Đi tìm cơ sở hiện thực của những tưởng tượng về nhân vật hồ ly tinh
và hoá thân của nó trong Liêu trai chí dị
Trong sáng tạo văn học nghệ thuật, trí tưởng tượng là một yếu tố quan trọng góp phần
nâng đỡ cho tác phẩm vươn tới những tầm cao nghệ thuật mới trong mối liên hệ với hiện
thực cuộc sống cũng đầy những rắc rối, bộn bề. LêNin đã từng nói: “Trong mọi sự khái quát
dù là đơn giản nhất, trong một ý niệm sơ đẳng nhất cũng đều có một mẩu nhất định của
tưởng tượng” [1, 169]. Từ đó ta có thể thấy rằng mọi sự tưởng tượng đều có cơ sở hiện thực
của nó. Chính hiện thực là nguồn sữa nuôi lớn và là nơi cắm rễ của tưởng tượng bởi “tưởng
tượng là quá trình tâm lí phản ánh những cái chưa từng có trong kinh nghiệm của cá nhân
bằng cách xây dựng những hình ảnh mới trên cơ sở các biểu tượng đã có” [4, 32]. Từ xuất
phát điểm này, tiểu luận sẽ đi tìm cơ sở hiện thực của những tưởng tượng về nhân vật hồ li
tinh và hoá thân của nó trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh.
Như chúng ta đã biết, Liêu trai chí dị là một tập hợp các truyện truyền kì, quái dị của Trung
Quốc gồm 445 truyện dài ngắn khác nhau, phần lớn là truyện kể những cuộc tình duyên kì
ngộ giữa người và hồ li hoặc ma quỉ… mà không truyện nào giống truyện nào, truyện nào
cũng đầy hứng thú. Trong hơn 400 truyện đó, có hai nhân vật hay được nhắc đến là người
thư sinh và hồ ly (đúng hơn là hồ ly tinh). Mối quan hệ của cặp đôi này được xây dựng trong
yếu tố “kì” của truyền kì, chí quái Trung Quốc. Chính yếu tố kì này (không giống hẳn với
thuật ngữ “kì ảo” mà ta dịch từ phương Tây) là khung trời rộng cho trí tưởng tượng của nhà
văn được tự do bay bổng và phát huy sở trường của mình. Tuy trong 445 truyện đó có
không ít truyện tác giả chép lại từ một tập sách khác hay ghi lại lời kể của bạn bè hoặc các
truyện lưu truyền trong dân gian nhưng những đóng góp của nhà văn trong việc chỉnh sửa,
trau chuốt tác phẩm là rất lớn. Đó cũng chính là một trong những yếu tố làm nên sức sống
của kì thư này.
Trong các sáng tác thuộc dòng văn học dân gian hay thuộc dòng văn học thành văn, sử
dụng phương thức tưởng tượng nhân hoá hay tưởng tượng hoang đường, ở bất kì nền văn
học nào, các con vật cũng có thể trở thành nhân vật trong tác phẩm văn chương, từ những
loài nhỏ bé như con kiến, dế, thỏ… đến những loài to lớn như hổ, báo, voi. Tuy nhiên hiếm
có con vật nào được đưa vào văn học lại có một vai trò và một số phận kì lạ đến hấp dẫn
như con cáo (hồ li – hồ li tinh) trong truyện truyền kì, chí quái Trung Quốc (xét qua trường
hợp Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh). Trong Liêu trai chí dị, nhân vật hồ li – hồ li tinh (nhiều
khi tác giả gọi tắt là “hồ”) có một khả năng biến hoá khôn lường. Nó có thể là một ông bố
vợ hiếu khách, một cô gái hiền thục, một dâm nữ, một người vợ đảm, một tay láu cá giấu
mặt… khiến cho những ai quen với hình ảnh con sói trong truyện cổ tích châu Âu sẽ phải
băn khoăn không rõ nhân vật hồ li – hồ li tinh ở đây nên được hiểu như thế nào. Có lẽ loại
nhân vật này không cho phép ta nhìn nó trong một “giỏ” truyện như vậy bởi ở mỗi truyện
thì hồ li – hồ li tinh lại có một diện mạo (hình thể và tính cách) khác nhau. Hoặc có khi
trong ngay một truyện hồ li tinh vừa xấu lại vừa tốt chứ không hoàn toàn tốt hẳn hay hoàn
toàn xấu hẳn.
Người Trung Quốc thời xưa, tác giả những câu chuyện truyền kì về hồ li – hồ li tinh, chắc
hẳn đã sớm tiếp xúc và hiểu được tập tính của loài cáo. Đây là một trong những giống vật
gần gũi nhưng lại khá khó hiểu với con người.
Người ta có thể thấy cáo là một giống vật đẹp (bởi da cáo là một mặt hàng xa xỉ trong may
mặc, cả ngày xưa và bây giờ), cáo cũng là một giống vật đáng ghét (vì nó phá hoại mùa
màng, trộm gà bắt vịt), và nó còn là một loài vật đáng phục bởi trí thông minh và sự nhanh
nhẹn tuyệt vời. Chính từng ấy yếu tố tập trung trong một con vật đã tạo nên một “mẫu kí
ức” truyền từ đời này qua đời khác và đi vào kho tàng kinh nghiệm của văn hoá dân gian để
rồi khi hội tụ điều kiện (có sự chắp cánh của trí tưởng tượng) con cáo (hồ li – hồ li tinh) sẽ
đi vào các sáng tác văn học như một nhân vật đa chiều (tuy chưa phải là kiểu “nhân vật
chứa nhiều nhân vật” như ta nói sau này). Con đường đi từ hồ li là một nhân vật đơn thuần
dưới tác động của dạng tưởng tượng nhân hoá (trong truyện cổ tích, ngụ ngôn) đến hồ li
tinh là một nhân vật văn học dưới tác động của trí tưởng tượng hoang đường (trong chí
quái, truyền kì Trung Quốc cổ đại) là một quá trình mà trong đó yếu tố “tinh”, “yêu tinh”
(thực chất là sự phóng đại, hoang đường hoá các đặc trưng nổi trội của loài cáo) ngày càng
được bồi đắp mãi lên tạo thành một bề dày khiến cho nhiều người có cảm giác: Nhắc đến
truyền kì, chí quái là nhắc đến hồ li và hồ li tinh. Trong thực tế, nếu như thuộc tính chung
của tư duy huyền thoại “là hệ quả của hiện tượng người nguyên thuỷ còn chưa tách nổi bản
thân mình một cách minh xác ra khỏi thế giới tự nhiên xung quanh và đưa vào các khách
thể tự nhiên những thuộc tính cố hữu của mình, gán cho chúng sự sống, dục vọng của con
người” [5, 231] thì những tưởng tượng về hồ li – hồ li tinh và những hoá thân của nó trong
Liêu trai chí dị lại đi theo con đường khác, đó là nhà văn thấy trong tập tính của loài vật
những nét gần với thuộc tính của con người (hay có thể qua đó để nói lên những bài học cho
đời sống con người) nên đã phóng đại, thần hoá các tập tính đó để xây dựng những nhân
vật nửa người nửa cáo. Con đường khái quát này phù hợp với nhận xét của A. Xâytlin khi
ông nói: “Sức tưởng tượng là khả năng cấu hợp theo một cách mới các yếu tố của kinh
nghiệm sống” [1, 168]. Chính sự hiểu biết (kinh nghiệm sống) về loài cáo và cả loài người
đã giúp nhà văn nhào nặn lại theo ý mình hình ảnh hồ li tinh hấp dẫn và đầy mê hoặc.
Trong công trình Tâm lí học nghệ thuật, L.M. Vưgôtxki đã dẫn lại ý kiến của Plêkhanôp cho
rằng: “Nghệ thuật đôi khi không phải là sự biểu hiện trực tiếp cuộc sống mà là một phản đề
đối với cuộc sống” [3, 461]. Hình ảnh nhân vật hồ li tinh là một biểu hiện rõ nét của tính
“phản đề” này. Nó là biểu tượng của một sự tồn tại “luôn luôn có tội, luôn luôn có lí (…),
hiện thân cho những mâu thuẫn gắn liền với bản chất con người, (…) khởi nguyên của nó
chính là chân dung của con cáo trong mỗi người chúng ta, mà cái tính hai mặt của nó chúng
ta đều biết” [7, 129]. Từ đó chúng ta dễ hiểu tại sao hình ảnh hồ li tinh trong Liêu trai chí dị
lại “xoay” nhanh đến vậy. Đôi khi trong chính một hồ li tinh cũng vừa có sự hài hước vừa có
sự tàn nhẫn, vừa xấu vừa tốt. Còn sự phân biệt giữa các nhân vật hồ li tinh trong các truyện
khác nhau là một vấn đề dễ lí giải như lời một hồ li nói: “Hồ cũng có hồ tốt hồ xấu, thiếp
cũng là hồ nhưng không làm hại chàng đâu” với người tình của mình khi anh ta còn rụt rè
nửa ham muốn nửa sợ hãi.
Nhân vật hồ li tinh trong các đoản thiên tiểu thuyết viết theo thể truyền kì, chí quái của Bồ
Tùng Linh là một dạng nhân vật đa diện, là một tập hợp các nét tính cách có khi trái chiều
nhau, tuy nhiên nổi bật lên là hai mặt thông minh và dục vọng ở dạng nhân vật này. Về nét
tính cách thông minh, tài giỏi của hồ li tinh, chúng ta có thể hiểu được qua tập tính và lịch
sử tồn tại của sinh vật này, nó in dấu cả vào ngôn ngữ các dân tộc (như “cáo”, “cáo già”,
“mèo già hoá cáo”… trong tiếng Việt). Con cáo - hồ li tinh còn là một biểu tượng của dục
vọng, đặc biệt là tính tham lam và dâm đãng. Sự khái quát này có một nguồn gốc sâu xa
trong lịch sử loài người. Hình ảnh hồ li tinh ăn cắp hay xúi giục, mê hoặc người khác tiếp tay
nó ăn cắp trong Liêu trai chí dị là ánh xạ qua hàng thế kỉ kinh nghiệm của người nông dân
Trung Quốc lam lũ vất vả để làm ra hạt lúa, củ khoai, nuôi được con gà, con vịt… nhưng lại
bị cáo phá hoại hoặc trộm cắp đi mất. Sự dâm đãng của hồ li tinh trong sáng tác của Bồ
Tùng Linh cũng vậy nhưng nó có nguồn gốc sâu xa hơn từ quan niệm của người xưa. Giáo
trình chuyên đề Tâm lí học sáng tạo văn học có nói đến sự tưởng tượng hoang đường
“không tính đến các quan hệ có thật trong đời mà chỉ phản ánh ước mơ, lí tưởng hoặc quan
niệm tôn giáo mà thôi” [4, 34] và nhấn mạnh “tưởng tượng hoang đường (…) xuất phát từ
mục đích minh hoạ cho một quan niệm đạo đức hay tôn giáo” [4, 34]. Theo luận điểm này,
đi tìm những quan niệm khởi nguyên về loài cáo ta sẽ thấy được cơ sở hiện thực trong tính
“Đông Gioăng” (chữ dùng của tác giả Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới) của hồ li tinh.
Không hẹn mà gặp, ở nhiều dân tộc trên thế giới (trong đó có Trung Quốc), con cáo vốn
được coi là con vật có sức sống mãnh liệt bởi nó sống trong hang nên hấp thu được năng
lượng sống của đất. Từ xuất phát điểm này, con cáo trở thành biểu tượng của phồn thực. Từ
vai trò là một biểu tượng của phồn thực, con cáo lại bị “biến hình” sau một công đoạn “nhào
nặn” khác nên “trong một thời gian dài, ở Viễn Đông người ta quy cho cáo vai trò một yêu
tinh và đặc biệt là một dâm yêu: nó hoá thành đàn ông tráng kiện để quyến rũ phụ nữ và
hoá thân thành mĩ nữ để quyến rũ đàn ông” [7, 130]. Sợi dây liên hệ lòng vòng này khá
giống với biểu tượng con thỏ trong văn học dân gian ở nhiều nước châu Âu, vốn được gọi là
“con mẹ lẳng lơ” hay một kiểu Đông Gioăng động vật đội lốt người.
Hồ li sống ở hang hốc, thoắt ẩn thoắt hiện, khó nắm bắt và khó hiểu nên người xưa quan
niệm nó có tài biến hoá thành muôn hình dạng, thành nhiều kiểu người khác nhau. Hình ảnh
hồ li tinh trong Liêu trai chí dị cũng vậy. Đó là kết quả của trí tưởng tượng của nhà văn và có
lúc “hư cấu này có thể trở nên đúng đắn và trung thực hơn cả sự thực cuộc sống” [1, 167].
Hồ li tinh là một nhân vật hư cấu nhờ con đường tưởng tượng và cũng như hầu hết các nhân
vật khác, nó vẫn “lao vào cuộc tìm kiếm hạnh phúc trên trần gian” [4, 35]. Trong cuộc tìm
kiếm hạnh phúc, có cả lạc thú đời thường đó, hồ li tinh phải hoá thân, phải đội lốt người và
như một sự vô tình hay hữu ý, cái lốt mĩ nhân được hồ li tinh sử dụng nhiều nhất. Điều này
là sản phẩm trong suy nghĩ của người xưa về phụ nữ. Thực ra người xưa không chỉ nhìn về
nữ giới đầy lo sợ, dè dặt, nghi kị, phòng xa hay khinh miệt như có người đã nói bởi một ví
dụ điển hình là hình tượng Quan âm Bồ tát ở quê hương Phật giáo là nam giới nhưng khi
thiên di về phía đông (đến Trung Quốc, Việt Nam) đã thành một Phật bà khiến cho Phật giáo
vốn đã “hấp dẫn quần chúng” lại “càng gần với nhân tính hơn” [6, 180]. Người xưa không lo
sợ, nghi ngại phụ nữ nói chung, thái độ đó thường được dành cho người con gái có nhan sắc
“khuynh quốc, khuynh thành”. Như trên đã nói, hồ li tinh trong vai trò một dâm yêu có thể
biến thành nam giới cuốn hút, quyến rũ phụ nữ nhưng trường hợp này chiếm tỉ lệ rất thấp,
chủ yếu là trường hợp hồ li tinh biến thành mĩ nữ để quyến rũ, mê hoặc, hãm hại (hút hết
tinh lực, sinh khí) đàn ông. Có người đã tổng kết rằng: người xưa coi mĩ nhân là hồ li tinh, là
rắn báo oán, còn trong Liêu trai chí dị hồ li tinh được đồng nhất với người đẹp, nhưng dù
khái quát theo cách nào thì người xưa cũng chỉ nhằm đi tới kết luận rằng “một người đàn bà
có phù phép như một con cáo mới là một mối nguy hại lớn” [7, 130]. Ở đây hình tượng cặp
đôi lồng trong nhau: mĩ nhân – hồ li tinh hay hồ li tinh – mĩ nhân chính là ảnh chiếu qua
gương của sự thật cuộc đời, tấm gương này có lúc đa chiều như một thứ kính vạn hoa mà
cần phải lần tìm về rất nhiều dữ kiện lịch sử ta mới thấy được nguyên nhân của nó, đặc biệt
là ở Trung Quốc.
Những sóng gió chốn hậu cung, kết cục bi thảm của những bậc sắc nước hương trời hay tai
hoạ do “tứ đại mĩ nhân” gây ra đã là một ám ảnh mang tính lịch sử với cả một nền văn hoá.
Từ chỗ quan niệm “hồng nhan bạc mệnh”, người xưa chuyển sang quan niệm người đẹp là
tai hoạ, là mầm nghiệt và sự cấm đoán, cảnh giới của các học thuyết, các tôn giáo lớn thời
xưa đối với tín đồ của mình về nữ sắc là một ví dụ có sức nặng hơn hết. Câu nói “Ta chưa
thấy ai ham đức như hiếu sắc” của Khổng Tử vừa có chút bực dọc vừa như chấp nhận một
cách chua chát sự cuốn hút của nữ sắc cũng như sự phá hoại của nó đối với quá trình trì
giới, tu thân của người quân tử. Nói theo cách nói của Hoài Thanh – Hoài Chân thì chính
những quan niệm mang tính định kiến về hồ li – hồ li tinh cộng với những lo sợ nghi ngại về
mĩ nhân đã hợp lưu và cho ra đời hình tượng hồ li tinh – mĩ nhân đầy quyến rũ và nhiều lúc
vô cùng đáng sợ.
Nhân vật hồ li tinh và hoá thân của nó (đặc biệt trong lốt mĩ nhân) là sản phẩm của trí
tưởng tượng, cả tưởng tượng nhân hoá và tưởng tượng hoang đường. Đi tìm cơ sở hiện thực
của những tưởng tượng về kiểu nhân vật này là một thao tác truy nguyên có khi phải viện
dẫn cả những yếu tố ngoài văn học hay “cận văn học” nhưng nó sẽ góp phần giúp chúng ta
tìm ra những mối dây liên hệ (dù là vòng vo) để dẫn đến một kết quả cuối cùng thuộc lĩnh
vực tâm lí học sáng tạo văn học, có thể phải “đụng chạm” tới cả một số khía cạnh của bếp
núc văn chương. Từ con cáo có thực trong đời sống đến con cáo trong văn chương rồi đến
hồ li tinh, hồ li tinh – mĩ nhân là cả một con đường của những quan niệm và tưởng tượng có
bàn tay tài hoa của nhà văn dẫn lối. Chúng ta có thể vẫn chưa đi đến được điểm mút cuối
cùng trên con đường ấy nhưng dù sao mặc lòng “con cáo có thể được xem như hình ảnh hai
mặt của lương tri con người (…). Nó là hình ảnh con người trong gương, chừng nào dưới mặt
trời này còn có những người – cáo” [7, 130] và những tưởng tượng kia có lẽ một phần xuất
phát từ tâm trạng nhà văn:
Việc người chán hẳn, không buồn nhắc
Rủ rỉ nghe ma nói chuyện đời
(Thơ Vương Ngư Dương – Tản Đà dịch)