Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

cơ sở khoa học thực tiễn của hoạt động thông tin tuyên truyền quảng cáo du lịch và một số sản phẩm

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (185.17 KB, 4 trang )

Tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ Việc liên kết và hợp tác để phát triển du lịch,
không chỉ trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, trao đổi thông tin, hỗ trợ tài chính, hợp
tác quảng bá, tổ chức các sự kiện, mà trước hết, là liên kết để quy hoạch phát triển,
nhằm tạo ra những sản phẩm đặc thù, không chồng chéo và có thể bổ trợ cho nhau.
Nhận rõ điều này, nhiều chương trình hợp tác về quảng bá, xúc tiến đầu tư đã được ký
kết. Nổi bật nhất là, vào cuối năm 2006, ba địa phương: Quảng Nam, Ðà Nẵng và Thừa
Thiên – Huế đã ký cam kết hợp tác phát triển du lịch.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) Quảng Nam Ðinh Hài cho
biết: Ba địa phương đã phối hợp tổ chức thành công một số chương trình xúc tiến đầu tư
tại Thái-lan, Cần Thơ, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh… Mới đây, ba địa phương đã tham
gia diễn đàn du lịch quốc tế tại Hà Nội. Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL Thừa Thiên –
Huế Nguyễn Quốc Thành thông tin thêm: Thừa Thiên – Huế sẽ phối hợp với Quảng
Nam, Ðà Nẵng và đầu tư các sản phẩm du lịch có tính liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong việc
tổ chức đón các đoàn khảo sát du lịch, tổ chức quảng bá thường xuyên; xây dựng ấn
phẩm, vi-đê-ô clíp chung; tổ chức các chương trình xúc tiến trong nước và ngoài nước,
xây dựng nhóm sản phẩm đặc thù mà ba địa phương có lợi thế; đồng thời hỗ trợ đào tạo,
quảng bá, xúc tiến du lịch ngay trong từng hoạt động ở các địa phương. Ngoài ra, ngành
du lịch và tỉnh Thừa Thiên – Huế đang có kế hoạch liên kết với các tỉnh Quảng Bình,
Quảng Trị để đón đầu cơ hội thông cầu Hữu Nghị 2 nối Mục Ða Hán (Thái-lan) với Sa-
va-na-khét (Lào) và khai thác làn sóng du khách qua đường 12 và cửa khẩu Cha-lo của
Quảng Bình.
Gần đây, lãnh đạo TP Ðà Nẵng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế về hợp
tác trong việc khai thác tiềm năng của Hải Vân Quan; đồng thời đã mở rộng hợp tác và
liên kết giữa Ðà Nẵng với các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, Khánh
Hòa cũng ký kết hợp tác phát triển với các địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Lâm
Ðồng… và với một số địa phương ở nước ngoài: Mo-bi-ăng (Pháp), Un-xan (Hàn Quốc).
Bước đầu, Khánh Hòa đã mở một số tua du lịch kết nối với TP Hồ Chí Minh, Lâm Ðồng,
Huế, Hà Nội… Nhưng sự kết nối này còn nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, việc tổ chức kết nối
phát triển tua, tuyến, điểm du lịch của địa phương gắn với các tỉnh trong khu vực đang là
một trong những nội dung quan trọng mà du lịch Khánh Hòa đang tập trung hướng tới.
Nhiều lãnh đạo ở địa phương và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, về lâu dài, để có sự


liên kết tốt, cần phải có quy hoạch tổng thể cho phát triển du lịch cả khu vực miền trung.
Nếu có sự phối hợp, tính toán tốt, các dự án lớn ở những nơi liền kề giữa hai địa phương
sẽ có được tính liên hoàn, đồng bộ, tránh chồng chéo cũng như bỏ trống, nhất là trong
phát triển hệ thống giao thông: đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển…
cũng cần đặt trong mối tương quan phát triển khu vực. Bởi việc này, bản thân mỗi địa
phương không thể làm được mà phải có một ‘nhạc trưởng’. Nghĩa là, từ ý tưởng của các
địa phương, Tổng cục Du lịch xây dựng một kịch bản tổng thể để các địa phương phối
hợp thực hiện, thông qua quy chế và chương trình hợp tác cụ thể. Ví như các tỉnh trong
khu vực duyên hải Trung Bộ có thể bàn bạc, thống nhất xây dựng một chương trình lễ hội
mang tính khu vực, nhất là các lễ hội về biển.
Thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng
Nếu chỉ có những bãi biển đẹp, cảnh quan thiên nhiên ưu đãi và các DSVHTG thì khó mà
thu hút, níu chân được đông đảo du khách. Do vậy, trong những năm qua, các tỉnh, thành
phố thuộc khu vực miền trung đã có nhiều cơ chế thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch,
nhất là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhiều tuyến đường giao thông, bến cảng, sân
bay; hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ mát… được đầu tư xây dựng khá quy mô,
kiên cố. Ðà Nẵng là địa phương đã chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ
tầng phục vụ du lịch. Những năm qua, thành phố thu hút được 55 dự án đầu tư vào lĩnh
vực du lịch, với tổng số vốn đầu tư gần ba tỷ USD. Ðà Nẵng hiện có 175 khách sạn
(trong đó có 16 khách sạn từ 3 sao đến 5 sao), gần 200 đơn vị lữ hành với đội ngũ hơn
400 hướng dẫn viên du lịch. Không chỉ có vậy Ðà Nẵng còn rất nhiều khách sạn, resort,
sân gôn tiêu chuẩn quốc tế đã và đang được đầu tư xây dựng.
Tại Quảng Nam, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được cải thiện; các
tuyến đường ven biển: Ðiện Ngọc – Hội An, Nam Phước – Mỹ Sơn, Hương An – Nông
Sơn… được đầu tư nâng cấp đã tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan phố cổ Hội
An, khu di tích Mỹ Sơn và các khu di tích, danh lam, thắng cảnh của tỉnh. Ðến nay, toàn
tỉnh có đến 187 dự án du lịch, với tổng số vốn đăng ký gần chín tỷ USD, trong đó có 103
dự án đi vào hoạt động; có hơn 100 cơ sở lưu trú, với khoảng bốn nghìn phòng (trong đó
50% phòng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao). Quảng Nam phấn đấu đến năm 2020, hoàn
thành hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch tuyến ven biển từ Ðà Nẵng đến giáp Quảng Ngãi và

đến các điểm du lịch ở vùng trung du vào phía tây của tỉnh để đón khoảng 10 triệu lượt
khách vào năm 2020. Ðược biết, các cơ sở di tích ở Cố đô Huế đã được đầu tư trùng tu,
tôn tạo, các tuyến đường giao thông đến các khu du lịch nổi tiếng được đầu tư xây dựng.
Ðến nay, Thừa Thiên – Huế có hơn 40 dự án đầu tư về du lịch, với 285 cơ sở lưu trú,
trong đó có 154 khách sạn…
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù
Thực tiễn phát triển du lịch trong những năm qua cho thấy: Không thể phát triển du lịch
nếu chỉ trông chờ vào điều kiện tự nhiên, thế mạnh cảnh quan thiên nhiên. Do vậy, bên
cạnh việc khai thác, phát huy các giá trị của thiên nhiên, những năm qua, Khánh Hòa đã
chú trọng xây dựng những sản phẩm du lịch mang tầm cỡ quốc tế và quốc gia. Cho đến
nay, du lịch Khánh Hòa thật sự có bản sắc riêng, thông qua thành công của hàng loạt
cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2008, cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, Hoa
hậu Trái đất, các kỳ nhạc hội Duyên dáng Việt Nam, Festival biển… Tỉnh đang có định
hướng xây dựng Nha Trang thành thành phố chuyên tổ chức các sự kiện lớn.
Ðối với Ðà Nẵng, ngành du lịch vẫn rất khó khăn trong việc tìm sản phẩm du lịch tiêu
biểu, đặc sắc để có thể thu hút được du khách, và làm điểm nhấn trong chuỗi sản phẩm
liên kết. Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch miền trung nói chung và Ðà Nẵng nói riêng hiện
đang phát triển dựa trên các di sản, danh thắng chứ chưa thật sự tận dụng, phát huy hết
những tiềm năng, lợi thế hiện có của vùng đất này. Do vậy, để khắc phục những hạn chế
và tạo ra sức hút đối với du khách, Ðà Nẵng đang từng bước biến tiềm năng thành lợi thế
với việc hình thành và phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới. Chẳng hạn, ngoài cuộc thi
bắn pháo hoa quốc tế, Ðà Nẵng đã đưa vào sử dụng khu vui chơi giải trí và thể thao
DanaBeach Club tại Công viên Sao Biển (Mỹ Khê), kết hợp với các sản phẩm du lịch:
văn hóa – tâm linh, sinh thái, danh thắng và lồng ghép các chương trình biểu diễn nghệ
thuật tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh… vào chương trình du lịch nhằm đa dạng hóa
sản phẩm, tạo nên sức hấp dẫn giữ chân du khách.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế đã cùng nhau bàn việc hợp
tác, liên kết với chương trình: ‘Ba địa phương – một điểm đến’ là một hướng đi đúng
trong phát triển du lịch. Nhưng về lâu dài, trong sự hợp tác đó phải tìm ra cho được
những sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng miền, từng địa phương để thu hút, níu

chân du khách. Có thể, Thừa Thiên – Huế gắn phát triển du lịch Lăng Cô với du lịch sinh
thái Bạch Mã; Quảng Nam gắn du lịch nghỉ dưỡng biển với du lịch mạo hiểm, lặn biển
xem san hô ở đảo Cù Lao Chàm hoặc như Ðà Nẵng có thế mạnh mặt biển sóng rất phẳng
đủ khả năng để tổ chức những trò chơi thể thao như lướt ván, nhảy dù gắn liền với nghỉ
dưỡng trên mặt biển…
Du lịch miền trung được coi là bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển du lịch quốc
gia. Vấn đề là, làm thế nào để ngành du lịch nơi đây phát triển, tăng tốc. Mới đây, trong
Báo cáo chính trị của nhiều Ðảng bộ ở khu vực miền trung đã xác định rõ vai trò, vị thế
của ngành du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương; trong đó có nhiều
tỉnh chọn du lịch làm mũi nhọn đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Thậm
chí, có rất nhiều địa phương còn muốn trở thành trung tâm du lịch của cả vùng… Tuy
nhiên, để đạt được điều đó cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ và những việc làm
năng động. Nếu nơi đây không có một cơ sở hạ tầng kỹ thuật chung hoàn chỉnh, không
xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc thù, không có đội ngũ làm du lịch chuyên
nghiệp và nhất là thiếu sự liên kết chặt chẽ thì du lịch miền trung sẽ khó cất cánh. Du lịch
cũng như kinh tế miền trung cũng không thể phát triển nhanh và bền vững, nếu như các
địa phương cứ dàn hàng ngang tiến ra ‘biển lớn’, càng không thể được, nếu như mỗi địa
phương tự lập một chương trình phát triển riêng biệt.
( Theo Tấn Nguyên,Anh Đào,Phong Nguyên,Công Hậu // Báo Nhân dân Online )

×