Tải bản đầy đủ (.pdf) (29 trang)

Phương pháp bản đồ trong quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.47 MB, 29 trang )

Phương pháp bản đồ trong quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng
Posted by Dũng đô thị on Tháng Ba 18, 2012 · 2 phản hồi
Giới thiệu:
Quy hoạch đô thị ở Việt Nam được dạy trong các trường kiến trúc dưới hình thức đào tạo thiết
kế đơn thuần. Các yếu tố kinh tế – xã hội và vai trò của người dân trong việc định hình nơi họ
sinh sống không được chú trọng. Có thể nói quy hoạch bị “dự án hóa” thay vì hiểu như một tiến
trình liên tục làm gia tăng chất lượng môi trường sống cho người dân. Các sinh viên ra trường,
ngoài số ít làm việc trong các trung tâm quy hoạch lớn của chính quyền và do đó có cơ hội tham
gia các đồ án quy hoạch chung, số còn lại hoặt làm cho chính quyền trong vai trò xét duyệt hoặc
làm cho các công ty tư nhân trong việc triển khai thiết kế các dự án bất động sản. Do đó không
ngạc nhiêu khi có bạn trẻ định nghĩa “vai trò của quy hoạch là giúp chủ đầu tư kiếm lời”. Tuy
nhiên, trong bối cảnh như vậy, vẫn có những nỗ lực quy hoạch dựa vào nguồn lực và sự tham
gia của cộng đồng để cải thiện môi trường sống và áp dụng những phương pháp đơn giản nhưng
sáng tạo trong việc xây dựng ý tưởng và giải pháp. Những nỗ lực này thuộc về những người đã
hàng chục năm nay lăn lộn với các cộng đồng nghèo như tác giả của bải viết, chị Lê Thị Lệ
Thủy, và cả sự đóng góp bất vụ lợi của các bạn trẻ trong nhóm Kiến trúc sư Cộng đồng. Bạn đọc
đã được biết đến những dự án thành công của họ như dự án cải tạo khu dân cư cũ tại Vinh – một
dự án mà mức độ tham gia của cộng đồng là sâu sắc đến mức ấn tượng đối với cựu giám đốc
quy hoạch của thành phố Atlanta và hiện là giáo sư dạy thực hành quy hoạch tại Viện Công
nghệ Georgia nơi tôi đang học. Bài viết lần này chị Thủy giới thiệu phương pháp bản đồ trong
quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những phương pháp này
thậm chí vẫn hữu ích đối với các kiến trúc sư khi thực hành phương pháp quy hoạch truyền
thống mà các bạn được dạy trong nhà trường. Phương pháp bản đồ mà chị Thủy giới thiệu có
thể sử dụng làm công cụ tìm ý tưởng giữa môt nhóm chuyên môn hoặc giữa tư vấn và khách
hàng nhằm đạt được một giải pháp với sự đồng thuận cao. Tới đây, tôi sẽ giới thiệu một chương
sách trong cuốn Managing the sense of a region của Kevin Lynch – một nhà quy hoạch đã có
những nghiên cứu sâu về mapping vượt khỏi khuôn khổ của những bản vẽ đo đạc thông thường.
Tác giả Lê Thị Lệ Thủy là chuyên gia về phát triển cộng đồng đô thị và nông thôn với 20 kinh
nghiệm. Chị đã tham gia các dự án cải thiện hạ tầng cơ bản tại các khu dân cư nghèo đô thị
thông qua việc tổ chức các nhóm tự giúp, các nhóm Tiết kiệm – Tín dụng tự quản tại cộng đồng,
chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực địa phương. Gần đây nhất, chị là


Chuyên gia tư vấn cho Mạng lưới Quỹ Phát triển cộng đồng Quốc gia, trực thuộc Hiệp Hội
các Đô Thị Việt Nam trong việc xây dựng mạng lưới tiết kiệm tại cộng đồng và cải thiện tình
trạng các khu dân cư thu nhập thấp. Trước đó, chị Thủy đã tham gia nhiều dự án đa dạng về
nâng cấp đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường trong cộng đồng nghèo, phát triển giáo dục, nghiên
cứu về khả năng tiếp cận dịch vụ công của người nghèo,v.v… tại các tỉnh Nam Trung Bộ, TP.
HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.
Chị Thủy tốt nghiệp ngành Triết học và hiện là hội viên Hội Tâm lý Giáo dục TP HCM.
Nguyễn Đỗ Dũng
Sổ tay về lập bản đồ trong quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng: Community Mapping
Handbook
——————————————————————————————————————-
Vai trò của một nhà chuyên môn như kiến trúc sư là học hỏi những gì là giá trị trong
truyền thống, văn hóa và trải nghiệm địa phương của người dân và tìm ra cách để làm nổi
bật hơn những giá trị này.
Cha Jorge Anzorena, Người Sáng lập Liên minh Quyền Nhà ở châu Á.
GiỚI THIỆU
Lập bản đồ (mapping) là một công cụ xây dựng sự hiểu biết của cộng đồng về nơi họ sống và là
một phương thức giúp cộng đồng đến gần với nhau, hiểu nhau và làm cùng nhau, để khám phá
khả năng của họ trong việc xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn.
Mục đích của việc lập bản đồ là tạo được sự học hỏi và hiểu biết giữa người dân trong chính bản
thân cộng đồng và chia sẻ mối quan tâm chung giữa người dân trong cộng đồng với các cơ quan
chuyên môn, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, đoàn thể và tổ chức xã hội.
Việc lập bản đồ cộng động cũng là một cơ hội giúp thu nhận kiến thức, kinh nghiệm giữa người
dân và các cán bộ/quan chức/các nhà quy hoạch nhờ quá trình làm việc cùng nhau.
Phương pháp lập bản đồ với sự tham gia của cộng đồng được sử dụng rộng rãi trong các chương
trình hỗ trợ người nghèo tại các nước châu Á từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước như một
công cụ giúp các bên liên quan xác định hiện trạng và lập kế hoạch nâng cấp, cải thiện điều kiện
hạ tầng/nhà ở tại các khu dân cư nghèo trong đô thị[1]



Sử dụng công cụ bản đồ để lập Quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng tại Campuchia.
Tại Việt Nam, phương pháp lập bản đồ với sự tham gia của cộng đồng được áp dụng trong một
số dự án quy hoạch/cải tạo nhà ở trong các khu khu tập thể cũ tại TP Việt Trì, Vinh, Hải Dương
và xác định hiện trạng các khu dân cư thu nhập thấp tại các thành phố Trị, Tam Kỳ, Pleiku,
Tân An… do Mạng lưới Quỹ cộng đồng quốc gia trực thuộc Hiệp Hội các Đô thị Việt Nam
khởi xướng.

Kiến trúc sư tình nguyện hỗ
trợ cộng đồng tham gia Quy
hoạch cải tạo khu tập thể cũ
tại Hải Dương

CÁC CẤP ĐỘ LẬP BẢN ĐỒ:
Chúng ta có thể thể hiện mọi thứ trên bản đồ, nhưng nên bắt đầu từ mối quan tâm chung của
các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng sở tại.
Việc lập bản đồ có thể thực hiện ở bất kỳ quy mô nào, bắt đầu từ cấp độ hộ gia đình, khu dân cư,
phường/xã, thành phố đến cấp độ địa lý/vùng.
Lập bản đồ có thể tập trung vào bất kỳ vấn đề nào : nhà ở, quyền sử dụng đất đai, lịch sử, các tài
nguyên thiên nhiên, văn hóa của cộng đồng……nhưng nên tập trung vào các vấn đề “nóng” đang
được các bên quan tâm và các nguồn tiềm năng (tài nguyên) để giải quyết những vấn đề đó.
1.Cập độ địa lý/vùng: Việc lập bản đồ sẽ thu thập thông tin về các đặc điểm địa lý, tài nguyên
thiên nhiên, sự phân bố dân cư….Khi bản đồ hoàn thành, ta có thể thấy được mối tương quan
của các mặt khác nhau.
2. Cấp đô thành phố: Việc lập bản đồ sẽ thu thập thông tin về vị trí các khu dân cư, việc kết nối
từ cộng đồng đến các hình thức giao thông….
Bản đồ này nhằm xác định và phân tích tất cả các vấn đề ở quy mô thành phố và để thấy được
các thành phần khác nhau của một thành phố đặc biệt là các khu định cư không chính thức hoạt
động với nhau như thế nào. Bản đồ khảo sát ở quy mô thành phố cho thấy vị trí của những cộng
đồng không chính thức với số hộ gia dình, lịch sử, các khó khăn, tình trạng sở hữu/sử dụng đất
đai và giải pháp nhà ở cho mỗi cộng đồng.


Lập bản đồ hiện trạng các khu thu nhập thấp tại TP Tân An






Lập bản đồ hiện trạng các khu thu nhập thấp tại TP Tân
An
3. Cấp độ cộng đồng: Việc lập bản đồ sẽ thu thập thông tin về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, hạ
tầng xã hội… tại khu phố/thôn, các vấn đề cơ bản cần được cải thiện và tính khả thi cho các ý
tưởng của người dân.
4. Cấp độ hộ gia đình: Việc lập bản đồ sẽ ghi lại cách mọi người sống chung trong một gia
đình, nếp suy nghĩ, văn hóa, lối sống, kinh tế của hộ gia đình, mong muốn cải thiện/thay đổi của
họ để cuộc sống tốt hơn.
5. Lập bản đồ theo vấn đề: Ngoài các hình thức kể trên, quá trình lập bản đồ có thể tập trung
vào các vấn đề như : lược đồ về sinh kế của cộng đồng, lịch sử cộng đồng, vị trí các nguồn tài
nguyên thiên nhiên và văn hóa….



Lập bản đồ với sự tham gia của CĐ để xác định thiệt hại sau bão lũ tại TP Quy Nhơn.
1.Thước: Nên sử dụng các vật liệu sẵn có trong cộng đồng, ví dụ như : dùng dây thừng/ dây
nilon làm thước dây…CÔNG CỤ ĐỂ LẬP BẢN ĐỒ VỚI SỰ THAM GIA CỦA CỘNG
ĐỒNG:
2. Mẫu điều tra cơ bản: Gồm tóm tắt những thông tin không thể thể hiện được hết trên bản đồ,
ví dụ như số hộ gia đình, số hộ bị ngập úng, thiếu nhà vệ sinh….
3. Bản đồ : Bản đồ nền được sử dụng như tài liệu tham khảo cơ bản về vị trí , ranh giới các địa
phương, đường giao thông Thông thường bản đồ hiện trạng do UBND các phường/xã cung cấp

(bản đồ nền địa chính tỷ lệ 1/500). Trong trường hợp khó tìm, có thể tải bản đồ vệ tinh miễn phí
từ internet. Các bản đồ chi tiết như quy hoạch tổng thể thành phố, bản đồ quy hoạch sử dụng
đất…cũng có thể là nguồn tham khảo quan trong.
4. Máy ảnh: Được sử dụng để ghi lại hình ảnh quá trình lập bản đồ. Những hình ảnh nên được
ghi lại bao gồm: Những nơi có vấn đề ( ví dụ như hạ tầng xuống cấp/nhà ở lụp xụp ), những địa
điểm quan trọng, các nơi có tiềm năng, các yếu tố tồn tại trong cộng đồng mà có thể được sử
dụng trong ý tưởng cho việc nâng cấp Các hình ảnh được ghi lại có thể là chủ đề cho các cuộc
thảo luận lập kế hoạch cho thời gian kế tiếp.
5. Các văn phòng phầm cần thiết: Giấy Ao, giấy caro, băng keo, hồ dán, bìa màu, các loại bút,
chất dẻo dễ nặn…
THÀNH PHẦN THAM GIA LẬP BẢN ĐỒ:
• Việc chọn một nhóm đại diện cộng đồng tham gia lập bản đồ có vai trò quyết định cho
kết quả của công việc này.Những người được chọn phải biết rõ về cộng đồng của mình,
gồm cả nam lẫn nữ. Theo kinh nghiệm tại các địa phương đã tham gia việc lập bản đồ
với sự tham gia của cộng đồng, thì mỗi khu phố/thôn nên có 5-8 người sống lâu năm, am
hiểu địa bàn tham gia.
• Vai trò của các tổ chức phát triển/cơ quan chức năng/chính quyền địa phương là tạo ra
một không gian, cơ chế để hỗ trợ các cộng đồng làm việc cùng nhau, đưa ra các câu hỏi
gợi mở thay vì đưa ra các câu trả lời có sẵn.
• Người dân địa phương hiểu về địa phương của họ hơn những người bên ngoài. Vai trò
của các chuyên gia bên ngoài (với tư cách là đại diện cho Cơ quan/Tổ chức hỗ trợ) là
xây dựng sự tin tưởng của người dân, giúp họ lập kế hoạch và từng bước thực hiện kế
hoạch đó.
CÁC BƯỚC THỰC HIỆN
• Chuẩn bị bản đồ nền của thành phố/phường (xã)/khu dân cư dự định khảo sát và mẫu
điều tra cơ bản.
• Tổ chức các nhóm điều tra bao gồm : mỗi cộng đồng/khu vực cử 5-8 đại diện, họ chính là
chủ nhân của tiến trình thực hiện.
• Trình bày và chia sẻ thông tin tại mỗi cộng đồng, cùng thảo luận về lịch sử hình thành
khu dân cư, số hộ, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hiện trạng sử dụng đất

đai, các vấn đề mà từng cộng đồng đang quan tâm/bức xúc.
• Tập hợp các thông tin (hình ảnh, vị trí và tên các cộng đồng) vào bản đồ thành phố. Xác
định và phân loại các vấn đề quan tâm và hiện trạng sử dụng đất của mỗi cộng đồng thể
hiện bằng các màu sắc khác nhau trên bản đồ của thành phố.
• Tóm tắt các thông tin vào một bảng số liệu chung của toàn thành phố và phân phát cho tất
cả các cộng đồng.
• Sau khi vẽ bản đồ, điều quan trọng là phải tổ chức được 1 cuộc thảo luận mở cho tất cả
các bên và người dân để bàn về các vấn đề mà người dân quan tâm và khả năng giải
quyết các vấn đề này.
KẾT QUẢ VÀ TÁC ĐỘNG:
• Kết quả của quá trình vẽ bản đồ không chỉ hình thành nên các dữ liệu/thông tin, mà còn
tạo ra mạng lưới cộng đồng, giúp họ cùng nhau phân loại các vấn đề khó khăn chung,
đồng thời hình thành các nhóm có cùng mối quan tâm để lập kế hoạch hành động nhằm
giải quyết các vấn đề bức xúc của cộng đồng ( ví dụ như nâng cấp hạ tầng, cải thiện nhà
ở, di dời/tái định cư…)
• Ban đại diện cộng đồng sẽ được hình thành ngay sau cuộc thảo luận mở, để tiếp tục điều
hành các hoạt động kế tiếp của cộng đồng.
• Thảo luận mở cùng là cơ hội để các đại diện cộng đồng giới thiệu về khu dân cư của
mình với cộng đồng khác, học tập lẫn nhau và cùng chia sẻ các vấn đề chung, các tiềm
năng cho phát triển.
Vai trò của kiến trúc sư là tập hợp kỹ thuật, văn hóa và ý tưởng của cả cộng đồng – những con
người mong muốn kiến tạo (nơi chốn của họ) và vẽ ra hình hài (từ) những yếu tố này để tạo
thành một thứ gì đó mới mẻ.
Cha Jorge Anzorena, Người Sáng lập Liên minh Quyền Nhà ở châu Á.
VÍ DỤ VỀ TIẾN TRÌNH LẬP BẢN ĐỒ VỚI SỰ THAM GIA CỦA CỘNG ĐỒNG TẠI
THÀNH PHỐ LAUTOKA – FIJI
Ví dụ về tiến trình lập bản đồ quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng tại Lautoka-Fiji


1.Bắt đầu bằng việc mà những

người dân trong cộng đồng có

thể
làm cùng nhau: sửa lại đường
mương thoát nước!
2.Người dân tại làng Veidogo lập
bản đồ về khu dân cư của mình

3. Người dân giới thiệu về khu dân cư của mình thông qua bản đồ được lập

4.Một số bản đồ rất chi tiết/chính xác
5.Một số bản đồ khác có kích thuớc rất lớn

7. Bản đồ được vẽ/ đồ lại (dựa trên bản đồ vệ tinh) cho thấy lịch sử của khu dâncư

8. Bản đồ được vẽ đồ lại (dựa trên bản đồ vệ tinh) về ranh giới khu vực, vấn đề ngập lụt và ý
tưởng về hệ thống thoát nước mới.
11.Mỗi cộng đồng lập kế hoạch cải thiện/nâng cấp khu dân cư của mình

12.Họ cũng lập bản đồ về nguồn tài nguyên nhân sự của cộng đồng
13. Lập một bản đồ thể hiện tất cả các khu dân cư (của thành phố)
14. Trình bày bản đồ này cho Sở địa chính , để họ giúp xác định phần đất nào ở gần mà mọi
người có thể dùng cho việc tái định cư


15. Người dân cùng nhau quyết định
việc

phân chia các lô đất ( tại khu tái
định cư)

16.Hội thảo về quy hoạch và thiết
kế nhà ở với mô hình
bằng bìa


17.Thảo luận về kế hoạch tài chánh
18.Thảo luận về diện tích mỗi căn
nhà


19. Thảo luận về vị trí các không
gian công cộng
20.Thảo luận về các loại công trình
công cộng mà người dân cần.
21. Một số người đề nghị nên có một không gian công cộng rộng lớn ở trung tâm
22. Một số người khác đề nghị nên phân chia thành nhiều không gian cộng cộng nhỏ hơn và
phân bố rải rác trong cộng đồng.
23. Tập hợp tất cả các ý tưởng và thể hiện trên bản đồ.
23. Tập hợp tất cả các ý tưởng và thể hiện trên bản đồ.

[1] Xem thêm “Deisign by –with – for people”, bản tin của Mạng lưới kiến trúc sư cộng đồng
châu Á, do Liên minh Quyền Nhà ở châu Á (ACHR) phát hành, 2010









Dự án sân chơi An Mỹ (Hội An): Thiết kế cùng cộng đồng
Posted by Dũng đô thị on Tháng Một 27, 2013 · 5 phản hồi
Thực hiện mục tiêu phát triển các không gian công cộng, không gian mở ở thành phố Hội An với
sự đóng góp của cộng đồng và vận động chính sách, để chính quyền đưa ra các hướng dẫn, quy
định bảo tồn và phát triển không gian công cộng, tổ chức HealthBridge Canada và Trung tâm
Hành động vì Sự phát triển Đô thị (ACCD) đã khởi đầu xây dựng sân chơi An Mỹ vào tháng 09
năm 2012. Sau 03 tháng thực hiện với nhiều kiến trúc sư, hàng chục tình nguyện viên cộng đồng,
doanh nghiệp địa phương, thợ thủ công và cán bộ chính quyền, sân chơi An Mỹ đã hoàn thành và
dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 26/1/2013.

Trong quá trình thực hiện, các kiến trúc sư đã đi từng bước nhằm thúc đẩy sự đóng góp và tham
gia của cộng đồng một cách tối đa.
Bước 1: Charrette – Cùng cộng đồng thiết kế sân chơi ở nhà văn hóa
Bước mở màn dự án diễn ra tại nhà văn hóa khối An Mỹ, 30 người dân và 4 kiến trúc sư cùng
nhau làm việc liên tục trong 3 ngày. Ngày đầu tiên các kiến trúc sư thảo luận với người dân 3 câu
hỏi: (i) Những hoạt động gì đang diễn ra tại nhà văn hóa, (ii) Những hoạt động mà bà con mong
muốn có tại nhà văn hóa và (iii) Những hoạt động mà bà con không mong muốn có tại nhà văn
hóa. Kết quả là các nhóm khác nhau (Nhóm trẻ em và phụ nữ, nhóm thanh niên, nhóm trung niên
và nhóm người cao tuổi) trao đổi, thảo luận, thậm chí là thương lượng để tìm ra ưu tiên hợp lý
cho sân chơi. Nhóm các bác cao tuổi muốn có chỗ ngồi uống trà, đánh cờ, nhóm phụ nữ và trung
niên muốn có ghế đá ngồi nghỉ ngơi, nhóm thanh niên muốn có thêm các hoạt động thể thao, và
nhóm trẻ em muốn có nhiều trò chơi ngoài trời. Đặc biệt, tất cả các nhóm đều mong muốn có bể
bơi. Cuối cùng thì tất cả cùng đồng ý ưu tiên cho sân chơi của trẻ em, và phương án bể bơi được
xếp vào danh sách “chờ có kinh phí”. Như vậy là 30 người đã thống nhất “đề bài” cho kiến trúc
sư.
Ngày tiếp theo, các kiến trúc sư chia thành 2 nhóm làm việc cật lực để phát triển 2 phương án
dựa trên “đề bài” của cộng đồng. Mỗi nhóm gồm một kiến trúc sư từ Hội An và Hà Nội. Ngồi
làm việc ngay ở nhà văn hóa và hoàn toàn mở cửa cho bà con nên người dân liên tục ra vào bình
phẩm và giúp sức. Để bà con có thể dễ dàng thể hiện ý tưởng và trực tiếp tham gia vào quá trình
thiết kế, sơ đồ công năng được xây dựng bằng việc xếp đặt các tấm bìa, vốn được cắt theo đúng

tỷ lệ của quy mô công trình chức năng trong thực tế. Sau đó, phương án thiết kế được thể hiện
bằng mô hình ba chiều làm bằng giấy, bìa cứng và xốp với sự giúp sức của người dân địa
phương.
Cuối ngày hôm ấy, người dân An Mỹ tập trung góp ý cho hai phương án. Phần thuyết trình của
các KTS diễn ra vừa vui vẻ, vừa căng thẳng, vì ai cũng muốn phương án của mình được chọn.
Sau đó buổi thuyết trình, các KTS mời bà con quay quần bên hai mô hình để cùng thảo luận và
bầu chọn cho phương án mà họ ưa thích. Nếu ngày đầu người dân mơ mộng về sân chơi bao
nhiêu thì lúc này họ lại thực tế bấy nhiêu. Ai cũng hỏi về tính khả thi của phương án, và ai cũng
lo có chừng ấy tiền làm gì cho hiệu quả.
Ngày thứ ba, hai nhóm KTS khẩn trương hoàn thiện phương án để thuyết trình cho toàn thể cộng
đồng và đại diện của chính quyền. Ba nội dung chính được thảo luận sôi nổi: vị trí các hạng mục,
giải pháp thiết kế, và kinh phí triển khai.Mỗi người dân đều không bỏ sót bất cứ chi tiết nhỏ nào
về kỹ thuật, vật liệu, giá cả. Các cán bộ phường hầu như nhường diễn đàn cho người dân chất
vấn KTS. Sau ba ngày làm việc cật lực, các KTS tiếp tục hoàn thiện phương án một cách khả thi
nhất theo mong muốn của cộng đồng.
Charrette là gì? Charrette là từ tiếng Pháp có nghĩa nguyên gốc là xe đẩy dùng để chở những
tấm bản vẽ của sinh viên kiến trúc trường Beaux Arts tới nộp cho thầy. Vì sinh viên kiến trúc
thường bị “lụt” nên vừa đi vừa vẽ những nét cuối. Charrette sau còn được hiểu là “lụt”.
Charrette ngày nay là một mô hình thiết kế được thực hiện trong một thời gian rất ngắn và liên
tục (3-7 ngày) trong đó các nhà chuyên môn từ nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng là
m việc chung
để đưa ra một đề án quy hoạch trong một không gian mở, ngay tại địa điểm sẽ triển khai quy
hoạch đó, và cho phép người dân vào xem và tương tác với thành viên chuyên môn của dự án.
Thông qua Charrette, quy hoạch đươc đưa ra với sự đồng thuận c
ủa mọi người và sự tập trung trí
tuệ của chuyên gia các ngành khác nhau cùng một lúc (thay vì thường thực hiện dạng tuyến
tính).

Địa điểm thực hiện dự án, nhà văn hóa An Mỹ, cũng là nơi diễn ra các buổi họp lấy ý kiến cộng
đồng và charrette thiết kế.


Nhóm thanh niên địa phương thảo luận về “đề bài” thiết kế sân chơi An Mỹ.
Bước 2: Hoàn thiện thiết kế, lắng nghe ý kiến trẻ em
Sau khi phương án tổ chức không gian được sự đồng thuận với người dân và chính quyền địa
phương thông qua Charrette, nhóm KTS 1+1>2 được trao nhiệm vụ thiết kế chi tiết. Hỗ trợ cho
các KTS là cán bộ Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị, cán bộ phường, tình nguyện
viên. Chúng tôi tỏa đi khắp các sân chơi ở Hội An và Đà Nẵng, ghi chép, hỏi ý kiến trẻ em và
cha mẹ, quan sát cách các em chơi. Nhiều lúc chúng tôi quên mình đang làm việc, vì cũng “nhập
cuộc chơi” luôn. Cuối cùng thì bản thiết kế được đưa ra lấy ý kiến của trẻ em và cha mẹ.Bao
nhiêu trò chơi trên sân cũng không đủ với các em, và KTS liên tục phải điều chỉnh thiết kế để các
em có nhiều cách chơi nhất: leo trèo, bập bênh, đu quay, bò và trườn qua đường hầm, đi thăng
bằng, cầu trượt, thậm chí là đấm bốc. Cha mẹ các em thì lo lắng về độ an toàn, và kết quả là mái
lá “sinh thái và thơ mộng” của Nhóm 1+1>2 “bị”thay thế bằng mái tôn để đảm bảo không bị tốc
mái mùa bão. KTS lúc này phải kiên nhẫn lắng nghe và tìm ra giải pháp hợp lý cho mong muốn
“Trải nghiệm làm Charrette với anh em KTS và với cộng đồng thật vui và đầy cảm xúc. Chúng
ta hy vọng sẽ tạo ra một sân chơi mà người dân An Mỹ sẽ sử dụng với niềm tự hào bởi họ là
đồng tác giả.Và chúng ta có thể tự hào vì đã trao cho người dân cơ hội tham gia kiến tạo không
gian của chính mình. Nỗ lực kế tiếp: gạt bỏ hơn nữa cái tôi của nhà thiết kế, trở nên “lười
biếng” và để người dân thể hiện khả năng sáng tạo của mình.”
Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, Trưởng nhóm thực hiện Charrette
của cả 2 nhóm: trẻ em muốn chơi nhiều trò mạo hiểm và cha mẹ chỉ muốn các trò chơi an toàn.
Làm thế nào để trẻ em vui và cha mẹ chúng yên tâm là thách thức lớn đối với Nhóm 1+1>2. May
mà chúng tôi không gặp nhiều sức ép về thời gian, nên các vòng đàm phán liên tục được tiếp
diễn cho tới khi tất cả các bên đều hài lòng. KTS dành nhiều thời gian gặp gỡ, nói chuyện, dàn
hòa, thương lượng. Thay vì bàn làm việc ở văn phòng, chúng tôi làm việc ở quán nước, sân
trường, hội trường nhà văn hóa, thậm chí là trên bờ ruộng (vì người dân vùng này làm nông).
Vấn đề mấu chốt là niềm tin” sân chơi của cộng đồng, nên tiếng nói của họ phải được tôn trọng”.

Bầu chọn những hạng mục ưu tiên xây dựng tại sân chơi An Mỹ.


Bà con đang thảo luận sôi nổi và bầu chọn cho phương án tốt hơn.

Mô hình một trong phương án được chọn.
Bước 3: Thi công sân chơi- trải nghiệm đầy bất ngờ
Nếu bạn đến công trường, bạn không phân biệt ai là KTS, ai là nhóm thợ thi công, ai là ban giám
sát cộng đồng, họ liên tục đổi chỗ cho nhau. Ban giám sát cộng đồng vào cuộc cùng nhóm thợ,
người thì san nền, người thì dựng cột tre, người thì buộc ván sàn. Nhóm thợ thi công thì đưa ý
kiến cải thiện chất lượng, còn KTS “chân lấm tay bùn” miệng nói tay làm. Đặc biệt, trẻ em
thường xuyên ghé thăm công trường, bàn tán sôi nổi. Mỗi ngày, công trường càng thêm đông
người hơn, và dần dần thì cộng đồng hoàn toàn thay thế nhóm thợ. Đến gần ngày khánh thành,
cả cộng đồng dân cư ra sân: trẻ em đi xúc cát, phụ nữ nhổ cỏ, nam giới trồng cây và dựng hàng
rào. Chi phí nhân công ngày càng giảm, nhưng tổng chi phí lại tăng vì cộng đồng “hiến kế” thêm
nhiều hạng mục. Dường như “cuộc du ngoạn” này không có hồi kết. Nhiều thách thức ngoài sức
tưởng tượng đã xảy ra. Đầu tiên là việc trẻ em liên tục tìm cách đột nhập vào sân chơi mặc dù
công trường đang thi công. Chúng không thể đợi đến khi công trình khánh thành, và vì vậy
chúng tôi phải tăng cường phương án bảo vệ. Tiếp theo là việc đảm bảo sự tham gia của cộng
đồng nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Các thành viên cộng đồng mong muốn đóng
góp sức lao động, tuy nhiên họ cũng rất bận rộn. Làm thế nào để “chừa lại” những phần việc như
san nền, buộc tre, làm hàng rào, trồng cây cho cộng đồng, mà vẫn phối hợp nhịp nhàng với các
nhóm thợ khác. Nhóm 1+1>2 đã học cách làm việc thảnh thơi, nhưng vẫn đảm bảo tiến độ chung
của dự án.
“Thiết kế và xây dựng sân chơi An Mỹ là một hành trình đầy cảm xúc. Những người bạn đồng
hành luôn sát cánh bên KTS là người dân khu vực, thợ địa phương và các em nhỏ. Ngoài ý tưởng
của KTS, có rất nhiều sáng kiến được cộng đồng đề xuất, thật thú vị khi được đón nhận và đưa
những sáng kiến đó thành hiện thực. Đối với cá nhân tôi, hình ảnh đáng nhớ nhất là giây phút
chứng kiến các bé ôm lấy nhau, reo vui khi biết chỉ còn 2 tuần nữa sân chơi sẽ đi vào hoạt
động.”
KTS Phạm Đức Trung, Công ty 1+1>2

Trẻ em cũng tham gia phụ giúp việc xây dựng sân chơi


Trong khi những người thợ còn đang hoàn thiện công trình, trẻ em địa phương đã bắt đầu làm
quen với sân chơi mới.

Bãi cỏ mọc hoang trước nhà văn hóa trước kia giờ đây là một sân chơi cho trẻ em.
Bước 4: Duy trì và bảo dưỡng –phương án sáng tạo
Đau đầu nhất là tìm cách bảo dưỡng sân chơi một cách bền vững. Nhiều sáng kiến được đưa ra,
như quỹ cộng đồng dành 2-3 triệu đồng/năm, gây quỹ từ doanh nghiệp địa phương, xin kinh phí
của phường và thành phố. Sáng tạo nhất là phương án mời một người dân cạnh sân chơi mở quán
nước, phục vụ ngay tại chỗ cho khách đến chơi, đặc biệt là cho các bậc phụ huynh. Một phần
nguồn thu từ quán nước sẽ được sử dụng để bảo dưỡng sân chơi, và đặc biệt quyền lợi của người
chủ quán nước gắn liền với việc sân chơi được hoạt động tốt. Từ đầu đến cuối, dự án sân chơi An
Mỹ luôn gây bất ngờ bởi sự sáng tạo không ngừng của người dân, của Nhóm KTS 1+1 >2 và tất
cả những người tham gia.
Dự án sân chơi An Mỹ
- Địa điểm: khối An Mỹ, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An;
- Tổng kinh phí: 180 triệu đồng (Cộng đồng góp 20 triệu, Phường 10 triệu, doanh nghiệp địa
phương 30 triệu và tổ chức HealthBridge Canada 120 triệu);
- Thời gian thực hiện: 3 tháng;
- Quản lý dự án: Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị;
- Charrette: QHS Nguyễn Đỗ Dũng & Công ty Tư vấn XD Dịch vụ Bảo tồn Di sản Văn hóa;
- Thiết kế kiến trúc và giám sát: Công ty 1+1>2;
Sân chơi An Mỹ là mô hình đầu tiên và sẽ là mô hình mẫu cho việc cải tạo và xây dựng các sân
chơi, khu công cộng ở Hội An cũng như nhiều thành phố trên cả nước, hướng tới mục tiêu thúc
đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển không gian công cộng, không gian mở./.
Phạm Đức Trung, Văn phòng 1+1>2
Đặng Hương Giang, Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị
Đọc thêm bài: BÁO CÁO CHARRETTE THIẾT KẾ SÂN CHƠI AN MỸ






















×