Tải bản đầy đủ (.doc) (15 trang)

Một vài suy nghĩ góp phần dạy tốt về Xuân Diệu trong chương trình Ngữ văn 11

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (191.86 KB, 15 trang )


BỐ CỤC
Phần 1: Mục đích, lí do chọn đề tài
Phần 2: Phương pháp nghiên cứu.
Phần 3: Nội dung trình bày
Phần 4: Kết luận
1
Phần 1: Mục đích, lí do chọn đề tài
Bài giảng về xuân diêu trong chương trình ngữ văn lớp 11 gồm
có bài học về tác gia Xuân Diệu và văn bản Vội vàng.Để giúp cho
việc dạy tốt những vấn đề thuộc về phong cách tác giả xuân diệu,
chúng tôi xin trình bày một số vấn đề cơ bản sau đây:
- Vai trò của cái tôi đối với quá trình sáng tác thơ Xuân Diệu trước năm
1945.
- Những cách tân nghệ thuật về thiên nhiên trong Thơ thơ và “Gửi
hương cho gió”.
- Đặc điểm thời gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu trước cách mạng
tháng 8 (Có so sánh với các tác giả khác thuộc trào lưu phong trào thơ
mới)
- Quan niệm sống và triết lí thời gian của Xuân Diệu qua 4 câu thơ nổi
tiếng trong bài Giục giã
Phần 2: Phương pháp nghiên cứu.
.1 Phương pháp hệ thống
.2 Phương pháp thống kê.
3 Phương pháp so sánh
.4 Các phương pháp hỗ trợ khác.
2
Phần 3: Nội dung trình bày
1. Vai trò của cái tôi đối với quá trình sáng tác
thơ Xuân Diệu trước 1945.
Cái tôi trữ tình là sự thể hiện con người của nhà thơ. Thơ ca muôn


đời vẫn là sự bộc lộ cảm xúc của người cầm bút. Tuy nhiên ở mỗi thời
kì , mỗi trào lưu sáng tác lại có sự khám phá, phản ánh khác nhau về cái
tôi sáng tạo.
Trong thời kì trung đại cái tôi mờ nhạt, chủ thể ẩn do ảnh hưởng
chi phối bởi quan niệm “thi ngôn chí” “văn dĩ tải đạo”, nên đã lấn át bản
ngã thi ca. Thời trung đại là “vô ngã”, “phi ngã”, các nhà thơ như
Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ đã có lúc “loé” lên cái
tôi cá nhân nhưng dù sao vẫn là nằm trong quy luật của một thời kì văn
học.
Đến thời kì hiện đại do ảnh hưởng của văn hoá phương Tây cho
nên thơ Việt Nam đã bước vào thời kì hiện đại hoá “Đã đến lúc chúng ta
không thể vui cái vui ngày trước buồn cái buồn ngày trước” (Hoài
Thanh), sự xuất hiện của Tản Đà và các nhà thơ mới đã khẳng định sự
xuất hiện của cái tôi cá nhân (individu). Chưa bao giờ, cái tôi là tâm điểm
như bây giờ, nó là tâm điểm của sáng tạo.
Xuân Diệu, (1916-1985) là người phát ngôn đầy đủ nhất cho tư
tưởng cái tôi thơ mới, vai trò của cái tôi đã chi phối và quyết định cho
toàn bộ sáng tác thơ Xuân Diệu trước 1945.
Với Xuân Diệu cái tôi cá nhân không sầu mộng, triền miên tìm đến
bồng lai, Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai lùa ai nấy về hạ giới. Với ông, cái
tôi ý thức sâu sắc, mới mẻ hơn, lần đầu tiên những tâm tư thầm kín, khao
khát hưởng thụ hương hoa thơm quả ngọt của trần thế, ông mới hơn Huy
Thông, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.
3
Xuân Diệu được chào đón nồng nhiệt, cái tôi ấy làm lu mờ nhiều
tên tuổi trước đó, Xuân Diệu mới nhất trong số các nhà thơ mới. Trước
Xuân Diệu không thiếu những cá nhân khẳng định chủ thể, bản lĩnh,
nhưng phải đến Xuân Diệu thì cái tôi mới đẩy lên đến điểm đỉnh. Trong

thơ Xuân Diệu, tràn ngập chữ tôi, là chủ ngữ đứng đầu câu thơ, cái tôi
phô diễn hết sức đa dạng:
- Tôi là con chim đến từ núi lạ
- Tôi là con nai bị chiều giăng lưới
- Tôi là một kẻ điên cuồng
- Tôi khờ khạo quá ngu ngơ quá.
Cái tôi được Xuân Diệu đẩy lên ở vị trí cao nhất, có thể xưng “ta”
trong một bản ngã đầy quyền uy.
“Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
Các nhà thơ khác cũng xưng “ta” như Vũ Hoàng Chương là chữ ta
phiêu bạt, còn Thế Lữ là chữ “ta” xa cách lạnh lùng, và Chế Lan Viên là
chữ “ta” trang trọng. Với Xuân Diệu ta chính là tôi: ta là một là riêng là
thứ nhất.
Vai trò của cái tôi chi phối hết sức quan trọng đến sáng tác của
Xuân Diệu. Cái tôi là tâm điểm nghệ thuật, nó vừa quyết định chỗ đứng,
điểm nhìn trước cuộc đời, vừa thể hiện quan niệm sáng tác của Xuân
Diệu. Xuân Diệu là người chủ trương sống hưởng thụ, sống gấp gáp,
Xuân Diệu là nhà thơ trần gian ham sống, ham yêu. Tình yêu của Xuân
Diệu vừa có ý niệm con người trần tục lại vừa mang ý tưởng thánh thiện,
huyền ảo. Sự kết hợp cái trần tục và khát vọng ấy đã khiến cho Xuân
Diệu trở thành ông hoàng thơ tình.
“Nếu tôi có làm tiên thì chỉ làm một hai ngày tôi sẽ rủ tiên ông,
tiên bà xuống trần gian để phạm tội”. Xuân Diệu yêu hết mình, cảm thấy
bất lực với thời gian. Xuân Diệu yêu đời tột cùng say đắm nhưng cũng có
lúc bơ vơ, tuyệt vọng: Cơm áo không đùa với khách thơ. Xuất thân từ
Bình Định nhưng thơ Xuân Diệu không tìm màu siêu thoát, ảo giác, ông
tìm cái đẹp ở ngay cuộc sống trần gian, đời thường. Cái tôi đồng nghĩa
với quan niệm sáng tác, ông có đầy đủ phát ngôn từ Thơ thơ quan điểm
riêng của mình về cái đẹp.
“Là thi sĩ nghĩa là ru với gió

4
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để tâm hồn ràng buộc với muôn dây”.
Tóm lại: Những quan niệm mới mẻ, tích cực về cái tôi, cái bản ngã
trên đây của Xuân Diệu đã quyết định chỗ đứng và điểm nhìn của nhà
thơ trước cuộc đời. Quan niệm về cái tôi và ý thức về sự tồn tại cá nhân
không chỉ quyết định chỗ đứng và điểm nhìn của nhà thơ trước cuộc đời
mà còn chi phối đến hệ thống quan niệm nghệ thuật của Xuân Diệu.
2: Những cách tân nghệ thuật về thiên nhiên
trong “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”.
Đọc thơ Xuân Diệu trước năm 1945 chúng ta nhất trí đó là thơ cách
tân hiện đại, thơ của một trí thức Tây học, bên cạnh những ảnh hưởng từ
tinh hoa thơ Đường, thơ dân tộc truyền thống, Xuân Diệu là nhà cách tân
nghệ thuật bậc nhất của thơ mới.
Điều này được thể hiện qua hình ảnh thiên nhiên trong hai tập
“Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”.
Thiên nhiên là cảm xúc vô tận của thi ca. Nhưng trong thơ truyền
thống, thiên nhiên chỉ hiện lên bằng hình ảnh tĩnh tại. Trong thơ hiện đại
từ đầu thế kỷ XX trở đi nhất là phong trào thơ mới 1932 – 1942, thiên
nhiên thật sự là tâm trạng, là cảm xúc của thi nhân. Thơ mới và nhất là
Xuân Diệu đã tạo nên những bức tranh thiên nhiên đẹp, dù vui hay buồn
nhưng bao giờ cũng nhuốm đầy tâm trạng và màu sắc cá thể hoá rõ rệt.
Hai tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu qua hình ảnh
thiên nhiên đã mang đến một thế giới tâm hồn và khả năng cảm thụ riêng
của Xuân Diệu.
Xuân Diệu là nhà thơ yêu thiên nhiên tha thiết , là nhà thơ “say
đắm cảnh trời” với tuyên ngôn say đắm bắt nguồn từ thiên nhiên:
“Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
“Không có cánh nhưng vẫn thèm bay bổng

Đi trong sân mà nhớ chuyện trên trời
Trút ngàn năm trong một phút chơi vơi
5
Ngắm phong cảnh giữa hai bề lá cỏ”
(Cảm xúc)
Trong nền cảm xúc lãng mạn và hiện đại của thơ mới khi viết về mùa
xuân, Xuân Diệu có một lối cách tân táo bạo, bất ngờ với “Nụ cười xuân”,
“Xuân đầu”, “Xuân rụng”, ông đã tạo ra vẻ tươi tắn về màu sắc, rộn rã về
âm thanh, hài hoà và tình tứ như một nụ cười duyên: “cánh hồng kết những
nụ cười tươi” (Nụ cười Xuân). Mùa xuân chính là ý xuân để so với lòng
mình, xuân của Xuân Diệu đồng nghĩa với lòng người, với tình cảm tươi trẻ:
“Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”
(Nguyên Đán)
Mùa xuân là hình ảnh gắn với những rung động đầu đời của tình
yêu tuổi trẻ:
“Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
(Vội Vàng)
Sự cách tân táo baọ của Xuân Diệu còn thể hiện trong cảm xúc khi
viết về mùa thu. Thu của Xuân Diệu gắn với mùa của tình ái, tình yêu,
ông gọi là mùa yêu. Trong thơ Xuân Diệu ta vẫn gặp những nét thu
truyền thống, nhưng có lẽ tạo ra màu sắc đau thương như “Đây mùa thu
tới” thì chỉ có ở Xuân Diệu:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt là vàng”
(Đây mùa thu tới)
Cảm xúc cô đơn, đau thương để khát khao được ấm lạnh, được kết

đôi, thành đôi, để bớt bơ vơ cô độc chính là gương mặt mùa thu của Xuân
Diệu.
Cùng với thu là trăng, một đề tài truyền thống nhưng Xuân Diệu
nhìn trăng như một “nàng” một biểu tượng của cái đẹp, là nguồn cảm
hứng sáng tạo bất tận của thi nhân:
“Trăng vú mộng muôn đời thi sĩ
Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy”.
6
(Ca Tụng)
Trong thơ mới, nhiều thi sĩ viết rất hay về trăng, như Hàn Mặc
Tử .Nhưng chỉ có ở Xuân Diệu mới có đầy đủ một thế giới trăng với đủ
mọi hình hài, dáng vẻ và mọi trạng thái cảm xúc: Trăng ngà, trăng ngần,
trăng vàng, trăng sáng, trăng xa, trăng rộng, trăng mộng, trăng vú
mộng, trăng hoa vàng, trăng điã ngọc, trăng ngẩn ngơ, trăng đẹp, trăng
thánh thót, trăng thâu, trăng tàn, trăng thương, trăng nhớ…
Thiên nhiên chiếm tỉ lệ lớn trong hai tập “Thơ thơ” và “Gửi
hương cho gió”. Ở “Thơ thơ” có 18/47 bài, ở “Gửi hương cho gió” có
17/57 bài viết về thiên nhiên. Ngoài những hình tượng lớn đã nói ở trên,
Xuân Diệu còn có rất nhiều những sáng tạo cách tân về hoa, hương, cây,
lá, gió, sương, mưa…
“Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu
Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì”
Cách khám phá của Xuân Diệu rất mới, kiểu “lai Tây” hết mình
như là:
“Gió vừa chạy vừa rên vừa tắt thở”
“Gió canh khuya hay nghìn ngón tay ôm”
“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời ”
“Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya”.
Xuân Diệu có cảm giác đặc biệt tinh tế, giao cảm, tương giao, thiên
nhiên ở đây chính là con người trần gian ở những điểm mút của xúc cảm

vĩnh viễn.
Điều đáng chú ý nhất là: Là một tâm hồn khao khát tình yêu nên
Xuân Diệu luôn tiếp cận thiên nhiên qua lăng kính ái ân. Nhà thơ thường
mang cái cảm xúc trẻ trung, sôi nổi của tâm hồn mình trải lên cảnh vật.
Ông nhìn thấy trong sắc nắng mùa xuân những hồi hộp xao xuyến của
tình yêu ngây thơ, non trẻ.
“Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao
Cây vàng rung nắng lá xôn xao
Gió thơm phơ phất bay vô ý
Đem đụng cành mai sát nhánh đào”.
(Nụ cười xuân)
Chỉ có Xuân Diệu mới có cái nhìn trần thế.
7
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Với Xuân Diệu, thiên nhiên đã trở thành nguồn ân ái, một kho tài
sản vô tận để con người tìm đến và thoả mãn những cảm xúc yêu đương.
Là một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, Xuân Diệu đã cảm nhận thiên
nhiên bằng nhiều các giác quan thân thể, các vị giác, xúc giác, khứu
giác… được ông vận dụng rất tài tình:
- Những luồng run rẩy rung rinh lá
- Linh lung bóng sáng bỗng rung mình
- Đàn ghê như nước lạnh trời ơi.
Do ảnh hưởng của thuyết tương giao cho nên thơ Xuân Diệu có sự
hô ứng giữa sự vật và con người, nhưng ông xử lí một cách sáng tạo để
có những câu thơ sực nức hương vị, đạm đà màu sắc, dìu dặt âm thanh:
“Này lắng nghe em khúc nhạc hường
Dẫn vào thế giới của du dương
Ngừng hơi thở lại nghe trong ấy
Hiển hiện hoa và phảng phất hương
(Huyền Diệu)

Có thể nói: “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” là một thế giới
thiên nhiên riêng của Xuân Diệu, một “hành tinh” của Xuân Diệu, là hình
thái của tư duy thơ hiện đại, giúp ta hiểu thêm về thi sĩ mới nhất trong các
nhà thơ mới.
3. Đặc điểm thời gian nghệ thuật trong thơ
Xuân Diệu trước 1945.
Với thơ, thời gian nghệ thuật gắn liền với nguồn cảm hứng sáng
tạo của thi nhân bởi hình tượng thơ là hình tượng của cảm xúc.
Trước đây, Nguyễn Du nhìn thời gian “Sen tàn, cúc lại nở hoa”, Tản
Đà “Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê”… Đến Xuân Diệu và thơ mới,
thời gian không còn quan niệm theo thời gian của cõi thiên thu bất biến
nữa mà đó là thời gian tâm trạng, thời gian theo tốc độ một đi không trở
lại. Có thể thấy quan niệm rất mới mẻ này về thời gian nghệ thuật qua 2
tập thơ của Xuân Diệu trước 1945 và ngay cả với phong trào thơ mới lúc
8
bấy giờ, thời gian trong thơ của Xuân Diệu cũng có những điểm mới
riêng biệt và độc đáo.
Trước hết, cần phân biệt hai phạm trù thời gian khác nhau trong thơ
Xuân Diệu: Thứ nhất, là quan niệm về thời gian như một bộ phận quan
trọng cấu thành hệ thống quan điểm về vũ trụ, nhân sinh của nhà thơ. Thứ
hai, phạm trù thời gian đã được xử lí như một yếu tố hình thức để kiến
tạo nên tác phẩm.
Xuân Diệu nhạy cảm và tâm đắc với phạm trù “Không – Thời
gian”, ông đàm đạo trực tiếp về thời gian, đồng thời qua đó khái quát
thành những tư tưởng mang ý nghĩa triết học: Đó là các bài: “Thời gian”,
“Gió tàn”, “Hết ngày hết tháng”… Cái cốt lõi của các bài thơ trên là quan
niệm về một dòng thời gian – dòng đời – luôn chuyển động và thay đổi
không ngừng. Có thể coi bài “Thời gian” là phát ngôn cho cảm thức thời
gian của Xuân Diệu.
“Dưới thuyền nước trôi

Trên nước thuyền chuồi
Và nước và thuyền
Xuôi dòng đi xuôi”.
Xuân Diệu luôn nhìn thấy sự đối lập nghiệt ngã giữa thời gian vô
tận của vũ trụ và thời gian quá ngắn ngủi của kiếp người, ông sáng tạo
hình ảnh “ngọn gió thời gian” với chuyển động tàn nhẫn, sức tàn phá
“khô héo”, “rụng rời”.
“Và giữa vườn im hoa run, sợ hãi
Bao nỗi phôi pha, khô héo, rụng rời”.
(Tiếng gió)
Càng yêu cuộc sống tha thiết, Xuân Diệu càng thấy nhịp thời gian
trôi chóng mặt, chưa có nhà thơ nào luyến tiếc thời gian đến xót xa như
Xuân Diệu: Thời gian cứ thế mà “đi”, “cứ thế mà bay” “những ngày,
những tháng”… Vì vậy trong niềm say sưa bồng bột trước cuộc đời, tình
yêu, sự hiện hữu của thời gian khiến ông chưa bao giờ bình thản: “Mau
với chứ vội vàng lên với chứ”, “gấp đi em anh rất sợ ngày mai”, hơn thế
nữa có lúc nó trở thành nỗi kinh hoàng: “Hết ngày, hết tháng, hết! Em ơi
– Kinh hãi không gian quặn tiếng còi” (Hết ngày hết tháng)
9
Đọc “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” dễ nhận ra một Xuân Diệu
đang cô đơn chống lại sự tàn phá của thời gian. Các thi sĩ phương Đông
quan niệm về thời gian rất bình thản, ung dung vì thời gian với họ là chu
kì, tuần hoàn như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến:
“Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái”.
Tư tưởng Lão Trang đã giúp họ có một thái độ an nhiên tự tại với
thời gian.
Ngay trong quan niệm truyền thống, người Việt Nam
cũng “Đi đâu mà vội mà vàng”. Cùng thời với Xuân Diệu, có Nguyễn
Bính, quan niệm thời gian của thi sĩ chân quê này cũng khác với Xuân
Diệu: không vội vàng; thời gian thủng thẳng tính bằng tâm lí “chừng dập

miếng trầu:
Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em chừng giập miếng trầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng chung một ngõ vội vàng chi anh”.
(Nguyễn Bính)
Xuân Diệu sống bằng tốc độ vội vàng, chạy đua để tận hưởng gấp
gáp lạc thú trần gian, tức tình yêu và tuổi trẻ, Xuân Diệu triết lí về một lối
sống giục giã, vội vàng:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”
Xuân Diệu chạy đua cùng tốc độ chóng mặt của thời gian, nhưng
chỉ là ảo tưởng, ông ý thức sâu sắc nỗi đau và sự ám ảnh bởi thời gian:
“Thời gian rót từng giọt buồn tê héo
Sự sống đi như hương bỏ hoa chiều”.
(Thanh niên)
Xuyên suốt thơ Xuân Diệu trước 1945 là ngọn gió thời gian, chất
xúc tác kì diệu, tạo nên nồng độ đắm đuối mà chỉ có tâm hồn nuối tiếc
từng giọt thời gian như ông mới có được. Xuân Diệu là người duy nhất
trong phong trào thơ mới đề xuất thời gian với tư cách là phạm trù triết
học trong thơ.
Tuy nhiên, tìm hiểu thời gian nghệ thuật cần khám phá thơ Xuân
Diệu ở cả hai phía: Nội dung cảm hứng và hình thức nghệ thuật. Vì vâỵ,
sự tiếp cận thời gian nghệ thuật từ phía nội dung cảm hứng là cần thiết
10
bởi từ đó chúng ta có thể đi vào tìm hiểu thế giới thời gian trong thơ ông
với tư cách là một thao tác thuộc về hình thức nghệ thuật.
Thời gian trong nghệ thuật thường có ba dòng: Quá khứ, hiện tại,
tương lai. Mỗi khuynh hướng nghệ thuật có cách lựa chọn thời gian riêng
biệt.
Phần lớn các nhà thơ lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945

lựa chọn thời gian quá khứ như Thế Lữ, Lưu Trọng Lưu, Chế Lan Viên,
Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên thì Xuân Diệu, nhà thơ mới nhất,
đỉnh cao của thơ lãng mạn lại say sưa với thời gian hiện tại. Xuân Diệu
dù viết về ngày xưa hay ngày sau thì chủ ý vẫn là nói về thời đang sống.
Xuân Diệu luôn tìm cách thuyết phục lối sống cho hôm nay, luôn sợ ngày
mai, không giống Chế Lan Viên thích tìm về quá khứ. Xuân Diệu luôn
nói về ý nghĩa của hiện tại:
“Cần chi biết ngày mai hay bữa trước
Gần hôm nay thì yêu dấu là nên…
Gặp nhau đây ai biếy tự thuở nào
Xa nhau nữa ai đoán ngày tái hội…
“Yêu đi em anh rất sợ ngày mai”.
Và cuối cùng, Xuân Diệu nói về những “Khoảnh khắc” sau khi đi
hết vòng thời gian của năm tháng, cuộc đời, chịu đựng nhiều tổn thương
tinh thần do những “cú xốc” thời gian gây nên. Vì biết cuộc đời đi theo
phút giây nên ông “độc chiếm” những khoảnh khắc: điểm hội tụ của sự
sống, tình yêu: một phút, một giây, một chớp, một thoáng, một chút…
“Thà một phút huy hoàng…”
Gần 30 bài trong hai tập thơ trước 1945 Xuân Diệu đã khai thác
thời gian ở trục hiện tại: “Phải nói”, “Tình trai”, “Vô biên”, “Đây mùa
thu tới”, “Vội vàng”, “Muộn màng”, “Thở than”, “Dại khờ”… Điều
đáng nói nhất là ở Xuân Diệu, khoảnh khắc của tâm trạng đã được kéo
dài ra thành một thứ thời gian tâm linh. Nó đồng nhất cả quá khứ, hiện
tại, tương lai. Đó là một nỗ lực để nhân thời gian sống, một hình thức
chiếm lĩnh và tự chiến thắng thời gian của Xuân Diệu.
11
Xuân Diệu đặc biệt vượt qua thơ truyền thống và các nhà thơ mới
khi ông sáng tạo được hình ảnh thời gian đi trong cảm giác. Nhà thơ Vũ
Quần Phương viết:
“Câu thơ vừa chạm tiếng ve

Nửa chừng nét bút đã nghe lạnh trời”.
Cùng với hệ thống quan niệm và phương thức chiếm lĩnh thời gian
nghệ thuật, khả năng “biểu diễn” bước chuyển thời gian qua cảm xúc đã
góp phần bổ sung và hoàn thiện một hình tượng thời gian độc đáo trong
thơ Xuân Diệu trước 1945.
4. Quan niệm sống và triết lí thời gian của Xuân Diệu
qua 4 câu thơ:
“Hái một mùa hoa lá thuở măng tơ
Đốt muôn nến sánh mặt trời chói lói
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.
(Giục giã)
Sinh thời, Xuân Diệu luôn ám ảnh bởi thời gian qua nhanh. Ông
tiết kiệm từng giây từng phút, ông nhuộm tóc cho “xanh”, “bắt” cô gái trẻ
gọi bằng anh… Nhiều, nhiều những giai thoại nói về Xuân Diệu, nhưng
tất cả đều hướng về một con người mà niềm yêu bất tận, 69 năm, chưa
một ngày thi sĩ sống trong tuổi già.
Bàn về Xuân Diệu và phạm trù thời gian trong thơ ông, quả là một
vấn đề lớn và đa dạng, phong phú. Bài viết nhỏ này chỉ xin nói đôi điều
về quan niệm sống và triết lí thời gian Xuân Diệu trong một khổ thơ 4
câu của bài “Giục giã” nổi tiếng từ trước năm 1945:
“Hái một mùa hoa lá thuở măng tơ
Đốt muôn nến sánh mặt trời chói lói
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.
(Giục giã - Xuân Diệu)
12
Thơ chính là con người, mà tư tưởng bao trùm của mỗi nhà thơ
chính là quan niệm nhân sinh được nói trong thơ. Xuân Diệu là người có
một quan niệm sống đặc biệt, không phải quan niệm sống của Xuân Diệu

bao giờ và lúc nào cũng được dư luận chấp thuật và đồng tình. Hoài
Thanh ngay từ trước 1945 đã chỉ ra trong thơ ông là một nguồn sống dồi
dào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này.
Nhưng sau đó, vào thời cách mạng sau 1945 trở đi, có nhiều ý kiến
đã gọi thơ mới lãng mạn là tiểu tư sản, là thứ “nấm độc, nấm lạ” về tư
tưởng. Họ đã kết tội Xuân Diệu là nhà thơ của lí tưởng cá nhân hưởng
thụ.
Do vậy, câu thơ này được xem là quan niệm sống “hưởng thụ tiêu
cực” của Xuân Diệu, làm “ảnh hưởng đến đời sống cách mạng” nói
chung.
Thực ra, đó là hạn chế của tư tưởng một thời, ấu trĩ, giáo điều.
Những năm sau đó, Xuân Diệu được nhìn nhận khách quan hơn, nhiều
nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đánh giá cao quan niệm sống này của
Xuân Diệu.
Người được xem là tiên phong trong việc phát hiện và định giá về
Xuân Diệu đó là giáo sư Lý Hoài Thu, ngay từ năm 1996, giáo sư đã có
công trình khoa học gây tiếng vang rộng rãi: Thơ Xuân Diệu trước năm
1945, trong đó đặc biệt đánh giá về quan niệm nhân sinh lành mạnh, tích
cực và rất nhân bản này của Xuân Diệu, giáo sư viết:
“ Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
(Giục giã)
Câu thơ vang lên như một sự giải thoát, trút bỏ những quan niệm
sống khắc kỉ, khổ hạnh đang đè nặng lên đời sống tình cảm con người.
Giữa nhịp sống lê thê, lắt lay, buồn tẻ, câu thơ Xuân Diệu đã thổi bùng
lên khát vọng sống, khát vọng hưởng thụ trong mỗi một con người bấy
lâu bị vùi dập bởi những khuôn thước, luân lí xưa” (Lý Hoài Thu – Thơ
Xuân Diệu trước 1945, Nxb Giáo dục 1998, trang 25).
Có thể nói, tác giả Lí Hoài Thu đã mạnh dạn nêu được mệnh đề
sống táo bạo của Xuân Diệu, khát vọng hưởng thụ ở đây là nhân văn, rất

con người, hưởng thụ tình yêu và tuổi trẻ một cách trần thế, thánh thiện
13
chứ không hề dung tục, tầm thường, nhỏ bé. Đây là quan niệm sống “một
phút huy hoàng” tức là sống có khát vọng, sống có ý nghĩa, không sống
“le lói” kiểu tồn tại vật chất, cái mà ông gọi là “ao đời bằng phẳng” trong
“Toả nhị kiều”.
Sống như thế sẽ mãnh liệt, có ích, đó là một cá nhân, một tế bào,
một thực thể xã hội góp vào cơ thể sống của xã hội. Sống như vậy sẽ xa
lạ với lối sống làng xã phương đông giam hãm trong giáo điều. Hoài
Thanh đã có lí khi gọi Xuân Diệu là mới nhất trong số các nhà thơ mới.
Ngày nay, quan niệm này của Xuân Diệu vẫn còn nguyên giá trị
với tuổi trẻ: Đánh thức mỗi người khát vọng sống là cháy sáng, phát sáng,
sống có ý nghĩa, sống được cho mình và cho đời.
Đây là sản phẩm tinh thần của ý thức về cái tôi nhân văn trong thơ
hiện đại.
Bên cạnh quan niệm sống lành mạnh đó, đoạn thơ này trong “Giục
giã” còn triết lí về thời gian:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.
Vấn đề thời gian cũng là một phạm trù mang tính triết lí trong thơ
Xuân Diệu, tuyên ngôn về thời gian chính là quan niệm sống vội vàng,
gấp gáp để chống lại thời gian.
Người xưa quan niệm thời gian là vô tận, chu kì. Thời gian của
Xuân Diệu là một đi không trở lại. Mĩ học trung đại có vấn đề “phi thời
gian”, còn mĩ học của Xuân Diệu là “thời gian trôi nhanh mất đi từng
giây từng phút”.
Bởi vậy trong Giục giã, đúng như nhan đề Xuân Diệu thúc dục tuổi
trẻ hãy sống nhanh lên, khẩn trương lên, sống gấp gáp để tận hưởng lạc
thú tình yêu và tuổi trẻ. Xuân Diệu hái hoa lá măng tơ, hướng về ánh mặt
trời, Xuân Diệu thà sống một phút nhân văn còn hơn cả trăm năm phi

nhân bản. Thời gian ở đây “một phút” chính là khẳng định lối sống thực
dụng, đón trước thời gian.
14
“Giục giã” của Xuân Diệu trong đoạn thơ này chính là hối thúc
mình và mọi người hãy sống khẩn trương cho trọn vẹn niềm vui tuổi trẻ,
cuộc đời, thời gian luôn mất đi, không đợi, chúng ta hãy triệt để tiết kiệm
từng phút giây để có ý nghĩa khi ta được góp mặt nơi cõi sống .
Bài học về quan niệm sống có ý nghĩa và tiết kiệm thời gian của
Xuân Diệu từ trước 1945 thiết nghĩ vẫn còn nguyên giá trị cho mỗi người
chúng ta hôm nay.
Phần 4: Kết luận
Trên đây là một số vấn đề thuộc thi pháp Xuân Diệu có thể giúp cho
việc soạn bài giảng Vội vàng và phần tác giả Xuân Diệu trước năm 1945
tốt hơn
Chúng tôi đã cố gắng đi sâu vào các nội dung trọng tâm mà sách giáo
khoa đã đặt ra để làm tư liệu tham khảo và minh họa cho tác gia Xuân
Diệu - cái tôi mới nhất trong số các nhà thơ mới
Dù đã cố gắng song không thể tránh khỏi những hạn chế.Mong quý
bạn đồng nghiệp thông cảm và chân thành góp ý
Xin trân trọng cảm ơn tác giả Lí Hoài Thu , người đã trực tiếp định
hướng và giúp đỡ cho người viết sáng kiến kinh nghiệm này

XÁC NHẬN
CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
Thanh Hóa, ngày 25 tháng 5 năm 2013
Tôi xin cam đoan đây là sáng kiến kinh
nghiệm của mình viết, không sao chép nội
dung của người khác.
Lê Văn Khải
15

×