1
Phần thứ nhất
MỞ ĐẦU
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1. Xưa nay, thi đỗ tốt nghiệp và đại học, đạt giải cao trong thi học sinh giỏi
các cấp luôn là niềm mong ước lớn, là mục đích phấn đấu của học sinh lớp 12. Việc
học tập, thi cử của các em đã trở thành mối quan tâm của các gia đình và toàn xã
hội. Nhưng làm thế nào để đỗ đạt theo nguyện vọng, làm thế nào để nâng cao chất
lượng giáo dục? Đó luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở không chỉ của học sinh mà còn
của các thày cô giáo, của các nhà trường, của toàn ngành giáo dục. Muốn đạt được
mục tiêu trên, cần phát huy sức mạnh của nhiều yếu tố, song điều căn cốt nhất là học
sinh cần nắm vững kiến thức và kĩ năng của từng môn học.
2. Ngữ văn là một môn học quan trọng, có mặt trong các kì thi tốt nghiệp
THPT và thi đại học, cao đẳng của các khối C, D, thi học sinh giỏi các cấp. Tuy
nhiên, theo xu thế của thời đại hội nhập, theo nhu cầu, thị hiếu của con người thời
đại, môn học này chưa thực sự được coi trọng và yêu thích. Do đó thực trạng dạy
văn, học văn hiện nay còn tồn tại khá nhiều bất cập; kết quả thi tốt nghiệp, đại học
môn văn chưa được nâng cao, một số học sinh có tâm lí thờ ơ, thậm chí coi thường
môn học. Nguyên nhân của tình trạng trên thì có nhiều, song cần nói đến một lí do
căn bản là học sinh chưa được trang bị đầy đủ về phương pháp học văn, kĩ năng làm
văn. Thực tế cho thấy: lượng kiến thức cần học và ôn luyện về môn văn khá nặng,
trong khi đó thời lượng trên lớp dành cho môn học lại ít ỏi, nên các em chủ yếu
được trang bị về kiến thức chứ chưa được chú ý rèn luyện về kĩ năng. Vì vậy, học
sinh thường chỉ biết học vẹt và tỏ ra lúng túng, bị động trong làm văn.
3. Theo hướng dẫn của Bộ giáo dục đào tạo, cấu trúc đề thi tốt nghiệp, đại
học, thi học sinh giỏi gồm từ 2 đến 3 câu với những yêu cầu khác nhau: tái hiện kiến
thức cơ bản, viết bài nghị luận xã hội và viết bài nghị luận văn học. Ba câu hỏi này
thuộc về hai kiểu bài cơ bản: nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Tuy nhiên, các
kiểu, dạng bài của nghị luận xã hội và nghị luận văn học lại hết sức phong phú, đa
dạng; vì thế yêu cầu học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phải biết vận
dụng kiến thức một cách linh hoạt, cần có phương pháp, kĩ năng phù hợp với từng
kiểu bài nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của đề.
4. Xem xét thực trạng dạy văn học văn và thi tốt nghiệp, đại học, thi học sinh
giỏi nói chung và ở tỉnh Bắc Giang nói riêng cho thấy: chất lượng dạy học môn văn
còn có những hạn chế, bất cập do nhiều nguyên nhân, trong đó có lí do căn bản là
kém về khả năng vận dụng kiến thức, về kĩ năng làm bài của học sinh. Chúng tôi đã
tiến hành khảo sát thực trạng dạy học ở một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Bắc
Giang. Kết quả cho thấy: khi chưa được hướng dẫn về phương pháp, kĩ năng làm
từng kiểu dạng bài nghị luận thì kết quả bài làm của học sinh không cao, thậm chí
2
còn có phần thấp. Thế nhưng khi được chúng tôi hướng dẫn cụ thể thì các em chủ
động, tự tin hơn và đạt kết quả cao hơn (xem phụ lục 1)
Xuất phát từ những lý do căn bản trên đây, chúng tôi quyết định chọn Nghiên
cứu, biên soạn tài liệu về phương pháp, kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội và
nghị luận văn học làm đề tài nghiên cứu.
II. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Theo qui định của Bộ giáo dục đào tạo, đề thi tốt nghiệp THPT gồm kiến
thức của chương trình ngữ văn 12, đề thi đại học và cao đẳng bao gồm cả chương
trình ngữ văn 12 và một phần chương trình ngữ văn 11, đề thi học sinh giỏi quốc gia
gồm toàn bộ chương trình ngữ văn THPT. Ở đề tài này, chúng tôi tập trung nghiên
cứu, biên soạn tài liệu về phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận xã hội và nghị
luận văn học thuộc chương trình ngữ văn thi tốt nghiệp THPT, thi đại học cao đẳng
và thi học sinh giỏi các cấp (chủ yếu là chương trình lớp 11 và 12).
III. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Từ nhiều năm nay, đã có rất nhiều cuốn sách, tài liệu tham khảo nhằm giúp học
sinh ôn thi tốt nghiệp, đại học và cao đẳng, thi sinh giỏi các cấp. Những tài liệu này vô cùng
phong phú, đa dạng. Ở đây, chúng tôi phân chia thành các loại sau:
1. Các bài học trong sách giáo khoa
a. Trong sách giáo khoa Ngữ văn cũ, có sự phân tách riêng thành các phân
môn: văn học, tiếng Việt, làm văn. Các bài học về phương pháp, kĩ năng làm bài
nghị luận văn học được đưa vào các cuốn sách Làm văn 10, Làm văn 11, Làm văn
12 gồm các bài sau:
- Nghị luận văn học
- Phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự
- Phân tích tâm trạng trong thơ trữ tình
- Bình giảng văn học
- Phân tích văn học
- Bình luận văn học…
Tuy nhiên, những bài học này mới chỉ cung cấp cho học sinh kĩ năng chung
nhất về các kiểu bài nghị luận văn học.
b. Trong sách giáo khoa Ngữ văn mới, có sự đổi mới quan niệm về các kiểu bài
nghị luận và cấu trúc các bài học làm văn. Văn nghị luận gồm hai dạng: nghị luận xã
hội và nghị luận văn học. Phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận…không được coi
là các kiểu bài như trước kia mà chỉ được xem là những thao tác lập luận. Chương trình
ngữ văn THPT, về phần làm văn nghị luận gồm các bài sau:
- Nghị luận xã hội và nghị luận văn học
- Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí
- Nghị luận về một hiện tượng đời sống
- Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học
- Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
3
- Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi
- Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học…
Các bài học này đã chú ý đến việc rèn phương pháp, kĩ năng làm bài nghị
luận xã hội và nghị luận văn học cho học sinh. Tuy nhiên mục đích của SGK là rèn
kĩ năng qua các đề luyện tập nên chủ yếu là giới thiệu các đề và gợi ý tìm hiểu đề,
lập dàn ý, viết đoạn văn cho các đề cụ thể, chưa có những khái quát đầy đủ về
phương pháp, kĩ năng làm bài; thời lượng dành cho mỗi bài học này lại ít (thường là
1 tiết học) cho nên học sinh dù đã được học mà vẫn không tránh khỏi lúng túng khi
làm bài.
2. Các tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp của Bộ giáo dục đào tạo
Đơn cử như
:
- Tài liệu chuẩn kiến thức Văn - Tiếng Việt 12, 1995
- Hướng dẫn ôn tập lớp 12 thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007 môn văn
- Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm học 2007-2008 môn Ngữ văn
- Chuẩn bị kiến thức ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học-cao đẳng
môn Ngữ văn…
3. Các tài liệu, sách tham khảo
của các GS-TS, những nhà nghiên cứu,
phê bình văn học, các thầy cô giáo và cả các em học sinh. Loại sách này vô cùng đa
dạng, song phần nhiều là cung cấp kiến thức, cung cấp bài văn mẫu, sách phân tích
tác phẩm Chúng tôi chỉ xin nêu một số cuốn sách tiêu biểu:
- Để viết bài thi đại học đạt điểm cao, Nguyễn Quang Ninh, NXB Đại học sư
phạm, 2006
- Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 12, Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên,
NXB Giáo dục, 2008
- Kĩ năng đọc hiểu văn bản ngữ văn 12, Nguyễn Kim Phong chủ biên, NXB
Giáo dục, 2008
- Chuyên đề ôn tập và luyện thi ngữ văn 12, Khuất Thế Khoa, NXB Hà Nội, 2009
- Các dạng đề và hướng dẫn làm bài nghị luận xã hội môn Ngữ văn lớp
10,11,12; Lê A - Nguyễn Thị Ngân Hoa chủ biên, NXB Giáo dục, 2009
- 60 bài văn chọn lọc, Nguyễn Xuân Lạc chủ biên, NXB Đại học sư phạm, 2009…
- Dàn bài làm văn 10, 11, 12; Đỗ Ngọc Thống chủ biên, NXB Giáo dục, 2009
- Rèn kĩ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT và thi đại học môn Ngữ văn
(nghị luận xã hội), NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2010
- Tuyển tập đề bài và bài văn nghị luận xã hội, tập 1-2, NXB Giáo dục, 2011
- Tài liệu chuyên văn, tập 1-2-3, Đỗ Ngọc Thống chủ biên, NXB Giáo dục, 2012
Nghiên cứu, xem xét kĩ lưỡng các tài liệu tham khảo trên, chúng tôi nhận thấy:
- Về ưu điểm:
+ Hệ thống hóa, củng cố cho học sinh những kiến thức cơ bản của chương
trình ngữ văn 11,12. Ngoài ra, một số tài liệu còn bổ sung thêm kiến thức nâng cao
về tác giả, tác phẩm.
4
+ Cung cấp cho học sinh hệ thống các đề luyện tập, các gợi ý làm bài, các bài
văn mẫu
+ Kết cấu, bố cục của các cuốn sách đảm bảo tính khoa học, mạch lạc, khúc
chiết; văn phong chặt chẽ, sáng rõ; đáp ứng được những yêu cầu của văn bản khoa học.
Nhìn chung, đây là những tài liệu bổ ích, giúp học sinh thuận lợi hơn trong
việc học tập và thi cử. Đó cũng là tài liệu quí cho các thầy cô giáo.
- Về nhược điểm:
+ Ở một vài tài liệu, vẫn còn đôi chỗ chưa thật chuẩn xác về kiến thức và kĩ năng.
+ Nặng về cung cấp kiến thức, cung cấp những bài văn mẫu dễ khiến cho học
sinh tiếp nhận một cách thụ động, thiếu sáng tạo và có tư tưởng ỷ lại, lệ thuộc vào
tài liệu, vào các bài văn mẫu.
+ Chưa quan tâm đích đáng đến việc rèn phương pháp, kĩ năng làm bài nghị
luận xã hội và nghị luận văn học cho học sinh.
Tất nhiên, ở một số cuốn sách này ít nhiều đã có phần hướng dẫn phương
pháp, kĩ năng làm bài nghị luận nhưng chủ yếu vẫn là những hướng dẫn chung
chung, chưa đi kĩ vào các dạng bài cụ thể. Thực ra, đã từ lâu các nhà nhà nghiên
cứu, nhà sư phạm đã rất quan tâm đến phương pháp, kĩ năng. Sách viết riêng và đi
sâu về phương pháp dạy học văn đã có những cuốn rất có giá trị của các GS-TS uy
tín như: Muốn viết bài văn hay của GS Nguyễn Đăng Mạnh, Phương pháp dạy học
văn của GS Phan Trọng Luận và gần đây nhất là cuốn Phương pháp nghiên cứu
và phân tích tác phẩm văn học của GS-TS Trần Đăng Suyền (mới xuất bản tháng 5
năm 2012). Tuy nhiên các cuốn sách này chưa có những hướng dẫn về phương
pháp, kĩ năng riêng cho từng kiểu bài, dạng bài nghị luận cụ thể; chưa triển khai
thành một hệ thống tất cả các kiểu bài, dạng bài nghị luận cần ôn luyện và thi cử. Do
đó học sinh vẫn gặp nhiều khó khăn khi làm bài. Kém về khả năng vận dụng kiến
thức, về phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận chính là yếu điểm lớn nhất của học
sinh hiện nay.
IV. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU, ĐÓNG GÓP MỚI CỦA ĐỀ TÀI
Xuất phát từ thực trạng đã nêu, trên cơ sở kế thừa, phát huy thành tựu nghiên
cứu của những người đi trước, chọn đề tài Nghiên cứu, biên soạn tài liệu về
phương pháp, kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học, chúng
tôi hướng tới mục đích cơ bản sau: tập trung chủ yếu và nhấn mạnh vào việc rèn
phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học cho học sinh,
giúp các em nhận biết được các kiểu, dạng bài và biết cách vận dụng kiến thức linh
hoạt vào từng đề bài cụ thể, nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của đề. Người viết hệ
thống hóa các đề nghị luận theo các kiểu loại lớn; trong mỗi kiểu bài đó lại chia
thành các dạng bài khác nhau. Chúng tôi sẽ trang bị phương pháp, kĩ năng và hướng dẫn
học sinh ôn tập theo các kiểu bài, dạng bài cụ thể này. Nhờ đó, học sinh sẽ hoàn toàn tự tin,
chủ động, sáng tạo trong làm bài. Đây chính là đóng góp mới của đề tài.
5
Chúng tôi hi vọng đây là một cẩm nang, một tài liệu rất cần thiết, bổ ích
dành cho giáo viên ngữ văn và học sinh THPT đáp ứng tốt nhu cầu của học sinh,
của các thầy cô giáo và yêu cầu dạy văn, học văn hiện nay trên địa bàn tỉnh và cả
nước. Giáo viên ngữ văn THPT được sử dụng tài liệu sẽ tự bồi dưỡng kiến thức và
kĩ năng về môn học, nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao hiệu quả ôn luyện thi.
Được nghiên cứu tài liệu này sẽ giúp các em học sinh THPT không chỉ nắm vững
kiến thức mà còn biết vận dụng kiến thức một cách linh hoạt; có phương pháp, kĩ
năng phù hợp với từng kiểu bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học nhằm đáp
ứng tốt nhất yêu cầu của đề, đạt kết quả cao trong các kì thi.
V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để hoàn thành nhiệm vụ của đề tài, chúng tôi sử dụng các phương pháp
nghiên cứu cơ bản sau:
- Phương pháp khảo sát, thống kê phân loại
- Phương pháp tiếp cận hệ thống
- Phương pháp phân tích, chứng minh…
- Phương pháp so sánh, đối chiếu…
VI. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI
* Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phần nội
dung chính của đề tài được chia thành hai chương:
- Chương 1: Phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận xã hội
- Chương 2: Phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận văn học
* Ở mỗi chương, chúng tôi triển khai theo cấu trúc như sau:
- Phần 1: hướng dẫn cụ thể phương pháp, kĩ năng làm từng kiểu, dạng bài
nghị luận. Phần này chúng tôi viết không chỉ căn cứ vào những tài liệu đã có mà chủ
yếu dựa trên những kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều năm giảng dạy và ôn luyện
môn văn.
- Phần 2: đề xuất các đề luyện tập, gợi ý cách làm bài, cung cấp những bài
mẫu (chủ yếu dưới hình thức dàn ý chi tiết) để minh họa cho phần lí thuyết ở trên.
Do dung lượng của đề tài, ở mỗi kiểu dạng bài, chúng tôi chỉ gợi ý một vài đề tiêu
biểu nhất, chủ yếu trên cơ sở đó mà rèn kĩ năng cho học sinh.
* Trong đề tài, để thuận lợi hơn cho các thầy cô giáo và các em học sinh
trong quá trình ôn luyện, chúng tôi cung cấp thêm hệ thống đề bài và những bài làm
mẫu (dưới dạng dàn ý chi tiết) ở phần phụ lục.
6
Phần thứ hai
NỘI DUNG
Chương I: PHƯƠNG PHÁP, KĨ NĂNG LÀM BÀI
NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
I.1. Khái quát chung về nghị luận xã hội
I.1.1. Khái niệm: Nghị luận xã hội là kiểu bài nghị luận đi vào các vấn đề xã hội
- chính trị như một tư tưởng, đạo lí, một lối sống đẹp, một hiện tượng tích cực hoặc tiêu
cực của đời sống để bàn bạc, làm rõ làm rõ cái đúng - cái sai, cái phải - cái trái, cái tốt -
cái xấu… Những lời bàn này góp phần làm cho nhận thức và tâm hồn của con người
thêm phong phú, tạo cho mỗi người ý thức chăm sóc cuộc sống tinh thần của bản thân
mình và xây dựng các mối quan hệ trong xã hội, trong cộng đồng ngày càng văn minh
tốt đẹp hơn. Không chỉ vậy, nó còn có khả năng rèn năng lực tư duy cho con người, giúp
con người có thể đối diện với các vấn đề xã hội và biết cách giải quyết những vấn đề ấy.
Đề nghị luận xã hội có thể bàn đến những vấn đề tích cực như: đức tính trung
thực, lòng vị tha, đạo lí uống nước nhớ nguồn , cũng có thể bàn đến những vấn đề tiêu
cực: thói ghen tị, hiện tượng nghiện game Song, dù bàn đến những vấn đề tích cực hay
tiêu cực thì mục đích cuối cùng của nghị luận xã hội là giúp con người hướng thiện.
I.1.2. Vị trí, vai trò: Từ năm 2008 trở lại đây, một trong những thay đổi của
chương trình phần làm văn mới là tăng cường văn nghị luận xã hội, nhằm cân đối cả hai
loại văn nghị luận (nghị luận xã hội và nghị luận văn học). Do đó, viết bài nghị luận xã hội
đã trở thành một yêu cầu bắt buộc trong các kì thi, các bài kiểm tra từ cấp học THCS đến
THPT.
Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới hiện nay nghị luận xã hội
cũng rất được đề cao. Chẳng hạn như đề thi vào đại học của Trung Quốc năm 2006:
Viết một bài văn với chủ đề Hiểu cuộc sống, hiểu cha mẹ (đề của tỉnh An Huy), Viết
một bài văn với chủ đề Tôi muốn nắm chặt tay bạn (đề của thành phố Thượng
Hải) Hay như đề văn nghị luận xã hội của Cộng hòa liên bang Đức: “Cuộc sống rất
buồn tẻ”, nhiều bạn thanh niên nói như vậy, anh/ chị có những lời khuyên nào?
Vậy tại sao nghị luận xã hội lại được đề cao như vậy? Có lẽ bởi nghị luận xã
hội thể hiện được đúng nhất suy nghĩ của người viết. Và đó cũng là cách tốt nhất để
chống việc chép văn mẫu, chống việc dạy tủ và học tủ Hơn thế nữa, chúng ta
đang sống trong thời kì bùng nổ của công nghệ thông tin, đất nước cũng đang trong
quá trình phát triển và hội nhập, theo đó, con người luôn đứng trước những cơ hội
và thách thức, phải đối diện và giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh. Do đó, nghị
luận xã hội có thể rèn năng lực tư duy, năng lực giải quyết các vấn đề xã hội và để
góp phần hoàn thiện nhân cách con người.
Không phải đến bậc THPT học sinh mới được học nghị luận xã hội mà ngay
từ THCS, các em đã được làm quen với kiểu bài này. Tuy nhiên, kiểu bài này được
7
đề cập trong SGK THPT ngoài mục đích củng cố, nó còn rèn năng lực nhận thức, tư
duy ở mức độ cao hơn cho học sinh
Trong SGK của cả hai cấp học, các tác giả soạn sách đã nêu ra rất nhiều đề
nghị luận xã hội. Số lượng đề trong các sách tham khảo cũng không phải là ít. Song
thực tế cho thấy không phải học gì thi đấy, các đề nghị luận trong các kì thi, kiểm
tra đều rất đa dạng, phong phú và hoàn toàn mới, ít khi có trong SGK, nhất là mấy
năm trở lại đây. Ví dụ: đề thi đại học khối D năm 2011: Đừng cố gắng trở
thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích. Hãy viết một bài văn ngắn
(khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên?; Đề thi đại học khối
D năm 2012: Hâm mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần
tượng lại là một thảm họa. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy
nghĩ của anh/chị về ý kiến trên? Bên cạnh đó, đề nghị luận xã hội từ bậc THCS
đến THPT cũng được nâng lên theo mức độ khó dần, rồi đề thi học sinh giỏi cũng
được ra ở mức độ khó hơn so với đề thi tốt nghiệp và đại học. Do đó, học sinh
không thể nghĩ rằng chỉ cần học thuộc các đề trong sách là có thể làm được bài. Mà
quan trọng là người viết phải trang bị cho mình phương pháp, kĩ năng. Có như vậy
mới có thể tự tin khi gặp bất kì đề nghị luận xã hội nào.
Hiện nay trên thị trường, sách tham khảo về nghị luận xã hội cũng đã có khá
nhiều. Tuy nhiên, đa phần các sách tham khảo đều chưa chú trọng đến rèn phương
pháp, kĩ năng cho học sinh. Nhiều cuốn chỉ đơn thuần là tuyển chọn các đề và bài
văn mẫu được viết dưới dạng hoàn chỉnh, để đọc xong một bài mất không ít thời
gian, việc nắm bắt ý cũng như phương pháp với học sinh là rất khó. Một số sách
tham khảo trình bày các đề theo dàn ý thì lại sơ sài Đặc biệt, điểm chung của các
sách tham khảo là chưa phân loại đề (nghị luận về một tư tưởng, đạo lí hay nghị
luận về một hiện tượng đời sống). Do đó, học sinh rất khó rèn được kĩ năng, phương
pháp làm từng kiểu bài.
Xuất phát từ những thực tế trên, làm chuyên đề này chúng tôi mong muốn sẽ
giúp người học rèn được phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận xã hội.
I.1.3. Phân loại: Trong SGK Ngữ văn 12 bộ nâng cao, nghị luận xã hội được
chia thành ba dạng: nghị luận về một tư tưởng, đạo lí; nghị luận về một hiện tượng
đời sống và nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học. Còn SGK Ngữ
văn lớp 9 và SGK Ngữ văn 12 bộ cơ bản thì chia nghị luận xã hội thành hai dạng:
nghị luận về một tư tưởng, đạo lí và nghị luận về một hiện tượng đời sống. Qua
khảo sát và thực tế giảng dạy chúng tôi thấy, học sinh đa phần học theo sách giáo
khoa chương trình cơ bản và thường chỉ quen với hai kiểu bài Nghị luận về một tư
tưởng đạo lí và Nghị luận về một hiện tượng đời sống. Đây cũng là hai kiểu bài có
mặt trong các kì thi. Hơn nữa ở kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác
phẩm văn học, những vấn đề đưa ra bàn luận cũng chính là những vấn đề về tư
tưởng, đạo lí hoặc là về hiện tượng đời sống. Do đó, chúng tôi thống nhất chia nghị
8
luận xã hội thành hai kiểu bài: nghị luận về một tư tưởng đạo lí và nghị luận về một
hiện tượng đời sống.
I.1.4. Về cách hỏi: Đề nghị luận xã hội thường được hỏi theo hai cách: trực
tiếp hoặc gián tiếp:
- Hỏi trực tiếp: là hỏi cụ thể, rõ ràng vấn đề cần nghị luận. Ví dụ: Anh (chị)
suy nghĩ như thế nào về lòng dũng cảm/ tính trung thực ? Suy nghĩ của anh/ chị về
bệnh vô cảm?
- Hỏi gián tiếp: là vấn đề cần nghị luận được nêu ra qua một câu tục ngữ, một
câu thơ hay một ý kiến, một nhận định, một tác phẩm Ví dụ: Tìm lời giải đáp cho
câu hỏi: Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn?; Suy nghĩ của anh/ chị về câu ngạn ngữ
sau: Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào (ngạn ngữ
Hi Lạp);
Từ bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến, anh (chị) hãy viết bài văn bàn
về danh và thực trong cuộc sống hiện nay?
I.1.5. Yêu cầu: Để làm tốt nghị luận xã hội, học sinh cần đảm bảo một số
yêu cầu sau:
- Về kiến thức: Phải có hiểu biết về xã hội, cuộc sống và văn học; hiểu biết
về các luồng quan điểm, tư tưởng; đồng thời, nắm vững các chuẩn mực đạo đức xã
hội; có thái độ và nhận thức đúng đắn về vấn đề nghị luận, có lập trường vững vàng
và tỉnh táo trong việc bác bỏ những quan điểm sai và đề xuất những ý kiến đúng.
Ngoài ra, người viết cần chân thành, trung thực khi thể hiện cách ứng xử, đánh giá
của mình về vấn đề. Đặc biệt là người viết phải thể hiện được quan điểm, suy nghĩ
riêng, sự trải nghiệm của bản thân
- Về kĩ năng: Nắm vững các thao tác lập luận, biết sử dụng kết hợp các thao
tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích, so sánh, bác bỏ…
+ Sử dụng thao tác giải thích để làm rõ ý nghĩa vấn đề, căn cứ của phát ngôn.
+ Sử dụng thao tác chứng minh để làm sáng tỏ, tạo sức thuyết phục cho vấn đề.
+ Sử dụng các thao tác: so sánh, bình luận, bác bỏ… nhằm khẳng định, phủ
định, mở rộng, nâng cao vấn đề, xem xét vấn đề một cách kỹ lưỡng.
Ngoài ra, cũng cần nắm vững các phương thức biểu đạt và biết vận dụng kết
hợp các phương thức biểu đạt: nghị luận với tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh,
kết hợp nhuần nhuyễn lý lẽ và cảm xúc trong bài văn nghị luận. Bài viết phải có bố
cục 3 phần, có hệ thống luận điểm đúng đắn, sáng tỏ, lời văn chính xác, sinh động.
- Về cách thức trình bày: Bài nghị luận xã hội thường được trình bày theo ba cách:
+ Theo hệ thống các luận điểm.
+ Theo hình thức một câu chuyện
+ Theo hình thức một bức thư.
Cũng cần lưu ý, cách lựa chọn phương thức biểu đạt, hình thức trình bày mới
lạ, độc đáo và phù hợp hoặc kết hợp được nhuần nhuyễn các phương thức biểu đạt
cũng góp phần làm nên một bài nghị luận xã hội hay, ấn tượng và hấp dẫn như trình
bày dưới hình thức một bức thư, nhật kí…Thực tế đã chứng minh một số bài văn
9
tuy chưa đầy đủ ý nhưng lại có một hình thức trình bày rất sáng tạo nên cũng được
đánh giá cao.
I.2. Phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận xã hội
I.2.1. Phương pháp, kĩ năng làm bài chung
Để làm tốt bài văn nghị luận xã hội nói chung và kiểu bài nghị luận về một
tư tưởng, đạo lý nói riêng, người viết cần thành thạo một số phương pháp, kĩ năng
cơ bản sau:
I.2.1.1. Tìm hiểu đề (phân tích đề)
Đây là thao tác đầu tiên, quan trọng và cần thiết trong việc xác định vấn đề
cần nghị luận, từ đó mới có thể triển khai đúng yêu cầu của đề. Khi tiến hành phân
tích đề, người viết cần xác định được ba yêu cầu sau:
- Yêu cầu về nội dung (vấn đề cần nghị luận). Để xác định được nội dung
của đề, cần trả lời được câu hỏi: Đề yêu cầu nghị luận về vấn đề gì? Đó là vấn đề về
tư tưởng, đạo lí hay là về hiện tượng đời sống?
+ Đối với những đề hỏi trực tiếp, ngắn gọn, dễ hiểu, người viết sẽ xác định
được nhanh chóng vấn đề nghị luận (ví dụ: Suy nghĩ của anh/ chị về lòng dũng
cảm? , vấn đề cần nghị luận là lòng dũng cảm, là một vấn đề về tư tưởng).
+ Đối với những đề hỏi gián tiếp qua một câu danh ngôn, tục ngữ, một câu
chuyện nhỏ … thì việc phát hiện vấn đề nghị luận không phải dễ dàng. Muốn xác
định được nội dung của đề, cần đọc kĩ đề, chú ý những từ quan trọng, những khái
niệm khó, nghĩa đen, nghĩa bóng của từ ngữ, nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn của
câu, văn bản; chia tách vế, chỉ ra mối quan hệ giữa các vế (song song, nhân quả,
chính phụ, tăng tiến, đối lập…).
- Yêu cầu về thao tác lập luận: xác định các thao tác lập luận cần vận dụng.
Trong các thao tác lập luận đó thì thao tác nào là chính, thao tác nào là phụ.
- Yêu cầu về phạm vi tư liệu (phạm vi dẫn chứng): cần sử dụng những tư liệu,
dẫn chứng nào (trong văn chương, sử sách, trong đời sống xã hội). Khi chọn dẫn
chứng, người viết cũng cần chọn lựa những dẫn chứng tiêu biểu, chân thực, toàn diện
và các dẫn chứng phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lý. Có như vậy, dẫn chứng
mới thuyết phục. (Lưu ý khi viết bài, dẫn chứng phải được trình bày ngắn gọn, súc tích,
tránh kể lể dài dòng, lan man).
Ví dụ 1: Đề hỏi trực tiếp
Anh/ chị hãy viết một bài văn ngắn bàn về tự ti và tự tôn.
Khi phân tích đề trên, cần xác định được các yêu cầu sau:
- Về nội dung: vấn đề cần nghị luận là sự tự ti và tự tôn ở con người (thuộc
kiểu bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.
- Về thao tác lập luận: với vấn đề trên, cần sử dụng kết hợp các thao tác giải
thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ…
- Về phạm vi dẫn chứng: trong thực tế, trong văn chương.
Ví dụ 2: Đề hỏi gián tiếp
10
Trang bị quý nhất của mỗi người là khiêm tốn và giản dị (Ph.Ăngghen)
Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về câu nói trên?
- Về nội dung: vấn đề đưa ra bàn luận là một vấn đề tư tưởng: bàn về những
phẩm chất cần phải rèn luyện của con người: khiêm tốn và giản dị.
- Về thao tác lập luận: Sử dụng kết hợp các thao tác giải thích, phân tích,
chứng minh, bình luận, bác bỏ làm sáng tỏ vấn đề.
- Về phạm vi dẫn chứng: trong thực tế, trong văn chương.
I.2.1.2. Tìm ý, lập dàn ý
* Tìm ý
- Sau khi xác định được yêu cầu của đề, người viết cần tiến hành tìm ý (luận
điểm). Vạch ra những ý lớn, những luận điểm chính; trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành
các ý nhỏ. Có những đề có thể xác định được ngay các luận điểm. Tuy nhiên, lại có
những đề mà người viết phải tự triển khai luận điểm dựa trên sự hiểu biết, kinh
nghiệm của cá nhân về vấn đề đó.
- Các ý lớn, ý nhỏ cần được sắp xếp theo một trình tự hợp lý. Cụ thể, trong
bài nghị luận xã hội, ý đầu tiên bao giờ cũng là giải thích sau đó là tiến hành bàn
luận (theo các bước: phân tích – chứng minh – bình luận…), cuối cùng là rút ra ý
nghĩa của vấn đề.
- Tương ứng với mỗi ý, người viết có thể tìm dẫn chứng tương ứng cho phù hợp.
Ví dụ: tìm ý cho ví dụ 2 (ở trên, phần tìm hiểu đề)
- Ý 1: Giải thích câu nói
+ Thế nào là khiêm tốn? Người khiêm tốn là người như thế nào?
+ Thế nào là giản dị? Biểu hiện ?
- Ý 2: Bàn luận (kết hợp phân tích, chứng minh và bình luận), phần này được
triển khai thành các ý nhỏ sau:
+ Đánh giá, nhận xét: câu nói đó có đúng không ?
+ Phân tích, chứng minh: Vì sao khiêm tốn và giản dị lại là trang bị quý nhất
của con người? (nêu dẫn chứng)
+ Mở rộng vấn đề: khiêm tốn có đồng nghĩa với tự ti? Giản dị có đồng nghĩa
với xềnh xoàng ?
- Ý 3: Đánh giá ý nghĩa của câu nói.
* Lập dàn ý
Dàn ý của một bài văn chẳng khác nào một bản vẽ, một bản thiết kế cho một
công trình xây dựng. Có được một dàn ý cơ bản, điều đó sẽ giúp người viết đỡ lúng
túng trong quá trình hình thành bài văn. Ý của bài văn sẽ được nối kết chặt chẽ,
không rời rạc, không đi xa đề bài. Lập dàn ý là tạo khung sườn đầy đủ cho bài văn
với bố cục ba phần:
- Mở bài: Dẫn dắt vấn đề xã hội cần nghị luận
- Thân bài: Triển khai nội dung theo các ý lớn, ý nhỏ đã tìm
- Kết luận: Khái quát lại vấn đề, mở rộng, nâng cao, liên hệ bản thân…
11
Ví dụ: Lập dàn ý cho ví dụ 2 (ở trên)
Mở bài
- Dẫn dắt, nêu vấn đề.
- Trích dẫn câu nói
Thân bài
* Luận điểm 1: Giải thích câu nói
- Khiêm tốn là gì? Người khiêm tốn là người như thế nào?
+ Khiêm tốn là thái độ của con người.
+ Người khiêm tốn là những người: luôn có ý thức về sự thiếu hụt trong nhận
thức của bản thân về đời sống và kho tàng tri thức bao la của nhân loại, luôn có ý
thức học hỏi, tôn trọng người khác, không khoe khoang tự mãn, có thái độ khiêm
nhường trước mọi người, không nói nhiều về mình, trái lại luôn biết lắng nghe để tự hoàn
thiện mình, dè dặt, nhã nhặn khi nhận những lời khen; chân thành, từ tốn trước
những lời góp ý phê bình của người khác…
- Giản dị là thế nào, có những biểu hiện nào?
+ Giản dị là đơn giản và bình dị, giản dị đối lập với cầu kỳ. Người giản dị là
người không cầu kỳ, kiểu cách, không lấy sự phô trương hay nổi bật làm phương
châm sống, trái lại luôn hướng tới sự hài hoà giữa mình và mọi người xung quanh.
+ Giản dị có nhiều biểu hiện: giản dị trong tác phong, lối sống, giản dị trong
nói năng, giao tiếp, giản dị trong quan niệm sống, quan niệm hạnh phúc
* Luận điểm 2: Bàn luận:
- Đánh giá, nhận xét: câu nói hoàn toàn đúng.
- Phân tích, chứng minh: Vì sao đó là những trang bị quý nhất của con người?
+ Những người khiêm tốn bao giờ cũng dễ hoà đồng với những người xung
quanh, bởi tâm lý chung của con người là không thích thói hung hăng, kiêu ngạo, tự
phụ, chuộng những người ham học hỏi, từ tốn, điềm đạm.
+ Khiêm tốn rất cần thiết vì sự hiểu biết của mỗi người là hữu hạn trong khi
những bài học trong cuộc sống; kho tri thức của nhân loại là vô hạn (Học, học nữa,
học mãi - Lênin)
+ Khiêm tốn không hạ thấp con người, trái lại nó nâng con người lên.
=> Khiêm tốn là một phẩm chất rất cần thiết giúp con người thành công.
+ Giản dị, ngoài việc giúp con người dễ hoà đồng, chiếm được cảm tình của
số đông còn giúp cho con người tiết kiệm: thời gian chăm sóc bản thân, có thêm
thời gian làm việc; tiết kiệm tiền của, vật chất (Có thể nêu những tấm gương về
khiêm tốn, giản dị như Hồ Chí Minh, Anbe Anh xtanh, nữ hoàng Anh Ê-li-da-bét).
- Mở rộng vấn đề:
+ Khiếm tôn không đồng nghĩa với tự ti, bởi tự ti là tự hạ thấp giá trị của
mình, đánh mất niềm tin vào bản thân mình.
+ Giản dị không đồng nghĩa với xuyềnh xoàng, vì xuyềnh xoàng là thiếu sự
chăm sóc bản thân và thiếu tôn trọng người khác.
12
* Luận điểm 3: Khẳng định ý nghĩa câu nói: câu nói của Ph.Ăngghen ngắn
gọn và gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc. Nó giúp con người nhận thức được rằng:
để hạn chế những vấp ngã, thất bại, con người cần phải rèn luyện cho mình những
phẩm chất cần thiết, trong đó có đức tính khiêm tốn và giản dị
Kết bài
- Khẳng định khiên tốn, giản dị là những đức tính quý báu của con người.
- Rút ra bài học cho bản thân: Muốn thành công thì phải có ý thức rèn luyện
những phẩm chất đó.
I.2.2. Phương pháp, kĩ năng làm từng kiểu bài cụ thể
I.2.2.1. Phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận về một tư
tưởng, đạo lý
a. Giới thiệu chung về kiểu bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí
a1. Khái niệm: Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí là bàn về một vấn đề
thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống… của con người.
a2. Phân biệt hai khái niệm: tư tưởng và đạo lí
Những vấn đề tư tưởng - đạo lý chiếm khối lượng lớn nhất trong các đối
tượng của nghị luận xã hội. Trong các tài liệu hiện hành, tư tưởng - đạo lí là một
cặp khái niệm đi kèm với nhau. Tuy nhiên, các tác giả soạn SGK (từ THCS - SGK
Ngữ văn lớp 9, tập 2 đến THPT - SGK Ngữ văn 12, tập 1), sách tham khảo hầu như
chưa quan tâm làm rõ hai khái niệm tư tưởng và đạo lí. Trong SGK Ngữ văn 9, bài
nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí có nêu khái niệm Nghị luận về một vấn đề
tư tưởng, đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống…
của con người (phần ghi nhớ trang 36). SGK Ngữ văn 12 cơ bản thì chỉ bàn đến
cách viết kiểu bài này: hướng dẫn cách tìm hiểu đề và lập dàn ý. SGK Ngữ văn 12
nâng cao cũng tương tự: ở bài học nghị luận xã hội và nghị luận văn học, tác giả
soạn sách giới thiệu: Dạng đề nghị luận về một tư tưởng, đạo lí thường nhân một
câu danh ngôn, một nhận định, đánh giá nào đó để yêu cầu người viết bàn luận và
thể hiện tư tưởng, quan điểm, thái độ của mình (trang 22) ; còn trong bài nghị luận
về một tư tưởng, đạo lí cũng chỉ nêu ra 3 đề và yêu cầu tìm hiểu đề, tìm ý và lập dàn
ý. Như vậy SGK ở cả hai cấp học THCS và THPT đều chưa phân biệt rõ hai khái
niệm tư tưởng và đạo lí. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của học sinh
khiến các em dễ lúng túng trong việc hiểu khái niệm.
Trên cơ sở thống kê, đối chiếu, so sánh, phân loại, chúng tôi tạm thời chia tách tư
tưởng - đạo lý thành hai vấn đề, hai khái niệm để tiện cho việc nghiên cứu.
* Những vấn đề tư tưởng được đem ra bàn luận rất rộng, bao gồm: quan
niệm cách sống, quan niệm về cuộc sống, về con người; quan niệm về văn hóa, giáo
dục, về tình bạn, tình yêu, về hạnh phúc, về tiền bạc, về vai trò của gia đình trong
việc hình thành nhân cách con người; tầm quan trọng của việc làm; con đường lập
thân của thanh niên; những bài học về cách nhìn nhận con người, cuộc sống…
13
Trong số những vấn đề kể trên, chiếm số lượng nhiều nhất, giành được mối
quan tâm lớn nhất với các nhà tư tưởng là những quan niệm, những bài học, những
triết lý về cách sống: những câu hỏi về sống đẹp; những lời khuyên, những bài học:
sống là phải hành động, là phải đấu tranh; sống là phải cống hiến; sống là phải biết
lắng nghe, biết quan tâm chia sẻ; sống là phải có ý chí nghị lực, phải quyết đoán,
phải lạc quan…
Tiếp đó là những quan niệm, những lời khuyên, những triết lí về con người:
những triết lý về thói xấu (Những thói xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở nên
bạn thân ở chung nhà và kết thúc là ông chủ nhà khó tính…), thói quen (Đừng bắt
thói quen nhảy qua cửa sổ…); những bài học về cách nhìn nhận đánh giá con người
(Không phải cái gì lóng lánh cũng đều là vàng…), về con đường đời mà mỗi người
phải trải qua (Ai chiến thắng mà không hề chiến bại…); những phẩm chất cần có,
cần phải rèn luyện (tình yêu thương, tinh thần đoàn kết, thái độ đồng cảm, chia sẻ,
sự khiêm tốn, giản dị, trung thực, lòng khoan dung, tha thứ, tinh thần tự lực cánh
sinh, phẩm chất cần cù, tiết kiệm…); những thói xấu cần tránh (lười biếng, ỷ lại, đố
kỵ, ích kỷ, vô cảm, hung hăng, kiêu ngạo, nói xấu người khác…).
Ngoài ra là những quan niệm, nhận thức về các mặt khác vô cùng phong phú
của đời sống.
* Những vấn đề đạo lý được đem ra bàn bạc là những bài học, những lời
khuyên về thái độ sống, cách ứng xử mang tính nhân văn, phù hợp với chuẩn mực
đạo đức của xã hội:
- Đó là những mối quan hệ: thầy trò, cha con, anh em, vợ chồng, bè bạn…
- Là những tình cảm: Họ hàng (Một giọt máu đào hơn ao nước lã); làng xóm
(tối lửa tắt đèn có nhau); giai cấp (Bầu ơi thương lấy bí cùng); dân tộc (Nhiễu điều
phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng).
- Là thái độ sống: tôn trọng người lớn tuổi, yêu thương trẻ thơ, tôn trọng người
lao động, bênh vực kẻ yếu, thái độ trân trọng quá khứ, uống nước nhớ nguồn…
- Là trách nhiệm nghĩa vụ đối với tổ quốc, với cộng đồng xã hội.
b. Phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lý
b1. Loại 1: Đề bài có vấn đề tư tưởng, đạo lý được đặt ra trực tiếp
* Khái quát
Ở loại đề này, vấn đề tư tưởng, đạo lý đưa ra bàn bạc rất cụ thể, rõ ràng.
Người viết có thể xác định được ngay vấn đề cần bàn luận.
Ví dụ: Suy nghĩ của anh (chị) về đức tính trung thực / lòng dũng cảm?…
Sau khi xác định được vấn đề, cần tiến hành tìm ý, lập dàn ý rồi bắt tay vào
viết bài. Quan trọng là người viết phải hiểu biết về tư tưởng, đạo lý đó để có thể giải
thích và bàn luận một cách thấu đáo.
* Dàn ý cơ bản
Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu tư tưởng, đạo lí cần nghị luận.
Thân bài: Triển khai việc bàn luận về tư tưởng, đạo lí
14
Luận điểm 1: Giải thích khái niệm
Luận điểm 2: Bàn luận: (kết hợp phân tích, chứng minh, bình luận ) về vấn đề.
- Chỉ ra những biểu hiện của tư tưởng, đạo lí đó trong thực tế; có thể lý giải
nguyên nhân, nguồn gốc của nó.
- Phân tích, chứng minh mặt đúng - sai, lợi - hại, tốt - xấu của vấn đề.
- Mở rộng vấn đề
- Ý nghĩa của vấn đề (có thể rút ra ở phần kết luận)
Kết luận:
- Khẳng định lại vấn đề.
- Liên hệ bản thân.
* Ví dụ minh họa
Ví dụ 1: về một vấn đề tư tưởng
Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về lòng dũng cảm?
Xác định yêu cầu của đề
- Yêu cầu về nội dung: Đối tượng nghị luận là một vấn đề thuộc về tư tưởng:
quan niệm về một đức tính tốt đẹp cần có ở con người: lòng dũng cảm.
- Yêu cầu về thao tác lập luận: Sử dụng thao tác giải thích, phân tích, chứng
minh kết hợp với bình luận để làm sáng tỏ vấn đề.
- Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: trong đời sống, trong văn chương, sử sách.
Gợi ý lập dàn bài
Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu về lòng dũng cảm.
Thân bài:
- Giải thích khái niệm:
+ Thế nào là dũng cảm? Dũng cảm là có đủ sức mạnh thể chất và tinh thần
để có thể đương đầu với với những khó khăn, nguy hiểm, để làm những việc nên
làm.
+ Dũng cảm cũng là sự quả cảm, kiên cường, là nghị lực và ý chí sắt đá.
Trong những hoàn cảnh, tình huống hiểm nguy, gian truân, thử thách, lòng dũng
cảm sẽ được bộc lộ qua những hành động cụ thể.
- Bàn luận:
+ Nêu những biểu hiện của lòng dũng cảm: dũng cảm trong chiến đấu, dũng
cảm trong đời thường (dũng cảm nói ra sự thật; dũng cảm bênh vực cái yếu, bảo vệ
lẽ phải, công bằng; dũng cảm cứu người ).
+ Vai trò của lòng dũng cảm:
. Dũng cảm là một đức tính tốt đẹp của con người. Nó là động lực giúp con
người chiến thắng bản thân để trở nên mạnh mẽ hơn, vượt lên trên hoàn cảnh đầy
khó khăn, thử thách, những mất mát hi sinh trong cuộc sống.
. Lòng dũng cảm góp phần quan trọng làm cho xã hội công bằng hơn, tiến bộ hơn
( khi lẽ phải được bảo vệ, cái yếu được bênh vực, cái xấu, cái ác bị lên án ).
15
. Lòng dũng cảm còn giúp con người khám phá, phát minh ra những điều
mới lạ trong mọi lĩnh vực
+ Mở rộng vấn đề: Phê phán và lên án những kẻ hèn nhát (trong chiến đấu,
trong lao động sản xuất, trong cuộc sống đời thường )
Kết luận:
- Khẳng định ý nghĩa của vấn đề: dũng cảm là một phẩm chất, đức tính tốt
đẹp, đáng quý cần có ở mỗi con người. Phẩm chất ấy luôn được đề cao, ca ngợi.
- Liên hệ: mỗi người cần học tập, rèn luyện để có lòng dũng cảm, góp phần
làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, đất nước giàu mạnh hơn
Ví dụ 2: về một vấn đề đạo lí
Suy nghĩ của anh (chị) về tình mẫu tử?
Xác định yêu cầu của đề
- Yêu cầu về nội dung: Đối tượng nghị luận là một vấn đề thuộc về đạo lý: tình
mẫu tử.
- Yêu cầu về thao tác lập luận: Kết hợp các thao tác: giải thích, phân tích, chứng
minh, bình luận để làm sáng tỏ vấn đề.
- Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: trong văn chương, trong đời sống.
Gợi ý lập dàn bài
Mở bài
Dẫn dắt, nêu vấn đề.
Thân bài
- Giải thích: Thế nào là tình mẫu tử: đó là tình cảm ruột thịt, thiêng liêng
giữa mẹ - con. Nhưng chủ yếu được hiểu là tình mẹ dành cho con.
- Bàn luận về tình mẫu tử:
+ Vai trò của tình mẫu tử: Trong đời sống của mỗi con người, có nhiều thứ tình
cảm cao đẹp: tình cảm với quê hương đất nước, tình làng nghĩa xóm, tình bạn, tình yêu
Trong tình cảm gia đình có tình cảm với ông bà, tổ tiên, tình cha- con, anh - chị - em
nhưng tình mẫu tử vẫn có một vị trí đặc biệt, nó thiêng liêng mà gần gũi, ấm áp và máu
thịt nhất. Vì sao lại như vậy? Bởi:
. Đó là tình yêu thương, đùm bọc, che chở, là những hi sinh mà người mẹ
dành cho con Tình cảm ấy tự nhiên, giản dị, mà rất đỗi thiêng liêng, cao cả, chính
vì thế nó sẽ theo suốt cuộc đời của mỗi con người.
. Bởi mẹ là người gần gũi nhất, là người hi sinh nhiều nhất cho con. Mẹ nuôi
con, yêu con khi còn là giọt máu, chưa rõ hình hài; mẹ dìu dắt con từng bước trên
đường đời, đỡ con khi con vấp ngã, hạnh phúc khi con trưởng thành. Trái tim người
mẹ là ngôi nhà bình yên nhất, ấm áp nhất, là nơi trở về, bến đỗ an toàn nhất cho đứa
con trong bất cứ hoàn cảnh nào.
. Bởi đó là thứ tình cảm vị tha tuyệt đối không một chút tính toán vụ lợi (mọi
mối quan hệ đều theo quy luật: có đi - có lại), mẹ chỉ “cho” mà không hề đòi hỏi
“nhận”. Mẹ có thể cho con tất cả cuộc đời, cả sự sống của mình
16
+ Mở rộng, liên hệ thực tiễn:
Cần phê phán hiện tượng con cái vô tâm với cha mẹ (chỉ “nhận” mà không biết
“cho”, không hề nghĩ đến trách nhiệm và tình cảm đối với cha mẹ); thậm chí đối xử bất
hiếu với cha mẹ.
Kết luận
- Khẳng định vai trò của tình mẫu tử.
- Liên hệ bản thân: nêu phương châm xử thế và hành động của bản thân.
(Hãy ngừng lại một giây phút để nghĩ về người mẹ của mình, về cách cư xử
của mình đối với cha mẹ).
b.2. Đề bài có vấn đề tư tưởng, đạo lý được đặt ra gián tiếp qua một ý kiến, nhận
định hay một câu danh ngôn, tục ngữ, một câu thơ hoặc một tác phẩm…
* Khái quát
Ở loại đề này, cách làm bài cơ bản cũng giống loại bài có vấn đề tư tưởng
được đặt ra trực tiếp. Chỉ khác là người viết cần phải giải thích, phân tích ý kiến,
nhận định hay câu danh ngôn, tục ngữ… sau đó mới rút ra được vấn đề cần nghị
luận. Cụ thể, trong phần triển khai vấn đề, cần tiến hành các bước sau:
Bước 1: Giải thích vấn đề (thuật ngữ, khái niệm, những hình ảnh ẩn dụ, biểu
tượng, nghĩa đen, nghĩa bóng ). Từ đó, rút ra vấn đề cần bàn luận. Riêng đối với
vấn đề tư tưởng, đạo lý đặt ra trong văn bản mới thì cần đọc hiểu và tìm ra ý nghĩa
của văn bản, sau đó xác định tư tưởng, đạo lý cần bàn.
Bước 2: Bàn luận về vấn đề.
- Đối với vấn đề đặt ra qua một nhận định, câu danh ngôn, tục ngữ…, người viết
cần sử dụng các thao tác bình luận, phân tích, chứng minh để làm rõ vấn đề:
+ Có thể đánh giá, nhận xét về ý kiến, nhận định, câu danh ngôn, tục ngữ…xem
nó đúng hay sai…
+ Phân tích, chứng minh các mặt đúng; bác bỏ những biểu hiện chưa đúng hoặc
cách hiểu sai lệch có liên quan đến nội dung tư tưởng, đạo lí.
+ Mở rộng vấn đề
- Đối với vấn đề tư tưởng, đạo lý đặt ra trong tác phẩm:
+ Với tác phẩm đã học, người viết cần phân tích ngắn gọn sự thể hiện của
vấn đề trong tác phẩm, sau đó mới bàn luận về vấn đề đó trong đời sống xã hội.
(Có thể đánh giá về sự thay đổi hay không thay đổi trong quan niệm của tác giả và
trong cái nhìn của đời sống thực tại về vấn đề được đặt ra trong tác phẩm, lý giải
nguyên nhân của sự thay đổi nếu có).
+ Với vấn đề đặt ra qua câu chuyện nhỏ (mini) thì sau khi đọc hiểu, tìm ra ý
nghĩa của văn bản và xác định được tư tưởng, đạo lý cần bàn, người viết tiến hành
bàn luận về vấn đề đó. Người viết có thể hiểu ý nghĩa của câu chuyện theo nhiều
cách khác nhau. Tuy nhiên, dù hiểu cách nào cũng cần có lí và có sức thuyết phục.
Mỗi câu chuyện có thể nêu lên nhiều ý nghĩa (bài học) nhưng thường có một nghĩa
chủ đạo (ý nghĩa chính). Đó là ý nghĩa chung mà ai đọc cũng cảm nhận và hiểu như
17
thế. Ngoài ra, theo lí thuyết tiếp nhận, mỗi người có thể có những cách hiểu riêng.
Tuy nhiên, khi làm bài, người viết cần nêu lên ý nghĩa chung đó.
Bước 3: Đánh giá ý nghĩa tư tưởng, đạo lí đã nghị luận đối với đời sống và
con người.
* Dàn ý cơ bản
Mở bài
- Dẫn dắt, nêu vấn đề.
- Trích dẫn ý kiến (nhận định, danh ngôn, tục ngữ ); hoặc giới thiệu tác giả,
tác phẩm có liên quan (đối với vấn đề đặt ra trong tác phẩm).
Thân bài: Triển khai việc bàn luận về vấn đề:
Luận điểm 1: Giải thích vấn đề (thuật ngữ, khái niệm, những hình ảnh ẩn dụ,
biểu tượng, nghĩa đen, nghĩa bóng ). Từ đó, rút ra vấn đề cần bàn luận; đối với
vấn đề tư tưởng, đạo lý đặt ra trong văn bản mới thì cần đọc hiểu và tìm ra ý nghĩa
của văn bản, sau đó xác định tư tưởng, đạo lý cần bàn.
Luận điểm 2: Bàn luận về vấn đề (bình luận, phân tích, chứng minh). Căn cứ
vào cách nêu vấn đề ở đề bài (qua một câu danh ngôn, một ý kiến, một câu tục ngữ,
một câu thơ hay một tác phẩm) mà người viết tiến hành các bước bàn luận cho phù
hợp như đã đề cập ở phần khái quát trên.
Luận điểm 3: Đánh giá ý nghĩa tư tưởng, đạo lí đã nghị luận đối với đời sống
và con người.
Kết luận:
- Khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề.
- Rút ra bài học nhận thức và hành động.
* Ví dụ minh họa
Ví dụ 1: vấn đề nghị luận được đặt ra qua một câu tục ngữ
Tục ngữ Việt Nam có câu: Im lặng là vàng
Anh (chị) hãy trình bày quan điểm của mình về câu nói trên.
Xác định yêu cầu của đề
- Yêu cầu về nội dung:
+ Đối tượng nghị luận: là một vấn đề tư tưởng được dân gian đúc kết dưới
hình thức một câu tục ngữ.
+ Nội dung: đưa ra một bài học về phương châm ứng xử cho con người.
- Yêu cầu về thao tác lập luận: Sử dụng thao tác bình luận để trình bày quan
điểm kết hợp với các thao tác phân tích, chứng minh, bác bỏ… để làm sáng tỏ vấn đề.
- Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: trong đời sống, trong sử sách.
Gợi ý lập dàn bài
Mở bài
- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề.
- Trích dẫn câu tục ngữ.
Thân bài
18
- Giải thích
+ Vàng: một loại lim loại quý hiếm.
+ Ví Im làng là vàng, dân gian muốn đưa ra một bài học về thái độ, cách ứng
xử: im lặng là tốt nhất, là không ngoan nhất.
- Bàn luận
+ Đánh giá, nhận xét: Câu tục ngữ đó có đúng không ? Có phải trong mọi trường
hợp im lặng đều là vàng ? Đó là một lời khuyên đúng nhưng không phải là một chân
lý mang tính tuyệt đối có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Có những trường hợp im
lặng là vàng, nhưng cũng có những trường hợp con người không thể im lặng, trái lại
phải lên tiếng đấu tranh.
+ Phân tích, chứng minh:
Những trường hợp Im lặng là vàng:
. Đó là khi cần phải giữ bí mật về một vấn đề gì đó (có thể là bí mật quốc
gia, có thể là một lời hứa nghiêm túc với một người khác).
Ví dụ: Những chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm, tra tấn để lấy lời khai;
những điệp viên tình báo chẳng may bị phát hiện, chỉ điểm…
. Im lặng để đem lại hạnh phúc cho người khác (im lặng mang tính chất hi
sinh); im lặng vì mục đích nhân đạo (có thể là người mẹ giấu con những sự thật phũ
phàng nào đó về người cha; về bản thân mình, hay về đứa con để trái tim đứa con
không bị tổn thương; một người cưu mang một người khác một cách âm thầm lặng lẽ;
một bác sỹ không nói rõ sự thật về tình trạng bệnh hiểm nghèo cho bệnh nhân…).
. Im lặng vì chưa hiểu rõ về một vấn đề nào đó, cần tiếp tục lắng nghe, học
hỏi (Biết thì thưa thốt; không biết thì dựa cột mà nghe).
. Im lặng để giảm bớt những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống hàng ngày
(Một điều nhịn bằng chín điều lành).
Và có thể còn có nhiều trường hợp khác cần phải im lặng…
Những trường hợp không thể im lặng, trái lại cần phải lên tiếng:
. Đó là khi chân lí, lẽ phải bị vùi dập… Trong trường hợp này, im lặng là nhu
nhược, đớn hèn.
. Trước nỗi oan ức của người khác biết mà không dám lên tiếng là thiếu lòng
dũng cảm, không có tinh thần đấu tranh.
.Trước sai phạm của người khác biết mà không lên tiếng là thiếu tinh thần
trách nhiệm.
. Trước những hành vi thiếu lương tâm của đồng loại (bà bảo mẫu đánh đập
các cháu nhỏ; con cái ngược đãi cha mẹ; chồng ngược đãi vợ…) mà không lên tiếng
bênh vực… là thiếu tình người… (có thể nêu những tấm gương về tinh thần đấu
tranh cho chân lí, lẽ phải, cho quyền sống của con người… trong sử sách, trong văn
chương và đời sống…).
+ Mở rộng vấn đề, liên hệ thực tế: ngày nay thế giới và quốc gia đang đứng
trước những vấn đề lớn: chiến tranh sắc tộc, chiến tranh khủng bố, chiến tranh hạt
19
nhân, ô nhiễm môi trường, căn bệnh thế kỷ HIV - AIDS liệu con người ta có thể im
lặng và im lặng có phải là vàng ? Ví dụ : Ở Việt Nam, những nạn nhân bị nhiễm chất
độc màu da cam và Hội bảo trợ những nạn nhân bị nhiễm chất độc này vẫn đang
kiên trì theo đuổi vụ kiện đòi các công ty hóa chất của Mỹ bồi thường cho những
nạn nhân, cải thiện môi trường bị nhiễm chất độc. Rất nhiều tổ chức, các nhân trên
thế giới đang kề vai sát cánh cùng nạn nhân Việt Nam trong cuộc đấu tranh này.
Chúng ta là người Việt Nam liệu có thể im lặng ?
- Rút ra ý nghĩa: câu tục ngữ là một bài học về phương châm ứng xử cho
con người trong đời sống, giúp mỗi người hoàn thiện hơn về nhân cách.
Kết bài:
- Cần khẳng định: chân lí chỉ thuộc về câu tục ngữ một nửa.
- Bài học rút ra là: Cần biết im lặng lúc cần thiết và không thể im lặng khi
cần phải lên tiếng.
Ví dụ 2: vấn đề nghị luận đặt ra qua một ý kiến
Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến sau: Trên đời này, không có cái thái quá
nào đẹp hơn cái thái quá về sự tri ân.
Xác định yêu cầu của đề
- Yêu cầu về nội dung:
+ Đối tượng nghị luận: là một vấn đề đạo lí: bàn về thái độ sống của con
người, đó là cần phải biết tri ân.
- Yêu cầu về thao tác lập luận:
Sử dụng thao tác bình luận để trình bày quan điểm kết hợp với các thao tác
phân tích, chứng minh, bác bỏ… để làm sáng tỏ vấn đề.
- Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: trong đời sống, trong văn chương.
Gợi ý lập dàn bài
Mở bài: dẫn dắt, giới thiệu vấn đề
Thân bài
- Giải thích
+ Thái quá là hành động, việc làm nào đó vượt quá mức độ, ngưỡng cho
phép. Tri ân nghĩa là biết ơn.
+ Nội dung của ý kiến: Biết ơn và trả ơn là việc làm không bao giờ đủ. Tri
ân là cái thái quá đẹp nhất, là thái độ ứng xử cao đẹp của người có văn hóa.
- Bàn luận
+ Đánh giá, nhận xét: câu nói hoàn toàn đúng.
+ Phân tích, chứng minh: Vì sao không có cái thái quá nào đẹp hơn cái thái
quá về sự tri ân? Vì sao con người cần biết sống tri ân?
. Đối với mỗi người: Tri ân là việc làm, là lối sống đẹp, thể hiện đạo lí làm
người, góp phần hoàn thiện nhân cách con người (tri ân với quá khứ, với gia đình,
thầy cô, với bạn bè, với quê hương, đất nước,…). Tri ân cũng là động lực giúp con
người sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.
20
. Đối với xã hội: Tri ân là nghĩa cử cao cả, phù hợp với đạo lý uống nước nhớ
nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Cách ứng xử nhân văn giữa con người với con
người sẽ tạo ra môi trường xã hội đầy nhân ái. Tri ân cũng là truyền thống tốt đẹp
của dân tộc, có tác dụng giáo dục đạo đức, lối sống cho các thế hệ.
Vì sao sự thái quá trong tri ân lại là đẹp nhất?
. Trong cuộc sống có nhiều điều thái quá. Hầu hết mọi sự thái quá đều có thể gây
những ảnh hưởng không tốt với đời sống, dễ khiến con người sa vào những thói hư tật xấu.
. Trong khi đó, thái độ tri ân bao giờ cũng mang lại những điều tốt đẹp cho
mọi người. Biết đền đáp công ơn người khác là nguồn nuôi dưỡng lương tri, nhân
phẩm con người; giáo dục ý thức trách nhiệm với cộng đồng, đồng thời cảnh báo
con người trước bờ vực của lỗi lầm, tội ác.
+ Mở rộng, nâng cao vấn đề
. Trong thực tế không hiếm những con người sống vô ơn, bội nghĩa, vô cảm,
vô trách nhiệm với mọi người, với xã hội và với chính mình.
. Cũng cần phê phán những kẻ lợi dụng việc tri ân để làm những điều sai trái
nhằm mục đích cá nhân ích kỉ, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
- Ý nghĩa của câu nói: giúp mỗi người nhận thức được vai trò của của sự tri ân, từ
đó biết tri ân với ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè góp phần hoàn thiện nhân cách.
Kết luận: Khái quát lại vấn đề ; Bài học và liên hệ bản thân
Mỗi người cần coi sự tri ân như một tiêu chí đạo đức để hoàn thiện nhân cách…
Ví dụ 3: vấn đề nghị luận đặt ra qua một văn bản đã học
Từ bài Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến, anh (chị) hãy viết bài văn bàn về
danh và thực trong cuộc sống hiện nay.
Xác định yêu cầu của đề
- Yêu cầu về nội dung :
Đối tượng nghị luận là một vấn đề tư tưởng được đặt ra trong tác phẩm văn
học: quan niệm về danh và thực.
- Yêu cầu về thao tác lập luận: giải thích, bình luận kết hợp với phân tích,
chứng minh.
- Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: trong văn chương, trong thực tế đời sống.
Gợi ý lập dàn bài
Mở bài
- Giới thiệu bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến.
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: danh và thực trong cuộc sống con người.
Thân bài
- Khái quát nội dung, ý nghĩa của bài thơ.
+ Bài thơ miêu tả ông tiến sĩ giấy nhưng đằng sau đó là hàm ý rất sâu xa của
nhà thơ Nguyễn Khuyến. Tiến sĩ giấy nghĩa là một ông tiến sĩ đồ chơi làm bằng
giấy của trẻ em trong dịp tết trung thu, cũng là một ông tiến sĩ hàng mã dùng để
cúng tế. Nó được mô phỏng theo một ông tiến sĩ thật nào đó ngoài đời. Hình tượng
21
ông tiến sĩ hiện lên chân thực với cờ, biển, cân đai; với xiêm áo, lọng xanh, ghế
chéo, vinh dự trong lễ xướng danh. Có thể nói, một ông tiến sĩ giấy được miêu tả
như ông tiến sĩ thật ngoài đời. Chỉ có điều, vì được làm bằng giấy nên nó nhẹ phèo
và rỗng tuếch.
+ Vịnh về Tiến sĩ giấy, nhà thơ đã mang đến cho người đọc những liên tưởng
thú vị. Ông tiến sĩ giấy trong bài thơ cũng chính là chân dung của những ông tiến sĩ
giả, không có thực tài ở ngoài đời. Nó phản ánh một thực tế trong xã hội bấy giờ khi
tước vị có thể mua bán bằng tiền bạc và những kẻ đại diện cho tri thức và trí tuệ của
xã hội lại là những kẻ leo lên bằng con đường không chính đáng. Qua đó, Nguyễn
Khuyến đã bày tỏ thái độ mỉa mai, khinh bỉ của mình về những ông tiến sĩ hữu danh
vô thực ấy.
- Bàn luận về danh và thực trong cuộc sống hôm nay.
+ Giải thích:
. Danh: là cái tên gọi, cái tiếng, cái được phong, là cái nhìn của người khác, của xã
hội về một người.
. Thực: là cái có thật, cái tồn tại, là thực lực bản chất của mỗi người.
+ Bình luận kết hợp với phân tích, chứng minh:
Khẳng định: danh và thực không chỉ là vấn đề đặt ra ở thời đại Nguyễn
Khuyến thế kỉ XIX mà nó còn là vấn đề của thời đại hôm nay.
. Trong đời sống, danh và thực thường thống nhất, phù hợp với nhau. Có
thực mới có danh và có danh ắt có thực. Đó là những người lập danh dựa vào tài
đức của chính mình. Có người lưu danh nhờ những công trình ích nước, lợi dân; có
người lưu danh qua con đường học tập: học thành tài, có dịp đem tài năng của mình
ra phụng sự đất nước rồi danh tiếng tự đến và lưu truyền từ đời này sang đời khác,
thành tên đất, tên làng. Vì vậy, chỉ cần có thực tài thì sẽ có danh.
. Thực tế, không ít trường hợp danh và thực lệch nhau, không tương xứng thống nhất:
Có danh mà không có thực. Khi chữ danh đi liền với chữ lợi, với quyền lực
thì cũng xuất hiện những kẻ dùng tiền bạc để mua danh. Trong những trường hợp
đó, không phải thực tài tạo nên danh tiếng mà là vật chất, là thói xu thời hèn nhát, là
sự vô đạo Khi không bắt đầu từ thực tài thì cái danh khoác bên ngoài chính là cái
danh hão, danh giả- Ông Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến là một ví dụ tiêu biểu. Đó
là điển hình cho những kẻ dựng danh nhờ mua danh bán tước. Trong xã hội hiện
đại, hiện tượng đó vẫn tồn tại.
Có thực mà không có danh. VD: những người tốt việc tốt, những người
tài… chưa được xã hội trọng danh, tôn vinh xứng đáng.
=> Trong cuộc sống, để phân biệt mọi việc ta không thể nhìn vào hiện tượng
bề ngoài để tuyệt đối hoá bản chất. Muốn hiểu bản chất, ta cần tỉnh táo tiếp xúc,
phân tích để có những nhận xét, kết luận xác đáng.
22
Kết bài:
- Khẳng định: danh phải đi liền với thực. Dù ở thời đại nào, sự thực tốt đẹp
sẽ khiến con người không hổ thẹn với chính mình, mới xứng đáng với danh thơm.
- Khẳng định: Tiến sĩ giấy cảnh tỉnh mỗi chúng ta phải phân biệt giữa danh và thực
ở đời. Từ đó mỗi người phải biết sống như thế nào để hoàn thiện chính mình.
Ví dụ 4: vấn dề nghị luận đặt ra qua một câu chuyện nhỏ
Suy nghĩ của anh chị về ý nghĩa gợi ra từ câu chuyện sau:
Chiếc lá vàng tự bứt khỏi cành rơi xuống gốc. Cái gốc tròn mắt ngạc nhiên hỏi:
- Ôi, sao sớm thế?
Chiếc lá vàng giơ tay chào, cười và chỉ vào những lộc non
(Ngụ ngôn chọn lọc - NXB Thanh Niên - 2003)
Xác định yêu cầu của đề
- Yêu cầu về nội dung
+ Đối tượng nghị luận: vấn đề tư tưởng được rút ra từ một câu chuyện .
+ Nội dung: bàn về một quan niệm sống: sống là phải biết vì người khác,
dám hi sinh vì người khác.
- Yêu cầu về thao tác lập luận
Sử dụng kết hợp với các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận,
bác bỏ để làm sáng tỏ vấn đề.
- Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: trong đời sống, trong văn chương
Gợi ý lập dàn bài
Mở bài
Dẫn dắt giới thiệu vấn đề, từ đó dẫn vào câu chuyện.
Thân bài
- Bước 1: Thực hiện thao tác đọc hiểu văn bản để tìm ra ý nghĩa của câu chuyện
+ Câu chuyện nhấn mạnh đến cách thức mà chiếc lá vàng rời khỏi cái cây nó
đã bám víu lâu nay: nó tự bứt khỏi cành cây sớm hơn thời gian mà nó có thể tồn tại,
khiến cái gốc phải bật hỏi: Sao sớm thế?.
+ Điều quan trọng hơn nữa là cách chiếc lá vàng nhìn nhận về sự ra đi của
mình: mỉm cười và chỉ vào những lộc non. Đó là sự thanh thản khi chiếc lá đã tìm
thấy được ý nghĩa cho cuộc đời của mình: tự nguyện hi sinh để nhường chỗ cho một
thế hệ mới ra đời.
Câu chuyện cho ta một bài học về lẽ sống ở đời: Phải biết sống vì người khác,
dám chấp nhận cả những thiệt thòi, hy sinh về phía bản thân mình. Đó cũng chính là một
trong những cách sống để khẳng định ý nghĩa sự sống của mỗi con người.
- Bước 2: Bàn luận
+ Tại sao con người sống phải biết hi sinh vì người khác?
. Mỗi phút giây được sống, được yêu thương trên cõi đời này là niềm hạnh
phúc tuyệt diệu của mỗi con người trên thế gian này. Vì vậy, bất cứ ai cũng quý
trọng từng giây từng phút của cuộc đời mình. Thế nhưng, giá trị sự sống của mỗi
23
con người lại không phải là sự tồn tại được đo bằng giờ, bằng phút, bằng năm…,
đúng như Bailey đã từng nói điều quan trọng không phải chúng ta sống được bao
lâu mà là chúng ta đã sống như thế nào.
. Lẽ sống cống hiến, hi sinh vì những người thương yêu, vì sự tiến bộ của
nhân loại là một phương cách để con người tìm được ý nghĩa, giá trị sự sống của
bản thân. Bởi khi trao yêu thương cũng là lúc mỗi người được nhận lại những niềm
hạnh phúc ngập tràn của lòng biết ơn, sự cảm phục… Ngay cả khi chấp nhận hy
sinh sự sống quý báu của bản thân mình cũng là lúc con người bất tử hóa giá trị sự
sống của mình trong sự sống của những thế hệ tiếp sau…
+ Từ mối quan hệ giữa lá vàng và lộc non câu chuyện cũng đưa ra một quy
luật của sự sống: Cuộc sống là một sự phát triển liên tục mà ở đó cái mới thay thế
cái cũ là điều tất yếu. Mỗi chúng ta cần phải nhận thức rõ quy luật đó để tránh trở
thành những vật cản của bánh xe lịch sử; đồng thời phải biết đặt niềm tin và tạo
điều kiện cho thế hệ trẻ có cơ hội để khẳng định mình và thúc đẩy xã hội ngày càng
văn minh, tiến bộ.
+ Mở rộng, nâng cao:
Phê phán lối sống vị kỷ, chỉ biết đến lợi ích của bản thân mà sẵn sàng chà
đạp lên mọi giá trị của sự sống…
- Rút ra ý nghĩa: câu chuyện ngụ ngôn rất ngắn gọn nhưng lại chứa đựng
nhiều ý nghĩa sâu xa. Nó giúp mỗi người tự nhìn nhận lại chính mình, biết sống đẹp
hơn, tốt hơn
Kết luận
- Khái quát lại vấn đề.
- Liên hệ bản thân: thế hệ trẻ phải biết sống, phấn đấu và cống hiến sao cho
xứng đáng với những gì được nhận.
I.2.2.2. Phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận về một
hiện tượng đời sống
a. Giới thiệu chung về kiểu bài nghị luận về một hiện tượng đời sống
Nghị luận về một hiện tượng đời sống là dạng đề có nội dung bàn bạc về một
hiện tượng, một vấn đề có tính thời sự, được dư luận xã hội trong nước cũng như
cộng đồng quốc tế quan tâm. Ngoài những nét tương đồng với kiểu bài nghị luận về
một tư tưởng đạo lí (cùng bàn đến những vấn đề xã hội, cùng sử dụng kết hợp các
thao tác lập luận giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận ), kiểu bài nghị luận
về một hiện tượng đời sống có những nét khác biệt cần lưu ý:
Từ một hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội, người viết phải phân tích,
tìm ra ý nghĩa xã hội về tư tưởng, đạo đức để bàn bạc, đánh giá…
Những vấn đề, hiện tượng của đời sống rất phong phú, nhưng vấn đề đưa ra bàn
bạc phải sát hợp với trình độ nhận thức của học sinh và mang tính thời sự cấp thiết:
- Vấn đề an toàn giao thông.
- Hiện tượng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.
24
- Nạn bạo hành trong gia đình.
- Bạo lực học đường.
- Hiện tượng chảy máu chất xám.
- Đại dịch HIV/AIDS.
- Cuộc vận động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn.
- Di chứng chất độc màu da cam.
- Trẻ em lang thang cơ nhỡ.
- Văn hoá đọc.
- Văn hoá ứng xử.
- Phong cách ăn mặc thời trang.
- Bệnh vô cảm.
- Internet và game…
Như vậy, phạm vi đề tài của dạng bài nghị luận về một hiện tượng đời sống
rất rộng, hơn nữa trước mỗi vấn đề lại có thể có nhiều cách hỏi khác nhau. Chẳng
hạn từ hiện tượng tai nạn giao thông có thể có nhiều cách hỏi:
- Tuổi trẻ học đường góp phần giảm thiểu tan nạn giao thông.
- Tai nạn giao thông đang là vấn đề của xã hội, mỗi công dân cần phải làm gì
để khắc phục tình trạng này?
- Tại sao nói: An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà?
Cách hỏi khác nhau, nhưng cùng chung vấn đề đưa ra bàn luận đó là vấn đề
tai nạn giao thông đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trở thành vấn nạn của xã hội.
Muốn làm tốt bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống, học sinh cần
phải có vốn sống, vốn hiểu biết thực tế được tích luỹ trong quá trình học tập, quan
sát trải nghiệm của bản thân, đặc biệt vốn kiến thức tiếp thu từ các phương tiện
thông tin đại chúng, từ sách báo. Chẳng hạn muốn bài luận về hiện tượng ô nhiễm
môi trường, học sinh cần biết: thực trạng môi trường đang bị ô nhiễm ra sao, có
những kiến thức thực tế về môi trường bị ô nhiễm; hay khi bàn nghị luận về vấn đề
an toàn giao thông người viết cần hiểu rõ thực trạng về tai nạn giao thông, nắm bắt
được những thông tin mang tính thời sự của hiện tượng. Đồng thời có những dẫn
chứng và số liệu cụ thể để chứng tỏ sự hiểu biết của mình về vấn đề (Ví dụ theo
thống kê của báo điện tử nguoidaibieu.com.vn: Sông Cầu tiếp nhận thêm 180000
tấn phân hoá học, 15000 tấn thuốc trừ sâu; theo Báo Lao động điện tử, từ ngày 30
đến mùng 6 Tết Canh Dần, cả nước xảy ra hơn 400 vụ tai nạn giao thông…)
b. Phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận về một hiện tượng đời sống
b1. Loại 1: Đề bài có hiện tượng đời sống được đặt ra trực tiếp
* Khái quát
Cũng giống như kiểu bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lý được đặt ra trực
tiếp, ở loại đề này người viết cũng có thể xác định được ngay hiện tượng đời sống
cần bàn luận. Sau đó tiến hành giải thích và bàn luận về hiện tượng.
25
Trong bài làm, người viết cần: nêu rõ hiện tượng, phân tích các mặt đúng –
sai, lợi - hại, chỉ ra nguyên nhân, hậu quả và bày tỏ thái độ, ý kiến của người viết về
hiện tượng xã hội đó. Cho nên, cấu trúc chung về nội dung thường là:
- Thực trạng của hiện tượng.
- Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng.
- Hậu quả hiện tượng gây ra.
- Giải pháp để khắc phục.
Dựa trên cấu trúc đó học sinh xây dựng luận điểm, biết cách lập luận, xây dựng
mối liên hệ lô gích giữa luận điểm với lý lẽ, dẫn chứng để thuyết phục người đọc.
* Dàn ý cơ bản
Mở bài: Nêu hiện tượng, trích dẫn đề, nhận định chung.
Thân bài:
- Giải thích hiện tượng được đưa ra (chảy máu chất xám, hiến máu nhân
đạo, nạn nhân chất độc da cam, bạo lực gia đình…)
- Phân tích hiện tượng:
+ Thực trạng (dẫn chứng)
+ Nguyên nhân.
+ Hậu quả (dẫn chứng).
+ Đưa ra giải pháp khắc phục.
Kết bài:
- Khẳng định những mặt tích cực của vấn đề đối với xã hội, với cộng đồng;
phủ định những mặt tiêu cực làm ảnh hưởng xấu đến đời sống văn minh, tiến bộ. -
- Trách nhiệm của mỗi người, liên hệ bản thân.
* Ví dụ
Ví dụ 1: Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay?
Xác định yêu cầu của đề bài
- Yêu cầu về nội dung: Đề bài bàn về mối quan hệ giữa người với người
trong xã hội hiện nay, phê phán thái độ vô cảm trong một số người sống chỉ biết
mình, thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại,… Đó là lối sống ích kỷ, vô lương tâm và
đang là một căn bệnh của xã hội: bệnh vô cảm
- Yêu cầu về thao tác lập luận: Vận dụng kết hợp các thao tác lập luận giải
thích, bình luận, chứng minh và các phương thức biểu đạt.
- Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: trong đời sống, trong văn chương
Gợi ý lập dàn bài
Mở bài
- Một xã hội không thể bền vững nếu thiếu yêu thương, sự đồng cảm và sẻ
chia giữa con người.
- Tuy nhiên đang tồn tại một thực tế trong xã hội hiện nay là một số người
mắc “bệnh vô cảm” - thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại, trước những cảnh ngộ gieo
neo, tai ương, khốn khó…