Tải bản đầy đủ (.pdf) (96 trang)

Nghiên cứu ảnh hưởng của tỷ lệ protein, lipid, vitamin E, vitamin C trong thức ăn lên tốc độ tăng trưởng và thành phần sinh hóa của cá giò (Rachycentron canadum, Linnaeus 1766) giai đoạn giống

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.22 MB, 96 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG







PHẠM THỊ ANH




NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA TỶ LỆ PROTEIN/LIPID,
VITAMIN E/VITAMIN C TRONG THỨC ĂN LÊN TỐC ĐỘ
TĂNG TRƯỞNG VÀ THÀNH PHẦN SINH HÓA CỦA CÁ GIÒ
(Rachycentron canadum, Linnaeus 1766) GIAI ĐOẠN GIỐNG




LUẬN VĂN THẠC SĨ




Chuyên ngành: Nuôi trồng thủy sản.
Mã số: 60.62.70
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Lại Văn Hùng.











Nha Trang – tháng 11 năm 2009
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

HUFA : Highly Unsaturated Fatty Acid: Acid béo không no trong mạch
có từ 4-6 nối đôi
PUFA : Polyunsaturated Fatty Acid: Acid béo không no trong mạch
có ít nhất 2 nối đôi
FAO : Food Agricultural Organization: Tổ chức Nông lương Thế giới
EPA : Eicosapentaenoic acid (20:5n-3)
DHA : Docosahexaenoic acid (22:6n-3)
ARA : Arachidonic acid (20:4n-6)
WG (%) : Weight Gain: Tốc độ tăng trưởng tương đối theo khối lượng
SGR (%) : Specific Growth Rate: Tốc độ sinh trưởng đặc trưng
FCR : Feed Conversion Ratio: Hệ số chuyển đổi thức ăn
PER : Protein Efficiency Ratio: Hiệu quả sử dụng protein
TN1, TN2 : Thí nghiệm 1, thí nghiệm 2.
NTTA : Nghiệm thức thức ăn
P : Protein
L : Lipid
VTM : vitamin
E : Vitamin E

C : Vitamin C
MỤC LỤC

Trang
MỞ ĐẦU 1
CHƯƠNG I: TỔNG QUAN TÀI LIỆU 3
1.1 Đặc điểm sinh học của cá giò 3
1.1.1 Đặc điểm hình thái, cấu tạo 3
1.1.2 Đặc điểm phân bố 3
1.1.3 Ảnh hưởng của các yếu tố sinh thái 4
1.1.4 Đặc điểm dinh dưỡng, sinh trưởng. 5
1.1.5 Đặc điểm sinh sản 6
1. 2 Vai trò của cá Giò đối với con người 7
1. 3. Tình hình sản xuất và nuôi thương phẩm cá giò trên thế giới và Việt Nam 8
1.3.1 Tình hình sản xuất và nuôi thương phẩm cá giò trên thế giới. 8
1.3.2 Tình hình sản xuất và nuôi thương phẩm cá giò tại Việt Nam 9
1.4 Những nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng và thức ăn cho cá giò 11
1.4.1 Nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng 11
1.4.1.1 Nhu cầu protein và các acid amin 11
1.4.1.2 Nhu cầu lipid và các acid béo không no 13
1.4.1.3Nhu cầu về tỷ lệ protein/lipid của cá 16
1.4.1.4 Nhu cầu vitamin cho cá 16
1.4.1.4.1 Vitamin C và nhu cầu vitamin C của cá 16
1.4.1.4.2. Vitamin E và nhu cầu vitamin E của cá 19
1.4.1.4.3 Nhu cầu Vitamin E/ vitamin C của cá 20
1.4.2 Những nghiên cứu về thức ăn cho cá giò 21
1.4.2.1 Thức ăn tươi 21
1.4.2.2 Những nghiên cứu về thức ăn công nghiệp 22
CHƯƠNG 2: VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 24
2. 1. Địa điểm, thời gian và đối tượng nghiên cứu 24

2.1.1 Địa điểm nghiên cứu 24
2.1.2 Thời gian thực hiện 24
2.1.3 Đối tượng nghiên cứu 24
2. 2. Sơ đồ nội dung nghiên cứu 24
2.3 Hệ thống thí nghiệm 25
2.4 Thức ăn thí nghiệm 25
2.5 Thí nghiệm 1: Nghiên cứu ảnh hưởng tỷ lệ protein/ lipid khác nhau lên tốc độ
tăng trưởng và thành phần sinh hóa của cá giò giai đoạn giống 26
2.5.1 Bố trí thí nghiệm 26
2.5.2 Chăm sóc và quản lý 26
2.6 Nghiên cứu ảnh hưởng của tỷ lệ vitamin C /vitamin E đến tốc độ tăng trưởng và
thành phần sinh hóa của cá giò giai đoạn giống. 27
2.6.1 Bố trí thí nghiệm 27
2.6.2 Thức ăn thí nghiệm 28
2.6.3 Chăm sóc và quản lý: 28
2.7 Phương pháp thu mẫu và phân tích mẫu 28
2.7.1 Phương pháp thu mẫu 28
2.7.2 Phương pháp phân tích thành phần sinh hóa của cá và thức ăn 28
2.8 Phân tích và xử lý số liệu: 28
CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 30
3.1 Ảnh hưởng của các tỷ lệ protein/lipid lên tốc độ tăng trưởng và thành phần sinh
hóa của cá giò giai đoạn giống 30
3.1.1 Các yếu tố môi trường trong thời gian thí nghiệm 30
3.1.2 Ảnh hưởng của các tỷ lệ protein/lipid trong thức ăn lên tốc độ tăng
trưởng, hệ số chuyển hóa thức ăn FCR, lượng thức ăn tiêu thụ FI, FER và tỷ lệ
sống. 30
3.2 Ảnh hưởng của tỷ lệ vitamin C/viatmin E khác nhau lên tốc độ tăng trưởng, thành
phần sinh hóa của cá giò giai đoạn giống 41
3.2.1 Các yếu tố môi trường trong thời gian thí nghiệm 41
3.2.2 Ảnh hưởng của các tỷ lệ vitamin C/viatmin E lên tốc độ sinh trưởng

(WG, SGR), tỷ lệ sống (S %), hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) và lượng thức
ăn tiêu thụ (FI) 41
3.2.3 Ảnh hưởng của các tỷ lệ vitamin E/vitamin C trong thức ăn đến thành
phần sinh hóa của cá giò giai đoạn giống 50
CHƯƠNG 4: KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT Ý KIẾN 54
4.1. Kết luận 54
4.2. Đề xuất ý kiến 55
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC BẢNG


Bảng 1: Thành phần dinh dưỡng của một số loại thực phẩm 7
Bảng 2.1: Các nghiệm thức thức ăn thí nghiệm 1 26
Bảng 2.2: Thức ăn và thành phần sinh hóa của thức ăn TN1 (g/100g thức ăn khô) 27
Bảng 2.3: Các nghiệm thức thức ăn thí nghiệm 2 27
Bảng 3.1: Các yếu tố môi trường trong thời gian thí nghiệm 30
Bảng 3.2: Tốc độ tăng trưởng tương đối (WG %) và tốc độ tăng trưởng đặc trưng 30
Bảng 3.3: Tỷ lệ sống (S%), hệ số chuyển đổi thức ăn FCR, lượng thức ăn tiêu
thụ (FI) và hiệu quả sử dụng protein (FER) của cá giò khi cho ăn các tổ hợp thức
ăn có tỷ lệ protein/lipid khác nhau. 35
Bảng 3.4: Thành phần sinh hóa của cơ cá khi kết thúc thí nghiệm sử dụng thức
ăn có tỷ lệ protein/ lipid khác nhau (tính theo khối lượng tươi) 38
Bảng 3.5 Các yếu tố môi trường trong thí nghiệm 2 41
Bảng 3.6: Các thông số tăng trưởng (SGR, WG) của cá giò khi cho ăn các tổ hợp
thức ăn có tỷ lệ vitamin E/vitamin C khác nhau 42
Bảng 3.7 Tỷ lệ sống (S%), hệ số chuyển đổi thức ăn FCR, lượng thức ăn tiêu thụ
(FI) và hiệu quả sử dụng protein (FER) của cá giò khi cho ăn các tổ hợp thức ăn
có tỷ lệ vitamin E/vitamin C khác nhau. 45

Bảng 3.8: Thành phần sinh hóa của cơ thể cá giò khi kết thúc thí nghiệm sử dụng
thức ăn có tỷ lệ vitamin E/vitamin C khác nhau 50

DANH MỤC CÁC HÌNH

Hình 1.1: Hình dạng bên ngoài của cá giò 3
Hình 1.3: Cá giò giống ăn thịt lẫn nhau 6
Hình 1.4: Lồng nuôi cá giò thương phẩm của công ty Marine Farm 10
Hình 2.1 Sơ đồ nội dung nghiên cứu 24
Hình 2.2: Hệ thống bể thí nghiệm 25
Hình 3.1: Khối lượng của cá giò ở các NTTA tại thời điểm kết thúc thí nghiệm31
Hình 3.2: Tăng trưởng tương đối về khối lượng của cá giò khi cho ăn các 32
tổ hợp thức ăn có tỷ lệ protein/lipid khác nhau. 32
Hình 3.3: Tăng trưởng đặc trưng về khối lượng của cá giò khi cho ăn các 32
tổ hợp thức ăn có tỷ lệ protein/lipid khác nhau. 32
Hình 3.4: Hệ số sử dụng thức ăn ở cá giò khi sử dụng tổ hợp thức ăn có 36
tỷ lệ protein/lipid khác nhau. 36
Hình 3.5: Hiệu quả sử dụng protein của cá giò khi sử dụng các tổ hợp 36
thức ăn có tỷ lệ protein/lipid khác nhau. 36
Hình 3.6: Lượng thức ăn ở cá giò khi sử dụng tổ hợp thức 37
ăn có tỷ lệ protein/lipid khác nhau. 37
Hình 3.7: Tỷ lệ sống của cá giò khi sử dụng các tổ hợp thức ăn 38
có tỷ lệ protein/lipid khác nhau 38
Hình 3.8: Hàm lượng protein (%) trong cơ thịt cá giò khi cho ăn 39
các tổ hợp thức ăn có tỷ lệ protein/lipid khác nhau. 39
Hình 3.9: Hàm lượng lipid (%) trong cơ thịt cá giò khi cho ăn các tổ hợp thức ăn
có tỷ lệ protein/lipid khác nhau 40
Hình 3.10: Khối lượng của cá khi kết thúc thí nghiệm khi cho ăn các tổ hợp 43
thức ăn có tỷ lệ vitamin E/vitamin C khác nhau 43
Hình 3.11: Tốc độ tăng trưởng đặc trưng (SGR) của cá khi cho ăn 44

tổ hợp thức ăn có tỷ lệ vitamin E/vitamin C khác nhau 44
Hình 3.12: Tốc độ tăng trưởng tương đối (WG) của cá khi cho ăn tổ hợp 44
thức ăn có tỷ lệ vitamin E/vitamin C khác nhau 44
Hình 3.13: Tỷ lệ sống của cá khi cho ăn tổ hợp thức ăn có tỷ lệ 46
vitamin E/vitamin C khác nhau 46
Hình 3.14: Lượng thức ăn tiêu thụ của cá khi cho ăn các loại tổ hợp thức ăn 46
có tỷ lệ vitamin E/vitamin C khác nhau. 46
Hình 3.15: Hệ số chuyển hóa thức ăn của cá khi cho ăn các tổ hợp 47
thức ăn có tỷ lệ vitamin E/vitamin C khác nhau 47
Hình 3.16: Hiệu quả sử dụng protein của cá khi cho ăn các tổ hợp 48
thức ăn có tỷ lệ vitamin E/vitamin C khác nhau 48
Hình 3.17: Hàm lượng protein trong cơ thịt cá khi cho ăn tổ hợp 51
thức ăn có tỷ lệ vitamin E/vitamin C khác nhau 51
Hình 3.18: Hàm lượng lipid trong cơ thịt cá khi cho ăn tổ hợp 52
thức ăn có tỷ lệ vitamin E/vitamin C khác nhau 52
1
MỞ ĐẦU
Cá giò Rachycentron canadum (Linnaeus,1766) là loài cá nổi có tập tính
di cư, cá phân bố rộng từ vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới đến các vùng nước ấm của
biển ôn đới. Vùng sinh thái sống của cá tương đối đa dạng: ở ven biển, các rạn
san hô đến vùng biển khơi (Shaffer và ctv, 1989). Đây là loài cá biển nhiệt đới có
giá trị kinh tế cao với kích thước lớn, thịt cá trắng, chất lượng thịt thơm ngon và
bổ dưỡng, hàm lượng acid béo không no EPA và DHA cao hơn so với nhiều đối
tượng nuôi khác (Shiau, 1990; Su và ctv, 2000), tốc độ sinh trưởng nhanh và có
thể đạt 6-8kg sau 1 năm nuôi (Su và ctv, 2000).
Với những đặc tính như trên thì hiện nay cá giò được nuôi rất phổ ở nhiều
nước trên thế giới như các nước Châu Mỹ la tinh, Châu Á như Đài Loan, Trung
Quốc, Phillipin, Việt Nam (Kaiser & Holt, 2004). Tại Việt Nam cá giò được nuôi
rất phổ biến ở các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên,
Khánh Hòa, Vũng Tàu, Nghệ An, Vũng Tàu, Kiên Giang với số lượng lồng

nuôi tăng khá nhanh. Cá giò được ví như cá Hồi của Châu Á và Việt Nam được
xem là nước đứng hàng thứ 3 trên thế giới về sản xuất giống và nuôi thương
phẩm cá giò (Svennevig, 2001).
Hiện nay chúng ta đã tiến hành cho sinh sản nhân tạo cá giò và đã đạt
được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nghiên
cứu bổ sung nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất giống, đặc biệt là vấn đề dinh
dưỡng cho cá giống.
Trong sản xuất cá giống, vấn đề dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng, liên
quan đến tỷ lệ sống cũng như sinh trưởng của cá. Việc xác định thức ăn có hàm
lượng các chất dinh dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn phát triển có ý nghĩa rất
lớn trong việc nâng cao tỷ lệ sống, sinh trưởng của cá. Nhiều công trình nghiên
cứu về nhu cầu dinh dưỡng và thức ăn cho cá giò giống đã được thực hiện, tuy
nhiên có sự khác biệt về kết quả của các nghiên cứu này, đặc biệt là nhu cầu dinh
dưỡng về các loại vitamin trong thức ăn thì chưa có một nghiên cứu nào ở Việt
Nam cũng như trên thế giới được công bố.
Các hộ nuôi cá giò tại Việt Nam chủ yếu vẫn sử dụng cá tạp làm nguồn
thức ăn chính. Trong khi đó, nguồn cung cấp thức ăn cá tạp lại không ổn định,
2
giá cả biến động và ngày càng trở lên khan hiếm và đắt đỏ. Khi sử dụng nguồn cá
tạp còn gây hiện tượng cạnh tranh với những mục đích sử dụng khác như chăn
nuôi gia súc, làm thức ăn cho người gây rất nhiều khó khăn cho các hộ nuôi,
chất lượng thịt cá lại không đảm bảo về mặt dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường
nuôi, bệnh tật và làm gia tăng giá thành sản phẩm (Lê Anh Tuấn, 2005a).
Vì những lý do trên, đề tài:“Nghiên cứu ảnh hưởng của tỷ lệ
protein/lipid, vitamin C/vitamin E trong thức ăn lên tốc độ tăng trưởng và
thành phần sinh hóa của cá giò (Rachycentron canadum, Linnaeus 1766) giai
đoạn giống” là rất cần thiết. Đề tài nhằm góp phần vào việc nghiên cứu nhu cầu
dinh dưỡng của cá giò giai đoạn giống, làm cơ sở cho việc ứng dụng vào sản xuất
thức ăn công nghiệp và sự phát triển bền vững của nghề sản xuất cá giò.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài:

Kết quả của đề tài sẽ cung cấp những thông tin mới cho những nghiên
cứu về dinh dưỡng giai đoạn giống cho cá biển nói chung và cá giò nói riêng, từ
đó làm cơ sở khoa học để sản xuất thức ăn công nghiệp phục vụ cho nuôi cá giò
giống, góp phần nâng cao năng suất, tỷ lệ sống cũng như chất lượng thịt của đối
tượng nuôi này.
Mục đích của đề tài: Xác định tỷ lệ protein/lipid, vitamin E/vitamin C tối ưu
trong thức ăn lện sinh trưởng và thành phần sinh hóa của cá giò giống. Từ đó đề
xuất tỷ lệ protein/lipid, vitamin E/vitamin hợp lý trong thức ăn nhằm nâng cao
năng suất, tỷ lệ sống cũng như chất lượng thịt của cá giò.
Nội dung nghiên cứu:
1. Ảnh hưởng của tỷ lệ protein/lipid đến tốc độ tăng trưởng và thành phần
sinh hóa của cá giò giống
2. Ảnh hưởng của tỷ lệ vitamin C/vitamin E đến tốc độ tăng trưởng và thành
phần sinh hóa của cá giò.





3
CHƯƠNG I: TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.1 Đặc điểm sinh học của cá giò
Cá giò Rachycentron canadum (Linnaeus, 1766) hay còn gọi là cá bớp
(tên tiếng Anh là Cobia hay Black Kingfish) thuộc họ Rachycentridae, bộ
Perciformes. Đây là đối tượng nuôi có kích thước lớn, giá trị kinh tế cao và phân
bố rộng rãi ở khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới và các vùng nước ấm của vùng ôn
đới, do đó được rất nhiều các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu trên nhiều lĩnh
vực khác nhau.





Hình 1.1: Hình dạng bên ngoài của cá giò
(Nguồn: )
1.1.1 Đặc điểm hình thái, cấu tạo
Cá giò là loài có kích thước lớn, thân cá thuôn dài có hình ngư lôi với đầu
dài và bẹp bằng 4,85 - 6,35 lần đường kính mắt, mắt cá nhỏ bằng 2,45-2,8 chiều
rộng miệng. Miệng cá rộng, hàm dưới nhô ra dài hơn hàm trên, răng dạng lông
nhung phân đều cả hai hàm, lưỡi và vòm miệng. Mắt cá nhỏ không có mí.
Vây lưng có 6-9 tia vây cứng ngắn và khỏe, nhọn, giữa các tia vây không
có màng liên kết. Vây lưng thứ hai có màng liên kết với các tia mềm. Vây ngực
nhọn và dài. Phần gốc đuôi hậu môn bên dưới đỉnh vây lưng thứ hai. Vây đuôi cá
con tròn, khi trưởng thành thì lõm vào hình trăng khuyết, thùy trên dài hơn thùy
dưới. Vẩy tấm nhỏ nằm sâu dưới lớp da dày. Lưng và hai bên sườn có màu nâu
đậm. Dọc hai thân có 2 dải sáng bạc và một dải màu đen rộng bằng đường kính
mắt chạy từ mút hàm trên tới cuống đuôi. Bụng có màu trắng sữa, vàng nhạt hoặc
hơi xám, hầu hết các vây đều có màu nâu đậm và xám tro ở vây hậu môn.
1.1.2 Đặc điểm phân bố
Cá giò là loài cá dữ ăn thịt, chúng phân bố rộng ở vùng biển nhiệt đới và
cận nhiệt đới, những nơi có vùng nước ấm ôn đới. Ở bờ Đại Tây Dương chúng
4
có mặt từ Mỹ đến Argentina bao gồm vịnh Mexico và toàn bộ vùng biển
Caribean. Vào những tháng mùa thu và đông, chúng di cư xuống phía nam và
vùng nước ấm ngoài khơi, nơi có nhiệt độ từ 20-30
o
C, đến mùa xuân chúng di cư
ngược lên phía bắc. Ngoài ra chúng thường di cư vào mùa sinh sản vì thế số
lượng của chúng cũng khác nhau theo mùa. Trong những tháng đầu của mùa thu
và mùa đông, chúng di cư về phía nam và ngoài khơi vùng nước ấm. Đầu mùa

xuân chúng di cư về phía bắc, dọc vùng biển Ấn Độ Dương. Phía bắc Đại Tây
Dương, chúng xuất hiện ở thềm lục địa Scottian-Canada. Bờ đông Đại Tây
Dương cá giò phân bố từ Moroco tới Nam Phi. Ở khu vực Ấn Độ Dương và bờ
tây của Thái Bình Dương là nơi cá giò tập trung phổ biến nhất. Chúng xuất hiện
từ Hokaido Nhật Bản tới Australia và từ đông Ấn Độ tới Nam Phi. Ở Việt Nam
chúng phân bố từ bắc vào nam ở cả vùng biển ven bờ và xa bờ.

Hình 1.2: Bản đồ phân bố của cá giò trên thế giới
(Nguồn:
Cá giò là loại cá biển nổi, giai đoạn trứng và ấu trùng sống ngoài biển
khơi, khi trưởng thành chúng sống gần bờ, thềm lục địa cũng như các rạn đá
ngoài khơi, các rạn san hô, vịnh nông hoặc những nơi có độ mặn thích hợp. Cá
giò sống ở độ sâu 50-120m (Đỗ Văn Minh, 2003). Đây là loài có khả năng thích
ứng rộng với sự thay đổi của độ mặn nên rất thích hợp cho sự phát triển nuôi
trong các điều kiện khác nhau (Matthew và ctv, 2006).
1.1.3 Ảnh hưởng của các yếu tố sinh thái.
Nhiệt độ: Cá Giò là loài bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ, đây là một yếu
tố quan trọng ảnh hưởng lên sinh trưởng của cá. Tùy theo giai đoạn phát triển mà
5
khoảng nhiệt độ tối ưu cho sinh trưởng và phát triển cũng khác nhau. Cá giò có
thể thích ứng với nhiệt độ từ 16,8
o
C -32
o
C (Dawson 1971, Milstein và Thomas
1976), nhưng nhiệt độ thích hợp cho trứng cá phát triển và nở là 26,5
0
C (Hassler
and Rainville, 1975). Cá giống có thể bị chết ở nhiệt độ nước 17,7
0

C và ngừng
bắt mồi khi nhiệt độ nước ở mức 18,3
o
C (Richards, 1976).
Độ mặn: Đối với cá giò trưởng thành có thể sống được ở độ mặn từ 22,5-
44,5‰ (Christesen 1965, Rossler 1967) và chúng có khả năng chịu đựng tốt đối
với sự thay đổi độ mặn đột ngột. Matthew và ctv (2006) khi tiến hành nghiên cứu
ảnh hưởng của độ mặn tới tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá giò giai đoạn
cá hương trong hệ thống tuần hoàn, kết quả cho thấy cá vẫn sinh trưởng và phát
triển tốt ở độ mặn 5‰, tuy nhiên tỷ lệ sống ở độ mặn này thấp (68,3%) so với độ
mặn 15‰ (90%) và 30ppm (92,5%). Thân Trọng Ngọc Lan (2005) cho rằng ở độ
mặn 35‰ trứng cá giò nở nhanh, tỷ lệ nở đạt 83%, tỷ lệ dị hình thấp (5%), độ
mặn <25‰ trứng cá giò bị chìm xuống dưới đáy.
Các yếu tố môi trường khác như pH, oxy hòa tan, NO
2
- và NO
3
- khi vượt
quá ngưỡng cho phép đều ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá. pH
thích hợp cho cá Giò sinh trưởng và phát triển tốt là 7,5-8,3 và ngưỡng oxy hòa tan
DO>4mg/L; NH
3
<1mg/L; NO
2
-
<1,5mg/L (Trích Thân Trọng Ngọc Lan, 2005).
1.1.4 Đặc điểm dinh dưỡng, sinh trưởng.
a. Dinh dưỡng
Cá Giò là loài cá dữ, chúng rất phàm ăn nên có khả năng ăn thịt đồng loại,
đặc biệt là giai đoạn giống nhỏ. Hiện tượng ăn thịt lẫn nhau trong quần đàn là

một trong những vấn đề nghiêm trọng làm giảm tỷ lệ sống trong giai đoạn đầu
của quá trình nuôi và nó liên quan đến mức độ đồng đều của con giống, mật độ
thả, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc. Cá giò bắt mồi chủ động và có thể ăn nhiều
lần trong ngày, tốc độ tiêu hóa và sử dụng thức ăn tương đối nhanh (Trích
Nguyễn Quang Huy, 2002). Ấu trùng cá giò rất thích ăn các loại động vật nổi,
đặc biệt là copepoda, phổ thức ăn của cá giò giống và cá trưởng thành rất rộng,
thức ăn của chúng là các loại cá nhỏ, giáp xác và các loại động vật không xương
sống phân bố ở tầng đáy, thức ăn ưa thích nhất của chúng là cua nên chúng còn
có tên gọi khác là ‘Crabeater’ (Randall, 1983).
6
Meyer và Franks (1996) khi phân tích thành phần thức ăn trong dạ dày của
cá giò cho thấy giáp xác chiếm tới 77,6%-84% (đối với cỡ cá từ 3,73cm đến
15,3cm). Knapp (1951) đã chỉ ra rằng có tới 40% thức ăn của cá là cua lột, 46%
là các loại tôm khác nhau và 100% cá giò được kiểm tra đều có sự xuất hiện của
các loài giáp xác. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với nghiên cứu của
Shaffer (1989), Miles (1949).







Hình 1.3: Cá giò giống ăn thịt lẫn nhau
b. Sinh trưởng
Cá giò là loài cá có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, chúng có thể tăng tới 6-
8kg (Su và ctv, 2000) trong năm đầu tiên, năm thứ 2 có thể đạt 15kg, sau năm thứ
hai trở đi tốc độ tăng trưởng của chúng chậm lại (Frank et al, 1999). Trong điều
kiện tự nhiên khi đánh bắt, cá thường có kích cỡ trung bình của cá là 23kg, chiều
dài từ 50-120cm, có con đạt 2m, trọng lượng đạt 68kg (Shaffer và ctv, 1989).

Richards (1967-1977), Kaiser và ctv (2005) đã xác định rằng ở vịnh
Chesapake cá cái lớn nhanh hơn hẳn cá đực. Đây là đối tượng có giá trị xuất khẩu
rất lớn tương tự như đối với các loại cá như cá Hồi và cá Pô lắc của vùng Alaska.
Trong điều kiện nuôi, cá giống cỡ 2,5-3cm sau thời gian ương 30 ngày có
thể đạt cỡ 7-9cm (Đỗ Văn Minh, 2003). Nhìn chung tốc độ tăng trưởng của cá
khác nhau tùy thuộc vào điều kiện nuôi, giai đoạn phát triển, môi trường sống,
chế độ dinh dưỡng, chăm sóc cũng như tình trạng sức khỏe của cá (Nguyễn
Quang Huy, 2002).
1.1.5 Đặc điểm sinh sản
Cá giò khi thành thục con đực thường nhỏ hơn cá cái, đa số cá khoảng 2
+
đã
có buồng trứng phát triển, tuy nhiên cá khoảng 3
+
cho sinh sản là tốt nhất. Cá cái

7
thành thục sau 3
+
với khối lượng 6-8kg, cá đực thành thục sau 2
+
, với khối lượng
8-12 kg ở vùng vịnh Chesapeake và chúng thường sinh sản vào cuối tháng 4 và
đầu tháng 5, ở vịnh Mexico cá sinh sản suốt từ tháng 4 đến tháng 9. Ở Đài Loan,
cá giò một tuổi đã có thể thành thục và có thể sinh sản tốt ở 1,5 tuổi. Mùa sinh sản
bắt đầu từ tháng thứ 2 đến tháng 5 và kéo dài đến tháng 10 (Liao và ctv, 2003).
Trứng cá thụ tinh nổi trong suốt, hình cầu, có màu kem. Trứng thường có
đường kính khoảng 1,35 -1,4mm. Ở nhiệt độ 24-26
0
C, trứng nở sau 24-36 giờ thụ

tinh, ấu trùng mới nở dài 2,3-3mm và chưa có sắc tố (Liao và ctv, 2003; Kaiser &
Holt, 2005). Ấu trùng tăng trưởng nhanh và có khả năng chịu đựng môi trường khắc
nghiệt cao hơn so với ấu trùng của một số loài cá biển khác (Liao và ctv, 2004).
Sức sinh sản của cá giò khá lớn từ 1,9-5,4 triệu trứng/kg cá cái, tùy thuộc vào
kích thước và tuổi cá. Cá càng lớn thì sức sinh sản càng cao, trứng cá giò là trứng
nổi có trọng lượng 2300-3800 trứng/g (Liao và ctv, 2003; Kaiser & Holt, 2005).
1. 2 Vai trò của cá Giò đối với con người
Cá giò có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, đặc biệt là hàm lượng DHA và
EPA trong thành phần thịt cá. So với các loại thực phẩm có giá trị khác như thịt
cá thu, cá ngừ hay thịt bò thì cá giò có hàm lượng DHA, EPA cao nhất cho nên
sản phẩm này rất được ưa chuộng trên thế giới.
Bảng 1: Thành phần dinh dưỡng của một số loại thực phẩm
(Nguồn: www.seafdec.org)
Loài
Yếu tố
Cá giò Cá ngừ Cá thu Thịt bò Thịt gà Thịt lợn

Độ ẩm(%) 53-70 50-55 62 57 68 66
Chất béo(%) 10-30 2-4 16 18 10 16
Protein(%) 17-19 24 20 23 21 17
Tro(%) 1,1-1,4 1,4 1,3 0,9 1 1
DHA(mg/100g)

328-507
159 350 0 0 0
EPA(mg/100g)
280-485
640 410 0 0 0

Cá giò chứa hàm lượng chất béo và protein rất cao, giàu các loại protein

cao cấp và các loại acid béo không thay thế, chúng tác động đến việc làm giảm
hàm lượng cholesterol, lượng đường và chất béo có trong máu. Ngoài ra chúng
còn ngăn ngừa một số bệnh như cho con người như bệnh tiểu đường, bệnh cao
huyết áp, bệnh gút. Thịt cá giò còn chứa rất nhiều DHA (328-507mg/100g) là
8
một chất dinh dưỡng rất quan trọng để phát triển trí não, ngoài ra nó còn chứa
EPA (280 - 485mg/100g), chất này có chức năng củng cố lượng máu. Thịt cá giò
có chứa rất nhiều hàm lượng vitamin E, chứa nhiều taurine đây là một amino acid
và là thành phần của muối mật taurococholate và nó cũng hoạt động như một
chất dẫn truyền thần kinh trong hệ thần kinh trung ương. Nó có thể điều chỉnh áp
suất thẩm thấu của tế bào, ngăn ngừa sự hình thành sỏi mật và điều chỉnh các
chức năng xung lực của thần kinh trung ương. Thịt cá giò có chứa chất anserine
tương tự như trong thịt của cá ngừ và cá cờ, chúng có chức năng như một chất
chống oxy hóa. Chính nhờ những ưu điểm vượt trội trên mà thịt cá giò rất được
ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới (www.seafdec.org).
1. 3. Tình hình sản xuất và nuôi thương phẩm cá giò trên thế giới và Việt Nam.
1.3.1 Tình hình sản xuất và nuôi thương phẩm cá giò trên thế giới.
Hiện nay nghề nuôi cá biển nói chung và cá giò nói riêng ở khu vực Châu
Á – Thái Bình Dương khá phát triển với quy mô lớn như ở Trung Quốc, Đài
Loan, Philipin, Việt Nam….và chủ yếu tập trung vào những đối tượng có giá trị
kinh tế. Sản lượng cá giò trên thế giới năm 2004 – 2005 tăng từ 20,461 tấn lên
22,745 tấn, giá trị tăng từ 36,2 lên 41,2 triệu USD, tập trung chủ yếu ở Trung
Quốc và Đài Loan (Liao, 2004).
Đài Loan là nơi đầu tiên thành công trong việc phát triển nghề nuôi cá giò
(Su, Chen & Liao 2000) và hiện nay đã hoàn thiện được quy trình từ giai đoạn cho
đẻ, ương nuôi ấu trùng và sản xuất cá giống trong bồn chứa hay trong ao đến nuôi
lớn trên lồng nổi, và 80% trại nuôi cá biển của Đài Loan đang nuôi cá giò (Liao,
2004). Nguồn giống cá biển sản xuất nhân tạo của Đài Loan không những cung
cấp đủ cho nhu cầu nuôi trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước khác trong
khu vực như Việt Nam, Thái Lan, Phillipin Tính đến năm 1998, có khoảng 64

loài cá biển được nuôi ở Đài Loan, trong đó 90% số loài đã được sản xuất giống
nhân tạo thành công với số lượng 642,558,000 con giống trên tổng số 604 trại sản
xuất. Để hạn chế những tác động bất lợi lên môi trường từ việc mở rộng diện tích
và các hình thức nuôi trong ao, Đài Loan đã tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng
trên biển. Năm 2000 có khoảng 1,500 lồng nuôi với kích cỡ khác nhau được đặt
nuôi ở ven biển và ngoài khơi, trong đó trên 80% số lồng được sử dụng để nuôi cá
9
giò. Sản lượng cá biển năm 1990 chỉ đạt 103 tấn và đến năm 1998 tăng gấp 26 lần
đạt 2,673 tấn, trong đó cá giò chiếm 1/2 sản lượng với 1,500 tấn (Su và ctv, 2000).
Với tốc độ phát triển như vậy, nghề nuôi cá biển ở Đài Loan đang có trển vọng trở
thành nguồn thu ngoại tệ chính của nghề nuôi thuỷ sản nước này. Ngoài Đài Loan,
một số nước như Australia, Mỹ cũng có chương trình nghiên cứu sản xuất giống
và nuôi đối tượng này (Svennevig, 2001).
Trong giai đoạn 2004-2005, sản lượng nuôi cá bớp tăng từ 20,461 tấn lên
22,745. Ngoài khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (chủ yếu là Trung Quốc và Đài
Loan) chỉ có hai nước Mayotte và Reunion đóng góp thêm một phần nhỏ (ước
tính khoảng 7 tấn) vào tổng sản lượng nuôi cá bớp toàn cầu. Giá trị sản lượng
tương ứng tăng từ 36,2 triệu USD lên 41,2 triệu USD với giá cả thị trường ổn
định khoảng 1,80 USD/kg cá thương phẩm (Aquaculture Asian, 2008).
1.3.2 Tình hình sản xuất và nuôi thương phẩm cá giò tại Việt Nam.
Nghề nuôi cá biển tại Việt Nam chỉ thực sự bắt đầu vào những năm 1990
khi những nghiên cứu về sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số loài thành
công, so với các nước trong khu vực thì nghề nuôi cá biển ở nước ta phát triển
tương đối muộn.
Việt Nam được coi là nước đứng thứ 3 trên thế giới về sản xuất giống và
nuôi thương phẩm cá Giò (Svennevig, 2001). Hiện nay bên cạnh các loài hải sản
có giá trị kinh tế như cá mú (Epinephelus spp), cá chẽm (Lates calcarifer), cá
hồng (Lutjanus spp), cá hồng Mỹ (Sciaenops ocellatus), tôm hùm bông
(Panulirus ornatus)…thì cá giò cũng là một trong những đối tượng nuôi biển rất
hấp dẫn. Hiện nay cá giò được nuôi khá phổ biến tại Việt Nam ở hầu hết các tỉnh

ven biển dọc từ Quảng Ninh, Hải Phòng cho tới Kiên Giang, Vũng Tàu. Năm
2004, sản lượng cá giò khoảng 1200 tấn, giá trị trên 60 tỷ đồng (Nguyễn Đình
Mão, Lê Anh Tuấn, 2007)
Năm 1999 cả nước có 346 lồng nuôi với tổng sản lượng 52 tấn, đến năm
2005 tăng lên 16,319 lồng với sản lượng 3,510 tấn, các tỉnh nuôi chủ yếu là
Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa và Vũng Tàu. Nguồn giống cá biển cho
nuôi thương phẩm chủ yếu thu gom ngoài tự nhiên, hiện nay chúng ta đã cho sinh
sản nhân tạo thành công loại cá này tuy nhiên tỷ lệ sống thấp và vẫn phải nhập
10
khẩu nguồn cá giống từ một số nước khác, chủ yếu từ Đài Loan và Trung Quốc,
ước tính nhu cầu giống cá giò hiện nay của Việt Nam khoảng 300,000-500,000
con/năm (Nguyễn Đình Mão, Lê Anh Tuấn).
Cá giò được nuôi chủ yếu bằng những lồng bè nhỏ, bằng gỗ có kích thước
3x3x3m hoặc 4,5x4,5x4,5m. Cá được nuôi đơn hay nuôi ghép với các đối tượng
nuôi khác, tuy nhiên do điều kiện nuôi còn lạc hậu, kĩ thuật nuôi còn hạn chế, sử
dụng cá tạp làm thức ăn cho nên gây ô nhiễm môi trường nuôi, nguồn cung cấp
cá tạp còn hạn chế và giá thành lên xuống khó chủ động cho nên sản phẩm nuôi
còn ít và không ổn định (Nguyễn Quang Huy, 2002).
Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, các lồng bè nuôi cá giò tập trung chủ yếu ở
các đảo Cát Bà, Vân Đồn và Bái Tử Long. Hiện có khoảng 7,500 lồng nuôi tại
Hải Phòng và 4000 lồng nuôi ở Quảng Ninh, được bố trị tại các eo vịnh kín gió
với độ sâu trung bình từ 7-9m và năm 2004, sản lượng nuôi cá giò khu vực này
khoảng 130 tấn. Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa khoảng 10 tấn (2004), Vũng Tàu
1000 tấn, cao nhất trong cả nước trong năm 2004. Hiện nay, hầu hết các công ty
nuôi cá giò chủ yếu sử dụng kiểu lồng nuôi của Nauy. Vũng Tàu là vùng nuôi cá
giò đầu tiên tại Việt Nam trên quy mô lớn, công ty hải sản Đại Hải Đường đã thả
nuôi 180 lồng (288m
2
/lồng), thể tích lồng là 12x6x4m, nguồn giống chủ yếu
nhập khẩu từ Đài Loan, sử dụng thức ăn viên hệ số thức ăn thấp 1,5:1 so với cá

cho ăn cá tạp (hệ số thức ăn là 6:1) và năm 2001 công ty đã sản xuất được 400
tấn cá thịt cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu (Nguyễn Đình
Mão và Lê Anh Tuấn, 2007).








Hình 1.4: Lồng nuôi cá giò thương phẩm của công ty Marine Farm


11
Trong những năm gần đây, nghề cá biển Việt Nam phát triển nhanh chóng
và ngày càng được mở rộng trên quy mô công nghiệp, đạt được nhiều kết quả
đáng khích lệ với nhiều đối tượng nuôi đa dạng hơn, phong phú hơn, có giá trị
kinh tế cao và chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng. Tuy nhiên hiện nay nguồn
thức ăn chính cho nuôi cá lồng chủ yếu vẫn sử dụng cá tạp, đây là một trong
những nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường nước, khả năng gây bệnh cao,
nguồn cung cấp cá tạp trở lên đắt đỏ vào những ngày sóng gió, không ổn định
cho nên sản phẩm nuôi còn rất hạn chế. Do vậy để nghề nuôi cá biển phát triển
bền vững và đạt được các chỉ tiêu đề ra thì bên cạnh việc nâng cao chất lượng kĩ
thuật nuôi, con giống, công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ, chúng ta còn phải
tập trung nghiên cứu phát triển sản xuất thức ăn công nghiệp với nhu cầu dinh
dưỡng phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của cá, thay thế cho việc sử dụng cá
tạp đồng thời đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu thụ.
1.4 Những nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng và thức ăn cho cá giò
1.4.1 Nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng

Nhu cầu dinh dưỡng của một sinh vật được hiểu theo nhiều nghĩa nhưng
hầu hết trong thực nghiệm về khẩu phần ăn cho sinh vật thì nhu cầu dinh dưỡng
là nhu cầu tối ưu cho sinh trưởng của sinh vật. Những nghiên cứu về nhu cầu
dinh dưỡng của cá giò của các tác giả như: Chou và ctv (2001), Hassler (1975),
Richard (1977), Lunger và ctv (2006, 2007), Craig (2005, 2006), Zhou và ctv
(2006), Wang (2006) các tác giả này nghiên cứu về dinh dưỡng và khẩu phần
thức ăn của cá giò chủ yếu từ giai đoạn ấu trùng đến giai đoạn giống.
1.4.1.1 Nhu cầu protein và các acid amin
Nhu cầu protein là lượng protein tối thiểu có trong thức ăn nhằm thoả mãn
yêu cầu các amino acid để đạt tăng trưởng tối đa (NRC, 1993). Nhu cầu protein
của động vật thủy sản thường lớn hơn động vật trên cạn, đây là một trong những
nhân tố cho thấy các loài động vật thủy sản thường xuyên sử dụng những nguồn
protein sống, có sẵn trong tự nhiên.
Nhu cầu protein của cá dao động trong khoảng từ 25 đến 60%, trung bình
30%, giáp xác từ 30-60%, đối với nhóm cá ăn động vật thì nhu cầu protein
khoảng 40-60%. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy là do một số nhân tố khác nhau
12
như: kích cỡ, độ tuổi, trạng thái sinh lý của cá, các yếu tố sinh thái, mật độ ương,
khẩu phần thức ăn hàng ngày của cá, chất lượng protein trong thức ăn cũng như
nguồn gốc protein (tỉ lệ protein và năng lượng, thành phần amino acid và khả
năng tiêu hóa protein) (Lại Văn Hùng, 2004).
Khi động vật thủy sản sử dụng thức ăn không có protein thì cơ thể giảm
khối lượng, bởi vì chúng sẽ sử dụng protein của cơ thể để duy trì các chức năng
hoạt động tối thiểu của cơ thể để tồn tại. Trái lại nếu thức ăn được cung cấp quá
nhiều protein thì protein dư không được cơ thể hấp thụ để tổng hợp protein mới
mà sử dụng để chuyển hóa thành năng lượng hoặc thải ra ngoài, thêm vào đó cơ
thể còn phải tốn năng lượng cho quá trình tiêu hóa protein dư thừa, vì thế sinh
trưởng của cơ thể giảm (Lại Văn Hùng, 2004).
Nhu cầu protein của cá giai đoạn giống cao hơn so với cá ở giai đoạn
trưởng thành, đối với các loài cá khác nhau thì nhu cầu protein trong thức ăn cũng

khác nhau: Cá nheo Iactalurus punctatus (32-36%), Cá mú sông Epinephelus
punctatus (40-45%), cá hanh vàng Sparus aurata, cá vược mõm rộng Micropterus
salmoides, cá măng biển Chanos chanos, cá hồi bạc Oncorhynchus kisutch (40%),
cá hanh đỏ Chrysophrys major (55%), cá bơn sao Pleuronectes platessa (50%), cá
mú chuột Cromileptes altivelis (>44%)(Wilson, 1989).
Theo nghiên cứu của Chou và ctv (2001), khi nghiên cứu về nhu cầu
protein trên cá giò giống ở Đài Loan, với các mức protein dao động từ 36-60%,
kết quả sau 8 tuần thí nghiệm, mức protein tối ưu cho cá giò đạt tốc độ tăng
trưởng cao nhất là 44,5%, tác giả cũng cho rằng cá thương phẩm có nhu cầu
protein từ 40-45%, khẩu phần thức ăn chủ yếu sử dụng Casein làm nguyên liệu
chính. Ở Đài Loan người ta thường sử dụng thức ăn có 48% protein cho nuôi
thương phẩm cá giò. Tuy nhiên nhu cầu về hàm lượng protein trong thức ăn của
cá giò vẫn thấp hơn so với một số loài cá biển khác như nhu cầu protein của cá
mú (Epinephelus malabaricus) là 50%, cá mú hoa nâu (Epinephelus
fuscoguttatus) 55% (Lê Anh Tuấn, 2005c, 2005d).
Nhu cầu về các acid amin không thay thế không có sự khác biệt đáng kể giữa
các loài cá biển với nhau, mặc dù vậy những nghiên cứu về các nhu cầu acid amin
cho ấu trùng cá biển không nhiều (Bengston, 1993). Dựa trên những nghiên cứu về
13
nhu cầu các acid amin được xác định, người ta thấy có sự tương quan chặt chẽ giữa
nhu cầu amino acid với mức các amino acid trong toàn bộ cơ thể, do đó có thể sử
dụng các EAA trong cơ thể để làm chỉ tiêu trong sản xuất thức ăn cho những đối
tượng mà nhu cầu về các amino acid chưa được nghiên cứu (Wilson, 2002).
Cá giò cũng như các loài cá biển khác, chúng cũng có nhu cầu đối với 10
loại acid amin thiết yếu, tuy nhiên đối với các loại acid amin khác nhau thì nhu
cầu của cá cũng khác nhau. Zhou và ctv (2006, 2007) đã chỉ ra rằng nhu cầu
methionin và lysin cho sinh trưởng và mức độ sử dụng thức ăn tối đa ở cá giò
giống là 1,19% và 2,38%. Khi bổ sung taurine với mức 0,5g/100g thức ăn khô
vào khẩu phần cho thức ăn cho cá giò, kết quả cho thấy cá tăng trưởng nhanh hơn
và hiệu quả sử dụng thức ăn tốt hơn đối với các nghiệm thức thức ăn có bổ sung

taurine (Lunger và ctv, 2007). Kết quả nghiên cứu này ở cá chẽm (Lates
calcarifer) với tryptophan là 0,5%, methionine 2,24 và Lysin 4,5-5,2%, Arginie
3,8% (Rimmer và 1994).
1.4.1.2 Nhu cầu lipid và các acid béo không no
Nhu cầu lipid của động vật thủy sản được xác định dựa vào nhu cầu về
năng lượng, acid béo cần thiết, phospholipid và cholesterol, đặc điểm sống và dự
trữ lipid của loài, cá có nhu cầu năng lượng thấp hơn động vật trên cạn và có thể
sử dụng lipid để làm năng lượng. Kết quả nghiên cứu về nhu cầu lipid trong thức
ăn cho cá, hàm lượng lipid thay đổi tùy theo loài. Ngoài ra nhu cầu này phụ thuộc
rất lớn vào hàm lượng và chất lượng, nguồn cung cấp lipid. Nhìn chung, 10-20%
lipid trong khẩu phần của cá cho tốc độ sinh trưởng tối ưu mà không tạo ra một
cơ thể quá béo (Cowey và Sargent, 1979).
Những nghiên cứu về nhu cầu lipid trên loài cá này rất khác nhau: Chou
và ctv (2001) cho rằng với mức lipid 5,76% cá giò cho tốc độ tăng trưởng tốt
nhất với việc kết hợp hỗn hợp dầu: dầu cá tuyết và dầu đậu nành tỷ lệ 2:1. Tuy
nhiên nghiên cứu trên cũng cho thấy không có sự sai khác về tốc độ tăng trưởng
và hệ số chuyển hóa thức ăn giữa nhóm cá ăn thức ăn có 6, 9, 15, 18% lipid, tuy
nhiên tỷ lệ lipid này thấp hơn nhiều so với kết luận của Ho Shin Huang (1999),
tác giả này cho rằng mức lipid 10% hay 15% trong thức ăn thì cá tăng trưởng và
phát triển tốt hơn so với cá được cho ăn 5%, 20 hay 25% lipid trong thức ăn,
14
phân tích hồi quy tuyến tính cho thấy, với mức lipid 14,6% cá đạt tốc độ tăng
trưởng cao nhất.
Tác giả này cũng cho rằng hàm lượng lipid bổ sung vào thức ăn cao ở các
lô thí nghiệm là nguyên nhân làm gia tăng hàm lượng lipid có trong gan và cơ.
Tác giả này cũng công bố rằng khi bổ sung các loại lipid có nguồn gốc khác nhau
vào khẩu phần ăn của cá giò (mỡ lợn, dầu colza, dầu bắp, dầu đậu nành, dầu đậu
nành +1% DHA hoặc dầu gan cá tuyết) thì thức ăn có bổ sung dầu colza cho tốc
độ tăng trưởng thấp nhất, các loại còn lại không có sự khác biệt. Cá được cho ăn
thức ăn có bổ sung 1% DHA+dầu gan cá hay dầu đậu nành có hiệu quả sử dụng

thức ăn và hiệu quả sử dụng protein tốt hơn so với ăn thức ăn có bổ sung dầu
colza. Hàm lượng lipid trong gan cá cao hơn khi cho ăn thức ăn có mỡ heo so với
các loại dầu khác.
Craig (2005) khi nghiên cứu trên cá Giò tiến hành bổ sung lipid và
cacbonhydrat vào khẩu phần ăn, kết quả 3% lipid/ 36% cacbonhydrat cá cho tốc
độ tăng trưởng cao nhất (WG = 554%), và với mức 18%lipid /0%cacbonhydrat
sẽ làm giảm tăng trưởng cũng như hệ số chuyển đổi thức ăn của cá giống. Mặc
dù vậy nhu cầu của thị trường cá giò là phục vụ cho sashimi vốn đòi hòi hàm
lượng lipid cao trong thịt cá, điều này có thể đạt được qua việc cho cá ăn thức ăn
có hàm lượng lipid cao (Wang, 2005).
Wang và ctv (2005) cũng cho rằng với mức lipid 5% và 15% lipid, cá
giò có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức lipid 25%. Ducan và ctv (2007) khi
nghiên cứu trên cá giò, cho ăn 2 loại thức ăn có 47% protein/8% lipid và 47%
protein/20%lipid. Kết quả thử nghiệm sau 6 tuần cho thấy, cá cho ăn thức ăn có
hàm lượng lipid cao thì sinh trưởng về khối lượng cao hơn so với cá cho ăn thức
ăn có hàm lượng lipid thấp (P<0,05).
Tại Việt Nam, thức ăn công nghiệp EWOS cho loài cá này có hàm lương lipid
từ 18-24% tùy theo giai đoạn phát triển (Nguồn công ty Marine Farm Việt Nam).
Với vai trò quan trọng như vậy nên lipid hiện nay là một vấn đề đang
được quan tâm nghiên cứu để nâng cao chất lượng thức ăn cho cá, đặc biệt là
thức ăn cho cá giai đoạn giống, nhiều kết quả nghiên cứu về nhu cầu lipid của cá
đã được công bố và ứng dụng vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
15
Đối với cá biển, nhu cầu các acid béo không no (HUFA) rất cao để đạt
được tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng tối đa (Tocher và ctv, 2003; Xu và ctv,
2006), HUFA đóng vai trò duy trì cấu trúc và chức năng của màng tế bào, tăng
khả năng chịu các stress, giúp phát triển tốt thần kinh thị giác (Kanazawa, 1997).
Cá biển không có khả năng chuyển đổi các acid béo mạch ngắn như:
linolenic acid (18:2n-6) thành các acid béo không no mạch dài (HUFA) do thiếu
một số loại enzyme cần thiết vì thế việc bổ sung các acid béo này vào trong thức

ăn là rất cần thiết.
Tuy nhiên các loài cá biển khác nhau thì có nhu cầu với EPA và DHA
khác nhau như: cá trích Đại Tây Dương chỉ có nhu cầu đối với EPA (Tucker,
1992) còn cá tráp, cá cam thì chỉ có nhu cầu đối với DHA (Wanatabe, 1993).
Rimmer và ctv (1994) cho rằng đối với cá chẽm thì các acid không bão hòa có
một nhu cầu đáng kể trong thức ăn, hàm lượng DHA không làm ảnh hưởng đến
tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng của cá chẽm, trong khi đó EPA mới
là acid béo cần thiết hơn cho loài cá này. Năm 1999a, Sargent lại đề nghị mức
DHA và EPA tối ưu cho cá chẽm phát triển là 2:1, ngoài ra tổng hàm lượng tối
ưu và tỷ lệ của DHA và EPA ở các giai đoạn phát triển khác nhau và các loài
khác nhau thì sẽ khác nhau, sự khác biệt này là do điều kiện môi trường sống, sự
trao đổi chất, sự chuyển hóa khác nhau (Takeuchi, 1997).
Cá biển đòi hỏi hàm lượng HUFA rất cao trong khẩu phần thức ăn (Faulk
& Holt 2003), tổng hàm lượng DHA và EPA được đề nghị từ 8-12g/kg trong
thức ăn khô của cá giò (Trích Chou và ctv, 2001). Tỷ lệ EPA/DHA trong thức ăn
không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống cũng như tốc độ tăng trưởng của cá giò giai đoạn
giống (Ding và ctv, 2008).
Nghiên cứu của Liu và cộng sự (2009) khi nghiên cứu về lipid, cholesterol
và các acid béo trong thành phần của cá giò nuôi thương phẩm tại Trung Quốc,
tác giả đã chỉ ra rằng hàm lượng lipid trong cá giò nuôi tại Trung Quốc rất cao
(trên 82%), trong đó hàm lượng cholesterol và phospholipids trong thịt cá rất
thấp. Mười tám loại acid béo được tìm thấy trong cơ thịt cá giò, đó là các acid
béo no: Myristic (C 14:0), palmitic (C16:0) và các acid béo không no: Stearic
(C18:0); palmitoleic (C16:1n-7) và oleic acid (C18:1n-9). Trong đó n-3 và n-6
16
chiếm khoảng 12-18% và 2.6-3.2% tổng hàm lượng acid béo, tỷ lệ n-3/n-6 là
0.18-0.22, giá trị này thấp hơn nhiều so với báo cáo của WHO/FAO (5:1), chính
vì thế Su cho rằng lipid trong cơ thể cá giò được nuôi ở Trung Quốc có giá trị
dinh dưỡng rất cao.
1.4.1.3Nhu cầu về tỷ lệ protein/lipid của cá

Craig và ctv (2006) khi thí nghiệm các tổ hợp thức ăn (2 x 3) với 2 mức
protein (40% và 50%) và 3 mức lipid (6, 12 và 18%lipid) (trọng lượng ban đầu
của cá là 49,3g/cá) trong khẩu phần thức ăn cho cá giò, kết quả cho thấy tốc độ
tăng trưởng tương đối của cá không bị tác động bởi các mức protein: WG là
333%(50%CP) và 335%(40%CP)(P>0,05), tuy nhiên chúng lại chịu sự tác động
của lipid (P<0,05), với mức lipid 18%, cá có tốc độ tăng trưởng tương đối thấp
nhất (293%). FCR không chịu sự tác động của các mức protein và lipid, dao
động trong khoảng 0,46 đến 0,51.
Tuy nhiên cũng tác giả này khi nghiên cứu với nhóm cá nhỏ hơn (7,4g)
với 2 mức protein và 3 mức lipid tương tự như trên cho thấy: tốc độ tăng trưởng
của cá không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức thức ăn
(P<0,05). Lipid trong cơ và gan đều chịu ảnh hưởng bởi hàm lượng lipid trong
thức ăn, hàm lượng protein trong cơ thịt cá bị tác động bởi hàm lượng protein
trong thức ăn trong khi hàm lượng protein trong gan chịu sự tác động của cả
protein và lipid trong thức ăn. Hàm lượng lipid và protein trong thức ăn không
ảnh hưởng đến hàm lượng tro của cá.
1.4.1.4 Nhu cầu vitamin cho cá
1.4.1.4.1 Vitamin C và nhu cầu vitamin C của cá
Vitamin C thuộc nhóm vitamin tan trong nước, không bền với nhiệt trong
khi thức ăn chế biến cho thủy sản thường phải thông qua quá trình gia nhiệt và
cho ăn trong môi trường nước, chức năng chính của nhóm này là coenzime trong
quá trình trao đổi chất của tế bào. Trong những nghiên cứu về thức ăn cho nuôi
trồng thủy sản, vitamin C được nghiên cứu và xác định là thành phần rất quan
trọng cho động vật thủy sinh (Merchie, 1997) bởi vì trong khi các động vật khác
có khả năng tổng hợp vitamin C từ glucuronic acid thì cá và giáp xác lại thiếu
enzim gulonolactone oxidase cần thiết cho bước cuối cùng của quá trình tổng
17
hợp (Dabrowki, 2001), chính vì thế mà vitamin C của động vật thủy sinh được
hấp thụ chủ yếu từ thức ăn. Theo Viện nghiên cứu Thủy sản quốc gia Mỹ (1993)
hàm lượng vitamin C cần thiết cho cá giống dao động trong khoảng từ 25-

50mg/kg thức ăn. Thiếu vitamin C trong thức ăn sẽ dẫn tới bệnh lý như vẹo cột
sống ở cá, giảm sức đề kháng, chính vì thế mà ở giai đoạn ấu trùng và giai đoạn
giống cần bổ sung đầy đủ hàm lượng vitamin C cần thiết để tăng cường sức đề
kháng và tốc độ tăng trưởng cho vật nuôi.
Trong quá trình sản xuất thức ăn cho động vật thuỷ sản, thức ăn thường
được ép đùn trong điều kiện độ ẩm và nhiệt độ lên đến 25% và 150
0
C. Ngoài ra
sau khi ép thức ăn thường được sấy ở nhiệt độ 40
0
C khoảng 10-12 giờ, điều này
làm cho lượng vitamin C trong thức ăn bị thất thoát rất nhiều. Để giảm khả năng
hòa tan trong nước của vitamin C người ta sử dụng ethylcellulose để bao lấy các
hạt vitamin C (vitamin C dạng áo-dạng này dễ chuyển hóa thành vitamin C tinh
cho cá hấp thu dễ dàng). Ngoài ra người ta có thể sử dụng dầu để bao lấy hạt
vitamin C hoặc một số chất màng có chứa vitamin C. Lớp dầu sẽ ngăn thấm nước
và hoạt động của oxy trong suốt quá trình chế biến và bảo quản (người ta thường
dùng dầu đậu nành để sử dụng trong quá trình áo vitamin C-dễ hấp thu), trong đó
vitamin C dạng áo có hàm lượng vitamin C hoạt tính cao từ 80-90% và có thể lưu
trữ trong vài tháng mà không bị oxy hóa. Năm 1987, Soliman và ctv cho biết với
L-ascorbyl 2-Sulfat, sau khi chế biến, hàm lượng vitamin C chỉ mất đi từ 4-28%,
dạng L-ascobyl 2-polyphosphate chỉ mất đi 5-17%. Gần đây người ta có bổ sung
thêm dạng muối Na hay Mg cùng với sulphate hay phosphate để giảm tan và
chống oxy hóa. Hàm lượng vitamin C mất đi khoảng 10-20% sau chế biến và
30% sau bảo quản 20 tháng, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy vitamin C kết
hợp với phosphate thì cá dễ hấp thu và có tác dụng tốt.
Vitamin C có vai trò rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất tạo thành
collagen, có nghĩa là chúng tham gia vào quá trình sinh trưởng và phát triển.
Collagen chứa đựng 12% Prolineva, 9% Hydroxyproline, cả hai chất này có
nhiệm vụ nối các phần trong cơ và vitamin C có chức năng trợ giúp men

catalized hydroxilations của proline và lysine trong tổng hợp collagen. Vì thế khi
thiếu vitamin C, collagen mới được hình thành không được hydroxyl hóa, không
18
tạo được xoắn 3, độ bền kém do đó dễ bị thương tổn, thành mạch cương dễ vỡ
gây xuất huyết ở cá.
Thức ăn có chứa hàm lượng vitamin C cao được đề xuất là có lợi ích cho
việc giảm sốc cho cá (Hardie và ctv, 1991), mức độ vitamin C bổ sung vào thức ăn
cho cá thì tùy vào loại vitamin C, loài cá, giai đoạn phát triển, kích cỡ và tuổi của
chúng. Nhu cầu tối đa của vitamin C tốt cho sự tăng trưởng và phát triển của đại đa
số các loài cá dao động trong khoảng 10-122mg/kg. Phần lớn là trong phạm vi từ
10-50mg/kg thức ăn là mức thích hợp cho sự tăng trường và phát triển bình thường
của xương, nhưng mức 400mg/kg cũng được xem là nhu cầu tối đa giúp lành vết
thương của cá hồi Oncorhunchus kitsch (Halver J.E., Ashley L.M và Smith
R.R,1969). Bên cạnh đó Lim và Lovell (1978) khi nghiên cứu nhu cầu của cá
Nheo đối với vitamin C đã kết luận rằng: với khẩu phần thức ăn chứa 30mg
vitamin C/kg là hàm lượng đầy đủ và có lợi cho cơ thể và sự tạo xương, với 60mg
vitamin C /kg thức ăn được xem là nhu cầu ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin C và
chữa lành vết thương. Cá Nheo 2-7g, nhu cầu tối đa có lợi cho cơ thể là 50mg
vitamin C /kg thức ăn, trong khi đó đối với cá có khối lượng từ 14 đến 100g, nhu
cầu 25mg vitamin C/kg là đủ (Andrew J.W và Murai T.,1975). Li và Lovell (1985)
cũng chứng minh rằng ở cá Nheo, nhu cầu Vitamin C trong khẩu phần ăn sẽ giảm
khi kích cỡ cá tăng. Nhu cầu của cá có khối lượng 10-150g là 30mg/kg, trong khi
cá 3-19g là 60mg/kg. Đối với cá basa việc bổ sung vitamin C vào thức ăn sẽ nâng
cao sức đề kháng cho cá nuôi, mức sử dụng để bổ sung từ 0,2-0,5%. Thức ăn tự
nhiên như phiêu sinh động vật và thực vật rất giàu vitamin C.
Khi cá nuôi bị thiếu vitamin C thường thể hiện một số dấu hiệu như: các
dạng dị tật xương sống, tật ưỡn lưng và hiện tượng xuất huyết ở gốc vây, ở xung
quang miệng và mắt của cá, màu sắc cơ thể chuyển sang màu đen tối. Cá bị bệnh
cũng giảm sinh trưởng và khả năng chống chịu sốc và sự xâm nhập của tác nhân
gây bệnh. Trên cá nuôi, đã có rất nhiều các thông báo khác nhau về bệnh thiếu

vitamin ở cá: Dabrowksi và ctv,1988 đã phát hiện bệnh ưỡn lưng của cá chép
(Cyprinus carpio); Coustans và ctv, 1990 đã phát hiện bệnh ưỡn lưng ở cá bơn
(Scophthalmus maxinnus); Lin (1991) đã phát hiện bệnh xuất huyết vây và mắt
cá trắm cỏ do thiếu vitamin C. Gần đây, một số tác giả đã phát hiện bệnh thiếu
19
vitamin C ở loài cá mú (Cromileptes altivelis) nuôi ở Indonesia, sau một thời
gian cho ăn thức ăn tổng hợp không có bổ sung vitamin C, cá bị bệnh có sự biến
dạng của cột sống làm cá có dấu hiệu ưỡn lưng, bụng cá hóp lại, bệnh này có thể
gây chết rải rác (Isti Koesharyani và ctv, 2001).
Đối với các loài cá nuôi, nhu cầu vitamin cũng khác nhau tùy theo loài: Cá
rô phi xanh (Tilapia aurea) cần 50mg loại có vỏ bao/kg thức ăn; Cá chép
(Cyprinus capio) cần 45 mg loại có vỏ bao/kg thức ăn; Cá rô phi lai (Tilapia
nilotica) cần 79 mg loại Ascorbyl Monophosphate /kg thức ăn. Nhu cầu vitamin
C ở cá chẽm là 700mg/kg thức ăn khô, cá thơm cần 300mg/kg, cá nheo cần
60mg/kg và cá trống cần 60-75mg/kg, cá cam mức đòi hỏi là 122mg/kg thức ăn
khô (Lê Anh Tuấn, 2008).
1.4.1.4.2. Vitamin E và nhu cầu vitamin E của cá
Vitamin E có tên hóa học là tocophenol. Vitamin E có một số dạng khác
nhau trong đó dạng α-tocophenol là dạng có chứa hàm lượng vitamin E hoạt tính
cao nhất. Một trong những hoạt tính sinh học của vitamin E là ngăn cản quá trình
oxy hóa chất béo cao phân tử không no (HUFA) của lipid trong màng tế bào sinh
học. Vitamin E có vai trò trong quá trình tổng hợp và hoạt động của các hormone
sinh dục. Nhu cầu vitamin E tăng khi hàm lượng PUFA trong thức ăn cao. Nhu
cầu vitamin E ở cá khoảng 30-100 mg/kg và ở tôm là 100 mg/kg thức ăn.
Dấu hiệu khi thiếu vitamin E ở cá là giảm sinh trưởng, tỉ lệ chết cao thoái
hóa cơ, tích mỡ trong gan…Đối với cá chép hệ số thành thục cũng được cải thiện
khi thức ăn có bổ sung đầy đủ vitamin E. Vitamin E rất dễ phân hủy qua quá
trình chế biến và bảo quản, đặc biệt là ở các nước vùng nhiệt đới. Vì vậy dạng
vitamin E thường được sử dụng bổ sung vào thức ăn cho tôm cá là  -
tocophenol acetace.

Hàm lượng vitamin E 30mg/kg trong khẩu phần thức ăn được cho là cần
thiết cho quá trình tăng trưởng và phát triển, đồng thời ngăn chặn được sự thiếu
hụt dinh dưỡng cho cá hồi Bắc Mỹ, cá basa và cá hồi đốm đen (Cowey và ctv,
1981; Hung và ctv 1981; Moccia và ctv, 1984); đối với cá chép nhu cầu này là
100mg/kg (Watanabe, 1970).

×