Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Tự sự ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đa tuyến qua truyện ngắn "Trong quán rượu" và "Con người cô độc"'''' của Lỗ Tấn pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (204.1 KB, 8 trang )

Tự sự ngôi thứ nhất theo điểm
nhìn đa tuyến qua truyện ngắn
"Trong quán rượu" và "Con
người cô độc"' của Lỗ Tấn
ối với một tác phẩm thuộc loại hình văn học tự sự, phương thức tự sự đặc
biệt quan trọng. Cùng một câu chuyện, nếu được sử dụng các phương thức tự sự
khác nhau, rất có thể hiệu quả nghệ thuật đem lại sẽ khác nhau, những thông tin
mà người đọc thu nhận được từ câu chuyện ấy cũng có thể khác nhau. Nghệ thuật
tự sự không chỉ đơn thuần là cách thức kể chuyện sao cho câu chuyện trở nên đậm
đà ý vị, đó còn là cách thức để nhà văn lí giải sự vật hiện tượng một cách sâu sắc,
hiệu quả và thuyết phục. Lỗ Tấn (1881-1936) là nhà văn khai sáng nền văn học
hiện đại Trung Quốc. Trong sự nghiệp hơn hai mươi năm sáng tác, nhà văn đã sử
dụng thành công ở cả ba thể loại: truyện ngắn, tạp văn và thơ, nhưng thành công
đáng ghi nhận hơn cả là ở thể loại truyện ngắn. Truyện ngắn ông viết không nhiều,
nhưng mỗi tác phẩm là một hình thức mới, đúng như Mao Thuẫn từng nói. Xuất
phát từ mục đích sáng tác muốn lay gọi, thức tỉnh tâm hồn của con người thời đại,
nhà văn không chủ trương chồng chất các biến cố, sự kiện khi dựng truyện. Ông
thường lấy các trạng thái tâm lý, những diễn biến của ý thức nhân vật làm đối
tượng miêu tả. Truyện Lỗ Tấn phần nhiều không có cốt truyện phức tạp, không
chứa đựng những mâu thuẫn đầy kịch tính, những tình tiết ly kì, gay cấn. Nói
đúng hơn, nhiều truyện chỉ đơn giản là những truyện không có chuyện. Thế
nhưng, viết về những đề tài hết sức quen thuộc, các thiên truyện của ông vẫn
không đơn điệu mà chứa nhiều sức gợi cảm và suy nghĩ sâu xa. Mỗi lần đọc, độc
giả lại vỡ thêm nhiều điều mới mẻ, thấy tâm hồn vang vọng không dứt những dư
âm. Đó là những tác phẩm “nói” được nhiều hơn chính bản thân nó. Có thể chỉ là
“mẩu chuyện nhỏ”, chỉ là câu chuyện bên lề cuộc sống, song chúng chuyển tải ý
nghĩa lớn lao về mối quan hệ giữa con người- con người, vấn đề lương tâm xã hội,
sự thức tỉnh những trái tim đang có nguy cơ cằn cỗi, chai sạn… Để kể truyện
không có chuyện mà đầy sức thuyết phục, Lỗ Tấn đã thể hiện một khả năng đặc
biệt trong việc vận dụng các phương thức tự sự. Trong phạm vi bài viết này,
chúng tôi muốn đề cập tới một phương diện nghệ thuật đã làm nên thành công của


truyện ngắn Lỗ Tấn: phương thức tự sự ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đa tuyến qua
hai tác phẩm Trong quán rượu và Con người cô độc.
Tự sự ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đa tuyến là hình thức tự sự mà ở đó điểm
nhìn không còn bị “trói chặt” trong giới hạn phạm vi ý thức của một nhân vật người
kể chuyện xưng “tôi” mà có sự dịch chuyển trên hai hay nhiều người kể chuyện.
Những cái “tôi” này không phải là sự phân thân của một cái “tôi” nào đó như trong
các truyện kể ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến. Chúng tồn tại với tư cách
là những chủ thể độc lập, mang quan điểm riêng, thể hiện rõ sự mâu thuẫn nội tại
trong ý thức. Nói cách khác, mỗi cái “tôi” đều được miêu tả như một ý thức. Có thể
gọi đây là dạng tự sự nhiều người kể. Trong 5 truyện ngắn kể ở ngôi thứ nhất theo
điểm nhìn đa tuyến của Lỗ Tấn (Nhật ký người điên,Chuyện cái đầu tóc, Trong
quán rượu, Con người cô độc, Lễ cầu phúc) chỉ có một trường hợp người kể xưng
“tôi” giữ vai trò giới thiệu nhân vật, dẫn ra câu chuyện, rồi sau đó “bàn giao” việc
kể cho một cái “tôi” khác (“tôi”- phần đầu Nhật ký người điên). Còn lại, phần lớn
người kể chuyện ở ngôi thứ nhất đều là những nhân vật trực tiếp tham gia vào các
tình tiết và có sự giao lưu với các nhân vật khác trong tác phẩm. Có tác phẩm gồm
nhiều người kể tạo thành kiểu chuyện lồng chuyện. Chẳng hạn trong Lễ cầu phúc,
“tôi” kể về Tường Lâm, Tường Lâm lại kể về chuyện đứa con bị sói ăn thịt. Có tác
phẩm tạo thành hai mạch kể trong thế đối sánh, trong đó lời của hai người kể xen kẽ
nhau, bổ sung cho nhau, điểm nhìn cứ di động lần lượt từ cái “tôi” này qua cái “tôi”
khác, có tác dụng đặc biệt “khiêu khích đối thoại”. Đó là trường hợp của Trong
quán rượu và Con người cô độc. Trong các tác phẩm này đều có hai người kể
chính, họ đối thoại với nhau và đối thoại với chính mình.
Chúng ta đều biết, có một thế giới nhân vật trí thức đông đảo trong truyện
ngắn Lỗ Tấn. Đó là Khổng Ất Kỷ (Khổng Ất Kỷ), Trần Sĩ Thành (Luồng ánh sáng),
Cao Cán Đình (Cao phu tử), Tứ Minh (Miếng xà phòng) đều thuộc giới trí thức bạc
nhược, tiêu cực, không tự ý thức được về bản thân. Đó là Phương Huyền Xước (Tết
Đoan ngọ) thuộc giới trí thức đớn hèn, nhẫn nhục, tuy ý thức được về bản thân, bất
bình với hiện thực, nhưng lại không có dũng khí phản kháng, trở thành kẻ vô tâm chỉ
biết sống bo bo cho riêng mình. Đau khổ đấy, tự hối hận, nhục mạ mình đấy, để rồi

sau đó họ lại tự triết lý, thanh minh cho sự bất lực của mình và cuối cùng chìm sâu
hơn trong cái vòng luẩn quẩn cam chịu. Còn một bộ phận trí thức nữa - giới trí thức
cấp tiến, lương thiện, ôm ấp những hoài bão lớn lao. Mơ ước của họ không phải là
giấc mộng nhỏ bé, bình thường như: danh vọng, tiền tài, hạnh phúc cá nhân mà là
khát vọng cao cả gắn với công cuộc cải cách xã hội và đấu tranh cho quyền tự do dân
chủ. Đương thời, khi tư tưởng phong kiến còn đè nặng lên mỗi con người, nhiều phần
tử trí thức còng lưng bó gối, phó mặc cuộc đời cho số phận thì bộ phận trí thức tiên
tiến này không bằng lòng với cuộc sống đơn điệu, không qui thuận kiếp sống an
phận, đã thức tỉnh sâu sắc về ý thức cá nhân và cả về lẽ sống ở đời. Sống là phải đem
đến cho cuộc đời những điều tốt đẹp, sống là góp phần làm cho cuộc đời có ý nghĩa
hơn. Rũ bỏ cái bản chất nô lệ ăn sâu bám chặt trong tiềm thức bao đời, họ đã dám
khát khao, mong mỏi kiếm tìm, vươn tới những gì cao đẹp nhất. Những khát vọng kì
vĩ, dự định lớn lao ấy đã biến họ trong con mắt những kẻ tầm thường, trở nên “kì
quái”, “khác người”. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, do địa vị kinh tế và chính trị
bấp bênh, giới trí thức này cũng mang nhược điểm vốn có: hay do dự, dao động, dễ
thoả hiệp, đầu hàng. Khi chạm trán với thực tế đen tối, họ dễ sinh ra tâm lí bi quan,
chán nản, thất vọng. Cái lý tưởng cá nhân mỏng manh của họ không đủ sức chống
chọi nổi hoàn cảnh khốc liệt. Cuộc đời bị vùi dập, hoài bão lớn lao tan vỡ, tấn bi kịch
trong tâm hồn họ không tài nào tả xiết. Từ chỗ có lý tưởng, “muốn xông pha với
đời”, họ dần mất hết niềm tin, chỉ còn biết kéo lê cuộc sống thảm hại qua chuỗi ngày
vô vị, tẻ nhạt. Càng cố gắng gượng, giãy giụa tìm lối thoát ra, họ càng bị bủa vây, bị
thít chặt hơn trong ngao ngán, lẻ loi, khổ đau, bế tắc. Trong quán rượu và Con người
cô độc đi sâu phản ánh bi kịch tinh thần của bộ phận trí thức này - những con người
khắc khoải, bàng hoàng, cô độc trước thời cuộc.
Trong quán rượu và Con người cô độc có tới ba người kể chuyện. Trong đó,
có một người kể xuất hiện với vai trò thứ yếu: bà cụ Phát (Trong quán rượu) kể về
cái chết của nhân vật Thuận (lời kể chỉ chiếm 1/14 trang sách dịch) và bà nội thằng
Lương (Con người cô độc) kể về nhân vật Nguỵ Liên Thù trước khi chết (lời kể
chiếm khoảng 2/30 trang sách dịch). Chiếm phần chủ yếu trong mỗi tác phẩm là lời
của hai người kể chuyện chính. Hai người kể này là hai chủ thể mang ý thức độc

lập. Về tính cách và tư tưởng, họ vừa có nét tương đồng, vừa có phần đối lập. Tuy
giữ vai trò chính- phụ khác nhau, nhưng không ai trong số họ có thể thiếu được
trong kết cấu tự sự, người nọ hỗ trợ người kia, góp phần làm nổi bật đặc điểm tính
cách, tư tưởng của mỗi người và làm sâu sắc thêm ý nghĩa của chỉnh thể tác phẩm.
Làm nhiệm vụ dẫn dắt, kể lại toàn bộ câu chuyện là người kể chuyện xưng
“tôi”- được coi là “người phát ngôn tự sự” thứ nhất (người nắm quyền kể toàn bộ
câu chuyện, không ngừng can dự vào câu chuyện dưới nhiều hình thức). Các tác
phẩm đều bắt đầu và kết thúc bằng lời kể của người phát ngôn này. Nhân vật chính
trong hai truyện là Lã Vi Phủ (Trong quán rượu) và Nguỵ Liên Thù (Con người cô
độc) - được coi là “người phát ngôn tự sự” thứ hai. Hai người phát ngôn tự sự cùng
nằm trong một tầng câu chuyện, có sự giao lưu hai chiều, mang tính đối ngẫu. Nếu
không có sự dẫn dắt và giao lưu của “tôi”, tính cách của Lã Vi Phủ và Nguỵ Liên
Thù không được thể hiện một cách trọn vẹn. Ngược lại, nhờ có quá trình giao lưu
với các nhân vật chính mà tính cách của “tôi” với vai trò là nhân vật phụ cũng hiện
lên một cách tự nhiên, chân thực. Qua tiếp xúc với các nhân vật, người đọc dễ dàng
nhận thấy, cả hai người phát ngôn tự sự trong hai tác phẩm đều là những trí thức
thất bại, đang trong tâm trạng cô độc, chán chường, hoang mang, khắc khoải. Tất cả
đều ẩn chứa những nét nào đó gần gũi với ý thức, tư tưởng và tình cảm của tác giả
Lỗ Tấn.
Trước hết, thông qua sự giao lưu giữa “tôi” và Lã Vi Phủ (Trong quán rượu),
chúng ta thấy được thái độ kinh ngạc và thất vọng của “tôi” trước sự thoái hoá về tư
tưởng của người bạn cũ- người mà trước đây từng hăng hái cùng “tôi” đến đền
Thành hoàng “bàn hết ngày này sang ngày khác phương pháp cải cách nước Trung
Hoa”
(1)
. Từ một thanh niên đầy nhiệt huyết, Lã Vi Phủ trở thành con người mất hết
nhuệ khí, niềm tin, chẳng còn thiết quan tâm đến điều gì, “cái gì cũng muốn qua loa
cho xong chuyện thì thôi”. Điều “tôi” thấy đáng buồn nhất là trong sự đổ vỡ chán
chường, chí khí bị tiêu mòn, Lã Vi Phủ chỉ biết tiêu ma ngày tháng vào những
“công việc chán ngắt” mà anh ta tự cảm thấy chẳng có ý nghĩa gì: “Tôi bây giờ

không biết một cái gì hết, ngày mai đây làm gì cũng không biết, phút sắp đến cũng
thế”. Bi kịch của Lã Vi Phủ là ở chỗ, tuy ý thức được sự bạc nhược tinh thần của
mình nhưng anh ta cảm thấy hoàn toàn vô vọng, biết làm “những việc chẳng ra gì,
coi như là không làm gì cả” nhưng anh ta vẫn làm.
Nguỵ Liên Thù (Con người cô độc) cũng vậy. Từng được tiếp thu nền tư
tưởng tiến bộ, từng mong ước, kì vọng vào sự đổi mới của tương lai, nhưng khi vấp
phải hiện thực phũ phàng, anh ta đã vứt bỏ tất cả. Cái xã hội hủ bại làm cho cuộc
sống của anh ta tồi tệ đến mức một cái tem để dán thư cũng không có tiền mà mua,
song tệ hại hơn, nó làm ngọn lửa lòng trong anh lụi tắt. Nỗi đau nhất của con người
là khi niềm tin vào cuộc sống đã không còn. Mất niềm tin vào cuộc sống, Nguỵ
Liên Thù đâm ra hận đời. Có lúc, anh ta chợt nghĩ mình thà chết còn hơn: “Chính
tôi cũng cảm thấy mình không đáng sống nữa”. Nhưng anh ta lại không có gan để
chết. Sống để tự nhạo báng mình và trả thù cuộc đời, Nguỵ Liên Thù hoàn toàn
quay lưng lại cuộc đời. Rồi “Như con tằm, anh tự bủa xung quanh anh một tổ kén,
nhốt mình trong đó”, “chính mình làm cho mình cô độc” để sau đó, phản lại chính
lý tưởng cao đẹp của mình: “Tất cả những gì xưa kia tôi thù ghét, phản đối, bây giờ
tôi làm hết. Tất cả những gì xưa kia tôi sùng bái, chủ trương, bây giờ tôi bỏ hết”. Cự
tuyệt với quá khứ, tương lai vời xa trống rỗng, tạm chấp nhận cuộc sống thực tại
“vui lòng ăn xin, chịu đói rét, chịu quạnh hiu, chịu đắng cay cốt sao đừng chết mất
thì thôi”, Nguỵ Liên Thù đã bị chính hiện tại thối nát và tính cách tha hoá của anh ta
đào thải. Giao lưu với Nguỵ Liên Thù, “tôi” cũng không tránh khỏi cảm giác kinh
ngạc trước sự đổi thay tới mức “không ngờ” của anh ta. So với Lã Vi Phủ, con
người Nguỵ Liên Thù phức tạp hơn, bi kịch tinh thần của anh ta cũng nặng nề hơn.
Trong con người này, luôn tồn tại một mâu thuẫn gay gắt. Một mặt, anh ta tìm mọi
cách thoát khỏi tình cảnh khốn khó về vật chất, chỉ để “tiếp tục sống”; một mặt, anh
ta lại tự khinh thường kiểu sống “thiếu tư cách” của mình. Sau khi bước chân vào
chốn thượng lưu “làm cố vấn cho sư trưởng họ Đỗ”, bề ngoài anh ta tỏ ra vui vẻ, tự
đắc, nhưng trong lòng là cả một nỗi đau, nỗi tuyệt vọng khôn cùng. Nguỵ Liên Thù
cũng như Lã Vi Phủ đều không muốn bị diệt vong, nhưng về mặt tinh thần, họ đã bị
huỷ diệt. Qua ngôn ngữ của những người kể chuyện xưng “tôi”, người đọc đồng

thời nảy sinh rất nhiều tình cảm phức tạp đối với các nhân vật trí thức này. Họ vừa
đáng được cảm thông, thương tiếc, lại vừa đáng phê phán, trách giận.
Điều đáng quí nhất ở những trí thức này là tuy cuộc sống vô vọng, họ vẫn giữ
được tấm lòng yêu thương của một con người. Với Lã Vi Phủ, tấm lòng ấy thể hiện
qua việc tận tình di táng phần mộ người em trai đã mất và vồn vã đi tìm mua nơ
nhung tặng cho cái Thuận, cô bé hàng xóm ngày xưa “vì cái nơ nhung mà bị đòn”.
Với Nguỵ Liên Thù, đó là tình cảm đối với lũ trẻ, con ông chủ nhà trọ… Điều đó
cho thấy, cuộc sống khắc nghiệt dù làm thay đổi tâm tính, làm suy giảm lòng nhiệt
huyết, nhưng không thể thui chột những tình cảm nồng ấm của con người. Nếu có
điều kiện thuận lợi, những trái tim lạnh lùng, vô vọng ấy vẫn có thể sống lại. Có
điều, đối với Lã Vi Phủ và Nguỵ Liên Thù, điều kiện này dường như không thể
có.
Tâm trạng khắc khoải, cô độc, bàng hoàng trước sự đổ vỡ của lý tưởng cao
đẹp ở những người trí thức trong hai tác phẩm, như đã nói, bắt nguồn từ nhiều
nguyên do. Đề cập tới bi kịch tinh thần của người trí thức, Lỗ Tấn đã đi tới cội rễ
vấn đề: bên cạnh nguyên nhân xã hội, còn bởi chính bản thân họ không biết tự nuôi
dưỡng ngọn lửa nhiệt huyết trong tâm hồn, để nó trở nên lắt lay, hiu hắt, rồi lụi tàn.
Vốn là con người có tâm hồn không thể chung sống với những gì chán nhàm,
vô nghĩa, Lỗ Tấn thông qua các nhân vật này để nói lên cảm nghĩ buồn thương khởi
phát từ trong lòng. Bản thân ông cũng là một trí thức yêu nước, từng ôm ấp nhiều
mộng đẹp, từng “gào thét” đến thảm thiết đòi “cải tạo nhân sinh”, từng “bàng
hoàng” đau khổ trước tình trạng xã hội Trung Quốc “như ngôi nhà sắt không có cửa
sổ, và không làm sao phá tung ra được. Trong đó có nhiều người đang say ngủ,
không bao lâu nữa sẽ chết ngạt. Nhưng dù ngủ say đến chết ngạt, họ nào có cảm
thấy những nỗi đau khổ của giây phút lâm chung đâu!” (Tựa viết lấy - Gào thét). Có
thể nói, hình ảnh các nhân vật trí thức ở đây đều mang hình bóng, tâm tư tác giả. Họ
là hiện thân của nhà văn và của những người bạn thân của ông. “Tôi” và Lã Vi Phủ
được ví như những con ong, con ruồi “bay quanh được một vòng bé tị lại trở lại đậu
vào chỗ cũ”, ngày qua ngày ngồi gặm nhấm “nỗi đau khổ buồn thương mênh mang
của người và của mình”. Điều đó có khác gì hình ảnh Lỗ Tấn suốt thời gian dài

sống trong sự “lãnh đạm và hoài nghi”, cô độc “một mình giữa cõi sa mạc” vô biên.
Hình ảnh Lã Vi Phủ, Nguỵ Liên Thù tự phá huỷ cuộc đời, lý tưởng của mình bằng
những công việc vô nghĩa lý, chẳng đâu vào đâu, cũng tương tự hình ảnh Lỗ Tấn
bao năm trời bị thái độ bi quan, tiêu cực án ngữ, quằn quại trong nỗi buồn chán vô
hạn, tìm mọi cách “làm cho tâm hồn mình tê dại đi”. Chính nhà văn thừa nhận: “Tôi
từng là một người theo chủ nghĩa bi quan hoàn toàn. Sau này tôi dần dần phát hiện
ra bản thân mình, dần dần sinh ra hoài nghi cả sự hoài nghi của mình”
(2)
. Đề cập tới
giới trí thức tiên tiến cũng có nghĩa nhà văn tự nói về mình. Đây là việc làm có ý
nghĩa sâu sắc. Sự hoài nghi, thất vọng, bi quan, suy sụp tinh thần của các nhân vật
vừa phản ánh cảm nhận cá nhân của tác giả, vừa phản ánh tâm trạng chung của giới
trí thức đương thời. Không ít nhà nghiên cứu cho rằng, cuộc đối thoại giữa “tôi” với
Vi Phủ phản ánh quá trình tự đối thoại trong tư tưởng của Lỗ Tấn. Mỗi nhân vật
trong hai nhân vật ấy cũng là “một trong hai mặt” của “cái tôi” tác giả. Và trong
mỗi nhân vật lại thể hiện mâu thuẫn nội tại của ý thức nhà văn. Cũng vậy, những
xung đột diễn ra nơi sâu thẳm nội tâm của nhân vật Liên Thù ít nhiều có sự liên
thông với nội tâm của Lỗ Tấn những năm 20… Thông qua các nhân vật, tác giả
không chỉ chiết xạ tâm trạng bi phẫn của mình mà còn tiến hành thẩm vấn, nhìn lại
tâm hồn mình. Cái “tôi” của mỗi người là kẻ thù lớn nhất của mỗi người. Vì lẽ đó,
con người phải luôn biết vượt lên chính mình, và tiến hành “cuộc chiến” hàng ngày
với chính bản thân mình. Không phải mọi cái “tôi” đều có thể sửa đổi, nhưng phải
để nó đối diện với nó thì mới có cơ hội sửa đổi. Lỗ Tấn từng nói: “Tôi rất hiểu tôi,
tôi mổ xẻ bản thân tôi cũng không nể nang hơn khi mổ xẻ người khác”. Hai tác
phẩm thực chất thể hiện tinh thần tự giải phẫu của chính bản thân tác giả. Ngòi bút
Lỗ Tấn khi dám can đảm, mạnh dạn nhìn sâu vào mình, vào tầng lớp mình để
nghiêm túc phân tích, mổ xẻ, cũng là mục đích qua đó, tìm lối thoát cho cả một lớp
người, cho cả một xã hội - một xã hội đau bệnh với những con người “cả nhân thể
lẫn cõi lòng đều nhuốm bệnh”.
Như vậy, vẫn mang đặc điểm chung của các truyện kể ở ngôi thứ nhất theo

điểm nhìn đa tuyến của Lỗ Tấn, Trong quán rượu và Con người cô độc mang tính
hướng nội, kể theo điểm nhìn của ý thức nhân vật. Ở đây, các trạng thái tinh thần: ý
nghĩ, cảm xúc, cảm giác… thường vẫn nổi lên trên chuyện. Người kể không phải
chỉ kể chuyện (miêu tả những gì “tôi thấy”) mà còn kể tâm trạng (miêu tả những gì
“tôi cảm”, “tôi nghĩ”). Những cái “tôi” ấy không bao giờ đứng yên mà nó “đang tư
duy”, “đang cảm thấy”, nó đồng thời đảm nhiệm hai chức năng: nhận thức xã hội và
ý thức về bản thân. Do đó, nó luôn luôn sống động và hết sức phức tạp. Kể và suy
ngẫm, kể và tự ý thức, kể và độc thoại là những biểu hiện đặc biệt của cách kể
chuyện trong hai tác phẩm này.
Nói tới lối kể chuyện theo ngôi thứ nhất, bên cạnh những ưu điểm của nó,
người ta thường nói tới mặt hạn chế: dễ đem lại cho người đọc cảm giác đơn điệu,
nhàm chán, bởi khi trần thuật, tác phẩm thường dừng lại ở góc nhìn của một nhân
vật. Nhưng truyện Lỗ Tấn không hề bó hẹp tầm nhìn. Chúng vượt lên những hạn
chế thông thường. Điểm nhìn trần thuật trong Trong Quán rượu và Con người cô
độc luôn có sự di động, tạo nên cái nhìn nhiều chiều hấp dẫn. Có thể nói, với lối tự
sự nhiều người kể, đề cao thế giới bên trong nhân vật, vừa mang âm hưởng khách
quan khi kể về người khác, vừa gợi lên những ý nghĩ, tâm trạng có tính chất chủ
quan của người kể, các tác phẩm nhìn chung mang giọng điệu đa âm với những cặp
đặc điểm đối nghịch: sắc lạnh- tình cảm, tỉnh táo nghiêm nhặt- chan chứa trữ tình.
Bởi vậy, chúng có khả năng tác động tới cả lý trí và tình cảm người đọc, cùng lúc
khơi dậy nơi họ nhiều xúc cảm và suy ngẫm

×