Tải bản đầy đủ (.doc) (14 trang)

skkn một số biện pháp giúp học sinh khiếm thị lớp 1b viết đúng chính tả

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (839.75 KB, 14 trang )

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỒNG NAI
TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT
Mã số: …………………
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM


Có đính kèm:
Mô hình Đĩa CD (DVD) Phim ảnh Hiện vật khác
Người thực hiện: Trần Thị Hương
Lĩnh vực/ Môn nghiên cứu:
Giáo dục khuyết tật:
Phương pháp dạy học bộ môn Tiếng Việt
Năm học: 2013 - 2014
SƠ LƯỢC VỀ LÝ LỊCH KHOA HỌC

I. THÔNG TIN CHUNG VỀ CÁ NHÂN
1. Họ và tên: Trần Thị Hương
2. Ngày, tháng, năm sinh: 01/01/1984
3. Nam, nữ: Nữ
4. Địa chỉ: Tổ 8, P. Trảng Dài, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai.
5. Điện thoại: 0613.954171 (CQ) Di động: 0915427673
6. Fax: Email:
7. Chức vụ: Giáo viên.
8. Nhiệm vụ được giao:
Giảng dạy môn: Toán, Tiếng Việt (lớp 1B khiếm thị);
Giáo viên chủ nhiệm lớp 1B và 2 khiếm thị
9. Đơn vị công tác: Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai
II. TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO
- Học vị (hoặc trình độ chuyên môn, nghiệp vụ) cao nhất: Cử nhân Khoa học.
- Năm nhận bằng: 2006
- Chuyên ngành đào tạo: Giáo dục đặc biệt.


III. KINH NGHIỆM KHOA HỌC
- Lĩnh vực chuyên môn có kinh nghiệm: dạy trẻ Khiếm thị
- Số năm có kinh nghiệm: 7 năm
- Các sáng kiến kinh nghiệm đã có trong 5 năm gần đây:
+ Một số biện pháp giúp học sinh mù lớp 1 luyện viết chữ Braille.
(năm học 2010 – 2011)
+ Một số bài tập giúp học sinh khiếm thị lớp 1 rèn luyện cơ bàn tay.
(năm học 2011 – 2012)
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH KHIẾM THỊ
LỚP 1B VIẾT ĐÚNG CHÍNH TẢ
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trẻ em là thế hệ mầm non tương lai của đất nước cho nên các em luôn được xã
hội quan tâm một cách đặc biệt. Một trong những ưu ái đó là các em được tạo mọi
điều kiện để có được một môi trường học tập tốt nhất. Từ cấp bậc mầm non đến bậc
Tiểu học và các bậc cao hơn, mục tiêu của tất cả các bậc học là giúp các em làm chủ
các tri thức của nhân loại, biết vận dụng sáng tạo các tri thức vào trong cuộc sống
hằng ngày.
Đối với học sinh khuyết tật nói chung, học sinh khiếm thị nói riêng, khi đời
sống ngày càng phát triển thì các em cũng được xã hội đặc biệt quan tâm. Một trong
những việc đó là tạo điều kiện cho các em được đến trường. Việc đi học nhằm giúp
các em từng bước hòa nhập vào cộng đồng, có tri thức các em sẽ tự tin hơn trong cuộc
sống.
Các em khiếm thị muốn nắm bắt được tri thức thì phải “đọc thông viết thạo”.
Đây thực sự là điều kiện tiên quyết, bởi khi các em biết đọc thì các em mới nắm được
kiến thức, khi nắm được kiến thức các em phải viết được để vận dụng các kiến thức
mình biết vào thực tiễn cuộc sống. Trong khi đó, việc đọc và viết của học sinh khiếm
thị gặp nhiều khó khăn hơn các học sinh bình thường. Do đặc điểm khuyết tật là bị
mất thị giác hoặc giảm thị lực làm cho việc nhìn của các em hạn chế. Khi bị hạn chế
nhìn sẽ làm các em không tiếp thu được hoàn toàn kiến thức, có thể bị thiếu hụt, có

thể bị sai lệch. Các dụng cụ hỗ trợ cho học sinh khiếm thị rất ít và cũng rất đắt, làm
cho việc hiểu ngôn ngữ nói và viết cũng hạn chế. Chính vì vậy mà việc viết sai lỗi
chính tả rất phổ biến ở các em khiếm thị.
Qua nhiều năm dạy học sinh khiếm thị, tôi thấy rằng hầu hết các em, đặc biệt là
các em học lớp 1 đều viết sai chính tả. Do các em không nhìn thấy hoặc nhìn kém làm
cho các em đọc sai, không hiểu nghĩa của từ, vốn từ ít nên dẫn đến viết sai. Ngoài ra
do hạn chế về phương tiện và trang thiết bị dành riêng cho các em cũng làm cho học
sinh khó hình dung ra các kiến thức liên quan đến tri giác nhìn, đến khi trình bày trên
giấy các em không viết đúng từ, câu, nội dung theo yêu cầu. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn
thực hiện đề tài “Một số biện pháp giúp học sinh khiếm thị lớp 1B viết đúng chính
tả”. Đề tài này phần nào giúp các em giải quyết vấn đề viết đúng chính tả của một
vần, một tiếng, một từ. Từ những việc nhỏ đó sẽ giúp các em có thêm kinh nghiệm
khi viết một câu, một đoạn văn chính xác hơn ở các lớp học cao hơn.
Trong đề tài này, tôi không đi sâu vào việc viết đúng chính tả theo phân môn
chính tả. Tôi cũng không đánh giá học sinh phải viết đúng độ cao độ rộng của con chữ
vì học sinh khiếm thị không thể đạt được yêu cầu đó.Tôi chỉ đi sâu vào việc làm cách
nào giúp các em có thể viết đúng vần, tiếng, từ khi học tất cả các môn.
II. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1. Một số thuật ngữ
Học sinh khiếm thị:
Những người bị mất hoặc giảm thị lực cho đến mức không thể học và sinh hoạt
như những người bình thường kể cả khi được hỗ trợ bằng kính thì được cho là khiếm
thị. Học sinh khiếm thịđược chia làm hai đối tượng khác nhau là mù và nhìn kém.
Những em mù là không còn khả năng nhìn thấy hoặc chỉ phân biệt sáng tối. Những
em nhìn kém là những em còn khả năng nhìn thấy nhưng mức độ nhìn không được rõ
ràng hoặc phải nhìn ở khoảng cách rất gần cho dù được hỗ trợ về kính.
Chính tả:
Thuật ngữ chính tả hiểu theo nghĩa gốc là “phép viết đúng” hoặc “lối viết hợp
với chuẩn”. Cụ thể, chính tả là hệ thống các qui tắc về cách viết thống nhất cho các từ
của một ngôn ngữ, cách viết hoa tên riêng, cách phiên âm tên riêng nước ngoài. Nói

cách khác, chính tả là những qui ước của xã hội trong ngôn ngữ; mục đích của nó là
làm phương tiện truyền đạt thông tin bằng chữ viết, bảo đảm cho người viết và người
đọc đều hiểu thống nhất nội dung của bản. Chính tả trước hết là sự qui định có tính
chất xã hội, nó không cho phép vận dụng qui tắc một cách linh hoạt có tính chất sáng
tạo cá nhân.
2. Học sinh khiếm thị lớp 1B tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng
Nai năm học 2013 – 2014
Học sinh khiếm thị lớp 1B tại trung tâm là những em có độ tuổi từ 8 đến 13 tuổi
học chương trình học kì II theo sách giáo khoa lớp 1 của Bộ giáo dục và Đào tạo đã
được điều chỉnh nội dung cho phù hợp với đặc điểm tật của các em.
Về sĩ số có 4 em, trong đó có 2 em mù hoàn toàn đọc viết theo chữ Braille, có 2
em nhìn kém đọc viết theo chữ sáng.
Khi bước vào học lớp 1B thì các em đã được học chương trình lớp 1A. Tức là
về môn Tiếng Việt các em đã học hết các âm từ bài 1 đến bài 28 của sách giáo khoa
Tiếng Việt 1 tập 1 theo Bộ Giáo dục và Đào tạo; môn toán các em học hết 2 chương
đầu trong sách giáo khoa Toán 1 – cộng trừ các số trong phạm vi 10. Các môn phụ
các em học theo chương trình học kì I theo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như vậy các em
đã có thể đọc viết làm tính một cách cơ bản nhất: nhận biết được mặt chữ, làm các bài
tập đơn giản.
3. Thực trạng viết của học sinh khiếm thị lớp 1B tại Trung tâm Nuôi dạy
trẻ khuyết tật Đồng Nai đầu năm học 2013 – 2014
Hầu hết các học sinh khuyết tật nói chung và các học sinh khiếm thị nói riêng
không được đi học mẫu giáo như các trẻ bình thường khác. Điều này có nghĩa các em
không được làm quen với môi trường học tập, không được làm quen với mặt chữ,
không được rèn luyện để cầm bút tập viết, tập tô. Bởi vậy khi bước vào trường các em
phải nỗ nực hơn các bạn bình thường nhiều lần để có thể học tập tiến bộ hơn.
Chính những điều trên mà ở Trung tâm đã xây dựng lại nội dung chương trình
cho phù hợp với các em. Chương trình lớp 1 do Bộ Đào tạo và Giáo dục xây dựng học
trong 35 tuần thì ở Trung tâm xây dựng thành 70 tuần tức là học trong hai năm học:
Năm thứ nhất là lớp 1A với nội dung tương đương với học kì I của chương

trình lớp 1 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tuy nhiên môn Tiếng Việt của Trung
tâm chỉ học đến bài 28 theo sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập1. Trong khoảng 10 tuần
đầu tiên của lớp 1A các em sẽ được học làm quen với chữ cái, đây là thời gian bù đắp
cho việc các em không được học mẫu giáo. Thời gian này rất quan trọng, vì có những
em phải viết chữ nổi – chữ Braille – hệthống chữ nổi được xây dựng trên cơ sở về sự
thay đổi số lượng, vị trí của 6 chấm nổi. (Vị trí 6 chấm nổi chia thành 2 hàng dọc và 3
hàng ngang, các chấm nổi cách đều nhau. Các chấm này được viết tay bằng bảng và
dùi viết chuyên dụng.) Sau đó là các bài học chính thức được kéo dãn nội dung để các
em có thể luyện tập về đọc và viết cho thành thạo hơn.
Năm thứ hai là lớp 1B, học hết chương trình còn lại của lớp 1 theo Bộ Giáo dục
và Đào tạo. Năm này học sinh sẽ được rèn thêm về kỹ năng đọc viết để có nền tảng
vững chắc khi học lên các lớp cao hơn. Chính ở năm này cần phải có những yêu cầu
cao hơn về vấn đề viết đúng chính tả. Nếu ở năm này chúng ta không rèn cho các em
thì khi học lên các lớp trên các em sẽ có những thói quen viết sai chính tả rất khó bỏ.
Cho dù học ở trình độ nào các em cũng phải được rèn luyện nhưng nếu được rèn càng
sớm càng tốt. Do ở chương trình lớp 1B các em sẽ học đến các vần, cho nên để viết
đúng chính tả thì các em phải phân biệt các vần dễ lẫn, nhất là do ảnh hưởng của
phương ngữ nên việc đọc sai dẫn đến viết sai là không thể tránh khỏi.
Theo quan sát thì hầu hết các em đều mắc các lỗi viết chính tả như nhầm lẫn
các tiếng có vần chứa âm cuối là n – ng, n – nh, n – m, i – y, t – c; các tiếng có vần
chứa âm đầu là i – iê, o – ô – ơ, a – ă – â; nhầm lẫn các dấu thanh như dấu hỏi thành
dấu ngã, hoặc dấu nặng thành dấu hỏi; nhầm lẫn các phụ âm đầu trong tiếng như c –
k, ng – ngh, n – l, g – gh, Những lỗi này là do các em phát âm sai dẫn đến viết sai và
do không hiểu cấu tạo của tiếng dẫn đến viết sai, do không phân biệt được nghĩa của
các tiếng cũng dẫn đến viết sai.
Trong khi đó, hiện nay chưa có một chương trình hay sách riêng về hướng dẫn
viết đúng chính tả cho các em khiếm thị, nhất là quy tắc viết chữ Braille một cách
chính thống. Việc các giáo viên có thể làm cho các em là hướng dẫn, tìm các biện
pháp tốt nhất để giúp các em tự mình vượt qua số phận.
Khi các em đọc sai, viết sai sẽ dẫn đến hiểu sai giá trị của ngôn ngữ lời nói và

chữ viết, dẫn đến các em sẽ không thể tìm ra được giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Đây
là điều làm cá nhân tôi cảm thấy trăn trở. Vì vậy, những biện pháp sau đây là rất cần
thiết, giúp các em tự mình điều chỉnh cách viết sao cho đúng và có những thói quen tự
kiểm tra và sửa lỗi chính tả không cần phụ thuộc vào bất cứ ai.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CỦA ĐÊ TÀI
Một số biện pháp giúp học sinh khiếm thị lớp 1B viết đúng chính tả ở Trung
Tâm Nuôi Dạy Trẻ Khuyết tật Đồng Nai.
Trước đây, để học sinh viết đúng chính tả thì người giáo viên lúc nào cũng là
người đánh vần, nhắc nhở các em phải viết âm này, vần này, tiếng này mới đúng. Như
vậy sẽ làm các em thụ động, ỉ lại vào người khác. Để phát huy tính tích cực của học
sinh cũng như phát huy khả năng độc lập và tự giác của các em tôi đưa ra các giải
pháp mang tính dẫn đường cho các em khiếm thị. Tức là mình chỉ hướng dẫn và học
sinh phải tự thực hành thì mới lĩnh hội được kiến thức. Những giải pháp này sẽ đem
đến cho các em các trải nghiệm thực tế sau đó biến thành kinh nghiệm của bản thân
các em mà không phải ai cũng cho các em được.
Sau đây là các giải pháp giúp các em khiếm thị lớp 1B nói riêng và các em
khiếm thị nói chung viết đúng chính tả:
1. Ghi nhớ tên gọi, cách đọc, cấu tạo của các âm - vần.
Để viết đúng chính tả, trước tiên các em phải nhớ tên gọi, cách phát âm, cách
viết của các con chữ. Khi các em nghe thì các em sẽ biết mình phải viết cái gì, viết
như thế nào. Do vậy, các em phải thuộc bảng chữ cái, thuộc các dấu thanh, nhớ cấu
tạo của các vần đã học. Khi đã nắm chắc được điều này thì các em dễ dàng thực hiện
yêu cầu viết bài của giáo viên cũng như tự mình thực hành làm bài tập. Do các em bị
hạn chế về thị giác cho nên khả năng nghe và ghi nhớ của các em rất phát triển, vì vậy
chúng ta phải phát huy điểm mạnh này để bù đắp phần nào cho khiếm khuyết đã mất
của các em.
Ví dụ 1: Học sinh phải ghi nhớ các âm ghép như: âm /th/ do con chữ “t” đứng
trước con chữ “h”, đọc là “thờ”, nó không phải là âm /t/, chỉ có con chữ “t”, đọc là
“tờ”. Để khi yêu cầu viết tiếng “thu” học sinh phải biết viết con chữ t đến con chữ h
rồi đến con chữ u; chứ không phải viết con chữ t rồi đến con chữ u.

Ví dụ 2: Âm /q/, bản thân nó khi viết không đứng một mình mà luôn đi cùng
con chữ “u” và tạo ra âm /qu/. Do vậy học sinh phải nhớ cấu tạo, cách phát âm của âm
này để khi viết sẽ không bị thiếu.
Âm này rất dễ nhầm với âm /c/ hoặc /k/ nếu không nhớ cách phát âm.
Như viết tiếng “quả”, nếu học sinh đọc đúng là /qu/ - /a/ - /hỏi/ thì sẽ viết đúng,
nếu học sinh đọc sai thành /c/ - /a/ - /hỏi/ thì sẽ thành “cả”.
2. Rèn thói quen phân tích cấu tạo của vần, tiếng, từ.
Khi dạy học sinh học về các vần, tiếng thì giáo viên nên tạo cho học sinh thói
quen phân tích cấu tạo của vần, tiếng ngay từ những bài đầu tiên. Điều này sẽ giúp
các em ghi nhớ cách viết vần, cách viết tiếng và không nhầm lẫn với các vần khác
hoặc các dấu thanh. Trước khi viết cũng yêu cầu học sinh phải phân tích tiếng mình
sắp viết: âm gì đứng trước, vần gì đứng sau, có thanh gì. Việc lặp lại này giúp học
sinh ghi nhớ sâu hơn từ cần viết, giúp học sinh cảnh giác với các âm vần có cách phát
âm gần giống nhau để không bị nhầm lẫn khi viết, hoặc các tiếng do phương ngữ làm
cho nói không chuẩn dẫn đến viết sai. Sau này khi các em viết thành thạo, thì các em
có thể nhẩm trong đầu mình tiếng này gồm có âm nào, vần nào, dấu thanh nào, nó
gồm những con chữ nào, sắp xếp theo thứ tự viết thế nào. Bởi học sinh khiếm thị có
khả năng nghe và nhớ rất tốt cho nên nếu chúng ta hình thành cho các em thói quen
phân tích thì các em sẽ ghi nhớ và tạo được một thói quen vững chắc.
Ví dụ 1:
Khi học đến bài 85/ SGK TV1, tập 2, học sinh học vần ăp – âp.
Trong bài này học sinh phải tự phân tích được vần ăp gồm âm /ă/ đứng trước
âm /p/ đứng sau; vần ăp có trong tiếng “bắp”; tiếng “bắp” gồm âm /b/ đứng trước, vần
/ăp/ đứng sau và có thanh sắc; để khi viết bài, học sinh không cần nhìn sách cũng có
thể viết được tiếng “bắp” gồm con chữ “b” trước, đến con chữ “ă”, đến con chữ “p”,
cuối cùng là dấu sắc trên đầu con chữ “ă” (Trong chữ Braille thì con chữ “b”, đến dấu
sắc, đến con chữ “ă”, cuối cùng là con chữ “p”)
Ví dụ 2:
Bài 89/ SGK TV1, tập 2, vần iêp – ươp.
Do ảnh hưởng của phương ngữ, nên khi đọc tiếng “mướp” các em thường theo

tiếng địa phương đọc là “móp”, nếu không phân tích vần, cho các em đánh vần thì các
em sẽ theo thói quen đọc sai và sẽ dẫn đến viết “mướp” thành “móp”.
Hình 1+2: Học sinh mù vừa phân tích cấu tạo tiếng, từ vừa viết.
3. Mở rộng vốn từ
Đây là việc khi các em học được những vần mới nào thì giáo viên nên để học
sinh tự tìm các từ ngoài bài có vần mới học. Việc tìm này sẽ giúp các em có thêm vốn
từ, thêm sự hiểu biết khi dùng các từ trong cuộc sống hằng ngày, các từ hay sử dụng
nhiều trong ngôn ngữ nói và viết. Khi nói ra được các từ có vần mới học các em sẽ tự
tích lũy cho bản thân một vốn từ nhất định. Khi các em có một vốn từ phong phú thì
các em sẽ biết mình phải viết gì, viết thế nào, sẽ giúp các em hạn chế các lỗi sai như
sai vần, sai dấu thanh. Các em cũng có thể sử dụng từ linh hoạt trong mọi tình huống
mà có yêu cầu viết câu trả lời. Bản thân các em khiếm thị khi nghe được điều gì thì
các em nhớ rất lâu, đây là khả năng bù trừ cho giác quan thị giác đã mất. Các em càng
có vốn từ thì các em càng hiểu được mọi thứ xảy ra xung quanh mình và hòa nhập tốt
với cuộc sống.
Ví dụ 1:
Bài 91/ SGK TV1, tập 2, vần oa – oe
Trong bài này cho học sinh tìm các tiếng ngoài bài có vần oa thì các em sẽ có
thêm các từ rất hay sử dụng trong cuộc sống, gần gũi với các em như: loa, toa, thỏa,
khỏa, hỏa, lòa, Các tiếng ngoài bài có vần “oe” mà các em cũng thường gặp như:
khoe, khỏe, hoe, hòe, Chính những từ tìm thêm này sẽ cho các em lựa chọn chính
xác khi viết một đoạn văn hay một câu thơ, hay một yêu cầu nào đó hoặc khi làm bài
tập Tiếng Việt, hoặc diễn đạt suy nghĩ của bản thân về một vần đề nào đó.
Ví dụ 2:
Bài tập đọc “Mời vào” trang 94/ SGK TV1 tập 2, phần ôn vần có yêu cầu tìm
tiếng ngoài bài có vần “ong” và “oong”. Với vần “ong” các em đã học rồi có thể tìm
thấy những tiếng quen thuộc như: bóng, con ong, chong chóng, ; với vần “oong” là
vần mới các em sẽ biết được các tiếng như: xoong canh, boong tàu, kính coong, mà
trước đó các em có thể nhầm thành xong canh, bong tàu, kính cong. Điều này sẽ giúp
các em có vốn từ phong phú, có thêm vốn hiểu biết cuộc sống xung quanh mình.

4. Hiểu nghĩa của từ
Khi các em đã có một vốn từ nhất định thì các em phải hiểu chính xác nghĩa
của từ đó. Hiểu đúng nghĩa của từ sẽ giúp các em sử dụng đúng từ khi viết. Nếu hiểu
sai các em sẽ viết sai từ, sai nội dung cần trình bày hoặc diễn đạt. Để có thể hiểu được
nghĩa của từ thì các em cần được hỗ trợ thêm các phương tiện khác như mô hình, vật
thật, tranh ảnh, các tình huống, sự vật, sự việc cụ thể.
Ví dụ: Chủ điểm Nhà trường, bài “Cây bàng”/ SGK trang 127, TV1, tập 2
Trong bài này khi đọc “bàng” thì do phương ngữ các em đọc thành “bàn”, khi
viết vào vở các em cũng viết thành “bàn”. Để các em phân biệt được “bàng” và “bàn”
thì chúng ta phải giải thích nghĩa của hai từ này cho các em hiểu. “Bàng” là tên một
loại cây, “bàn” là một đồ dùng, nên khi nói đến cây thì chúng ta phải viết là “cây
bàng” chứ không thể viết là “cây bàn”, chỉ có thể viết là “cái bàn” mà thôi. Để học
sinh hiểu sâu sắc hơn thì chúng ta có thể dẫn các em đi quan sát cây bàng có trong sân
trường, sau đó so sánh với cái bàn học mà các em đang sử dụng. Chắc chắn việc này
sẽ giúp các em có khái niệm và ghi nhớ sâu sắc khái niệm đó, nó sẽ trở thành kinh
nghiệm để lần sau khi gặp lại các em không bao giờ viết sai nữa.
Hình 3+4: Học sinh mù quan sát cây bàng và quan sát cái bàn.
5. Luyện viết nhiều lần
Cho các em viết lại những vần, tiếng, từ thường viết sai nhằm rèn cho các em kĩ
năng viết chính tả. Khi viết nhiều lần, các em sẽ ghi nhớ được cấu trúc của các tiếng,
từ có những con chữ nào ghép với nhau. Từ đó các em sẽ hạn chế việc viết sai chính
tả.
Ví dụ:
Học sinh rất hay viết sai “số chín” thành “số chính”, cho các em viết lại nhiều
lần sẽ giúp các em ghi nhớ được tiếng “chín” là vần “in” chứ không phải là vần “inh”.
Khi được luyện tập nhiều lần các em sẽ có kĩ năng và kinh nghiệm khi gặp lại các từ
hay viết sai chính tả.

Hình 5+6: Học sinh nhìn kém luyện viết từ “rước đuốc”.
Trên đây chỉ là một số biện pháp được sử dụng phổ biến để giúp các em khiếm

thị lớp 1B viết đúng chính tả tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai. Để các
em có kĩ năng viết thì không nhất thiết phải áp dụng theo một biện pháp nào cụ thể
mà có thể kết hợp nhiều biện pháp với nhau để đem lại hiệu quả tốt nhất. Điều quan
trọng khi rèn kĩ năng là phải kiên trì và được rèn luyện thực hành trong một thời gian
dài. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và gia đình để có sự
theo dõi kịp thời và hiệu quả nhất đối với từng học sinh.
IV. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI
Sau một thời gian áp dụng các biện pháp trên, tôi thu được kết quả như sau:
Bảng đánh giá viết đúng chính tả lớp 1B khiếm thị
Nội dung viết
Số lượng học sinh viết
Đầu năm Cuối năm
Số lượng % Số lượng %
Nhầm lẫn vần 4 100 0 0
Nhầm lẫn dấu thanh 3 75 1 25
Sai cấu tạo tiếng 3 75 1 25
Trên đây là kết quả tôi thực hiện khảo sát tại lớp khiếm thị 1B ở Trung tâm
Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng nai.Tôi tập trung vào các vấn đề sau để đánh giá việc
viết đúng chính tả của các em:
- Nhầm lẫn vần: Tức là các em viết các vần có âm đầu hoặc âm cuối gần giống
nhau như: ăn thành ăng, an thành ang, ôm thành ôn, Đầu năm học thì hầu như các
em đều viết sai. Điều này là do các em mới học xong phần âm, bắt đầu làm quen với
phần vần nên còn nhiều bỡ ngỡ; mặt khác, các em cònsử dụng nhiều từ địa phương.
Tuy nhiên sau một thời gian học, các em có thói quen phân tích vần nên tình trạng
này giảm hẳn. Đặc biệt khi các em biết tìm tiếng ngoài bài thì hầu như các em đều
phân biệt và sử dụng đúng các tiếng có các vần có cách phát âm gần giống nhau này.
- Nhầm lẫn dấu thanh: Tức là các em thường chuyển các tiếng có thanh hỏi
thành thanh ngã, thanh nặng thành thanh hỏi, như sững thành sửng, kẽ thành kẻ,
lặng thành lẳng, chẳng thành chặng, Lỗi này một phần do phương ngữ, vì nói sai
nên viết cũng sai, tạo thành thói quen xấu. Sau thời gian rèn luyện các em đã tiến bộ

rất nhiều. Thành công này một phần do các em luyện viết chăm chỉ, một phần các em
hiểu được nghĩa của các từ mình hay viết sai. Vẫn còn em viết chưa chính xác hoàn
toàn, đây là do khả năng tiếp thu kém và chưa nắm được các kĩ thuật viết chữ Braille.
Em này cần được bồi dưỡng và phụ đạo nhiều ở gia đình thì sẽ có thể tiến kịp cùng
các bạn.
- Sai cấu tạo tiếng: Tức là học sinh viết sai phụ âm đầu như c thành k, d thành
gi, l thành n, như viết con thành kon, hoặc kẻ thành cẻ; chén thành trén; quả thành
cả; Hoặc viết thiếu một con chữ trong tiếng như: buồng thành bùng, lương thành
lơng, Lỗi này là do học sinh chưa thuộc hết được các âm trong chữ cái Tiếng Việt,
một phần do phương ngữ, một phần là do học sinh nhìn kém hạn chế tầm nhìn dẫn
đến nhìn sai, nhìn thiếu, nhìn nhầm chữ. Khi học một thời gian dài, được mở rộng vốn
từ, hiểu nghĩa của từ, luyện viết thường xuyên thì các em đã khắc phục được các lỗi
trên.
Thông qua những kết quả trên cho thấy việc giúp học sinh khiếm thị viết đúng
chính tả là rất quan trọng. Chúng ta phải luôn đổi mới phương pháp và linh động cho
phù hợp với trình độ, lứa tuổi, khiếm khuyết của các em. Có như vậy mới đem lại
những hiệu quả tối ưu trong dạy và học.
V. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG
Hiện nay, chúng ta đang cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học nhất là trong
việc giáo dục trẻ khuyết tật có thể hòa nhập với xã hội sau này.Việc giúp các em
khiếm thị viết đúng chính tả là rất quan trọng. Ngoài việc giúp các em có vốn kiến
thức để phục vụ cuộc sống, viết đúng còn là một phương tiện giao tiếp với xã hội.
Để đạt được điều này trước hết là có sự quan tâm của Ban Giám đốc về cơ sở
vật chất, sự chỉ đạo sâu sát của tổ chuyên môn. Hơn hết là tinh thần trách nhiệm cao
của người giáo viên, có tâm với nghề, tận tụy yêu thương trẻ khuyết tật cũng như
không ngại khó khăn trong việc áp dụng các phương pháp làm thế nào cho trẻ khiếm
thị có thể tiếp thu bài học một cách hiệu quả nhất. Quan trọng nhất là bản thân các em
có sự nỗ lực phấn đấu, vượt qua chính mình để hòa nhập với cuộc sống.
Để việc giáo dục trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thị nói riêng đạt kết quả
cao, tôi có một số đề xuất, khuyến nghị như sau:

- Đối với Ban Giám đốc Trung tâm: Đầu tư thêm cơ sở vật chất, các trang thiết
bị hỗ trợ chuyên dụng dành cho học sinh khiếm thị; tạo mọi cơ hội cho các em được
hòa nhập cuộc sống, tìm hiểu và nắm bắt được xu hướng của xã hội.
- Đối với Giáo viên: Luôn nhiệt tình, sáng tạo, kiên trì, nhẫn nại trước những
khó khăn mà học sinh mắc phải. Dành thời gian cho từng đối tượng học sinh, từng em
học sinh. Tìm hiểu đặc điểm tính cách, hoàn cảnh của từng em để có những biện pháp
giáo dục hiệu quả. Liên lạc thường xuyên với gia đình để trao đổi kịp thời những sự
tiến bộ của học sinh. Thường xuyên cập nhật các tri thức mới của thời đại để áp dụng
vào trong dạy học
- Đối với phụ huynh: Luôn quan tâm theo sát con em để nắm được sự phát triển
cũng như có những hỗ trợ kịp thời khi các em cần gia đình giúp đỡ. Thường xuyên
trao đổi với giáo viên, người chăm sóc các em tại trường để nắm được tình hình kịp
thời nhất. Giáo dục con đúng cách, không nuông chiều, không làm mọi việc cho các
em. Phải tạo cho các em có tính tự lập ngay ở trong gia đình.
- Đối với học sinh: Luôn luôn cố gắng, vượt qua khiếm khuyết của bản thân. Tự
tin, độc lập trong cuộc sống. Sống có nghị lực, có quyết tâm.
VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hướng dẫn dạy từng kỹ năng cho trẻ mù và khiếm thị lứa tuổi nhà trẻ - mẫu
giáo. The Oregon Project - Trường Nguyễn Đình Chiểu, Tp.Hồ Chí Minh - 2009.
2. Kỹ năng dạy học hòa nhập trẻ khuyết tật - Trung tâm tật học - Viện khoa học
giáo dục - 1998
VII. PHỤ LỤC
Quy tắc viết chữ nổi Braille.
Một ô Braille gồm 6 chấm, khi một hay nhiều chấm trong ô nổi lên thì nó sẽ
được quy ước là một chữ cái hay một dấu thanh, một quy ước về số, Ví dụ: chữ a là
chấm ở vị trí số 1 phía trên bên trái nổi lên. Để tạo ra một tiếng hay một từ, một câu
thì chúng ta sẽ ghép nhiều ô Braille liền kề nhau. Ví dụ: tiếng “ bé” –gồm 3 ô Braille:
ô chữ b, ô dấu thanh sắc, ô chữ e. Khi viết từ có hai tiếng trở nên thì mỗi tiếng sẽ cách
nhau một ô Braille.
Để viết được chữ Braille thì phải sử dụng bảng viết, dùi viết và giấy viết chuyên

dụng. Chữ nổi không phải được viết như chữ bình thường bằng giấy trắng và bút viết,
mà nó là các chấm được làm nổi lên bề mặt giấy. Để có thể tạo ra những chấm nổi thì
khi viết chúng ta phải tạo ra các chấm lõm, quy trình viết sẽ ngược với viết chữ sáng.
Chúng ta bắt đầu viết từ phải qua trái, hết dòng thì xuống dòng, viết hết các dòng có
trong bảng viết thì chúng ta tháo giấy và lắp giấy khác vào viết tiếp. Khi viết, ta sử
dụng dùi ấn nhẹ trên bề mặt giấy tương ứng với các chấm lõm trong bảng viết sẽ tạo
ra những chấm lõm trên giấy, khi lật ra đằng sau thì sẽ thấy có chấm nổi lên.
Như vậy khi đọc thì chúng ta đọc từ trái qua phải, khi viết thì viết từ phải qua
trái. Khi cầm một trang chữ Braille ta thấy có một mặt là các chấm nổi, mặt bên kia là
những chấm lõm. Viết là tạo ra những chấm lõm, do vậy mà các chữ viết sẽ phải
ngược với các chấm nổi thì chúng ta mới viết đúng. Ví dụ để viết được chữ a, vị trí
chấm nổi khi đọc là trên cùng bên trái, thì khi viết chúng ta phải tạo ra chấm lõm ở vị
trí trên cùng bên phải của ô Braille để khi lật ngược lại chúng ta mới có chữ a đúng.
Vị trí chấm nổi
khi đọc 1 ô Braille
1  4
2  5
3  6
Vị trí chấm lõm
khi viết 1 ô Braille
4  1
5  2
6  3
Như vậy, để viết đúng chính tả bằng chữ Braille học sinh cũng phải nắm được
quy tắc đọc và viết loại chữ này. Lỗi các em viết loại chữ này hay gặp là viết thiếu
hoặc thừa chấm trong 1 ô chữ dẫn đến sai con chữ, viết thiếu một con chữ trong 1
tiếng dẫn đến sai từ.
Người thực hiện
Trần Thị Hương
SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO ĐỒNG NAI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT Độc lập- Tự do – Hạnh phúc
Biên Hoà, ngày tháng năm 2014
PHIẾU NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Năm học: 2013 – 2014
Tên sáng kiến kinh nghiệm: MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH KHIẾM THỊ
LỚP 1B VIẾT ĐÚNG CHÍNH TẢ
Họ và tên tác giả: TRẦN THỊ HƯƠNG. Chức vụ: Giáo viên
Đơn vị: Tổ Chuyên môn Tiểu học – Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai
Lĩnh vực/Môn nghiên cứu: Giáo dục khuyết tật
- Quản lý giáo dục - - Phương pháp dạy học bộ môn Tiếng Việt
- Phương pháp giáo dục - Lĩnh vực khác:……………………………
Sáng kiến kinh nghiệm đã được triển khai áp dụng: Tại đơn vị Trong Ngành
1. Tính mới (Đánh dấu X vào 1 trong 3 ô dưới đây)
- Đề ra giải pháp thay thế hoàn toàn mới, bảo đảm tính khoa học, đúng đắn
Đề ra giải pháp thay thế một phần giải pháp đã có, bảo đảm tính khoa học, đúng đắn
- Giải pháp mới gần đây đã áp dụng tại đơn vị khác nhưng chưa từng áp dụng ở đơn vị
mình nay tác giả tổ chức thực hiện và có hiệu quả cho đơn vị
2. Hiệu quả (Đánh dấu X vào 1 trong 5 ô dưới đây)
- Giải pháp thay thế hoàn toàn mới, đã được thực hiện trong toàn ngành có hiệu quả cao
- Giải pháp thay thế một phần giải pháp đã có, đã được thực hiện trong toàn ngành có hiệu
quả cao
- Giải pháp thay thế hoàn toàn mới, đã thực hiện tại đơn vị có hiệu quả cao
- Giải pháp thay thế một phần giải pháp đã có, đã thực hiện tại đơn vị có hiệu quả cao
- Giải pháp mới gần đây đã áp dụng tại đơn vị khác nhưng chưa từng áp dụng ở đơn vị
mình nay tác giả tổ chức thực hiện và có hiệu quả cho đơn vị
3. Khả năng áp dụng (Đánh dấu X vào 1 trong 3 ô mỗi dòng dưới đây)
- Cung cấp được các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách:
Trong tổ/Phòng /Ban Trong cơ quan, đơn vị, cơ sở GD&ĐT Trong ngành
- Đưa ra giải pháp kiến nghị có khả năng ứng dụng thực tiễn, dễ thực hiện, dễ di vào cuộc
sống:

Trong tổ/Phòng /Ban Trong cơ quan, đơn vị, cơ sở GD&ĐT Trong ngành
- Đã được áp dụng trong thực tế đạt hiệu quả hoặc có khả năng áp dụng đạt hiệu quả trong
phạm vi rộng:
Trong tổ/Phòng /Ban Trong cơ quan, đơn vị, cơ sở GD&ĐT Trong ngành
Xếp loại chung: Xuất sắc Khá Đạt Không xếp loại
NGƯỜI THỰC HIỆN SKKN XÁC NHẬN CỦA TỔ THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
CHUYÊN MÔN

×