấy, Chả Chìa của nó sẵn sàng trở về để chết.
Nó thất thểu đi trong thứ ánh sáng lờ mờ, nhập nhoạng, tê tái của những giấc mơ. Mẹ trước mặt,
Chả Chìa lẽo đẽo sau lưng thế mà trên vai nó, cái giọng khản đặc vì khóc của con Ngổ vẫn vang lên
điệp khúc: Ả ìa âu? Ả ìa âu? Ả ìa âu? ”
1997
CÒ GÀ
QUẾ HƯƠNG
- Dậy mau, Cọt! Gió quá, tao e cò con lộn cổ xuống đất hết trọi rồi!
Thằng Cọt nghe lơ mơ ông Tư Cò gọi nhưng không sao ngồi dậy được bởi nó đang bơi trong một
biển nước đục ngầu, lạnh ngắt Tứ bề nước. Nó thấy cánh tay mẹ nó chới với giơ lên tuyệt vọng rồi bị
nước nuốt chửng. Nó thấy em nó trôi phăng phăng như một chiếc lá Nó hét lên nhưng nước tràn
ngay vào miệng thành tiếng ú ớ
- Khổ thân thằng bé, lại mơ thấy lụt nữa rồi! Này Cọt, mày ở trên giường, còn sống nhăn răng đây
nè! Dậy đi cứu cò con! - Ông Tư lay mạnh. Lần này thì ông kéo được thằng bé ra khỏi giấc mơ.
Má nó đầm đìa nước mắt, tay chân lạnh ngắt như dầm trong nước. Nằm trong chăn, nó vẫn bị cái lạnh
tận tiềm thức ấy bám riết không buông tha. Vào giường là thằng bé lại sợ nằm mơ. Nước lũ cứ lạnh
lùng, chì chiết dâng ngập giấc mơ dìm mấy mẹ con nó trong làn nước lạnh cóng, đục ngầu.
- Cứ học ông Tư mày đây nè! Ngay cả khi ngủ gặp chuyện kinh khủng là lái giấc mơ bay qua cái
vèo!
- Giấc mơ mà lái?
- Chứ sao! Có lần tao mơ thấy bị kẹt trong một đám cháy ở rừng tràm. “Cháy luộc” chứ chẳng
chơi! Lửa bén nhanh vào lớp bổi, lan nhanh như chớp, lá non, cành cây còn bị luộc chín huống chi con
người. Thế là tao bình tĩnh điều khiển giấc mơ bay qua đám cháy, hạ cánh an toàn trên giường
- Ông Tư nói dóc!
- Không nói dóc sao con cháu bác Ba Phi mậy? Bây giờ, người ta lái giấc mơ bay vèo vèo
trên đường phố. Tau tính sắm một cái bay giật le trên bờ ruộng.
- Bay xuống lạch luôn! - Thằng Cọt bật cười.
Ông Tư Cò quả có tài lái nó bay qua giấc mơ kinh khủng. Ông không những cứu nó thoát chết mà
bao lần kéo nó ra khỏi giấc mơ màu nước bạc
- Cầm đèn pin ra vườn coi! Tao nhóm lửa rồi! Chuẩn bị băng bó sưởi ấm cho tụi hắn. Tụi nào
nghẻo thanh món cò vùi luôn!
Vườn ông Tư không rộng, không đẹp nhất vùng nhưng lại được lũ chim cò chọn làm nơi trú ngụ.
Nhiều nhất là cò trắng. Ngày chúng bay đi kiếm ăn, đêm về ngủ trong vườn. Thằng Cọt thích ngắm
cảnh cò về. Bầu trời dường như xôn xao bởi vô số chấm li ti xuất hiện rồi rõ dần những dáng hình
mảnh mai lả lướt chao lượn trong vũ điệu hạ cánh tuyệt vời. Phút chốc vườn rung lên trong bản hoà
âm điền dã, các cành cây như đồng loạt đơm hoa, rợp trắng thân cò. Trông đông đúc hỗn độn thế
nhưng ông Tư bảo chúng không “lộn nhà” của nhau bao giờ. Đầu mùa mưa, cò đẻ nhiều vô kể. Ông
Tư có thể khá hơn nếu ông bắt cò con bán. Nhưng ông bảo cò cũng biết “chọn mặt gửi vàng”. Làm thế
khác chi phụ lòng tin của chúng. Bán ít trứng thì được bởi chúng đẻ mỗi năm mấy bận, không bán bớt
e không còn chỗ cho chúng đậu. Mà tiền nhiều làm gì? Bần cùng sinh đạo tặc, phú quý sinh đủ thứ.
Như tao đây là khoẻ! – Ông già chịu chơi nhấm nhấm bộ ria hoa râm, kết luận. Một già, một trẻ thé mà
hợp tính nhau. “Sản phụ” tấp nập, “khoa nhi” bận rộn. Thằng Cọt là một bác sĩ phụ tá mát tay. Những
chú cò bị rơi khỏi tổ đến tay nó thường là được sống. Nó chăm như chăm con nít. Mà chúng cũng là cò
con nít đấy thôi. Bé bỏng, hồn nhiên, dễ thương như thằng Còng em nó Nghĩ đến em, cổ họng nó
thắt lại. Chiều hôm ấy khi chèo xuồng lên Uỷ ban nhận hàng cứu trợ, mẹ dặn nó nhớ cột chân em vào
chõng tre trước khi ngủ để khỏi lăn xuống nước. Thế mà ham giành ăn “tưởng tượng” với em, nó đã
quên Cũng tại thằng Còng biết mẹ đi nhận hàng cứu trợ, cứ nôn nóng, cái miệng không yên:
- Họ có cho cái gói đổ nước vào là thành tô mì không anh?
- Có. Cả thùng 30 gói lận. Nhà thím Ba không còn nóc, không còn giường được hai thùng.
- Nhưng nhà mình còn nóc, còn cả giường! - Thằng Còng nhìn lên nóc nhà tiếc rẻ. - Thế má sắp về
chưa?
- Lâu lắm. Phải sắp hàng chờ gọi tên nghe mậy. Tao nghe thím Ba kể. Có khi mai mới dzìa tới nơi.
Mênh mông nước, tối thui mù. Tao lo má rớt xuống nước!
- Nhưng má có xuồng chú Tam cho mượn mà! Em đói bụng quá trời nè! - Thằng Còng xoa xoa cái
bụng, nuốt ực nước bọt rồi xoè tay, loay hoay chia phần nhưng gói mì tưởng tượng. Nó đếm từng
ngón, từng lóng tay rồi rành rọt:
- Má đi mệt, phần má bốn ngón. Em 3 ngón, anh 3 ngón. Còn lại
- Lỡ họ cho 10 gói thì sao mậy?
- Thì má vẫn 4 gói, em 3 gói, anh 3 gói.
- Thôi đừng nhắc nữa, sốt cả ruột. Nằm xuống tao cột chân vào giường, mở mắt ra là thấy 30 gói
mì!
- Đợi em ăn khô một gói, giống như lần thím Ba cho mình.
- Đã có đâu mà ăn khô với ăn nước. Cái thằng!
- Nhưng thèm nhủ hổng được. Ăn giả đò mà! Xé bì ra. Còn cái gói thơm ngát này tính sao?
- Mỗi đứa mút một miếng.
- Vụn mì cho em. - Thằng Còng dốc cái bao tưởng tượng ra lòng bàn tay.
- Chia hai! - Thằng Cọt hùng hổ giật “cái bao”.
Nhớ đến đó, thằng Cọt ngồi sụp xuống bên bụi tre ôm mặt oà khóc. Mưa quất vào mặt nó như tát.
Trời phạt nó mất mẹ mất em là phải. Đến mấy vụn mì tưởng tượng mà nó cũng không chịu nhường
em. Giá nó biết em nó ra đi không kịp ăn được một gói mì cứu trợ, nó đã cho thằng Còng hết cả “ba
ngón tay” phần mình cho nó sướng. Sau đó để an ủi nỗi đau, người ta cho nó cả mấy thùng mì nhưng
nó không ăn gói nào cả. Cầm lên là quặn ruột quặn gan
Đang khóc, nó bỗng nghe tiếng cò con rơi lịch bịch. Gạt nước mắt, thằng Cọt lom khom rọi đền
pin, săm soi tìm. Nếu đêm ấy nó cũng nghe tiếng rơi “tõm” xuống nước như tiếng rơi “bịch” xuống đất
này nhỉ! Khi thức giấc, ngỡ thấy một thùng mì gói trên giường thì nó chỉ thấy trống không. Quờ tay
không thấy thằng Còng. Thắp đèn lên chỉ thấy nước mênh mông. Nó sợ quá vừa khóc vừa gào gọi tên
em. Đáp trả nó chỉ có tiếng nước chảy. Hoảng loạn, thằng Cọt nhào đại xuống nước bơi ra khỏi cái
chòi bánh ú. Nước cuốn nó tấp vào nơi ông Tư đang soi bắt rắn. Còn má nó Sau này ông Tư đoán có
lẽ trả xuồng xong, về nhà không thấy anh em nó trên giường đã nhảy ùm xuống nước bơi tìm. Nước và
đêm nuốt chửng má nhưng những gói mì thì không. Chúng bập bềnh lang thang trên nước
Đêm ấy cả hai ông cháu cứu vài chục cò con. Những con may mắn bị nhẹ được ủ ấm đợi sáng đặt
lại vào tổ. Tụi cò thương binh nặng thì nằm tạm khoa nhi của bác sĩ Cọt. Mấy mống gãy cổ vô phương
cứu chữa ông Tư quẳng xuống ao cho cá.
Sáng hôm sau, đi nhặt cá tươi cò tha về rớt trong vườn đút cho cò thương binh ăn, thằng Cọt phát
hiện trên lớp lá ẩm ướt một chú cò con đang bị kiến vùi. Đó là một con cò trắng mỏ vàng. Tấm thân bé
bỏng lịm dần bởi hai nỗi đau, vừa bị thương vừa bị kiến cắn. Thằng bé nâng sinh vật nhỏ nhoi tội