Tải bản đầy đủ (.docx) (24 trang)

Áp dụng mô hình kim cương phân tích năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (318.06 KB, 24 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Thời gian gần đây, nền kinh tế thế giới đang có những bước tăng trưởng vô
cùng mạnh mẽ và nhanh chóng. Toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại đang dần trở
thành xu hướng chủ đạo, chi phối mọi hoạt động của nền kinh tế. Sự lớn mạnh rộng
khắp của xu hướng này một mặt đã tạo ra rất nhiều cơ hội, làm tiền đề cho sự cất cánh
của nền kinh tế các quốc gia, mặt khác nó cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt trong
thị trường, tạo ra những thách thức đòi hỏi mỗi nước phải thực sự sáng suốt nhìn nhận
và đối phó. Đối với mỗi nền kinh tế, đánh giá đúng đắn năng lực cạnh tranh của
mình, hình thành và tăng cường các lợi thế cạnh tranh quốc gia trong các sản phẩm
chủ đạo trở thành chiến lược phát triển hàng đầu và có tính chất quyết định.
Lý thuyết về lợi thế cạnh tranh quốc gia của Michael Porter hay mô hình khối
kim cương của Michael Porter là một công cụ được áp dụng một cách phổ biến và
rộng rãi trong việc xác định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp hay rộng hơn là của
mỗi quốc gia. Mô hình này chỉ rõ các yếu tố cấu thành nên thế mạnh cạnh tranh của
mỗi quốc gia, góp phần định hướng chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.
Trong nội dung bài tiểu luận này, chúng em sử dụng mô hình kim cương của
M. Porter để phân tích năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc, một trong bốn con rồng
châu Á, đã đạt được tốc độ tăng trưởng thần kì vươn lên là nền kinh tế đứng thứ 15
trên thế giới và là nền kinh tế có sức cạnh tranh nhất châu Á (2011). Hàn Quốc nổi
tiếng với ngành công nghiệp đóng tàu đứng số một thế giới qua nhiều năm. Bên cạnh
đó, nằm trong chiến lược chính phủ về việc tăng mạnh tỉ trọng dịch vụ trong cơ cấu
nền kinh tế, ngành du lịch của Hàn Quốc cũng đang có những bước tiến vượt bậc và
ngày càng khẳng định được vị thế của mình.Vì những lý do trên, nhóm em xin được
triển khai đề tài “Áp dụng mô hình kim cương phân tích năng lực cạnh tranh của
Hàn Quốc” trên cơ sở ngành công nghiệp đóng tàu và ngành dịch vụ du lịch
Bài tiểu luận của chúng em gồm ba phần:
I. Khái quát về mô hình kim cương của Michael Porter
II. Áp dụng mô hình kim cương phân tích lợi thế cạnh tranh của Hàn Quốc
III. Đánh giá năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc
I. Khái quát về mô hình kim cương của Michael Porter
Lý thuyết về lợi thế cạnh tranh quốc gia do Micheal Porter đưa ra vào những năm


1990. Mục đích của lý thuyết này là giải thích tại sao một số quốc gia lại có được vị
trí dẫn đầu trong việc sản xuất một số sản phẩm, hay nói khác đi tại sao lại có những
quốc gia có lợi thế cạnh tranh về một số sản phẩm.
Theo lý thuyết này, lợi thế cạnh tranh quốc gia được thể hiện ở sự liên kết của 4 nhóm
yếu tố. Mối liên kết của 4 nhóm này tạo thành mô hình kim cương (diamond). Các
nhóm yếu tố đó bao gồm:
(1) Điều kiện các yếu tố sản xuất
Sự phong phú dồi dào của yếu tố sản xuất có vai trò nhất định đối với lợi thế cạnh
tranh quốc gia, các quốc gia có lợi hơn khi sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm sử
dụng nhiều yếu tố đầu vào mà quốc gia đó có nhiều
(2) Điều kiện về cầu
Tốc độ tăng nhu cầu thị trường sẽ buộc các doanh nghiệp liên tục đổi mới và cải tiến,
tạo sức ép giảm giá, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh
(3) Các ngành công nghiệp hỗ trợ và có liên quan
Ngành hỗ trợ là chất xúc tác chuyển tải thông tin và đổi mới từ doanh nghiệp này đến
doanh nghiệp khác, đẩy nhanh tốc độ đổi mới toàn bộ nền kinh tế.
(4) Chiến lược, cơ cấu và mức độ cạnh tranh của ngành
Mục tiêu, chiến lược và cách thức tổ chức doanh nghiệp đối phó với sự cạnh tranh
trong nước và quốc tế góp phần quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
Điều kiện các yếu tố sản xuất
Chiến lược, cơ cấu và môi trường cạnh tranh ngành
Điều kiện về cầu
Các ngành hỗ trợ và có liên quan
Cơ hội
Chính phủ
Các yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau và hình thành nên khả năng cạnh tranh quốc
gia. Ngoài ra còn 2 yếu tố khác là chính sách của Chính phủ và cơ hội. Đây là 2 yếu tố
có thể tác động đến 4 yếu tố cơ bản kể trên
II. Áp dụng mô hình kim cương để phân tích năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc
1. Tổng quan về nền kinh tế Hàn Quốc

Hàn Quốc là đất nước nghèo tài nguyên, trước thập niên 60 -thế kỷ XX vẫn là
một đất nước chưa phát triển, chìm trong đổ nát của chiến tranh và khủng hoảng. Tình
hình đất nước chỉ thực sự thay đổi khi người dân Hàn bắt tay thực hiện kế hoạch 5
năm lần thứ nhất năm 1962. Sau thời kì này, Hàn Quốc đã bứt lên bậc thang phát triển
một cách thần tốc. Bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản năm 1965, tiến hành những
cải cách tài chính giữa thập kỷ 60, là căn cứ quân sự cung cấp vật tư cho cuộc chiến
tranh Việt Nam, tất cả đã tạo điều kiện cho nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh. Đến năm
1971, Hàn Quốc trở thành nước công nghiệp mới (NICs), nếu tính thu nhập quốc dân
đầu người, Hàn Quốc đã vượt CHDCND Triều Tiên và Philippin. Mặc dù xảy ra hai
cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 1970, Hàn Quốc vẫn đạt được tốc độ tăng
trưởng cao và đến cuối thập kỷ 70 đã vượt cả Malaysia (vốn được coi là quốc gia tiên
tiến thứ hai ở khu vực Đông Nam Á). Đến Thế vận hội mùa hè năm 1988, người ta đã
biết đến Hàn Quốc như một trong những quốc gia phát triển có thu nhập đầu người
cao nhất trên thế giới thuộc khối các nước như Israen, Hồng Kông, Singgapo và Đài
Loan (ba con rồng Châu Á). Đến năm 1995, Hàn Quốc trở thành quốc gia phát triển
lớn thứ ba sau Trung Quốc, Braxin tính theo quy mô kinh tế GDP. Năm 1996, Hàn
Quốc trở thành thành viên của OECD.
Người ta thường nhắc đến sự phát triển thần kỳ về kinh tế của Hàn quốc giống
như là một huyền thoại về "Kỳ tích sông Hàn” và cho đến nay huyền thoại này vẫn
còn tiếp tục. Hàn Quốc hiện đang là nền kinh tế lớn thứ ba ở Châu Á và lớn thứ 15
trên thế giới. Trong năm 2005, giá trị thương mại Hàn Quốc đạt tới 545 tỷ đôla, đứng
thứ 12 trên thế giới. Hàn Quốc cũng có nguồn dữ trữ ngoại tệ lớn thứ 4. Mặc dù giá
dầu lửa cao và chi phí nguyên liệu ngày càng tăng, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn đang
tăng trưởng ở một mức độ tốt. Ngoài ra, cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống
của nhân dân cũng được nâng cao rất nhanh trở nên ngang bằng thậm chí cao hơn các
quốc gia phát triển khác ở châu Âu và các nước Bắc Mỹ. Chỉ số phát triển con người
(HDI) đạt 0,912 vào năm 2006.
Duy trì sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc là những ngành công nghiệp then
chốt và đã được thế giới công nhận. Hàn Quốc là quốc gia đóng tàu lớn nhất thế giới;
đối với chất bán dẫn: đứng thứ 3 thế giới; hàng điện tử: đứng thứ 4. May mặc, sắt thép

và các sản phẩm hóa dầu của Hàn Quốc đứng thứ 5 nếu xét về tổng giá trị và ô tô
đứng thứ 6 trên thế giới. Đặc biệt. ngành đóng tàu của Hàn Quốc là một ngành công
nghiệp tiên phong, chiếm 40% đơn đặt hàng đóng tàu của cả thế giới trong năm 2005.
Ngoài ra, giống như nhiều quốc gia phát triển khác, ngành dịch vụ Hàn Quốc cũng
đang phát triển hết sức mạnh mẽ và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP
cả nước, chiếm tới 70% GDP năm 2008. Trong đó, nổi bật và giàu tiềm năng nhất
phải kể đến ngành du lịch. Cùng với ngành đóng tàu, ngành du lịch đã thực sự tạo nên
những lợi thế cạnh tranh rất lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc.
2. Áp dụng mô hình kim cương để phân tích năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc
2.1 Điều kiện yếu tố sản xuất
a) Ngành đóng tàu
• Cơ sở hạ tầng
Hàn Quốc nằm trên Bán đảo Triều Tiên, một bán đảo trải dài 1.000 km từ bắc
tới nam, ở phần đông bắc của lục địa châu Á, nơi hải phận của bán đảo tiếp giáp với
phần cực tây của Thái Bình Dương. Phía bắc bán đảo tiếp giáp với Trung Quốc và
Nga. Phía đông của bán đảo là Biển Đông, xa hơn nữa là nước láng giềng Nhật Bản.
Ngoài bán đảo chính còn có hơn 3.200 đảo nhỏ. Bao quanh là đại dương với đường
biển dài 2413km và hệ thống cảng biển phát triển, gồm 51 cảng trong đó có 28 cảng
quốc tế,Busan là cảng container lớn nhất Hàn Quốc và lớn thứ 3 thế giới. Vì thế, kéo
theo sự hình thành và phát triển các hoạt động kinh tế liên quan, đặc biệt là ngành
đóng tàu.
Vị trí địa lý thuân lợi đã tạo điều kiện phát triển hệ thống cảng biển tối tân,
rộng khắp từ đó dẫn đến sự ra đời của hàng loạt các xưởng đóng tàu, với quy mô phân
bố các xưởng đóng tàu theo hướng tận dụng lợi thế cảng biển. Hơn nữa, hệ thống nhà
xưởng hiện đại ngày càng được quan tâm, đầu tư và trở thành yếu tố đầu vào cao cấp,
chuyên môn hóa của ngành đóng tàu Hàn Quốc.
• Nguồn nhân lực
Đóng tàu là ngành đòi hỏi và thu hút một lượng lao động lớn. Hiện nay, ngành
đã tuyển dụng hơn 130.000 lao động với chi phí nhân công chiếm khoảng 30% chi phí
toàn ngành. Con số này đã ít nhiều phản ánh được sự phát triển về quy mô của ngành.

Lao động trong ngành đóng tàu Hàn Quốc có ưu thế về tay nghề và trình độ kỹ
thuật cao. Trung bình một lao động của Tập đoàn Huyndai có kinh nghiệm làm việc
19 năm tại xưởng đóng tàu. Lao động trong ngành đóng tàu không chỉ có kinh nghiệm
mà Hàn Quốc còn rất chú trọng đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, Hàn
Quốc đã có 14 trường đại học đào tạo lao động cho ngành đóng tàu với chương trình
giảng dạy 4 năm. Với nguồn đàu tư lớn của 3 tập đoàn đóng tàu lớn nhất của Hàn
Quốc vào các trường đại học và chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu phát
triển công nghệ của Chính Phủ Hàn Quốc đã ngày càng tạo ra cho ngành đóng tàu
Hàn Quốc lực lượng lao động có uy tín và chất lượng cao, là yếu tố đầu vào cao cấp
của ngành - một yếu tố quan trọng tạo nên lợi thế cạnh tranh cho ngành đóng tàu Hàn
Quốc
• Trình độ khoa học công nghệ
Hàn Quốc luôn tự hào đi đầu trong ứng dụng công nghệ. Theo báo cáo điều tra
toàn cầu năm 2008, trình độ khoa học công nghệ của Hàn Quốc đã tăng 2 bậc và hiện
đang đứng ở mức thứ 5 thế giới. Vị trí này có được là do chính sách đầu tư hợp lý vào
hoạt động R&D ở cấp quốc gia. Một kênh trao đổi thông tin công nghệ được duy trì
trong toàn ngành thông qua các cuộc tiếp xúc giữa các kỹ sư đóng tàu. Đây là phương
pháp hữu hiệu để các kỹ sư có thể tiếp cận thông tin, nâng cao trình độ của mình. Các
doanh nhiệp Hàn Quốc luôn nỗ lực tìm biện pháp giảm thiểu khoảng cách về công
nghệ thông tin của nước mình so với thế giới. Công nghệ 3D, CAD đang được ứng
dụng và ko ngừng được cải tiến trong hoạt động của ngành. Với thế mạnh là một
cường quốc thông tin, Hàn Quốc còn kết hợp công nghệ đóng tàu với công nghệ IT để
phát triển những loại tàu mới như tàu thông minh có thể điều khiển từ đất liền và tàu
chở dầu phá băng mà không phải nơi nào cũng sản xuất được. Chỉ duy nhất các hãng
đóng tàu Hàn Quốc có thể làm ra những chiếc tàu đặc biệt như thế cùng nhiều loại tàu
khác đáp ứng theo đơn đặt hàng của chủ tàu.
b) Ngành du lịch
• Tài nguyên thiên nhiên
Với 4 mùa rõ rệt, địa hình đa dạng bao gồm cả núi, biển, đồng bằng và một nền
lịch sử lâu đời, Hàn Quốc là đất nước của những phong cảnh thiên nhiên kỳ thú và di

tích văn hóa vô giá. Các điểm đến của Hàn Quốc liên tục thu hút rất nhiều khách du
lịch cho đất nước này.
Trước tiên có lẽ phải kể đến các cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của Hàn Quốc.
Với ba mặt giáp biển, Hàn Quốc đã phô diễn rất nhiều cảnh vật phong phú điển hình.
Đáng tự hào nhất có lẽ phải kể đến đảo Jeju - hòn đảo lớn nhất của Hàn Quốc và
được đánh giá là “Thiên đường du lịch” lý tưởng, quyến rũ. Nơi đây đã được
UNESCO công nhân là di sản văn hóa thế giới bởi sự kỳ bí, tuyệt đẹp của nó. Bên
cạnh đảo Jeju, còn có rất nhiều hòn đảo và các bãi biển đặc sắc, có thể kể ra như: đảo
Nami, bãi biển Haeundae, bãi biển Gwangalli…
Ngoài ra, Hàn Quốc còn hấp dẫn khách du lịch bởi hàng trăm di tích lịch sử
và văn hóa đặc sắc. Các di tích lịch sử điển hình có thể kể đến như khu di tích Shilla
tại Gyungju, Tong miếu tại Seoul, khu di tích hóa thạch tại Suwon, cung điện
Changdeok, Gyungbok, …Các di tích này đều đã được công nhận là di tích lịch sử
quốc gia, ghi dấu những thời kì lịch sử vàng son của Đại Hàn Dân Quốc. Ngoài ra, bất
cứ nơi nào, du khách cũng có thể bắt gặp những ngôi chùa, mái đền, cột tháp hay
những điện thờ nơi chúng ta có thể cảm nhận những ý tưởng độc đáo khuynh hướng
kiến trúc và nghệ thuật cổ của Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống cũng là một trong những điểm hấp dẫn
và mời gọi du khách đến với Hàn Quốc. Với một nền văn hóa lâu đời và giàu bản sắc,
mỗi lễ hội của Hàn Quốc đều có những nét độc đáo và thu hút riêng. Hàng năm, tính
trung bình có khoảng hơn ba mươi lễ hội truyền thống rất lớn được tổ chức ở khắp các
địa phương, tiêu biểu nhất có lẽ là : lễ hội văn hóa Hyoseok, lễ hội nấm Yangyang
Songyi, lễ hội Rượu và bánh gaọ Gyeongju, lễ hội nhân sâm Geumsan, , lễ hội gốm
Gimhae,
Thời gian gần đây, công viên chủ đề hiện đang là điểm tham quan tăng
nhanh ở nhiều quốc gia và nhận được sự ưa thích rất lớn của du khách. Hiện nay
có sáu công viên chủ đề lớn ở Hàn Quốc và trong đó, phổ biến nhất là Lotte
World, Everlandvà Seouland. Lotte World là công viên chủ đề trong nhà lớn nhất thế
giới và nằm ở phía đông nam Seoul. Everland (tiền thân là "Nông trại Yongin"), mặc
dù diện tích chỉ bằng một phần trăm của Công viên thế giới Nhật Bản, nhưng là công

viên chủ đề đầu tiên lớn nhất ở Hàn Quốc và được xếp vị trí thứ 8 trong danh sách 10
công viên du lịch giải trí thu hút đông du khách nhất thế giới.
• Nguồn nhân lực
Hướng dẫn viên là nguồn nhân lực có giá trị nhất đối với ngành du lịch. Bởi lẽ
họ làm việc như là những đại sứ của đất nước. Tất cả các hướng dẫn viên du lịch đều
phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện mới được cấp giấy phép hành nghề. Họ sẽ
làm việc như một hướng dẫn viên quốc tế hoặc là như một hướng dẫn viên du
lịch trong nước. Theo thống kê thì hiện ở Hàn Quốc, có 10.396 hướng dẫn viên quốc
tế chịu trách nhiệm đối với các đoàn khách nước ngoài và 46.780 hướng dẫn viên du
lịch trong nước. Những con số này thể hiện một nguồn nhân lực hết sức dồi dào và
đông đảo, cực kì có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành du lịch Hàn Quốc
Về chất lượng, khảo sát hàng năm được tiến hành bởi Tổ chức du lịch quốc
gia Hàn Quốc (KNTO) đã chỉ ra rằng hầu hết các khách du lịch đều rất hài lòng với
vốn kiến thức chung của các hướng dẫn viên du lịch Hàn Quốc. Số lượng hướng dẫn
viên được đào tạo bài bản trong các trường ngày càng tăng cao. Hiện nay con số ấy
chiếm tới hơn 66,7%. Hầu hết tất cả các hướng dẫn viên đều thành thạo từ hai ngoại
ngữ trở nên. Những hướng dẫn viên thành thạo tiếng Nhật và tiếng Anh thì tương đối
nhiều, tuy nhiên thành thạo tiếng Trung Quốc thì đang thiếu. Hiện nay, một biện
pháp tạm thời nhằm giảm bớt tình trạng này đang được áp dụng là cấp giấy phép tạm
thời để những người Trung Quốc có thể trở thành hướng dẫn viên cho các đoàn khách
Trung Quốc.
• Cơ sở hạ tầng

Hệ thống giao thông đường bộ và vận tải biển
Để cải thiện khả năng tiếp cận, nhà nước đã tiến hành nhiều dự án xây dựng và
nâng cấp đường bộ, đường ray nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thông vận
tải. Mạng lưới đường xe tải ở Hàn Quốc là khá rộng rãi và phục vụ chủ yếu là xe
tải và xe bus, nó chính là đại diện cho một chế độ vận chuyển rẻ tiền cho mọi người
dân địa phương
Ngoài ra, Hàn Quốc còn có một mạng lưới đường sắt kết nối tất cả các thành

phố lớn và hệ thống bán vé thì được điều khiển hoàn toàn bởi máy tính. Tuyến đường
sắt quốc gia Hàn Quốc vận hành rất nhanh chóng, đáng tin cậy, lịch trình chặt
chẽ và giá cả vừa phải. Nó được coi là một công cụ trợ giúp đắc lực nhằm hạn chế
tình trạng ùn tắc nổi tiếng của Seoul. Mạng lưới đường sắt siêu tốc Saemaul-ho
không bị ảnh hưởng bởi sự tắc nghẽn và do đó nó được đánh giá là phương tiện hiệu
quả nhất để đi du lịch khắp đất nước. Với những mạng lưới giao thông ngày càng có
chất lượng cao như thế, theo thống kê, mười năm qua, trong lĩnh vực vận tải hành
khách thì vận tải bằng đường sắt trung bình tăng 2,5% hàng năm.
Bên cạnh đó, hệ thống tàu điện ngầm Seoul cũng rất hiện đại, nhanh chóng và
rẻ tiền. Nó đã đón phần lớn các đoàn khách du lịch chính của thành phố và được dán
nhãn tiếng Anh khiến cho du khách có thể dễ dàng nhận ra.Hàn Quốc cũng có một
mạng lưới các bến phà nối ra các hải đảo, các hồ nước ngoài xa nhằm phục vụ nhu
cầu của những du khách thích du lịch trên biển. Hiện nay có những bến phà đã liên
kết Incheon với Đại Liên, Uy Hải và Thanh Đảo, Trung Quốc tạo nhiều thuận lợi cho
việc thu hút các hoạt động du lịch.

Vận tải hàng không
Về hàng không, Hàn Quốc hiện có 17 sân bay, trong đó Incheon, Kimpo,
Kimhae và Cheju là các sân bay quản lý các chuyến bay quốc tế. Hai sân bay trong
nước tại Yangyang và Muan hiện đang được xây dựng để đáp ứng nhu cầu ngày càng
tăng của vận tải hàng không . Trung bình, cứ mỗi một tỉnh trong số chín tỉnh lại có sân
bay riêng phục vụ cho các chuyến bay nội địa cũng như phục vụ nhu cầu vận tải hàng
không trong phạm vi Hàn Quốc,do đó, cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi.
Sân bay Incheon mới được mở từ tháng 3 năm 2001 nhằm mục đích tăng
cường công suất vận tải của ngành cũng như biến Seoul trở thành một trung tâm giao
thông, trở thành cửa ngõ chính để liên kết Hàn Quốc với các khu vực khác của châu
Á. Nó thay thế Kimpo, sân bay quốc tế cũ đã đạt công suất tối đa của
nó sau khi hoạt động trong khoảng hai thập kỷ. Incheon được đặt ở một vị trí
rất thuận tiện cách Seoul 52 km với hai đường băng và nó có thể chuyên chở
tới 27 triệu hành khách. Hiệu quả hoạt động cũng như công suất vận hành cao đã cho

phép nó có thể cạnh tranh thuận lợi với các sân bay lân cận như Narita của Nhật
Bản và Chek Lap Kok của Hồng Kông.
Trong năm 2011, hơn 70 hãng hàng không đến từ hơn 100 thành phố lớn trên
thế giới đã bay tới Hàn Quốc. Hiện nay, ở Hàn Quốc có hai hãng hàng không lớn là
Korean Air và Asiana Airlines. Korean Air, một trong số ít các hãng hàng không trên
thế giới có các chuyến bay đến cả 6 châu lục, là một thành viên của
SkyTeam và là một trong số 20 hãng hàng không lớn nhất trên thế giới, đã kết nối hơn
100 thành phố tại 40 quốc gia. Asiana Airlines được thành lập vào tháng 2
năm 1988 và là hãng hàng không lớn thứ hai của Hàn Quốc và hiện nay đang
phục vụ khoảng 70 thành phố tại 27 quốc gia. Cả hai hãng hàng không đều có uy tín
hoạt động và độ an toàn tương đối tốt. Sự cạnh tranh giữa hai hãng này
cũng ngăn cản tình trạng độc quyền và góp phần làm giảm áp lực về giá vé.
Như vậy, điều kiện về yếu tố sản xuất là một trong những nhân tố rất quan trọng
làm nên lợi thế cạnh tranh của Hàn Quốc. Tuy nhiên, với mỗi ngành lợi thế về điều
kiện này lại được biểu hiện ở các nhân tố cụ thể khác nhau. Đối với ngành đóng tàu,
lợi thế này tập trung chủ yếu vào điều kiện cơ sở hạ tầng, cụ thể là hệ thống các cảng
biển, trình độ nguồn nhân lực và trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Còn đối với
ngành du lịch, sự giàu có của tài nguyên thiên nhiên, sự đa dạng và phong phú về bản
sắc và văn hóa là nhân tố cơ bản nhất làm nên tiềm năng cạnh tranh. Ngoài ra sự phát
triển của hệ thống giao thông- vận tải cũng là nhân tố không thể thiếu đối góp phần
vào sự phát triển của ngành du lịch xứ sở Kim chi.
2.2 Điều kiện về cầu
a) Ngành đóng tàu
Hiện nay, khoảng 90% lượng tàu biển của Hàn Quốc được sản xuất đáp ứng
nhu cầu ngoài nước. Vì vậy cầu nội địa không phải nhân tố quan trọng duy trì lợi thế
cạnh tranh trong ngành công nghiệp đóng tàu của quốc gia này.
Năm Trong nước Ngoài nước
2000 3 500
2001 1 474
2002 496

2003 5 733
2004 4 914
2005 980
2006 1164
2007 3 1521
2008 17 1673
2009 16 1336
2010 71 1048
Bảng 1: Lượng đơn đặt hàng đóng tàu của Hàn Quốc năm 2000-2010
(Nguồn: )
Có thể thấy qua các năm lượng đơn đặt hàng đối với ngành đóng tàu Hàn
Quốc đều là những con số rất lớn đặc biệt là lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài.
Lượng đơn đặt hàng trong nước mặc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng cũng đang càng
ngày càng có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Nhu cầu mạnh mẽ và rộng khắp ở cả
trong nước và nước ngoài thực sự là một nhân tố thúc đẩy ngành đóng tàu Hàn Quốc
không ngừng phát triển. Năm 2007 ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc nhận được
lượng đơn đặt hàng với tổng trị giá là 49.967.000 DTW, chiếm 36% tổng số các đơn
đặt hàng của toàn thế giới, nội địa chỉ chiếm 0,1% lương đơn đặt hàng. Năm 2011, số
lượng đơn đặt hàng trên toàn thế giới trong quý 1 là 6,29 triệu CGT, giảm 6,6% so với
năm ngoái. Tuy nhiên, do đơn đặt hàng đầu năm đều tập trung vào tàu có giá trị gia
tăng cao như tàu container, tàu khoan dầu, tàu LNG mà đây lại là thế mạnh của Hàn
Quốc. Do đó, Hàn Quốc đã chiếm tới 52,46% số lượng đơn đặt hàng trên toàn thế giới
trong quý I.
b) Ngành du lịch
Cả nhu cầu trong nước và nước ngoài đều đóng một vai trò quan trọng trong việc
tạo động lực để thúc đẩy ngành du lịch không ngừng nâng cao lợi thế cạnh tranh của
mình. Ngoài ra, người tiêu dùng càng khắt khe và khó tính thì đòi hỏi ngành du lịch
càng phải cải thiện và nâng cao chất lượng về mọi mặt để đáp ứng cho kì được những
yêu cầu đó. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch tiên tiến
Về nhu cầu nước ngoài, trong năm 2009, khách du lịch chiếm tới 74,1% trong

tổng số hành khách đến với đất nước Hàn Quốc, trong khi các chuyến đi công tác và
các cuộc thăm tương ứng chỉ chiếm 3,4% và 0,6%. 21,9% còn lại bao gồm các hành
khách đến thăm gia đình và những người khác . Về con số cụ thể, ước tính tầm
khoảng 6.659.785 và riêng du khách đến từ Nhật Bản đã chiếm 46,9%.
Cầu nội địa ngày càng có sự gia tăng đặc biệt là trong kỳ nghỉ. Đó là một kết quả
của việc thu nhập tăng cao, thời gian giải trí nhiều hơn và sự thay đổi trong ý thức
của người dân. Năm 1999, theo thống kê, khoảng 33 triệu dân tức là khoảng 91,8%
người dân Hàn Quốc từ 13 tuổi trở lên đã đi du lịch ít nhất là một ngày trong năm,
tăng 5% so với năm 1997. Nhu cầu trong nước lớn (gấp khoảng sáu lần nhu cầu nước
ngoài) đã góp phần thúc đẩy sự đầu tư của các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ du
lịch, đồng thời, nó cũng tạo ra những tác động hỗ trợ cần thiết cho ngành dịch vụ này
khi nhu cầu từ thị trường nước ngoài mới ở giai đoạn đầu tăng trưởng. Gần đây, các
chương trình và các gói du lịch trong nước đang có sự thay đổi, đáp ứng mục tiêu xây
dựng lối sống của người dân theo định hướng văn hóa trong một đất nước già hóa và
tuổi thọ ngày càng tăng cao.
Bên cạnh sự tăng cao trong nhu cầu, những thay đổi và đòi hỏi của du khách
cũng là điều kiện thúc đấy ngành du lịch ngày càng đa dạng hóa và mới mẻ hơn.
Trong các hình thức du lịch, hình thức du lịch gia đình hiện ngày càng tăng, các loại
hình du lịch cũng thay đổi từ tham quan ngắm cảnh đơn thuần sang loại hình du lịch
trải nghiệm thực tế. Quan niệm về một kỳ nghỉ cũng đã dần dần thay đổi. Không chỉ
đơn thuần là để nghỉ dưỡng, hiện nay du khách đang dành sự quan tâm cho các tour
du lịch mang nhiều tính vận động hơn, ở đó du khách sẽ theo đuổi và đạt được sự hài
lòng thông qua các hoạt động sáng tạo như nghệ thuật, thể thao và các chương trình
tự phát triển bản thân. Làm gốm sứ và taekwando là một ví dụ về các hoạt động du
lịch hiện đàng ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc. Triển lãm Gốm sứ 2001 đã thu hút
hơn 600.000 khách du lịch đến từ hơn 81 quốc gia trên thế giới tham dự.
Như vậy, đối với cả hai ngành, điều kiện về cầu đều là nhân tố đóng vai trò
tích cực đối với sự phát triển của ngành, góp phần tăng cường và nâng cao lợi thế
quốc gia. Tuy nhiên, đối với ngành đóng tàu, điều kiện về cầu ở đây chủ yếu chỉ là cầu
từ nước ngoài, cầu nội địa thực sự đóng vai trò không quan trọng lắm trong việc tạo

dựng lợi thế. Còn đối với ngành du lịch, cả cầu nội địa và cầu nước ngoài đều là nhân
tố hết sức có ý nghĩa. Ngoài ra, những đặc điểm, đòi hỏi trong nhu cầu của khách
hàng cũng chính là định hướng để cả hai ngành có những điều chỉnh, phát huy và tạo
dựng nên lợi thế cạnh tranh vượt trội của mình.
2.3 Các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan
a) Ngành đóng tàu
• Ngành thép
Thép được coi là nguyên vật liệu cốt lõi cho ngành công nghiệp đóng tàu,
chiếm khoảng 20% lượng vật tư một con tàu. Chính vì vậy sự biến động của thị
trường thép sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngành này. Khi giá thép tăng sẽ làm cho giá một
con tàu tăng lên. Chi phí thép chiếm khoảng 15% giá thành và khoảng 13% giá bán.
Do đó nếu giá thép tăng 10% thì lãi gộp giảm đi khoảng 1,3%.
Ngành công nghiệp thép Hàn Quốc thực sự bắt đầu đi lên sau khi chiến tranh kết thúc
và khi chính phủ lần đưa ra chiến lược “phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất” vào
năm 1962. Theo Hiệp hội thép Quốc tế, năm 1970 Hàn Quốc chiếm 0,1% sản lượng
thép thô toàn thế giới. Hiện tại, Hàn Quốc đang là quốc gia đứng thứ 6 thế giới về sản
xuất thép, năm 2009 đạt 48,6 triệu tấn và chiếm 4% sản lượng thép thô toàn thế giới.
POSCO và Huyndai đã trở thành 2 công ty sản xuất thép đứng đầu thế giới xếp hạng
thứ 4 và thứ 30 trong năm 2008 do Hiệp hội thép Quốc tế đánh giá.
Biểu đồ : Thị phần về sản lượng thép thô thế giới của Hàn Quốc
(Nguồn : Hiệp hội thép Thế giới)
Chủng loại Thép loại dài Thép dẹt Thép ống Tổng cộng
1995 14,9 (40,6%) 17,3 (47,1%) 4,5 (12,3%) 36,8 (100%)
2000 15,8 (36,6%) 23,0 (53,4%) 4,3 (10%) 43,1 (100%)
2005 16,2 (33,8%) 26,6 (55,7%) 5,0 (10,5%) 47,8 (100%)
2010 - - - 57,5
Bảng 2: Sản lượng thép của Hàn Quốc theo chủng loại (đơn vị: triệu tấn)
(Nguồn: Hiệp hội thép Quốc tê, Hiệp Hội sắt thép hàn Quốc)
Theo những số liệu ở trên, sản lượng thép qua các năm đều có sự gia tăng
nhanh chóng và liên tục từ 36,8 triệu tấn (1995) đã đạt tới 57,5 triệu tấn (2010). Thép

dẹt chiếm tỉ trọng khá cao trong tổng sản lượng khi so sánh với các loại thép khác.
Nguyên nhân là nhu cầu thép loại dài cho các công trình và việc xây dựng cơ sở hạ
tầng đang giảm còn sản lượng thép dẹt dùng trong ngành đóng tàu, máy móc và điện
tử lại tăng. Năm 2010 nhu cầu về thép cho ngành đóng tàu tăng 21,1%. Sự phát triển
và lớn mạnh của ngành thép thực sự sẽ tạo những tiền đề hết sức thuận lợi cho ngành
công nghiệp đóng tàu phát triển.
• Ngành cơ khí
Ra đời kể từ đạo luật khuyến khích phát triển ngành công nghiệp đóng tàu,
được thông qua năm 1967, ngành công nghiệp cơ khí đã phát triển nhanh chóng. Nhập
khẩu sản phẩm cơ khí giảm từ 62% năm 80 xuống còn 10% từ năm 2008, đứng thứ 8
thế giới về công nghiệp cơ khí. Hiện nay sản phẩm của ngành không chỉ đáp ứng nhu
cầu nội địa mà còn đóng góp vào giá trị xuất khẩu. Có khoảng 463 doanh nghiệp ở
Hàn Quốc cung cấp thiết bị đóng tàu, đứng đầu là Huyndai, Dossan…đáp ứng 90%
các bộ phận của tàu biển Hàn Quốc. Ngành cơ khí cung cấp đa dạng vật tư: vỏ tàu,
động cơ, máy chân vịt, thiế bị cắt, hàn. Tổng giá trị trang thiết bị tàu biển được cung
cấp nội địa năm 2007 là 7,3 tỷ đô la mỹ chiếm 85% sản lượng toàn ngành, xuất khẩu
đạt 1,3 tỷ đô mỹ. Chi phí về cơ khí chiếm 36% tổng chi phí các xưởng đóng tàu.
Hiện nay, tình hình thị trường thế giới đã làm gia tăng khuynh hướng các nhà máy
đóng tàu Hàn Quốc chuyển sang đóng những con tàu kỹ thuật cao và yêu cầu có công
nghệ chuyên sâu. Ví dụ điển hình là các loại tàu chở container, LNG, LPG, dầu sản
phẩm; tàu nạo vét, tàu chở khách du lịch cao cấp. Chính vì vậy đòi hỏi các doanh
nghiệp cơ khí đóng tàu của Hàn Quốc cũng phải tích cực đổi mới công nghê.
b) Ngành du lịch
• Ngành khách sạn
Ở Hàn Quốc, ngành công nghiệp khách sạn địa phương chủ yếu là phát triển từ
năm 1960 (20 khách sạn) đến 1990 (300 khách sạn). Hai mươi năm cuối cùng, rất
nhiều khách sạn siêu sang trọng thuộc chuỗi khách sạn quốc tế như Hyatt, Hilton,
Sheraton, Intercontinental, Marriott và tập đoàn Accor mở ra ở Seoul. Những năm sau
đó, ngày càng nhiều hãng khách sạn nổi tiếng xuất hiện ở Seoul(Ibis,Bestwestern ).
Một sự tăng trưởng đáng kể trong khách sạn đã diễn ra trong thời gian Thế vận hội

Seoul Năm 1988. Như năm 2009, 457 khách sạn du lịch với 47.536 phòng đã được
đăng ký trên toàn quốc, trong đó Seoul chiếm 36,3% và Pusan 11,6% tổng số
phòng. Về mức giá, khách sạn của Hàn Quốc rẻ hơn khi so sánh với Nhật Bản hay
Hồng Kông (Phân tích về ngành Du lịch - Tạp chí liên ngành năm 2010)
• Ngành dịch vụ du lịch
Theo Luật Xúc tiến Du lịch, các doanh nghiệp góp phần vào việc thúc đẩy du
lịch được chỉ định là nhà cung cấp dịch vụ hay tiện nghi liên quan đến du lịch. Bảy
nhóm dịch vụ du lịch được thông qua bởi Bộ Văn hóa và Du lịch bao gồm kinh doanh
liên quan đến chụp hình, xe khách, bán rượu được làm từ đặc sản địa phương, nhà
hàng chuyên dành cho khách du lịch, khu vui chơi giải trí, nhà hàng nói chung và dịch
vụ cung cấp tour du lịch. Tính đến tháng 12 năm 2009, đã có 973 cơ sở dịch vụ du
lịch nhằm tăng cường sự hài lòng của khách du lịch và các cuộc điều tra thường xuyên
thực hiện của KNTO (2010) tiết lộ rằng họ đã thực sự đáp ứng mục tiêu đề ra.
• Công nghệ thông tin (CNTT)
CNTT ngày càng tham gia một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch
của Hàn Quốc. Internet đã cách mạng hóa ngành du lịch bằng việc gia tăng luồng
thông tin và cung cấp các kênh phân phối mới. Hàn Quốc có lượng thâm nhập băng
tần cao nhất trên thế giới (Sull, 2001) và KNTO góp phần làm nên điều này bằng cách
sử dụng Internet như một phương tiện thông tin công khai và công cụ phân phối.
Không một ngành kinh tế nào có thể tồn tại độc lập với các ngành khác trong
nền kinh tế. Sự phối hợp giữa các ngành hỗ trợ và có liên quan sẽ góp phần thúc đẩy
nền kinh tế phát triển bền vững và hiệu quả. Sự lớn mạnh vượt bậc của ngành thép và
ngành cơ khí Hàn Quốc suốt thời gian qua đã góp phần cung cấp nguồn nguyên vật
liệu và nguồn trang thiết bị vật tư thiết yếu đối với ngành đóng tàu. Chúng đã thực sự
tạo nên nền tảng vững chắc cho ngành này cất cánh. Tiếp tục nhìn nhận trong ngành
du lịch, một lần nữa điều này được khẳng định, sự phát triển của ngành công nghệ
thông tin, sự đa dạng và chuyên nghiệp của các ngành dịch vụ hỗ trợ du lịch chính là
nhân tố làm nên lợi thế và tiềm năng của ngành trong hiện tại và tương lai.
2.4 Chiến lược, cơ cấu và môi trường cạnh tranh
a) Ngành đóng tàu

Hàn Quốc có 7 công ty đóng tàu lớn nhất thuộc hiệp hội các nhà đóng tàu Hàn
Quốc nằm trong top10 hãng đóng tàu lớn nhất thế giới và khoảng 58 công ty vừa và
nhỏ. Huyndai, Samsung và Daewoo là ba Tập đoàn đóng tàu lớn nhất của Hàn Quốc.
Thực tế này cho thấy khả năng cạnh tranh mạnh mẽ của các công ty đóng tàu quốc gia
này.
Chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện phát huy năng lực của các doanh nghiệp
thông qua việc thành lập các Cheabol- một hình thức tập đoàn có cơ cấu tổ chức chặt
chẽ. Các cheabol cạnh tranh gay gắt với nhau. Công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc có sự
tham gia của ba cheabol lớn nhất đó là: Huyndai, Samsung và Daewoo. Năm 2007, ba
cheabol này chiếm 68% thị phần tàu biển của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Các hãng tàu có quy mô khác nhau, chính sách về chủng loại sản phẩm cũng
ko giống nhau. 95% sản lượng tàu thủy do 8 tập đoàn lớn nhất đảm nhận. Các công ty
có quy mô lớn tập trung vào các loại tàu có giá trị gia tăng cao như tàu LNG, tàu
LPG, tàu container. 5%sản lượng còn lại của ngành đóng tàu Hàn Quốc do các hãng
tàu vừa và nhỏ đảm nhận. Các hãng này hướng tới tàu chở dầu bậc trung như tàu chở
hóa chất, tàu chở dầu, tàu chở hàng.
Tuy các hãng tàu có sự cạnh tranh mạnh mẽ nhưng họ sẵn sàng hợp tác với
nhau trong các lĩnh vực liên quan tới công nghệ để đánh bại các đối thủ nước ngoài.
Do đặc điểm ngành công nghiệp đóng tàu đòi hỏi nhiều thời gian và địa điểm sản xuất
rộng lớn nên các hãng đóng tàu nhận thấy phải lập các tổ hợp để tăng cường sự phối
hợp giữa các công đoạn sản xuất. Do đó, 60% các nhà sản xuất các thiết bị phục vụ
cho ngành công nghiệp này tập trung ở Gyangnam, nơi có quy tụ các xưởng đóng tàu
lớn như Huyndai, STX
b) Ngành du lịch
Sự tương tác giữa các các công ty đã định hình ngành du lịch Hàn Quốc. Sự
cạnh tranh khu vực và hợp tác hoạt động trở thành chiến lược quan trọng cho các công
ty trong ngành này.
Trong vận chuyển hàng không, đội bay của Asiana có kích thước bằng một
phần ba so với kích thước đội bay của Korean Air nhưng lại rất phù hợp với một số
tuyến đường không nhất định, chẳng hạn như có thể cạnh tranh với Mỹ bởi giá thấp

hơn do đó thúc đẩy du lịch bằng đường hàng không (Lonely Planet, 2009).Korean Air
là một thành viên của liên minh Sky Team cùng với hơn 10 hãng hàng không khác
trong khi Asiana vẫn hoạt động độc lập. Hai hãng hàng không này có thể tiến hành
thương lượng mở rộng bầu trời với những nước lớn, tiến tới cung cấp nhiều tùy chọn
chuyến bay và điểm đến du lịch hơn. Chiến lược cạnh tranh bằng cách hình thành liên
minh đã được nhiều hãng hàng không trên thế giới áp dụng để đối phó với cạnh tranh
ngày càng gia tăng trên trường quốc tế.
Xét về khía cạnh quốc tế, Nhật Bản và Trung Quốc, bên cạnh là nguồn chính
của thị trường cho khách du lịch trong nước, cũng là các đối thủ địa lý của của Hàn
Quốc. Các sản phẩm du lịch, chẳng hạn như các điểm tham quan danh lam thắng cảnh
và khu nghỉ mát trượt tuyết có sẵn ở phía bắc-đông Trung Quốc và khu nghỉ suối nước
nóng của Nhật Bản là một trong những điểm thu hút chính. Hàn Quốc đã phát triển
các chiến lược đối phó như củng cố chất lượng cung cấp các dịch vụ khách hàng, cơ
sở hạ tầng hiệu quả và giá cả phải chăng để cạnh tranh với các nước láng giềng của
mình. Cần phải nhìn nhận rằng, Hàn Quốc có những lợi thế hơn so với Trung Quốc và
Nhật Bản trong hỗ trợ du lịch bởi vì cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc nói
chung là thiếu và Nhật Bản là một điểm du lịch đắt tiền hơn nhiều đối với hầu hết các
khách du lịch. KNTO nhận định rằng trượt tuyết và các gói có liên quan là điểm thu
hút lớn của Hàn Quốc. Các cơ quan du lịch Hàn Quốc cũng đã thành lập các chương
trình hợp tác với các nước láng giềng để thúc đẩy du lịch lẫn nhau.Ví dụ như khu vui
chơi giải trí trên biển hợp tác giữa Bắc Đông Trung Quốc (Thiên Tân và Weihai) và
Nhật Bản (Fukoka và Hakada), qua Hàn Quốc (Incheon, Pusan). Một chương trình
khác là chương trình hợp tác giữa KNTO và Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản
(JNTO) và Tổ chức Du lịch quốc gia Hồng Kông (HKNTO), theo đó có chương trình
khuyến mãi chung cho du lịch trong khu vực và phát triển của các gói hấp dẫn hơn,
xuyên quốc gia, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của mỗi nước.
Như vậy, chiến lược hợp tác hay cạnh tranh của các hãng , các công ty trong
ngành đều có những tác động và vai trò nhất định đối với sự lớn mạnh và phát triển
của ngành. Với mỗi ngành thì sự cạnh tranh hay hợp tác đó lại có những hiệu quả
khác nhau, nhưng tựu chung lại chúng đều góp phần kích thích, tạo động lực để từng

doanh nghiệp không ngừng đổi mới, nâng cao sức mạnh của bản thân mình trên thị
trường nội địa (chiến lược cạnh tranh) đồng thời cũng góp phần tạo dựng lợi thế cho
sản phẩm của quốc gia so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới
2.5 Chính phủ
a) Ngành đóng tàu
Chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò là nhân tố quan trọng trong việc định hướng và
hỗ trợ cho sự phát triển cúa công nghiệp đóng tàu. Chính phủ đã thông qua hàng loạt
các chính sách như: “Kế hoạch 5 năm tăng trưởng kinh tế”, đặc biệt là “kế hoạch 5
năm thứ 3 và thứ 4” (1971-1981) góp phần thúc đẩy nhanh chóng ngành công nghiệp
đóng tàu Hàn Quốc .
Ở giai đoạn đầu, chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh
nghiệp tư nhân tham gia đầu tư cho ngành đóng tàu. Chính phủ can thiệp vào cơ chế
thị trường, trợ cấp trực tiếp, cung cấp tài chính dễ dàng, giành ưu đãi về các đơn đặt
hàng, kêu gọi đầu tư nước ngoài…Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc cũng tập trung
phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa con tàu,
giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp đóng tàu. Kết
quả, kể từ những năm 1960, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc đã có nhiều
sự thay đổi. Trong những năm 60, các sản phẩm nông, ngư nghiệp chiếm khoảng 1/4
tổng giá trị xuất khẩu và ngành dệt và hàng may mặc chiếm 1/3. Nhưng trong những
năm 2000, giá trị xuất khẩu của ngành may mặc đã giảm xuống chỉ còn khoảng 2%
trong khi công nghiệp đóng tàu và sản phẩm điện tử vươn lên, chiếm quá nửa tổng giá
trị xuất khẩu. Và cũng kể từ năm này, vượt qua những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh
của Hàn Quốc như chất bán dẫn, điện thoại di động hay sản phẩm công nghệ thông
tin, công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc đã vươn lên chiếm vị trí số1trong cơ cấu xuất
khẩu. Một bản thống kê thương mại của Liên hợp quốc cho thấy, xuất khẩu của Hàn
Quốc đã thay đổi 84% từ những năm 1960 đến những năm 2000, là nước thay đổi
nhiều nhất trong số 97 quốc gia được điều tra.
Ở giai đoạn tiếp theo, trước xu hướng toàn cầu hóa và sự cạnh tranh gay gắt từ
nước ngoài đặt biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính
phủ Hàn Quốc tỏ ra không còn hiệu quả như trước. Với chiến lược duy trì vị trí của

công nghiệp đóng tàu trong nền kinh tế quốc dân, chính phủ vẫn tạo điều kiện cho sự
phát triển của ngành thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng, không ngừng đầu tư cho
nghiên cứu, phát triển sản phẩm và công nghệ, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của
khách hàng. Chính phủ cũng định hướng cho các công ty đóng tàu trong tương lai
phát triển loại tàu thân thiện với môi trường. Mới đây, Tổ chức hàng hải quốc tế
(IMO) cho biết đã sẵn sàng áp đặt những quy định về môi trường chặt chẽ hơn, theo
đó nhu cầu về tàu thân thiện môi trường sẽ càng ngày càng tăng lên.
Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng chú tâm vào việc nâng cao chất lượng
công tác nghiên cứu, đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên có trình độ tay nghề cao.
Viện nghiên cứu hàng hải Hàn Quốc (KOMERI) được thành lập tại trường Đại học
hàng hải Busan, phối hợp với các công ty đóng tàu tiến hành hoạt động nghiên cứu,
phát triển. 60% được cấp từ chính phủ, 40% còn lại do các doanh nghiệp đóng góp.
b) Ngành du lịch
Chính phủ tạo ra những tác động rất lớn tới năng lực cạnh tranh của ngành du
lịch Hàn Quốc chủ yếu thông qua các chính sách trợ cấp, chính sách tự do
hóa đối với thị trường vốn và hình thành nhu cầu trong nước bằng cách sửa
chữa các quy định từ đó tác động đến nhu cầu của người mua. Chính sách Chính
phủ cũng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan thông qua việc ban
hành hoặc bãi bỏ các quy định .
Chính phủ đã tiến hành các kế hoạch nhằm phát triển và cải thiện nguồn tài
nguyên du lịch hiện tại và khám phá ra những cái mới. Cụ thể, Bộ Văn hóa và Du lịch
Hàn Quốc đã đề ra và triển khai “Kế hoạch phát triển ngành Du lịch quốc gia
1992 ~ 2010” với những chiến lược dài hạn và toàn diện nhằm đối phó một cách hiệu
quả với những thay đổi ảnh hưởng đến ngành du lịch trong nước và quốc tế.
Để đạt được tầm nhìn dài hạn đó, chính phủ đã xây dựng và thực hiện một
số chính sách cụ thể để thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch trên nhiều lĩnh vực khác
nhau. Những chính sách ấy bao gồm chiến lược tiếp thị, phát triển tài nguyên du
lịch trên quy mô lớn, và mở rộng phúc lợi sản xuất thông qua việc kích thích các hoạt
động liên quan đến du lịch của người dân. Tiêu biểu nhất phải kể đến có lẽ là kế
hoạch năm năm nhằm mục tiêu thúc đẩy "Tầm nhìn du lịch 21" và các kế hoạch cụ

thể khác nhau đã được thành lập từ năm 1999.
Nội dung cụ thể của những kế hoạch này là:
Để nâng các sự kiện du lịch văn hóa từ tầm khu vực lên tầm quốc tế, chính
phủ đã hỗ trợ tài chính cho các lễ hội, chẳng hạn như lễ hội gốm Incheon và lễ
hội Chindo Yongdeungje.
Để cải thiện hệ thống thông tin du lịch, chính phủ đã thành lập 13 trung tâm
thông tin du lịch toàn diện khắp các tỉnh và thành phố ở Seoul, Kwanju và các tiểu
bang khác. Ngoài ra, chính phủ cũng nới lỏng hơn 60 quy tắc và luật lệ, bao gồm nới
lỏng chế độ quản lý giá cả của các chung cư, khu nghỉ mát và cho phép kinh
doanh nghi lễ đám cưới tại các khách sạn siêu sang trọng.
Nói tóm lại, dù là trong ngành đóng tàu hay dịch vụ ta cũng không thể nào phủ
nhận được vai trò quan trọng của Chính phủ. Bằng những chính sách và kế hoạch chủ
động, linh hoạt của mình, Chính phủ đã kịp thời định hướng phát triển, tạo môi trường
pháp lý, tác động tích cực tới các nhân tố hình thành nên những điều kiện thuận lơị,
góp phần tạo dựng lợi thế cạnh tranh của ngành. Bàn tay của Chính phủ là nhân tố cơ
bản đầu tiên cần phải được nhắc đến trong kì tích tăng triển kinh tế của Đại Hàn Dân
Quốc.
2.6 Cơ hội
a) Ngành đóng tàu
• Nhu cầu khí thiên nhiên hóa lỏng trên thế giới tăng cao
Nhu cầu khí thiên nhiên trên thế giới ngày một tăng cao. Thị trường khí thiên
nhiên toàn cầu tăng trưởng 3%/năm trong thời gian gần đây, trong khi đó LNG tăng
vọt với con số 7,3% trong năm 2007, đạt 165,3 triệu tấn. Tập đoàn Royal
Dutch/Shell dự báo đến năm 2025, nhu cầu khí sẽ cao hơn nhu cầu dầu mỏ.
Theo phương thức truyền thống, khí được vận chuyển cả bằng đường ống
hoặc được hóa lỏng và vận chuyển bằng tàu. Nhưng vì các mỏ khí thường ở quá xa
so với các thị trường lớn và do chi phí xây dựng đường ống rất tốn kém nên không
có nhiều khí để vận chuyển bằng đường ống. Điều này có nghĩa là vận chuyển LNG
bằng tàu hiện nay được ưa chuộng hơn.
Nhu cầu LNG ở châu Á sẽ tăng hơn 150 triệu tấn vào năm 2015 do nhu cầu

tăng vọt của khu vực Đông Bắc Á. Số lượng các trạm tiếp nhận LNG mới cũng tăng
lên trên toàn khu vực châu Á. Tất cả sự quan tâm LNG ở khu vực Đông Bắc Á dự báo
sự bùng nổ trong các hoạt động xây dựng không chỉ là một vài trạm tiếp nhận mà cả
việc đóng mới nhiều tàu chở LNG đặc biệt.
Hàn Quốc hiện nay là quốc gia sản xuất tàu LNG lớn nhất thế giới. Trung
bình, cứ 27 tàu LNG được đặt đóng trên thế giới thì có 24 tàu được đóng ở các xưởng
đóng tàu Hàn Quốc. Tàu LNG do Hàn Quốc sản xuất có khả năng cạnh tranh cao hơn
so với tàu LNG của các nước khác. Năm 2007, Hàn Quốc chiếm 71% đơn đặt hàng
tàu LNG của thế giới. Với tỷ lệ nội địa hóa cao, ứng dụng công nghệ hiện đại , chất
lượng cao, tàu LNG của Hàn Quốc đã khẳng định sức cạnh tranh của mình so với các
đối thủ quốc tế. Như vậy nhu cầu khí thiên nhiên hóa lỏng trên thế giới tăng cao chính
là cơ hội thuận lợi để ngành đóng tàu Hàn Quốc nhanh chóng tiếp cận và nắm bắt.
• Nhu cầu vận tải đường biển trên thế giới tăng cao
Trong các phương thức vận tải, vận tải đường biển được coi là phương thức
tiết kiệm nhất, đem lại hiệu quả cao nhất. Các hãng vận tải biển đang tăng tốc để đáp
ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá ngày một tăng cao. Nhu cầu tăng cao của vận tải
đường biển khiến các hãng vận tải biển phải tăng tốc mua sắm thêm nhiều tàu mới.
Thực trạng trên khiến nhu cầu tàu biển tăng vọt. Số lượng đơn đặt hàng của các hãng
tàu ngày càng tăng. Những xưởng đóng tàu lớn đều dày kín các hợp đồng đóng tàu
mới. Lượng đơn đặt hàng tàu biển tăng từ 125 triệu tấn năm 2003 lên 178,2 triệu tấn
năm 2007. Theo số liệu của Lloyd’s Register Fairplay, tính đến tháng 8 năm 2008,
lượng đơn đặt hàng tàu biển toàn thế giới đạt 329,7 triệu tấn. Đây là con số kỷ lục từ
trước tới nay.
Chính nhu cầu vận tải đường biển của thế giới tăng cao đã đặt ra cơ hôi vàng
cho ngành đóng tàu Hàn Quốc không ngừng phát triển
• Nhu cầu tàu công nghệ thân thiện môi trường và tàu hoạt động xa bờ
Thị trường thế giới gần đây đang then về loại tàu thân thiện với môi trường.
Mới đây, Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) cho biết đã sẵn sàng áp đặt những quy định
về môi trường chặt chẽ hơn, theo đó nhu cầu về tàu thân thiện môi trường sẽ càng
ngày càng tăng lên. Bởi các quy định về môi trường đang được áp dụng với tất cả các

loại tàu, nên các hãng đóng tàu có công nghệ cắt giảm được lượng khí thải và ô nhiễm
tổng thể sẽ có một lợi thế đáng kể trong việc giành được đơn đặt hàng đóng tàu trong
tương lai. Điều quan trọng là Hàn Quốc phải phát triển được công nghệ và thiết bị
giúp kiểm soát được ô nhiễm môi trường từ những chiếc tàu đi biển chuyên dụng.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cần phát triển công nghệ mới cho các tàu hoạt
động xa bờ bởi chỉ 20% vật liệu và thành phần liên quan của loại tàu này được phát
triển trong nước. Những loại tàu này được dự đoán sẽ có số lượng đơn đặt hàng tăng
lên khi nhu cầu khai thác tài nguyên xa bờ đang ngày càng cao. Nếu các hãng đóng
tàu của Hàn Quốc tập trung phát triển công nghệ tàu thân thiện với môi trường và tàu
hoạt động xa bờ, thì họ sẽ có thể duy trì được xu hướng then về tàu chuyên dụng giá
trị cao và giữ vững vị trí số 1 về đóng tàu trên thế giới.
b) Ngành du lịch
• Thái độ, quan niệm của hành khách
Cơ hội cho ngành du lịch hiện nay nằm ở chính thái độ của người dân Hàn
Quốc nói riêng, và toàn thế giới nói chung đối với việc du lịch. Người trẻ ngày này
có nhiều kì nghỉ lễ hơn,họ đi du lịch nhiều hơn và coi du lịch như một hình thức giải
trí không thể thiếu. Trong điều kiện hội nhập , giao thương quốc tế diễn ra thường
xuyên và rộng khắp, các chuyến đi đến một đất nước xa xôi không còn được coi là
quá khó khăn hay tốn kém.
• Giá vé giảm
Ngoài ra có một thực tế là từ tháng 3 năm 2009, các hãng hàng không Hàn
Quốc đã tiến hành cắt giảm phụ phí nhiên liệu, dẫn đến giá vé máy bay được giảm
đáng kể. Điều này rõ ràng là một cơ hội tốt cho ngành du lịch phát triển hơn nữa trong
thời gian tới.
Các cơ hội là rất quan trọng vì nó tạo ra sự thay đổi bất ngờ cho phép dịch
chuyển vị thế cạnh tranh. Ngành đóng tàu có cơ hội rất lớn khi nhu cầu về các loại tàu
chuyên dụng mà Hàn Quốc có khả năng sản xuất đang có xu hướng tăng cao. Xét về
ngành du lịch, chính thái độ và quan niệm của hành khách về du lịch đã mang đến
những cơ hội mới cho ngành này, chưa kể đến việc giá vé sắp tới có điều kiện giảm là
một cơ hội rõ ràng cho ngành du lịch phát triển. Nắm bắt được những cơ hội này là

một yếu tố quan trọng tạo nên thế lực cạnh tranh của ngành nói riêng, của toàn bộ nền
kinh tế quốc gia nói chung.
III. Đánh giá năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc
Mô hình kim cương của M.Porter đã chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của
những yếu tố khác nhau ảnh hưởng và định hình ngành công nghiệp đóng tàu và
ngành dịch vụ du lịch của Hàn Quốc nói riêng, toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc nói
chung. Nó cũng cho thấy khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc đối với các quốc gia
khác.
-

Chính phủ
-Ban hành chính sách phù hợp
tạo môi trường pháp lý thuận
lợi
-Định hướng, điều tiết các hoạt
động của doanh nghiệp
Điều kiện về cầu
-Cầu quốc tế có xu hướng tăng cao
-Cầu nội địa chiếm vai trò quan
trọng
Các ngành công ngiệp hỗ trợ liên
quan
-Hỗ trợ cung cấp vật tư, nguyên vật
liệu, cơ sở vật chất chất lượng cao
-Hỗ trợ giúp làm tăng chất lượng dịch
vụ của ngành, thu hút khách hàng
-
Điều kiện yếu tố sản xuất
-Tài nguyên thiên nhiên phong phú
-Nguồn nhân lực chất lượng cao

-Cơ sở hạ tầng tốt
-Khoa học công nghệ tiến bộ
Chiến lược, cơ cấu và môi trường
cạnh tranh
-Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh
nghiệp cùng ngành thúc đẩy sự phát
triển của ngành
-Sự hỗ trợ giữa các công ty cùng
ngành trong nước chống lại sự cạnh
tranh quốc tế
-Hợp tác quốc tế mở rộng thị
trường
Cơ hội
-Xu hướng tăng cao trong
nhu cầu nội địa và quốc tế
do những thay đổi trong xu
hướng quan tâm mới của
xã hội
KẾT LUẬN
Nghiên cứu mô hình kim cương của Michael Porter cho thấy năng lực cạnh
tranh của một quốc gia được định hình bởi rất nhiều các yếu tố. Mỗi quốc gia tùy vào
từng đặc điểm của mình mà xác định ra những nhân tố đóng vai trò trọng tâm, từ đó
phải củng cố xây dựng và xác định lợi thế cạnh tranh của mình. Hàn Quốc thực sự là
một đất nước đã làm được điều đó. Nhờ có việc xây dựng thành công và giữ vững
được lợi thế cạnh tranh của mình, Hàn Quốc mới có thể đạt được những bước chuyển
kì tích đến như vậy trong nền kinh tế. Tất nhiên, để tiếp tục đứng vững và vươn lên
mạnh mẽ hơn nữa trong nền kinh tế thế giới, Hàn Quốc cũng cần phải có những điều
chỉnh kịp thời, nhằm khắc phục những hạn chế ít nhiều còn đang tồn tại đồng thời
tăng cường hơn nữa những lợi thế vốn có của mình.
Câu chuyện của Hàn Quốc đã một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của

lợi thế cạnh tranh quốc gia, đặc biệt là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện
nay. Nó đặt ra bài học hết sức cấp bách đối với bản thân nước ta. Giữa bối cảnh cạnh
tranh gay gắt hiện nay, nước ta phải thực sự đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa lợi thế
cạnh tranh của mình. Các ngành kinh tế mũi nhọn, các sản phẩm chủ lực phải thực sự
khẳng định được ưu thế tuyệt đối của mình trên trường quốc tế. Có làm được điều đó,
nền kinh tế Việt Nam mới có thể bứt phá và tự tin hội nhập.
Bài tiểu luận của chúng em do vẫn còn những hạn chế về thời gian, tài liệu thu thập
và khả năng nghiên cứu, sẽ không tránh khỏi những sai sót nhất định. Rất mong nhận được sự
đóng góp ý kiến của cô giáo.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. GS.TS Bùi Xuân Lưu, PGS.TS Nguyễn Hữu Khải (2006), giáo trình kinh tế ngoại thương, NXB
Lao động – xã hội, Hà Nội
2. Micheal Porter (2008), Lợi thế cạnh tranh quốc gia, NXB Trẻ
3. Trang web hiệp hội đóng tàu Hàn Quốc :
/>4. Trang web tổ chức du lịch quốc gia Hàn Quốc:
/>5. />6.
7.
8. />9. />10. />11. />11. />12. />13. />14. />TỔNG KẾT ĐÁNH GIÁ THÀNH VIÊN
STT Tên thành viên Mã sinh viên Nhiệm vụ Đánh giá
1
Đỗ Diệu Hương
(nhóm trưởng)
0951010460
- Tóm tắt cơ sở lý thuyết
- Nghiên cứu ngành du lịch Hàn Quốc
- Tổng hợp phân tích đánh giá năng lực
cạnh tranh của Hàn Quốc
- Điều chỉnh độ dài, chỉnh lý hình thức
toàn bộ văn bản
- Hoàn thành tốt

nhiệm vụ, đúng thời
hạn quy định
2
Trần Thị Kiều
Chinh
0951010376
- Nghiên cứu ngành du lịch Hàn Quốc
- Chỉnh lý nội dung, cách diễn đạt toàn bộ
văn bản
-Hoàn thành tốt
nhiệm vụ, đúng thời
hạn quy định
3
Nguyễn Bích
Ngọc
- Tổng quan nền kinh tế Hàn Quốc
- Nghiên cứu ngành đóng tàu Hàn Quốc
-Hoàn thành tốt
nhiệm vụ, đúng thời
hạn quy định
4
Nguyễn Thị Vân
Anh
0951010739
- Lời mở đầu, lời kểt luận
- Nghiên cứu ngành đóng tàu Hàn Quốc
-Hoàn thành tốt
nhiệm vụ, đúng thời
hạn quy định
TMA301(1-1112).5_LT

×